23/3/14

Nato lo ngại Nga dồn quân về biên giới


Nato lo ngại Nga dồn quân về biên giới

Cập nhật: 04:27 GMT - thứ hai, 24 tháng 3, 2014
Các lực lượng thân Nga đánh một người lính Ukraine ở Crimea
Tư lệnh Nato ở châu Âu đã cảnh báo về việc Nga tập trung lực lượng tại biên giới với Ukraine.
Tướng Philip Breedlove, tư lệnh tối cao đồng minh, nói Nato đặc biệt quan ngại về mối đe dọa đối với vùng Trans-Dniester của Moldova.

‘Hùng hậu và sẵn sàng’
Nga thì nói quân đội của họ ở Đông Ukraine là ‘tuân theo các thỏa thuận quốc tế’.
Phát biểu tại một sự kiện ở Brussels, Tướng Breedlove mô tả lực lượng Nga ở biên giới với Ukraine là ‘rất, rất hùng hậu và rất sẵn sàng’.
“Lực lượng đóng ở biên giới phía đông Ukraine này hoàn toàn đủ để triển khai đến vùng Trans-Dniester nếu quyết định được đưa ra, và đây là điều hết sức đáng lo,” ông nói.
“Nga đang hành động giống như là kẻ địch hơn là bạn hữu.”
Trans-Dniester là một dải đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới tây nam Ukraine. Vùng đất này đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova hồi năm 1990.
Cộng đồng quốc tế không công nhận quy chế độc lập của vùng đất này.
"Nga đang hành động giống như là kẻ địch hơn là bạn hữu."
Tướng Philip Breedlove, tư lệnh tối cao đồng minh Nato ở châu Âu
Vào lúc Crimea bị sáp nhật, chính quyền Trans-Dniester cũng đã yêu cầu được gia nhập vào Liên bang Nga.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Nga đang gia tăng.
“Vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông ấy không muốn nói chuyện không chỉ với Chính phủ Ukraine mà còn cả các nhà lãnh đạo phương Tây,” ông Deshchytsia nói với BBC.
“Và đây thật sự là mối nguy hiểm trong tiến trình ra quyết định. Chúng tôi chỉ có thể nghĩ là ông ấy có thể xâm lược.”
Trong lúc này, một vài khu vực của Crimea đã bị mất điện mà lý do được cho là trục trặc kỹ thuật ở một đường tải điện từ đại lục ra bán đảo nằm trên Biển Đen này.
Công ty Krymenergo, nhà cung cấp điện cho Crimea, thông báo trên trang mạng của họ rằng họ phải cắt điện một phần sau khi một đường dây do công ty điện lực quốc gia Ukraine quản lý bị trục trặc kỹ thuật và cần được sửa chữa.
Phần lớn lượng điện tiêu thụ ở Crimea, cùng với nước sạch và thực phẩm, được cung cấp từ đất liền Ukraine.

‘Không bành trướng’

Đang có lo ngại Nga sẽ tiến quân về vùng Trans Dniester vốn đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova
Ở Washington, ông Tony Blinken, một quan chức an ninh, nói với Đài CNN rằng Mỹ đang xem xét tất cả các yêu cầu giúp đỡ từ phía Ukraine.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ thận trọng rằng ngay cả khi Mỹ giúp đỡ thì cũng rất khó có khả năng thay đổi tính toán của người Nga cũng như ngăn chặn được bất kỳ hành động xâm lược nào.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine.
Trong một diễn biến khác, cờ Nga đã được treo trên 189 đơn vị và cơ sở quân sự của Ukraine ở Crimea, hãng tin Nga Interfax tường thuật.
Đại sứ của Moscow ở Liên minh châu Âu nói với BBC rằng ‘sự thống nhất’ này không hề được định trước mà chỉ là kết thúc một ‘sự bất thường’ vốn đã kéo dài 60 năm qua.
"Mục đích của Putin không phải là Crimea mà là toàn bộ Ukraine. Quân đội của ông ấy tập hợp ở biên giới và ông ấy sẵn sàng phát lệnh tấn công bất cứ lúc nào."
Andriy Parubiy, người đứng đầu bộ máy an ninh Ukraine
Ông Vladimir Chizhov nói Moscow ‘không hề có quan điểm bành trướng’ và rằng ‘không ai phải sợ Nga cả’.
Tuy nhiên, ông Andriy Parubiy, người đứng đầu bộ máy an ninh Ukraine, phát biểu trước một cuộc tập hợp ở Kiev: “ Mục đích của Putin không phải là Crimea mà là toàn bộ Ukraine. Quân đội của ông ấy tập hợp ở biên giới và ông ấy sẵn sàng phát lệnh tấn công bất cứ lúc nào.”
Các phóng viên cho biết quân đội Nga dường như đang tăng cường nỗ lực để kiểm soát hoàn toàn Crimea về mặt quân sự.
Phóng viên BBC Ian Pannell ở Belbek cho biết quân lính Ukraine còn lại ở Crimea đang cảm thấy đối diện với nguy hiểm và bị các tư lệnh của họ bỏ rơi.
Phóng viên này đã thấy quân Nga sử dụng lựu đạn gây choáng và vũ khí tự động trong một cuộc đột kích vào căn cứ không quân Belbek ở gần Sevastopol hôm 22/3.
Một phóng viên BBC khác đã chứng kiến quân Nga giành quyền kiểm soát căn cứ hải quân Novofedorivk ở miền Tây Crimea.
Binh lính Nga và các lực lượng thân Nga đã tấn công căn cứ và buộc quân đội Ukraine phải rút lui.
Theo BBC

Nga sẽ chẳng bao giờ giống chúng ta

Theo pro&contra

Tháng 3 23, 2014
Anne Applebaum
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Chúng ta mất 20 năm gắng biến Nga thành một nước phương Tây. Vô ích.
Từng có những giây phút mặn nồng: Bill Clinton và Boris Yeltsin ôm nhau thắm thiết; George W. Bush nhìn vào mắt Vladimir Putin và “hiểu được tâm hồn của ông”; Hillary Clinton nhấn “nút tái khởi động”.[i] Cũng từng có những lúc đắng cay. Thế nhưng ở phương Tây luôn có một luận thuyết phổ biến về Nga trong hơn hai mươi năm độc lập của đất nước này.
Dù công khai hay ngấm ngầm, từ năm 1991 giới lãnh đạo phương Tây hành xử với giả định rằng Nga là một nước phương Tây còn khiếm khuyết. Có lẽ trong thời Xô Viết, nước này đã trở nên khác hẳn, thậm chí bị biến dạng. Nhưng chẳng chóng thì chầy, đất nước của Tolstoy và Dostoevsky, quê hương của ba-lê cổ điển, sẽ trở về với cái mà Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Liên Xô cuối cùng, đã gọi một cách cảm động là “ngôi nhà Châu Âu chung của chúng ta”.
Trong những năm 1990, nhiều người nghĩ rằng để Nga về với ngôi nhà đó chỉ cần có các chính sách mới: Với những cải cách kinh tế đúng đắn, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ giống chúng ta. Có người lại nghĩ rằng nếu Nga tham gia Hội đồng Châu Âu, và nếu chúng ta biến G-7 thành G-8, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ hấp thu các giá trị phương Tây. Các đặc quyền như vậy thậm chí chưa bao giờ được dành cho Trung Quốc, một cường quốc kinh tế và chính trị lớn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa bao giờ tin rằng Trung Quốc sẽ là “phương Tây”. Nhưng trong thâm tâm chúng ta đã tin rằng một ngày nào đó nước Nga sẽ cùng hội cùng thuyền với chúng ta.
Lại cũng có người nghĩ rằng để nước Nga tiến lên cần có một kiểu ngôn ngữ phương Tây nhất định, một cuộc đối thoại tốt hơn. Khi mối quan hệ đó xấu đi, Tổng thống Bush trách Tổng thống Clinton. Tổng thống Obama trách Tổng thống Bush. Và tất cả chúng ta trách cứ lẫn nhau. Hồi năm 1999, Tạp chí New York Times đăng bài chính lên trang bìa với nhan đề “Ai đã đánh mất Nga?” (“Who Lost Russia?”) Được bàn luận nhiều lúc đó, bài báo này cho rằng chúng ta đã đánh mất Nga “vì chúng ta theo đuổi những nghị trình sai bét đối với nước Nga” và đã tư vấn kinh tế sai lầm. Tuần trước, Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ ở Nga, gợi nhớ lại ý của Putin và cho rằng Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay vì đã “xem Nga là kẻ thua cuộc”.
Những lập luận này chỉ là suy bụng ta ra bụng người: Chính trị Nga chưa bao giờ “liên can đến chúng ta”. Thực tình mà nói chúng ta chẳng có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Nga kể từ năm 1991, ngay cả khi chúng ta hiểu họ. Những thay đổi quan trọng nhất – sự chuyển giao ồ ạt dầu và khí từ nhà nước sang giới chính trị quả đầu (oligarchs), sự trở lại nắm quyền của những người được KGB nhào nặn, sự loại bỏ tự do báo chí và đối lập chính trị – đã diễn ra bất chấp lời khuyên của chúng ta. Các quyết định quân sự quan trọng nhất – các cuộc xâm lược Chechnya và Georgia – đều bị chúng ta phản đối. Tuy nhiều người dường như nghĩ khác, mục đích chính của cuộc xâm lược Crimea cũng không phải là để khiêu khích phương Tây. Như một bình luận viên Nga sắc sảo đã nhận xét, những câu quan trọng nhất trong bài phát biểu sáp nhập [Crimea] của Putin trong tuần này nhìn chung không được chú ý đến: ông nhắc đến “lực lượng phá hoại ngầm” và “những kẻ phản bội” Nga được phương Tây tài trợ mà nay sẽ bị dập tắt. Putin xâm lược Crimea vì Putin cần một cuộc chiến. Trong thời buổi tăng trưởng chậm hơn, và với một tầng lớp trung lưu ngang ngạnh, có thể ông cần thêm vài cuộc chiến nữa. Lần này quả thực không phải liên can đến chúng ta.
Nhưng vì Crimea quá gần với Châu Âu, và vì ngôn ngữ sắc tộc-dân tộc chủ nghĩa mới của Putin gợi lại quá nhiều ký ức về quá khứ đẫm máu của Châu Âu, cuộc xâm lược Crimea có thể có một ảnh hưởng lớn hơn đối với phương Tây hơn cả ý đồ của ông. Tại thủ đô của nhiều nước Châu Âu, các sự kiện ở Crimea đã thật sự gây bàng hoàng. Lần đầu tiên, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng luận thuyết này đã sai lầm: Nga không phải là một cường quốc phương Tây còn khiếm khuyết. Nga là một cường quốc chống phương Tây với một tầm nhìn khác, u ám hơn về chính trị toàn cầu. Các danh sách cấm vận công bố ở Châu Âu tuần này ngắn đến buồn cười, nhưng chính sự xuất hiện các danh sách này phản ánh cuộc bể dâu này. Hai mươi năm qua, chẳng ai nghĩ đến chuyện “chế ngự” Nga. Nay thì người ta sẽ nghĩ về chuyện đó.
Dù gì đi nữa, ngay cả danh sách cấm vận mới và dài hơn của Mỹ cũng chỉ là một tín hiệu. Hiện nay, những thay đổi quan trọng hơn nhiều là các thay đổi chiến lược sâu sắc hơn nên xuất phát từ những hiểu biết mới của chúng ta về Nga. Chúng ta cần suy nghĩ lại NATO, cần chuyển các lực lượng NATO từ Đức sang các biên giới phía đông của liên minh này. Chúng ta cần xem xét lại sự hiện diện của tiền Nga trong các thị trường tài chính quốc tế, do quá nhiều tiền “tư nhân” của Nga thực ra do nhà nước kiểm soát. Chúng ta cần xem lại các luật lệ của chúng ta về rửa tiền và các hình thức tránh thuế, do Nga dùng tham nhũng như một công cụ của chính sách đối ngoại. Trên hết thảy, chúng ta cần xem xét chiến lược năng lượng của phương Tây, do các tài sản dầu khí của Nga cũng được dùng để thao túng chính trị và giới chính khách Châu Âu, và tìm cách giảm sự phụ thuộc của chúng ta.
Tất cả những điều này sẽ mất thời gian, và đối với một số người, như vậy có thể đã quá trễ. Tuần trước ở Kiev, Ukraine, tôi gặp những thanh niên Ukraine nói với vẻ hào hứng đến đau lòng về triển vọng một ngày nào đó họ có thể sống trong một đất nước hoàn toàn khác. Tôi không nỡ lòng nói với họ là tôi không biết liệu họ có bao giờ được như vậy hay không.
Nguồn: Anne Applebaum, Russia Will Never Be Like UsSlate, 20/3/2014
__________
Anne Applebaum là nhà báo viết chuyên mục cho Washington Post và Slate. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale (Mỹ) và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh), thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ba Lan và Nga. Bà chuyên về lịch sử chủ nghĩa cộng sản và việc phát triển xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu, và đã viết nhiều sách về các chủ đề này, trong đó có “Gulag: A History” (Lịch sử nhà tù Gulag) giành được Giải Pulizer năm 2004. Chồng bà, Radosław Sikorski, là Ngoại trưởng Ba Lan.
Đọc thêm: “Đằng sau bức màn sắt“, bài giới thiệu tác phẩm Bức màn sắt: Cuộc thâu tóm Đông Âu (Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe, nhà xuất bản Doubleday) của Anne Applebaum
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra


[i] Nguyên văn: pressing the “reset button”. Chi tiết này nhắc tới chuyện năm 2009 ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nút bấm tái khởi động, bày tỏ ý muốn của Mỹ muốn tái khởi động mối quan hệ Mỹ-Nga. (N.D.)

22/3/14

Nga đã thắng phương Tây?

Nga đã thắng phương Tây?

Cập nhật: 14:46 GMT - thứ bảy, 22 tháng 3, 2014
Putin và cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Động thái của ông Putin ở Crimea và Ukraine gây ra những phản ứng trái chiều.
Một bài bình luận có tựa đề ‘BấmTrận pháp Putin’ của Đặng Vương Hạnh trên báo Tiền Phong hôm 20/03 nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘đã thắng trong trận chiến Crimea’.
Bài viết cho rằng ‘có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych, nhưng sau “cú giật mình”, ông Putin đã nhanh chóng giành lại thế chủ động và vượt lên trong ván cờ địa chính trị’.

Bằng những nhận định đó, xem ra Đặng Vương Hạnh cũng cảm thấy phấn khởi trước ‘chiến thắng’ này của Tổng thống Nga.
Cũng theo tác giả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ‘bối rối, bị động’, cố gắng ‘gỡ gạc thể diện’ sau kết quả ‘không có gì bất ngờ’ của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và đang ‘đau đầu trước nan đề kỳ thủ Putin’ vì không biết ông có ‘tung ra những nước cờ nào nữa trong “hiệp hai” cuộc đấu’.

‘Bị động’ do đâu?

Không ai có thể phủ nhận Nga đã dễ dàng chiếm được Crimea. Chủ biên thời sự quốc tế của BBC John Simpson gọi việc Nga thôn tính vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này là một ‘cuộc xâm lăng êm thấm nhất của thời hiện đại’.
Được coi là ‘êm thấm’ vì – ngoại trừ tới lúc các tay súng thân Nga tấn công một căn cứ quân sự của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người khác bị thương – cuộc xâm lược đã diễn ra và kết thúc nhanh gọn, không có đổ máu, thương vong.
"Thậm chí khi bị khiêu khích, binh lính Ukraine vẫn giữ bình tĩnh. Khi thấy phía Nga và những dân quân thân Nga có những hành động gây hấn, họ đã chấp nhận rút lui để tránh xung đột"
Nga đã giành ‘chiến thắng’ dễ dàng vì ngày từ đầu quân đội nước này không phải chiến đấu với bất cứ ai trong ‘trận chiến Crimea’. Họ thản nhiên tiến vào Crimea mà không gặp sự phản kháng quân sự nào từ Ukraine và các nước phương Tây.
Thậm chí khi bị khiêu khích, binh lính Ukraine vẫn giữ bình tĩnh. Khi thấy phía Nga và những dân quân thân Nga có những hành động gây hấn, họ đã chấp nhận rút lui để tránh xung đột.
Hơn ai hết, giới nắm quyền mới ở Kiev biết rằng dùng vũ lực để chống lại sự xâm chiếm của Nga sẽ dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai nước và trong một cuộc chiến như thế Ukraine sẽ thất bại nặng nề.
Mỹ và đặc biệt các nước EU cũng không thể – và càng không muốn – dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn việc Nga xâm chiếm Crimea vì nếu làm vậy, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ leo thang và có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Và nếu một cuộc chiến như vậy xẩy ra, không chỉ châu Âu mà cả thế giới sẽ rơi vào bất ổn, nếu không muốn nói là phải đối diện thảm họa.
Nga và Mỹ, Anh và Pháp – ba trong số những quốc gia quyết liệt lên án hành động của Nga – là bốn trong tám quốc gia chính thức có vũ khí hạt nhân.
Giới lãnh đạo phương Tây biết rõ chẳng ai được lợi gì nếu Chiến tranh Lạnh thứ hai hay Thế chiến ‘nóng’ thứ ba bùng nổ.
Về phần mình, đã từng bị hai đại chiến tàn phá, các nước châu Âu sẵn sàng làm tất cả và tìm bằng mọi cách để tránh một cuộc chiến tương tự.
Lãnh đạo EU càng không muốn đánh mất sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng mà họ phải bỏ bao nhiêu công sức gây dựng từ sau Thế chiến thứ hai.
Vì vậy, dù không thể chấp nhận việc Nga xâm chiếm Crimea đến giờ Mỹ và EU vẫn chủ yếu dùng các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế để buộc Moscow suy nghĩ và xem lại hành động của mình.
Đây là lý do chính yếu giải thích tại sao Mỹ và EU ‘bị động’ trước Nga.
Nắm bắt được sự ‘bị động’ này, ông Putin đã cho quân vào Crimea và Nga đã giành được một chiến thắng quá dễ dàng trong ‘trận chiến Crimea’.
Binh lính Nga
Binh lính Nga đi tuần hôm 19/3 trong một quân cảng của Ukraine bị lực lượng thân Nga chiếm đóng.
Đó cũng là một sự khác biệt lớn giữa ông Putin và giới lãnh đạo phương Tây.
Trong khi Tổng thống Nga sẵn sàng dùng biện pháp cứng rắn và dám bất chấp mọi hậu quả để đạt được mục đích, tham vọng của mình tại Crimea và Ukraine, giới lãnh đạo Mỹ và EU không thể dùng những hình thức đó để giải quyết cuộc khủng hoảng Crimea/Ukraine.
Nói cách khác, ông Putin và những người ủng hộ vẫn còn mang não trạng của homo sovieticus (con người Xô Viết) – coi mình hơn người nhưng lại thích bạo lực, phi luật pháp.
Và khi phải đối diện với một người như vậy – đặc biệt khi người ấy có vũ khí (hạt nhân) nguy hiểm – chuyện các nước phương Tây ‘bối rối’, ‘bị động’ và ‘đau đầu trước nan đề Putin’ ít hay nhiều có thể hiểu được.
Một đối tượng khác mà Mỹ và các nước phương Tây luôn cảm thấy ‘đau đầu’ cũng vì những lý do tương tự là chế độ Bình Nhưỡng ở Bắc Hàn.

Ai thắng, ai thua?

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin hoàn toàn thắng – và phương Tây hoàn toàn thua – ‘trong trận chiến Crimea’.
Đến giờ ông Putin gần như chắc chắn có được Crimea nhưng ông và Nga cũng đang mất nhiều thứ khác. Một trong số đó là việc ông Putin và Nga bị cộng đồng quốc tế khinh thường, cô lập.
Chẳng hạn, hôm 15/03, 13 nước trong số 15 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đã tán thành một nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Chỉ một mình Nga trơ trọi, cô đơn ‘giơ tay’ phủ quyết vì Trung Quốc – được coi là đồng minh của Nga trong vấn đề Crimea/Ukraine và thường cùng với Moscow phủ quyết các dự thảo liên quan đến các vấn đề quốc tế tại LHQ do các nước phương Tây khởi xướng – đã bỏ phiếu trắng.
"Ai cũng biết việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy như chính tác giả của ‘Trận pháp Putin’ thừa nhận Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất hơn vì trong khi chuyện đó làm Nga ‘vỡ đầu’ thì phương Tây chỉ ‘mẻ trán’"
Các nước thuộc khối G7 cũng không muốn họp với Nga trong khuôn khổ G8 – một diễn đàn được bảy nước công nghiệp phát triển mở rộng vào năm 1998 để đón nhận Nga.
Không chỉ bị cộng đồng quốc tế cô lập, ông Putin cũng bị một số người dân Nga chỉ trích.
Cũng vào ngày 15/03 tại Moscow có hai cuộc biểu tình liên quan đến việc Nga can thiệp vào Ukraine. Trong khi có khoảng 50.000 người xuống đường phản đối hành động của Nga ở Ukraine, cuộc biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý ở Crimea chỉ quy tụ khoảng 15.000 người.
Bài viết của Đặng Vương Hạnh cho rằng ‘Nga đã sẵn sàng chơi đòn cân não với phương Tây’ và nếu trừng phạt kinh tế làm Nga ‘vỡ đầu’ thì nó cũng làm phương Tây ‘mẻ trán’.
Ai cũng biết việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy như chính tác giả của ‘Trận pháp Putin’ thừa nhận Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất hơn vì trong khi chuyện đó làm Nga ‘vỡ đầu’ thì phương Tây chỉ ‘mẻ trán’.
Đó cũng là lý do tại sao trong những ngày qua Mỹ và EU đưa ra nhiều hình thức trừng phạt với Nga và sẵn sàng chấp nhận chịu ‘mẻ trán’ để làm Nga ‘vỡ đầu’.
Vũ khí lớn nhất mà Nga dùng để chèn ép Ukraine và để ông Putin thách thức Mỹ và EU là khí đốt. Nhưng tiền từ xuất khẩu khí đốt sang EU – chiếm đến 15% GDP của Nga – cũng là một nguồn sống của nền kinh tế nước này.
Trong khi EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Sự trừng phạt kinh tế của phương Tây còn có thể làm mức tăng trưởng kinh tế của Nga vốn đang giảm – chỉ 1.3% năm 2013 so với năm 2012 và là nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong số các quốc gia đang nổi – càng giảm trong năm 2014.
Cuộc họp khối G8
Sau hành động của chính quyền Putin ở Crimea, quan hệ trong nội bộ G8 với Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều đó cũng có nghĩa là hy vọng biến nước Nga thành một cường quốc kinh tế của ông Putin bị tan biến.
Trong thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ dẫn đến một Chiến tranh Lạnh khác. Nhưng nếu điều đó diễn ra, Nga luôn yếu thế hơn phương Tây và cũng giống như Liên Xô trước đây, cuối cùng Nga cũng thất bại.
Về kinh tế, dù đứng thứ tám trên thế giới về GDP (với hơn 2000 tỷ USD vào năm 2012, theo chỉ số GDP của Ngân hàng thế giới), GDP của Nga chỉ bằng 17% của năm nền kinh tế lớn của EU (Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha) và 12.4% GDP của Mỹ.
Mức độ ảnh hưởng của Nga cũng không còn mạnh như Liên Xô trước đây vì ba trong số 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết và sáu trong tám nước thuộc khối Warszawa giờ là thành viên của EU.
Và trên hết, dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để có được Crimea, ông Putin lại đang từ từ đánh mất Ukraine.
Trong khi tại Moscow ông ký các sắc lệnh hoàn tất thủ tục sáp nhập Crimea vào Nga và cho bắn pháo hoa ăn mừng ‘chiến tích’ mới thu được, ở Brussels lãnh đạo EU đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine.
Việc Ukraine tiến gần EU là một điều ông Putin hoàn toàn không muốn và ông đã từng dùng mọi cách để ngăn ngừa điều đó.

Có nên vui mừng?

Đối với Mỹ và các nước EU, việc chọn các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế – thay vì dùng vũ lực để đối phó với Nga – chắc chắn làm ông Putin và những người ủng hộ ông cho rằng phương Tây yếu thế.
Nhưng có thể nói đó giải pháp tốt nhất – hay ít ra ít thiệt hại nhất – cho Ukraine, châu Âu, các nước phương Tây và có thể cả thế giới lúc này. Vì dùng vũ lực để đáp trả vũ lực trong trường hợp này chỉ gây nên bất ổn, xung đột, chiến tranh.
"Càng ngạc nhiên khi tác giả muốn Nga giúp Trung Quốc ‘hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’. Được biết Việt Nam là một trong các nước khu vực ủng hộ chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ"
Vì vậy, không nên quá vui mừng trước ‘chiến thắng’ của ông Putin và sự ‘bị động’, ‘bối rối’ của các nước phương Tây trong ‘trận chiến Crimea’.
Trong bài viết của mình, ông Hạnh còn nhận định rằng ‘ông Putin có nhiều sự lựa chọn để đánh vào các lợi ích của Mỹ’ vì theo ông Nga có thể sẽ ‘cung cấp nhiều vũ khí hơn cho chính quyền Syria, hâm nóng thùng thuốc súng Trung Đông’.
Hơn nữa, ông cũng cho rằng Nga có thể ‘hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’.
Nếu là một người yêu chuộng hòa bình, muốn thế giới ổn định chắc không ai lại cảm thấy thích thú khi biết ‘thùng thuốc súng tại Trung Đông’ được ‘hâm nóng’ vì điều đó càng làm cho khu vực này vốn đã nhiều bất ổn lại càng thêm xung đột.
Hơn nữa, khi một số nước tại Đông Á, trong đó có Việt Nam, đang quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc và những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, chắc chỉ có những người như tác giả của ‘Trận pháp Putin’ muốn Trung Quốc có thêm ‘các loại vũ khí công nghệ cao’.
Càng ngạc nhiên khi tác giả muốn Nga giúp Trung Quốc ‘hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’. Được biết Việt Nam là một trong các nước khu vực ủng hộ chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ.
Putin và EU
Hành động của ông Putin ở Crimea làm rạn nứt thêm mối quan hệ giữa Nga với EU.
Có thể Đặng Vương Hạnh ủng hộ hành động của ông Putin ở Crimea và chê phương Tây (một phần) vì không thích các cuộc biểu tình ở Ukraine dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ và cho rằng phương Tây đứng đằng sau làn sóng biểu tình đó.
Nhưng đến giờ nhiều người đã biết ông Yanukovych là một Tổng thống bất tài, tham nhũng và chính ông bỏ Kiev chạy sang Nga kêu gọi Moscow can thiệp vào Ukraine. Tại sao lại đi ủng hộ những lãnh đạo như Yanukovych?
Ai cũng hiểu có nhiều người Nga tại Crimea và miền Đông Ukraine nói chung và ai cũng biết Nga có căn cứ quân sự tại Ukraine và nhiều lợi ích khác ở Ukraine. Nhưng không thể viện cớ bảo vệ người Nga và bất chấp luật pháp quốc tế để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Vẫn biết rằng ít hay nhiều các nước phương Tây góp phần gây nên cuộc khủng hoảng hiện tại ở Crimea/Ukraine. Nhưng những quốc gia – như Việt Nam – có nên vui mừng trước việc một nước láng giềng lớn mạnh dùng vũ lực và các thủ đoạn khác nhau hay viện cớ bảo vệ kiều bào của mình để đưa quân vào và thôn tính lãnh thổ của mình như Nga đang làm với Ukraine?
Cộng đồng mạng trong những ngày qua đang bàn tán về một văn thư của Ban Tuyên giáo hướng dẫn báo chí Việt Nam đưa tin về một số vụ việc, trong đó có tình hình ở Ukraine. Dù chuyện đó đúng hay không, hy vọng rằng những bài như ‘Trận pháp Putin’ không được viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận người Việt Nam đang sinh sống ở Anh.
Source : BBC

21/3/14

QUẢ BÁO NHÃN TIỀN

QUẢ BÁO NHÃN TIỀN
Theo adminbasam on 21/03/2014

Tô Văn Trường
Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường…hai dự án bôxit Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ) đã phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015  sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng vv…
Thực tế bi đát của dự án này là điều có thể thấy trước và không làm ai  ngạc nhiên. Nói theo nhà Phật thì  “quả báo nhãn tiền” đã có ngay chứ không cần đợi đến kiếp sau.



Bể lắng quặng đuôi của Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng. Ảnh: QUANG TÚ (nld.com)
Bể lắng quặng đuôi của Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng. Ảnh: QUANG TÚ (nld.com)


Nguy hiểm hơn, có vẻ như những người quyết định và đang theo đuổi dự án này đã lỡ ngồi trên lưng hổ rồi, nên cứ tiếp tục liều mạng bất chấp cái giá mà nhân dân và đất nước phải trả trong điều kiện nền kinh tế đang suy kiệt hiện nay. Việc cố tình che dấu tội lỗi thường mang lại hậu quả lớn hơn nhiều tội lỗi ban đầu.

Theo Ts Nguyễn Thành Sơn mới đi khảo sát ở Tây Nguyên cho biết thực tế đã chứng minh: Bộ Công Thương và TKV đã giải trình không đúng sự thật để cố đấm ăn “khoai”! Giá thành chưa hạch toán đúng và đủ vì quyết toán chưa xong (mức khấu hao chưa đúng). Khâu cung cấp đầu vào là quặng bauxite do TKV chỉ định (người khai thác, cũng như giá bán bauxite). Thực chất là thuê ngoài (thông qua “đầu nậu” là một đơn vị thành viên của TKV). Khâu vận chuyển tiêu thụ về Gò Dầu cũng do TKV chỉ định và ép giá. Hoàn thổ qua dự án thí điểm tại chỗ sau 3 năm cho thấy chỉ có thể trồng cây keo, những loại cây khác không thể sống được. Công nghệ khí hóa than để cung cấp nhiệt cho khâu luyện alumina thuộc loại cổ điển cách đây khoảng 50 năm, nên phải dùng than cục đắt tiền (chở từ Quảng Ninh vào) và giống hệt như của các lò khí hóa của các lò gốm thủ công ở Bát Tràng, bên kia bờ sông Hồng của Hà Nội. Đặc biệt, nguy cơ nổ là rất lớn vv…
Cách đây 2 năm, người viết này đã từng cảnh báo kinh doanh theo lợi nhuận phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”!. Về khía cạnh kinh tế, nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ để tránh lời giả, lỗ thật. Hay nói cách khác, lời doanh nghiệp và nhóm lợi ích hưởng những lỗ thì nhà nước nghĩa là toàn  dân phải chịu.
Trong thực tế, TKV lẫn lộn, không phân biệt nổi hiệu quả kinh tế-tài chính (là của doanh nghiệp), hiệu quả kinh tế-xã hội (của xã hội). Các nước gần đây còn chú trọng đến hiệu quả kinh tế-môi trường là những khái niệm không thể lập lờ, nhất là cái khoản thu to nhất của ngân sách là thuế xuất khẩu!?
Cần sử dụng mô hình tổng thể cân bằng kinh tế để tính toán lời lỗ một cách bài bản, khoa học. Cách tính đơn giản hơn đem chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư.
Nếu có giá trị tổng đầu tư  thì đem chia cho đời sống của nhà máy để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành.  Sau đó, so sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.
Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi, nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô xít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.
Ngoài chi phí cơ hội kinh tế, còn chi phí xã hội thì khôn lường: hàng ngàn người mất nguồn thu nhập mà nếu tính đủ thì không chỉ là tiền công ‘lấy công làm lời’ mà còn cả các chi phí bảo trợ xã hội đang bị bỏ qua.
Đất bazan là đặc sản của Tây Nguyên, một trong những loại đất địa thành tốt nhất cho nông nghiệp nhất là cây công nghiệp dài ngày  nhờ có tỷ lệ sét cao, khả năng giữ nước, giữa phân rất tốt, khi bị bóc đi, bề mặt bị mưa rửa trôi, xói mòn là tổn thất không dễ bù đắp.
Dù được bao cấp, ưu đãi rất nhiều nhưng tính bằng cách nào chúng tôi cũng chỉ thấy dự án bô xít lỗ to chưa kể rất nhiều rủi ro khó lường khác về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội, và môi trường. Cảnh báo trên, đến nay nhìn lại càng được thực tế chứng minh là chính xác.
Khai thác bauxite không được sự đồng thuận của các nhà khoa học Việt Nam và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn chứng kết quả điều tra về việc này của các chuyên gia Liên Xô cũ, là họ không tán thành việc khai thác này, rất không có lợi cho VN. Trước đây có lời giải thích là ta làm bôxit  vì “chủ trương lớn”.  Nếu cần hỏi tiếp thì phải là tại sao các vị có trách nhiệm lại quyết định có “chủ trương lớn”!? Dự án bô xít Tây Nguyên nếu nhìn lại quá trình đàm phán và cam kết, có thể nói đó là chuyện đã chót lỡ, rồi mới đưa ra Quốc hội cho đủ thủ tục và Chính phủ thực thi.
Theo quy trình cải thiện liên tục PDCA (Plan Do Check Act)  Kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra và – Hành động,  thừa đủ dữ kiện để đánh giá ai quyết định về chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước (Quốc hội) và nhân dân. Còn những ai đã báo cáo không chính xác để dẫn đến quyết định sai thì những người đó phải chịu trách nhiệm trước người đã ra quyết định.
Vấn đề đã rõ như ban ngày, đâu cần thêm thông tin để làm quyết định.  Vấn đề là ai quyết định? Không lẽ Quốc hội chỉ vì “Đảng cử dân bầu” nên vẫn né tránh không bàn đến các “chủ trương lớn” và quan tâm đến nguyện vọng của cử tri.  Xem lại các trang báo mạng, báo giấy thời sôi động can ngăn dự án “Trời gầm” nầy thì sẽ thấy nhân dân ta thông minh và tâm huyết biết chừng nào. Gần đây, Chính phủ biết lắng nghe các ý kiến phản biện, đối chiếu với thực tế đã hủy bỏ dự án cảng Kê Gà. Bây giờ, dừng dự án Nhân Cơ tuy muộn, dù sao còn hơn không vì chỉ cần thí điểm dự án Tân Rai là quá đủ! Bài học đổ vỡ đắt giá về Vinashin, Vinaline vv… rất có thể dự án bô xit Tây Nguyên trở thành nấm mồ của một anh cả đỏ khác là Tập đoàn Than khoáng sản VN.
TVT

Khủng hoảng Ukraina làm thay đổi cục diện thế giới

Khủng hoảng Ukraina làm thay đổi cục diện thế giới 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama : Khủng hoảng Ukraina, Nga-Mỹ trong thế đối đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama : Khủng hoảng Ukraina, Nga-Mỹ trong thế đối đầu.
Reuters
 
Theo RFI

 
Thanh Phương
Khủng hoảng Ukraina đang làm thay đổi cục diện thế giới, làm nổi rõ sự yếu kém về mặt chính trị của Liên hiệp châu Âu và sức nặng về mặt địa chiến lược của Nga. Khủng hoảng này cũng đánh dấu sự trở lại của Hoa Kỳ trên sân khấu châu Âu. Đó là nhận định chung của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay.

Theo nhận định của ông Thomas Gomart, chuyên gia Viện quan hệ quốc tế của Pháp ( IFRI ), khi sát nhập vùng Crimée vào Nga một cách nhanh chóng như thế, tổng thống Putin đã khiến phương Tây « sững sờ ». Liên hiệp châu Âu đã thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những nhân vật của Nga và thân Nga ở Ukraina, nhưng chuyên gia Gomart cho rằng, những biện pháp trừng phạt đó « không tương xứng với tầm mức của vấn đề ».
Có thể nói Liên hiệp châu Âu hiện nay đang là nạn nhân của tình trạng phụ thuộc về mặt năng lượng và kinh tế vào Nga. Nhiều tập đoàn như Total của Pháp đã đầu tư rất nhiều vào Nga. Vốn của các doanh nghiệp Nga cũng đang góp phần quan trọng vào thị trường chứng khoán Luân Đôn. Liên hiệp châu Âu đã dự tính sẽ đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga, nhưng đó chỉ mới là mục tiêu dài hạn. Cái khó nhất đối với Liên hiệp châu Âu hiện nay đó là trừng phạt Matxcơva một cách hiệu quả, nhưng không làm suy yếu nền kinh tế Nga, mà hiện vẫn đang hồi phục.
Châu Âu đang ở thế yếu, rốt cuộc chính Hoa Kỳ đã vượt lên tuyến đầu để đáp lại những lo ngại của các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Trong những năm gần đây, Washington đã phần nào bỏ rơi châu Âu để « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng khủng hoảng Ukraina buộc Hoa Kỳ phải quay lại châu Âu, cụ thể qua việc gởi 6 chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan và qua chuyến công du của phó tổng thống Joe Biden đến Ba Lan và 3 nước vùng Baltic, tất cả đều là thành viên khối NATO. Cũng giống như vào thời chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ quay trở lại thế đối đầu.
Do các lãnh đạo Âu-Mỹ hiện giờ loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự đối với Matxcơva, cho nên, qua việc sát nhập Crimée vào Nga, tổng thống Putin muốn thử xem ông có thể « nắn gân » phương Tây đến mức độ nào.
Trong khi ngân sách quân sự của nhiều nước thành viên khối NATO bị cắt giảm, thì Nga lại loan báo tăng 44% ngân sách quốc phòng trong 3 năm tới. Theo dự báo của các chuyên gia, tổng thống Putin sẽ không dừng ở việc sát nhập Crimée, vì ông vẫn không từ bỏ giấc mơ xây dựng một « Liên hiệp Âu Á », một thứ Liên Xô tái sinh.
Matxcơva đã ký các hiệp định thuế quan với Belarus, Kazakhstan và Armenia, nhưng giấc mơ nói trên sẽ không thành nếu không có sự tham gia của Ukraina. Được mời tham gia « Liên minh Âu Á », Gruzia, mà một phần lãnh thổ đang bị quân Nga chiếm đóng từ năm 2008 và Moldavia đã từ chối, và đã chọn ký hiệp định liên kết với Liên hiệp châu Âu.
Tuy Nga hiện là nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới và sản xuất khí đốt đứng hàng thứ hai, nhưng ngoài hai nguồn tài nguyên đó, kinh tế Nga còn rất yếu, trong khi đó nước này còn gặp phải tình trạng dân số sụt giảm. Ấy là chưa kể, trong cuộc biểu quyết vừa qua về nghị quyết lên án việc sát nhập Crimée vào Nga, Trung Quốc đã không bỏ phiếu, tức là không sử dụng quyền phủ quyết. Đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đang bị cô lập hơn. Cuộc đối đầu với Trung Quốc, nếu sau này có xảy ra, sẽ gay go hơn nhiều đối với Nga.
Tuy vậy, trong cuộc đọ sức hiện nay với phương Tây, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Nga vẫn còn nắm một số con chủ bài. Không có Matxcơva thì sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề Syria, cũng như vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên.

RFI

Ukraine Tự Phế


Ukraine Tự Phế 

Nguyễn Xuân Nghĩa


Theo blog Nguyễn Xuân Nghĩa

              Quân tử động mồm, không động thủ, nên Ukraine bị điểm huyệt




Ảnh : Ba Tổng thống Clinton, Yeltsin và Kravchuk xiết tay hồ hởi đầu năm 1994 tại Moscow


Sau mấy tháng nhức đầu về chuyện Ukraine, người viết xin tìm một chút thư giãn trong tinh thần lãng mạn của Kim Dung.


Khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, có ba cường quốc đứng đầu thế giới về võ khí hạch tâm là, theo thứ tự, Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraine. Sau đó mới đến các nước khác. Ngày nay, trước đà bành trướng ngang ngược của Vladimir Putin, tại bán đảo Crimea rồi nơi khác trên lãnh thổ Ukraine, dân Ukraine có thể nghĩ đến... Kim Dung:

Họ đã lỡ dại tự phế bỏ võ công trong khi các nước danh môn chính phái của người quân tử đã thành những anh tư quẩn.

Đôi dòng lịch sử đã!

***

Từ 1946 đến 1991, vào thời Chiến tranh lạnh - một khái niệm dại dột nhuốm mùi gian trá của các nước dân chủ Tây phương, vì thời đó là chiến tranh nóng ở rất nhiều nơi khác – Liên Xô đã yểm võ khí nguyên tử (rồi hạch tâm, atomic rồi nuclear) trên khắp lãnh thổ, trong nhiều nước Cộng hoà Xô viết.

Khi Liên Xô tan rã nhiều nước của Liên bang này đã giành lại độc lập.

Trong số đó, Ukraine là nước Cộng hoà Xô viết lớn nhất và giàu nhất, chỉ đứng sau Liên bang Nga, với kho ám khí đáng nể là 1.800 đầu đạn hạch tâm, kể cả võ khí chiến thuật có tầm ngắn, oanh tạc cơ và phi đạn thiềm du (cruise missiles). Nhờ tư thế đó, Ukraine có sức gián chỉ, can ngăn - deterrence - bất cứ cường quốc nào muốn nhảy vào làm thịt. Thí dụ như đòi lại bán đảo Crimea mà Stalin giật mất của dân Thát Đát Tatars.

Nhưng Chiến tranh lạnh đã nguội và nếu kho ám khí lớn lao đó của Ukraine mà rơi vào tay bọn hung đồ thì thiên hạ sẽ mất ngủ.

Vì thế, vui hưởng "cổ tức hoà bình" khi nguy cơ chinh chiến đã tàn, Chính quyền Hoa Kỳ thời Bill Clinton vẫn ưu lo về kho đạn Ukraine. Ưu tiên của nước Mỹ khi ấy là phải giải giới Ukraine. Bằng cách hợp tác với Liên bang Nga và mời Ukraine một bánh vẽ là Hiệp ước Không-Phổ biến Võ khí Hạch tâm (Treaty of Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết tắt là NPT, Non-Proliferation Treaty). Kết quả là một Giác thư (Memorandum), chứ không là một hiệp định. Đấy là một văn kiện gọi là Budapest Memorandum on Security Assurance. Ngày nay và mấy tuần qua cứ được gọi tắt là "Budapest Memorandum".

Chỉ vì, Tháng 12 năm 1994, ba cường quốc hạch tâm là Hoa Kỳ, Nga và Anh quốc cùng ký giác thư tại thủ đô Budapest của xứ Hung Gia Lợi, với thỏa thuận là ba nước cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine (cùng Belarus và Kazakhstan). Đổi lại thì Ukraine giao nộp kho võ khí hạch tâm của mình cho Liên bang Nga.

Không, viết như thế vẫn là thiếu xót theo kiểu nhà báo nông cạn của Mỹ – hai chữ này thường là đồng nghĩa. Những cam kết đó còn sâu rộng hơn vậy, xin đọc từng chữ mà nghĩ đến ngày nay:

1) Ba nước cùng tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine trong ranh giới lãnh thổ hiện hành; 2) Không hăm dọa hay sử dụng võ lực với Ukraine; 3) Không gây áp lực kinh tế để chi phối chính trị Ukraine; 4) Yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động nếu võ khí hạch tâm được sử dụng chống Ukraine; 5) Không sử dụng võ khí hạch tâm chống Ukraine; 6) Cùng tham khảo ý kiến với nhau nếu có vấn đề về những cam kết nói trên.

Dù chỉ học năm thứ nhất về bang giao quốc tế thì các sinh viên cũng hiểu là trong ba nước Nga, Mỹ, Anh, chỉ Liên bang Nga mới là cường quốc có thể vi phạm những cam kết hoặc gây khó cho Ukraine. Mà giác thư này chỉ là cam kết chính trị, không là một hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Xin ghi thêm rằng cùng Anh, Mỹ, Nga, có Pháp và Trung Quốc cũng ký một văn kiện đính kèm, với những cam kết còn mơ hồ và yếu ớt hơn thế.

Khi ấy, Chính quyền Ukraine có do dự và muốn một thời hạn tự giải giới lâu hơn. Nhưng, Chính quyền Clinton đòi là càng sớm càng hay, kỳ hạn cuối là năm 1996. Bố khỉ, năm đó, nước Mỹ có bầu cử Tổng thống.

Khúc khải hoàn của Hoa Kỳ khi ấy là thế giới có thêm một quốc gia tham dự Hiệp ước NPT! Yếu tố then chốt là vì Hoa Kỳ đã có lời cam kết bảo vệ an ninh, sự vẹn toàn lãnh thổ và vân vân cho Ukraine. Đấy là thành tích 20 năm trước của chàng Xuân Tóc Đỏ Bill Clinton, người hay liếm mép và hút mà không hít.

Ngày nay, đến Cậu Bé Quàng Khăn Đỏ Barack Obama, cũng với giấc mơ giải trừ võ khí hạch tâm cho một thế giới thái hòa.

Đúng năm năm trước, Tháng Tư 2009, tại thủ đô Praha của Cộng hoà Tiệp, Tổng thống Obama hứa hẹn một nỗ lực toàn cầu, một cuộc "thập tự chinh" để kêu gọi các nước cùng noi gương Hoa Kỳ mà tài giảm võ khí hạch tâm. Vì nếu có chuyện gì thì đã có sự bảo vệ của nước Mỹ.

Trong thâm tâm, có thể Tổng thống Hoa Kỳ muốn nhắn gửi với hai quốc gia hung đồ đang đòi luyện công, là Bắc Hàn và Iran. Hoặc để trấn an các nước khác, như Nam Hàn, Nhật Bản, hay Saudi Arabia, rằng khỏi cần những võ khí sát thương đó. Vì?

"Trăm điều hãy cứ trông vào một ta."

Tại sao lại chỉ một ta? Vì nếu có vin vào điều bốn của Giác thư Budapest - sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc – thì ai cũng yên tâm rằng định chế quốc tế này sẽ thủ vai bà già trầu cầm súng nước, nhờ lá phiếu phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an.

Ngẫm lại thì không ai chứng minh được rằng Putin có ý sử dụng võ khí hạch tâm với Ukraine, nhưng đều thấy là quân đội Ukraine hiện không có khả năng chống đỡ khi Putin mắt lạnh sử dụng võ lực. Cũng không ai có thể chứng minh rằng nếu Ukraine vẫn là một cường quốc hạch tâm thì chưa chắc Putin đã dám chơi bạo như vậy.

Nhưng mọi người đều thấy là Anh và Mỹ đều đánh vần "ơ như quả mơ" - làm ngơ về những cam kết năm xưa với Ukraine. Tuần tới, tại Thượng đỉnh ở The Hague, ta sẽ xem Obama nói năng xoay trở ra sao về lý tưởng "An ninh Hạch tâm"!


***

Kết luận ở đây là gì?

Nhiều lắm, chỉ xin lơ thơ vài lẽ mà buồn!

Các chế độ hiền nhân quân tử mà tự phế bỏ võ công, như Ukraine, thì có thể mời giặc vào nhà. Các chế độ hung đồ có thể yên tâm luyện võ hạch tâm mà bất chấp thiên hạ. Các đồng minh của Mỹ mà tin vào lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ thì đều xét lại vì sau vụ Ukraine. Lời khuyên giải giới của nước Mỹ bất lực lại mở ra một cuộc thi đua võ trang toàn cầu.

Đâm ra, các quốc gia thuộc danh môn chính phái đều ưa nói chuyện đạo ly vu vơ, chứ khi hữu sự thì lại núp sau cụ Khổng mà khuyên răn thiên hạ, rằng "quân tử động mồm chứ không động tay." Gọi là anh "tư quẩn" thì chẳng hề sai!

Nhưng tại sao người viết lại ỡm ờ nhắc tới Kim Dung?

Vì nghĩ tới đám tà ma Bắc Hàn và Iran đang âm thầm tự luyện thứ võ công thượng thừa theo Cửu Âm Chân Kinh. Nghĩa là vung đao tự thiến để thành đệ nhất anh hùng. Họ có lý phần nào trong sự tật nguyền đó....