4/7/07

THƠ - Xướng ca thi - Nguyễn tất Nhiên

1.
hãy ngồi yên lặng đó
ta về nhé em yêu
tình xa như bóng nắng
bên kia quả địa cầu
dăm nụ cười héo hắt
gửi cho nhau, lòng đau!
hãy ngồi yên lặng đó
ta về nhé em yêu
tình xiêu như nắng xế
trong hai vuông hồn chiều
tia mắt nào ấm đủ
đôi cuộc đời xế xiêu ?
hãy ngồi yên lặng đó
ta về nhé em yêu
ngồi gầy thêm vóc ốm
thấm thía từng hắt hiu
đời cho em phấn sáp
mốt mai thành rong rêu
đời cho ta tài tử
rồi tan theo bọt bèo
đời trong khi hạnh ngộ
đã nghìn trùng xa nhau!
2.
dù sao, mình cũng đã
cho nhau những tạm cười
những nhất thời mê mệt
những nhất thời ... mại hơi!
dù sao, mình cũng đã
cám ơn nhau, ơn đời
cám ơn kim định mệnh
khâu khíu sầu chung đôi
cám ơn hai là một
(dù đã một đãi bôi
rồi là một tả tơi!)
dù sao, mình cũng đã
cám ơn nhau, cần nhau
mắt môi nhau mộng du
sống cho nhau, dù sao ...
3.
đời vàng hong cũng đã
khô tóc nước hoa người
đời dối gian cũng đã
dạy người nhuyễn lả lơi
đời lang tâm cũng đã
dạy người chớ tin ai
đời phù du cũng đã
dạy người hưởng đi thôi!
nhưng đời oằn oại đã
dạy ta sống cho người ...
4.
hãy ngồi yên lặng đó
ta về nhé em yêu
ngồi nghe từng gốc tóc
bạc phần đời quạnh hiu
nghe tế bào da thịt
chẳng như da trời chiều
lột thành mai khác được!
ta về nhé em yêu ...

Thơ : Kỷ Niệm - Vũ Hữu Định

Kỷ Niệm - Vũ Hữu Định

con đường đất, cỏ màu xanh bữa nọ
cây bên đường màu lá lục hôm kia
con chim bỏ đi có bận quay về
cất tiếng hót chào niềm vui của gió
anh ra đứng sau hè nghe để ngó
không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều
vui trong lòng anh đã bước chân theo
em có nói là em không trở lại
hôm em nói em đi buồn biết mấy
anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
con chim chi buồn chết cả buổi chiều
từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ
con đường đất bàn chân từ lúc nhỏ
một ngày vô ra bốn bận đi về
cây bên đường, cỏ bụi hàng tre
quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết
hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
thấy trường xa, con đường ngại đi về
mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
dõi mấy bụi cây tìm con chim nhỏ
con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ ?
bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
con chim nào lại sống trong hang
anh vô cớ soi tìm trong đụn đất
tuổi mười một anh biết mình đã mất
một cái chi không nên ảnh thành hình
cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi
con chim nhỏ có bao giờ trở lại
em năm nay không biết mấy còn rồi ?
con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy
Vũ Hữu Ðịnh
(Còn Một Chút Gì Ðề Nhớ...)

Thơ : Ngồi Lại Bên Cầu - Hoài Khanh

Ngồi Lại Bên Cầu
Hoài Khanh


người em xưa trở về đây một bận
con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
mây của trời rồi gió sẽ mang đi

em - thì vẫn nụ cườixanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
đã vô tình trôi mãi bến sông xa

thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
và cô đơn đã ghi dấu trên tay
chân đã bước trên lối về hoang vắng
còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu

Hoài Khanh
(Thân Phận - Ca Dao xuất bản 1972)

Diễm Châu và nỗi thao thức như một nhà báo - Hoàng Ngọc Nguyên

Diễm Châu
[1937-2006]

Như nhiều người biết, Diễm Châu là một nhà thơ và là một dịch giả. Trong thơ của ông hay trong những tác phẩm được ông dịch, người đọc có thể thấy trĩu nặng những tâm tình, những bức xúc của một người muốn hiểu hết những kích thước thực sự của con người, của cuộc sống, của xã hội, của đất nước. Ông được biết đến như một nhà thơ hay một dịch giả, cũng chủ yếu là thơ, và vì ông liên miên tiếp cận với văn học nước ngoài cho nên người ta dễ có cảm tưởng ông là một con người “viễn mơ”, từ trong “tháp ngà” mà tưởng tượng cuộc sống xã hội để nhìn lại tâm tình của mình. Nhưng có lẽ chúng ta đã thiếu sót khi không nhìn đến ông như một nhà báo, vì trước hết và trên hết ông vẫn là một nhà báo như một sự lựa chọn về con người và nghiệp dĩ.
Những ai từng biết Diễm Châu đã sống chết như thế nào trong trách nhiệm của một người Tổng thư ký của tạp chí Trình bầy (1969-73) mới hiểu con người làm báo của ông. Phạm Văn Rao là một giáo sư Anh ngữ tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon và đã từng tu nghiệp hai năm ở Đại Học Indiana về ngữ học và truyền thông. Trong những năm sáu mươi mà ông vào đời, sự lựa chọn dễ nhất của ông là lao vào nghề dạy học, dạy lu bù, từ đại học đến trung học, dạy công, dạy tư, mở cours particuliers, viết sách văn phạm, đàm thoại, thành ngữ thông dụng tiếng Anh. Đó là cách duy nhất để cho ông thoát khỏi “tháp ngà” lâu đời của ông, một căn nhà trệt mộc mạc, cũ kỹ, thấp lè tè nằm trong một con hẻm nhỏ hẹp, khiêm tốn, chỉ vừa đủ cho hai xe gắn máy qua lại ngược chiều, trong một xóm đạo của người bắc di cư năm 1954[1] trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, gần cổng xe lửa số 10. Từ Hải Phòng vào nam năm 1954,[1] có lẽ ông đã sống gần hết khoảng thời gian gần 30 năm ở Saigon trong căn nhà đó – cho đến năm 1960 vẫn được nhìn đến như thuộc vùng ngoại ô nghèo nàn của thủ đô miền Nam. Nhưng ông vẫn lẳng lặng hãm mình trong “tháp ngà” đó – hiểu được sự hy sinh của vợ con nhưng làm như không hiểu cái giá chị Sáng và các cháu phải trả.

Ông mang trong lòng những nỗi bất an của một người đã từng bỏ quê hương di cư vào Nam,[1] của một người Công giáo là một thiểu số trong xã hội, và của một trí thức là một người lạc loài trong lịch sử – tổng hợp lại là của một trí thức Bắc kỳ Công giáo di cư – trước quá nhiều dấu hiệu bất trắc của chế độ và xã hội miền Nam. Có giữ gì được hình ảnh của những ngày xưa thì quê hương cũng đã là xa quá, trong khi dường như ông chưa hội nhập được với miền Nam với những tình thế đang diễn biến hỗn loạn.
Ông cũng trưởng thành vào lúc thế giới đang vang lên tiếng rên siết đau nhức và gào thét phẫn nộ của Thế giới Thứ ba trước những vi phạm bạo ngược với con người ngày càng tinh vi, phi nhân nhưng giả nhân giả nghĩa của hai thế giới đang thống trị toàn cầu. Có lẽ những ngày tháng lạc lõng trên campus của Đại Học Indiana và làm quen với những tác phẩm và tác giả như Noam Chomsky, Franz Fannon, Jorge Amado, Peter Abrahams… đã góp phần định hình tư tưởng chính trị và xã hội của ông – mặc dù văn học vẫn là lĩnh vực ông mê man theo đuổi. Hoàn cảnh của thế giới và đất nước đã khiến ông trở thành một người radical ôn hòa. Ông vẫn thích cái luận điệu Ni Marx, Ni Jesus của Jean-Francois Revel. Một người sống mơ màng trong thế giới văn học và khắc khoải đối diện hàng ngày những câu hỏi của thời đại chỉ có một cách để giữ mình cho khỏi sự mê loạn: làm báo để chuyên chở những thông điệp của mình.
Ông vẫn có thói quen rời nhà từ mỗi buổi sáng sớm và trở về khi thành phố đã lên đèn, cho dù nhiều lúc ông không biết mình thực sự đi đâu. Có lúc ông phải đưa con đến trường, có lúc không. Nhưng bao giờ ông cũng chuyên chở trong đầu mà không dứt bỏ được những suy nghĩ dở dang, những công việc nửa chừng, những cái hẹn với bạn bè mà ông không thể thiếu trong ngày. Bạn bè của ông cũng phức tạp như xã hội thời đó. Phức tạp, cho dù phần lớn là người Công giáo. Một số là những “nhà hoạt động” và trí thức Công giáo “cấp tiến”, có người đã bị móc nối, có người không: Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Lý Chánh Trung, Phạm Khắc Dương, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lương, Trần Tuấn Nhậm, Thế Nguyên,… Có lẽ ông thừa biết ai là ai trong số đó vì ông làm việc với Thế Nguyên là người chủ trương tạp chí Trình bầy. Nhưng ông không tính họ trong số những người đồng chí, cộng tác với ông. Thậm chí ông xem một số trong đó là những người đã lạm dụng chế độ, hệ thống chính trị, xã hội của miền Nam. Làm tờ Trình bầy sau khi đi lính chín tuần ở Quang Trung trở về, ông nhìn đến những người gần gũi với ông hơn trong sắc màu tư tưởng, những người thực là bạn và không có agenda chính trị nào như Hoàng Ngọc Biên, Thuận Giao, Nguyễn Đăng Thường, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Đồng, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Quỳnh, và một số cây bút như Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Đỗ Dũng… Có lẽ ông là một người không mấy dạn dĩ với phụ nữ: trên tờ Trình bầy hầu như không có người cộng tác nào thuôc phái yếu. Hai trường hợp ngoại lệ về chỗ này là nhà văn Trùng Dương với bản Việt ngữ Ngàn cánh hạc của Yasunari Kawabata và cô Phan Lệ Thanh với bản dịch Điệu buồn cho Charlie của James Baldwin.
Trình bầy rất khác một số tạp chí đấu tranh thời đó như Nhận Định, Đất Nước, Hành Trình, Đứng Dậy. Đó là những tờ đòi “cách mạng”. Trình bầy là một tờ radical ôn hòa – như con người của Diễm Châu. Là Tổng thư ký của một bán nguyệt san, Diễm Châu muốn bám lấy thời sự nhưng ông không có mấy người giúp một tờ báo “chạy ăn từng bữa”. Tuy thế, ông vẫn cố gắng thể hiện được dưới những mục ghi nhận, tường trình những biến chuyển chính trị, kinh tế có tác động sâu xa đến đất nước. Dưới bút hiệu Võ Hồng Ngự, Diễm Châu đã có những bài biên khảo ngắn về chính trị quốc tế, lịch sử giải thực của một số nước Á, Phi, châu Mỹ La-tinh, văn học, thi ca thế giới – những mảng mà người ít để ý nhất là mảng của “thế giới thứ ba”. Một số nhà thơ trẻ, cây viết trẻ đã góp mặt từ đó, như Lê Văn Ngăn, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Mai, Thái Ngọc San, Nguyễn Như Mây, Võ Quê, Thế Vũ, Lê Văn Thiện… – một số cây viết trẻ từ miền Trung có lẽ do quan hệ thời Diễm Châu thỉnh giảng ở Đại Học Văn Khoa Huế. Đó là tờ báo không có màu sắc riêng về tôn giáo, địa phương. Đúng là một tạp chí “của bạn bè, do bạn bè và vì bạn bè”, tập hợp những người viết phần lớn là “không chuyên” nhưng trình độ được thể hiện rõ ràng.
Sở dĩ phải nói đến Diễm Châu như một nhà báo bên cạnh nhà thơ hay dịch giả, vì chỉ ở tờ báo, cái dáng vẻ đam mê và niềm tin ít ai có được của ông lộ rõ hơn cả. Mất ăn, mất ngủ, bỏ công bỏ sở (ông là giám đốc Trung Tâm Ngoại Ngữ của trường Đại Học Bách Khoa Saigon, văn phòng đặt tại Trung tâm Cao đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật và Đại Học Giáo Dục thuộc Viện Đại Học Saigon, ở Thủ Đức), và có lúc phải cầm chiếc xe Yamaha để trả tiền cho một hai người thợ sắp chữ của một nhà in nhỏ nhất và lạc hậu nhất nước. Ông đi thu lượm bài, sửa bài, có khi góp phần sắp chữ, sửa morasse có khi ngay trên giàn máy… sớm hôm chiều tối, chỉ về nhà khi đã đến giờ giới nghiêm. Bên cạnh tạp chí Trình bầy là nhà xuất bản Trình bầy. Cũng như hoạt động báo chí, nhà xuất bản này chỉ nghĩ đến sản phẩm mà không tính đến thị trường – ở Diễm Châu và những người bạn thân thiết của ông, người ta vẫn còn cái lãng mạn để chỉ chú trọng vào “di sản” văn hóa để lại, the legacy of Trinh bay, hơn là sự tồn tại lâu dài. Từ đó những tác phẩm rất có tính văn học cao như Trăng trên thung lũng Jerusalem của S.Y. Agnon, hoặc vừa văn học vừa thời đại như Một vòng hoa cho người cách mạng và Con đường sấm dậy của Peter Abrahams, Miền đất hung bạo của Jorge Amado, Trong tù của Maxime Gorki, Nuôi thù của Oe Kenzaburo, Con voi của Slawomir Mrozek… đã được Diễm Châu chuyển ngữ, hoặc do Diễm Châu tổ chức dịch chung với hai ba người (như Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Thu Hồng) lấy tên chung là Nhóm Nghiên Cứu Văn Học Quốc Tế; nhiều tác phẩm cũng từ đó ra đời như Nhật Bản duy tân dưới đời Minh Trị Thiên Hoàng của Nguyễn Khắc Ngữ, Phi châu da đen của Phạm Cao Dương, Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên, Hòn bi của Đinh Phụng Tiến, Người đàn bà trên Kinh Đồng Tháp của Thảo Trường…
Sau năm 1975, Diễm Châu không còn làm báo nữa mặc dù ông vẫn trôi giạt từ tờ báo này qua báo khác như Đứng Dậy, Công giáo và Dân tộc, Tin Sáng để làm công việc biên tập. Thuận Giao là người đã cùng ông tấp vào “đầy đủ” những bến tạm đó. Điều duy nhất mà ông đã làm trong những năm này là bảo những phóng viên trẻ: “Vừa phải thôi cha! Viết sao cho người ta tin với chứ!” Thêm một lần nữa ông mang nỗi buồn vong thân – nhưng lần này sâu đậm hơn cả. Sinh hoạt ông có vẻ vẫn thế – sáng sớm ra đi, chiều tối trở về. Nhưng bạn bè thưa dần, nơi đến ngày càng hiếm. Bên ngoài ông không mấy thay đổi – chỉ trừ chiếc xe đạp rệu rã chẳng khác gì bề ngoài đó. Nhưng những tâm sự gì chất chứa bên trong nào ai biết. Ông xuất cảnh đi Pháp cùng gia đình năm 1983 – do sự sắp xếp của vợ, chị “Sáng muôn thu”,[2] trước 1975 từng làm việc cho Hồng Thập Tự Quốc tế, và từng ở trong đoàn nhân viên đưa các cháu bé Việt Nam đi Thụy-sĩ chữa bệnh. Là một “ánh sao trên chiếc cầu biên giớí” (như nhận định của Hoàng Ngọc-Tuấn), ở Strasbourg ông đã làm nên Việt Nam, Tổ Quốc và Em, những vần thơ cho thấy một Diễm Châu nổi loạn một cách lặng lẽ trong tâm tình với một quê hương chỉ tồn tại trong trí tưởng.

Nay ông đã ra đi, bỏ lại đàng sau những nơì xa lạ tạm dung, từ nơi này đến nơi khác: một miền Bắc nghèo nàn khốn khổ từ đó ông ra đi, một miền Nam ông muốn chọn làm quê hương mới nhưng lại bị nguyền rủa, một chế độ mới mà ông không có thể cảm thấy thân thuộc, và một xã hội phương Tây không bao giờ thực sự là nhà của một người trong giấc mơ hàng đêm bao giờ cũng trở về quê cũ.

Cả 25 năm cuối đời, tương đương một phần tư thế kỷ, hay hơn một phần ba cuộc đời của Diễm Châu, hay cả một nửa quãng đời hoạt động của một con người, ông chỉ làm thơ và dịch. Con người của Diễm Châu như một nhà báo còn có chăng nữa cũng chỉ thấp thoáng, man mác trong những vần thơ có lúc phẫn nộ, có lúc bùi ngùi, có lúc phân vân, băn khoăn, trăn trở… Cuộc sống ngắn ngủi, mà định mệnh còn khốn nạn cắt xén cái phần đời con người có thể sống như con người mình ấp ủ, lựa chọn.
------------
Hình trên cùng: Ảnh Diễm Châu do Hoàng Ngọc Biên chụp trên đường Công Lý, trước Tòa án Saigon, tháng Giêng 1975. Chiếc đồng hồ trên tay Diễm Châu là của nhà thơ Ngô Kha ở Huế, khoảng cuối năm 1975 đầu 1976 đã bị giật mất trên một đường phố ở Dakao, Saigon.
Hình giữa: Poster báo Trình bầy số 1.8.1970 (do Hoàng Ngọc Biên vẽ kiểu).
Hình dưới cùng: Ảnh Diễm Châu do Hoàng Ngọc Lương chụp trước Cathedrale Notre Dame, Paris, 1998.
_________________________
[1]Diễm Châu thỉnh thoảng có nhắc đến việc anh rời bỏ miền Bắc năm 1953, thay vì năm 1954, do gợi ý của một người thân trong gia đình, là một linh mục, muốn thu xếp cho anh vào học một trường Tây trong Nam. Vẫn theo anh, thì dự định ấy bất thành.
[2]Sáng muôn thu là tên tập thơ xuất bản đầu tay của Diễm Châu.

3/7/07

bài dịch Diễn văn Gettysburg - President Abraham Lincoln

Diễn văn Gettysburg là bài diễn từ nổi tiếng nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Được đọc tại Lễ Cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia ở Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania ngày 19 tháng 11 năm 1863, trong thời Nội chiến Mỹ, bốn tháng rưỡi sau khi xảy ra mặt trận Gettysburg đẫm máu.
Bài diễn văn được viết cách công phu của Lincoln, chỉ là phần phụ trong buổi lễ, cuối cùng đã được nhìn nhận là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Với bài diễn văn chưa tới 300 từ và dài từ hai đến ba phút, Lincoln đã viện dẫn những nguyên tắc về bình đẳng được tuyên cáo bởi bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và khẳng định rằng cuộc Nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, sẽ mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thật.
Bắt đầu với câu nói nay đã trở thành khuôn mẫu “Four score and seven years ago,” (Tám mươi bảy năm trước), Lincoln đề cập đến những diễn biến trong cuộc Cách mạng Mỹ, và miêu tả buổi lễ tại Gettysburg là một cơ hội không chỉ để cung hiến nghĩa trang, nhưng cũng để hiến dâng mạng sống cho cuộc đấu tranh nhằm bảo đảm rằng “chính quyền của dân, cho dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất.”


" Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Ngày nay, chúng ta đang tiến hành một cuộc nội chiến vĩ đại nhằm thử thách quốc gia này, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, xem có đủ quyết tâm theo đuổi lý tưởng mà đất nước ấy đã được thai nghén và cung hiến cho. Chúng ta gặp nhau ở đây, trên bãi chiến trường này. Chúng ta đến đây để cung hiến một phần của mảnh đất, nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã hiến dâng mạng sống mình để tổ quốc được sống. Đó là điều chúng ta cần phải làm.
Song, trong một ý nghĩa lớn lao hơn, chúng ta không thể cung hiến, cũng không thể thánh hoá mảnh đất này. Những con người dũng cảm, đang sống hay đã chết, là những người từng chiến đấu ở đây, đã cung hiến nó, họ đã làm điều mà những con người yếu đuối như chúng ta không thể làm gì thêm hơn nữa. Thế giới sẽ không quan tâm, cũng chẳng nhớ đến những gì chúng ta đang nói ở đây, nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây. Ấy là cho chúng ta, những người còn sống, cần cống hiến mình cho chính nghĩa vẫn chưa hoàn tất, mà những người từng chiến đấu ở đây đã cống hiến đời mình để sự thành công của chính nghĩa ấy mau đến. Ấy là cho chúng ta, những người đang hiện diện ở đây, tiếp nhận trọng trách đang đặt trước mặt chúng ta – chúng ta tiếp nhận từ những người đã khuất hiện đang được vinh danh lòng tận tuỵ với chính nghĩa mà họ đã cống hiến bằng chính sinh mạng mình – ngay tại đây, chúng ta quyết tâm không để họ chết vô ích – đất nước này, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, sẽ sản sinh một nền tự do mới – và chính quyền này của dân, do dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất.

Compiled & posted by Tran Ho Dung

Trịnh Công Sơn, Đóa Hoa Vô Thường

Trịnh Công Sơn, Đóa Hoa Vô Thường

Để tưởng niệm một ngọn đuốc lớn đã soi sáng âm nhạc
cũng như đã góp phần lật trang sử giống Lạc Hồng

Cách đây ít năm, tôi cùng nhà tôi đến thăm Sơn trong một buổi chiều nhạt nắng ở miền Nam. Trong suốt buổi viếng thăm, Sơn nói nhiều, điếu thuốc không hở trên tay, miệng vừa nhắp đều cốc rượu mạnh đã được pha loãng với nước. Nhưng Sơn không say chút nào. Cũng như khi sáng tác, Sơn không hề có ý trau chuốt nhiều. Ý tưởng và ngôn từ Sơn hôm ấy cứ tuôn ra như nước chảy, như thể đang sáng tác nhạc vậy. Chúng tôi im lặng ngồi nghe Sơn nói. Cũng như phong cách hàng ngày, ít nữa là vào những năm cuối đời, cử chỉ lời nói Sơn khoan thai, vừa để tiếp bạn từ xa, vừa chia sẻ chút tâm sự. Vì không sắp đặt trước nên câu chuyện hôm đó rất đáng ghi lại vì nó đã cho hậu thế một trong những cái nhìn cuối cùng hồn nhiên, không uốn nắn hay thêu dệt về nhạc sĩ. May thay hôm ấy chúng tôi có đem theo một máy vidéo cầm tay. Chúng tôi đã được chứng kiến một Sơn rất " Thiền ". Một Sơn chín muồi hơn thời " Diễm Xưa ". Nhờ thế, một cuộc thăm viếng thường đã trở thành một cuộc viếng thăm định mệnh vì đây là lần chót tôi gặp Sơn và cũng vì Sơn đã gởi gắm cho thế gian một đôi điều. Beethoven, hồi ở Heiligenstadt, 1802, viết thơ cho cháu Karl và em Johann không có ý viết chúc thư cho đời, nhưng hậu thế vẫn xem đó như lời di chúc nồng nàn nhất (chúc thư Heiligen-stadt). Mãi đến một phần tư thế kỷ sau ngày viết tâm thư đó, Beethoven mới thành người thiên cổ. Không cố ý tự vẽ mình, mà nhờ bức thư đó, hậu thế có dịp thấy rõ hơn Beethoven con người và Beethoven nghệ sĩ. Qua câu chuyện thân hữu hôm đó với chúng tôi, Sơn đã tô đậm thêm nét chân dung mình, phản ảnh một số nhân sinh quan, thẩm mỹ quan, tình yêu, tôn giáo, âm nhạc, cũng như thế giới và vai trò của thi sĩ, nghệ sĩ, v.v.
Để nhớ Sơn, ta có thể nêu ra hai câu hỏi : thứ nhất, Sơn gần đây giống và khác với Sơn xưa ở những điểm nào ? và thứ nhì, họ Trịnh và Beethoven có những điểm giống và khác nhau ra saoấ? Vì sao nhắc đến nhà đại nhạc sĩ Đức ? đối chiếu ở đây không nhằm so sánh hơn thua, hay dở, nhưng chỉ có một mục đích là cho ta một nhận định rõ ràng hơn về người nhạc sĩ lỗi lạc yêu dấu của chúng ta. Cả hai đều là những " ngôi sao xuống từ trên trời ", một người xuống miền Tây, người kia xuống miền Đông, cách nhau hơn một thế kỷ rưỡi, nhưng có điều đặc biệt là họ một số điểm chung lớn. Mẫu số chung là hoài bão và tâm hồn lớn của họ, là đời sống tình cảm của họ, một số cảm nghĩ về đời sống và nghệ thuật, và nhất là cảm tình sâu xa của đồng bào đối với họ và vị thế tột đỉnh của mỗi người trong nền âm nhạc tại quê hương họ. Một điều nổi bật khác nữa là thời đại của hai nhạc sĩ là thời đại của giông ba bão táp, của cảnh thịt nát xương tan : một bên là chiến tranh giành giật phân chia đất đai (cho đến khi đại đế Napoléon bại trận năm 1814), bên kia là cuộc chiến giành độc lập thống nhất lãnh thổ. Nếu người thường ghi nhận niềm đau khổ một, mức nhạy cảm của nghệ sĩ cho họ ghi nhận mười. Cho đến nay tôi vẫn không chắc vì tất cả những lý do trên, hay có lý do nào khác, mà một khi nghĩ đến Trịnh Công Sơn, hình ảnh kinh cụ của con người nghệ sĩ đức có nhiều tâm huyết muốn quyết liệt chống trả định mệnh lại hiện ra trong trí tôi hầu như một ám ảnh.
Nắng buồn hơn mưa...
Trong câu chuyện, có lúc Sơn chỉ tay về phía cửa sổ, nói rằng nắng ở Canada, chỗ Sơn ở thăm gia đình một thời gian ngắn, vui hơn nắng ở Việt Nam. Sơn nói nắng ở Âu Mỹ trắng mà vui hơn nắng ở đất Việt. Theo Sơn, nắng ở xứ ta vàng và buồn hơn mưa. Sơn nói ai cũng nói mưa buồn, nhưng Sơn không thấy vậy. Sơn nói " nắng cũng có cuộc đời của riêng của nó ". Nghĩa là nắng sống ngày ba buổi, sáng, trưa, chiều, trong khi đó mưa không vậy. Mưa chỉ rào xuống một cái rồi hết. Phải chăng đây là nhìn của thi sĩ ở trong Sơn ?
Thế giới nghệ sĩ
Sơn nói người nghệ sĩ có một thế giới, một đời sống riêng của mình. Sơn phụ thêm chữ Pháp le monde à soi, pour soi. Sơn giải thích rằng nếu không có đời sống riêng nầy thì nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ hay nữa. Mà đời sống riêng tư đó là cái gì ? Không đợi chúng tôi hỏi, Sơn tự trả lời một mình : đời sống đó là một cái gì huyền ảo, đầy " mộng tưỏng ", nghĩa là nó vừa hư vừa thực. Nó gần giống thế giới bên ngoài nhưng "ấkhông hoàn toàn giốngấ". Sơn dùng chữ invraisemblable để nói rộng thêm về thế giới riêng nầy. Theo lời Sơn, đời sống riêng của nghệ sĩ cũng có cây cỏ có bông hoa, có chim chóc, có dáng dấp của con người đi qua, nhưng tất cả cái đó không hoàn toàn giống thế giới bên ngoài. Thế giới người thường là thế giới cụ thể, nhưng thế giới nghệ sĩ thì " mông lung... trừu tượng ". Sơn nói thế giới nghệ sĩ là thế giới ngoài đời " nhân lên mười lần ". Vì sao ? Sơn giải thích : sở dĩ như vậy là vì thế giới nghệ sĩ đầy " ước mơ... hy vọngấ". Sơn nhắc đi nhắc lại hai chữ " ước mơ ". Sơn nói nhờ có thế giới riêng nầy mà bài hát được tồn tại. Không có thế giới riêng nầy, vẫn theo Sơn, sẽ không có nhạc hay, sẽ nghèo nàn. Theo lời Sơn, lý do có nhạc không hay là vì tác giả không có cái thế giới riêng đó.
Vai trò nghệ sĩ
Nhân lúc câu chuyện đi đến chỗ bàn về nghệ sĩ, tôi có góp ý rằng nghệ sĩ tài ba chẳng qua là các thầy phù thuỷ (hiểu theo nghĩa tốt). Tôi nói các ông nhạc sĩ, họa sĩ lớn đã nhạy cảm đủ để nghe được trong khi kẻ khác không nghe được, thấy được trong khi kẻ khác không thấy được, cảm được trong kẻ khác không cảm được. Đó là của trời cho, là dấu hiệu thiên tài. Từ những cảm nhận nhạy bén nầy, các nghệ sĩ lớn biết cách tiêu hoá, nhào nặn, dùng phép thần thông, tạo cho đồng loại một thế giới mới, mở cửa cho đồng loại đi vào những chân trời huyền ảo nhớ nhung. Thiếu phép thần thông của thầy phù thuỷ thì đất sét trong tay thế gian vẫn là cục đất sét vô duyên. Người phàm có tai cũng như điếc, có mắt cũng như đui, có miệng cũng như câm. Vậy nghệ sĩ lớn trước hết là tai mắt của thế gian. Nhưng nghệ sĩ vừa là người ghi nhận, vừa là kẻ phát ngôn của đồng loại. Nghệ sĩ nói thay tiếng nói của đồng loại bất lực trong việc bày tỏ tâm trạng mình qua các tình huống đau khổ, hạnh phúc, nhớ nhung, khát vọng. Nhờ thế, qua tác phẩm văn nghệ, người đời tìm lại được bản thân của chính mình đã bị đánh mất. Thật một sự khám phá vô giá ! Cho nên đời vắng bóng nghệ sĩ là đời què quặt, nghèo nàn, mất mát không biết bao nhiêu mà kể ! Thấy tôi nói nghệ sĩ là thầy phù thuỷ, Sơn tỏ vẻ tán đồng. Song khi nghe tôi dùng chữ " phù thủy ", Sơn thoạt tiên dặm thêm chữ Pháp un magicien để dịch chữ phù thuỷ của tôi. Song khi cảm thấy tôi thắc mắc về chữ magicien (nhà ảo thuật) dùng để chỉ thầy phù thuỷ, thì Sơn đã nhanh nhẹn đổi ra chữ un sorcier. Tôi gật đầu để tán thành Sơn về sự sửa đổi ấy, vì thật ra sorcier là từ tôi nghĩ đến ngay từ đầu, nhưng vì thấy chữ phù thuỷ trong tiếng Việt quá hay nên tôi thấy không cần dùng ngoại ngữ làm gì.
Thi sĩ không phải là nhà tiên tri
Sơn nói sách báo thường cho thi sĩ là nhà tiên tri, nhưng thật sự không phải như vậy. Lý do ? Sơn giải thích rằng thi sĩ nhìn lá nhưng thấy đó không còn là lá nữa, nhìn cây, nhưng thấy đó không còn là cây nữa. Thi si thấy trước được những gì sẽ xảy ra cho những cây và lá ấy. Sơn khai triển thêm. Những câu chuyện ở đời nầy có những giai đoạn bắt buộc, nghĩa là lúc đến, phải đến, lúc đi phải đi. Thi sĩ cảm thấy được chu trình đó và đi trước người khác một " tí xíu " mà thôi, do đó, người ta cho thi sĩ là tiên tri, chứ thật ra thi sĩ không phải là nhà tiên tri. Thi sĩ chỉ khác không thi sĩ ở chỗ có thể cảm thông với cây cỏ, vạn vật mà người ta tưởng là vô tri, nhưng theo Sơn, thật sự không phải là vô tri. Sơn lấy ví dụ là nếu ta rời bỏ khu vườn của ta để đi một thời gian, khi trở về thì thoạt đầu ta thấy nó hoang vu, nhưng sự hoang vu buồn bã đó sẽ biến mất sau khi ta ngồi chơi với nó trong môt thời gian, ta sẽ đem lại " hơi ấm " cho nó và nó cũng phản lại, và như thế hai bên, người và vườn sẽ có " một sự giao hoà nào đó ".
Ngày xưa sỏi đá cũng cần có nhau
Sơn nói với chúng tôi rằng mọi vật, ngọn lá hay bông hoa cũng có đời sống riêng của chúng. Có nhiều người cho đây là một hình thức thi vị hoá âm nhạc. Thế nhưng công việc thi vị hoá lắm khi lại là công việc gắng gượng, giả tạo. Với Trịnh Công Sơn, không cần cố sức thi vị hoá. Vì trong lời nói tự nhiên của Sơn đã có sẵn chất thơ rồi. Sơn nói " ...anh nhìn ngọn lá, có tình yêu trong ngọn lá, anh nhìn bông hoa, có tình yêu trong bông hoa... tất cả mọi cái đều có đời sống riêng ". Rồi Sơn giải thích cho chúng tôi tại sao Sơn hát . . ngày xưa sỏi đá cũng cần có nhau. Vì theo lời Sơn, sỏi đá có linh hồn riêng của nó, có đời sống riêng của nó. Sơn nhấn mạnh rằng sỏi đá cũng biết nhớ nhung, cũng biết nghe, biết nói. Chỉ vì mình không biết nghe mà thôi . Nhưng Sơn nói có người nghe được sỏi đá, có người không nghe được. Sơn nói sỏi đá có linh hồn và nó cũng biết buồn, biết nhớ nhung, và khi viên đá buồn, nó làm cho mình buồn. Sơn tin thật như vậy. Sơn nói nếu để sỏi đá rời nhau, xa nhau, thì chúng buồn, mà nếu để lại gần nhau thì chúng vui. Sơn nói một vật mình tưởng là vô tri, nhưng thực sự là nó không vô tri, vì nó có một đời sống, một " giá trị tự tại ". Sơn nói theo nhà Phật, trong cái thế giới ta bà nầy, mọi đồ vật và sinh vật như loài vật, thiên nhiên, sỏi đá... thật sự đều là một. Chúng có những sự liên hệ, giao hoà với nhau. Chúng cần lẫn nhau và nhờ vậy đời sống được thoải mái, dễ dàng hơn.
Ông chủ hiền, con chó cũng hiền
Sơn đi xa hơn. Sơn nói không những thiên nhiên, vạn vật, ảnh hưởng đến người, mà người cũng ảnh hưởng đến vạn vật và thiên nhiên. Ngoài câu chuyện khu vườn biết buồn khi chủ đi vắng, Sơn còn tâm sự thêm là Sơn đem về nhà một con chó Tây vốn rất giữ. Trước khi về nhà Sơn, chó đó nhe răng gầm gừ với khách. Nhưng khi về ở với Sơn thì nó trở nên hiền khô, không còn gầm gừ nhe răng với ai nữa.
Hạnh bố thí
Sơn tiếp tục ý tưởng về sự liên đới chặt chẽ giữa người với người, giữa người với muôn loài, với vạn vật. Sơn nói nếu tôi (thực ra, Sơn dùng chữ moi và toi) kẹt quá, và tôi xin bạn một trăm nghìn (đồng) để tôi giải quyết vấn đề của tôi và bạn cho tôi số tiền đó, tức là bạn đã bố thí. Nhưng Sơn nói rằng bố thí bằng của cải vật chất, tiền bạc, là hạnh bố thí thấp nhất. Sơn nói theo nhà Phật, hạnh bố thí rất rộng. Có những hạnh bố thí cao hơn như khi bạn đang buồn, bạn đến với tôi, và tôi đã giúp bạn giải quyết nổi buồn đó. Sơn nói nhà Phật cho hạnh bố thí cao nhất là giúp đỡ người khác đang bị kẹt giải quyết vấn đề tâm linh hay tinh thần của họ.
Câu chuyện qua suối
Rõ ràng Sơn hôm ấy là cái Sơn muốn buông bỏ hơn vướng mắc. Sơn cho sự thảnh thơi tâm hồn là cần cho đời sống đáng sống. Nếu có lúc Sơn đã từng đam mê và ôm ấp thì hôm nay Sơn cho sự thanh thản, an lạc, hạnh phúc, tất cả đều nhất lý, là một. Sơn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện Thiền. Đây là một trong những bài khai tâm của Thiền môn, cho nên dù cho nhiều người biết chăng nữa, cũng xin ghi lại ở đây cho đầy đủ buổi nói chuyện hôm đó. Giọng Sơn bình dị nhưng vẫn duyên dáng, như được phát ra từ một nguồn cảm hứng mộc mạc, tự nhiên. Chuyện rằng, có hai thầy tu đi từ chùa trên núi xuống làng để mua đồ ăn, trên đường đi, phải qua một con suối lúc đó nước cạn. Trên đường về, đến cạnh bờ suối, hai tu sĩ đó gặp một cô gái trẻ đẹp trạc độ mười sáu, cũng đang tìm cách qua suối, nhưng lúc đó nước đã lên cao. Trong khi đang bối rối chưa biết tính sao thì một trong hai tu sĩ giúp cõng cô ta qua suối . Khi đã bỏ cô ta bên bờ suối bên kia, hai vị sư tiếp tục lên đường. Đi được một cây số, vị sư đã cõng cô gái hỏi vị sư kia rằng... sao từ lúc rời suối đến nay đã được một cây số rồi mà mặt bạn vẫn có vẽ ưu tư như vậy ? Vị kia trả lời : chúng ta là người tu hành, không được tiếp xúc với nữ giới, mà lúc nãy tại sao bạn lại cõng một cô gái như thế ? Vị sư cõng nói : giờ đây tôi cõng cô nào đâu... tôi không nhớ gì cả... vậy trong cây số qua, bạn là người cõng cô ấy chứ tôi đã hết cõng rồi... như vậy là bạn mệt quá rồi, chứ tôi không còn cõng nữa.
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau...
Sau câu chuyện qua suối, Sơn quay người lại để với các nút bấm của bộ máy stereo để đằng sau lưng. Tiếng hát Cẩm Vân dâng lên và bắt đầu bao phủ lấy căn phòng khách cùng phòng vẽ.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại, sóng về đâu ?
Sóng bạc đầu, và núi chìm sâu
Ta về đâu đó ?
Nhạc nghe đến đây, Sơn nói chêm vào : " bài này viết là từ [lời] cầu kinh của Phật : Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha " (Một số trong chúng ta, kể cả chúng tôi, đã lớn lên với câu kệ Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha, song tụng như vẹt, phải đợi đến khi tóc ngả màu mới thấm được ý nghĩa sâu xa của nó). Sơn dịch ra chữ quốc ngữ đại để là " vượt qua, vượt qua, tất cả chúng ta đều vượt qua, và đến bờ giác ngộ ". Có phải Sơn là vừa là thi - nhạc sĩ, vừa là triết gia hay thiền gia ? Hôm đó Sơn cho chúng ta một tiết lộ. Sơn nói có người lầm cho đây là bài hát về tôn giáo. Theo chính lời Sơn, mặc dù bài hát nầy lấy cảm hứng từ đạo bụt, " nhưng mà mình viết về tình yêu ! ". Trong khi Sơn giải thích về xuất xứ và ý nghĩa bài hát, tiếng sóng Cẩm Vân vẫn dồn dập cho đến cuối bài.
Về chốn nào, mây phủ chiêm bao
Cạn suối nguồn, bốn bể nương dâu
Ta tìm em nơi đâu ?
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Đến đoạn nầy, Sơn cất tiếng hát đệm theo tiếng ca Cẩm Vân cho đến hết bài. Vầng tráng Sơn nhăn nheo, mắt Sơn nhắm lại như đang thả hồn theo tiếng sóng rạt rào. Bấy giờ Trịnh Công Sơn với biển sóng hoàn toàn là một.
Ta xô biển lại sóng nằm đau.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngả dưới tim người.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người.
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau,
Ta xô biển lại sóng về đâu ?
Giấc ngũ nào, giường chiếu quạnh hiu
Trăng mờ quê cũ
Người đứng chờ,
Gió động vi vu,
Vạt nắng vàng, nhắc lời thiên thu,
Nhớ ngàn năm trôi qua...
Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa
Ba năm chờ đợi sóng gần ta.
Biển sóng, biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù.
Biển sóng, biển sóng đừng... xô... nhau...
Grumbacher nầy rất tốt
Tiếng hát Cẩm Vân vừa mới dứt, nhà tôi rút trong xách ra một món quà để trao cho Sơn. Chàng nhìn ra ngay đó là một trong những món đồ thích chí : " Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những tạp bút ngẫu hứng và vẽ " ("Trò Chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn," www.khanhly.com) (chữ viết hoa do tôi thêm). Phòng Sơn lúc đó có đầy tranh, một số có lẽ đã vẽ xong, một số hình như còn dang dở. Vì không được báo trước, nên khi thấy nhà tôi đưa quà biếu ra, Sơn có hơi ngạc nhiên một tí. Chàng hỏi : " Quà há ? ". Nhưng khi thấy quà là một hộp sơn dầu ngoại quốc ngoài có mang một nhãn hiệu quen thuộc, Sơn thốt lên ngay " Grumbacher nầy tốt lắm đó ... rất tốt. Cảm ơn nhiều lắm ". Nhà tôi hỏi mấy dạo sau này Sơn có vẽ nhiều không, Sơn trả lời : " Khi nào khoẻ thì làm... đêm ngồi buồn quá, lấy pinceau mà quẹt lên... thì cái màu nó gợi cái inspiration, vậy thôi, chứ còn nhạc thì nhiều khi âm thầm hơn... ". Ngoài ra, nhà tôi nói với Sơn là trong chuyến thăm nầy định đem biếu Sơn hai cuốn băng vidéo về âm nhạc, nhưng đã bị mất cả hai ở phi cảng. Một trong hai là phim về đời sống tình cảm của Beethoven (Immortal Beloved). đây là một câu chuyện tình thuộc loại " Diễm Xưa " của nhạc sĩ Đức, mà vì vậy chúng tôi nghĩ biết đâu khi xem, Sơn lại không tìm thấy một vài dư âm ?
Sơn và cố đô
Trong một bài phỏng vấn khá gần đây, Sơn thổ lộ : " Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi " (khanhly.com). Cho nên dù có trú ở đâu đi nữa, có thể nói Sơn luôn luôn nhớ nhà, nghĩa là nhớ Huế. Về mặt tình cảm, Sơn với Huế hình như không bao giời rời nhau được. Sự gắn bó đó vừa do những kỷ niệm sâu sắc của tuổi trẻ, vừa do hoàn cảnh lịch sử đấu tranh của đất nước, mà Sơn là người thực sự trong cuộc trong những ngày tháng sôi sục ở miền Trung, vừa do mối cảm tình lạ lùng với mảnh đất cằn cỗi nhưng linh thiêng của Phú Xuân. Trước thì như thế, nhưng thử hỏi vào những năm cuối đời mình, Sơn đã nghĩ gì về xứ Huế ? Trong buổi nói chuyện, có lúc Sơn nhắc rằng Huế vẫn buồn, vẫn nhỏ, vẫn " nghèo nàn dễ sợ " nhưng Sơn nói thêm rằng " tất cả mọi người phải đi qua Huế mới thành một con người... vì đó là thủ đô cũ ". Theo lời Sơn, Huế là nơi sản xuất nhiều nhân tài lịch sử và văn nghệ. Sơn nói " chỗ đó đã sinh đẻ ra " tất cả những nhân vật của lịch sử cận đại Việt Nam và họ " đều đi qua Huế cả ". Trong các nhân vật lịch sử, văn hoá Sơn nhắc đến, có tên nhà thơ trữ tình cổ điển Xuân Diệu mà Sơn nói là người Bình Định cũng đã từng học ở Huế.
Hai vì sao sáng
Trên bình diện kỹ thuật, nhạc lý, không thể đối chiếu họ Trịnh với Beethoven được, và bài tưởng niệm nầy không có dụng ý đó. Lại càng không thể và không nên so sánh sự nghiệp của họ trong nền âm nhạc thế giới. Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn về con người, về suy tư, thái độ trước cuộc đời, tình yêu, quan điểm nghệ thuật, tác dụng của âm nhạc đối với người nghe... ta thấy có một khuynh hướng hội tụ cũng như phân kỳ nổi bật giữa hai thiên tài. Một lần nữa, sự giống nhau không phải chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên vì có một số mẫu số chung lớn về đời sống tình cảm, về sự vật lộn với bệnh tật vào khoảng đời xế chiều, về thời đại nhiễu nhương, cũng như chí lớn của hai nhạc sĩ (mặc dù có sự phát biểu khiêm tốn của Trịnh Công Sơn về vai trò của mình : Tôi chỉ là một tên hát rong... và Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng...). Họ Trịnh và Beethoven đều là những tâm hồn đã vươn lên từ hố tuyệt vọng. Phải chăng những tâm hồn lớn thường hay gặp nhau ?
Trước nhất, về mặt âm hưởng, ta thấy chiều sâu của hai người đều thăm thẳm. Các bản tứ tấu đàn dây cuối cùng của Beethoven làm người nghe lên ruột, nạo sâu vào tâm can. Mặc dù không thể so sánh hai thể nhạc, tuy nhiên nếu mẫu số chung giữa các loại nhạc là ngôn ngữ, thì nếu nhạc của Beethoven là nhạc thuần tuý, nhạc Sơn là nhạc thơ, mà thơ là ngôn từ của chân thiện mỹ (Beethoven cũng có sáng tác một số nhạc bản đơn ca lớn, kể cả các bài bất hủ về tình yêu trong tác phẩm An Die Fern Geliebte). Vì có tính chất thơ nên nhạc Sơn phần nhiều nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn nhưng vẫn vô cùng mặn mà, tha thiết. Nhạc lớn của Beethoven (dương cầm, tứ tấu, giao hưởng v.v.) có thể xuyên thủng tim người, gan người như chơi, nhưng chắc gì đã thấm qua sỏi đá, vạn vật như Sơn vẫn tin tưởng ? Vả lại, Sơn đâu chỉ viết nhạc cho người ? Sơn muốn nói chuyện với tất cả muôn loài. Nhạc Sơn đi vào tâm khảm con người, tâm khảm của vạn vật. Sơn muốn thế. Âm thanh Sơn, ngôn ngữ Sơn đi xuyên qua tim đồng loại nơi nơi, thấm vào sỏi đá, lan vào cây cỏ. Giá nếu người đời nghe được tiếng nói của vạn vật, sẽ nghe vạn vật tâm sự... " tôi nghe Trịnh Công Sơn rồi, tôi hiểu Trịnh Công Sơn rồi... "
Đề tài Sơn rất lớn, rất bao la, rất thấm thía. Lồng qua các chủ đề rất gần gũi với nhạc sĩ như tình yêu, quê hương, và thân phận, trong nguồn cảm xúc và đối tượng sáng tác của họ Trịnh, người ta thấy một thế giới súc tích bao gồm cả đời, người, chân-thiện-mỹ, vũ trụ, cái chết, và hư vô. Và nhờ vậy, hậu thế mới có một di sản âm nhạc phong phú đồ sộ đến như thế ! (Về điểm nầy, Trịnh Công Sơn giống Friedrich Schiller, một thi hào ưa chuộng của Beethoven, hơn Beethoven. Đối tượng của thơ Schiller cũng rất to lớn : có người, có thiên nhiên, có vũ tru, có Thượng đế). Nhạc Beethoven, vì tự bản chất, có thể nói phần lớn không có chủ đề theo nghĩa thông thường. Vả lại, nhạc lớn như thế tự nó nói lấy, cần gì có chủ đề. Trong khi thính giả của Beethoven là người, là thiên thần, là chúa trời, thính giả của Sơn là đồng bào, là đồng loại, là vạn vật, là vũ trụ. Tầm thước của Trịnh Công Sơn, cũng như Beethoven, là ở chỗ họ đã dùng ngôn từ của chính chúng ta để nói thay chúng ta. Ngôn từ của Trịnh Công Sơn là tiếng nói của chúng ta tìm lại được. Tiếng nói đây cũng là tiếng nói của tự tình mình, của tự tình dân tộc, của tình người. Nếu An Die Freude (Ca Ngợi Niềm Vui, thơ của Schiller, Beethoven phổ nhạc trong giao hưởng số 9) đã làm rúng động năm châu, thì Nối Vòng Tay Lớn cũng vang dội như một địa chấn từ Bắc vô Nam, từ đông sang Tây.
Vượt qua tự tình dân tộc để đến với tình người có thể là một trong đỉnh cao nhất của Trịnh Công Sơn. Mấy ai đã không khỏi mủi lòng khi nghe Sơn chuyển từ tiếng khóc não nùng giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong... đến lời van lơn . . . ôi nhân loại . . . không ai thù ghét ai. . . Nếu trong vũ trụ quan của họ Trịnh, cũng như Beethoven, có bóng dáng của Thượng đế, thì cuối đời, Sơn thích làm nhà ở cõi vô vi. Trong khi nhạc sĩ Đức than thân, trách phận đã oái ăm dáng cho mình cái bệnh nan y (chúc thư Heiligenstadt) thì Sơn điềm nhiên đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng... với tôi là ai mà yêu quá đời nầy. Trong khi Beethoven trách móc đồng loại ôi nhân thế tôi ơi... các người xem tôi như kẻ ghét người... là oan ức cho tôi lắm..., họ Trịnh cũng có lúc hoài nghi một cách nên thơ đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng... Nhưng hoài nghi đó không giữ lâu vì thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận...
Không phải Sơn không có nhiều nỗi khổ riêng, kể cả đời sống tình cảm : và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. Ai cũng biết hai thiên tài bên trời đông và trời Tây đều có đời sống tình cảm phức tạp. Về điểm nầy, không biết vì run rủi hay định mệnh mà hơn một thế kỷ rưỡi sau, họ Trịnh đã làm người phát ngôn tuyệt vời cho Beethoven khi chàng viết : Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu. Nhưng phương cách đối xử mỗi người một khác. Trong khi Beethoven viết An Die Fern Geliebte (Cho Người Tình Xa), Sơn cho ra đời Diễm Xưa.
Trong khi bị bệnh tai hành hạ từ năm 25 tuổi cho đến khi hoàn toàn điếc vào khoảng dưới 50, Beethoven còn phải khổ sở chống đỡ nhiều chứng bịnh kinh niên khác và cuối cùng đành bại trận trước bệnh ruột và gan vào năm 57 tuổi. Rượu là một trong những nguyên do chính. Trong thập niêm cuối đời, họ Trịnh cũng trải qua một số kinh nghiệm tương tự, kể cả rượu, và đã trở về cát bụi năm 62 tuổi. Đối với phàm nhân, đau khổ làm cho tâm hồn băng hoại. Cho nên hai thiên tài họ Trịnh và Beethoven có một điểm chung nữa rất lớn : đau khổ là thuốc bổ cho sáng tạo. Thay vì tàn lụi như cỏ sa mạc, với họ, đau khổ đã đơm hoa, khai quả cho nghệ thuật, những hoa quả tươi mát, dịu ngọt, làm cho đời nhẹ nỗi trần ai. Họ là bình minh của cuộc đời, của vũ trụ.
Về triết lý sáng tác, trong khi Beethoven trau chuốt từng nốt, từng câu, Sơn có lối viết nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã có nhận xét hay : Trịnh Công Sơn " viết dễ như lấy chữ trong túi ra ". Việc Beethoven xé bỏ bản thảo của mình không phải là chuyện hiếm. Nhạc sĩ Đức nổi tiếng là người có tánh hay bực bội, nóng nảy. Beethoven đã có lúc khâm phục ca ngợi người hùng đại đế Napoléon. Người ta kể rằng, sau khi nghe tin đại đế gây cảnh khói lửa tang tóc ở Âu Châu, chàng đã xé toang trang tựa bản thảo bản giao hưởng Anh hùng ca (giao hưởng số 3) có ghi lời đề tặng cho đại đế. Trái lại, Sơn tánh vốn thường đằm đẹ, trông có vẻ bình thản hơn trong mấy năm cuối đời mình. Beethoven luôn luôn là con người của đam mê tột độ. Sơn cũng đã từng có một thời rất Beethoven : Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận (TCS). Đều là máu nghệ sĩ thứ thật cả !
Nhất lý hay nhị nguyên
Với Trịnh Công Sơn, cũng như phần nào đối với Beethoven, ta còn thấy thể hiện một số " phản đề " khá thú vị trong tư tưởng Thiền và triết học, là ngành Sơn đã học và suốt đời rất thích. Các phản đề đó là : (1) giải thoát và vướng mắc, (2) đổi thay và chân lý, (3) đời buôn chôn và lòng vị tha. Là nguồn cảm hứng lớn, các phản đề nầy đã làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại. Chúng bám chặt thiên tài nơi nơi, không bao giờ chịu nhả ra và cũng không phân biệt ranh giới quốc gia hay chủng tộc (tài/mệnh của Nguyễn Du; người gù/mỹ nhân của Victor Hugo ; Anna Karenina của Leo Tolstoy...). Có lẽ Trịnh Công Sơn đủ thông Thiền để thấy rằng hạnh phúc và đau khổ _ mới nghe qua có vẽ tương phản _ sự thật không phải là hai trạng thái đối kháng nhau ; với Thiền, chúng chỉ là một. Cũng có lẽ vì thế mà Sơn không thấy có gì mâu thuẫn trong các hình ảnh hay ý niệm đối nghịch nhau trong một số lời ca của mình.
Rất Beethoven mà cũng rất Sơn
Trong chúc thư Heiligenstadt, trong giây phút tuyệt vọng, Beethoven đã phơi bày tâm sự nảo nề với Karl và Johann : " Ôi nhân thế tôi ơi, các người đã từng xem tôi hay nói về tôi như kẻ bất nhân, không tình nghĩa, hay thậm chí còn xem tôi như kẻ thù ghét người, các người có biết như vậy là oan ức cho tôi lắm không... chỉ vì các người không biết lý do thầm kín nào đã làm tôi có bộ mặt như vậy... từ lúc nhỏ tim tôi, tâm hồn vẫn hướng về tình thương và thiện ý... nhưng sáu năm qua bệnh nan y của tôi đã làm tôi khổ và bầy y sĩ vô tài đã làm tôi khổ sở hơn. Năm nầy qua năm khác, hy vọng khỏi bệnh biến theo mây khói làm tôi phải chấp nhận viễn tượng bị tàn tật suốt đời... trời phú cho tính hăng say mãnh liệt... mà rồi tôi cũng phải rút lui sống trong cô đơn... Có lúc tôi muốn quên mình bị tàn tật, nhưng than ôi, bệnh nghiệt ngã của tôi vẫn hành tôi mà thậm chí tôi vẫn không đủ can đảm để nói lớn : "Các người hãy hét lên bởi vì tôi điếc". Làm sao tôi dám thú với người ta rằng tôi bị tật về một cơ năng đáng lẽ phải được toàn thiện ở tôi hơn ở người khác... Lạy Chúa linh thiêng, xin ngài nhìn xuống tâm hồn và tim con, ngài thấy tim con lúc nào cũng đầy tình thương người và ước mong làm điều thiện... Hãy dạy con cái [của Karl và Johann] biết làm điều lành, bởi vì theo kinh nghiệm bản thân tôi, chỉ có cái đức mới đem lại hạnh phúc chứ không phải tiền tài...chính cái đức đã nuôi dưỡng tôi trong lúc tuyệt vọng. Chính nhờ có lòng nhân ái và nghệ thuật mà tôi đã không chấm dứt đời mình bằng tự vận ".
Trong khi Beethoven phẫn nộ cay cú với định mệnh, Sơn nhẹ nhàng ca ru đời đi nhé. Cái Sơn thật là cái Sơn đã có lần thốt Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề. Trong đoản văn" để bắt đầu một hồi ức ", Trịnh Công Sơn cũng tâm tình tương tự như Beethoven, nhưng thiếu cái vị mặn, vị chát của nhạc sĩ Đức : Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống nầy. Vì thế lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn... Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống.
Trịnh Công Sơn chia tay với chúng ta để vào thế giới những người không bao giờ chết. Ở đó Sơn đã gặp mẹ và Beethoven. Nếu, theo Thiền, sự trở về đích thực là sự trở về với mình, là sự đi đến sau những năm tháng say sưa dấn thân cho nghệ thuật, cho quê hương, cho đồng loại, cho vạn vật, thì nay Sơn đã trở về.
Đời như vô tận, một mình tôi về. Với tôi.
Võ Xuân Hân