5/1/14

'Bắt đầu chạy nước rút quyền lực?'

BBC

'Bắt đầu chạy nước rút quyền lực?'

Cập nhật: 13:18 GMT - chủ nhật, 5 tháng 1, 2014




Lãnh đạo Việt Nam
Thông điệp của Thủ tướng VN có những điểm độc lập với cơ chế lãnh đạo tập thể, theo nhà quan sát.Đang diễn ra một cuộc 'chạy đua nước rút' giành quyền lực hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016, thể hiện qua bản thông điệp chính trị đầu năm của Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, theo một nhà phân tích từ trong nước.
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm thứ Năm, 02/1/2013:
"Dường như theo cảm nhận của tôi, từ đầu năm 2014 trở đi bắt đầu một cuộc chạy đua nước rút, chuẩn bị cho Đại hội 12 của Đảng Cộng sản năm 2016, và đó là cuộc chạy đua của không chỉ một người, mà là một số người.
"Và mỗi người đều có chính kiến, quan điểm, phương pháp, con đường riêng của mình. Thành thử là có một sự độc lập tương đối, không nhất thiết bất kỳ vấn đề gì cũng phải đưa ra bàn trong tập thể, mặc dù thông điệp nêu ra, cơ sở của thông điệp là Nghị quyết Đảng."

'Dấu hiệu cải cách'

"Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền"
TS Phạm Chí Dũng
Vẫn theo nhà quan sát này, đã xuất hiện một số chỉ dấu qua thông điệp của Thủ tướng Việt Nam cho thấy Việt Nam sẽ nới rộng một số quyền của công dân và nhân quyền trong bối cảnh tiếp tục đàm phán để có thể gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2014.
Những cải cách này có thể trải rộng từ 'xóa độc quyền' ở khu vực kinh tế nhà nước, làm cho Việt Nam tiến gần hơn tới một 'nền kinh tế thị trường' đích thực, cho tới ban hành một số đạo luật cho phép 'lập hội, biểu tình' v.v...
"Thông điệp này ghi nhận ít nhất về một số khái niệm mới trong đó có những cụm từ về dân chủ, và có liên quan một số vấn đề cụ thể mà trong thời gian vừa rồi đã có dư luận nhưng chưa thành hình.
"Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền."
Tuy nhiên nhà phân tích lưu ý về việc giám sát quá trình nói và làm với những cam kết mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới đưa ra, kèm với cảnh báo đối với Thủ tướng và cộng sự:
"Nếu Thủ tướng và Chính phủ không thể chỉ đạo sát sườn, giải quyết được những vấn đề quyền con người của người dân, thì thông điệp của ông sẽ trở thành vô nghĩa và mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với dân chúng trong các tầng lớp trí thức của ông sẽ không đạt được trong những tháng năm tới," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói.
Source : BBC

4/1/14

MÂY TRẮNG - Trần Hồ Dũng : Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn ...

MÂY TRẮNG - Trần Hồ Dũng : Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn ...: Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn hóa   Con đường Rượu Vang vùng Alsace thu hút mỗi năm hàng triệu lư...

Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn hóa

Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn hóa
 
Con đường Rượu Vang vùng Alsace thu hút mỗi năm hàng triệu lượt du khách (www.vinsalsace.com)
Con đường Rượu Vang vùng Alsace thu hút mỗi năm hàng triệu lượt du khách (www.vinsalsace.com)
Tuấn Thảo
Nằm cách thủ đô Paris khoảng 400 cây số về phía Đông, vùng Alsace nổi tiếng là một trong những vùng sản xuất rượu nho trắng ngon nhất châu Âu. Nếu như nước Pháp có đến mười bốn Con đường Rượu vang trên toàn lãnh thổ, thì vùng Alsace chính là nơi đã thành lập Con đường Rượu vang đầu tiên, cách đây 60 năm.
Đặt chân đến vùng Alsace, du khách sẽ khám phá những làng mạc có từ lâu đời, những thị trấn với lối kiến trúc cổ kính, khung cảnh nên thơ giữa chốn thiên nhiên thanh bình, nơi mà rượu nho hảo hạng làm nổi bật các món ăn đặc sản địa phương. Du khách vừa có dịp thưởng thức những món ăn ngon vừa đi thưởng ngoạn các địa danh với nhiều di tích lịch sử.
Chẳng hạn như Nhà thờ Đức Bà thành phố Strasbourg, thủ phủ vùng Alsace, được xây từ cuối thế kỷ XII (1176). Phố cổ Mulhouse giữ nguyên lối kiến trúc có từ thế kỷ XIII, mà một trong những đặc điểm là khung cửa sổ hầu như lúc nào (ngoại trừ mùa đông) cũng lợp đầy hoa. Thành phố Colmar thì nổi tiếng với Viện bảo tàng Mỹ thuật Unterlinden, dãy hàng buôn (Rue des Marchands) trong góc phổ cổ xưa, xây từ thế kỷ thứ XI cũng như ngôi nhà của dòng họ Bartholdi.
Thành phố Colmar chính là nguyên quán của Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904), cha đẻ của bức tượng Nữ thần Tự do ở phía nam Manhattan và cũng là tác giả của những bức điêu khắc nổi tiếng như Thiên thần thổi sáo tại nhà thờ Boston, bức tượng của tướng Lafayette tại quảng trường Union Square ở New York, hay bồn nước điện Capitole ở Washingon DC, thủ đô nước Mỹ.

Con đường Rượu vang (La Route des Vins) do Sở du lịch vùng Alsace thành lập vào ngày 30 tháng Năm năm 1953, nhân dịp tổ chức một cuộc đua xe hơi. Tuyến đường đua chạy dọc vùng Alsace, và cứ mỗi chặng là có một sinh hoạt lễ hội, để giới thiệu các đặc sản của từng miền.
Từ ngôi làng Marlenheim phía bắc cho tới thị trấn Thann ở phía nam, Con đường rượu vang vùng Alsace băng qua những ngọn đồi trồng nho trên hơn 170 cây số. Vùng Alsace có gần 120 nông trại và ruộng nho, hơn một nửa nằm dọc tuyến đường này. Trong số này, đọan đường giữa hai thị trấn Barr và Rouffach chi chít những ngôi làng chuyên sản xuất rượu nho tiêu biểu của vùng Alsace.
Các ngôi làng rượu vang như Mittelbergheim, Eguisheim, Hunawihr đều nằm trong danh sách các ngôi làng thơ mộng, xinh xắn nhất nước Pháp, hàng năm sau mùa hái nho, các ngôi làng này đều có tổ chức liên hoan để giới thiệu sản phẩm, mời du khách nếm thử hương vị ‘‘rượu mới’’ ngay sau khi thu hoạch xong (vin primeur).
Vùng Alsace có trên dưới 60 hiệu rượu vang có kiểm định nguồn gốc và xuất xứ (AOC – Apellation d’Origine Contrôlée). Trái với tên gọi của nó, Pinot Gris lại là rượu vang trắng, trong khi Pinot Noir lại là rượu vang đỏ. Ngọai trừ lọai rượu nho đỏ này, vùng Alsace chủ yếu sản xuất nhiều loại rượu nho trắng như rượu Muscat, Tokay, Chasselas, Sylvaner, Klevener … Nhưng tiêu biểu hơn cả là ba loại rượu Crémant, Riesling và Gewurztraminer.
Du khách nước ngoài thường gọi lầm rượu Crémant của vùng Alsace là Champagne, do đây cũng là một loại rượu trắng có sủi bọt. Tuy nhiên, Crémant chủ yếu dùng giống nho chardonnay, trong khi Champagne kết hợp đến ba hoặc bốn giống nho khác nhau, trong đó có Pinot Noir và Pinot Meunier. Hai loại rượu đặc trưng nhất của vùng Alsace vẫn là Riesling và Gewurztraminer có mùi vị rất thơm như thể được ướp với hương hoa.

Chính với những đặc sản không nơi nào có này, mà Alsace vươn lên hàng nhất nhì trong số các vùng nổi tiếng về rượu vang ở Pháp, cũng như Bordeaux và Bourgogne. Những đồi nho ngút ngàn xung quanh các thị trấn và thành phố lớn như Strasbourg, Colmar, Sélestat, Guebwiller, Saverne, Obernai ... tạo nên một khung cảnh khá yên tĩnh và thơ mộng. Chỉ cần rời khỏi các đô thị đông đảo dân cư, du khách thấy ngay các vườn nho san sát lá xanh. Các nông trại dọc con đường rượu vang nối liền với nhau, ở những nơi có cho khách thưởng thức rượu đều có gắn bản hiệu dọc hai bên đường với biểu tượng muôn thuở là một chùm nho trắng.
Mỗi vườn nho ở đằng sau nông trại thường có một hầm rượu mở cửa tiếp đón du khách, một số nơi còn dành một góc làm nhà hàng để dọn thức ăn cho thực khách. Dù có ăn tại chỗ hay không, bạn vẫn có thể nếm từng lọai rượu trước khi mua. Nhấp thử một ngụm ở đầu môi, hương rượu thoang thoảng ở chót lưỡi, đôi khi mát nhẹ mùi hoa trái, dịu thơm như thảo mộc phảng phất một chút rơm tươi. Lý tưởng nhất là khi bạn có thể gọi một số món ăn đặc sản truyền thống của vùng Alsace để làm nổi bật hương rượu.
Rượu vang trắng của Alsace rất hợp với fromage (phô mát), nếu bạn cảm thấy không hợp với khẩu vị thì nên dùng rượu trắng với món cá rắc bột chiên bơ (món này không phải là lăn bột như làm beignet mà làm theo kiểu meunière). Người dân vùng Alsace nấu cả hai loại cá : cá chép và cá lờn bơn, còn được gọi là cá lưỡi trâu (sole).
Có người thích ăn món flammekueche, hình thù giống như bánh pizza nhưng tuyệt đối không có cà chua mà lại có hành tây xắc mỏng, rồi rắc ở trên mặt nhiều fromage và thịt ba rọi ướp muối. Nhưng món này không phải dễ ăn cũng như món tartiflette, nguyên là một món khoai tây trộn fromage, rồi đút lò nướng dòn. Nguồn gốc của món tartiflette đến từ vùng Savoie, nhưng cũng khá phổ biến ở vùng Alsace. Đối với mọi người và đặc biệt là thực khách châu Á, dễ ăn nhất vẫn là món choucroute, tức là món dưa cải chua.
Đây là một món ăn truyền thống mùa đông của vùng Alsace, của nước Đức và một số quốc gia Đông Âu. Nhưng vùng Alsace chế biến dưa cải công phu hơn : bắp cải cắt thật mỏng ngâm muối và rượu trắng chứ không ngâm với bia, khi nấu thì cho thêm một chút rượu nho thơm ngâm với hạt đỗ tùng, tức là hạt genièvre.
Một số người không có genièvre dùng hạt ngò ướp thêm với một chút tiêu, nhưng tuỵêt đối không dùng đinh hương, vị mùi đinh hương sẽ át hẳn mùi thơm của cải ngâm rượu trắng. Món choucroute bây giờ thường được dọn với xúc xích và thịt nguội, nhưng đúng địêu thì phải có giò lợn, khi nấu để nguyên đến khi ăn thì mới cắt thành từng miếng. Nếu không thích ăn thịt, thì món choucroute cũng có thể nấu với hải sản, tôm tươi, sò điệp, cá hồi, cá vược hun khói.

Vùng Alsace đặc biệt là miền thung lũng nằm gần dãy núi Vosges, nhờ vào khí hậu (tương đối) ôn hoà, thổ nhưỡng thuận lợi, nên sản sinh ra nhiều giống nho ngon để làm rượu. Vùng đất màu mỡ trù phú, cộng thêm truyền thống chế biến rượu lâu đời, có từ thời La Mã. Dù có sành điệu hay không, thì hàng năm có cả một triệu lượt khách chọn đi tour du lịch trên Con đường Rượu vang vùng Alsace.
Thời điểm lý tưởng nhất là từ giữa tháng năm cho đến cuối tháng Mười. Từ thành phố Strasbourg hay là Colmar, bạn đều có thể dùng xe đạp để viếng thăm các vườn nho nằm ở ngoại thành. Đó là cách tốt nhất để thưởng ngọan phong cảnh tại những ngôi làng có lối kiến trúc hình khối, khá vuông vức rắn chắc. Đằng sau những ngọn đồi xanh mướt vào mùa xuân, là những căn nhà rộng mái với gỗ nâu hiện trên mặt tiền, tạo ra những ô vuông với khung cửa sổ tô màu, nên dễ nhìn thấy từ xa. Các ngôi làng xây bằng đá có kèo gỗ thường có cổng chính.
Từ cổng làng cho đến các khung cửa sổ của mỗi ngôi nhà đều có treo nhiều chậu hoa. Tâm điểm là một ngôi nhà thờ với tháp chuông ở phía trước thường có tổ chức những phiên chợ chủ yếu bán fromage, thức ăn tươi và hoa quả. Nếu như ở trong thành phố, nhà cửa thường có mái hẹp được xây với nhiều tầng cao do ngày xưa người ta có truyền thống đánh thuế trên diện tích mặt bằng, thì những làng mạc vùng Alsace thường có những ngôi nhà mái thấp và rộng hơn. Tường nhà thường được sơn với gam màu dịu : mỡ gà, xanh non hạt điều hay xanh phấn, trong khi bancông và cửa sổ thường dùng gam màu sẫm gần giống với các chất liệu tự nhiên, thường là màu gỗ nâu, màu xám tro, hay màu xanh dương đậm có sắc lục như cổ chim bồ câu.
Nước Pháp có đến mười bốn Con đường Rượu vang, trên khắp các vùng miền, tức là cao gấp bốn lần so với các quốc gia láng giềng cũng có truyền thống trồng nho làm rượu là nước Ý, nước Đức và Tây Ban Nha. Trong số mười bốn Con đường Rượu vang của Pháp, La Route des Vins d’Alsace luôn luôn đứng nhất nhì trên danh sách bởi vì đây vùng đầu tiên dung hoà di sản kiến trúc với nghệ thuật ẩm thực, nói nôm na là kết hợp chiều sâu bao tử với bề dày văn hóa.


Theo  RFI

Alan Phan - Năm Mới Năm Me…

Năm Mới Năm Me…
Alan Phan


28 Dec 2013
Người giàu và quyền thế nghĩ rằng đất nước này thuộc về họ; mặc dù họ chưa bao giờ đóng góp gì để có quyền hưởng thụ đó. The rich think this land is theirs though they have never earned the right to call it theirs.” ― Maaza Mengiste

Trong một xã hội đa dạng, hành xử của từng cá nhân luôn khác nhau, dù hoàn cảnh có tương tự. Nhờ vậy, chúng ta mới có được một bức tranh đẹp (hoặc xấu) với nhiều mầu sắc để thưởng ngoạn. Tôi nhớ những ngày qua Trung Quốc vào đầu 1976, tôi chưa bao giờ thấy một môi trường “xám xịt”, như một cỗ máy chạy mệt mỏi dưới hầm những nhà máy cũ, sắp phế thải. Từ áo quần người dân, kiểu tóc, âm thanh ngoài phố…cho đến những thể hiện lo âu, chán nản…hiện lên qua những ánh mắt gần như không còn sức sống của một đạo quân zombies, Trung Quốc thực sự nằm ngoài hành tinh.  Ở mặt khác, xã hội càng năng động, thay đổi, thì xử trí tương tác lại phức tạp, khó đoán.
Những ngày cuối năm tại Việt Nam, người thì lo tổ chức tiệc tùng ăn nhậu để tạm biệt năm cũ, có lẽ họ ăn nhậu chưa đủ trong 2013 nên phải làm thêm vài cú chót. Người thì lo kết toán sổ sách coi năm vừa rồi tài sản bốc hơi bao nhiêu; hay lộc trời bất ngờ cho thêm ít nhiều (thực ra họ biết rất rõ, vì lương thì họ không quan tâm, nhưng “lậu” thì dự đoán chính xác từng xu). Người thì suy tư về một năm mới sẽ đem lại những hy vọng gì, hay cũng cũng nhiều thất vọng như năm cũ. Người thì vô tư, vẫn lên Net đều đặn xem có siêu mẫu hay chân dài nào có lỡ làm đứt nút áo nút quần để còn load hình lên Facebook. Các bà cô tiền bạc rủng rỉnh  thì có thêm lý do để shop vì cuối năm hàng sale nhiều quá.
Riêng các phóng viên thì ráo riết săn đuổi phỏng vấn ông già Alan vì cha này có nhiều suy nghĩ ngược đời có thể câu khách được. Tựu trung, đáng lẽ là những ngày thư giãn toàn diện để thu thêm năng lượng cho năm mới thì mọi người lại tất bật làm việc nhiều hơn lệ thường.
Nghị quyết và hy vọng mới
Nhưng dù thế nào ai cũng đều có những “nghị quyết” rất hoành tráng (các chính trị gia thì có tuyên ngôn, thông điệp) để lên một kế hoạch thật tươi đẹp cho mọi vấn đề trong năm mới. Tôi nhớ một thống kê đâu đó là 42% dân số trưởng thành của Mỹ thích lập ra những “resolutions” vào ngày đầu năm cho mình và gia đình, xác định những mục tiêu phải đạt về tiền bạc, nghề nghiệp, học vấn, sức khoẻ, giải trí…Tuy nhiên, đến cuối tháng giêng, thì 97% các nghị quyết này đều cuốn theo chiều gió. Thói quen vẫn là một lực quán tính khó thay đổi.
Các bạn phóng viên thường nhờ tôi bình luận về các “nghị quyết” của chánh phủ, quan chức và doanh nghiệp vì họ cho đây là một đề tài có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hoá của cả một dân tộc. Câu trả lời đầu môi của tôi là các bạn hãy thư giãn. Mọi việc thường xẩy ra như “chiếc lá giữa dòng sông lớn” mặc cho cả trăm ngàn nghị quyết đầu năm. Họ hỏi về nợ xấu, nợ công, DNNN, ngân sách, tỷ giá, vàng, BDS, FDI, TPP… Đề tài khác nhau; nhưng thực ra cái nhìn tổng thể của tôi luôn dựa trên những nguyên lý tự nhiên của đời sống, suy nghĩ khoa học, logic…nên dễ đoán biết. Nó không có gì bí ẩn hay phức tạp như các chuyên gia thích thêu dệt.
Những nguyên lý ảnh hưởng đến sự vận hành của một cá nhân hay xã hội đều rất giống nhau:
1.      Đừng hoang tưởng về “bất chiến tự nhiên thành”
Trong kỳ bí của luân sinh vũ trụ, có những tình cờ xẩy ra trong tình huống, sự kiện mà có lẽ chỉ những nhân vật huyền thoại của lịch sử (nhất là chuyện cồ Tàu) mới điều khiển và giải thích được. Hiện nay, nhân loại phần lớn bị chi phối bởi một nền khoa học hợp lý và các định luật của thiên nhiên. Nguyên lý ai cũng phải đồng ý là nếu mình cứ tiếp tục làm các việc đang làm, thì trong tương lai, xa hay gần, chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tương tự như chúng ta đang nhận. Phép mầu chỉ hiện thực vài ba lần trong đời người và cái khoa học gọi là “con thiên nga đen”; các ngài bói toán gọi là “vận số tốt”.
Khi lên kế hoạch cho cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng hay xã hội, chúng ta thích mơ tưởng về những giúp đỡ của thần linh, thánh gióng.. thay vì các con số, kỹ năng, thực tế của môi trường và các cơ hội rủi ro tiếm ẩn. Tôi thực sự lo ngại khi các đại gia, quan chức…thích tham gia các cúng bái đền chùa, lên đồng hay tin vào tư vấn của các nhà ngoại cảm hơn là “xăn tay áo và hành động”.
2.      Nói dễ hơn làm. Nghe nói, nhưng chỉ vỗ tay khi hành động đi theo như lời nói.
Đó cũng là lý do chính đa số chúng ta thích (và hay khuyên con) làm giáo sư, quan chức, chính trị gia, chuyên viên bán nước bọt từ các phi vụ chạy áp-phe, dự án, giấy tờ thủ tục…trong đủ mọi ngành nghề của nền kinh tế. Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.
Các doanh nhân, những chuyên viên kỹ thuật hay mọi người thợ tại các xưởng, thành công hay chưa, đều phải làm. Hỏi bất cứ ai, họ đều chia sẻ về những thử thách và khó khăn phải đối diện hàng ngày. Thất vọng và thất bại luôn đe doạ. Ngoài cái giá phải trả về sức khoẻ, tinh thần, hạnh phúc gia đình, danh tiếng, tiền bạc…cái giá lớn nhất là thời gian. Rất ít người thành công “overnight” (trừ khi trúng số độc đắc). Ngay cả khi ca tụng sự thành công nhanh chóng của Facebook, ít ai nhận ra rằng quy trình để đến IPO phải tốn Zuckerberg cả 8 năm vất vả.
3.      Muốn có giải pháp, phải hiểu rõ vấn đề
Có hai khó khăn lớn khi đưa ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam như nợ xấu, nợ công, DNNN, BDS, tỷ giá, FDI, TPP…hay ngay cả ngân sách, việc tái cấu trúc, thay đổi cơ chế, nhân sự quản lý. Một là các số liệu. dữ kiện thường mâu thuẫn vì lợi ích cùa các phe nhóm khác nhau. Họ là những người nắm giữ những tài liệu này; và chuyện dấu diếm là bình thường. Hai là chúng ta không được phân tích qua mọi góc nhìn, dù khách quan hay chủ quan, vì những vùng cấm kỵ, nhậy cảm…đã được pháp luật rào lại.
Thử tưởng tượng, một bác sĩ chuẩn bệnh cho bệnh nhân nhận 3, 4 kết quả khác nhau về các thử nghiệm; rồi lại bị cấm đụng đến gần như 80% các phần thân thể. Chỉ một kết luận: bỏ nghề đi làm …thầy bói.
4.      Mọi sửa đổi phải bắt đầu từ nội tại
Trước hết là tư duy và bản thân của người đang nắm giữ quyền lực của việc thay đổi. Sau đó đến sự đồng ý của mọi phe nhóm đang ủng hộ mình. Đây thường là một sứ mệnh bất khả thi, nhất là tại các tổ chức phức tạp và lâu đời.
Cách đây sáu tháng, Tập Cận Bình có “quyết liệt” đổi mới cơ chế của kinh tế Trung Quốc theo các quy luật thị trường để cạnh tranh hữu hiệu hơn trên toàn cầu. Sau một loạt các nghị quyết hành chánh rất ấn tượng, mọi việc đã im lặng như cũ. Ông ta đã thất bại trong việc “hành” vì không lấy được đồng thuận của các nhóm lợi ích trong phe nhóm. Hiện tượng này còn có tên là “bứt giây động rừng” trong dân gian.
Năm 1977, Đặng Tiểu Bình, dù chưa chắc đã giỏi hơn, đã thực hiện được một cách mạng đổi mới cơ chế kinh tế của Trung Quốc. Lý do đơn giản là họ Đặng không phải đối đầu với các nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Kinh tế Trung Quốc lúc đó còn quá nghèo, GDP thua cả những xứ nhỏ hơn như Đài Loan, Hồng Kông…
Một thí dụ gần đây là sự kiểm soát quyền lực của Kim Ủn Ỉn xứ Bắc Triều Tiên. Sau khi hành quyết ông dượng Jang, các nhóm lợi ích gần như biến mất (hoặc bị xử tử hoặc đào thoát ra nước ngoài).
5.      Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Một doanh gia Mỹ có nói, ‘bạn cho tôi biết 10 người bạn thân thiết quanh bạn, tôi sẽ mô tả chính xác đến 80% bản thân, cá tính và hoàn cảnh của bạn”. Suốt ngày cứ tụ tập với bọn du thử du thực thì khó mà tưởng tượng bạn có thể là người đang quản lý một doanh nghiệp tầm cỡ, chính thống. Các bạn bè bà con của bạn toàn là dân khố rách áo áo ôm, thì không ai hình dung bạn là một đại gia hay người thành công về tài chính.
Các quốc gia khôn ngoan cũng biết chọn bạn mà chơi. Sau những đổ nát tiêu điều trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật và Âu Châu đã đi theo đàn anh Mỹ để 25 năm sau, tạo dựng những nền kinh tế siêu cường. Bài học đó được Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore..sao y để tạo những thành quả tương tự. Gần đây, Nga và các nước Đông Âu cũng bắt đầu quy trình.
Còn chúng ta quá bận rộn giữ gìn thành trì của XHCN, cùng với Cuba, Bắc Triều Tiên…nên chắc rồi sẽ “thành công” như họ thôi.

Đổi mới nào cũng sẽ gây những phiền toái và thử thách. Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều suy sụp và đổ vỡ đã xẩy ra khi nội bộ quá thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai. Có lẽ chúng ta cũng không nhiều lựa chọn, nhưng đôi khi con người và tập thể thích bám víu vào “lá số tử vi” thay vì hành xử theo kế hoạch khoa học.

Alan Phan

Source : Goc nhin Alan

Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại

Thanh Trúc & Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Ảnh bên:Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.

Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974 mà hậu quả là quần đảo này rơi vào tay Trung Quốc, 40 năm sau vẫn không thể nói điều gì khác hơn rằng vấn đề Hoàng Sa phải được ghi lại một cách trung thực trên từng chi tiết vào lịch sử và trên các bộ sách giáo khoa, trong đó có sự chiến đấu dũng cảm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.


TQ vi phạm hiến chương LHQ

 Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông, tác giả quyền sách “Biển Đông: Luận Cứ Và Sự Kiện” phát hành năm 2011, khẳng định như vậy trong bài trao đổi do Thanh Trúc thực hiện sau đây: 

Đinh Kim Phúc: Như đã biết, Việt Nam chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hay nói một cách khác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử muộn nhất là từ thế kỷ XVII đã thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này khi nó chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội Việt Nam thuộc Pháp để bắt đầu tham vọng tràn xuống phương Nam của mình, mà khởi đầu là sự kiện vào năm 1909.

Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho khảo sát Hoàng Sa. Sự vô lý về hành động của Lý Chuẩn như một tờ báo của Pháp đã mỉa mai là: “…vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó “chỉ trong vài giờ !”.

Có thể nói rằng, quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc đã bắt đầu từ đây.

Thứ hai, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương, năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch đã đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa và ra yêu sách “chủ quyền”, nhưng yêu sách đó đã không thành hiện thực khi Tưởng thua trận chạy khỏi đại lục vào năm 1949.

Thứ ba, năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve 1954 và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.

Và đỉnh điểm của những tham vọng đó, tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm nhóm đảo phía Tây và hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Với những hành động này, Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 khoảng 4 của Hiến chương LHQ. Có nghĩa là gì? Dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Đây là hành động xâm lược!

Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, đến lúc này Việt Nam phải làm gì khi mà Hoàng Sa đã về tay Trung Quốc 40 năm nay, chưa kể là từ 1988 Trung Quốc cũng đã chiếm đóng trái phép một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam? 

Đinh Kim Phúc: Việt Nam không chủ trương tiến hành chiến tranh vì chiến tranh không phải trò đùa. Theo quy định của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Nhưng từ lâu, quan điểm của Trung Quốc là không bàn về vấn đề Hoàng Sa.

Như tôi đã trình bày, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam, chính vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ). Nhưng nhiều lần Trung Quốc lên tiếng cho rằng vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, họ phản đối bất cứ phân xử nào của các tổ chức quốc tế.

Cho dù Trung Quốc không đồng ý, nhưng Việt Nam vẫn phải kiện Trung Quốc để duy trì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Mặc khác, hồ sơ pháp lý của Việt Nam sẽ đánh động dư luận quốc tế về tính phi nghĩa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng của họ.

Về quần đảo Trường Sa, chính vì hiện nay quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng trái phép Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, theo tôi, trước mắt Việt Nam nên tuân thủ quan điểm giữ nguyên hiện trạng, không gây phức tạp thêm tình trạng chiếm đóng và tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, trước mắt là trong nội bộ các nước ASEAN.

Ảnh bên: Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.

 Riêng đối với Trung Quốc, với yêu sách của họ trên Biển Đông thể hiện bằng tấm bản đồ hình lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông mà họ chính thức tuyên bố vào tháng 5/2009, trước mắt Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Philippines là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS. Nội dung khởi kiện là yêu cầu Tòa Trọng tài giải thích việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò có phụ hợp với UNCLOS hay không? Chắc chắn rằng công lý không đứng về phía Trung Quốc.

Thanh Trúc: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã rút ra được những bài học lịch sử gì khi nghiên cứu về Biển Đông?

Đinh Kim Phúc: Thứ nhất, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, Liên Xô đã đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao? Vì từ năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Liên Xô sợ Mỹ sẽ kiểm soát hai quần đảo này và khống chế Biển Đông.

Thứ hai, vì sao Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ?

Sau Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam 1973, Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, và họ tin rằng cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, ảnh hưởng của Liên Xô sẽ không ngừng phát triển ở Đông Dương. Dùng lá bài Trung Quốc thời hậu chiến ở Đông Dương là chính sách tối ưu đối với Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Quan hệ quốc tế giữa các cường quốc bao giờ cũng là tai họa cho các nước nhỏ. Bài học cảnh giác trong lịch sử Việt Nam không bao giờ thừa!

Thanh Trúc: Thưa thạc sĩ Đinh Kim Phúc, hiện đang có dự dịnh của nhà nước và Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vấn đề Hoàng Sa Trường Sa vào sách giáo khoa. Ông có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Đinh Kim Phúc: Đã là người Việt Nam, nếu không có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động “cõng rắn cắn gà nhà” như một số quan chức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo trong vụ sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò vừa qua.

Và trong thời đại ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa mà tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đều phấn đấu để giữ vững nền hòa bình tự do của mình thì những hành động của Trung Quốc như thế đã làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của họ: miệng thì nói hòa bình, tay thì chuẩn bị chiến tranh.

Một ý khác nữa, sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian vừa qua, cũng những gì họ diễn ta trên vùng biển Hoa Đông, là những dữ liệu thức tỉnh cho những ai còn nuôi ảo tưởng về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc. Một lần nữa cảnh giác trước chính sách bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thừa đối với các nước láng giềng của Trung Quốc tức các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn thạc sĩ Đinh Kim Phúc.


2/1/14

Albert Camus : Đam mê viết báo và “4 phẩm chất của một nhà báo tự do”

THỨ TƯ 01 THÁNG GIÊNG 2014
Albert Camus : Đam mê viết báo và “4 phẩm chất của một nhà báo tự do”
 
Albert Camus
Albert Camus
Minh Anh
Giả như Albert Camus vẫn còn sống, thì hôm 07 tháng Mười Một vừa qua, ông có lẽ đã tròn 100 tuổi. Từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1957, thế mà sinh nhật năm nay của đại văn hào diễn ra trong bầu không khí tĩnh lặng, “không trống, không kèn” như nhiều nhà văn lớn khác của Pháp. Kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Albert Camus chỉ gói trọn trong một cuộc triển lãm nhỏ với chủ đề “Albert Camus, công dân thế giới” tại Aix-en-Provence, một thành phố thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône, miền nam nước Pháp. Triển lãm kéo dài từ ngày 05/10/2013 cho đến hết ngày 04/01/2014.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng ngoài thiên phú văn chương và triết học, Albert Camus còn có một biệt tài khác đó là viết báo. Đối với giới chuyên môn, nghệ thuật viết báo của Camus có thể được xếp vào hàng thượng thặng. Trong suốt ba giai đoạn 1938-1939, 1944-1947 và 1955-1956, Albert Camus lần lượt trải nghiệm tài năng của mình tại nhiều tòa soạn với nhiều bài viết và bài xã luận nổi tiếng. Ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề, Albert Camus đã tự đặt ra cho mình những tiêu chí “tâm” và “đức” của một nhà báo tự do.
Báo Le Monde số ra ngày 18/03/2012 đã cho đăng một bản tuyên ngôn do chính Albert Camus soạn thảo, ba tháng sau khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Lúc ấy, ông chỉ mới 26 tuổi. Camus viết rằng: “Mọi sự ràng buộc của thế giới sẽ không buộc được một người khiêm nhường chấp nhận làm một kẻ bất lương”. Nghĩa là, “không nên đồng lõa với sự dối trá”. Ông còn nói thêm rằng: “Một tờ báo tự do biết cân nhắc cả về những gì mình nói lẫn những gì mình không nói”.
Bản tuyên ngôn này của Camus đáng lẽ ra phải được phát hành vào ngày 25 tháng Mười một năm 1939 trên tờ Le Soir Républicain, một tờ tin tức hàng ngày chỉ có bán tại thành phố Alger, nước Algeri. Lúc ấy, Albert Camus vừa là tổng biên tập vừa là cộng tác viên duy nhất của Pascal Pia, chủ bút tờ nhật báo. Thế nhưng, bài viết này đã bị kiểm duyệt và không bao giờ xuất hiện. Mãi cho đến gần đây các phóng viên của nhật báo Le Monde lục tìm thấy được bản thảo này trong Kho lưu trữ hải ngoại tại Aix-en-Provence và cho công bố chính thức trong ấn bản ngày 18/03/2012.
Thật ra việc Albert Camus đến với nghề báo cũng rất tình cờ. Trước khi đến với công việc này, Albert Camus dấn thân như là một nhà đấu tranh chống bất bình đẳng. Năm 1935, ông tham gia Đảng Cộng sản Algeri để đòi hỏi quyền bình đẳng giữa người Ả Rập và người châu Âu, trước khi chấp nhận bị khai trừ Đảng vào mùa thu năm 1936. Tên tuổi của ông cũng đã được biết như là một nhà văn và kịch tác gia. Trong quãng thời gian tham gia đảng cộng sản, Albert Camus thành lập nhà hát kịch Lao Động (Théâtre du Travail) và cho dựng vở Le Temps du Mépris (1935), do nhà văn André Malraux sáng tác. Năm 1936, Albert dựng vở kịch đầu tiên do ông biên soạn chung cùng với mấy người bạn “Révolte dans les Asturies”. Thế nhưng, vở kịch đã bị Augustin Rozis, đô trưởng thuộc phe hữu cực đoan tại Alger cấm diễn. Một năm sau tức năm 1937, Albert Camus ra mắt tiểu luận L’Envers et l’Endroit (Mặt trái và Mặt phải).
Năm 1938, Albert Camus được một người bạn cũ của văn hào André Malraux, Pascal Pia, tuyển về làm phóng viên phóng sự cho tờ Alger Républicain. Tờ nhật báo này có lập trường tách biệt với nhiều tờ báo đương thời, vốn đa phần ủng hộ chính quyền thực dân. Tờ nhật báo Alger Républicain muốn bảo vệ các giá trị của Mặt trận nhân dân. Lúc đầu Albert Camus nghĩ rằng chỉ nhận làm vì “miếng cơm, manh áo” và ông có một cái nhìn không mấy thiện cảm với công việc này. Albert Camus từng thổ lộ với Jean Grenier- giáo sư đại học và cũng là bạn - rằng “nghề này thật là nhàm chán”.
Bốn phẩm chất quan trọng của một nhà báo tự do
Nhưng nhà văn cũng dần nhanh chóng thay đổi quan điểm sau mỗi thành công của những loạt bài viết phóng sự và xã luận. Khi quan sát phản ứng của độc giả, Albert Camus hiểu rằng các bài viết của ông có thể tác động lên công luận. Cũng từ đó ông rút ra một hướng đi, một niềm hy vọng, một giá trị đạo đức. Theo quan điểm của Camus, một nhà báo tự do cần hội đủ bốn phẩm chất: “Sáng suốt, kháng cự, châm biếm và bướng bỉnh”. Bốn giá trị này đã được Camus trình bày rất cặn kẽ trong bản tuyên ngôn và cho đến giờ vẫn còn giữ nguyên giá trị, trở thành một ‘‘cẩm nang’’ cho nghề báo chí tại Pháp.
Sự sáng suốt đòi hỏi khả năng kháng cự lại những lôi kéo của sự hận thù và tôn sùng số mệnh […] Thấu đáo sự việc giúp gạt bỏ sự thù hằn mù quáng và để nỗi tuyệt vọng choán chỗ. Một nhà báo tự do, vào năm 1939, không thất vọng và chiến đấu cho những gì anh ta tin là đúng cũng như hành động của mình có thể ảnh hưởng đến quá trình sự kiện. Anh ta không đăng tải bất cứ điều gì có thể kích thích sự thù hận hoặc gây thất vọng. Tất cả điều này là trong tay của nhà báo’’.
Về phẩm chất thứ hai, Albert Camus cho rằng một nhà báo tự do cũng phải biết “kháng cự”. Ngoài việc phải đảm bảo tính chính đáng của nguồn tin, nhà báo phải biết cân nhắc giữa những gì có thể nói và những gì không thể nói. Một nhà báo tự do phải biết kháng cự, tức là đầu tiên hết không được đồng lõa với sự dối trá.
Từ đó, đi đến phẩm chất thứ ba, phải có khiếu ‘‘mỉa mai’’. Albert Camus cho rằng, ‘‘mỉa mai’’ là một “vũ khí vô song chống lại những cường hào ác bá”. “Óc ‘châm chọc’ hỗ trợ cho sự khước từ trong một chiều hướng mà nó cho phép, không những gạt bỏ những gì sai trái, mà thường nói lên được những gì là đúng. Một nhà báo tự do năm 1939, nhất thiết phải biết mỉa mai, mặc dù nó thường là trái với ý muốn của mình”. Albert Camus còm hóm hỉnh cho rằng : “Sự thật và tự do như là những cô tình nhân đỏnh đảnh dù là có rất ít người yêu họ”.
Dĩ nhiên, tất cả những đức tính đó phải được sự bướng bỉnh ‘hỗ trợ’. Trên thực tế có rất nhiều cản trở cho tự do ngôn luận. Ở đây, tính bướng bỉnh là một đức tính quan trọng. Bởi có một nghịch lý kỳ khôi nhưng rất rõ ràng, nó giúp mang lại tính khách quan và sự độ lượng.

Tính chính xác sự việc là tiêu chí hàng đầu
Suốt quãng thời gian làm nghề viết báo, Albert Camus xem đấy như là một cuộc đấu tranh cho sự thật và cho sự độc lập. Khi mới bước chân vào nghề nhà báo, Camus đã đặt vấn đề “nguồn tin” lên hàng đầu. Các cuộc điều tra ngay tại địa bàn cho phép một cách tiếp cận thực tế các sự kiện. Ông nói: “Đi đến xem là việc đầu tiên cần phải làm. Tiếp đến, nhất thiết phải thẩm định các hướng đi khác nhau có thể bằng cách trao lời cho tất cả mọi người. Không cần thiết cứ phải làm sáng tỏ quan điểm của đối thủ, nhưng ngược lại phải biết lắng nghe và phân tích chúng. Nhà báo trẻ cần phải có một sự công minh không thể nào xâm hại được”.
Ông Jeanyves Guerin, tác giả của quyển “Dictionnaire Albert Camus” (tạm dịch là Tự điển về Albert Camus), giải thích rõ “Khi nói đến bài diễn văn, tính ‘trung thực’ và ‘lương tri’ đòi hỏi rằng những lời nói đó không được cắt ngắn, rằng các câu dẫn không được tách rời ngữ cảnh”. Đối với Albert Camus, sự thật phải là tâm điểm của cuộc tranh luận và để đạt được điều đó, nhà báo phải cố gắng “đặt tính chính xác và tìm hiểu các sắc thái lên hàng đầu”. Những trải nghiệm này được thể hiện rõ nét trong loạt bài phóng sự điều tra “Misère de la Kabylie” (Sự khốn cùng tại Kabylie), đăng trên tờ Alger Républicain vào năm 1939. Trong 11 loạt bài điều tra, ông miêu tả không chút khoan nhượng nạn đói mà vùng này đã gánh chịu. Một sự kiện mà không một tờ báo thân chính quyền thực dân lúc bấy giờ đề cập đến.
Nhận định về tư cách nghề báo của Albert Camus, ông Jean Daniel, nhà sáng lập tuần san Le Nouvel Observateur nói như sau: “Camus rất yêu thích công việc đó (viết báo), một công việc ông rất am tường và có những công thức riêng cho mình. Nhưng trước tiên hết, Camus là một người theo chủ nghĩa thuần túy. Ông rất ghét việc khai thác các tin vặt vãnh gây ồn ào và ghét cay ghét đắng lối sử dụng thì điều kiện (đó là điểm khởi nguồn của một sự dối trá). Ông có một ý tưởng cực kỳ hiếm hoi trong nghề này: Ta có là người đầu tiên hay không điều đó không quan trọng, nhưng cần phải là người (đưa tin) tốt nhất”.
Cũng trong thời gian này, Albert Camus phụ trách mục thời luận pháp lý trên tờ Le Soir Républicain, do ông mở ra cùng với Pascal Pia vào ngày 15/09/1939. Chính công việc này đã cung cấp cho nhà văn những kinh nghiệm mà sau này ông có dịp sử dụng để dựng lại phiên xử nhân vật Mersault trong tác phẩm L’Étranger (Kẻ xa lạ) (1942). Trên tờ báo này, Albert Camus để lại nhiều bài bình luận pháp lý nổi tiếng như vụ án Hodent. Albert Camus đã tìm cách chứng minh sự trong sạch của một người quản lý trang trại bị một tên thực dân giàu có vu khống tội ăn cắp. Nhất là, trong vụ án một người Ả Rập bị buộc tội giết người, Albert Camus đã chứng minh được rằng chính quyền lúc bấy giờ kết tội ông ta chỉ vì mục đích chính trị.
Albert Camus : Một nhà báo dấn thân
Lẽ đương nhiên là những bài viết trên của Albert Camus đã không làm hài lòng chính quyền thực dân lúc bấy giờ. Kết quả là cả hai tờ Alger Républicain và Le Soir Républicain đều có cùng số phận với các tờ báo đến từ Pháp, bị đặt dưới sự kiểm duyệt. Nhưng không vì vậy mà Albert Camus tỏ ra chùn bước. Kiên định với chính kiến của mình, Camus kiên quyết từ chối thông báo trước nội dung các bài viết trước khi lên trang. Nhóm làm báo của ông thà để nhìn thấy những khoảng trắng, những đoạn văn bị cắt xén. Đến mức mà có một số ngày, tờ Alger Républicain và Le Soir Républicain được phát hành với những cột trắng xóa.
Báo Le Monde số ra ngày 18/03/2012, trong một bài viết có tựa đề “Các bổn phận của nhà báo theo quan điểm Albert Camus” có nhắc lại một sự việc khá khôi hài lúc bấy giờ. Đại úy Lorit, trưởng ban kiểm duyệt báo chí đã có những nhận xét khá gay gắt về cấp dưới của mình khi để lọt những lời bàn bị cho là khó có thể chấp nhận. Trong bài viết đề tựa “Hitler và Staline” đăng ngày 18/10/1939 ký tên Albert Camus, viên đại úy này đã nhận xét như sau: “Rất đáng tiếc tác giả thiếu sự sáng suốt”. Ba ngày sau đó, trên đài phát thanh Radio-London (phát bằng tiếng Pháp), thính giả có thể nghe những lời như sau: “Việc gạt bỏ sự thật, trên tất cả các báo chí Đức, là nét đặc trưng của chế độ Đức quốc xã”.
Hay như vào ngày 24/11 cùng năm, Camus có ghi những dòng sau đây, và đã bị cắt xén: “Chúng ta thấy rõ là một nhà báo Anh, ngày nay, vẫn cảm thấy tự hào về công việc của mình. Một phóng viên Pháp, dù là độc lập, không thể không cảm thấy xấu hổ nơi mà người ta khư khư ôm chặt lấy giới báo chí Pháp. Đến khi nào mới có cuộc chiến thông tin tại Pháp?
Khi chiến tranh bùng nổ, do không thể cầm súng ra trận vì căn bệnh lao phổi, Albert Camus đã dùng ngòi bút đả kích mạnh mẽ vào giới cầm quyền và những kẻ trục lợi nhờ chiến tranh. Trong bài viết khác có tựa đề “Những kẻ buôn tử thần”, ông quy trách nhiệm cho các nhà sản xuất vũ khí. Ông cho rằng “việc quốc hữu hóa hoàn toàn ngành công nghiệp vũ khí, sẽ giải thoát chính phủ khỏi tầm ảnh hưởng của giới tư bản đặc biệt vô trách nhiệm, chỉ bận tâm đến việc tạo ra những khoản lợi nhuận lớn” (bài viết đăng ngày 29/11/1939).
Albert Camus cũng không quên thân phận bọt bèo của những người dân bản xứ dưới chế độ thực dân trong thời kỳ chiến tranh. Ông tố cáo cách “đối xử tàn nhẫn” của một nhóm thiểu số và chính phủ, những kẻ “cố chấp tìm cách đàn áp những đối tượng không may có cái mũi chẳng nên có, hay nói thứ ngôn ngữ chẳng nên dùng”.
Đối với Albert Camus, nghề nhà báo là tiếng nói của nhân loại. Trong công cuộc tìm kiếm này, tự do ngôn luận là điều chính yếu. Các áp lực tài chính hay chính trị không nên can dự vào việc phát hành. Ông luôn chiến đấu chống lại kiểm duyệt, như là những gì Camus đã làm tại Le Soir Républicain vào năm 1939. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, cuộc chiến này mỗi lúc mỗi mạnh mẽ. Nhà báo Camus có một thái độ cứng rắn không gì lay chuyển: “Chúng ta tình nguyện chấp nhận kiểm duyệt quân sự về những tin tức có thể có lợi cho kẻ thù. Nhưng chúng ta không chấp nhận ở bất cứ lúc nào sự kiểm duyệt chính trị”.
Mặc dù có nhiều lời đe dọa đóng cửa tòa soạn, nhưng cặp bài trùng Albert Camus – Pascal Pia vẫn không chùn bước. Sự cứng đầu cứng cổ của họ đã gây bực tức cho chính quyền sở tại. Kết quả là sau 117 số phát hành, tờ Le Soir Républicain đã bị đóng cửa vào ngày 10/01/1940, theo lệnh của thống đốc Alger.

Albert Camus : Báo chí phải độc lập với quyền lực và tiền bạc
Thất nghiệp, dưới áp lực của chính quyền sở tại, Albert Camus không được một tòa soạn nào dám tuyển dụng. Sau đó, ông còn bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Alger. Thế là nhà báo quyết định đến Paris. Tại đây, nhờ Pascal Pia, ông tìm được một chân thư ký cho tòa soạn báo Paris Soir. Thế nhưng, tài năng của nhà báo Albert Camus thật sự nở rộ khi ông đến làm việc cho tờ Combat (Chiến đấu). Một tờ báo hoạt động bí mật của quân Kháng chiến. Số báo miễn phí đầu tiên phát hành vào ngày 24/08/1944. Và chính trên tờ báo này tài viết báo của Albert Camus đã phát triển tốt nhất. Ông đầu tư triệt để cho thể loại “cao cấp” nhất là “xã luận”. Để làm được điều này, Camus đề xuất ba chiêu thức: “một ý tưởng, hai ví dụ, ba tờ giấy” (une idée, deux exemples, trois feuillets).
Vào ngày 08/08/1945, khi quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, Albert Camus là người đầu tiên tại Pháp đã có phản ứng, quan ngại cho “những triển vọng khủng khiếp đang mở ra cho nhân loại”. Nhà báo viết: “Nền văn minh cơ khí vừa chạm đến cực điểm của sự dã man. Trong một tương xa hay gần, cần phải biết lựa chọn, giữa sự tự sát tập thể hay việc sử dụng khôn ngoan các hiểu biết khoa học”.
Với 48 ấn bản bí mật tại tờ Combat, Albert Camus trở thành một nhà báo tiếng tăm. Tuy nhiên, yêu nghề viết báo đến chừng nào thì Camus lại ghét giới báo chí đến ngần ấy. Cuộc phiêu lưu tại Combat thể hiện rõ chữ ‘tâm’ và ‘đức’ của Albert Camus, muốn nhìn thấy một nghề viết báo trung thực, chính xác và độc lập với các thế lực của tiền bạc cũng như là quyền lực chính trị. Chính vì thế, Albert Camus thường xuyên lên án mặt trái của giới báo chí. Nhất là trong bài xã luận đăng ngày 31/08/1944 trên tờ Combat. Qua việc chỉ trích ‘thói ham tiền và thái độ thờ ơ của bọn quyền thế”, Albert Camus chỉ ra rằng bọn họ chỉ tìm cách “làm hài lòng hơn là soi sáng”. Ông đã kêu gọi các đồng nghiệp hãy cắt đứt mối liên hệ mà ông cho là “loạn luân” giữa nghề nghiệp với sự cám dỗ của đồng tiền.
Nếu như đối với độc giả Algeri, đầu tiên hết Albert Camus giải thích rõ bổn phận làm sáng tỏ và cẩn trọng là thuộc phận sự của một nhà báo, chống lại sự tuyên truyền và sự “nhồi sọ”, thì tại Combat, Camus tiếp tục đưa ra một hiến chương về thông tin, đảm bảo cho nền dân chủ, sao cho những thông tin đó được giải thoát khỏi vấn đề tiền bạc. Camus viết: “Thông tin chính xác thay vì thông tin nhanh, nói rõ ý nghĩa của mỗi tin tức bằng một bình phẩm tương thích, xây dựng một ngành báo chí chỉ trích và, hơn cả mọi thứ, không nên chấp nhận đặt chính trị lên trên cả đạo đức cũng như là để đạo đức rơi vào chủ nghĩa giáo điều”.
Nhà báo Laurent Joffrin đã tóm lược lại như sau: “Albert Camus đã xây dựng một mô hình mà tất cả các nhà báo đúng với tên gọi này sẽ phải đi theo. Ông đã thể hiện và hình thành lý thuyết đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo phải tham chiếu vào những giá trị đạo đức chứ không phải là giá trị chính trị. Đó là những gì Camus đã làm. Đó cũng là lý do vì sao ông thường đi ngược lại với trào lưu. Cần phải có sự can đảm để bất đồng với xã hội, để nói không với một chủ nghĩa theo thời nào đó. Hơn nữa, Albert Camus cũng như Jean Daniel đã đưa ra ý tưởng : Dù có một chính kiến hợp lý và có sắc thái riêng về một sự kiện cũng không gạt bỏ được một lập trường”.
Tóm lại, đối với Albert Camus, ngành báo chí từng là một cộng đồng người ở đó ông cảm thấy được nuôi dưỡng. Đó giống như là một trường đời và đạo đức. Ở đó, ông thấy được sự cao cả. Có thể nói Albert Camus là một trong những tiếng nói hay nhất trong lãnh vực này, góp phần hình thành nên cái khung của một quy chế nghiêm ngặt cho ngành báo chí.

Source : RFI
\