14/4/14

Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì?

Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì?


BBC    -   Cập nhật: 16:14 GMT - chủ nhật, 13 tháng 4, 2014
Tiếp xúc Ngoại giao Mỹ - Việt
Việt Nam muốn giảm sức ép và cải thiện hình ảnh trước quốc tế, theo nhà quan sát.
Việt Nam hướng tới ít nhất năm mục tiêu trong đợt thả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã đang diễn ra từ mùa Xuân năm 2014, trong đó mục tiêu tạo hình ảnh mới sau khi giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tìm cách thoát ly ảnh hưởng của Trung Quốc là các lý do chính, theo một nhà quan sát Việt Nam từ châu Âu.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, bình luận về động cơ thực sự đằng sau các vụ 'bắt - thả' tù nhân chính trị của Việt Nam lần này, mà mới nhất là các tù nhân Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Cầu được thả tự do, một cựu Vụ Phó Bộ Ngoại giao VN cho rằng có 5 mục tiêu chính.

"
"Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh," ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói.
Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng; tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh"
Ông Đặng Xương Hùng
"Tạo hình ảnh nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi."
Theo cựu quan chức ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới là gia nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp Việt Nam giảm đi lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.
Tuy nhiên, động thái chuyển hướng mới có thể làm cho Trung Quốc, quốc gia được cho là muốn giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng vụ lợi cho Bắc Kinh, không 'khoái lắm', ông Xương Hùng nói tiếp:
"TPP là một trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi, nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn."

'Muốn gửi tín hiệu mới'

Hôm 12/4, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư BấmNguyễn Minh Thuyết nói với BBC ông cho rằng Việt Nam nên có những thận trọng nhất định trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc.
Ông lưu ý: "Nước nào cũng vậy, không chỉ là Việt Nam và Trung Quốc, đều muốn những nước láng giềng của mình giữ một mối quan hệ hữu nghị với mình, và nếu gần gũi về mặt quan điểm thì càng tốt,
"Đặc biệt là Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào,
Vợ chồng TS Hà Vũ tới Mỹ
TS Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ 'chữa bệnh' ngay sau khi được thả ra tù hôm 7/4/2014.
"Trong khi mình giữ một mối quan hệ láng giềng thân thiện với Trung Quốc, thì mình cũng phải đảm bảo quyền lợi dân tộc mình, mà quyền lợi dân tộc mình phải là cái được đề cao hơn."
Về động cơ của Việt Nam trong đợt thả các tù nhân chính trị và lương tâm đợt này, đặc biệt về những gì Việt Nam được cho là muốn được đổi lại, Giáo sư Thuyết nhận định:
"Khi trả tự do cho một số nhân vật mà người ta vẫn gọi là bất đồng chính kiến như vậy, rõ ràng Việt Nam muốn gửi đi một tín hiệu đối với quốc tế về sự đổi mới trong quan niệm của mình, và nó là điều mà tôi nghĩ là lợi nhất,
"Đặc biệt là Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào"
GS Nguyễn Minh Thuyết
"Thế còn về khả năng tham gia vào một số hiệp định hợp tác, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương chẳng hạn, chắc đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để cho đối tác của Việt Nam dễ chấp nhận Việt Nam hơn..."

'Không ảnh hưởng an ninh'

Theo Giáo sư Thuyết đợt thả tù nhân chính trị và lương tâm đợt này đã được Việt Nam 'cân nhắc' kỹ lưỡng. Ông nói:
"Trong trường hợp này tôi cho rằng chính quyền cũng đã cân nhắc thấy rằng việc trả tự do cho một số người bất đồng chính kiến như vậy cũng không có ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của mình, nên mới có thể làm."
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng đợt thả tù nhân đã đang diễn ra này 'chắc chắn' có sự tác động 'đặt vấn đề' của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong đó là vai trò của Hoa Kỳ, mà gần đây thông qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, thứ hai từ trái, được ra tù hôm 12/4/2014
Nhân dịp này, Giáo sư Thuyết cho rằng Việt Nam nên thay đổi cách nhìn với giới bất đồng chính kiến ôn hòa, ông nói:
"Trong một xã hội dân chủ, việc một số người có ý kiến khác với chính quyền, thì chuyện đó cũng là chuyện bình thường, không có vấn đề gì quá đặc biệt, đến mức phải cách ly họ khỏi cuộc sống, trừ trường hợp mà họ cầm vũ khí chống lại chính quyền, nhà nước, thì cái đó ở nước nào người ta cũng phải xử lý thôi."
Hôm thứ Bảy, một cựu thành viên Ban Cố vấn Thủ tướng Chính phủ thời kỳ nội các Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC có ba lý chính tác động vào việc thả tù nhân chính trị của Việt Nam lần này.
"Sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt"
TS. Lê Đăng Doanh
"Vừa qua, sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội.
"Và những người hoạt động để ủng hộ và bảo vệ nhân quyền và muốn đề xuất yêu cầu thả những người bị bắt vì những sự biểu đạt chính kiến của họ một cách hòa bình - thì đề nghị là được thả, và những người đó đã tiếp xúc với nhiều sứ quán của các nước ngoài, cũng như là được trình bày ở những diễn đàn khác nhau."

'Nộp bản tiếp thu phê bình'

Tiến sỹ Doanh nhận định thêm: "Hơn thế nữa, Việt Nam sắp tới đây sẽ tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó cũng có những yêu cầu nhất định về nhân quyền, mà như những yêu cầu này không được thông qua, thì Thượng Nghị viện Hoa Kỳ có lẽ sẽ không chuẩn y Hiệp ước TPP đó, trong đó có trường hợp của Việt Nam."
Hội đồng nhân quyền
Đại diện chính phủ Việt Nam tại cuộc Kiểm định phổ quát về nhân quyền (UPR 2014).
Hôm 13/4, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể) nói với BBC, Việt Nam có bốn điều mong muốn được đổi lại qua việc thả tù nhân hiện nay.
Ông nói: "Rất có thể đáp ứng những sức ép từ bên ngoài... thí dụ đàm phán TPP với Mỹ, cải thiện quan hệ với Mỹ, cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU),
"Và bây giờ là giữa tháng Tư, hơn một tháng nữa, Việt Nam phải trả lời, nộp bản tiếp thu của mình đối với Kiếm điểm Phổ quát về Nhân quyền (UPR), với tư cách là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc, lúc đó Việt Nam phải làm một cái gì đó..."
Nhân dịp này, trước câu hỏi lấy gì để bảo đảm Việt Nam sẽ chấm dứt trong tương lai việc 'bắt - thả tùy tiện' các tù nhân lương tâm mà một số nhà quan sát ví như cơ chế 'con tin', phục vụ công tác đối ngoại hoặc đàm phán quốc tế, cũng như để đạt một lộ trình thả các nhà bất đồng ôn hòa và không 'tái phạm', TS Quang A nêu quan điểm:
"Không có một cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên ngoài. Nếu sức ép từ bên trong và bên ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ phải thay đổi"
TS. Nguyễn Quang A
"Tôi nghĩ rằng không có một cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên ngoài,
"Nếu sức ép từ bên trong và bên ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ phải thay đổi."

'Ngoại giao và bắt thả'

Hôm Chủ Nhật, cựu quan chức ngoại giao Đặng Xương Hùng nói với BBC, phía sau những động cơ và lý do của đợt thả tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến, lần này các diễn biến cho thấy ngành ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò để tham mưu cho chính phủ và chính quyền phù hợp hơn trong tình hình mới.
Trước hết, ông Hùng nói về cách thức và quy trình đi tới ra quyết định thả tù nhân ra sao:
Ông Vi Đức Hồi (đầu tiên, hàng dưới, từ trái) cũng được ra tù ngày 12/4/2013.
"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi.
"Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền (LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ, rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,
"Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy."
"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi"
Ông Đặng Xương Hùng
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một động thái đáp ứng điều kiện quốc tế nhất thời, hay là một bước thay đổi thực sự về tư duy của Đảng và chính quyền, ông nói:
"Tôi thấy rằng đấy có thể là tiến trình, cách làm như vậy và đi đến giải pháp là thả tù chính trị, thả tù nhân lương tâm, cái này thực chất là để đạt được mục tiêu là TPP,
"Hay đây là một hình thức là cởi mở có sự thay đổi nhất định, đã thay đổi trong tư duy ở trong con người rằng là tình hình thế giới, tình hình thông tin thế giới như hiện nay, chính quyền không thể bưng bít được tất cả những thông tin, ta nên có một cách tư duy, cách suy nghĩ khác trước đi một chút."
"Thì đấy là niềm vui còn nếu chỉ là nhằm mục tiêu của TPP, thì đó chỉ là một hành động cụ thể nào thôi," cựu quan chức Ngoại giao nói với BBC.

Source : BBC

Bệnh tự hào dân tộc của người Nga

Bệnh tự hào dân tộc của người Nga

Tháng 4 13, 2014
Natalja Kljutcharjova
Phạm Thị Hoài dịch

Tôi là nhà văn, và các liên tưởng tôi thường dính líu tới văn học. Sau các sự kiện ở Krym, cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng dân nước tôi và vị Tổng thống do “toàn dân” bầu nên của đất nước này khiến tôi liên tưởng đến ai.
Họ giống các nhân vật của Dostoevsky, ông gọi họ là “những kẻ ở xó hầm”. Đó là những con người sống rất lâu, thường là suốt đời, trong trạng thái bị hạ nhục, khiến tâm lí họ hoàn toàn bị méo mó. Cả cuộc đời họ, toàn bộ những ước mơ và nguyện vọng của họ chỉ rút gọn vào một mục tiêu: trả thù, rửa nhục. Nỗi khao khát trả thù bệnh hoạn ấy phần lớn không nhằm cụ thể vào những kẻ nào đó đã làm nhục họ, mà chĩa vào toàn thế giới. Dostoevsky đã miêu tả nhiều giai đoạn phát triển của căn bệnh mà giới tâm lí học hiện đại chắc sẽ gọi là một “chấn thương bỏ ngỏ” này. Nó đặc biệt ăn sâu ở những người không bao giờ ra khỏi trạng thái bị hạ nhục.
Ở Nga ngày nay cũng hệt như ở thời Dostoevsky, cả cuộc đời người ta thường là sự hạ nhục: từ khi sinh ra trong một bệnh viện bình dân (một chi nhánh thực thụ của địa ngục) đến lúc say xỉn ở góc đường mà chết. Những con người sống một cuộc đời như thế thường hình thành một lòng tự hào bệnh hoạn. Để phục hồi sự cân bằng nội tâm vốn liên tục bị những hoàn cảnh ê chề bên ngoài tàn phá, muốn sống còn thì họ buộc phải có một điều gì đó để tự hào.
Cơ sở để tự hào có thể hoàn toàn ngớ ngẩn và viển vông, nhiều khi đơn giản là bịa đặt và hầu như bao giờ cũng phi lí, khiến người có tư duy bình thường, lành mạnh phải bật cười hoặc nhún vai cho qua. Nhưng những kẻ bị hạ nhục kinh niên thì bám chặt lấy những ảo ảnh ấy, đầy đức tin, cuồng tín, nhiệt thành và trong thâm tâm càng bất mãn thì càng hăng say phụng sự chúng.
Từ góc nhìn này, tôi thấy tất cả những gì đang được bộ máy tuyên truyền ở Nga mệnh danh là “làn sóng yêu nước”, “tinh thần yêu nước” v.v. là biểu hiện của một căn bệnh tâm hồn trầm trọng mà không ai buồn chạy chữa.
Bao giờ cũng vậy: hiện thực ngay trước mắt càng tồi tệ, đất nước càng ngập ngụa những vấn đề không được giải quyết thì những tiếng “Hura” trong các cuộc biểu tình càng to, dân chúng càng cuồng nhiệt hân hoan khi lãnh tụ xuất hiện trên khán đài trước Lăng Lenin.
Nếu không được “xả hơi” đều đặn, một kẻ bị hạ nhục sớm hay muộn sẽ nổ tung, khi đó hắn sẽ giết một bà già và làm một cuộc cách mạng, như nhân vật Raskolnikov của Dostoevsky trong tiểu thuyết Tội ác và Hình phạt. Chế độ Nga hoàng đã không thèm đếm xỉa đến tình cảnh đó và vì thế mà tiêu vong.
Nhà cầm quyền hiện nay biết chọn một đường lối an toàn để dân chúng quy phục, bằng cách đều đặn cấp cho dân chúng những dịp tốt để tự hào và hô “Hura” thật to. Với hệ thống truyền hình do nhà nước triệt để định hướng thì việc đó không khó khăn gì. Điều này khiến tôi nhớ đến những bệnh viện tâm thần ở Nga, tại đó bệnh nhân không được điều trị, mà được bình trị bằng uống thuốc an thần và diệt mọi khả năng nhận thức.
Tất nhiên người dân Nga không nên tự hào về bản thân mình như những cá nhân độc đáo (vì các cá nhân thì khó chăn dắt hơn một bầy đàn), mà tự hào về mình như một bộ phận của cộng đồng, họ thuộc về cộng đồng không nhờ những cống hiến nào đó mà chỉ nhờ huyết thống. Lòng “tự hào dân tộc” thật đắc dụng cho việc này.
Nhưng cứ nghe những tiếng như “lòng yêu nước” và “ý niệm dân tộc” là trong tâm trí tôi hiện lên cảnh sau đây: Tôi còn nhớ một người đàn ông đầu cạo trọc, xăm trổ đầy mình, bẩn thỉu, tuyệt đối méo mó và bệ rạc, chân vòng kiềng, lảo đảo giữa một thành phố tỉnh lẻ buồn thiu. Ông ta mặc một chiếc áo phông mới tinh, có in dòng chữ kiêu hãnh: “Tôi là người Nga!”
Người ta tự hào, chẳng hạn về Thế vận hội Olympic hoành tráng và nhắm mắt trước thực tế là cái sự kiện rùm beng đó đã ngốn một khoản khổng lồ trong ngân sách quốc gia (một phần lớn vì tệ quan chức ăn cắp của công đã đạt tới những kích thước cực đại). Không lâu nữa chúng ta sẽ được ngấm mùi hậu quả của sự phung phí ngân sách khủng khiếp này. Nhưng phần lớn người Nga không nhìn ra tương quan giữa những hình ảnh rực rỡ từ Sochi và những đợt tăng giá, những khoản nợ công và thâm hụt ngân sách sắp tới.
Họ lại ru mình một lúc lâu trong giấc mơ ngọt ngào đẹp đẽ về một “cường quốc”, trong đó đời sống mỗi ngày một “vui tươi và khấm khá”, như Stalin từng nói. Họ quên mất rằng cái gọi là cường quốc ấy không có tiền cho những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Rằng trường học thì cũ nát, đổ sập và con cái họ sẽ vùi xác ở đó. Rằng người già, cả đời lao động cho nhà nước để rồi phải đi ăn xin vì lương hưu không trả nổi tiền nhà. Có thể kể vô tận những ví dụ như vậy.
Hoặc họ tự hào về một điều mà lẽ ra người ta nên hoảng sợ, chẳng hạn về vụ sáp nhập Krym, khiến nước Nga rơi vào vị trí không mấy hay ho là bị cô lập trên trường quốc tế và dấn sâu vào một cuộc chiến với lân bang… Một chân dung thế lực thù địch, thật dễ dàng và tiện lợi để trút mọi cảm xúc của một dân tộc bị hạ nhục vào đó, như trút xuống cống nước thải.
Hình ảnh đại diện cho thế lực thù địch Chechnya, một kẻ khủng bố đeo bom tự sát, đã quá nhàm chán, cả những người mà truyền hình nói gì đều tin hết cũng không còn tin vào đó nữa. Sau những vụ khủng bố mới đây trong ga tàu điện ngầm ở Moskva, thậm chí cả những người về hưu và các bà nội trợ cũng bảo nhau rằng Chechnya chẳng liên quan gì hết, đó chỉ là trò mở màn cho chiến dịch tranh cử mà thôi.
Một hình ảnh khác của thế lực thù địch, kẻ tranh đấu cho tự do, tham gia các cuộc tuần hành của những phần tử phẫn nộ và mang cách mạng ra đe đất nước, cũng đã hết thời: người ta lấy đó làm ngáo ộp để dọa dân chúng và nhân tiện đả thông luôn, rằng chỉ có Putin mới cứu nổi đất nước này khỏi nguy cơ hỗn loạn. Và vị “cứu tinh” duy nhất ấy lại được nhất trí bầu thêm một nhiệm kì phi pháp nữa, nhiệm kì thứ ba. Bầu xong thì những phần tử phẫn nộ bị vứt luôn, như vứt những quân bài đã hạ, biểu tình bị dẹp, người biểu tình bị tống vào nhà tù, những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng còn sót lại bị đóng cửa.
Bây giờ chúng ta có một chân dung thế lực thù địch mới: những người anh em Ukraine và “bọn Mỹ xấu xa”, khui ra thật nhanh từ kho đạn dược của bộ máy tuyên truyền Xô-viết.
Vậy là những kẻ bị hạ nhục có việc để bận tâm: họ tự hào về đất nước (vì cuối cùng thì “sự công bằng của lịch sử đã được khôi phục”!) và giơ nắm đấm lên dọa thế lực thù địch nóng hổi vừa ra lò. Vậy là họ, những kẻ bị hạ nhục, không nguy hiểm. Trong một thời gian nhất định. Sau đó người ta sẽ dành cho họ một chân dung thế lực thù địch mới. Tất nhiên người ta sẽ lo sao để chiến tranh thực sự không xảy ra (nếu tình hình không đến nỗi mất kiểm soát). Vì chiến tranh, với hậu quả của nó là chết chóc và đau thương, tất yếu khiến dân chúng tỉnh ra và trở về với hiện thực. Nhưng chính quyền cần những cái đầu mụ mị, dễ lái về hướng cần lái hơn.
“Tự hào dân tộc” thật là tiện. Nó chỉ bất tiện ở một điểm: phải liên tục tăng liều lượng, nếu không thì nó hết tác dụng. Hiện tại, chính quyền Nga đã phải dùng đến những chất rất dễ tuột khỏi tầm kiểm soát. Như một kẻ nấu rượu đang tâm dụ cho dân uống, để rồi chính mình rơi dần vào vòng ma men và đánh mất khả năng tỉnh táo trước hiện thực.
Bất kì ai biết tư duy lành mạnh đều thấy không thể cứ như vậy mãi được. Nhưng ở Nga, những người còn có khả năng đánh giá đúng tình hình thật ít ỏi. Phải thắp đuốc lên đi tìm họ. Người thì đã bỏ nước mà đi, trước khi quá muộn. Người thì ngồi trong tù. Người thì đã khiếp nhược, rút về an phận nhà cửa ruộng vườn.
Cả trong hàng ngũ chính quyền lẫn trong dân chúng đều không có những người biết tư duy lành mạnh như vậy. Ở Nga, những nhân vật nêu trên của Dostoevsky cũng có mặt trong chính quyền, những kẻ bị đè nén và vì thế mà méo mó đến vô vọng do mặc cảm. Và khi một kẻ bị đè nén leo được lên đến đỉnh quyền lực thì điều gì sẽ xảy ra? Dostoevsky cũng đã viết rất nhiều về chuyện đó, chẳng hạn trong tiểu thuyết Làng và dân Stepanchikovo. Điều gì sẽ xảy ra? Không có gì là tốt đẹp. Kết quả là một bạo chúa cỡ nhỏ và một nhà độc tài hèn nhát.
________
Natalja Kljutcharjova (1981) sống ở ngoại ô Moskva, là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết Nước Nga – Ga cuốiLàng dân ngu.
Nguồn: Welt, 09-4-2014

Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra

11/4/14

Đại Lộ Putin – Đại Lộ Hoàng Hôn


Friday, April 11, 2014

Đại Lộ Putin – Đại Lộ Hoàng Hôn


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140411

Putin có vẻ thắng thế. Ấy thế mà lầm!


* Hý họa của Plantu trên báo Pháp về việc nhà báo Anna Politkovskaia bị ám sát Tác giả chơi chữ, Putin được miễn tội *

















Văn hóa Khổng Nho có dạy rằng: "Quân tử không đi tiểu lộ".

Đấy không là chuyện kín hở của việc bài tiết mà về nét quang minh chính đại của chính sách cai trị. Chân lý ấy khiến ta trở lại hành động của Tổng thống Vladimir Putin....

Dưới sự lãnh đạo của ông, năm 2008, Liên bang Nga công khai đưa quân vào hai khu vực tự trị của Georgia, và nay vẫn ở đó. Vài tháng sau, Putin đánh đòn năng lượng với Ukraine, cũng quang minh chính đại không kém, khi tăng giá dầu khí để bắt ép chính quyền tại Kyiv. Tháng trước đây, ông được "Thượng viện" Nga cho phép thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine mà chẳng tốn một viên đạn. Ngày nay, quân đội Nga vẫn có bốn vạn chiến binh hờm súng trước biên giới Ukraine - mà không để tập trận....

Bây giờ, đây đó ở miền Đông Ukraine hay tại Cộng hoà Estonia trên vùng Baltic, Putin dõng dạc bắn tiếng là quyết tân bảo vệ dân quyền của kiều dân Nga, hoặc công dân nói tiếng Nga trong hai xứ này và nhiều xứ khác.

Ngay từ năm 2010, đệ tử của Putin là Tổng thống đương quyền Dmitri Medvedev đã quảng bá và nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, là bảo vệ kiều dân của mình ở bất kỳ nơi đâu. Khi ấy, dư luận không mấy để ý, tới nay mới thấy Putin là người thuần nhất - nói là làm.

Vladimir Putin đi trên đại lộ, chứ khỏi lòng vòng ngoắt ngoéo trong hẻm, như bọn tiểu nhân.

Bậc quân vương hiện đại ấy quả là đại nhân quân tử. Vì những gì ông nói đều được truyền thông của ông loan báo cho thần dân. Thần dân của ông gồm những người nói tiếng Nga, theo dõi truyền hình Nga, ở trong và ngoài nước Nga. Họ nhiệt liệt ủng hộ quyết định sáng suốt của ông tại Ukraine và ở nhiều xứ khác. Putin nói thẳng rằng ông triệt để bảo vệ quyền lợi của người Nga, và nói rồi làm, chứ không phân vân do dự.

Con đường trị quốc hay trì quốc của ông là đại lộ thênh thang. Hai bên có sự bảo vệ của bạo lực, và sự quảng bá của tuyên truyền. Những kẻ bất đồng đều đi vào tiểu lộ mất tăm, nếu chưa mất mạng vì bị đầu độc hoặc ám sát dù có đào thoát ra ngoài. Ai còn hoài nghi chuyện Putin thủ tiêu đối lập và khép miệng báo chí thì quả là từ cả chục năm nay đã sống trên một hành tinh khác, hay trong cõi Ba Đình. Xin lỗi, bài này không viết cho họ!

Khi kiểm điểm lại thành tích của Putin, ta nhớ đến một chân lý vật lý: "thiên nhiên không thích khoảng trống". Putin là người trám vào khoảng trống đó.

Dại gì mà không!

***

Theo phép bình luận ra chiều khách quan, xin nhìn qua xứ khác.

Trước đòn vũ bão của Đại đế hiện đại, một Hung đế Ivan của Thế kỷ 21, nhiều nhà lãnh đạo Tây phương đã có sự thông cảm. Một số lãnh đạo dư luận trong các nước dân chủ còn vẻ cảm phục.

"Hành động của Putin là chuyện hợp lý - có thể hiểu được".

Đấy là quan điểm của cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi thuộc cánh hữu, hay cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt thuộc cánh tả. Khi đã là "cựu" thì họ mới dám nói thật, chứ đương kim thì ai dại gì? Họ thông cảm với quyết định của Putin, đôi khi với sự thèm thuồng. Trong các thể chế dân chủ, mấy ai có thể nhân danh quyền lợi dân tộc mà phăng phăng hành xử theo kiểu hung đế hung đồ như vậy?

Những người lãnh đạo dư luận thì phục ngầm tinh thần quả quyết đó của Putin và – than ôi – còn than phiền về những bất toàn yếu kém của chế độ dân chủ. Chẳng phải sao?

Chưa là hung đồ mà mới chỉ hung hăng ra quân, với hậu thuẫn của cả lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống George W. Bush đã bị cả Quốc hội lẫn truyền thông đánh cho mờ người khi thấy hai chiến trường Afghanistan và Iraq cứ dây dưa mà chưa dứt điểm! Nền dân chủ cho phép người dân - và đại diện chân chính của họ - có quyền đổi ý giữa dòng.

Trước lực đẩy của Putin mà các nước dân chủ còn phân vân bắt mạch quần chúng, hoặc lách qua tiểu lộ để xiển dương chính nghĩa hay bảo vệ đồng minh, thì quả là nền dân chủ có nhược điểm.

Đến đây, người viết nhớ chuyện xưa trong một ngoặc đơn. Khi Tổng thống Richard Nixon bị đàn hặc vì vụ Watergate và số phận của Việt Nam Cộng Hoà như chỉ treo mành, một người thuộc tầng lớp lãnh đạo tại Sàigòn dù sao vẫn có dân chủ đã hậm hực phát biểu. "Chỉ có Mỹ mới vậy, chứ người ta đã có thể giải quyết chuyện này bằng hai trái lựu đạn!" Putin giải quyết vấn đề theo kiểu đó.

Các nước dân chủ thì không!

Sau mấy ngón đòn sấm sét của Putin, người dân trong các nước dân chủ nghĩ gì? Thu gọn lại thì an ninh hay kinh tế, cái nào là trọng?

Dưới tầm đạn Putin trong vùng Đông Âu thì dân Ba Lan hay ba nước Cộng hoà Baltic ở miền Bắc nghĩ tới an ninh. Ngoài vòng lửa đạn thì các nước Tây Âu có thể mơ chuyện thanh bình, được sưởi ấm bằng khí đốt của Nga. Ưu tiên của mọi ưu tiên là cứu lấy đồng Euro hay sự tồn vong của Liên hiệp Âu châu đã. Và bề nào thì chuyện an ninh hay súng đạn đã có Hoa Kỳ đảm nhiệm. Trực tiếp hoặc gián tiếp qua Minh ước NATO.

Tại Hoa Kỳ, bốn nhân vật có thẩm quyền về đối ngoại ngày nay đều từng là lãnh đạo đảng Dân Chủ ra tranh cử Tổng thống trong 10 năm qua. Theo thứ tự thời gian thì đó là đương kim Ngoại trưởng John Kerry, thụ ủy liên danh Dân Chủ năm 2004; là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, dẫn đầu vòng sơ bộ năm 2008; là Joe Biden sau đành rũ áo Nghị sĩ để làm Phó Tổng thống. Và sau cùng, người đắc cử hai lần để lãnh đạo cả đám là Tổng thống Barack Obama.

Cả bốn người đều coi Bush là vấn đề và Putin là giải pháp. Họ sốt sắng hợp tác với Putin để cùng giải quyết thiên hạ sự, cho tới lúc ca bài "Ơ Quả Mơ" khi hung đế chơi bạo!

Vì vậy, cái lẽ lợi hại, hay thắng bại giữa nạn dân chủ và ách độc tài, chỉ là chuyện giả. Chuyện thật là người dân có quyền không? Và muốn gì khi bỏ phiếu cho người thực hiện ước vọng của họ? Câu hỏi ấy mới là thời sự trong cuộc các bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ.

Nôm na là đừng khen Putin hay sức mạnh của độc tài mà nên chê Obama. Và mừng rằng chế độ dân chủ tại Mỹ cho phép người dân chọn lãnh đạo khác. Với hy vọng là đầu năm 2017, Hoa Kỳ không tái diễn sự bất lực trước cường quyền.


***


Khi so sánh, có một chuyện lù lù như bức tường Bá Linh năm xưa mà cứ bị dìm xuống dưới...

Tại sao người Hung, Tiệp, Ba Lan, hay Georgia, Látvia, v.v... lại không tìm vào đất Nga để sống dưới chế độ thái hòa của Putin, được bảo vệ bằng võ khí hạch tâm và nuôi dưỡng bằng năng lượng quá rẻ? Vì họ khát khao cái gì đó nước Nga không có và Putin không cho.

Ngược lại, Putin có thể vận dụng – lợi dụng là một từ chính xác hơn – dân thiểu số người Nga tại Estonia, hay Latvia, Lithuania, hoặc nhiều xứ Đông Âu khác để khuynh đảo các quốc gia xưa kia nằm trong quỹ đạo Xô viết. Nhưng vì sao lại có nhiều người Nga sinh sống trong các nước đó? Câu trả lời xa là vì chính sách di dân để cai trị từ thời Stalin. Gần hơn, và sau khi Liên Xô tan rã, dân Nga tiếp tục tiến vào hành lang Đông Âu để tìm một đời sống khá giả hơn ở miền Tây.

Chúng ta nên nhìn vào thực tế đó, ở sau gáy Putin.

Giành lại độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu đều theo nhau hội nhập vào Liên hiệp Âu châu và còn được Minh ước NATO bảo vệ. Vì vậy, nhiều người Nga vẫn tìm qua đó và nhờ chế độ di trú tự do, xin chiếu khán dễ dàng, từ Đông Âu họ có thể tiến xa hơn về hướng Tây. Thần dân của Putin có những kẻ tha phương cầu thực và đi tìm nơi cực lạc ở Tây phương.

Bây giờ, Putin cho họ tri hô báo động là bị kỳ thị và cần sự bảo vệ của Đại đế!

Bài này khởi đầu với một thành ngữ Khổng Nho. Xin được kết thúc qua một ngạn ngữ Khuyển Nho, của bọn "xy ních" đểu cáng mà đậm sắc Nga Tầu. "Thà là làm con chó thời bình còn hơn con người thời loạn". Thần dân của Putin mong hưởng sự thanh bình của Tây phương. Bây giờ ông ta muốn họ phải sủa!

Đại lộ Putin vì vậy chỉ là con đường lớn của giống khuyển nô.

10/4/14

Bàn cờ mới: Trung Quốc được lợi

Bàn cờ mới: Trung Quốc được lợi


Tôi định không viết về vụ Crimea ở Ukraine nữa nhưng không cách nào gạt vấn đề này ra khỏi đầu óc. Mà hình như không phải chỉ có một mình tôi. Chỉ cần rảo quanh trên các tờ báo lớn trên thế giới, chúng ta cũng sẽ thấy có vô số bình luận gia vẫn thường xuyên trăn trở về vấn đề này. Chuyện Nga chiếm Crimea có thể coi như đã ngã ngũ; trước mắt, hầu như không ai có thể giành lại được. Bàn về nó kể cũng vô ích. Nhưng vấn đề là ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài và có khả năng làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới trong ít nhất vài thập niên sắp tới. Đó mới là những chuyện đáng thảo luận.

Sự thay đổi đầu tiên là qua sự kiện ấy, Nga lại trở thành một tâm điểm cuốn hút sự chú ý của thế giới. Kể từ khi chế độ Cộng sản và Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, hầu như trên thế giới, người ta quên bẵng Nga; hoặc nếu nhớ, chỉ nhớ những sự bất hợp tác, thậm chí, quấy rối của Nga trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, liên quan đến một số điểm nóng nào đó, ví dụ, gần đây nhất, Iran và Syria. Tầm quan trọng duy nhất của Nga trên bàn cờ chính trị thế giới hầu như chỉ nằm ở cái ghế thành viên cố định trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc); với cái ghế đó, Nga có quyền phủ quyết tất cả các nghị quyết không hợp ý họ. Hết.  Ngay cả khi, vào năm 2008, Nga xua quân tấn công Georgia, không ai cảm thấy lo lắng thái quá. Nói theo ngôn ngữ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nga chỉ còn là một cường quốc trong khu vực. Có tham vọng hay không tham vọng; tham vọng ấy, nếu có, dù lành hay dữ, chúng cũng không có tác động nào đến bàn cờ thế giới vốn nghiêng hẳn về Tây phương.

Bây giờ thì khác. Việc Nga trắng trợn cưỡng đoạt Crimea của Ukraine và hiện đang hăm he đòi lấn chiếm thêm ít nhất một số vùng khác thuộc lãnh thổ của Ukraine khiến mọi người giật mình. Đã đành Nga không còn là một siêu cường quốc lớn trên thế giới, nhưng Nga thừa sức xâm lấn nhiều nước bên cạnh, đặc biệt các nước trước đây vốn thuộc Liên bang Xô Viết, vốn nhỏ và yếu, hơn nữa, từng nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga trong cả gần một thế kỷ. Nếu chiếm hết các nước ấy, với vũ khí hạt nhân trong tay, Nga có thể đe dọa cả các nước cựu cộng sản nay đã thuộc Liên hiệp Âu châu như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Hungary, Bulgary và Romania, vốn hoặc giáp biên giới với Nga hoặc với Ukraine. Đe dọa với các nước vừa kể cũng có nghĩa là đe dọa châu Âu nói chung.

Trước đây, mọi người đều biết phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều lệ thuộc vào nguồn dầu khí do Nga cung cấp. Biết, nhưng người ta không lo lắng quá. Lý do: Người ta không tin là Nga có thể sử dụng nguồn dầu khí ấy như một thứ vũ khí vì làm thế, kinh tế Nga, vốn dựa chủ yếu trên việc xuất cảng dầu khí, sẽ bị sụp đổ, hoặc ít nhất, chao đảo.

Một đầu óc tỉnh táo sẽ không bao giờ chấp nhận cái giá quá đắt như vậy. Bây giờ, sau các hành động lấn chiếm Crimea thô bạo của Nga, người ta thấy Vladimir Putin có thể làm bất cứ điều gì, kể cả việc làm cho kinh tế Nga suy sụp. Tham vọng và dã tâm của ông lớn hơn tất cả những toan tính lợi hại bình thường. Bởi vậy, người ta nhận ra: Với Tây phương, tuy Nga chưa phải là một đe dọa; nhưng Putin lại là một đe dọa. Chừng nào ông còn cầm quyền, những hành động khiêu khích và gây hấn của ông đối với các nước láng giềng, với Tây phương nói chung, và với Mỹ nói riêng, vẫn còn tiếp tục. Vấn đề là, hiện nay Putin mới có 61 tuổi, ông còn cầm quyền đến cả chục năm nữa.

Sự thay đổi thứ hai, như là hệ quả của sự thay đổi thứ nhất vừa kể, là Mỹ chưa thể trút được gánh nặng ở châu Âu được. Trước, kể từ sau Đệ nhị thế chiến, Mỹ bỏ công sức để xây dựng và phát triển khối NATO để đương đầu với Liên bang Xô Viết và khối Warsaw (bao gồm Liên bang Xô Viết, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Czechoslovakia và Đông Đức). Sau năm 1991, Liên bang Xô Viết tan rã, khối Warsaw cũng tan rã nốt.

NATO không những không còn bị ai đe dọa mà còn có thể phát triển thêm với nhiều thành viên mới từ khối Cộng sản trước đây, nâng tổng số thành viên của NATO lên 28 nước. Ngỡ với khối thành viên đông đảo như vậy, cùng với việc giảm nhiệt tại Iraq và Afghanistan, Mỹ có thể phần nào rút ra khỏi châu Âu. Nay thì khác. Bàn cờ đã đổi. Dù muốn hay không, Mỹ cũng phải ở lại châu Âu, nơi nguy cơ bất ổn vẫn còn rất cao. Cao đến độ không hiếm chính khách ví Putin với Hitler ở giai đoạn mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thứ ba, như là hệ quả của điểm thứ hai vừa nêu, chiến lược quay lại châu Á của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở Mỹ, kinh tế vẫn chưa hồi phục sau cơn khủng hoảng kéo dài. Ngân sách quân sự bị cắt giảm trầm trọng. Sau mười mấy năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, dân chúng Mỹ cũng đã bắt đầu thấm mệt. Trong hoàn cảnh như thế, thật khó mà tưởng tượng được là Mỹ có thể an tâm chuyển 60% lực lượng trên biển sang vùng châu Á Thái Bình Dương như họ trù tính. Trong trường hợp xảy ra xung đột lớn ở châu Á, khả năng can thiệp của Mỹ, do đó, sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Cuối cùng, như là hệ quả của điểm trên, nước có lợi lớn nhất trong cuộc xâm lấn Crimea của Nga vừa rồi chắc chắn là Trung Quốc. Lợi ở hai điểm chính: Một, kế hoạch bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại và yếu hơn; như vậy, Trung Quốc sẽ có đủ thời gian để phát triển quân sự ở châu Á; hai, việc Nga lấn chiếm Crimea một cách dễ dàng như vậy cũng tạo nên một tiền đề pháp lý và chiến lược để một ngày nào đó, Trung Quốc nhân danh một lý do lịch sử cũng như việc bảo vệ Hoa Kiều ở đâu đó có thể xua quân lấn chiếm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của các nước khác. Đối tượng đáng lo nhất trước mắt là nhóm đảo Điếu Ngư / Senkaku hiện đang tranh chấp với Nhật, đảo Hoàng Nham / Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines; Trường Sa và rộng hơn, Biển Đông hiện đang tranh chấp với Việt Nam.

Chuyện liên quan đến Nhật và Philippines thì đã có hai nước ấy lo; còn chuyện liên quan đến Việt Nam thì sao? Ai lo?

Source : Blog Nguyen Hung Quoc/VOA

Phạm Chí Dũng : Hãy để yên cho ông Cù Huy Hà Vũ sống như một người bình thường

Phạm Chí Dũng : Hãy để yên cho ông Cù Huy Hà Vũ sống như một người bình thường

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử ở Hà Nội, ngày 04/04/2011
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử ở Hà Nội, ngày 04/04/2011
(DR)

Thụy My- RFI
Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã được bất ngờ trả tự do hôm 06/04/2014, đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay và đến Hoa Kỳ hôm 7/4. Nếu báo chí nhà nước không hề loan một dòng tin nào về sự kiện này, thì trên các mạng xã hội việc ông Cù Huy Hà Vũ được phóng thích và đi Mỹ ngay sau đó đã làm dấy lên nhiều bình luận sôi nổi. RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, việc thả tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tất nhiên là một tin vui nhưng nhiều người cho là các nhà bất đồng chính kiến một khi đã ra hải ngoại sẽ khó thể tiếp tục tranh đấu cho dân chủ được nữa ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng - TP Hồ Chí Minh
 
10/04/2014
by Thụy My
 
 


Nhà báo Phạm Chí Dũng
DR
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi thấy tình hình dư luận càng ngày càng phức tạp và đa chiều, thậm chí là hỗn mang, và có nét dị biệt không thể tránh khỏi trong quan điểm của cộng đồng. Gọi là cộng đồng, nhưng thực ra có rất nhiều nhóm, phái. Và điều này đã xảy ra không phải chỉ với ông Cù Huy Hà Vũ – đối với ông thì đây không phải là lần đầu tiên, mà cả với những người khác nữa. Thí dụ như ông Đoàn Viết Hoạt, bà Trần Khải Thanh Thủy – cũng từ trong nước mà đi ra, cũng từ nhà tù mà đi ra – nhưng cũng đã phải chịu những lời dị nghị khá nhiều. Ông Cù Huy Hà Vũ cũng vậy.
Và tôi xin nhắc lại, cho tới giờ vẫn có dư luận đánh giá ông Đoàn Viết Hoạt là một loại «  » của chính quyền cộng sản đưa ra hải ngoại để hoạt động, quấy phá « phong trào dân chủ ». Tôi cho đó là quan điểm khá cực đoan. Bà Trần Khải Thanh Thủy cũng thế, một số người cho rằng bà là tay sai của Nhà nước, và cũng được gài vào trong các nhóm, các phong trào dân chủ để hoạt động.
Thì ngay lập tức khi ông Cù Huy Hà Vũ mới đáp xuống phi trường Washington DC có một ngày thôi, lại đã xuất hiện dư luận tương tự như đối với bà Trần Khải Thanh Thủy và ông Đoàn Viết Hoạt. Điều đó làm cho tôi cảm thấy ngạc nhiên vì tại sao mới chỉ có một ngày, trên người đang mang một số thứ bệnh - và đúng là có lý do để đi chữa bệnh thật sự - ông Cù Huy Hà Vũ lại bị lôi ra trước công luận để mổ xẻ, với một thái độ không mấy thiện cảm như thế.
Còn có luồng dư luận đánh giá là ông sẽ phải chịu những điều tiếng khá nặng nề nếu ông không hòa nhập được với cộng đồng. Và có thể bản thân ông Cù Huy Hà Vũ, vốn là một người xuất thân từ chế độ, mang những đặc tính tâm lý truyền thống khó tránh khỏi, sẽ khó thể hòa nhập được cộng đồng người Việt hải ngoại, ở Mỹ hoặc ở một số nước khác trên thế giới. Đó là một thách thức mà ông Cù Huy Hà Vũ phải đối mặt, phải giải quyết trong thời gian tới. Và người ta cho rằng có thể ông Cù Huy Hà Vũ sẽ không vượt qua được thử thách đó.
Mà khi không vượt qua được thì làm thế nào ? Hoặc là ông sẽ phải im lặng, hoặc là ông từ bỏ con đường tranh đấu. Vì nói gì thì nói, để tạo dựng nên một uy tín, năng lực và chân đứng ở hải ngoại, điều đó khó hơn nhiều so với ở trong nước.
Khi ở trong nước, người ta đương nhiên là có uy tín, đặc biệt là những nhân vật mới ở tù ra, và còn có thể tập hợp được một số quần chúng nào đó. Nhưng mà ở hải ngoại, với đặc tính có quá nhiều các nhóm thậm chí là phe phái, thì việc có thể đứng vững được trên đôi chân của mình, với uy tín của mình dù là có năng lực, cũng là một điều khá khó khăn.
Điều đó đã được chứng thực là hiện nay cho tới giờ, ở hải ngoại vẫn ít có gương mặt nào được coi là trở thành thủ lĩnh có thể thống nhất được các lực lượng tranh đấu hải ngoại. Thậm chí chỉ có một ít thủ lĩnh nhỏ thôi, và những người thủ lĩnh đó cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là đặc thù mà người ta gọi là tính chia rẽ, trong các phong trào đấu tranh dân chủ hải ngoại nói riêng, và trong đặc tính tâm lý của người Việt nói chung.
Đây là vấn đề mà chúng ta phải bàn tới ngày hôm nay. Tôi cho đó cũng là một thử thách mà trong những ngày tới, ông Cù Huy Hà Vũ dù có muốn đấu tranh trở lại hay là không vẫn phải đối mặt với nó, vẫn phải tìm cách vượt qua nó.
RFI : Thưa anh, như vậy khi trả tự do ông Cù Huy Hà Vũ, Việt Nam có được lợi thế nhiều hơn là bất lợi phải không ạ ?
Tôi có cảm giác là kỳ này Nhà nước Việt Nam đã giành một lợi thế nho nhỏ trong việc thả ông Cù Huy Hà Vũ. Bởi vì trước mắt họ đáp ứng được điều kiện của phía Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ dường như cũng hài lòng về chuyện đó – lên tiếng hoan nghênh, thậm chí từ phía dân biểu Ed Royce. Đó là người đã cùng một số nghị sĩ khác vào tháng 7/2013, trước khi ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Tổng thống Barack Obama, thì ông Ed Royce và một nhóm nghị sĩ đã gửi thư riêng cho ông Trương Tấn Sang, đề nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng một vấn đề, có thể nói là một điều kiện nhỏ của phía Hoa Kỳ - một điều kiện nhỏ thôi.
Thứ hai nữa, có thể là một bước tiến nhỏ trên con đường đạt tới mục tiêu tối thượng mà tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam đang muốn tiến tới, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Và sau đó nữa, có thể cả một lời hứa của Tổng thống Barack Obama – hoặc vào cuối năm nay, hoặc sang năm tới - nhưng gần như chắc chắn là vào một lúc nào đó, phía Hoa Kỳ sẽ xác định là Tổng thống Obama đến Việt Nam.
Lúc đó sẽ là một hình ảnh tái lập chuyến đi của Barack Obama đến Miến Điện vào cuối năm 2012, khi tình hình dân chủ Miến Điện được cởi mở, Tổng thống Thein Sein đã thả khoảng hơn 100 nhân vật được coi là bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị. Đó là mối lợi của Việt Nam.
Đồng thời về mặt trong nước, nếu Nhà nước Việt Nam chịu khó tuyên truyền thì tôi nghĩ rằng họ cũng đạt thêm được một mối lợi nhỏ. Rằng họ đã bắt đầu mở cửa, bắt đầu có dân chủ hơn, và đã bắt đầu chiếm được một chút lòng tin của dân chúng.
Nhưng khách quan mà nói, sau cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Nhân quyền vào tháng 2/2014 tại Thụy Sĩ, Nhà nước Việt Nam đã bắt buộc phải thể hiện sự tôn trọng hơn chút đỉnh đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về chống tra tấn. Trong đó liên quan tới những điều kiện thả tù nhân chính trị, cải thiện chế độ lao tù một chút.
Điều đó cho thấy, có những tín hiệu đang phát ra về một lối mở thỏa hiệp - nhẹ nhàng hơn, mềm dẻo hơn, và có triển vọng hơn một chút, giữa Nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ, trong mối quan hệ thương thảo giữa hai bên về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Đó là một tương lai mà tôi cho là cũng không đến nỗi quá tồi đối với nền dân chủ Việt Nam nói chung, và đối với ông Cù Huy Hà Vũ nói riêng.
RFI : Nhưng tại sao lại là ông Cù Huy Hà Vũ, trong lúc nhà tù Việt Nam hãy còn nhiều tù nhân lương tâm khác. 
Còn bản thân ông Cù Huy Hà Vũ tại sao lại được chọn để thả ? Trong trường hợp này, nói « thả » vì thực chất là Nhà nước Việt Nam cho ông đi luôn, chứ không phải là sau khi chữa bệnh, ông Cù Huy Hà Vũ phải trở lại thụ án nữa. Theo đánh giá của tôi, ông Cù Huy Hà Vũ không phải là một nhân vật quá nguy hiểm đối với Nhà nước Việt Nam.
Ông có tiếng nói, nhưng có thể về mặt tập hợp quần chúng và vị thế trong phong trào dân chủ ở Việt Nam, ông khó mà bằng được những nhân vật khác đang nằm trong chốn lao tù như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay ông Lê Quốc Quân, ông Trần Huỳnh Duy Thức, hoặc linh mục Nguyễn Văn Lý.
Khi xác định chọn thả nhân vật nào đó, Nhà nước Việt Nam phải tính toán rất kỹ về ảnh hưởng của nhân vật đó sau khi được thả, tác động của của người đó trên trường quốc tế và cả với chính trị đối nội trong nước như thế nào.
Chúng ta nhớ rằng vào tháng 8/2013, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Barack Obama, thì nghe nói phía Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách có năm người, đề nghị phía Việt Nam trả tự do. Đứng cuối danh sách đó là cô Phương Uyên – bị bắt năm 2012 trong một vụ rải truyền đơn. Và phía Việt Nam đã chọn nhân vật nhẹ nhàng nhất, trẻ tuổi nhất, ít ảnh hưởng nhất, chỉ mang tính biểu tượng nho nhỏ mà thôi. Đó chính là cô Phương Uyên, và họ đã trả tự do cho cô. Sau đó vào tháng 11/2013, họ tiếp tục trả tự do tại tòa cho một blogger là Đinh Nhật Uy.
Đối với những trường hợp như thầy giáo Đinh Đăng Định, hay cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu, mà Nhà nước Việt Nam đưa ra lệnh đặc xá cho họ vào đầu năm 2014, cũng là những bước đi có tính toán. Vì đó là những người có thể nói là không còn sức khỏe để hoạt động nữa, hay nói cách khác đó là những người « sắp chết ».
Đó là cách tính toán của Nhà nước Việt Nam, làm sao vừa tạo ra một điều gọi là « nhân hòa » đối với tình hình chung, mà vẫn không làm cho các tù nhân chính trị được thả có điều kiện để hoạt động mạnh.
Riêng với ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề sức khỏe của ông có thể khả quan hơn nhiều so với thầy giáo Đinh Đăng Định (đã mất) và ông Nguyễn Hữu Cầu. Nhưng việc quyết định đưa ông đi nước ngoài, tôi cho đó là một tính toán khôn ngoan, vì đó là một cách – theo Nhà nước Việt Nam - là « tống khứ » được nhân vật bất đồng chính kiến nào ra hải ngoại thì càng tốt chừng đó.
Ở hải ngoại, họ sẽ khó có điều kiện như ở trong nước để tập hợp quần chúng, để nói lên tiếng nói và tạo được phản ứng của dư luận. Đặc biệt là ở nước ngoài, họ khó có độ cảm nhận, độ rủi ro thường trực len lỏi, theo đuổi như là người ở trong nước. Vì vậy họ sẽ khó thể phân tích, đánh giá tình hình một cách thuyết phục như là những người trong nước.
Đó là lý do mà tôi nghĩ Việt Nam đã chọn lựa khi thả ông Cù Huy Hà Vũ, phù hợp tương đối theo cách nhìn của Nhà nước.
RFI : Dư luận cũng đang cho là việc thả những tù nhân lương tâm nổi tiếng là một cách vô hiệu hóa họ. Người ta mong muốn họ được trả tự do nhưng vẫn ở lại trong nước.
Tình trạng chung hiện nay là nhiều tù nhân lương tâm còn trong tù chỉ muốn ở Việt Nam khi được tự do, không muốn đi nước ngoài. Những người thể hiện quan điểm kiên định nhất theo tôi biết là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, linh mục Nguyễn Văn Lý, kể cả một số người khác. Nghe nói họ đã được gợi ý đi định cư ở nước ngoài, nhưng họ kiên quyết không chịu, và cũng kiên quyết không ký kết bất kỳ một cam kết nào đối với giám thị hay cơ quan công an, an ninh điều tra về việc đi nước ngoài và phải chấp nhận im lặng.
Thế thì vấn đề đối với ông Cù Huy Hà Vũ là như thế nào ? Ngay lập tức đã xuất hiện những dư luận có vẻ bất lợi cho ông. Dường như là những người nóng ruột đang muốn ông ngay sau khi đến Hoa Kỳ phải lập tức lao vào dòng thác đấu tranh, và làm tất cả những gì theo họ là có lợi cho phong trào dân chủ. Họ không hài lòng về việc tại sao ông Cù Huy Hà Vũ đến Washington DC một cách lặng lẽ như thế. Không có bạn bè tiếp đón ở phi trường, thậm chí đài VOA muốn phỏng vấn cũng không nhận được hồi âm ngay của ông.
Theo một số dư luận, điều đó cho thấy dường như đã có một sự thỏa hiệp nào đó giữa cá nhân ông Cù Huy Hà Vũ, giữa gia đình của ông với ngành công an, với Nhà nước Việt Nam. Thậm chí có sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong việc đưa đón ông Cù Huy Hà Vũ - từ nhà tù không phải ghé qua nhà ông ở đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội mà ra thẳng sân bay để đi Mỹ.
Vấn đề đặt ra là ông Cù Huy Hà Vũ sẽ suy nghĩ như thế nào, và sẽ phải đối mặt ra sao trước vấn đề này. Nhưng theo quan điểm của tôi, thì tôi xin nói luôn là những người ở ngoài, chưa từng bao giờ chịu cảnh tù đày, nên có một chút chia sẻ và thông cảm đối với những người đã từng trải qua tình trạng mà người ta gọi là một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài.
Nhà tù không phải là môi trường lãng mạn một chút nào hết. Đó là một môi trường mà người ta đói ăn, nóng bức, chịu những áp lực về tâm lý, kể cả sự xúc phạm về thân thể thường xuyên, thậm chí là có thể dẫn tới những căn bệnh nan y như đối với thầy giáo Đinh Đăng Định mà chúng ta vừa chứng kiến.
Vì vậy cần có một sự cảm thông nhất định đối với những người mới ở tù ra. Đừng quá đặt nặng việc họ phải là một nhân vật này, nhân vật kia ; đừng quá coi trọng sự nổi tiếng của họ, để rồi tạo ra áp lực là họ cần phải đấu tranh ngay lập tức. Hãy xem họ là một người bình thường thôi, và một người bình thường thì cũng có tâm sinh lý hết sức bình thường.
Đối với ông Cù Huy Hà Vũ, trước mắt ông cần đi chữa bệnh, thì hãy để cho ông đi chữa bệnh. Còn những điều ông làm trong quá khứ - ông là một trong những người đầu tiên trong phong trào phản biện đối với dự án bauxite ở Việt Nam, thì chúng ta hãy ghi công ông. Còn đối với hiện tại và tương lai thì hãy để cho ông bình yên chữa bệnh.
Đừng tạo áp lực quá lớn đối với ông rằng trong tương lai gần ông phải làm một điều gì đó, còn nếu ông không làm sẽ trở thành một nhân vật thừa thãi, ở trong cái xã hội hết sức công nghiệp. Một xã hội mà nếu người ta không làm việc thì sẽ phải nhận trợ cấp, sẽ phải nhờ vả tới mọi người, và có thể sẽ trở thành một ngoại lệ không đáng có.
RFI : Về phía người được thả là ông Cù Huy Hà Vũ đã tỏ ra hết sức lặng lẽ. Nhưng về phía chính quyền - như lúc nãy anh có nói, nếu chịu khó tuyên truyền thì sẽ có được uy tín. Nhưng Việt Nam cũng không thông tin gì về việc trả tự do cho tù nhân lương tâm nổi tiếng này?
Tôi hơi ngạc nhiên về điều đó. Và chẳng lẽ điều mà tôi muốn nói lại là mách nước cho Nhà nước Việt Nam rằng, nếu đúng họ đang có những lợi thế nho nhỏ về chuyện thả Cù Huy Hà Vũ, thì tại sao họ không tuyên truyền về chuyện đó ? Đúng ra bộ máy Nhà nước Việt Nam có thể làm điều này, trong khi nhiều trường hợp khác không đáng có mà họ vẫn tuyên truyền.
Nhưng lần này tôi cho rằng họ rơi vào thế bị động. Và đó là thế bị động truyền thống vốn có, tức là không ai dám quyết định về một vấn đề, một trường hợp quan trọng. Họ luôn e ngại rằng tuyên truyền vấn đề này ra thì dân biết, và có thể « lợi bất cập hại ». Có thể sẽ phản tác dụng cho chế độ - rằng Nhà nước Việt Nam đã phải yếu thế trước đòi hỏi của Hoa Kỳ và phương Tây, phải nhượng bộ trước các vấn đề nhân quyền, và phải thả tù chính trị.
Thực ra đối với vấn đề Cù Huy Hà Vũ thì tôi cho rằng Việt Nam nên làm điều đó. Và một khi đã tuyên truyền, thì tính minh bạch chỉ gây hiệu quả tốt đối với họ thôi. Không chỉ minh bạch đối với trường hợp này, cứ nói thẳng ra tất cả những trường hợp khác. Kể cả về thầy giáo Đinh Đăng Định, về ông Nguyễn Hữu Cầu, về tất cả những trường hợp họ thả người, và viết một cách khách quan, tôi cho đó không chỉ là tính minh bạch mà còn là tính chính danh của chế độ nữa.
Họ cứ nói thẳng ra điều đó đi, đừng có ngại ngần gì cả. Càng nói ra thì tôi nghĩ phương Tây và người Mỹ sẽ yêu mến họ hơn, và càng dễ vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương hơn.
RFI : Thưa anh, có ý kiến cho là đối với phong trào dân chủ bây giờ, không chỉ cần đấu tranh đòi thả các tù nhân lương tâm, nhưng còn phải đòi hỏi chính quyền không buộc họ phải ra nước ngoài sau khi được trả tự do.
À, tất nhiên ! Đó là một vấn đề mà tôi nghĩ phong trào dân chủ và những người bất đồng chính kiến Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới. Và không chỉ làm đơn độc trong tập thể, cá nhân, mà sẽ vận động quốc tế - đặc biệt là áp lực của quốc tế.
Các báo cáo viên, thanh sát viên quốc tế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề Việt Nam để làm sao trong xu hướng mở dần sắp tới, thì những tù nhân chính trị được thả - và tôi cho là trong năm 2014 này sẽ còn thả thêm một số nhân vật nữa - sẽ được ở lại Việt Nam, không bị áp lực đi định cư ở nước ngoài.
Và một trong những lý do mà tôi cho rằng nên nêu ra là gia đình họ ở đây, khi họ ra tù và ở Việt Nam sẽ có điều kiện để đóng góp hơn nhiều hơn là ở nước ngoài. Vì Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi sự phản biện mà, và những người tù bất đồng chính kiến thực ra trước đó họ cũng chỉ thể hiện sự phản biện, tự do biểu đạt mà thôi.
Nếu sắp tới họ ra tù thì họ cũng sẽ thể hiện tự do quan điểm, tự do chính kiến, đóng góp phản biện với Nhà nước Việt Nam, thì tại sao phải đưa họ ra nước ngoài ? Ở đây họ sẽ đóng góp tốt hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn ; và nếu Nhà nước chịu thỏa hiệp với họ, thì tôi cho đó là một điều kiện tốt để cùng phát triển.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Source : RFI

7/4/14

Đế Quốc Lánh Mặt


Tuesday, April 8, 2014

Đế Quốc Lánh Mặt



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140407
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thế giới cần một nước Mỹ gian hùng hơn một chút...  


* Đế quốc co vòi vì bị Obama cưa vòi - Hý họa của Michael Ramirez, báo IBD  * 



Sau khi vụ khủng bố 9-11 xảy ra năm 2001, người viết này đã cảnh báo, rằng thế giới sẽ thấy một Hoa Kỳ đậm mùi đế quốc. Lời tiên đoán đã thần tình!

Mà chỉ đúng được có mươi năm....

Đậm mùi đế quốc vì khi ấy Tổng thống George W. Bush dõng dạc nói đến "Thập tự chinh" mà bất chấp phản ứng nhạy cảm của dân Hồi giáo. Rồi ông vạch lằn ranh cho thiên hạ: một là cùng Mỹ chống khủng bố, hai là thành đối thủ của Mỹ. Khi ấy, an ninh Hoa Kỳ là tối thượng, hòn đá thử vàng về lẽ bạn/thù. Và cuộc chiến chống khủng bổ trở thành cuộc chiến toàn cầu do nước Mỹ lãnh đạo, với hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq....

Mươi năm sau, Đế quốc Mỹ có chiều mệt mỏi.

Dưới sự lãnh đạo của Barack Obama, tay "sen đầm quốc tế", hay chàng sheriffcủa phim High Noon, trở thành "người vái tứ phương", khi tứ phương lại nghi ngút khói và cần một tay trừ gian. Cứ hỏi dân Ba Lan, Ukraine, Georgia, Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật, hay Úc thì rõ...


***

Thời lập quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ khuyên hậu thế là tránh dây vào thiên hạ sự mà cố lo chuyện ở nhà. Thời ấy, không gian của bậc Quốc phụ chỉ có hai chiều Âu-Mỹ, "Thiên hạ sự" là chiến cuộc Âu Châu, Napoleonic Wars. Ưu tiên của nước Mỹ khi đó là phát triển vào trong để có một lãnh thổ vuông vức, đầy sông ngòi và đất đai canh tác bên cạnh hai láng giềng yếu thế là Canada và Mexico.

Một thế kỷ sau thì Mỹ làm chủ được Tây bán cầu, từ vùng biển Trung Mỹ qua Đại Tây Dương, và nói tới "Chủ thuyết Monroe". Mỹ châu của người Mỹ, chủ yếu là để gạt các cường quốc Âu Châu ra ngoài.

Sau đó, Hoa Kỳ mới kiểm soát được Thái Bình Dương, rồi mọi mặt biển tiếp cận với lãnh thổ. Và lên ngôi siêu cường với khả năng can thiệp toàn cầu. Hoàn thành được việc dựng nước và canh tân xứ sở, qua thế kỷ 20, Hoa Kỳ giữ nước theo kiểu đáng yêu mà khó chơi.

Hoa Kỳ đáng yêu vì đề cao các giá trị tinh thần như tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của con người dưới sự độ trì của Thượng đế. Không chỉ đề cao, Mỹ còn đưa tiền và người đi quảng bá và thực hiện những giá trị phổ cập đó. Và với khả năng kiểm thính hay thám báo toàn cầu, nước Mỹ cũng mau mắn tham dự việc cứu trợ mọi nơi bị thiên tai. Đấy là phần lý tưởng của một Đế quốc có từ tâm và thực thi chế độ dân chủ ở trong nước.

Nhưng cũng nước Mỹ đáng yêu lại tích cực ngăn ngừa mọi cường quốc nào có thể đe dọa quyền lợi hay sức mạnh của mình. Đấy là phần gian trong cái hùng của Đế quốc.

Bước vào thực tế thì dù có thể can thiệp toàn cầu, lãnh đạo Hoa Kỳ cố tránh tiêu hao sức lực đi giải quyết tranh chấp của thiên hạ. Hai trận Thế chiến của Thế kỷ 20 là kinh nghiệm quá đắt đỏ chẳng nên tái diễn. Vì vậy, Hoa Kỳ thường vận dụng xứ khác, kể cả chế độ hung đồ, nhằm tạo ra những tương quan lực lượng bấp bênh trên thế giới: các nước phải canh chừng nhau và khi hữu sự thì xứ nào cũng muốn sát cánh với Hoa Kỳ, hoặc tránh làm kẻ thù trực diện của Mỹ.

Nơi được ưu tiên chiếu cố vì duy nhất có loại cường quốc với khả năng thách đố quyền lợi Hoa Kỳ là đại lục địa Âu Á. Đức, Nga, Tầu, Nhật là những cường quốc từng đụng độ với nước Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ có thể hợp tác với cộng sản Liên Xô để chống Đức quốc xã, hợp tác với Trung Hoa Dân Quốc để chống Đế quốc Nhật, rồi yểm trợ Nhật Bản ngăn ngừa Trung Quốc Cộng sản và sau cùng là mở cửa giải vây xứ Trung Quốc này để giải trừ mối nguy Xô viết.

Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ có thể hoán đổi kẻ thù và buông rơi đồng minh. Các nước Đông Âu từ 1945, Trung Hoa Dân Quốc năm 1946-47, Việt Nam 1973-75, hay Đài Loan năm 1979 đều từng gặp sự bẽ bàng đó khi là đồng minh của Mỹ.

Kiểm lại thành tích trong thế kỷ 20, các Tổng thống Mỹ được coi là xuất chúng đều kết hợp được giá trị lý tưởng với quyền lợi thiết thực. Cả hai ông Roosevelt, rồi Richard Nixon và Ronald Reagan là loại Tổng thống đáng yêu mà đáng sợ vì tinh thần lưỡng diện - thiện ác khó phân. Qua thế kỷ 21, trong cuộc chiến chống khủng bố, ta lại thấy Mỹ tái diễn bài bản cũ mà chưa mấy thành công, đó là khai thác mâu thuẫn giữa Iraq với Iran, xung đột giữa hai hệ phái Sunni và Shia của đạo Hồi, hoặc cuộc tranh phong giữa Saudi Arabia và Iran.

Thất bại lớn nhất của Tổng thống Bush 43 là làm tiêu hao ý chí của người dân, dọn đường cho một Tổng thống cuốn cờ lên lãnh đạo, là Obama.

Nhìn từ bên ngoài, với kinh tế chưa ra khỏi suy trầm sau hơn năm năm vật vã trong sự nghiệp cải tạo xã hội của Obama, thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường độc bá. Dù ngân sách quốc phòng bị cắt, Mỹ vẫn có thể can thiệp toàn cầu, vượt xa ba cường quốc đứng sau về quân sự là Trung Quốc, Nhật Bản và Liên bang Nga. Hôm 11 Tháng Hai, khi giải trình trước Thượng viện về "mối nguy trong năm" (Annual Threat Assessment), Thiếu tướng Cục trưởng Defense Intelligence Agency, có nhắc tới Trung Quốc và Nga (trang 27 và 30), nhưng không đánh giá hai xứ này là mối đe dọa. Còn việc tăng cường hai khu trục hạm có khả năng chống hỏa tiễn đạn đạo cho Nhật, cường quốc hải dương đáng nể tại Đông Bắc Á, thì hãy đợi đến 2017.

Thật ra, Hoa Kỳ là siêu cường mệt mỏi và gặp mối nguy trầm trọng nhất là quay mặt vào trong. Khi ấy, chúng ta mới nhìn lại đại lục Âu-Á....

Hoa Kỳ là đế quốc lánh mặt, quyết chí tháo chạy khỏi Iraq và Afghanistan, trao vụ Syria cho Putin, tìm cách hòa giải với Iran và nói "chuyển trục" về Đông Á mà tranh cãi và cắt giảm ngân sách quốc phòng. Khi ấy, hai cường quốc Âu Á thấy ra cơ hội không thể lỡ. Đó là Liên bang Nga và Trung Quốc.

Lãnh đạo hai xứ đều biết rõ chuyện "thế" và "lực". Về lực, họ không thể mà cũng chẳng muốn tấn công Hoa Kỳ. Họ chỉ cần là sau khi mắc bận về hồ sơ Hồi giáo tại Trung Đông và Trung Á rồi ráo riết bỏ chạy, Hoa Kỳ đang cho họ có cái thế bành trướng để củng cố ảnh hưởng tại khu vực biên địa của các lân bang nhỏ yếu hơn.

Với Nga, khu vực đó là các nước Đông Âu xưa kia thuộc quỹ đạo Xô viết. Với Trung Quốc, khu vực đó là Đông Á, mềm và trống nhất là Đông hải của Việt Nam, biển Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN.

Thật ra, cả hai cường quốc đó đều có nhược điểm nội tại, còn nguy kịch hơn Hoa Kỳ. Nhưng cho tới ngày Nga-Hoa cùng bể thì khu vực biên địa tại Đông Âu và Đông Á có thể đã thành vùng trái độn. Sau này, khi nước Mỹ bước ra để dựng lại một tương quan lực lượng khác, thì nhiều xứ đã bị hy sinh. Và dân Mỹ sẽ tốn kém gấp bội.

Phải chi nước Mỹ gian hùng hơn một chút với hai gã hung đồ này!

________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Hôm mùng một vừa qua, một bà bước vào tiệm Lamb's Grill nổi tiếng tại Salt Lake City của tiểu bang Utah với sứ mệnh trả nợ. Năm 1941, một cậu bé lên mười cùng bạn vào tiệm này thưởng thức món ngon mà sau đó bỏ chạy vì không đủ tiền trả, dù chỉ là một đô cho hai thực khách nhóc tì. Ngày nay, cậu bé đã là cụ cao niên quá bát tuần mà không quên tội xưa. Cụ xấu hổ ngồi ngoài xe, nhờ con gái vào trả một tờ giấy năm đồng cùng lời xin lỗi. Chủ tiệm cũng là tay sòng phẳng: "Tiền này thuộc về chủ cũ, không phải của tôi. Xin nhắn cụ cứ ghé ăn mà đừng bỏ chạy!" Phải chi các lãnh tụ Mỹ đã từng bỏ chạy học được tấm gương xấu hổ của cụ già này....

Source : Người Việt. dainamax tribune