11/5/09

Thơ cần thiết cho ai (1)

Thơ cần thiết cho ai (1)

10/05/2009

Tác giả: Nguyễn Đức Tùng

Chuyên mục: Sáng tác, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: William Stafford
Bài 1 - William Stafford: Đi qua bóng tối

Nhiều năm trước đây, trong một bệnh viện ở Mỹ, tôi ngạc nhiên thấy trên tường của khu chấn thương, khắc nhiều câu thơ của một tác giả xa lạ. Các tuyển tập văn chương mà tôi được đọc trước đó cũng hoàn toàn không đề cập đến ông. Chỉ sau này tôi mới biết rằng đó là một nhà thơ được nhiều người yêu mến. Ngày nay nếu cần chọn một bài thơ tiêu biểu cho nền thơ Mỹ trong vòng mấy chục năm qua, một trong vài bài tôi chọn có lẽ là bài “Đi qua bóng tối” (Traveling through the dark) của William Stafford, trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1962.

William Stafford thuộc thế hệ của John Berryman và Robert Lowell, sinh năm 1914, mất năm 1993, lớn lên ở tiểu bang Kansas, học Đại học Kansas. Tại đây, anh bắt đầu chọn con đường viết văn, tham gia vào cuộc vận động của sinh viên chống phân biệt chủng tộc. Trong thời gian thế chiến thứ II, anh bị tập trung vào trại lao động vì phản đối chiến tranh, thời đó gọi là các conscientious objectors (người phản đối chiến tranh vì lương tâm). Anh lập gia đình trong thời gian này, được trả tự do vào năm 1946, và hoàn tất chương trình tiến sĩ năm 1954. Stafford làm nhiều công việc khác nhau, từ lao động trên các cánh đồng củ cải đường, nhà máy lọc dầu, công việc xây dựng, ngành rừng và cuối cùng là giáo sư Anh văn tại Portland, Oregon. Ngoài các tập thơ, ông còn viết nhiều truyện ngắn, tiểu luận.

Có vẻ như Stafford không có một cố gắng nào để đưa ra các đề tài lớn lao về xã hội; và hình như ông chỉ làm thơ để tự vui thú chính mình, mặc dù thế, người đọc bao giờ cũng bắt gặp trong những bài thơ của ông một cuộc chiến đấu gian nan nhưng đẹp đẽ của một lương tâm bền bỉ.

Đi qua bóng tối

Lái xe trong đêm, tôi nhìn thấy một con hươu

Chết nằm bên vệ đường

Tốt nhất là lăn nó xuống mương

Đường hẹp, xe tránh nhau nguy hiểm chết người.

Theo ánh sáng đuôi xe, tôi đi vòng lại.

Đứng bên cái chết còn mới nguyên

Mình con hươu cứng lại, gần lạnh giá.

Tôi kéo ra, bụng nó phồng lên.

Khi chạm tay vào một bên tôi chợt hiểu

Da bụng ấm, bào thai còn sống

Đang đợi chờ, nhưng chẳng được ra đời.

Tôi đứng bên đường suy nghĩ bồi hồi.

Ngọn đèn sáng chiếu thấp dần phía trước;

Tiếng máy nổ rì rì bên dưới mui xe.

Tôi đứng trong vùng hộp máy hồng đỏ rực;

Quanh lũ chúng tôi lắng nghe thiên nhiên lắng nghe.

Tôi suy nghĩ rất lung cho tất cả chúng ta

Rồi đẩy nó qua bờ lăn xuống bến sông xa.



Traveling through the dark

Traveling through the dark I found a deer

dead on the edge of the Wilson River road.

It is usually best to roll them into the canyon:

that road is narrow; to swerve might make more dead.

By glow of the tail-light I stumbled black of the car

and stood by the heap, a doe, a recent killing;

she had stiffened already, almost cold.

I dragged her off; she was large in the belly.

My fingers touching her side brought me the reason -

her side was warm; her fawn lay there waiting,

alive, still, never to be born.

Beside that mountain road I hesitated.

The care aimed ahead its lowered parking lights;

under the hood purred the steady engine.

I stood in the glare of the warm exhausted turning red;

around our group I could hear the wilderness listen.

I thought hard for us all - my only swerving -,

then pushed her over the edge into the river.

William Stafford

(Nguồn: David Lehman, The Oxford Book of American Poetry, NXB Oxford, 2006)

Giọng thơ giản dị, có tính chất mô tả, ít ngôn ngữ mơ hồ như thường gặp trong một số bài khác của ông, mời người đọc đi vào cuộc đối thoại trực tiếp giữa họ và ông, giữa con người và thiên nhiên. Một người bạn của tôi, người Nhật, nói với tôi rằng bài thơ này rất khó dịch qua tiếng Nhật mặc dù ngôn ngữ bề ngoài trông dễ hiểu. Tôi thử dịch ra tiếng Việt và cũng thấy đúng như thế.

Ngôn ngữ của William Stafford hàm súc và mặc dù ông ít dùng các biểu tượng, thơ ông chất chứa sự đa nghĩa, không phải là sự đa tuyến của lối thơ hậu hiện đại, mà là sự đa nghĩa xuất phát trực tiếp từ một triết lý thâm trầm nằm dưới những hiện thực được ghi nhận bằng cặp mắt trong suốt.

Đây là một bài thơ tự sự tiêu biểu: một câu chuyện kể có đầu có đuôi. Ngoài đời, việc dừng lại bên một con hươu bị chết, có lẽ do bị xe cán, và lăn nó xuống hố không phải là một hành động ngoại lệ hiếm hoi. Nhiều người sẽ bỏ qua trường hợp này. Nhưng tác giả đã ngồi xuống, đặt tay lên bụng con hươu, và vì vậy ông nhận ra hơi ấm, nhận ra sự sống. Bắt đầu từ đây có một mối xung đột khởi đi. Anh có muốn cứu con hươu con trong bụng mẹ không?

Chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?

Ai là người đưa ra quyết định cuối cùng? Càng suy nghĩ ta càng thấy rằng người tạo ra quyết định không phải chỉ là nhà thơ/nhân vật mà là “our group” (nhóm chúng tôi, lũ chúng tôi). Lũ chúng tôi tức là ai? Tại sao tác giả lại dùng đến nhiều câu như thế để miêu tả chiếc xe hơi đang rì rì nổ máy, như thể đó là một vật biết suy nghĩ và đang suy nghĩ? Nhóm của chúng tôi gồm có: người lái xe, con hươu mẹ đã chết, con hươu con hãy còn nằm trong bụng mẹ chờ sinh ra, chiếc xe hơi và cảnh vật xung quanh.

Tóm lại, một thế giới.

Bài thơ nói với chúng ta về sự phân vân của một người đi giữa cuộc đời, đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nghĩ đến bài thơ, tôi yêu mến hơn phẩm chất cao đẹp của người trí thức: sự hoài nghi trước những quyết định cá nhân và lịch sử. Những người không có đức tính hoài nghi, tuyệt đối tin tưởng vào một thứ sự thật, thật là những kẻ đáng nghi ngờ. Hơn thế nữa, đôi khi đó là những kẻ đáng sợ. William Stafford thường mở ra những cuộc đối thoại nhân sinh gay cấn như thế trong những bài thơ mang vẻ ngoài giản dị (deceptively simple), với giọng điệu từ tốn, dịu dàng của mình.

Mỗi khi chán nản, không có cảm hứng, ta nên nghĩ đến William Stafford: tương truyền rằng mỗi ngày ông đều dậy sớm, viết một bài thơ trước lúc rạng đông, kể từ lúc thanh niên cho đến cuối đời, đều đặn như thế. Mỗi ngày, mỗi sớm tinh sương. Thật là một tấm gương cần mẫn. Có nhà báo thắc mắc hỏi ông làm cách nào mà ông làm được thơ mỗi ngày, và nếu gặp những ngày không có cảm hứng, chỉ làm ra toàn những bài thơ dở thì sao? Stafford trả lời: “lúc đó tôi liền hạ tiêu chuẩn của tôi xuống”.

Tôi hình dung khi nói thế, ông đang tủm tỉm cười. Nhưng thật ra những tiêu chuẩn đã hạ xuống ấy vẫn còn quá cao so với nhiều người khác.

© 2009 Nguyễn Đức Tùng

© 2009 talawas blog

Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” ...

Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” của Hồ Chí Minh đến “Luận cương Chính trị” của Trần Phú - Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ (1)

09/05/2009

Tác giả: Đào Phan


Cách đây không lâu, chúng tôi đã giới thiệu bài viết quan trọng của tác giả Đào Phan, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng thành phố Hà Nội giai đoạn 1941-1943, đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 327 tháng 3/2009 và 329 tháng 4/2009. Tiếc rằng bản đăng trên Xưa và Nay như đã giới thiệu qua bản PDF không thật đầy đủ. Nay chúng tôi giới thiệu lại toàn văn bài viết rất đáng quan tâm này.

talawas

__________

Lời toà soạn Xưa và Nay: Vào dịp chuẩn bị triệu tập Đại Hội lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam năm 1990, ông Đào Phan - nhà cách mạng lão thành và là nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình về tư tưởng Hồ Chí Minh - đã viết bài này gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các cơ quan nghiên cứu của Đảng nhằm làm sáng tỏ và đính chính một nhận thức về đường lối cách mạng liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhân dịp đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng tôi xin trích đăng để bạn đọc hiểu rõ.

__________

Đã đến lúc có thể mở bức màn che ẩn một nghịch cảnh đầu tiên trên chương lịch sử của Đảng và của Hồ Chí Minh, mà cũng là một nghịch lý ít ai ngờ tới ngay trong thời đại mới của nước ta: Đó là việc bản “Chánh cương của Đảng” do Bác Hồ đưa ra Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 đã bị Hội nghị Trung ương ngay tháng 10 cũng năm 1930 xoá bỏ và thay thế bằng “Luận cương chánh trị” của Trần Phú bấy giờ vừa trở về nước! (1) Vậy thì giờ đây khi bàn về xây dựng Đảng, Đảng ta sẽ dựa vào “Chánh cương” từ lúc đầu của Bác Hồ, hay là vẫn theo “Luận cương” của Trần Phú viết ra sau đấy? Một vấn đề bật ra như thế hiển nhiên đang đòi hỏi những tư liệu được truy cứu rất xác thực trong các văn kiện qua sáu chục năm lịch sử của Đảng ta.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930 được triệu tập dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh, lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, là Uỷ viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế cộng sản. Trong “Lời kêu gọi” sau khi Đảng ta được thành lập, do Bác ký tên “thay mặt QTCS và ĐCS Việt Nam”, Bác đã viết rõ rằng: “Nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” trong việc tổ chức ra Đảng ta với chính cương, sách lược, chương trình, điều lệ của Đảng (2).

Đảng ta vẫn trước sau khẳng định nhất quán việc Hội nghị thành lập Đảng đã: “Quyết định thống nhất ban tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt và điều lệ Đảng do Bác thảo ra”, Đảng cũng nhấn mạnh rằng: “Xuất phát từ tính chất xã hội Việt Nam vốn là nước thuộc địa và nửa phong kiến, trên cơ sở nội dung cuốn Đường cách mạng, chính cương và sách lược của Đảng” do Người khởi thảo là chính cương và sách lược được xác định cho cách mạng nước ta. Đảng đặc biệt nêu bật rằng: “Hội nghị thành lập Đảng có tầm quan trọng ngang một Đại hội, vì nó đề ra đường lối, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng” (3).

Vậy thì phải chăng là điều trái nghịch “xây dựng Đảng” khi Trần Phú vừa tốt nghiệp trường Đại học ở Liên Xô, lại về triệu tập gấp một Hội nghị Trung ương Đảng trong tháng 10 cũng năm 1930, để ra nghị quyết xóa bỏ cả các văn kiện vừa được thông qua ngay tại “Hội nghị thành lập Đảng có tầm quan trọng ngang một Đại hội” và do “đại diện của Quốc tế cộng sản là Nguyễn Ái Quốc đã chủ tọa”? Bản nghị quyết của Hội nghị Trung ương do Trần Phú về triệu tập đã nêu rõ hai quyết định quan trọng nhất là: “a) Thủ tiêu chánh cương, sách lược và điều lệ cũ của Đảng” do Bác Hồ biên soạn; “b) Bỏ tên “Việt Nam cộng sản Đảng” mà lấy tên “Đông Dương cộng sản Đảng”. Và bản nghị quyết đó của Hội nghị Trung ương kia còn quy kết cả cho “Hội nghị hiệp nhất” là đã sai lầm về chính trị…, sai lầm về sách lược…, sai lầm về điều lệ và tên Đảng…, quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu, ấy là một sự rất nguy hiểm” (4).

Trong lúc quyết định xoá bỏ “Chánh cương của Đảng” do Bác Hồ vừa khởi thảo, cuộc Hội nghị Trung ương này lại cũng đã thông qua bản “Luận cương chánh trị” của Trần Phú đưa ra thay thế. Vậy thì điều gì suốt trong sáu chục năm qua đã làm cho cả đảng viên và nhân dân vẫn cứ tưởng rằng “Luận cương” của Trần Phú là “Cương lĩnh” đầu tiên để xây dựng một Đảng do Bác Hồ đã sáng lập và đào luyện? Mặc dầu các văn kiện quan trọng đó từ lâu vẫn được Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cất giữ. Và mãi tới nay Tạp chí Lịch sử Đảng mới có thể đưa ra một lời kêu gọi là: “Đã đến lúc các nhà sử học phải hiệu chỉnh lại những đánh giá sai lầm về Chánh cương vắn tắt và sách lược vắn tắt (do Bác Hồ viết) và Luận cương chính trị (của Trần Phú)… Hãy trả về đúng chỗ đứng Lịch sử của bản Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta” (5).

Hiển nhiên bấy giờ Trần Phú phải hành động theo chỉ thị của QTCS đã đặt dưới sự lãnh đạo của Stalin sau ngày Lênin qua đời. Thế nhưng vấn đề trước tiên cần được minh định hôm nay là trong thư gửi các cấp Đảng bộ tháng 12-1930, Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” vừa do Trần Phú về làm Tổng Bí thư cũng phải ghi nhận Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 là “Đại hội hiệp nhứt” Đảng. Vậy thì dựa vào nguyên tắc tổ chức nào “Hội nghị Trung ương do Trần Phú về triệu tập ngay tháng 10 cũng trong năm đó lại cứ tự mình đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” và xóa bỏ luôn “Chánh cương, sách lược, điều lệ” của Đảng vừa được thông qua ngay tại “Đại hội hiệp nhất” dưới sự chủ tọa của Bác là đại diện chính thức của QTCS?

Phải chăng đây là một ngoại lệ khi một Hội nghị Trung ương có thể xoá bỏ cả các quyết định của một Đại hội toàn quốc? Khi bản nghị quyết tháng 10 và tiếp liền đó là bức thư tháng 12 kia của Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư có thể tự mình qui kết thiếu chân thực rằng: “Hội nghị hiệp nhứt đã chủ trương các công việc rất sơ sài, mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của Quốc tế”. Rồi cũng bức thư này còn viện cớ là “Lâm thời Trung ương cử ra sau lúc Hội nghị hiệp nhứt không nhóm một lần nào”, - mặc dầu chỉ mới hơn nửa năm trong hoàn cảnh bị khủng bố - mà xoá bỏ luôn Lâm thời Trung ương từ Hội nghị thành lập Đảng và biện bạch rằng: “Công việc nặng nề của Trung ương (mới) là phải làm cho rõ ràng những sự mập mờ, sửa đổi những sai lầm trong công việc “Hội nghị hiệp nhứt” (6). Tức là sửa đổi những sự “mập mờ” và những “sai lầm” trong công việc của Bác Hồ từ cuộc Hội nghị thành lập Đảng ta!

Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 đã quy kết cho “Đại hội hiệp nhất” một sai lầm to lớn trong việc đặt tên Đảng. Vậy thì quyết định bỏ tên “Đảng cộng sản Việt Nam” và thay đổi thành “Đảng cộng sản Đông Dương” phải chăng đã làm biến hóa ngược hẳn cả từ đường lối chiến lược cho đến đường lối tổ chức của Đảng ta? Khi giải thích rằng “Đảng chúng ta phải lấy tên là Đảng cộng sản Đông Dương thì mới đúng”, bức thư đầu tháng 12 năm 1930 của Trung ương vừa thay thế cũng xác định rõ rằng: “Vấn đề “tên” Đảng nói qua thì tưởng là việc hình thức, việc nhỏ thôi, nhưng kỳ thực nó có quan hệ lớn vì nó có thể ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của Đảng”. Tờ truyền đơn của “Đông Dương cộng sản đảng” lúc đó “giải thích việc đổi tên Đảng “còn lập luận một cách nguỵ biện rằng “Ba xứ Việt Nam, Cao Miên, Lào, tuy thường gọi là ba nước nhưng kỳ thực chỉ thành một xứ mà thôi”. Rồi bức thư tháng 12 kể trên của Trung ương lại biện bạch cho việc phải đổi tên là Đảng cộng sản Đông Dương vì: “Ba xứ ấy đều bị một đế quốc Pháp áp bức, nằm dưới một chính phủ đế quốc thống nhất ở Đông dương” (7).

Lập luận nguỵ biện đó đã xóa cả “ba nước” vốn có tư cách là ba quốc gia dân tộc trải qua lịch sử lâu đời, để cố ghép thành “một xứ” mang tên Đông Dương. Chính thực dân Pháp cũng đã sáp nhập “ba nước” Việt Nam, Cao Miên, Lào thành “một xứ” để toan xóa mất bản sắc dân tộc và tư cách quốc gia của mỗi cộng đồng từng có chủ quyền riêng trên đất mình. Cách thôn tính rồi sáp nhập các dân tộc bị xâm lược vào chung một tên để xóa mất bản sắc dân tộc và tư cách quốc gia của họ như thế, vốn là một thủ đoạn của các triều đại phong kiến xâm lược xưa mà sử sách gọi bằng chữ “kiêm tính”, còn khi nói về “Sắc lệnh hoà bình” cuối năm 1917, thì chính Lênin đã lên án sự “kiêm tính của bọn Đại Nga”, và vạch rõ rằng đó là “thôn tính các lãnh thổ bên ngoài cho nên chính quyền Xô viết phải “tuyên bố xoá bỏ tức khắc” và không điều kiện” (8).

Thế nhưng tới ngày Lênin đã ốm nặng và không còn điều hành các việc quan trọng được nữa, thì Stalin lại đưa ra một cơ chế thống nhất các nước cộng hoà dân tộc họp thành Liên bang Xô viết, mà ngay bấy giờ Lênin liền phải phê phán nghiêm khắc rằng “vẫn chỉ là cái cơ chế của nước Nga” trước kia, và tóm lại là “vẫn mượn cơ chế cũ của Nga hoàng” rồi chỉ tìm các “phết nhẹ cho nó một lớp véc ni Xô viết” (9).

Phương án của Stalin bị Lênin bác bỏ phải chăng có thể làm sáng tỏ thêm vì sao Trần Phú được cử gấp trở về nước đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” thành ra “Đảng cộng sản Đông Dương”, cũng đã tìm cách sáp nhập cả Lào và Cao Miên vào Đảng của Việt Nam bằng việc “làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ”, mà hồi đó thực tế chỉ gồm người Việt Nam chứ chưa hề thấy ai là cộng sản người Lào hoặc Cao Miên.

Ngay từ đầu “định tên Đảng là Đảng cộng sản Việt Nam” Bác Hồ đã phân tích cụ thể với các đại biểu trong cuộc hội nghị hợp nhất rằng: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng mình, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ Việt Nam hợp với cả ba miền (Trung, Nam, Bắc) và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc” (10).

Rõ ràng cũng là “nguyên lý chủ nghĩa Lênin” mà từ sau ngày Lênin qua đời, Bác Hồ đã hiểu và làm khác hẳn “nguyên lý chủ nghĩa Lênin” do Stalin từng diễn giải bằng một tác phẩm được áp dụng từ Liên Xô sang Việt Nam.

Trong việc đổi tên “Đảng cộng sản Việt Nam” thành ra “Đảng cộng sản Đông Dương” cuối năm 1930, phải chăng có mối liên hệ với việc Bác đã tuyên bố giải tán “Đảng cộng sản Đông Dương” cuối năm 1945, rồi tới đầu năm 1951, thì lại khôi phục không phải “Đảng cộng sản Đông Dương” mà là “Đảng lao động Việt Nam”? Một khi Người đã có điều kiện để trả lại cho Lào và Cao Miên quyền dân tộc tự quyết đúng với nguyên lý chủ nghĩa Lênin, như Người từng giải thích trung thực tại Hội nghị thành lập Đảng ta. Thế nhưng hai chục năm trước thời điểm có thể khôi phục với tên “Đảng lao động Việt Nam”, ngay lúc “Đảng cộng sản Việt Nam” bị áp đặt làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ để sáp nhập thành “Đảng cộng sản Đông Dương”, chính việc đổi tên Đảng cũng đã gặp phải những sự phản kháng không nhỏ ở trong Đảng bấy giờ.

Chính bức thư do Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” gửi cho các cấp Đảng bộ ngày 9 tháng 12 năm 1930 đã ghi nhận là: “ở Bắc Kỳ thì giải thích rằng vì dân tộc tự quyết của Lênin nên không thể bắt vô sản Cao Miên và Lào vào Đảng với mình được. Ở Trung Kỳ thì nói rằng Đảng ta do sự hiệp nhất Tân Việt, Cộng sản Liên đoàn và An Nam cộng sản đảng mà ra, nên cái tên phải do sự liên kết chữ “Việt” và chữ “Nam” để biểu hiện sự hiệp nhứt của hai đoàn thể. Ở Nam Kỳ lại cho rằng lấy tên An Nam thì hẹp quá, còn lấy tên Đông Dương thì rộng quá, nên phải lấy tên Việt Nam”. Mỗi đảng bộ đã bày tỏ sự phản đối một cách khác nhau, song không đảng bộ nào muốn chấp nhận tên gọi “Đảng cộng sản Đông Dương”. Bức thư trên đây còn nêu thêm rằng:

“Đối với án nghị quyết và thư, chỉ thị của Quốc tế thì các Đảng bộ Trung, Nam, Bắc đều tỏ ra thái độ lãnh đạm. Những kế hoạch lập Đảng và nhiệm vụ hiện thời mà QTCS đã chỉ bảo rõ ta trong án nghị quyết và thư, chỉ thị đã gửi tới Trung, Nam, Bắc từ hồi tháng hai tháng ba năm nay, nghĩa là hai ba tháng sau khi hiệp nhứt, thế mà các Đảng bộ các kỳ đều bỏ xó, đến nay (là tháng chạp Tây năm 1930) không thừa nhận và không hết sức thi hành. Ở Nam Kỳ, vấn đề án nghị quyết và thư, chỉ thị của Quốc tế đã hai, ba lần đề nghị Lâm thời xứ ủy nhưng bị đa số phản đối. Nhiều đồng chí lấy lẽ rằng Quốc tế đã tổ chức ra Đảng cộng sản Việt Nam, những kế hoạch của Đại hội hiệp nhứt đã định đều là của QTCS” (11).

Tiếp đến hai bức thư của Bác Hồ viết ngày 20 và 23 tháng 4 năm 1931 từ ngoài nước gửi BCH Trung ương của “Đảng cộng sản Đông Dương” do Trần Phú làm Tổng Bí thư cũng nêu xác thực về các biểu hiện đó bấy giờ mà Bác nói rõ là việc “phản đối chỉ thị Quốc tế” từng diễn ra trong Đảng bộ Trung Kỳ và cả Đảng bộ Bắc Kỳ. Vì hai bức thư viết trong bí mật, Bác dùng những chữ tắt cần giải mã như: “T” tức là Trung kỳ, “B” tức là Bắc kỳ, “Đ” tức là QTCS, và “Hội nghị Octobre” tức là Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 bỏ tên “Đảng cộng sản Việt Nam”. Ở đoạn nói về “Vấn đề tên Đảng”, bức thư đề ngày 20 đã viết cụ thể: “Trung đề nghị chờ bao giờ Cao Miên và Lào có Đảng rồi sẽ nhập các Đảng lại và đổi tên. Thế là các đồng chí Trung không hiểu chỉ thị Quốc tế nói rằng Đảng phải gồm cả vô sản ở Đông Dương và không hiểu nhiệm vụ Đảng là phải làm cho Lào và Cao Miên có Đảng bộ. (Trung ương đã in và phát hành chỉ thị quốc tế chưa? Sao thấy trong nghị quyết Bắc có hỏi: Trung ương bảo thảo luận “chỉ thị” là chỉ thị nào?…” (12).

Rồi tới bức thư đề ngày 23, ở đoạn nói về “Vấn đề nhiệm vụ tới”, Bác Hồ cũng nhắc lại việc “B phản đối chỉ thị Quốc tế” tức là xứ ủy Bắc kỳ phản đối. Và người còn nêu rõ mối quan hệ đã bị nhiễu loạn đối với người từ sau Hội nghị tháng 10 năm 1930, tới mức Trung ương mới do Trần Phú đứng đầu lại có thể xấc xược nhận xét nhà sáng lập của Đảng ta là “vô lý và lộn xộn”, khi Bác nhắc Trung ương gửi báo cáo cho người bấy giờ vẫn là Ủy viên Bộ phương Đông và phụ trách Cục Phương Nam của QTCS. Không chấp nhận việc gửi báo cáo sang cho người như trước đó nữa, phải chăng là ngầm phủ nhận cương vị của Bác mà chưa có thể làm sao cho QTCS gạt bỏ ngay được? Bác đã phải nói rõ cảnh éo le của người trong thư gửi về Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư rằng Quốc tế: “Họ thường hỏi tôi vì sao mà bị lộ? Vì sao mà bị? Để suy nghĩ và tìm cách sửa đổi. Nhưng trong không báo cáo ra, cho nên tôi cũng ú ớ!…” Chính vì Trung ương không gửi báo cáo ra cho Bác nữa, khiến người phải nêu “Vấn đề nhiệm vụ tới” một cách minh bạch như sau:

a) Từ ngày Hội nghị Octobre, tôi nghĩ trong nước đã có Trung ương, ngoài đã có Đ (tức là QTCS), vậy nên công việc tôi chỉ là như “thùng thơ”. Vậy nên tôi xin Đ đổi chỗ, vì “thùng thơ” thì người khác cũng làm được. Vì thế mà Đ có thơ định trách nhiệm cho tôi (thơ đó tôi có gửi copie cho Trung ương) - tức bản sao.

b) Nếu Trung ương báo cáo thường - tức đều đặn - và rõ ràng (détaillé) thì chúng tôi không đòi báo cáo các nơi làm gì, song từ ngày Hội nghị tháng 10 năm 1930 đến nay, Trung ương chưa có lần báo cáo nào tương tự hết. Như việc B phản đối chỉ thị Quốc tế mà cũng đến bây giờ - tháng 4 năm 1931 - người quen và Trung ương mới nói đến! Vẫn biết hoàn cảnh khó khăn và Trung ương lắm việc, nhưng “họ” cũng cần phải biết tình hình rõ ràng và cũng vì vậy mà phải yêu cầu các nơi báo cáo. Nhờ hai tờ báo cáo Xứ hội nghị gửi ra, mới biết hơi rõ vì không thấy báo cáo nữa, và “họ” đương hỏi cho được báo cáo Nam kỳ. Vả lại khi trước (Octobre) chúng ta đã khẳng định rằng, hễ các nơi báo cáo thì làm hai bản, một gửi cho Trung ương, một gửi ra (cho Bác là đại diện của Quốc tế). Thế là đỡ việc cho Trung ương, và Quốc tế lại biết rõ tình hình, Đ cũng tán thành cách đó. Như vậy thì có gì là “vô lý” và “lộn xộn”?

c) Tôi không trao kế hoạch gì riêng cho T và B (tức Trung kỳ và Bắc kỳ), chỉ có những thông báo gấp như về ngày 1-5, những chỉ thị đại khái như chỉ thị vừa rồi và những tài liệu nghiên cứu dịch ra thì tôi cứ vẫn gửi ba bản cho Trung ương và T và B (Trung ương lúc đó đóng tại Nam kỳ). Làm như thế là cho mau, cho tiện và cho chắc chắn (nếu chỗ này không tiếp được thì có chỗ khác tiếp).

d) Thơ vừa rồi Trung ương nói: “Chỉ có việc giao thông và báo chương thì tôi giao thiệp với “họ”, chứ báo cáo thì vô lý và “lộn xộn”. Nếu làm như đã nói trên, thì chẳng những không có gì là “vô lý” và “lộn xộn”, mà lại chạy việc lắm. Nếu không vậy thì tôi giao thiệp với T và B cũng không có tác dụng gì.

e) Thơ Trung ương tôi cứ vậy gửi đi rồi - tức Bác gửi Quốc tế cả bức thơ của Trần Phú gửi ra nhận xét Bác là “vô lý” và “lộn xộn”, rồi qui định cho Bác từ đó chỉ làm “giao thông” và “báo chương”, khiến Bác phải nói rằng công việc ấy sẽ biến người chỉ còn như một “thùng thư”! Tuy thế trong thư người cũng nói rõ với Trung ương là ngay sau đấy Quốc tế đã “có thư định trách nhiệm cho tôi”, chứ không phải chỉ làm một “thùng thư” như Bác còn viết tiếp rằng: “Nhiệm vụ tôi đã làm như thơ Đ đã định, cho nên khi có việc gì Đ cũng nói với tôi, mà khi tôi có ý kiến gì (như phê bình T và B mới đây) cũng có Đ đồng ý.

“Vậy nên khi Đảng nghị định hoặc yêu cầu gì thì tôi cũng nên biết. Nếu không biết gì cả, khi “họ” hỏi đến, tôi biết đường nào mà nói. Nếu chỉ biết truyền thơ qua, đưa thơ lại, nếu không tham gia ý kiến với Đ và với Trung ương, thì tôi ở đây cũng không ích gì lắm. Vì việc đưa thơ thì đồng chí khác cũng làm được…” (13).

Hai bức thư trên đây của Bác Hồ viết trong thời điểm tháng 4 năm 1931 đã có thể góp vào những bằng chứng về cái nghịch cảnh mà Người bị áp đặt ngay sau Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 do Trần Phú về triệu tập theo “chỉ thị và thư của Quốc tế”. Phải chăng nghịch cảnh ấy đối với nhà sáng lập của Đảng ta lại đã có nguyên do từ cái nghịch lý trong việc đổi tên Đảng và xóa bỏ cả chính cương và điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam do Bác Hồ vừa xác định tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930? Thật rõ ràng sự nhiễu loạn đối với Bác tới mức coi việc người nhắc hỏi báo cáo là điều “vô lý” và “lộn xộn”, đã có nguồn gốc gần nhất ở bản “Luận cương chính trị” và bản “Nghị quyết trung ương” của Trần Phú”, từng quy kết những “sai lầm rất nguy hiểm” cho cuộc “Đại hội hiệp nhứt”, kể từ “sai lầm chính trị” tiếp đến “sai lầm về điều lệ và tên Đảng”, để rồi đòi hỏi “làm cho Đảng bôn-sê-vích hoá” (14).

Phải chăng đó là một cách “bôn-sê-vích hoá” mà thực chất là “Stalin hoá” khác hẳn nguyên lý chủ nghĩa Lênin về xây dựng Đảng? Một cách “bôn-sê-vích hoá” bắt đầu từ “vô hiệu hoá” nhà sáng lập của Đảng cộng sản đã kế thừa các tư tưởng của Lênin, các di sản của dân tộc và nhân loại được nhận thức từ học thuyết Mác!

Cách xử trí hết sức thô bạo đối với Bác Hồ bấy giờ rõ ràng cũng là một sự trấn áp vốn rất quyết liệt cả về tư tưởng và về tổ chức đối với Đảng cộng sản Việt Nam vừa được thành lập. Sự trấn áp thô bạo kia hiển nhiên bắt nguồn từ chỗ nghị quyết Trung ương tháng 10 năm 1930 đã qui kết rằng “Chính cương” và “sách lược” của Đảng cộng sản Việt Nam là “quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, còn “điều lệ” và “tổ chức” của Đảng thì “mất cả ý nghĩa giai cấp tranh đấu” trong lúc “giai cấp tranh đấu của công nông chống đế quốc, tư bổn và địa chủ lại sâu sắc hơn và quan trọng nhứt, càng ngày càng có tánh chất kịch liệt” (15).

Những điều kết luận ấy do Trần Phú mang từ Liên Xô về Việt Nam hồi đó đã có liên hệ với các quan điểm của Stalin từng lập luận rằng “vấn đề dân tộc là một vấn đề thứ yếu”, và bên cạnh nó thì cuộc “đấu tranh giai cấp ngày càng diễn biến quyết liệt” ngay trong giai đoạn quá độ đi lên CNXH là cho đấu tranh giai cấp trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất!

Ngược lại, đứng trên lập trường giai cấp vô sản của Mác và Lênin để nhận thức vấn đề dân tộc, trong việc sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam bấy giờ Bác Hồ đã xét cả về mặt dân tộc chứ không chỉ riêng về giai cấp, khi Bác vạch rõ rằng “không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng mình” một cách “trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”. Trên cương vị một nhà cách mạng phương Đông đi tìm con đường giải phóng dân tộc ngay trong thế giới hiện đại, từ năm 1925 Bác đã khẳng định một hiện thực mà các dân tộc bị áp bức đều có thể cùng nhìn nhận: “Lê nin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được… Việc Lênin giải quyết vấn đề dân tộc hết sức phức tạp ở nước Nga Xô viết là một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ trong các nước thuộc địa”(16).

Theo cách hiểu ngay từ đầu của Hồ Chí Minh về các nguyên lý cách mạng của Lênin, thì vấn đề dân tộc cũng có một tầm quan trọng chủ yếu, tới mức nếu không có sự tham gia tích cực của các dân tộc thuộc địa thì cách mạng xã hội không thể có đư­ợc. Thế nhưng bàn về vấn đề dân tộc ở nư­ớc Nga, khi còn là một đế chế đã kiêm tính nhiều dân tộc bị thống trị, từ năm 1913 Stalin lại lập luận rằng: “Vấn đề dân tộc ở nư­ớc Nga chỉ là một vấn đề thứ yếu” (17).

Stalin vốn chỉ nhấn mạnh “đấu tranh giai cấp” mà rất coi nhẹ “vấn đề dân tộc” như Lênin nhận xét. Phải chăng đó cũng là sự trái nghịch do Trần Phú đã mang về để đối lập với Nguyễn Ái Quốc khi qui kết cho ng­ười là “quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, khi cũng áp đặt ở nư­ớc Việt Nam một thứ quan điểm nêu bật “giai cấp tranh đấu là quan trọng nhất và ngày càng có tính chất kịch liệt”?

Lập luận nhằm chống lại Nguyễn Ái Quốc không thể chỉ xuất phát từ một Trần Phú - con trai của nhà nho Trần Văn Phổ quê ở Hà Tĩnh đã vào Quảng Ngãi ngồi ghế tri huyện, rồi tự thắt cổ để chống lệnh của công sứ thực dân ép buộc cư­ớp bóc nông dân cơ cực! Vậy thì bàn tay nào tận bên Liên Xô bấy giờ từng có thể áp đặt cho Bác một nghịch cảnh éo le hồi ấy, bằng cách dựa vào cái lẽ “giai cấp tranh đấu là quan trọng nhất và ngày càng có tính chất kịch liệt”? Nhất là khi một cán bộ vừa tốt nghiệp trường đại học ở Liên Xô về Việt Nam năm 1930, từng đ­ược Nguyễn Ái Quốc dạy cho những bài đầu tiên từ quyển Đường Kách mệnh ngay tại Quảng Châu mới năm 1925! Bức th­ư của Bác viết từ Quảng Châu ngày 18 tháng 12 năm 1924 gửi Chủ tịch đoàn của QTCS đã nêu rằng:

“Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Việt Nam, trong số đó có một ngư­ời đã xa rời xứ sở từ hai mư­ơi năm nay. Trong cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là các việc mà chúng tôi đã bắt đầu cùng nhau tiến hành:

a) Tôi đã vạch ra một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.

b) Sau khi tán thành kế hoạch này, ông ấy đã đư­a cho tôi một bản danh sách của 14 ng­ười Việt Nam đã cùng ông hoạt động bấy lâu.

c) Tôi đã chọn 5 nguời quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người Việt Nam đ­ưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức” (18).

“Người đi xa xứ sở” đó chính là nhà yêu n­ước Phan Bội Châu đã ra đi từ năm 1905. “Kế hoạch tổ chức” đ­ược chính nhà cách mạng tiền bối tán thành là quyết định thành lập ngay “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” trong đó có nhiều thành viên của Đảng Phục Việt do Phan Bội Châu làm thủ lĩnh. Còn Trần Phú là một thanh niên trong bản “danh sách của 14 ngư­ời Việt Nam” đã đ­ược cụ Phan chuyển cho Nguyễn Ái Quốc. Vậy thì sau khi được sang Liên Xô học tiếp mấy năm, tại sao đến ngày vừa nhận nhiệm vụ về nư­ớc hoạt động, Trần Phú đã có thể tự mình lập ra một Trung ư­ơng mới và làm Tổng Bí th­ư để xóa bỏ cả “Chính c­ương” và “Sách l­ược” của Đảng do Bác xây dựng “trên cơ sở nội dung cuốn Đường Kách mệnh“?

Lúc Bác Hồ đứng ra thay mặt QTCS để triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản trong n­ước sang H­ương Cảng họp dư­ới sự chủ trì của ngư­ời, thì chỉ có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu… tham gia Hội nghị thành lập đảng ngày 3 tháng 2, chứ Trần Phú thì vẫn đang học ở Liên Xô. Vậy mà chỉ nửa năm sau đấy trở về nư­ớc, Trần Phú liền lên án gay gắt rằng “Hội nghị hiệp nhứt” đã phạm sai lầm “rất nguy hiểm”, cả từ Chính cư­ơng và Sách l­ược cho đến điều lệ và tổ chức của ĐCS Việt Nam. Sự lên án gay gắt đó còn cứ tiếp tục mãi tới sau ngày Bác đã thoát khỏi ngục H­ương Cảng và lại bí mật tìm sang Liên Xô qua bao gian nan, để rồi đầu năm 1934 đ­ược đư­a “vào học” một lớp nghiên cứu sinh! Trong bản báo cáo gửi QTCS ngày 31 tháng 3 năm 1935, “Ban lãnh đạo hải ngoại của ĐCS Đông D­ương” vẫn qui kết một cách xuyên tạc rằng: “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập mang hệ t­ư tưởng quốc gia cách mạng pha trộn với t­ư tư­ởng cải l­ương và duy tâm chủ nghĩa” (19).

Tiếp theo đòi hỏi “làm cho Đảng bôn-sê-vích hóa” mà thực chất là “Stalin hóa” do Trần Phú nêu thành nghị quyết, nhằm “vô hiệu hóa” quyển Đường Kách mệnh do Bác Hồ từng đem giảng dạy thành những “nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng”, Ban lãnh đạo hải ngoại của ĐCS Đông Dương bấy giờ vẫn nhấn mạnh rằng: Tàn d­ư của tư­ t­ưởng quốc gia và chủ nghĩa cải l­ương còn rất nặng trong Đảng và gây trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Ban lãnh đạo hải ngoại thấy rằng việc đấu tranh không khoan như­ợng chống lại lý luận cơ hội chủ nghĩa của “Việt Nam Thanh niên đồng chí Hội” là cần thiết và yêu cầu Nguyễn Ái Quốc phải viết một cuốn sách nhỏ để “tự phê bình” những sai lầm đã mắc phải trong việc thành lập ĐCS Việt Nam! Phải chăng báo cáo đó do “Ban lãnh đạo hải ngoại của ĐCS Đông Dư­ơng” gửi QTCS tháng 3-1935 có liên quan tới Đại hội tháng 7 năm 1935 của QTCS, khi Nguyễn Ái Quốc chỉ đư­ợc tham dự với tư­ cách là “đại biểu dự thính”, trong lúc Lê Hồng Phong trở thành Uỷ viên BCH của QTCS và hai đại biểu chính thức nữa của ĐCS Đông D­ương bấy giờ lại là Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn. Nghịch cảnh của Bác vẫn tiếp diễn: một lãnh tụ khai sáng của ĐCS Việt Nam năm 1930, lại còn đ­ược đư­a “đi học” và giúp đỡ các “học sinh” trong trường, giữa lúc Quốc tế chẳng giao nhiệm vụ nào nữa, rồi tới Đại hội Quốc tế năm 1935 chỉ làm “đại biểu dự thính”!

Chú thích

1. Lê Mậu Hãn, Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 5-1990, tr. 18.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự thật, H, 1981, tập 2, tr. 303.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng biên soạn, Nxb Sự thật, H, tr. 38-39, và 40.

4. Văn kiện Đảng, 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản, Hà Nội, 1977, tr. 84-85 và 87.

5. Tạp chí Lịch sử Đảng, bài đã dẫn, tr. 22.

6. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 189-190 (BCH Trung ương lâm thời tháng 2 năm 1930 gồm có: Trịnh Đình Cửu, Trần Lan, Nguyễn Hơi, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Hạ Bá Cang, Phạm Hữu Lầu. -BCH Trung ương do Trần Phú về lập ra tháng 10 năm 1930 gồm có: Trần Phú, Trần Văn Lan, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Đức Trì, Nguyễn Trọng Nha, Lưu Lập Đạo).

7. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 187 và 191.

8. V. Lênin, Toàn tập, bản tiếng Pháp, Nxb Ngoại văn, Moscou, T. 26, tr. 255 và 257.

9. V. Lênin, Toàn tập, sđd, T. 36, tr. 609 và 613.

10. Tạp chí Lịch sử Đảng, bài đã dẫn, tr. 20.

11. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 190-191 và 194.

12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 45.

13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 52-54.

14. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 87.

15. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 80 và 85.

16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr. 1 và 2.

17. J. Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Ngoại văn, Moscou, 1954, bản tiếng Pháp, tr. 35.

18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 314-315.

19. Lê Mậu Hãn, Tạp chí Lịch sử đảng, tháng 5-1990, tr.19.

9/5/09

chùm thơ Phạm Phú Hải (1950-2009)

chùm thơ Phạm Phú Hải (1950-2009)


8.05.2009

những bài thơ sẽ còn lại mãi, sau cái chết nhà thơ

Lão già cỡi con ngựa già
Trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi
Ngọn đồi người ngựa cùng trôi
Chao ôi ta thấy cuộc đời cũng mau




Bà già tắm



Bà già đứng tắm dưới trăng
Trăm con rắn nhỏ vùng vằng chui ra
Bà già đứng tắm tháng ba
Chất xuân run rẩy giữa da thịt cằn
Bà già đứng tắm hung hăng
Có hài ông lão râu giăng trên trời
Bà già đứng tắm mím môi
Nhăn nheo hé nửa nụ cười mỉa mai
Bà già tắm suốt đêm dài
Trăng rùng mình gởi tà cài gốc mây
Bà già tắm tới đầu mai
Bình minh sương muối xuống vài thiết tha
Thanh huy gọi hoàng huy ta
Lão bà ơi có tiếng gà lạc thanh.




Soi



Lỡ cầm địa ngục trên tay
Đốt lên làm đuốc soi ngày soi đêm
Soi vô trái đất rất mềm
Soi ra thăm thẳm rất đen rất dày
Soi chỉ tay thấy ăn mày
Soi chỉ chân thấy đống ngai vàng vàng
Soi đầu làng thấy dân làng
Soi giữa đàng thấy con đàng máu tươi
Soi phố thị thấy ngậm ngùi
Lấn nhau chạy đến hết đời biệt tăm
Soi quanh qua chỗ sẽ nằm
Thấy con trùng đã tri âm bao giờ
Soi lui thiên cổ bơ vơ
Soi tương lai thấy mờ mờ hư vô
Tắt đuốc nhắm mắt ngây ngô
Chân này bước lộn vào mồ chân kia.




Thằng câm



Thằng câm nằm mộng giận người
Sáng ra ú ớ mấy lời quàng xiên
Giữa đời chân đảo chân điên
Bước điên bước đảo huyên thuyên một đời.




Vuốt



Đưa tay vuốt mắt tà huy
Vuốt trăm năm vuốt thầm thì tuổi tên
Vuốt cù lao chín chữ đền
Vuốt xanh cúc đục vuốt mềm tử sinh
Vuốt hoài mây trắng lênh đênh
Vuốt trăm tay vuốt ngàn cành xương khô
Vuốt xuôi trời đất hồ đồ
Vuốt tan nghiệp nguyệt vuốt mờ tồn vong.




Vuốt mắt



Con ngồi trong tối rất lâu
Lắng nghe thiên cổ trở đầu bên tai
Mây vàng đều vó về thai
Mẹ cha sẽ lớn bên hai sinh thành
Ngồi đây giọt lệ lăn quanh
Lệ ôi rơi xuống tan tành ta đi
Đưa tay vuốt mắt tà huy
Mây vàng vó sải lạc về phương nao
Cho con rũ rượm tạ chào
Bình minh mây trắng chiêm bao cuối đường
Con ngồi hú khắp mười phương
Hú bà trăng đỏ hú hương khói mờ
Hú hoàng hôn hú tinh mơ
Mòn hơi con ngất giữa bờ tử sinh.




Khóc giữa thai



Khóc một lần rồi thôi không khóc nữa
Khóc trong thai là tiếng của mây trời
Khóc trong thai là một tiếng cả cười
Là tiếng máu rơi trên bờ lộ vắng
Khi những khách du xưa đều mất dạng
Những hài xưa gió nhặt xếp quanh đây
Để chiều chiều mở hai mắt thơ ngây
Nhìn sương khói mà tưởng mình sương khói
Một âm thanh nhập về hai tiếng nói
Biển sóng reo bập bẹ tử và sinh
Trăm con sông máu mãi mãi vô tình
Nguồn thả xuống một dòng xanh lảo đảo
Giữa trùng khơi ta vẫn ngồi cấm khẩu
Lửa tà huy đốt cháy ngọn tà huy
Ta đứng lên rồi thổ não vô tri
Một phiến máu một phiến gì giữa biển.




Đắng ruột



Có những lúc ta thấy buồn đắng ruột
Mộng huyên thuyên nói chuyện với hai tai
Nghe xa xưa một tiếng lá rời ngai
Còn ngoái lại khoảng trời xanh âu yếm
Bởi ta biết bóng rừng kia bịn rịn
Cuống lá xanh bên lá đã ngả vàng
Đi giữa đời ta cười nói mê man
Ai đâu biết giữa giọng cười nghiêng ngả
Đã ngả nghiêng màu máu tự thiên thanh
Nhìn thấy úa vàng một bãi cỏ đang xanh
Và vội vã chạy quanh những chén đầy mật ngọt
Đã đớn đã đau đã xa đã xót
Góp gió đầy cho một trận phôi pha
Góp gió đầy cho một trận phôi pha




Hà hà hà hà hà hà hà hà hà hà hà…



Có bão bùng chi trong sóng nắng
Sao nghe nằng nặng giữa xương lưng
Có phải hư không trong giây phút ngập ngừng
Rơi xuống cả hồn tôi chiều trĩu nặng
Tôi ngửa hết xương ra chờ giờ mê sảng
Thịt da tôi mà ai đã đem đi
Tảng hồn tôi mà triệu vết đã ghi
Năm cung cũ của triều đàn rộn gió
Trăng xưa ơi màu trăng xưa hội ngộ
Lạ lùng sao mà cũng tịch liêu sao
Dương dương hồ nga nga hồ
Âm thanh gói kín ngón tay khô khốc
Đã lỡ nhốt cuồng phong vào đầy óc
Giọt máu tươi quay lộn tới vô cùng
Ai điên cuồng nhấp cạn chén tà huân
Đập vỡ chén rồi ôm đầu khóc chén
Vết thương cũ ngàn năm hằn giữa trán
Bỗng trưa nay mở miệng ra cười




Bông đang búp



Bông sẽ rụng chiều mai hay sáng mốt
Em có răng thì hãy nghiến mà chờ
Quay lưng rồi những ngõ ngách phôi pha
Một nẻo nói miệng môi tôi dò dẫm
Tôi thấy rõ buổi chiều đang đứng ngọng
Đứng trân trân giữa bước trầm trầm
Họa mi buồn dù chỉ một âm câm
Cũng không mở cũng nỡ lòng không mở
Ôi ai biết chỉ cho ta cánh cửa
Mở cho ta ta sẽ cam chịu làm hề
Bụi bặm người bám đục thảo khê, ơi
Nguồn nước khiết vẫn muôn đời bứt rứt
Vô cùng tưởng khối hồn chùng vô cực
Đàn Bá Nha vẫn vọng dưới mồ lên
Hay thanh âm từ bắc đẩu về tìm
Khói và khói muôn xưa hiển hiện
Ôi mặt trời những tia dài quái hiểm
Những sớm mai những khuya tối chiều trưa
Ta vẫn ngồi nghe một triệu giọt mưa
Rơi thứ tự vào tim ta ngớ ngác
Ôi đằng đẵng gió chiêm bao xào xạc
Rừng hồn ta mà bóng tối mọc từ lâu
Vạn vạn âm linh vọng vọng tự đâu đâu
Vạn tiền kiếp lóe lòa giờ lâm tử
Thôi em nhé, có răng thì em cứ
Nghiến cho lâu, em cứ nghiến đi mà
Nghiến cho lâu, em cứ nghiến, em à

THƠ : HOA RỤNG ( LẠC HOA ) - Trần Hồ Dũng

(*) “ Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh”
Vi Thừa Khánh
( cánh hoa mang theo lòng mối hận
Rụng xuống đất lặng câm )




HOA RỤNG

Trần Hồ Dũng


Ôi , một đóa hoa vội lìa cành
Giận đời hay giận cả trời xanh
Mang theo vào đất niềm câm lặng
Nổi niềm u uẩn cùng thiên thu
Chiều nay chợt nhớ câu thơ cổ
“ Hoa đã rụng rồi hận vẫn đầy “(*)

Hoa ơi !
Hoa cứ rơi lặng lẽ
Hận chi thế gian này
Ta một đời như cỏ
Buồn khác gì hoa đâu


Lòng ta mộ địa
Hứng cánh hoa rơi

Sầu ta nghiêng ngả
Đón hồn tả tơi

Lòng ta rời rã
Ủ cánh hoa tàn

Nghe trong lá cỏ
Cõi hồn ta say !


Tim ta , nhịp gõ
Tiễn hồn hoa đây !

Tim ta, tiếng mõ

Vàng bay ! vàng bay !

tranhodung .saigon. 1.5.2009 .

THƠ - LỆ HOA - Trần Hồ Dũng

LỆ HOA

Trần Hồ Dũng

Em buồn , rơi nước mắt

Lệ hóa thành nụ hoa

Linh hồn ta bối rối

Chạm phải một đóa sầu


Đóa sầu lên tiếng hát

Lời vút cao thành chim

Linh hồn ta váng vất

Hóa thành áng mây trời


Chim buồn , bay về núi

Mây một đời lang thang

Tìm nơi dòng sông chảy

Bóng chim nào vụt qua


“ Chim chẳng mong lưu dấu

Nước nào giữ bóng đâu” (*)


Mây buồn, rơi nước mắt

Hóa thành hạt mưa sầu

Đọng trên cành lá nọ

Giọt nước mắt hoàng hoa


tranhodung . saigon 30.4.2009


GHI CHÚ :

(*)
NHẠN ẢNH
Nhạn quá trường không
ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm

( Thiền sư Hương Hải – Thế kỷ XIII )



Bản dịch của Trần Hồ Dũng :

Ý :
Chim vút qua trời
Bóng chìm sông lạnh
Chim chẳng mong lưu dấu
Nước chẳng muốn giữ bóng


DỊCH THƠ :

BÓNG CHIM

Cánh chim mỏng vút qua trời sương khói

Để bóng mình chìm đáy nước chơ vơ

Chim nào mong lưu dấu trên sông lạnh

Nước chẳng buồn giữ lấy bóng mà chi

THD . SG1995 .

7/5/09

HÓA THÂN

Tiễn ai trời đất hóa vàng

Buồn ai , nến cháy hai hàng áo quan

Người đi , giấc mộng phai tàn

Kiếp người , hạt bụi bên đàng mà thôi

Cát tung , ngựa hí lên rồi

Thôi  người   ở lại , luân hồi ta đi

Còn em về níu xuân thì !

Nhớ nhau , xin gửi đóa Quỳ  khóc  trăng

tranhodung . saigon .30.4.2009