26/6/11

Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (2)

Thứ Năm, 23 tháng 6 2011

Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (tiếp theo và hết)


Trần Vinh Dự

Từ trỗi dậy hòa bình sang diễn biến hòa bình

Cho tới nay, dựa trên các phát biểu của quan chức cao cấp Trung Quốc, có vẻ như cách tiếp cận phát triển không dựa trên chiến tranh vẫn được giới lãnh đạo nước này tôn trọng. Tuy nhiên, tinh thần của “trỗi dậy hòa bình” không còn được như trước. Với việc thế giới phương Tây rơi vào khủng hoảng và suy yếu, Nhật Bản chìm đắm trong hết “thập kỷ bị quên lãng” này tới “thập kỷ bị quên lãng” khác, và sự phát triển không ngừng về thế và lực của mình, đế quốc mới nổi này đã tỏ ra ít kiên nhẫn hơn so với những năm trước.

Một phần của sự thiếu kiên nhẫn này được thể hiện ở động thái hiện đại hóa quân đội, tăng ngân sách quốc phòng (vốn đã khổng lồ), tích cực phát triển các hạm đội ở Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông Việt Nam), sản xuất tàu sân bay, thí nghiệm phát triển máy bay tàng hình, và đặc biệt là chuẩn bị cho năng lực thực hiện chiến tranh thông tin (Information Warfare – IW, hay còn gọi là Integrated Network Electronic Warfare” -INEW)

Một phần khác được thể hiện ở chỗ cách nước này xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp với láng giềng cũng mang màu sắc hiếu chiến hơn, dù là tinh tế:

Ở phía Nam, tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) trên Biển Đông do Trung Quốc đặt bút ký hồi đầu những năm 2000s không còn được nước này tôn trọng. Trung Quốc thường xuyên tấn công, bắt giữ, thậm chí giết hại ngư dân các nước Việt Nam và Philippines trên các vùng biển bị tranh chấp. Thông qua các lực lượng dân sự trá hình, Trung Quốc cũng thường xuyên ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước này ngay cả trên phần thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc còn đang chuẩn bị đưa giàn khoan dầu có khả năng hoạt động ở vùng nước sâu vào khai thác tài nguyên dưới lòng Biển Đông. Những động thái này dẫn tới các phản ứng chính thức ở mức độ khác nhau cả từ Philippines và Việt Nam. Trong khi Philippines đang chuẩn bị kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc thì ở Việt Nam liên tục nổ ra các cuộc biểu tình tuần hành phản đối đế quốc này.

Ở phía Đông, tàu chiến, kể cả tàu ngầm, và máy bay của Trung Quốc thường xuyên thăm dò, khiêu khích Nhật Bản. Các thỏa thuận về thăm dò và khai thác chung với Nhật Bản hồi năm 2008 (dưới hình thức một liên doanh) cũng nhanh chóng bị quên lãng. Không khí chống Nhật Bản ở Trung Hoa Đại lục cũng được đẩy lên rất cao với các cuộc biểu tình rầm rộ được nhà nước bật đèn xanh. Đáp trả lại từ phía Nhật Bản là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ phía quần chúng và chính phủ Nhật Bản đứng về phía Việt Nam và Philippines liên tục lên tiếng phản đối các động thái khiêu khích của Trung Quốc trên biển.

Đối với Việt Nam, có lẽ vấn đề “diễn biến hòa bình” mang màu sắc Trung Quốc không chỉ dừng ở việc chèn ép Việt Nam trên biển. Nó còn thể hiện đa dạng ở nhiều mặt khác của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội.

Đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng ghê gớm của Trung Quốc đối với Việt Nam trên khía cạnh kinh tế. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011, giá trị nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 7,1 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2010 trong khi xuất khẩu chỉ có gần 3 tỉ USD. Trong năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỉ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nhiều người cho rằng nếu “rút cái phích cắm” Trung Quốc thì cỗ máy kinh tế Việt Nam sẽ không thể vận hành được.

Điều này có cơ sở vì Việt Nam phải nhập rất nhiều máy móc, bán thành phẩm, và nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam cũng hết sức đáng kể với việc các nhà thầu của nước này trúng phần lớn các gói thầu lớn, đặc biệt là các gói thầu do nhà nước Việt Nam tổ chức đấu dưới hình thức EPC (theo số liệu của Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VEF), có tới 90% công trình thượng nguồn ở Việt Nam như khai khoáng, luyện kim lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc).

Điểm thứ hai được nhiều người nhắc đến là sự xâm thực của văn hóa Trung Quốc trong hầu hết các mảng của đời sống xã hội của Việt Nam. Phần lớn các phim truyền hình được chiếu trên các kênh của Việt Nam là phim Trung Quốc (trừ một số phim Hàn Quốc hiện nay bắt đầu lấn sân). Sách truyện của Trung Quốc dịch ra tiếng Việt nhan nhản trong các cửa hàng sách Việt từ Nam ra Bắc. Thanh thiếu niên Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam.

Trên thực tế thì Việt Nam không phải là đối tượng duy nhất được Trung Quốc nhắm vào trong cuộc xâm thực này. Theo YaleGlobal, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng “quyền lực mềm” thông qua việc truyền bá văn hóa ra thế giới. Với đặc trưng lịch sử của mình, Việt Nam dễ dàng trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của chiến lược truyền bá văn hóa của Trung Quốc.

Điểm thứ ba là về mặt xã hội, Trung Quốc đang có một cộng đồng gốc Hoa rộng khắp và có ảnh hưởng lớn về kinh tế ở Việt Nam. Không chỉ thế, theo nhiều nguồn tin, việc di cư của lao động thô sơ Trung Quốc sang Việt Nam cũng là việc đáng lưu tâm. Theo Tuổi Trẻ đưa tin hồi đầu năm 2009, phần lớn các nhà thầu Trung Quốc khi thi công ở Việt Nam đều mang theo công nhân Trung Quốc. Trong cùng năm 2009, VietnamNet cũng đưa tin nhiều vụ gây rối của công nhân Trung Quốc chống lại dân Việt Nam địa phương.

Con số chính thức do Thiếu tướng Đặng Thái Giáp - Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, cho biết vào tháng 07/2009 thì có khoảng 35.000 lao động (thô sơ) Trung Quốc làm việc tại VN tại thời điểm đó, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Tây nguyên, miền Trung. Theo Thiếu tướng Giáp, một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa người lao động vào cả các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng dân tộc... tiềm ẩn những phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều người không đủ tiêu chuẩn lao động, có người chỉ là lao động phổ thông nhưng vẫn được phía Trung Quốc cấp hộ chiếu công vụ; một số trường hợp nhập cảnh vào VN kết hôn với người Việt nhưng không đăng ký theo quy định.

Con số 35 nghìn người mà thiếu tướng Giáp đưa ra không phải là một con số quá lớn, nhưng cho tới nay nó đã là một con số cũ. Tuy nhiên đây cũng là con số đáng lưu tâm vì sự hiện diện về kinh tế (kéo theo sự hiện diện về con người) ở Việt Nam chỉ có tăng chứ không giảm.

Với việc ngày càng lấn át Việt Nam trên biển, đặt Việt Nam vào vòng ảnh hưởng ngày càng chặt về kinh tế, xâm thực về văn hóa, và tăng dần sự hiện diện của người Hoa trong xã hội, có vẻ như Trung Quốc đang đặt Việt Nam trong một quá trình diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Hoa.
---------------------------------


Source : VOA / Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự

Camarade -- Đồng chí

Camarade -- Đồng chí


by André Menras Hồ Cương Quyết —
Cập nhật : 24/06/2011 09:42

Cộng tác viên: Hàn Thuỷ (dịch)

André Menras Hồ Cương Quyết






Camarade



(A la mémoire de Jean Ferrat)


C’est un joli nom, camarade,
C’est un joli nom, tu sais.
J’ai rêvé de toi, camarade
Quand tu m’adoptais
Tu me rassurais, tu me protégeais
De ton corps meurtris, camarade
De tes yeux pleins de clarté.
Puis j’ai douté de toi, camarade
De ton cœur
Et de ta fierté.
C’est un nom terrible, camarade
C’est un nom terrible, tu sais.
J’ai rougi de toi, camarade
De ta matraque
De ton trousseau de clés.
Que fais-tu ici, camarade ?
Que fais-tu ici aujourd’hui ?
Laisse-moi passer, camarade,
Crier ma douleur, ma fierté.
As-tu oublié, camarade ?
Douleur du pays volé
Fierté de ne pas céder
Honneur de la prison
Déshonneur du geôlier
Viens à mes côtés, camarade
Pour te rassurer et nous protéger
C’est un joli nom, camarade
C’est un joli nom, tu sais...


HCQ




Đồng chí



(để tưởng nhớ Jean Ferrat)*


Tên ấy thực đẹp, đồng chí,
Tên ấy thực đẹp, anh biết không.
Trong giấc ngủ tôi nhớ anh, đồng chí
Khi đón nhận tôi
Anh làm tôi yên tâm, tôi được anh bảo vệ
Đồng chí, bằng thân thể bầm tím
Bằng đôi mắt đầy ánh sáng.
Rồi tôi đã ngờ anh, đồng chí
Ngờ tấm lòng anh
Ngờ cả niềm kiêu hãnh.
Tên ấy thực khó mang, đồng chí
Tên ấy thực khó mang, anh biết không.
Tôi xấu hổ vì anh, đồng chí
Vì dùi cui anh giương
Vì chùm chìa khoá ngang lưng.
Anh đến đây làm gì, đồng chí ?
Anh đến đây làm gì hôm nay ?
Đồng chí, hãy cho tôi đi tới,
Gào lên nỗi đau, gào niềm kiêu hãnh.
Quên rồi sao anh, đồng chí ?
Nỗi đau bị chiếm đoạt đất nước
Niềm kiêu hãnh đã không lùi bước
Vinh dự của người tù
Ô nhục của cai ngục
Hãy tới bên tôi, đồng chí
Để anh tự yên tâm, và bảo vệ chung
Tên ấy thực đẹp, đồng chí
Tên ấy thực đẹp, anh biết không...


Hàn Thuỷ dịch








* Chú thích của người dịch : Bài thơ này lấy cảm hứng từ bài hát rất nổi tiếng cùng tên – viết năm 1968 – của Jean Ferrat, ca sĩ lớn người Pháp; mà bạn đọc có thể nghe ở đây :

http://www.paroles-musique.com/paroles-Jean_Ferrat-Camarade-lyrics,p10267 .

Source : Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

25/6/11

Hoàng Cầm – một đời “nhớ tiếc”, một đời “níu xuân xanh”

Hoàng Cầm – một đời “nhớ tiếc”, một đời “níu xuân xanh”


Hoàng Hưng
Cập nhật : 19/04/2011 21:51




HOÀNG CẦM – một đời “nhớ tiếc”,
một đời “níu xuân xanh”





Hoàng Hưng






Là nhà thơ được yêu mến bậc nhất trong đời sống thơ đương đại, gần một năm sau khi lìa trần, Hoàng Cầm vẫn là một hồ sơ chưa được bạch hóa. Cả về đời lẫn về thơ.

Về đời, tuy ông đã kể khá nhiều với người hâm mộ, với giới truyền thông, nhưng tiếc thay phần lớn chỉ là những câu chuyện tình đã được thi vị hóa và huyền thoại hóa trước tiên bởi chính người kể và khuyếch đại sau đó bởi người nghe, trong khi phần quan trọng nhất trong văn nghiệp cùng những hệ lụy của nó lại chưa có cơ hội trình ra ánh sáng. Về thơ, có thể nói ngoài những tác phẩm tình ý rõ ràng như Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống..., thành tựu lớn nhất của ông là Về Kinh Bắc chưa được hiểu và phân tích đến nơi, một phần do tính chất mơ hồ, đa diện, đa nghĩa của một số bài quan trọng, mà chính tác giả cũng nói rằng mình không minh định được, ông còn sẵn sàng khoác thêm một màn sương khói hư hư thực thực bằng những câu chuyện kiểu như bài thơ ra đời từ tiếng ai văng vẳng trong đêm…

Lại nữa, truyền thông nước ta góp phần lớn vào việc làm cho công chúng cảm nhận Hoàng Cầm một cách phiến diện. Trong suốt hai thập niên trở thành gương mặt văn học “ăn khách” bậc nhất, ông luôn xuất hiện như một khách thơ tài hoa đa tình quanh quẩn với hai loại tình: tình quê hương quan họ và tình “chị - em” độc đáo, ông như bị chế biến thành món giải trí dễ dãi cho một số đông tò mò hơn là thực sự thưởng thức văn chương.

Có lẽ đây là dịp để, sau những tràng vỗ tay ồn ào cũng như những vòng hoa thương tiếc, cả sau khi những ân oán thời cuộc thường chi phối sự nhìn nhận tác giả và tác phẩm đã lùi xa vừa đủ, ta có điều kiện lắng xuống, tịnh tâm để nhận diện con người và thơ Hòang Cầm một cách thuần túy hơn.

Tôi chưa dám nói về kịch thơ, truyện thơ Hoàng Cầm, ở đó ngay từ Kiều Loan, và sau đến Người con gái nước Tần, Trương Chi, tài năng của một nhà soạn kịch sóng với tài năng của người nhuần nhụy ngôn ngữ thơ đảm bảo giá trị cho những tác phẩm thuộc một thể loại sân khấu tiếc rằng vì hoàn cảnh lịch sử đã không được nuôi dưỡng. Tôi tự hạn chế trong lĩnh vực THƠ viết hoa.

Điều đầu tiên tôi muốn nói, Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì công chúng quen nhìn thấy.

Ở nửa cuối cuộc đời, người ta dễ thấy ông, mà ông cũng thường tự nhận, là con người dễ dãi, uỷ mị, thậm chí nhu nhược, có gì đó nữ tính,“theo dòng mẫu hệ”. Có thể trong sâu xa con người ông phần “âm” có sẵn đã nổi lên do hoàn cảnh khốn cùng ông bị đẩy vào, trong hoàn cảnh ấy cái “âm”, cái “ẩn” có tác dụng bảo toàn, che chở. Cũng nên lưu ý đến tính nữ ở những vai nam trong quan họ hay chèo, một đặc trưng văn hóa dân gian đồng bằng Bắc Bộ mà Hoàng Cầm thấm đẫm. Vì thế người ta dễ quên đi gương mặt hùng của anh bộ đội Hoàng Cầm trong tấm ảnh mũ nan áo trấn thủ chụp ngày mới giải phóng thủ đô, quên đi giọng ngâm thơ sang sảng trên đài phát thanh của một Hoàng Cầm trong Đêm liên hoan “Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng/ Ta muốn hét cho vỡ toang lồng ngực/ Vì say sưa tình thân thiết vệ quốc đoàn”. Mê mải những “em mặc yếm thắm em thắt lụa hồng” bên kia sông Đuống, ta bỏ qua những anh “bộ đội bên sông đã trở về/ Con bắt đầu xuất kích/ Đồn giặc bắt đầu run trong sương/ Dao lóe giữa chợ/ Gậy lùa cuối thôn.” Cũng như khi cùng tác giả trở về Kinh Bắc, bị ám ảnh quá nhiều vì cái lá Diêu Bông, cỗ bài tam cúc chị chị-em em, người ta không mấy quan tâm đến tâm trạng bi phẫn Trăng lên chém đầu ngọn gió, Cành si bưng chậu máu chát chao… Người ta cũng tránh nhắc đến dũng khí của một nhân vật chủ chốt Nhân Văn – Giai Phẩm, người quyết định công bố Nhất định thắng và sau đó khẳng khái bênh vực tác giả của nó (Con người Trần Dần).

Tất nhiên thơ Hoàng Cầm cũng đa dạng như con người ông. Và thay đổi khá nhiều theo theo thời gian, hoàn cảnh. Không thể nhận ra tác giả những lời thơ lãng mạn tuổi 20 “Những khoảng chiều buồn phơ phất lại/ Anh đàn em hát níu xuân xanh” trong những giai đoạn kháng chiến, đầu hòa bình. Nhưng đến những năm tháng của tuổi 70, 80 thì ta nhiều lúc bắt gặp ông trở lại nhạc điệu, thi ảnh, và cả ngôn từ của thời “vớt mắt em về bến hoá sinh”. Vâng, ở cái tuổi xưa nay hiếm, Hoàng Cầm vẫn chạy theo những mối tình đơn phương, ảo vọng, vẫn “níu xuân xanh” với hết sinh lực (không còn bao nhiêu) và thi lực (vẫn tràn đầy).

Giữa hai đầu lãng mạn đầu đời và “níu lãng mạn” cuối đời, ta có Hoàng Cầm thơ kháng chiến lượng không nhiều mà nổi đình đám chỉ cần với một Bên kia sông Đuống. Một Hoàng Cầm thơ trữ tình phê phán sắc sảo và cay độc thói quan liêu đạo đức giả: “Rúc đầu vào nách vợ/ Hút hít như chó con…Mắt thầy nhắm nghiền lại/ Thầy đọc kinh giáo điều… Dao ngọc với gươm vàng/ Chém nát nhừ trận gió…”, “Diễn văn cót két chân giường mới/ Gặm hết tình yêu hết ước mơ. Ta có cả một Hoàng Cầm biết tụng ca anh hùng với những hình tượng sáng tạo “Anh đứng là lưỡi cày/ Anh nằm là dòng mương/ Anh ngồi là cót thóc/ Anh đi là con đường”. Rất ít người để ý đến một Hoàng Cầm mới lạ của tổ khúc thơ rock siêu thực – xuất biểu có một không hai trong thơ Việt Nam (U gì, tặng khối u của Đặng Đình Hưng) đầy bi phẫn kinh hoàng ác mộng: “Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy bãi sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung rê-ma-giơ quắt nhức ba cạnh nhung gai lì ái ân gì dài thon mười búp lóa kim cương trắng sữa đầu vú núi cao ngất lùm cỏ ngọt ước ao”… “lố nhố nhiều u gì sau xe hình mắt lé mã tấu trùng trùng răng chuột mặt nạ người đẹp ngọt xớt thanh xà nép lá bồ đề”.


Về Kinh Bắc


Nhưng có thể nói, tác phẩm gắn chặt nhất với tên Hoàng Cầm truyền lại cho hậu thế phải là Về Kinh Bắc. Hoàn cảnh ra đời tối ưu cho một kiệt tác: tác giả bị dồn đẩy vào tâm thế chìm đắm hoàn toàn trong thế giới hoài niệm với thơ là nơi bấu víu, là nguồn sống, là năng lượng giải thoát độc nhất (“cô đơn là cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng” – Đặng Đình Hưng); tác giả đang ở độ chín tới của tuổi tác và tài năng.

Về Kinh Bắc là tổ khúc tám nhịp hồi quang một vùng văn hóa lịch sử, trên nền ấy nổi lên nhịp Năm gửi gắm tâm sự của một đứa “Em” (không) gửi tới “Chị”, người mà “Em” thầm yêu, cả tin, rồi vỡ mộng, nhưng chẳng dám thốt ra lời gì hơn là nỗi lòng bơ vơ, ngậm ngùi, có chút hờn trách.

Hồi quang Kinh Bắc đầy màu sắc. Với những chớp lóe ấn tượng thật gợi cảm trong nhịp Một, cũng là khúc dạo (prelude) của một đại tổ khúc, gồm năm đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - lướt nhanh một Kinh Bắc huyền tích (Néo Đông Triều khép mở gió kỳ lân/ Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ…), Kinh Bắc huê tình non tơ (Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại… Gió ra hồng da trinh nữ… ong bay vai áo tiểu thon mình), Kinh Bắc bi tráng (Chợt mê thét giữa sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng), Kinh Bắc ma mị (Châu chấu ma vờn cổ yếm xây…Trò chuyện gì ai đâu/, mồ tháng giêng mưa ướt sũng…), Kinh Bắc của những sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc (Hình nhân má điệp tóc mực tàu/ Mắt nghiêng dựa liếp/ Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu… Kèn già lam ai tập thổi/ Gió mất chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy… Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu…). Với lịch sử bi hùng được kể trong ba nhịp Hai, Ba, Bốn. Với chân dung những người con gái đa tình, đa truân trong nhịp Năm. Với phác hoạ những hội hè trong nhịp Sáu. Có thể nói Về Kinh Bắc cùng với truyện thơ Tiếng hát quan họ và nhiều bài thơ lẻ cuối đời cho thấy Hoàng Cầm là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo (trầm ca) và romance.

Nhưng cũng phải nhận rằng, Về Kinh Bắc in đậm vào dư luận và sống trong lòng công chúng phần nhiều ở chùm thơ đặc biệt trong nhịp Năm: bộ ba Cây, Lá, Quả (Cây Tam cúc, lá Diêu bông, Quả vườn ổi), mở rộng là bộ bốn (Cây, Lá, Quả, Cỏ - Cỏ Bồng thi). Không nói tới việc số phận đoạn trường của chùm thơ này kéo theo số phận đoạn trường của tác giả đã góp phần không nhỏ làm cho chúng nổi tiếng và được yêu mến, “đến hôm nay, thoát khỏi mọi vướng víu thời cuộc, bộ ba cây-lá-quả vẫn cứ ngây ngây men erotic của những ẩn ức ấu thơ sực mùi ổ rơm tóc ấm trộn với một liều lượng đắng cay của tuổi trẻ thất vọng đượm một nỗi u ẩn thế sự, vẫn nguyên sức cám dỗ của thứ rượu lâu năm nhấp môi thì ngọt, nuốt vào thì đắng, uống rồi thì chuếnh choáng ngậm ngùi.” (HH- Bài giới thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991).

Ngoài chùm thơ trên, có Về với ta, một bài làm thanh cả nhịp cuối, nhịp kết của tập thơ. Không nổi tiếng với công chúng rộng, nhưng bài thơ được đánh giá cao trong giới bạn thơ của tác giả và cũng là một trong những bài tâm đắc nhất của ông. Tôi nghĩ bài này chứa đựng những gì là Hoàng Cầm nhất.

Về mặt thi pháp, thực ra Về Kinh Bắc chưa tạo dựng một thi pháp nhất quán rõ rệt như ở Trần Dần, Lê Đạt, nhưng nó rất riêng một lối thơ Hoàng Cầm của thời kỳ này, cũng là lối thơ Hoàng Cầm nhất.

Trước tiên là một nhạc điệu Hoàng Cầm: dặt dìu, đón đưa, dan díu, buông bắt. Có thể nhận ra tất cả hồn quan họ ngân nga trong ấy. Thứ nhạc này khiến cho thơ tự do không vần của tác giả, trong khi theo sát diễn biến của từng tâm trạng cụ thể, thậm chí còn du dương hơn lối thơ vần điệu (cuối đời tác giả hay tự hát thơ của mình trong những cuộc gặp gỡ bỏ túi). Ta có thể gọi nó là “điệu tâm hồn Hoàng Cầm”.

Rất rõ một lối tạo hình Hoàng Cầm: xen tả với gợi, xen ấn tượng, biểu tượng với khắc hằn xuất biểu. Ở những bài thành công nhất, việc sử dụng biểu tượng gửi gắm những tâm ý không nói ra được (có thể là “tàn dư” của thủ pháp “biểu tượng hai mặt” thời Nhân Văn – Giai Phẩm nhưng đã từ tầng lý trí chìm xuống tầng sâu tiềm thức, bộc phát, nên sức ám ảnh rất cao), kết với sức gợi và ám của nhạc thơ, cho ta một Hoàng Cầm của thi pháp tượng trưng thời mới – tôi tạm gọi là “tân tượng trưng”.

Hoàng Cầm cũng có một kiểu dắt dẫn tuyến thơ: Một cách mở đầu hầu như bao giờ cũng tự phát từ sự mách bảo của tiềm thức, bản năng, không từ sự lập ý (cho nên ông hay nói về tiếng người trong đêm đọc câu thơ mở đầu cho bài thơ của mình), rồi phát triển bài thơ xen kể với tả, và cấu trúc bài thơ không bao giờ thiếu kịch tính.

Ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm tài hoa óng chuốt bay bướm nhưng vẫn tự nhiên, tuy cũng có những lúc hơi lạm phát vàng son song ít khi rơi xuống sáo mòn.

Có một nét rất riêng Hoàng Cầm nữa: sự tạo dáng ký thác tâm trạng trong các bài thơ. Ngay từ Bên kia sông Đuống, cái dáng nghiêng nghiêng của con sông đã ám ảnh bao nhiêu người yêu thơ ông (có nhà nghiên cứu còn ngây thơ thử đi đo độ nghiêng của sông Đuống thực!). Trong một lần chở xe đạp nhà thơ trên phố dịp ông vào Sài Gòn lần đầu, tôi bỗng “phát hiện” cái thế nghiêng nghiêng của con sông có lẽ là từ cái dáng nằm nghiêng nghiêng của chính tác giả trong cái đêm trằn trọc nhớ về con sông quê sa vào tay giặc. Cái dáng này cũng như tiên cảm sự chông chênh của đời ông! (Đứng không yên ổn, ngồi không vững vàng – Kiều). Trong Về Kinh Bắc, ta gặp cái dáng bơ vơ Em đứng nhìn theo em gọi đôi, lạc lõng Từ đấy em đi khắp sông khắp núi/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời… ới diêu bông, lủi thủi Lẽo đẽo em đi vườn mai sau/ Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng, bị du đưa như trong cơn mộng du Chị đưa em đến chốn này/ Cheo leo mỏm đá, chết đứng không trói mà không đi… em vọng ai đâu mà hóa đá… kìa rau muống dại kín em rồi…

Bao trùm tất cả, Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một thế giới Hoàng Cầm. “Thế giới thơ Hoàng Cầm như một cõi mơ giữ nguyên những cái không hề có thật, cái “lá diêu bông” là cái lá gì, “cầu bà Sấm bến cô Mưa” là ở đâu, nhưng cứ ngỡ như là thật; có những chất liệu bình dị của vùng quê Kinh Bắc một thời vừa đủ xa để nhớ tiếc, cỗ bài tam cúc đôi cá đòng đong... nhưng lại kết thành hư ảo hàm chứa một cái gì bí ẩn. Hoàng Cầm thuộc nòi thi sĩ giao tiếp được với người âm, biết cách gọi về những gì đã mất, đẩy cái trước mắt ra xa vời, nên thơ anh ám ảnh như mộng triệu đòi được giải mã.” (HH- Bài giới thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991). (Tác giả rất tâm đắc ý cuối này, ông lấy nó khi viết Chân dung tự thú năm 1994: “Gọi chiều xưa trở lại/ Đẩy chiều nay về xa/ Thường trò chuyện với ma/ Như với người đang sống”).

Về Kinh Bắc là tập thơ được Hoàng Cầm sáng tác trong mùa Đông-Xuân 1959-1960 tại nhà riêng (43 Lý Quốc Sư Hà Nội), sau khi ông bị kỷ luật vì vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Bản thảo sau đó được ông chép tặng một số rất ít người quý mến mà số lượng ngày càng tăng dần, nhất là sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Tuy có tiếng xì xầm về những “ẩn ý” oán trách xã hội của một số bài trong đó, nhất là bài Lá Diêu bông, nhưng chưa hề có nhận định hay kết luận chính thức nào của các cơ quan hữu trách về tập thơ, cũng chưa hề có một quyết định nào không cho phép lưu truyền nó. Nhưng đến khoảng cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi một số bài thơ do Hoàng Cầm chép tặng được truyền ra hải ngoại, thì Về Kinh Bắc đã “thành vấn đề” đối với “các cơ quan chức năng”.

Năm 1982, một nhà văn người Việt từ Canada về xin nhà thơ chép tặng toàn bộ tập thơ để mang đi. Cùng lúc đó, tình cờ tôi từ Sài Gòn ra, cũng xin ông chép tặng để mang vào. Trong bối cảnh ấy vụ án Về Kinh Bắc ra đời với mục tiêu phá vỡ từ trong trứng một âm mưu “lưu truyền văn hóa phẩm phản động”.

Tháng 8 năm 1982, tôi – người mang tập bản thảo do Hoàng Cầm chép tặng với phụ bản tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và bìa của nhạc sĩ Văn Cao – bị bắt, ngay sau đó là tác giả của nó.

Trong quá trình điều tra, vì quá yếu mệt, để mong sớm được ra, nhà thơ đã nhanh chóng nhận tội nói xấu chế độ qua một số bài thơ trong tập và ông tỏ lòng ăn năn hối lỗi. Điều trớ trêu là, sau khi có lá thư thỉnh nguyện của một số trí thức Pháp gửi về xin trả tự do cho nhà thơ, ông lại bị kéo dài thời gian giam giữ. Ông được “tạm tha” sau 16 tháng “giam cứu” (giam giữ để điểu tra) tại Hỏa Lò (nhà tạm giam Hà Nội) và Trại tạm giam của Bộ Nội vụ - từ cuối tháng 8 năm 1982 đến cuối tháng 12 năm 1983.

Thời gian bị giam giữ đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của Hoàng Cầm. Phải đến hàng năm sau, nhờ sự động viên của bạn bè, ông mới dần hồi phục.

Sau Đổi Mới, một số bài trong Về Kinh Bắc được công bố trong vài tập thơ của Hoàng Cầm (Mưa Thuận Thành, Lá Diêu bông, Bên kia sông Đuống), trong đó có những bài quan trọng nhất mà dăm năm trước đây còn bị coi là “phản động”. Đến năm 1994 thì Về Kinh Bắc được xuất bản. Trong giải thưởng Nhà nước về VHNT trao cho Hoàng Cầm năm 2007, tuy Về Kinh Bắc không được nêu danh, nhưng có những tập thơ kể trên.

Sau Về Kinh Bắc, thơ Hoàng Cầm không còn tập trung được sức mạnh vào một tác phẩm lớn, không còn giữ được nhạc điệu rất riêng, nhưng thế giới thơ Hoàng Cầm vẫn hiện diện một phần ở tâm trạng tải trên hàng trăm bài thơ lẻ. Một tâm trạng tha thiết đòi yêu, níu yêu, không cam chịu, nhưng không giấu được tiếng thở hắt phẫn chí, ngậm đắng, nuốt cay: Gió cấp ba thổi méo thân hình… Vào tim dao khía bịa ra cười… Thứ thuốc mà ông mang tên càng già càng đắng.

Cuộc đời và thi nghiệp của Hoàng Cầm là một trường hợp điển hình cho điều mà tôi coi là một trong những “bí quyết” thành công trong văn giới Việt Nam đương đại. Đó là sự “nằm giữa”. Nằm giữa con người thi nhân và con người chiến sĩ (dân tộc và dân chủ), con người Hoàng Cầm là một mẫu lý tưởng ngấm ngầm cho một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ; thất bại trong cuộc đời tranh đấu phủ thêm hào quang cho thi nghiệp của ông. Nằm giữa lối sáng tác truyền thống coi cảm hứng từ chính cuộc đời mình là động lực tự nhiên với ý thức về sự làm mới bút pháp do ảnh hưởng của những người bạn mang tinh thần cách tân quyết liệt. Nằm giữa một cái nôi văn hóa dân gian đậm đà tâm thức tập thể và một chân trời tự do cá nhân hấp thụ từ văn minh phương Tây. Nằm giữa kể chuyện và giãi lòng. Nằm giữa thực và mộng, lộ và ẩn, hình ảnh và biểu tượng, huyền thoại và chuyện thật, văn chương và thế sự. Thơ Hoàng Cầm dễ lan truyền mà không bình dân, đáp ứng tâm lý thưởng thức của công chúng trung lưu Việt Nam trong một hoàn cảnh xã hội khá đặc biệt, khi văn nghệ đang chuyển mình từ công cụ chính trị trở lại là chính nó; trong cảnh tranh tối tranh sáng, tiếng xì xào lắm khi còn mạnh hơn lời bình chính thức.

Ngẫm lại một đời thơ ông, tôi thấy ngay từ thưở 20 đến khi về cõi, ông như không thôi bị ám ảnh bởi cái nhu cầu nội tâm sâu xa đọng trong một chữ NÍU.

Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh

Bao nhiêu tha thiết hàm chứa cái gì bất lực, tội nghiệp trong câu thơ từ 70 năm cũ dự cảm một điều quý báu nhất sắp vuột khỏi tay.

Đời ông là cả một đời nhớ tiếc những cái đã mất ấy (“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ sao xót xa như rụng bàn tay”), mà ông chỉ hòng mong níu lại bằng thơ. Níu xuân xanh. Níu một mối tình ảo,níu một thời trầu cay mà đỏ, níu màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… Và có lẽ, thơ Hoàng Cầm níu lòng ta cũng vì thế.




Hoàng Hưng


Bán đảo Tân Phong mùa trăng tháng 3/2011


-----------------------


Nguồn : Bài in trong tuyển tập Thơ Hoàng Cầm do Công ty Nhã Nam phát hành tháng 4/2011 đã bị biên tập cắt, sửa một số chỗ. Đây là bản gốc tác giả gửi Diễn Đàn.

Nam Dao : Hoàng Cầm, một vị thơ

Hoàng Cầm, một vị thơ


Nam Dao


Ngày 6-5-2011 sắp tới là ngày kỷ niệm một năm sau khi ông qua đời. Nhân dịp này NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam vừa ra mắt một tuyển tập thơ Hoàng Cầm, với nhiều tranh ảnh minh hoạ và thủ bút. Đặc biệt có ba bài viết của các nhà văn Hoàng Hưng, Nam Dao và Nguyễn Thuỵ Kha. Chúng tôi đã đăng bài của Hoàng Hưng. Nay xin giới thiệu bài của Nam Dao, bản do tác giả gửi Diễn Đàn.




Hoàng Cầm, một vị thơ i




Nam Dao



Trong dòng thơ Việt Nam ở thiên niên kỷ 20, thơ Hoàng Cầm là những giọt nước trong veo nhưng mặn chát vị đắng, vị của thuốc mang tên Hoàng Cầm. Gặp anh đầu thập niên 80 kỷ trước, liên hệ trân quí này hẳn đã ảnh hưởng đến nghiệp viết của tôi, và hàng năm, cứ dịp Tết tôi lại điện thoại thăm hỏi chúc tụng anh. Mỗi lần, anh lặp đi lặp lại “cố về, để anh em còn gặp nhau…’’. Tết năm ngoái, đứa cháu anh trả lời : “ông cháu nay chẳng còn nhớ gì nữa rồi!’’ Cho nên, tuy tin anh về một cõi khác không đột ngột, nhưng sao vẫn rất đỗi đau lòng. Thơ Việt Nam lại vắng thêm một cái bóng khổng lồ, bóng anh.

Xin chép dăm câu thơ anh làm trên gường bệnh gửi tôi :

Thì em cứ đi
đã quá vòng định mệnh
Sao còn loanh quanh bên số phận của rừng
Tưởng đã đến một tầng sâu giun bướm
Hóa ra còn con dế vẫn dưng dưng

Và, thay nén nhang thắp lên tưởng nhớ anh trong ngày giỗ đầu, tôi xin trích đoạn những gì tôi viết về anh.


*


Thế đấy. Anh chép miệng cười. Nụ cười rất tươi, rực lên cùng ánh mắt. Anh bảo: «...tên nó vận vào người», lại rót rượu. Ðó là một loại rượu ngâm với mơ, màu vàng óng, vị hơi ngọt, uống khá đầm. «Rượu làng Vân, ngâm mơ thế này là đã cả năm rồi», anh lại cười, tay với điếu cày. Tiếng nước reo sòng sọc. Mùi thuốc lào hăng hắc xông lên. Anh ngả đầu ra sau, mắt lim dim. Tôi ngắm anh. Những nét hào hoa nay hằn xuống, nhưng vẫn là những nét hào hoa.

Anh quả là một người hào hoa.

Chị đi đâu về. Tôi đứng dậy. Chị bảo «...à, chú đấy à !». Rồi chị ra ngồi, tay rót nước. Tôi nhìn chị. Chị quả là một người đàn bà đẹp. So với người Hà Nội những năm đó, chị đỏm dáng. Có lẽ chị biết là mình đẹp.

Tôi đưa ly rượu lên môi, bâng khuâng nhớ người con gái trùng tên chị đã hẹn tôi rồi không đến một năm xưa. Tôi nhìn anh, vẩn vơ hồi tưởng lần đầu đến quán rượu này. Tai tôi lại văng vẳng tiếng cười ròn rã của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn «... muốn thì đi với tớ, không đi lại chê Hà Nội không có !» Ngồi trên chiếc ghế đẩu chông chênh chỉ chực đổ soài ra, tôi nghe tiếng ngâm thơ. Anh ngâm một cách ngâm lạ lùng. Ngâm như than, như khóc, như rên rỉ, như van vỉ. Như hát chầu văn. Như rủ người nghe nhập đồng.

Quái lạ. Lời thơ lại vượt khỏi tầm trí tuệ. Nó lơ lửng ở chốn nửa nhân gian nửa thần thánh. Nó chém xuống tâm linh, để lại vết cắt, thứ vết cắt hằn sâu xuống ở lớp thứ tám. Vâng, hiểu thì chỉ cần lớp một cho đến lớp ba, bốn. Sau đến lớp năm, lớp bảy là cảm. Khi đó chữ nghĩa hết là chữ nghĩa. Nó thành những tác động tâm - sinh lý. Nhịp tim không còn đều đặn đẩy máu đi như làm thứ nghiệp vụ buồn tẻ trong một cơ thể bình thường. Nhịp thở không còn đều đặn như khi người ta ngủ say đến mất hết khả năng tiếp nhận bất cứ gì. Còn lớp tám ? Tôi phải nói thế nào ? Tôi biết như kẻ có lòng tin vào Thượng Ðế, nhưng làm sao nói đây ?


Tôi lẩm nhẩm «... Ta soi. Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú. Ngủ say rồi đôi cá đòng đong». Ở tầng thứ tám, một bàn chân người nhỏ bé đạp vào không gian mênh mang bí ẩn đẩy lùi lại những vì sao long lanh trên dải ngân hà trong suốt. Cúi xuống, cũng ở tầng thứ tám đó, con người nhỏ bé soi mình trong lạch nước, và an bình thay, đôi cá đòng đong còn nhỏ bé hơn nữa đã ngủ say rồi. Từ vô cùng lớn, chỉ vài chữ là đến li ti nhỏ. Ở giữa, con người kia cô đơn làm cái ảo tác đạp lùi tinh tú. Hình ảnh đó còn bi tráng hơn huyền thoại Sisyphe lăn đá lên cao. Hòn đá tới đỉnh lại lăn xuống như một thứ định nghiệp vô căn do, lăn xuống để rồi lại phải đẩy lên, theo cách diễn tả sự phi lý kiếp người của Camus. Lăn đá là hình phạt của Zeus, thứ thần linh hóa ra đại bàng đi đánh cắp một cô con gái nhưng bị Sisyphe - kẻ được bàn dân coi như một vì vua mong xây dựng một vương quốc có văn minh - nhận diện và tố cáo. Văn minh nằm ép dưới quyền lực. Còn luân lý, luân lý đã nhiều lần chùn bước trước sức mạnh trong lịch sử nhân loại.

Hình ảnh lăn đá của Sisyphe khắc nghiệt hơn đôi cá đòng đong ngủ say. Con người cô đơn nổi loạn đạp lùi tinh tú, nhưng hiểu ra sự bất lực của ảo tác đó nên vội quay về tìm an nhiên bằng giấc ngủ của đòng đong. May thay, đòng đong vẫn có đôi. Ðó là một cách an ủi. Dĩ nhiên kém triệt để, nhưng bao dung hơn. Phải chăng Ðông khác Tây là vậy ? Nhưng thế thì sao «nó vận vào người» được nhỉ ?


*


Buổi sáng hôm ấy lành lạnh gió. Hai mươi năm sau, cứ mỗi lần gió như thế, tôi lại nhớ, lại mang mấy tấm ảnh cũ ra nhìn. Ảnh có cụ Sìn, có Văn Cao, có Thái bá Vân, những người đã khuất. Có anh. Có Duy. Có tôi. Những người vẫn còn. Có chị Băng, dĩ nhiên. Còn có T và L, hai cô gái nuôi của cụ Sìn, một họa sĩ đầu đàn của Hà Nội vào những năm ba mươi. T kéo violon cho dàn nhạc giao hưởng. Duy làm bài thơ khá đẹp về bàn tay và chiếc vĩ cầm. Còn L, cô dạy học ở Hải Phòng, nhưng nay đã lưu lạc đâu đâu bên Hòa Lan rồi. Duy đèo tôi bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng cứ dăm trăm thước lại tuột xích. Chúng tôi đi dọc đại lộ Lê Duẩn về hướng Nghi Tàm. Tôi bảo «Chẳng biết các ông ấy gặp nhau thì thế nào nhỉ ?». Khi mời anh, Duy chỉ nói «...anh lên xem bức tranh cụ Sìn vẽ anh năm tiếp thu thủ đô !». Khi mời Văn Cao, tôi chỉ nói «...cụ Sìn nhắn anh lên, lại khà khà bảo không có anh thì thôi không đình đám nữa. Cụ yếu lắm rồi...». Chúng tôi đều biết là từ cái thuở Nhân Văn gần ba mươi năm xa lơ xa lắc, anh và Văn Cao không gặp nhau nữa. Lý do? Tôi kêu lên «...miễn bàn !». Cả nước hòa hợp hòa giải. Văn hóa thì thế. Một dúm tác phẩm. Dăm ba ông đứng đầu, ông nọ tránh không nhìn mặt ông kia. Con cháu sau này trông vào thì sẽ nghĩ gì ? Thái bá Vân gật gù, nhỏ nhẻ «Cho tôi đi với !» rồi hồn nhiên tiếp «...cũng đến lúc các ông ấy nên gặp nhau rồi !»

Tôi không hề hỏi đến lúc là đến lúc nào. Tôi cũng vô tâm, chẳng thắc mắc thế nào là nên , thế nào là không nên . Bữa ăn nhà cụ Sìn khá vui vẻ. T và L chạy lên chạy xuống. Cụ bà đi vào đi ra. Tôi vui trong bụng, chỉ cảm thấy một thoáng sượng sùng khi hai anh bắt tay nhau, để ý các anh tránh nói với nhau, nhưng cả hai đều góp chuyện. Văn Cao thích làm dáng, đôi khi hơi gượng trong dăm ba hoạt cảnh đầy tính kịch. Còn anh, anh hồn nhiên. Cụ Sìn mang bức tranh cũ ra. Bức tranh không có khung, vải bố nhem nhuốc, nhưng anh, anh cười trong bộ quân phục màu vàng, đọâi mũ có đính sao. Cụ Sìn lại khà khà móm mém bảo «...lính Vệ quốc đẹp thế đấy !». Anh mơ màng «...đẹp và trẻ. Có lẽ đẹp vì trẻ...», mắt nhìn T và L đang cúi xuống thẹn thùng. Quả thế. Tôi cũng nhìn. Cô giáo ở Hải Phòng đằm thắm hơn. Cô nhìn lại rồi chạy vụt đi. Cô nhạc sĩ vĩ cầm dáng dấp có nét bốc lửa, nhưng mắt lại mơ màng chút u uẩn than tro. Cô làm vẻ thản nhiên, nhìn về phía sân, nơi nước ao đã tràn lên mấp mé ven bờ.


Buổi trưa hôm đó qua đi, rất nhẹ, không khác cơn gió lành lạnh chớm đông. Cõi nhân duyên chập chờn oái oăm. Hai anh lại chia chung cái chiếu rượu này. Và chia với chúng tôi. Mỗi kẻ một vẻ đời. Làm lính. Làm thơ. Kéo đàn. Dạy học. Ðến từ một bờ Ðại Dương xa lắc bên kia. Lên từ Cảng, quê hương của người tài tình thõng một câu thơ nhập « Sinh ra tôi đã có Hải Phòng...» cho bản trường ca Những người trên cửa biển dính dấp đến vụ quyền lực hãm và hiếp văn học vào năm 1956. Ðè xuống rồi nằm lên dăm ba tờ báo để che bớt đi cái ê chề có tên là cải cách ruộng đất, quyền lực thở phì phò, xong việc kéo quần lên, tay chùi mép dính nước bọt phán lửng một lời «...có phải con gái nhà lành đâu, quí báu đéo gì !». Chữ đéo không thừa. Nó vạch ra tính chất của hệ tương quan giữa chính trị và văn hóa. Con gái nhà lành thì dĩ nhiên không phải là con gái tạch tạch sè thành thị. Họ dẫu còn trinh nhưng điều đó không thể bảo đảm rằng họ thuộc thành phần cốt cán của dân tộc. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp và sẽ còn lâu vẫn là một nước có rất nhiều nông nô. Nhưng chuyện đã xưa rồi. Bây giờ khác, người cày có ruộng và công bằng ra thì người viết có giấy có bút để góp phần xây dựng một xã hội tươi đẹp. Có lẽ chính vì vậy là đã đến lúc các ông ấy nên gặp nhau ? Tôi ngây thơ nghĩ thế. Còn anh, hồn nhiên như anh, chắc anh cũng nghĩ thế. Cụ Sìn, cụ chỉ cười khà khà. Cụ không nhầm, mặc dù tuổi đã cao.

Tối ăn cơm, không biết là chân ai khều nhè nhẹ vào chân tôi. Hẳn vô tình. Giá mà cố ý nhỉ. Ai biết được, lại chuyện nhân duyên. Ðêm hôm đó, tôi ngủ lại nhà cụ Sìn với Duy. Hai đưa lau sàn xi măng đã lên dầu mồ hôi sáng bóng rồi mắc màn. T và L cũng thế, hai cô nằm chiếu bên cạnh.

Tiếng ễnh ương bờ ao. Vẫn gió. Gió xào xạc. Ngọn đèn hoa kỳ vặn xuống li ti sáng một màu xanh biếc. Tiếng cụ Sìn ho. Tiếng đập muỗi. Tiếng thở dài nhè nhẹ chiếu bên. Duy bắt đầu ngáy. Tôi thiếp dần đi trong mùi đàn bà bay thoang thoảng. Tôi mơ bay lên thật cao, cao đến độ trái đất ở dưới chỉ còn là một hòn bi ve óng ánh màu hy vọng một hạnh phúc trong tầm với của cả dân tộc tôi. Thú thật, tôi đã là một kẻ có niềm tin như vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cố gắng tin và còn hy vọng nên mới viết được những giòng chữ này, dẫu rằng đôi khi bóng tối có lúc đã bao trùm cả đời tôi lẫn đời những người tôi yêu.

Hình như ai thò tay sang nắm lấy tay tôi. Tôi để yên, lòng ngậm ngùi, vờ ngủ. Cho đến nay tôi vẫn chưa biết bàn tay đó là tay L hay tay T. Tôi chỉ biết tờ mờ sáng L đã đi ra bến xe về Hải Phòng. Và sau đó tôi rồi cũng phải bay sang bờ Ðại Dương bên kia. Nỗi ngậm ngùi sau này đọng lại được đúng hai câu : Em đi rón rén trời chưa sáng. Bước động ao bèo bỗng hóa sông.


*


Thuở đó anh biết tôi yêu thơ. Thật ra, tôi yêu tất cả những cái đẹp. Và yêu, dĩ nhiên là mù quáng. Là như bị thôi miên. Là buông hết, và thả luôn đời mình vào cái mình yêu, hệt như những kẻ tử vì đạo. Cái đẹp, gộp luôn cả chân - thiện, trở thành tất yếu cho sự tồn sinh, và mặc dầu tôi là người ngoại đạo, thỉnh thoảng lại mập mờ mang hình tượng Ðức Chúa đóng đinh trên thánh giá cứu rỗi, sườn loang lổ máu một vết dao đâm vì lòng tham tàn cộng thêm sự ngu muội.


Tôi đến chơi với anh như đến với cái đẹp. Người ta chặc lưỡi «...giao du phải cẩn thận.» Tôi bảo «Nếu phải xin phép thì cho tôi một cái danh sách, những ai là người không nên giao du !». Người ta trừng mắt. Tôi quay lưng đi. Người ta cho là tôi thách thức quyền lực. Tôi thì không. Vì tôi nghĩ, rất ngây thơ, là đã «đến lúc» vì bây giờ chỉ có ta, và ta phải «cùng nhau» góp tay vào xây lại một mảnh đất đã quá đọa đầy. Ðòi hỏi của hai từ ghép «cùng nhau» là phải xóa đi lằn ranh dĩ vãng đã chia nhau ra thành đôi, thành ba, thành năm thành bảy mảng. Những mảng băng rời trôi mỗi mảng một hướng. Nước ơi, chỉ có tình của nước mới làm tan những mảng băng chia cắt lạnh lẽo kia. Người ta lắc đầu nghi ngại. Tôi đến chơi với anh. Với Trần Dần, Lê Ðạt. Với Ðặng Ðình Hưng. Người ta nhăn mặt «Trải chiếu hoa cho mà không biết lên ngồi à ? ». Tôi giật mình. Thì ra phải chọn giữa mảnh chiếu hoa đã trải và cái đẹp ! Nhưng tôi đã thưa, cái đẹp là tất yếu cho sự tồn sinh, và tôi xin trả lại một góc chiếu vẽ hoa đỏ không hợp tạng.

Anh biết tạng tôi, cái tạng con trẻ không làm sao cho khôn ngoan thích ứng hơn được với cuộc đời. Tôi không kể cho anh cái đêm có một bàn tay đàn bà thò qua màn nắm lấy tay tôi ở chiếu bên. Anh tặng tôi một chai rượu mơ anh ngâm, dán thêm hai chữ Men Quê và Bốn câu thơ. Anh kể :

«... Tên nàng cũng là Yến. Chúng mình lên đồi, mặt đất xanh rì, nhấp nhô mềm dịu như mông như vú đàn bà. Nắng đã bắt màu vàng tươi trên mái chùa Phật Tích ngói đỏ xa xa. Ngả mình nằm xuống thảm cỏ, nàng nhìn, cái nhìn như bảo ban. Bỗng nàng chồm dậy, hai tay bíu lấy đầu mình kéo xuống, rồi áp môi hôn những nụ hôn cuồng nhiệt. Khi buông nàng ra, mình đọc «Một con bướm lửa đậu môi». Nàng nắm hai tay mình kéo ra, miệng thầm thì «Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm». Nhìn lên trời, những ráng mây xa óng ánh như sắp cháy bùng lên, mình tiếp «Ba làn mây lửa về thăm». Nàng như say sóng, ôm choàng lấy mình để giữ thăng bằng trong một cơn bão biển bất ngờ ào vào thân thể, mắt nửa khép nửa mở, tay quơ lên, miệng thở dốc. Mình lao vào nàng, vào cơ thể nàng, vào tâm hồn nàng bằng tất cả sinh lực đàn ông, cứ thế cho đến khi cùng kiệt. Nàng ngước mắt, vừa cười dịu dàng, vừa đếm «... Bốn lần chim lửa đến nằm rậm hoang».

Hai mươi năm sau, tôi vẫn nghĩ cho đến nay câu chuyện anh kể không chỉ là một câu chuyện thật. Nó có chất cốt tủy như khi anh bảo với tôi rằng nàng Thơ vốn dĩ lẳng lơ, gặp ai cũng quyến rũ, nhưng chung chạ gối chăn với nàng lại là chuyện khác... Tôi tin lời anh. Anh hồn nhiên nhận mình là người may mắn. Như vậy cái gì có thể lại «vận vào người» anh?


*


Mẹ, Chị, rồi Vợ anh và những người đàn bà yêu anh đều là cốt đồng cho anh nhập vào tâm giới của nàng Thơ. Hiện tượng này nằm dưới tầng ý thức của chính anh. Thậm chí, nó nằm ngoài anh, và chính vì thế mà anh kể là thơ anh «... vài ba câu đầu bao giờ cũng không phải là tôi nghĩ ra, mà đúng thật là những lời văng vẳng bên tai như có một giọng nữ đang hát, hay đang đọc... mà tôi xin gọi là lời của thần linh đọc cho mình chép lại được.».

Vâng, nghe đâu anh chép được nguyên bài Lá Diêu Bông. Lần cuối gặp anh năm ngoái, anh hỏi «Thơ mình được mấy bài ?». Tôi tần ngần, đếm có Về với Ta, Ðợi mùa, Cây tam cúc, Quả vườn ổi. Ðó là những bài thơ lạ, ngôn ngữ thơ biết thở, biết hát và biết im lặng. Tôi đáp «năm, sáu bài...». Anh cười «...thế là lấy của thiên hạ quá nhiều rồi !» và hồn nhiên nói tiếp «... à, em mới kể có năm thôi !». Thật ra còn bài U gì anh làm gửi cho Ðặng Ðình Hưng. Bài Ðợi mùa, ít người nhắc. Thú vị nhất là tiếng chim tu hú, thứ chim lớn hơn sáo, lông đen nhạt điểm trắng, đẻ trứng thì đẻ vào tổ sáo hay tổ chim ác là, và cuối Xuân là kêu để gọi Hè về :

Mùa chưa về
Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ

Dãy tre xa giấu biệt giải khăn điều
Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi
Hàng tre nhà
yếm trả
Mẹ về
lều dột đón mưa đêm
Thì chị đi
mấy lối chân chim
Ðể Mẹ về bao phương bèo nổi
Riêng Em nằm trơ đợi giờ tu hú gọi

Câu bốn và năm trong đoạn này rủ người đọc thở một nhịp thở gấp gáp, tiếp đó, nhịp thở lại chậm đi, rồi nức nở nghẹn lại. Tôi xin trích thêm một đoạn :

Em bước vào đình
ôm cột bốn người ôm
Em rẽ sang chùa
lay chân hộ pháp
Sau chùa tát đêm một, chạp
Gầu giai ai vớt Chị ơi lòa lõa thân trăng
Chị lỡ xe hồng
Mẹ đi lấy chồng
Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc
Mật vàng mọng rách vỏ nâu non

Giữa câu bốn và năm trong đoạn này, thơ chuyển mạch bằng cách im lặng (đọc ở giữa hai câu, nghĩa là không có chữ nào ). Và đây là đoạn cuối:

Có hôm Em lần xuống bếp
Cậy cháy sành vỡ toác chôn niêu
Một con mèo mướp ruỗi chân chiều
Lưỡi gió liếm gio vờn tóc rụng
Tưởng như Mẹ về
Vai áo toạc ba vá chằng tơ dứa
Tưởng như Chị về
Tơ tóc đêm xưa giờ rễ tre
Bao giờ Chị về
tóc phủ vai Em chiều hương nhu
Bao giờ Mẹ về
Buộc yếm đào phai vỗ hát ru

Khấn thầm như gặp Chị
Mắt nứa cứa tay Em
vẫy đón đầu làng
Khấn thầm
như mẹ lỡ đò ngang
Miệng hé hạt na nhòa bến vắng
Cổ tay tròn đẫn mía gie
Không
Bầu mẹ không tròn
Bưởi Chị không hoa
Ðã hết năm tu hú gọi rừng già
Ðã sang mùa
tu hú ngủ rừng xa

Hai câu cuối cùng, thơ là thơ biết hát. Trong đoạn vừa trích, thơ biết im lặng sáu lần và hát lên hai lần. Còn thở, thơ thở hắt ra ba lần, thở kiểu máu nhồi cơ tim một lần. Mời bạn tìm, xem sao.

Ðiều tôi thực sự muốn nói bằng cách nói trên : Thơ hay là Thơ có tác động sinh lý lên người đọc qua nhịp thở và nhịp tim. Chính tác động đó ảnh hưởng đến tâm lý, tạo ra cái đa dạng của thất tình : buồn, vui, bâng khuâng, bực dọc, phẫn nộ... Ðã nói đến nhịp, là nói về nhạc. Thơ hay không phải chỉ một câu hay. Thơ hay, không phải một chữ hay. Trò kén chữ cho khéo là trò kén chồng, kén để làm lễ cưới cho có pháo nổ và họ hàng hai bên cười cợt, xong lễ thì ém nhẹm đi cuộc sống lứa đôi dẫu ổn thỏa hay không ổn thỏa. Thơ hay là thơ nhìn dưới góc độ một tổng thể. Tác động câu chữ là tác động trên trí tuệ. Thêm một mức, một mức cao hơn mới tới tâm cảm, hệ quả của tác động trên nhịp thở - nhịp tim, yếu tố sinh lý gây lên thất tình. Thơ hay chính nó là Nhạc. Và thường thường, chúng ta đơn giản hóa Nhạc vào vần, vào điệu. Nhưng vần thì thật ra thừa, và điệu, rất sáo mòn, nhất là vần điệu của lục bát, tứ tuyệt hay thất ngôn (nhưng nói thế, không phải bảo rằng Thơ hay không có thơ lục bát, tứ tuyệt hay thất ngôn ). Thơ anh ra ngoài thể loại vần điệu đó. Thơ anh mang âm vận của Từ đời Tống và những bài Phú thời Nguyên - Minh, tự do hơn, phóng khoáng hơn, nhưng là thơ Việt Nam vì mang mang tính cách Quan họ đặc biệt đất Bắc Ninh. Thơ anh có Mẹ, có Chị. Những «Bầu Mẹ không tròn, bưởi Chị không hoa». Cũng vì vậy nên thơ anh là thơ của Lỡ Làng. «Chị lỡ xe hồng. Mẹ đi lấy chồng, cỗ cưới chênh vênh khoai luộc...». Sự lỡ làng chỉ đổi lại bằng khoai, «mật vàng mọng rách vỏ nâu non». Vỏ khoai có khác ai hơn là Em, tâm hồn tả tơi làm thơ khóc những lỡ làng ?


*


Năm 1982 là một năm đầy oan trái nghiệp nghiệt. Ngẫm lại, hình như những vết chém phi lý và vô nghĩa, những vết chém không làm sao tìm được căn do, đều chọn được loại nạn nhân riêng của nó. Cả anh lẫn tôi đều nằm ọp bốn năm liền nhấm nháp cái vị tanh của máu ứa ra từ những vết chém đó. Anh chịu cả phần xác lẫn phần hồn trong lao ngục. Phần tôi, tôi chịu phần hồn trong một nhà tù không cần cửa sắt chấn song.

(…) Về Hà Nội lần này, tôi gần như tuyệt vọng : thế quyền đã «co cụm» lại sau Ðại Hội IV, vẫn khăng khăng một thứ giáo điều lưỡi gỗ, ngược hẳn lại với những điều tôi đã trình bày về phương thức dùng qui luật thị trường nhằm ổn định kinh tế Việt Nam trong một đề nghị chuyên ngành với cấp cao nhất có thẩm quyền. Chống lại niềm tuyệt vọng, thấy ánh đèn là tôi lao vào, cứ như loài thiêu thân. Dễ nhất lại là lao vào tình yêu. Hay bất cứ gì đồng dạng với tình yêu. Anh cho tôi một món quà mừng cái tình yêu đó : tập thơ Về Kinh Bắc anh hì hục chép tay trên một quyển vở học trò. Tôi vào Sài Gòn trước khi bay sang Pháp. Một người bạn vào báo anh vừa bị công an giữ để điều tra. Tập thơ Về Kinh Bắc tôi trao cho những người trong nước giữ lại, không mang theo khi đi, tránh không để ai kết tội anh chuyển thơ «chống đối» ra nước ngoài. Thật ra, Về Kinh Bắc chẳng chống đối gì cả : nhà xuất bản Văn Học đã in nó năm 1994. Còn bắt anh, họ bắt vì lý do gì rồi giam cầm anh một thời gian khá dài ? Bán rượu ? Hút thuốc phiện ? «Hủ hóa» Việt Kiều ? Trên Métro từ Luxembourg đến Place Italie, tôi giở tờ Le Monde đọc. Báo loan tin anh bị tù. Hôm ấy, tôi đọc rồi nước mắt ứa ra. Cứ thế, tôi khóc. Kẻ đi qua thản nhiên hay chỉ khẽ nhăn mặt. Duy có một người da đen đến chìa cho tôi mẩu thuốc lá hút dở, và nói «Bonne chance !»

Sau đó, tôi có xin về nước, nhưng người ta không cấp thị thực nhập cảnh, bảo có lệnh cấm. Lệnh miệng. Và chịu. Eo ôi !


*


(…) Năm 1988, giải tỏa lệnh cấm. Dĩ nhiên, Ðại Hội VI đã Ðổi Mới Tư Duy, và thấp thoáng một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì những đề nghị ngày xưa của tôi đâu là tội. Tôi, con gà gáy trước khi trời sáng, chỉ là thứ gà non, gà ngoại, gà lai giống, gà vừa đạp vỡ vỏ trứng đã vội khập khiễng đi tìm rạng đông.

Tôi men ngách vào nhà anh, số 43 Lý Quốc Sư. Nhà vẫn vậy, nhưng quán rượu thì dẹp rồi. Cháu nội gọi ông, anh từ gác xép leo xuống. Anh đây. Anh gày gò, tóc bạc gần hết đầu, mắt trũng sâu, răng cửa đã khuyết một cái. Anh ngẩn ngơ nhìn. Tôi ôm lấy anh. Chúng tôi ngồi nhìn nhau. Giữa chúng tôi là bốn năm tù của anh. Tôi nói «... có điều gì khúc mắc anh cứ hỏi». Anh bảo «... giá em về trước hai năm thì anh em mình chẳng được thế này đâu». Tôi im lặng. Trong tù đầy, hỏi cung, quay quắt ra biết bao nhiêu thêu dệt thực hư. Tôi hỏi «Tập thơ anh chép cho em, anh đã lấy lại rồi chứ ?». Anh cười, cái cười đau xót. Ðó là cái lấy lại được, nhưng vừa ra khỏi tù thì anh mất ngay chị, rồi liền sau đó anh mất con gái anh, cũng tên là Yến. Nước mắt ứa ra, anh kể :

«... đêm hôm đó, anh đang chập chờn ngủ, sao lại ở đâu có một con bướm vàng bay vào lảng vảng quanh màn. Mở cửa màn, con bướm chui vào. Anh linh cảm, anh biết, anh khấn. Bướm bay rồi đậu lên bàn thờ. Anh lại khấn «Yến ơi, con ơi, con về đấy à, khổ thân con». Bướm từ bàn thờ bay xuống quấn quít bên anh như không nỡ rời dẫu âm dương cách trở».

Nắm tay anh, tôi không muốn để anh mất mát thêm bất cứ gì. Sau, tặng tôi tập thơ Men Ðá Vàng, anh viết «...để cùng nhớ những năm tháng đầy oan nghiệp nhưng cũng đầy hạnh phúc». Ðấy, cặp bài trùng oan nghiệp - hạnh phúc. Và hạnh phúc của nhà thơ lúc nào cũng là một điều thật bí ẩn. Bí ẩn như ngôi sao trên kia long lanh sáng, nhưng xa lơ xa lắc, kẻ bình thường như tôi có giơ tay lên với cũng không nắm bắt được.




Có một người Anh như anh, là một niềm hạnh phúc. Anh nghiêm mặt bảo «...cái vốn từ của cậu chưa đủ. Phải đọc đi đọc lại truyện Kiều. Rồi đọc cô tổ Xuân Hương...» Tôi cãi, chữ cho đơn giản chứ bí hiểm quá, sang quá, hay điển tích quá thì đều là «quá tải». Hôm ấy có cả Trần Dần và Lê Ðạt. Anh Ðạt khéo kết chữ cũ cho ra mới. Còn anh Dần, anh đi tìm chữ mới, đang thử nghiệm loại thơ cực ngắn, đôi khi chỉ đúng hai chữ. Anh quay hỏi «...nó nói thế, chúng mày nghĩ thế nào ?» Anh Ðạt lý giải. Còn anh Dần, anh nhìn tôi chằm chằm, buông gọn, cũng cực ngắn, «cứ làm !».

Cãi thế, nhưng tôi về tôi nghĩ. Tôi đọc đi đọc lại Truyện Kiều. Tôi đọc đi đọc lại thơ Xuân Hương. Tôi học chữ Hán để đọc cả Bắc Hành Thi Tập. Rồi tôi dịch lại hai trăm bài thơ Ðường mà khi chuyển sang tiếng Việt, những người đi trước tôi lại dùng thể lục bát. Rồi tôi dịch lại cả Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn cho sát lối Tập Cổ, tránh kiểu song thất lục bát của bà Ðiểm. Ðấy, chỉ một câu anh nó thôi mà khi hiểu ra tôi đã đổ mồ hôi như vậy. Chuyện này, tôi chỉ mới nói thoáng cho anh nghe. Nay nói lại, một cách gửi lời cảm tạ anh. Quả là vốn từ của tôi nay có hơn xưa. Song có ân ái được với nàng Thơ hay không lại là một chuyện khác.

Hợp rồi tan. Tôi lại phải ra đi. Cứ mỗi lần như thế, anh nhắn nhe «...lại anh thêm dăm phút». Lúc tôi về, anh lại đạp xe đạp theo đến khách sạn. Và khi chia tay, anh ôm tôi, anh hôn, anh khóc. Tôi nhìn theo anh trong bóng đêm. Mái tóc anh trắng bồng bềnh lồng lộng gió ven hồ Hoàn Kiếm. Bóng anh mãi cũng xa dần rồi mất tăm. Lúc ấy tôi cũng khóc.

Chúng tôi là những kẻ mau nước mắt.


*


Là một người có tự do, tôi lại càng hiểu thế nào là tù ngục. Những năm anh tù tội nằm trong trại giam lại ám ảnh tôi. Anh tội gì? Ai có quyền cướp sống dăm ba năm một đời người? Nhân danh ai, nhân danh gì? Và hẳn anh rồi không có tội nên anh mới được phục hồi «hội tịch» vào năm 89 !

Phục hồi, chắc cũng trả cho tí tiền. Liệu tiền đó có đổi được những đêm dài lắng nghe muỗi vo ve, tiếng chuyện trò duy nhất với những tội nhân. Riêng anh, loại tội nhân có cái tội là chót làm nhà thơ. Và tội to hơn, thơ lại là thơ hay. Nhưng hình như có ai nói dân tộc ta toàn là những nhà thơ. Ðó là một điều đáng hãnh diện. Ðồng thời đó cũng là một điều bất hạnh trong cái cặp biện chứng oan nghiệt - hạnh phúc.

Thôi im đi, tiếng hát ngọng nghịu của thứ gió định mệnh khắc nghiệt sụp về đánh úp hạnh phúc. Thôi im đi, những lạc quan đen, những cú phất cờ hô khẩu hiệu, hoan hô và đả đảo. Hãy trả cho chúng tôi những cái tay bắt chân thành, những cốc rượu của tình bạn, những cuộc đoàn viên có tiếng cười, những phi vụ vui chơi lương thiện... Tôi bị cấm về, chỉ thỉnh thoảng nghe tin anh qua bè bạn, là ông ấy năm nọ ốm đã tưởng đi, ông ấy khỏe lại yêu, yêu PQ, yêu B.Ng, Yêu ÐÐ..., yêu vân vân và vân vân. Tôi mừng, ông ấy vẫn đó. Cho đến 1998 tôi mới lại đặt chân trở lại Hà Nội. Lần này về, về cho bè bạn. Và đi kèm có cháu Việt, con trai lớn của tôi.

Lại men cái ngách 43 Lý Quốc Sư. Ngách vẫn thế nhưng nhà anh nay khác, lên ba tầng, trước nhà vẫn còn một đống cát, xi-măng, và dăm ba chiếc xẻng. Bây giờ, không ai réo tên nhau. Phải bấm chuông. Tôi hồi hộp. Cửa mở. Anh thò đầu nhìn, mắt nhắm mắt mở. Tóc anh xù ra bạc trắng màu mây. Anh còm xuống. Răng thật rụng hết, nay chỉ có răng giả. Anh cười. Ở một cái tuổi nào đấy, cười làm sao thì cũng như hơi mếu máo. Anh ngồi xuống ghế salon bọc simili-cuir. Bàn kính. Nhà lát gạch hoa. Thế thì đâu rồi những chiếc ghế đẩu nằm soài ra trên nền đất nện ? Thế thì đâu rồi cái điếu cày, dăm chiếc đóm, chai rượu mơ và ngọn đèn hoa kỳ bấc vặn thật thấp li ti đốm cháy ? Tôi xin anh, thôi lên chỗ anh ở, chứ ngồi salon làm gì. Leo gác hai, anh đẩy cửa. Một cái giường đơn. Trên sàn, trải chiếu, khay nước nằm tênh cạnh ngọn đèn hoa kỳ. Và chiếc điếu với dăm vê thuốc lào. Rồi dăm chiếc đóm. Tôi ngồi sụp xuống đất. Tôi bắt đầu nhận ra anh. Anh cười. Bấy giờ, cái cười mới hết mếu máo.

Về, tôi hẹn đến đưa anh đi ăn cơm trưa với Việt ngày mai. Khi bố con tôi đến thì người nhà anh bảo anh ốm lắm. Chúng tôi lại leo gác hai. Trong phòng, anh co quắp trên chiếc chiếu giải trên sàn, mình đắp chăn. Tôi cúi xuống nhìn. Mắt anh nửa khép nửa mở, trắng đục, vô hồn. Anh không nhận ra tôi.

Anh phải vào viện. Năm ngày sau, bố con tôi đến thăm anh trong nhà thương. Anh bị xưng phổi sau cái chuyến đi «trình diễn» thơ ở Thái Bình thì phải. Mỗi chuyến đi thế, cũng được thù lao một hai triệu, nghĩa là một, hai trăm đô Mỹ. Lộc thơ chỉ có thế, và phải chờ những ngày cuối năm. Chúng tôi đến thì đã có dăm ba phóng viên những tờ nhật báo của Hà Nội. Anh lại khều tôi, miệng cười rất tươi, chỉ một chị phóng viên ước độ trên dưới ba mươi, và hỏi «...trông được chứ nhỉ !». Rồi anh víu vai cháu Việt, nói bằng tiếng Pháp, «Bác về là sẽ hỏi cô ta làm vợ». Ngớ ra, Việt không hiểu nhìn tôi dò hỏi. Anh tiếp tục, rất chân thành, «Mais oui, je vais lui demander sa main... C’est sur». Sau, con tôi cứ cười, bảo «...quả bác ấy là nhà thơ. Un poète-fou !»

Ðúng đấy. Có nhà thơ nào không điên? Tôi lại nhớ lời ra tiếng vào của một người bạn, bàn «Ông ấy nỡm lắm. Già thế mà lên tivi cứ nói tình yêu này, tình yêu kia... Nghe ngượng đỏ cả mặt!». Thưa anh bạn đứng đắn, anh Cầm thế, vì anh ấy sống phút nào là chong mắt tìm một cốt đồng để nhập vào, hy vọng thêm một lần ân ái với nàng Thơ. Nỡm ư ? Nhưng ngẫm kỹ mà xem, cứ giả thử như chúng ta có tất cả nhưng không còn yêu thương được nữa, giả thử như trái đất này đánh rơi vào cái rọ đen - black hole - tất cả tình yêu và đam mê. Chúng ta có tất cả đấy, nhưng lại không còn gì ngoài cái hành trình của những người không tim trong thiên hà mênh mang kia. Anh bạn đứng đắn ơi, trong hành trình đó anh cứ đi một mình. Chúng tôi xin ở lại.


*


Chúng tôi ở lại. Với nghiệp dĩ của những kẻ tin rằng hoang tưởng chẳng thừa trên cõi người. Thiếu, thiếu vô cùng, hoang tưởng như nước trong sa mạc. Và ảo ảnh một cái hồ long lanh nhấp nhoáng sau những đụn cát vàng cháy là lý do để không bỏ hành trình đến sự sống. Hoàng Cầm len vào tiểu thuyết Trăng Nguyên Sơ của tôi. Nhân vật ‘‘hắn‘‘ trong trích đoạn cuốn tiểu thuyết đẻ non, mới in thì không được phép phát hành, đi tìm bảo vật bảo quốc hộ dân hòng giải phép trấn yểm đất Đại Việt của tay phù thủy Cao Biền phương Bắc:

(…) Lần theo bản đồ chi chít tên đường, tôi tìm được phố Lý Quốc Sư. Trước mặt một quảng trường, Nhà Thờ nghễu nghện chọc trời, tường xám xịt dấu vết những tháng năm không chăm sóc tu bổ. Dưới nắng rừng rực chực bốc lửa, tôi vội bước, nhìn số nhà rồi rẽ vào một cái ngách. Chục năm trước, tôi có đến đây một lần nhưng bây giờ chẳng còn nhận ra gì nữa. Quán rượu ngày xưa giờ là căn nhà ba tầng bằng gạch, cửa sắt khóa bằng một sợi dây xích sắt to bằng ngón tay cái. Tôi bấm chuông. Một đứa bé ra bảo: "Ông cháu đau, không xuống được!". Tôi nhờ cháu lên gác báo, khẩn khoản dặn: "Cháu cứ nói thế, chắc ông cho gặp!". Quả vậy. Uốn người, tôi leo một cái cầu thang hẹp, bậc không đều, cao thấp khó lường.

Nhà thơ ngước mắt nhìn tôi. Ông ta đây sao? Mười lăm năm trước, ông đã đứng tuổi nhưng vẫn cường tráng mặc dầu khi tôi gặp, ông mới bị quản chế đâu gần ba năm vì cái tội chính thức là… bán rượu lậu. Nay, tóc ông bạc phau, móm mém, mắt lờ đờ, nằm nghiêng phì phò thở.

"Nhà thơ chắc không nhận ra... tôi!"

Ông lắc. Tôi nhắc lại buổi tôi gặp ông với hắn cách đây mới thế mà đã mười lăm năm. Ông mỉm cười:

"Lâu nhỉ! Mình trí nhớ kém rồi... Lại mới ngã cầu thang, xương chậu bị vỡ, ngồi lên không được! Xin lỗi phải tiếp khách trong cái thế khó coi này!", ông khẽ cười.

Hỏi ông đã gặp hắn chưa, ông nhắm mắt, đáp:

"Bao giờ về cậu ấy cũng đến thăm tôi. Sau dịp Tết vừa qua, cậu ấy từ Đà Nẵng vào..."

"Anh ấy có nhắc sẽ đi tìm chùa Báo Thiên... Thưa nhà thơ, chùa ấy ở đâu?"

"À... Chùa xây cuối đời Lý, bị phá thế kỷ trước mất rồi... Người Pháp xây Nhà Thờ Lớn ngay trên móng nhà chùa, ở góc phố. Làm gì còn chùa Báo Thiên? Khi cậu ấy hỏi, tôi đã bảo vậy!"

Tôi cân nhắc, rồi ngập ngừng:

"Nhà thơ có biết anh ấy đi tìm gì không?"

"Biết..."

"Nhưng đó là một niềm hoang tưởng..."

Tôi nhẩn nha kể lại cho nhà thơ nghe nội dung những bức e-mail tôi nhận được và kết luận:

"Sợ anh ấy hoang tưởng ở mức bệnh hoạn... Cho nên tôi mới về gấp!"

Nhà thơ mỉm cười, từ tốn:

"Đừng sợ. Một thứ vật quý hiếm như vậy, có hoang tưởng thì cũng tự nhiên thôi. Vả lại, người nghệ sĩ nào chẳng hoang tưởng. Động cơ tái tạo mọi hiện thực phải giẫy bỏ để giải phóng sáng tạo... Hoang tưởng càng lớn thì khả năng nghệ thuật càng cao. Như cái nghiệp ấy mà!"

Ngưng lại lấy hơi, nhà thơ thều thào tiếp:

"... Thế là tháng nay không thấy mặt, chẳng hiểu đã tìm ra chưa, rõ cơ khổ!"

Ra đường, tôi vòng lại Nhà Thờ. Đứng dưới mái hiên một cửa hàng bán mỹ nghệ cho khách du lịch, tôi ngước nhìn cây thập tự cao vút chọc vào nền trời sáng lóa mắt, tưởng tượng cảnh xe bò chở tượng Phật đi để lấy tượng Chúa thay vào thế chân trong một cuộc thay nhà đổi chủ.

Thế quyền và tâm linh phải chăng là hai mặt một đồng xu trong một thể cân bằng không bao giờ ổn định. Đồng xu quay sau cái búng tay của tên phù thủy biến chuyện đời thành trò ảo thuật quay tít thò lò, và tiếng hô: "Nào đặt cược nào, sấp hay ngửa!".


*


Bây giờ, trên đầu hai thứ tóc nên tôi rất sợ hô khẩu hiệu. Chẳng hạn loại khẩu hiệu như «... tất cả cho mai sau», hoặc «Tự do hay là chết». Bây giờ, trên đầu hai thứ tóc, tôi rất do dự khi đụng vào cái chết. Tôi linh cảm rằng sự sống quí hơn tất cả. Nó đèo bồng trên lưng tự do. Và càng tự do thì gánh nặng càng nhiều. Cái gánh nặng đó nằm trong câu hỏi là ta làm gì và sống ra sao với cái tự do đó. Cho những người theo đòi nghiên bút, làm gì là viết gì. Sống ra sao đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm thế nào với người và với mình.

Ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, có người bạn gửi cho tôi một cục đá nhỏ. Anh ta viết kèm «... kể từ nay, tự do không còn là một cụm từ trong thứ ngôn ngữ chết. Con người biết tự mình cởi ra những sợi dây trói buộc, kể cả đám lính kín, công an. Chúng ta có quyền hy vọng...». Anh ta kể ra hoài bão thực hiện một bộ tiểu thuyết về bức tường mà không còn sợ hãi gì nữa. Mươi năm qua, anh vẫn chưa viết gì được. Tôi hỏi, anh đáp hai trăm trang đã viết là viết trước ngày bức tường sụp đổ. Từ đó, anh chịu. Tự do đấy, nhưng anh chỉ thêm được vài trang. Còn hai trăm trang kia, anh đã lặng lẽ viết trong nỗi lo âu. Lo và sợ. Ðến độ vợ con anh cũng không hay biết. Tôi lại hỏi, tại sao, tại sao thế. Anh buồn bã trả lời «...ngày trước, tôi viết chống một cái gì để cho một cái gì khác chưa có. Nó thật rõ ràng. Bây giờ ư ? Cái gì đó chưa có đã thành ra có, nhưng có đấy mà lại mù mờ nên tôi không còn định hướng viết cho cái gì được nữa. Có nhà xuất bản bảo tôi, hãy viết để giải trí cho công chúng người đọc thôi, vừa dễ viết, vừa dễ bán. Viết hay sẽ dịch ra tiếng Anh, có cả thị trường toàn thế giới. Tôi đã thử, nhưng rồi xấu hổ đem đốt cả đi. Tôi không muốn là một nhà văn vô trách nhiệm...».

Nhưng trách nhiệm đó là gì? Có lẽ với anh là ca ngợi Tình Yêu chăng? Chỉ năm ngoái tôi mới được anh cho tập thơ Về Kinh Bắc, tập cuối cùng anh giữ lại. Sách in lem nhem, bìa photocopy đen trắng trên nền xanh lơ, mặc dầu để là nhà xuất bản Văn học in năm 1994. Tôi cầm cuốn sách, lòng ngậm ngùi. Những vần thơ mượt mà nhất trong thơ Việt Nam thế kỷ hai mươi bị tình phụ trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa ? Đó là những vần thơ tình rất đẹp. Tình yêu Kinh Bắc. Bắt đầu bằng năm đêm, trong ngũ hành. Rồi anh đi liền bảy nhịp, trong một cuộc tuần du có Mẹ, có Chị và Lỡ Làng. Lỡ làng, bến tình không người đợi. Lỡ làng, mắt mỹ nhân khép đến thiên thu. Lỡ làng, những mảng hoa bèo ao cá quẫy. Lỡ làng, xin Chị một quả ương, Chị lại dối quả ương chim khoét thủng dẫu chẳng con chim nào lại chọn quả ương. Lỡ làng, cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng... Lỡ làng, quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ, thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi. Lỡ làng, em đứng nhìn theo em gọi đôi. Lỡ làng, đứa con anh thai nghén sau những đêm ân ái với nàng Thơ. Lỡ làng, cơn đau của con tằm rút ruột nhả tơ. Lỡ làng, là đời anh. Bởi anh biết yêu. Biết yêu là yêu đến cuồng dại (…)

Ðể kết một cuốn sách đọc lâu rồi nên tôi đã quên tên, André Breton - một cột sống trong phái siêu thực - viết «Je vous souhaite d’être follement aimée.» (Xin chúc bạn được yêu đến cuồng dại). Ðược yêu thôi ư? Cũng tạm. Nhưng tôi, tôi chúc anh khác, chúc anh hơn vậy nhiều. Tôi chúc anh yêu đến cuồng dại, với chữ Yêu cùng một lúc hiểu như danh từ, trạng từ và nhất là như động từ. Vâng, yêu có bao giờ lại là tĩnh từ. Nhất quyết Yêu là hành động, và cho một nhà thơ, Yêu là trách nhiệm cứu rỗi của những con chữ có nghĩa. Những con chữ đẹp. Những con chữ có đời sống. Muốn đẻ ra chúng, thì có hề chi những cơn đau trở dạ. Thì có hề chi những lỡ làng.

Tôi nhớ đã hỏi anh Hoàng Cầm, tại sao là Hoàng Cầm, và Hoàng Cầm có nghĩa gì? Anh cười, có chút gì như là chua xót, «Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người».

Hoàng Cầm còn vận vào thành một vị thơ. Vị của những vần thơ sang nhất, đẹp nhất, nhưng cũng xót xa nhất của dòng thơ Việt Nam ở thế kỷ 20. Cơn mây mưa giữa nàng Thơ và Anh đã sinh hạ ra Lỡ Làng, dấu vết cặp oan nghiệp -hạnh phúc như vết chân con rắn và trái táo cắn dở của Eva.

Nhưng hề chi, có hề chi.


*

Chép lại, như để khép một vết thương, dăm câu viếng anh:

Ánh sao vun vút
băng qua Thiên hà
mông mênh
mưa Thuận Thành nhe nhẹ
ướt tà váy Đình Bảng gió lộng
bồng bềnh

Bây giờ
những giấc mơ vuột khỏi tầm tay
chiều hoang quả rụng, chẳng ai hay
Bây giờ
tiếng tu hú gọi bình minh khản cổ
tiếng con chào mào hót muộn ngày mai

Nhưng thôi…
Bây giờ
xin Anh cứ yên ả nằm nghiêng
trên giải sông Ngân
một dòng phẳng lặng
chảy xuôi đến an nhiên,
nơi chắc không cần nước mắt.


Nam Dao

Nguồn: Bài in trong tuyển tập Thơ Hoàng Cầm do
Công ty Nhã Nam phát hành tháng 4/2011





i* Trích một phần từ ‘’ Một vị thuốc đắng, một vị thơ ‘’ đã in trong ‘’ Những con người, những bóng ma’’, NXB Văn Mới, California, 2006, và một phần từ tiểu thuyết Trăng Nguyên Sơ, NXB Lao Động và Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2008.

Thanh Thảo : HOÀNG CẦM RA ĐI, MỘT-THẾ-GIỚI-THƠ CÒN LẠI

HOÀNG CẦM (1922-2010)


Thanh Thảo

Tác giả Kiều Loan, Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống... đã từ trần vào lúc 9g12 sáng thứ năm 6.5.2010 tại Hà Nội





HOÀNG CẦM RA ĐI,
MỘT-THẾ-GIỚI-THƠ CÒN LẠI





thanh thảo




Vào giờ Thìn, ngày Thìn, tháng Thìn (6/5/2010) Hoàng Cầm thi sĩ - người tuổi Nhâm Tuất (1922) đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 89 tuổi. Ông ra đi, để lại phía sau mình một thế giới thơ riêng biệt : thế giới thơ Hoàng Cầm. Vâng, một nhà thơ lớn có thể làm nên một thế giới thơ cho riêng mình, một thế giới của những điều bé nhỏ, yêu thương, xa xót, hy vọng và thất vọng.



Hoàng Cầm là điển hình của một nhà thơ thu hút được tinh hoa của một vùng đất đai văn hoá, của lịch sử và bên lề lịch sử. Thuận Thành, Kinh Bắc, Bắc Ninh, quan họ, yếm thắm, lụa đào, “ váy Đình Bảng buông chùng cửa võng ”, đồng chiều, cuống rạ, lá diêu bông, con chào mào, cây ổi, “ con chim cu về gù rặng tre ”… và những gì nữa với sông Đuống “ nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ ”, với những được mất của kiếp người trước đôi mắt mở to ngơ ngác của “ Ta con bê lạc dáng chiều xanh / đi mãi tìm sim chẳng chín ”. Ngay trong những bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu như Bên kia sông Đuống người ta vẫn tìm thấy những “ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong ”, vẫn nghe rạo rực với “ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã ”, vẫn mê mải với “ Những nàng môi cắn chỉ quết trầu ”… Cả một vùng làng quê Kinh Bắc hiện lên thắm thiết trong thơ Hoàng Cầm. Không có người yêu nước nào không bắt đầu bằng tình yêu quê hương mình. Hoàng Cầm đã yêu tới những con chuồn chuồn châu chấu nhỏ bé ở ven đê làng mình mà yêu nghiêng con sông Đuống, mà yêu lên đất nước từ những năm khói lửa chiến tranh tới những năm tháng day dứt khổ nghèo chia ly bất hạnh. Thơ Hoàng Cầm là một giọng thơ rất khẽ nhẹ, phải tinh ý lắm mới nghe ra những gì nhà thơ phải nén chặt lại cho mình :

“ Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông ”

(Đêm thổ)

và :

“ Ta ru em
lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa ”

(Về với ta)

Tôi nhớ, hồi nhỏ, khi mới tập kết ra Bắc, có một buổi chiều tôi thằng bé 8 tuổi đã chạy về phía cơn mưa để tìm mẹ mình. Một cảm giác bơ vơ trong câu thơ không dễ gì hiểu ngay được, nhưng khi đọc lên nó dựng trước mình một thế giới hiện hữu và một thế giới khuất lấp. Đó có thể coi là một thế giới ẩn bên trong một thế giới của thơ Hoàng Cầm. Những câu thơ vừa muốn thổ lộ vừa muốn che giấu, và có lẽ càng thổ lộ thì lại càng hun hút những nỗi niềm mà ta chỉ cảm được một cách không rõ ràng.


Có một điều khiến tôi lạ lùng, là thơ Hoàng Cầm và thơ Quang Dũng luôn nhắc nhở về một quê hương trong mù sương nào đó, luôn u ẩn một nỗi hoài nhớ nào đó không thể gọi tên. Phải chăng, tự xa xưa, xứ Đoài của Quang Dũng và Kinh Bắc của Hoàng Cầm từng là nơi những người lính và những nghệ sĩ Chàm lưu lạc đã chọn làm quê hương thứ hai ? Trong thơ Quang Dũng rắn rỏi một nỗi niềm chiến sĩ, còn trong thơ Hoàng Cầm tha thướt những nét hoa văn những dải lụa đào nghệ sĩ. Họ như từ quá khứ đến với ta, họ vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa đắm đuối yêu thương vừa không tương hợp với thế giới này. Tất cả những mâu thuẫn ấy đã hiện rõ trong thơ Hoàng Cầm. Và chính nó đã làm nên sự khác biệt của thơ ông :

“ Ta con chim cu về gù rặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
về tụ nóc cây rơm ”

(Về với ta)

Những câu thơ hơn cả cô đơn, nó là nỗi bơ vơ của một kiếp người :



“ Ngày Chị bảo Em quên
Tranh tố nữ long hồ gián nhất
mất chân đi
má đội tổ tò vò

Cuốn chiếu xa rồi
thơ thẩn vách chiêm bao ”

(Nước sông Thương)

Có người nói thơ Hoàng Cầm như những lẩm nhẩm bùa chú, lại như một nghi lễ thờ cúng, nó kính cẩn mà hoang sơ. Với một thế giới thơ như thế, người ta chỉ nên chấp nhận chứ không cần giải mã. Và theo tôi, cách đọc thơ Hoàng Cầm là bất chợt đọc một đoạn thơ nào đó trong một bài thơ nào đó của ông. Rồi ngớt. Rồi lại đọc ở một lúc khác. Đó là cách đọc những cơn mưa rào, là sự đồng cảm tự nhiên và thốt nhiên với chính thế giới mà mình đang sống cùng với thế giới mà mình chưa biết nhưng có thể sống. Thơ Hoàng Cầm kết nối được những thế giới khác nhau như thế để cho ta cảm giác vừa mơ hồ vừa rõ rệt về một giấc mơ.

“ Bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây

Không gặp người quen
Hờ
Ngõ cũ ”

(Đêm thổ)

Những ai đã một lần lỡ hẹn, những ai đã cầm được giấc mơ trong tay rồi bỗng giấc mơ tan biến sẽ dễ dàng đọc những câu thơ này. Những câu thơ thuần Việt, Việt từ trong máu huyết của từ ngữ, của âm điệu, của bóng hình.

Xin vĩnh biệt Hoàng Cầm thi sĩ. Ông ra đi, nhưng Thơ ông còn ở lại. Còn nguyên một thế giới thơ Hoàng Cầm. Một thế giới trong một thế giới.

Chiều 6/5/2010

Thanh Thảo






Tiểu sử - Tác phẩm



Nhà thơ Hoàng Cầm đã từ trần lúc 9g12 ngày 6.5.2010 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi. Tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.




Ông quê ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, xuất thân trong một gia đình nhà nho. Thân sinh dạy chữ nho, làm nghề thuốc bắc tại Bắc Giang, đặt tên cho con bằng cách ghép hai địa danh quê hương (Phúc Tằng và Việt Yên). Bùi Tằng Việt học tiểu học rồi lên trung học ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân Dân Xã của Vũ Đình Long. Lấy bút danh là Hoàng Cầm (tên một rễ cây, vàng đắng, dùng làm thuốc bắc). Làm thơ từ thuở lên tám, sáng tác kịch Hận Nam Quan năm 15 tuổi, kịch thơ Kiều Loan năm 20 tuổi.

Từ năm 1944, Hoàng Cầm tham gia Thanh niên Cứu Quốc (Việt Minh). Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cùng Hoàng Tích Chù thành lập đoàn kịch Đông Phương. Ba tuần lễ trước ngày Toàn quốc kháng chiến, vở kịch thơ Kiều Loan trình diễn lần đầu tại Nhà hát lớn Hà Nội.


Năm 1947, Hoàng Cầm gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Từ 1948 đến 1952, thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên của Quân đội Nhân dân. Năm 1952, tướng Nguyễn Chí Thanh (phụ trách Tổng cục chính trị QĐNDVN) giao Hoàng Cầm nhiệm vụ phụ trách Đoàn văn công Tổng cục chính trị. Hoàng Cầm lãnh đạo đoàn này cho đến năm 1955. Những năm này là thời kỳ Quân đội Nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa Mao (với các cuộc chỉnh huấn, thanh lọc...). Bản thân tướng Thanh là một khối mâu thuẫn lớn : đầu óc mao-ít nặng nề (theo thông tin chúng tôi đã kiểm chứng, 11 năm sau thất bại của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, năm 1967 (trước khi đột tử), ông còn định cải cách ruộng đất ở miền Nam), nhưng lại là người gần gũi nông dân, thấm nhuần văn hóa nông dân ; nên năm 1954, trong cuộc Liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm đưa tiết mục quan họ "Yêu nhau cởi áo cho nhau" vào chương trình, bị "đả đảo" là "đồi truỵ", thì Nguyễn Chí Thanh là người cương quyết bênh vực và bảo vệ nhà thơ.

Năm 1955, cùng Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Hoàng Cầm đòi cải tổ chính sách văn nghệ trong quân đội, rồi xin phục viên, chuyển sang Hội Văn Nghệ. Tết 1956, cũng Lê Đạt xuất bản Giai phẩm mùa Xuân. Tháng 10-1956, tham gia xuất bản tạp chí Nhân Văn, viết bài nổi tiếng trên số 1 : Con người Trần Dần. Tháng 4.1957, Hội nhà văn Việt Nam thành lập, ông được bầu vào ban chấp hành. Nhưng năm sau, phong trào Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp thẳng tay. Hoàng Cầm và các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Phùng Quán... tuy không bị kết án tù (như Nguyễn Hữu Đang), đã bị "rút thẻ hội viên 3 năm" (trên thực tế, bị khai trừ cho đến sau đổi mới, năm 1988) và nghiêm trọng hơn, không được xuất bản (khi họ dịch thuê hay viết chui, phải dùng bút danh mới, hay mượn bút danh của bạn bè).

Điều mỉa mai là trong "vụ" Nhân văn Giai phẩm, Hoàng Cầm không bị tù đày, nhưng đến năm 1982 (dưới thời Lê Đức Thọ) ông bị giam 18 tháng vì bị nghi là tìm cách gửi tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài (nhà thơ Hoàng Hưng bị giam ba năm cũng vì tàng trữ tập thơ này và bị nghi là tổ chức gửi tập thơ cho một Việt kiều). Mỉa mai hơn nữa : năm 2007, Về Kinh Bắc sẽ được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Song, cho đến ngày Hoàng Cầm trút hơt thở cuối cùng, Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCNVN chưa hề có một lời xin lỗi nhà thơ và các bạn của ông.



Tác phẩm chính :

• Hận Nam Quan (kịch thơ, xuất bản năm 1942);
• Kiều Loan (kịch thơ, 1945)
• Ông cụ Liên (kịch nói, 1952);
• Đêm Lào Cai (kịch nói 3 hồi, 1957);
• Tiếng hát quan họ (trường ca, in chung trong tập Cửa Biển, 1956)
• Mưa Thuận Thành (tập thơ, 1987)
• Men đá vàng (truyện thơ, 1989)
• Bên kia sông Đuống (tập thơ chọn lọc, 1993)
• Lá diêu bông (tập thơ chọn lọc, 1993)
• Về Kinh Bắc (tập thơ, 1994)
• 99 tình khúc (tập thơ tình, 1955)

Nguyễn Trọng Tạo - Ấn Tượng Hoàng Cầm

Ấn Tượng Hoàng Cầm


Nguyễn Trọng Tạo

Quả là thơ Hoàng Cầm có một ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt. Có lẽ vì thế mà Trần Dần gọi Hoàng Cầm là “nhà tân cổ điển”.



Không hiểu sao trong tâm thức thơ ca của tôi luôn ám ảnh bởi Hàn Mặc Tử và Hoàng Cầm, dù thơ của hai thi sỹ này rất khác nhau về hồn thơ và giọng điệu. Hàn Mặc Tử thăng hoa cõi trần vào cõi mơ: Thơ có tích và chiêm bao có tuổi, Hoàng Cầm lại phất cánh diều thơ từ trầm tích của văn hóa Kinh Bắc Giải yếm lòng trai mải phất cờ; Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi (1940) cũng là lúc Hoàng Cầm 18 tuổi xuất hiện trong làng thơ và tới những năm tuổi bảy mươi vẫn còn sung bút. Tôi nhớ hồi nhỏ đã từng chép tay hàng chục bài thơ của Hàn Mặc Tử, và sau chiến tranh trở về Hà Nội (1976), tôi lại mải miết chép vào sổ tay tập thơ VỀ KINH BẮC từ bản thảo của Hoàng Cầm, bởi thơ ông rất lôi hút những nhà thơ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Quả là thơ Hoàng Cầm có một ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt. Có lẽ vì thế mà Trần Dần gọi Hoàng Cầm là “nhà tân cổ điển”.

Thực ra, thế hệ chúng tôi lớn lên sau vụ Nhân văn - Giai phẩm ít được đọc Hoàng Cầm dù trước cách mạng 1945 ông đã đóng góp không nhỏ cho kịch thơ với hai vở Hận Nam Quan và Kiều Loan cùng với những bài thơ kháng chiến, tiêu biểu là Bên kia sông Đuống nổi tiếng và trường ca Tiếng hát Quan họ. Thơ của ông đẹp một vẻ đẹp thướt tha mà lại dạt dào, hào sảng:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Những hình ảnh thân thương gần gũi của quê làng vào thơ ông bỗng trở nên sang trọng lạ lùng.

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng

Nói như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì thơ Hoàng Cầm “trầm đầy một nỗi phương Đông”. Đúng như vậy, cái “nỗi phương Đông” luôn “trầm đầy” chính là nhờ ông đã nhập hoà hồn thơ mình vào chiều sâu văn hóa Việt để rồi hiện ra trên trang giấy với dáng vẻ năng động của thơ mới trong sự luân chuyển về hiện đại.

30 năm vắng bóng trên thi đàn (1958-1988) lại chính là thời gian mà Hoàng Cầm đã tạo nên sự đột khởi trong nghiệp thơ của ông bằng tập VỀ KINH BẮC và nhiều tập thơ lẻ như MEN ĐÁ VÀNG, MƯA THUẬN THÀNH, 99 BÀI TÌNH, v..v... Nhiều bài thơ trong những tập thơ này, mà đặc biệt là tập VỀ KINH BẮC đã trở thành “ngôn truyền” trong công chúng với những Lá Diêu Bông, Quả Vườn Ổi, Cây Tam Cúc, Cỏ Bồng Thi... Theo Hoàng Cầm thì VỀ KINH BẮC chính là tập thơ cột sống của đời ông. Đây là một tập thơ mà tinh túy của văn hoá Quan họ - Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại. Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hoá khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ đi trong cổ điển, và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã "phải lòng" rồi thì không thể nào dứt ra được nữa:

- Vắt áo nghe thầm tiêng vải kêu
- Một con mèo mướp ruỗi chân chiều
- Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín
- Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
- Ta con chim cu về gù rặng tre
mang nắng ấu thơ về sân đất trắng
- Chị gánh gạo về nhà phú hộ
nứt vai thành sẹo lá lan đao
..........

Mảng thơ tình của Hoàng Cầm lại là một đóng góp đáng kể về cảm giác tình yêu trong thơ ta. Đấy là một cảm giác si mê hưng phấn trong ái tình, mà có người nhầm tưởng là kích động nhục cảm. Ví dụ những câu thơ rất gợi này:

Chân em dài đi không biết mỏi
Má hồng em lại nổi
đồng mùa nước lụt mênh mông
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
đừng lấp vội đầu xanh

Những chân dài, má hồng, lưng thon khiến ta nhớ tới "trường túc", "hồng nhan", "chiết yêu" trong quan niệm tính dục của người Tàu, nhưng khi những chi tiết ấy vào thơ Hoàng Cầm nó đã được Việt hóa một cách thần tình, khiến cho câu thơ trở nên lung linh tơ lụa bọc che những ẩn dụ xa xăm.

Thực ra, nhục cảm trong thơ tình Hoàng Cầm luôn đa nghĩa, mà cuối cùng hướng về cái đẹp e ấp luôn có nguy cơ biến mất. Trong đời thực, Hoàng Cầm là một người đa cảm và cũng đa tình lắm. Da trắng, môi son vẫn còn phảng phất trên gương mặt chữ điền dưới mái đầu bạc trắng như cước. Cho dù khi đã gần tuổi 80, ông vẫn thường khát khao một mối tình chân thành, đắm đuối. Có lẽ nhờ thế mà trái tim trong thơ ông vẫn rộn ràng những điệu nhạc xa xăm:

Ai bảy mươi tươi ròn
Nằm mơ đưa võng mẹ
Ru say dòng mẫu hệ
Vòng tay quê bế bồng

hoặc:

Em ơi! Em ơi!
Tóc xanh bạc óng
Như hai con sóng
Dễ gì chẻ đôi...

Ngoài tình yêu và thơ ca, Hoàng Cầm cũng là người còn nhiều đam mê khác. Mươi năm lại đây, nhiều bài phê bình, tiểu luận và hồi ký của ông thường làm giật mình người đọc về một trí tuệ và khả năng sung mãn trong sáng tạo. Có thể nói ông là một người thẩm thấu văn chương rất tài tình, tinh tế và nhạy cảm. Không chỉ chia sẻ với các nhà văn nhà thơ cùng thời, mà ông rất gần gũi với cả những thế hệ sau. Ông viết phê bình, giới thiệu thơ của nhiều nhà thơ chống Mỹ với lòng ưu ái và nể trọng. Những bài viết gom nhặt cái hay cái đẹp như vậy bao giờ cũng chân tình và hứng thú. Khi không còn sức để đọc nhiều nữa, ông vẫn dành thời gian đọc những người trẻ, chỉ bảo và cổ súy họ. Có lẽ nhờ thế mà sáng tác của Hoàng Cầm không bị già cỗi, không bị tụt hậu như một số người cao tuổỉ khác. Gần đây ông cho in tập VĂN XUÔI HOÀNG CẦM khoảng 500 trang đã cung cấp cho bạn đọc nhiều điều lý thú bất ngờ. Văn xuôi của ông bộc lộ một bề dày văn hóa cùng những trải nghiệm về đời, về nghề vô cùng sâu sắc và bay bổng. Có cảm giác dòng sông tâm hồn ông lúc nào cũng đầy ắp những con sóng dạt dào trẻ trung và ngọt mát.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Cầm vẫn khao khát được chung tay với Hội Nhà văn ra một tờ báo THƠ để thúc đẩy thơ ca ngày càng đạt tới những thành công mới và đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu thơ. Đọc những lời tâm sự của ông trên báo, càng thấy khát vọng ấy của ông nhức nhối đến chừng nào: “Thơ là một mặt vô cùng trọng yếu của đời sống tinh thần dân tộc ta, thì lại không có một tờ báo dẫu chỉ là hai trang thôi! Lấy đâu ra sức mạnh đẩy thơ lên tới mức hiện đại hóa văn chương và nghệ thuật cho kịp với các trào lưu thế giới?”...

Những khao khát của Hoàng Cầm là khao khát nghiêm cẩn. Cũng chính những khát vọng ấy đã giúp ông vượt qua bao trắc trở thị phi bi kịch không đáng có trên con đường văn học. Và giờ đây, khát vọng vẫn nâng đỡ cho ông chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, với gánh nặng tuổi tác, giành lại những phút giây sáng tạo cuối cùng. Hôm qua, tới thăm ông tại nhà riêng, tôi thấy ông nằm trong căn phòng kính tận tầng 4 căn nhà 43 Lý Quốc Sư. Hai năm nay ông đã nằm như vậy sau một cú ngã cầu thang gãy xương đùi. Ông “nằm nghiêng nghiêng” trường kỳ như vậy không biết sẽ đến bao giờ. Năm nay ông đã 86 tuổi. Tôi nói rằng, ông xứng đáng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông cười nói: Giải thưởng Nhà Nước cũng là vinh dự lắm rồi. Được Nhà Nước tặng giải thưởng này, cũng có nghĩa là mình đã được “phục hồi” thật sự, phục hồi công khai. Mà lại có tiền để chữa bệnh, để sống thêm những ngày cuối cùng. Ông khoe với tôi mấy bài thơ mới mà ông vẫn còn tiếp tục sửa chữa. Nhìn ông tóc bạc, da trắng, môi son và cặp mắt ánh lên những tia sáng đắm đuối, tôi như thấy cả thời tuổi trẻ của ông vẫn còn song hành cùng ông trên con đường văn chương đầy mê đắm.

Hà Nội, 8.2004 – 2.2007

NGUYỄN TRỌNG TẠO