26/6/11

TRẦN THIỆN ĐẠO - Một vì sao rụng

ÉDOUARD GLISSANT (1928-2011)
(Thứ Bảy, 16 Tháng Tư-2011)

Tác giả : TRẦN THIỆN ĐẠO






Một vì sao rụng








ÉDOUARD GLISSANT (1928-2011)



NHÀ VĂN TẠP CHỦNG TOÀN-CẦU





Nếu như viện Hàn lâm Thụy điển, đầu tháng Mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó (1), thì nay, viện không còn có thể vớt vát được nữa. Không còn có thể vinh danh dầu muộn mằn nhà văn Pháp da màu Édouard Glissant cũng đã liên hồi hụt giải. Nhà văn nobelisable, thường xuyên được nêu danh trong số có cơ đoạt giải này đã từ trần hôm qua, thứ năm 03 tháng 02/2011: hiện nay chưa có tiền lệ tặng giải cho các văn gia đã khuất (2). Tiếc thay! Cho viện Hàn lâm lỡ tàu và nhà văn hụt giải.



Từ bản sắc da màu…

Nói nào ngay, thì chẳng phải viện Hàn lâm Thụy điển không hề nghĩ tới Édouard Glissant: như vừa nói, tên ông thường xuyên nằm trong số nhà văn nobelisable(s) mỗi năm gần đây. Có điều là hào quang tác phong quyết liệt nhưng bất bạo động của ông trong môi trường chánh trị và văn hóa trải dài hơn sáu chục năm tròn đã ít nhiều che trùm trên một sự nghiệp nghệ thuật cũng chẳng kém phần sắc cạnh. Suốt trọn cuộc đời khôn thôi sống động, ông không hề tách rời công trình sáng tạo văn chương ra khỏi mục tiêu mà ông tóm gọn qua haì í niệm créolisation (tạp chủng) và tout-monde (toàn-cầu).

Édouard Glissant sanh ngày 21 tháng 09/1928 ở thị xã Sainte-Marie, tỉnh 972 - Martinique thuộc quần đảo Antilles của Pháp, nằm trong vùng biển Caribê châu Mĩ. Loại chi tiết vừa kể chẳng phải là không có ảnh hưởng sâu đậm tới thân thế và sự nghiệp của ông. Ngay cả tên họ của ông cũng phần nào báo hiệu thân thế và sự nghiệp này. Là bởi Glissant (glixxăng) là cách đọc đảo ngược tên họ Senglis (xăngglix) của một trong số chủ nông da trắng khai thác thuộc địa ở châu Mĩ bằng mồ hôi, nước mắt, máu thịt của hàng triệu dân châu Phi bị vây ráp, trói ké, quẳng xuống gầm tàu négrier (tàu chở mọi da đen) băng Đại tây dương bắt làm nô lệ kể từ thế kỉ XV. Bốn trăm năm sau, khi chế độ chiếm hữu và buôn mọi da đen lần lượt được bãi bỏ vào giữa thế kỉ XIX, giải phóng tầng lớp nô lệ (3), phải khẩn cấp đặt tên cho các công cụ mới được phục hồi nhơn phẩm: « Glissant, nghe cũng hay, nhà văn suy ngẫm, giãi bày. Nhưng còn có biết bao cách khác để gọi chúng tôi. Tiếng tạp chủng thường đặt nhiều tên cho sự vật một cách hồn nhiên. Ăn nói đa âm đa dạng vốn là lối phát biểu bản năng của dân tình chúng tôi. »

Sau khi mài rách đũng quần trong trường Victor Schoelcher (tương đương thời ấy với các trường Pétrus Ký - Sài gòn, Quốc học - Huế và Bưởi - Hà nội) ở thủ phủ Fort-de-France, ông rời Martinique sang Paris năm 1946. Theo học ngành dân tộc học trong Musée de l’Homme (Viện bảo tàng Nhơn chủng) và lịch sử, triết học ở đại học Sorbonne. Bảo vệ luận án tiến sĩ dưới đề tài Le Discours antillais: le passage de l’oral à l’écrit en Martinique. Essai d’analyse éclatée d’un discours global (Diễn ngôn ở Antilles: từ lời nói tới chữ viết ở Martinique. Cảo luận mở phân tích một khối diễn ngôn).



… qua hoạt động…

Đồng thời với mấy thi phẩm đầu tay Un champ d’ îles (Quần đảo bao la – 1953) và La Terre inquiète (Trái đất âu lo – 1954), ông tham gia các phong trào tranh đấu qui tụ giới văn gia, trí thức và nghệ sĩ da màu gốc châu Phi, Antilles, Guyane và Hoa kì. Tranh luận với Léopold Sédar Senghor (1906-2001 - gốc Xênêgal) (4), Aimé Césaire (1913-2008 - gốc Martinique như ông) (5) và Langston Hugues (1902-1967 - gốc Hoa kì). Trong lúc L.S. Senghor và A. Césaire tôn tạo phong thái négritude (bản sắc da màu), xóa bỏ í nghĩa miệt thị và khinh thường trong tiếng Pháp và tiếng Anh/Mĩ nègre, nigger, negro (mọi da đen, lọ nồi) biến nó thành biểu hiện cho cảm tính tự trọng và tự tin - trong khi L. Hugues và đồng cánh vừa than thân trách phận vừa quyết liệt đảm nhận nguồn gốc châu Phi của mình (6), thì ông cho rằng tinh thần afrocentrism(e) (trở về cội nguồn châu Phi da đen) của họ chỉ là loại mơ tưởng ‘’trở về một cội nguồn đà mai một không còn cứu vãn được nữa’’.

Năm 1960, Édouard Glissant kí rõ tên mình trong bản Manifeste des 121 (Kiến nghị của 121 nhà trí thức) do triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre (1905-1980) chủ xướng, đòi quyền trốn lính ở Algérie bấy giờ đang cầm súng nổi dậy dành độc lập. Năm sau, cùng với Paul Niger (1915-1962 - gốc Guadeloupe thuộc Pháp ở quần đảo Antilles như ông), thành lập Front antillo-guyanais pour l’autonomie (Phong trào tự trị Antilles và Guyane), có khuynh hướng đòi độc lập. Phong trào liền bị cấm, ông và đồng cánh thì bị trục xuất ra khỏi Guadeloupe, quản thúc tại gia ở Pháp sáu năm ròng, từ 1959 tới 1965. Trở về quê quán sau đó, thành lập Institut martiniquais d’études (Viện nghiên cứu Martinique) cùng với tập san Acoma (Acoma) đăng tải các công trình nghiên cứu của viện. Đồng thời cũng tiếp tục xây đắp sự nghiệp văn học bằng nhiều tác phẩm để đời.

Với sự nghiệp đa dạng và đa diện này, ông nghiễm nhiên trở thành giám đốc tập san Courrier de l’Unesco (Thư mục Unesco) của Liên hiệp quốc kể từ năm 1982. Năm 1989, được bổ nhiệm làm Distinguished University Professor (Giáo sư đại học ưu tú) đại học Louisiana Hoa kì, chủ trì Trung tâm nghiên cứu Pháp học và Pháp ngữ. Rồi cư ngụ ở New York. Năm 1995, làm Distinguished Professor (Giáo sư ưu tú), chủ nhiệm khoa văn học Pháp đại học Thành phố New York. Năm 2006, được Tổng thống Pháp bấy giở giao phó nhiệm vụ thành lập Trung tâm nghiên cứu tình cảnh nô lệ đương đại. Hai năm sau, khi Tổng thống đương nhiệm có xu hướng bài xích dân nhập cư, cùng với nhà văn đồng hương giải Goncourt 1992 Patrick Chamoiseau, thảo bản tuyên ngôn phản kháng dưới tựa đề Quand les murs tombent, l’identité nationale hors la loi? (Khi biên giới sụp đổ, bản sắc dân tộc trở nên phi pháp chăng?). Trước đó, ông thành lập Institut Tout-Monde (Viện Toàn-cầu), quảng bá ‘’ bộ óc muôn hình vạn trạng của quần thể đại chúng trên thế giới ‘’.



... tới tạp chủng và toàn-cầu

Mở mắt chào đời, lớn lên ở Martinique giữa một ‘’quần đảo bao la’’ (nhan đề tập thơ đầu tiên của ông), nơi đã trải qua một thời gian dài nô lệ, Édouard Glissant sớm dòm xa, nhìn ngó không gian ở phía bên kia chưn trời. Nói cách khác, từ thủ phủ Fort-de-France sát vách châu Mĩ, ngụp mình trong môi trường Caribê pha trộn đủ loại màu da, phong hóa và ngôn ngữ, hòn đảo nhỏ chôn nhau cắt rún của ông, dưới mắt nhà thơ thấu thị như ông, không còn là một khoảng không gian chật hẹp, mà là nơi để ông dễ bề quan sát biến đổi tác động không ngừng trên quả địa cầu. Giúp ông nhìn đón trước rằng thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ tạp chủng và toàn-cầu, không chỉ về mặt kinh tế, chánh trị, xã hội, mà về chính con người của chúng ta.

Ngay trong các tác phẩm đầu tay, *thi ca như tập Trái đất âu lo (1954 - đụng độ giữa con người chinh phục và con người bị chinh phục), *cảo luận như cuốn Soleil de la conscience (Mặt trời tri thức - 1956 - « Sẽ chẳng còn có nền văn hóa nào mà không pha trộn với các nền văn hóa khác, khôngcòn có nền văn minh nào ngạo nghễ ngự trị trên đầu các nền văn minh khác, không còn có thi nhơn nào mù mắt trước biến động của Lịch sử. », *tiểu thuyết như truyện La Lézardetạp chủng và toàn-cầu đà manh nha, khai mào cho đường hướng hoạt dộng và nội dung sự nghiệp văn học của ông. Trong bài phỏng vấn nhơn dịp xuất bản luận thuyết La Cohée du lamentin (Ủn ỉn loài heo biển – 2005), Èdouard Glissant giải thích và định nghĩa í niệm tạp chủng và toàn-cầu do mình chủ xướng như sau: (Dòng sông quanh co - giải Goncourt 1958 - dân bản xứ Antilles chạm trán với tinh thần thực dân), các í niệm

« Chúng ta liên hồi sống trong một thế giới khôn thôi đảo lộn, các nền văn minh không ngớt đụng độ với nhau, từng mảng lớn văn hóa sụp đổ xiêu vẹo và trộn lẫn với nhau, những ai hoảng sợ tình thế pha trộn này tự động trở nên quá khích. Tôi gọi nó là chaos-monde, là thế-giới-hỗn-loạn. Các xác tín duy lí không còn hiệu nghiệm nữa, tư tưởng biện chứng đà thất bại, còn tinh thần thực dụng thì chẳng có đủ năng lực thẳm thấu sự việc, cho nên các hệ thống í thức cổ hủ không làm sao hiểu nổi thế giới ngày nay. Tôi nghĩ rằng chỉ có loại tư tưởng không tin chắc ở quyền lực của mình, loại tư tưởng còn phập phồng run rẩy trong tâm trí, còn lo âu, lưỡng lự, e ngại, hoài nghi, mới nắm bắt được những đảo lộn đang diễn ra hằng ngày. Loại pha trộn, loại tạp chủng.

Thế nào là tạp chủng? Tạp chủng là hình thái pha trộn nghệ thuật, hay pha trộn ngôn ngữ, hậu quả bao giờ cũng bất ngờ, không lường trước được. Một hình thức biến hóa liên tục mà không khiến con người phải mất gốc. Tạp chủng không chỉ áp dụng cho cơ thể mà còn cho văn hóa. Mà văn hóa là những bộ phận hết sức phức tạp hơn cơ thể. Chúng ta có thể biết trước được ít nhiều hậu quả của sự pha trộn, còn hậu quả của sự tạp chủng thì không. Lấy thí dụ các phương ngữ tạp chủng ở vùng Caribê, hay ở nhiều nơi khác, hậu quả của sự tạp chủng hoàn toàn thuộc loại khôn lường, đầy dẫy nhiều tiếng lóng, cách ăn nói, lời lẽ đùa cợt bất ngờ…Tạp chủng tạo nên một nền văn hóa mở và vô cùng phức hợp trên thế giới, và nó xâm chiếm mọi lãnh vực, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, văn học, điện ảnh, ẩm thực, với một tốc độ chóng mặt… »



Văn nghiệp

Đa dạng về thể loại (thi ca, cảo luận, tiểu thuyết, kịch), đa diện về đề tài (chánh trị, xã hội, văn hóa, lịch sử), với một văn phong *trữ tình trong thi ca, *hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết, *trong sáng trong cảo luận, văn nghiệp trên dưới 40 tác phẩm đã nâng Édouard Glissant lên hàng đầu các nhà văn da màu Pháp ngữ, sánh ngang với những Leopold Sédar Senghor (4) và Aimé Césaire (5). Chúng tôi, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên mỗi lần nghe thấy ông được xếp vào hàng nobelisable(s), nhưng rồi lại ngỡ ngàng khôn tả nghe tin ông hụt giải.

Cuộc đời lắm khi tỏ ra bất cập nhường ấy.



TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 3-4/02/2011)

------------------------

(1) Xem: Trần Thiện-Đạo, Giải văn chương Nobel 2010 - Mario Vargas Llosa - Nhà văn tái tạo thực tại và Món nợ của Mario Vargas Llosa (Hợp lưu, số 112, tháng 1 & 2 năm 2011; Văn nghệ, số…, ngày…).

(2) Chỉ có một lần duy nhứt không tạo thành tiền lệ vào năm 2004. Xem: Trần Thiện-Đạo, Giải Renaudot 2004 - Phần thưởng cho một di cảo {của Irène Némirovsky, 1903-1942} (E-van, thứ ba 9/11/2004) và Định mạng của Irène Némirovsky (E-van, thứ ba 26/4/2005).

(3) Xem: Trần Thiện-Đạo, Chứng từ cuộc đời nô lệ (Hợp lưu, số 97, tháng 11 & 12 năm 2007; Văn nghệ, số…, ngày…).

(4) Xem: Pierre Brunel, Jean-René Bourrel, Frédéric Giguet, Léopold Sédar Senghor (Nxb Phụ nữ - 2006).

(5) Xem: Trần Thiện-Đạo, Một vì sao rụng – Aimé Césaire (1913-2008) – Thi nhơn bản sắc da màu (Hộp lưu, số 100, tháng 5 & 6 năm 2008; Văn hóa doanh nhân, tháng 07/2008).

(6) Tiêu biểu tâm thức này là bài thơ Negro (Lọ nồi) của ông:

I am a Negro:


Black as the night is black,
Black like the depths of my Africa.
I’ve been a slave:
Caesar told me to keep his door clean.
I brushed the boots of Washington.
I’ve been a worker:
Under may hand the pyramids arose.
I made mortar for the Woolworth Building.
I’ve been a singer:
All the way from Africa to Georgia
I carried my sorrow songs.
I made ragtime.
I’ve been a victim:
The Belgians cut off my hands in the Congo.
They lynch me still in Mississipi.
I am a Negro:
Black as the night is black,
Black as the dephts of my Africa.


Tôi là một thằng Lọ nồi:


Đen như đêm đen,
Đen như châu Phi sâu thẳm của mình.
Tôi đã làm nô lệ:
Xêza bắt tôi quét dọn cửa nhà.
Tôi lau chùi đôi ủng của Washington.
Tôi đã làm thợ hồ:
Dưới bàn tay tôi tháp đền xây cất.
Tôi trộn vữa dựng nhà Cao ốc Woolworth.
Tôi đã làm ca sĩ:
Suốt con đường dẫn từ châu Phi tới tận Georgia
Tôi không ngừng u buồn ca hát.
Tôi hò reo điệu nhạc ragtime.
Tôi đã làm nạn nhơn:
Bọn Bỉ chặt tay tôi ở xứ Cônggô.
Ngưởi ta vẫn treo cổ tôi ở Mississipi.
Tôi là một thằng Lọ nồi:
Đen như đêm đen,
Đen như châu Phi sâu thẳm của mình.

Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer

Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer

Hamvas Béla


(trong tiểu luận triết học Những câu chuyện vô hình)

Nguyễn Hồng Nhung dịch






Nhìn lại khoảng hai trăm năm gần đây của lịch sử có thể thấy nỗi lo âu theo kiểu cảm giác xa lạ của con người khó bóp chết được. Cứ như theo kế hoạch từ thế hệ này sang thế hệ kia, từ từ biến mất từ trên xuống dưới, trước tiên là vua, sau đó lần lượt: giáo chủ, đại quý tộc, chính khách, nhà bác học, quân nhân, nghệ sĩ, những người này hoặc biến mất luôn hoặc thay thế vào vị trí của họ là những nhân vật khả nghi.

Có kẻ muốn lập lại trật tự, như Napoléon đã từng thử, để lấy lại sự kính trọng cho tầng lớp vua chúa. Hoặc một số giáo chủ và các nhà đại quý tộc muốn cứu vớt tầng lớp giáo sĩ và quý tộc. Hoặc nảy sinh vài ba chính khách, vài nhà bác học, vài quân nhân, vài nghệ sĩ. Nhưng tất cả những điều này chỉ được coi như một vài cá biệt.

Bởi không chỉ một số dòng họ cai trị nào đó biến mất, mà ngay cả con người mang phẩm chất quý phái cũng biến mất; tầng lớp giáo sĩ và quý tộc biến mất, chỉ để lại những sinh thể giáo sĩ và thị dân. Đúng hơn những tầng lớp này rút lui, từ bỏ vị trí của mình.

Có thể không vì sự yếu đuối họ hành động, mà ngược lại, từ sự cân nhắc và đánh giá tỉnh táo.

Họ rút lui, bởi sự hiện diện của nhân loại không bao giờ đáng trở thành vật hy sinh cho một nạn dịch đen tối, khi sự ngự trị của họ không được coi trọng nữa.

Nhưng sự đánh mất vị trí của những con người lớn lao, việc rút lui của họ chỉ trở nên một nỗi mất mát đáng khủng khiếp với ai nghe thấy, và hiểu. Đám đông—từ mọi phía chìm xuống nạn dịch đen tối—gào rú một cách hân hoan.

Tình thế trở nên nguy kịch vì những người lớn lao đã rút lui, cuộc thử nghiệm lập lại một trạng thái xã hội trang trọng vấp phải khó khăn và đã thất bại.

Nạn dịch bắt đầu khi tất cả muốn trở thành kẻ được truyền ngôi vua.

Nạn dịch tiếp tục khi tất cả bắt đầu yêu sách với giới tăng lữ, với giới quý tộc, và sau cùng với giới tri thức.

Không có gì ghê gớm, họ nói. Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ cai trị, đều có thể trở thành linh mục, thành bác học, nghệ sĩ. Tất cả chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều biết tất cả, và nếu chúng ta không biết, chúng ta học.

Như thể tính chất vua chúa, tính chất đại quý tộc và tính chất tăng lữ đều có thể học được.

Khi các vị vua nghe thấy điều này, họ thoái vị; các linh mục, các nhà bác học, các chính khách đều làm như vậy.

Một vài người khác cất tiếng, họ liền bị xé xác. Những người còn lại bèn bảo: nếu các anh cần quyền lực, thì các anh hãy thành kẻ cai trị đi; nếu các anh cần thành quý tộc, thì các anh hãy thành quý tộc đi.

Làm sao khác được?

Muộn hơn, kinh phúc âm của nạn dịch tấn công, và sự tráo màu khổng lồ của thế gian bắt đầu chuyển động theo hướng ngược lại, bôi bẩn tất cả những gì trong sạch, lay động tất cả những gì lớn lao, dẫm bẹp tất cả những ai ngẩng cao đầu, và đầu độc tất tật những gì khỏe mạnh.

Thế là mọi sự vật rơi vào hiểm nguy và biến mất: nhà nước, quốc gia, dân tộc, công ăn việc làm, nền kinh tế, tôn giáo, tình yêu, cái đẹp, sức mạnh, chiến tranh, sự quý phái, trò chơi, nhu cầu, sự thật.



2.

Der Tempel brennt, ein halbes tausend Jahr muß weiterrollen bis er neu erstehe (Stefan George) — ngôi đền linh thiêng bốc cháy, năm trăm năm nổ rền trên đầu chúng ta, cho đến khi được xây lại: Nơi linh thiêng, vòng tròn thiêng của cuộc sống chung, bầu trời Temenos.

Một thế hệ tăm tối đã xâm nhập và đốt cháy đền. Các vua chúa, các đại quý tộc, các chính khách, các giáo chủ, các nghệ sĩ cần phải từ bỏ vị trí.

Từ đó đến nay cuộc sống ở ngoài vòng tròn thiêng liêng: nó bẩn thỉu và vô thần. Không trung tâm, không chủ, không sự kính trọng—chỉ còn chiến lợi phẩm cướp được, chỉ còn âm mưu. Không có trách nhiệm, chỉ còn lợi ích. Không có sự chỉ dẫn.

Các quyết định thường được khẩn cầu từ những vị thần, thành Delphi của nhân dân tuyên bố cần phải làm gì khi có sự nguy hiểm và hoang mang: Trung tâm là kẻ chịu trách nhiệm, đấy là Quyền lực, là một Đấng. Tất cả mọi Delphi đã mất. Không gian Temenos đã bị phá vỡ.

Sự nguy hiểm và nỗi hoang mang đã đến, không còn các quyết định, không còn phương hướng, không mục đích, không con đường, chỉ còn sự hỗn loạn, nhầm lẫn, sự nhục nhã, đói nghèo, khốn khổ, sự hãi hùng, các lo âu, tội ác, sự sỉ nhục.

Tất cả mọi người, ai đã biết một cái gì đấy, đã am hiểu về một cái gì đấy, ai dám một điều gì đấy, ai đã từng là một ai, đều lẩn trốn.

Der Tempel brennt.



3.

Vòng tròn thiêng liêng giờ đây chỉ còn lại đúng một người gìn giữ: NHÀ THƠ.

Không thể biết, các vua chúa, giáo sĩ, các nhà quý tộc, các quan tòa, quân nhân hay nghệ sĩ yêu cầu nhà thơ hãy ở lại, hay nhiệm vụ này thi sĩ tự gánh vác; có thể đây là người cuối cùng, khi tất cả đã đi xa, người này nói: ta sẽ trụ lại. Hoặc người này sẽ ra đi nốt, không gian Temenos sẽ không còn ai trú ngụ và giữ gìn nữa.



4.

Từ giây phút trong cái vòng tròn thiêng ấy chỉ còn duy nhất THI SĨ sót lại, bắt buộc đảm nhận quyền lực của vua chúa, đảm nhận phẩm chất của giới quý tộc, thói quen nghi lễ của linh mục, bản năng chiến đấu của người quân nhân, tri thức về sự thật của quan tòa, nỗi say mê ngây ngất của nghệ sĩ, của nhà bác học—từ giây phút ấy nhà thơ đã vượt hẳn tầm vóc của nhà thơ.

Trước kia ta có thể hài lòng với tuyên bố của ngành lịch sử văn học, rằng nhà thơ là người thể hiện tinh thần của dân tộc. Bởi vì thời xa xưa nhà thơ đúng là và gần như không là gì khác, ngoài một kẻ đi diễn đạt. Mặc dù không luôn luôn, nhưng nhà thơ thường xuyên là một thực thể chính trị, kẻ đi diễn giải về thế giới của một giai cấp, của một tầng lớp, hoặc của nhân dân.

Sự diễn giải này được hiểu như sau: cái tinh thần, hình ảnh, cảm xúc của một dân tộc đã có sẵn, nhà thơ chỉ việc đi tìm ngôn ngữ diễn đạt nó, khiến nhân dân cùng hiểu như khi mình diễn đạt.

Nếu anh ta có tìm ra cái gì mới hơn để nói, đó chỉ có thể do cách diễn đạt riêng của nhà thơ mà thôi. Nếu nhân dân, thời gian, giai cấp muốn cách mạng, nhà thơ diễn giải về cách mạng, nếu bị bóc lột, thì về sự bóc lột, nếu thất bại, thì về sự thất bại, nếu hy vọng thì về sự hy vọng.

Luôn luôn như thế và chỉ từng có thế. Nhà thơ là một kẻ diễn đạt.

Sau đó tiếp đến thời kỳ tâm lý học, và người ta bắt đầu lý giải nhà thơ bằng tâm lý. Từ một nhà chính trị, nhà thơ trở thành kẻ thiên tài.

Tâm lý học tách biệt người thường ra khỏi kẻ có tài, và nghiên cứu các mức độ của tài năng. Tài năng lớn là thiên tài. Cách tiếp cận điều này là làm sao cho người ta hiểu. Nếu hiểu được. Điều này hoàn toàn không bao giờ có thể, bởi thiên tài về mặt chất lượng khác hẳn kẻ bình thường. Nhà thơ mang một phẩm chất tâm lý cao hơn hẳn.

Lịch sử tư duy thử kết nối hai lý thuyết trên đây lại với nhau.

Người ta kết hợp kẻ diễn đạt và thiên tài lại với nhau rồi tuyên bố, nhà thơ là kẻ từng trải và là kẻ đi chắt lọc.

Các triều đại lịch sử, các quan điểm thế giới quan, các khuynh hướng hành vi tinh thần nhồi nhét trong vai trò của nhà thơ. Nhà thơ là kẻ, sống trải qua toàn bộ các giai đoạn lịch sử thế giới, rồi chắt lọc, tập hợp lại và vĩnh cửu hóa tất cả. Vì thế từ quan điểm lịch sử và phát triển tinh thần, sự quan trọng của nhà thơ kéo dài đến vô tận, hơn cả ách cai trị, chiến tranh hay nạn động đất. Nhà thơ là một đại diện chân chính về tinh thần của lịch sử.

Trong hình thái học văn hóa xuất hiện một lý thuyết mới. Nhà thơ giờ đây được coi như một kẻ sáng tạo văn hóa. Thi ca là một nhân tố văn hóa, giống như luật, tôn giáo, nghệ thuật và tư duy. Văn hóa tạo dựng tất cả, từ dây dép xăng đan đến lý tưởng vĩnh cửu: thi ca nằm đâu đây giữa hai thứ này. Còn nhà thơ là ai, rất mơ hồ, nhưng vì sự toàn vẹn của văn hóa đòi hỏi, thi ca phải trở thành vật dụng như quần áo, tiền hoặc thượng đế.

Cái nguy của những lý thuyết trên không phải chỉ ở chỗ chúng nghèo nàn, phi tưởng tượng, ngu xuẩn, ấu trĩ, vô lý, giả dối, thô thiển và không thuyết phục.

Bởi chắc chắn đây là những trường hợp không ngoại lệ. Những kẻ đề ra các lý thuyết này đều không hiểu, thi ca là cái gì. Bọn họ đều cho rằng thi ca là một thăng hoa thụ động: của sự diễn đạt, của kết quả phẩm chất tâm lý, của sự trải nghiệm, sự chắt lọc, của nhân tố tạo ra văn hóa.

Những lý thuyết trên đều là những cố gắng vô ích của một đám đông cố gắng hiểu nhà thơ—một cách không thuyết phục nổi. Thậm chí, những thứ lý thuyết này không là gì khác ngoài một bản năng xuất phát từ sự ganh tị của một đám thực thể người, thử tìm cách tìm hiểu nhà thơ bằng dùng những lý thuyết này kéo nhà thơ xuống ngang mình, đặt nhà thơ ngang tầm với mình.

Tout comprendre c’est tout mépriser. (Hiểu được mọi thứ nghĩa là khinh thường tất cả).

Cái quan niệm THI SĨ là kẻ diễn đạt, là thiên tài, là người từng trải, kẻ gạn đục khơi trong và người tạo ra văn hóa là sự trả thù của một thế hệ đen tối. Chưa hết: tất cả các lý thuyết này không muốn hiểu một thứ duy nhất quan trọng: sự tích cực của nhà thơ.

Đây mới chính là điều quan trọng nhất.

Các lý thuyết chính thức được tuyên bố trong sách vở. Thế hệ đen tối này bày trò sách vở, nhằm chứng thực bản thân: bởi cái nó đang sống, trái ngược với điều có trong sách. Cái lý thuyết màu mè tuyên bố về nhà thơ, chỉ là một sự ba hoa trong không khí, vô bổ, bởi không hề hiện thực, và trong thực tế không ai tin vào điều đó.

Trong cuộc sống hiện thực nhà thơ không phải kẻ đi diễn đạt, chẳng phải kẻ từng trải, chẳng là cái gì ngoài một chàng điên.

Chàng điên bởi nhà thơ không bận tâm đến việc kiếm tiền thu nhập, không quan tâm hướng tới các vị trí có ảnh hưởng tới xã hội.

Narr, nur Dichter, như Nietzsche đã nói.

Cái quan niệm nảy sinh trực tiếp từ đám đông, đấy là một quan niệm chung chung, tầm thường. Nhà thơ, người ta riễu cợt một cách bề trên, không thèm chấp và hạ thấp: là kẻ lố bịch, không là gì khác.



5.

Cuối thế kỷ vừa qua con người bắt đầu nhận ra tình thế.

Bắt đầu xuất hiện các nhóm tách xa đám đông một cách có chủ ý, các nhóm nhìn thấy ngọn lửa thiêng Temenos vẫn cháy, và nhà thơ cần ở lại vị trí của mình để bảo dưỡng ngọn lửa ấy. Con người còn nhận ra, nếu nhiệm vụ này muốn hoàn thành một cách xứng đáng, ý thức tự thân của nhà thơ cần được đánh thức. Nhà thơ cần biết, mình là ai.

Trong tất cả các lý thuyết từ trước tới nay, người ta chỉ nhận ra sự bất lực thảm hại của nhà thơ mà họ muốn giải thích, tuy không thể đến gần nhà thơ; họ nhận ra cả sự trả thù hèn mọn muốn biến nhà thơ thành một sự diễn đạt, thành một nhân tố của văn hóa, tóm lại thành một phần tử bị phụ thuộc, muốn biến nhà thơ thành công cụ, thậm chí tất cả đều cho rằng nhà thơ chỉ là một chàng điên.

Có một người trong những nhóm tách biệt này—Kreis trong nhóm Stefan George Đức—bắt đầu hiểu nhà thơ trong bản chất và trong toàn bộ hiện thực của thi ca.

Cái hình ảnh về nhà thơ mà Kreis tạo dựng còn chưa hoàn hảo. Quan niệm của nhóm George về nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy khía cạnh thụ động. Nhưng nhóm này đã nhận ra số phận đã mất không chỉ của nhà thơ mà của nhân dân, của nhân loại: không gian Temenos.

Cần một ngọn lửa, nhà thờ, hội nhóm, nơi con người thờ phụng thần linh- cần một không gian thiêng, nơi con người cởi dép khi bước vào, đấy là mảnh đất thiêng, nơi thế giới con người dừng lại, nơi ngọn lửa tinh thần cháy lên, nơi con người không bao giờ là con người nữa, mà là đứa con của vũ trụ bao la, nơi như Mallarmé viết: sự sống của chúng ta trở nên xác thực. Bởi trật tự, vẻ đẹp, tầm vóc, sự cao quý của đời sống con người được gìn giữ trong Temenos.

Nhóm George hiểu ra nhiệm vụ của nhà thơ: Phục vụ và Thống trị.

Bởi: chỉ kẻ có quyền cai trị, nếu chịu phục tùng; chỉ kẻ xứng đáng thống trị, nếu phục vụ.

Phục vụ nhân dân, nếu không phải cái nhân dân này, thì phục vụ thượng đế, phục vụ thế giới tinh thần, sự trong sạch, sự trật tự. Thi ca là một sự phục vụ cao cả như vậy. Và thi ca thống trị thế giới tinh thần, của nhân dân, của cái đẹp và cả nhân gian. Đấy là sự thống trị của thi ca.

Người bảo vệ Temenos là kẻ thống trị và là kẻ phục vụ. Nhà thơ bằng sự thống trị phục vụ này gìn giữ trung tâm của sự sống con người “Vương quốc Vĩnh cửu.”

Mallermé nói đây là germe final của nhân loại. Là người bảo vệ truyền thống thiêng liêng của nhân loại vĩnh cửu, của sự sống thượng đế—đấy là cái nhà thơ phục vụ và thống trị nhân danh nó.

Theo Kreis số phận nhà thơ chính là nhóm.

Nếu nhà thơ xuất hiện trong nhân loại, họ sẽ họp thành nhóm người theo số phận của họ xứng đáng bước vào một vị trí linh thiêng. Những người theo Nhóm Thiêng liêng chính là những người thành lập và là những cư dân đầu tiên của Vương quốc Vĩnh cửu.

Một cộng đồng mới sẽ hình thành quanh nhà thơ, bộ lạc mới đầu tiên của nhân dân đã linh thiêng hóa, sẽ là trung tâm của Vương quốc.



6.

“Kẻ phục vụ các Quyền lực trong những kích thước lớn lao hơn người khác, kẻ gắn bó với các Quyền lực ở những mức độ khác nhau hơn kẻ khác, đấy là đối tượng của niềm sùng kính thiêng liêng. Với sức mạnh và môi trường của Tạo hóa, chất nổ dễ cháy trong đối tượng này thật nguy hiểm, thậm chí rất khủng khiếp, khi tiếp xúc nó sử dụng những quy tắc trật tự đáng gờm, tốt hơn hết, nếu không thể hoàn toàn, ít nhất nên tránh xa nó ra.”

Đấy chính là một thực thể thiêng liêng (sacer).

Sacer có hai nghĩa: linh thiêng và bị nguyền rủa, đáng trọng vọng và bị sỉ nhục, cao siêu và thảm hại.

Sacer thời cổ là nhà vua.

Là kẻ hầu hạ cho các Quyền lực, là kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ trong các mức độ với các Quyền lực, là một thực thể cao siêu—đáng sợ, đầy những chất liệu nổ—tạo dựng-hủy diệt và bằng sức mạnh của tạo hóa, là kẻ nhân danh toàn bộ dân chúng duy trì mối quan hệ với một thế giới cao siêu, là kẻ đại diện cho toàn bộ dân chúng trước các thần linh.

Sacer có thể là giáo chủ, có thể là một công tước hoặc chính khách, hoặc một tướng lĩnh, những kẻ các Quyền lực sử dụng như các công cụ ở các mức độ khác nhau.

Sacer là thày cả cúng tế, là kẻ tiên tri, là mụ bói, là bác sĩ, là nhà triết gia, những người bên trong họ có một sức mạnh cao cả và đáng sợ, theo hai ý nghĩa vũ trụ bất tận: bản năng tạo dựng và sự đam mê tàn phá tồn tại trong các mức độ khác nhau.

Sacer là kẻ có quan hệ gần gũi với một thế giới đầy vấn đề, đầy bất trắc, đáng suy ngẫm, đen tối, đứt đoạn và cao vợi của các Quyền lực.

Sacer là một thực thể giới hạn mang ý nghĩa và đại diện cho thần linh ở giữa con người và cho con người ở giữa thần linh, một chân ở đây, một chân ở kia, trong hai thế giới, với hai bản chất, hai khuôn mặt, sống với hai trách nhiệm và duy trì hai thế giới.

Bởi vậy chỉ được phép rất thận trọng khi tiếp cận, chỉ trò chuyện được trong những hình thức nhất định, có thể chưa bao giờ tiếp cận đến và chỉ mới nhân danh tên và địa chỉ của thực thể này.

Bởi vậy chỉ được phép cúi đầu, quỳ gối, bằng một giọng khẽ khàng với mái đầu cúi thấp, một cách kính cẩn, trong trang phục hội hè, và bằng cử chỉ nghiêm ngặt của những quy tắc nhất định tiếp cận với Sacer.



7.

Evola trong một cuốn sách lớn của mình đã kể, tầng lớp vua chúa thời cổ đã truyền xuống dưới sự kính trọng các sacer như thế nào, vào tay giáo chủ, rồi rơi xuống tiếp tục giữa các đại địa chủ như thế nào, rồi xuống tầng lớp quý tộc, rồi rơi xuống tiếp, cho đến khi mất hẳn.

Lịch sử khoảng hai trăm năm trở lại đây là một tai họa nhỡn tiền hoàn toàn, khi vua, giáo chủ, địa chủ, quan tòa, nghệ sĩ, dũng sĩ biến mất, chỉ còn lại đám người cơ cực.

Không còn ai đủ xứng đáng để trở thành sacer: kẻ truyền đạt thế giới của các Quyền lực cho con người và thế giới của con người cho các Quyền lực, để liên hệ và gắn bó lẫn nhau một cách tích cực.

Không ai còn có cơ hội để trở thành kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ khác trong nhiều mức độ lớn hơn với các Quyền lực.

Không ai, không bao giờ còn đủ sự cao cả-đáng kính để khi con người đối diện với các Quyền lực có thể sử dụng những quy chuẩn thận trọng, trong trang phục lễ hội, bằng một giọng khẽ khàng kính cẩn gọi tên.

Chỉ còn sót lại mỗi NHÀ THƠ.

Và thế là nhà thơ trở thành kẻ tiền nhiệm, thành biểu tượng và người giữ gìn tầng lớp vua chúa, giáo chủ, tướng lĩnh.

Và thế là nhà thơ trở thành sacer, thành một đối tượng của nỗi lo sợ đáng kính, trong con người nhà thơ thống nhất tất cả: linh mục, nhà tiên tri, bác sĩ, quan tòa, nhà tư tưởng, vua, thủ lĩnh—linh thiêng và đáng nguyền rủa, đáng kính trọng và thảm hại, cao quý và hèn hạ: là hình ảnh tượng trưng sự hiện diện của các Quyền lực giữa loài người.



8.

Về mối quan hệ giữa Goethe và Schiller cách đây không lâu có một cuốn sách đặc biệt xuất hiện. Tác giả khẳng định, sự bình thản không lay chuyển và sức mạnh kiêu kỳ của Goethe đã đánh thức trong tâm hồn người bạn của mình lòng ghen tuông, hơn thế nữa sự tức giận. Không bộc lộ.

Khi đối diện với nhau và giữa thế giới ban ngày có ý thức, tình bạn của hai người vẫn thể hiện như một sự gắn bó thực sự không thay đổi. Nhưng Schiller trong một thế giới còn thực chất hơn và sâu sắc hơn cả thế giới ban ngày, không chịu đựng được tính tự do bất chấp kiểu Goethe.

Biết chạy đi đâu lòng ghen tuông này, nó trở thành thứ quyết định toàn bộ con người Schiller. Tất nhiên, lại một lần nữa điều này không bộc lộ.

Nếu tự nhận biết, chắc Schiller sẽ run rẩy phủ nhận, không tin sự tức giận cắn xé tâm can của mình đã thống trị tới mức ông không thể nghĩ, sáng tạo, xúc động và viết về cái khác, ngoài những gì nảy sinh từ sự ghen tuông, thứ chống lại bản tính cân bằng, trầm tĩnh tự do bất chấp của Goethe và bị giấu kín trong thâm tâm Schiller.

Sự ghen tuông tức tối len vào bản tính của Schiller, trở thành một nhân tố sáng tạo và toàn bộ con người ông bắt đầu cô đọng lại quanh tâm điểm này.

Luôn luôn là một tai họa không thể giải quyết, nếu một người không đồng hóa được một cái gì đấy.

Schiller bắt đầu đánh mất Schiller, và bắt đầu trở thành một Goethe thuần túy tiêu cực, một Goethe tiêu cực đến mức, có thể nói như Nietzsche về một thực thể như vậy: auch mich schuf der ewige Haß—tôi là kẻ mà sự căm thù vĩnh cửu tạo ra.

Cái bản chất này định mệnh ở chỗ, ông hoàn toàn đánh mất trọng lượng riêng về sự tồn tại của mình, biến thành một trọng lượng đối ngược hẳn, thành một kẻ căm thù sâu sắc và hao mòn.

Ông trở thành một bản sao; bởi trong thâm tâm ông thán phục bạn, sự thán phục này lớn đến nỗi ông không cho phép bản chất riêng của mình lên tiếng nữa.

Ông không thể thả sự ngưỡng mộ này tự do, ông không đủ sức, và không thể nói: thật vui sướng cho tôi được sống dưới cái bóng vĩ đại của anh.

Để làm điều này ông không đủ sự nhún nhường, ông quá kiêu ngạo. Rất titán—người khổng lồ ngạo mạn trong huyền thoại Hy Lạp cổ.

Ông dành cho vẻ bên ngoài và đời thường lòng kính trọng và sự ngạc nhiên, để tình bạn ban ngày có thể thản nhiên trị vì trên những thứ đó.

Nhưng trong bóng đêm thực thụ, không chỉ ông không chịu đựng nổi sự tươi tỉnh rộng mở và giàu có của tình bạn, mà cả sự thán phục riêng của mình dành cho bạn, ông cũng không chịu được nốt.

Thế là ban ngày ông là người bạn và là kẻ ngưỡng mộ. Nhưng dưới lớp vỏ của ý thức ông không chấp nhận điều này, và sự tức giận dày vò, xé nát tan toàn bộ.

Ban đêm ông cắn xé bản thân một cách khổ sở vì ông không biết làm thế nào để trở nên tự do một cách không sợ hãi đến thế. Nhưng điều này ông cũng không tự chấp nhận nốt, vì trong thâm tâm ông ngưỡng mộ bạn trên hết.

Goethe trong tâm hồn Schiller là người bạn và là kẻ thù—ông thán phục và căm thù, ông thờ phụng và ghen tị. Nhưng ông nhìn rõ sự kiêu ngạo không giới hạn của kẻ đối địch, nhìn rõ điều này điều nọ, như khi nhìn rõ sự bất lực riêng của mình. Trong nỗi tuyệt vọng, ông không nghĩ cách nâng bản thân mình lên, mà chỉ nghĩ đến chuyện hạ bệ kẻ kia xuống.

Bằng những hình ảnh miêu tả sự kiêu ngạo của kẻ khác, lòng ghen tị làm ông mù quáng đến mức, cảm thấy mình là kẻ chiến thắng, và hạ bệ được kẻ khác—Acheronta movebo—trích dẫn Địa ngục.

Nếu đây không là nội dung thì cũng là ý nghĩa của cuốn sách này, khoảng chừng ấy.



9.

Cần phải lựa chọn vị trí để từ đó nhìn thấy mối quan hệ giữa Goethe và Schiller tại sao đã từng như vậy, và tại sao thành như vậy. Vị trí này không có trong cả hai người; bởi nếu có sẽ nổi lên một điều, hoặc người này hoặc người kia “đúng.”

Tác giả cuốn sách nói trên phán xét xuất phát từ Goethe, từ đó dường như nổi lên một điều: Schiller tội nghiệp là nạn nhân của việc không ngưỡng mộ nổi người bạn vĩ đại của mình.

Tất nhiên có thể có quan điểm cho rằng: Goethe với sức mạnh của sự vĩ đại, của sức hút ma quái tri thức đã tiêu diệt một Schiller hiền lành hơn, nhạy cảm hơn, và trong sạch, cao cả hơn.

Có thể quy trách nhiệm cho Goethe vì cái chết sớm của Schiller: đã mặc kệ một con người duy nhất, kẻ có khả năng đọc các con bài, kẻ có một tâm hồn trong sạch và con trẻ duy nhất có khả năng nhận ra, lật tẩy ý nghĩa đích thực nhất của sự mê hoặc mà Goethe tạo ra.

Sự giải thích này cũng giả dối như nhận định trên.

Cách phán xử đúng đắn không nằm về phía cả hai cá nhân mà nằm trong người thứ ba: Hölderlin, trong một nhà thơ mà ánh hào quang của cả hai người kia đã làm lu mờ đến nỗi người ta không nhận ra ông.

Hölderlin sống và viết trong một cuộc đời vô danh, ông, người bị vẻ tự do tươi tỉnh và trầm tĩnh của Goethe cũng như vẻ sôi nổi, trong sáng nhẹ nhõm như không khí của Schiller nhấn chìm.

Trong ba người Goethe là kẻ vinh quang nhất, Schiller ít hơn một chút, còn Hölderlin không có chút vinh quang nào, cho dù trong cả ba người Hölderlin mang tính chất nhà thơ nhiều nhất, Schiller ít hơn một chút, và ở Goethe ít nhất.

Theo một ví dụ cổ điển nhà thơ là kẻ anh hùng và là nhà tiên tri. Bản chất này của nhà thơ phù hợp với thời cổ. Đầu thế kỷ XIX sự cách tân hình thức của thi ca cổ điển không thể tái tạo được bản chất cổ xưa của nhà thơ. Vị trí thiêng đã bị cháy, khu vực Temenos bắt đầu trống rỗng.

Cần phải đảm nhận. Kẻ nào không đảm nhận, kẻ đó bị đẩy ra. Nhà thơ trở thành một thực thể linh thiêng (sacer), người gánh tội lỗi của dân chúng lên vai mình trước các Quyền lực. Chỉ trong một mình nhà thơ chứa đựng những sức mạnh thiêng liêng có thể đánh trả lại được những tội lỗi đen tối.

Goethe không phải một kẻ đảm nhận. Thậm chí, chỉ là một kẻ thưởng thức.

Faust, kẻ ngây ngất, kẻ rũ khỏi bản thân mình tất cả, để có thể tồn tại tự do một cách kiêu ngạo, để trầm tĩnh và tươi tỉnh, không bị ràng buộc một cách thản nhiên.

Còn Schiller ghen tị với niềm tự do dạt dào và không bờ bến này. Schiller cảm thấy không thể chịu đựng được, một nhà thơ với những khả năng trời phú như Goethe, lại khước từ không tham dự, những gì một poeta sacer vĩ đại như thế cần đảm nhận.

Schiller sai lầm ở chỗ ông tin rằng cái cử chỉ linh thiêng đảm nhận chỉ Goethe có thể làm được. Theo ông đúng nhất Goethe, kẻ vĩ đại hơn ông cần là người gìn giữ Temenos và gánh vác những tội lỗi đen tối. Bên cạnh Goethe ông cảm thấy mình không đủ cao cả và xứng đáng với sự đảm nhận linh thiêng này.

Schiller đau khổ, vì Goethe không hiểu, không nhận ra điều này. Hay đúng hơn, ông đau khổ vì thấy Goethe rất biết cần phải làm gì, nhưng không muốn từ bỏ sự thanh bình cá nhân, niềm khao khát hạnh phúc kiểu Faust và nỗi đam mê vui sướng kiểu titan. Goethe cố tình xa lánh những nỗi đen tối, nhắm mắt trước tình thế rung chuyển của hoàn cảnh thế giới, im lặng, phủ nhận, dối trá.

Goethe đã từ bỏ nhiệm vụ làm một nhà thơ linh thiêng, một poeta sacer. Nhưng kẻ nào chạy trốn nhiệm vụ sẽ đùn đẩy sang cho người khác. Thế là nhiệm vụ gìn giữ khu vực thiêng Temenos được đẩy sang cho một kẻ thứ ba: Hölderlin.

Kẻ không đảm nhận, đùn đẩy cho người khác, kẻ không làm, muốn người khác làm. Cả Goethe và Schiller đẩy cái trách nhiệm của Nhóm Thiêng cho một kẻ duy nhất sống trong cùng thời đại mình, người đảm nhận và thực hiện: Hölderlin.

Sau cùng, chỉ một trăm năm sau người ta mới nhận ra một điều: nhà thơ cổ điển chân chính của Đức không phải Goethe cũng chẳng phải Schiller mà là Hölderlin. Tại sao vậy? Vì cái điều Schiller vì lòng kính trọng muốn nhường cho bạn: nhiệm vụ canh giữ không gian thiêng Temenos, đã bị Goethe từ chối.

Vinh dự này rơi xuống ai đảm nhận nó. Người dám đảm nhận và gánh chịu tất cả cái gì đến—mọi tội lỗi tối tăm của dân chúng. Er fernab fühlt allein das ganze Elend und die ganze Schmach, như George viết: Tự bản thân nó cảm thấy tất cả sự bần cùng và mọi tủi nhục.



10.

Đến giữa thế kỷ, tình thế trở nên ngày mỗi rõ ràng hơn.

Baudelaire đã hiểu, không thể lựa chọn được nữa: số phận nhà thơ không chỉ của kẻ diễn đạt, của đầu óc thiên tài, của kẻ từng trải, kẻ đi chắt lọc, của kẻ anh hùng hay nhà tiên tri đi nữa. Trở thành nhà thơ có nghĩa là đảm nhận sự gìn giữ hình ảnh tượng trưng xứng đáng với con người, hình ảnh này đang bị bỏ rơi và biến mất.

Nhà thơ đồng nghĩa với việc trở thành vua, giáo chủ, nhà tư tưởng, quan tòa, tướng lĩnh, chính khách—chính vì thế so với mọi nhiệm vụ khác, nhiệm vụ của nhà thơ đơn độc, cô đơn, trong bí ẩn, không vinh danh, thậm chí tách xa rời đám đông, mọi ý nghĩa việc làm của nhà thơ ẩn giấu trong bản thân việc làm đó, và không một lời nào được nhắc đến cái cá nhân.

J’ai plus de souvenirs que si j’avais mille ans… je suis un cimetière… un pyramide, un immense caveau, qui contient plus de morts que la fosse commune: Tôi có nhiều hoài niệm hơn là tôi đã sống ngàn năm… tôi là nghĩa địa… kim tự tháp, hố huyệt sâu rộng trong đó người chết nhiều hơn cả một hố chôn tập thể.

Nhà thơ là nấm mồ của vua chúa, tướng lĩnh, nhà nghệ sĩ, giáo chủ đã chết, là kẻ gìn giữ tầm vóc con người trong bản thân mình cho đến khi phục sinh.

Và điều này không được cho ai biết: être un saint et un héro pour soi-même (làm ông thánh và người hùng cho chính bản thân mình).

Bí mật. Số phận này ít ai gánh vác nổi mà không gặp tai họa.



11.

Trong số phận của poeta sacer khó nhất là chịu đựng mối quan hệ với dân chúng.

Nhà thơ gánh vác số phận của nhân dân. Nhưng nghi thức này lại cần bí mật, bởi nếu lộ ra, ý nghĩa bí ẩn của nó biến mất. Ngoài ra, nếu nghi thức này bị lật tẩy, và ý nghĩa bản chất của nhà thơ lộ ra, dân chúng sẽ lập tức tấn công.

Bởi dân chúng ngày nay đã chìm nghỉm sâu đến nỗi không nhìn thấy những tội lỗi của mình; họ cảm họ thấy vô tội, trong sạch và cao cả. Khi nhìn thấy nhà thơ gánh lên vai những tội lỗi này, họ bắt buộc phải nhận ra tình thế. Họ biết, họ nhìn thấy bản thân mình từ nhà thơ. Họ biết và giờ đây không thể chối cãi được nữa: họ đang sống trong sự ô nhục không chút thiêng liêng.

Khi họ nhìn thấy kẻ đau khổ bần cùng, “kẻ bị nguyền rủa,” họ rất hiểu tại sao kẻ khốn khổ này lại đau khổ, và còn biết hơn nữa, ai là kẻ đáng bị nguyền rủa.

Thế là trong nỗi điên cuồng ma quỷ của sự giận dữ bùng lên, họ túm lấy nhà thơ, ném bùn, lăng mạ, xua đuổi, vu cho là kẻ điên rồ, và phủ nhận. Dân chúng không chịu được. Họ không yên chừng nào nhà thơ chưa bị tiêu diệt. Chừng nào chưa vỡ chiếc gương phản chiếu chính những nỗi khủng khiếp của họ.

Trước thế kỷ XVIII, người ta chưa biết gì về hình dạng các nhà thơ bị phủ nhận và bị xuyên tạc. Nhưng hai trăm năm gần đây, thực chất chưa hề có nhà thơ chân chính nào lại không đau khổ vì sự chế riễu, xua đuổi, sỉ nhục, và cuối cùng bị bẻ gẫy.

Nhà thơ chỉ chợt nhận ra muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ, khi mối quan hệ với dân chúng đã bước sang giai đoạn nhà thơ không thể xuất hiện công khai.

Ngược lại. Cần tìm kiếm một sự bảo vệ, để tránh xa sự đụng chạm của cộng đồng, của dân chúng và sự nổi tiếng. Ai không hiểu ra điều này, không gì có thể chống đỡ lại sự diệt vong nhục nhã. Người nào biết, bằng cách thức riêng, có thể tách mình ra khỏi dân chúng.

Một cách như thế nào đấy cần làm cho mình không với tới được, không động chạm tới được. Cần giữ khoảng cách với sự công khai. Cần ẩn dật và sống trong bí ẩn; viết bằng một ngôn ngữ khó hiểu; nâng mình lên thế giới tinh thần cao hơn; tìm ra những tượng trưng đặc thù và cá tính riêng biệt.

Thi ca giữ gìn một sự linh thiêng cần đọng lại bên trong, chỉ những người am hiểu biết về nó.

Về những bí ẩn này phần lớn chỉ thế hệ sau, sau cái chết của nhà thơ mới được phép hiểu ra. Như thể ngọn lửa thiêng cháy ở đâu, cạnh ai, không được phép biết. Cần phải giấu kín trước sự bần cùng đẩy tất cả mọi người vào cái chết, giấu trước kẻ nổi khùng vì bị chìm nghỉm xuống vũng bùn.



12.

Mallarmé là nhà thơ đầu tiên nhìn thấy sự lẩn trốn có kế hoạch cũng đánh mất ý nghĩa của nó.

Bởi kẻ nào tự khóa mình, sẽ phá sản; không thể sống đời sống thật sự trong không khí, trong các lâu đài tinh thần, trong bộ đồ cải trang. Đúng là nhà thơ không được phép tìm kiếm dân chúng; thi ca nào muốn bình dân hóa, tự phản bội lại mình. Điều này không có ngoại lệ và không thể.

Nhưng sự tách biệt không giải quyết được tình thế, bởi tách biệt khỏi nhân dân thi ca trở thành sự vụ riêng và vô nghĩa. Cần bày tỏ, không phụ thuộc vào việc dân chúng hiểu như thế nào và coi nó là gì.

Nhà thơ bằng sự ẩn náu, tránh xa lời chế riễu, sự săn đuổi và sự bẻ gẫy, chính là bước cuối cùng của số phận poeta sacer muốn cứu bản thân. Muốn cứu sự gìn giữ Nhóm Thiêng.

Nhà thơ hoàn thành số phận của người canh đền Temenos khi trở thành kẻ hy sinh.

Đấy là ý nghĩa đích thực của cuộc đời một THI SĨ THIÊNG LIÊNG, một poeta sacer: Khi mọi tầm vóc lớn lao của con người lùi bước, mọi vị trí linh thiêng bị bỏ trống, chỉ còn lại một mình, người giữ Ngọn Lửa Thiêng, và chính vì vậy cần phải cháy trong ngọn lửa ấy và vì ngọn lửa ấy.

Bởi vậy kẻ linh thiêng chính là nhà thơ: bởi vậy nhà thơ đảm nhận vai người gác đền Temenos để giữ lửa bằng chính cuộc đời mình và cái chết của mình.

Bởi vậy nhà thơ cao cả và bần cùng, là thượng đế và là kẻ bị nguyền rủa, là linh thiêng và kẻ khốn khổ. Sự hy sinh này không phải ngọn đuốc sân khấu, không phải cái chết công khai trên giàn thiêu, cuộc xử tử, cái chết bi thương hùng vĩ trên tranh vẽ có thể dán kín trong các phòng.

Ví dụ về điều này đầy rẫy, từ Hölderlin đến Baudelaire, cho đến tận ngày hôm nay.

Không phải bi kịch gây tác động, mà là những đau đớn âm thầm chậm rãi gặm nhấm, là sự tàn phá bào mòn âm ỉ, là những cơn thần kinh, những mê đắm, là các loại bệnh tật, là nỗi nghi ngờ bệnh hoạn, là sự sợ hãi, sự chìm nghỉm vào những thoái hóa, những cơn giận dữ ngạt thở, sự hấp hối giữa những chất độc ngạt thở, hôi thối.

Sự hy sinh diễn ra chính trong những nơi ẩn náu, như một chiến thắng: bi kịch của nhà thơ trong sự bí ẩn biến thành sự hy sinh.

Và chính trong sự bí ẩn này nhà thơ là kẻ chiến thắng, như hàng động thất bại của y. Bởi tất cả đều là tượng trưng, sự gìn giữ Temenos cũng như việc đảm nhận mọi tội lỗi, là sự vinh quang tiếp xúc với các Quyền lực và là lời nguyền rủa của sự hủy diệt nhục nhã.

Sự bí ẩn thiêng liêng không ai được phép biết: đấy chính là cách cần phải sống, không phụ thuộc vào việc ai nhìn thấy hay ai không nhìn thấy. Không cần giấu giếm. Không được phép. Nhưng cũng chẳng cần bước ra công khai. Không được phép.

Chỉ một điều duy nhất được phép và cần làm: đảm nhận. Gánh lấy số phận và trở thành vật hy sinh.



13.

Sự thán phục trước thi phẩm cao cả và giàu có của Mallarmé giờ đây không phải là một nhiệm vụ. Mà chỉ có nghĩa rằng: “Mọi sự bài trừ của cái không gọi là nghệ thuật từ thi ca sẽ đẩy nhà thơ đến bên lề của vực thẳm.”

Sự bài trừ này dẫn đến phá sản. Thi ca bắt đầu loanh quanh biến thành kỹ thuật và ngữ văn. “Điều này bắt đầu từ chủ nghĩa duy tâm mỹ học thuần túy, chống lại tự nhiên, cần thanh toán cái bóng của sự sống trừu tượng.”

Cần để luận điệu cái TÔI được nuông chiều và đi chệch hướng này câm bặt. Cần từ bỏ căn nhà ấm áp, cần bóp chết sự kiêu căng trống rỗng, và cần phải tiêu diệt sự giả dối quý tộc ngu ngốc của cách suy nghĩ này.

Sự kiêu căng của tôn giáo, cái đẹp của nhà thơ tách rời đám đông, và “sự trinh tiết trừu tượng” của cái-đẹp-trở-thành-siêu-nhân tăng dần biến thành thứ tinh thần thi ca ma quỷ, như Herodias, người đàn bà còn trinh và không khả năng sinh đẻ, bởi gìn giữ chỉ cho bản thân mình ánh bạc của ốc biển từ nước da, ánh vàng hương thơm từ mái tóc, một sắc đẹp sao sa mà sư tử nhìn thấy phải cúi đầu và nhắm mắt.

Đây không phải sự hy sinh!

Không phải như vậy, trinh tiết, vô sinh, không biết đến động phòng, như những viên đá quý lạnh lẽo.

Nhà thơ cần phải hiến dâng cái đẹp: cho cái Không có gì. Trong Mallarmé đã nảy sinh nghi ngờ rằng thi ca một lần và mãi mãi không thể chỉ ở trong cái lâu đài tinh thần, và nhà thơ không thể vĩnh viễn chỉ là parnassien.

Thậm chí, không chỉ một lần, và mãi mãi, và vĩnh viễn là một giải pháp: tất cả các nhà thơ cần bắt đầu lại từ đầu, cần sống trọn vẹn số phận đã dành riêng cho mình.

Tất cả mọi người cần thành vật hy sinh một cách không thể biết trước, không thể chuẩn bị trước.

Nếu không mọi việc trở nên dễ dàng, vì có khả năng để thực tập, con người có thể làm quen và học hỏi.

Thời của Baudelaire đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của phái Parnasse đã qua: họ cũng đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của Verlaine đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế.

Mallarmé đã nhận ra, ông cần phải trở thành khác và ông đã đảm nhận.



14.

Tầm vóc và sự nguy hiểm của hiện sinh thi sĩ ngày nay không đâu thể hiện rõ bằng ở nhóm Stefan George.

Nhóm không xuất phát để trở thành gì, để xuất hiện trước công luận và rải rắc vàng bạc, thứ gọi là thi ca.

Trái lại: cần nhìn thấy chân lý của Mallarmé, nhà thơ mọi giá cần phải đứng bên ngoài đám đông.

Quan hệ của nhà thơ với đám đông thay đổi: không tìm sự bình dân hóa, mà chống lại sự bình dân hóa.

George lập tức nhận ra, trong thi ca có một cái gì đó bí ẩn, không ai được phép biết. Cùng lúc George hiểu Mallarmé có lý: một lực lượng tinh thần vô nghĩa ngày mỗi tăng dần trong thời hiện đại, không chỉ vinh danh khoa học mà còn tấn công cả thi ca.

Thứ ngôn ngữ vô cảm và trần trụi được sử dụng, ngôn ngữ ma quỷ. Đây là poésie pure, đi cùng với con người vô nghĩa lý— “Ảo tưởng khủng khiếp của tác phẩm thủy tinh”—“Tội ác của cái nhìn tinh khiết.”

Đứng ngoài đám đông, nhưng sống cuộc sống của những tạo phẩm bằng từ ngữ ma quỷ của tạo hóa: đấy là nhiệm vụ của George, đấy là nhiệm vụ dành cho Kreis—vài người, chỉ vài người thôi, những người không thể sống một cuộc đời không linh thiêng: đấy là Nhóm.

Chưa bao giờ có được không khí sùng kính của Temenos như thế trong nhóm George. Họ—những người canh giữ ngọn lửa thiêng, những kỵ sĩ của bàn tròn Grál, vinh danh các lĩnh vực khác nhau của Viết. Họ—các nhà thơ, các nhà sử học, các nhà tư tưởng—không vinh danh họ, mà một trung tâm siêu phàm vô hình.

Bởi sự đắc thắng của cái TÔI đã phá vỡ cái thiêng liêng trong một giai đoạn mà cá nhân chỉ còn một sứ mệnh duy nhất: hiến dâng bản thân, vì sự chìm đắm của nhân dân và cộng đồng, hòa giải với các Quyền lực.

Có thể hiểu được điều này trong khẩu hiệu lớn của nhóm George: sự Phục vụ.

Sức lực và tầm vóc của mọi thành viên trong nhóm phục vụ cho Ngọn Lửa thiêng. Đẳng cấp hiệp sĩ đúng với họ hơn là một nhóm văn sĩ, những thiên thần của Ngọn Lửa Thiêng đúng với họ hơn là các hiệp sĩ.



15.

Cái tên thứ ba: Robert Bridges—nhà thơ người Anh chỉ ra một con đường không chạm đến thiên tài nhưng tìm đến một sở thích cao cả.

Thi phẩm của Bridges bên cạnh Mallarmé và George không nghĩa lý gì. Nhưng cá tính của nhà thơ Anh này nếu chưa đủ là sacer thì cũng là một tinh thần quý phái và bản chất cao cả của ông thông hiểu sự linh thiêng.

Sự nghiêm túc của Bridges được biết đến bởi hai dấu hiệu: một là sự suy tưởng của nhà thơ (metanoi): thay vì tìm kiếm sự đại chúng, bình dân hóa, ông đi tìm sự bảo vệ chống lại đám đông;

Dấu hiệu thứ hai: accent religieux—một giọng điệu tôn giáo, cái không gì khác ngoài việc nhà thơ nhận ra: các Quyền lực đã trao cho ông một trọng trách.

Cạnh hai dấu hiệu lớn này ở Bridges chất thiên tài của ông lại ốm yếu và vô sinh.

Trong tác phẩm lớn của mình (Testament of Beauty) ông viết về tôn giáo của cái đẹp; một tác phẩm trong sáng, mang tính mỹ học thi phẩm nhiều hơn tôn giáo. Ngôn ngữ tác phẩm gần với sự vô nghĩa lý (sterilh) hơn là tính chất quỷ thần (daimonikus).

Ông còn mắc một căn bệnh Mallarmé gọi là bệnh maladie d’idealité—bệnh lý tưởng.



16.

Một vài tác giả nổi tiếng cho rằng, khi Napoléon thất bại, bộ mặt của thế giới cần thay đổi.

Napoléon là người cuối cùng thử giữ gìn truyền thống của nhân loại vĩnh cửu, hay đúng hơn là tái tạo.

Cái gì là truyền thống của nhân loại vĩnh cửu?

René Guénont, người Pháp, trả lời như sau:

Truyền thống là sự duy trì liên tục mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về gốc rễ linh thiêng của con người và sự bảo tồn một nhiệm vụ duy nhất của con người là đồng dạng với thế giới linh thiêng.

Sau thất bại của Napoléon, việc bảo tồn truyền thống trên danh nghĩa tập thể trở nên không tưởng.

Điều có thể thấy trong nhân dân—nay đã trở thành đám đông—là sự phai mờ thậm chí biến mất của ý thức truyền thống. Napoléon, thay vì lập lại trật tự của truyền thống, đành thỏa mãn với một tiêu cực khác: gánh lên vai mình những cơn lốc khuấy lên từ thế giới ma quỷ của cách mạng Pháp và trở thành nạn nhân của nó.

Các Quyền lực phán quyết với Napoléon sacer esto, điều các giáo hoàng La mã nói với con vật bị tế thần: mi hãy trở thành linh thiêng và bị nguyền rủa, trong lời nguyền rủa đã thánh hóa này, mi hãy chết nhân danh nhân dân.

Napoléon là rex sacer cuối cùng, là hoàng đế thất bại bi thảm khi muốn lập lại sự thống nhất cho nhân loại, thất bại trong chính sự đảm nhận lớn lao muốn thế giới siêu việt một lần nữa gắn liền với lịch sử.

Thất bại của Napoléon khiến truyền thống bị gián đoạn; sự duy trì mối quan hệ với thế giới siêu việt rơi khỏi tay hoàng đế.

Đây là giây phút các thi sĩ thiêng liêng—những poeta sacer trong lịch sử thế giới xuất hiện: trong hình dạng của Hölderlin, Keats, Shelley.



17.

Cả lịch sử văn học, cả lịch sử tư tưởng, cả xã hội học lẫn hình thái học văn hóa đều không hiểu và không thể hiểu nhà thơ, bởi tất cả các khoa học đều tìm cách giải thích xã hội, các mối quan hệ, các tiền bối, các tác động… từ dưới lên.

Ai hiểu Thi sĩ thiêng liêng, poeta sacer, như một sự hy sinh, người đó cũng lầm nốt. Mặt tiêu cực: vai trò nhà thơ đảm nhận khi bị hủy hoại ở mức độ cao là một chiến thắng.

Tự mình gánh vác số phận con người vũ trụ là một khoảnh khắc không thể từ bỏ. Trong tầm vóc nào nhà thơ hiến dâng bản thân?

Nhà thơ luôn quay về sự sống. Chỉ trong thế giới của sự sống mới xảy ra cái thất bại của Napoléon, một rex sacer. Đây là sự thất bại của ý đồ điều chỉnh lại nhân loại vũ trụ, ý đồ thiết lập lại một lần nữa sự thống nhất giữa thế giới siêu việt và lịch sử thế giới người.

Đây chính là điều kẻ nhận ra bản chất hy sinh của nhà thơ chưa hiểu hết.

Cần phải hiểu tròn vẹn như sau: bản chất hiện sinh của nhà thơ không phải trên những mặt tiêu cực, mà nằm trong những khoảnh khắc tích cực.

Nhà thơ không chỉ gìn giữ truyền thống mà luôn luôn làm mới, tái tạo lại bằng logos, bằng sức mạnh của lời.

Khi sự thống trị của vua chúa không thể giữ nổi mối quan hệ với sự sống linh thiêng, lúc đó nhà thơ bước lên, nhà thơ, người gìn giữ mối quan hệ này: bằng lời.

Và không chỉ gìn giữ, còn luôn luôn tái tạo như một bản hợp đồng, một cây cầu, một mối quan hệ—để tiếp tục một truyền thống người vĩnh hằng, tái tạo liên minh với sự linh thiêng.



18.

Giờ đây tình thế đã chín muồi để có thể nhắc đến một cách song song giữa nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại.

Không thể, không bao giờ được phép phán xét nhà thơ như một hiện tượng xã hội lịch sử tinh thần cứng nhắc.

Nhà thơ luôn luôn là một hình tượng truyền thống theo cách hiểu của Guénon.

Nhiệm vụ của nhà thơ: duy trì sự liên tục của mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về nguồn gốc linh thiêng của nhân loại, là sự gìn giữ nhiệm vụ cơ bản duy nhất của số phận người khi đồng nhất với sự linh thiêng.

Các nhà thơ thời cổ, các nhà thơ Hindu, Iran, Trung hoa, Ai cập, Hy lạp xưa kia sống trong các dân tộc mà bản thân họ chứa đựng tất cả: vai trò linh mục, thủ lĩnh, vua chúa, trong con người họ chứa sẵn truyền thống, bởi vậy họ không cần tái tạo lại truyền thống.

Sự khác biệt giữa bản chất hiện sinh của nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại ở chỗ: con người với lịch sử lúc đó thống nhất làm một, là một hiện thực.

Chính vì vậy đã từng có nhà thơ sacer, nhà tiên tri, nhà tư tưởng, vua, chính khách, xuất phát từ cuộc sống cộng đồng một cách tất nhiên về một thực thể sacer, trong ý thức của tất cả mọi người.

Nhà thơ hiện đại không sống trong một hiện sinh thụ động. Dù bị đóng dấu bằng sự lố bịch, bị bỏ rơi, bị chế riễu, hiểu lầm, nhưng trên vai nhà thơ hiện đại vẫn là gánh nặng tượng trưng lớn lao của nhân loại.

Nhà thơ hiện đại hoàn toàn một mình, tự mình duy trì truyền thống, và bằng sức mạnh của Lời Thiêng tái tạo đổi mới liên minh giữa sự sống linh thiêng với số phận con người.

Khi Chúa Giê su làm phép lạ, các tông đồ ngây người thành kính, Chúa nói, không phải với các tông đồ mà với loài người: Các người hãy đừng ngạc nhiên, bởi các người sẽ làm những việc còn lớn hơn việc ta làm—nhân danh ta.

Công việc đổi mới liên minh giữa số phận con người và sự sống linh thiêng: là nhiệm vụ của những số phận vua, linh mục, chính khách, và nhất là sacer.

Tất cả những điều này nhà thơ cổ đại không biết và không thể hiểu được.

Nhưng trong nhận thức của bản chất tạo dựng Logos nhà thơ cổ đại và hiện đại gặp nhau.

Nhà thơ là thực thể sử dụng ngôn ngữ cổ. Không phải thứ ngôn ngữ ngày thường—một công cụ thoái hóa, không phải thứ ngôn ngữ vô nghĩa, thứ ngôn ngữ Herodias trinh tiết trừu tượng—mà là thứ ngôn ngữ khiến Mallarmé sởn tóc gáy.

Ngôn ngữ của nhà thơ là thứ ngôn ngữ quỷ thần, tự trong bản thân nó gìn giữ danh tiếng của các Quyền lực vũ trụ—trong bản thân nó giữ gìn những ký hiệu thần linh có thể giải phóng hoặc ghìm giữ lại sức mạnh của các Quyền lực, trong bản thân nó gìn giữ liên tưởng đến Logos cổ kính linh thiêng.

Cái gì là liên tưởng logos cổ kính linh thiêng?—đấy là khả năng sáng tạo bằng sức mạnh của Lời.

Logos cổ là tạo hóa của sự sống, là Lời tạo dựng ra thế giới.

Hölderlin nói: thứ ngôn ngữ này là một trong những thứ nguy hiểm nhất của đời sống con người—từ sacer—trong đó ấp ủ chặt chẽ các quyền lực siêu phàm, và sự động chạm của các bàn tay chưa được thánh hóa có thể hóa phép ra những quái vật.

Chỉ ai có bản chất sacer, mới có thể nhận biết ra các hình thái tiếp xúc thần linh. Không được phép nói ra, bởi có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân và cho con người. Những kẻ chưa được thánh hóa, những nhà ảo thuật rởm, ma quỷ không phục vụ họ mà tiêu diệt họ.

Nhiệm vụ của poeta sacer mang tính chất thụ động, là phải trở thành vật hy sinh—khoác lên mình ma quỷ của sự đắm chìm của dân chúng và bị hủy diệt trong đó.

Tính tích cực của nhiệm vụ poeta sacer: bằng logos tạo dựng không ngừng mối quan hệ giữa số phận con người và sự sống linh thiêng.

Những gì đã bị những đôi tay kiêu ngạo dơ bẩn, chưa được thánh hóa phá hoại, cần phải sắp xếp lại bằng cách luôn luôn chỉ ra: cần bám giữ lấy sự sống đang chìm đắm vào vật chất, cần mang lại ánh sáng, sức mạnh, tri thức, sự sâu sắc, sự thật, cái đẹp, sự thánh thiện và còn hơn thế nữa: nhân danh ta, các ngươi sẽ làm được nhiều việc còn lớn hơn ta làm.

Phục vụ cho các Quyền lực chưa đủ, cần phải nắm giữ lấy những quyền lực đó.

Chưa đủ chỉ sống từng trải trong thế giới, cần phải tạo ra thế giới nữa.

Sự sống thiêng liêng dành cho con người không chỉ mở, mà luôn luôn cần phải mở tiếp.

Và cái tôi phải trả giá cho nó không ít, chính là bản thân tôi: tôi cần phải hiến dâng.

Nhưng chỉ hiến dâng tôi không đủ, sự hy sinh cũng vẫn ít: bằng sức mạnh của Lời tôi cần mở rộng sự siêu phàm.

Chỉ lúc đó tôi mới có thể là sacer.


Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung
(2009-10-18)




---------------------------------

Source : Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới:
http://damau.org

Hamvas Béla - Sự tỉnh táo

Sự tỉnh táo

Hamvas Béla


24 June 2011


(Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra)
Nguyễn Hồng Nhung dịch









1.



Kẻ canh giữ tinh thần cổ đại là cuốn sách thiêng của Ấn độ: Veda.

Từ Veda bắt nguồn từ vidja và có liên quan tới từ latin videre, có nghĩa là nhìn và thấy. Điều đầu tiên Veda nói đến là cảnh và hình ảnh. Không chỉ là hình ảnh con người nhìn thấy ban ngày mà cả hình ảnh trong giấc mơ và trí tưởng tượng ; có vẻ không chỉ là hình ảnh của các sự vật mà cả nội dung và ý nghĩa của sự vật nữa; cùng tất cả những gì xảy ra, kết nối và tách rời các sự vật.

Bởi vậy những lời giải thích theo đó vidja chỉ là nhìn và thấy có vẻ bị thu hẹp. Đúng hơn nếu người ta cho rằng vidja có nghĩa là: tri thức, kiến thức.

Guénon theo quan điểm này. Ông viết: Veda là kiến thức về mọi vấn đề trên thế gian, là thứ kiến thức cổ vĩnh cửu và thiêng liêng. Là kiến thức gốc rễ của trí tuệ về các sự vật. Hiểu như vậy đơn giản hơn và rộng hơn. Nhưng hiện thực còn đơn giản hơn nữa và sự quan trọng của nó không giới hạn.

Veda (vidja) thực chất có nghĩa là: sự tỉnh táo. Veda bảo vệ sự tỉnh táo, bảo vệ và truyền tiếp; đây là tinh thần của thời cổ đại, là bản chất của thời gian trước lịch sử (trước Công Nguyên). Nhiệm vụ của Veda có một không hai, là đánh thức, mang lại sự tỉnh táo và duy trì sự tỉnh táo. Không dạy nhìn và thấy, dạy để biết lại càng ít hơn.

Để có kiến thức, con người cần phải thấy; nhưng để con người thấy, cần phải tỉnh táo. Từ giấc mộng là cuộc sống người trên trái đất vật chất, Veda đánh thức; nó phá vỡ đời sống khép kín và khai mở đời sống; nó nói lên ý nghĩa đích thực của sự vật, mở mắt cho con người và tuyên bố nội dung xác thực của thế gian. Bởi vì tác động của những điều nó nói không phải là việc con người nhìn thấy và nhận biết hình ảnh của thế gian, mà là từ cảnh vật, họ thức tỉnh.



2.



Khi Socrates uống cốc thuốc độc, chân tay bắt đầu lạnh dần, cái chết đông cứng đến gần trái tim, ông vẫn còn nói: các ngươi đừng quên hiến tế con gà trống cho Asclepius.

Ta không bàn tới những lời giải thích cổ xưa về nội dung câu nói; còn các thế hệ sau thường không hiểu. Người ta cố giải thích: những kẻ khỏi bệnh thường dâng vật hiến tế cho Asclepius, và câu nói của Socrates phút lâm chung mang ý nghĩa đó: cuộc sống được chữa khỏi từ căn bệnh lớn (cái chết) của nó. Sự giải nghĩa này không là gì khác, ngoài việc Socrates biện bạch bằng (tư tưởng của) Schopenhauer.

Con gà trống cần tế hiến cho Asclepius là: sự tỉnh táo. Đây là con gà trống xoay trên nóc chuông nhà thờ. Đây là con gà trống gió trên các mái nhà và trong các phù hiệu quý tộc. Và trước khi gà trống cất tiếng gáy, Kinh thánh nói, mi sẽ bán đứng ta ba lần.

Ý nghĩa của nó: trước khi mi thức tỉnh về sự toàn vẹn của sự sống, và hiểu cái gì xảy ra với mi trong toàn bộ hiện thực của nó, mi không thể làm gì khác ngoài việc đi theo sự phản bội thường xuyên chống lại Thượng đế và bản thân.

Trên ngọn núi Ôliu, khi Chúa rút lui để cầu nguyện, ngài nói: “Các con hãy tỉnh dậy và hãy cầu nguyện.” Và khi Chúa quay về, các tông đồ đã ngủ say.

Ở Irán con gà trống có tên Paroderes, nó đưa con người đến với việc “Thực hiện những nhiệm vụ hăng say.” Buổi sáng khi nó cất tiếng gáy, theo Avesta có nghĩa là: “Các ngươi hãy thức dậy và cầu nguyện đi bởi vì Busjasta, con quỷ của sự mê ngủ đang đến để cổ vũ: Hãy ngủ đi, con người, ngủ đi, thời gian của mi chưa tới đâu.”

Tỉnh táo không chỉ có nghĩa như một sự tồn tại tỉnh. Không chỉ có nghĩa như duy trì các giác quan trong sự hoạt động, thấy, nhìn, làm, cử động, có ý thức, biết. Sự tồn tại tỉnh táo cũng không khác một đặc tính khác của giấc ngủ: giấc ngủ trong thế giới giác quan. Và con gà trống, mà Socrates ám chỉ, mà Kinh thánh nhắc đến và có tên gọi Paroderes, chính là sự tỉnh táo, gọi sự thức tỉnh từ cái thế giới giác quan.

Đây là sự tỉnh táo, để thấy và biết rằng thế giới giác quan cũng là hình ảnh giấc mộng. Socrates, khi thuốc độc ngấm dần đến ngực, ông tỉnh giấc từ giấc mộng này, Bởi vậy cần hiến gà trống cho Asclepius vì sự biết ơn, rằng, ông đã thức tỉnh. Socrates yêu cầu hãy nhân danh ông tế con gà trống, bởi vì đấy là sự vật duy nhất ông muốn mang theo mình, thứ nằm trong mọi trạng thái của sự tồn tại, trong mọi thế giới có thể, trong vật chất ở đây, trong tinh thần ở kia, giữa các vị thần ở chỗ nào đó và trong cái bất biến vĩnh cửu, thứ duy nhất quan trọng: đấy là sự tỉnh táo của con gà trống.

Bởi vậy trên ngọn tháp chuông nhà thờ có con gà trống. Và kẻ, như đám tông đồ trên đỉnh núi Ôliu, ngủ, không chỉ buồn ngủ. Kẻ đó không biết và cũng không thấy gì hết. Mù lòa và vô thức; bởi vì tri thức – sự nhận thức – sự tỉnh táo liên hệ với nhau như tỉnh táo là điều kiện của mọi nhận biết và tri thức. Kẻ nào mù lòa và vô thức, kẻ đó phân vân, dao động, hèn nhát và phản bội. Mi sẽ bán đứng ta ba lần.

Kẻ mù lòa, vô thức và mê muội, và kẻ bị con quỷ của sự buồn ngủ đánh lừa, kẻ đó tưởng thời gian của nó chưa đến, cả cuộc đời của nó ngủ quên giữa những hình ảnh của các giác quan và sự tưởng tượng. Khả năng định mệnh của cuộc đời trần thế là con người ngủ ngon lành trong cuộc đời đó. Nếu như không có con gà trống, tất cả mọi người vẫn tiếp tục ngủ.

Tỉnh táo là sự nhậy cảm siêu hình của con người. Meta ta phüszika nghĩa của nó chỉ có ngần này: siêu nhiên. Sự nhậy cảm siêu nhiên, thứ nhìn và thấy và biết những gì giác quan không vươn tới được.

Kẻ tỉnh, là kẻ nhìn thấy vượt lên trên cả các hiện tượng của giác quan, của ý thức, của cảm xúc và của các đam mê. Dấu hiệu liên tục của Buddha: sự tỉnh táo hoàn toàn. Nhưng bản thân từ Buddha cũng có nghĩa là sự tỉnh táo tinh thần. Kẻ ngủ mơ đã tỉnh. Kẻ từ bỏ tất cả các dạng của nỗi buồn ngủ, không bao giờ ngủ tiếp trong các giác quan, các đam mê, các khát vọng và trong cả cái Tôi khóa kín.



3.



Ở Irán Avesta nói với thượng đế Mitra như sau: “Hỡi Đấng Mitra cao cả, vị thần nghìn tai nghìn mắt, người nhìn thấy thế gian vô tận từ muôn hướng, người, kẻ không bao giờ ngủ, kẻ thức tỉnh vĩnh viễn!” Mitra là mặt trời và ánh sáng; bởi vì cùng lúc, các vị thần mặt trời và ánh sáng đều là thần của sự tỉnh táo: Orizis, Apollon. Dấu hiệu quay lại của các vị thần tỉnh táo ở Irán: jogaurvah có nghĩa là sự thức tỉnh thường xuyên-ahvafna có nghĩa là sự mất ngủ.

Giấc mơ, hvafna, cùng một từ như tiếng Hy lạp hüpnosz, tiếng latin somnus, và sanscrit szvapna. Đều có nghĩa là giấc mơ, nhưng cùng lúc có nghĩa là hình ảnh giấc mơ và ảo ảnh tưởng tượng. Có sự gắn bó chặt chẽ với những hình ảnh mê hoặc của mája. Bởi vì Busjasta, con quỷ giống cái của sự mê ngủ không là ai khác ngoài hình ảnh của Kali Tăm tối (Ấn độ) và Âm (Trung quốc).

“Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại,” Avesta viết. “Các người hãy thấy bằng linh hồn của các ngươi!” Khi linh hồn rời khỏi trái đất, nó không mang theo gì ngoài sự tỉnh táo. Zarathusztra gọi cái thấy siêu nhiên là csisti và nói, đấy là quà của nữ thần cao quý nhất của bầu trời. Nếu csisti mạnh mẽ trong linh hồn, nó dễ dàng bước qua ngưỡng của đời sống. Tại sao? Bởi vì nó tỉnh. Và bởi vì nó tỉnh, nên bên trong nó có tri thức để nhìn thấy mọi hoàn cảnh và nhận biết mọi hoàn cảnh.

Cuốn Tử thư Tây tạng viết, khoảnh khắc của cái chết mở ra khả năng cho tất cả mọi người bước vào thiên đường cao nhất, với thời gian không nhiều hơn thời gian một kẻ ăn trưa. Một ánh sáng chói lòa tiếp nhận linh hồn di chuyển khiến nó choáng váng và rên rỉ. Nhưng thật thảm hại cho nó nếu nó run rẩy và bắt đầu sợ hãi! Thật thảm hại cho nó nếu nó không nhận ra, ánh sáng này không là gì khác, ngoài hình ảnh cổ thần thánh tỉnh táo của con người: sự Thức tỉnh vĩnh cửu.

Nếu nó chưa đủ tỉnh táo, nếu nó bắt đầu run sợ, co rúm lại, quay đi, hoặc rơi vào mơ muội, nó sẽ lầm lẫn. Không thể bước vào ánh sáng vĩnh cửu, vào sự Thức tỉnh thần thánh. Bởi vì: “Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại.” Linh hồn đờ đẫn, vô thức và hèn nhát rơi xuống, một lần nữa rơi vào vòng quay vô tận của những hình ảnh mộng. Sự tỉnh táo của con gà trống không đủ mạnh trong nó. Nó không thể thức tỉnh.

Ở Ai cập trên con đường âm thế linh hồn sẽ gặp gỡ các quái vật khủng khiếp và các vị thần mê ly đổi chỗ cho nhau. Kẻ nào không tỉnh sẽ sợ hãi trốn tránh trước quái vật và vui mừng với các vị thần. Linh hồn mê muội và vô thức không biết rằng ở âm thế ban đầu nó đi giữa những bóng ma mang hình ảnh của thế giới cảm xúc, ở đó nó vật vờ trong một thời gian vô hạn giữa những hình ảnh của trí tưởng tượng riêng của nó và những hình ảnh của giấc mộng, trong tiền sảnh đích thực của âm thế, giữa những cái bóng, ở Hádes, như người Hy lạp nói, hay ở Seol như người Hê ber nói.

Nó đau đớn vì bị cá sấu cấu xé và bản án âm thế treo trên đầu nó, đợi ném nó vào lửa. Nhưng kẻ nào tỉnh, sẽ quỳ xuống trước những hình ảnh đó và cầu nguyện: “Hỡi cá sấu vĩ đại, ta chính là ngươi! Ngươi Horus rạng ngời vĩ đại, ta là Horus!” Và kẻ nào nhận ra nó đang đi giữa các hình ảnh, kẻ đó sẽ đến Orizis, sẽ bước vào đất nước của ánh sáng. “Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại.”

Từ csisti có nghĩa là khả năng thấy. Những từ thấy này cần hiểu theo nghĩa bóng, giống như từ vidja trong nghĩa bóng là sự tỉnh táo, và sự tỉnh táo này trong nghĩa bóng là một khả năng, là sự nhậy cảm siêu hình. Spenta Mainju, tên gọi thường xuyên của đấng Đại Minh: ahvafna, sự tỉnh. Ở Irán là dấu hiệu của thần ánh sáng, ở Ấn độ là của Buddha và ở Judea là Zebaoth. Tất cả đều có nghĩa là sự tỉnh táo.

Linh hồn rời quả đất là chuẩn bị từ bỏ thế giới vật chất, và muốn bước sang thế giới tinh thần. Bước vào những thế giới cao hơn có thể tự do lựa chọn trong thời cổ cần đi qua chín cây cầu; nhưng tám cái bị gẫy, chỉ còn một cây cầu duy nhất Csinvat còn trụ lại. Khi linh hồn đến bên cầu Csinvat một cô gái cực kỳ đẹp đi từ xa đến. Cô gái đấy là daéna, không là ai khác ngoài một nửa của đôi lứa đích thực cái Tôi trần thế của con người, cái Tôi thượng đế.

Đặc tính cao nhất của cái Tôi trần thế là csisti, sự tỉnh táo. Và khi linh hồn nhìn thấy daéna, nó nhận ra, còn nó là sự tỉnh táo của cái Tôi thượng đế. Cô gái đẹp rực rỡ đó là sự tỉnh táo bất diệt. Cũng chính là nguồn ánh sáng mà cuốn Tử thư Tây tạng nói đến. Trong một khoảnh khắc trên cây cầu Csinvat sự tỉnh táo rực rỡ tỏa từ cái Tôi trần thế gặp gỡ sự tỉnh táo rạng rỡ tỏa từ cái Tôi thượng đế.



4.



Sau các tiên đề và các tương đồng, giờ đây ta có thể đi vào bản chất, có thể quay lại với kinh Veda và bắt đầu sự phân tích. Chương có liên quan của Veda là Isaupanisád.

Các trích đoạn sau đây là của chương này:

“Thế giới và tất cả những gì sống, đều chìm ngập trong sự tồn tại của thượng đế. Kẻ từ bỏ, niềm vui là của kẻ đó. Cái của người khác, hãy đừng mơ ước.

Hãy để cho đám đông rên rỉ, hãy để họ chúc tụng họ cuộc đời trăm tuổi. Bởi niềm vui đích thực là của ngươi. Đừng bám lấy niềm mong ước trần thế.

Những sức mạnh ma quỷ che đậy thế giới này và bóng tối mù lòa bao trùm lên: những kẻ mà linh hồn đã chết đều rơi xuống đây sau cái chết của họ.

Kẻ biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, duy trì các bộ phận của cái Tôi, của bản thân họ trong tất cả những gì sống, kẻ đó không bao giờ biết sợ hãi, không sợ cái chết và những cái khác nữa.

Bởi vì kẻ là cái Tôi của mọi thực thể sống, đã thức tỉnh; và nỗi buồn phiền và lo lắng đọng lại ở đâu, nếu mi thấy tất cả là MỘT?

Những kẻ vô thức vật vờ trong bóng tối mù lòa, nhưng những kẻ tích lũy kiến thức cho kiến thức còn vật vờ hơn trong bóng tối dày đặc hơn.

Con đường dẫn tới một nơi khác, khác nơi kiến thức hoặc vô kiến thức dẫn dắt. Những bậc thày lớn của thời cổ đã dạy như thế, những người mà lời dạy của họ còn để lại cho chúng ta. Kẻ nào có kiến thức hoặc vô kiến thức đều không đủ, và cần phải bước qua cái chết bằng cả hai nhận thức này, kẻ đó sẽ bất tử.

Kẻ bước vào màn đêm dày đặc là kẻ tin rằng nó biến thành hư vô; nhưng kẻ cho rằng nó sẽ trở thành một cái gì đó, kẻ đó còn bước vào một màn đêm dày đặc hơn.

Trở thành một cái gì là điều khác, khác với việc trở thành hư vô. Các bậc thày thời cổ đã dạy như thế, và để lại cho chúng ta một truyền thống.

Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”

Trước hết cần tách những phần phụ ra. Câu nói đầu tiên mang ý nghĩa thiền quán thông thường, và hai đoạn tiếp theo của câu đầu tiên đòi hỏi sự trong sạch của đạo đức. Linh hồn vấy bẩn vô ích thử thức tỉnh.

Phần thứ ba là một hình ảnh dẫn luận quan trọng: sự tăm tối của thế giới. Đây là sự tăm tối ta đã bàn lúc trước, nữ thần Kali, khí Âm, Mája. Bóng tối là nơi không ánh sáng. Ánh sáng là mặt trời, Ahura Mazda, khí dương, Orizis, Apollon, Brahman, thần của sự thức tỉnh. Linh hồn con người trong bóng tối thiu thiu một cách mù lòa và vô thức, giữa những ảo ảnh ma quái và những hiện tượng mê hoặc. Nhưng ác ảnh và mê hoặc đều là một: cả hai đều là biến hóa của mája (ảo ảnh).

Đây là một giai đoạn nguy hiểm, khi linh hồn con người có thể ngủ say hoàn toàn, và đánh mất sự tỉnh táo đến mức không bao giờ thức tỉnh được nữa. Câu này trong đoạn trích trên cần hiểu như vậy khi chúng ta đọc: “linh hồn của họ đã chết”.

Đây không phải cái chết vật lý, mà như các nhà huyền học gọi là cái chết thứ hai khi linh hồn trong cuốn Tử thư Ai cập viết: vật vờ vĩnh viễn giữa những ảo ảnh mộng, hoặc trong cuốn Tử thư Tây tạng viết: linh hồn rơi trở lại vòng quay vô tận của những hình ảnh mộng. Đấy là những kẻ mê muội dưới bùa mê của con quỷ Busjasta, và sống trong một tiềm thức: Hãy ngủ đi, ngủ đi, thời gian của mi chưa tới đâu. Thời gian của những kẻ như vậy không bao giờ tới.

Đấy là các tông đồ, những kẻ khi Chúa cầu nguyện, họ lăn ra ngủ. Những kẻ tưởng rằng dục vọng, nỗi đam mê, ý muốn, tư tưởng, khát vọng, thế giới giác quan của họ là hiện thực. Đây là trạng thái mà kinh Veda đã chỉ ra: avidja. Avidja không có nghĩa là mù lòa, vô thức mà có nghĩa là sự chìm đắm trong mê muội.

Một sự sống suy thoái. Một sự sống bị khóa, bị khép kín. Sự đờ đẫn. Avidja là mối tai họa nguy hiểm nhất tác động tới linh hồn: linh hồn vật vờ giữa những hình ảnh của nữ thần Busjasta tăm tối bỏ bùa mê và giữa những ảo ảnh nhầm lẫn, những thất bại riêng của nó, đến chừng sự tỉnh táo của nó cứ giảm dần, và sau cùng mất hẳn, nó ngủ yên hoàn toàn. Linh hồn nghẹt thở giữa những hình ảnh của chính nó.

Theo Veda avidja có ba mức độ: ngủ sâu, giấc ngủ không mơ, giấc mơ và trạng thái tỉnh.

Trong giấc ngủ sâu con người không thấy và không biết gì hết. Cuộc đời này đúng ra là một trạng thái suy thoái. Khi con người mơ, nó thấy nhưng không biết. Trạng thái này ở một mức độ cao hơn. Trong trạng thái tỉnh con người thấy, biết nhưng vẫn chưa tỉnh táo. Tỉnh táo chỉ ở dạng thứ tư (turijam).

Avidja là sự vô thức, đờ đẫn, buồn ngủ, là cuộc đời thoái hóa, là sự mù lòa: trong vật chất, trong cái Tôi trần thế và là trạng thái đờ đẫn ngất ngây trong các giác quan. Veda gọi trạng thái này là sự bị mê hoặc (maja). Linh hồn bị mê hoặc là kẻ tưởng thời gian của nó chưa đến. Nó coi các hình ảnh là hiện thực. Các hình ảnh là các cảnh tượng của thế giới giác quan, các cảm giác, các xúc cảm, các tư tưởng, các đam mê, các dục vọng, là sự khác nhau giữa thế giới bên ngoài và bên trong, là sự khác nhau giữa đời sống và sự sống, là sự khác nhau tồn tại trần thế và tồn tại tinh thần, là sự khác nhau giữa Tôi và Anh và Chúng ta.

Con người bị khóa trong sự mê hoặc này. Và trong sự cùm khóa một cách lưu đày này nó tưởng nó là cái Tôi, là cái cá nhân đặc biệt. Sự tồn tại mê muội này là Hades, một loại địa ngục. Ở giữa thế gian, như Orpheus nói, nữ thần Persephon, linh hồn, ngự trị, phủ voan đen, trên trán quấn một vòng hoa anh túc tượng trưng cho sự mê hoặc.

Heracleitos nói giữa những kẻ mê muội mỗi người có một thế giới riêng, còn những người tỉnh táo có một thế gian chung. Cái thế giới riêng đấy là cái Tôi. Cái Tôi có hình ảnh mộng riêng, có số phận cá nhân, có tư tưởng, hành động, quan niệm cá nhân. Kẻ nào ngủ càng say, càng chìm sâu vào sự đờ đẫn, kẻ đó càng tách biệt và đơn độc, càng cá nhân hóa và càng lập dị.

Trạng thái đặc thù của avidja coi thế giới cảm giác, những kinh nghiệm thu thập được là hiện thực; nó tưởng sự mê hoặc của thế giới vật chất là thực; nó không biết rằng cái nó tin là hiện thực chỉ là ảo ảnh giấc mơ bất thường của linh hồn bị mê hoặc.

Nó không bao giờ có thể thức tỉnh nữa, và luôn luôn nó tin rằng thời gian của nó chưa đến. Không bao giờ nó linh cảm rằng có siêu nhiên, meta ta phüszika có một cái gì đó, đôi khi nó vấp phải trong giấc mộng của nó, và đáng lẽ cần phải mở mắt ra, thì nó lại tiếp tục ngủ mơ về một cái gì đó: mục đích sống, lý tưởng, nỗi đam mê, danh vọng, luôn luôn có một cái gì đó kế tiếp từ cái Tôi, và là mục đích của cái Tôi.

Hiện thực thật sự chỉ được nó thấy như kẻ bị trói trước cửa ra của một cái hang, kẻ chỉ nhìn thấy những cái bóng chạy vụt qua. Và mức độ chìm đắm trong mê muội của nó phụ thuộc bởi ai coi những hình ảnh mộng là hiện thực đến mức nào; coi những thất bại và sự hào nhoáng là sự thật đến đâu; coi mơ hồ là trạng thái tỉnh táo đến mức nào. Cho đấy là sự thật đến mức nào những gì chỉ có trong cái Tôi: tư tưởng, cảm giác, quan điểm, lý thuyết, sự đánh giá. Càng kiêu ngạo, khinh người, tự phụ, tự tin, nghênh ngang, ích kỷ—càng mù lòa, vô thức, ảo tưởng, hão huyền, mơ hồ, càng đờ đẫn, thui chột và mê muội.



5.



Một khía cạnh khác của Isaupanisád cho rằng kiến thức không phải là sự tỉnh táo. Từ sanskrit kiến thức là vidnya. Vidnya không phải là vidja. Vidnya có nghĩa là kiến thức vật chất thu được. Trái ngược với avidnya, vô kiến thức. Bài kinh nói thế này: “Những kẻ vô thức vật vờ trong bóng tối mù lòa, nhưng những kẻ thu thập kiến thức cho kiến thức còn lần mò trong bóng đen dày đặc hơn.”

Vidny và avidnya, kiến thức duy lý và sự vô thức, hai dạng của sự mê muội, cả hai dạng đều vô dụng để con người có thể hiểu và nhìn thấy hiện thực. “Kiến thức và vô thức, cả hai đều không đủ.”

Những kẻ vô thức đi vào bóng tối mù lòa. Đúng hơn, họ đã ở đấy sẵn. Họ là những tông đồ đang ngủ. Họ là những kẻ tưởng thời gian của mình chưa tới. Nhưng với những kẻ này vẫn còn hy vọng. Họ có thể nhận được những cú giáng, có thể vấp ngã và mở mắt.

Nhưng những kẻ ở trong sự tăm tối nô lệ hơn, những kẻ thu thập kiến thức cho kiến thức. Đây là thứ kiến thức duy lý. Kiến thức duy lý là giấc ngủ nguy hiểm nhất. Chỉ tăng thêm số lượng vật chất của kiến thức, nhưng không nâng lên đến tầm chất lượng và sự tinh thông của nhận thức, đấy là khoa học (vidnya). Đấy không phải sự thức tỉnh, chính vì vậy vô nghĩa; vô ích và nguy hiểm. Đấy là loại kiến thức làm linh hồn còn đờ đẫn hơn so với khi ở trong vô thức.

Tiếp theo là bước đầu tiên, vidja—đi về phía sự tỉnh táo. Sau ba mức độ của sự đờ đẫn, ngủ say, giấc mộng và trạng thái tỉnh dậy sẽ đến mức độ thứ tư: turijam.

Mức độ thứ tư này là sự tỉnh táo. Đây là sự nhìn thấy một cách rõ ràng, toàn diện, khác hẳn với ba mức độ đầu tiên. Đây là “kẻ mơ thức giấc”, là buddha, là trạng thái bồ tát, ngộ. Đây là mahatma—linh hồn lớn—là trạng thái lớn nhất và cao nhất linh hồn có thể đạt được. Đây là cái nhìn đích thực, là kiến thức đích thực, không phải vidnya, thứ kiến thức vật chất và duy lý, mà là vidja, sự tỉnh táo.

Dấu hiệu đầu tiên của sự tỉnh táo là trong con người có một nghi ngờ mơ hồ thức tỉnh: là maja, là sự mê hoặc của giác quan. Mé on như Platón nói. Không hiện thực. Là sự mê hoặc của trạng thái đờ đẫn của thế giới cảm giác mà tất cả con người đều có chung. Người nào bắt đầu nhìn nhận vượt qua các cảm giác, meta ta phüsika, bắt đầu nhận ra một cái gì đó siêu nhiên. Liên hệ siêu hình là bến bờ đầu tiên của sự tỉnh táo.

Tiếp sau đó đến hai trạm quan trọng nữa, khi hình ảnh mộng cơ bản nhất, hình ảnh mộng về cái Tôi cá nhân bắt đầu tan rã.

Kinh Veda diễn tả hai trạm này như sau: etad vai tat và tat tvam assi. Câu đầu tiên có nghĩa là: điều này không khác điều kia; và câu sau là: đó chính là mi. “Kẻ biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, các bộ phận của cái Tôi, bản thân họ trong tất cả những gì sống.” Con người bắt đầu thấy và hiểu trên thế gian có những sự đồng nhất không thay đổi được. Điều này không là gì khác chính là mi. Sự đa dạng và đa tầng có thể kinh nghiệm được về mặt cảm giác cái Tôi cá nhân là một giấc mộng. Còn hiện thực không là gì khác ngoài chính bản thân mi. Kẻ nào từ bóng tối che phủ thế gian bước ra, kẻ đó nhận thức được sự đa dạng mê hoặc này.

Con người trong giây phút ấy không bao giờ còn là cái Tôi cá nhân nữa, mà là một cá nhân vũ trụ. Và cá nhân vũ trụ này không tồn tại trong cuộc sống nữa mà trong sự sống. Dấu hiệu nhận biết tồn tại trong sự sống này là khi coi thế gian: là MỘT. Hen pantn einai, như Heracleitos nói. Những kẻ đờ đẫn mê muội mỗi kẻ có một thế gian riêng, còn những người đã thức tỉnh chỉ có một thế gian chung.

Những kẻ mê muội luôn luôn ngủ ngon trong những cái Tôi riêng biệt, trong các đam mê, các khát vọng, các thế giới quan; còn những kẻ tỉnh sống trong cùng một thế giới hiện thực. Với các thực thể khác con người không còn thấy mình tách ra nữa: nó nhìn thấy mọi bản chất của thế giới trong bản thân nó, và trong mọi thực thể có bản thân nó—etad vai tat, Cái này không khác cái kia. Tất cả thực thể, con vật, cỏ cây, đá, đất, côn trùng, chim muông, người khác, mẹ, anh em, ma quỷ, thượng đế—đây là Tôi. Tat tvam asi . Đây là mi.

Tất nhiên đây không phải cái Tôi cá nhân mê muội (avidja), mà là cái Tôi thức tỉnh (vidja), kẻ biết tất cả điều này là maja—mé on, không hiện thực. Sự mê muội đờ đẫn tồn tại riêng biệt trong một cuộc sống bị khóa kín, còn sự tỉnh táo là sự sống mở, và mọi thực thể cùng nhau sống trong thế giới ấy. Kẻ nào thức tỉnh, kẻ đó bước ra khỏi đời sống bị khóa kín: mọi cánh cửa đột nhiên mở ra cho nó, mọi tri thức nó đều có thể đạt tới, như cảnh tượng biến thành cảnh thật. Đấy là ý nghĩa của kinh Veda.



6.



Ở châu Âu người ta tưởng rằng Veda dạy sự chuyển đổi là kiến thức. Niềm tin này ngu xuẩn và đơn điệu như nền khoa học được truyền bá. Không có kiến thức nào ở đây. Vidja không có nghĩa là kiến thức mà là sự tỉnh táo.

“Con đường đưa tới một nơi khác, khác kiến thức và vô kiến thức” – “Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.” – kiến thức không chuyển hóa được. Duy nhất chỉ có sự tỉnh táo. Bởi vì cái gì là sự chuyển hóa? Không là gì khác ngoài việc từ bỏ cái Tôi cá nhân để trở thành một cá nhân vũ trụ, phổ quát. Không là gì khác ngoài việc bước ra khỏi một đời sống khép kín và nâng mình lên sự sống mở. Không là gì khác ngoài sự tỉnh giấc bước ra khỏi sự đờ đẫn mê hoặc để ở trong hiện thực.

Bước cuối cùng quyết định để dẫn đến sự am hiểu về tỉnh táo như sau: từ khóa chốt của Veda là atman. Atman là linh hồn siêu đẳng đối lập với linh hồn cá nhân. Là cái Tôi thượng đế đối lập với cái Tôi con người trần tục. Đây là linh hồn và là Tôi, kẻ có mặt trong tất cả các thực thể, kẻ “cái này không khác gì cái kia”, kẻ “đây là mi”.

Đây là linh hồn – sự sống, là cái tôi – tinh thần bất tử, siêu đẳng, vượt qua khỏi ngưỡng bất tận của không gian và thời gian. Atman có quan hệ khăng khít với sự tỉnh táo, đến mức Veda không chỉ nói về sự Thức tỉnh trong một đoạn. Atman chính là sự tỉnh táo. Atman là một linh hồn thượng đế, không sinh ra và chết đi, mà có ở khắp mọi nơi, là linh hồn thấu suốt tất cả, bản thân nó là sự Thức tỉnh.

Và khi con người bước ra khỏi cái Tôi cá nhân bé nhỏ khép kín, để bắt đầu học cách thấy trong sự sống mở, sự chia sẻ này trong atman không bao giờ là sự gắng sức, hay là kết quả của học tập và sự chuyên cần chăm chỉ.

“Chỉ kẻ nào tự lựa chọn mình, kẻ ấy đạt đến,” Katha-upanisád nói. Không do bất kỳ thực hành khắc khổ, yoga, kiến thức, ý thức kỷ luật hoặc sự vô tội nào đạt đến. Sự tỉnh táo đồng nhất với atman, với linh hồn thượng đế, đấy là ân sủng của atman.

Sự tính táo chứa đựng đặc tính siêu hình – tôn giáo. Cùng với sự tỉnh táo con người đạt tới sự bất tử. Bởi vậy sự tỉnh táo là trạng thái tôn giáo. Sự tỉnh táo đồng nhất với tín hiệu cao cả nhất, thánh thiện nhất. Sự thánh thiện này tạo khả năng cho sự Thức tỉnh là tất cả, ở mọi nơi, vĩnh hằng. Sự tỉnh táo không phải kiến thức mà là sự nhậy cảm. Sự tỉnh táo là cường độ của sự sống, và là cường độ cao nhất.

Sự tỉnh táo có thể đạt tới của con người với sự thức tỉnh atman có quan hệ như ngọn lửa nến với tia chớp. Con người cùng lắm thức tỉnh với sức mạnh của ngọn lửa nến, còn atman thức tỉnh với sức mạnh của tia chớp. Sự tỉnh táo là sự xán lạn tuyệt đối của linh hồn.

Sự tỉnh táo hoàn thiện là một linh hồn hoàn thiện, là ánh sáng hoàn thiện: Apollón, Oziris, Brahman, Ahura Mazda. Linh hồn tự thân, vượt lên trên một đời sống, là sự nhạy cảm nhanh nhạy biến thành sự sống, cái nhìn thấy tất cả, biết tất cả, cảm thấy tất cả, trải qua tất cả, hoàn toàn tự do, hoàn toàn sáng sủa, đấy là: Bồ tát (Buddha), là sự thức tỉnh, là ngộ.

Bởi vậy Zarathustra đã nói sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại. Bởi vậy các vị thần mặt trời ở các dân tộc đều có nghĩa là sự tỉnh táo, và các vị thần này vì thế tỉnh táo vĩnh hằng, những kẻ không bao giờ ngủ như Zebaoth, Ahura Mazda, Brahman, Oziris, Apollón, không biết giấc ngủ là gì.

Sự tỉnh táo mang ý nghĩa tôn giáo, bởi liên quan không phải đến đời sống con người mà đến mọi khả năng của sự sống, hay đúng hơn đến toàn bộ sự sống. Sự tỉnh táo là bất tử, như là bản thân atman, linh hồn bất tử.

Linh hồn không mang sang thế giới bên kia được gì khác ngoài sự tỉnh táo. Sự tỉnh táo là cái mang nó đi, dẫn dắt, nâng nó lên đến sự thánh thiện. Linh hồn, nếu thức tỉnh, hay đúng hơn nếu nó đạt được sự nhậy cảm siêu nhiên, siêu hình, nó sẽ vượt qua cả sự nhận biết và kiến thức. Sự nhận thức, kiến thức hướng ra bên ngoài, còn sự tỉnh táo không có hướng: sự nhậy cảm hướng ra ngoài, hướng vào trong, lên trên, xuống dưới, đến tất cả các hiện tượng của đời sống và sự sống siêu việt.

Bởi vì linh hồn đã thức tỉnh, khi ngày càng nhạy cảm với cường độ mạnh hơn, sẽ ngày càng trở thành bản thân nó nhanh hơn, ngày càng xán lạn và tỉnh táo tự thân hơn. Ngày càng từ bỏ đời sống khép kín và đồng nhất với trạng thái atman thánh thiện trong sự sống mở hơn.

Bởi vậy Isa-upanisád nói, khi con người đã hoàn toàn thức tỉnh, khác như trở thành một cái gì đó, khác, như không trở thành một cái gì đó: “Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”

Sự sống không là gì khác ngoài sự nhạy cảm cao độ của linh hồn. Và sự sống này là hiện thực duy nhất; đấy là cái có thực; là to on, như Platón nói. Tất cả những hình ảnh mộng, sự huyễn hoặc, maja, mé on không hiện thực. Chỉ linh hồn là: có.

Nhưng không phải linh hồn cái Tôi cá nhân mê ngủ, mỗi linh hồn trong một nhà tù riêng của nó, hay thế giới riêng của nó, mà là linh hồn – atman, thứ đã thức tỉnh và thấy, để biết: chỉ có một thế giới chung mà thôi: đấy là vũ trụ vĩ đại chung, là linh hồn thượng đế siêu việt. Bởi vậy kinh Veda nói: sự chuyển hóa chính là sự Tỉnh táo.


Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
(Budapest.2011.06.18)

-----------------------
Source : http://damau.org

Hội Thảo An Ninh Biển Đông: Những Điểm Tranh Luận

Thứ Bảy, 25 tháng 6 2011
Hội Thảo An Ninh Biển Đông: Những Điểm Tranh Luận

Hội thảo về An ninh Hàng Hải ở Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington đã kết thúc hôm thứ Ba, 21 tháng Sáu. Trong phần trao đổi khá sôi nổi vào lúc cuối ngày, một số câu hỏi đã được nêu lên với các diễn giả chính, kể cả những thắc mắc về bản đồ hình chữ U, vẽ vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền; và vì sao Hà nội không phản đối Bắc Kinh hồi năm 1974, khi Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa sau một cuộc chiến ngắn với hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Hoài Hương | Washington DC



Hầu hết những người phát biểu, ngoại trừ các đại diện của Trung Quốc, đều cho rằng những lập luận được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông, không có tính thuyết phục.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Chính Trị Học tại trường Đại Học George Mason ở thủ đô Washington, nói đòi hỏi đó của Bắc Kinh là không có cơ sở.

GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Đó là đòi hỏi mà người ta cho là quá đáng, Trung Quốc nói đòi hỏi đó có cơ sở lịch sử, nhưng mà không ai chấp nhận cả! Không thuyết phục được ai cả, tại vì ông ấy vẽ cái đường lưỡi bò, đòi hết cả 80% biển Đông vì thế ông ấy bảo là các nước khác khiêu khích, chứ thực sự Việt Nam không có khiêu khích."


Bà Bonner Glaser là Giám đốc ban Trung Quốc Học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược Quốc tế: “Trung Quốc phải đáp ứng những quan tâm đã được nêu lên về tấm bản đồ 9 đoạn của họ.”

Về sự kiện Trung Quốc quy lỗi cho Việt Nam và Philippine là đã khởi động đợt leo thang căng thẳng kỳ này, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, sau khi cắt dây cáp các tàu dò tìm dầu khí Việt Nam.

Đả phá lập luận của báo chí Trung Quốc cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã khuấy động tình hình Biển Đông để đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi chú ý tới những vấn đề nội bộ, Tiến sĩ Thủy nói rằng chính Trung Quốc, bằng những hành động của mình, đã gây sự chú ý của dân chúng Việt Nam tới các vấn đề Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy nói thêm rằng hình ảnh của Trung Quốc dưới con mắt người Việt đã xấu đi đáng kể, và giữa hai nước giờ đây cạnh tranh đang tăng, trong khi hợp tác ngày càng giảm.

GS Ngô Vĩnh Long: “Trung Quốc sẽ ngày càng cường điệu vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề khác, đe dọa an ninh của vùng Đông Nam Á, thì thế giới phải có trách nhiệm nói ra cho mọi người biết. Một cường quốc lớn như Mỹ có trách nhiệm đối với an ninh của khu vực Đông Nam Á bởi vì, như Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói, đây là quyền lợi của Mỹ.”

Đó là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, giáo sư môn Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Maine, chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông-Á và Đông Nam Á.

Có mặt trong cử tọa, Tiến sĩ Trần Đình Hoành, luật sư tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư và di trú hành nghề ở Hoa Kỳ, bầy tỏ quan ngại về số phận của hàng ngàn ngư phủ Việt Nam, trong hai năm qua đã bị Trung Quốc bắt giữ và xách nhiễu. Ông kêu gọi Bắc Kinh hãy nghiêm túc xét việc hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mà nước này đã đơn phương áp đặt, từ tháng Năm cho tới tháng Tám năm nay.

Tiến sĩ Hoành: “Chúng ta phải hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá, không thể ban hành lệnh cấm đó để cho hàng trăm, hàng ngàn ngư dân không có khả năng kiếm sống trong 3 tháng trời. Họ đã bị bắt giữ, và liên tục bị quấy nhiễu trong suốt mấy năm qua.”

Tiến sĩ Hoành cho rằng không thể nói tới một giải pháp lâu dài trong khi nhiều người bị tác động hàng ngày vì chính sách của Trung Quốc.

Tiến sĩ Hoành: “Muốn đạt một giải pháp hòa bình, lệnh cấm đánh bắt cá phải bị hủy bỏ, bởi vì nó tác động đến quá nhiều người, khi nhiều người bị tác động như thế, thì quý vị phải hiểu là nó sẽ ãnh hưởng tới tư duy và chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam không thể khoanh tay đứng yên, không làm gì cả.”

Tiến sĩ Hoành nhắc tới cuộc chiến giữa Trung Quốc với hải quân Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974: “Năm 1974, một cuộc chiến đã xảy ra giữa Trung Quốc và quân đội miền Nam Việt Nam, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc đó Việt Nam còn bị chia đôi. Cuộc chiến đó khẳng định rõ rệt một điều, đó là Việt Nam chưa bao giờ nhượng lại quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc. Tôi muốn công khai nêu lên tại diễn đàn này sự kiện đó, bởi vì chúng ta chưa ai nhắc tới nó, và tôi muốn bảo đảm chúng ta hiểu rõ vấn đề.”

Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, xác nhận rằng hồi năm 1974, khi Trung Quốc chiếm phần phía nam quần đảo Hoàng Sa, Hà nội đã không lên tiếng phản đối.

GS Thayer: “Tôi có một bài viết đăng trong những năm 1990, trích lời người Việt Nam nói rằng chúng tôi không phản đối 'bởi vì kẻ thù lớn hơn của chúng tôi là đế quốc Mỹ, và vì thế chúng tôi không bình luận gì về vụ đó'; nhưng cũng vì thế mà người Trung Quốc bây giờ cứ mang điều đó ra mà khai thác.”

Về bức thư của ông Phạm văn Đồng, giáo sư Thayer nói ông đã xem qua tài liệu này, đoạn thư liên hệ chỉ có 3 câu, và chỉ để trả lời việc Trung Quốc nới rộng các vùng lãnh hải của họ ra ngoài phạm vi được quốc tế chấp nhận.

GS Thayer: “Điều duy nhất mà Việt Nam đã làm là ghi nhận chuyện Trung Quốc nới rộng phạm vi lãnh hải của họ. Thế thôi. Đó là theo tôi hiểu, từ lâu tôi không đọc lại tài liệu đó, báo chí Trung Quốc đã tung ra bức thư đó sau cuộc chiến tranh biên giới, nhưng nó không có dính dáng gì tới việc ủng hộ cái bản đồ chữ U (của Trung Quốc) bây giờ.”

Điểm này được Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích rõ hơn:

GS N.M.Hùng: “Ông ấy nói là ông Phạm văn Đồng viết cái công hàm, sau khi Trung Quốc nói là tôi có chủ quyền trên cái đảo đó, thì Việt Nam bảo tôi đồng ý với ông Chu Ân Lai, như vậy nhưng ông Việt Nam giải thích rằng ông chỉ đồng ý theo luật biển, mà luật biển là từ đảo ra chỉ có 12 hải lý thôi, chứ không phải nhận tất cả các đảo đó là của Trung Quốc.”

Một thành viên của một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách và chiến lược người Trung Quốc yêu cầu không nêu danh tính, bầy tỏ ý kiến như sau: “Trung Quốc có ý định tốt như bất kỳ quốc gia nào khác, tuy nhiên các cường quốc lớn, dù có ý tốt, có thể lâm vào tranh chấp vì một tính toán sai lầm, theo tôi, mở kênh thông tin để thảo luận với nhau là điều thiết yếu. Tôi nghĩ rằng chính phủ trung ương có thể đang cứu xét một thời điểm thuận tiện để có thể mở thảo luận.”

Bênh vực quan điểm của nhà nước Trung Quốc triệt để hơn là một nhân vật bị chất vấn nhiều nhất trong hội thảo 2 ngày, đó là Giáo sư Tô Hạo của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Nói chuyện với Ban Việt Ngữ Đài VOA, Tiến sĩ Tô Hạo nói vấn đề Biển Đông nên được giải quyết trong nội bộ các nước Á châu.

Ông cho rằng trong kỷ nguyên mới và một trật tự thế giới tương lai, Châu Á không còn phải nhắm mắt đi theo các giá trị Tây Phương, mà ông cho là không còn hợp thời trong thời hiện đại, khi mà Á Châu, và người dân khu vực có một thế đứng mới. Ông đề nghị một giải pháp toàn Á Châu, không có sự can thiệp của phương Tây, để giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông.




Hoai Huong - VOA
Cử tọa tham dự Hội Thảo An Ninh Hàng Hải Biển Đông tại trụ sở CSIS hôm 20 tháng Sáu, 2011

Nhưng Trung Quốc không phải là bên duy nhất bị chất vấn, một số người có mặt trong cử tọa đã nêu lên tính mơ hồ trong sách lược của Hoa Kỳ liên quan tới cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, một người Philippines phát biểu như sau: “Điểm tôi muốn nêu ra ở đây là liệu có tốt cho khu vực hay cho Hoa Kỳ hay không, khi mà Hoa Kỳ duy trì tính mập mờ về chiến lược như thế... Trong các vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế, chúng ta cần phải rõ rệt để mọi người biết rõ đường đi nước bước của chúng ta, cũng giống như khi lái xe, muốn quẹo trái, chúng ta phải bật đèn báo hiệu trước, quẹo phải cũng thế, không làm như thế thì tai nạn rất dễ xảy ra. Tôi tin rằng sẽ có lợi cho khu vực nếu tất cả các bên liên quan minh định vị thế của mình. Chỉ khi nào mọi sự đều rõ rệt thì mới có hy vọng ổn định và duy trì ổn định khu vực.”

Giáo sư Ian Story thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore góp ý: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Điều ông nêu lên rất đúng. Về mặt chiến lược, tôi tin rằng cần phải tránh sự mập mờ và Hoa Kỳ cần đưa ra quan điểm rõ rệt hơn về vị thế của Washington trong các vấn đề Biển Nam Trung Hoa, nếu không, như ông nói, tai nạn dễ xảy ra đưa đến những hiểu lầm, nhận thức sai lạc, rồi rốt cuộc, đến những tính toán sai lầm.”

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Ernest Bower, người dẫn chương trình tại hội thảo An Ninh Hàng Hải tại Biển Đông, cũng đồng quan điểm.

Ông Ernest Bower: “Tôi cũng đồng ý với điều đó. Sự minh bạch và cách ứng xử rõ rệt không những của Hoa Kỳ, mà của tất cả các bên liên quan là điều thiết yếu.”

Một số điểm tranh cãi khác gồm định nghĩa pháp lý của các từ được dùng, thế nào thì gọi là đảo, thế nào là bãi đá ngầm, đâu là thềm lục địa...vv, một người trong cử tọa nêu ý kiến: “Câu hỏi đặt ra là có thể làm chủ một thềm lục địa hay không, có thể nào sở hữu một thềm lục địa trong triều đại nhà Tống hay không? Tôi cho rằng điều rất quan trọng là khi nói tới các khái niệm, chúng ta phải rất rõ rệt, phải bảo đảm những khái niệm ấy thích hợp với thực tế tại hiện trường.”

Xem ra một giải pháp cho vấn đề Biển Đông vẫn còn rất xa vời, và cuộc hội thảo An ninh Biển Đông có thể là khởi điểm của một cuộc tranh luận, hy vọng dẫn tới một tiến trình vô cùng phức tạp để tìm một giải pháp không quân sự cho cuộc tranh chấp vẫn đang leo thang từng giờ.

Source : VOA

Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com, hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus.

Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/news/debate-on-south-china-sea-issues-csis-06-25-2011-124540784.html

TS Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (1)

Thứ Ba, 21 tháng 6 2011

Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc
Trần Vinh Dự


Diễn biến hòa bình (peaceful evolution) là một khái niệm độc đáo trong chính trị học của Việt Nam. Trang Báo Điện Tử của ĐCS Việt Nam có bài trích lược từ cuốn sách “Phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’ ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Trung tướng Lê Minh Vụ - Giám đốc Học viện Chính trị quân sự và Thiếu tướng Nguyễn Tiến Quốc đồng chủ biên. Bài báo này giải thích khá dài dòng về diễn biến hòa bình nhưng không đưa ra một định nghĩa thực sự cô đọng.

Diễn biến hòa bình là gì?

Theo cách giải thích của bài báo trên, có vẻ như diễn biến hòa bình được hiểu là các biện pháp phi bạo lực của nước ngoài sử dụng nhằm chống phá Đảng CS và nhà nước Việt Nam. Các biện pháp này trải rộng trên cả 4 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa/xã hội, và an ninh/quốc phòng.

Chính trị: các biện pháp nhằm mục tiêu gây khủng hoảng hệ thống chính trị.


Kinh tế: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách kinh tế; thúc đẩy chuyển hoá cơ cấu kinh tế, thành phần kinh tế, xâm nhập, chiếm lĩnh các địa bàn, các lĩnh vực kinh tế quan trọng.


Văn hóa/ xã hội: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách văn hoá - xã hội; thúc đẩy sự biến đổi chệch hướng giá trị văn hoá, đạo đức; biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp; lợi dụng các mâu thuẫn, khiếu kiện, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.


An ninh/quốc phòng: các biện pháp chống phá đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và công an nhân dân.


Gần đây khái niệm diễn biến hòa bình ít được nhắc đến ở Việt Nam. Một phần vì các nội hàm của nó ít nhiều bị thay đổi. Thí dụ vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xây dựng kinh tế thị trường hay vấn đề tây phương hóa các giá trị văn hóa/xã hội không còn bị coi là nặng nề nữa mà được thừa nhận nghiễm nhiên như là một quá trình tất yếu.

Thế nhưng gần đây mối đe dọa mang tên Trung Quốc khiến nhiều người bắt đầu lo ngại. Và mặc dầu tôi không mấy tin vào một phong trào diễn biến hòa bình chống Đảng CS và nhà nước Việt Nam mang tầm vóc thế giới như nhiều người Việt Nam tin tưởng hồi những thập kỷ trước, tôi tự đặt câu hỏi liệu khái niệm này có áp dụng cho cái cách mà Trung Quốc đang dùng để tấn công Việt Nam trong giai đoạn này hay không?

Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc

Đầu tiên phải kể đến là khái niệm “hòa bình” luôn được Trung Quốc lặp đi lặp lại trên tất cả các bài phát biểu quan trọng của quan chức ĐCS và nhà nước Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố "Trung Quốc luôn cam kết gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông" trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt (người dẫn đầu đội quân tiến vào Thiên An Môn hồi hơn 20 năm trước) thì nói Bắc Kinh “sẽ nỗ lực vì hoà bình, ổn định ở biển Đông”. Ở cấp cao hơn, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng tuyên bố “đưa quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở châu Á và trên thế giới” còn Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì từ năm 2004 đã rao giảng khắp thế giới về học thuyết “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) của Trung Quốc.

Trên thực tế, “trỗi dậy hòa bình” (hay sau này được gọi nhẹ đi là “phát triển hòa bình” – peaceful development) là học thuyết phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Nó cho rằng từ trước tới nay sự xuất hiện của một siêu cường mới thường dẫn tới những thay đổi lớn trong cấu trúc chính trị của thế giới, và thậm chí cả chiến tranh. Lý do là các siêu cường này thường lựa chọn con đường bành trướng bằng bạo lực và vì thế tự đưa mình đến chỗ thất bại. Học thuyết này cho rằng trong thế giới ngày nay, Trung Quốc cần phải phát triển một cách hòa bình và duy trì một môi trường quốc tế hòa bình.

Theo cách nói của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, sự trỗi dậy của Trung Quốc “sẽ không đem đến tổn thất cho bất kỳ quốc gia nào, và cũng không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.” Còn theo cách nói của Kenneth Lieberthal, giám đốc quan hệ Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton thì “chính sách này nhằm tạo ra ‘một môi trường cho phép tối đa hóa các cơ hội phát triển kinh tế của Trung Quốc’”.

Theo David Denoon, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và là giáo sư về chính trị Châu Á tại Đại học New York được Council for Foreign Relations trích dẫn lại hồi năm 2006, Trung Quốc đã thể hiện được kỹ năng ngoại giao thực sự trong giai đoạn cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000 qua việc hợp tác với ASEAN để giải quyết tranh chấp trên biển qua việc ký COC, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước Nam Mỹ và Phi Châu, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Pakistan và đạt được những tiến bộ lớn trong việc đàm phán với Nga và Ấn Độ. David Danoon cho rằng “Trung Quốc đã chuyển đổi từ chính sách cực kỳ hiếu chiến và bạo lực hồi năm 1970 và 1980 với việc sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự sang một con đường mới mang tính ngoại giao hơn nhiều vào những năm 90”.


SOURCE : VOA

( Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ )


Tìm bài viết này tại:
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/du/dien-bien-hoa-binh-06-21-2011-124299889.html