CÁCH MẠNG ĐẾN RỒI ĐI
Theo pro & contra
Tháng 3 11, 2014
Michail Ryklin trả lời phỏng vấn về Khủng hoảng Krym
Phạm Thị Hoài dịch
Die Zeit: Thưa ông Ryklin, có lần ông nói rằng điều duy nhất còn giữ được nước Nga là cảm giác về sức mạnh quân sự, dư âm từ chiến thắng của Stalin trong Thế chiến II. Hành động của Putin tại Krym hiện nay xuất phát từ đó chăng?
Michail Ryklin: Đó là điểm tựa cho guồng máy tuyên truyền của Putin. Mọi nỗ lực phân tích cuộc chiến một cách khoa học đều bị hình sự hóa. Đi chệch quy chuẩn ngôn ngữ chính thống về đề tài này là trở thành tà giáo. Đây là lần thứ hai Putin thất bại nặng nề tại Ukraine. Hồi Cách mạng Cam, ông ta đã đặt cược vào Yanukovych – và thua. Bây giờ lại thua nữa. Mà Putin lại là người khó tha thứ cho kẻ khác vì những sai lầm của chính mình. Kẻ khác phải trả giá.
Tình thế hiện nay của Putin ra sao?
Ông ta đang bị sập trong cái bẫy do chính mình giăng ra. Suốt bao nhiêu năm ông ta dựng hình ảnh về bản thân như một người hùng, và thực tế thì cuộc xâm lăng chủ quyền quốc gia của Ukraine đang diễn ra rồi – hiển nhiên là vi phạm luật pháp quốc tế. Câu hỏi chỉ còn là: Putin sẽ đi xa tới mức nào. Ông ta ưa trả thù, nhưng đồng thời cũng là người thực dụng. Máu mà đổ ở Krym thì ông ta có thể mất khá nhiều.
Dân Nga chờ đợi gì ở ông ta?
Nước Nga hài lòng tưởng mình đang có một tổng thống mạnh. Hơn 80 % dân Nga cho rằng chính phủ mới hiện nay ở Kiev là không chính danh. Họ muốn Putin tiếp tục tiến quân và khải hoàn. Ông ta đang ở thế cưỡi trên lưng hổ.
Trong công luận Nga có nhiều thành kiến bài phương Tây được chính phủ hà hơi, thành kiến về một “châu Âu đồng tính” phóng túng và yếu đuối. Hành động của Putin có hàm nghĩa tính dục lắm không? Có phải là để bằng mọi giá khẳng định rằng mình không “đồng tính” không?
Châu Âu bị coi là thiên đường của kẻ yếu và bọn đồng tính – thật không thể tưởng tượng nổi, một dân tộc từng có học thức như dân tộc Nga bây giờ lại đổ đốn ra đến thế. Về thể chất, Putin tuyệt đối khỏe mạnh; nào cưỡi ngựa, nào lặn, nào bay cùng đàn sếu – một Superman. Thế mà lại bị hở sườn ở đất nước Ukraine nghèo khó. Hình ảnh người hùng của ông ta đang bị lung lay. Ông ta không thể chịu được cảnh bị coi là kẻ yếu. Hiện tại quả thật ông ta đang phải trải qua giờ khắc của định mệnh.
Còn dân chúng, họ có vẻ tin chắc vào chiến thắng?
Dân Nga rất nặng đầu óc sô-vanh. Họ tưởng rằng ở Krym người ta sẽ giang tay ra đón lính Nga. Họ không hiểu rằng như thế là nước Nga trở thành kẻ xâm lược, rằng kinh tế Nga sẽ bị thiệt hại và Nga sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt. Hôm nay đã là một ngày Thứ Hai Đen cho nước Nga rồi. Chứng khoán Nga rớt 12 %. Còn đồng Rúp thì nửa năm qua đã mất giá 20%.
Nhưng Putin sẽ vẫn chiếm đóng Krym?
Tôi e rằng không thể quay ngược bánh xe diễn biến được nữa. Ngày 30 tháng Ba này sẽ có trưng cầu dân ý xem Krym có muốn sáp nhập vào Nga không. Đa số sẽ tán thành, vì 60 phần trăm dân số ở bán đảo này là người gốc Nga. Putin còn chờ kết quả đó.
Bộ máy tuyên truyền của Nga diễn tả rất mạnh theo chiều hướng rằng cuộc lật đổ ở Ukraine là tác phẩm của bọn phát-xít và những phần tử kích động phương Tây.
Nếu không có những thông tin độc lập thì chỉ trong vòng ba tháng, kiểu tuyên truyền này sẽ biến người ta thành cái xác sống. Nó gợi lại tinh thần của Goebbels và Stalin.
Ukraine đã thực hiện được điều mà người Nga chưa bao giờ đạt được: lật đổ chính phủ. Liệu dân Nga có đố kị với dân Ukraine không?
Đố kị là một yếu tố không phải là không quan trọng.
Ông hay được hỏi rằng vì sao ở Nga không thể có một cuộc lật đổ theo kiểu Mùa Xuân Ả-rập. Tôi nhớ, ông từng đưa ra ba lí do: thứ nhất, mùa Đông quá dài. Thứ hai, xã hội quá nhiều người già. Thứ ba, rượu Vodka.
Nga thực sự là một trong những nước yếu nhất, già nhất về mặt nhân khẩu. Một Mùa Xuân Ả-rập không bao giờ xảy ra tại Nga được. Nhưng còn có một nguyên nhân khác: Nga rất giàu tài nguyên. Nó chỉ việc bán tài nguyên với quy mô lớn – tất nhiên lợi nhuận trước hết rơi vào túi giới đầu sỏ, nhưng dân chúng, nhất là dân ở các đô thị lớn, cũng được hưởng chút sái cái lãi suất từ thiên nhiên này. Quyền lực bỏ tiền ra mua thuộc hạ.
Ở Ukraine không như vậy hay sao?
Ukraine không có tiền để mua chuộc dân chúng. Gia đình Yanukovych đã vơ vét một tài sản 12 tỉ, nhưng dân chúng không được gì hết. Yanukovych học đòi cách ứng xử của các bạo chúa Nga, nhưng bối cảnh làm nên sự giàu có của đám này thì ông ta lại không có. Nước Nga là một công ti cổ phần và người Nga là những cổ đông nhỏ, khó mà nổi loạn chống lại quyền lực. Còn ở Ukraine thì khác: Cổ đông chính nắm hết, không chịu chia cho ai, và đẩy đất nước vào vòng phá sản.
Giới thượng lưu Nga nghĩ thế nào về một cuộc chiến tranh mới ở Krym?
Tiền thì họ chuyển sang cất ở phương Tây, nhưng lại muốn chứng tỏ mình là những nhà ái quốc. Toàn bộ hệ thống vì thế mà thành dối trá và dễ bị tấn công. Giới thượng lưu Nga run sợ vì tài khoản của họ ở nước ngoài có thể bị khóa, bất động sản có thể bị tịch thu. Đó là một đòn đánh mạnh vào nước Nga – không cần đến một phát súng[1].
Có nghĩa là giới đầu sỏ không tán thành chiến tranh?
Anh cứ hình dung thế này: một đầu sỏ Nga điển hình thì có một biệt thự ở Florida, một nhà nghỉ ở Thụy Sĩ và một nhà nghỉ ở Côte d’Azur; con trai học ở London, con gái thì vừa sang Princeton, thế mà bây giờ Nga lại bị quốc tế trừng phạt. Nếu là anh thì anh sẽ quyết định thế nào: anh muốn một nước Nga kiêu hãnh hay anh muốn giữ tiền của anh?
Theo ông thì hiện nay không khí trong Điện Kremlin ra sao?
Không khí hoảng loạn đang hoành hành. Tôi tin chắc rằng ở đó bây giờ hai phe đang kịch liệt đấu khẩu: một bên là giới quân sự muốn chiến thắng triệt để, một bên là những người hoài nghi và cảnh báo. Điện Kremlin đã bị chia rẽ mạnh hồi Nga đứng trước cuộc chiến ở Afghanistan, bây giờ còn chia rẽ hơn nhiều.
Vậy Putin có thể làm gì?
Chắc ông ta đang đứng trước quyết định trọng đại nhất của cuộc đời. Cuối tháng Năm Ukraine sẽ bầu cử, còn cuối tháng Ba có cuộc trưng cầu dân ý ở Krym về việc sáp nhập vào Nga. Đến cuối tháng Năm, mọi thứ phải được quyết định, Putin còn có thời gian từ nay đến lúc đó. Nhưng diễn biến có thể xảy ra bất kể lúc nào. Putin sẽ tìm cách chiếm Krym.
Ông ta có được quyền tự mình định đoạt, như thường thấy trong các vở bi kịch không?
Không, ông ta không phải là một cá nhân đứng trên tất cả. Putin chỉ là tên gọi của cả một hệ thống. Và những hệ thống phải sử dụng một cỗ máy tuyên truyền lớn như vậy thì ở một mức độ nào sẽ hóa điên. Chúng tự sản xuất các huyền thoại về bản thân, cho đến khi những huyền thoại đó làm tổ trong hiện thực. Bà Thủ tướng Merkel cũng vừa có ý nói như vậy. Bà ấy bảo Barack Obama rằng bà ấy có cảm tưởng là Putin đang sống trong một thế giới tự huyễn hoặc, xung quanh toàn những kẻ xưng tụng ông ta là Nga hoàng.
Putin là tác giả, là người đích thân tạo nên cái hệ thống mà ông ta đang sống, hay ông ta chỉ là nhân vật chính bị cuốn vào đó?
Ông ta là một nhân viên mật vụ bẩm sinh và đã bao nhiêu năm xây đắp nên cái hệ thống này. Đấy là một hệ thống để người đồng tính – trong Điện Kremlin có rất nhiều – tồn tại, miễn là không công khai. Đấy là một hệ thống trong đó Putin khai tài sản là chỉ có một chiếc xe Volga cũ và một nhà nghỉ thừa kế của gia đình, chính thức thì ông ta không có của cải gì. Muốn tồn tại trong hệ thống đó thì thần kinh phải phân liệt. Một hệ thống bệnh hoạn. Nhưng nó đã có từ thời Stalin, Putin chỉ củng cố thêm mà thôi. Ông ta là sản phẩm của hệ thống đó.
Ông có hình dung nổi là một năm nữa Putin sẽ thôi không cầm quyền?
Có thể sẽ xảy ra một điều gì đó gạt ông ta khỏi vòng quyền lực. Nhưng tôi khó hình dung là từ đó tâm thế xã hội sẽ thay đổi. Anh thấy đấy: Cách mạng Cam từng cuốn phăng Yanukovych, nhưng sáu năm sau ông ta lại có mặt, do chính nhân dân bầu lên. Cách mạng đến rồi đi, còn tâm thế xã hội thì vẫn thế.
Putin cho rằng sự tan rã của Liên bang Xô-viết là tai họa địa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỉ 20. Có đúng là chỉ riêng nhận định đó đã đủ khiến ông ta phải tỏ ra “mạnh tay” ở Krym?
Có thể như vậy. Các sử gia đã so sánh sự tan rã của Liên Xô với chấn thương tâm lí của nước Đức sau Hiệp ước Versailles: Cả một quốc gia thấy mình bị đối xử bất công và bị hạ nhục. Sự tan rã của Liên Xô là một chấn thương như vậy đối với nước Nga. Ngoài ra, người Nga khá đồng thuận về Krym, họ coi bán đảo này là lãnh thổ Nga. Đặc biệt là có cả một huyền thoại về thành phố Sevastopol: một pháo đài từng bị bao vây biết bao lần mà vẫn hiên ngang đứng vững. Tolstoy từng là sĩ quan đồn trú tại đó và viết một tác phẩm về thành phố này.
Theo ông, tình hình sắp tới sẽ thế nào?
Gia đình tôi đang sống ở Moskva, tôi hi vọng chiến tranh không xảy ra. Nhưng tôi tin rằng hi vọng đó không trở thành hiện thực, vì tôi biết rõ Putin.
Xung đột này có thể leo thang tới mức nào?
Mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả chiến tranh thế giới lần thứ ba. Chẳng hạn, nếu Thổ Nhĩ Kì với tư cách là thành viên Khối NATO can thiệp. Bản thân Ukraine cũng có một quân đội hùng hậu, được trang bị bằng vũ khí Xô-viết. Mọi khả năng đều tồn tại.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra đúng một trăm năm sau ngày Thế chiến I bùng nổ, đó là một con số ma thuật chăng?
Tình thế hiện nay cho thấy là một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ có thể xảy ra, khiến ta liên tưởng đến năm 1914. Nhiếu người quen của tôi ở Nga đang rất lo lắng. Họ biết rằng: họ sẽ phải chịu trận. Tôi mới chỉ chứng kiến một lần một tình thế tương tự, đó là trước khi Liên Xô tan rã. Đất nước, nơi ta sinh ra, bỗng nhiên biến mất. Chúng ta đang rơi tự do. Một người đàn ông có tâm lí không hoàn toàn bình thường đang cai quản quốc gia lớn nhất thế giới – bây giờ chúng ta đều cảm thấy điều đó. Ở Berlin cảm giác đó có lẽ không mạnh lắm. Nhưng ở Moskva thì cảm giác đó là: cháy to đến nơi rồi.
__________
GS Michail Ryklin (1948) là một trong những triết gia Nga đương đại nổi tiếng nhất. Ông giảng dạy tại Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Moskva và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học quốc tế, hiện sống tại Berlin.
Nguồn: Tuần báo Zeit, 06/3/2014. Nhan đề của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra
[1] Ông Bill Browder, người đứng đầu Quỹ Hermitage Capital từng đầu tư hàng tỉ dollar vào Nga trong 10 năm 1995-2006 rồi sau đó gặp rắc rối với luật pháp Nga, bị cấm cửa và xử vắng mặt với bản án 9 năm tù vì tội biển thủ thuế, trong một phỏng vấn với tờ Die Welt cũng cho rằng phương Tây chỉ cần áp lệnh trừng phạt với 300 đầu sỏ kinh tế Nga là sau hai tuần nước Nga sẽ gục, trong khi Ben Judah, tác giả cuốn Fragile Empire: How Russia Fell in and Out of Love with Vladimir Putin, trong một bài viết trên Politico nhan đề “Vì sao Nga không còn sợ phương Tây nữa” lại nhận định rằng giới đầu sỏ Nga không lo ngại bị phương Tây trừng phạt kinh tế, chẳng hạn vì châu Âu cũng bị các quyền lợi chia rẽ và nếu được trả thù lao khá thì nhiều chính khách phương Tây hết nhiệm kì như Gerhard Schröder, Tony Blair hay Nicolas Sarkozy cũng sẵn sàng đánh bóng cho các chế độ độc tài… (Chú thích của người dịch)