21/3/14

Khủng hoảng Ukraina làm thay đổi cục diện thế giới

Khủng hoảng Ukraina làm thay đổi cục diện thế giới 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama : Khủng hoảng Ukraina, Nga-Mỹ trong thế đối đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama : Khủng hoảng Ukraina, Nga-Mỹ trong thế đối đầu.
Reuters
 
Theo RFI

 
Thanh Phương
Khủng hoảng Ukraina đang làm thay đổi cục diện thế giới, làm nổi rõ sự yếu kém về mặt chính trị của Liên hiệp châu Âu và sức nặng về mặt địa chiến lược của Nga. Khủng hoảng này cũng đánh dấu sự trở lại của Hoa Kỳ trên sân khấu châu Âu. Đó là nhận định chung của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay.

Theo nhận định của ông Thomas Gomart, chuyên gia Viện quan hệ quốc tế của Pháp ( IFRI ), khi sát nhập vùng Crimée vào Nga một cách nhanh chóng như thế, tổng thống Putin đã khiến phương Tây « sững sờ ». Liên hiệp châu Âu đã thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những nhân vật của Nga và thân Nga ở Ukraina, nhưng chuyên gia Gomart cho rằng, những biện pháp trừng phạt đó « không tương xứng với tầm mức của vấn đề ».
Có thể nói Liên hiệp châu Âu hiện nay đang là nạn nhân của tình trạng phụ thuộc về mặt năng lượng và kinh tế vào Nga. Nhiều tập đoàn như Total của Pháp đã đầu tư rất nhiều vào Nga. Vốn của các doanh nghiệp Nga cũng đang góp phần quan trọng vào thị trường chứng khoán Luân Đôn. Liên hiệp châu Âu đã dự tính sẽ đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga, nhưng đó chỉ mới là mục tiêu dài hạn. Cái khó nhất đối với Liên hiệp châu Âu hiện nay đó là trừng phạt Matxcơva một cách hiệu quả, nhưng không làm suy yếu nền kinh tế Nga, mà hiện vẫn đang hồi phục.
Châu Âu đang ở thế yếu, rốt cuộc chính Hoa Kỳ đã vượt lên tuyến đầu để đáp lại những lo ngại của các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Trong những năm gần đây, Washington đã phần nào bỏ rơi châu Âu để « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng khủng hoảng Ukraina buộc Hoa Kỳ phải quay lại châu Âu, cụ thể qua việc gởi 6 chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan và qua chuyến công du của phó tổng thống Joe Biden đến Ba Lan và 3 nước vùng Baltic, tất cả đều là thành viên khối NATO. Cũng giống như vào thời chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ quay trở lại thế đối đầu.
Do các lãnh đạo Âu-Mỹ hiện giờ loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự đối với Matxcơva, cho nên, qua việc sát nhập Crimée vào Nga, tổng thống Putin muốn thử xem ông có thể « nắn gân » phương Tây đến mức độ nào.
Trong khi ngân sách quân sự của nhiều nước thành viên khối NATO bị cắt giảm, thì Nga lại loan báo tăng 44% ngân sách quốc phòng trong 3 năm tới. Theo dự báo của các chuyên gia, tổng thống Putin sẽ không dừng ở việc sát nhập Crimée, vì ông vẫn không từ bỏ giấc mơ xây dựng một « Liên hiệp Âu Á », một thứ Liên Xô tái sinh.
Matxcơva đã ký các hiệp định thuế quan với Belarus, Kazakhstan và Armenia, nhưng giấc mơ nói trên sẽ không thành nếu không có sự tham gia của Ukraina. Được mời tham gia « Liên minh Âu Á », Gruzia, mà một phần lãnh thổ đang bị quân Nga chiếm đóng từ năm 2008 và Moldavia đã từ chối, và đã chọn ký hiệp định liên kết với Liên hiệp châu Âu.
Tuy Nga hiện là nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới và sản xuất khí đốt đứng hàng thứ hai, nhưng ngoài hai nguồn tài nguyên đó, kinh tế Nga còn rất yếu, trong khi đó nước này còn gặp phải tình trạng dân số sụt giảm. Ấy là chưa kể, trong cuộc biểu quyết vừa qua về nghị quyết lên án việc sát nhập Crimée vào Nga, Trung Quốc đã không bỏ phiếu, tức là không sử dụng quyền phủ quyết. Đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đang bị cô lập hơn. Cuộc đối đầu với Trung Quốc, nếu sau này có xảy ra, sẽ gay go hơn nhiều đối với Nga.
Tuy vậy, trong cuộc đọ sức hiện nay với phương Tây, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Nga vẫn còn nắm một số con chủ bài. Không có Matxcơva thì sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề Syria, cũng như vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên.

RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét