30/12/13

Dương Chí Dũng thoát án tử nếu bồi thường 5 tỉ đồng?

Dương Chí Dũng thoát án tử nếu bồi thường 5 tỉ đồng?

06:30 31-12-2013
Khi mới nghe qua thông tin này, nhiều người (trong đó có cả giới luật sư) cho rằng đó chỉ là trò đùa không có thật. Ấy vậy mà nó được quy định hẳn hoi trong một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Điều khoản trong nghị quyết này hướng dẫn “cứu nguy” cho tội phạm tham ô đáng lẽ bị tuyên tử hình nhưng có thể được giảm xuống tù chung thân hoặc tù có thời hạn đến nay vẫn còn hiệu lực.
1
Điều khoản hướng dẫn “cứu nguy” đó là Điểm 4 Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15.3.2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản. Nội dung điều khoản này cụ thể như sau:
Chiếm đoạt 3 tỉ trở lên: Tử hình
Theo Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Theo tiểu mục 4.1 của Nghị quyết 01, khi áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản cần chú ý:
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:
- Xử phạt 20 năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng.
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên.
Nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn: Chỉ phạt tù chung thân
Tiểu mục 4.2 của nghị quyết hướng dẫn trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn nêu trên như sau:
- Xử phạt tù từ 15 năm đến dưới 20 năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ).
- Xử phạt 20 năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng.
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên.
Nhiều tình tiết tăng nặng hơn: Chiếm đoạt 1 tỉ cũng bị tử hình
Theo tiểu mục 4.3 của nghị quyết, trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án nêu ở tiểu mục 4.1 như sau:
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên.
Tự nguyện bồi thường 5 tỉ sẽ thoát án tử?
Đặc biệt, tiểu mục 4.4. Nghị quyết 01 mở ra một hướng “cứu nguy” cho tội phạm tham ô thoát án tử. Theo đó, trường hợp tại các tiểu mục 4.1 và 4.3 thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
- Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
- Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa)”.
Văn bản này do Chánh án Trịnh Hồng Dương khi xưa đã ký.
Liệu Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có dùng tiền để thoát án tử?
Chiếu theo Nghị quyết 01 năm 2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, nếu Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc hoặc thân nhân của hai bị cáo này mà bồi thường 5 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng (số tiền mà tòa tuyên buộc hai bị cáo phải bồi thường do tội tham ô) thì nhiều cơ hội hai bị cáo đầu vụ trong đại án Vinalines sẽ thoát án tử và giảm xuống còn tù chung thân (nếu bồi thường 5 tỉ), hoặc có khi giảm xuống tù có thời hạn (20 năm tù, nếu bồi thường hết 10 tỉ đồng).
Tuy nhiên, do hai bị cáo Dũng và Phúc đều không thừa nhận đã phạm tội tham ô, nên bản thân hai bị cáo này khó mà tự nguyện bồi thường số tiền nêu trên. Dù vậy, thân nhân của hai bị cáo (cha mẹ, vợ con, anh em…) vẫn có quyền tự nguyện bồi thường thay và khi đó hai bị cáo này vẫn được hưởng sự ân giảm nêu trên.
Vấn đề là Nghị quyết 01 hướng dẫn “khi áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản, nghĩa là việc áp dụng này phải trong quá trình xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Hiện giờ Dương Chí Dũng đã kháng cáo, nếu bị cáo này chịu nộp tiền (dù không nhận tội tham ô) theo mức nêu trên hoặc thân nhân bị cáo tự đi nộp, thì sẽ được xem xét giảm án ở cấp phúc thẩm.
Riêng Mai Văn Phúc chưa có đơn kháng cáo. Nếu hết thời hạn kháng cáo mà bị cáo này vẫn không kháng cáo thì không rõ việc nộp tiền sau khi án có hiệu lực có được xem xét hay không, vì Nghị quyết 01 không đề cập đến. 
Tiểu Ngọc
(Ảnh: Phiên tòa sơ thẩm xử Dương Chí Dũng và 9 đồng bọn. Tại phiên tòa này, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình cho tội tham ô tài sản. Ảnh: TTXVN)

Việt Nam 2013: Phong trào đấu tranh nhân quyền bắt đầu lan rộng

Việt Nam 2013: Phong trào đấu tranh nhân quyền bắt đầu lan rộng

30-12-2013
Với hàng loạt tổ chức, hiệp hội, mạng lưới, diễn đàn ra đời, với phong trào góp ý Hiến1 pháp, có lẽ chưa bao giờ phong trào đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ lan rộng như trong năm 2013. Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc càng khiến dư luận trong và ngoài nước chú ý hơn về tình hình nhân quyền, cũng như càng giúp nâng cao ý thức nhân quyền của người dân.
Theo cái nhìn của linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người sáng lập khối 8406, phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong năm 2013 đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Như Cha Phan Văn Lợi có nhắc lại, bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của giới nhân sĩ trí thức, cũng như nhiều người khác, các đại biểu Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11/2013. Ngay ngày hôm sau, 29/11/2013, nhóm 72 nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố phản đối một bản Hiến pháp mà theo họ chỉ là nhằm « thể chế hóa cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân muốn xây dựng một Hiến pháp làm nền tảng cho một chế độ dân chủ với Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân ». Bản tuyên bố của nhóm kiến nghị 72 cho rằng Quốc hội « đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc ». Theo nhóm kiến nghị 72 , do Hiến pháp này không thật sự là Hiến pháp của nhân dân, cho nên người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình.
Đối với nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh, khi đưa ra bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chính quyền Hà Nội nghĩ rằng qua đó họ có thể tái khẳng định tính chính đáng của đảng Cộng sản, nhưng họ đã không ngờ lại có nhiều tiếng nói đòi xóa bỏ chế độ độc đảng, đòi hỏi dân chủ như thế .
Vào tháng 7 vừa qua, khoảng hơn 100 blogger ở Việt Nam đã ký tên vào tuyên bố 258, đòi chính quyền Hà Nội sửa đổi pháp luật « để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc », đặc biệt là xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Tuyên bố 258 coi như khai sinh cho Mạng lưới blogger Việt Nam, chính thức ra mắt vào đúng Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. Trả lời RFI Việt ngữ, blogger Hoàng Vi nhắc lại mục tiêu hoạt động ở Mạng lưới blogger Việt Nam.
Trong buổi chính thức ra mắt nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, các thành viên của Mạng lưới blogger Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn đã công khai đứng ra phân phát các tài liệu về nhân quyền và những quả bóng bay in dòng chữ « Quyền con người của chúng ta phải được tôn trọng ». Công an Việt Nam đã dùng đủ mọi cách ngăn chận hoạt động này, kể cả dùng cây hương (nhan) để chọc bễ bong bóng và cướp tài liệu nhân quyền. Trên mạng You Tube, người ta đã nhìn thấy một cảnh cực kỳ khôi hài : Một anh công an, mặc sắc phục hẳn hoi, giật một túi đeo lưng có đựng tài liệu nhân quyền của một blogger và khi người chung quanh tri hô, anh công an này đã bỏ chạy thục mạng như một kẻ cướp chính hiệu !
Ngày 13/11/2013, lần đầu tiên Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Đối với chính quyền Hà Nội, việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền cho thấy « sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… ». Thế nhưng, đối với nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, chiếc ghế Hội đồng này chưa chắc đã thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền hơn.
Ngược lại, blogger Hoàng Vi thì hy vọng là với sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một điều kiện thuận lợi cho đấu tranh nhân quyền.
Trước mắt, blogger Hoàng Vi cho rằng năm 2013 đã chứng kiến sự khởi đầu của những tổ chức xã hội dân sự đấu tranh bằng những hành động thiết thực cho nhân quyền ở Việt Nam, trong bối cảnh mà các quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp vẫn còn bị hạn chế, bị đàn áp.
Vào cuối năm, người ta lại chứng kiến sự ra đời của Diễn đàn Xã hội Dân sự trong tháng 11 (*), không chỉ với những bài viết trên mạng mà còn với nhi những hoạt động khác nữa như tiếp xúc với nhiều cơ quan ngoại giao ở Hà Nội như với tất cả các tham tán chính trị của các nước Liên Hiệp Châu Âu, Canada cũng như một số vị đại sứ của các nước này; làm việc với báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (phụ trách các vấn đề kinh tế), Phó Trợ lý Ngoại trưởng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ; tham dự ngày nhân quyền với các nước Liên Hiệp Châu Âu…
Diễn đàn lấy khẩu hiệu của cụ Phan Châu Trinh làm phương châm hoạt động : Thực thi Dân Quyền; Nâng cao Dân Trí; Chấn hưng Dân Khí; Cải thiện Dân Sinh. Diễn đàn này vừa thông báo là đầu tháng 1-2014 sẽ hoàn thành cơ sở Công nghệ thông tin (một trang web) để có thể thử nghiệm trong nội bộ và sau đó sẽ khai trương và bắt đầu dự án thực thi quyền giám sát pháp luật của người dân.
Theo cái nhìn của giáo sư Jonathan London, thuộc Đại học City University of Hong Kong, một nhà xã hội học nghiên cứu rất nhiều về Việt Nam, trong năm 2013, đặc biệt là qua việc góp ý Hiến pháp, nền văn hóa chính trị, cũng như ý thức nhân quyền, dân chủ của người dân đã được nâng cao và ông cho rằng đó là những điểm đáng lạc quan cho tương lai của Việt Nam :
« Tôi thấy năm 2013 là một năm rất quan trọng và đặc biệt trong lịch sử đương đại của đất nước Việt Nam, đặc biệt đối với sự phát triển chính trị xã hội của đất nước.
Có lẽ đó là một đánh giá, một góc nhìn mà một số người sẽ thấy là quá lạc quan hay ngây thơ. Đặc biệt vì những kết quả chính thức mà Việt Nam đã đạt được trong năm là không đáng kể, thậm chí là một năm có nhiều bước thụt lùi. Tôi không nghĩ như vậy.
Vâng, đã có nhiều cái không thể nào gọi là tốt đẹp. Những chiến dịch đàn áp thì vẫn còn. Những luật lệ mới có mục đích làm im lặng tiếng nói của dân thì cũng có. Và vẫn còn những nạn nhân của một chế độ quá bảo thủ, được thể hiện qua việc những người đòi cải cách bị đe dọa, bỏ tù…
Trong khi đó, vào lúc mà đất nước đang đối phó nhiều vấn đề gay gắt trong những lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, và tham nhũng, Nhà nước Việt Nam hình như chưa sẵn sàng hay chưa có khả năng để tự cải cách mình.
Song, năm 2013 đã có những phát triển có thể được coi là hứa hẹn một cách sâu sắc :
Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để tham gia tích cực vào một tranh luận công khai về Hiến pháp của Việt Nam và qua đó, ý thức của nhiều người dân đã tiến bộ một cách đáng kể về ý nghĩa của hiến pháp và những hạn chế của Hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay.
Riêng tôi cho rằng việc mà Việt Nam đã có thảo luận về Hiến pháp là quan trọng hơn cả việc mà Quốc hội của Nhà nước và đảng đã thông qua một hiến pháp « mới như cũ ».
Trong năm 2013, toàn dân Việt Nam đã có cơ hội để nâng cao ý thức về nhân quyền qua việc trao đổi và đấu tranh vì nhân quyền ở Việt Nam một cách công khai để yêu cầu và khuyến khích nhà nước của họ tôn trọng và đẩy mạnh những quyền còn người mà nhà nước Việt Nam đã ký kết.
Và có lẽ quan trọng hơn cả là trong năm 2013 Việt Nam đã phát triển một diễn luận thực sự công khai về những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế mà đã không có ở Việt Nam trong một thời gian rất lâu. Chắc chắn, ở đây chúng ta thấy rõ sự quan trọng của Internet và các nhà blogger và những người tôi gọi là mini-blogger, chia sẻ ý kiến quan điểm qua mạng Facebook chẳng hạn.
Mạng chỉ là một phương diện. Nhưng ở đây quan trọng là mạng ở Việt Nam đã thành một phương tiện cho dân để chia sẻ và trao đổi ý kiến một cách đa chiều.
Ngoài ra, trong năm 2013 chúng ta thấy rõ nhiều người có đủ dũng cảm chính trị để lên tiếng vì sự yêu nước của họ, bất chấp những biện pháp mang tính đàn áp của chính quyền. Trong năm 2013 đã có bao nhiêu hội, bao nhiêu mạng lưới phi chính thức đã được thành lập?
Tôi đặc biệt xin nhấn mạnh : Những người trong chính quyền thực sự có yêu nước, nhưng khác với trước, những người trong và ngoài nhà nước Việt Nam hiện nay đã không ngại lên tiếng nữa, vì họ thấy rõ sự cần thiết của những cải cách.
Đến bây giờ vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa những người đang đòi cải cách và những người chưa muốn thay đổi gì cả. Chúng ta thấy tình hình này rất rõ trong ngày mà Quốc hội thông qua Hiến pháp với một tỷ lệ mà chúng ta chỉ thường thấy ở những nước như Bắc Triều Tiên.
Theo tôi, một trong những trở ngại cơ bản nhất mà Việt Nam phải đối phó trong năm tới là làm cho chính quyền suy nghĩ một cách khác về những người trong và ngoài Nnhà nước đang đòi cải cách.
Thay vì thấy những người này là thù địch, hãy nhận ra những người này là những người yêu nước, những người có thể góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển của đất nước Việt Nam. Vâng, ở cuối năm 2013 Việt Nam vẫn có chế độ độc đảng. Nhưng, trong năm 2013, tôi thấy Việt Nam đã thành một nước đa nguyên hơn nhiều về mặt văn hóa chính trị
Vâng, chúng ta không nên phóng đại việc này. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn rõ sự quan trọng của những tiến bộ rõ nét này và theo dõi sự phát triển của nó trong thời gian tới.
Trong năm tới, tôi ước rằng toàn dân Việt Nam sẽ tiếp tục tiến tới một xã hội cởi mở hơn. Muốn như thế, phải chấm dứt hành vi đàn áp mọi kiểu và khuyến khích sự phát triển của một nước văn minh hơn, một nước mà trong đó người dân mọi tầng lớp đều được tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước ».
    Source  :  RFI . Dien Dan Xa Hoi Dan Su

Văn tế Vinashin


31-12-2013

Văn tế Vinashin

Phan Vĩnh Trị
Theo Tạp Bút 
Hỡi ơi! Quyết định sấm rền; lòng dân hoảng sợ.

Mười bảy năm chìm nổi, chưa ắt còn danh xấu nổi như phao;
Một trận bão cuốn bay, thân tuy mất tiếng chê vang như mõ.


Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn;
Toan lo nghèo khó.

Chưa quen hiện đại, đâu biết cạnh tranh;
Chỉ biết cấp trên, sống quen bao cấp.

Canô, tàu kéo, tàu sông, tay vốn quen làm;
Tàu lớn, máy to, mắt chưa từng ngó.

Khá thương thay:
Vốn chẳng phải thương trường dày dạn, theo dòng hiện đại, cạnh tranh;
Chẳng qua là tàu nhỏ chạy sông, nay một bước lao ra biển lớn.

Mười tám ban công nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận know-how, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật có dăm con tàu bé, nào đợi đeo kinh nghiệm, học hành;
Trong tay cầm một ngọn bút chì, chi nài sắm phần mềm, máy tính.

Hạ liệu trên sàn phóng, cũng cắt xong cả một đống tôn to;
Quản lý bằng mệnh lệnh, chỉ tay, cũng tập đoàn lẫy lừng thiên hạ.

Chi nhọc học thầy, học bạn, đạp rào lướt tới coi tàu lớn cũng như không
Nào sợ lỗ nhỏ, lỗ to, cứ ký làm ào, cốt giao tàu xong đã.

Kẻ ăn ngang, người chém dọc, làm cho chi phí hồn kinh;
Bọn nịnh trước, lũ hót sau, trối kệ nợ nần đến cổ.

Những lăm sự nghiệp lâu dùng;
Đâu biết nửa đường gãy đổ.

Một chắc thương trường rằng chữ lãi, nào hay lỗ đến đầm đìa;
Trăm năm nợ nần ấy chữ nguy, nào đợi chủ nợ đòi tận cửa.

Đoái trông khắp nước, dự án nghìn dặm sầu giăng;
Nhìn cảnh nhân viên, già trẻ hai hàng lệ nhỏ.

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Vì ai khiến công nhân khó nhọc, đội nắng, dầm mưa;
Vì ai xui nhà xưởng tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Người người ngơ ngác, mong chờ một đấng cứu tinh
Ai ngờ phận rủi, vận đen, tái cơ cấu thêm bẽ bàng tủi hổ

Một lũ trẻ con ngơ ngẩn, cũng đòi trục vớt, cứu tàu
Chia bè kết phái tranh ăn, ai chết kệ thây cha chúng nó.

Một chút xương tàn còn lại, bầy kền kền rỉa rói tứ tung.
Một nấm mồ hoang, là bệ phóng để đổi đời, lên chức.

Kẻ cơ hội vẫy đuôi ngoe nguẩy, chân chủ nào cũng liếm, những mong mưa móc ơn trên.
Người thất cơ nhịn nhục làm thinh, phận “lưu dụng” còn gì mà nói

Sống làm chi theo quân tà đạo, chém đồng đội, giết anh em, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi chịu phận tôi đòi, chia canh cặn, gặm cơm thừa, nghe càng thêm hổ.

Thà đi mà đặng câu danh dự, về theo phường phố cũng vinh;
Hơn ở mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

Ôi thôi thôi!
Chùa Bạch Đằng năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Đồn Hạ Long một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy! Công nhân ngồi chờ việc, đồng lương còm lại chịu cảnh nợ nần;
Não nùng thay! Cán bộ tìm đường chuồn, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi!
Một trận khói tan;
Nghìn năm tủi hổ.

Thác mà để nước non trả nợ, tiếng xấu đồn quốc tế, chúng đều kinh;
Thác mà nhiều số phận dở dang theo, tấm gương trải muôn đời ai cũng sợ.

Cay đắng nhẽ! Phải đâu mình mình xấu, cùng vòm trời cả lũ cũng như nhau;
Bẽ bàng thay! Phải chịu tiếng đi đầu, nêu gương xấu cho người đời chê trách.

Thôi thôi thôi
Chết là hết, còn gì nói nữa. Chỉ mong gương để lại cho đời
Sống không khôn thì chết hãy hiển linh. Phù hộ cháu con tránh đường xe đổ.

Sống đóng tàu, thác cũng đóng tàu, linh hồn theo giúp hậu nhân, muôn kiếp nguyện trả được nợ kia;
Đắm một lần, rồi sẽ nổi lên, nghị quyết dạy rành rành, một chữ nhẫn đủ đền công đó.

Nước mắt đau lòng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;
Cây hương tưởng nhớ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng.
(Hậu bối xin phép cụ Đồ Chiểu)

P. V. T.


THƯ CỦA TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI CON


THỨ HAI, NGÀY 30 THÁNG MƯỜI HAI NĂM 2013

THƯ CỦA TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI CON

Trần Duy Thức


Lời dẫn  của Nhà văn Thùy Linh:Nếu không biết Trần Huỳnh Duy Thức thì khó hình dung đây là lá thư của người đang bị cầm tù 16 năm...Nhà giam nào có thể giam cầm những tâm hồn như thế này?Đây là tâm thế cần có được ở những người tham gia đấu tranh cho nền dân chủ Việt Nam.

 Xuyên Mộc 3/11/2013

Hôm nay là Chủ Nhật, buổi trưa ở đây vắng lặng hơn ở Xuân Lộc vì ít tiếng chim hót, dù là ở đây có nhiều cây xanh hơn. Ba thường chỉ chợp mắt 30’ rồi buông mình vào suy tư “tôi tư duy là tôi tồn tại” là câu triết lý mà ba rất thích. Cai duy nhất tạo ra sự khác biệt của thế giới loài người với các loài động vật khác chính là khả năng suy nghĩ. Nhờ nó con người mới hiểu được các quy luật vũ trụ và sáng tạo ra các giá trị phục vụ cho mình.
Chủ nhật tuần sau là đám giỗ bà nội. Đã hai năm rồi ba chưa thắp được cho bà nội nén hương…Khi nội còn sống, có những điều ba chưa làm được cho nội cũng khiến ba thật chạnh lòng. Ông bà nội cũng như ông bà ngoại đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực nhất để nuôi ba mẹ khôn lớn. Hai con sẽ rất khó hình dung ra được tình cảnh khốn cùng đó. Nhưng hồi đó ba không thấy khổ cực gì cả dù có phải ăn cơm lừng độn với khoai và thiếu chất đạm nghiêm trọng. Có lẽ do trẻ thơ hồn nhiên và sức trẻ nhiều nên ba cứ vui đùa cả ngày mà chẳng thấy chán. Thời gian khác thì làm lụng, chẳng có lúc nào mà nghĩ đến đau buồn, khổ cực. Nhưng khi lên cấp 3, vào cái tuổi mà người ta gọi là bắt đầu biết suy nghĩ, thì ba cũng bắt đầu cảm nhận được sự tuổi nhục của cái nghèo cái khổ. Ba vẫn còn nhớ như in cảm xúc vào buổi tối khi ba học lớp 11. Tối đó ba đi chơi về trễ nên rất đói, nhưng nhìn phần cơm đã để riêng cho ba thì ít hơn mọi bữa nên ba rất tức giận. Có lẽ ai đó trong nhà vì quá đói đã lén ăn bớt. Ba đã định giãy nãy với bà nội vì chuyện này.Nhưng lúc đó bà Nội đang ngồi trên võng và kéo suyễn nên ba dằn lòng lại trong một lát. Rồi ba nghĩ nếu mình là bà nội, ông nội phải chứng kiến cảnh con mình thiếu ăn như vậy dù đã làm hết sức mình, thì mình phải đau khổ đến mức nào. Một cảm giác kinh khủng chiếm lấy ba, rồi sau đó là ân hận. Ba ôm tô cơm nguội độn khoai chan với nước tương ăn cùng vài cọng rau muống ngồi ăn trên bậc thềm tam cấp trước chiếc võng của bà nội, ăn ngấu nghiến. Bà nội hỏi ba chơi ở đâu mà về trễ, rồi hỏi ba ăn có no không, ba nói dối là đủ no. Ba hỏi bà nội “Nếu sau này nhà mình có tiền, má thích ăn gì và muốn làm gì?”. Bà nội chắc có lẽ vì không đọc được quyết tâm của ba nên trả lời rằng “Có cơm cho tụi con đủ ăn mà không phải độn là vui lắm rồi, nghĩ gì đến nhiều tiền con”. Ba cười với nội và không nói gì.

Kể từ đó ba quyết tâm mãnh liệt sẽ làm cho gia đình mình hết nghèo và sống đầy đủ. Ba không bao giờ quên tự nhắc mình về ý thức trách nhiệm này từ ngày ấy. Ba đang viết mà thấy nhớ nội quá…Rạng sáng hôm qua ba tỉnh giấc khi đang mơ được ôm nội và thổn thức. Ba thấy mình vừa ra tù là chạy ngay đến chỗ nội. Trong mơ nội vẫn còn sống. Ba quỳ dưới chân nội và ngã vào lòng bà nội ngã vào lòng nội, cảm giác như hai câu thơ ba làm lúc còn ở B34: “Con về bên má quỳ thưa, bão giông tan hết gió mưa thuận hoà”. Hơn 30s sau khi tỉnh giấc ba mới nhận ra là mình đang mơ. Rồi ba buồn vì nội không còn trong vòng tay ba nữa. Ba không ngủ lại được nhưng cảm giác dần vui lên vì tin rằng hẳn nội rất thương nhớ ba nên thường hay về thăm ba trong mộng.Gần 5 năm qua hai con của ba lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ nhưng thiếu vắng sự chăm sóc của ba. Ba rất biết ơn mẹ đã không để hai đứa con thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, và con truyền được nghị lực và niềm tin để tụi con vững bước trên chặng đường chông gai vừa qua. Ba cũng rất hạnh phúc vì 2 đứa đã không phụ thuộc tình thương yêu của ba mẹ mà cố gắng vương lên để xứng đáng với điều đó. Càng lớn tụi con sẽ càng hiểu tình yêu mà mẹ giành cho mình là bao la đến thế nào.Đến khi mình có con thì mới thực sự hiểu sau sắc thế nào là tình mẫu tử. Bao năm qua các con là mục đích sống của mẹ, là động lực để mẹ vượt qua giông bão. Ba rất vui vì thấy rằng hai đứa đã cảm nhận và thấu hiểu được điều đó. Hãy cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà mẹ đã giành cho tụi con nha!

Ngày 4/11/2013

Hôm nay ba muốn trao đổi với hai bạn nhỏ về chữ “Lợi” và ứng xử với cái lợi như thế nào?

Văn hoá nho giáo xem lợi là cái xấu khiến cho tâm lý con người ngại khi nói về cái lợi. Nền văn hoá đó còn tạo ra được tiêu chuẩn đạo đức mà người ta được ca ngợi khi từ bỏ cái lợi dù là rất chính đáng của mình. Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa. Cái tư tưởng này ra đời vào bối cảnh cổ đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những phong trào mà các tầng lớp dân bị trị bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của mình. Các phong trào này lúc đó được hỗ trợ bởi các học thuyết tư tưởng tiến bộ hơn của Mặc Gia (vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ - tiểu nông và địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân). Giới cai trị phong kiến lúc đó lung túng và lo sợ các phong trào này phát triển sẽ ảnh hưởng đe doạ đến quyền lợi của họ. Do vậy thuyết “nghĩa” và “lợi” của Nho Giáo đã nhanh chóng trở thành điểm tựa cho các tầng lớp này sử dụng để áp chế các đòi hỏi chính đáng của người dân, biến những đòi hỏi trở thành điều xấu xa về mặt đạo đức. Họ đã thành công nhờ nắm quyền lực trong tay. Nhưng hậu quả của việc này đã làm Trung Quốc lụn bại trở thành gã khổng lồ bạc nhược và bị xâu xé cho dù nó đã phát triển và đạt được những thành tựu vĩ đại trước các nước phương Tây đến cả ngàn năm (kiếm những thành tựu này) Nguyên nhân là nó đã tạo nên một nền văn hoá ứng xử tiêu cực mà ba đã viết từ lần trước, ở đó nhào nặn ra những con người cam chịu và thụ động. Họ không dám, thậm chí không có ý thức đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình mà chỉ trông đợi vào sự ban phát ân huệ từ vua – quan. Nền văn hoá này ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến các nước này chậm phát triển mấy trăm năm so với sự tiến bộ của thời đại.
Tình trạng này chỉ thay đổi ở nước nào mà cái tư tưởng “nghĩa đối nghịch lơi” sai làm nói trên bị thay đổi bằng những quan điểm ứng xử đúng đắn về lợi.

Lợi nghĩa rộng bao hàm cả quyền lợi, ích lợi, cả vật chất lẫn tinh thần.

Lợi là động lực tự nhiên của con người mà nhờ đó cả xã hội loài người mới phát triển. Con người càng làm lợi cho mình thì xã hội càng phát triển.

Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả.Hành động tốt hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những người khác nhau như thế nào.

Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động.

Điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi ứng xử của con người và đạo đức xã hội cân bằng được giữa lợi và nghĩa. Và cái xấu sẽ hoành hành khi sự cân bằng này bị thiên lệch về lợi hay nghĩa.

Đối diện với một xã hội bị cho là suy thoái về đạo đức thì nguyên nhân thường được người ta gán cho là sự ích kỉ cá nhân vì những biểu hiện hay thấy là con người phần lớn ứng xử với nhau vì lợi riêng. Giải pháp sai lầm trong trường hợp này là đánh vào chủ nghĩa cá nhân với hy vọng triệt tiêu hoặc ít ra là hạn chế động cơ hám lợi của con người. Nhưng tự cổ chí kim từ Đông sang Tây, hành động vì lợi là một động lực tự nhiên của con người mà không một ai có thể thay đổi được. Động lực đó càng mãnh liệt khi cái lợi đó là lợi riêng. Do vậy sự áp chế bằng quyền lực thực chất là đè nén các động lực này chỉ dẫn đến những biến tướng tai hại, ,một trong những cái xấu nhất của nó là thói đạo đức giả. Nhiều người hành động vì lợi nhưng che dấu bằng nghĩ. Lắm kẻ dùng lợi chung để thủ lợi riêng. Những lễ nghĩa được cho là đạo đức tốt đẹp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, sách vỡ mà có khi người ta dùng chúng để tranh giành và trừng phạt lẫn nhau. Còn trong thực tế thì mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau được chi phối bằng các mối quan hệ thuần tuý vật chất. Ở một tình trạng nhẹ hơn đạo đức giả là thói quen tâm lý vòng vo khiến xã hội hoạt động không hiệu quả. VD: một người muốn được trả lương xứng đáng với năng lực, thành quả mình làm ra được. Nếu là người Singapore thì người ấy sẽ rất thẳng thắn đề nghị cấp trên tăng lương kèm theo những chứng minh về năng lực của mình, nhưng nếu là ở Trung Quốc hay Việt Nam thì tụi con sẽ thấy người làm thuê rất ngại nói về những điều như vậy vì có tâm lý sợ người khác nghĩ mình “trọng tiền bạc”. Từ đó họ dùng nhiều cách vòng vo khác nhau để đạt được mục đích của mình, cách xấu nhất là làm cho đồng nghiệp của mình hiệu quả thấp hơn mình. Cách được cho là khéo léo và tế nhị nhất là xin nghỉ việc vào lúc mình đang làm việc hiệu quả nhất.

Còn rất nhiều các tác động tiêu cực khác của các giải pháp sai lầm nói trên mà hai đứa hãy quan sát và phân tích để thấy rõ. Ở đây ba muốn nhấn mạnh một tác động xấu nhất của nó là triệt tiêu mất động lực phát triển. Đây là nguyên nhân căn bản khiển các nước theo văn hoá Nho Giáo bị đẩy lùi xa phía sau kể từ thời trung đại đến thế kỉ 18, 19 và 20. Ở các nước này, trong hàng ngàn năm, các lễ giáo kiểu “trọng nghĩa khinh tài” (tài là tiền chứ không phải tài năng)không chỉ được nhồi nhét giáo dục cho con người từ nhỏ mà còn được luật hoá để trở thành các quy tắc ứng xử bắt buộc cho quan lại và dân thường.Vi phạm các quy tắc này sẽ bị phạt tiền và tù.Nhưng thực tế thì chẳng mấy khi quan lại bị phạt mà hầu hết dân thường bị lãnh đủ. Do vậy, cũng từ xuất phát từ động lục tự nhiên của con người là lợi nên người dân dần dần hướng đến những gì thiệt hại ít nhất cho mình khi không làm đc gì sinh ra lợi. Điều này cuối cùng tạo ra một xã hội ở tình trạng mà con người chẳng dám, chẳng dại làm gì mà quan lại không muốn, chỉ thụ động chờ sự ban phát. Sự chủ động phổ biến nhất mà họ có thể làm là đút lót.
Như vậy không thể triệt tiêu lợi riêng để có lợi chung , cũng chẳng thể tập trung cho lợi chung để có lợi riêng.Trong thời kì kinh tế bao cấp, mọi người được hướng toàn bộ vào phục vụ lợi chung nhưng hiệu quả thực sự là rất thấp mà tụi con đã được nghe nói nhiều. Sự đổi mới kinh tế đã tạo ra thành tựu ở Trung Quốc và Việt Nam về bản chất chính là làm cho con người có quyền làm lợi cho mình.

Tuy nhiên, giải pháp đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề nêu trên là làm sao để con người cân bằng được giữa lợi riêng và lợi chung thì xã hội sẽ cân bằng được giá trị vật chất và tinh thần. Các giải pháp cực đoan nhằm triệt tiêu phía này hay phía kia đều phá vỡ sự cân bằng này đều làm cho xã hội suy thoái và/hoặc phát triển thiếu bền vững, gây ra rất nhiều những vấn nạn. Đề tài “làm sao để cân bằng được các giá trị trong cuộc sống” ba đã trao đổi với hai bạn trẻ hồi 2 năm trước. Ngày mai ba sẽ trao đỗi kĩ hơn về nó trên phương diện những ứng xử cá nhân. Giờ thì ba xem film 18h trên VTV3 “Quý bà Go Bong Shit” (rất giống mẹ hihi).

Ngày 5/11/2013

Ứng xử cá nhân của mọi người quyết định nên tầm thức văn hoá của cả một dân tộc vì đó là ứng xử của số đông đa số. Rồi tầm thức này lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng xử cá nhân. Cứ như vậy tác động qua lại như hình xoắn ốc, có thể đi lên và tạo nên sự thăng hoa, nhưng cũng có thể đi xuống và dẫn đến lụn bại. Do vậy, như thư trước ba đã viết, việc giáo dục để định hình văn hoá ứng xử cá nhân để có được một tầm thức văn hoá tiến bộ của một dân tộc là hết sức quan trọng, quyết định mức độ thịnh vượng và văn minh của quốc gia. Ba sẽ so sánh giữa nước Anh và Trung Quốc để tụi con thấy rõ được điều này.

Trung Quốc: Một quốc gia có lịch sử và nên văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Rất nhiều phát minh quan trọng về Vật Lý, Thiên Văn,Toán Học được người Trung Quốc tìm ra hàng trăm, hàng ngàn năm trước cả châu Âu.Tư tưởng triết học của người Trung Quốc cũng hình thành rất sớm như ở Hy Lạp và Ấn Độ. Các tư tưởng này cũng rất đa dạng và phong phú nhưng Nho Giáo lại chiếm giữ vai trò thống trị xuyên suốt trong gần 2500 năm trong hầu hết các triều đại của TQ. Trong quá trình này Nho Giáo đã có rất nhiều cải biến nhưng bản chất của nó vẫn là những căn bản được xác lập bởi Khổng Tử- người sáng lập ra Nho Giáo. Các tư tưởng này ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội, biến nó thành một loại hiến pháp tự nhiên không phải bàn cãi, không cầu thay đổi. Do đó nó làm xã hội và con người TQ trở nên xơ cứng từ thời kì cận đại trước những biến đổi sâu sắc và nhanh chóng ở Châu Âu vào thời đó. Từ sau thế kỉ 15 TQ trở nên suy thoái nhanh chóng, tỉ lệ nghịch với tốc độ phát triển nhanh chóng ở Châu Âu. Đến cuối thế kỉ 18 thì TQ hoàn toàn lệ thuộc và sự điều khiển và xâu xé của các nước Phương Tây và kể cả Nhật Bản – một nước nhỏ hơn TQ rất nhiều và từng là chư hầu của TQ (như VN) nhưng đã kịp thay thế Nho Giáo từ thế kỉ 19. Có rất nhiều nguyên nhân làm Nho Giáo bám chặt lâu dài vào xã hội Trung Quốc. Nhưng theo ba một trong những nguyên nhân quan trọng là người Trung Hoa quá đặt nặng vấn đề sắc tộc trong ý niệm về dân tộc và quốc gia. Do đó Nho Giáo dễ dàng xây dựng tinh thần dân tộc và niềm tin về chủ quyền quốc gia xung quanh một gia tộc được đại diện bởi một người là Hoàng Đế. Từ đó sức mạnh dân tộc để bảo vệ chủ quyền quốc gia được biến thành để bảo vệ cho một triều đại. Nghiên cứu lịch sử các cuộc cách mạng ở Trung Quốc thì tụi con sẽ thấy rằng những cuộc đấu tranh của người Trung Quốc nhằm để cải thiện và bảo vệ quyền lợi của mình thì rất yếu ớt và luôn thất bại. Còn các cuộc cách mạng lật đổ và thay đổi triều đại thì luôn khốc liệt và đẫm máu lại thường dẫn đến thành công. Nhưng các cuộc cách mạng này không mang lại nhiều thay đổi về quyền lợi và lợi ích của quần chúng một cách thực chất.Rất nhiều lần thay đổi triều đại nhưng các chế độ mới đều là quân chủ chuyên chế, chủ quyền quốc gia thuộc về một người, một nhóm người. Nhìn một cách biện chứng thì có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vì thiếu ý thức đấu tranh thực sự cho quyền lợi của mình mà lại bị lợi dụng cuốn theo các cuộc đấu tranh vì quyền lợi của một nhóm người nhân danh dân tộc,quốc gia.

Nước Anh: là một quốc gia chưa hình thành vào thời cổ đại và vẫn còn chậm phát triển ở thời trung đại so với nhiều quốc gia khác ở Châu Âu vào thời đó như Pháp và Đức. Từ thế kỉ X trở đi Anh bắt đầu phát triển rồi trở thành quốc gia hùng cường nhất Thế Giới và mãi đến giữa thế kỉ 20, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho thế giới trong nhiều thế kỉ. Tui con đã học lịch sử nên biết nhiều nguyên nhân của kỳ tích này. Ở đề tài này ba sẽ phân tích nguyên nhân ở khía cạnh ứng xử cá nhân. Người Anh không coi trọng yếu tố sắc tộc trong tinh thần dân tộc và không gắn nó với chủ quyền quốc gia.Như tụi cọn biết, năm 1066 công tước William xứ Normandy của nước Pháp đã giao chiến với vua Anh lúc đó là Harold – một người Anglo Xắcxông gốc (chủng tộc chủ yếu của người Anh). Harold bại trận do người Anh không quan tâm nhiều đến cuộc chiến này. Họ chỉ xem đây là cuộc chiến tranh giành ngôi báu.Thay vào đó họ làm một điều mà người Châu Á cảm thấy rất khác thường. Đó là, họ ra điều kiện cho William muốn làm vua Anh thì phải ký vào bản cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền lợi cho người dân Anh với những yêu cầu rất cụ thể. William đồng ý và được dân Anh tuyên làm vua nước mình. Điều thú vị là William là người Pháp và còn không biết nói tiếng Anh hơn nữa lúc đó Pháp vẫn là đối thủ của Anh. Nhưng William đã thực hiện đúng cam kết, tăng nhiều quyền lợi cho dân Anh và hi sinh một số đặc quyền của vua Anh so với các triều đại trước đó.Những cải cách này đã làm Anh phát triển tốt đẹp, trở nên hùng mạnh hơn nên càng là đối thủ đáng gờm hơn của Pháp. Sử gọi triều đại này là triều đạ Normandy, cũng là một thời kỳ phát triển quan trọng về văn học, văn hoá, kinh tế,…của nước Anh. Triều đại này kết thúc qua sự kiên vua John phải kí vào bản đại hiến chương vào năm 1215. John là hậu duệ của Vua William nhưng đã tiến hành chiến tranh với chính xứ Normandy- nguồn gốc của chính gia tộc này. Năm 1213 để có tiền thực hiện cuộc chiến này, vua John đã tăng thuế lên cao. Người dân Anh đã phản đối mạnh mẽ và dựa vào tuyên bố “Đặc quyền lệnh của Henry I” (Là vị vua kế nhiệm đời thứ 2 của vua William) để tuyên bố rằng vua John đã vi phạm cam kết với dân Anh. Họ cử đại diện là 25 Nam Tước chuẩn bị sẵn một bản thoả thuận trong đó buộc vua John nếu không muốn bị dân nổi dậy và chống lại phải kí vào. Đó chính là bản đại hiến chương nói trên. Nội dung cơ bản của nó như sau:

- Thần dân có quyền và phải luôn được đảm bảo tài sản và an toàn thân thể, tính mạng.

- Trong quan hệ giữa dân và vua, dân có quyền phản kháng bạo quân.

- Ngoài tô thuế phong kiến, vua không có quyền thu thêm bất kì một loại thuế hay quyên góp nào khác trừ khi được sự đồng ý của toàn quốc.

- Chưa trình ra phán quyết hợp pháp và thẩm xét của luật pháp trong nước thì không được bắt bớ bất kì người tự do nào.

Tụi con sẽ không tìm thấy bất kì một tuyên bố tương tự nào như thế ở Trung Quốc trong suốt mấy ngàn năm, mãi đến đầu thế kỉ XX. Sự tiến bộ này của người Anh cũng khác biệt và vượt lên hẳn so với nhiều nước châu Âu thời đó. Chính nhờ vậy mà nước Anh đã bức phá ngoạn mục. Sự kiện đại hiến chương đã dẫn đến việc tiến hành thành lập nghị viện, rồi từng bước nghị viện dần giành được quyền lập pháp, biến Anh thành cái nôi của nên dân chủ trong thời kì cận và hiện đại của thế giới. Do tính cách của người Anh luôn thẳng thắn đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như vậy nên sự thay đổi các triều đại ở Anh rất ít xảy ra, và khi diễn ra lại rất ít đẫm máu cũng không kéo dài gây lầm than cho dân Anh. Sự kiện đẫm máu nhất là cuộc cách mạng 1640, cũng xuất phát từ sự việc lúc đó là vua Charles I cần tiền nên cũng tăng thuế nhưng không được nghị viện Anh chấp nhận. Charles I giải tán nghị viện nhưng các đại biểu nghị viện vẫn không nhượng bộ nên ông ta liều lĩnh tấn công – bắt giam các lãnh đạo của nghị viện. Người dân Anh thực hiện các quyền đã được thoả thuận của mình, tự vũ trang đứng lên ủng hộ các nghị sĩ chống lại nhà Vua. Mấy năm đầu, quân đội nhà vua thắng thế nhưng đến năm 1649 thì lực lượng vũ trang nhân dân đảo ngược tình thế. Họ bắt giữ và xử tử Charles I. Nhưng cuộc cách mạng không vì thế mà kết thúc ngay được vì nó được khởi nguồn bằng bạo lực và đáp trả bằng bạo lực. Những cuộc thanh trừng và tranh giành bằng bạo lực vũ trang vẫn diễn ra hơn 10 năm nữa. Đến năm 1660, chính những người đã lật đổ Charles I lại ủng hộ con của ông ta lên làm vua gọi là Charles II. Đến đây cuộc cách mạng này mới chấm dứt cùng với sự tang tóc của nó. (Tóm lại ko cần kể người làm vua là ai chỉ cần đảm bảo được quyền lợi của dân Anh thì người đó được ủng hộ). Từ bài học này nên kể từ đó về sau người Anh không có thêm bất cứ một cuộc cách mạng bạo lực nào nữa cho mãi đến bây giờ. Một sự cải cách thay đổi sâu sắc các vấn đề chính trị cốt lõi của nước Anh được diễn ra hoàn toàn trong hoà bình vào năm 1688. Đó là cuộc cách mạng Quang Vinh mà tụi con đã học. Thay thế những cuộc cách mạng bạo lực & lật đổ là các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật lừng lẫy từ nước Anh và lan rộng ra cả chau Âu rồi sau đó ra toàn thế giới. Chúng đã tạo nên thành tưu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, biến đổi sau sắc điều kiện sống của loài người.
Từ lúc hình thành nên quốc gia, nước Anh đã trải qua vài lần thay đổi triều đại. Bản chất của các chế độ này đã thay đổi từ toàn quân chủ sang toàn dân chủ. Nhưng hình thức của chúng thì gần như không có thay đổi gì đáng kể, vẫn là vua hay nữ hoàng là người đứng đầu đất nước. Điều này chứng tỏ người dân Anh chỉ quan tâm đến thực chất – tức là những gì thực sự mang đến quyền lợi thiết thực cho người dân, chứ không dễ bị hình thức của các tên gọi triều đại, chế độ làm cho ảo tưởng. Sự quyết tâm người anh bảo vệ quyền lợi của mình đã buộc những người cầm quyền phải đáp ứng để có thể duy trì sự tồn tại và quyền lợi hợp lý cho mình.
Từ sự so sánh giữa lịch sử TQ và Anh như trên ta có thể rút ra những kết luận sau:

- Văn hoá ứng xử cá nhân của đa số người dân quyết định sự phát triển hoặc suy thoái của dân tộc, quốc gia.

- Mọi người cần có quyền và cần hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đòi hỏi quyền lợi cho mình là không có gì xấu xa hay sai trái.

- Những cuộc cách mạng thay đổi triều đại, chế độ thì không chắn chắn sẽ dẫn đến thay đổi tốt hơn cho người dân. Nhưng những cuộc cải cách bởi áp lực của quần chúng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình thì luôn dẫn đến những sự thay đổi tốt đẹp cho toàn xã hội.

Ngày 6/11/2013

Nhìn từ quan điểm cân bằng các giá trị trong cuộc sống thì thấy người Anh đã cân bằng tốt giữa lợi riêng và lợi chung, giữa cá nhân và quốc gia. Trong khi người TQ thường đề cao lợi chung của quốc gia mà đè nén lợi riêng của cá nhân.Nhưng thực tế thì một số ít tầng lớp vua quan trên cùng của xã hội mới được hưởng lợi lớn.

Đọc sách của Trung Quốc thì tụi con thường thấy họ đề cao và kêu gọi quan lại hi sinh quyền lợi của mình và gia đình mình để chăm lo cho lợi ích của dân chúng. Nhưng tụi con sẽ thấy quan điểm “ không chăm lo được cho mình và gia đình mình thì nói gì đến chăm sóc cho quần chúng” lại rất phổ biến ở Anh và các nước phương Tây.

Tuy vậy, như ba viết ở thư trước không nên du nhập thụ động hay buông thả theo các xu hướng văn hoá mới, mà phải tiếp nhận chúng một cách chủ động để tạo ra sự giao thoa tích cực. Văn hoá chỉ giao thoa được khi nó tìm ra được các điểm cân bằng. Mà sự cân bằng quan trọng nhất là sự cân bằng giữa riêng và chung. Một người mà chỉ chăm chăm vào lợi ích riêng của mình thì sẽ trở nên ích kỉ. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì sẽ trở nên mất gốc và ảo tưởng. Nếu chỉ chăm lo cho gia đình mình thì sẽ trở nên hẹp hòi và đánh mất cơ hội được tương trợ và hạnh phúc từ cộng đồng.
Nhìn rộng và sâu hơn nữa từ khía cạnh cân bằng và giao thoa văn hoá thì cần thấy rằng ứng xử của cá nhân nói riêng và số đông nói chung không nên có văn hoá phũ định những gì khác mình. Mình có quyền phê phán những gì thấy không tốt cho mình hoặc cho lợi ích chung để những điều đó có thể trở nên tốt hơn. Với thái độ như vậy thì con người sẽ tìm ra được những điểm chung để cân bằng lợi ích của nhau. Còn khi người ta chỉ nhằm mục đích phủ định lẫn nhau thì sẽ luôn xung đột lật đỗ lẫn nhau và đi kèm với các hành vi bạo lực rất khó tránh khỏi. Nghiên cứu kĩ hơn về Anh và TQ thì tụi con sẽ thấy rõ điều này. Hì hì đề tài lần này nhức đầu quá phải không hai bạn nhỏ. Nhưng ba biết rằng nó rất quan trọng và cần thiết. Lần sau ba sẽ trao đổi một đề tài vui vẻ và thú vị hơn ha.

Tháng này là sinh nhật mẹ. Hai đứa hãy chuẩn bị cho mẹ một món quà thật ý nghĩa nha. Hãy mang cho mẹ nhiều niềm vui thật thật lớn. Sau đó là sinh nhật ông nội nữa. Bé Quân thử làm một vật kỉ niệm tặng ông nội xem. Đến tháng sau đến giáng sinh và tết Tây, tụi con đừng quên gửi thiệp chúc bác Hans và Ronate. Theo văn hoá người phương Tây, những sự quan tâm như thế rất có ý nghĩa.

Ba yêu hai con gái cưng của ba lắm! Ba mong một ngày không xa sẽ thấy hai đứa thành đạt và hạnh phúc. Rồi tụi con sẽ nhớ về thời gian này như những kỉ niệm đẹp, Có nhiều điều không được may mắn với gia đình mình lúc tụi con còn nhỏ. Nhưng hai đứa đã có được sự may mắn nhất trong đời đó là mẹ. Hơn nữa, ông ngoại là người ông tuyệt vời nhất mà tụi con có được trong cuộc đời này. Ba tin tụi con cũng cảm nhận được như vậy, và đó chính là hạnh phúc!

Ba vừa điện thoại về cho cô sáu, biết được là ngày mai gia đình sẽ lên thăm. Ba nhớ cả nhà lắm rồi nhất là bé Quân xinh đẹp. Ba dừng ở đây nha lần sau ba sẽ viết thư cho mẹ nhân dịp sinh nhật.

Hôn ba mẹ con
Ba Thức
TB: dạo này ba bắt đầu trồng bông ở khoảng đất nhỏ phía trước buồng. Chắc một tháng nữa sẽ đẹp hihi


29/12/13

Alan Phan - HẠNH PHÚC VÀ THU NHẬP


HẠNH PHÚC VÀ THU NHẬP
Alan Phan
30/12/2013
Phần lớn những người nghèo thường dùng một biện giải là chúng tôi có đói khổ thiếu kém nhưng chắc chắn là dân nghèo thường có “đạo đức và hạnh phúc” hơn các người giàu. Nguyên lý này có thể đúng dù rằng rất khó định lượng và các chuẩn giá trị để kiểm nhận lại là một vấn đề lớn khác. Tuy nhiên, nó cũng đã giúp cho rất nhiều chánh quyền xây và giữ quyền lực trên lý thuyết mơ hồ này. Một lợi điểm khác là số lượng người nghèo thường đông hơn người giàu và lòng ghen tị là một động lực hàng đầu cho nhiều cuộc cải tổ biến động.
Nghe qua thì nguyên lý cũng khá hợp lý. Phần lớn người nghèo phải tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để mưu sinh cho gia đình. Họ không có phương tiện hay thì giờ rảnh rỗi để phát huy những thói hư tật xấu gọi là tứ đổ tường như người giàu. Vì có ít thì giờ trong ngày nên họ chăm sóc gia đình chu đáo hơn vì đây có lẽ là tài sản lớn lao nhất của họ. Trên khía cạnh hạnh phúc, vì ít học và cũng không nhiều tham vọng, người nghèo bằng lòng với cuộc sống, an phận với hàng xóm bạn bè và chỉ cần vài lon bia cùng một show vớ vẩn trên TV, họ cũng thoả mãn về một đêm thú vị.
Cùng nhãn quan này, những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thường là các nước nghèo mạt rệp từ Á sang Phi Châu. Các tổ chức xếp hạng lại nằm ở những nước giàu, dùng các tiêu chí của những anh chị thừa cơm rỉnh mỡ. Ngoài ra, các chánh trị gia thưởng tuyên dương rầm rộ cho những xếp hạng này để khoe thành tích vĩ đại (về nghèo kém) và để dân quên đi những thực tế khó nuốt.
Đây là bức tranh khá trung thực vẫn tìm thấy ở các xóm nghèo đông đúc tại Mỹ hay các quốc gia phát triển. Ở những nước nghèo, nhất là Việt nam thì hoàn cảnh khác nhiều do tỷ lệ thất nghiệp, sự ỷ lại vào tiền “xin-cho”, nợ nần phức tạp, tính ham ăn nhậu, tật sĩ diện hảo….
Một khảo sát do Đại Học Polytechnic ở Hong Kong hoàn tất khoảng 10 năm trước (tác giả đọc trên tạp chí City Life nhưng không lưu lại bài viết) xác nhận nhiều điều nói trên. Họ phỏng vấn hơn 2,000 người giúp việc Phi Luật Tân ở Hong Kong và khoảng 300 người chủ của các chị osin này. Tôi còn nhớ vài kết luận sau đây:
-          Gần như 99% người được khảo hạch đều đồng ý là theo tiêu chuẩn đặt ra bởi các nghiên cứu viên về chất lượng và tinh thần an sinh trong cuộc sống thì hơn 92% người giúp việc Phi “hạnh phúc” hơn các ông bà chủ.
-          Tuy nhiên, khi hỏi nếu được hoán đổi vị trí xã hội để trở thành người chủ họ đang làm việc cho, thì 100% các chị giúp việc đồng ý làm liền. Dù họ biết rất rõ là người chủ họ hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu là vấn nạn: áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời giờ cho mình và gia đình, ganh đua trong xã hội….
-          Ngược lại, khi hỏi họ có muốn hoán đổi vị trí với các osin, thì 100% các ông bà chủ dứt khoát là không, dù họ vừa công nhận là những bạn giúp việc “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
Nhà bình luận trong bài viết cho rằng, giữa hạnh phúc và thu nhập, ngay cả tại những quốc gia giàu và công bằng nhất, cán cân lựa chọn của người dân thường nghiêng về thu nhập.
Dù không khoa học khi chỉ trưng ra một khảo sát, nhưng chúng ta có thể suy luận là mặc dù ai cũng nói phải đi tìm hạnh phúc cho đời sống, phần lớn có thể vẫn quan tâm đến những mục tiêu khác hơn. Cái bản ngã quá lớn của nhiều người xua đẩy họ chạy vào những con đường tắt, không những đầy cạm bẫy và thủ đoạn, mà còn tha hoá con người trong tham ô, trì trệ, mất nhân tính và đạp tranh nhau từng mẩu bánh mì vụn.
Tệ hại hơn cả là ở Việt Nam, một thành phần rất lớn những người nghèo, dù không phương tiện hay quyền lực, đang bầy đàn và học đòi theo những lớp người trên đỉnh giàu sang. Ăn nhậu, cờ bạc, trai gái, khoe mẽ, bạo lực, vô cảm, hôi của…đang chiếm lĩnh lần hồi các vùng quê, vùng xa, vùng sâu…nghèo đói nhất. Để chi trả, họ sẵn sàng nhận nợ nần từ xã hội đen, chơi trò bịp bợm với hàng xóm bà con, hy sinh tương lai của những đứa trẻ vô tội sinh nhầm nơi chốn. Kết quả là một văn hoá quái thai, tạo nên một hệ thống y tế tàn nhẫn và một nền giáo dục càng ngày ngày càng làm thấp dân trí.
Dĩ nhiên, ông già Alan thì thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để bàn sâu việc này. Có lẽ tôi sẽ mời những quan chức cao cấp và đáng kính của xã hội Việt Nam để chia sẻ?
Alan Phan

Source : Goc nhin Alan

định hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản, một cách sát thương dân tộc


30-12-2013

định hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản, một cách sát thương dân tộc

 Nguyễn Đình Bổn

Thủ tướng rồi bộ trưởng bộ TTTT tại Việt Nam đã tuyên bố: VN không thể có báo chí, nhà xuất bản tư nhân. Nghĩa là toàn bộ cái quyền đọc, viết phải nằm trong sự kiểm duyệt và định hướng của nhà cầm quyền. Điều này đã, đang và sẽ tạo ra những hệ lụy khủng khiếp, mà tôi cho là có tính sát thương dân tộc.

Ngày nay chúng ta thấy chuyện giết người, cướp của, hiếp dâm... liên tục xảy ra, tội phạm ngày càng trẻ, hành động ngày càng tàn bạo, mất hẳn tính người. Chuyện này chẳng cần đưa ví dụ vì nó xảy ra hằng giờ và báo chí, các trang mạng khai thác tối đa mọi ngóc ngách, nhằm câu độc giả với mục đích cuối cùng là kiếm tiền.


 Nhiều khi tôi tự nghĩ, có khi nào những cây bút chuyên mô tả và dệt chuyện phản văn hóa đó, những người lãnh đạo các tờ báo đó, nghĩ một chút về lương tâm của người cầm bút, về con cái, gia đình mình, bởi không chỉ các trang mạng chuyên đưa tin giật gân, giờ đây ngay cả các tờ báo từng có tiêu chí đàng hoàng như vietnamnet, Thanh Niên... sau vài lần thay đổi nhân sự cũng nhảy vào khai thác chuyện giết và chuyện cởi!

Điều này ảnh hưởng nhãn tiền và như một qui luật Nhân- Quả vào cuộc sống người dân. Báo chí càng khai thác, cướp hiếp và khiêu dâm càng nhiều, cướp hiếp càng nhiều, báo chí càng có đề tài để viết. Chỉ cần quan sát, chúng ta sẽ nhìn thấy từ cái nền đã đổ vỡ toàn diện của giáo dục, những thế hệ lớn lên, không có một chút lý tưởng nào về nhân bản, không tin ở ý thức công dân bởi từ nhà trường cho đến xã hội và phương tiện giải trí, bày ra cho bọn trẻ nhìn thấy những khốc liệt của tranh đấu giành quyền chức, miếng ăn... bày ra cho bọn trẻ cách thức kiếm tiền nhanh và hưởng thụ, bày ra cho bọn trẻ thấy cuộc sống là những chuỗi bất công nhưng không chỉ cho họ cách thức lành mạnh để xóa bỏ cái bất công đó. Và hệ lụy là sự giả dối lên ngôi, bạo lực bùng phát, tệ nạn lan tràn... 

Chính cách định hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản là một nhân tố quan trọng đưa đến bi kịch này của dân tộc. Những người cầm quyền đã quá nhạy cảm để cấm báo chí tự do nhưng một mặt họ thả ga cho báo chí khai thác những mặt trái của xã hội, ai cũng biết tại VN vào một trang web sex dễ dàng trong khi đó vào các trang "lề trái", thậm chí facebook phải vượt tường lửa!

Về mặt văn hóa đọc, chính không có tự do báo chí và xuất bản nên mức độ suy đồi cũng diễn ra như một bi kịch. Trong khi các sách rẻ tiền, thậm chí có hại như thứ gọi là "ngôn tình" của Trung quốc xuất bản hằng ngày, đưa người trẻ vào những cơn mơ phi thực tế, dìm sâu cái cảm thụ ngôn ngữ văn chương xuống đáy bùn thì các sách kinh điển một số cấm in, một số in ra bị thu hồi và nhiều cuốn chỉ bán lèo tèo vì cái cách nghĩ, cách sống đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách đọc của những thế hệ đi sau. Điều này càng nguy hiểm hơn cả thời "ngăn sông cấm chợ" những  năm trước 1980, vì thời đó các danh tác được in vẫn khá chỉn chu và được đọc một cách mê say... Giờ đây văn chương, cụ thể là sáng tác của các nhà văn được in tại các nhà xuất bản đã đánh mất hoàn toàn giá trị nhân bản và thẩm mỹ. Bởi trước khi ra đời, nó chỉ còn lại là những văn bản méo mó vì người viết phải tự kiểm duyệt sau đó đến lưỡi kéo của các biên tập viên phần lớn là dốt nát và chữ ký của ông TBT luôn sợ mất ghế. Không có một môi trường văn hóa lành mạnh, một không khí sáng tác trong ý niệm tự do tuyệt đối của người nghệ sĩ, những tài năng dần thui chột và tàn lụi, hoặc trở thành dị dạng nếu thỏa hiệp. Đó chính là lưỡi kiếm sát thương một nền văn học nghệ thuật của độc tài và kiểm duyệt!

Có biện luận rằng chính nghệ sĩ phải là người có ý thức sáng tạo tự do tuyệt đối và khi viết anh phải vượt thoát những ràng buộc về mọi mặt cuộc sống, kể cả chính trị. Thế nhưng thực tế một nghệ sĩ tài hoa không phải bao giờ cũng là một dũng sĩ. Xuất bản một cuốn sách không cần kiểm duyệt ở nước ngoài ư? Hay là trên internet? Chuyện này hoàn toàn trong tầm tay người viết hiện nay, nhưng sau đó là gì? Là mất việc nếu anh đang làm việc ở một cơ quan nào đó. Là phải đối đầu với bao rắc rối nảy sinh từ chính bộ phận kiểm soát của nhà cầm quyền. Và khủng khiếp hơn, là có thể phải đối mặt với tòa án vì những điều luật vô lý khác... trong khi có thể không nhận lại được một sự tưởng thưởng nào, liệu có mấy ai dám chấp nhận sự thật khắc nghiệt này?

Những người cầm quyền tin rằng một chuyện không thật thì khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên hệ thống tuyên truyền nó sẽ trở thành sự thật, thành niềm tin. Nhưng chính cái cách vừa ràng buộc, vừa buông lỏng báo chí và xuất bản, xem nó chỉ là phương tiện tuyên truyền và kiếm tiền đã hũy họai nhanh nhất nền văn hóa dân tộc, làm tha hóa đạo đức những thế hệ mới, giết chết từ trong trứng nước những sáng tạo tài hoa khác biệt, làm tha hóa nhân cách hoặc thủ tiêu ý thức sáng tạo của tầng lớp nghệ sĩ khi bắt họ phải chọn lựa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là đóng vai một tên tù nhân hay một kẻ đầy tớ!