22/4/14

Viễn cảnh đen tối cho kinh tế Nga

Thanh Hà -RFI

Yếu tố Ukraina không là nguyên nhân duy nhất gây khó khăn cho kinh tế của ng Nga. Kinh tế Nga bị đe dọa suy thoái ngay từ quý 2/2014. Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt bị rút đi khỏi Nga gây khó khăn cho một nền kinh tế đang bị chựng lại.
65 tỷ đô la vốn đầu tư bị rút đi trong ba tháng đầu năm 2014. Tất cả các chuyên gia Nga và quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng và lo ngại lạm phát gia tăng. Yếu tố Ukraina không là nguyên nhân duy nhất gây khó khăn cho kinh tế của ng Nga.
Đến nay những đe dọa trừng phạt kinh tế của Mỹ hay châu Âu không phải là những tin xấu đối với Matxcơva. Tổng thống Nga Vladimir Putin không chút nao núng trước việc chính quyền Kiev được các nước phương Tây yểm trợ. Thế nhưng những thống kê về thực trạng kinh tế của Nga trong ba tháng đầu năm 2014 được thứ trưởng Andrei Klepatch thông báo hôm 08/04/2014 là một gáo nước lạnh, đưa chủ nhân điện Kremli trở về với thực tế.
Bộ Kinh tế Nga hạ dự phóng tăng trưởng cho năm nay đang từ 2,5 % bị rơi xuống còn 0,5 % và không loại trừ kịch bản tăng trưởng ở số không. Lại cũng thứ trưởng Klepatch báo động trong ba tháng đầu năm 2014, đã có tới 65 tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài từ giã nước Nga. Khoản vốn rút đi như vậy tương đương với khối lượng tư bản đã rời khỏi Nga trong cả năm 2013. Tệ hơn nữa, bộ Tài chính chờ đợi do tác động của khủng hoảng Ukraina, sẽ có từ 100 tỷ đô la đến 150 tỷ vốn đầu tư sẽ rời khỏi quê hương của Putin trong năm nay.
Hiện tượng chảy máu tư bản đó không đánh quỵ nổi ông khổng lồ Nga nhưng sẽ là một gánh nặng đối với một nền kinh tế đang bị đình đốn.
Tỷ lệ tăng trưởng liên tục giảm mạnh đang từ 4,3 % năm 2011 đã bị thu hẹp lại còn 1,3 %. Với tỷ lệ này, Nga cầm đèn đỏ trong số 5 nước thuộc nhóm BRICS, (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
GDP của Nga trong qúy 1//2014 đã giảm 0,5 % so với quý 4/2013. Trong tháng 2 vừa qua, tổng sản phẩm nội địa của Nga chỉ tăng 0,3 % so với một năm trước đây. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình hình kinh tế nước Nga không mấy khả quan. Báo cáo gần đây nhất vừa được công bố vào giữa tháng 3/2014 của định chế tài chính đa quốc gia này nêu ra hai kịch bản : trong trường hợp khả quan nhất, GDP của Nga sẽ tăng ở mức 1,1% - tức chỉ bằng phân nửa so với dự phóng đã được Ngân hàng Thế giới đưa ra vào mùa thu năm ngoái.
Còn trong trường hợp « căng thẳng địa chính trị leo thang », hậu quả sẽ tai hại hơn nhiều. Kinh tế nước này sẽ bị suy thoái, GDP giảm 1,8 cho tài khóa 2014 và còn giảm thêm ít nhất là 2 % vào sang năm. Vẫn theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới thì đây sẽ là một cú sốc mạnh đối với Liên bang Nga, tương tự như đòn đã giáng suống nền kinh tế nước này vào năm 2009, sau khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.
Chảy máu tư bản
Khủng hoảng Ukraina và đọ sức giữa Matxcơva với các nước phương Tây đang làm suy yếu thêm kinh tế của Nga. Rõ rệt nhất là các luồng vốn tư bản rút khỏi nước này và nhiều dự án đầu tư đã bị chựng lại. Tuy nhiên, các chuyên gia không tin rằng kịch bản kinh tế Nga sụp đổ sẽ xảy tới.
Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn nêu ra những lý do vì sao, nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ như một số nhà phân tích bi quan nhất lầm tưởng. Thứ nhất tổng thống Putin đang nắm lá chủ bài quan trọng trong tay : dầu hỏa và khí đốt. Chắc chắn là châu Âu không thể tẩy chay dầu khí của Nga.
Lý do thứ hai là Ngân hàng Trung ương Nga đang nắm giữ một khoản dự trữ ngoại tệ gần 500 tỷ đô la. Do vậy có thể nói Nga không sợ bị eo hẹp về tài chính. Trong trường hợp cần thiết, điện Kremli có thể sử dụng khối ngoại tệ đó để đối phó với những khó khăn nhất thời. Bằng chứng cụ thể là cho dù tư bản đã và còn đang tiếp tục ồ ạt rút đi khỏi nước Nga, ngân hàng Trung ương vẫn tung tiền ra mua vào đồng rúp, hạn chế bớt nguy cơ đơn vị tiền tệ bị mất giá. Thậm chí có lúc Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào 10 tỷ rúp trong một ngày để giữ giá cho đơn vị tiền tệ.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lilit Gevorgyan, thuộc cơ quan tư vấn IHS Global Insinght của Mỹ, cho dù có tới 100 tỷ đô la vốn đầu tư bị rút khỏi Nga, Ngân hàng Trung ương nước này vẫn có khả năng can thiệp tránh để đồng rúp bị « rơi tự do ».
Về phần mình, giáo sư Jacques Sapir, một chuyên gia về kinh tế Nga đặc biệt là về hồ sơ tiền tệ, kiêm giám đốc Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội (EHESS) cũng cho rằng, hiện tượng chảy máu tư bản của Nga sẽ dừng lại trước khi nước Nga bị đe dọa cạn kiệt vốn. Bởi lẽ nhiều tập đoàn quốc tế, chủ yếu là châu Âu, không sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Nga, một quốc gia có dầu hỏa và khí đốt.
Vào lúc là Liên Hiệp Châu Âu đang cứng giọng với Matxcơva thì chủ nhân một số các tập đoàn lớn của châu Âu như hãng dầu khí Shell, hay ông trùm công nghiệp của Đức là Siemens đã đến tận Matxcơva để tiếp kiến chủ nhân điện Kremli và thảo luận với ông Putin về một « chiến lược hợp tác lâu dài ».

Người Nga nghĩ gì về ông Putin khi phải đương đầu với những khó khăn kinh tế hàng ngày ?
REUTERS/Shamil Zhumatov
Mô hình kinh tế bị lỗi thời
Trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraina, kinh tế của Nga đã bị chựng lại. Ngay từ tháng 1/2014 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này. Từ mùa thu năm ngoái, viễn cảnh Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo đã khiến đồng đồng rúp liên tục bị mất giá và vốn đầu tư vào Nga ồ ạt được chuyển về nơi khác.
Theo lời giám đốc cơ quan tư vấn tài chính FBK, Igor Nikolaev, đối với nước Nga, « Chu kỳ tăng trưởng đã đi qua. Năm 2013 là năm cuối cùng của một chu kỳ đó (…) kể từ năm 2014 kinh tế Nga rơi vào suy thoái ». Cũng cơ quan FBK từ mùa thu năm ngoái đã dự báo GDP của Nga trong tài khóa 2014 sẽ giảm 1 % so với tỷ lệ tăng trưởng vốn đã rất thấp (1,3 %) của năm ngoái. Trong dự phóng đó FBK đã không tính đến những hậu quả tai hại của việc Matxcơva bị quốc tế trừng phạt và những phí tổn trợ cấp cho Crimée.
Vẫn theo ông Nikolaev, khó khăn của Nga bắt nguồn từ chỗ « mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu dầu khí » đã lỗi thời. Giá dầu hỏa không còn cao chót vót như ở vào năm 2008 (có lúc giá một thùng dầu thô đã được đẩy lên tới gần 150 đô la) hay là ở mức trung bình khoảng 112 đô la/thùng dầu như vào những năm 2011 -2012.
Nhược điểm thứ nhì của Nga đã được chính bộ Kinh tế nước này nhìn nhận đó là trong một thời gian quá dài, chính quyền Liên bang đã trễ nãi trong việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở của ngành công nghiệp khai thác dầu hỏa và khí đốt. Nga đá quá tập trung vào ngành công nghệ dầu khí.
Trong 14 năm qua, ông Putin liên tục hô hào phải đẩy mạnh đàu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở của ngành dầu, khí. Nhưng lời nói đã không đi đôi với việc làm. Nga hiện xuất khẩu 5 triệu rưỡi thùng dầu mỗi ngày và 200 tỷ mét khối khí đốt hàng năm. Bên cạnh đó các ngành khai tháng khoáng sản chiếm tới hơn 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga và đây là « đầu vào » quan trọng nhất cho ngân sách của nhà nước Nga.
Vấn đề đặt ra là mức sản xuất và khả năng cung cấp dầu khí của các tập đoàn Nga có khuynh hướng bị chựng lại, do thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các đường ống dẫn để đưa vàng đen hay khí đốt của Nga đến các thị trường lớn như Trung Quốc chẳng hạn. Thêm vào đó, theo một số các chuyên gia giá dầu hỏa phải được duy trì ở mức 110 đô la/thùng thì mới vừa đủ để trang trải các phí tổn quân sự và xã hội của nước Nga.
Trong báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 1/2014 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Matxcơva giảm bớt mức độ lệ thuộc kinh tế vào « thời giá » của dầu hỏa và khí đốt, đồng hời « đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ». Tổ chức này cũng khuyến khích Matxcơva « mạnh dạn hơn nữa trong tiến trình cải tổ kinh tế, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ ».
Nga : ông khổng lồ có đôi chân đất sét
Từ đầu năm 2013 tới nay chỉ số sản xuất công nghiệp của Nga liên tục giảm sút. Lạm phát gần 7 % là một gánh nặng cho các hộ gia đình. Theo báo cáo về « Khả năng cạnh tranh 2013-2014 » do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, mức độ can thiệp quá lớn của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng trong tình trạng tồi tệ đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông và y tế là những trở ngại lớn khiến các doanh nhân lơ là với một thị trường được đánh giá là có « tiềm năng » như Nga. Dân số Nga lên tới gần 150 triệu và thu nhập bình quân đầu người lên tới 14.000 đô la/năm.
Nga nổi tiếng có một đội ngũ các chuyên gia giỏi, thế nhưng do thiếu đầu tư vào cho ngành nghiên cứu thực dụng, số bằng sáng chế của Nga lại ở vào bậc thấp « thảm hại », các doanh nghiệp của Nga bị coi là kém cỏi về mặt phát minh.
Về phần mình tổ chức OCDE cho rằng, nước Nga của tổng thống Putin đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế không chỉ do tác động của khủng hảong Ukraina. Một trong những trở ngại để kinh tế Nga thực sự cất cảnh là do quốc gia này đã bỏ quá nhiều vốn cho các ngành công nghiệp không có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, khác hẳn so với Trung Quốc, hay Brazil, dân số Nga đang trên đà bị lão hóa và kèm theo đó là những hậu quả tiêu cực đối với thị trường lao động.
Giới quan sát cho rằng, đang bị vướng bận vì hồ sơ Ukraina và phải hứng chịu những tốn kém sau khi đã thôn tính Crimée, các chương trình cải tổ xã hội từng được ông Putin cam kết khi ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ ba, coi như đang bị chìm vào quên lãng. Khó có thể tin rằng Vladimir Putin giữ được lời hứa đưa nước Nga trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế của thế giới trước năm 2020 !
Trước mắt, việc Nga làm chủ tình hình tại Crimée đã khiến điểm tín nhiệm của ông Putin được đẩy lên đến đỉnh cao chót vót. Theo kết quả thăm dò dư do một viên nghiên cứu độc lập thực hiện vào cuối tháng 3/2014, có tới 80 % người được hỏi tán đồng đường lối cứng rắn của chủ nhân điệm Kremli trên hồ sơ Ukraina.
Thế nhưng theo thẩm định của ngân hàng Đức Berenberg được AFP trích dẫn trong ngắn hạn v thôn tính Crimée đang tô điểm hình ảnh của người hùng Putin trong mắt gần 150 triệu người Nga, thế nhưng những khó khăn kinh tế chồng chất trong cuộc sống hàng ngày của người dân, hay các hoạt động làm ăn buôn bán của các đại gia Nga bắt đầu bị xáo trộn, thì liệu rằng hào quang của tổng thống Putin có còn sáng chói được nữa hay không. Tất cả chỉ là vấn đề thòi gian. Có điều, như chuyên gia của ngân hàng Đức nói trên ghi nhận : người Nga có sức chịu đựng khá cao. Ông Putin biết được điều đó và tin rằng ông vẫn còn có đủ thời gian để giải quyết những khó khăn kinh tế và không sợ làm suy tổn đến uy tín của mình trước khi mãn nhiệm kỳ tổng thống.

Source : RFI

Đồng Minh, Đồng Tính và Đồng An


Đồng Minh, Đồng Tính và Đồng An



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140421
 
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Tổng thống Obama thiếu... "đàn ông tính"? Theo David Brooks.
 * Lời thì thầm của Obama trong Thượng đỉnh tại Seoul 2012 *
Tuần này, Tổng thống Barack Obama có năm ngày Á du để lần lượt thăm viếng bốn nước Đông Á là Nhật Bản ngày 23, Nam Hàn ngày 25, Mã Lai Á ngày 26 và Phi Luật Tân ngày 28. Sau hai lần lỡ hẹn vì việc nhà – tranh luận về ngân sách – chuyến công du Á Châu của Tổng thống Mỹ được chú ý vì sẽ xác định lại quyết tâm "chuyển trục" về Châu Á của Hoa Kỳ.
Trước khi ông lên đường, ban tham mưu của ông đã chuẩn bị dư luận qua những tiết lộ có chọn lọc để cho thấy mối quan tâm của lãnh đạo về một khu vực thiết yếu cho quyền lợi của nước Mỹ, và là nơi sinh hoạt của hai tỷ 300 triệu dân với sản lượng kinh tế gần bằng một phần ba của sản lượng thế giới.
Trong khi đó, tâm tư của ông Obama vẫn lan man với cuốn lịch và tấm bản đồ.
Tại Đông Á, lù lù một khối là Trung Quốc, cường quốc kinh tế hạng nhì và mối quan tâm hạng nhất của nhiều nước đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn (vì ảnh hưởng của Bắc Kinh tới Bắc Hàn) và các nước Đông Nam Á, như Phi Luật Tân, Mã Lai, và cả Việt Nam.
Tấm lịch ở trong đầu Obama có ghi đậm nét hai thời điểm then chốt cho lãnh đạo Bắc Kinh và Hoa Kỳ.
Tháng 11 năm 2013 là khi Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương khoá 12 của đảng Cộng sản ra nghị quyết về cải cách kinh tế. Tháng Ba năm 2014 là khi Quốc hội của Bắc Kinh nhóm họp và khai triển nghị quyết để "đưa vào áp dụng". Có áp dụng được hay không là điều đáng chú ý vì ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới trong những năm tới. Nhưng với Tổng thống Mỹ, hai thời điểm 11/2013 và 03/2014 cũng đóng chốt vụ khủng hoảng Ukraine - và đóng đinh vào chánh sách cải thiện quan hệ của ông với lãnh đạo Liên bang Nga, chuyện "reset" mà bộ Ngoại giao của Hillary Clinton đã dịch sai sau khi Phó Tổng thống Joe Biden nói sai!
Thật ra, sai lầm về nội dung mới là điều quan trọng.
Sau khi Obama nhậm chức năm 2009, Chính quyền của ông đánh giá sai nội tình lãnh đạo Nga. Cứ tưởng Tổng thống Dmitry Medvedev là nhân vật cải cách có thể kéo Thủ tướng Vladimir Putin theo cái hướng hiếu hòa và thân thiện hơn với Tây phương để cùng Hoa Kỳ giải quyết nhiều hồ sơ nóng của thế giới. Sự thật thì Medvedev chỉ là một trong nhiều thủ lãnh của phe "civiliki", yếu thế hơn phe "siloviki", nhưng là thuộc hạ thân tín của Putin. Chàng được đưa ra tranh cử năm 2008 và giữ ghế Tổng thống cho Putin trở về hầu tuân thủ Hiến pháp là không làm Tổng thống sau hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 2000 đến 2008).
Tới năm 2012, quả nhiên là Putin trở về và dễ dàng vượt làn sóng chống đối để hoàn tất việc chinh phục lại những ảnh hưởng đã mất của nước Nga từ thời Xô viết.
Tháng Tư năm 2012, Obama vẫn còn sai khi nói thầm tại Seoul với Tổng thống Medvedev, rằng "nhắn với Vladimir là sau cuộc tranh tử Tổng thống lần cuối, tôi sẽ có khả năng linh động hơn". Sau đó là bẽ bàng lịch sử khi Putin cho một kẻ tiết lộ tin mật bị Hoa Kỳ truy tố là Edward Snowden được tỵ nạn tại Nga khiến Obama phải hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ-Nga để bày tỏ sự thất vọng.
Dù sao mặc lòng, Obama vẫn linh động trông cậy vào Putin để giải quyết hai hồ sơ nóng tại Trung Đông là kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran và nạn tàn sát đối lập của chế độ Bashar al Assad tại Syria. Kết quả lại gây thất vọng nữa: Putin góp phần hóa giải lệnh cấm vận Iran để triệt tiêu sức ép của Hoa Kỳ, trong khi chế độ al Assad vẫn tồn tại ở Damascus, trên thi hài của gần hai trăm ngàn nạn nhân.
Tại Thế vận hội mùa Đông ở Sochi, Chính quyền Obama dũng cảm bày tỏ thái độ theo kiểu dáng riêng: vì Putin kỳ thị dân đồng tính, phái đoàn lực sĩ Hoa Kỳ xuất hiện với người đồng tính đưa cờ vào khán đài. Với Putin thì đấy là trò ấu trĩ. Với dư luận ở nhà thì đấy là điểm son của Obama trong thế giới đồng tính. Nhìn từ bên ngoài, khác biệt giữa hai người về tầm quan trọng của từng loại vấn đề là chuyện đáng chú ý!
Từ cuốn lịch nhìn qua bản đồ, ta lại thấy ra chuyện khác.
Giữa cơn hỗn mang ở nhà, lãnh đạo Bắc Kinh hả hê theo dõi màn đấu trí Mỹ-Nga. Vụ Ukraine càng gay go và áp lực của Tây phương càng mạnh thì Putin càng khó cải thiện quan hệ với Nhật Bản, khó gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á và sẽ càng muốn tìm khách hàng mua khí đốt của mình. Với cái giá dễ thở hơn cho Trung Quốc. Ta có thể thấy chuyện trả giá này khi Putin thăm viếng Bắc Kinh.
Nhưng ông Obama không chỉ gặp khó khăn khi thuyết phục Âu Châu về một đối sách thống nhất và có hiệu quả với Putin. Tại mỏm Viễn Đông của đại lục địa Âu-Á, Obama còn phải hòa giải mâu thuẫn căng thẳng nhất kể từ hơn sáu chục năm nay giữa hai đồng minh chiến lược của Mỹ là Nhật Bản và Nam Hàn.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, chủ nghĩa quốc gia và chủ trương cứng rắn của Tokyo có thể chặn đà bành trướng của Bắc Kinh và giảm bớt trách nhiệm của nước Mỹ. Nhưng lại gây lo ngại và khó chịu cho Đại Hàn. Cùng thái độ hung hăng của Bắc Hàn Cộng sản, việc sinh viên Đài Loan gay gắt phản đối chánh sách hòa hoãn với Hoa lục của Chính quyền Mã Anh Cửu càng gây thêm rủi ro cho khu vực Đông Bắc Á. Nghĩa là thêm bận tâm cho Hoa Kỳ.
Khốn nỗi, mối bận tâm lớn nhất của Obama khi lên đường Á du lại xuất phát ngay ở nhà, từ Quốc hội.
Quốc hội Mỹ sẽ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ váo Tháng 11 này, và đấy là ưu tiên trong mọi ưu tiên của các dân biểu nghị sĩ cần ra tái tranh cử.
Nhu cầu an ninh tại cả hai mỏm Âu và Á khiến phe Cộng Hoà đòi hỏi một đối sách cứng rắn hơn, và tốn kém hơn về quốc phòng, kể cả việc chuyển trục và sức mạnh quân sự qua Đông Á. Trong khi đó, trận đánh về Obamacare vẫn được đảng Cộng Hoà hâm nóng. Bên này chiến hào, nhu cầu xã hội lại khiến phe Dân Chủ gây áp lực bảo hộ mậu dịch, ngăn chặn nỗ lực thương thảo hiệp ước Xuyên Thái Bình dương TPP và cả quyền thương thảo về tự do thương mại của Hành pháp Obama. Điều ấy khiến các đồng minh của Mỹ, kể cả Nhật Bản, thất vọng không ít về sự bất nhất của Hoa Kỳ.
Đã vậy, Thượng viện do đảng Dân Chủ đang kiểm soát còn đả kích sự bất nhất của Chính quyền Obama:
dù nhấn mạnh tới trọng tâm Á Châu, ngân sách điều hành và viện trợ của bộ Ngoại giao cho khu vực này lại quá mỏng (chỉ có 8% và 4%) so với phương tiện đổ ra cho Trung Đông.
Và một bỉnh bút của tờ New York Times, nổi tiếng từ năm 2008 vì tâm phục Nghị sĩ Obama, còn phả khói vào hào khí Obama với lời phê ác liệt hơn: "Tại Trung Đông, và với al Assad hay với Putin, Obama có vấn đề về dũng khí - a manhood problem." Thiếu chất trượng phu? Thiếu đàn ông tính?
Đối chọi với hình ảnh Putin cởi trần cưỡi ngựa như tay đầu gấu ngang tàng, chữ manhood của David Brooks khiến ta mường tượng ra dáng vẻ đàn ông mặc váy. Loà xòa huê dạng.
______________________
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Nói đến đòn dũng cảm trừ gian, ai ơi xin đừng học thói ngang tàng của viên quản lý một siêu thị Kroger tại Arlington của Texas. Thấy một khách hàng chôm chĩa đồ đạc trong tiệm và còn rút dao hăm dọa, viên quản lý bèn ra tay theo kiểu Texas. Tên ăn trộm có tiền án bị tước võ khí và đo ván. Nhưng viên quản lý thì mất việc, vì phép hành xử đi ngược quy cách ôn nhu của hãng Kroger. Người viết trộm đoán người hùng thất nghiệp này bỏ phiếu Cộng Hoà và không mấy tin vào... Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc! 
 
Source : dainamax tribune 

21/4/14

Hà Nội muốn tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Mỹ-Việt

Hà Nội muốn tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Mỹ-Việt


Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng.Chủ tịch Quốc hội Việt Nam 
Nguyễn Sinh Hùng 
 
VOA    21.04.2014 
 
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan lập pháp hai nước Việt-Mỹ nên tăng cường trao đổi-hợp tác để Mỹ sớm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Đề nghị được ông Hùng đưa ra tại buổi tiếp đón Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, Patrick Leahy, tại Hà Nội hôm 17/4 nhân dịp phái đoàn nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ tới thăm Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 20 tháng này.

Truyền thông trong nước ngày 21/4 dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói rằng Quốc hội Việt-Mỹ nên tăng cường trao đổi các phái đoàn, tìm cơ chế đối thoại thích hợp, chia sẻ thông tin, và trao đổi kinh nghiệm.

Ông Hùng đề nghị hai nước bắt tay cùng làm việc trong các các cuộc thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP để đảm bảo các thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả đôi bên, tránh những điều có thể ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế-thương mại song phương.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội Mỹ dành ngân sách thỏa đáng để giải quyết các vấn đề nhân đạo tại Việt Nam.

Tờ Thanh Niên thuật lại lời Thượng nghị sĩ Leahy cho biết Hoa Kỳ đang tìm các cơ hội tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng như quan hệ giữa Quốc hội đôi bên.

Trong các cuộc tiếp xúc dịp này, lãnh đạo Việt Nam khẳng định Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ ở các cấp cũng như thúc đẩy Hoa Kỳ giảm các hàng rào thuế với hàng hóa Việt Nam, sớm đúc kết các cuộc đàm phán TPP.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang tham gia các cuộc thương lượng giữa 12 quốc gia về Hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu.

Hà Nội muốn Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam vào TPP giữa lúc xuất hiện các lời kêu gọi từ các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ yêu cầu đặt nặng vấn đề quyền của người lao động, cải thiện nhân quyền, và phóng thích tù nhân lương tâm trong các cuộc thương lượng với Việt Nam.

Trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ, Hà Nội, trong một đợt ‘ân xá’ tù nhân lương tâm hiếm thấy, đã trả tự do trước thời hạn cho 5 nhà đấu tranh dân chủ bao gồm các ông Đinh Đăng Định, Vi Đức Hồi, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tiến Trung, và tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.

Nguồn: ThanhNien, Vietnam Briefing


Theo : VOA

CỜ ĐỎ LẠI BAY, HAY SỰ HỒI SINH CỦA LIÊN XÔ

CỜ ĐỎ LẠI BAY, HAY SỰ HỒI SINH CỦA LIÊN XÔ

Tháng 4 21, 2014
Svetlana Alexievich
Phạm Thị Hoài dịch
Tôi đã mất nhiều bạn bè người Nga. Tôi không thể chịu nổi sự phấn khích trong mắt họ khi nhắc tới vụ “gia nhập” hay “sáp nhập”, hay bọn Ukraine “sắp đói nhăn răng, rồi sẽ tự ngửa tay xin hợp nhất với Nga cho mà xem”. Ở Moskva, người ta đắc chí thuê thợ Ukraine làm những công việc hạ đẳng nhất. Một phong trào yêu nước rầm rộ bùng phát.
Không nhà hàng nào còn sâm-panh Krym nữa, tất cả đã dốc cạn để ăn mừng chiến thắng. Chỗ nào cũng thấy nói rằng không gánh vác sứ mệnh đặc tuyển do Chúa, không bá đạo thì chúng ta không còn là dân tộc Nga. Trai tráng chen nhau đến các ủy ban tuyển quân xin tự nguyện nhập ngũ, để cho “bè lũ Bandera”[1] phen này biết tay.
Tôi ngạc nhiên vì Gorbachev. Đến ông ấy cũng bị cuốn vào làn sóng dân tộc chủ nghĩa và phát biểu rằng lẽ ra phải đưa Krym về cố hương từ lâu. Rằng công lí của lịch sử vậy là đã được khôi phục. Cơn cuồng loạn bài phương Tây nổi lên khắp nơi, nên cả ông ấy cũng thôi không nói về con đường châu Âu, về hợp tác với châu Âu, về những giá trị phổ quát.
Ai không hân hoan, đích thị là một kẻ thù của nhân dân. Là thuộc về đội quân thứ năm, là đứng trong hàng ngũ hắc ám phục vụ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vốn từ vựng thời Stalin đã hoàn toàn sống lại: bọn Nga gian, bọn phản bội, bọn nối giáo cho bè lũ phát xít. Khác duy nhất ở một điểm: bây giờ những kẻ Stalinist theo chính giáo. Trong một buổi liên hoan cơ quan ở Kaluga, một nhân viên ngân hàng đã giết một đồng nghiệp. Chỉ vì cãi nhau về Ukraine.
Bị ghét nhất bây giờ là những người cổ xúy cho tự do. Những năm đáng nguyền rủa của thập niên chín mươi là lỗi tại họ, sự tiêu vong của đế chế Nga là lỗi tại họ. Bây giờ nhân dân đòi tịch thu nhà cửa của họ, tống họ vào tù, đem họ ra xử tử. Cái nhân dân của một dân tộc được Chúa Trời đặc tuyển! Truyền hình trình ra những kẻ thù của nhân dân. Chẳng hạn ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Andrey Makarevich, phải đè cổ ông này ra mà tước hết các giải thưởng và cả Huân chương Vì Tổ quốc. Nhà sử học Andrey Zubov thì phải bị đuổi khỏi Viện Quan hệ Quốc tế (quyết định đó may thay đã bị hủy). Những người đó đã bôi xấu đất nước. Ai không theo ta, đích thị là chống ta.
Đã bắt đầu có những lời kêu gọi ngừng mua vũ khí từ Hoa Kỳ. Để đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một hình nộm Obama bị đem ra đốt ở thành phố Ufa. Tôi đã trò chuyện với hàng chục người. Không ai lo ngại các biện pháp đó, không ai sợ “Bức màn sắt”. Người ta nhắc nhở nhau rằng thời Xô-viết mình cũng từng sống cô lập với thế giới rồi mà. Có sao đâu? Bù vào đó, bây giờ cuộc sống có một ý nghĩa: giúp những người anh em Ukraine, cái đó quan trọng hơn là khúc xúc xích trong tủ lạnh.
Cảm giác như đất nước này đang sống trong thời chiến rất rõ. Tất cả đều háo hức có thêm chiến thắng. “Bao giờ thì đến lượt Alaska?” Bật ti vi lên mà thấy ghê người. Trên truyền hình, người ta dọa biến nước Mỹ thành một nhúm tro nguyên tử và tính toán khả năng chiếm đóng toàn bộ châu Âu.
Phần còn lại của nước Nga, những người có lí trí bình thường, thì nín thinh. Chỉ cần ho he một tiếng là có thể bị tố giác, thậm chí bị tống giam. Một người quen kể cho tôi nghe chuyện con gái mình vừa đến một trường đại học nhận việc. Cô ấy dạy môn toán. Đầu tiên người ta muốn biết quan điểm của cô về vấn đề Krym. Cô nói: “Tôi không ủng hộ chính sách Krym của Nga. Nga đã hiếu chiến và vi phạm luật quốc tế.” “À, tức là cô muốn Mỹ cũng kích động một cuộc cách mạng mầu ở nước ta chứ gì!”
Rồi không lâu nữa, người ta sẽ vặn hỏi, vì sao ai đó không chọn Sochi mà lại đi nghỉ ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ? Sao không chọn nhạc Nga mà lại nghe nhạc ngoại quốc? Không, không phải Krym, cái chúng tôi được nhận lại là Liên bang Xô-viết.
Ngôn ngữ bạo lực thấm đẫm toàn bộ cuộc sống. Mỗi sáng bật computer lên và tin tức hôm nào cũng thế: người Nga đang đến, người Nga đã vùng lên. Nơi nào cũng thế, khi bạo lực lại trở thành lí tưởng thì sẽ có một kẻ như Karadžić dễ dàng thuyết phục người ta rằng súng máy có thể làm việc thiện.
Cờ đỏ lại bay, con người đỏ lại xuất hiện. Tất cả đều sống hơn hớn. Putin đã nỗ lực mười lăm năm cho công cuộc ấy. Ngày lại ngày, truyền hình thổi cho những ý tưởng Xô-viết sống lại. Thế mà chúng tôi đã tưởng những thứ ấy chết hẳn rồi.
Nước Nga tỏ rõ là không có khả năng tiếp nhận những giá trị phương Tây và Thiên chúa giáo phương Tây. Nhà thờ rao giảng rằng: “Chúng áp đặt cho ta một mô hình phát triển xa lạ, khiến ta đánh mất tâm linh mình.” Tôi hỏi một linh mục, bản chất tâm linh của người Nga chúng ta là gì. Ông ta đáp: “Tập trung tất cả bọn đồng tính về một chỗ rồi đem ra bắn tuốt!” Ngoài ra, phải tập hợp mọi người Nga vào một thiết chế nhà nước quân chủ. Bây giờ chúng ta đã mạnh trở lại và đủ sức bảo vệ người của chúng ta ở Baltic hay ở Tajikistan.
Nước Nga đi về đâu? Thay vì cải cách, chúng ta chọn chiến tranh. Nỗi khát thu hồi lãnh thổ xưa có thể khiến hàng triệu con người mất trí. Mà đó là những con người biết nghĩ, mới hôm qua còn mơ ước một nước Nga mang tinh thần châu Âu. Hôm nay họ đã đồng thanh tuyên bố: “Vì Krym, chúng ta tha thứ cho Putin tất cả!”. Sách báo của nhà thờ chính giáo gọi Putin là Thánh, hoàn toàn nghiêm túc. Té ra ở kiếp trước ông ta chính là Vương công Vladimir, người đã làm phép rửa tội cho nước Nga. Có tin đồn rằng dầu một dược rỏ ra từ thánh tượng Putin ở một số nhà thờ. Một vị thánh! Người ban phát phép màu! Sống khắc khổ như một nhà tu. Không vợ, bởi ông ta đã kết hôn với nước Nga.
Nhà thờ, đó không chỉ là kinh, nến và thánh tượng. Nhà thờ ở Nga là một trong những lực lượng hậu bị của tổng tư lệnh quân đội.
Truyền thông bị thanh lọc theo luật của thời chiến. Mọi nguồn thông tin độc lập, cho phép một cái nhìn khác, bị triệt tiêu. Mỗi phát ngôn chân thực đều bị đánh đồng với một lời kêu gọi lật đổ chế độ. Những trang mạng không vừa ý bị chặn. Mới đây, tổng biên tập của Lenta, cổng thông tin lớn nhất, bị mất chức. Bốn mươi thành viên khác trong ban biên tập cũng từ chức để phản đối. Chỗ trống ở các cơ quan truyền thông bị thanh lọc được Putin lấp đầy bằng những người lãnh đạo trung thành với Điện Kreml và bằng nền báo chí của riêng ông ta, do ông ta dựng nên.
Trên mạng đầy những sáng kiến để tồn tại. Ở đó, kinh nghiệm thời Xô-viết cũng tỏ ra đắc dụng. Tôi cũng phòng trước và ghi lại sẵn vài công thức Xô-viết: làm thân với những bà già hay ngồi trước cửa nhà, hay với tài xế taxi, họ là mạng lưới thông tin hữu hiệu. In truyền đơn (mọi người đều đi mua máy quét và máy in), tham gia một câu lạc bộ – chẳng hạn một hội thể thao hay cờ vua – để mở rộng diện giao lưu. Facebook và Twitter cũng còn chưa bị chặn. Và tin nhắn đi động cũng là một cách truyền thông tin tốt.
__________
Svetlana Alexievich (1948), nhà văn Bạch Nga, hiện sống tại Minsk, nổi tiếng từ tác phẩm Chiến tranh không mang bộ mặt đàn bà (1983). Tác phẩm gần đây nhất: Thời Second-hand (2013). Tháng 10 năm ngoái, bà được trao Giải Hòa bình của Hiệp hội Sách Đức.
NguồnFAZ 15-4-2014
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra



[1] Stepan Bandera (1909-1959): Nhà chính trị dân tộc chủ nghĩa Ukraine, bị mật vụ Xô-viết (KGB) ám sát tại Đức. Đảng dân tộc chủ nghĩa Svoboda hiện nay tại Ukraine lấy Bandara làm điểm tựa tư tưởng.

18/4/14

Marquez đến với độc giả Việt Nam như thế nào ?

Marquez đến với độc giả Việt Nam như thế nào ?

Trang bìa bản dịch một cuốn tiếu thuyết của Marquez
Trang bìa bản dịch một cuốn tiếu thuyết của Marquez

Trọng Thành
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, cây đại thụ của nền văn học tiếng Tây Ban Nha, vừa ra đi hôm qua. Marquez là người thân thuộc với bạn văn Việt Nam. Sau đây mời quý vị theo dõi một số chia sẻ của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về những con đường đưa tác phẩm của Marquez tới Việt Nam, đồng cảm mà tác phẩm nhận được nơi bạn đọc, cũng như một số điều căn bản trong di sản văn học của ông còn chưa được chuyển dịch sang tiếng Việt.


Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (Hà Nội)
 
18/04/2014
 
 
Lại Nguyên Ân : Marquez và các tác giả Mỹ Latinh đến được Việt Nam tương đối khó khăn. Trước đây, một số người đọc qua bản dịch tiếng Anh. Việt Nam, nhất là miền bắc Việt Nam (công chúng rộng rãi) biết đến các tác giả Mỹ Latinh, như Marquez, là nhờ một nhóm vài ba dịch giả, nguyên là sinh viên ngữ văn đại học Tổng hợp, khi ra trường công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, được cử sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha : các anh Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi, Nguyễn Quốc Dũng, Bùi Ngọc Hải… Khi về nước, một số anh, như anh Nguyễn Trung Đức, xin chuyển về Viện Văn học, và từ đấy chuyên chú dịch các tác phẩm Marquez.
Tôi nhớ các tác phẩm như "Ngài đại tá chờ thư", "Trăm năm cô đơn", "Ký sự về một cái chết được báo trước", "Tình yêu thời thổ tả"… Càng về sau, các tác phẩm của Marquez càng được cập nhật hơn. Sau khi anh Nguyễn Trung Đức qua đời, cái dòng dịch Marquez có phần bị ngưng lại, vì gần như không có chuyên gia.
Còn có một nguồn nữa để giới nghiên cứu và giới văn học nói chung biết về văn học Mỹ Latinh là thông qua tiếp xúc với văn học Nga, kể cả Nga Xô Viết lẫn Nga hậu Xô Viết. Một số nhà nghiên cứu được học từ Nga về, bàn luận về văn học Mỹ Latinh, về Marquez được giới thiệu ở Nga như thế nào. Anh Phạm Vĩnh Cư chẳng hạn, anh ấy rất tán thưởng cuốn « Mùa thu của trưởng lão ». Nhưng anh Nguyễn Trung Đức, vì một lý do nào đó, đã không kịp dịp dịch cuốn này.
RFI : Điều gì đặc biệt hấp dẫn trong tác phẩm Marquez với độc giả Việt Nam ?
Lại Nguyên Ân : Theo tôi, truyện của Marquez đối với Việt Nam lạ ở chỗ trong những câu chuyện có vẻ như rất đời thường, lại có những cái ảo, cái kỳ diệu xen vào những cái như thật. Ông ấy miêu tả một thiên thần như một người đời, người đang sống mà chúng ta gặp hàng ngày. Bỗng nhiên gặp một người từ đâu trôi giạt đến, nhưng hóa ra đấy lại là một người có cánh.
Tôi nhớ là cách mà ông ấy trình bày khiến người ta thấy cái ảo như là cái thật. Chuyện không có thật, không thể có thật, nhưng ông ấy viết như là có thật. Trong truyện « Biển của người đã mất », ông ấy nói về những người đang sống với hiện tại, đồng thời quan hệ với cái ngày xưa, cái đã mất rồi, cứ như là thật. Cái kỳ ảo của Marquez khác với những gì các tác giả Việt Nam đã từng viết. (…) Trước đó, thông thường trong dân gian hay với những người viết truyện "ma", những chuyện được kể lại là không có thật, theo kiểu Liêu Trai, rất kỳ lạ, gặp rồi không thấy. Còn ở Marquez rất khác.
RFI : Có một sự đồng cảm nào đó của bạn đọc Việt Nam với Marquez ?
Lại Nguyên Ân : "Trăm năm cô đơn" có thể gọi là một bi kịch của một cộng đồng đóng kín. Ở nghĩa chung như thế, độc giả Việt Nam và giới văn học Việt Nam cảm nhận được. Nhưng nhiều vấn đề khác, nhiều tác phẩm khác thì không chắc. Ví dụ như tập truyện ngắn "Đại tá chờ thư"…, trong đó có nhiều cái gắn với lịch sử của Mỹ Latinh, những cuộc chiến tranh, hay nội chiến…
Hay là các tác phẩm sau này ông ấy cập nhật những nội dung mới, như "Tình yêu thời thổ tả", thì tôi thấy người ta tò mò, chứ cũng không phải là nhận ra được nó. Ví dụ như ông ấy có sự miêu tả tương đối cởi mở với vấn đề tính dục. Lúc tác phẩm ấy ra đời và bắt đầu được dịch, vấn đề ấy vẫn còn đang là điều mà thị hiếu của công chúng, cũng như độ khép của kiểm duyệt, vẫn còn gây khó khăn cho việc tiếp nhận.
Sau này khi ông viết một tác phẩm nữa là « Tướng quân giữa mê hồn trận », tôi thấy chắc là người ta có thể sẽ khó khi đoán ra được cái nghĩa thực sự của tác phẩm ấy. Bởi vì tác phẩm ấy in dấu nhiều cách nhìn của Marquez khi thế giới của phái tả, của « thế giới xã hội chủ nghĩa » không còn nữa. Mà đấy lại là nơi trước đây ông gửi gắm niềm tin, các thiện cảm. Tác phẩm này không được dịch ở Việt Nam cũng là đáng tiếc, vì đó là một tác phẩm được coi là viết về đề tài « độc tài ». Đây là một đề tài lớn của văn học Mỹ Latinh.
Cuốn "El otoño del patriarca" (Mùa thu của trưởng lão) của Marquez, tác phẩm chưa được dịch sang tiếng Việt (DR)

Cuốn « Mùa thu của trưởng lão », Nguyễn Trung Đức cân nhắc rất lâu, nhưng cuối cùng không dịch, có thể là do ở Việt Nam, công chúng cảm nhận về vấn đề « độc tài » trong chính trị thế kỷ XX rất là hời hợt. Do đó, các dịch giả, các nhà nghiên cứu khi thuyết minh về điều này cũng không nói rõ được. Có lẽ các nhà nghiên cứu, phê bình, khi viết về cái đó cũng quá thận trọng, thành thử ra công chúng Việt Nam cũng chưa nhận ra được đấy là một đề tài vừa rất quan trọng đối với Garcias Marquez, đồng thời là đề tài rất quan trọng đối với văn học tự sự Mỹ Latinh thế kỷ XX.
Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Source : RFI

Hoa Kỳ Xoay Trục... Vào Vô Định


Friday, April 18, 2014

Hoa Kỳ Xoay Trục... Vào Vô Định



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 140718

Trách nhiệm không thuộc về Kerry hay Clinton


* Bây giờ mới tập Thái Cực Đạo!.... *


Lãnh đạo là tiên liệu. Người ta thường nói như vậy, và khi tiên liệu còn có cả việc dự đoán điều bất ngờ.

Khi lên lãnh đạo Hoa Kỳ từ đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama có trù tính một số việc. Trước hết là lần lượt triệt thoái khỏi hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, và quan niệm lại đối sách Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo theo khảo hướng mới, được ông trình bày trong hai bài diễn văn tại Cairo của xứ Egypt (Ai Cập) và Ankarra của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ). Với Liên bang Nga, ông Obama cũng muốn cải thiện quan hệ (chuyện "reset the button") để sẽ cùng Vladimir Putin, (khi đó còn là Thủ tướng) giải quyết nhiều hồ sơ nóng của thế giới, trong đó có kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.

Quan trọng nhất, và ý thức được nhược điểm của hai nhiệm kỳ Bush là quá tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và vào hồ sơ Trung Đông, ông Obama nói đến việc "chuyển trục" về Đông Á.

Là Ngoại trưởng của Obama trong nhiệm kỳ đầu, bà Hillary Clinton đã trước tiên thăm viếng Á Châu ngay từ Tháng Hai năm 2009. Qua năm sau, bà tuyên bố tại Hà Nội một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh và rằng ưu tiên ngoại giao của Hoa Kỳ là giải quyết tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Tháng 10 năm 2011, một tháng trước khi Tổng thống Obama công du Châu Á, bà đã (cùng Phụ tá Đặc trách Đông Á và Thái bình dương Kurt Campbell) có bài tiểu luận gần sáu ngàn chữ trên tạp chí Foreign Policy trình bày khái niệm "chuyển trục". Hoa Kỳ là một cường quốc Á Châu, có quyền lợi gắn bó với khu vực này....

Tuy nhiên, trong toàn bộ chủ trương và chánh sách của Barack Obama, ưu tiên vẫn là đối nội để cải tạo xã hội Hoa Kỳ, với nhiều công sức dành cho việc cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế.

Chuyện bất ngờ của một chính quyền thiếu tiên liệu là những trục trặc liên miên sau khi Đạo luật Y tế Obamacare được ban hành. Bất ngờ hơn nữa là Tổng thống Mỹ đã hai lần hủy bỏ thượng đỉnh Á Châu và việc thăm viếng nhiều đồng minh trong khu vực chỉ vì bận đối phó với trận đấu về ngân sách ở nhà.

Tuần tới, Barack Obama lại có chuyến công du Châu Á - để chính thức thăm viếng Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai Á (Malaysia) và Phi Luật Tân (Philippines) - thì gặp chuyện bất ngờ khác từ một người ông đặt nhiều kỳ vọng là Vladimir Putin: vụ khủng hoảng Ukraine.

Vụ Ukraine sẽ còn kéo dài nên ớm bóng lên chuyến Á du vào mùa Thu tới đây, khi Tổng thống Mỹ qua thăm Trung Quốc, Miến Điện và Dúc Đại Lợi (Australia). Việc chuyển trục về Đông Á của Barack Obama gặp sự bất ngờ - mà ai cũng có thể đoán trước – là trở thành chuyện hão. 

Ai cũng có thể đoán trước, trừ Chính quyền Obama. Vì sao như vậy?


***


Câu hỏi đầu tiên, rất Mỹ, vẫn là tiền đâu?

Tuần qua, Thượng viện trong tay đảng Dân Chủ vừa công bố một phúc trình của Ủy ban Đối ngoại do Nghị sĩ Robert Mendendez làm Chủ tịch, với một nhận định có màu sắc... Cộng Hoà: "Những diễn văn hay tuyên bố chính trị không dựa trên khả năng thực hiện chỉ gây ra khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và thực tế". Khả năng thực hiện – hard deliverables – dễ hiểu là ngân sách của bộ Ngoại giao.

Trong dự chi ngân sách của tài khóa 2015, Hoa Kỳ dành 300 triệu (0,3 tỷ) Mỹ kim cho khu vực Đông Á Thái bình dương, nơi sinh sống của hai tỷ 300 triệu dân và sản xuất ra 31% sản lượng toàn cầu. So với một tỷ sáu dành cho khu vực Trung Đông, nơi chỉ có 400 triệu dân và sản xuất ra 5% sản lượng, thì đòn bẩy của Mỹ tại Đông Á có kích thước của một cái que.

Nói về thực chất và ấn tượng thì đấy là que diêm.

Một cách đếm khác là ngân sách ngoại viện: Hoa Kỳ dành 4% ngân sách viện trợ cho khu vực chiến lược này! 

Không có ngoại viện thì ta có thể dùng đòn bẩy ngoại thương. Nhưng Chính quyền Obama lại bị nội thương khi đảng Dân Chủ bị áp lực của các nghiệp đoàn trong một năm có bầu cử nên gây khó cho việc thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với 12 nước trong vùng Á châu Thái bình dương. Sáng kiến xây dựng Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP coi như bị đình đoạn, sau khi đã lỡ cuộc hẹn 2013, tiêu chí của Obama.

Thế rồi sau khi Hoa Kỳ tuyên bố từ nay đến năm 2020 sẽ đưa 60% chiến cụ của Hải quân và Không quân về Châu Á Thái bình dương, Bộ Quốc phòng nói tới việc cắt giảm ngân sách.

Hậu quả nhãn tiền là năm qua, Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát phòng không ADIZ tại Đông Á và quan hệ Hàn-Nhật, hai đồng minh chiến lược của Mỹ, trôi vào khoảng trũng nhất kể từ sau Thế chiến II. Và tháng tới, Putin sẽ qua Bắc Kinh nói về hợp tác năng lượng: Nga có thể bán khí đốt cho Trung Quốc để tìm lối thoát nếu bị mất khách Âu Châu do vụ khủng hoảng Ukraine. Còn giải pháp xuất cảng năng lượng của Mỹ để hóa giải áp lực của Putin với Âu Châu thì chưa đi tới đâu!

Rõ ràng là Hoa Kỳ chuyển trục vào cõi vô định. Hình ảnh bắt mắt và dễ hiểu hơn, là "quay như chong chóng"!


***

Nhiều người lạc quan, hay nhân nhượng, thì nói đến sự khác biệt hay thoái bộ của Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai.

Khi Hillary Clinton làm Ngoại trưởng thì ít ra Hoa Kỳ có bày tỏ ý chí chuyển trục, mà rồi để lỡ vì chuyện bất ngờ. Khi John Kerry làm Ngoại trưởng thì chánh sách đối ngoại của nước Mỹ tuột dốc. Lạc quan hay nhân nhượng, ta có thể quy ra trách nhiệm của người thi hành chánh sách. Của John Kerry. Hoặc gián tiếp đề cao nhân vật sau này sẽ ra tranh cử Tổng thống bên đảng Dân Chủ, là Hillary.

Nhưng sự thật lại chẳng vuông tròn như vậy.

Quả thật là trong nhiệm kỳ hai, Chính quyền Obama đã dám lấy nhiều rủi ro có tính toán khi mở cuộc thương thuyết với Iran, hoặc bán cái cho Putin giải quyết chuyện Syria, để nước Mỹ khỏi phải động binh như trong nhiệm kỳ một tại Libya (với hậu quả là bốn cái tang tại Benghazi khiến hào quang của Hillary bị ố). John Kerry cũng tích cực giải quyết hồ sơ Palestine với Chính quyền Israel.

Tuy nhiên, kết quả vẫn là sự đáng buồn: dự án Palestine tan vỡ, chế độ độc tài đa sát của Bashar al Assad vẫn tồn tại, Iran chưa hề nhượng bộ và Putin lại nhấn tới và sau khi thôn tính bán đảo Crimea lại còn thọc sâu hơn nữa vào miền Đông xứ Ukraine.

Thật ra, trong nhiệm kỳ hai, ngoài John Kerry, một người tự khoe là Tây nhất, ban tham mưu đối ngoại của Obama cũng có các nhân vật Âu Tây nhất, như Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice và Đại sứ tại Liên hiệp quốc là Samantha Power. Đây là những người thấm nhuần lý tưởng Âu Châu là đề cao nhân quyền và bảo vệ giá trị tinh thần của nền dân chủ - miễn là khỏi động binh.

Kết cuộc thì nhân quyền bị đạn ở Syria và nền dân chủ non yếu của Ukraine đang nằm trong tầm nhắm của Putin. Và chế độ chưa mấy dân chủ của các tướng lãnh tại Ai Cập thì thất vọng với nước Mỹ trước sự o bế của Liên bang Nga. Trong khi Trung Quốc vẫn lừng lững bước tới.

Ngần ấy chuyện xảy ra không vì John Kerry bất tài. Sự bất tài của ông ta được minh chứng từ lâu, chứ không đợi tới trận đối đầu với Ngoại trưởng Nga hay việc thuyết phục Âu Châu về một đối sách chung tại Ukraine. Ngần ấy chuyện xảy ra là do nhận thức của chính Barack Obama về thiên hạ sự.

Ông ta cứ tưởng thiên hạ cũng như cử tri Mỹ, rất dễ mềm lòng vì thuật hùng biện của mình. Cho nên, chẳng ai nên ngạc nhiên về kết quả hội nghị bốn phe về chuyện Ukraine vào Thứ Năm 17 vừa qua tại Geneva, giữa Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ukraine và Liên hiệp Âu Châu.

Liên Âu không đầu thì có mấy mảnh chưa thống nhất về những biện pháp ứng xử với Putin nên núp sau Hoa Kỳ. Nước Mỹ thì hùng dũng quân viện cho Ukraine bằng cách đưa thêm khẩu phần cho lính cầm hơi. Chứ súng đạn là phạm vào đức hiếu sinh của kẻ văn minh. Còn Liên bang Nga đòi Ukraine cải tổ hiến pháp để công nhận dân quyền của người thiểu số, dĩ nhiên là Nga, rồi mới nói chuyện xuống thang....
 
Và lãnh đạo Ukraine thì đứng giữa chợ đời để ca bài dở khóc dở cười. Họ nói chữ "buồn thiệt" mà người Mỹ tưởng như tiếng "bull shit" đầy thô tục. 

Xin đợi 2017 thôi....

Source : dainamax tribune