20/2/14

Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?

Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?


Hầu hết mọi người, kể cả những “kẻ thù” của Bitcoin, đều phải công nhận Bitcoin là một sản phẩm của trí tuệ đặc biệt thông minh. Bitcoin là gì? Nói nôm na, Bitcoin có thể hiểu là một loại tiền điện tử do một số cá nhân tạo ra, không liên quan đến bất cứ chính phủ nào.

Trên nguyên tắc, ai nếu muốn cũng có thể tạo ra một loại tiền điện tử, vấn đề là nó có được người khác chấp nhận hay không. Trước Bitcoin cũng có nhiều loại tiền điện tử, ngay cả Facebook cũng tạo ra một loại tiền điện tử là Facebook Credits, tuy nhiên đều không thành công. Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên thành công ở góc độ nó hấp dẫn một lượng lớn số người khắp nơi trên thế giới.

Nó hơn gì các loại tiền điện tử khác? Và tại sao nó lại được coi là thông minh? Nếu xem lại khởi thuỷ của ý tưởng này, từ sách trắng của Satoshi Nakamoto(người sáng lập Bitcoin) được đưa lên mạng năm 2008, có thể thấy mục tiêu ban đầu của Satoshi không phải là tạo ra một hệ thống tiền tệ mới thay thế các hệ thống tiền tệ truyền thống (như nhiều đệ tử nhiệt thành của Bitcoin vẫn hay ca tụng). Satoshi chỉ muốn tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ, và không cần đến các định chế tài chính can thiệp vào, và hướng đến các giao dịch online có giá trị nhỏ.

Đứng trên góc độ này, dễ thấy việc chuyển tiền, nhất là chuyển từ nước này sang nước khác, và giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau, khá tốn kém. Các “bên thứ ba” như các ngân hàng, các công ty tín dụng (Visa, Master Card, American Express…) hay các công ty chuyển tiền (như Western Union) đều tính phí cao và mất nhiều thời gian. Một hệ thống như Satoshi đề xuất sẽ làm cho mức phí này giảm đến mức tối thiểu (thậm chí miễn phí) và thời gian chuyển tiền nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, trên nguyên tắc nếu triển khai thành công thì nó là một sự đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Thực ra ý tưởng của Satoshi về hệ thống thanh toán online trực tiếp (không qua các trung gian định chế tài chính) trên thực tế không cần phải tạo ra một loại tiền mới. Nó có thể vận hành với một loại tiền có sẵn (thí dụ USD). Tuy nhiên, Satoshi đã thành lập Bitcoin, và tạo ra một loại tiền mới.

Hệ thống Bitcoin vận hành như thế nào?

Thử tưởng tượng vào thời điểm đầu, khi các lập trình viên đầu tiên của Bitcoin tạo ra hệ thống này, mỗi người có trong tay một số lượng Bitcoin nhất định. Giao dịch đầu tiên của hệ thống này diễn ra giữa Laszlo Hanyecz, một lập trình viên của nhóm, và một tình nguyện viên lập trình ở Anh. Laszlo gửi cho người tình nguyện viên này 10 nghìn Bitcoin qua hệ thống, người tình nguyện viên này sau đó đã mua cho Laszlo 2 chiếc pizza từ tiệm Papa Johns trị giá 25 USD. Như vậy, tại thời điểm khởi nguồn, 400 Bitcoin đổi được 1 USD. Hai chiếc pizza do Laszlo mua hồi năm 2009 nếu tính theo giá trị của Bitcoin tại thời điểm cao nhất lên tới … 12 triệu USD.

Để hệ thống này vận hành, phải có người chuyển tiền, người nhận tiền, và một hệ thống các đầu mối (nodes) với vai trò xác thực giao dịch. Người nhận tiền và người chuyển tiền thì dễ hiểu, nhưng tại sao lại cần người xác thực giao dịch?

Trong một giao dịch tiền tệ thông thường, ngân hàng đóng vai trò trung gian. Ngân hàng khấu trừ tiền trong tài khoản của người gửi và cộng tiền vào tài khoản của người nhận. Trong hệ thống Bitcoin, không có ai đóng vai trò trung gian của ngân hàng.

Vì thế, để xác thực giao dịch, hệ thống Bitcoin phải dựa trên toàn bộ các giao dịch đã được xác thực trên Bitcoin tính từ điểm khởi đầu của hệ thống. Lịch sử đầy đủ của các giao dịch đã được xác thực tại một thời điểm sẽ cho biết chính xác người chuyển Bitcoin có đủ số Bitcoin muốn chuyển hay không. Nhưng việc này cũng chưa đủ.

Lý do là, giả sử Nam muốn chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt để mua một sản phẩm từ Việt (thí dụ một chiếc Ferrari đời mới). Nam sẽ làm một lệnh. Nhưng nếu Nam muốn ăn gian, Nam có thể làm 2 hoặc nhiều lệnh. Nam làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho Việt, và ngay sau đó làm một lệnh chuyển một nghìn Bitcoin cho chính Nam. Hệ thống phải ghi nhận được giao dịch nào là giao dịch được thực hiện trước và ghi nhận giao dịch đó là giao dịch được xác thực. Nhưng vì không có một trung gian duy nhất như ngân hàng đóng vai trò ghi nhận, “hệ thống” đó là gì, và làm thế nào để ghi nhận giao dịch?

Các node (đầu mối) sẽ đóng vai trò này. Hệ thống Bitcoin phải cần rất nhiều node để không có node nào có thể đóng vai trò trung gian như ngân hàng. Lý do là bất kỳ ai cũng có thể trở thành một node chỉ bằng cách mua một dàn máy tính có cấu hình mạnh, tải và chạy chương trình của Bitcoin. Nếu một vài node có thể chi phối hệ thống, các node này sẽ có khả năng can thiệp và giúp cho việc xác thực giao dịch một cách gian lận. Thí dụ, node này có thể xác thực Nam chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin để Việt chuyển hàng cho Nam, sau đó node này lại đảo ngược quy trình và xác nhận Việt chuyển cho Việt một nghìn Bitcoin trước khiến cho lệnh Nam chuyển cho Việt trở nên vô giá trị (và như thế Việt mất một nghìn Bitcoin và bị lừa).

Satoshi Nakamoto nghĩ ra một phương pháp độc đáo tước đi khả năng can thiệp của bất kỳ node nào vào hệ thống. Mỗi khi một lệnh được phát đi, nó phát tới tất cả các node. Mỗi node sẽ tổng hợp tất cả các lệnh gửi trong một khoảng thời gian nhất định thành một khối lệnh (block). Để khối lệnh này được toàn bộ hệ thống Bitcoin công nhận là khối lệnh được xác thực, node này phải giải một bài toán do hệ thống Bitcoin tạo ra. Bài toán này khó đến nỗi nếu một node tự giải nó sẽ mất nhiều năm. Vì có hàng trăm nghìn nodes tham gia giải, thời gian này được giảm xuống còn 10 phút. Khi có một node tìm được lời giải cho bài toán, block đó sẽ được công nhận là đã được xác thực.

Do có hàng trăm nghìn node tham gia giải bài toán, cuộc chơi của họ giống như chơi xổ số với thường là chỉ một người trúng giải (giải được bài toán). Sẽ không có node nào biết được block mà mình tạo ra có được xác thực hay không, vì thế khả năng can thiệp của một node vào hệ thống là gần như bằng không.

Sau khi một block được xác thực, tất cả các lệnh chuyển tiền trong block đó sẽ được xác thực và cập nhật vào lịch sử các giao dịch đã được xác thựcvà các lệnh chuyển tiền sau đó phải dựa trên lịch sử các giao dịch đã được xác thực đã được cập nhật này.

Với một hệ thống vận hành như vậy, Việt sẽ chờ đến khi lệnh chuyển tiền từ Nam được xác thực thì Việt mới biết chắc là Nam mới chuyển tiền cho mình, và mới chuyển hàng cho Nam. Để lừa đảo, Nam sẽ phải can thiệp được vào hệ thống, và đảo ngược lại quy trình trên, một điều bất khả thi trừ phi Nam có một hệ thống máy tính mạnh đến nỗi khả năng tính toán của nó bằng khả năng tính toán của toàn bộ các node khác cộng lại. Tức là Nam phải chiếm tới 50% khả năng tính toán của toàn bộ hệ thống các node của Bitcoin, một điều mà từ trước tới giờ chưa bao giờ xảy ra.

Do đó, động cơ lừa đảo của Nam bị triệt tiêu. Khi Nam chuyển tiền cho Việt, Nam phải thực sự vẫn còn một nghìn Bitcoin và chuyển một nghìn Bitcoin này đi và không bao giờ có hi vọng lấy lại được. Đây là giá trị cốt lõi của giải pháp do Satoshi nghĩ ra.

Và vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Bitcoin được mọi người ca ngợi là một sáng tạo hết sức thông minh. Thế nhưng tại sao lại vô dụng? Để tìm hiểu vấn đề này tôi sẽ quay lại vào một bài viết khác trong thời gian tới.

Source : VOA

Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến «ngắn, gọn» với Nhật

Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến «ngắn, gọn» với Nhật



Nany China Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga - Reuters / China Daily
Nany China Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga - Reuters / China Daily

Trọng Nghĩa - RFI
Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc đã cho thấy rằng nước này đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh ngắn với Nhật Bản nhằm đánh chiếm các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Trên đây là lời báo động của một quan chức tình báo Hải quân Mỹ được nhật báo Washington Times số đề ngày 19/02/2014 tiết lộ.

Phát biểu nhân một hội nghị vào tuần trước tại San Diego (California – Hoa Kỳ), Đại úy Hải quân James Fanell, chỉ huy các hoạt động thông tin - tình báo tại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã xác định trước tiên rằng quy mô các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc vào mùa thu vừa rồi cho thấy là Đài Loan không còn là mục tiêu đánh chiếm quan trọng duy nhất của Bắc Kinh.
Đối với chuyên gia này, cuộc tập trận đổ bộ rầm rộ và kết hợp nhiều quân khu mang tên Nhiệm vụ 2013, chứng tỏ rằng Quân đội Trung Quốc đã được giao phó một nhiệm vụ mới : « Tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và dứt điểm để tiêu diệt lực lượng Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, nối tiếp bằng điều chỉ có thể là đánh chiếm quần đảo Senkaku, thậm chí cả các đảo Nam Ryukyu ».
Đây không phải là lần đầu tiên mà Đại úy Fanell lên tiếng báo động về thái độ càng lúc càng hiếu chiến của Trung Quốc.
Vào năm ngoái, chuyên gia tình báo này từng lưu ý rằng Bắc Kinh đang leo thang trong chủ trương bắt nạt các láng giềng. Còn năm nay, ông cảnh báo rằng an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xấu đi đáng kể, mà tồi tệ nhất là vào tháng 11 năm 2013 với việc Trung Quốc áp đặt một khu vực phòng không trên Biển Hoa Đông.
Cùng lúc, chuyên gia Mỹ ghi nhận là lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động khiêu khích có phối hợp với nhau nhằm hù dọa các quốc gia lân cận, thậm chí cả Mỹ, như đã thấy trong sự cố suýt va chạm nhau ở Biển Đông giữa tàu Mỹ Cowpens và một chiếc tàu đổ bộ tháp tùng theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh.
Chuyên gia Mỹ không ngần ngại tố cáo điều được ông gọi là « chủ nghĩa bành trướng » của Trung Quốc trong toàn vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông vào năm ngoái, được tiến hành theo kiểu vừa đấm vừa xoa : « Tàu tuần duyên Trung Quốc đóng vai kẻ xấu, đi sách nhiễu các láng giềng của Trung Quốc, trong khi tàu hải quân Trung Quốc, kẻ bảo vệ cho lực lượng tuần duyên đó, thì thực hiện những chuyến ghé cảng trong khắp khu vực để hứa hẹn hữu nghị và hợp tác ».
Về chiến lược lâu dài của Trung Quốc, Đại úy Fanell nhắc lại rằng Tướng Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing 1916-2011), người được coi là cha đẻ của Hải quân Trung Quốc, vào năm 1983, đã phác thảo ra lộ trình đưa Bắc Kinh lên nắm quyền bá chủ trong lãnh vực hải quân.
Theo lộ trình này, năm 2010, Trung Quốc sẽ giành được ưu thế hải quân bên trong cái được họ gọi là « chuỗi đảo đầu tiên », tức là vùng hải phận gần bờ biển Trung Quốc. Đến năm 2020, uy lực Trung Quốc sẽ mở rộng để kiểm soát vùng biển xung quanh « chuỗi đảo thứ hai » nằm cách Trung Quốc hàng trăm hải lý. Và đến năm 2040, tướng Lưu Hoa Thanh cho rằng « Trung Quốc sẽ đủ sức ngăn chặn thế thống trị của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ».
Nhận xét của ông Fanell khá bi quan : « Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang tiến nhanh hơn lịch trình dự kiến ».
Theo Washington Times, Tướng Trung Quốc Lưu Hoa Thanh từng được biết đến trong tư cách người chỉ huy lực lượng đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình không vũ trang trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Riêng đối với Việt Nam, nhân vật này là kẻ đã thiết kế cuộc tấn công hải quân đã giết chết 70 thủy thủ Việt Nam ở khu vực đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) tại vùng Trường Sa vào năm 1988.

Source : RFI

Vì sao TQ muốn quên cuộc chiến 1979?

Vì sao TQ muốn quên cuộc chiến 1979?

BBC     -     Cập nhật: 06:36 GMT - thứ năm, 20 tháng 2, 2014
Trung Quốc vẫn xem cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam là một 'chiến thắng'
Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, BBC đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viên Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là 'chiến tranh tự vệ' mà Trung Quốc đã 'chiến thắng'.

Giáo sư Carl Thayer:
 Căng thẳng dọc biên giới Việt-Trung đã bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.BBC: Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích "dạy cho Việt Nam một bài học", và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam?
Bắc Kinh đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.
Đặng Tiểu Bình đã có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ.
Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này đã không xảy ra.
Trung Quốc đã sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn 3 tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân.
Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, đã không thể đạt được. Việt Nam đã tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.
Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc đã không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.
Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt nam. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.
Vũ khí quân PLA sử dụng trong chiến tranh năm 1979 không được cho là hiện đại

Không ngờ được thất bại

BBC: Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này?
Giáo sư Carl Thayer: Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.
Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.
Khi Đặng Tiểu Bình đã có thể ra lệnh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "dạy cho Việt Nam một bài học", điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ.
Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.
BBC: Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này?
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã thực hiện '4 hiện đại hóa' một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.
Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.
Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA đã không đủ khả năng thực hiện 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại'.
Các lực lượng tham chiến của Việt Nam năm 1979 chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương

Vì sao muốn lãng quên?

BBC: Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là 'chiến tranh tự vệ', nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó?
Giáo sư Carl Thayer: Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu bình.
Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.
BBC: Cuộc chiến đã thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Carl Thayer: Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.
Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.
'Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một 'chiến tranh nhân dân' được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác.
Trong 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' vào năm 1979, quân PLA đã không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại.
Yếu tố duy nhất của 'chiến tranh nhân dân' trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm "phản công để tự vệ", dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.
Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Source : BBC


Khi Trung Quốc Hạ Cánh


Thursday, February 20, 2014

Khi Trung Quốc Hạ Cánh

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140219
Diễn Đàn Kinh Tế

Hiện tượng "sản nhập" của kinh tế Trung Quốc   

Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014
* Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014 - AFP * 
 


Những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng khi nền kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới mà bị suy trầm, hoặc thậm chí hạ cánh nặng nề thì kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về kịch bản này.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ đã lâu trên diễn đàn này, ông nói đến nhiều dự báo không lạc quan về tình hình kinh tế Trung Quốc và nhắc tới những thử thách hay cơ hội cho các nền kinh tế khác. Vừa qua, tập đoàn ngân hàng Société Générale của Pháp lại có một báo cáo công bố tuần trước về kịch bản hạ cánh nặng nề của Trung Quốc với hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu, thí dụ như nếu đà tăng trưởng kinh tế xứ này từ hơn 10% mà giảm tới mức 2% thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ mất 1,5 điểm bách phân. Vì sao lại như vậy? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ điều đầu tiên mà chúng ta cần mường tượng ra về Trung Quốc thì phải thấy được nhiều mâu thuẫn quan trọng. Trước hết, đấy là một quốc gia lớn mà lại rất nghèo. Thứ hai, sau hơn ba chục năm tăng trưởng khá ngoạn mục, xứ này đang phải đổi hướng vì những bất toàn trong mô hình phát triển của họ. Thứ ba, vì hệ thống chính trị bên trong, xứ này khó chuyển hướng êm thấm mà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro khủng hoảng và trong giả thuyết ấy, thế giới sẽ lại bị hiệu ứng, cũng đáng ngại như vụ khủng hoảng tại Mỹ năm 2008 hay của khối Euro năm 2010. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những mâu thuẫn này.

Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, đầu tiên thì tại sao Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới về sản lượng mà lại là một nước cực nghèo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là một nước lớn, có lãnh thổ bằng diện tích của Hoa Kỳ mà là một lãnh thổ thiếu hai phương tiện sinh sống căn bản cho con người là đất và nước. Diện tích khả canh của họ chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và nước mưa thì thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. về địa dư hình thể thì lãnh thổ xứ này là một bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở vùng duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc.  


Một nông dân Trung Quốc tận dụng những mảnh đất để trồng rau, phía sau là dự án nhà cao từng ở An Huy, Trung quốc. AFP
Một nông dân Trung Quốc tận dụng những mảnh đất để trồng rau, phía sau là dự án nhà cao từng ở An Huy, Trung quốc. AFP


- Với thực tế ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một xứ có một tỷ 350 triệu người, đà gia tăng ấy quả là đáng kể khiến cho xứ này có sản lượng kinh tế thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản kể từ năm 2010. Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Theo thống kê của Bắc Kinh thì chỉ có 60 triệu dân kiếm ra hơn hai vạn đô la một năm; 60 triệu người thì đông thật, mà vẫn chỉ là thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu. Trong khi ấy, có khoảng 600 triệu người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống và có 400 triệu người giàu gấp đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt mức lợi tức là bốn đô la một ngày! Thế giới chỉ nói đến một số đại gia tỷ phú ở chung quanh đảng mà quên cả tỷ người bần cùng ấy của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Mâu thuẫn thứ hai mà ông nhắc tới là những bất toàn trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Thưa ông, đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu là nhờ sức đầu tư rất cao, có lúc lên tới phân nửa của Tổng sản lượng, còn thì thường xuyên cao hơn 40%. Với sức đẩy lớn lao này thì quả nhiên là người ta đạt tốc độ hơn 10%. Nhưng nếu mà xét về phẩm chất hay nội dung thật của tài nguyên được đưa vào sản xuất thì phải nói đến hiện tượng gọi là "sản nhập" vì nhập lượng ở đầu vào lại có giá trị cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Lý do của sự thể ngược ngạo ấy là người ta đếm sản lượng ở đầu ra theo trị giá hay giá cả mà cái giá ấy không phản ảnh giá trị hay những hy sinh mất mát hoặc tốn kém ở đầu vào. Đây là một khái niệm khá rắc rối về kế toán mà những người làm công tác tuyên truyền của Trung Quốc hay quảng cáo của quốc tế thường bỏ qua một bên.

Vũ Hoàng: Cũng vì khái niệm kế toán rắc rối ấy, xin ông nhắc lại hoặc đơn cử một thí dụ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trước tiên nhắc lại vài phạm trù kế toán với Anh ngữ để thành phần thính giả trẻ đã có kiến thức về kế toán tài chính nắm vững được vấn đề. Sau đó là thí dụ.

- Thế giới bên ngoài Trung Quốc chỉ đếm phương tiện đưa vào sản xuất theo mệnh giá hay face value. Người ta đã lầm trị giá (price) với giá trị (value) của nhập lượng (input), rồi kiểm kê xuất lượng (output) để gọi đó là sản lượng (production) mà không khấu trừ nhiều phí tổn (cost) của nhập lượng này. Trong đó có những phí tổn ngầm mà ta phải gọi là "ẩn phí", shadow cost, như phí tổn về môi sinh bị hủy hoại, hoặc phí tổn về thời cơ của tư bản là opportunity cost vì dùng tiền vào chỗ này thì không có cơ hội dùng vào chỗ khác có giá trị hơn.


Một cửa hàng bán máy điều hòa không khí ở Thượng Hải, Trung Quốc. AFP
Một cửa hàng bán máy điều hòa không khí ở Thượng Hải, Trung Quốc. AFP


- Thí dụ dễ hiểu ở đây là nhà nước huy động sức tiết kiệm rất cao của dân chúng và trả tiền lời ký thác rất thấp, gần như số âm nếu kể thêm mức lạm phát. Đấy là một hình thái trưng thu hay bóc lột từ gốc. Nguồn tiết kiệm rẻ này lại được hệ thống ngân hàng của nhà nước đưa vào khu vực nhà nước là doanh nghiệp nhà nước hay công ty đầu tư của nhà nước ở cấp địa phương, để thực hiện các dự án sau này được kể là sản lượng kinh tế. Một cây cầu hay một nhà máy thép hình thành như vậy và được tính là sản lượng dù có giá trị kinh tế rất thấp. Cầu có hư phải sửa lại và thép có ế mà nằm chất đống thì vẫn cứ được coi là sản xuất. Chả ai tính ra cái mất mát của hiện tượng này.


Vũ Hoàng: Bây giờ bước qua mâu thuẫn thứ ba là vì sao Trung Quốc khó chuyển hướng một cách êm thắm mà lại bị rủi ro hạ cánh nặng nề?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ cả chục năm nay, lãnh đạo của Trung Quốc đã thấy vấn đề này, cụ thể nhất là thấy mức đầu tư quá cao so với sức tiêu thụ quá thấp của nền kinh tế, vì vậy, họ đã muốn cải sửa. Thí dụ như trong Kế hoạch Năm năm thứ 11, từ 2006 đến 2011, lãnh đạo đảng đã đề ra yêu cầu nâng cao sức tiêu thụ nội địa, vậy mà kết quả lại trái ngược. Năm 2000 thì sức tiêu thụ của tư nhân Trung Quốc ở mức 46% Tổng sản lượng, dù có thấp so với các nước cùng trình độ phát triển thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng kết quả thì năm 2012, sức tiêu thụ ấy lại sụt tới mức 36% của Tổng sản lượng. Sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012, việc chuyển hướng lại được Hội nghị kỳ ba nêu ra vào cuối năm ngoái mà chưa biết là có thực hiện được hay chăng?

Vũ Hoàng: Thưa ông, đâu là những lý do cản trở việc cải cách này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy một thí dụ khác liên hệ đến chuyện tiêu thụ lẫn hậu quả cho quốc tế là tỷ giá đồng Nguyên mà họ gọi là Nhân dân tệ Renminbi để ta hiểu lý do tại sao.

- Trung Quốc đầu tư mạnh, sản xuất nhiều và phải xuất khẩu sản phẩm đó cho thế giới. Chế độ duy trì hệ thống ngoại hối có kiểm soát, là ghìm giá đồng bạc thật thấp nếu so với các ngoại tệ mạnh của thế giới như Mỹ kim hay Euro chẳng hạn. Họ muốn là nhờ tỷ giá thấp mà hàng rẻ và dễ bán hơn. Khi bán hàng rồi thì nhà nước độc quyền thu về ngoại tệ, thí dụ như đồng đô la, và lập được một kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nay lên tới con số tương đương là ba ngàn 800 tỷ đô la. Bối cảnh ấy che giấu sự thật là đồng Nguyên được định giá thấp hơn thực tế, hãy tạm lấy một mức thấp là bằng 10%. Nếu muốn chuyển hướng thì một trong các biện pháp họ nên áp dụng chính là nâng hối suất đồng bạc thêm 10% so với Mỹ kim chẳng hạn. Hậu quả sẽ ra sao?


Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.


- Hậu quả là công nhân và doanh nghiệp mà góp phần xuất khẩu được một đô la thì sẽ có lợi tức gia tăng được 10% và nhờ đó nâng cao được sức tiêu thụ. Đấy là cái "được" của thành phần sản xuất và sẽ tiếp tay điều chỉnh cơ chế kinh tế lệch lạc hiện nay. Nhưng cái "mất" của biện pháp này là nhà nước bị mất 10% nguồn thu từ ngoại tệ đem về. Thí dụ cho dễ nhớ là mất 10% của khối dự trữ ngoại tệ 3.800 tỷ đô la, tức là mất 380 tỷ đô la. Sự thật thì khi duy trì tỷ giá thấp, Trung Quốc đã mất hàng ngày vì những chênh lệch về xuất nhập khẩu mà chưa bút ghi khoản mất đó. Bây giờ, với biện pháp điều chính tỷ giá thì người dân được 10% và nhà nước hợp thức hoá khoản mất đó. Dù thế giới đã khuyến cáo, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn không muốn như vậy nên người dân không được khoản 10% này và việc điều chỉnh vẫn chưa tiến hành. Lý do ở đây là nhà nước sợ mất tiền bạc và thế lực của mình, dù rằng cái mất đó lại là cái được của người dân.


Vũ Hoàng: Đây mới chỉ là một thí dụ cụ thể về lý do cản trở việc chuyển hướng, hẳn là ông còn thấy nhiều lý do khác nữa chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một thí dụ khác là Hội nghị Trung ương Kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái có để ra việc chuyển 20% dân số từ thôn quê ra các tỉnh thành trong kế hoạch đô thị hóa. Sự chuyển dịch ấy có nghĩa là lương bổng và phúc lợi của người dân từ quê ra tỉnh sẽ được cải tiến và lợi tức gia tăng sẽ nâng mức tiêu thụ của tư nhân trong thị trường nội địa. Nhưng chính quyền tại các thành phố ở địa phương lại không muốn gánh chịu khoản tốn kém ấy mà còn lo gia tăng nguồn thu về thuế khóa nên dồn phương tiện cho các dự án đầu cơ địa ốc. Họ vừa lấy đất của dân, vừa lập công ty đầu tư tài chính để vay tiền làm ăn. Khi bị hạn chế và kiểm soát thì họ vay ngoại ngạch, ngoài ngân hàng, trong hệ thống tài chính chui có mức rủi ro rất cao gọi là shadow banking.

Vũ Hoàng: Như vậy, vì rất nhiều nguyên do phức tạp trong nội bộ, Trung Quốc sẽ khó chuyển hướng và nguy cơ hạ cánh nặng nề mới khiến thế giới quan tâm. Khi đó, ta mới tìm hiểu về hiệu ứng Trung Quốc khi nền kinh tế này bị suy thoái trong những năm tới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn của thế giới, trị giá đến 30% của Tổng sản lượng với rất nhiều nguyên nhiên vật liệu nuôi sống các nước xuất khẩu. Khi kinh tế xứ này bị trì trệ, với tốc độ tăng trưởng dưới 7%, hoặc suy trầm hay suy thoái mạnh, thì lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh và gây thiệt hại cho các nước bán thương phẩm, từ Úc đến Indonesia hay Malaysia và các nước Trung Đông bán dầu khí. Đấy là một lẽ. Nhưng giá thương phẩm sút giảm lại là điều có lợi cho xứ khác vì sẽ giảm phí tổn sản xuất của họ.

- Song song, có một khía cạnh còn đáng ngại hơn vậy là Trung Quốc đang có một núi nợ rất lớn và dễ sụp đổ sau khi đã ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Núi nợ lên tới mười mấy ngàn tỷ dô la, trong đó có nhiều khoản khó đòi và sẽ mất khi sản xuất bị đình trệ. Nếu mà núi nợ này sụp đổ thì nhiều ngân hàng vỡ nợ dây chuyền và hậu quả toàn cầu sẽ còn kinh hoàng hơn những gì đã thấy sau vụ khủng hoảng tại Hoa Kỳ năm 2008 hay tại Âu Châu năm 2010. Người ta nói rằng đây là "đợt sóng thần thứ ba" có thể xảy ra trong những năm tới. Qua một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu thêm về đợt sóng này.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và hẹn lại một kỳ sau.

Source : RFA , dainamax tribune

19/2/14

Hóa chất độc hại có khả năng gây tổn hại não bộ trẻ em

Hóa chất độc hại có khả năng gây tổn hại não bộ trẻ em


Sự gia tăng một số chứng rối loạn não bộ trẻ em, trong đó có rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, tính hiếu động thái quá, hiện tượng đọc khó, chứng liệt não, và chứng rối loạn tự kỷ, có thể là kết quả của việc sử dụng quá nhiều các hóa chất độc hại trên khắp thế giới
Sự gia tăng một số chứng rối loạn não bộ trẻ em, trong đó có rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, tính hiếu động thái quá, hiện tượng đọc khó, chứng liệt não, và chứng rối loạn tự kỷ, có thể là kết quả của việc sử dụng quá nhiều các hóa chất độc hại trên khắp thế giới
Jessica Berman - VOA
Các chuyên gia kêu gọi đưa ra một chính sách chung để hạn chế việc sử dụng các hóa chất công nghiệp độc hại mà họ nói là gây “dịch bệnh thầm lặng” về rối loạn não bộ trẻ em trên khắp thế giới. Các khoa học gia kêu gọi có hành động khi xác định được thêm nhiều hóa chất gọi là chất độc thần kinh mà phần lớn vẫn chưa được kiểm soát.

Sự gia tăng một số chứng rối loạn não bộ trẻ em, trong đó có rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, tính hiếu động thái quá, hiện tượng đọc khó, chứng liệt não, và chứng rối loạn tự kỷ, có thể là kết quả của việc sử dụng quá nhiều các hóa chất độc hại trên khắp thế giới.

Trong bảy năm vừa qua, các nhà khảo cứu đã xác định được sáu hóa chất mới được chứng minh là có khả năng gây tổn hại não bộ của các phôi người đang phát triển cũng như của trẻ em. Phát hiện này đã gia tăng con số các bệnh được xác định là do những hóa chất gây độc cho hệ thần kinh lên 12 trường hợp. Các chuyên gia ước tính là cứ sáu trẻ em trên thế giới thì có một em bị rối loạn trong việc phát triển thần kinh.

Bác sĩ nhi khoa Philip Landrigan- chủ tịch ủy ban Y khoa phòng ngừa tại Trường Y khoa Mount Sinai ở New York - nói rằng, phơi nhiễm hóa chất gây độc hại cho thần kinh là một vấn đề nghiêm trọng đạt tới tầm vóc dịch bệnh.

“Thương tổn tới não bộ con người vào lúc đầu đời dẫn tới những vấn đề giống như mất hệ số thông minh (IQ), thời gian chú ý ngắn, cùng các vấn đề về hành vi cử chỉ. Và những tác dụng này đa số có khuynh hướng trở thành vĩnh viễn.”

Theo dõi các tài liệu khoa học và hàng trăm cuộc khảo cứu, ông Landrigan, cùng với ông Phillipe Grandjean thuộc Trường đại học miền Nam Đan Mạch, phát hiện ra rằng con số các hóa chất bị nghi là gây ra những hiện tượng bất thường trong các vấn đề về phát triển thần kinh ở trẻ em cũng đã gia tăng từ 202 tới 214 trường hợp. Cả hai ông nói rằng có khoảng 80.000 hóa chất công nghiệp được sử dụng rộng rãi, và những hóa chất này chưa bao giờ được xét nghiệm về mức độ an toàn của chúng.

Các hóa chất độc hại này bao gồm những chất làm chậm bắt lửa được sử dụng trong việc sản xuất nệm, khăn trải giường, thảm, quần áo, và đồ chơi, cũng như các hóa chất để hòa tan ở các loại thuốc để tẩy rửa hay làm sạch.

Các nhà khảo cứu kêu gọi các quốc gia thông qua những đạo luật mạnh mẽ đòi hỏi các công ty kiểm tra kỹ lưỡng trước khi có thể đưa sản phẩm ra thị trường như đã đòi hỏi đối với các loại dược phẩm mới.

Trong một cuộc phỏng vấn qua Skype, ông Grandjean nói rằng, việc xác định các chất có tiềm năng gây độc hại cho thần kinh không phải là chuyện khó. Ông nói:

“Chúng ta có sẵn các phương pháp để xét nghiệm hóa chất, xem chúng có gây tổn hại tới việc phát triển não bộ hay không. Phương pháp đã có. Như vậy chỉ còn là vấn đề quyết định. Đây là hình thức xét nghiệm giúp chúng ta kiểm tra mức độ an toàn của các hóa chất đối với sức khỏe con người.”

Ông Grandjean và ông Landrigan cũng kêu gọi thiết lập một cơ sở xét nghiệm quốc tế để khảo sát những gì được biết về các hóa chất và công bố kết quả xét nghiệm để công chúng có sẵn các thông tin mà tham khảo.

Ông Landrigan nói rằng Liên hiệp châu Âu có luật lệ kiểm soát hóa chất chặt chẽ và nhiều sản phẩm như mỹ phẩm chứa đựng hóa chất độc hại bị cấm tại châu Âu đã được đem sang bán tại các quốc gia có luật lệ lỏng lẻo.

Ông Philip Landrigan và ông Phillipe Grandjean công bố phúc trình về chất độc gây tổn hại thần kinh trên tạp chí The Lancet Neurology.

Source : VOA

Lê Quốc Quân - chuyện bây giờ mới kể.


20-02-2014

Lê Quốc Quân - chuyện bây giờ mới kể.

Người Buôn Gió
 
Hôm nay phiên phúc thẩm xử đã xong được vài ngày. Y án. Tôi để vài hôm suy nghĩ, đêm nay lúc 2 giờ sáng châu Âu mới quyết định viết cảm nghĩ về thân phận người bạn của mình.

Với cá nhân tôi, tôi hài lòng với chuyện Quân y án. Nếu có mong thì mong Quân không bị bắt, nếu bị bắt thì mong được xử án treo. 


Còn khi đã xử Quân 30 tháng tù giam, rồi kéo dài thời hạn xử phúc thẩm một cách bất thường để qua phiên Việt Nam báo cáo nhân quyền tại Liên Hợp Quốc, khiến Quân phải chịu nhiều ức chế đến nỗi thể xác tiều tụy, thì tôi cũng không trông mong gì Quân được án treo thả về ở phiên tòa phúc thẩm.

Tất nhiên thì nhà cầm quyền VN sẽ chẳng bao giờ tuyên án Quân vô tội. Vì nếu Quân vô tội thì quãng thời gian anh ngồi tù, bao nhiêu mất mát anh phải chịu sẽ được tính thế nào. Và nếu xử Quân vô tội ở phiên phúc thẩm thì đã chẳng phải là cái nhà cầm quyền này rồi.

Ngại nhất nhà cầm quyền ở phiên phúc thẩm xử thời gian còn lại của Quân án treo, thử thách với thời gian vài chục tháng. Như thế họ được tiếng là đã nhượng bộ với quốc tế, nhưng họ vẫn trói buộc Quân bằng một án tù tại gia. Chúng ta hãy nhìn án treo, thử thách, quản chế của Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên thì biết điều đó không khác gì một hình phạt tù trá hình khác. Thời gian sống trong giang hồ, tôi thấy nhiều tay anh chị lọc lõi họ còn thích chọn án tù ngồi thời gian ngắn còn hơn án treo dài kèm cái đuôi thử thách, quản chế lê thê đến vài năm.

Về với gia đình ngày nào, tất nhiên tốt ngày đó, nhưng về với cái giá thế nào là cả một chuyện khác. Người khảng khái như Quân chắc hiểu được điều này. Chỉ cần Quân nhận tội trốn thuế, xin khoan hồng, bồi hoàn vài trăm triệu..để báo chí, truyền thông tung hô rằng nhà nước xử đúng người , đúng tội. Bọn thù địch bên trong và bên ngoài trước giờ xuyên tạc, lợi dụng, giờ đối tượng nhận tội rành rành, nhà nước cũng nhân đạo...abc.

Tôi mừng khi thấy ở phiên tòa phúc thẩm, dù tình trạng thể lực suy kiệt, anh vẫn cứng cỏi đối đáp và không chấp nhận lời cáo buộc của viện kiểm sát, tòa án.

Giờ là một nét khác về Lê Quốc Quân, đó là công việc của anh, điều mà ngay cả báo chí nhà nước, dư luận viên không nhắc tới, hoặc chỉ nhắc đôi dòng. Tôi chắc nhiều người có thiện cảm với Quân cũng không biết công ty của Lê Quốc Quân hành nghề gì. Chỉ một số ít người biết điều đó. Đó cũng chính là lý do tôi trước đây khuyên Quân bỏ công ty, giải thể và về quê tránh nạn. Tất nhiên không phải là tránh tội trốn thuế, vì tội đó có đâu mà tránh.

Công việc của Quân cực kỳ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp lớn. Đó là anh xếp hạng tín nhiệm các công ty lớn trong nước. Nhiều năm cần mẫn, làm việc khoa học, tỉ mỉ, Quân có đầy đủ số liệu để đánh giá năng lực của các doanh nghiệp lớn trong nước. Trước đây vài năm , Quân đã dự định phát hành một cuốn sách khái quát đánh giá năng lực doanh nghiệp, một vài ngân hàng lớn bị Quân đánh giá kém. Bây giờ thì thực tế chứng minh đánh giá của Quân đúng đến đâu, tôi vẫn nhớ rằng Viettinbank là một ngân hàng nằm trong số đó.

Chúng ta thử hình dung trước kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà thủ tướng đang thúc đẩy kia, sẽ ra sao khi các đối tác tìm hiểu mua cổ phần doanh nghiệp họ tham khảo tài liệu mà Quân cung cấp.?

Tôi khẳng định rằng, nghề mà hot nhất năm 2014 và 2015 tới đây là đánh giá tài sản, giá trị doanh nghiệp. Một nghề cần cho cả hai bên. Bên bán muốn biết mình đang ở giá trị thực sự là bao nhiêu vì sợ bị bán hớ. Bên mua cũng cần thông tin thực sự về doanh nghiệp để mua khỏi hớ.

Có lẽ vì lý do này, mà khi khám xét các văn phòng của Quân và em trai Lê Đình Quản, người ta thu sạch máy móc, giấy tờ ...tất cả những gì có thể thu được, trong đó nhiều dữ liệu đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp lớn.

Nhưng chuyện đánh giá doanh nghiệp chưa hẳn là chuyện cuối cùng. Lê Quốc Quân còn làm một việc nữa khiến các ông chủ Trung Quốc và Việt Nam rất hận, có thể hận thấu xương tủy.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc muốn lừa đảo bảo hiểm quốc tế. Họ ký hợp đồng xuất khẩu một lượng hàng A sang cho công ty X ở Việt Nam. Công ty TQ mang hợp đồng mua bán này để mua bảo hiểm rủi ro quốc tế, trường hợp bên công ty VN không trả tiền thì họ sẽ nhận được tiền bảo hiểm.

Công ty X ở Việt Nam có thể là công ty do ông chủ thực sự người TQ đứng giật dây cho một cá nhân VN hám tiền nào đó đứng tên công ty. Hoặc công ty TQ giao hẹn với công ty X ở VN là sẽ bán cho một số hàng trên giấy tờ, công ty VN không nhận hàng thực sự, không phải trả tiền, trái lại công ty TQ sẽ cho một ít tiền.

Chúng ta không lạ gì những công ty bán hóa đơn, trốn thuế, lừa đảo do những người hám tiền, thiếu hiểu biết bị bọn gian manh dựng lên. Những công ty như thế nhan nhản ở Việt Nam.

Lê Quốc Quân được công ty bảo hiểm quốc tế thuê để tìm hiểu, xác minh có chuyện mua bán này không. Có chuyện hàng hóa đã được giao, và bên mua không trả tiền không.? Tôi đã từng thấy những hồ sơ mà công ty TQ bán cho công ty VN với số tiền đến cả triệu usd ở văn phòng của Lê Quốc Quân. Những hồ sơ này do bên bảo hiểm quốc tế chuyển cho Quân để xác minh.

Việc mua bán ảo trên giấy tờ giữa công ty TQ và công ty VN để lừa bảo hiểm, số tiền thu về hàng triệu usd này vào túi ai ?. Thực chất phía TQ là người bán hàng, đứng ra mua bảo hiểm, họ nhận phần lớn số tiền. Phía công ty VN chỉ nhận được rất ít. Nhưng giá đổi lại là tín nhiệm của các công ty VN trên thương trường quốc tế sẽ bị xếp hạng thảm hại.

Nhiều khi ngồi cùng Quân trên phòng làm việc của anh. Quân giở cho tôi xem những hợp đồng, số liệu. Anh đau đáu ca thán rằng cứ thế này chúng ta sẽ mất chữ tín trên thương trường, chữ tín cũng là tài nguyên, làm thế này coi như bán rẻ tài nguyên cho bọn Trung Quốc nó ăn của mình.

Tôi giả vờ không hiểu chuyện làm ăn, giả bộ không quan tâm. Vì tôi biết nếu tôi nối máu lên, tôi sẽ theo Quân vào một cuộc chiến mà những kẻ thù đầy quyền lực là đối thủ, sẽ động đến thực tế đồng tiền của chúng. Tôi chọn mặt trận văn hóa, ở mặt trận đó đối thủ của tôi cũng chả rõ ràng. Nhờ thế tôi tồn tại. Đó là sự khôn lỏi của tôi. Cứ chửi, xỏ xiên nhưng đừng động đến túi tiền của kẻ nào, dù đó là tiền bất nghĩa, bất nhân. Nhiều người thấy tôi viết, họ tưởng tôi anh hùng lắm, thực ra tôi rất hèn, tôi né tránh nhiều vấn đề mà tôi thấy nguy hiểm.

Việc gì mà mình không đủ sức can trường chấp nhận đến cùng như Nguyễn Văn Hải ( điếu cày ) Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức...thì mình tránh luôn từ đầu. Chứ dở dở ương ương đến lúc bị sao, không có gan chịu, lại khai báo tuốt tuột ra ai đó như anh Dương Chí Dũng thì còn tệ hại hơn nhiều. Lúc đó cúi đầu xin xỏ, van lạy cả cháu chắt chúng nó, chưa chắc nó tha cho yên lành.

Các bạn thử đặt mình vào đại sứ quán Trung Quốc đầy quyền lực ở Việt Nam, họ có cam lòng để một tên như Lê Quốc Quân cản trở hàng triệu usd đang dễ dàng  chảy về túi công ty nước họ hay không.?

Các bạn thử đặt mình vào người quản lý các doanh nghiệp nhà nước đang muốn cổ phần hóa có cam lòng để  những thông tin xếp hạng doanh nghiệp của tên Lê Quốc Quân cản trở không.?

Dù sao thì Lê Quốc Quân, người bạn thân của tôi, đã kiên cường trước hai phiên tòa của nhà nước Việt Nam. Đó là niềm tự hào với ai đã quen biết, đã làm bạn với anh. Tuy thời gian tù đầy còn mười mấy tháng nữa. Nhưng khí phách còn, danh dự còn trong lòng anh em, bè bạn. Đó mới là cái được muôn đời.

Viết mấy dòng này, để cho bạn đọc hiểu thêm một khía cạnh khác về vụ án Lê Quốc Quân. Có thể nguyên nhân đưa ra ở đây không phải là yếu tố chính để người ta xử tội Lê Quốc Quân. Nhưng cũng là một khía cạnh tham khảo.

Nếu gia đình Quân có gặp anh, nhắn hộ anh là Hiếu Gió không bao giờ đồng tình việc anh tuyệt thực. Vì những điều phía trước, có thể là còn lâu, mà càng lâu thì càng cần giữ  sức .