28/11/13

'Quốc hội có tội với tổ quốc và nhân dân'

'Quốc hội có tội với tổ quốc và nhân dân'




Giáo sư Tương Lai gọi những bước chân đến viếng tướng Giáp là "bước đi chậm rãi của lịch sử"

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào sáng ngày 28/11 với tỷ lệ phiếu tán thành gần như tuyệt đối, 97%, theo truyền thông trong nước.

BBC: Ông nghĩ gì về việc đến 97% đại biểu Quốc hội tán thành hiến pháp sửa đổi sáng nay, 28/11?
BBC đã phỏng vấn với Giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu xã hội, cựu thành viên nhóm tư vấn thủ tướng và cũng là một trong 72 nhân sỹ trí thức đã tham gia ký tên vào bản kiến nghị sửa đối hiến pháp, được biết đến với tên gọi Kiến nghị 72, về sự kiện này.
GS Tương Lai: Tôi cũng đã nghĩ rằng tình hình sẽ diễn ra như vậy thôi.
Một số anh em ngồi với nhau sáng nay vẫn hồi hộp hy vọng rằng chắc sẽ có một số phiếu phủ quyết của những người đại biểu có suy nghĩ, có lương tri và lương tâm, những người cũng thấy cắn rứt trước dư luận chung của các tầng lớp nhân dân và trước kiến nghị của trí thức nhóm kiến nghị 72.
Chúng tôi cũng hy vọng là một số người sẽ theo tiếng gọi của lương tâm mà đáp ứng tiếng gọi của nhân dân, của trí thức, dù chắc không lật ngược được tình thế đâu, nhưng chí ít cũng tỏ một thái độ không bằng lòng, trước một thực tế bị áp đặt quá trắn trợn.
Nhưng một số khác thì cho rằng tôi ảo tưởng, vì trong một cái thể chế toàn trị này, làm gì có chuyện có những người phủ quyết vào phút chót? Nếu chuyện đó có xảy ra, thì họ phải được chuẩn bị, phải có một lực lượng dẫn dắt, chứ đợi lương tri thức dậy thì rất khó.
Người ta biết khi bỏ phiếu bấm nút, ai bỏ phiếu thì bộ phận kỹ thuật đều ghi lại được hết. Phần lớn số đại biểu là đảng viên, mà đảng đã ra nghị quyết thì có lẽ họ không thể làm trái điều đó, trừ trường hợp phải đối mặt với trách nhiệm với lương tâm, với dân tộc và đất nước và nghĩa vụ với tổ chức mà họ là thành viên.
"Đây là hiến pháp kéo lùi bước phát triển của dân tộc, và những người thông qua nó, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc."
Giáo sư Tương Lai
Nhưng cuối cùng họ đã không vượt qua được điều đó.
Chúng tôi không có gì ngạc nhiên, và chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài. Và cũng không vì vậy mà chúng tôi thất vọng trước những người đại biểu nói chung. Chúng tôi không gói cả gói làm một đâu.
Chúng tôi biết rằng các anh, chị ấy vẫn còn có nhiều tâm tư, nhưng vì lý do này, lý do khác, mà người ta không thể làm khác được.
Chúng ta vẫn phải chờ đợi thôi, đừng nghĩ rằng rồi tất cả sẽ tiếp tục theo tuần tự như thế.
Lực lượng của những người im lặng một lúc nào đó sẽ bùng lên thôi. Cũng giống như không ai có thể đoán trước được đoàn người xếp hàng trên con đường Điện Biện Phủ rẽ vào đường Hoàng Diệu để đến ngôi nhà số 30, nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không ai hình dung được lại có những người, trong đó có những người cao tuổi, lại xếp hàng ròng rắn dọc đường Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Phạm Đình Hổ, Tăng Bạt Hổ để đến nhà tang lễ viếng Đại tướng.
Dòng người trầm lắng đó, là thái độ của dân, một đa số im lặng, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ biểu thị một cách rõ ràng.
Lịch sử sẽ có những bước đi lắt léo, ghập ghềnh, nhưng cuối cùng lịch sử cũng sẽ phán xét, trả về sự sòng phẳng của nó đối với những giá trị chân chính.
BBC: Liệu hiến pháp vừa được thông qua sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ý kiến đóng góp của giới trí thức VN được tiếp thu một cách 'khiêm tốn'.
GS Tương Lai: Như trong những lời tuyên bố mà chúng tôi đã ký, đòi hỏi hiến pháp cần phải được dừng lại, không thông qua vội, vì nếu thông qua thì sẽ là một bước lùi, đưa dân tộc vào con đường khó khăn, trước những thách thức của thời đại, khi thế giới đang có rất nhiều biến động.
Thực tế cho thấy là nếu như mà không dấn bước cùng thời đại, không hội nhập theo quy luật phát triển chung của thời đại mà vẫn giữ một chế độ toàn trị thì sẽ rất khó.
Trong kết thúc của lời kêu gọi mà chúng tôi đưa ra ngày 15/11 năm 2013, chúng tôi mong đợi cử tri cả nước, tùy theo điều kiện của từng nhóm, hay từng cử tri, dùng hình thức thích hợp yêu cầu đại biểu tại địa phương mình, hay đại biểu mình quen biết, để có thái độ theo tinh thần nêu trên, đứng về phía nhân dân khi nêu ý kiến và bỏ phiếu về hiến pháp.
Nếu cam chịu thông qua một bản hiến pháp như dự thảo đang bàn, thì Quốc hội khóa 13 sẽ có tội với tổ quốc và nhân dân, và cá nhân các vị đại biểu Quốc hội khóa 13 đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp, sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trước tổ quốc, trước dân tộc.
Tất cả những điều đó còn nguyên giá trị, để nói rằng với việc thông qua hiến pháp, lịch sử sẽ phán xét về Quốc hội này, xem Quốc hội này có phải quốc hội của dân nữa không? Hiến pháp mà các vị thông qua, có phải hiến pháp của dân nữa không?
Nếu đối chiếu lại với Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 thì nó là một hiến pháp đi ngược lại với Tuyên ngôn Độc lập.
Vâỵ thì hiến pháp này không thể là hiến pháp của dân. Đây là hiến pháp kéo lùi bước phát triển của dân tộc, và những người thông qua nó, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.
BBC: Ông có đề cập đến "lực lượng của những người im lặng". Theo ông, điều gì sẽ có thể giúp cho lực lượng này đoàn kết lại và thực sự tạo nên sự thay đổi?
"Nếu đối chiếu lại với Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 thì nó là một hiến pháp đi ngược lại với Tuyên ngôn Độc lập."
Giáo sư Tương Lai
GS Tương Lai: Quá trình chấn hưng đất nước, là một quá trình lâu dài, và để lực lượng im lặng đó biểu tỏ thái độ thì bản thân lực lượng đó vẫn phải chất chứa trong họ ngọn lửa yêu nước và khát vọng tự do dân chủ.
Ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ, khi được khơi dậy, thổi bùng lên, thì sẽ trở thành một ngọn lửa rất mạnh mẽ.
Lúc nào nó khơi dậy thì đây là bí ẩn của lịch sử.
Nhưng thực ra, cũng không có gì là quá bí ẩn đâu. Sự kiện tôi nhắc đến ở trên - sự kiện để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bước chân thầm lặng của những người đến phố 30 Hoàng Diệu - là bước đi chậm rãi của lịch sử.
Thế nhưng lịch sử không phải lúc nào cũng bước đi chậm rãi; nó sẽ luôn có những bước đột phá, và ở những bước đột phá đó, một sức mạnh tổng hợp sẽ được khơi dậy khi nó có những yếu tố tác động vào.
Yếu tố gì? Yếu tố này bao gồm những điều kiện trong nước và thế giới. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào việc ý thức, trình độ dân trí được nâng lên.
Cho nên, bây giờ đây, khi chúng tôi gửi các kiến nghị đi, thì đối tượng đương nhiên là những người cầm quyền. Nhưng đối tượng thực chất là quần chúng nhân dân đông đảo - những bước chân thầm lặng, chính họ mới là những người quyết định.
Đây là lúc cần thức tỉnh ý chí và nâng cao dân khí lên. Nói như bà Aung San Suu Kyi, nhân quyền bây giờ là gì? Nhân quyền lúc này là phải vượt qua sự sợ hãi, và muốn vượt qua sự sợ hãi, thì phải có sự hiểu biết.
Việt Nam vừa rồi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Thế giới. Nhiều người cho rằng đây là một điều vớ vẩn, nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là một cơ hội.
Cơ hội này sẽ là điều kiện để công khai phổ biến những cam kết của Việt Nam với thế giới trước toàn dân. Đó cũng là một cách thức tỉnh dư luận, nâng cao dân trí để chấn hưng dân khí.
Source  : BBC

27/11/13

Thống kê Xã Hội Chủ Nghĩa


Wednesday, November 27, 2013

Thống kê Xã Hội Chủ Nghĩa

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131127
035_20131110_03944-305.jpg
Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc mở một cuộc họp kín 
để đưa ra chính sách quan trọng thúc đẩy kinh tế hôm 09/11/2013 AFP photo*



Tuần qua, khi các chuyên gia và đại biểu quốc hội tại Việt Nam tranh luận về số liệu không đáng tin của Tổng cục Thống kê thì hôm 16, Cục Thống Kê Quốc Gia của Trung Quốc loan báo nhiều thay đổi trong hệ thống kế toán quốc gia để trình bày tình hình kinh tế cho trung thực hơn. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ yêu cầu chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa phân tích chuyện thống kê kinh tế để làm sáng tỏ vấn đề.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau khi chấm dứt chương trình kỳ trước, chúng tôi có yêu cầu là tuần này tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về thống kê kinh tế. Sở dĩ như vậy, thưa ông là vì sau nhiều kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu và chuyên gia ở trong nước đã nêu vấn đề về trình độ không đáng tin của thống kê Việt Nam do Tổng cục Thống kê thu thập và công bố. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm trước, ông cũng phân tích vì sao thống kê kinh tế của Trung Quốc có quá nhiều sai lệch và tuần qua, dường như Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh đã thông báo nhiều thay đổi sẽ áp dụng. Ông nghĩ sao về đề tài này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nhớ đến một câu nói của Victor Hugo, một văn hào người Pháp vào Thế kỷ 19, rằng "không có gì mạnh hơn một ý kiến khi đã đến thời của nó".

- Cùng kỳ họp vừa qua của Quốc hội Việt Nam, tại Bắc Kinh, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vừa hoàn tất Hội nghị Trung ương Kỳ ba của Khoá 18. Lập tức, Cục Thống kê Quốc gia của họ loan báo hôm Thứ Bảy 16, việc áp dụng năm thay đổi lớn trong hệ thống kế toán quốc gia để cuối năm tới hay đầu năm 2015, họ sẽ có dữ kiện trung thực hơn về kinh tế quốc dân, đặc biệt là về Tổng sản lượng Nội địa GDP. Chúng ta thấy hai quốc gia này đều không hài lòng về những báo cáo kinh tế của các cơ quan hữu trách và muốn cải tiến để mọi người cùng nắm vững tình hình một cách trung thực hầu có quyết định đúng đắn hơn, thay vì vẫn chạy theo chủ nghĩa thành tích, đã làm láo mà còn báo cáo sai.

Vũ Hoàng: Thưa ông, đầu đuôi thì vì sao lại có cái nạn sai lạc trong cách thiết lập thống kê?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu xét tới đầu nguồn thì nên trả lại cho Marx những sai lầm của ông ta và đây cũng là một ý kiến đã đến thời của nó dù là quá trễ.

- Trước tiên, qua chuỗi lý luận phức tạp có tham vọng kết hợp khoa học với đạo lý để biện minh cho "cách mạng vô sản", Karl Marx nói đến khái niệm gọi là "giá trị thặng dư". Với nhiều thí dụ bằng con số, ông ta khơi khơi đề ra một luận cứ rằng phần tư bản biến thiên hay sức lao động luôn luôn bằng với phần tư bản cố định, cho nên giá trị thặng dư hay tỷ số giữa lao động và siêu lao động luôn luôn cao bằng 100%. Ông ta nêu ra một con số về tỷ lệ bóc lột 100% mà chẳng cần chứng minh gì cả! Đấy chỉ là một sự ngụy biện thiếu tinh thần khoa học.

- Quý thính giả có thấy điều vừa trình bày là khó hiểu thì đừng lo vì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản từ ông Hồ Chí Minh trở đi cũng chẳng hiểu gì về chuyện này. Thật ra họ không thể đọc hết bộ Tư Bản của Marx hay Bút ký Triết học của Lenin mà vẫn cứ đề cao chủ nghĩa Mác-Lenin! Tinh thần phi khoa học từ đầu nguồn mới giải thích những tai họa ngày nay, khi người ta không thiết lập nổi một hệ thống khảo sát và chẩn đoán thực tế cho nghiêm túc và trung thực mà vẫn cứ đòi lấy những quyết định nghiêm trọng về cuộc sống của người khác.

- Thí dụ thứ hai để trở lại với hiện tại là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay Đại Dược Tiến của Trung Quốc thời Mao. Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961, chỉ gần bốn năm mà đã có 36 triệu người chết đói dù chẳng bị mất mùa. Chỉ vì họ muốn tiến hành công nghiệp hóa một cách duy ý chí, y như cuộc cải cách ruộng đất trước đó mà họ đã dạy cho lãnh đạo Hà Nội thi hành. Vụ thống kê trong câu chuyện thảm khốc này là lãnh đạo ở trên không nắm vững thực tế của đời sống mà ở dưới lại không dám báo cáo sự thật lên trên. Y như Marx đã gian dối với giá trị thặng dư 100%, đời sau tiếp tục gian dối và gây ra thảm họa cho người dân.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông phải chăng tình hình đã có thay đổi tại Trung Quốc và Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là có thay đổi, nhưng quá chậm so với xứ khác và quan trọng nhất thì não trạng vẫn chưa đổi. Tôi xin được đi từng bước trong cách trình bày thì ta mới hiểu vì sao một ý kiến đã đến thời của nó và người ta phải đổi cách suy nghĩ.

- Nói về kế toán thì trong một giai đoạn quá lâu đến gần nửa thế kỷ, người cộng sản chỉ có hệ thống kế toán một cột và hai dấu. Tất cả những gì thu vào thì đánh dấu cộng và chi ra thì đánh dấu trừ trên một cột số để có kết toán về thực tế bằng một con số. Hệ thống này quá đơn giản và lạc hậu. Họ không biết và cũng chẳng cần biết về hệ thống kế toán đối phần là hai cột đã có từ mấy trăm năm. Bất cứ một tư liệu nào ghi bằng một con số cũng có hai phần, là thứ nhất, từ đâu mà có, thí dụ như từ vốn riêng hay đi vay, vả thứ hai, dùng vào việc gì, với kết quả ra sao? Hệ thống kế toán đối phần này phát triển ra bản năng trách nhiệm khi khai thác, là làm gì cũng phải ý thức được kết quả và nhất là việc trả nợ, chứ không thể sử dụng miễn phí và làm hao hụt phương tiện sản xuất. Việc gây hoang phí và vô trách nhiệm là thuộc tính của xã hội chủ nghĩa, với nhiều thí dụ quá đắt đỏ vẫn là hiện đại sau khi hai quốc gia này đã cải cách hay đổi mới. Chuyện thống kê không đáng tin xuất phát từ đó.


000_Hkg9188241-250.jpg
Nhân viên phân loại các gói hàng tại một công ty chuyển phát nhanh tại Beijing hôm 12/11/2013. AFP photo
 
 
Vũ Hoàng: Ông rất thận trọng trình bày từ đầu về lý luận rồi kỹ thuật thu thập thống kê trong các nước xã hội chủ nghĩa với tàn dư còn tồn tại đến ngày nay tại Trung Quốc và Việt Nam. Thưa ông, vì đi trước, Trung Quốc đã cải cách những gì và có điều gì đáng học hỏi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đã chứng kiến "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại", Đặng Tiểu Bình ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo ở trên nếu không có thông tin thực tế và thống kê đáng tin. Cho nên sau khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì ông ta cố hiện đại hóa hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn. Nhưng ba chục năm sau thì tình hình chưa khá. Cứ hai ba năm thì Cục Thống Kê Quốc Gia trong Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, lại đưa ra một đề nghị cải cách và mỗi năm lại có vài ba vụ phàn nàn các tỉnh về chuyện thống kê sai lạc. Ví dụ điển hình và đến năm nay vẫn còn đúng là dữ kiện về GDP. Nếu cộng chung sản lượng của 31 tỉnh và thành phố thì Trung Quốc có Tổng sản lượng cao hơn con số của Cục Thống kê đến bốn năm trăm tỷ đô la, như vậy, số nào là đúng? Thí dụ khác là Tháng Bảy rồi Tháng Chín vừa qua Cục Thống kê đả kích tỉnh Vân Nam rồi tỉnh Quảng Đông vì những dữ kiện được thổi phồng gấp đôi hay gấp bốn lần thực tế.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hệ thống thu thập thống kê của Trung Quốc có nhược điểm gì nên gây ra những sai lạc như vậy dù xứ này đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2001?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là vì WTO không đòi hỏi phải có bộ máy thống kê tiêu chuẩn hóa, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi nên Trung Quốc chưa cải tiến tiêu chuẩn của họ. Một ví dụ là cho đến nay, Trung Quốc chỉ đếm mức thay đổi hàng năm của Tổng sản lượng, là so với cùng kỳ vào năm ngoái, thay vì theo từng tháng hay từng quý. Trong một thế giới mà mỗi giây lại có 400 triệu nghiệp vụ giao dịch trên các thị trường tài chính thì lối đếm này quá chậm và không kịp cập nhật. Ví dụ khác là họ chủ yếu lấy sản lượng công nghiệp làm cơ sở đo đếm Tổng sản lượng trong khi các nước tiên tiến lại dùng con số tiêu thụ thực tế làm căn bản nên có dữ kiện chính xác hơn. Quyết định vưa do Cục Thống kê Bắc Kinh công bố cho thấy là họ cố học theo hệ thống Kế toán Quốc gia của Liên Hiệp Quốc và của Hoa Kỳ để có khả năng thẩm định sát với thực tế và gần bằng các xứ khác. Đấy là một tiến bộ mà Việt Nam nên chú ý. Tuy nhiên, việc cải tiến kỹ thuật và phương pháp thôi vẫn chưa đủ.

Vũ Hoàng: Một số chuyên gia trong nước cho là Việt nam phải có cơ quan thống kê độc lập, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải có một nhà nước độc lập với đảng thì mới có tương lai! Và ít ra là có thống kê khả tín và khả dụng. Tôi xin được giải thích lý do.

- Trung Quốc hiện có hai hệ thống thu thập thống kê song hành. Một hệ thống là Cục Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh với chức năng hội nhập và đúc kết số liệu từ cơ sở do nhân viên ở mọi cấp bên dưới báo cáo về trung ương ở trên. Hệ thống kia là của các phủ bộ ban ngành của nhà nước, nơi nào cũng có nhiệm vụ thu thập thống kê thuộc phạm vi chức năng của mình, như Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, và các tỉnh cũng có báo cáo từ dưới đưa lên trên. Hai hệ thống này rõ ràng là độc lập với nhau cho nên thế giới bên ngoài cứ tưởng rằng họ sẽ thi đua phục vụ sự thật và báo cáo trung thực.

- Nhưng sự thật là mọi công chức cao cấp ở mọi nơi đều phải là đảng viên. Trong hệ thống đảng, họ thăng quan tiến chức là nhờ thượng cấp ở trên chứ không chịu trách nhiệm gì với người dân ở dưới. Hệ thống đó thiếu dân chủ và chưa tách đảng ra khỏi guồng máy nhà nước khiến cả guồng máy này phục vụ đảng và cấp dưới phải làm vừa lòng cấp trên ở trong đảng. Kết quả thì mỗi cấp ở dưới lại tô hồng báo cáo khi đưa lên thượng cấp và sau nhiều đợt tô hồng như vậy thì trung ương ở trên cùng lại có nhiều bức tranh màu hồng về thực tế có khi xám ngắt ở dưới. Vấn đề vì vậy không phải là kỹ thuật thu thập thống kê hay định nghĩa về từng trương mục hay tài khoản của hệ thống kế toán quốc gia. Vấn đề nó nằm trong cơ chế chính trị của một chế độ cứ lấy đà tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên nên mọi cấp đều tăng đà báo cáo sai.

Vũ Hoàng: Thưa ông, lãnh đạo Trung Quốc đã có ý chuyển hướng từ lượng sang phẩm và việc cải cách về thống kê của họ vì vậy cũng phải thay đổi. Liệu tình hình sau này có khá hơn chăng và Việt Nam có rút tỉa kinh nghiệm gì của xứ láng giềng này khi đang đối mặt với một thực tế khó khăn mà khó đến mức nào thì chính lãnh đạo cũng không biết?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu Cục Thống kê Trung Quốc áp dụng năm biện pháp cải tổ vừa thông báo thì con số về sản lượng sẽ tăng chứ không giảm vì họ bao gồm nhiều yếu tố khác, như khu vực dịch vụ hay sức tiêu thụ và cả những phí tổn về nghiên cứu và phát triển. Đây là điều có lợi cho lãnh đạo về mặt tuyên truyền, mà cũng có lợi về quản lý vì dùng chuẩn mực của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn tiềm ẩn giữa hệ thống lãnh đạo ở trung ương, mà ông Tập Cận Bình đang muốn tăng cường, với hệ thống đảng bộ ở địa phương vẫn gia tăng và các địa phương sẽ phản công trên mặt trận thống kê nên sau cùng thì xứ này chưa có công cụ thống kê khả tín vì chưa có chế độ chính trị thích hợp cho một xứ phức tạp và đa diện như vậy.

- Về phía Hà Nội, Việt Nam có thể học kỹ thuật hiện đại nhờ viện trợ quốc tế lẫn các chuyên gia Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nhưng dù có cải tiến phương pháp và kỹ thuật, cơ chế chính trị hiện nay chưa khắc phục được bài toán chính trị của tổ chức thống kê. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp và các dân biểu mà dám đề cập tới bài toán chính trị này, may ra tình hình sẽ khá hơn. Điều ấy chưa xảy ra và thống kê của Việt Nam vẫn có giá trị dưới mức trung bình của thế giới, và 10 năm qua lại còn giảm sút so với thiên hạ.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần trao đổi này.

Source : RFA  / Dainamax Tribune

Người già nên về VN hay ở nước ngoài?

Người già nên về VN hay ở nước ngoài?

Cập nhật: 14:49 GMT - thứ tư, 27 tháng 11, 2013

Người già ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Chính sách hỗ trợ người già ở Việt Nam còn hạn chế
Có nhiều ý kiến cho rằng người già sống ở những nước tư bản không thể hạnh phúc bằng người già Việt Nam do họ không có được cuộc sống ấm cúng và sự quan tâm của con cháu.
Vậy thực chất vấn đề có gì khác?Lý tưởng tam đại đồng đường và thực tế xã hội
Truyền thống tam, tứ đại đồng đường với nhiều thế hệ gia đình chung sống trong cùng một mái nhà từ lâu đã ăn sâu bén rễ trong đời sống người Việt.
Nhưng thực tế cho thấy đã có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình chung sống giữa các thế hệ.
Người già thường cho rằng mình là người trên, có quyền được can thiệp vào mọi khía cạnh cuộc sống của con cháu.
Trong khi, những người trẻ hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương tây lại muốn có cuộc sống độc lập, tự quyết hơn.
Tôi đã được nghe rất nhiều lời than phiền của những người quen bao gồm cả người già và người trẻ.
Từ những mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân liên quan tới ý thức hệ, văn hóa ứng xử giữa hai thế hệ, những can thiệp vào chuyện nuôi dạy con cháu cho tới những va chạm lặt vặt xung quanh chuyện miếng cơm manh áo mỗi ngày…
Có thể nói tam đại đồng đường không phải lúc nào cũng ấm cúng như lý tưởng.

Hắt hủi

Một số gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng con cháu luôn bận rộn tới nỗi không có thời gian dành cho người già, khiến họ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Có những người già đủ điều kiện tài chính đóng góp cho các trung tâm chăm sóc người già do tư nhân thành lập để không phiền tới con cháu, nhưng chính những định kiến về chuẩn mực tam đại đồng đường đã trở thành những rào cản xã hội khiến họ không thể có lựa chọn theo ý mình.
Đa số người Việt luôn quan niệm đầu tư cho con cái đồng nhất với đầu tư cho tuổi già của chính bản thân họ.
"Đa số người Việt luôn quan niệm đầu tư cho con cái đồng nhất với đầu tư cho tuổi già của chính bản thân họ. "
Điều này đã phần nào là nguyên nhân khiến cha mẹ luôn gây áp lực học hành lên con cái từ khi chúng còn là những đứa trẻ, với kỳ vọng sau này con trở nên giỏi giang thành đạt để cha mẹ còn có phận nhờ.
Có những bậc cha mẹ cả đời lao động quần quật, hy sinh hết những nhu cầu hưởng thụ cá nhân với mục tiêu gây dựng một cơ ngơi sẵn sàng cho con cái.
Nhưng khi nắm chắc phần tài sản cha mẹ để lại trong tay, những đứa con mới chợt nhận ra cha mẹ già chỉ là một gánh nặng vô dụng và quay ra bạc đãi, hắt hủi mẹ cha...
Báo chí đã ghi nhận rất nhiều những hoàn cảnh đau lòng khi cha mẹ buộc lòng phải nhờ đến pháp luật phân xử chuyện tranh chấp tài sản với chính những đứa con ruột của mình.
Vô số trường hợp cha mẹ lúc cuối đời vẫn phải gạt nước mắt chứng kiến cảnh con cái đấu đá nhau chỉ vì vài mét đất…
Có người nhận xét rằng những thay đổi của lối sống hiện đại đã khiến lòng hiếu thảo của con cháu ngày một cạn kiệt. Người già sống giữa quây quần con cháu nhưng không nhận được sự quan tâm đủ đầy có hẳn là điều hạnh phúc?

Chính sách an sinh của Việt Nam với người già

Qua qua sát, có thể nói người già không phải là mối bận tâm của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
Trong tổng số 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có rất ít tỷ lệ người cao tuổi thuộc khối quân nhân, thành phần có công với chế độ hoặc công chức hưu trí là được hưởng lợi từ nguồn quỹ bảo hiểm và chính sách.
Các thành phần còn lại hầu như chẳng có nguồn thu đáng kể gì khi hết tuổi lao động, đặc biệt là nông dân. Đây chính là một điều bất bình đẳng trong chính sách dành cho người già.
Luật quy định những người đủ quy định 80 tuổi trở lên mà không có một nguồn thu nhập gì sẽ được nhà nước hỗ trợ 95% bảo hiểm y tế, và được trợ cấp số tiền mỗi tháng là 180 ngàn VND.
Người già ở Hà Nội
Ít người già ở Việt Nam được trợ cấp đủ sống
Với số tiền được trợ cấp này, nếu khéo thu vén người cao tuổi Việt Nam có thể gần đủ chi phí cho bữa sáng đạm bạc theo thời giá hiện tại.
Nhà nước chỉ trợ cấp cho những người già chứng minh được họ neo đơn, hòan toàn không có gia đình để nhờ cậy.
Với các chính sách an sinh xã hội như vậy, đa số người già Việt Nam khi không thể lao động thì chỉ còn cách trông vào con cháu làm chỗ dựa lúc cuối đời.
Dù muốn dù không họ cũng bị đẩy vào thế trở thành gánh nặng cho con cháu, ngay cả khi con cháu họ cũng nghèo túng và đang nặng gánh mưu sinh để chính bản thân mình tồn tại.
Trong từng góc chợ, không khó khăn gì thấy cảnh người già gập tấm lưng còng trên những gánh rau để góp nhặt từng đồng bạc lẻ.
Tại từng ngõ hẻm, không khó để bắt gặp cảnh người già phải thu nhặt từng món đồ ve chai thiên hạ bỏ đi.
Báo chí cũng lên tiếng nhiều về trường hợp người già tại các làng quê nghèo khó đã phải chấp nhận đầu quân cho các cai ăn mày thành phố…
Nhiều người già Việt Nam phải chấp nhận nhiều tủi nhục để đánh đổi lấy miếng cơm manh áo khi cuộc sống nghèo túng không cho họ có nhiều lựa chọn.
Thực tế tại Việt Nam, những người già thuộc thành phần khá giả cũng có nhiều lựa chọn trong việc hưởng thụ cuộc sống lúc xế chiều, nhưng tỷ lệ này quá ít khó có thể đại diện được cho cả xã hội nói chung

Và tuổi già tư bản

Tôi đã có cơ hội được đi thăm một số nước châu Âu, những nơi có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới và tiếp xúc với khá nhiều người già. Điều có thể khẳng định ngay, là mặc dù không phải ai cũng khá giả, nhưng người già tư bản đều sống khá ung dung với những chính sách an sinh xã hội.
Tại Thụy Sỹ, mỗi công dân cư trú hợp pháp đều được cung cấp một mã số AVS (Assurance Vieillesse et Survivants- tạm dịch là Quỹ bảo hiểm hưu trí) để bảođảm cho thu nhập của họ lúc về già.
Bất cứ một khoản thu nhập nào của người lao động cũng sẽ bị trừ một khoản trực tiếp cho loại bảo hiểm bắt buộc này, và số tiền đó sẽ được dùng để chi trả cho cuộc sống của họ khi hưu trí theo luật định.
"Riêng với cá nhân tôi, tuổi xế chiều mà không phải lo đối phó với chuyện miếng cơm manh áo, không phải trông chờ vào tấm lòng hiếu thảo của con cháu để sinh tồn là một điều may mắn lớn."
Với những trường hợp người lao động không bao giờ đi làm và đóng thuế trong suốt cuộc đời, luật quy định tới 63 tuổi, họ vẫn có quyền được nhận số tiền tối thiểu 1.160 CHF/ 1 tháng để sinh sống, chưa kể những trợ giúp khác về bảo hiểm y tế, nhà cửa, và có người hỗ trợ trong trường hợp người già không thể tự phục vụ bản thân.
Người già Thụy Sỹ có rất nhiều lựa chọn sinh hoạt xã hội, cộng đồng. Rất nhiều người chọn công việc tình nguyện trong các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ những người khó khăn, một số lại chọn gia nhập các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi.
Chính phủ cũng liên tục mở những khóa học ngoại ngữ, vi tính, khiêu vũ, thể thao… với chi phí tượng trưng dành cho người lớn tuổi để họ có thêm cơ hội gặp gỡ giao lưu và không phải đứng ngoài lề xã hội.
Trong các sinh hoạt lễ hội cộng đồng, người già cũng luôn được ưu tiên bố trí vị trí và phương tiện vận chuyển.
Thực tế, với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân của phương tây, chưa chắc bản thân người già đã cảm thấy hạnh phúc khi phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu.
Khi không muốn sống một mình hoặc không đảm bảo sức khỏe, người già tại Thụy Sỹ có thể chọn một nhà dưỡng lão có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và nhân viên chăm sóc được đào tạo bài bản.
Họ sẽ được sống gần những người bạn già, chi phí do một phần đóng góp theo khả năng và các quỹ xã hội chi trả.
Con cháu và gia đình vẫn dành những ngày rảnh rỗi đến nhà dưỡng lão thăm ông bà mà không gặp bất cứ một vấn đề nào về chuyện thị phi dư luận.
Sẽ là phiến diện nếu chúng ta đứng ở một phía để nhận xét tuổi già ở Việt Nam hay tư bản sướng hơn, vì điều đó còn phụ thuộc vào văn hóa, quan điểm sống điều kiện kinh tế tại mỗi nước.
Riêng với cá nhân tôi, tuổi xế chiều mà không phải lo đối phó với chuyện miếng cơm manh áo, không phải trông chờ vào tấm lòng hiếu thảo của con cháu để sinh tồn là một điều may mắn lớn.
Dẫu biết rằng tuổi già ở đâu cũng có những ngậm ngùi…
Source : BBC

Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục bế tắc

Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục bế tắc

Giá vẫn quá cao

Đang và sẽ không có một phép màu nào xảy đến với thị trường bất động sản Việt Nam, bất chấp rất nhiều phép khuyến dụ đã được phóng ra từ chính sách nhà nước cùng các tập đoàn kinh doanh nhà đất và ngân hàng đang “ôm bom”.

Hoàng Anh Gia Lai là một phép thử đặc trưng nhất cho thất bại. Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2013 của tập đoàn được xem là nằm trong top đầu đại gia bất động sản này, dù báo lãi nhưng doanh thu chủ yếu phải nhờ vào việc chuyển nhượng các dự án cao su và thủy điện. Ngược lại, hệ số tiêu thụ căn hộ từ đầu năm đến nay là quá thấp và cũng không cho thấy bất cứ manh mối nào có thể triển vọng hơn trong thời gian tới.

Đoàn Nguyên Đức là ông chủ năng động và cũng thường có những phát ngôn “xách động” của Hoàng Anh Gia Lai. Vào giữa năm 2013, nhân vật được xem là có dự cảm chính trị khá tốt này đã xác quyết về một cái đáy không thể lầm lẫn của thị trường bất động sản, cùng lời kêu gọi người tiêu dùng và giới đầu cơ nhỏ lẻ hãy “mua vào”.

Cũng như ông Đức, nhiều đại gia kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp khác luôn cố che giấu nỗi lo mất ngủ từ nguy cơ phá sản luôn cận kề. Vào năm 2012 khi thị trường vẫn còn “ngủ đông”, giới chủ đầu tư cùng một số “phát ngôn viên” - những người được mô tả là chuyên gia hàng đầu về thị trường - cũng đã tự xác lập những giá đáy của căn hộ sau mỗi quý. Tuy nhiên như thời gian đã chứng thực, hết năm 2012 và đến giờ đã gần hết năm 2013, đáy của thị trường bất động sản vẫn là một khái niệm hoàn toàn mờ ảo.

Ở Hà Nội, giá bất động sản vẫn tiếp tục trôi dốc, dù với độ trượt nhỏ hơn năm 2012. Nhưng so với mức tăng gần ba lần chỉ riêng trong chiến dịch đánh lên bất động sản giai đoạn 2009 - 2010 và nhìn lại mức tăng đến chẵn 100 lần kể từ con sóng bất động sản đầu tiên vào năm 1995, cuộc giảm giá dù đến một nửa của khối căn hộ cao cấp ở Thủ đô có vẻ vẫn chưa làm xúc động túi tiền người dân.

Cũng khó có thể khuấy động tâm não người tiêu dùng, một khi hệ số giá nhà đất/thu nhập bình quân người lao động ở Việt Nam vẫn đứng vững ở mức 25, cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn cho phép của Liên Hiệp Quốc. Rõ là một thứ bong bóng nhà đất đã hình thành đủ lớn và luôn có thể bùng vỡ bất kỳ lúc nào trong một nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào chủ nghĩa đầu cơ.

500.000 tỷ đồng nợ xấu

Không chỉ rất nhiều nhóm đầu cơ nhỏ lẻ và thứ cấp phải gánh chịu hậu quả nặng nề, ngay cả những tên tuổi lừng lẫy như Vinaconex, Sông Đà, Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai… cũng cùng chung số phận.

Từ vị thế đầu tư đến vài ba ngàn tỷ đồng cho các dự án căn hộ, đến nay trong két sắt của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng.

Đáng thất vọng hơn cả là một giải pháp xung kích của nhóm lợi ích ngân hàng - bất động sản tung ra vào giữa năm 2013 - gói kích thích 30.000 tỷ đồng dành cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp - đã thất bại cay đắng khi tỷ lệ giải ngân chỉ vỏn vẹn 1% sau gần nửa năm triển khai.

Tất nhiên, có nhiều lý do khiến tốc độ giải ngân quá nặng nề và kém hiệu quả, song không thể phủ nhận nguồn cơn lớn nhất vẫn là niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản đã trở nên tê liệt.

Một trong những minh chứng hiển nhiên nhất về khả năng sụp đổ của thị trường bất động sản trong tương lai không xa lại đến từ giới ngân hàng - nơi găm giữ đến ít nhất 70% nợ và nợ xấu tích tụ bởi các con nợ đại gia nhà đất.
Cho đến gần đây, chính thống đốc Ngân hàng nhà nước đã phải báo cáo Quốc hội về con số 300.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng nhà nước chuyển từ nhóm nợ xấu lên nhóm nợ “tốt” vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, con số này lại chính là sự xác nhận cho một con số thật hơn nhiều: so với số nợ xấu chỉ từ 135.000  đến gần 200.000 tỷ đồng do Ngân hàng nhà nước công bố trong năm 2012, số nợ xấu hiện thời, nếu cộng cả 300.000 tỷ đồng vừa “đảo nợ”, phải lên đến gần 500.000 tỷ đồng.

Khá tương đồng, con số trên lại phù hợp với đánh giá về nợ xấu của một nhóm chuyên gia phản biện độc lập tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013 - lên đến 540.000 tỷ đồng.

300.000 tỷ đồng là cú đảo nợ lần thứ hai của Ngân hàng nhà nước dành cho các nhóm con nợ đang lâm vào thế cùng quẫn, sau cú thứ nhất vào tháng 4/2012. Tuy thế, không phải chuyện đảo nợ sẽ diễn ra mãi mãi, bởi thời điểm Minsky về đáo hạn các món nợ xương máu đã biến thành vết hằn trong não trạng của thế giới tư bản ngày càng dã man ở Việt Nam.

Đến tháng 6/2014, nếu không thể thanh toán được các món nợ này, không chỉ các con nợ chủ đầu tư “chết” mà cả những ngân hàng đang ôm nợ và tài sản thế chấp cũng “băng hà” - như một câu châm ngôn trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Những dấu hiệu hỗn loạn

Đã có một số biểu hiện hỗn loạn không thể chối cãi, chẳng hạn như với Công ty gỗ Trường Thành. Công ty này đã được ngân hàng cho giãn nợ đến năm 2014, vào lúc giám đốc Trường Thành nói tuột ra: “Cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng”.

Một cái chết song trùng là rất có thể xảy ra giữa khối con nợ và các chủ nợ, để đến lượt mình, giữa các chủ nợ ngân hàng lại có thể kiến tạo một cuộc sụp đổ dây chuyền trong không bao lâu nữa.

Agribank - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - là dấu hiệu đầu tiên biểu tượng cho sự tái hiện sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 10/2007. Trở thành quán quân về thu hút tín dụng tiền gửi nhưng cũng không thua kém về số lãnh đạo ngân hàng đối mặt với vòng lao lý, Agribank là địa chỉ mà nợ xấu bất động sản có thể tạo ra một cơn địa chấn đủ lớn khiến dắt dây sang các ngân hàng “bạn”.

Trong số tài sản thế chấp mà các ngân hàng đang phải nắm giữ, phần lớn là các dự án căn hộ cao cấp và đất nền hoang hóa chưa thể xây dựng. Tình thế này cũng liên đới chặt chẽ với con số hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp đang tồn kho, cùng 66.000 căn hộ cao cấp sẽ được tung ra thị trường đến năm 2015, tạo nên một cơn bội thực không có thuốc giải.

Phân khúc được xem là khả quan nhất cho đến nay chỉ là nhà đất giá rẻ và thuộc loại bình dân. Tình hình giao dịch chớm nở của phân khúc này đã trở thành điểm sáng duy nhất trong một thị trường đen bạc. Trong khi đó, vẫn không có và không thể có bất kỳ con số liệu nào về tăng trưởng tiêu thụ của phân khúc căn hộ cao cấp.

Ngay cả một số hãng tư vấn bất động sản quốc tế có tiếng ở Việt Nam như CBRE, Savillss, Knight Frank… cũng có vẻ bị “dính chùm” trong cơn hoạn nạn không có lối ra. Như một hiệu ứng đồng thanh, từ giữa năm nay, các hãng tư vấn này đã liên tiếp tung ra những báo cáo dự báo khả quan về thị trường bất động sản, về hệ số tiêu thụ tăng lên và sự hạn chế nguồn cung…

Chỉ có điều, cho đến nay vẫn không có bất cứ một số liệu có tính khả tín nào về lượng giao dịch đối với từng phân khúc - dấu hiệu chứng minh rõ nét về tính giả dối của những tổ chức bất động sản dán mác quốc tế.

Bế tắc và khủng hoảng

Khác hẳn với giai đoạn tạm phục hồi năm 2009 với gói kích cầu lên đến 8,5 tỷ USD, giai đoạn 2011-2013 và cả những năm tới sẽ không có bất cứ gói kích thích nào. Tiền đã gần như cạn kiệt trong ngân khố, trong lúc lợi nhuận thị trường những năm qua đã chui cả vào túi những đại gia có tư duy lũng đoạn cay nghiệt nhất. Vì thế, bất động sản sẽ không còn cơ may dựa dẫm vào một nguồn vốn kích phát nào nữa.

Sau chuỗi thời gian chìm sâu vào thế bất động và quay quắt, chỉ đến gần đây dường như nhóm lợi ích ngân hàng - bất động sản mới quyết định làm nốt một phép thử để tái hiện kịch bản năm 2009 - 2010: kích thích thị trường chứng khoán để từ đó khơi dậy ảo vọng về phục hồi thị trường bất động sản.

Tuy vậy, không có nguồn tiền mới, chỉ số chứng khoán không thể “lên” được theo đúng nghĩa mặt bằng giá cổ phiếu tăng đồng loạt. Chỉ có một nhóm rất nhỏ trong tổng số 700 cổ phiếu được “đánh lên”, chủ yếu là những cổ phiếu có tác động mạnh đến rổ chỉ số VN-Index, gây ra tâm lý ảo về một hình ảnh tăng trưởng nào đó của thị trường này.

Nhưng bất chấp cố gắng cuối cùng của phép thử chứng khoán, sẽ vẫn quá khó cho cho sự tái hiện quy luật “bình thông nhau” như những năm hoàng kim giữa thị trường này và bất động sản. Nói cách khác, nguồn vốn cạn kiệt sẽ khiến cho tính kích động của giá cổ phiếu đối với tâm lý mua vào núi tồn kho bất động sản trở nên vô nghĩa.

Bất động sản lại liên đới với hoạt động tài chính, như quy luật đã hình thành trong vài chục năm qua ở Việt Nam. Không khác gì Trung Quốc, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã “cho vay nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” vào giai đoạn 2006 - 2009. Kết quả là việc thu hồi vốn trở nên vô vọng vào thời buổi suy thoái kinh tế.

Còn nếu nền kinh tế lao thân vào khủng hoảng, tất cả sẽ tuyệt vọng.

Một khi bất động sản đổ vỡ, hệ thống ngân hàng cũng không thể tránh được cái chết mặc định đối với nó. Dự báo sẽ có ít nhất một phần ba số ngân hàng hiện nay phải phá sản.

Hiện tượng nhiều ngân hàng sa thải ít nhất 15% số nhân viên trong thời gian gần đây là một tín hiệu rất đáng chú tâm. Người ta đang chờ đợi đến khi nào - giữa hay cuối năm 2014 - sẽ có một ngân hàng hạng trung hoặc loại đại gia đầu tiên buộc phải tuyên bố phá sản. Và nếu sau đó có tiếp 3-4 ngân hàng không thể cầm cự, sẽ không một ngân sách nào có thể chịu đựng và bù lỗ theo “mô hình Vinashin” được.

Khả năng domino này là hoàn toàn có thể xảy ra, ít nhất căn cứ vào danh sách gần một chục ngân hàng thương mại đang bị Ngân hàng nhà nước xếp vào loại “yếu” như hiện thời.

Khi đó, khủng hoảng kinh tế sẽ bắt đầu. Chu kỳ khủng hoảng ở Việt Nam có thể sẽ kéo dài từ 18-21 tháng, nếu chiếu theo “tiêu chuẩn” các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Hoặc sẽ dài hơn đối với một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã trải qua suy thoái chưa gượng dậy nổi từ 6 năm qua và đang vật vã trong căn bệnh ung thư toàn thân.

Một phép tính đơn giản cho thấy nếu khởi động vào đầu năm 2015, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam sẽ đạt đến cao trào cùng những biến động khôn lường của nó vào giai đoạn 2016-2017.

Nhưng còn hơn thế nhiều, gánh nặng đầu cơ mà giới lợi ích ngân hàng và bất động sản đã kiến tạo trong nhiều năm qua sẽ đổ lên đôi vai gầy guộc của nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Khủng hoảng kinh tế lại rất nhiều khả năng sẽ lập tức dắt dây sang khủng hoảng xã hội - một hiệu ứng mà rất thường sẽ khiến nền chính trị “băng hà”!

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Source  :  VOA

VOA - Hiệp định Mỹ-Nhật bao gồm các đảo bị tranh chấp

VOA

Thứ Tư, 27/11/2013

Hiệp định Mỹ-Nhật bao gồm các đảo bị tranh chấp

Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Một phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài nói rằng, ông Hagel đã nói như vậy hôm thứ Tư với giới chức tương nhiệm của Nhật Bản, Itsunori Onodera, để thảo luận về tình hình an ninh ở biển Hoa Đông.

Phát ngôn nhân vừa kể nói rằng, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã ca ngợi chính phủ Nhật Bản về việc tự kiềm chế thích đáng sau loan báo của Trung Quốc.

Các giới chức cao cấp của chính phủ Obama nói rằng, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thảo luận về vấn đề này với các giới chức tại Trung Quốc vào tuần tới, như là một phần trong chuyến du hành ba nước vùng này, trong đó có một chặng dừng chân ở Nhật Bản.

Hôm thứ Ba, Ngũ Giác Đài loan báo họ đã gởi hai máy bay B-52 không trang bị võ khí tới gần các đảo bị tranh chấp trong thách thức trực tiếp đầu tiên trước kế hoạch thiết lập một vùng phòng không của Bắc Kinh.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ đã theo dõi “toàn bộ diễn tiến của các chuyến bay này và xác định chúng kịp thời.” Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng “Trung Quốc có khả năng kiểm soát hữu hiệu” trên khu vực này.

Hôm thứ Hai, Ngũ Giác Đài nói rằng các chuyến bay vừa kể không gây ra các đáp ứng trực tiếp từ phía Bắc Kinh, mà hai ngày trước đó họ đã tuyên bố khu vực không phận của vùng phòng không mới này. Trung Quốc cảnh báo tất cả các phi cơ xác định lý lịch của họ trước khi tiến vào khu vực này và tuân hành tất cả mọi lệnh từ Bắc Kinh.

Các giới chức Hoa Kỳ mô tả các chuyến bay hôm thứ Hai là một phần của những công tác huấn luyện thường lệ hoạch định từ lâu. Nhưng, các nhà phân tích nói rằng đây là một thông điệp rõ ràng là chính phủ Washington không công nhận toan tính thiết lập việc kiểm soát trên khu vực này của Trung Quốc.

Ralph Cossa thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii, nói với đài VOA rằng các chuyến bay B-52 này là một đáp ứng “mau chóng và thích đáng” đối với điều mà nhiều người xem là một sự leo thang của Trung Quốc.

Trung Quốc công bố điều được gọi là Vùng Xác định Không phận Biển Đông Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã cảnh báo là họ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp để thi hành tuyên bố của họ.

Nhưng không rõ Trung Quốc sẽ thi hành những luật lệ mới này tới mức độ nào.

Ông Herman Finley, phó giáo sư tại Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương, nói với đài VOA rằng mặc dù có phần chắc là Trung Quốc sẽ không lùi bước, nhưng có lẽ họ sẽ không muốn thấy một cuộc đối đầu vào lúc này.

Một số nhà phân tích đã mô tả hành động của Trung Quốc là một sự tính toán sai lầm, và nói rằng họ có thể đã đánh giá thấp quyết tâm của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản là đồng minh của họ.

Ông Michael McKinley thuộc Trường Đại học Quốc gia Australia nói với đài VOA rằng Trung Quốc “đang thúc đẩy cơ may của họ” trên phương diện này.

Các hải đảo không có người cư ngụ có tên là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Hoa này đã được sáp nhập vào Nhật Bản hồi thế kỷ thứ 19. Trung Quốc nhận chủ quyền về quần đảo này năm 1971. Bắc Kinh liên hệ tuyên bố đòi chủ quyền của họ với các bản đồ cổ mà họ nói là cho thấy thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ.

Vụ tranh chấp này là một trong nhiều vụ tranh chấp lãnh hải gây tranh cãi của Trung Quốc chống lại các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Bắc Kinh nói rằng họ sẵn lòng thương thảo về các tranh chấp này, nhưng cho tới nay vẫn bác bỏ yêu cầu mở các hội nghị đa phương. Trung Quốc đã mưu tìm việc thảo luận riêng rẽ với từng nước một.
VOA

Thực hư thị trường bất động sản Việt Nam


Tác giả: Nguyễn Ngọc Già (RFA – 27/11/2013)
Hãy mua bất động sản đi!”. Câu này mượn ý của ông Đoàn Nguyên Đức, khi ông ta “rao hàng”: “Hãy mua nhà đi, đừng chần chừ nữa” [1], cách đây hơn nửa năm.
Đừng mơ tưởng nữa
Đã đến lúc những ai còn mơ tưởng vực dậy thị trường này, nên tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật của cái chết không tài nào cứu nổi, bất chấp người cộng sản đang cố bằng mọi cách với những biện pháp tưởng chừng “quyết liệt” (chữ “đồng chí X” thích dùng) nhưng hoàn toàn bế tắc, tựa chú trăn, dù khổng lồ nhưng lỡ nuốt chửng con mồi to hơn cả nó, nên giờ đang nghẹn họng và chuẩn bị nôn ngược ra mà chết. Cái chết không tránh khỏi bởi lòng tham vô đáy. Quy luật muôn đời là thế.
Ở đây không bàn đến những “mưu ma chước quỷ” trong việc “sản xuất” ra “các loại luật” cùng các thủ đoạn cướp đất tàn nhẫn vô nhân đạo của bộ ba: giới cầm quyền – doanh nghiệp bất động sản – ngân hàng, bởi ai cũng biết “ba con quỷ” này quậy phá ra sao rồi.
Ở đây cũng không bàn đến giá thành bất động sản, bởi chỉ có “bộ ba” nói trên mới biết rõ trong cái gọi là “giá thành”, các loại “chi phí đen” ngốn bao nhiêu trong đó, để dẫn đến giá bán vượt xa tầm với của người dân trung lưu và dân nghèo – số chiếm đông đảo trong xã hội.
Theo một khảo sát quốc tế [2] trong năm 2011, người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân số (16,1 triệu người), người lao động thu nhập 5 đôla/ngày chiếm đến 70,4% dân số (63,1 triệu người). Tổng số khoảng 79,2 triệu người so với khoảng 89,2 triệu dân tại Việt Nam.
Dù khảo sát trên dự đoán năm 2012, tỉ lệ người thu nhập 5 đô/ngày sẽ giảm dần xuống 67,1%, nhưng thực tế dường như diễn ra ngược lại và ngày càng có xu hướng cho thấy 2 thành phần thu nhập nói trên, không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, bởi các chuyên gia nói “tỉ lệ thất nghiệp thực tế phải gấp đến mười lần” [3] so với số báo cáo chỉ 1,99% (năm 2012).
Năm 2013, dân số Việt Nam vừa chào đón công dân thứ 90 triệu [4]. Ước số người thu nhập thấp (theo tỉ lệ như trên), chí ít vào khoảng trên dưới 80 – 81 triệu người. Số người thu nhập như thế, thì ăn còn chật vật, nói gì đến ở, dù là “nhà ở xã hội”, sản phẩm mà chế độ … đang hướng dư luận tập trung vào, vẻ như lo cho người nghèo, chẳng qua để xoa dịu lòng dân đang chất ngất phẫn nộ, khi thu nhập của họ ngày càng kiệt quệ cùng tình trạng “nghèo hóa” ngày một gia tăng.
Đồng hồ nợ công thế giới [5] (The global debt clock) hôm 21/10/2013 đã điểm nợ Việt Nam đạt mức 76,706 tỉ USD, vị chi mỗi người Việt Nam đang gánh hơn 851 USD. Trong số nợ này, nhất định người dân chúng ta đang gánh cả cái thứ “của nợ” từ bộ “ba con quỷ” nói trên. Cho đến giờ này, không một số liệu “nợ xấu” nào, được các nhà quan sát độc lập ghi nhận như là con số có thể tin được.
Mặc dù ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho báo Tiền Phong hay [6], con số mới nhất mà ông ta “được biết” thì “nợ xấu” ngân hàng khoảng 400.000.000.000.000 đồng, tương đương 20 tỉ đô Mỹ. Tuy thế, ông Vũ Khoan chưa bao giờ tin [7] vào những con số đại loại như thế, dù những người làm thống kê đều là…đồng chí của ông ta (!). Tất nhiên, ông Thiên đã nói rất rõ bằng chữ “được biết”, điều này có nghĩa con số không được phép biết, dù là “viện trưởng”, cũng không biết… nổi (!). Con số thất nghiệp người ta còn mạnh miệng để “nhân 10 lần”, thì con số nợ xấu dù giả sử chỉ tạm nhân đôi, cũng làm cho người dân đen rơi vào tình trạng “tối tăm mày mặt” bởi nhiều con số không đằng sau, gây hoa mắt đến choáng váng!
Dù cho những doanh nghiệp không kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thì tài sản thế chấp cho ngân hàng phần lớn cũng xuất phát từ bất động sản, đó là chưa kể cách gọi là “tín chấp” mà chính phủ ép ngân hàng cho các doanh nghiệp nhà nước vay lâu nay, như Vinashin hay EVN [8], PVN v.v…, nhưng những khoản vay vô tội vạ, vay mà không cần lo lắng như thế này, không những đút vào túi riêng, đổ sông đổ biển mà còn bị đẩy vào chứng khoán, ngân hàng và bất động sản một cách bừa bãi không kiểm soát nổi.
“Nợ xấu” không những đến từ đó, mà còn do giá bất động sản cao “tít trời” như ông Nguyễn Bá Thanh nói [9]: “Miếng đất giá trị 100 tỉ đồng, ông đưa lên 500 tỉ. Lẽ ra 100 tỉ thì được vay 60 tỉ, nhưng vì ông đưa lên 500 tỉ nên họ được vay 300 tỉ”. Giờ đây, không những “300 tỉ” “đi đời nhà ma” mà ngay cái miếng đất đó, giá 100 tỉ cũng không còn… “nguyên vẹn”, do giá đất đã qua thời sốt nóng từ lâu. Không những thế, cứ giả sử tịch biên được để phát mãi thu hồi nợ theo kiểu “của đổ hốt lại”, cũng không chắc miếng đất chỉ có duy nhất một chủ nợ, bởi nó bị “giằng xé” từ “năm cha bảy chú” với thủ đoạn đem một tài sản cầm cố cho vài ngân hàng khác nhau [10], điều này do chính “đám lãnh đạo” ngân hàng góp tay mà ra. Đó gọi là “thiệt đơn thiệt kép” – như người ta hay nói.
Tuy nhiên, người cộng sản rất “thủy chung” với khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đó là loại tư duy quái đản nhất, họ vẫn không chịu gột rửa trong đầu. Thế là cứ đi “ăn mày” các nước nỗi khát khao “kinh tế thị trường”. Chẳng có gì lạ, khi bà Virginia Foot nói [11]: “Đã hội nhập với thế giới, tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có cách làm ăn không giống ai”.
“Định mức” 70m2 và giá dưới 15 triệu
Một điều oái oăm nữa, thử hỏi, dựa vào đâu để ban hành “tiêu chuẩn” theo gói 30.000 tỉ: giá căn hộ dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 thì được ưu đãi vay 6%/năm?
“Định mức” nói trên không phải phản ánh đầu óc đặc quánh “bao cấp” của “thời xa vắng” từ những năm 80 thế kỷ trước thì là gì? Không những thế, vô hình chung, chính cái “định mức” này trở thành “chuẩn mực chết” kìm hãm một thị trường tự do, vào lúc này cần phải được giải thoát hơn bao giờ hết. Quá tai hại! Tự người cộng sản đã mắc kẹt ngay trong “cái lồng” do họ tạo ra.
Các chủ đầu tư cứ theo đó mà loanh quanh sao cho gần với “chuẩn” này, thế cho nên, thay vì để thị trường tự điều tiết giá cả, tự định đoạt loại diện tích sao cho dễ bán (nghĩa là phù hợp với đa số người mua), nó trở thành cái thòng lọng thắt dần vào cổ các “đại gia” bất động sản, bởi hầu hết các dự án đang dở dang hay đã hoàn thành, tất cả đã xong quy hoạch và thiết kế từ lâu.
Trên thực tế, từ nhiều năm trước, các chủ đầu tư cũng không bao giờ thực hiện công tác điều tra nhu cầu nhà ở người dân một cách nghiêm túc, khi bắt tay làm dự án, thay vào đó, họ chỉ quảng cáo rầm rộ, với thiết kế “đậm chất tây”, đầy hào nhoáng nhất thời mà không tính đến văn hóa nông nghiệp của dân Việt vẫn còn rất đậm.
Giả sử “định mức” 15 triệu đồng/m2 là hợp lý, thử hỏi một thị trường tự do đúng nghĩa, tại sao cần phải ngăn cản giới bất động sản giảm giá đến mức, cho tới khi nào người mua có thể chấp nhận? Điều đó có nghĩa, giá bán một mét vuông hoàn toàn không được phép nói tới khái niệm “đáy” hay “trần” trong tình hình hiện nay. Điều đó cũng phần nào giải thích thêm, tại sao “nhà nước” cứ thích “nghĩ thay, quyết thay, làm thay” cho giới bất động sản.
Không thể nói là không có “vấn đề”  trong “núi” bất động sản đang đông cứng (!) Ngoài ra, các chi phí hay gọi là “bôi trơn”, trên thực tế, thường thuộc loại “chi phí ứng trước”, giờ các đại gia bất động sản chắc khó có thể cam chịu “ôm hận” một mình, nên việc “nhà nước” tham gia vào “giải cứu” cũng là điều dễ hiểu. Một dạo một số chủ đầu tư đòi “chẻ nhỏ” diện tích ra còn 25m2/căn hộ, nhưng thực tế không thể làm vì sự hồ đồ và bất khả thi của cách nghĩ này.
Cái gọi là “giảm giá” hiện nay, thực chất không có, bởi chủ đầu tư dùng nhiều “thủ thuật” biến hóa: gian lận trong cách tính diện tích căn hộ, thay đổi vật liệu xây dựng rẻ tiền hơn, bớt xén các tiêu chuẩn quy định chất lượng trong xây dựng, chèn ép lương công nhân v.v… nó làm cho giá bán ngỡ là giảm, thực chất chỉ là chiêu lừa bịp, thậm chí nguy hiểm rình rập người dân, khi chọn những nơi như thế làm chốn an cư. Kể cả những lời hứa hão và những chiêu khuyến mãi khác nhưng không có tính chế tài khả thi, nó chỉ dùng để làm sao tống khứ hàng tồn kho càng nhanh, càng nhiều, càng tốt.

Dù có những căn hộ chưa hoàn thành, đang rao 45m2 với giá 500 triệu [11A], nhưng không ai dám chắc về chất lượng và tiện ích của những nơi này không làm chủ nhân mau chóng thất vọng khi dọn vào ở. Phát sinh tranh chấp rất dễ tiếp tục bùng nổ như đã bùng nổ trong thời gian qua. Bế tắc cho bất kỳ ai rơi vào trường hợp như thế, bởi dù có khởi kiện dân sự, phần thắng hiếm khi nào thuộc về cư dân với “thành quả” chỉ chuốc nỗi muộn phiền, phí phạm nhiều thời gian và tiền bạc cho mình. Nguyên nhân vì sao cư dân thường thua kiện hay vấp phải chây ì của chủ đầu tư, với sự bàng quan từ giới cầm quyền, thì ai cũng hiểu.
Ông Alan Phan đã từng bày tỏ: nhà chức trách chẳng cần làm gì để cứu bất động sản cả, hãy để nó “rơi tự do” [12]. Thật ra, người cộng sản biết đó là phương án duy nhất đúng. Đúng với quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường, nhưng họ không thể làm và không dám làm. Bởi thị trường bất động sản “rơi tự do” cũng có nghĩa, chính bản thân họ, gia đình họ, các phe cánh của họ cùng “rơi tự do” trong tình trạng cắm đầu xuống đất, chết chùm.

Thanh toán qua ngân hàng
Một dạo, giới cầm quyền đưa ra phương thức, dù đã được thế giới sử dụng từ rất lâu – mua bán nhà phải qua ngân hàng [13], nhưng cuối cùng họ vẫn không đưa công cụ quản lý kinh tế quan trọng này vào thực tế. Lý do ai cũng hiểu, khi công cụ “ích nước lợi nhà” này khai triển, người cộng sản chỉ có… chết ngắc!
Giờ đây, họ hí hoáy gọi là gỡ khó cho “cái gói 30.000 tỉ đồng” mà sau gần nửa năm trời, giải ngân được… hơn 1% [14](!). Trong đó:
- Giải ngân cho 905 khách hàng với dự nợ 220,9 tỷ đồng/21.000 tỉ đồng.
- Giải ngân cho 7 doanh nghiệp với dư nợ 122,6 tỉ đồng/9.000 tỉ đồng.
Vẫn tiếp tục lì lợm, “bộ ba tam giác” “quậy” cho thị trường bất động sản nát bét, nay cũng chính họ đòi “gỡ khó” (!). Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói [15]: “… vấn đề quan trọng không phải là nhanh hay chậm mà phải đúng đối tượng”. Trước đây, khi đưa ra vụ “30.000 tỉ”, họ nói  để giải quyết hàng bất động sản tồn kho. Nay, họ “định hướng” lại, nói là vì người nghèo (?!).
Các thủ tục nặng nề trong “gói cứu trợ”, vẫn phô bày rõ, người dân hiện nay không khác gì đang sống thời kinh tế chỉ huy tập trung, bao cấp: xét duyệt, chứng nhận từ phường xã, cơ quan làm việc về việc chưa có nhà, đủ thu nhập trả nợ v.v… Nó tỏ ra vô cùng lạc hậu, ấu trĩ trong thời buổi công nghệ thông tin. Không những các thủ tục đó làm khó và cản bước người nghèo mong muốn có “căn nhà mơ ước”, giới cầm quyền vẫn bộc lộ thứ “tư duy thủ công” đến thảm hại.
Chỉ mỗi việc chứng minh khả năng người vay có đủ khả năng trả nợ trong tình hình kinh tế vỡ nát, cũng  làm các ngân hàng chùn tay cho vay. Với tư cách bên cho vay, làm sao ngân hàng đủ can đảm mở rộng túi tiền (dù cứ tạm cho là có) cho người nghèo, khi ở vào thế “nắm dao đằng lưỡi”, khi tâm lý “con chim sợ cành cong” còn nguyên đó, do giới cầm quyền và chính nội bộ ngân hàng tạo ra từ núi nợ đầm đìa cùng hàng loạt “viên chức ngân hàng” xộ khám? Nhu cầu thu hồi đủ vốn và lãi từ các hợp đồng cho vay vẫn là chân lý không thể chối cãi. Đừng vay mượn thêm nữa cái gọi là kinh doanh để “phục vụ chính trị” hay “an sinh xã hội”. Nó đã hết thời lâu rồi với di họa đầy dãy, từ thủ đoạn đánh lận đó.
Điều lẽ ra nên làm và làm từ rất lâu, ít nhất  khi vừa được Mỹ bỏ cấm vận, làm bước đệm cho Việt Nam hội nhập thế giới, đó chính là “mã số cá nhân” – tiền đề để mỗi người đều có (ít nhất) một tài khoản và mọi thứ đều phải thanh toán qua ngân hàng. Đó là cách giải quyết khoa học, nhẹ nhàng, hiệu quả nhất cho cả phía cho vay lẫn bên vay, trong việc mua bán bất động sản. Người cộng sản đã không làm, do họ nhìn thấy trước “tai họa” từ việc làm này mang tới.
Bây giờ, giới cầm quyền định kết hợp với Ngô Bảo Châu làm việc này [16], có vẻ họ nói cho qua chuyện, bởi thật tâm làm, đó là “gót chân achilles”, nó sẵn sàng tố cáo toàn bộ gia sản cùng những phi vụ mờ ám của tất cả những “con bạch tuộc” khổng lồ trong thế giới “mafia đỏ”. Do đó, quá khó để tin họ thật sự muốn quản lý hiện đại, văn minh như các nước nhằm phục vụ tốt cho dân.
Tuy nhiên, không có nghĩa thế giới không biết tài sản của họ ở đâu và bao nhiêu, bởi [17] “…Thụy Sĩ không còn là vùng đất hứa của những đồng tiền bất chính đã làm thất vọng những nhà độc tài trên thế giới”. Không chỉ riêng Thụy Sĩ, đài BBC có bài “Miến Điện dân chủ hóa hay tự diễn biến?” [18], trong đó cho hay, có một “danh sách đen” của các nhân vật đầu sỏ Miến Điện lên tới hơn 900 người, mà tài sản của họ bị Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu quyết định đóng băng tại hải ngoại, dựa theo tài liệu công bố hồi tháng 11 năm 2007.  Chỉ là chưa đến lúc tài sản chìm nổi các “đại gia đỏ” Việt Nam bị phơi ra trước công luận. Trước sau gì cũng đến ngày đó.
Kết
Gói 30.000 tỉ đồng đã bộc lộ tất cả những sai trái, duy ý chí, chống lại quy luật kinh tế. Nhận lãnh thất bại, nhưng người cộng sản vẫn cực đoan để đưa ra hàng loạt  “giải pháp” rối rắm, nhiêu khê và lý thuyết suông. Thậm chí, dù  có tuân theo quy luật kinh tế khách quan, “gói giải cứu” cũng quá ít ỏi và trễ tràng so với tình hình kinh tế bi đát cùng hiện trạng bất động sản vô phương sống sót như người viết ví von qua hình ảnh chú trăn tham lam đến chết nghẹn.

Source : RFA