13/3/13

Hồng y Argentina trở thành Giáo hoàng


 
Cập nhật: 20:20 GMT - thứ tư, 13 tháng 3, 2013
 
  • Tân Giáo hoàng người Argentina, năm nay 76 tuổi, sẽ lấy hiệu Francis I

    Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio được đám đông chào mừng tại Quảng trường Thánh Peter sau khi được bầu làm tân Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo.
    Xuất hiện trên ban công nhìn xuống quảng trường, Ngài đề nghị mọi người hãy cầu nguyện cho Ngài. Những lời reo hò dội lên khi Ngài ra dấu ban phước.
    Là người Mỹ Latinh đầu tiên trở thành giáo hoàng, Ngài sẽ lấy danh hiệu là Francis I.
    Chừng một giờ đồng hồ trước đó, khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine, công bố tới toàn thế giới rằng các hồng y tụ họp bên trong đã bầu được tân Giáo hoàng để dẫn dắt Giáo hội Công giáo.
    Từng đám đông tại Quảng trường Thánh Peter hò reo và chuông đổ ồn ã khi làn khói trắng xuất hiện.
    Giáo hoàng Francis, năm nay 76 tuổi, lên thay thế Giáo hoàng Benedict XVI, người thoái vị hồi tháng trước với lý do Ngài thấy không còn đủ mạnh mẽ để dẫn dắt Giáo hội.
    Hồng y người Pháp Jean-Louis Tauran đã công bố kết quả bầu chọn bằng tiếng Latin "Annuntio vobis gaudium magnum. Habemus Papam", có nghĩa là "Tôi vô cùng vui mừng tuyên bố tới mọi người. Chúng ta có Giáo hoàng".

    'Món quà to lớn'

    "Habemus Papam Franciscum," là nội dung được tweet đầu tiên từ tài khoản của giáo hoàng @pontifex kể từ khi Đức Benedict thoái vị hồi tháng trước.
    Kết quả bầu chọn được đón chào với những tiếng vỗ tay vang trời tại thánh đường ở Buenos Aires, thành phố của tân Giáo hoàng.
    Trên khắp Mỹ Latin, người dân đón nhận tin với niềm vui sướng pha lẫn ngạc nhiên.
    "Đó là một món quà to lớn cho toàn thể Mỹ Latin. Chúng ta đã chờ đợi 20 thế kỷ. Thật là sự chờ đợi đáng giá," hãng tin AP trích lời Josse Antonio Cruz, một thầy dòng dòng Francis tại thủ đô San Juan của Puerto Rica nói.
    "Tất thảy mọi người, từ Canada cho tới Patagonia, đều đang cảm thấy được ban phước lành. Thật là một sự kiện đáng nhớ."
    Các phóng viên nói Ngài là một lựa chọn bất ngờ và không nằm trong nhóm nhỏ các gương mặt có nhiều triển vọng trước khi diễn ra việc bỏ phiếu.
    Nhiều quan sát viên cũng trông đợi là một giáo hoàng ở độ tuổi thấp hơn sẽ được bầu chọn.
    Tổng cộng 115 vị hồng y đã họp kín, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bên ngoài kể từ chiều hôm thứ Ba và đã tiến hành bốn phiên bỏ phiếu không có kết quả.
    Phải có ít nhất 77 vị hồng y, tức hai phần ba, cùng đồng ý bầu chọn một ứng viên thì người đó mới được bầu thành Giáo hoàng.
    Trước khi mật nghị bắt đầu, không có vị hồng y nào tỏ ra dẫn trước trong việc trở thành người thay thế cho Đức Benedict XVI.
    Từng đám đông mang theo ô dù đã tụ tập tại quảng trường, vẫy cờ của các quốc gia trên khắp thế giới.
    Sau khi danh tính vị tân Giáo hoàng được công bố, vị chủ chăn mới của Giáo hội Công giáo xuất hiện từ lối hành lang nhìn xuống quảng trường để có bài diễn thuyết đầu tiên.
    Ngài khi đó đã phải chấp nhận lời thỉnh cầu trở thành Giáo hoàng và các hồng y khi đó đã phải tuyên thệ trung thành với ngài, và sau đó Ngài sẽ rời đi để cầu nguyện một mình.
     
    Source : BBC

    12/3/13

    'Ba kịch bản chính trị Việt Nam'

    Cập nhật: 16:45 GMT - thứ hai, 11 tháng 3, 2013
    BMI nói kịch bản tốt nhất là Đảng Cộng sản dần chuyển sang tự do hóa chính trị

    Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện với một nhiệm vụ khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống độc đoán, giữa lúc áp lực đòi cải cách dân chủ đang ngày càng tăng cao.
    Đây là nhận xét của hãng tư vấn ở London, Business Monitor International ( Bấm BMI), được đưa ra trong Bấm bản phúc trình mới nhất, dự báo tình hình kinh doanh của Việt Nam trong thời gian từ nay tới 2022.
    Trong bản phúc trình mới nhất, công bố cho quý hai năm 2013, công ty độc lập chuyên thu thập và đánh giá rủi ro chính trị và kinh doanh có trụ sở tại London nói rằng về ngắn hạn, mức độ rủi ro chính trị của Việt Nam là tương đối thấp, nhưng về mặt dài hạn lại gây quan ngại.
    BMI đánh giá rằng câu hỏi lớn nhất mà chính trị Việt Nam đang gặp chính là những lời kêu gọi đòi phải dân chủ hóa, trong lúc về mặt chính sách ngoại giao thì việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh sẽ đẩy Việt Nam gắn bó hơn với nhóm các nước Á châu có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ.
    Theo cách tính toán xếp hạng của BMI, Việt Nam đạt 76,9, tức trên trung bình trong khu vực đối với mức rủi ro chính trị ngắn hạn (73,2), đứng thứ chín. Đứng đầu là Singapore (94,8), tiếp theo là Brunei Darussalam (90,6).

    BMI xếp hạng rủi ro chính trị dài hạn

    1. Nam Hàn 84,2
    2. Singapore 80,6
    3. Đài Loan 75,4
    4. Hong Kong 72,9
    5. Trung Quốc 67,4
    6. Malaysia 67,2
    7. Ấn Độ 65,7
    8. Brunei Darussalam 65,6
    9. Philippines 62,8
    10. Bangladesh 62,6
    11. Thái Lan 61,8
    12. Sri Lanka 60,2
    13. Indonesia 60,0
    14. Campuchia 58,9
    15. Việt Nam 57,7
    16. Bắc Hàn 55,2
    17. Papua New Guinea 54,8
    18. Pakistan 52,7
    19. Bhutan 51,0
    20. Lào 44,5
    21. Miến Điện 37,5
    Trung bình khu vực 62,6/toàn cầu 63,4/các thị trường đang nổi 59,8
    Tuy nhiên, ở phần xếp hạng độ rủi ro dài hạn, theo BMI, Việt Nam chỉ đạt 57,7, dưới mức trung bình (62,6) và đứng thứ 15 trên tổng số 21 quốc gia khu vực. Trong bảng này, Nam Hàn được cho là an toàn nhất, đạt 84,2 điểm, với Miến Điện đứng chót (37,5).
    BMI cũng đưa ra ba kịch bản cho khả năng thay đổi chính trị Việt Nam trong thời gian tới, gồm tình huống cơ bản, tình huống tốt nhất, và tình huống xấu nhất.

    Kịch bản một: Chế độ kỹ trị

    Theo kịch bản này, Đảng Cộng sản VN biến chuyển thành một chế độ kỹ trị, theo đó BMI dự đoán Đảng sẽ chuyển hướng để chính phủ nhắm vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và đảm bảo phân phối của cải một cách tương đối hợp lý cho toàn bộ dân chúng.
    Với hướng đi này, BMI nhận định nhiều thanh niên vào Đảng nhằm thăng tiến trong sự nghiệp và phục vụ đất nước chứ không phải vì lý tưởng cộng sản.
    Do vậy, BMI dự đoán các cải cách kinh tế sẽ được tiếp tục, bất chấp những lời chỉ trích từ các thành viên lớn tuổi, bảo thủ trong Đảng.
    Tuy nhiên, BMI đánh giá là trong kịch bản này, việc các nhà hoạt động đòi dân chủ và những người chỉ trích chính phủ có những giai đoạn bị đàn áp mạnh tay chính là chỉ dấu cho thấy việc tự do hóa chính trị vẫn là điều chưa được chấp nhận.

    Kịch bản hai: Từng bước tự do hóa chính trị

    Theo BMI, đây sẽ là tình huống tốt nhất, với việc Đảng Cộng sản áp dụng những chuyển biến nêu trong kịch bản một, đồng thời kết hợp với việc dần dần tiến tới tự do hóa chính trị, như mở rộng vai trò của Quốc hội, chấp nhận một cách dễ dàng hơn những ý kiến khác ở ngay trong cùng Đảng, tăng tính cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử, và cho truyền thông hoạt động cởi mở hơn.
    Theo kịch bản này, BMI cho rằng Việt Nam sẽ đi từ hệ thống độc đảng sang hệ thống một đảng nắm quyền chi phối tương tự như mô hình ở các nước láng giềng Campuchia, Malaysia và Singapore, nơi chỉ có đảng cầm quyền là có cơ hội thực sự để chiến thắng trong các kỳ bầu cử.
    Hiện đang có nhiều kêu gọi phải sửa đổi điều 4 Hiến pháp, qua đó thách thức sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản
    Nếu nhìn xa hơn, thì những gì đã xảy ra ở Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản cho thấy mô hình hệ thống một đảng nắm quyền chi phối rốt cuộc cũng sẽ mở đường cho phe đối lập. Tuy nhiên, BMI nhận định trong trường hợp Việt Nam thì con đường này có lẽ chỉ xảy ra sau hơn một thập niên nữa.

    Kịch bản ba: Bạo loạn và đàn áp bạo lực

    Là khả năng xấu nhất, với những bước đi sai lầm nghiêm trọng về mặt chính sách, dẫn tới một giai đoạn biến động kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lạm phát chóng mặt khiến mức độ sung túc bị xói mòn, theo BMI.
    Tình hình này sẽ thúc đẩy mạnh việc thay đổi thể chế, nhưng BMI đánh giá rằng trước các cuộc biểu tình rộng khắp trên đường phố và sự thách thức toàn diện về cơ chế độc đảng lãnh đạo, một bộ phận trong Đảng sẽ ủng hộ việc dùng các lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình để tiếp tục níu giữ quyền lực.
    Tuy nhiên, theo BMI, việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình đường phố như từng xảy ra Bấm tại Bắc Kinh hồi 1989 hay tại Miến Điện hồi 2007 sẽ dễ khiến nhiều người thiệt mạng, và dẫn tới việc bị cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt.
    Mà nếu vậy, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đương đầu với không chỉ tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao mà còn bị suy yếu kinh tế do ảnh hưởng tới việc xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài, BMI đánh giá.
     
    Source : BBC
     

    11/3/13

    Tố Hữu có đạo thơ của George Orwell ?

    Tháng 3 9, 2013
    Phạm Vũ Lửa Hạ

    procontra – Việc tác phẩm Animal Farm của George Orwell vừa được chính thức phát hành bằng tiếng Việt chắc chắn là sự kiện văn hóa chính trị nổi bật trong năm 2013 này. Sách do NXB Hội Nhà văn, Nhã Nam và Nhà sách Phương Nam cộng tác xuất bản, 161 trang, giá 52.000 VNĐ. Bản dịch của An Lý mang tên Chuyện ở nông trại.

    pro&contra bắt đầu mở chuyên đề về George Orwell và Trại súc vật từ hôm nay. Xin đăng lại bài viết “Tố Hữu có đạo thơ của George Orwell?” từ blog Lên Đông xuống Đoài của Phạm Vũ Lửa Hạ.

    ______________

    Chuyện ở nông trại (nguyên tác: Animal Farm; tác giả: George Orwell) đang gây xôn xao ở nhiều diễn đàn. Bản dịch mới phát hành này được một số bạn khen là có chất lượng. Bản dịch này được xem là rất uyển chuyển trong tiếng Việt. Ví dụ, trong bài tụng ca Đồng chí Nã Phá Luân (Napoleon), câu “Yes, his first squeak should be” đã được bản địa hóa thành ”Tiếng đầu con éc trên môi“. Chuẩn! (Trong bản dịch Muông cầm trại của Hà Minh Thọ, ấn hành ở Đông Âu cả chục năm trước, câu này được dịch là ”Tiếng đầu lòng cháu éc“.)

    Chợt giật mình nhớ tới câu thơ của Tố Hữu: “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!“. Rất có thể, cũng như bao thế hệ học sinh Việt Nam không tài nào thoát được những vần thơ cách mạng của ông Lành, dịch giả chịu ảnh hưởng lớn của thơ Tố Hữu. Trong một bản dịch khác đã phổ biến từ lâu trên mạng (Trại súc vật, Phạm Minh Ngọc dịch), lời dịch bài thơ này cũng mang âm hưởng thơ Tố Hữu, ví dụ “Tên cha tên mẹ tên chồng” (xem thêm ở trích dẫn dưới đây).

    Song, đọc kỹ lại bài “Comrade Napoleon” trong tác phẩm của George Orwell và bài “Đời đời nhớ Ông” của Tố Hữu thì thấy có nhiều điểm tương đồng về ý tứ và nhịp điệu. Animal Farm xuất bản lần đầu ở Anh năm 1945. Bài thơ của Tố Hữu sáng tác năm 1953. Mời bà con đối chiếu (nhất là những chỗ tô màu giống nhau) để tự ngẫm xem có chuyện Tố Hữu đạo thơ của George Orwell hay không. Do chưa có điều kiện tiếp cận bản dịch Chuyện ở nông trại, nên ở đây xin trích bản dịch của Phạm Minh Ngọc. (Dịch giả cho biết lời thơ được phóng tác, chứ không bám sát câu chữ.)

    Công bằng mà nói, chắc khó có chuyện Tố Hữu (hẳn lúc đó đang ở chiến khu Việt Bắc) được đọc Animal Farm.  Có chăng, George Orwell đã quá tài tình khi tiên liệu và nhại được văn phong cúng cụ của văn nghệ sĩ cộng sản.

    Cập nhật ngày 4/3/2013: Một bạn đọc mới chép giùm bài tiếng Việt trong bản dịch Chuyện ở nông trại.

    *

    1. Nguyên bản tiếng Anh bài thơ “Comrade Napoleon“ trong Animal Farm của George Orwell

    Comrade Napoleon



    Friend of the fatherless!
     Fountain of happiness!
     Lord of the swill-bucket!

    Oh, how my soul is on
     Fire when I gaze at thy
     Calm and commanding eye,
     Like the sun in the sky,
     Comrade Napoleon!

    Thou art the giver of
     All that thy creatures love,
     Full belly twice a day, clean straw to roll upon;
     Every beast great or small
     Sleeps at peace in his stall,
     Thou watchest over all,
     Comrade Napoleon!

    Had I a sucking-pig,
     Ere he had grown as big
     Even as a pint bottle or as a rolling-pin,
     He should have learned to be
     Faithful and true to thee,
     Yes, his first squeak should be
     ‘Comrade Napoleon!’

    2. Bản dịch của Phạm Minh Ngọc trong Trại súc vật, 2004

    Đồng chí Napoleon



    Người là cha của những đứa trẻ mồ côi,
     Là suối nguồn hạnh phúc muôn đời,
     Là vầng thái dương chiếu sáng bầu trời.
     Ánh mắt người ấm mãi lòng tôi.

    Đồng chí Napoleon!
     Người cho tôi bữa ăn lúc đói lòng.
     Người cho tôi nệm rơm ấm mùa đông.
     Người ngồi canh,
     Cho bầy con giấc ngủ yên lành.

    Con ơi!
     Hạnh phúc muôn đời,
     Là nhờ Đồng chí Napoleon.
     Tên cha tên mẹ tên chồng,
     Con có thể quên.
     Nhưng tên người,
     Vầng thái dương chiếu sáng đời đời
     Con phải nhớ mãi không thôi:
     Napoleon, Napoleon, người ơi!

    3. Bản dịch của An Lý trong Chuyện ở nông trại, 2013

    Đồng chí Nã Phá Luân ôi!
     Người là hạnh phúc trên đời chẳng sai!
     Người là bạn kẻ mồ côi
     Người ban cám bã ở nơi máng thùng
     Hồn tôi thiêu đốt bừng bừng
     Khi tôi nhìn sững vào trong mắt người
     Uy nghiêm mà vẫn thảnh thơi
     Như vầng dương đó trên trời bao la!

    Người là đấng vẫn ban quà
     Mà súc sinh cứ mãi là mong thôi:
     Ngày ăn hai bữa rốn lồi
     Đi nằm thì có rơm tươi rúc vào!
     Trẻ già lớn bé thế nào
     Vào chuồng yên ấm chiêm bao giấc nồng
     Nã Phá Luân chẳng mơ mòng
     Đồng chí thao thức giắng trông muôn loài

    Con tôi lợn sữa thơ ngây
     Còn bú chán mới đến ngày bằng ai
     Dẫu còn nhỏ tựa cái chai
     Hay chày lăn bột quẳng nơi xó nhà
     Với Người, con học thật thà
     Một lòng tin tưởng bao giờ cho nguôi!
     Tiếng đầu con éc trên môi:
     “Nã Phá Luân!” Chính tên người chứ ai!

    4. Bài thơ của Tố Hữu

    Đời đời nhớ Ông



    Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

    Ông Stalin bên cạnh nhi đồng

    Áo Ông trắng giữa mây hồng

    Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

    Stalin! Stalin!

    Yêu biết mấy, nghe con tập nói

    Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

    Hôm qua loa gọi ngoài đồng

    Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao

    Làng trên xóm dưới xôn xao

    Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!

    Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!

    Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?

    Thương cha, thương mẹ, thương chồng

    Thương mình thương một, thương Ông thương mười

    Yêu con yêu nước yêu nòi

    Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!

    Ngày xưa khô héo quạnh hiu

    Có người mới có ít nhiều vui tươi

    Ngày xưa đói rách tơi bời

    Có người mới có được nồi cơm no

    Ngày xưa cùm kẹp dày vò

    Có người mới có tự do tháng ngày

    Ngày mai dân có ruộng cày

    Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai

    Ơn này nhớ để hai vai

    Một vai ơn Bác một vai ơn Người

    Con còn bé dại con ơi

    Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!

    Thương Ông mẹ nguyện trong lòng

    Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con

    Ông dù đã khuất không còn

    Chân Ông còn mãi dấu son trên đường

    Trên đường quê sáng tinh sương

    Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng

    Ngàn tay trắng những băng tang

    Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

    Nguồn: Phạm Vũ Lửa Hạ, 03-3-2013
                 Pro&contra

    10/3/13

    Nguyễn Trung - Đừng bỏ lỡ cơ hội xây dựng Hiến pháp mới



    Nguyễn Trung 


              Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 (xin gọi tắt là HP cũ) có 147 điều.  Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (xin gọi tắt là Dự thảo) do Quốc hội đưa ra cho cả nước thảo luận đã sửa đổi và bổ sung, viết lại thành 124 điều. Có tới khoảng 140/147 điều của HP cũ đã được Dự thảo sửa đổi. Tổng cộng Dự thảo đã đưa ra khoảng 150 chỗ sửa đổi, bổ sung hay viết lại. Riêng việc phân loại để đếm cho thật chính xác số lượng các chỗ sửa đổi, bổ sung hay viết lại này đã rất khó khăn. Bởi vì có những điều của HP được sửa lại 2 hay 3 chỗ ngay trong một điều; mặt khác có một số điều của HP được gộp lại làm một thì không biết nên tính là một hay nhiều chỗ được sửa đổi? Vân vân…


              Tuy nhiên, Dự thảo vẫn là HP gần như cũ cả về tinh thần và nội dung. Bởi vì những sửa đổi, bổ sung hay viết lại của Dự thảo về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị nói chung và hệ thống nhà nước nói riêng như hiện nay, với đặc điểm nổi bật là được “đảng hóa” toàn diện. Từ nội dung đến cấu trúc các điều của Dự thảo đều toát lên tinh thần này, rõ nhất là:

    -         trên thực tế vai trò Đảng vẫn được xác lập là đứng trên Hiến pháp;

    -         nhân danh quyền lực là thống nhất bác bỏ việc phân quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền; đặc biệt là phân quyền giữa lập pháp và hành pháp còn nhiều chỗ không rõ – trong đó có vấn đề coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội (điều 99) là không hợp lý – , quyền tư pháp hoàn toàn mờ nhạt và hầu như không có khả năng bảo vệ và kiểm soát việc thực thi Hiến pháp;

    -         tiếp tục thâu tóm mọi quyền của dân và mọi hoạt động của đời sống đất nước vào hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước được “đảng hóa” trong một khụng khổ chung “đảng + chính quyền + mặt trận”, do Đảng chi phối toàn bộ về nhân sự và các quyết định quan trọng ở mọi cấp;

    -         chủ quyền tối cao đối với toàn bộ đời sống đất nước thuộc về nhân dân chỉ được xác nhận một cách hình thức ở câu văn, nhưng trên thực tế là vẫn tiếp tục bị giới hạn hoặc loại bỏ do duy trì 3 đặc điểm nêu bên trên;

    -         có một số bổ sung mới có ý nghĩa tích cực về quyền công dân và quyền con người, nhưng lại được khóa bằng “nghĩa vụ” và bằng mệnh đề các quyền này phải “thực hiện theo quy định của pháp luật”, thậm chí tính pháp quyền bị xóa bỏ bằng việc đưa vào Dự thảo “nguyên tắc tập trung dân chủ” của riêng ĐCSVN;

    -         điểm sửa đổi quan trọng nhất là điều 4 (về ĐCSVN) được viết lại và bổ sung thêm khoản “2.” và “khoản 3”; nhưng cả 2 khoản này hoặc là không khả thi, hoặc là không có nội dung nếu như giữ nguyên hệ thống chính trị (bao gồm cả hệ thống nhà nước, mặt trận) được “đảng hóa” như đã phân tích trên;

    -         Dự thảo vẫn giữ nguyên “đất đai thuộc sử hữu toàn dân”;

    -         Lời nói đầu và nội dung một số điều trong Dự thảo – nhất là điểu 4 được viết lại – trên thực tế vẫn là áp đặt ý thức hệ, quan điểm và sự lãnh đạo của Đảng lên trên chủ quyền của nhân dân, không thích hợp với tinh thần nhà nước của dân, do dân, vì dân; 

    -         vân vân…

    Riêng về mặt kỹ thuật, HP cũ được sửa đổi, bổ sung hay viết lại khoảng 150 chỗ, dấn đến hệ quả:

    -         Dự thảo là một văn kiện hiến pháp chắp vá, nhiều chỗ quá chi tiết, nhưng lại sót nhiều vấn đề quan trọng (vì không xuất phát từ quan điểm chủ quyền của nhân dân là tối thượng, vì nhân danh quyền lực nhà nước là thống nhất nên không chấp nhận phân quyền và kiểm soát quyền, quyền tư pháp rất mơ hồ, vân vân…)

    -         có nhiều chỗ là văn nghị quyết – ngay từ lời nói đầu; có nhiều điều mang cách hành văn không thống nhất là dạng văn kiện hiến pháp;

    -         có nhiều chỗ quá chi tiết nên không còn mang tính chất hiến pháp với tính cách là đạo luật gốc – mà lấn sang lĩnh vực của các luật cụ thể dưới hiến pháp, hoặc thuộc lĩnh vực các chủ trương chính sách;

    -         ngay cả quy định chỉ được góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua và do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố rõ ràng là đã giới hạn phạm vi góp ý kiến của nhân dân; cách làm như vậy trực tiếp vi phạm nguyên tắc chủ quyền của nhân dân là tối thượng đối với mọi vấn đề của đất nước.

    -         vân vân…

    Thiết nghĩ, với tính cách là đạo luật gốc, Hiến pháp cần thể hiện được: (a)ý chí của nhân dân, của quốc gia (lời nói đầu); (b)hình thành một thể chế cho sự vận hành đất nước;  (c)dễ thực thi cho người dân với nghĩa là rõ ràng và dễ hiểu trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; dễ thực thi đối với hệ thống nhà nước với nghĩa là có sự ràng buộc trách nhiệm rành mạch và tạo được nền tảng cho việc điều hành đất nước cũng như việc ban bố các luật và chính sách… Vì thế Hiến pháp mới nên viết gọn lại và giảm bớt những điều thuộc phạm vi luật hay chính sách.

    II

              Có những vấn đề hệ trọng sẽ phải đưa vào Hiến pháp, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên trực tiếp tổ chức các diễn đàn thảo luận khoa học và công khai trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao hiểu biết và tạo được đồng thuận lớn nhất trong nhân dân. Mặt khác, nên lấy danh nghĩa Quốc hội giao cho một nhóm trí thức có uy tín và được chọn lọc xây dựng một dự thảo Hiến pháp tối ưu cho đất nước để trình nhân dân phúc quyết. Việc làm này là cần thiết ngay cả đối với những người giữ trọng trách trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước từ cấp cao nhất trở xuống. Hoạt động của những diễn đàn này cũng là cách để nâng cao hiểu biết của toàn thể nhân dân, nhất là ngay trong hàng ngũ gần 4 triệu đảng viên. 

    Đừng xây dựng hiến pháp theo kiểu lấy ý kiến đại trà như một phong trào. Lừa mỵ, áp đặt hay trấn áp… không phải là các biện pháp thích hợp. Lấy ý kiến xây dựng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như đang làm là khoét sâu thêm chia rẽ dân tộc, phơi bẩy rõ hơn nữa bản chất của bộ máy chính trị, và hệ quả là đẩy nhân dân ra xa nữa về phía đối nghịch đối với ĐCSVN.

    Quyền phúc quyết của nhân dân cần được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở học hỏi, trao đổi, thuyết phục, đồng thuận nhờ vào kết quả nâng cao dân trí của những diễn đàn khoa học và công khai trong cả nước như kiến nghị bên trên. Xây dựng Hiến pháp cần phải là một quá trình tăng cường đoàn kết dân tộc trên cơ sở mở rộng dân chủ và nâng cao dân trí. Sau này bản thân Hiến pháp phải trở thành nền tảng vững chắc cho đoàn kết dân tộc.

    Trong tình hình hiện tại của hệ thống chính trị nước ta, tối ưu nhất là nên lựa chọn phương châm đầu xuôi đuôi lọt để tìm đường xây dựng Hiến pháp mới và thay đổi đất nước. Cách tốt nhất là nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, Bộ Chính trị chủ xướng và phát động tinh thần Diên Hồng. Bộ Chính trị nên mời các trí thức có uy tín hình thành một số diễn đàn khoa học và công khai nêu trên cho những vấn đề hệ trọng của đất nước để tạo sự đồng thuận tốt nhất có thể trong Hiến pháp mới. Đồng thời phát huy dân chủ để nhân dân tự triển khai những diễn đàn như thế ở mọi nơi. Tất cả những diễn đàn này hoạt động với với tinh thần xây dựng và hiến kế: Chắt lọc mọi điều tốt nhất cho sự lựa chọn tối ưu của nhân dân đối với những vấn đề sinh tử của quốc gia và việc xây dựng Hiến pháp.

    Những diễn đàn này cần nhìn thẳng vào sự thật, dựa trên sự thật và những quan điểm khoa học tiên tiến nhất, nhưng tuyệt đối không được phép là chỗ chỉ trích, bới móc hay đả kích lẫn nhau. 

    Nếu Bộ Chính trị vì nước và vì Đảng thì nhất thiết cần làm như vậy. Không làm như vậy, đồng nghĩa là không vì nước và cũng không vì Đảng!

    Về vấn đề bô-xít Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã phải có một quyết định riêng trong cuộc họp ngày 16-04-2009 và cuối cùng đã ra một thông báo công khai cho cả nước mang số 245 – TB/TƯ ngày 24-04-2009 về chủ trương khai thác thí điểm bô-xít Tây Nguyên. (Tiếc rằng quyết định này của Bộ Chính trị vẫn là cho khai thác thí điểm, chứ không phải là đình chỉ hẳn để xem xét tiếp). Vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên dù hệ trọng đến sinh tồn của quốc gia như thế nào đi nữa, cũng không thể so sánh với việc sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới. Chẳng lẽ không đáng để Bộ Chính trị có một quyết định chính thức và công khai như thế cho toàn Đảng và cả nước về việc hình thành cuộc thảo luận xây dựng và hiến kế cho đất nước trong việc sửa đổi/xây dựng hiến pháp mới?

    Mọi cách làm trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này nếu chỉ nhằm quy kết hoặc khép tội những “ý kiến khác” như đang diễn ra trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và qua mọi hoạt động trong xã hội do bộ máy chính trị của đất nước đang tiến hành, cho thấy: Bộ Chính trị trong thâm tâm vẫn kiên quyết giữ nguyên hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước như hiện tại. Làm như thế, hiển nhiên sẽ chỉ tiếp tục xô đẩy đất nước đi sâu thêm vào con đường của thảm họa.

    Nhưng nếu Bộ Chính trị quyết tâm thay đổi đất nước, thì cơ hội và mọi điều kiện cho mục đích thay đổi này đều trong tầm tay, bắt đầu từ xây dựng Hiến pháp mới. Tình hình hoàn toàn cho phép Bộ Chính trị chủ động tiến hành cải cách chính trị thành công, với sự hậu thuẫn không gì lay chuyển nổi của toàn dân tộc.

    Thực tế vừa trình bầy trên cho thấy: Hệ lụy hay kết quả đối với đất nước của việc sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào cái tâm của Bộ Chính trị. Vì vậy, Bộ Chính trị sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên và duy nhất trước nhân dân và trước Đảng về những gì sẽ đến.

              Những thông tin được loan tải trên phương tiện thông tin đại chúng “lề phải” cho thấy những vấn đề đang bị trấn áp bằng những lý lẽ đao to búa lớn[1] đúng là những vấn đề hệ trọng bậc nhất phải tìm ra sự lựa chọn tối ưu cho đất nước. Thảo luận một cách chụp mũ trên những diễn đàn “đơn phương” như đang diễn ra – nghĩa là không có người đối thoại với đúng nghĩa – rõ ràng chỉ là sự đả kích theo kiểu cả vú lấp miệng em.  

    Đối thoại theo kiều đơn phương và quy chụp như thế làm sao có thể phát huy trí tuệ và tâm huyết cả nước cho việc tạo ra đồng thuận lớn nhất của nhân dân về những vấn đề trọng đại của đất nước cũng như về Hiến pháp?

              Những vấn đề về “điều 4”, về chế độ chính trị và về phân quyền trong hệ thống nhà nước, về quân đội trung thành với ai, về các quyền tự do dân chủ của nhân dân, về quyền con người, vấn đề đất đai… là những vấn đề nổi bật nhất trên các diễn đàn đơn phương này. Xin dành việc thảo luận những vấn đề trọng đại này cho các diễn đàn thảo luận khoa học và công khai, với tinh thần xây dựng và hiến kế, mà tôi rất thiết tha mong Bộ Chính trị chủ xướng. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nêu lên một nhận xét chung là: Các lập luận của “lề phải” trên các diễn đàn đơn phương về những vấn đề trọng đại này ngoài sự bám víu vào quá khứ lịch sử để biện hộ, có quá nhiều chỗ ngụy biện, không có lý lẽ thuyết phục, lạc lõng với cuộc sống hiện tại, làm ngơ trước tình trạng tha hóa trầm trọng hiện nay của Đảng và của toàn bộ hệ thống chính trị, không thấy những thách thức mới nguy hiểm của đất nước, thiếu trí tuệ và kiến thức mới.

              Hệ thống chính trị đa đảng là một tất yếu trong hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ. Dự thảo đã dứt khoát phủ nhận. Nhưng Kiến nghị 72 đã thẳng thắn đối mặt với đòi hỏi khách quan này bằng đề nghị cụ thể. Thiết nghĩ, Việt Nam là nước đi sau, có thể và cần vận dụng những kinh nghiệm của các nước đi trước. Cần đem hết trí tuệ ra cân nhắc nên tiếp thu những kiến thức gì của văn minh nhân loại để tránh được thứ hệ thống chính trị đa đảng theo kiểu “dân chủ bầy đàn” luôn luôn chứa đựng những nguy cơ hỗn loạn. Cần xắp xếp tiến trình các bước đi chuyển sang thể chế pháp quyền dân chủ như thế nào để có được một nền dân chủ của học hỏi? Vân… vân… Những vấn đề này không dễ. Tìm ra những câu trả lời và quyết định thích hợp cho nước ta phải là sản phẩm của trí tuệ và là một trong những công  việc hệ trọng của các diễn đàn khoa học và xây dựng như đã kiến nghị bên trên.

    III   

    Trước sau tôi vẫn kiên định một suy nghĩ: Sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này không gắn với cải cách thể chế chính trị sẽ là một việc làm chẳng những vô nghĩa mà còn nguy hại cho đất nước.

    Về phần mình, làm nghĩa vụ công dân của mình, tôi vẫn xin nhắc lại quan điểm đã nêu trong thư ngỏ ngày 19-02-2013: Tối ưu đối với đất nước là nên coi việc sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới lần này là một cơ hội tự nhiên  để thay đổi hệ thống chính trị và thay đồi việc xây dựng Đảng cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thật lòng tôi muốn nói tới mức đây là một cơ hội gần như là trời cho, vì thế trong thư này tôi đã mạnh dạn kiến nghị một số ý tưởng phác thảo như một kế sách nắm lấy cơ hội này.

    Thực ra trong bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính trị đã nêu ra đòi hỏi bức thiết phải có sự thay đổi này[2]. Nhiều ý kiến quan trọng rất xây dựng của “lề trái” (tôi xin lỗi sử dụng khái niệm này chỉ vì sự thuận tiện) đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm nay đồng nhất một cách kỳ lạ với những ý kiến của giáo sư Phan Đình Diệu trước đây đã nêu lên tại cuộc họp của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12-03-1992 bàn về xây dựng Hiến pháp năm 1992!..

    Tôi cứ tự hỏi mình, nếu các ý kiến của giáo sư Phan Đình Diệu ngày 12-03-1992, và nếu bức thư ngày 09-08-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được chấp nhận, hôm nay, đất nước ta chắc sẽ không như thế này? Tôi lại nhớ đến hàng nghìn ý kiến tâm huyết của nhân dân và đảng viên góp ý cho Đại hội X, Đại hội XI… Bây giờ trong tôi cũng đang nóng rát câu hỏi: Nếu các ý kiến phản biện về bô-xít Tây Nguyên được lắng nghe, kinh tế đất nước hôm nay sẽ bớt đi được gánh nặng gì?.. Tại sao lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cho đất nước ta thập kỷ này qua thập kỷ khác phải gian truân sống với biết bao nhiêu chữ “nếu” như vậy?

    Trong một cuộc hội thảo tuần trước của các tổ chức trong xã hội dân sự góp ý cho xây dựng Hiến pháp, tôi được nghe một thanh niên phát biểu: “…Tôi ước gì nước ta có một Hiến pháp đọc lên tôi thấy được chính mình! Đọc lên, tôi thấy được ước mơ của nước mình! Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không đem lại cho tôi mong muốn này!...”

    Ngồi nghe thanh niên này nói, trong tôi rộn lên ký ức những tiếng hô vang khi Cách mạng Tháng Tám: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, “Việt Nam muôn năm!”… Tôi lại nhớ đến Tuyên ngôn Độc lập. “…“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” Trong tôi khát khao xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc…

    Cải cách chính trị là trách nhiệm trực tiếp không thể thoái thác của Bộ Chính trị, người nắm mọi quyền lực đối với đất nước. Nhân dân không có trách nhiệm này, vì họ không có quyền lực trong tay; hơn nữa họ chỉ là nạn nhân của mọi lạm dụng quyền lực. Nhưng nhân dân có quyền đòi hỏi. Tránh né cải cách chính trị sẽ đẩy tiếp đất nước đến chỗ cùng cực, chắc chắn sẽ có ngày nhân dân đứng dậy lật thuyền. Không khó hình dung kịch bản quyết liệt này và cái giá đất nước sẽ phải trả. Chính vì thế, xin đừng bỏ lỡ cơ hội xây dựng Hiến pháp mới để cải cách chính trị thay đổi đất nước, thay đổi ĐCSVN thành đảng của dân tộc. Kiến nghị 72 thực sự là một kiến nghị khai phá lối ra./.

    N.T.

    --------------------------------------------------------------------------------

    [1] Quy kết là: “âm mưu của đảo chính mềm”, “ý đồ lật đổ chế độ”, “dã tâm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng”, “suy thoái đạo đức, chính trị, tư tưởng”, “lấy chữ ký cho kiến nghị  chỉ là những việc ngụy tạo”… v… v…

    [2] Trong thư này cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề (a)phải nhìn nhận lại thế giới, (b)phải thay đổi đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước, (c)phải xây dựng nhà nước pháp quyền, (d)phải đôi mới xây dựng và tổ chức Đảng.

    source : Anhbasam

    Gửi người em gái

    Gửi người em gái 
      ( khi nghe tin em bị bắt vì biểu tình chống TQ chiếm HS-TS )

    Mặt trời hằng ngày vẫn mọc
    Em tôi ơi cứ hy vọng từng  ngày
    Đám mây  xám sẽ  không còn che được
    Ánh dương hồng chiếu sáng khắp non sông
    Giặc phương Bắc từ ngàn năm vẫn thế
    Không thể nào cùng đội mái trời chung
    Ngàn năm cũ dưới gọng kìm đô hộ
    Có bao giờ đồng hóa nỗi dân Nam ?
    Vận nước   dẫu  có lúc suy , lúc thịnh
    Hồn địa linh nhân kiệt vẫn còn tràn    
    Có những kẻ  bịt tai vì danh lợi
    Còng lưng đành cam chịu kiếp tay sai
    Nào ai có khen chi  phường " Ích Tắc"
    Vì lợi riêng , bán đứng nước non nhà
    Lũ  cõng rắn cắn gà nhà  "Chiêu Thống "
    Biết bao giờ mới rửa được vết nhơ
    Lẽ Trời -Đất  hễ cùng thì tắc biến

    Em tôi ơi , cứ hy vọng từng ngày
    Đất nước vẫn đợi  chờ ngày vận hội
    Quét kẻ thù ra sạch khỏi biển Đông

    Nếu em bị  những kẻ hèn hạ bắt
    Thì em ơi , vẫn cứ ngẩng cao đầu
    Mang  dòng máu của bà Trưng , bà Triệu   

    Hãy hỏi rằng " Dám   bắt  hết dân Nam ? "  

    Tranhodung. Washington . USA . 7/2012-2/2013

    9/3/13

    Nói Với Tuổi Hai Mươi (2) - CÔ ĐƠN

     

    Nói Với Tuổi Hai Mươi 
    Thiền sư Nhất Hạnh 
    Sàigòn – Lá Bối – 1966 
    --------------------------------------------------------------------------------



    Cô đơn

    Em muốn nói chuyện với tôi, bởi vì trong thâm tâm, em chưa mất hẳn niềm tin nơi tất cả chúng tôi. Và tôi muốn nói chuyện với em, bởi vì có lẽ tôi là một trong những người chưa chịu đầu hàng cuộc đời. Thực ra, những người đầu hàng cuộc đời không hẳn đã phải là những người lớn. Trong lứa tuổi các em, cũng đã có rất nhiều người đầu hàng cuộc đời rồi. Hãy để cho họ tạm yên, bởi vì họ đang cần được yên. Dù sao họ cũng đáng thương như chúng ta. Em có thể gọi họ là những người chết, nếu em muốn. Hoặc em có thể nói  như Albert Camus rằng họ sống như những người chết, điều đó cũng không sao. Cái gì đã khiến cho chúng ta ngồi lại bên nhau để nói chuyện cùng nhau, nếu không phải là ý thức về thực trạng của chúng ta ? Hãy tự hào là những người tỉnh táo. Hãy tự hào là những người không bị chìm đắm trong cảnh túy sinh mộng tử. Hãy có thái độ nổi loạn đối với guồng máy đang muốn lôi kéo tất cả chúng ta vào cảnh túy sinh mộng tử. Điều thiết yếu là ta phải biết nổi loạn bằng cách nào. Bởi vì có những cách nổi loạn chỉ gây thêm chìm đắm. Và có những cách nổi loạn khác có thể đưa tới sự giải phóng con người. Tôi muốn được đàm luận với em về những điều ấy. Và đàm luận một cách thẳng thắn, can đảm.

    Có lẽ điều bi thảm nhất đối với những con người trẻ tuổi hôm nay là càng chống đối và ghét bỏ những hình thái sinh hoạt hiện tại bao nhiêu, con người lại càng bị mắc kẹt vào những hình thái ấy bấy nhiêu. Em thử nhìn lại xem. Em chán ghét trường học, nhưng em cũng cứ phải hàng ngày chui đầu vào lớp học để nghe giảng những môn học hình như không dính líu gì đến những băn khoăn thao thức lớn nhất trong tâm hồn em. Em chán ghét thi cử, khinh miệt bằng cấp, vậy mà em vẫn phải chui đầu vào phòng thi, cố cướp cho được một mảnh bằng như bất cứ ai khác. Em rất chán ghét đời sống cạo giấy an phận của công tư chức nhưng mà em vẫn phải lê mòn gót chân đi tìm công việc như bất cứ một người thất nghiệp nào. Em không yêu, không nghĩ đến đời sống lứa đôi nhưng em vẫn lao đầu vào những cuộc phiêu lưu cảm giác để gây thêm chán chường và bực tức cho em và cho kẻ khác. Em phải bắn vào đầu những kẻ em không thù hận. Em bị mắc kẹt vào những gì em khinh ghét và những gì em ghê sợ nhất. Nhận thức ấy làm cho em khinh ghét và ghê sợ chính em. Em thấy em bất lực trước một thực tại càng ngày càng trở nên khắc nghiệt, càng ngày càng thêm sức khống chế, và tiêu diệt em. Ý thức điều ấy em đã nổi loạn. Em đập phá lung tung. Và càng vùng vẫy, em lại càng mắc kẹt. Không những em đã làm như thế mà chúng tôi cũng đã làm như thế. Những người đi trước ta cũng đã làm như thế. Trong cơn hốt hoảng, bối rối, chúng ta có thể tạo nên nhiều lầm lỗi, chúng ta nổi loạn không đúng cách. Chúng ta đã không đập vỡ được mà chỉ mua thêm lấy những thất vọng, những chán chường, những mệt mỏi. Để rồi chúng ta tự làm cho tình trạng đã bi đát lại càng bi đát thêm ra đến cả trăm lần.

    Tôi thấy nhất định là chúng ta phải nổi loạn rồi. Bởi vì nếu ngồi yên, thúc thủ, tiêu cực, chúng ta sẽ bị lôi tất cả vào guồng máy, và nhân loại sẽ đi đen chỗ tiêu diệt nhân tính. Con người vì tiện dụng đã đặt ra những khuôn khổ, và những khuôn khổ ấy cũng đã trở lại khống chế con người. Con người bị bắt buộc phải chui vào những khuôn khổ kia để rồi phải từ chối bản ngã chân thực của mình. Con người khoác lên một bộ mặt giả tạo để có thể mua được sự an thân tầm thường. Xã hội bắt em phải điêu đứng thảm hại nếu em không chấp nhận những khuôn khổ của nó. Em phải ăn theo những cách thức nào đó, nói theo những khuôn thước nào đó, cười theo những mẫu mực nào đó. Có những cái em không được ưa thích và có những cái khác em phải tập ưa thích cho bằng được. Có những cái xã hội không cho phép em có, và có những cái xã hội bắt em phải có. Nếu em không tuân theo những mệnh lệnh đó, nếu em không làm được những gì xã hội buộc em phải làm thì em sẽ bị xem như là một người bất thuờng, và tệ hơn nữa, một người bất lực. Vì vậy muốn được an thân, con người phải cúi đầu chịu khuất phục mệnh lệnh của số phận, con người phải chui đầu vào guồng máy. Bởi vì chúng ta không muốn tiêu diệt con người của chúng ta nên chúng ta nổi loạn. Thân phận của con người sở dĩ đã bi thảm lại càng bi thảm thêm là vì những cuộc nổi loạn của con người đã không đủ sức để phá vỡ được guồng máy mà thương thay chỉ gây thảm thương tích cho con người nổi loạn. Cuộc đời đã trả thù những kẻ nổi loạn chống lại nó và trả thù một cách đích đáng. Con người nổi loạn đã bị điêu đứng thảm hại. Con người nổi loạn đã bị lên án, đã bị gạt ra ngoài lề của xã hội, đã mang đầy thương tích, đã trở thành điên loạn. Đứng trước những đe dọa tiêu diệt nhân tính của guồng máy xã hội, đứng trước những đổ vỡ trong và ngoài, chứng kiến những thảm kịch của cuộc sống, người trẻ tuổi hôm nay vừa bàng hoàng vừa phẫn nộ, vừa khiếp sợ vừa xót xa. Câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời đã đến với các em rất sớm. Tuổi các em đáng lẽ phải còn là tuổi hát ca, nay đã bắt đầu là tuổi của những băn khoăn thắc mắc siêu hình. Có phải cuộc sống kinh nghiệm an phận đã đánh mất hồn nhiên của em đâu. Có phải người lớn đã cướp giật hồn nhiên của em đâu. Chính là cuộc đời, chính là những khuôn khổ, chính là sự tàn phá khốc hại của guồng máy.

    Những biến cố xảy ra cho đất nước trong mấy mươi năm vừa qua đã làm cho tình trạng trầm trọng hơn lên. Chiến tranh đã tàn phá. Máu chúng ta đã đổ. Vấn đề quốc gia trở thành một vấn đề quốc tế. Một số trong chúng ta mang nặng mặc cảm nhược tiểu bất lực.

    Trong hoang mang khổ đau, chúng ta  nhận thấy gia sản tinh thần của cha ông chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị và hiệu lực trong cuộc sống mới. Những nguyên tắc của đạo làm người, xưa tưởng như là bất di bất dịch, nay đã tự chứng tỏ là những giáo điều không còn phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của người thời đại. Nền tảng của sinh họat gia đình cũ và của lễ giáo cũ đã bị lung lay. Chúng ta chưa kịp rút được trong truyền thống tinh thần của dân tộc ra những chất liệu cần thiết để tạo dựng cho chúng ta một nhân sinh quan mới thích hợp với tâm trạng và hoàn cảnh mới, thì những khắc khoải những đổ vỡ của văn minh Tây phương đã lại tràn sang như những đợt sóng vỡ bờ tàn hại. Một số lớn các bậc phụ huynh, không hiểu được nguyên do căn bản của cuộc khủng hoảng, đã quy hết tội lỗi về cho thế hệ trẻ. Họ nói đến sự suy đồi của đạo lý. Họ nói đến tuổi trẻ như tuổi của ăn chơi, của tinh thần vô trách nhiệm. Họ chứng kiến sự suy sụp của nền tảng gia đình cũ và cứ cố níu lại một cách tuyệt vọng thứ uy quyền mà ngày xưa đã từng là một giá trị tuyệt đối trong gia đình - một giá trị được đạo lý và luật pháp bảo đảm. Thứ uy quyền đó đã mất rồi, không phải vì các bậc phụ huynh không biết sử dụng nó, cũng không phải vì các con em cố tình chống lại nó, mà tại vì nền tảng kinh tế của gia đình đã thay đổi một cách đáng kể. Cá nhân bây giờ không còn là cá nhân trong chế độ gia đình cũ. Phong tục, tập quán, luật pháp và kinh tế xưa không cho phép cá nhân tồn tại ngoài gia đình, hạnh phúc của cá nhân và của gia đình liên hệ với nhau một cách mật thiết, và cá nhân chỉ có thể có hạnh phúc trong phạm vi gia đình của mình. Thời đại của Tự Lực Văn Đoàn đã chứng kiến thảm kịch của sự vùng vẫy của cá nhân để thoát ra khỏi những kiềm tỏa của gia đình. Từ ngày kỹ nghệ và thương mại chiếm được địa vị trên trường kinh tế, nhu yếu giải phóng ấy càng ngày càng thêm rõ rệt, thêm cấp bách. Gia đình ngày nay, ai cũng biết, không còn giống như gia đình ngày xưa, vì vậy uy quyền và trách nhiệm phụ huynh phải được quan niệm lại để có thể trở nên phù hợp và hữu hiệu. Cố níu lấy thứ uy quyền cũ, cố sử dụng thứ uy quyền mà thực ra bây giờ mình không có, các bậc phụ huynh chỉ làm cho con em xa lánh mình và do đó cắt đứt những giây liên lạc cảm thông với chúng. Trong thời đại này của chúng ta, ai cũng có một tâm sự đa đoan, ai cũng là nạn nhân của những biến cố những tệ đoan xã hội. Sự giao tiếp với thế giới con người trở nên phức tạp; cùng đứng trong guồng máy tranh chấp con người dần dần trở nên nguồn khổ đau cho nhau. Con người không xướng họa hòa hợp với nhau nữa mà phải vùng dậy lấn áp nhau, đè bẹp nhau. Hoàn cảnh kinh tế chính trị văn hóa xô đẩy con người đi vào cái thế địa ngục của nhau. Những nét nhăn trên trán, những bực dọc thường nhật, những cau có gắt gỏng ấy, vô tình chúng ta đem về nhà để làm cho không khí của gia đình căng thẳng. Ai cũng có một thế giới lo âu riêng và không có đủ thì giờ lo nghĩ và săn sóc đến người khác, dù người khác ấy chỉ là người trong gia đình. Mỗi người là một thế giới, một vũ trụ, một hoang đảo. Mỗi người có một vỏ cứng bao bọc chung quanh. Những bực dọc những cau có kia lách vào giữa mọi người và càng lúc càng tách xa người này với người khác. Chúng ta có cảm giác cô đơn thực sự, và tệ hại hơn nữa là cảm giác ấy, trong khi chung đụng với những người thận yêu trong gia đình, lại càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

    Chúng ta rút vào trong cái vỏ của chúng ta với ước mong được yên thân. Nhưng chúng ta không được yên thân hơn chút nào. Đối diện với niềm cô đơn của chúng ta, đối diện với chính chúng ta, chúng ta không đủ sức để chịu đựng. Con trai thì leo lên xe gắn máy đi tìm một thằng bạn, bất cứ thằng bạn nào, để rồi cùng vào ngồi nơi một quán nước, trao đổi vài câu chuyện, nhìn người đi kẻ lại qua khói thuốc của mình Con gái thì khoác vào một chiếc áo dài, xuống phố theo đám đông, trôi xuôi hai bên bờ đại lộ. Các em trốn không khí gia đình tìm đến nơi đám đông để rồi lại từ đám đông trở về với cái cô đơn của mình. Các em không có bản lĩnh thực sự cho nên các em không dám đối diện với cái cô đơn ấy. Và các em phải thường trực trốn chạy, trốn chạy sự cô đơn, trốn chạy chính bản ngã của các em.

    Trong khi đó, oán ghét gia đình, em phải bám lấy gia đình; oán ghét học đường em vẫn phải chui đầu vào lớp học. Em vẫn phải học, phải thi, phải đỗ, phải kiếm việc làm. Không tin ở giá trị những việc em làm, em có mặc cảm rằng em giả dối. Em không thừa nhận những bảng giá trị hiện tại nhưng em vẫn phải phục tùng. Em vẫn phải phục tùng, vì những lý do do thật giản dị: em phải ăn, em phải mặc, em phải ngủ, nói tóm lại em có những nhu cầu ngũ uẩn phải được thỏa mãn. Có phải chính bi kịch của con người là ở chỗ vừa phủ nhận vừa phải phục tùng những ước muốn ác liệt của số phận không ? Mà số phận là gì nếu không phải là những gì do con người tạo ra bây giờ đã trở lại không chế con người?

    Tôi cũng như em , tất cả chúng ta đều có một hệ thống thần kinh cần được giữ cho tương đối thăng bằng, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu trí tuệ tình cảm sinh lý thông thường, tất cả chúng ta cần phải được nuôi dưỡng trong những môi trường thuận tiện (chứ không phải dễ dãi) để có thể bảo vệ và phát triển những khả năng đặc biệt của chúng ta. Và bởi vì hoàn cảnh bao giờ cũng mang tính cách cộng đồng, chúng ta biết rằng chính con người đã tạo nên hoàn cảnh của mình và chỉ có con người mới đủ sức chuyển tạo được hoàn cảnh. Là nạn nhân trực tiếp của những hoàn cảnh xã hội hiện tại khống chế bởi guồng máy hiện tại, chúng ta mất đi rất nhiều tự do sáng tạo. Tuy vậy chỉ có chúng ta mới chuyển đổi được hoàn cảnh, mới đập vỡ được guồng máy. Ta không còn có thể hy vọng ở một thế lực nào khác ngoài thế lực của chúng ta. Nhưng trong tình trạng cô đơn, nghi ngờ và thác loạn, ta không thể nào thực sự tạo nên một sự thay đổi. Chúng ta đã nổi loạn, nhưng những cuộc nổi loạn đó vẫn chỉ là những cuộc nổi loạn rất cô đơn. Chúng đưa tới sự trả thù của guồng máy. Chúng ta bị điêu đứng tàn hại vì đã dám chống lại nó. Bị gạt ra khỏi cuộc sống ước lệ, bị khinh bỏ, đè nén, la mắng, tủi nhục, chúng ta càng cảm thấy xa lìa mọi người, càng trở nên cô đơn, càng thêm thù ghét con người. Càng mất bình tĩnh, chúng ta càng đập phá lung tung, và sự mệt mỏi rã rời của thần kinh của thể xác và tâm hồn kêu gọi một sự trốn chạy cuối cùng: tự tử. Khi một người nhận thấy rằng cuộc đời vô lý không đáng sống, thì hắn cũng nhận thấy luôn rằng tự tử không phải là một cái gì đen tối mà có thể là một nẻo thoát quang đãng cũng chưa biết chừng.

    Em hãy cho tôi trở lại với hệ thống thần kinh của chúng ta. Thực ra vì cái hệ thống thần kinh bị giao động mãnh liệt đó mà chúng ta đã thấy cuộc đời quá bi thảm. Sự thực, thiếu bình tĩnh, chúng ta đã tạo thêm quá nhiều đen tối cho cuộc đời, nhất là cho cuộc đời của chính chúng ta. Cảm giác cô đơn là do những vụng dại, ngu dốt và kém cỏi của chúng ta tạo ra: đó là một chứng bệnh của con người, hơn là một cái gì nằm trong bản chất của con người. Vì thiếu bản lĩnh, thiếu khôn ngoan, ta đã tạo ra những đường nứt, những chiếc vỏ cứng, những bức tường chia cách cao vút, ngay giữa những người thân yêu và có cảm tưởng rằng ta với những người khác không được cùng làm bằng một chất, do đó, không thể nào có sự cảm thông. Nếu gia đình là một tổ chức giả hiệu, thiếu tình thương, thiếu cảm thông. Nếu gia đình chỉ là một quán trọ, thì đó chính là vì sự hèn kém của chúng ta, vì sự ích kỷ của chúng ta, vì những vô minh của chúng ta. Chính chúng ta gieo mầm tách biệt thì chúng ta không nên phàn nàn về sự cô đơn. Ta phàn nàn rằng không ai hiểu ta thì chính lúc đó, ta không hiểu được ai. Chính những phàn nàn đó biểu lộ rõ rệt sự ích kỷ của chúng ta và cả sự độc tài của chúng ta nữa.

    Có những trang thanh niên, chỉ vì một vài thất bại nhỏ khi mới bước chân vào đời, một vài lần thi hỏng, một vài sự phản bội chẳng hạn, cũng đã tự cho rằng mình cô độc nhất đời. Những người trẻ tuổi này bắt đầu nói chuyện chán nản, nói chuyện cô độc, nói chuyện nôn mửa. Một số khác, sẵn có chút ít kiêu ngạo và ngông nghênh của tuổi trẻ, cũng nói chuyện chán nản, cô độc và nôn mửa. Rốt cuộc thái độ tỏ ra bất cần đời đó trở nên một cái mốt mới.

    Ai mà không “nổi loạn” thì kẻ đó là người tầm thường, kẻ an phận. Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh ngoại quốc bắt đầu bán chạy ở xứ ta không phải vì giá trị của chúng mà vì cái mốt hiện sinh đã được đề cao. Cả những kẻ không đọc trôi được những cuốn tiểu thuyết ấy cũng có chúng trong tủ sách mình, trong tay mình, trên xe buýt cũng như trong lớp học. Rồi truyện ngắn truyện dài nói chuyện chán chường khinh bạc cũng xuất hiện trên thị trường văn chương Việt Nam và kéo vào vũng lầy của sự tự kỷ ám thị một số không ít những con cừu của Panurge. Chúng ta ai cũng biết rằng bắt đầu bằng những câu chuyện chán chường, và một vài cử chỉ tỏ vẽ chán chường, dần dần nếp sống của ta sẽ trở nên chán chường thật sự. Con người yếu đuối và dễ bị nhiễm độc, dễ bị ảnh hưởng: chúng ta cần nhìn nhận sự thực đó.

    Cho nên ta hãy van xin các nhà văn nghệ đừng đào sâu thêm, đừng trình bày thêm khía cạnh chán chường cô độc của con người, đừng bi kịch hóa thêm những gì đã vì vụng dại của chúng ta mà trở nên bi kịch. Vết thương rướm máu, xin đừng cào quấu thêm ra. Đừng tự ám thị và đừng ám thị kẻ khác nữa. Vạn sự là do tâm chúng ta. Đừng chết đuối trong biển chán chường cô độc do chúng ta tự tạo. Văn nghệ nên đảm nhận sứ mệnh tri liệu bởi vì ở giữa đời này không có ai lại là người có thể sống một cách vô trách nhiệm, dù là nhân danh tự do. Chúng ta hãy lắng lòng cho phong ba bão táp dịu xuống, cho mây mù tan đi. Chúng ta không thực sự cô đơn. Cuộc đời không thực sự đáng ghê tởm. Cuộc đời cũng như sự sống là một cái gì mầu nhiệm. Mẫu trời xanh trong mắt em thơ thật là mầu nhiệm. Tư tưởng chúng ta cũng là những gì mầu nhiệm. Chúng ta hãy bình tĩnh lại để thấy rằng ngục tù giam hãm chúng ta trong cô đơn vốn là một ngục tù do tâm chúng ta tự tạo. Hãy ngồi xuống và bắt đầu bằng một cuộc nói chuyện thực sự. Hãy đập vỡ cái vỏ cứng đang giam hãm em. Hãy cố gắng về phần em một tí. Tôi biết khi em đọc qua những giòng này em có thể nói rằng tôi không hiểu em. Và khi nghe em nói như thế, tôi cũng có thể trả lời rằng: Em không hiểu tôi. Như vậy, cuối cùng chúng ta cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Chi bằng chúng ta hãy chấp nhận sự thực này: nếu tôi không hiểu em, thì ít nhất tôi cũng đang muốn tìm hiểu em và muốn được em hiểu. Nơi em, tôi cũng chỉ mong có chừng ấy. Bởi vì tôi thấy chìa khóa của vấn đề là nơi sự thông cảm. Có sự thông cảm, chúng ta mới đánh tan được ảo giác cô độc. Và chỉ có thông cảm chúng ta mới có phương tiện gom tâm lực của chúng ta thành một sức mới để có thể nổi loạn một cách bình tĩnh, hữu hiệu, chống lại được guồng máy, chuyển đổi được tình trạng. Nếu không, những cuộc nổi loạn đơn độc vụng về và mất bình tĩnh cũng sẽ chỉ đưa đến thêm những đổ vỡ những  đen tối và tình trạng sẽ vì vậy mà càng ngày càng trầm trọng hơn lên.