Đời sống Văn hóa Mỹ và Chúc Thư của một nhà khoa học Anh


Tòa kiến trúc đầu tiên của Viện Smithsonian được đặt tên là The Castle
Tòa kiến trúc đầu tiên của Viện Smithsonian được đặt tên là The Castle

Du khách ghé thăm thủ đô nước Mỹ hầu như ai cũng được nghe nói tới hệ thống viện bảo tàng Smithsonian nổi tiếng ở Washington, với những kho tàng nghệ thuật vô giá được trưng bày tại nhiều bảo tàngviện khác nhau, phần lớn tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố. Khách thưởng lãm, dù là cư dân hay du khách, thường không phải trả vé vào cửa. Mục Đời Sống Văn hóa của VOA do Hoài Hương phụ trách, kỳ này xin được dành để giới thiệu một vài nét về lịch sử của hệ thống viện bảo tàng và nghiên cứu Smithson, tiếng Anh gọi chung là The Smithsonian Institute.

Vào thế kỷ thứ 19, một khoa học gia người Anh tên James Smithson soạn tờ di chúc của ông, để lại tài sản cho một người cháu và con cái của người được thừa hưởng gia tài.

Ông Smithson cẩn thận ghi thêm vào chúc thư, rằng trong trường hợp người cháu qua đời mà không có con, dù là con hợp pháp hay con ngoại hôn, thì toàn thể tài sản của ông sẽ được hiến cho Hoa Kỳ để, theo nguyên văn chúc thư, “thiết lập một định chế mang tên Smithson, có mục đích tăng cường và quảng bá kiến thức của nhân loại.”

Một chi tiết đáng chú ý có thể giải thích những ngôn từ trong chúc thư, là ông Smithson là một đứa con ngoại hôn, và trong xã hội khắt khe ở Anh thời bấy giờ, ông bị cấm, không được mang tên họ của cha.

Nhà khoa học qua đời vào năm 1829, thọ khoảng 64 tuổi, trong khi đang cư ngụ tại thành phố Genoa, nước Ý. Chúc thư của ông được đăng trên tờ The Times of London- Luân Đôn Thời Báo, và khả năng Hoa Kỳ có thể được tặng một gia tài lớn lao như thế vào thời đó, đã thu hút sự chú ý của một chủ biên người Mỹ, ông này đã cho đăng lại bản tin trên tờ The New York American.

Ông Hungerford, người cháu của khoa học gia Smithson, lúc đó chỉ mới ngoài đôi mươi, và bởi vì thế mà không ai tin rằng điều khoản phụ được ghi thêm vào di chúc của ông Smithson, tặng tài sản cho Hoa Kỳ, có cơ may trở thành hiện thực.

Nhưng 6 năm sau khi thừa kế gia tài, chàng thanh niên trẻ tuổi tên Hungerford từ trần vào ngày 5 tháng 6 năm 1835, vì những nguyên nhân không rõ ở thành phố Pisa bên Ý, trong tình trạng không có con kế tự.

Chính phủ Hoa Kỳ tức khắc được thông báo, và Tổng Thống thời bấy giờ, ông Andrew Jackson, loan báo cho quốc hội biết chi tiết về ước nguyện cuối cùng lạ thường của nhà khoa học người Anh. Quốc hội Mỹ chấp nhận khoản hiến tặng và cam kết sẽ thực hiện chúc thư của người quá cố. Gia tài được chính thức trao lại cho Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 5 năm 1838.

Tài sản của nhà khoa học Smithson trị giá hơn 100,000 đồng tiền vàng Anh, được giao cho lò đúc tiền ở bang Philadelphia. Sau khi được đúc lại thành tiền Mỹ, gia tài mà nước Mỹ được thừa hưởng trị giá hơn 500,000 đôla.

Suốt 8 năm sau đó, quốc hội Mỹ tranh luận nên sử dụng tài sản này như thế nào cho vừa ý người quá cố. Cuối cùng vào ngày 10 tháng 8 năm 1846, Tổng Thống James K. Polk ký đạo luật  thành lập Viện Smithsonian, đặt dưới sự điều hành của một Hội Đồng Quản Trị và một vị Tổng Thư Ký.
**
Hơn 168 năm sau, Viện Smithsonian nay đã trở thành hệ thống viện bảo tàng và viện nghiên cứu lớn nhất thế giới, với tất cả 19 viện bảo tàng và trung tâm triển lãm, một Vườn Thú Quốc gia và 9 cơ sở nghiên cứu.

Đa số các cơ sở của Viện Smithsonian mở cửa mỗi ngày trong năm, trừ ngày Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, và trong hầu hết mọi trường hợp, khách được vào cửa miễn phí.

Năm 1865, một thập niên sau khi hoàn tất tòa kiến trúc đầu tiên của Viện Smithsonian được đặt tên là “The Castle- Tòa Lâu Đài”, tầng trên cùng của tòa nhà bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Trong những tài liệu bị thiêu rụi trong đám cháy này, có nhiều quyển nhật ký và giấy tờ của ông Smithson, bộ sưu tập các khoáng vật của ông, cùng những vật sở hữu cá nhân khác. Thật may mắn, thư viện của ông, được đặt tại một tòa nhà khác, vẫn tồn tại.

Mãi về sau, Viện Smithsonian mua lại bộ hài cốt của người sáng lập Viện cùng những kỷ vật cá nhân của ông để đưa sang Hoa Kỳ lưu trữ.

Năm 1903, nghĩa trang ở Genoa của nước Ý, nơi ông Smithson được chôn cất, bị di dời vì dự án phát triển một mỏ khai thác đá tại đây. Một thành viên của Hội đồng Quản trị thời đó, ông Alexander Graham Bell, đã đích thân tháp tùng bộ hài cốt của nhà hảo tâm từ Ý sang Mỹ. Bộ hài cốt đã được mai táng trở lại tại The Castle, ngay trung tâm thủ đô Washington, kế cận Quảng trường Quốc gia trước tiền đình tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
**
Gia tài của nhà khoa học người Anh mà nước Mỹ thừa hưởng đã có nhiều ảnh hưởng lớn lao làm phong phú hóa đời sống văn hóa và các lĩnh vực nghệ thuật – thủ công mỹ nghệ –nhân văn và khoa học của nước Mỹ. Tuy nhiên, động cơ khiến ông Smithson đề cập tới Hoa Kỳ trong chúc thư, và chọn nước Mỹ để hiến gia tài – trong trường hợp cháu ông qua đời mà không có người thừa kế, vẫn còn là một bí ẩn.
Ông Smithson chưa hề đặt chân tới Hoa Kỳ, và dường như cũng không thư từ qua lại với bất cứ người nào tại Mỹ.

Một số người cho rằng ông chọn Hoa Kỳ như một cách để phản đối sự khắt khe trong xã hội Anh thời bấy giờ. Là một đứa con ngoại hôn, ông đã bị cấm, không được sử dụng tên họ của cha.

Một số nhà nghiên cứu khác thì tin rằng ông đã chọn Hoa Kỳ bởi vì nước Mỹ tượng trưng cho những lý tưởng cá nhân của riêng ông, về dân chủ và một nền giáo dục đại chúng.

Nhưng dù cho động cơ thúc đẩy nhà khoa học Smithson làm chúc thư là gì đi chăng nữa, sự chọn lựa của ông đã tạo điều kiện cho cư dân tại Washington nói riêng, và du khách quốc tế ghé thăm thành phố này, được thưởng lãm tận mắt những tranh ảnh nghệ thuật, những báu vật trong kho tàng vô giá được trưng bày tại các viện bảo tàng Smithsonian khi tới thăm thủ đô nước Mỹ.

Nguồn: Một số thông tin sử dụng trong bài viết này được trích nguồn từ nhiều tài liệu khác nhau của Viện Smithsonian.

VOA