9/11/09

Đặng Tiến : Học hành tục ngữ, ngôn ngữ

Học hành tục ngữ, ngôn ngữ


Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 3 bình luận ♦ 20.10.2009 .

Bài này viết cho mạng Da Màu, trả lời thắc mắc của vài bạn đọc Da Màu về ngôn ngữ. Nó chỉ có nội dung ngôn ngữ học thuần túy, từ tốn đóng khung trong việc chữ nghĩa. Vô bổ cho nhiều người.

Có bạn hỏi về hai câu :

1.có học phải có hạnh
2.có học phải có hành
Thứ tự a, b là theo tiến trình của câu hỏi, không phải là trật tự ưu tiên.

Thắc mắc là: hai câu này có phải là tục ngữ? Là tục ngữ thì câu nào phái sinh câu nào, thậm chí có quan hệ cấu trúc hay không? Nếu không phải là tục ngữ, thì chúng nó ở đâu ra?

Xin lý giải như sau:

1.1 Tục ngữ là câu nói ngắn, thông dụng, súc tích, thu gọn một ý tưởng hay nhận xét về xã hội hay con người. Tục ngữ là câu nói quen tai, quen miệng; khi người sử dụng xem nó là tục ngữ thì nó là tục ngữ.

Người viết lý luận kỹ càng hơn, thường kiểm tra lại câu mà mình cho là tục ngữ, xem nó có trong sách vở hay không, chủ yếu là các bộ sưu tập, như Tục ngữ Phong Dao, 1928 của Nguyễn văn Ngọc, tái bản nhiều lần; có lúc họ dựa trên trí nhớ văn học: « Ở bầu thì tròn » chẳng hạn, nhất định là tục ngữ, vì đã có trong thơ Nguyễn Trãi, từ đầu thế kỷ XV.

Khi không tìm thấy trong văn liệu, thì một là bỏ qua không nhắc tới, hai là đặt nghi vấn.

1.2 Có học phải có hạnh không hiện hình trong các sưu tập, văn liệu mà tôi có dưới tay. Tham khảo các chuyên gia về ngữ học, thì không ai biết, nhưng có người nhớ mài mại là có nghe đâu đó.

Cuối cùng, tìm mãi cũng phải ra: trong Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước), câu Có học phải có hạnh là đầu đề bài số18, trích dẫn một câu nói của Sài Thế Viễn nhân vật trong bài, dịch từ chữ Hán (tr. 23). Sách trong loạt Việt Nam, tiểu học tùng thư, do các nhà giáo Trần trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn văn Ngọc và Đặng đình Phúc soạn thảo, khoảng 1920, do nha học chính Đông Pháp phát hành dưới danh nghĩa Rectorat de l’Université Indochine (Viện Đại Học Đông Dương) và phổ biến ở các trường tiểu học toàn quốc. Bản tôi sử dụng, tái bản 1948, nhưng từ 1935 đã in lại lần thứ 8. Không biết ấn bản đầu tiên là năm nào.



Phụ bản 1: Quốc Văn Giáo khoa Thư, lớp Sơ Đẳng (lớp ba thời trước).
Đầu đề bài số 18: Có học phải có hạnh




Phụ bản 2: Bìa sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – ấn bản 1948

Câu này, các thầy, cô giáo thường nắn nót chép lên bảng, phía trên cao, trước giờ vào lớp. Lâu ngày nó thành cách ngôn. Xem nó là tục ngữ hay không thì tùy người. Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Hà Nội, 1999, có câu a này. Nhưng không có câu b sau.

1.3 Câu b, có học phải có hành, là tục ngữ, hiện hình trong nhiều sách, cơ bản là các sách chuyên đề: Tục Ngữ Việt Nam [1], 1975, tr. 309, tái bản 1993, tr. 323, của nhóm Chu Xuân Diên, hay sách cùng tên 1995, tr. 118 của nhóm Nguyễn Xuân Kính [2]. Họ đều là chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian. Hai sách chuyên khảo này không ghi câu a. Sưu tập cơ bản của Nguyễn văn Ngọc, 1928, không ghi cả hai câu a lẫn câu b.

2.1 Vấn đề tiếp theo: hai câu a và b có quan hệ không? Theo tôi thì không, chúng nảy sinh và phát triển theo hai mô hình ngôn ngữ khác nhau. Vì không biết câu nào có trước nên không nói được là câu nọ sinh câu kia. Câu b có học có hành thấy trong sưu tập 1975, thì phải xuất hiện trước đó, không biết từ bao giờ. Có học có hạnh có thể xuất hiện từ thập niên 1920, có thể lá sáng kiến của người làm sách giáo khoa, nên không được các chuyên gia xem như tục ngữ, ví dụ và kể cả Nguyễn văn Ngọc là người đồng soạn Quốc văn giáo khoa Thư. Hoặc các tác giả Từ điển Khai Trí Tiến Đức, 1931, cùng ở trong nhóm tu thư này.

Không biết, thì nói là không biết.

2.2 Có học có hành có thể phát triển qua từ kép học hành, vừa láy âm vừa quan hệ nghĩa, thông dụng từ lâu, vì có trong từ điển A.de Rhodes 1651. Hay ca dao :

Làm thơ mà dán gốc chanh,
Trai bỏ học hành, gái bỏ bán buôn
Gái bỏ bán buôn, gái còn lịch sự
Trai bỏ học hành, một chữ năm roi

Có học có hành phát triển theo quy luật từ kép nhân đôi. Ví dụ «có tật có tài», «có tiếng có miếng», tạo ra tục ngữ, thành ngữ tứ tự, bốn chữ, thường gặp trong các ngôn ngữ đơn âm, như tiếng Việt, tiếng Hoa…

Về mặt ý tưởng, khái niệm «học hành» gặp tư tưởng «tri hành» ngày xưa, «biết dễ, làm khó» (tri dị hành nan). Tôn Văn đổi lại: «biết khó, làm dễ» để khuyến học. Sau này lại gặp tư tưởng phương tây: lý thuyết (học) nên đi đôi với thực hành, một phương châm đắc dụng trong trường học ngày nay.

2.3 Câu «có học phải có hạnh» cũng có thể phát xuất từ hai khái niệm học và hạnh, dù rằng tiếng Việt không có từ kép «học hạnh», có lẽ vì chữ học là động từ, chữ hạnh là danh từ. Nhưng về âm vang, thì hai từ này đôi lứa xứng đôi.

Trong truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều bị Thúc Ông truy tố, và được quan tòa tha, câu 1469, vì:

«Thương vì hạnh, trọng vì tài».

Hạnh đây là nết na, và tài là tài làm thơ của cô gái lầu xanh. Có thể câu thơ đi từ tục ngữ «hữu tài vô hạnh» được ghi trong Từ điển Khai Trí. Từ vô hạnh khá thông dụng.

Nết na, là một quan tâm của nhà nho xưa. Khi bước vào trường quốc ngữ đầu thế kỷ 20 thì họ chuyển vào sách giáo khoa: «có học phải có hạnh», phát huy ý tưởng đạo đức, hạnh kiểm, vào cách ngôn êm tai : học – hạnh.

2.4 Xin đề xuất thêm một giả thuyết. Việt Nam bước vào thế kỷ XX, Âu hóa và canh tân, giống như Âu Châu khi bước vào thời Phục Hưng, với những tiến bộ tư tưởng và khoa học. Các nhà nho cuối mùa làm Quốc văn Giáo khoa Thư, vào lúc giao thời, là những nhà tân học đầu mùa; họ còn nặng ảnh hưởng văn hóa cổ truyền, mà lại nồng nhiệt với trào lưu khoa học mới, nên tâm đắc với câu nói của Rabelais, thời Phục Hưng, mà khi đi học, họ phải học thuộc lòng.

Và phải bình giảng trong luận văn: Science sans conscience n’est que ruine de l’âme (Tri thức không có lương thức chỉ là tàn tạ của tâm hồn). Các cụ rất khoái những câu như thế này, văn Tây mà ngân nga như tứ thư, ngũ kinh: cũng đối ngẫu, cũng luyến láy, cũng hình tượng và cũng đạo lý như…Ta! Hay không kém gì Ta!

Kết quả: tri thức mà không có lương thức… trong ý thức hay vô thức, nó sinh ra một cái gì đó, na ná, xêm xêm, như… có học phải có hạnh.

Nhưng đây là giả thuyết của tôi, chỉ đáng giá đúng cái giá của nó. Nghĩa là không bao lăm.

Đặng Tiến
16-10-2009



--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương văn Đang, Phương Tri, nxb Khoa Học Xã Hội, 1975, và 1993, Hà Nội

[2] Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Xuân Kính, Phan Hồng Sơn, nxb Văn Hóa, 1995, Hà Nội.

------------


3 bình luận »
đứa bé viết:
Lại cũng là dấu nặng lắc lơ lâu lâu rồi. Đứa bé kính gởi đến Học giả Đặng Tiến mấy lời :
1) Có học phải có hạnh : câu này không bền bĩ và ít người biết có lẽ vì 2 lý do :
a) Về đồng nghĩa, câu này không mang sức nặng và chiều sâu tư tưởng bằng câu Tiên học lễ hậu học văn.
b) Chữ HẠNH rất mông lung, mông lung cả trong cái đạo Công dung ngôn hạnh, càng mông lung hơn trong câu Kiều 1469 : Thương vì hạnh trong vì tài. Hạnh của Kiều là hạnh gì ? Hạnh làm sao ? Cần phải bàn lại.
2) Ngay trong câu chuyện của Sài Thế Viễn, không ai không nhận ra 2 chữ Học – Hành đã được sử dụng. Chữ Hạnh chỉ là nói tắt của Phẩm hạnh. Lại phải nói rõ chút nữa :
a) Hạnh không thể xứng đôi vừa lứa với Học để thành 1 câu lưu đời được. Trong nội hàm chữ Học đã có chữ Hạnh. Học ăn học nói học gói học mở. Học kĩ thuật, học kinh thư, học đạo đức, học yêu đương… Như vậy, nôm na, Hạnh cũng chỉ là một môn học.
b) Học đi đôi với hành : đúng như Học giả Đặng Tiến xét, 2 từ này mới thực sự tạo nên một trường nghĩa bền lâu và có giá trị.
Đứa bé nôm na non nớt vậy thôi.
.- 20.10.2009 vào lúc 9:10 pm
Lê Hữu viết:
Phần lý giải và truy tầm gốc gác hai câu “Có học phải có hạnh” và “Có học phải có hành”.
của anh Đặng Tiến rất đạt tình đạt lý, lại có trưng dẫn tài liệu rất “có sức thuyết phục”.
Phải phục cung cách làm việc rất cẩn trọng của anh Đặng Tiến, đã soi sáng thêm về… “ngôn ngữ”, “tục ngữ”.
Về tài liệu “Quốc văn giáo khoa thư” ấy, tôi cũng đọc được trên online trước đây thưa anh, nay được xem bản chụp của anh, càng thêm mức khả tín.

Một tài liệu tương tự, sách “Luân-lý Giáo-khoa thư” lớp Sơ-đẳng, cũng do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, Nha Học-chính Đông-pháp xuất bản (1941, in lần thứ 13), cũng có câu ấy, “Có học phải có hạnh” (trang 24), được minh họa bằng chuyện kể về Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu. Bên dưới là một trong các link dẫn vào trang web chụp lại một số trang của tài liệu này. Anh có thể vào xem cho vui:

http://vietnamlibrary.informe.com/lunon-ln-ginoo-khoa-th-vtddam-trang-1-50-dt2500.html

Thân kính,
.- 21.10.2009 vào lúc 8:28 am
Đặng Tiến viết:
Nết na trả lời anh Đứa Bé:

1.Trong câu Kiều 1469, chữ hạnh nghĩa là nết na, chủ yếu là của người phụ nữ; đây cũng là nội hàm chính của chữ ấy.
Đào duy Anh có lý khi giải thích dứt khoát như vậy.

Kiều, cô gái lầu xanh , khi ấy đã trả lời quan phủ, bằng câu 1423, để đời:

“Đục trong thân cũng là thân”.

Nhà thơ Vũ hoàng Chương, giai đoạn cuối,1976, khẳng định tư cách của mình với câu này.

2.Trên cơ bản, anh không phản biện, mà đã cũng cố thêm quan điểm của tôi. Chỉ sợ mất lòng người khác.

Thôi,bỏ qua đi,phiên phiến thôi.
Nói sang chuyện khác.

Đặng Tiến
.- 21.10.2009 vào lúc 9:34 am

Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng

Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng

Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦

♦ 23.04.2009 .Bài báo « Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị » của Trịnh Cung trên mạng Damau.org ngày 01.4.2009 đã gây ra nhiều âm thanh và cuồng nộ.

Là người có dính líu ít nhiều đến nội vụ, tôi đã được bạn bè yêu cầu lên tiếng. Đáp lại những yêu cầu chính đáng ấy – nhất là từ mạng damau.org – tôi xin nói ngay, vắn tắt:

a) Tôi không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, về đại ý cũng như cung cách diễn đạt. Nhưng theo một châm ngôn, tương truyền của Voltaire: “tôi không tán thành những điều anh nói, nhưng nguyện phấn đấu đến tàn hơi, để anh được nói lên những điều đó”. Điều này, tôi học lóm được nơi các nhà tranh đấu cho dân chủ ở phương Tây.

b) Bài báo của Trịnh Cung nêu lên một câu hỏi chính trị; cuộc tranh luận gay gắt từ lúc đầu, kéo dài đến hôm nay – hơn ba tuần – mang bản chất chính trị, không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.

Có những tranh luận nâng cao, mở rộng tư cách người viết và người đọc. Có những tranh luận làm con người thấp xuống, nhỏ lại. Biết vậy, mà vẫn phải nhận.

c) Trước một án mạng, người điều tra thường đặt câu hỏi: án mạng có lợi cho ai?

Trước hằng loạt bài báo gây thương tổn, tôi thắc mắc: cuộc tranh luận không tốt đẹp này, có lợi cho ai?

Tôi không có câu trả lời. Người nào có được giải đáp, tấc lòng sẽ thanh thản hơn.

Chấm dứt phần chính yếu.

Dưới đây, chỉ là phụ chú.

*

Nói là dính líu đến nội vụ vì tôi thân thiết với nhạc sĩ đã quá cố và họa sĩ suýt quá cố. Cách đây hơn tháng, từ Pháp về nước, ghé Sài gòn hơn tuần, tôi đã đến thắp hương cho Sơn hai lần, một lần đi với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vào, một lần với nhà văn Lữ Quỳnh từ Mỹ về, vào chiều 27 tháng hai. Trước và vào ngày đó, tôi có gặp, đi ăn cơm và rong chơi với Trịnh Cung nhiều lần. Để nói rằng giữa chúng tôi, không có vấn đề gì.

Ngoài ra, với những nhân vật chính yếu được nhắc nhở tới, với tôi đều là chỗ “thâm giao” (chữ này của Trịnh Cung). Do đó nhiều người muốn tôi lên tiếng.

A – Tham vọng hay không ?

A1. Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. Cả hai ông họ Trịnh là những công dân giàu lòng ưu ái với đất nước. Vậy thôi.

A2. Bài báo của Trịnh Cung không chứng minh được tham vọng chính trị của nhạc sĩ. Cao điểm của bài là đoạn TCS cuối tháng 4-1975 chờ chức Quốc vụ Khanh. Đây quả là “tham vọng”. Nhưng TC nhớ nhầm thời điểm: chuyện xảy ra khoảng 1970, và do lời Nguyễn hữu Đống kể lại. Đống là ai, thì TC đã nói rõ. Nhưng sự kiện và thời điểm, vẫn theo lời Đống là thế này: khoảng 1970, chiến tranh tàn khốc và trở thành phi lý, vì đã có Hòa hội Paris. Đống và các bạn âm mưu một cuộc đảo chánh trong hòa bình, với lực lượng thanh niên, sinh viên thành phố biểu tình, đốt đuốc tuần hành, và sẽ có những đơn vị quân đội lật đổ chính quyền Thiệu. Âm mưu mà thành công, thì người bạn của Đống (không phải là anh rể), là TCS, sẽ giữ bộ văn hóa, nhạc Kinh Việt Nam (1968) sẽ được dùng làm quốc ca.

Đống cũng còn nói loạt bài Kinh Việt Nam là do anh gợi ý cho tác giả. Tôi cho rằng không đúng.



Đặng Tiến & Nguyễn Hữu Đống

Đấy là lời Đống, kể cho nhiều người nghe, có lẽ cho TC năm 1992, và cho tôi nghe nhiều lần, lần cuối vào tháng 12.2007 tại nhà tôi, tại Pháp. Trước đó ít lâu, anh có kể cho Nguyễn Đắc Xuân, ông này viết lại nguyên si trên tạp chí Hồn Việt, số 1, tháng 7-2007, mà không mách xuất xứ.

Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch.

A3. Chi tiết này chứng tỏ TC không am tường chính trị. Những ngày cuối tháng 4-1975, Sài gòn sống trên dầu sôi lửa bỏng. Việc thành lập chính quyền Dương văn Minh với thủ tướng Vũ văn Mẫu là cuộc thương lượng gian nan. Làm sao có chỗ đứng cho phó thủ tướng Nguyễn hữu Đống hay quốc vụ khanh Trịnh Công Sơn ? Làm sao TCS lại là đại diện Phật giáo ? Sơn là phật tử nhưng có hoạt động cho đảng phái Phật giáo ngày nào đâu ? Đại diện Phật giáo lúc ấy là thủ tướng Vũ văn Mẫu. Đại diện Công giáo là Nguyễn văn Huyền, phó thủ tướng hay phó tổng thống gì đó. TC bỏ công đi hỏi Lý Quý Chung làm gì ?

Một khi không am tường chính trị và thời sự thì làm sao gán cho người khác tham vọng chính trị ?

Ngoài ra, chính TC cũng nhận xét « không có chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa MTGPMN và TCS… (…) TCS không ở trong một đường dây nào của tổ chức ».

Muốn có tham vọng chính trị thì phải có đảng phái, đoàn thể. Ba tập nhạc phản chiến không đủ chứng minh « ý thức làm chính trị chống chế độ Sài gòn » như TC nói. TCS chỉ chống chiến tranh qua sáng tác âm nhạc, chứ không « làm chính trị chống chế độ ».

Và rồi nhiều bài trong ba tập nhạc phản chiến nói trên hiện nay vẫn không được hát.

Độc giả nào đọc đến đây, nghĩ như tôi rằng TC không am tường chính trị, thì có thể chia sẻ với tôi : cuộc tranh luận này có đáng gì đâu mà phải ồn ào và nặng lời với nhau.

A4. Vậy thì nguồn gốc tranh biện ở đâu ?

Nó bắt nguồn từ hiềm khích của TC với TCS, đã có từ lâu, về việc TCS hợp tác với chính quyền sau 1975. Năm 1978, TC đi học tập về, TCS xin được hộ khẩu từ Huế vào lại Sài gòn. Mùa hè 1979, tôi từ Pháp về thăm nhà. Tháng 8.1979, gặp TC tại Sài gòn, tôi hỏi : « Lâu nay ông có gặp Sơn không ? ». Đáp : « Moa không chơi với nó ». Hỏi : « tại sao ». Đáp : « Nó thỏa hiệp với chính quyền ». Hỏi : « Thì phải làm vậy để sống và sáng tác chớ ? ». Đáp : « Nhưng nó không cần làm tới mức đó ». Hỏi : « Bây giờ tôi đi gặp nó, ông có đi với tôi không ? ». Đáp : « Ừ, đi thì đi ».

Vậy là tối hôm ấy, hai ông đã tái hợp tại nhà thân nhân tôi, số 4 đường Phan Kế Bính, quận 1, cùng với nhiều bạn họa sĩ, bạn cũ, có thêm người mới nhập tịch là họa sĩ Lưu Công Nhân.

Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».

Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra.

A5. Nhưng tại sao hôm nay anh mới nói ra và phát biểu dữ dằn như vậy, lại nhằm ngày giỗ bạn ?

Xin thưa : Để giải tỏa những ẩn ức, bức xúc làm cho anh « quằn quại ». Ngày TCS mất, TC đang ở Mỹ và lâm bệnh, tưởng là nan y. Trong buổi tưởng niệm TCS do báo Người Việt tổ chức tại quận Cam, đầu tháng tư, năm 2001, anh đã phát biểu hăng say, ca ngợi TCS hết mình, tại một miền đất khách gồm nhiều người căm hận TCS. TC tự cho mình là chí tình và dũng cảm. Bây giờ về lại quê nhà, giữa một rừng hợp xướng tụng ca chối tai thì TC ngột ngạt, ân hận rằng có lúc nào đó mình đã nói quá đà. Những lời mình xưng tụng bạn, thì cũng na ná như bản đồng ca. Còn những u uất của riêng mình, của bè bạn, và của khối quần chúng không có tiếng nói thì không phát biểu được. Vậy TC phải nói, trên một mạng lưới điện tử ở hải ngoại, cho được tự do.Và nói vào ngày giỗ, vì trước kia mình đã phát ngôn vào ngày tưởng niệm. Mình chỉ nói được nửa sự thật, thì bây giờ nói nửa phần còn lại. Do đó hai diễn ngôn, 2001 và 2009 mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch. Kỳ thật, đây là hai mặt của một đồng tiền, không mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau. Nó còn biểu hiện cái lô gíc trong nội tâm, ý thức, và tiềm thức của một TC ẩn ức muốn tự giải thoát ra khỏi « ngục tù trong tôi suốt 30 năm qua » bằng một bài viết với kết luận « không còn một sự lựa chọn nào khác ».

Tiếc rằng tâm sự của anh bị phản kích kịch liệt. Một phần lỗi tại anh : bài viết thô tháp, thiếu tập trung, thiếu chính xác. Phần khác, còn nhiều lý do ngoài sự dự đoán của anh.

Khoảng 1956, Nguyễn Tuân lên thượng du, từ Sapa gửi về Tô Hoài một lá thư không ghi ngày tháng, khoảng 100 chữ vu vơ, kèm theo tái bút : « Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó ». Bây giờ TC chạm vào tổ ong, đành phải chịu hậu quả.

Nhưng vẫn còn những thắc mắc, ví dụ câu hỏi của Lữ Phương, hay Phương Ngạn trên mạng Eo gió : « phải chăng có một thế lực nào đó đang đứng sau lưng TC, xúi dục ông đi ngược với lương tri ?».

Tôi nghĩ trả lời được : Không có thế lực nào xui dục TC (và Phương Ngạn), anh cũng không đi ngược lại lương tri mà trái lại còn tuân theo thôi thúc của lương tri.

Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ngược lại tôi: đằng sau tràng đại pháo oanh kích tự do lên TC, thì có thế lực nào chăng ? Thì tôi chịu thua, không trả lời nổi.

Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống như trong mê hồn trận : ngẩng lên thì sợ đầu chạm tổ ong, bước xuống thì sợ chân đạp tổ kiến. Trong một cuộc đời lắm ong nhiều kiến.

A6. Tiện việc, cũng nói qua về cái tên Trịnh Cung : tôi hoàn toàn không biết gì về việc anh mượn họ của người bạn nhạc sĩ để làm bút danh. Thời 1962, tôi quen anh, chưa có bút danh này. Bức tranh Mùa thu tuổi nhỏ – được giải thưởng tại cuộc triển lãm quốc tế cuối năm 1962 – ký tên Nguyễn văn Liễu. Sau đó, anh mới lấy bút danh Trịnh Cung, mà chúng tôi gọi đùa là Tử Cung. Thời này TCS dạy học ở Blao và chưa nổi tiếng. TC ở tại số 18 chợ Trương Minh Giảng, trong một căn phòng nhỏ, 3×4m, thường đi chơi với nhóm nhà thơ Ninh Chữ, Hoàng Trúc Ly, triết gia Phạm Công Thiện, thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Nhóm này không thân với TCS.

Có lần ai đó hỏi về bút hiệu mới – không có ý nghĩa gì cả – thì TC trả lời chọn vì âm vang và tiện cho việc ký tên dưới bức tranh. Tên thật Nguyễn văn Liễu dài quá. Hai chữ Trịnh Cung gọn gàng và dễ ký đẹp. Anh còn cho biết thêm là đã tìm ra bút danh này trong một cầu tiêu khi tạm trú ở nhà ông bác phía Tân Định-Đa Kao gì đó. Tôi tin vào lời kể của đương sự hơn là giả thiết mượn họ của người khác làm bút danh cho mình.

Còn lý do khác : TC là người tự cao, thậm chí kiêu kỳ. Chơi trò gì, chơi với ai, anh cũng thường muốn chơi trội, cao hơn thiên hạ một cái đầu, ai may mắn lắm mới được họa sĩ xếp ngang vai. Nhiều người không ưa anh vì tánh tình, chứ không phải vì chuyện thị phi. Một họa sĩ lừng danh từng thân thiết với TC, trong Hội Họa sĩ Trẻ, sang Paris, tôi hỏi thăm TC, được trả lời « mình không gặp ». Hỏi « tại sao ? ». Đáp « thằng đó lối lắm ».

Từ lời kể của TC, đến những sự kiện tôi chứng kiến, đến tâm tính TC, tôi cho rằng bút danh TC không do vay mượn.

Mà nói cho cùng, dù anh có mượn họ của TCS làm bút hiệu, thì khi anh bất bình cũng phải cho anh phát biểu chứ ?

B –Gạn đục khơi trong .

Bài báo của TC nêu lên những nghi vấn về chính trị, nhưng không lấy gì làm thời sự, chỉ khơi lại những chuyện cũ đã xa xưa. Bài đăng trên mạng Damau.org ở hải ngoại. Nhưng lập tức báo Thanh Niên là báo giấy có thế lực lớn trong nước, của đoàn thể, có chỉ đạo, phản ứng thô bạo, lên án TC bằng tiêu đề « Ngậm máu phun người ». (Cái gì mà ghê gớm vậy ?)

Tiếp theo là Vietnamnet, báo mạng của nhà nước. Cuộc tranh luận – tranh nhiều hơn luận – mỗi lúc một gay gắt, thấp kém, trong khung chính trị đậm nét.

Nhà văn Lữ Phương giàu kinh nghiệm đã nhận định đúng : « tất cả những gì đáng nói ở đây là nội dung chính trị trong cuộc đời TCS chứ không phải là giá trị của tác phẩm nghệ thuật » (mạng Viet-studies, ngày 6-4). Vậy chẳng nên dài dòng về nghệ thuật, cũng không nên rề rà về chuyện bạn bè tình nghĩa.

B1. Nối vòng tay lớn : Việc TCS lên đài Sài gòn trưa ngày 30-4-1975, hát Nối vòng tay lớn là một sự kiện biệt lập, đã xảy ra trong bối cảnh lịch sử, quân sự, chính trị, tâm lý, phức tạp. Không thể trình bày giản lược như TC đã làm : « hát Nối vòng tay lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS tác giả của ca khúc đã dự báo cho ngày huy hoàng này của quân giải phóng và bi thảm cho VNCH ».

Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người cảm nhận, tiếp thu một cách khác nhau, giải thích khác nhau. Với thời gian, sự kiện có nơi loãng đi, có nơi đanh lại. Bàn cãi vô ích mà có khi còn làm con người đã xa nhau, càng xa nhau.

Theo tôi thì lúc ấy, TCS mừng hòa bình hơn là mừng chiến thắng. Bài hát làm từ 1968, bày tỏ khát vọng đoàn viên, chứ không dự báo điều gì. Bài hát ấy, những con người ấy, cây đàn ghi-ta ấy, thời điểm ấy, địa điểm ấy, trùng phùng trong một cơ may. Không ai dự báo, tiên liệu hay xếp đặt được.

Sài gòn hôm ấy, buổi trưa ấy, chưa hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của lực lượng Giải phóng. Đài phát thanh nằm trong tay một nhóm sinh viên và thanh niên. Gọi họ là Việt cộng, là tay sai Cộng sản cũng được, nhưng trên bản chất chính yếu, họ là tuổi trẻ của Sài gòn, của Miền Nam, nói là của VNCH cũng được. Họ không là kẻ chiến thắng, cũng không là người chiến bại : có đánh chác gì đâu mà thắng với bại.

Nối vòng tay lớn nói là khúc hát Khải hoàn, hay tiếng hát Thiên nga, hay tiếng hát Dã tràng, đều được. Sáng tác 1968, và thai nghén trước đó, Nối vòng tay lớn 1968 là khát vọng, tháng 4-1975 là khát vọng, hôm nay tháng 4-2009 vẫn là khát vọng.

Mà dường như vòng tay ai đó mỗi ngày một khép.

Khát vọng hòa bình là tâm thức của một thời đại. Trịnh Cung 1969 có một bức sơn dầu tuyệt vời, tên bằng tiếng Pháp là Le Jeune troubadour (Đứa Trẻ Du Ca), 100 x 80cm, vẽ cậu nhạc sĩ trẻ, ôm đàn ca hát hòa bình đang trở về, một buổi mai thôn xóm, có con chim non về đậu trên mái tóc. Tuổi trẻ, ôi tuổi trẻ của chúng ta, gian nan và thống khổ, sao mà thơ ngây và mơ mộng đến thế !!!

B2. Tôi ra nước ngoài từ 1966, nói chuyện 1975 là dựa vào tư liệu. Về tiếng hát TCS, trưa ngày 30-4, tôi mường tượng ba loại phản ứng :

x-) Những người hân hoan, mừng chiến tranh chấm dứt. Bài hát bày tỏ ước mong đoàn tụ ; ước mong hòa hợp dân tộc không thành, lỗi không phải tại người dân.

y-) Những người công phẫn, oán trách thái độ phản trắc. Bây giờ trong nước hay ngoài nước vẫn còn oán hận.

z-) Những người bàng quan, không đặt vấn đề gì. Chuyện bọt bèo của lịch sử, cái gì đã qua thì cho qua. Hát hay không hát, cũng đến vậy thôi. Bỏ đi Tám.

Mỗi thành phần có tỉ lệ bách phân ra sao thì không rõ, đề nghị độc giả đoán giùm. Vui thôi.

Thành phần x có tiếng nói, dồi dào, trong và ngoài nước ;

Thành phần y, chỉ có tiếng nói ngoài nước. Nay có TC, ở trong nước, phát biểu giúp họ một số ý kiến thì cũng là một giải tỏa cho người trong nước.

Thành phần z không quan tâm, cho cuộc tranh luận là lỗi thời vớ vẩn.

Theo tôi, cả ba thành phần đều có cái tình, cái lý riêng, cần được lắng nghe và tôn trọng. Đồng ý hay không, không nhằm nhò gì, nhất là hơn 30 năm sau.

B3. Nhân vụ việc đài phát thanh này, xin bổ sung về Tôn Thất Lập

Thời điểm tháng 4-1975, anh ở Paris, trong phái đoàn sinh viên yểm trợ MTDTGPMN dự hòa hội. Anh trú ngụ tại nhà bạn Việt kiều cùng lứa tuổi, số 2 Square des Mimosas, thường lui tới hội Huynh đệ Việt nam, số 18 đường Cardinal Lemoine, tôi thường gặp anh ở đây và một vài buổi chiêu đãi hội, hè gì đó. Anh có xuất bản tập nhạc « Cánh chim từ vùng lửa đỏ » 1974 Paris, nay tôi còn giữ trong tay. Tham dự buổi phát thanh 30-4-1975 tại Sài gòn dĩ nhiên không thể có mặt Tôn Thất Lập. Hôm ấy có nhiều người, có cả ký giả nước ngoài. Tôi thử hỏi vài người hiện diện thì không ai nhớ chuyện đuổi TCS ra khỏi đài phát thanh.

B4. Nêu câu hỏi này nọ, là quyền của TC, về bất cứ đề tài gì. Tiếc rằng cách trình bày của anh làm mất hiệu lực vấn đề được nêu lên.

TCS là nhân vật của công chúng. Đánh giá tư cách nhạc sĩ, là quyền của công chúng, trong đó có TC. Anh lại có quyền sử dụng những hiểu biết riêng để minh họa cho lý luận. Nhưng anh không cần viện dẫn cuộc chiến tranh đã qua, vì không có ích lợi gì cho lập luận, mà chỉ khơi lại : « những oán hận dai dẳng vần con chưa dọn sạch, những tâm thức tàn dư của một thời xung đột đã qua, nay vẫn còn đè nặng lên tâm tư nhiều người Việt, từ bên này đến bên kia » như Lữ Phương đã nhận xét.Cụ thể hơn nữa, TC không cần trở lại vị thế sĩ quan cũ, không cần biện minh, kết án, ít nhất là trong đề tài này ; con đường anh trải qua, không liên quan gì đến con đường TCS, và nhiều người khác, đã chọn. Đây lại là chuyện tự do và dân chủ.Vả lại, có ai tắm lại được hai lần trong cùng một dòng sông ? Lập luận của anh, do đó không những mất hiệu lực, mà còn cho tạo cảm giác ẩm mốc, « cái mùi chơi trội kiểu chiến tranh tâm lý ở Miền Nam trước 1975 » (Lữ Phương).

Bản chất chính trị của đề tài kéo theo cuộc tranh luận khập khểnh, là việc không tránh được. Nhưng chính anh tạo điều kiện cho nó xuống cấp. Anh không gạn đục khơi trong. Mà đã làm ngược lại

Thông cảm với anh, khi anh đau lòng kết luận « không còn sự lựa chọn nào khác », tôi thành thực nghĩ rằng : vẫn một chọn lựa nội dung ấy, anh còn nhiều cách nói khác ôn tồn hơn.

Bài viết TC, với những sai sót, nhược điểm, chứng tỏ niềm cô đơn ghê gớm của anh. Thời xưa, một người bạn thân thiết đã có câu thơ anh tâm đắc, thường ngân nga:

Cô đơn đỉnh núi gần trời

Nghiêng vai ta khoác nụ cười áo xanh

Niềm cô đơn êm ái ấy, nụ cười áo xanh nọ, thời gian kia, nay đã xa khơi. Có u hoài, là tiếc cho « mùa thu tuổi nhỏ » 1962 xa khơi, chứ không phải TC « cô trung cho một thực thể chính trị bóng ma » như Lữ Phương đã viết, hơi nhanh, hơi gọn. Và Lữ Phưong đặt « giả thuyết » : « TC mượn TCS như một cái cớ để bày tỏ nỗi cô trung chính trị của mình, gửi tới các chiến hữu từ xa như một cách góp phần kỷ niệm những ngày tháng tư đen sắp tới ».

« Giả thuyết » như vậy là ác, là lập trình bản án dụng tâm (procès d’intention). Mà theo tôi vừa không đáng vừa không đúng : TC không có chiến hữu nào cả, nếu có thì đã có người biên tập lại bài báo cho tề chỉnh và tuyên truyền hiệu quả hơn.

Vả lại thời buổi này, người khôn của khó, ai dại gì đi làm « chiến hữu » với TC ?

Ngoài đề

Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc.

Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề.

Hiện nay, tại Paris đang có cuộc triển lãm lớn về danh họa gốc Nga Kandinsky, ông tổ của nền hội họa trừu tượng, đánh dấu cái nhìn mới về nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX.

Trong hồi ký Nhìn lại Quá khứ, Kandinsky kể rằng, năm 1908, tại Murnau (Đức quốc) một buổi chiều đi chơi về, ông bắt gặp một bức tranh lạ lùng, tuyệt diệu, mà không nhận ra được đề tài. Nhìn kỹ, ông nhận ra là tranh của chính mình nhưng treo lệch theo chiều cạnh, không đúng hướng. Từ đó, ông thôi vẽ theo hình dung, mà sáng tác, lập thuyết trừu tượng.

Chuyện thật và không thật.

Thật vì chính tác giả kể lại

Không thật vì một trường phái hội họa, một khúc quành lớn trong lịch sử mỹ thuyật loài người, không thể nảy sinh từ một sự kiện tình cờ, một bức tranh treo ngược. Hội họa trừu tượng đã manh nha trong tiềm thức nhân loại từ thời tiền sử.

Từ giai thoại này, ta thấy : không thể từ một hay nhiều sự việc, dù có thật, trong một đời người, mà suy ra cuộc sống của người ấy, nhất là một nghệ sĩ.

Rồi từ cuộc sống có thực của người ấy, ta không thể suy diễn ra giá trị nghệ thuật mà họ sáng tạo.

Từ sự kiện đến cuộc đời, rồi từ cuộc đời đến tác phẩm, con cá chép phải vượt qua ba cấp, « vũ môn tam cấp », để hóa rồng.

Rồng là một chủ đề quen thuộc trong văn chương, nghệ thuật đông và tây phương.

Dù rằng, hay chính vì, rồng chưa bao giờ có thật.

Rồng chưa bao giờ có thật.

Đặng Tiến
Orleans, 21.04.2009




12 bình luận »
Minh Đức viết:
Trong phần mở đầu bài viết Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị, tác giả Trịnh Cung có trích ra câu trong sách của Hoàng Tá Thích: “Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”, và trong bài viết của Bửu Chỉ: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” và dưới đó là những chi tiết đưa ra để chứng minh rằng Trịnh Công Sơn cũng có những quan tâm, những toan tính về chính trị. Đầu đề “Tham vọng chính trị” dễ làm cho người đọc hiểu đó là tham vọng quyền hành cho cá nhân. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới. Trong chuyện Nguyễn Hữu Đống cho Trịnh Công Sơn làm một chức vụ gì đó trong chính quyền mới thì việc Trịnh Công Sơn có muốn giữ một chức vụ nào đó trong chính quyền hay không mới là quan trọng. Nếu Trịnh Công Sơn quả tình có muốn một chân trong chính quyền thì quả là Trịnh Công Sơn cũng có tham vọng chính trị, có toan tính chính trị cho bản thân. Theo như cách thuật lại của cả Trịnh Cung và Đặng Tiến, dù cho có khác nhau, thì Trịnh Công Sơn không từ chối một chức vụ mà Nguyễn Hữu Đống đề nghị. Việc TCS gia nhập phong trào đấu tranh lật đổ chính quyền miền Nam thì đã quá rõ là có quan tâm đến chính trị. Cũng như việc TCS đồng ý với đường lối của MTDTGPMN khi nghe Nguyễn Ngọc Lan bàn cũng là có đề cập đến chính trị. Chuyện xét cho Trịnh Công Sơn làm đảng viên đảng CSVN cũng là bằng chứng cho thấy TCS có tham vọng chính trị. Dù cho có phải là Hoàng Hiệp bác đi hay không, dù cho việc kết nạp vào đảng CS không thành thì việc TCS có ưng vào đảng CS mới là yếu tố quan trọng. Giả sử nếu việc kết nạp được chấp thuận thì TCS có từ chối vào đảng CSVN hay không? Theo Trịnh Cung kể thì TCS quả có ý muốn xin vào đảng CSVN nhưng ý muốn đó không thành tựu. Việc TCS chấp nhận phục vụ cho chế độ CSVN, nhờ thế mà xin được hộ khẩu tại TPHCM và được cấp nhà cũng là dấu hiệu của việc có quan tâm đến chính trị và có tham vọng chính trị vì đó là thái độ chấp nhận đường lối chính trị của đảng CSVN và phục vụ cho đường lối này. Chấp nhận phục vụ cho chế độ thì được ưu đãi hơn, có đời sống vật chất dễ dãi hơn và được báo chí của chế độ ca tụng. Nếu bảo rằng vì một người không thuộc một tổ chức nào thì không có tham vọng chính trị thì không đúng, là chỉ xét theo bề ngoài. Tham vọng chính trị là ý muốn trong tâm tư người đó rồi sau đó vì tham vọng và người đó có sẽ gia nhập tổ chức nào hay không. Về sau TCS cũng có tham gia tổ chức của chế độ CSVN, đó là Hội Văn Nghệ. Hội Văn Nghệ của chế độ CSVN là một hội mang tính chất chính trị chứ không phải là một hội thuần túy văn nghệ như tại các nước tự do. Hội Văn Nghệ là hội nằm dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN, có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị của đảng CSVN. Đó là bước đầu của con đường tham vọng dù là rất nhỏ bé so với những cán bộ đầy quyền hành của chế độ. Rồi sau này đi thêm bước nữa là gia nhập đảng CSVN chẳng hạn.
.- 23.04.2009 vào lúc 1:52 am
Mai Anh Vũ viết:
Tôi cũng nghĩ rằng nếu “cung cách diễn đạt” của TC đỡ gay gắt hơn, không phán xét và rao giảng đạo đức thì bài viết sẽ không phải chịu phản ứng mạnh mẽ như vậy. Nếu hoạ sĩ chỉ viết trên cương vị một người bạn gần gũi với NS TCS với mục đích “làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa nay đã thành người thiên cổ” (lời BBT Da Màu) thì chắc sự việc đã diễn tiến theo chiều hướng khác.

Tôi cũng thấy một thực tế là rất nhiều người hăng hái cổ xuý cho dân chủ, nhân quyền, tự do tư tưởng nhưng họ lại rất thiếu tôn trọng quan điểm của những người khác.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:08 am
Hà Thủy viết:
Bài viết hay,rõ ràng và có vẻ trung thực.Nó như một cơn mưa đang làm dịu bớt đi những cơn nóng về đề tài này.
.- 23.04.2009 vào lúc 8:43 am
Trinh - Trung Lap viết:
Xem ra đến giờ này dường như giữa các tác giả vẫn chưa thống nhất định nghĩa về chính trị nhỉ !

Tác giả Đặng Tiến thì căn cứ trên khái niệm :
‘…..Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền……..”

Tôi còn nhớ trong 1 tác phẩm, Nhà văn Sơn Nam có kể rằng : Tướng Nguyễn Khánh của Việt nam cộng hòa thì cho rằng …”chính trị là đường lối chính sách cai trị nhân dân….”

Theo bình luận của Tác giả Minh Duc ở trên thì :”….nếu hiểu theo nghĩa rộng thì một người có tư tưởng không chấp nhận tình trạng chính trị hiện tại muốn dẹp bỏ chính quyền hiện tại để thay thế bằng một chính quyền khác, thay đổi khung cảnh chính trị cũng có thể được cho là có tham vọng chính trị, mặc dù cái tham vọng không bao gồm người đó được dự phần chức vụ trong chính quyền mới…..”.

Như vậy lại xuất hiện thêm 2 từ mới : tình trạng chính trị và khung cảnh chính trị !!

Ngoài ra từ hôm thảo luận đến giờ, tôi thì dùng từ “chính kiến” (quan điểm chính trị), có người dùng từ “tư thế chính trị”,…
và cứ đà này Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc cũng “bó tay.com” với Quý vị luôn.

Tôi thấy có những cụm từ sau đã được phổ dụng ở các quốc gia :
- kinh tế chính trị (political economics – các nước Phương Tây có chấp nhận môn này)
- sinh mệnh chính trị
- tù chính trị
- chính trị học
…..

Còn ở đây Họa sĩ Trịnh Cung thì dùng từ “tham vọng chính trị”. Tôi cho rằng từ này làm cho người ta hiểu cách cảm tính theo nhiều nghĩa và gây ra nhiều phản ứng rất khác nhau.

Tôi xin đưa ra 1 ví dụ buồn cười như thế này để thấy hiểu sai nhiều khi cũng tai hại lắm. Rằng : mấy người dân ở 1 đất nước không có dân chủ thì rất sợ nhận xét lãnh đạo quốc gia của họ vì họ nghĩ như vậy là họ đang “phạm chính trị” và họ có thể bị phiền toái với cảnh sát.
Còn người dân ở 1 nước phát triển thì họ hiểu được họ có quyền công khai nhận xét những đường lối chính sách của 1 nội cát đang lèo lái quốc gia của 1 nhiệm kỳ nào đó. Thậm chí họ cũng không ngại phát biểu khi dược phỏng vấn trên truyền hình.

Vậy tôt nhất, tôi thấy chúng ta nên dùng đúng cụm từ mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng khi Ông nói về chính trị. Đó là cách hay nhất để đánh giá Ông khi đưa về 1 cách hiểu chung. Đó là cụm từ “xu hướng chính trị” (Ông dừng từ này trong 1 cuộc phỏng vấn)

Vì rằng xu hướng chính trị của 1 cá nhân, theo tôi, thường được thể hiện qua các hành động cụ thể sau :
- bỏ phiếu/ không bỏ phiếu (có ý thức) khi bầu cử những vị trí trong 1 nội cát/ đảng phái.
- diễu hành/biểu tình ủng hộ hoặc phản đối những chính sách của chính quyền, đảng phái.
- tham gia hoạt động (bí mật hoặc công khai)nhằm xây dựng, bảo vệ và duy trì 1 chính quyền/ đảng phái.
- đưa ra ý kiến/ tác phẩm ủng hộ hay chống đối chính sách của 1 chính quyền/ đảng phái.

Căn cứ trên những tiêu chí đại loại như trên chúng ta sẽ thấy ngay xu hướng của Trịnh mà không cần bàn cãi gì nữa, ok ?

Không nên dùng chữ “tham vọng” trong trường hợp này vì không đủ chứng cứ thuyết phục. Tôi cho rằng 1 cá nhân đôi khi cũng không ý thức được mình có đang tham vọng hay không nữa hay đó là bản năng hoặc sở thích nhất thời.

Thân ái,
.- 23.04.2009 vào lúc 9:15 am
Lũy viết:
Bài viết của Đặng Tiến thật ra cũng không khơi sáng được vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị (phần chủ đề của cuộc tranh luận). Trong phần chính anh nhận định từ mấy tuần nay, cuộc tranh luận “…không thấy soi sáng thêm được việc gì, mà càng gây thêm thương tổn.” Phần phụ chú thật ra là phần chính. Qua những hiểu biết bên trong, Đặng Tiến chỉ muốn phân trần cho Trịnh Công Sơn và cả cho Trịnh Cung vì cả hai đều là bạn. Anh không muốn nhìn thấy cả hai đều bị tỗn thương vì những điều không nên và không đáng. Theo tôi thì Đặng Tiến nhân bài viết này đở giùm cho Trịnh Cung đang bị đánh hội đồng tơi bời hoa lá và không khéo, (hình như đã và đang xảy ra) cả vợ và con đang bị liên lụy bởi cái giả thuyết độc ác của Lữ Phương. Thật ra, nói cho cùng thì cũng nhân dịp này để cho mọi người bênh/chống có dịp để xả stress bị dồn nén trong bấy lâu. Trong cái dở cũng thấp thoáng một điều không dở.
Phụ chú: Hình như anh Đặng Tiến cũng có quen biết với Nguyễn Trọng Tạo. Không biết anh có lời nào khi Nguyễn Trọng Tạo dành một chổ trang trọng trong blog của mình để đăng bài của ông Thuận Nghĩa. Sở dỉ tôi nhắc đến bởi thấy anh có nhắc qua các bài đăng trong báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ

.- 23.04.2009 vào lúc 10:19 am
Thanh Bình viết:
Bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến đã góp phần giải tỏa những nghi vấn về các sự kiện chủ yếu trong bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Chuyện “quốc vụ khanh”, Tôn Thất Lập …

Riêng chuyện bài ca “Nối vòng tay lớn” do Trịnh Công Sơn hát trên đài phát thanh Sàigòn trưa 30/4/75, theo ông Đặng Tiến, là do những thanh niên yêu nước miền Nam, Sàigòn, “không là kẻ thắng, cũng không là kẻ bại”, gặp nhau tình cờ mà thành. Lúc đó đương nhiên là chưa có “người miền Bắc” vào chỗ đó. Nếu có vào được cũng chẳng biết làm gì với cái đống máy móc xa lạ ấy. Nhưng những kẻ dám vào và được vào chỗ quan trọng đó trong ngày 30/4/75, sau lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh chắc chắn phải có sự “chỉ đạo” của tổ chức nội thành CS. Điều quan trọng là họ đã lựa TCS chứ không phải ai khác. TCS, một nhạc sĩ lừng danh “phản chiến”, hát tiếng hát “hòa bình” trong ngày “đại thắng” có ý nghĩa gì? Thật ra, khung cảnh thuận lợi nhất để hát bài này phải là lúc hai miền Nam, Bắc ký kết Hiệp định Paris đình chiến, chấm dứt chiến tranh. Nhưng ngày 30/4/75 là lúc đa số người miền Nam có mặc cảm chiến bại. Lời hát đó thay vì là lời “hòa bình”, nhanh chóng biến thành lời ca “đắc thắng” trong tai người “bại trận”. Không thể nói vui là có kẻ bàng quan, cho qua, “bỏ di tám”…Kẻ đó là những ai? Họ là thành phần “thứ ba” hay “thứ tư” nào đó trong cộng đồng người Việt miền Nam?

.- 23.04.2009 vào lúc 10:43 am
dk_anh viết:
Nhà phê bình Đặng Tiến đã khơi mở (có thể gợi ý) để nhẹ nhàng khép lại một cuộc tranh luận có thể làm tổn thương cả hai phía. Kẻ bị hoang mang là những thính giả trẻ tuổi đành ôm ấp câu hát ngậm ngùi của Vũ Thành An ” Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa… ?”

Để thay đổi không khí nặc mùi thuốc súng, xin phép được post một bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, một người bạn của hai nghệ sĩ họ Trịnh :

Xúc phạm

Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
người cười nói xúc phạm người ngậm tăm

Siêng làm xúc phạm phàm ăn
kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng

Đàn kêu tưng tửng từng tưng
con trâu xúc phạm sợi thừng cột trâu

Bông hoa xúc phạm con sâu
con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà

Ông bụt xúc phạm con ma
lão say khước xúc phạm bà tỉnh queo

Cái sang xúc phạm cái nghèo
cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh

Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh
cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm

Cõi dương xúc phạm cõi âm
cõi thiên xúc phạm cõi trần tục gian

Đàn kêu tang tảng tàng tang
nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi

Ngứa nghề hát ngọng nghẹo thôi
người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau/…

Nguyễn Duy
.- 23.04.2009 vào lúc 6:43 pm
Bkhanh viết:
Kính gửi Ban biên tập Da màu,

Tôi thật bất ngờ khi thấy dường như mùi chiến tranh vẫn còn đâu đây trong khi nghĩ rằng Ban biên tập đã thông báo khép lại các tranh luận liên quan đến đề tài này

Tôi là người sinh sau năm 75, trẻ tuổi nhưng chắc không hoang mang như anh/chị dk_anh viết. Đối với tôi, cách nhìn nhận về tài năng và giá trị âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề bị ảnh hưởng bởi những thông tin mà họa sĩ TC đưa ra vì không liên quan. Tôi không có ý định tham gia phán xét tư tưởng chính trị, tư cách cá nhân của người khác vì tôi tôn trọng quyền tự do của họ nhưng không thể không bày tỏ sự thất vọng về những người thuộc thế hệ trước, ở cả hai phía, những người dường như chỉ chờ đợi một cái cớ để ra sức bảo vệ cho chính thể Cộng hòa hay Cộng sản không toàn vẹn của mình, cho dù phải nhắm mắt bịt tai về những sự thật thuộc về thế giới, phe phái bên kia, cho dù phải vắt óc suy nghĩ và tìm cách diễn giải rồi phán xét lời nói của người khác cứ như mình là đại diện của công lý toàn vũ trụ, hoặc cho dù phải lên gân cốt “phun châu nhả ngọc” những từ ngữ rất khó coi, nặng mùi tâm lý chiến giữa thời bình. Thật trả trách vì sao đất nước bao nhiêu năm vẫn lẹt đẹt, cộng hòa hay cộng sản thì đã đem lại được gì để dân tộc Việt Nam hiện nay có thể tự hào, nếu không muốn nói là không bị coi thường bởi các quốc gia khác. Đừng nói đến mấy ngàn năm lịch sự hào hùng, tôi tin những người dân bình thường ở các nước khác chẳng mấy khi biết, mà họ chỉ biết vì sao Việt nam đói nghèo, lạc hậu, tham nhũng, vì sao tỷ lệ phạm tội của cộng đồng người Việt ở nước họ cao. Xin phép đươc nói luôn đây không phải là tôi nghe “tuyên truyền” từ đâu mà chính là những gì tôi đã trải qua khi học tập và làm việc tại ít nhất 2 quốc gia có cộng đồng người Việt lớn. Nói dài dòng như vậy, để các quý vị đang hăng say bảo vệ cho lý tưởng chính trị của mình thấy rằng, dân tộc (hay ít nhất là một người trẻ như tôi) sẽ biết ơn các quý vị, dù các vị theo phe cộng hòa hay cộng sản nếu các vị là nhà khoa học, nghệ sĩ (như TCS), thương gia,… góp phần đem lại niềm tự hào về con người Việt Nam trên thế giới, chứ chẳng có ích gì nếu cứ mất thời gian tô xanh tô đỏ cho những thực thể chính trị hoặc đã trở thành bóng ma, hoặc vẫn còn đang mò mẫm.

Vì vậy, tôi mong rằng Ban biên tập Da màu hạn chế các ý kiến cá nhân vô bổ, chẳng đem lại thông tin nào có giá trị về sự thật. Thay vào đó dành đăng tải các nội dung văn chương nghệ thuật có giá trị, hoặc các thông tin về xác nhận sự thật (có hay không có) từ cả 2 phía.

Xin cám ơn Ban biên tập đã dành thời gian đọc ý kiến của tôi.
.- 24.04.2009 vào lúc 12:27 am
Ho Truong viết:
Xin nêu một giả thiết:
Có thể nhac si Tôn Thât Lập đã nói về TCS “mày có tư cách gì mà hát ở đây!” khi TTL đã về Saigon,nghe bạn bè kể lại việc TCS ôm đàn hát NVTL trưa ngay 30/4 tai Dai Phat thanh.Sau đó TCS hoac ai đó trong đám ban be, lúc trà dư tửu hậu kể lại với TC cũng nên.
Nhân đọc bài viết của Bùi Văn Phú viết về ca từ TCS, tôi có ý nghĩ :Điều lớn nhất, chung nhất của TCS là hát ca cho phận người, phận người mong manh, phận người nhỏ nhoi trong chiến tranh, trong tình yêu,trong cõi đời, cõi người ta,…
Đời ông cũng khổ lắm!
.- 24.04.2009 vào lúc 1:36 am
Ho Truong viết:
Ở ý kiến trước tôi có viết “Nhân đọc bài viêt của Bui Van Phu về ca từ TCS” ,xin đính chính :bài viết của Bùi VĨnh Phúc. Xin lỗi hai tác giả và xin cám ơn ông Bùi Vĩnh Phúc về bài viết rất đặc sắc của ông. Tiên đây xin phép trích một vài ca từ TCS ông đã dùng trong bài viết để bổ sung cho phần bình luân của tôi : Cái lớn nhất, chung nhất:TCS hát ca cho phận người.

Trước 1975, phải chăng chúng ta đã chia sẻ cùng TCS nỗi xót xa về phận người
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi mệt nhoài.
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?

•Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
•Người ra đi bến sông nằm lạnh
Này nhân gian có nghe đời nghiêng
Lời cỏ cây hát trên da người

Bầy vạc bay qua
Kêu mòn tịch lặng
Đường đời không xa
Sao chồn gối chân (…)

Dù ta như con đường dài vắng người
Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay

Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi

Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?

Và sau 1975, vùi trong những cơn say , bạn có nghĩ rằng , TCS tìm đến rượu là vì:

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng / rơi rất gần rơi xuống trong tôi
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng
Ông đã từng tự hỏi:
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua?
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say?
Hư vô vẫn là ám ảnh không nguôi suốt đời ông:
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô / Nhìn em bóng nắng
Ca khúc “Một cõi đi về” cũng nói cho ta biết tâm tư của ông trong những ngày tháng đó. Và trong những ngày tháng đó ông đã thao thức, trăn trở về một con đường, để cuối đời vẫn “Tiến thoái lưỡng nan”.
.- 24.04.2009 vào lúc 4:50 pm
Bùi Vĩnh Phúc viết:
Xin cám ơn độc giả Ho Truong về những góp ý quý báu.

Vụ TC & TCS tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt. Trình bày và tôn trọng những cái nhìn khác biệt, những đóng góp thích đáng từ nhiều chiều. Và bỏ đi những ý kiến, những bài viết quá cực đoan, quá khích. Tôi nghĩ Da Màu đã làm tốt việc này. Tôi cũng nghĩ, ở một mức độ nào đó, cũng giống như đối với Pablo Picasso, Pablo Neruda, Sartre, chúng ta có thể chú ý đến cuộc sống cá nhân, cuộc sống chính trị và xã hội của họ để hiểu thêm về con người và những yếu tố xác định tác phẩm của những nghệ sĩ hay nhà tư tưởng lớn ấy; nhưng cái lắng đọng với thời gian, cái để lại trong cuộc đời một người nghệ sĩ phải là tác phẩm của ông ta hay bà ta. Những cái khác chỉ là những phụ chú mà thôi.
.- 25.04.2009 vào lúc 4:31 pm
Thế Nhân viết:
Lại một người bạn TCS viết về TCS và TC. Ông Đặng Tiến không đồng ý với bài viết của Trịnh Cung, „về đại ý cũng như cung cách diễn đạt“ đã viết:
„Tôi thành khẩn cho rằng: Trịnh Công Sơn không có tham vọng chính trị. Thậm chí không hiểu biết gì về chính trị. Trịnh Cung cũng vậy thôi. Chính trị là một khoa học, hay nghệ thuật về quyền bính, việc lập đảng, tranh cử, giành quyền và nắm quyền. ………………………………………………. Tôi dài dòng, vì « huyền thoại » này chưa nghe phe phản biện phanh phui. Nguyễn đắc Xuân trong bài dông dài trên mạng , cũng không nói ra minh bạch“
Viết với phong cách, ngôn từ như thế để hạ giá bài viết của TC và dẫn chứng 2 ông bạn họ Trịnh không biết gì về chính trị (khác với tiêu đề tham vọng chính trị) có trịch thượng, nhưng nông cạn và thiếu cẩn trọng không? Theo tôi, TCS đã có ý thức chính trị rõ ràng khi viết lời tựa cho tập nhạc Kinh Việt Nam (1968) để phản đối chiến tranh và nói lên thân phận đau thương của người Việt. Ai lớn lên ở miền Nam trong những năm đó mà không 1 lần hát những bản Gia tài của mẹ,Người con gái VN da vàng hay Nối vòng tay lớn. Tôi cũng thế thôi. Nhưng việc làm của TCS những năm sau đó có đi đôi với lời hát hay không là vấn đề đau thương khác! Vì mỉa mai thay, trong lúc TCS thụ hưởng sự che chở, đón đưa của 1 số tướng tá, quân quyền miền Nam nhậu nhẹt đến “Đêm Không Ngủ, Ngày Bất Tỉnh” thì bao nhiêu người ở thế hệ ông hay thế hệ sau ông không có điều kiện để lựa chọn như ông đã bỏ mình trong cuộc chiến mà ông cho là vô nghiã, phi lí, lời ông „20 năm nội chiến từng ngày“, chỉ vì họ đã lớn và sống ở miền Nam trong thời chiến; Nếu có may mắn hơn thì sau 75 cũng phải bao năm miệt mài học tập trong các trại cải tạo.
Về nguyên nhân về sự bất hòa giữa TCS và TC, đoạn A4 được kết thúc như sau.
„Hai ông Sơn và Cung có lời qua tiếng lại, tôi chỉ nhớ một câu của Sơn : « đời moa chưa bao giờ phổ nhạc thơ ai trừ toa ».Kể chuyện vụn vặt là để cung cấp một thông tin. Mối bất hòa đã âm ỉ từ lâu, không phải bây giờ TC mới nghĩ ra“
Viết như thế để minh chứng điều gì trong sự bất hòa „quan trọng“ này, 30 năm sau ông chỉ nhớ được có thế sao? hay nó cũng chỉ là chuyện trà rượu tầm thường vào năm 1979 của 1 ông Việt kiêù yêu nước về thăm VN tạo điều kiện „tái hợp“ cho 2 ông bạn bất hòa, 1 ông là cựu sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo về bị TCS tẩy chay ngầm (lời đương sự trong bài liên quan) và 1 ông sau khi đi sản xuất tự túc được thuyên chuyển công tác về Sài Gòn (lời 1 ông bạn khác của TCS, ông Nguyễn Đắc Xuân công bố trên Da Mầu ngày 17.04.09 : „Với lương tháng 64 đồng là cao so với cán bộ, nhưng đối với TCS, số tiền ấy không đủ để mua thuốc hút và mua rượu cho ba mươi ngày…. TCS không thể kéo dài cuộc sống bấp bênh “ăn ít uống nhiều” .…..thân mẫu của anh cũng không thể rút ruột kéo dài tình trạng phải gởi cho con trai làm công tác cách mạng ở Huế mỗi tháng một chỉ vàng mãi được“) để „thây kệ toa moa uống rượu tiếp“. Có lẽ trước và sau đó cũng thế thôi. Nhưng trong năm 79 đời sống ở VN thật khó khăn trước kinh tế thời bao cấp, bao người vẫn học tập chưa có ngày về, vô số người Việt trên đường tìm tự do đã bỏ mình ở biển Đông. Các ông có biết chăng?
Sau khi vòng vo dông dài có lúc đả cả hai, có lúc khen lúc chê 2 ông bạn họ Trịnh, tôi không ngạc nhiên khi ông viết :“Bài này không có kết luận, nhưng rồi cũng phải kết thúc. Không biết viết gì nữa, chúng tôi đành xin ra ngoài đề“. Nhưng xin được phép nhắc khẽ ông! Ông thành khẩn viết bài này vì những yêu cầu chính đáng của bạn bè cơ mà!
Đây là câu chuyện bạn bè của TCS. Tôi mượn lời của người phương Tây để kết thúc.
Xin thượng đế bảo vệ tôi trước những bạn bè, còn với những thù địch tôi sẵn có khả năng tự vệ. (Dieu me protège de mes amis, de mes ennemis, je m´en occupe moi-même !)
Thế Nhân
.- 27.04.2009 vào lúc 3:54 am

ĐẶNG TIẾN : CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão

CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão

Đặng Tiến Chia sẻ với bạn bè♦ 1 bình luận ♦ 7.11.2009 .


LTS: Nhà nhân chủng học và tư tưởng gia Claude Lévi-Strauss vừa qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Paris, hưởng thọ 100 tuổi. Nhân sự kiện này, tạp chí Da Màu xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà biên khảo Đặng Tiến về Claude Lévi-Strauss.










Gửi anh Nguyễn Tài Cẩn, ngọn mây Tần

Nhà bác học Pháp Claude Lévi-Strauss sinh ngày 28 tháng 11 năm 1908 tại Bruxelles – Bỉ. Tuần này là ông lên thượng thọ trăm tuổi, tôi dùng từ “giai lão” trong nghĩa “đẹp lão”: mừng ông còn khỏe và minh mẫn. Vào tuổi cổ lai hy, là một học giả lừng danh, đã có nhiều đóng góp lớn lao vào nền học thuật nhân loại già nửa thế kỷ, ông là một tấm gương sáng cho giới trí thức thế giới, nhất là ngành biên khảo đương thời và hậu thế..

Gần đây, ông còn dí dỏm: Khi người cao tuổi qua đời, thì chết ít thôi, chỉ chết cái phần còn lại đã hư hao đi nhiều. Câu nói thường thôi, đúng thôi nhưng phát xuất từ tác giả Con người trần trụi (L’Homme nu, 1971), thì lời hóm hỉnh mang một thoáng u hoài cảm động.

Tiểu sử và sự nghiệp ông, nhiều người đã biết, tài liệu nơi nơi đã ghi. Mùa xuân năm nay 2008, nhà xuất bản Gallimard, Paris, ấn hành tuyển tập Claude Lévi-Strauss, trong tủ sách quý La Pléiade, được giới học thuật chào mừng như một sự cố, vì nhà xuất bản này chỉ in sách văn chương, mà Lévi-Strauss lại chuyên biên khảo về dân tộc học – ngoại trừ hồi ký Nhiệt đới buồn thiu, Tristes Tropiques, 1955, lúc xuất bản được đề bạt lĩnh giải văn chương Goncourt, nhưng không được, vì không phải là tác phẩm giả tưởng… Nhà xuất bản Gallimard, rất kinh viện, khi chọn in tác phẩm Lévi-Strauss trong bộ La Pléiade văn học, thì đã mặc nhiên thừa nhận sách ông là tác phẩm văn chương, và ông là nhà văn, bên cạnh nhà nghiên cứu. Cũng như ông nhiều lần thừa nhận thầy mình, trong ngành dân tộc học, là những nhà văn Montaigne, Balzac và Rousseau, nhất là Rousseau. Và đồng nghiệp tương tác và tương đắc của mình, không thuộc đồng khoa dân tộc học, mà là nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson.

Giá trị văn học trong tác phẩm Lévi-Strauss trước đây đã nhiều người thừa nhận. Nhưng quyết định của nhà Gallimard vẫn là một khai mở dứt khoát. Nhờ đó tôi, với tư cách nhà văn, hôm nay có thể an tâm viết về Lévi-Strauss, một bậc thầy về mặt trí thức. Mà cũng là bậc thầy về văn học.

Sách Lévi-Strauss chuyên môn, uyên bác nhưng không phải bài nào cũng khó đọc. Người đọc trung bình, lướt qua vài ba trang, vẫn có thể biết thêm, học thêm được cái gì đó. Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng về những bình luận việc ăn uống, trên giá sách tại Hà nội, có cuốn Sống và Chín, Le Cru et le Cuit (1964) của Lévi-Strauss, dày cộm, tôi nhìn vào chăm chú. Ông giải thích sách đẹp, bày cho đẹp, thỉnh thoảng chỉ đọc dăm trang (1979). Theo gương ông, tôi cũng lật lật cuốn nọ cuốn kia, và học được nhiều chuyện : hiểu thêm về từ “cậu” trong tiếng Việt khi đọc Nhân chủng học cấu trúc, Anthropologie structurale, 1958, trang 47, về từ “anh, em” khi đọc Cấu trúc sơ đẳng trong quan hệ họ hàng, Les Structures élémentaires de la parenté (1949, 1967) trang 432,. Đọc Hình thái học truyện cổ, Morphologie du conte (1958) của Propp, nhiều điểm không hiểu, tôi đọc lời giới thiệu trong Nhân chủng học cấu trúc 2, (1973) ch 8, của Lévi-Strauss, thì hiểu ngay.

Học mót, lắm khi vở lẽ, chợt sáng mắt sáng lòng.

Là người hàm ân Claude Lévi-Strauss, để chúc mừng ngày sinh nhật ông, tôi mạn phép công bố một bài viết đã lâu, nhằm giới thiệu tác phẩm Nhìn Nghe Đọc, Regarder Ecouter Lire[1], 1993 được ông xem như là tác phẩm út oi – chữ của Nguyễn Tuân. Từ ấy đến nay, quả là ông không có sách khác, và tiểu luận này được chọn vào cuối tuyển tập La Pléiade- Gallimard tháng 5-2008.

Claude Lévi-Strauss là một trong vài người khai sáng trào lưu cấu trúc luận đã gây ảnh hưởng sâu và rộng trong những khoa học nhân văn, xã hội thế giới năm mươi năm gần đây. Tại Việt Nam, đã có nhiều người giới thiệu như Nguyễn Văn Trung ở miền Nam[2], Hoàng Trinh ở miền Bắc[3] thời kỳ đất nước còn bị phân chia. Hoàn cảnh đất nước thời điểm ấy (trước sau 1970, thời hòa hội Paris) chưa cho phép giới nghiên cứu Việt nam tiếp thu đầy đủ, công bình những thành tựu của khoa học nhân văn Phương Tây. Ngày nay, trào lưu cấu trúc đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nên kiểm điểm lại một cách khách quan những thành tựu xem còn gì có thể tiếp thu hay thừa kế nhân đọc lại tác phẩm mới của Lévi-Strauss.

Nhìn Nghe Đọc dưới hai trăm trang thân chữ lớn là tác phẩm ngắn, dễ đọc nhất của tác giả, một tiểu phẩm so với sự nghiệp của ông. Một loại mạn đàm nghệ thuật hoặc tùy bút hiểu theo nghĩa Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, vì tác giả viết tùy hứng nhưng vẫn theo dụng ý truyền đạt phương pháp luận, kinh nghiệm tri thức. Tựa đề gồm ba động từ Nhìn Nghe Đọc báo hiệu nội dung tác phẩm, những suy tư của tác giả khi nhìn hội họa, nghe âm nhạc và đọc sách cổ kim, song song với thao tác nghiên cứu, lập thuyết trong địa hạt dân tộc học chuyên môn của mình. Tác phẩm phản ánh một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và uyên bác đằng sau bộ óc bác học bao la và nghiêm túc.

Sách gồm hai mươi bốn chương bề ngoài rời rạc. Lévi-Strauss cho rằng mình ráp nối « cắt dán » theo kiểu họa sĩ Max Ernst. Nhưng người đọc sành điệu cảm thấy ngay « cấu trúc » ngầm của một bản hòa tấu đa dạng, phong phú, hài hòa và nhất quán, qua sợi chỉ mành kết hợp là lập trường Lévi-Strauss mà người đọc đã làm quen, đã học tập từ hơn nửa thế kỷ nay. Những chuyên khảo của tác giả trước đây, dù khó đọc và nghiêm nghị vẫn phảng phất màu sắc và âm hưởng của nghệ thuật, từ Poussin đến Ravel, Wagner. Trong Sống và Chín (Le Cru et le Cuit, 1964) ông đã xem nhạc sĩ Wagner như « cha đẻ của lối phân tích cấu trúc huyền thoại ». Ba mươi năm sau, lần lên thêm một thế kỷ nữa, ông xem nhạc sĩ Rameau (1683-1764) với « lý thuyết hợp âm (accords) đã đi trước phương pháp giải thích cơ cấu » (tr.43)

*

Tác phẩm mở ra bằng một nhạc khúc trong Tìm thời gian đã mất của Marcel Proust để đi tới họa phẩm Poussin (1594-1655) với hai bức tranh Những người chăn cừu ở Arcadia vẽ lần đầu khoảng 1630, lần thứ nhì tám năm sau, dựa trên một tác phẩm cùng đề tài của Guerchin vẽ khoảng 1622. Từ hai tác phẩm của một tác giả, vẽ theo một chủ đề có sẵn, Lévi-Strauss muốn đưa ra những khác biệt về cấu trúc để đi đến phương pháp sáng tác, « cách suy tưởng » (tr.15) của nghệ sĩ qua nhiều khâu khớp khác nhau, nhiều thời đại và chân trời khác nhau, từ Đông Á sang Tây Âu (tr.39-40).







Với hội họa, Lévi-Strauss lắm duyên nhiều nợ : bố là họa sĩ, dượng là họa sĩ lừng danh, ông trưởng thành tại số 22 đường Poussin tại Paris… Với âm nhạc, tương quan còn sâu sắc hơn : ông suốt đời viết lách trong âm nhạc, suy nghĩ bằng âm nhạc, cho nên những trang ông viết về âm nhạc chủ yếu về Rameau rất uyên bác, thậm chí rất kỹ thuật. Trong một bài báo, có lần ông tuyên bố : « Âm nhạc và huyền thoại là hai chị em, cùng do ngôn ngữ sinh ra, rồi mỗi người đi một hướng – như trong huyền thoại kẻ Nam người Bắc, không bao giờ tái hợp »[4].

Ca ngợi Rameau, Lévi-Strauss dựa trên kịch hát Castor và Pollux chính xác hơn là dựa trên một giai điệu aria chuyển điệu với ba nốt nhạc fa-la-mi để chứng tỏ rằng Rameau đã cách tân âm nhạc thời đó, và sở dĩ làm được là nhờ thính giả thế kỷ XVIII sành điệu hơn thính giả về sau, và gần gũi người sáng tác hơn. Nhưng để tìm ra sự chuyển giọng (modulation) từ fa thứ sang la bémol và mi bémol trưởng trong nhạc bản 1754 (tr.51), Claude Lévi-Strauss đã phải tìm tòi so sánh với nhiều nhạc thoại của kịch bản và phải nghe nhiều lần nhiều nhạc thoại, mới thấy sự xê xích so với thoại 1737. Nói vậy để thấy công sức lao động của một nhà bác học lừng danh về dân tộc học khi nói chuyện chơi về âm nhạc, trong một trang phiếm luận, một tiểu phẩm được tác giả gọi là « trái chứng » (caprice) hay là « hí hoáy chắp vá » (Un grand collage ou un bricolage) 4.

Liên hệ với nhạc Rameau, Claude Lévi-Strauss đã giới thiệu và đề cao Chabanon (1730-1792) một nhà âm nhạc học ít người còn nhớ, không có tên trong các từ điển thông dụng. Theo ông, Chabanon, trong âm nhạc, đã tìm ra những nguyên lý mà sau này De Saussure sẽ sử dụng trong ngôn ngữ học cấu trúc. « Những tư tưởng về ngôn ngữ học hiện đại đã thành hình từ những suy tư về âm nhạc chứ không phải về ngôn ngữ » (tr.95). Lévi-Strauss tỏ ra rất tâm đắc với Chabanon, người từ hai thế kỷ trước, đã viết : « Trong âm nhạc, mỗi âm không mang ý nghĩa nào cả. Mỗi âm hầu như trống rỗng, vừa vô nghĩa vừa vô tính » (tr.95) nhưng kết hợp thành chuỗi thì tạo ra được nhạc ngữ gây được lạc thú. Đây là một quan điểm Lévi-Strauss đã tích lũy từ lâu, và trong một bài phỏng vấn năm 1977, ông đã từng so sánh : « Ngôn ngữ có ba giai đoạn âm kết hợp thành từ, từ kết hợp thành câu. Ở âm nhạc, âm phát triển thành câu, không qua từ, không có từ vựng. Ở huyền thoại, không có âm, chỉ có từ phát triển thành câu. So với ngôn ngữ thì âm nhạc là huyền thoại thiếu một khâu »4. Lévi-Strauss có nghệ thuật trình bày, đúc kết ngắn gọn ít người sánh kịp.

Giới văn học, dĩ nhiên đặc biệt lưu tâm đến lời Lévi-Strauss giải thích bài thơ Nguyên âm (Voyelles) của Rimbaud (1871).

A đen, E trắng, I đỏ, U lục, O xanh…

A thường thường gợi lên màu đỏ, sao nhà thơ lại hình dung màu đen ? Đi từ những khám phá của linh mục Castel (1688-1757) muốn tạo ra “cây đàn thị giác”, tạo tương quan giữa âm thanh và màu sắc, qua những khoa học vật lý, thần kinh, ngôn ngữ, Lévi-Strauss đã giải thích màu đen ở đây là “màu đỏ dưới trạng thái tiềm tàng” (tr.131) và ông đã viện dẫn nhiều văn liệu để minh chứng. Cũng cần nhắc lại rằng lý luận của ông tiếp nối công trình, giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire ông viết chung với Roman Jacobson (1962) có Benveniste góp ý, được xem như khuôn mẫu của phương pháp cấu trúc áp dụng vào việc phân tích văn chương, vô hình trung tạo ra “trường phái” phê bình cấu trúc, mà ông có đôi lần phủ nhận.

Tác phẩm khép lại với ba chương Nhìn vào đồ vật, như cái ngoái nhìn u hoài của nhà khảo cổ vào buổi xế chiều. Đặc sắc là mấy trang viết về những vật dụng đan lát như giỏ, thúng, rổ, rá, gùi… “trạng thái thăng bằng mong manh giữa thiên nhiên và văn hóa”, một chủ thể trung tâm trong tư tưởng Lévi-Strauss xưa nay. Khảo sát những vật dụng đan lát ở các bộ lạc châu Mỹ chưa có chữ viết, ông nhìn thấy khía cạnh thực dụng, trang trí và tín ngưỡng. Theo huyền thoại địa phương, đồ đan lát, một mặt phải không thấm nước (như gàu bên ta), mặt khác sợi đan phải tạo ra được mô-típ trang trí theo quy luật. Từ đó, các dân tộc đã phân biệt Giỏ cứng và Giỏ mềm: có bộ lạc da đỏ tưởng tượng “Giỏ mềm như những quỷ cái bắt trộm và ăn thịt trẻ con” (tr.163) có khi “quyến rũ đàn ông rồi cắt dương vật bằng âm hộ có răng” (tr.164). Lévi-Strauss đã tỉa ra một nhận định đơn giản mà sâu sắc:

“Đó đây khắp Tân Thế Giới, con người xem gùi – giỏ như những đồ vật đa cảm. Chúng đến từ thiên nhiên, tiếp thu được quy chế văn hóa qua công trình tiểu công nghệ đơn giản rồi sẽ trở về với thiên nhiên” (tr.166). Đã mong manh, chúng lại phù du: chỉ dùng được một lần, “nhưng dù hỏng nát, chúng vẫn gìn giữ phẩm chất văn hóa, mơ hồ tạo lòng kính trọng. Chúng là vật bất ly thân của người phụ nữ” (tr.166-167).

Những nhận định như thế vừa uyên bác vừa thi vị, nhân ái: ấy là phong cách riêng của Lévi-Strauss. Độc giả bàng quan, đọc lướt qua những dòng như thế, cũng thấy phẩm chất của mình được nâng cao.

Lévi-Strauss là một kẻ hoài nghi. Năm 1993, trả lời phỏng vấn, ông có tâm sự : « Tôi thấm thía một luận lý tối hậu: không có gì tồn tại. Dĩ nhiên, muốn sống, phải làm như là sự vật có ý nghĩa ; đó là triết lý tạm bợ cho cuộc đời, nhưng là triết lý cấp hai »4 .

Ông tin ở giá trị con người, bẩm sinh và vĩnh cửu, dù có nổi trôi theo lịch sử – và tác phẩm nghệ thuật là một chứng tích. Kết luận Nhìn Nghe Đọc, vừa buồn bã, vừa phấn khởi.

« Nhìn dưới tỷ lệ hằng nghìn năm, những dục vọng con người đồng hóa vào nhau. Thời gian không thêm được gì, không bớt được gì cho yêu thương và thù hận, cho những dấn thân đấu tranh và khát vọng : xưa và nay, cũng chỉ vậy mà thôi. Tình cờ, xóa đi mười, hai mươi thế kỷ lịch sử, kiến thức chúng ta về bản chất con người cũng không thay đổi bao nhiêu. Mất mát không bù đắp lại được là những tác phẩm nghệ thuật mà những thế kỷ kia đã tạo nên. Vì con người chỉ khác nhau, thậm chí chỉ tồn tại, qua tác phẩm của mình. Như tượng gỗ sinh ra từ thân cây, chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới chứng tỏ được hiển nhiên, rằng qua thời gian giữa người với người, có cái gì đó đã thực sự xảy ra » (trang cuối).

*

Trào lưu cấu trúc đã đi qua. Cùng với trận gió đã thổi qua đường phố Paris mùa xuân 1968. Từ ấy đến nay, thời gian đã mang đi bao nhiêu khuôn mặt lớn lao của nền văn học Pháp : Sartre và Aron, Barthes và Foucault, Lacan và Althusser…

Claude Lévi-Strauss là người còn lại của thế hệ trí thức ấy, được dư luận văn chương và báo chí ngưỡng mộ, một cách đằm thắm và dường như nhất trí. Không nhất thiết vì những đóng góp chuyên môn của ông : người đọc Lévi-Strauss không nhiều ; tận tụy một đời, Lévi-Strauss không những mang lại cho đời một cách nhìn đời, ưu ái, tin cậy với một thoáng hoài nghi. Ông còn được cảm tình nhờ phong cách hàng ngày : dung dị, từ tốn, uyển chuyển, khúc triết, nhân ái và thân ái.

Với ai được dịp gần ông, về mặt học thuật hay trong thực tế, Lévi-Strauss là tấm gương sáng, về lao động trí thức và về cách ứng phó với cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, một trần gian đa đoan, và một nhân gian nhiễu sự.

Ngoài đề :

Nhìn người, không cần gì phải nghĩ đến ta, vì nghĩ đến ta, có khi lại buồn vơ vẩn.

Có lúc buồn vơ vẩn như thế, tôi lại nhớ đến một người bạn vong niên, nhà ngữ học Nguyễn tài Cẩn, cũng tuổi cao, cùng phương trời xa…Vì vậy, bài này, tôi đề tặng anh Cẩn.

Cái gì thân, thì nó cũng xa, có khi xót xa…



6-9-1994,
Viết lại tại Paris, 10-11-2008

Đặng Tiến


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Claude Lévi-Strauss, Nhà xuất bản Plon, Paris, 1993.

[2] Nguyễn Văn Trung : Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu. Tạp chí Bách Khoa thời đại, Sài Gòn, số 293 ngày 15-3-1969 (và nhiều bài khác)

[3] Hoàng Trinh : Bước đầu phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3 (135) tháng 5 và 6-1972.

Lê Sơn : Văn học Liên Xô phê phán chủ nghĩa cấu trúc trong phê bình văn học, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5 (137) tháng 9-10 năm 1972 và một số bài khác.

[4] Claude Lévi-Strauss, tạp chí Magazine Littéraire, Paris, số 311 tháng 6-1993, tr. 15, 24, 44 và 26 (Số đặc biệt về Lévi-Strauss và Nhìn Nghe Đọc, nhiều bài hay)

bài đã đăng của Đặng Tiến


■CLAUDE LEVI-STRAUSS: Bách niên giai lão - 07.11.2009
■Học hành tục ngữ, ngôn ngữ - 20.10.2009
■Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - 02.10.2009
■Âm trầm Tuệ Sĩ - 24.08.2009
■Giới thiệu Họa sĩ Thanh Trí - 08.08.2009
■Phê bình huyền thoại - 30.05.2009
■Trịnh và Trịnh: Hảo vọng và Ảo vọng - 23.04.2009
■Đời và nhạc Trịnh Công Sơn - 18.04.2009
■Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng - 13.04.2009
■Mấy lối giảng thơ - 09.04.2009
■Thơ là gì ? - 06.04.2009
■Đọc sách: Mùa biển động - 26.03.2009
■Thơ Miền Nam trong thời chiến - 06.04.2007
.
1 bình luận »
đỗ xuân tê viết:
Đọc bài của Đặng Tiến, một-biên-khảo-bậc-thầy về ngôi sao vừa tắt, tôi ngạc nhiên sao anh viết nhanh vậy, nhưng đọc xong mơí biết anh mơi viết lại. Như vậy càng công phu hơn. Tôi đã đọc Tristes Tropiques khi còn là học trò của giáo sư Nghiêm Thẩm (người cùng thời và rất ái mộ structuralism của Strauss), nên rất thú vị khi đọc bài của anh. Quả thật tác giả lớn đa tài trong nhiều lãnh vực mang sắc thái ‘Da Màu’ này đã để lại dấu ấn sâu sắc cho văn học và khoa học nhân văn, mà theo tôi là song song với sự miệt mài nghiên cứu, ông còn chịu lặn lội đến những bộ lạc xa xôi vùng Amazon để phá tan huyền thoại về ‘những con người man dã’, chứng minh dù họ mang đời sống bộ lạc nhưng vẫn có sắc thái tinh tế, ham tìm tri thức biểu hiện trong cách nhìn qua vật thể và phi vật thể của một đời sống văn hóa có thật (The Savage Mind,1962). Cám ơn anh ĐT về bài viết không phiên phiến chỉ viết cho vui vậy mà. đxt
.- 08.11.2009 vào lúc 11:51 am

--------------------------------------------------------------------------------
@ damau.org (tạp chí văn chương Da Màu) 2006 - 2009 Trở về đầu trang Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)

1/10/09

G20: Pledge by pledge

G20: Pledge by pledge
Leaders of the G20 group of the world's most powerful countries pledged to bring the world economy out of recession when they met in London in April.

As they meet in Pittsburgh, five months later, just how far have their governments gone in meeting some of their key commitments?


In April, headlines trumpeted a $1.1 trillion deal to help countries fight the economic crisis. Much of this funding was to be directed toward the International Monetary Fund.

•The G20 has succeeded in increasing the IMF's lending capacity by $500bn to $750bn. The target was only met earlier this month after the EU increased its initial pledge of about $100bn to $178bn. Only a tiny fraction of this ($2.3bn) has so far been allocated
•The IMF has allocated an additional $250bn worth of reserves to member countries that can be tapped when needed. Around $100bn has been allocated to developing countries
•The IMF has also approved its first major sale of gold since 2000 to raise money for additional financing for poor countries. The sale of 403 metric tonnes of gold should raise $13bn - more than the $6bn asked for by the G20
•The G20 also pledged to help boost trade by providing $250bn worth of financing, with $50bn expected to come from the World Bank. The G20 says that $65bn has been taken up so far. For its part, the World Bank has only received commitments of $7.8bn from donors
•The G20 said it would support an increase in lending to poor countries of at least $100bn through multilateral development banks (MDBs). The G20 says MDBs are planning to lend an extra $110bn this year but concrete figures are hard to come by and it's not clear if this is from fresh or existing funding.


G20 governments pledged a total of $5tn in stimulus measures to boost their own economies, predicting that the extra cash would increase global economic output by 4% by the end of 2010.

However, few countries have detailed exactly how much they have spent and the IMF's own estimate is slightly more cautious at 2% of GDP in 2009 and 1.5% of GDP in 2010.

UK Prime Minister Gordon Brown has suggested that more than half of the $5tn has yet to be committed and has warned against switching off "the economic life support".

However, the debate in Pittsburgh is likely to turn to how the the global economy can wean itself off the extra support now that there are signs of a recovery.

There are also fears that increased public spending could jeopardise any rebound given


For historical reasons, smaller European countries like the Netherlands and Switzerland are over-represented on the IMF board in relation to the size of their economies, while emerging giants like China are clamouring for more power.


but calls have gathered pace in the wake of the financial crisis.
According to a draft G20 communique, an agreement has been reached on how to shift voting power to under-represented countries. It calls for a shift in voting power by at least five percentage points away from developed countries.

If implemented, the move would hurt EU countries most, with France and the UK expected to see a dilution in voting power.

It would also be a big win for the Obama administration, which proposed the 5% shift.



The G20 agreed in April that hedge funds, which have been subject to much less regulation than other investment funds, should be better supervised as part of wide-ranging measures to strengthen financial oversight.

The EU has proposed a draft law that would subject the industry to much tougher rules and make them more transparent. Funds which didn't abide by the rules would not be able to operate in its 26 member countries.

The UK thinks parts of the draft law go beyond what is required to make the sector safer and could drive hedge funds out of London, where many are now based.

However, there is broad agreement among G20 members that hedge funds should be required to submit more information and data to regulators.


The G20 reckons there has been most progress on this issue, with governments eager to boost tax receipts as the recession hits public finances.

Since April 2009, 13 jurisdictions, including Belgium and Austria, have implemented internationally agreed tax standards, according to the OECD which monitors tax matters.

Switzerland and Liechtenstein remain on a "grey list" of about 33 tax havens but have agreed to co-operate with foreign tax authorities.

The G20 has given tax havens until March 2010 to co-operate on tax evasion or face sanctions.


•Still to implement agreed tax standards: Andorra, Anguilla, Antigua and Barbuda, Bahamas, Belize, Brunei, Chile, Cook Islands, Costa Rica, Dominica, Gibraltar, Grenada, Guatemala, Liberia, Liechtenstein, Malaysia, Marshall Islands, Monaco, Montserrat, Nauru, Netherlands Antilles, Panama, Philippines, St Kitts and Nevis, St Lucia, St Vincent and the Grenadines, Samoa, San Marino, Singapore, Switzerland, Turks and Caicos Islands, Uruguay, Vanuatu Source: OECD

There has been broad backing for restrictions on banking bonuses, which have been blamed for encouraging excessive risk-taking by some in the financial industry.


but the US and UK have rejected calls for mandatory caps on bonuses. Given this disagreement, the G20 is most likely to agree some kind of "set of principles" for banker compensation.
Broadly speaking, European countries - France, Germany and the Netherlands - are taking tougher action than the US and UK.


The G20 in April agreed to establish the Financial Stability Board to make the financial system less vulnerable to future crises by encouraging cross-border cooperation on regulation.

Based in Basel, Switzerland, the international agency is a beefed-up successor to the Financial Stability Forum and brings together national regulators to discuss issues such as banker pay, accounting standards and requiring banks to hold more capital to absorb losses.

It held its second meeting earlier this month and will submit papers to the G20 in Pittsburgh on bonuses, on progress since the first summit and what future steps need to be taken to better regulate the financial industry.

To date, however, the most concrete steps on strengthening financial regulation have taken place at the national level and it is not yet clear how important a body this will become.

Story from BBC NEWS:
http://news.bbc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/business/8266820.stm

Published: 2009/09/27 11:10:10 GMT

© BBC MMIX

30/9/09

CHỮ “NHẪN” TRONG KINH PHẬT

CHỮ “NHẪN” TRONG KINH PHẬT
Huỳnh Ngọc Chiến

Chữ nhẫn từ ngàn xưa, trong văn hóa phương Đông, vẫn luôn được ca ngợi là phương châm thần hiệu trong việc đối nhân xử thế, là cánh cửa dẫn đến mọi đức hạnh. Dân gian ta thường nói “Một câu nhịn là chín câu lành” hay “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Người Trung Quốc có rất nhiều câu thơ ca ngợi diệu dụng của chữ nhẫn.

“Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh
Thoái nhất bộ hải khoát thiên không”

(Nhịn được cái nóng nhất thời thì gió lặng sóng yên;
Lùi lại một bước nhường người thì biển trời bát ngát)

hay

“Nhẫn đắc nhất thời chi khí
Miễn đắc bách nhật chi ưu”

(Nhịn được cơn giận một lúc,
Tránh được lo lắng trăm ngày).

Có một giai thoại vào đời Đường, gia đình ông Trương Công Nghệ sống cả 9 thế hệ trong cùng một nhà (cửu đại đồng đường). Vua bèn đến nhà ông ta hỏi có bí quyết gì, Trương Công Nghệ liền viết liền một trăm chữ “Nhẫn” dâng lên, vua đọc liền hiểu.

Vì sao chữ nhẫn lại có giá trị đến vậy?

Trong đời sống thường ngày, chữ nhẫn thường được hiểu là “nhịn” và “nhường”, chịu đựng nghịch cảnh, chấp nhận phần thua thiệt, mất mát về mình. Trong đời sống tôn giáo, chữ nhẫn thường được hiểu là sự tự chủ về tinh thần, đối với những sự sỉ nhục mà trong lòng không hề giận cũng không khởi tâm niệm trả thù. Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp, người ta thường hay lầm lẫn nó với sự nhu nhược, cam chịu một cách thụ động, hoặc hiểu nó là sự tự chủ với cảm giác cố gắng đè nén, kiềm chế để tu tập. Nếu chỉ có thế thì chữ nhẫn không thể có vị trí cực cao trong đời sống tinh thần của người phương Đông được. Cũng như bao đức tính khác, nếu không được hiểu đúng thì chữ nhẫn lại trở thành cái vỏ bọc hoa mỹ cho sự vô minh, cho lòng tham, hoặc là thái độ tự dối lừa mình.

Có khi chúng ta nhẫn vì tình thế, có khi chúng ta nhẫn vì lòng có sở cầu. Nhẫn vì tình thế là nhu nhược, nhẫn vì sở sầu là tham lam.

Tô Đông Pha đời Tống bàn về Trương Tử Phòng – một nhân vật tài trí kiệt xuất thời Tiền Hán ở Trung Quốc – nói rằng: “Kẻ được gọi là hào kiệt thời xưa, tất phải có khí độ hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, nên kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, xông tới mà đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Bậc đại dũng trong thiên hạ, gặp những biến cố bất ngờ mà không kinh hoảng, vô cớ bị lăng nhục cũng không nổi giận“. (Lưu hầu luận)

Đó là cái nhẫn của kẻ ôm hoài bão lớn hoặc trong lòng có sở cầu mà chúng ta thấy rất nhiều trong lịch sử. Hàn Tín biết mình thân hoài tuyệt học, không thể mang lụy vô cớ vì một kẻ hạ lưu, nên chấp nhận cái nhục lòn trôn giữa chợ để sau này đem tài năng thi thố với đời. Trương Tử Phòng chấp nhận để một ông lão xa lạ mắng chửi, sai bảo như một kẻ tôi đòi để rồi được truyền thụ binh pháp. Câu Tiễn nhẫn nhục nằm gai nếm mật để mong đến ngày tiêu diệt nước Ngô. Những cái nhẫn đó, dù được ca ngợi như những tấm gương đáng để học hỏi, đều là những cái nhẫn hoàn toàn vì tư lợi, vì chính bản thân mình.

Có nhiều khi ta buộc phải chấp nhận một cách nhu nhược những tình huống bất khả vãn hồi, nhưng ta lại dùng đến vũ khí “thắng lợi tinh thần” theo kiểu nhân vật A.Q của Lỗ Tấn để an ủi mình, để tự lừa mình bằng những hoang tưởng. A.Q là một kẻ bất tài vô tướng, sống bằng nghề làm thuê làm mướn trong làng, nhưng lại luôn luôn tự xem mình giỏi giang hơn thiên hạ. Bị người ta đánh đập, chửi mắng thì dùng thái độ khinh bỉ đối phương để đỡ đau, và tự nhủ “Nó đánh mình cũng như đánh bố nó!”. Đó là sự bạc nhược đớn hèn, không thể gọi là nhẫn. Chúng ta thường tự lừa mình bằng những suy nghĩ cao đạo kiểu đó, và cho đó là nhẫn!

Trong kinh Phật, chữ nhẫn lại mang thêm một ý nghĩa thâm ảo khác. Nó hoàn toàn khác với chữ nhẫn của những người mang tham vọng hay lòng có sở cầu. Ta thường quen với khái niệm chữ nhẫn trong Nhẫn nhục Ba la mật, một trong Lục độ, có nghĩa là cam chịu mọi nghịch cảnh để tu tập với thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Thế nhưng trong chương Thập nhẫn của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật lại nêu ra mười loại nhẫn xem như là cảnh giới chứng đắc thâm diệu của đại bồ tát; đó là: âm thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như hưởng nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn. Một điều rõ ràng là ta không thể hiểu chữ nhẫn trong Nhẫn nhục Ba la mật giống như chữ nhẫn trong thập nhẫn được.

Thông thường chúng ta hiểu nhẫn trong kinh Phật theo nghĩa “kiên nhẫn, nhẫn nhục, nhẫn nại”. Tác giả Giải Không cũng hiểu chữ nhẫn theo nghĩa đó, nghĩa là cam chịu bao khốn cảnh để cứu độ chúng sinh, nên khi chú giải câu kinh văn đầu tiên của phẩm Thập nhẫn: “Phật tử! Bồ Tát ma ha tát hữu thập chủng nhẫn (Này các Phật tử! các đại bồ Tát có mười loại nhẫn), tác giả này liền bình chú ngay : “vị điều chúng sinh, hà nhẫn bất năng?”. (Vì muốn điều phục chúng sinh, có nhẫn nào mà không thực hiện được?) (1). Song có nên hiểu nhẫn như thế chăng?

Ta thử trích một đoạn kinh văn trong phẩm Thập nhẫn nói về vô sinh pháp nhẫn :

“Chư Phật-tử! Thế nào là đại Bồ-Tát vô-sanh-pháp nhẫn?

Ðại Bồ-Tát nầy chẳng thấy có chút pháp nào sanh, cũng chẳng thấy có chút pháp nào diệt. Tại sao vậy? Vì nếu đã vô-sanh thời vô-diệt. Nếu đã vô-diệt thì vô-tận. Nếu vô-tận thời ly-cấu. Nếu ly-cấu thời vô-sai-biệt. Nếu vô-sai-biệt thời vô-xứ-sở. Nếu vô-xứ-sở thời tịch-tịnh. Nếu tịch-tịnh thời ly-dục. Nếu ly-dục thời vô-tác. Nếu vô-tác thời vô-nguyện. Nếu vô-nguyện thời vô trụ. Nếu vô-trụ thời vô-khứ vô-lai. Ðây gọi là thứ ba, vô-sanh-pháp-nhẫn của đại Bồ-Tát.” (2).

Pháp nhẫn hay vô sinh pháp nhẫn là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong kinh điển Đại thừa, và đã khiến các học giả phương Tây gặp không ít lúng túng khi dịch thuật ngữ này. Trong đoạn kinh văn trích ở trên thì ý nghĩa chữ nhẫn không hề có liên quan gì với nhẫn nhục mà ta thường hiểu. Theo đại sư Suzuki, sau đây là một vài cách dịch “vô sinh pháp nhẫn” của các học giả phương Tây :

v M.E Burnouf, trong bản dịch kinh Pháp Hoa — Saddharmapundarīka — ra tiếng Pháp đã dịch là : “Une patience miraculeuse dans la loi” (Sự kiên nhẫn kỳ diệu trong chánh pháp).

v Max Muller trong bản dịch kinh Vô Lượng Thọ -Sukkhāvatīvyūya — (S.B.E XLIX.), dịch là “Resignation to consequences which have not yet arisen” (Sự nhẫn thuận theo các quả chưa sinh khởi).

v Cecil Bendall và W.H.D Rouse trong bản dịch tiếng Anh cuốn “Bồ Tát Đại thừa học tập luận” -Śikshasamuccaya- của Śantideva (Tịch Thiên) dịch là :” Resignation to the idea of not being reborn” (Sự nhẫn thụ trước ý tưởng không tái sinh)

v H. Kern trong bản dịch kinh Pháp Hoa (S.B.E XXI.) dịch là “Acquiessence to the eternal law” (Sự thuận tòng pháp tắc thường hằng) (3).

Ngoài ra, ta thử tham khảo một vài cách dịch khác như :

v Tỳ khưu Dharma, trong bản dịch tiếng Anh cuốn Bồ đề tư lương luận — Bodhisaṃbhāraka Sāstra Commentary của Long Thọ Bồ Tát — đã dịch là “unproduced dharmas patience”. Cách dịch này bám sát từng chữ trong tiếng Phạn nên rất tối nghĩa, unproduced: vô sinh, dharmas: pháp, patience: nhẫn.

, trong bài Buddha’s Love and Human Love, (Chung-Hwa Buddhist Journal, No. 13, 2000) dịch là : “the ultimate insight that nothing arises or perishes “: kiến giải tối hậu về sự bất sinh bất diệt của vạn pháp.

v Mục thuật ngữ Phật học tại Website http://www.buddhistdoor.com/glossary dịch là “Clear cognition of the unproduced nature of all existences; to realize that all things are beyond birth and decay”: minh đạt bản chất bất sinh của vạn hữu; liễu giác được rằng vạn hữu siêu quá sinh diệt.

v Tự điển Phật học (Dictionnaire des termes Bouddhiques) dịch là : “Etape où l’on perçoit que rien ne naît ni ne meurt dans le monde des phénomènes (compréhension de la non-production et de la non-destruction du monde phénoménal)”: giai đoạn nhận thức được rằng không có gì sinh hay diệt trong thế giới hiện tượng (liễu chứng được tính bất sinh bất diệt của vạn hữu).

Chúng ta dễ thấy trong hầu hết các cách dịch trên, ý nghĩa chữ nhẫn trong các loại nhẫn được liệt kê trong phẩm Thập nhẫn dường như chẳng có liên quan gì đến các khái niệm patience hay resignation theo nghĩa “kiên nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục” của phương Tây cả. Các cách dịch “Acquiessence to the eternal law”, “compréhension de la non-production et de la non-destruction du monde phénoménal “, hoặc “Clear cognition of the unproduced nature of all existences; to realize that all things are beyond birth and decay” v.v…, hay đúng hơn là những lời chú thích, biểu đạt được khá sát nội dung của chữ nhẫn theo tinh thần kinh văn.

Tôi không biết tiếng Phạn, nhưng biết rằng chữ nhẫn trong nhẫn nhục hay vô sinh pháp nhẫn chỉ là một, và đều được dịch từ chữ Kṣānti trong Phạn ngữ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu chữ nhẫn theo một nghĩa khác rộng hơn. Chỉ khi nào hiểu được chữ nhẫn trong thập nhẫn thì ta mới có thể hiểu được nội hàm sâu xa trong Nhẫn nhục ba la mật.

Tinh hoa của chữ nhẫn của đạo Phật nằm trong chữ TUỆ để hóa giải tam độc: tham – sân – si.

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại, đỉnh cao của chữ nhẫn của đạo Phật kết tinh trong tinh thần đấu tranh bất bạo động của thánh Gandhi. Đây là cuộc đấu tranh mang tính nhân bản vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Có thể dùng bạo lực để đối kháng nhưng không đối kháng, vì muốn dùng tình thương để cảm hóa cái ác. Đó là bi trong nhẫn. Thản nhiên cam chịu bao nghịch cảnh, đó là dũng trong nhẫn. Hiểu rằng nếu chỉ có đấu tranh theo tinh thần bất bạo động, lấy “tình thương xóa bỏ hận thù” của đạo Phật mới có thể thực sự giải phóng được tâm thức nhân gian ra khỏi vòng luẩn quẩn của vô minh và thù hận; đó là tuệ trong nhẫn.

Khi còn bé, chúng ta có thể đánh nhau bươu đầu sứt trán để giành cho được một con dế. Đến lúc trưởng thành, khi hồi tưởng lại, ta sẽ xem chuyện tranh chấp những con dế ngày xưa là vớ vẩn trẻ con. Thế nhưng trong cuộc sống, ta vẫn cứ tiếp tục tranh chấp để giành giật, không chịu nhường bước trước bất kỳ ai, chỉ khác một điều là chúng ta thay con dế của tuổi thơ bằng những “con dế” khác mang tên tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài, địa vị … Đến lúc đứng tuổi, ta lại thấy chuyện tranh chấp thời trai trẻ không đáng để bận tâm nữa. Nếu như tại thời điểm tranh chấp của thời thơ ấu mà chúng ta có được cái nhìn của người trưởng thành, hay tại thời điểm tranh chấp của thời trưởng thành mà chúng ta có được cái nhìn của bậc lão niên thông tuệ, thì hẳn ngay lúc tranh chấp đó ta sẽ thấy mọi chuyện đều vụn vặt buồn cười. Và ta dễ dàng bỏ qua với nụ cười khoan dung hỷ xả, và vui vẻ nhường người. Vậy chữ nhẫn của Phật giáo là phương châm giúp ta tránh được sự tranh chấp, không phải chỉ vì muốn nhường nhịn theo kiểu “dĩ hòa vi quý” hay nhẫn nhục để tu hành, mà vì ta có được cái nhìn sâu thẳm vào bản chất “như huyễn, như diệm, như mộng, như hưởng, như ảnh, như hóa, như không” của vấn đề mà ta đang đối mặt. Cái nhẫn được dùng để đối trị với si theo cách đó mới chính là nhẫn theo tinh thần Phật giáo. Nó là kết quả của trí tuệ. Vì kẻ trí quán sát được vấn đề y như thực, một điều mà ta phải mất đến mười năm hoặc vài mươi năm sau, khi hồi tưởng lại mới có thể nhận ra, nếu may mắn gặp được cơ duyên.

Thông thường, nhẫn dùng để đối trị với sân trong quá trình tu học. Nóng giận là một cảm xúc rất dễ bộc phát, nhưng lại rất khó kiềm chế. Nhan Hồi – một cao đệ yểu mệnh của đức Khổng Tử – được hậu nho ca ngợi, tôn xưng là á thánh cũng nhờ vào ba chữ “Bất thiên nộ”, có nghĩa là “không giận lây” theo kiểu “giận cá chém thớt”. Khi ta dùng nhẫn để kiềm chế được sân, thì đó là sự dũng mãnh tự thắng được mình. Nó đòi hỏi đến công phu hàm dưỡng cực kỳ thâm sâu. Nhẫn được như vậy là dũng, nhưng vẫn còn cảm giác tự kiếm chế. Nhẫn mà còn có cảm giác tự kiềm chế, thì chưa phải là nhẫn theo tinh thần Phật giáo.

Mỗi khi nổi giận ta luôn tìm cách trút giận vào bất kỳ đối tượng nào, ta muốn đập phá cho hả hê, cho “đã nư”, thì thực chất đó là tham, vì muốn thỏa mãn chính mình. Trong đời sống thường ngày, ta hay nổi giận khi cái-Tôi của ta bị xúc phạm. Thực chất, cái sân đó cũng là biến tướng của tham, do vì mong muốn được người ta kính trọng mà không được như ý nên nổi giận. Tự ngã lớn dần theo tính sân một cách vô hình, và được củng cố bởi nhu cầu muốn được thỏa mãn tính tham trong cơn giận. Nếu chúng ta sống không có ngã tướng thì lấy đâu ra sân để mà đối trị bằng nhẫn? Vậy nhẫn đó chính là tuệ.

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo “Chưa dễ ai là Bụt Thích Ca, Mọi điều nhân nghĩa nhẫn thì qua, Lòng vô sự: trăng in nước, Của thảng lai: gió thổi hoa”. Chữ nhẫn đây không còn là sự kiềm chế hay tự chủ nữa, mà là sự an nhiên của một người vô sự, đủ thông tuệ để nhìn ra được bản chất vô thường, “như huyễn, như mộng” của mọi điều ân oán thị phi.

Trong phẩm Thập nhẫn, chữ nhẫn hoàn toàn mang nội hàm của trí tuệ, có nghĩa là dùng trí tuệ để trực nhận được các bản tính Như Thực của vạn pháp, và hành trì theo kiến giải đó. Trực nhận được bản tính của như huyễn của vạn pháp thì được như huyễn nhẫn, trực nhận được bản tính vô sinh của vạn pháp thì được Vô sinh pháp nhẫn, trực nhận được bản tính như hưởng của vạn pháp thì được như hưởng nhẫn v..v…. Nhẫn đây là tuệ. Chứng được bản tính của vạn pháp là vô sinh, là “như huyễn, như diệm, như mộng, như hưởng, như ảnh”… mà không kinh hãi, đó là dũng trong nhẫn.

Chính vì nhẫn là tuệ, cho nên đức Phật mới dạy : “Chư Phật-tử! Ðại Bồ-Tát có mười thứ nhẫn, nếu được nhẫn nầy thời được đến nơi vô-ngại nhẫn-địa của tất cả Bồ-tát, tất cả Phật-pháp vô-ngại vô-tận.“(2)

Từ lời dạy này, Phật tử chúng ta có thể sẽ đạt đến một tầm nhìn khác rộng hơn, khi hành trì nhẫn nhục.

Chú thích:

(1) Xin xem http://club.xilu.com/mbrun/msgview-950431-152420.html

(2) Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập nhẫn, H.T Thích Trí Tịnh dịch.

(3) Suzuki, Studies in the Lankavatra Sutra, NXB Routledge & Kegan Paul Ltd., London, 1968. tr.125

Huỳnh Ngọc Chiến

GIỌT NƯỚC MẮT MÙA VU LAN

GIỌT NƯỚC MẮT MÙA VU LAN
Huỳnh Ngọc Chiến


Kính tặng Má

Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa


Khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn còn cách người Mẹ già của tôi đến gần một ngàn cây số. Và những dòng chữ rất riêng tư này, tôi tin rằng sẽ được nhiều bạn đọc lượng thứ, vì ai cũng có một người Mẹ. Và vì sẽ có nhiều bạn đọc cũng mang tâm sự như tôi, tâm sự của những đứa con vì cơm áo phải rong ruỗi tha phương, cứ đến mùa Vu Lan lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ già ở phương trời cố quận. Nơi đó có bóng người Mẹ già suốt một đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Vậy mà đến khi tuổi già bóng xế, lại thiếu những đứa con bên cạnh để thường xuyên sớm hôm chăm sóc.

Tất cả những ai khi mái tóc đã pha sương như tôi mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu thì có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa? Nợ áo cơm đã đẩy tôi đi xa quê biền biệt bao năm. “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính không còn là bài ca lãng mạn như tâm trạng háo hức và quyết tâm lúc ra đi, mà đã pha thêm ít nhiều cay đắng.

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.

Cái “quê nhà xa lắc xa lơ đó” sở dĩ còn quyến rũ khách lữ thứ tha phương, với những lời réo gọi luôn đồng vọng mênh mông trong tâm tưởng, vì dưới những đám mênh mông mây trắng ấy là hình ảnh thân thương của Cha già, Mẹ yếu. Ngày đi học, nghe thầy giảng về sự tích mây Tần hay mây Hàng trong Truyện Kiều, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Ðịch Nhân Kiệt, người đời nhà Ðường, được bổ làm quan ở Tĩnh Châu. Cha mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm, lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bay một mình, ông bèn bảo kẻ tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó". Ông đứng nhìn ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới chịu quay về.

Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên thành một điển cố văn học, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu xiết bao. Tấc lòng hiếu thảo đó của người con đi làm quan xa xứ đã bao trùm lên cả không gian biền biệt, khi cố tìm thấy hình ảnh của Cha Mẹ ẩn hiện mơ hồ dưới đám mây bay. Thời buổi hiện đại, sự liên lạc tiện lợi và nhanh chóng khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng lòng người như đã dần thêm xơ cứng, không mấy ai còn thấy lòng rung động bởi những câu chuyện như trên nữa. Chữ Hiếu dường như đã dần trở thành một thứ “xa xỉ phẩm” trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Lợi Danh và lòng ích kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình, vì đạo Hiếu nền tảng của đạo Nhân.

Người xưa thường nói: “Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, Tử dục dưỡng nhi thân bất tại”. (Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Con muốn nuôi dưỡng Cha Mẹ mà Cha Mẹ không còn nữa) như để nhắc nhở con người đừng có bao giờ phân vân hay chần chờ trong việc báo đáp ơn sâu. Lẽ ra tôi đã được ở bên Má tôi để phụng dưỡng sớm hôm, vậy mà cái tâm nguyện nhỏ bé ấy lại không sao thực hiện được. Điều đó còn khiến cuộc đời trở nên đau buồn hơn muôn ngàn lần sự muôn trùng cách trở của không gian.

Người xưa thường nói đến bốn chữ “định tỉnh thần hôn” (hỏi han, chăm sóc Cha Mẹ sớm hôm) để nhắc nhở đạo làm con.

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.

Những người dân quê chân chất ít học sao lại hiểu cái đạo lý “định tỉnh thần hôn” dễ dàng bằng những câu ca dao bình dị mà thiết tha đến thế? Trong thời buổi mà phong hóa đã quá suy đồi như hiện nay, người ta vẫn cho rằng con cái còn nghĩ đến Cha Mẹ đã là có hiếu, mà nuôi dưỡng được cha Mẹ lúc tuổi già là chí hiếu! Con cái khi thành đạt đều cảm thấy yên tâm, thậm chí còn hãnh diện cả với xã hội, khi cứ chu cấp tiền bạc hoặc thuê mướn người nuôi Cha Mẹ lúc tuổi già. Mỗi năm một đôi lần về thăm viếng là đã cảm thấy không còn áy náy với lòng.

Khi ông Tử Du hỏi đức Khổng Tử về chữ hiếu, Ngài đáp :“Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?” (Ngày nay bảo rằng nuôi dưỡng được cha Mẹ là có hiếu; đến như giống chó, giống ngựa cũng đều được nuôi dưỡng. Nuôi mà không kính thì lấy gì để phân biệt?). Mỗi khi nhớ đến câu đó, tôi không khỏi luôn giật mình kính sợ thâm ý của người xưa. Tôi muốn hiểu chữ kính đây nằm trong bốn chữ “định tỉnh thần hôn”. Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Tôi nhiều lần đứng một mình trước biển, và hiểu vì sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển cả bao la. Biển dung nạp được tất cả những thứ nhơ bẩn trên cõi đời này, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu được tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn đều được Mẹ thương yêu như nhau với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim người Mẹ. Đó có khác gì chư Phật đem Bi tâm để quán sát chúng sinh?

Thuở còn bé, bao nhiêu lần tôi bị đòn roi của Ba tôi do thói nghịch ngợm của trẻ con, Má tôi không can được nên chỉ đứng nhìn mà lặng lẽ khóc. Lớn lên, tôi mới hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của người Mẹ còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi. Tôi thường nghe câu thơ “Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc”. Câu thơ đơn sơ là thế, nhưng cảm động lòng người bao xiết. Chỉ có những người con thực sự hiếu thảo mới có thể làm được những câu thơ giản đơn mà đáng yêu đến vậy. Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc. Bây giờ thì tôi không còn bị những trận đòn roi của Ba tôi như ngày xưa nữa. Tôi không làm Má tôi khóc nữa, nhưng cuộc đời lại bắt tôi phải khóc!

Tôi còn nhớ khi tôi lên 8 tuổi, Má tôi dắt tôi lên chùa Hòa An để làm lễ quy y. Hình ảnh của hai Mẹ con quỳ trong Phật điện cùng hình ảnh vị sư trụ trì khả kính đã in sâu vào tâm khảm tôi, giúp tôi đặt những bước chân chập chững trên con đường mênh mông của Phật pháp về sau. Rồi cứ đến ngày rằm, tôi lại theo Má tôi lên chùa. Đến rằm tháng bảy đọc kinh Vu Lan, tâm hồn trẻ thơ của tôi – vốn luôn hoang mang kinh ngạc vì sao ta lại được may mắn bẩm thụ một hình hài giữa cõi nhân gian – đã tìm được lời giải đáp. Câu chuyện Bồ Tát Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu hoang đường, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên làm rung động cả chư Phật mười phương lại là điều rất bình dị và dễ hiểu. Tôi yêu quý đạo Phật vì dù là đạo giải thoát, nhưng nó luôn dạy con người không được quên đạo làm con. Rồi sau này, khi học Nhị thập tứ hiếu, tôi càng hổ thẹn trước tấm gương của những người con hiếu thảo đó. Tôi càng hiểu rằng có làm gì đi nữa cũng không sao đáp đền được tấm lòng của Mẹ, của Cha. Ngày Ba tôi mất, tôi đề câu đối lên mộ như một lời tự nhắc nhở mình suốt một đời:

Dĩ Hỗ nguy nguy sơn vĩnh tại. Hiếu tâm cổn cổn thủy trường lưu
屺 岵 巍 巍 山 永在, 孝 心 滾 滾 水 長流

(Cha Mẹ như núi Dĩ, núi Hỗ cao chót vót, ngàn năm vẫn còn mãi đó. Lòng hiếu của con cái dù có làm gì đi nữa, thì cũng chỉ như dòng nước hờ hững chảy xuôi). Núi Hỗ, núi Dĩ dẫu không cao, nhưng đạo làm con nhìn lên vẫn thấy cao xa vòi vọi.

Ngày nay biết bao nhiêu người cho rằng con người sống trong sự đan xen chằng chịt của quá nhiều mối quan hệ xã hội: Cha Mẹ, đồng nghiệp, vợ chồng, con cái, bạn bè …. Mối quan hệ với Cha Mẹ, do đó, cũng chỉ là một trong những mối quan hệ đó mà thôi. Những kẻ quan niệm như thế sẽ không bao giờ hiểu được rằng :

“Ví có kẻ nào, hai vai kiệu cõng, Cha Mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng trễ, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được, công đức Mẹ Cha, kể trong muôn một”. (Kinh Ðại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, không rõ người dịch).

Con người, khi thành đạt, thường vênh vang tự mãn với đời về tài năng của mình, mà quên mất câu “phúc đức tại mẫu ”. Tất cả những gì ta đang có hôm nay, dù bằng tài trí và bằng sự nỗ lực cả đời, thực ra chỉ là sự kết tinh nhân duyên từ Cha, từ Mẹ. Hãy nhìn một vườn cây đầy những loài cây quý xum xuê quả ngọt. Người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi tài năng và công lao người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là “phúc đức tại mẫu” và âm đức của tổ tiên. Chúng ta thường vô tình để cuộc đời hạnh phúc riêng của ta che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Và những lời nhắc nhở đến hình ảnh cội nguồn đó bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.

Tôi luôn tâm niệm sở dĩ tôi có được cuộc sống bình thường ngày hôm nay, tất cả đều nhờ Cha, nhờ Mẹ. Đời tôi đã trải qua khá nhiều cay đắng với những tháng năm trôi nỗi ngược xuôi. Mỗi khi trên lưng tôi thấm hằn những vết roi đời tủi nhục, thì tôi chỉ tìm thấy bình yên bên Má tôi, trong tình thương và nụ cười hiền lành bao dung của Người. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Má tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục thì lại không thể thực hiện được. Đó là một trong những điều đau đớn nhất trong đời, mà mỗi khi nghĩ đến tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tán trên đời đều do nhân duyên. Tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Má tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ chữ Duyên.

Ngày còn bé, cứ đến mùa Vu Lan, tôi thường lên chùa để được cài một bông hồng lên áo, để cảm thấy niềm hạnh phúc rằng mình đang còn Mẹ. Năm nay, lại thêm một mùa Vu Lan nữa mà tôi không được gần với Má tôi. Người vẫn còn đó ở nơi “quê nhà xa lắc xa lơ”, nhưng sao đến mùa Vu Lan năm nay, tôi lại có cảm giác nghẹn ngào như đang cài lên áo mình một đóa hoa màu trắng.

Mùa Vu Lan 2009

Huỳnh Ngọc Chiến