Đồng Minh, Đồng Tính và Đồng An
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140421
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Tổng thống Obama thiếu... "đàn ông tính"?
Theo David Brooks.
* Lời thì thầm của Obama trong Thượng đỉnh tại Seoul 2012 *
Tuần này, Tổng thống
Barack Obama có năm ngày Á du để lần lượt thăm viếng bốn nước Đông Á là Nhật Bản
ngày 23, Nam Hàn ngày 25, Mã Lai Á ngày 26 và Phi Luật Tân ngày 28. Sau hai lần
lỡ hẹn vì việc nhà – tranh luận về ngân sách – chuyến công du Á Châu của Tổng
thống Mỹ được chú ý vì sẽ xác định lại quyết tâm "chuyển trục" về Châu
Á của Hoa Kỳ.
Trước khi ông lên đường,
ban tham mưu của ông đã chuẩn bị dư luận qua những tiết lộ có chọn lọc để cho
thấy mối quan tâm của lãnh đạo về một khu vực thiết yếu cho quyền lợi của nước
Mỹ, và là nơi sinh hoạt của hai tỷ 300 triệu dân với sản lượng kinh tế gần bằng
một phần ba của sản lượng thế giới.
Trong khi đó, tâm tư
của ông Obama vẫn lan man với cuốn lịch và tấm bản đồ.
Tại Đông Á, lù lù một
khối là Trung Quốc, cường quốc kinh tế hạng nhì và mối quan tâm hạng nhất của
nhiều nước đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn (vì ảnh hưởng của Bắc Kinh tới Bắc Hàn)
và các nước Đông Nam Á, như Phi Luật Tân, Mã Lai, và cả Việt Nam.
Tấm lịch ở trong đầu
Obama có ghi đậm nét hai thời điểm then chốt cho lãnh đạo Bắc Kinh và Hoa Kỳ.
Tháng 11 năm 2013 là
khi Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương khoá 12 của đảng Cộng sản ra
nghị quyết về cải cách kinh tế. Tháng Ba năm 2014 là khi Quốc hội của Bắc Kinh
nhóm họp và khai triển nghị quyết để "đưa vào áp dụng". Có áp dụng được
hay không là điều đáng chú ý vì ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới trong
những năm tới. Nhưng với Tổng thống Mỹ, hai thời điểm 11/2013 và 03/2014 cũng đóng
chốt vụ khủng hoảng Ukraine - và đóng đinh vào chánh sách cải thiện quan hệ của
ông với lãnh đạo Liên bang Nga, chuyện "reset" mà bộ Ngoại giao của Hillary Clinton đã dịch sai sau
khi Phó Tổng thống Joe Biden nói sai!
Thật ra, sai lầm về
nội dung mới là điều quan trọng.
Sau khi Obama nhậm
chức năm 2009, Chính quyền của ông đánh giá sai nội tình lãnh đạo Nga. Cứ tưởng
Tổng thống Dmitry Medvedev là nhân vật cải cách có thể kéo Thủ tướng Vladimir
Putin theo cái hướng hiếu hòa và thân thiện hơn với Tây phương để cùng Hoa Kỳ
giải quyết nhiều hồ sơ nóng của thế giới. Sự thật thì Medvedev chỉ là một trong
nhiều thủ lãnh của phe "civiliki", yếu thế hơn phe "siloviki",
nhưng là thuộc hạ thân tín của Putin. Chàng được đưa ra tranh cử năm 2008 và giữ
ghế Tổng thống cho Putin trở về hầu tuân thủ Hiến pháp là không làm Tổng thống
sau hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 2000 đến 2008).
Tới năm 2012, quả
nhiên là Putin trở về và dễ dàng vượt làn sóng chống đối để hoàn tất việc chinh
phục lại những ảnh hưởng đã mất của nước Nga từ thời Xô viết.
Tháng Tư năm 2012,
Obama vẫn còn sai khi nói thầm tại Seoul với Tổng thống Medvedev, rằng "nhắn
với Vladimir là sau cuộc tranh tử Tổng thống lần cuối, tôi sẽ có khả năng linh động
hơn". Sau đó là bẽ bàng lịch sử khi Putin cho một kẻ tiết lộ tin mật bị
Hoa Kỳ truy tố là Edward Snowden được tỵ nạn tại Nga khiến Obama phải hủy bỏ
thượng đỉnh Mỹ-Nga để bày tỏ sự thất vọng.
Dù sao mặc lòng,
Obama vẫn linh động trông cậy vào Putin để giải quyết hai hồ sơ nóng tại Trung Đông
là kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran và nạn tàn sát đối lập của chế độ
Bashar al Assad tại Syria. Kết quả lại gây thất vọng nữa: Putin góp phần hóa giải
lệnh cấm vận Iran để triệt tiêu sức ép của Hoa Kỳ, trong khi chế độ al Assad vẫn
tồn tại ở Damascus, trên thi hài của gần hai trăm ngàn nạn nhân.
Tại Thế vận hội mùa Đông
ở Sochi, Chính quyền Obama dũng cảm bày tỏ thái độ theo kiểu dáng riêng: vì
Putin kỳ thị dân đồng tính, phái đoàn lực sĩ Hoa Kỳ xuất hiện với người đồng tính
đưa cờ vào khán đài. Với Putin thì đấy là trò ấu trĩ. Với dư luận ở nhà thì đấy
là điểm son của Obama trong thế giới đồng tính. Nhìn từ bên ngoài, khác biệt giữa
hai người về tầm quan trọng của từng loại vấn đề là chuyện đáng chú ý!
Từ cuốn lịch nhìn
qua bản đồ, ta lại thấy ra chuyện khác.
Giữa cơn hỗn mang ở
nhà, lãnh đạo Bắc Kinh hả hê theo dõi màn đấu trí Mỹ-Nga. Vụ Ukraine càng gay
go và áp lực của Tây phương càng mạnh thì Putin càng khó cải thiện quan hệ với
Nhật Bản, khó gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á và sẽ càng muốn tìm khách hàng mua
khí đốt của mình. Với cái giá dễ thở hơn cho Trung Quốc. Ta có thể thấy chuyện
trả giá này khi Putin thăm viếng Bắc Kinh.
Nhưng ông Obama không
chỉ gặp khó khăn khi thuyết phục Âu Châu về một đối sách thống nhất và có hiệu
quả với Putin. Tại mỏm Viễn Đông của đại lục địa Âu-Á, Obama còn phải hòa giải
mâu thuẫn căng thẳng nhất kể từ hơn sáu chục năm nay giữa hai đồng minh chiến
lược của Mỹ là Nhật Bản và Nam Hàn.
Dưới sự lãnh đạo của
Thủ tướng Shinzo Abe, chủ nghĩa quốc gia và chủ trương cứng rắn của Tokyo có thể
chặn đà bành trướng của Bắc Kinh và giảm bớt trách nhiệm của nước Mỹ. Nhưng lại
gây lo ngại và khó chịu cho Đại Hàn. Cùng thái độ hung hăng của Bắc Hàn Cộng sản,
việc sinh viên Đài Loan gay gắt phản đối chánh sách hòa hoãn với Hoa lục của Chính
quyền Mã Anh Cửu càng gây thêm rủi ro cho khu vực Đông Bắc Á. Nghĩa là thêm bận
tâm cho Hoa Kỳ.
Khốn nỗi, mối bận tâm
lớn nhất của Obama khi lên đường Á du lại xuất phát ngay ở nhà, từ Quốc hội.
Quốc hội Mỹ sẽ có cuộc
bầu cử giữa nhiệm kỳ váo Tháng 11 này, và đấy là ưu tiên trong mọi ưu tiên của
các dân biểu nghị sĩ cần ra tái tranh cử.
Nhu cầu an ninh tại
cả hai mỏm Âu và Á khiến phe Cộng Hoà đòi hỏi một đối sách cứng rắn hơn, và tốn
kém hơn về quốc phòng, kể cả việc chuyển trục và sức mạnh quân sự qua Đông Á. Trong
khi đó, trận đánh về Obamacare vẫn được đảng Cộng Hoà hâm nóng. Bên này chiến hào,
nhu cầu xã hội lại khiến phe Dân Chủ gây áp lực bảo hộ mậu dịch, ngăn chặn nỗ lực
thương thảo hiệp ước Xuyên Thái Bình dương TPP và cả quyền thương thảo về tự do
thương mại của Hành pháp Obama. Điều ấy khiến các đồng minh của Mỹ, kể cả Nhật
Bản, thất vọng không ít về sự bất nhất của Hoa Kỳ.
Đã vậy, Thượng viện
do đảng Dân Chủ đang kiểm soát còn đả kích sự bất nhất của Chính quyền Obama:
dù nhấn mạnh tới trọng
tâm Á Châu, ngân sách điều hành và viện trợ của bộ Ngoại giao cho khu vực này lại
quá mỏng (chỉ có 8% và 4%) so với phương tiện đổ ra cho Trung Đông.
Và một bỉnh bút của
tờ New York Times, nổi tiếng từ năm 2008 vì tâm phục Nghị sĩ Obama, còn phả khói
vào hào khí Obama với lời phê ác liệt hơn: "Tại Trung Đông, và với al
Assad hay với Putin, Obama có vấn đề về dũng khí - a manhood problem." Thiếu chất trượng phu? Thiếu đàn ông tính?
Đối chọi với hình ảnh
Putin cởi trần cưỡi ngựa như tay đầu gấu ngang tàng, chữ manhood của David Brooks khiến ta mường tượng ra dáng vẻ đàn ông mặc
váy. Loà xòa huê dạng.
______________________
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Source : dainamax tribune
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét