10/3/10

THƠ- TÂM THỨC

TÂM THỨC

Trần Hồ Dũng



Chỉ cần một nụ cười
Tâm ta : hoa hồng nở
Chỉ cần một ánh nhìn
Ḷòng ta : tràn ánh sáng

*
Nụ cười em vừa tắt
Tâm ta : cánh hoa khô
Em quay mặt bước đi
Lòng ta : tràn bóng tối

* *
Bàn chân em thơ ngây
Bước qua đời rất nhẹ
Sao ḷòng ta già cỗi
Hóa sa mạc ưu phiền ?

***
Tâm : khát một nụ cười
Hồn : bóng đêm chờ sáng
Ta bước vào cơn mê
Nghe đời trôi rất lạ

****
Em : là ta ngày trước
Ta : là em ngày sau
Ta và em là một
Nở trong đóa vô thường



tranhodung.saigon .26.2.2010

9/3/10

Về bài thơ Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn...

Về bài thơ Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn...

Vĩnh Sính Cập nhật : 08/03/2010 17:02

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền / Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên, chỉ có hai câu mà họ Lý đã đưa người đọc đến ngay ngưỡng cửa của những dĩ vãng xa xôi, sâu lắng...

Về bài “CẨM SẮT” của Lý Thương Ẩn
và ảnh hưởng của bài thơ đối với
Nguyễn Du trong Truyện Kiều


Vĩnh Sính


Mùa Hè năm ấy (2003), tôi ghé Đông Kinh thăm người bạn cũ từ bốn mươi năm nay đang bị ốm nặng. Một tối, trước giờ đi ngủ, tình cờ thấy trong nhà có cuốn Ri Shôin (Lý Thương Ẩn; 812?-858), tôi lấy ra xem.
LTA

Lý sống vào thời vãn Ðường ở Trung Quốc, một thời kỳ có lắm bế tắc về chính trị và xã hội, nhưng chín muồi về văn hoá nghệ thuật. Tuy đỗ đạt cao, Lý không mấy may mắn trên bước hoạn lộ. Thơ Lý được ưa chuộng nhưng nổi tiếng hóc buá. Trong thơ có nhiều điển tích, giàu hình tượng, mà cũng chứa lắm ẩn dụ khó giải mã. ‘Cẩm sắt’ thường được xem là bài thơ hay nhất và cũng là bài thơ khó hiểu nhất của họ Lý. Chả vậy mà nhà bình thơ đời Thanh Vương Sĩ Trinh đã nhận xét : ‘Nhất biên Cẩm sắt giải nhân nan’ (Bài thơ Cẩm sắt hiểu sao đây !)1

Tối đó tôi khẽ đọc bài “Cẩm sắt” qua âm Hán Việt. Ngâm chầm chậm hai câu mở đầu ‘Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền / Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên’, tự dưng tôi thấy xúc động mạnh. Chỉ có hai câu mà họ Lý đã đưa người đọc đến ngay ngưỡng cửa của những dĩ vãng xa xôi, sâu lắng. Ngâm xong cả bài, tuy chưa nắm hết ý nhưng tôi vẫn cảm thấy những âm hưởng trong “Cẩm sắt” có sức quyến rũ, có một ma lực lạ lùng. Người dịch, chú thích và bình luận tập thơ của Ri Shôin là Takahashi Kazumi (1931-71), một nhà văn, nhà thơ, và cũng là một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc xuất sắc nhưng mệnh bạc. Những lời bình của Takahashi như những tia chớp sáng, trong khoảnh-khắc-một-sát-na đưa người đọc đi thẳng vào thế giới thẩm mỹ của thơ Lý Thương Ẩn mà các nhà bình luận thơ Ðường xưa nay vẫn thường nói tới. Ðọc lui đọc lại, tôi như bị thu hút bởi bài thơ.

Duyên nọ dẫn đến duyên kia, sau đó cũng do tình cờ, tôi được biết một điều kỳ thú là trong phần cuối Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã mượn bốn câu trong bài thất ngôn bát cú này để diễn tả cảnh Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm cách biệt. Khi so sánh bốn câu trong nguyên tác với đoạn thơ phóng dịch trong Kiều, chúng tôi phát hiện một chi tiết cũng hấp dẫn không kém : Tiên Ðiền tiên sinh đã thay đổi không khí u uất trong nguyên tác thành một bầu không khí đầm ấm, êm ái, tươi sáng cho phù hợp với cảnh sum họp vui vầy giữa Kiều với Kim Trọng !



Mục đích của chúng tôi khi viết bài này là không những hy vọng được chia sẻ với độc giả một bài thơ hay, nhưng đồng thời đưa ra một số nhận xét về mối liên hệ kỳ thú của đoạn thơ phỏng dịch trong Truyện Kiều với bài “Cẩm sắt” của Lý Thương Ẩn.

Trước hết, ta thử xem qua gốc gác những từ cần giải thích cùng những điển tích trong bài “Cẩm sắt”.


camsat
Cẩm sắt

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên.


Câu 1 ) Cẩm sắt : Có người dịch là đàn gấm,2 nhưng trên thực tế là cây đàn sắt có chạm trổ. Ðàn sắt là loại đàn lớn làm bằng gỗ cây ngô đồng. Ðàn sắt và đàn cầm là hai loại đàn cổ, chữ cầm sắt3 thường dùng nhằm chỉ vợ chồng hoà hợp, như đàn sắt đàn cầm hoà nhau. Theo Daijigen (Ðại từ nguyên), cẩm sắt là mỹ danh của cây đàn sắt.4

Vô đoan : do đâu, từ đâu, không có lý do.

Ngũ thập huyền : Theo truyền thuyết, khi Tố Nữ gẩy đàn sắt tế trời theo lệnh vua Phục Hy,5 đàn này có 50 dây. Nhưng vì tiếng đàn quá ai oán não nùng, Phục Hy cấm không cho sử dụng đàn này nữa. Sau đó, vì dân chúng vẫn không chịu tuân lệnh, Phục Hy mới cho phép dùng nửa số dây, từ đó đàn sắt chỉ có 25 dây (theo ‘Phong thiền thư’, Sử ký của Tư Mã Thiên; hoặc ‘Giao tự chí’, Hán thư của Ban Cố đời Hậu Hán).6

Câu 2) Trụ : trụ; trục; hay ‘con nhạn’ đỡ dây đàn (huyền).

Hoa niên : Thanh xuân; tuổi trẻ; thời kỳ rạo rực yêu đương.

Tư, tứ : nghĩ, nhớ; ở đây dùng theo nghĩa ‘gợi nhớ’. Mỗi dây đàn, mỗi trục, xui nhớ lại tuổi hoa niên. Ðọc hai câu mở đầu, ta không khỏi liên tưởng đến hai câu hát ru con Việt Nam ‘Hai tay cầm bốn tao nôi / Tao thẳng tao dùi, tao nhớ tao thương’ – tuy dân dã mộc mạc nhưng có sức gợi cảm cũng vô cùng mãnh liệt.

Câu 3) Trang sinh : tức Trang Chu, nhà tư tưởng thời Chiến Quốc. Sách Trang Tử ghi lại những ngôn thuyết của Trang Tử cùng những người cùng phái, chủ trương là mọi việc trên đời như lớn nhỏ, khôn dại, sống chết, v.v. chẳng có gì khác nhau cho lắm; xem vô vi, tự nhiên là đạo đức cao nhất. Thuyết giải về sự khó phân biệt giữa tỉnh và mộng, sống và chết, thiên ‘Tề vật luận’ trong Trang Tử viết : ‘Ngày xưa, Trang Chu chiêm bao thấy mình hóa bướm bay nhởn nhơ, tự lấy làm thích chí, quên mình là Chu. Bất giác tỉnh giấc, thấy hình thù mình vẫn là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu !’

Câu 4) Vọng Đế : đế hiệu của vua Ðỗ Vũ nước Thục cuối đời Chu (nên còn gọi là Thục Đế).7 Tương truyền Vọng Đế ra lệnh bộ hạ là Miết Linh đi cứu lũ ở xa nhằm thừa dịp tư tình với vợ của Miết Linh. Sau đó Vọng Đế tự hổ thẹn về hành vi bất chính của mình, từ ngôi rồi mai danh ẩn tích. Mỗi năm cứ vào tháng hai âm lịch (Vọng Đế rời đất Thục cũng vào tháng này), đêm đêm chim đỗ quyên lại cất tiếng sầu thảm. Bởi vậy, người nước Thục mỗi lần nghe tiếng chim đỗ quyên lại nhớ đến Vọng Đế.8

Xuân tâm : lòng xuân, còn có nghĩa như ‘xuân tình’ : tình yêu trai gái, có thể bao hàm hơi hướng tính dục. Nguyễn Du cũng đã dùng chữ ‘xuân tình’ khi phỏng dịch đoạn thơ này trong Truyện Kiều.

Câu 5) Thương hải : Biển xanh, còn có nghĩa là biển rộng, biển cả. Thương hải cũng có khi dùng để chỉ tên một biển hư cấu ở cõi tiên.

Nguyệt minh châu hữu lệ : Theo Văn tuyển (Lý Thiện chú thích), ‘khi trăng đầy, trai có ngọc (châu), khi trăng khuyết trai không có ngọc’ (nguyệt mãn tức châu toàn, nguyệt khuy tức châu khuyết). Theo cuốn Biệt quốc động minh ký thời Lục Triều, ngày xưa có người lặn xuống đáy biển tìm ngọc, lạc vào cung điện của nhân ngư, tìm được bảo ngọc do nước mắt của nhân ngư đọng lại.9 Ngoài ra, câu này còn có thể hiểu theo điển tích ‘thương hải di châu’ (hạt ngọc bỏ rơi trong biển cả), ngụ ý là người có tài mà không có chỗ thi thố.

Câu 6) Lam điền : tên một ngọn núi ở Thiểm Tây (Lam điền sơn), còn gọi là Ngọc sơn, nổi tiếng có nhiều ngọc quý. Theo Sơn hải kinh, Ngọc sơn là nơi bà tiên Tây Vương Mẫu ở – chi tiết này khiến người đọc liên tưởng đến một cõi tiên hư cấu, giống như “Thương hải” trong câu 5.10

Ngọc sinh yên : Theo Lục dị truyện, con gái Ngô Phù Sai là Tử Ngọc yêu

người lính hầu là Hàn Trọng nhưng không được Ngô vương chấp thuận, mang mối bi tình xuống tuyền đài. Một sáng, khi Ngô vương đang dùng lược chải tóc, nhìn ra vườn thấy có viên ngọc lớn màu tím chiếu sáng, phu nhân nghe nói chạy ra vườn, khi vừa ôm chầm hòn ngọc thì ngọc tan thành khói biến mất. Lại có thuyết cho rằng tứ thơ trong câu này lấy từ ý câu sau đây của nhà thơ Ðái Thúc Luân (732-789) thời Trung Ðường : ‘Cảnh, đối với nhà thơ, tựa như viên ngọc quý bốc tan thành khói khi Lam Ðiền ửng nắng, chỉ có thể đứng nhìn từ xa chứ không được lại gần’ (thi gia chi cảnh như Lam Ðiền nhật noãn lương ngọc sinh yên, khả vọng nhi bất khả trí ư mi tiệp chi tiền giã).11

Hai câu 5 & 6 đối nhau, bởi vậy khi chuyển ngữ chúng tôi đã cố gắng giữ nguyên những chữ đối nhau trong câu. Nói một cách khác, khi xem ‘Thương hải’ là một danh từ tiêng, chúng tôi cũng xem ‘Lam điền’ là danh từ riêng; và khi dịch ‘thương hải’ như một danh từ chung (biển cả), chúng tôi cũng dịch ‘lam điền’ như một danh từ chung (đồng xanh).

Câu 7 & 8) Khả [đãi] : trợ từ có nghĩa là: phải, nên, đáng, có thể, chắc có thể, có lẽ, hình như; hoặc là trợ từ nghi vấn (làm sao có thể...).

Võng nhiên : không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn, phôi pha. Câu 7 có thể dịch là ‘Tình này [giả sử] có thể trở thành một cái gì để ghi nhớ’ hoặc ‘Làm sao có thể chờ đợi để tình này trở thành cái gì để ghi nhớ ?’ Chúng tôi đã chọn cách dịch thứ nhất. Câu 8 có nghĩa là ‘Thì lúc ấy thời gian/duyên tình cũng đã phôi pha/tàn phai/nhạt nhoà’.


Sau đây là bản dịch bài “Cẩm sắt” của chúng tôi :

Cẩm sắt vì đâu năm chục dây ?
Mỗi dây mỗi trục nhớ thương đầy.
Trang sinh sớm mộng mê thành bướm,
Thục đế tình xuân tiếng cuốc chầy.
Thương hải trăng thanh châu nhỏ lệ,
Lam điền nắng ấm ngọc tan bay.
Tình này ví thử sau còn nhớ,
Lúc đã tàn phai với tháng ngày !


Bài thơ cũng có thể dịch như sau :

Cẩm sắt vì đâu ngũ-thập-huyền ?
Mỗi dây mỗi trục gợi hoa niên.
Trang sinh sớm mộng mê thành bướm,
Thục đế xuân tình gửi tiếng quyên.
Bể cả trăng thanh châu đẫm lệ,
Ðồng xanh nắng ửng ngọc tan liền.
Tình này ví thử sau còn nhớ,
Khi đã qua rồi thuở lứa duyên !


Như chúng ta đã thấy, lời thơ trong bài “Cẩm sắt” đượm nét buồn man mác, như chất chứa một ‘nỗi sầu vạn đợi’. Có người cho rằng Lý đã viết bài thơ này vào những năm cuối đời để khóc người vợ quá cố của mình, có kẻ bảo Lý viết để than tiếc cho người yêu mang tên là Cẩm Sắt. Ngoài ra còn có không biết bao nhiêu giả thuyết khác.12 Có lẽ chúng ta nên hiểu là Lý muốn nói về bản chất mộng ảo, mong manh của cuộc đời và của tình yêu, không chỉ của nhà thơ mà của con người nói chung. Những năm tháng đã trôi qua trong cuộc đời (mà trăm năm là giới hạn) như thâu gọn lại trong năm chục sợi dây đàn.

Từ mỗi dây, tiếng đàn ngân lên như khơi dậy lại tuổi hoa niên, của ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !’ (Thế Lữ). Làm sao phân biệt thực với mộng ? Trang Chu hay con bướm, Thục Đế hay chim đỗ quyên, bên nào thực, bên nào mộng ? Ngay giữa lúc ‘Thương hải trăng thanh’ thì ‘châu đẩm lệ’, và ngay khi ‘Lam điền nắng ấm’ thì ‘ngọc tan bay’ ! Và tình yêu, khi muốn ghi nhớ, muốn trân trọng, thì hỡi ôi, lúc đó thời gian đã phôi pha; duyên tình, hương nguyền ngày trước còn đâu nữa ! Tất cả đều mong manh, mộng ảo.

Cho dầu chúng ta không thể giải thích một cách thoả đáng tất cả những ẩn dụ trong “Cẩm sắt”, nhưng vẫn có thể cảm nhận được giá trị của bài thơ, đúng như Lương Khải Siêu (1873-1929) đã nhận xét khi đọc những bài thơ khó giải mã của Lý. Lương viết : ‘Tôi không hiểu và thậm chí không thể giải thích ý nghĩa của từng câu thơ, nhưng tôi vẫn yêu và vẫn bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của thơ họ Lý.’13

Cuối cùng, chúng tôi thử đưa ra vài nhận xét về đoạn phóng dịch bốn câu 3, 4, 5, 6 của bài “Cẩm sắt” trong Truyện Kiều.

Ðoạn này nằm trong phần cuối của Truyện Kiều, khi Kiều và Kim Trọng gặp lại nhau sau mười lăm năm cách biệt. Kim Trọng nhờ Kiều đánh đàn cho mình nghe, và Kiều đã ‘nể lòng người cũ vâng lời một phen’ (câu 3196). Trước đó, khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần đầu tiên, hay trong những lần Kiều bị buộc phải gẩy đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư, v.v. nghe, thì tiếng đàn của nàng lâm ly, não nùng, ‘nghe ra như oán như sầu phải chăng ?’ (câu 476). Nhưng lần này, khác hẳn với những lần trước, tiếng đàn của Kiều nghe thật ấm áp, êm ái, trong sáng. Nguyễn Du đã phóng dịch bốn câu trên nhằm diễn tả tiếng đàn sum họp của Thúy Kiều như sau :

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên ?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông !

(câu 3199-3204)


Qua tiếng đàn vui tươi, ấm áp trong đoạn phóng dịch này, người đọc không còn thấy bóng dáng trăn trở hoài nghi của một Trang Chu nguyên sơ trong thiên “Tề vật luận”,14 tiếng ca của chim đỗ quyên không còn nhuốm máu vì Thục Đế – mà chỉ là một giai điệu êm ái gợi nhớ vị quân vương đa tình, những hạt châu không còn đẩm lệ ở Thương hải vào những đêm trăng tỏ, và hạt ngọc kia cũng không còn bốc khói khi ửng nắng ở Lam điền !

Dĩ nhiên Tiên Ðiền tiên sinh đã không hiểu lầm ý thơ của họ Lý. Do đâu mà chúng ta có thể khẳng định như vậy ?

Ngoài bản lĩnh của nhà học giả này như ta đã biết, lý do là ngay sau đó, khi Kim Trọng hỏi Kiều : ‘Tiếng đàn ngày trước sao ai oán, não nùng, mà hôm nay em đàn sao nghe vui thế ?’ (‘Chàng rằng : Phổ ấy tay nào ? / Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy’; câu 3207-3208), thì Nguyễn Du đã thay nàng Kiều đáp lời : ‘Tẻ vui bởi tại lòng này / Hay là khổ tận đến ngày cam lai ?’ (câu 3209-3210).

Mặc dầu phải đối đầu với định mệnh phũ phàng, nghiệt ngã trong suốt mười lăm năm chia cách (‘Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa / Bấy chầy gió táp mưa sa’) (câu 3098-3099), Nguyễn Du đã thay Kiều khẳng định phẩm chất đẹp đẽ trong sạch của nàng : ‘Chữ Trinh còn một chút này’ (câu 3161).

Chữ Trinh ở đây dĩ nhiên phải hiểu theo nghĩa tinh thần. Kiều cảm kích bởi tấm lòng của người cũ, vì hơn ai hết Kim Trọng hiểu được điều đó, bởi thế Kiều mới nói : ‘Thân tàn gợi đục khơi trong / Là nhờ quân tử khác lòng người ta / Mấy lời tâm phúc ruột rà / Tương tri dường ấy mới là tương tri’ ! (câu 3181-3184) Trong không khí ‘Tình xưa lai láng khôn hàn’ (câu 3191), Kim Trọng nhờ Kiều gẩy cho nghe một khúc (‘Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa’(câu 3192). Ðoạn Nguyễn Du phỏng dịch từ “Cẩm sắt” chính là để diễn tả tiếng đàn của Thuý Kiều lúc đó.

Ta hãy thử suy luận. Phải chăng Nguyễn Du đã thay đổi hẳn bầu không khí ‘một cách sáng tạo’ khi phỏng dịch đoạn trên nhằm nói rõ lên rằng ‘Tẻ vui bởi tại lòng này’ (câu 3209), và trong giờ phút tương phùng Kiều cảm thấy đã được phỉ nguyền (‘Ba sinh đã phỉ mười nguyền’, câu 3191), hay nói đúng hơn, nàng cảm thấy đã được giải thoát khỏi nghiệp chướng. Chắc hẳn chính vì vậy, nên ngay cả giai điệu lâm ly, u uất của bài “Cẩm sắt” mà nghe vẫn êm ái, đầm ấm !

Bằng chứng cụ thể và hùng hồn nhất về sự cố ý thay đổi một cách sáng tạo của Nguyễn Du có thể tìm thấy ở câu cuối cùng trong 6 câu thơ phỏng dịch.

Trong câu này, thiên tài họ Nguyễn đã đảo ngược hiện tượng, biến ‘Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên’ (Lam điền nắng ấm ngọc tan bay) thành ‘Ấm sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông !’ (câu 3204), tức ‘ngọc tan thành khói’ trong nguyên tác đã trở thành ‘hạt ngọc... mới đông’ trong Truyện Kiều !

Vì ‘ngọc... mới đông’ nên Nguyễn Văn Vĩnh khi chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Pháp, đã dịch câu này là : ‘Et c’était chaud comme une de ces gouttes qui viennent de se cristalliser en perles sur la plaine de Lam điền’.15

Trong Truyện Kiều, điều đáng chú ý là Nguyễn Du đã khởi đầu bằng thuyết ‘tài mệnh tương đố’ cũng có xuất xứ từ thơ của Lý Thương Ẩn (‘Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương’, tức ‘Xưa nay tài mệnh vốn thường kỵ nhau’), và như chúng ta đã thấy, trong phần kết thúc Nguyễn Du cũng đã phóng dịch một đoạn thơ của họ Lý trong khúc đàn cuối cùng của nàng Kiều nhằm chứng minh là ‘tẻ vui’ là ‘bởi tại lòng này’ và niềm vui sẽ có được khi trong lòng không còn bị vướng vất bởi các nghiệp chướng.

Theo Nguyễn Du, đánh thức thiện căn, thiện tâm chính là chìa khoá đưa đến sự giải thoát : ‘Thiện tâm ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’ (câu 3251-3252).

Sự thay đổi nội dung, từ bốn câu thơ trong bài “Cẩm sắt” sang đoạn phóng dịch trong phần kết thúc Truyện Kiều, nghĩ cho cùng, là một hiện tượng khúc xạ xảy ra khá phổ biến, với mức độ khác nhau, khi nước này tiếp thu văn hoá nước kia trong quá trình giao lưu/giao thoa văn hoá.

Ðiều đáng chú ý là trong trường hợp này, thiên tài Nguyễn Du đã ‘Việt Nam hoá’ bốn câu thơ trong bài “Cẩm sắt” một cách điêu luyện nhằm bảo vệ nàng Kiều, nạn nhân của nghịch cảnh xã hội, và chứng minh rằng mặc bao ‘gió táp mưa sa’, nàng Kiều đã giữ được phẩm giá trong trắng của mình. Đành rằng Tiên Điền tiên sinh đã ít nhiều ký thác tâm sự vào Kiều khi bảo vệ cho nàng như nhiều thức giả đã nhận xét,16 tâm thức ‘tấm lòng như tuyết như băng’, hoặc ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’ mà Tố Như tiên sinh đã khẳng định qua Kiều nằm ngay trong cốt lõi tâm tình dân tộc của người Việt Nam.

Có lẽ vì thế nên Truyện Kiều, ngoài những vần thơ điêu luyện, đã được người Việt – nạn nhân của không biết bao cơn binh lửa cùng nghịch cảnh xã hội – yêu chuộng mãi không thôi.

Vĩnh Sính

Nguồn : Bài đã đăng trên Diễn Đàn, báo giấy, số 122 (tháng 10.2002). Đây là bản tác giả mới sửa lại cuối tháng 2 năm 2010


1 Trích lại từ Wang Chiu-kuei [Vương Thu Quế] ‘Objective Correlative’ in the Love Poems of Li Shang-yin (Tương quan khách quan trong những bài thơ tình của Lý Thương Ẩn), Trung tâm Nghiên cứu Ngữ văn Ngoại quốc, Ðại học Quốc lập Ðài Loan (Taipei: Quỹ Văn hoá, Gia Tân Thuỷ Nê Công Ty, 1970), trang 31.

2 Ví dụ, xem Lê Nguyễn Lưu, Ðường thi tuyển dịch (Huế : Nxb Thuận Hoá, 1997), tập 2, trang 1331.

3 Có học giả nhầm tên bài thơ này là “Cầm sắt”, thay vì “Cẩm sắt”; ví dụ : Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, Truyện Kiều (Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1996, xuất bản lần thứ XIII), trang 234; hoặc Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú thích, Truyện Thúy Kiều (Fort Smith, AR: Nxb Sống Mới, không ghi năm in lại), trang 206.

4 Tokyo: Kadokawa Shoten, 1992, trang 1820.

5 Có sách ghi là Thái đế. Xem James Liu, The Poetry of Li Shang-yin (Thơ Lý Thương Ẩn). (Chicago: The University of Chicago Press, 1969), trang 51.

6 Trích dẫn lại từ Takahashi Kazumi, Ri Shôin (Lý Thương Ẩn) (Tokyo: Kawade Bunko, 1996), trang 40.

7 Ðối với độc giả Việt Nam, tuy cách gọi Thục đế nghe quen tai hơn Vọng đế, nhưng nguyên văn chữ Hán để là Vọng đế thì ta phải theo đúng vậy. Khi dịch sang tiếng Việt dĩ nhiên ta có thể chuyển thành Thục đế để độc giả người Việt dễ theo dõi hơn. Có tác giả ghi nhầm nguyên văn trong “Cẩm sắt” là Thục đế; chẳng hạn như : Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, sđd, trang 234; Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải, Vương Thuý Kiều (Ðoạn trường tân thanh) (Sài Gòn : Tủ sách Hương Sơn, 1960), trang 234.

8 Takahashi Kazumi, sđd, trang 40.

9 Như trên.

10 Như trên, trang 40-41.

11 Trích lại từ Wang Chiu-kuei, sđd, trang 38.

12 Xem James Liu, sđd, trang 52-57.

13 Xem Fusheng Wu, The Poetics of Decadence : Chinese Poetry of the Southern Dynasties and Late Tang Periods (Thi ca đồi phế : Thơ Trung Quốc vào thời Lục Triều và Vãn Ðường) (Albany, NY : State University of New York, 1998), trang 169.

14 Về điểm này, học giả Ðặng Thanh Lê cũng đã đưa ra nhận xét tương tự trong Truyện Kiều và thể lọai truyện Nôm (Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội, 1979), trang 141. Cách lý giải trong sách này về ý nghĩa của đoạn phỏng dịch từ “Cẩm sắt” hay phần ‘Tái hồi Kim Trọng’ nói chung có điểm khác với cách lý giải của chúng tôi.

15 Nguyễn Du, Kim Vân Kiều : Traduction en Français par Nguyễn Văn Vĩnh (in theo bản của Nhà Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1943; Nxb Văn Học, 1994), trang 780. Người viết có gạch dưới để nhấn mạnh.

16 Theo quan niệm ‘trung thần bất sự nhị quân’ (tôi trung không thờ hai vua) ngày trước, việc làm quan cho hai triều (trước làm tôi nhà Lê và sau ra làm quan cho nhà Nguyễn) chắc đã làm Nguyễn Du trăn trở không ít.


Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

CHU MẠNH TRINH - vịnh Kiều

vịnh Kiều

CHU MẠNH TRINH (1862 – 1905)

Trong tập "Thanh Tâm Tài nhân thi tập" của Chu Mạnh Trinh, cùng với Bài Tựa nổi tiếng đã giới thiệu ở phần trên ( trang 58 ) còn có hơn hai chục bài thơ Vịnh Kiều thất ngôn bát cú gồm 1 bài tổng vịnh và các bài vịnh theo hai mươi hồi của cuốn tiểu thuyết Trung Hoa. Tập thơ này đã chiếm giải nhất trong cuộc thi bình, vịnh Kiều ở Hưng Yên.
Chúng tôi xin giới thiệu sau đây một số tư liệu về cuộc thi bình vịnh Truyện Kiều năm 1905 và cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thi tập :
Năm 1905 để thưởng xuân Ất Tỵ, Tổng đốc Hưng Yen bấy giờ là Lê Hoan đã có cái cao hứng triệu tập một số những danh sĩ đương thời tới họp cùng dự hội Tao Đàn, thi văn chương về Truyện Kiều.
Nhà thơ Chu Mạnh Trinh được mời vào Tao Đàn ấy cùng với các ông Nguyễn Tấn Cảnh, tri huyện Văn Lâm, Nguyễn Chí Đạo, tri phủ Khoái Châu, Phan Thạch Sơ, tú tài (vốn là người Tàu, từ đời ông nội đã nhập tịch Việt Nam, nhà ở Hà Nội), Chu Thấp Hi, cử nhân (người làng Đào Xá, huyện Kim Động, Hưng Yên), Nguyễn Kỳ Nam, cử nhân (người làng Nam Dư, huyện Thanh Trì), Đặng Đức Cường, cử nhân (người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường), Phan Mạnh Danh (tác giả bút Hoa, Thi văn tập và dịch giả Hồng Kiều), Tú Trà (người Nam Sang, Hà Nam) v.v...
Đầu đề cuộc ngâm vịnh là Kim Vân Kiều Truyện chữ Hán (có phần lược thuật ở mỗi hồi). Các nhà thơ phải theo đúng với đầu đề ấy như sau :
1. Một bài tự bằng chữ Hán, thể văn tứ lục.
2. Một bài thơ đề từ.
3. Hai mươi bài thơ Đường luật (hoặc chữ Hán hoặc chữ Nôm) vịnh hai mươi hồi của truyện.
Khi các tập đã làm xong, Lê Hoan mời hai nhà thơ lão thành là Vân Đình Dương Lâm và Yên Đổ Nguyễn Khuyến sung vào ban duyệt khảo.
Kết quả được bảy, tám quyển trúng cách, trong số đó quyển của Chu Mạnh Trinh được nhất về thơ Nôm và quyển của Chu Thấp Hi được nhất về thơ chữ Hán. Còn những quyển của các ông Nguyễn Chí Đạo, Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Kỳ Nam, Phan Thạch Sơ, Tú Trà, Hoàng Đức Lập, Đặng Đức Cường, Phan Mạnh Danh v.v... đều đứng vào hạng nhì trở xuống cả.
Thành ra cuộc hội văn của Lê Hoan chỉ là chuyện chơi mua vui lúc bấy giờ mà không ngờ đã lưu lại cho chúng ta một tập thơ rất quý giá : Thanh Tâm Tài Nhân thi tập. Sau đây là hai mươi mốt bài thơ nôm của tập thơ đó: THANH TÂM TÀI NHÂN THI TẬP và hai bài Hát nói vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh.

I. HAI MƯƠI MỐT BÀI THƠ NÔM VỊNH KIỀU

TỔNG VỊNH TRUYỆN KIỀU

Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương
Sắc tài chi lắm để làm gương
Công cha bao quản liều thân thiếp
Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng
Cung oán nỉ non đàn Bạc mệnh
Duyên nay run rủi lưới Tiền Đường
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.

Hồi 1. KIỀU ĐI THANH MINH

Mùa xuân ai khéo vẽ nên tranh
Nô nức đua nhau hội đạp thanh
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối
Duyên nay dun dủi khách ba sinh
Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi !
Đường về chiêng đã gác chênh chênh.

Hồi 2. HỘI NGỘ VƯỜN THÚY

Hết nghĩ gần thôi lại nghĩ xa
Hiu hiu án sách ngọn đèn tà
Gương loan phảng phất hồn cung quế
Giấc bướm mơ màng khách trướng sa
Mười vận sầu tuôn đôi gót ngọc
Trăm năm duyên bén một cành thoa
Mái Tây bõ lúc chờ trăng dựng
Rày đã vườn xuân tỏ mặt hoa

Hồi 3. KIỀU THỀ NGUYỀN VỚI KIM TRỌNG

Dan díu vì ai luống ngẩn ngơ
Để ai gió đón lại trăng chờ !
Sông Ngân chưa bắc cầu Ô thước
Phận liễu còn e trận gió mưa
Lựa mối tơ tình năm ngón dạo
Dẹp lò lửa dục một lời thưa
Đuốc hoa muốn vẹn niềm băng tuyết
Nào phải trăng hoa khéo ỡm ờ.

Hồi 4. KIỀU CẬY EM THAY LỜI

Sự đâu sóng gió nổi cơn đen
Chín chữ cù lao phải báo đền
Ân nặng quản chi liều phận thiếp
Tình thân âu sẽ chắp duyên em
Nước non nghìn dặm đôi hàng lệ
Tâm sự năm canh một bóng đèn
Ướm hỏi Liêu Dương người có biết ?
Này là trâm quạt của làm tin.

Hồi 5. KIỀU BÁN MÌNH CHUỘC CHA

Thử đem tình hiếu bắc đồng cân
Trăm thảm nghìn sầu góp một thân
Bèo dạt mây trôi đành với phận
Đào tơ liễu yếu ngán cho xuân
Giọt sương trĩu nặng hoa lìa gốc
Vạ gió gây nên nước đến chân
Nông nỗi hợp tan lời gắn bó
Trời già âu cũng mở đường nhân.

Hồi 6. VƯƠNG ÔNG ĐƯỢC THA

Tình trong uy phép chẳng qua tiền
Lo liệu sao đây được vẹn tuyền
Phận bạc cũng liều son với phấn
Mình vàng âu dễ trắng thay đen
Dấu bèo nhờ có đèn trời rạng
Lượng bể dong cho sóng đất êm
Minh thịnh nay mừng đời thánh đế
Nào phường gái hiếu với quan liêm.

Hồi 7. KIỀU VỀ TRÚ PHƯỜNG

Bao giờ duyên thắm bỗng nên phai
Bèo nước lênh đênh bước lạc loài
Thề nặng còn ghi năm bẩy hẹn
Tình sâu sẽ rỉ một đôi lời
Quấy lầm vẻ ngọc, bùn lai láng
Thổi nát màu hoa, gió tả tơi
Trằn trọc năm canh sầu chín khúc
Ngăn rào riêng để thiệt cho ai.

Hồi 8. TÚ BÀ KHUYÊN KIỀU

Sa chân trót đã xuống thuyền buôn
Cả giận thôi thôi khó nghĩ khôn
Non nước chắc chi lời ước cũ
Phong trần liều với mũi dao con
Hoa lìa dưới trướng hồn man mac
Gió thổi bên tai giọng ngọt ngon
Cho biết tay già là tổ bợm
Dù ai bóp bẹp cũng vê tròn.

Hồi 9. KIỀU MẮC LẬN SỞ KHANH

Những nghĩ chim lồng chắp cánh bay
Họa khi vận rủi có hồi may
Làng nho người cũng coi ra vẻ
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay(1)
Hai chữ tin hồng cao gác nguyệt
Một roi vó ký tếch đường mây
Mẫu đơn vùi dập cơn mưa gió
Cái nợ yên hoa khéo đọa đày.

Hồi 10. TÚ BÀ DẠY NGHỀ CHƠI

Bước tới lui ra luống ngại ngùng
Thôi thôi ta đã mắc vào vòng
Bán buôn quen những lời chênh lệch
Nghề nghiệp này thêm cách lạ lùng
Trăng tỏ đài gương người thẹn bóng
Hoa đưa trướng gấm khách tô hồng
Xin đừng cậy sắc khoe tài nữa
Muốn học điều hay phải tốn công.

Hồi 11. KIỀU GẶP THÚC SINH

Tài sắc thương thay cũng một đời
Lầu xanh lần lữa buổi hôm mai
Dấu bèo đã chắc đâu là đất
Lòng kiến may ra thấu đến trời
Chín khúc chưa nguôi cơn gió thảm
Nghìn vàng đã chuốc chén hoa cười !
Bó tay nào biết là chàng Thúc
Cũng gớm gan cho thói bốc rời !

Hồi 12. KIỀU LẤY THÚC SINH

Mảng vui quán Sở lại lầu Tần
Lựa sợi tơ vươn chắp mối dần
Núi tác hợp nhờ tay tạo hóa
Bể trầm luân thoát nợ phong trần
Lửa hương tình lại ưa duyên mới
Mưa gió hoa cùng rạng vẻ xuân
Tưởng lúc cung đàn khi cuộc rượu
Trăng thề soi bóng vẹn mười phân.

Hồi 13. THÚC SINH VỀ THĂM HOẠN THƯ

Trong nửa năm trời mới bén hơi
Hồ vui xum hợp lại xa khơi
Chén đưa lòng những băn khoăn nỗi
Dặm thẳng hồn còn lẩn quất nơi
Nước lã ra chừng coi cũng lắng
Bồ hòn hồn dễ ngậm làm tươi,
Ghê cho cái gái tay đanh đá
Đon đả càng thêm vẻ nói cười.

Hồi 14. KIỀU MẮC TAY HOẠN THƯ

Ầm ầm kéo đến lu đầu trâu
Cơ hội gây nên bởi tại đâu ?
Hồn bướm còn đương mơ giấc thẳm
Miệng hùm thoắt đã mắc mưu sâu
Bơ vơ chiếc nhạn trăng in bóng
Tan tác chồi hoa gió thổi sầu
Ngẫm nghĩ nguồn cơn trời cũng nghịch
Trêu nhau rồi lại gap tay nhau.

Hồi 15. KIỀU Ở QUAN ÂM CÁC

Nhạt nhẽo mùi thuyền bữa muối rau
Chuông rền mõ ruổi lại thêm sầu
Cầm bằng nương náu qua ngày bụt
Đã chắc nguồn cơn trọn kiếp tu
Hai chữ nhân duyên cơn gió thoảng
Một mình đèn sách bóng trăng thu
Bể trầm luân biết đâu là bến
Tế độ nhờ tay bắc lấy cầu.

Hồi 16. THÚC SINH LÉN THĂM KIỀU

Những căm giàm buộc mắc tay già
Nửa bước đường đi mấy dặm xa
Án bút thẩn thơ người viết kệ
Rừng thuyền lấm lét khách tìm hoa
Câu kinh bối diệp câu thơ họa
Giọt nước dương chi giọt lệ pha
Bỗng phút lưng trời cơn sét dậy
Tường đông sư tử lộ đầu ra.

Hồi 17. KIỀU GẶP TỪ HẢI

Những nghĩ nương mình chốn cửa không
Gỡ ra sao khéo buộc vào vòng
Nước non lại gặp thần mày trắng
Quả kiếp còn đeo nợ má hồng
Bể khổ nào ai tay tế độ
Cõi trần mấy kẻ mặt anh hùng
Lạ cho lời nói nên tri kỷ
Hương bén mùi duyên lửa lại nồng.

Hồi 18. KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN

Phấp phới lầu trang gió thổi cờ
Rồng mây cá nước lúc duyên ưa
Hạ oai sấm sét gươm ba thước
Tạ đức cao sâu thiếp một tờ
Nếm thử ngọt cay sau mới trải
Đền xong ân oán trước đâu ngờ
Vì cây nên phải thương dây quấn
A Hoạn rầy xem sáng mắt chưa ?

Hồi 19. TỪ HẢI RA HÀNG

Phút bỗng đem thân bỏ chiến tràng
Ba quân xơ xác ngọn cờ hàng
Xá chi bèo bọt tôi vì nước
Thẹn với non sông thiếp phụ chàng
Cung oán nỉ non đàn Bạc mệnh
Duyên may run rủi lưới Tiền Đường
Mười lăm năm ấy người trong mộng
Chẳng những là đây mới Đoạn trường.

Hồi 19b. KIỀU TRẦM MÌNH

(Bài vịnh này phụ thêm bài vịnh hồi thứ 19)
Trời xanh thăm thẳm thấu hay không
Bỗng chốc xui nên phụ tấm lòng
Trăm trận xông pha đèn trước gió
Ngàn năm công nghiệp, bọt ngoài sông
Trần ai thương hại người xương trắng
Đất nước bơ vơ phận má hồng
Sự thế đã đành dâu hóa bể
Thôi thời quyết một thác cho xong.

Hồi 20. TÁI HỢP

Một đàn giải kết mới thông linh
Những nghĩ hồn trăng lại hiện hình
Mừng rỡ xiết bao cười, nói, khóc,
Bâng khuâng nào biết nợ, duyên, tình
Hoa chưa phai thắm hương còn ngát
Người lại thêm xuân giá vẫn thanh
Chuốc chén thề xưa so phím cũ
Ngắm ai riêng những ức cho mình.

II. HAI BÀI HÁT NÓI VỊNH KIỀU

THÚY KIỀU OAN TRÁI

Bát ngát nhẽ gió thanh, trăng bạc,
Trạnh niềm xưa lại nhớ nàng Kiều.
Phận hồng nhan cay đắng trăm chiều
Cơn dâu bể phải theo thời sự.
Mình nàng tính không đường lưỡng lự
Suốt năm canh nương bóng đèn tàn
Trách ông tơ sao khéo đa đoan
Duyên chị để mượn em chắp chỉ
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương(1)
Mười lăm nam trong sổ đoạn trường
Son phấn biết mấy lần trôi giạt.
Chữ tình để dành chung kiếp khác,
Đạo sinh thành trước phải đền ơn.
Gác lời thệ hải minh sơn

THÚY KIỀU LƯU LẠC

So tài tình Thuý Kiều đệ nhất
Tiết thanh minh tảo mộ Đạm Tiên
BÓng tà dương gác mái tây hiên
Theo vó ký gặp chàng Kim Trọng.
Đêm thoắt thấy thần nhân báo mộng.
Số cô còn nhiều nợ phong hoa.
Sực tỉnh cơn tưởng nỗi niềm xa
Năm canh nguyệt ủ ê chiều liễu yếu
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường (1)
Mối tơ vương xẩy cuộc tang thương
Người má phấn bên trời lưu lạc.
Ngẫm duyên mười lăm năm chếch mác
Phận hồng nhan nhiều nỗi gian truân.
Trêu ngươi chi mấy Tạo nhân.(2)

Chú thích:
(1) Bài Đề Từ của Phạm Quý Thích
(1) Bài Đề Từ của Phạm Quý Thích.
(2) Tạo nhân: ông trời.

Trích từ quyển Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19 của Phạm Đan Quế
– Nxb Thanh Niên in lần thứ ba 2003.

Chu Mạnh Trinh - Tổng vịnh truyện Kiều

Tổng vịnh truyện Kiều

Chu Mạnh Trinh

Giả sử ngay khi trước, Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng lỡ việc ma chay; quan lại công bằng, án Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc biên thuỳ một cõi nghênh ngang, ai xui được anh hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được là người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền. Thế mới biết, người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.

Con tạo hoá vốn thương yêu tài sắc, nàng đà biết thế hay chưa? Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng. Chỉ vì một tội, mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi.

Cũng có người bảo: Tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường, chưa để con ong qua tới; cho có muốn lưỡi dao liều với mạng, lại e thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì; nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn ngơ ngẩn.

Bàn cho thật phải, tình cũng nên thương. Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc, trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng vọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chiều não nuột, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão, người chép sách tiếc vì tài sắc, ngàn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa.

Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi... trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nề.

Cho hay, danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên.

Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa. Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu. Hỡi ơi, hồn đà có biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố.

Đoàn Tư Thuật dịch.

5/3/10

Trầm tưởng ( Mục lục )

Trầm tưởng
Tác giả: Kahlil Gibran

Mục lục

Nhà thi sĩ Baalbeck.
Nhà thi sĩ Baalbeck năm 1912 ttc.
Ngày trở về của người yêu dấu.
Kết hôn.
Linh hồn tôi đã dạy cho tôi.
Hậu duệ thần nữ.
Răng sâu.
Trong đêm tối.
Cục phấn mạ bạc.
Ông tán gẫu.
Martha.
Ảo ảnh.
Thanh khí tương giao.
Dưới ánh mặt trời.
Một thoáng nhìn về tương lai.
Nữ thần mộng tưởng.
Lịch sử và dân tộc.
Loài thú không tiếng nói.
Thi sĩ và thi ca.
Giữa nơi phế tích.
Trước cửa đền.
Thuốc ma tuý và dao giải phẫu.
Toàn thiện mỹ.
Hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Câu truyện của một người bạn.
Những người khổng lồ.
Ngoài trái đất.
Ô đêm.
Trái đất.
Tro tàn thời đại và ngọn lửa vô cùng.



*Lời dịch giả.
Trầm tưởng sưu tập những dòng tư tưởng và phút giây trầm mặc của nhà thi sĩ và tiên tri Kahlil Gibran, người gốc Liban, nguuyên tác Ả-rập ngữ, được chọn và dịch bởi Anthony R. Ferris dưới nhan đề Thoughts and Meditation (The Citadel Press, New York, tái bản lần thứ tư, 1969). Bản dịch sang Việt ngữ này đã dựa vào bản Anh dịch nói trên, ngoại trừ truyện ngắn “Martha” đã được so với bản Anh dịch của H. M. Nahmad, trong cuốn nhan đề Nymphs of the Valley của Gibran (Alfred A. Knopf. Inc. New York, tái bản lần thứ mười ba, 1969).

Đăng Quang

Kahlil Gibran- Trầm tưởng ( Dưới ánh mặt trời)

Trầm tưởng
Tác giả: Kahlil Gibran


Dưới ánh mặt trời


Ta đã nhìn thấy mọi sự việc xảy ra dưới ánh mặt trời;
và kìa, thảy đều là hư ảo và khổ não.
Các giáo sĩ [1].
Ô linh hồn Salomon đang bay phảng phất trên miền thinh không; người, ném sang bên bộ trang phục rách tả tơi của vật chất, đã để lại đằng sau người những lời nói đó, xuất sinh từ yếu đuối và khổ đau, những lời nói làm ngã lòng những kẻ còn bị giam hãm trong xác thể.
Nhưng người biết rằng có một ý nghĩa trên đời này mà Tử Thần không che giấu. Nhưng làm cách nào mà nhân loại có thể vươn tới một kiến thức nó chỉ có thể đến chừng nào linh hồn được giải thoát khỏi những trói buộc của trần gian?
Giờ đây người nhận ra rằng cuộc đời chẳng là khổ não; rằng những sự việc xảy ra dưới ánh mặt trời chẳng phải thảy là hư ảo; rằng bằng cách nào đó mọi vật xưa và nay vẫn bước về và sẽ vẫn bước về hướng Chân Lý. Chúng tôi những sinh vật thống khổ đã bám mình vào những lời dạy dưới trần của người như những lời nói thông thái tuyệt đời. Nhưng chúng là những cánh cửa sổ làm tối mù trí tuệ và tiêu ma hy vọng.
Giờ đây người hiểu rõ rằng ngu muội, độc ác, và chuyên chế đều có nguyên do của chúng; và rằng Sự Đẹp là điều phát lộ của trí năng, sản phẩm của đức tính và thành quả của công lý.
Giờ đây người biết rằng nỗi thống khổ và cảnh nghèo nàn làm thanh khiết trái tim con người; dù rằng trí óc khiếp nhược của ta chẳng thấy gì có giá trị trong vũ trụ ngoại trừ an lạc và hạnh phúc.
Giờ đây người thấy rằng tinh thần vẫn tiến về hướng ánh sáng bất chấp những gian khổ trên trần. Ấy nhưng chúng tôi nhắc lại những lời nói của người dạy rằng con người chỉ là một đồ chơi trong bàn tay của bất tri.
Người đã hối tiếc việc người cấy trong tim chúng tôi lòng khiếp nhược đối với kiếp sống trong thế giới và lòng ngờ vực với kiếp sống mai sau. Ấy nhưng chúng tôi vẫn còn lắng nghe những lời dạy trên trần của người.
Ô linh hồn Salomon đang ngụ nơi Vĩnh Cửu, hãy hiện về với những kẻ yêu trí năng và dạy cho họ đừng đi con đường tà giáo và khốn cùng. May ra đó sẽ là một cách chuộc lại một lỗi lầm không cố ý.

Một thoáng nhìn về tương lai.
Từ phía sau bức tường Hiện Tại tôi nghe thấy tiếng những khúc thánh ca nhân loại. Tôi nghe thấy tiếng chuông đổ báo hiệu lúc bắt đầu buổi cầu nguyện trong đền Sự Đẹp. Chuông đền được đúc bằng khuôn xúc cảm và treo đu đưa phía trên thánh đài – trái tim loài người.
Từ phía sau Tương Lai tôi trông thấy tầng tầng lớp lớp đang sùng bái trong lòng Thiên Nhiên, mặt hướng về Đông Phương và chờ đợi ánh sáng ban mai ngập lụt – ban mai của Chân Lý.
Tôi trông thấy thành phố trong hoang phế và chẳng còn lại đặng nói với con người về sự thất bại của Ngu Tối và vinh quang của Ánh Sáng.
Tôi trông thấy những bậc lão niên ngồi dưới bóng cây bá hương và thuỳ liễu, bao vây bởi các thanh niên đang lắng nghe họ kể truyện cổ tích thời xưa.
Tôi trông thấy các thanh niên đang gảy đàn và thổi sáo và các thiếu nữ đang xoã tóc nhảy múa dưới bóng cây nhài.
Tôi trông thấy các nông phu đang gặt lúa, và vợ họ đang đi lượm những bó lúa thơm và véo von những khúc ca vui sướng.
Tôi thấy một thiếu phụ đang vấn một vòng hoa huệ trắng quanh đầu và một vòng đai lá xanh quanh lưng.
Tôi thấy Tình Bằng Hữu được khăng khít thêm giữa con người và tất cả các sinh vật, và các loài chim và các loài bướm, tin tưởng và bình an, đang bay về những dòng suối.
Tôi không thấy cảnh nghèo khổ; mà cũng chẳng hề gặp cảnh giàu thái quá. Tôi thấy tình huynh đệ và bình đẳng đắc thắng giữa loài người.
Tôi không thấy một người thày thuốc nào hết, bởi lẽ mỗi người đã đều có phương tiện và kiến thức tự chữa cho mình khỏi bệnh.
Tôi không thấy mục sư, bởi lẽ thiện tâm đã trở thành thày Đại Tư Tế. Tôi cũng chẳng hề trông thấy luật sư, bởi lẽ Thiên Nhiên đã đến thay thế các pháp đình, và các điều ước giao hảo và đồng hành đang có hiệu lực.
Tôi thấy rằng con người đã biết được mình là nền tảng của sáng tạo, rằng hắn đã tự nâng mình lên khỏi sự nhỏ nhen và hèn hạ và đã tháo gỡ ra tấm màn u mê khỏi đôi mắt linh hồn; linh hồn này giờ đây đọc biết được những gì các đám mây viết trên nền trời và những gì ngọn gió thoảng vẽ trên mặt nước; giờ đây hiểu được ý nghĩa hơi thở của loài hoa và những nhịp điệu của loài hoạ mi.
Từ phía sau bức tường Hiện Tại, trên sân khấu những kỷ nguyên sắp tới, tôi trông thấy Sự Đẹp là tân lang và tinh thần là tân nương, và Cuộc Đời là Đêm lễ Kedre. [2].

Nữ thần mộng tưởng.
Và sau một cuộc hành trình mệt nhọc tôi tới phế tích thành Palmyre [3] . Nơi đây, kiệt sức, tôi ngã gục trên thảm cỏ mọc giữa những hàng cột trụ mà các thời đại đã làm đổ vỡ và san bằng. Chúng trông giống như những mảnh vụn do các đạo quân xâm chiếm bỏ lại.
Đêm rơi, và khi màn yên lặng đã phủ kín vạn vật, tôi tỉnh dậy và ngửi thấy một mùi hương lạ trong không khí. Mùi hương thơm ngát như trầm nhưng lại làm ngây ngất như rượu nho. Linh hồn tôi há miệng hớp lấy thứ rượu tiên thanh khiết này. Thế rồi một bàn tay ẩn giấu nào dường như đè nặng lên các giác quan tôi và mí mắt tôi bỗng thấy nặng nề, trong khi tinh thần tôi cảm thấy được giải thoát khỏi mọi xiềng xích.
Và rồi mặt đất chuyển động dưới chân tôi và phía trên tôi bầu trời rung chuyển; ngay lúc đó tôi bỗng nhảy lên cao dường như là được một thần lực nào nhấc bổng lên. Và rồi tôi thấy tôi ở trong một đồng cỏ, một đồng cỏ mà chưa một con người nào đã có thể tưởng tượng ra nổi. Tôi thấy tôi đứng giữa một bầy thiếu nữ đồng trinh chẳng hề bận lấy một mảnh xiêm y nào khác ngoài cái vẻ đẹp mà Thượng Đế đã ban cho họ. Bầy trinh nữ bước quanh tôi, nhưng chân họ không chạm đến đất. Họ xướng lên những khúc ca biểu tỏ những giấc mộng tình yêu. Mỗi thiếu nữ gẩy một cây đàn làm bằng ngà và có căng dây bằng vàng.
Tôi bước tới một khoảng trống ở giữa, trên đó có một ngai vàng nạm đá quí và được soi sáng bởi những tia cầu vồng Các trinh nữ đứng hai bên, cất cao tiếng hát và hướng mặt về phía thoảng lại hương trầm và hương mộc dược. Mọi loài cây đều đang nở hoa, và giữa các cành cây nặng trĩu những đoá hoa thì một nữ hoàng uy nghi bước về phía ngai vàng. Khi nữ hoàng đã ngồi xuống, thì một bầy chim bồ câu, trắng như tuyết, bay sà xuống và đậu chung quanh chân Nàng và tạo thành một hình bán nguyệt, trong khi đó các trinh nữ hát những khúc thánh ca vinh tôn. Tôi đứng đó ngắm nhìn những gì mà chưa mắt con người nào hề được nhìn, lắng nghe những gì mà chưa tai con người nào hề được nghe.
Rồi Nữ Hoàng giơ tay ra hiệu, và mọi vật im phăng phắc. Và bằng một giọng khiến cho hồn ta rung động như các dây đàn rung dưới ngón tay kẻ chơi đàn, Nàng nói:
“Ta đã cho vời người đến, hỡi con người, bởi ta là Nữ Thần Mộng Tưởng. Ta đã ban cho ngươi cái vinh dự đứng trước mặt ta, Nữ Hoàng của xứ mộng. Hãy lắng nghe mệnh lệnh của ta, bởi ta chỉ định cho ngươi về thuyết giảng cho toàn thể giống người: hãy giải nghĩa cho loài người rằng cõi mộng là một đám cưới, ở cửa có một vị thần hộ pháp đứng canh giữ. Không một ai được phép bước vô trừ khi có bận một bộ quần áo cưới. Hãy bảo cho họ biết rằng cõi mộng này là một thiên đàng mà kẻ đứng canh giữ là thiên thần Tình Yêu, và không một con người nào được quyền ngó đến ngoại trừ kẻ nào trên trán có ghi dấu hiệu của Tình Yêu. Hãy tả cho họ nghe những cánh đồng mỹ miều nơi đây mà những dòng suối chảy mật hoa và rượu tiên, mà chim muông bay giong lả trên các tầng trời và ca hót với các thiên thần. Hãy tả cho họ nghe mùi thương thơm hoa cỏ xứ mộng và bảo cho họ biết rằng chỉ có Người Con Xứ Mộng mới được phép dẫm chân trên thảm cỏ êm đềm đó”.
“Hãy nói rằng ta đã ban cho con người ly rượu hoan lạc; nhưng con người, trong cơn mê muội, đã đổ nó đi. Và rồi các thiên thần của Bóng Tối đã rót đầy ly bằng thứ rượu Thảm Sầu và con người đã uống phải và đã say ngất ngây.”
“Hãy nói rằng chẳng một ai có thể chơi cây đàn thất huyền Đời Sống cho nổi trừ khi các ngón tay hắn đã được tay ta ban phép lành và đôi mắt hắn đã được ngai vàng ta thánh hoá”.
“I-zai [4] đã sáng tác những lời nói thông thái như một chuỗi vòng đeo cổ làm bằng đá quí treo trên dây vàng của tình yêu ta. Thánh Giăng [5] đã thuật lại sự thấy Đức Chúa Trời dùm cho ta. Và Đante [6] chẳng thể khám phá nổi nơi ẩn trú của các linh hồn ngoại trừ do ta hướng dẫn. Ta là sự ám dụ ôm lấy thực tại, và thực tại phát lộ cái duy nhất xác nhận hành vi của các thánh thần”.
“Quả thật ta nói với người rằng tư tưởng có một nơi trú ngụ cao cả hơn là thế giới hữu hình, và các tầng trời của nó chẳng được mây mù dục vọng che phủ. Trí tưởng tượng tìm ra một con đường đưa tới thiên quốc, và nơi đó con người có thể ngó thấy những gì sẽ xảy đến sau khi linh hồn được giải thoát khỏi thế giới vật chất”.
Và rồi Nữ Hoàng Mộng Tưởng kéo tôi lại phía Nàng bằng cái nhìn đầy thần diệu, ma ảo, và gắn một cánh hôn lên đôi môi đang cháy bỏng của tôi, và nói:
“Hãy bảo với họ rằng ai không sống trong xứ mộng là nô lệ của tháng ngày”.
Tới lúc đó thì tiếng bầy trinh nữ lại cất lên cao và cột khỏi trầm hương bốc lên cuồn cuộn. Và rồi mặt đất lại bắt đầu chuyển động và bầu trời lại bắt đầu rung chuyển; và bỗng nhiên tôi lại thấy tôi đang nằm giữa đồng phế tích buồn thảm của thành Palmyre.
Bình Minh mỉm cười đã ló rạng, và giữa lưỡi tôi và đôi môi tôi còn lại những lời nói này: “Ai không sống trong xứ mộng là nô lệ của tháng ngày.”

Lịch sử và dân tộc.
Bên một dòng suối nhỏ lượn quanh những tảng đá dưới chân núi Liban, một cô bé chăn cừu ngồi giữa một bầy cừu gầy ốm đang gặm chút cỏ còn lại đã khô cằn. Nàng nhìn về phía hoàng hôn xa tắp như thể là tương lai đang diễn qua trước mắt nàng. Những giọt lệ đã đeo ngọc trên đôi mắt nàng như những giọt sương tô điểm những cánh hoa. Niềm sầu thảm đã khiến môi nàng hé mở để nó có thể xuyên vào và xâm chiếm trái tim đang thở dài phiền muộn của nàng.
Sau lúc mặt trời lặn, khi những cánh đồi non đã thu mình trong bóng tối, thì Lịch Sử hiện ra trước người trinh nữ. Đó là một cụ già râu tóc bạc phơ như tuyết xoã xuống ngực và trên đôi vai, và bên tay mặt cầm một lưỡi liềm sắc bén. Bằng một giọng như biển gầm, cụ già nói:
“Cầu chúc Xyri được an bình [7] ”.
Nàng trinh nữ đứng lên, run sợ mà hỏi rằng:
“Lão trượng cầu chúc gì cho con, hỡi Lịch Sử? Và rồi nàng trỏ bầy cừu của nàng và nói tiếp: Đây là tất cả những gì còn lại từ một bầy cừu mạnh khoẻ đã một hồi làm đông đảo khu thung lũng này. Đây là tất cả những gì mà lòng tham lam của Lão Trượng đã bỏ lại cho con. Lão Trượng bây giờ còn tới đây để thoả mãn lòng tham một lần nữa hay sao đây?”.
“Những cánh đồng đã có một hồi rất là phì nhiêu này đã bị những bàn chân của Người dẫm nát thành bụi khô cằn. Đàn bò của con có hồi đã gặm cỏ hoa và sản xuất nhiều sữa béo tốt, bây giờ chúng chỉ nhấm được cỏ gai, cho nên chúng thành gầy còm và khô héo”.
“Hãy hãi sợ thượng Đế, ô Lịch Sử, và đứng tác hại nữa! Cứ chỉ nhìn thấy bóng dáng Lão Trượng cũng đã khiến cho con ghê tởm đời sống, và sự bạo tàn của lưỡi liềm Lão Trượng đã khiến cho con yêu mến Tử Thần”.
“Hãy bỏ mặc con trong nỗi cô đơn để con uống cạn ly đau khổ - thứ rượu nho ngon nhất. Hãy đi đi, hỡi Lịch Sử, ra hội cưới của Cuộc Đời. Nơi đây, xin Lão Trượng hãy để cho con than vãn niềm cô quạnh tiêu điều mà Lão Trượng đã sữa soạn cho con”.
Giấu đi lưỡi liềm dưới vạt áo, Lịch Sử ngó nhìn nàng như một người cha yêu quí nhìn đứa con mình, và nói:
“Ô Xyri, những gì ta lấy lại của ngươi chính là những tặng vật của ta đó. Nên biết rằng các dân tộc anh em của ngươi có quyền được hưởng một phần vinh quang của ngươi. Ta phải ban cho họ những gì ta đã ban cho ngươi. Niềm đau của ngươi cũng giống như niềm đau của Ai Cập, Ba-tư, và Hy-Lạp, bởi mỗi nước này đều cũng đang có một bầy cừu ốm yếu và một đồng cỏ khô cằn. Ô Xyri, điều mà ngươi gọi là băng hoại chỉ là một giấc ngủ cần thiết đặng cho ngươi lấy lại sức lực mà thôi. Đoá hoa chẳng thể quay trở lại cuộc đời ngoại trừ qua sự chết, và tình yêu chẳng thể trưởng thành ngoại trừ sau lúc chia ly”.
Cụ già bước đến gần nàng trinh nữ, chìa bàn tay ra và nói:
“Hãy bắt tay ta, Ô Người Con Gái của những nhà Tiên Tri”.
Và nàng nắm lấy tay cụ già và ngó cụ đằng sau tấm màn nước mắt, và nói:
“Vĩnh biệt, Lịch Sử, xin vĩnh biệt!”
Và cụ già đáp:
“Cho đến khi nào ta gặp lại nhau, Xyri, cho đến khi nào ta gặp lại nhau”.
Và cụ già vụt biến đi mất như một tia chớp xoẹt, và cô gái chăn cừu cất tiếng gọi bầy cừu của nàng và bắt đầu lên đường trở về, trong lòng thầm nhủ: “Liệu sẽ còn một cuộc gặp gỡ nữa hay sao?”

Loài thú không tiếng nói.

Trong cái nhìn của loài thú không tiếng nói có một câu chuyện.
mà chỉ linh hồn triết nhân mới có thể thực sự hiểu biết.
(Một thi sĩ Ấn Độ)


Trong giờ phút hoàng hôn của một ngày đẹp, khi mà mộng tưởng đã chế ngự hồn tôi, tôi bước ra ngoài thành phố và đứng nán lại đằng trước một căn nhà bỏ trống đã sụp đổ, chỉ còn lại một đống phế tàn.
..Trong đống phế tàn tôi trong thấy một con chó nằm trên đống rác rưởi và tro tàn. Lông nó mang đầy vết thương, và bệnh tật hoành hành cơ thể yếu ốm của nó. Thỉnh thoảng ngó nhìn ánh mặt trời đang dần khuất, đôi mắt sầu thảm của nó biểu lộ lòng khiêm nhường, tuyệt vọng, và đau khổ.
Tôi chậm rãi bước về phía nó, ước ao rằng tôi biết nói tiếng loài vật đặng tôi có thể an ủi nó với lòng thương xót của tôi. Nhưng sự tôi đến gần chỉ làm cho nó khiếp đảm, và nó cố đứng dậy trên bốn chân tê liệt của nó.
Ngã khuỵu xuống, nó ném cho tôi một cái nhìn vừa giận dữ vừa van lơn. Trong cái nhìn đó tôi thấy có nhiều lời nói sáng suốt hơn tiếng nói người đàn ông và cảm động hơn những giọt lệ của một người đàn bà. Đây là những gì tôi hiểu nó muốn nói:
“Hỡi người, tôi đã chịu đau đớn vì bệnh tật do lòng độc ác và sự hành hạ của các người gây ra”.
“Tôi đã chạy trốn khỏi cái bàn chân gây thương tích của các người và ẩn trốn nơi đây, vì cát bụi và tro tàn còn êm đềm hơn là tim người, vì những phế tích còn ít buồn thảm hơn lòng người. Hãy đi khỏi nơi đây, hỡi khách lạ từ thế giới bất công và bất trị”.
“Tôi là người của Ađam rất mực trung thành và tín cẩn. Tôi là người bạn đường chung thuỷ của con người, tôi canh giữ con người ngày, đêm. Tôi đau buồn trong lúc con người vắng mặt và hớn hở đón mừng khi hắn trở về. Tôi hài lòng với những mảnh vụn bánh rơi rớt trừ trên bàn của hắn, và vui sướng với những mẩu xương mà răng hắn đã xé ra. Nhưng lúc tôi về già và đau ốm, thì con người đuổi tôi khỏi nhà và bỏ mặc tôi cho lũ trẻ ngõ hẻm không thương xót”.
“Hỡi người con của Ađam, tôi thấy sự tương đồng giữa tôi và kẻ đồng loại của người khi mà tuổi già đã làm tàn phế họ. Có những người lính trong lúc thanh xuân đã chiến đấu cho tổ quốc họ, và về sau trở về xới đất. Nhưng giờ đây khi mùa đông trong đời họ đã tới và họ không còn hữu dụng nữa thì họ bị gạt sang một bên”.
“Tôi cũng thấy sự giống nhau giữa phận của tôi với phận của một người đàn bà mà, trong những ngày đào tơ mơn mởn, đã làm rộn rã trái tim một người thanh niên; rồi lúc là người mẹ đã tận tuỵ hy sinh cả cuộc đời cho con cái. Nhưng giờ đây, trở về già, nàng đã bị lãng quên và tránh xa. Ôi, người con của Ađam, ngươi áp chế làm sao, ngươi độc ác làm sao!”.
Con vật không tiếng nói đã nói như thế, và đó là những điều tim tôi đã nghe hiểu.

Thi sĩ và thi ca.
Nếu các bạn thi sĩ của tôi đã tưởng rằng những chuỗi ngọc thơ mà họ sáng tác, và những khổ thơ mà vần điệu họ đã làm cho mạnh lên và nối lại với nhau, một ngày nào đó sẽ hoá thành những dây cương giữ lại thi tài của họ, thì chắc họ đã xé bản thảo của họ đi rồi.
Nếu Al-Mutanabbi [8] , nhà tiên tri, đã tiên tri, và nếu Al-Farid [9] , người đoán trước tương lai, đã đoán trước thấy rằng những gì họ đã viết sẽ trở thành một nguồn suối cạn và một hướng đạo bó buộc cho các thi sĩ ngày nay chúng ta, thì chắc họ đã đổ mực của họ xuống giếng Lãng Quên, và bẻ bút họ đi bằng đôi bàn tay Sơ Hốt.
Nếu như tâm hồn của Al-Maary [10] , Hôme [11] , Virgil [12] , và Milton [13] đã biết rằng thi ca sẽ trở thành một đồ chơi của người giàu, thì chắc hẳn họ sẽ lìa bỏ cái thế giới mà sự việc này có thể xảy ra.
Tôi đau buồn mà nghe thấy cái ngôn ngữ của linh hồn lại bị lưỡi của kẻ ngu tối nói lắp chắp. Hồn tôi xẻ ra khi thấy rượu của nàng thơ lại chảy xuống ngòi bút của kẻ giả mạo.
Chẳng phải có mình tôi trong thung lũng Hiềm Oán. Hãy nói rằng tôi là một trong nhiều người trông thấy con nhái thổi phồng đặng bắt chước con trâu.
Thi ca, hỡi các bạn quí của tôi, là một hiện thân thiêng liêng của một nụ cười. Thi ca là một thần linh trú ngụ trong tâm hồn, mà thực phẩm là trái tim và rượu là tình thương cảm. Thi ca mà không tới trong hình thức này ắt là một nguỵ chúa cứu thế.
Ô thần linh của thi sĩ đang ngắm nhìn chúng tôi từ thiên đàng Vĩnh Cửu, chúng tôi quì trước tế đàn mà các người đã tô điểm bằng những hạt ngọc trai của tư tưởng và những viên ngọc thạch của tâm hồn người, bởi lẽ tiếng sắt thép khua vang, tiếng công xưởng huyên náo đang áp chế chúng tôi. Cho nên những bài thơ của chúng tôi nặng nề như xe lửa và khó chịu như tiếng còi máy hơi nước.
Và hỡi các anh, những nhà thi sĩ đích thực, hãy tha tội cho chúng tôi. Chúng tôi thuộc vào Tân Thế Giới, nơi mà con người chạy theo vật chất phàm tục; và thi ca ngày nay cũng chỉ là một hoá vật, chẳng phải một hơi thở của Vô Cùng.

Giữa nơi phế tích.
Mặt trăng giải xoã tấm khăn voile lên khắp các mảnh vườn trong Kinh Thành Mặt Trời [14] , và yên lặng bao trùm vạn vật. Các hoàng cung đổ nát trông đe doạ như những quái vật đang gầm ghè.
Vào giờ phút đó có hai bóng ma, giống như hơi nước bốc lên tự đáy hồ nước xanh biêng biếc, ngồi trên một cột trụ cẩm thạch ngắm nhìn cảnh vật lúc bấy giờ trông như một xứ thần diệu, ma ảo. Một bóng ma ngẩng đầu lên, và bằng một giọng khiến cho những tiếng vang phản hưởng lại oang oang, nói:
“Đây là những gì còn lại từ những đền đài ta đã xây cho khanh, hỡi người yêu dấu, và đây là phế tích của một hoàng cung ta đã dựng lên cho khanh thưởng ngoạn. Chẳng gì còn lại đặng nói với các dân tộc về cái vinh quang mà ta đã dâng hiến trọn đời, và về cái tráng lệ nó khiến ta đã khai thác kẻ yếu”.
“Hãy suy ngẫm, hỡi khanh yêu dấu, đến những nguyên lực đã đắc thắng kinh thành ta, đến Thời Gian đã coi thường nỗ lực của ta”.
“Sự Quên Lãng đã làm đắm chìm đế quốc mà ta đã xây dựng nên, và chẳng còn lại gì ngoại trừ một ít hạt tình yêu mà sắc đẹp của khanh đã sáng tạo, và những hiệu lực của sắc đẹp mà tình yêu của khanh đã mang lại sinh khí”.
“Ta đã dựng lên một ngôi đền ở Giêruxalem và những giáo sĩ đã thánh hoá nó, nhưng thời gian đã tiêu huỷ nó. Nhưng trong trái tim ta thì cái tế đài ta xây cho Tình Yêu đã được Thượng Đế làm phép và duy trì chống lại mọi lực huỷ hoại”.
“Loài người nói về ta: “Quả là một vị minh quân!” Các thiên thần nói về ta: “Quả là minh trí hắn tầm thường!” Nhưng thiên thần hân hoan khi ta tìm thấy khanh, hỡi người yêu dấu, và ca cho khanh nghe khúc ca Tình Ái và mong đợi; dẫu rằng loài người chẳng được nghe một tiếng nào trong khúc thành ca của ta…”.
“Những ngày tại ngôi đã ngăn không cho ta hiểu ý nghĩa của Tình Yêu và cái đẹp của cuộc đời, nhưng lúc ta trông thấy khanh, thì Tình Yêu thức giấc và đạp đổ những rào ngăn đó xuống, và ta than tiếc cuộc đời ta đã sống qua, coi mọi sự vật dưới ánh mặt trời thảy là hư ảo”.
“Khi Tình Yêu đã soi sáng cho ta, thì ta trở nên khiêm nhường trước những bộ lạc đã một hồi kiếp hãi vũ lực của ta, và khiêm nhường trước dân ta.
“Nhưng khi Thần chết tới nơi, nó chôn vùi vũ khí chết người của ta dưới đất và chở mối tình của ta lên Thượng Đế.”
Và rồi bóng ma kia nói:
“Giống như loài hoa lấy đời sống và hương thơm từ quả đất, linh hồn rút ra khôn ngoan và sức mạnh từ vật chất”.
Và hai bóng ma nhập làm một, rồi cùng bước đi, nói:
“Vĩnh Cửu chẳng giữ lại gì ngoài Tình Yêu, Bởi Tình Yêu giống như Vĩnh Cửu”.

Trước cửa đền.
Tôi làm thanh khiết đôi môi tôi bằng ngọn lửa thiêng, để nói về Tình Yêu, nhưng chẳng kiếm được lời.
Khi tôi đã hiểu được Tình Yêu, thì các lời nói tan thành hơi thở nhẹ, và khúc hát trong tim tôi thành niềm yên lặng sâu.
Ô những kẻ đã đến hỏi tôi về Tình Yêu, những kẻ mà tôi đã thuyết phục về những bí ẩn và thần kỳ của Tình Yêu, giờ đây bởi lẽ Tình Yêu đã bao trùm tôi trong màn khăn của nó, tôi tới hỏi các anh về hành trình và công dụng của Tình Yêu.
Ai có thể trả lời câu hỏi của tôi? Tôi hỏi về cái điều nó đang ở trong tôi; tôi muốn được trỏ cho biết về chính tôi.
Ai trong các anh có thể phát hiện cái bản thể của tôi cho chính bản thể tôi và linh hồn tôi cho linh hồn tôi?.
Hãy vì Tình Yêu mà bảo cho tôi biết ngọn lửa đó là gì mà đang cháy rực trong tim tôi và ngấu nghiến sức lực tôi và phá hoại ý chí tôi như thế?.
Những bàn tay ẩn giấu nào mềm mại và sần sùi đang bấu chặt lấy linh hồn tôi đó; rượu nào pha lẫn niềm vui đắng cay và niềm đau ngọt ngào đang tràn ngập tim tôi đó?.
Những đôi cánh nào đang bay lượn phía trên gối tôi trong giờ phút yên lặng của Tối Đêm, và làm cho tôi thức tỉnh, chờ ngóng điều gì không một ai hay biết đó?.
Vật nào là vật vô hình mà tôi đang đăm đăm ngó đó, là điều bất khả tri nào tôi đang suy ngẫm đó, là cảm giác nào chẳng thể cảm thấy đó?.
Trong những tiếng thở dài của tôi có nỗi buồn đau còn đẹp hơn tiếng vọng của tràng cười và ngây ngất hơn cả niềm vui.
Tại sao tôi đầu hàng một uy quyền vô danh đến giết tôi chết đi và làm tôi sống lại cho đến lúc Bình Minh nhô dậy và tràn ngập phòng tôi ánh sáng?.
Những bóng ma thức giấc rún rẩy giữa hàng mi khô héo của tôi, và những ảo hình mộng mị bay lượn phía trên tấm giường đá của tôi.
Điều nào đó mà ta gọi là Tình Yêu? Hãy nói tôi nghe, niềm bí mật nào ẩn giấu trong thiên thu mà thấm nhuần mọi ý thức đó?.
Ý thức nào đó vừa là nhân vừa là quả của mọi sự vật?.
Cơn chằn chọc nào đó thêu dệt từ Cuộc Đời và Sự Chết thành một giấc mơ, dị kỳ hơn Cuộc Đời và sâu sắc hơn Sự Chết?.
Hãy nói tôi nghe, ôi những người bạn của tôi, có ai mà không tỉnh dậy khỏi giấc ngủ mê của Cuộc Đời nếu Tình Yêu khẽ mơn man linh hồn ta?.
Có ai trong các anh mà chẳng từ biệt người cha và người mẹ mình khi có tiếng gọi của nàng trinh nữ mà trái tim mình đang yêu dấu?.
Có ai trong các anh mà chẳng dong buồm đi khắp đại dương, vượt khắp sa mạc, leo lên chót đỉnh núi cao để gặp người thiếu phụ mà tâm hồn ta đã hằng chọn lựa?.
Trái tim người trẻ tuổi nào mà sẽ chẳng theo đi tới tận cuối chân mây người thiếu nữ mà hơi thở thơm tho, giọng nói ngọt ngào, đôi bàn tay nõn nà kỳ diệu đã làm hồn mình đắm say ngây ngất?.
Kẻ nào sẽ chẳng đốt cháy tim mình như trầm hương trước một vị thần lắng nghe những lời ta cầu đảo và ban ân cho lời ta khẩn nguyện?.
Ngày hôm qua tôi đứng nơi cửa đền hỏi thăm những khách qua lại về điều bí ẩn và giá trị của Tình Yêu.
Và trước mặt tôi bước đi một ông già có khuôn mặt tiều tuỵ và buồn thảm; ông già thở dài, đoạn nói:
“Tình Yêu là sự suy nhược thiên nhiên mà người thứ nhất trên trần đã ban cấp cho ta”.
Nhưng một thanh niên cường tráng cãi lại:
“Tình Yêu nối liền hiện tại của ta với tương lai và quá khứ”.
Rồi một thiếu phụ với khuôn mặt bi đát thở dài và nói:
“Tình Yêu là một nọc độc chết người của loài rắn đen, chúng bò lên từ những hang động địa ngục. Chất độc trông tuồng tươi mát như sương mai và tâm hồn khao khát miết mê nốc uống; nhưng sau cơn say ngất đầu tiên kẻ uống nó sẽ lên cơn đau và chết một cái chết từ tốn.”
Rồi một thiếu nữ mỹ miều, má đỏ au, mỉm cười nói:
“Tình Yêu là rượu thắm do bầy tân nương Bình Minh dâng lên môi ta uống làm mạnh thêm những linh hồn đã mạnh và khiến chúng bay bổng được lên những vì sao.”
Phía sau nàng, một người đàn ông khoác áo dài đen, có râu hàm rậm, bước tới chau mày nói:
“Tình Yêu là sự ngu muội mù loà mà tuổi xanh bắt đầu và chấm dứt.”
Một kẻ khác, mỉm cười, dõng dạc:
“Tình Yêu là tri thức thần linh khiến cho loài người nhìn thấy được nhiềư như thần thánh.”
Rồi một người mù khua gậy bước tới nói:
“Tình Yêu là lớp sương mù che mắt đặng linh hồn khỏi biện biệt được niềm bí ẩn của hiện sinh, đặng trái tim chỉ nhìn thấy những bóng ma run rẩy của dục vọng giữa các vùng đồi nương, và chỉ nghe thấy những tiếng vọng của những tiếng kêu la từ các thung lũng không tiếng nói.”
Một chàng thanh niên, gảy cây đàn thất huyền, ca hát:
“Tình Yêu là một tia sáng ảo diệu từ đáy thẳm của tâm hồn đang bốc cháy và chiếu sáng vùng đất chung quanh. Nó khiến cho ta nhận thức được Cuộc Đời như một cơn mộng đẹp giữa một cơn thức tỉnh này và một cơn thức tỉnh khác.”
Và một lão nhân yếu đuối, lê lết đôi chân như hai miếng giẻ, nói giọng run run:
“Tình Yêu là sự ngơi nghỉ của thể xác trong cái yên tịnh của nấm mồ, sự bình an của linh hồn trong vực sâu của Vĩnh Cửu.”
Và một đứa bé năm tuổi bước đằng sau lão nói cười ha hả:
“Tình Yêu là cha và mẹ của em, và không ai hiểu được Tình Yêu ngoại trừ cha và mẹ em.”
Và cứ như thế, những người đi qua nói đến Tình Yêu như hình ảnh của chính những ước vọng, những dằn vặt của họ, và để nó lại còn nguyên là một niềm bí ẩn như lúc trước.
Rồi tôi nghe thấy một tiếng nói vọng từ trong đền:
“Cuộc đời được chia thành hai nửa, một nửa đã đóng băng, một nửa thì bừng cháy; nửa đang bốc cháy ấy là Tình Yêu vậy.”
Nghe thấy thế, tôi liền bước chân vào đền, quỳ xuống, hớn hở và nguyện cầu:
“Hãy biến tôi, Ô Chúa trên Trời, thành thực phẩm cho ngọn lửa đang bừng cháy…”
“Hãy biến tôi, Ô Thượng Đế, thành thức ăn cho ngọn lửa thiêng… Amen!”

Thuốc ma tuý và dao giải phẫu.
“Ông thái quá và cuồng tín đến cái độ điên loạn. Mặc dù ông là một nhà lý tưởng chủ nghĩa, nhưng mục tiêu văn chương của ông là đầu độc trí óc thanh niên… Giá mọi người mà theo lời khuyên nhủ của Gibran về hôn nhân, thì các sợi dây ràng buộc gia đình sẽ đứt, xã hội sẽ suy sụp, và thế giới sẽ trở thành một hoả ngục đầy quỉ thần và ác ma…”
“Lối hành văn của ông đẹp một cách quyến rũ, khiến làm khuếch đại mối nguy hại của kẻ thù nhân loại thâm căn này. Lời khuyên của chúng tôi cho dân chúng thuộc phần Núi được giáng phúc này (Núi Liban) là hãy bác bỏ những lời giảng dạy quỉ quyệt của kẻ vô chính phủ và bội giáo này và đốt hết sách của ông đi, để các chủ thuyết của ông khỏi dẫn người vô tội đi lầm đường. Chúng tôi đã đọc cuốn Uyên ương gãy cánh và thấy nó là thứ chất độc pha bằng mật ong.”
Đó là những điều người ta nói về tôi và họ nói đúng, vì quả thực tôi là một kẻ cuồng tín và tôi có khuynh hướng phá huỷ cũng như xây dựng. Trong trái tim tôi có niềm thù ghét những gì mà những kẻ gièm pha tôi thần thánh hoá, và có sự yêu quí những gì mà họ gạt bỏ. Và nếu tôi có thể làm bật gốc một số tập tục, tín điều, và truyền thống của mọi người, thì tôi sẽ làm như thế không ngại ngần. Khi họ nói sách của tôi là thuốc độc, thì họ đã nói sự thật về chính họ, bởi những điều tôi nói chính là thuốc độc cho họ. Nhưng họ đã nguỵ tạo khi họ nói rằng tôi đã pha mật ong vào thuốc độc, bởi tôi pha nguyên vẹn độc dược và đổ nó ra từ một ly trong suốt. Những kẻ gọi tôi là một nhà lý tưởng nằm yên ổn trên tầng mây chính là những kẻ quay mặt đi khỏi cái ly trong suốt mà họ gọi là độc dược đó, biết rằng dạ dầy họ chẳng thể tiêu hoá nó nổi.
Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng liệu tàn nhẫn chẳng còn hơn là sự mạo nhận quyến rũ ư?
Người Đông Phương [15] đòi hỏi rằng nhà văn phải giống như một con ong lúc nào cũng làm mật. Họ thèm uống mật và thích nó hơn mọi thức ăn khác.
Người Đông Phương muốn nhà thi sĩ của họ tự đốt cháy mình như trầm hương trước mặt những Sultan của họ. Những vầng trời phía Đông đã ngợp ngụa hương trầm ấy mà người Đông Phương vẫn chưa nư đã.
Họ đòi thế giới phải học lịch sử họ, khảo cứu những đồ cổ, tập tục và truyền thống họ, và nói được ngôn ngữ họ. Họ cũng muốn rằng những ai biết về họ đừng lập lại những lời nói của Triết gia Baidaba, Ben Rished, Ephraim Al-Syriani, và Giăng thánh Đamascus.
Nói ngắn đi, người Đông Phương muốn lấy quá khứ họ làm một biện minh và một tấm giường êm ả. Họ trốn tránh tư tưởng thực chứng và những lời thuyết giảng tích cực và bất cứ tri thức nào về thực tại có thể châm chích họ và làm họ bừng tỉnh khỏi giấc ngủ say sưa của họ.
Đông Phương hiện đang đau, nhưng nó đã trở thành chai đá về những tật nguyền của nó đến cái độ coi chúng là những phẩm chất thiên nhiên và còn quí phái là khác, những phẩm chất phân biệt họ ở trên những kẻ khác. Họ coi ai thiếu những phẩm chất như thế là bất túc và không xứng với cái tặng vật toàn thiện hảo của thần linh.
Có vô số những thày thuốc xã hội tại Đông Phương, và cũng có rất nhiều bệnh nhân của họ chưa khỏi nhưng trông như đỡ đau là vì họ chịu tác dụng của những chất ma tuý xã hội. Nhưng những an thần dược này chỉ che giấu đi triệu chứng mà thôi.
Những chất ma tuý đó được tinh luyện từ nhiều nguồn gốc nhưng nguồn gốc chính là cái triết lý Đông Phương về sự khuất phục Số Mệnh (hành vi của Thượng Đế). Một nguồn gốc nữa là sự hèn nhát của các thày thuốc xã hội sợ làm tăng cơn đau nếu cho uống thuốc mạnh.
Đây là một số thuốc an thần xã hội.
Một cặp vợ chồng, vì nhiều lý do, thấy rằng tình ghét đã đến thay thế tình yêu giữa hai người. Sau một thời kỳ lâu dài hành hạ nhau, họ chia ly. Ngay lập tức cha mẹ đôi bên gặp nhau giàn xếp thế nào cho đôi vợ chồng ly gián đó hoà giải với nhau. Mới đầu họ dùng những lời lừa dối người vợ, rồi họ lại dùng những mánh khoé gạt gẫm tương tự với người chồng. Cả hai người chẳng ai chịu thuyết phục, nhưng rồi vì xấu hổ mà hai người phải nguỵ hoà với nhau. Sự việc này chẳng thể kéo dài; chẳng bao lâu tác dụng của thuốc ma tuý xã hội tan đi, và cặp vợ chông đau khổ lại phải trở lại uống nhiều liều mạnh hơn nữa.
Hoặc một đoàn hay một đảng nổi lên chống lại một chính phủ độc tài và cổ suý các cuộc cải cách chính trị đặng giải thoát những kẻ bị áp chế khỏi xiềng xích. Họ phân phát những bản tuyên ngôn và tung ra những bài diễn văn nảy lửa và đăng tải những bài báo châm chọc. Nhưng một tháng sau, ta nghe thấy rằng chính phủ hoặc đã bỏ tù người lãnh đạo hoặc đã làm cho hắn im tiếng bằng cách ban cho hắn một địa vị quan trọng. Và thế là chẳng ai nghe thấy gì thêm nữa.
Hoặc một giáo phái nổi tiếng lên chống lại vị lãnh đạo tôn giáo của mình, lên án người này có những hành vi sai lầm và doạ đi theo một tôn giáo khác, con người hơn và không có những điều mê tín dị đoan. Nhưng rồi ta nghe thấy rằng những người khôn ngoan trong nước đã hoà giải kẻ chăn cừu và đàn cừu, bằng cách cho uống những chất ma tuý xã hội.
Khi một kẻ yếu than van là bị kẻ mạnh hà hiếp, thì người hàng xóm sẽ uỷ lạo hắn: “Thôi, thôi, nguôi đi, mắt kẻ nhìn cứng đầu sẽ chẳng chịu nổi sức lao của ngọn dáo đâu.”
Khi một dân làng nghi ngờ về thánh tính của mục sư, thì người ta sẽ bảo hắn: “Hãy chỉ nghe lời giảng đạo của ông ta và chớ kể gì đến những khuyết điểm hay hành vi sai lầm của ông ta.”
Khi một thầy giáo quở mắng một học trò, ông ta sẽ nói: “Những cái cớ mà một thiếu niên lười biếng bịa ra thường còn tệ hơn cả cái tội.”
Nếu một người con gái không chịu theo những tập tục của mẹ nàng, thì bà mẹ sẽ nói: “Con không bao giờ biết hơn mẹ; nó phải bước theo dấu chân của mẹ mình.”
Giá như một thanh niên xin một người giảng đạo soi sáng cho hắn về một nghi thức cổ xưa nào đó, thì người giảng đạo sẽ trách hắn: “Con ơi, kẻ nào mà không nhìn tôn giáo với đôi mắt của Đức Tin sẽ chẳng thấy gì ngoại trừ sương mờ và khói ảo.”
Ấy nên Đông Phương đang nằm trên một cái giường êm. Người ngủ tỉnh dậy chốc lát khi bị rệp đốt, rồi lại tiếp tục giấc ngủ ma tuý của mình.
Ai mà đến đánh thức hắn dậy sẽ bị coi là kẻ thô lỗ chẳng đi ngủ mà cũng chẳng để cho ai ngủ. Nhắm mắt lại một lần nữa, họ nói thầm vào tai linh hồn họ: “Hắn là mộ kẻ dị giáo đầu độc trí óc thanh niên và phá ngầm nền tảng của các thời đại.”
Có nhiều lần tôi đã hỏi linh hồn tôi: “Có phải tôi là một trong số người nổi loạn thức tỉnh bác bỏ chất ma tuý chăng?” nhưng hồn tôi trả lời với những lời bí hiểm. Nhưng khi nghe thấy tên tuổi và nguyên lý của tôi bị bêu riếu thì tôi đã đoán chắc rằng tôi đã thức tỉnh và có thể kể trong số những kẻ không đầu hàng những mộng mị ma tuý, rằng tôi thuộc vào những kẻ vững tim đang bước đi trên những con đường nhỏ hẹp và đầy gai nhọn, nơi muôn loài hoa nở, trong tiếng sói hú và chim họa mi hót.
Giá như thức tỉnh là một đức tính, ắt hẳn lòng khiêm tốn sẽ ngăn cản tôi nhận lấy nó. Ấy nhưng nó chẳng phải là một đức tính, mà là một thực tại, nó xuất hiện bất ngờ cho những kẻ nào có sức mạnh nhỏm lên. Khiêm tốn khi nói sự thật là giả đạo đức. Than ôi, ấy lại là điều người Đông Phương gọi là giáo dục.
Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các “nhà tư tưởng” nói về tôi rằng: “Hắn là một con người quá độ chỉ nhìn đến cái khía cạnh nhớp nhúa của đời sống và không báo cáo gì hết ngoài điều sầu thảm và than van.”
Với những người đó tôi xin tuyên bố:
“Tôi xót xa cho cái lòng thèm trốn tránh thực tại suy nhược và đau khổ của người Đông Phương chúng ta.”
Tôi đau buồn rằng đất nước yêu dấu của chúng tôi không ca hát trong mừng vui mà là để làm yên đi những xao động của lòng sợ hãi.
Khi chiến đấu chống lại sự ác, thì quá độ là điều tốt; bởi kẻ nào ôn hoà khi loan báo sự thật thì chỉ trình bày có nửa sự thật. Là kẻ giấu đi nửa kia vì sợ hãi sự giận dữ của mọi người.
Tôi thù ghét trí óc của thây ma; mùi hôi thối của nó làm tôi buồn mửa. Tôi sẽ không dâng hiến nó kẹo ngọt và rượu nồng.
Ấy nhưng tôi sẽ vui lòng đánh đổi những lời la hét của tôi lấy tràng cười vui tươi, nói những lời tán tụng thay vì lên án, thay thế quá độ bằng ôn hoà, nếu như các người trỏ cho tôi thấy một người cai trị công chính, một luật gia thanh liêm, một vị lãnh đạo tôn giáo thực hành những điều mình thuyết giảng, một người chồng nhìn người vợ mình với cùng một cặp mắt khi hắn nhìn mình.
Nếu các người muốn cho tôi nhảy múa, gióng kèn đồng và đập trống thì hãy mời tôi tới một bữa tiệc cưới và dẫn tôi ra khỏi nghĩa trang.

Toàn thiện mỹ.
Anh hỏi tôi khi nào con người vươn tới toàn thiện mỹ. Hãy nghe tôi trả lời:
Con người vươn tới hoàn thiện mỹ khi hắn cảm thấy mình là một không gian vô hạn và một biển cả vô bờ,
Một ngọn lửa vô cùng, một ánh sáng chẳng thể dập tắt.
Một ngọn gió êm hay một cơn giông cuồng nộ, một vùng trời sấm sét hay một khoảng trời mưa rơi.
Một ngọn suối hát ca hay một dòng lạch than vãn, một đại thụ bừng hoa Mùa Xuân, hay một cây non trần truồng Mùa Thu,
Một ngọn núi dướn lên hay một cánh đồi thoải xuống,
Một cánh đồng phì nhiêu hay một bãi sa mạc khô cằn.
Khi cảm được thấy tất cả những điều đó, con người đã vượt được nửa đường tới thoàn thiện.
Muốn tới đích hắn sẽ phải nhận được rằng hắn là một đứa trẻ nít tuỳ thuộc vào người mẹ, một người cha có trách nhiệm với gia đình,
Một thanh niên ngơ ngác trong tình yêu,
Một ông lão vật lộn với quá khứ,
Một kẻ sùng bái trong đền, một kẻ tội phạm trong nhà lao.
Một học giả vùi trong mớ bản thảo,
Một linh hồn ngu tối vấp ngã giữa khoảng tối đen ban đêm và khoảng u ám ban ngày,
Một nữ tu đau khổ giữa những đoá hoa của lòng tin và đám cỏ gai của niềm cô độc,
Một gái giang hồ bị cấu xé giữa những nanh nhọn của lòng yếu đuối và vuốt sắc của nhu cầu,
Một người nghèo bị sập bẫy giữa chua xót và khuất phục,
Một người giàu giữa lòng tham và lương tâm,
Một nhà thơ giữa màn sương mù sẩm tối và những tia sáng bình minh.
Anh thấy không, ai có thể kinh nghiệm và hiểu thấu sự vật này sẽ vươn tới được toàn thiện mỹ và trở thành một bóng hình của Bóng Hình Thượng Đế.

Hôm qua, hôm nay, và ngày mai.
Tôi nói với bạn tôi,
“Thấy không nàng đang tựa vào tay hắn?.
Hôm qua nàng đã tựa vào tay tôi.”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ tựa vào tay tôi.”.
Và tôi nói,
“Thấy không nàng đang ngồi bên hắn?.
Và hôm qua nàng đã ngồi bên tôi”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ ngồi bên tôi”.
Và tôi nói,
“Thấy không nàng đang uống từ ly hắn?
Và hôm qua nàng đã uống từ ly tôi”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ uống từ ly tôi”.
Và tôi nói,
“Hãy ngó xem đôi mắt nàng liếc nhìn hắn đầy ân ái!
Và cũng ngần ấy ân ái, hôm qua nàng đã liếc nhìn tôi”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ liếc nhìn tôi như thế”.
Và tôi nói,
“Hãy lắng nghe nàng đang thì thầm những khúc ca tình tứ bên tai hắn.
Và hôm qua nàng đã thì thầm cũng những khúc ca đó bên tai tôi”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ thì thầm bên tai tôi”.
Và tôi nói,
“Hãy ngó xem nàng đang ôm hôn hắn;
Và hôm qua nàng đã ôm hôn tôi”.
Và chàng nói:
“Ngày mai nàng sẽ nằm trong tay tôi”.
Và tôi nói:
“Ôi người con gái dị kỳ!”.
Và chàng nói:
“Nàng là Cuộc Đời đó vậy.”

CHÚ THÍCH.
[1]2 1:14. Dịch theo bản tiếng Anh (“Kinh James” Holy Bible, Oxford University Press.) Tuy nhiên, so sánh bản dịch mới đây của L.M. Trần Đức Huân (Ra Khơi, Thánh Kinh Thiện Bản, Saigon, 1970: “Ta đã nhìn rõ mọi truyện xảy ra dưới mặt trời: kìa thảy đều hư vô như gió thổi.” (L.N.D.).


[2]Một đêm đặc biệt trong Mùa Chay Hồi Giáo; đêm đó người theo đạo tin rằng Thượng Đế sẽ thoả mãn mọi nguyện cầu của kẻ sùng đạo. (L.N.D.).


[3]Một ngôi thành cổ ở Trung Xyri, nay là làng Tamor, phía Đông Bắc Damas, (Thủ đô Xyri) tục truyền là do Salomon xây lên. Đã một thời là một thành phố rất mạnh dưới triều nữ hoàng Zénobie; về sau bị quân La Mã chinh phục năm 272 và bị hoàng đế Aurélien phá huỷ. Ở đây có nhiều phế tích quan trọng. (L.N.D).


[4]Isaie hay Isaich, người thứ nhất trong bốn nhà Đại Tiên Tri của thế kỷ thứ VIII T.T.C., tác giả cuốn Thánh Kinh mang cùng tên, nổi tiếng về chất thơ của nó. (L.N.D.).


[5]Thánh Jean l’Evangéliste, một trong mười hai sứ đồ, môn đồ yêu quí của Giê-xu, tác giả tập Mật Khải và một trong bốn Kinh Tân Ước. (L.N.D.).


[6]Dante Alighieri (1265-1321), đại thi hào Ý-đại-lợi, tác giả kiệt phẩm Divina Comedia, (L.N.D.).


[7]Lúc bài này được viết, thì Liban và Xyri vẫn còn là một nước gọi là Xyri.


[8]Chữ Al-Mutanabbi có nghĩa là người tiên đoán. Ông là một nhà thơ Ả-rập nổi tiếng, có nhiều thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. (A.R.Ferris).


[9]Một thi sĩ và triết gia Ả-rập lừng danh (A.R.F).


[10]Một thi sĩ A-rập hồi thế kỷ thứ chín, bị mù lúc mới lên bốn, được coi là một thiên tài. (A.R.F).


[11]Homer, đại thi hào anh hùng ca Hy-lạp hồI thế kỷ thứ VIII trước T.C., tác giả Iliad và Ôđyxê. (L.N.D.).


[12]Virgil, đại thi hào La-mã hồi thế kỷ thứ I trước T.C., tác giả thiên anh hùng ca Ênêid (L.N.D.).


[13]Milton, đại hào Anh hồi thế kỷ thứ XVII, tác giả tập Thiên Đàng Đã Mất. (L.N.D.).


[14]Thành Baalbik, đã hoang phế. (L.N.D.).


[15]6 Ở đây trỏ người các nước phía Đông và Đông-Nam Địa Trung Hải. (L.N.D.)