12/5/14

Căng thẳng Việt-Trung là cơ hội đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ


Căng thẳng Việt-Trung là cơ hội đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ


Tàu Trung Quốc (phải) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam. (Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố ngày 4/5/2014).
Tàu Trung Quốc (phải) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam. (Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố ngày 4/5/2014).
Căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông là cơ hội đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, theo đánh giá của một nhà phân tích thuộc Học Viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Học viện, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, nhấn mạnh Việt-Mỹ vẫn chưa trở thành đồng minh quân sự nếu tình hình Biển Đông chưa tới mức xảy ra đụng độ quân sự.

Tranh cãi Việt-Trung một lần nữa bùng nổ sau khi Bắc Kinh hôm 3/5 thông báo đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý theo quy định của Công Ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, cũng như điều động 80 tàu đủ loại kể cả tàu chiến ngăn chặn không cho Việt Nam thực thi chủ quyền và cho tàu lao vào tấn công tàu Việt Nam khiến 6 nhân viên kiểm ngư Việt bị thương.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ ngày 12/5 phân tích về các bước đối phó sắp tới của Hà Nội trước sự lấn lướt mạnh mẽ từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh, Tiến sĩ Thủy cho biết thêm chi tiết:

Bấm vào đường dẫn dưới đây để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với TS Trần Trường Thủy:
Căng thẳng Việt-Trung là cơ hội đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ
Tiến sĩ Trường Thủy: Sự cố lần này là một bước leo thang mới. Trước nay, Trung Quốc chủ yếu cản phá, hoặc là ở mức thăm dò thôi chứ chưa khoan. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mang giàn khoan vào khoan ở vùng của nước khác, triển khai lực lượng trên thực địa rất rầm rộ bao gồm hải quân, tàu chiến tham gia.

VOA: Với bước leo thang mới, liệu phản ứng của phía Việt Nam sẽ có những nét gì mới hơn so với những lời tuyên bố phản đối trước đây vì với những lời tuyên bố coi như Việt Nam chấp nhận thực tế hơn là thay đổi được thực trạng, thưa ông?
  
Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học Viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học Viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tiến sĩ Trường Thủy: Không hẳn như thế đâu. Việt Nam cho tới giờ triển khai đối phó tương đối tòan diện. Thứ nhất về mặt công khai về mặt công luận, họp báo, phát ngôn. Thứ hai, trên thực địa, các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đã có biện pháp cản trở phía Trung Quốc. Thứ ba, ở góc độ ngoại giao, chúng ta vận động sự ủng hộ của quốc tế và rất nhiều nước lên tiếng bày tỏ quan ngại như Mỹ, Nhật, Ấn, EU, Úc, ASEAN. ASEAN vừa rồi lần đầu tiên ra được tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tiếp diễn ở Biển Đông.

Đó là những bước chiến lược tương đối đồng bộ của Việt Nam. Mục tiêu là tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả cả về ngoại giao, uy tín quốc tế, và ảnh hưởng tới tuyên truyền của Trung Quốc về chiến lược ‘phát triển hòa bình’, cho thế giới thấy rõ ý định của Trung Quốc ở Biển Đông.


VOA: Liệu cách phản ứng của Việt Nam trước nay ‘tự chế tối đa’, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu tại thượng đỉnh ASEAN, có giúp thay đổi được tình hình không giữa các bước lấn lướt không ngừng từ phía Trung Quốc? Có sách lược nào khác hữu hiệu hơn chăng?

Tiến sĩ Trường Thủy: Đối với cộng đồng quốc tế, một nước sẽ nhận được sự ủng hộ khi nước đó thể hiện kiềm chế chứ không phải là bên khơi mào cho tranh chấp. Thứ hai là các hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Việt Nam không thể sử dụng các biện pháp đi ngược lại với luật quốc tế. Trong khuôn khổ luật quốc tế, Việt Nam có thể sử dụng các phương pháp tối đa có thể. Khái niệm ‘kiềm chế’ nên được hiểu rộng hơn như thế.

VOA: Và Việt Nam đang tính tới những bước đi như thế nào sau hành vi lần này của Trung Quốc?

Tiến sĩ Trường Thủy: Phó Thủ tướng Bộ Trưởng Ngoại giao cũng đã tuyên bố là sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Đó là tuyên bố cao nhất, có nghĩa là không loại trừ biện pháp nào cả.

VOA: Kể cả biện pháp võ trang?

Tiến sĩ Trường Thủy: Võ trang nên được sử dụng trong khái niệm bảo vệ và tự vệ.

VOA: Liệu Việt Nam có tính tới một vụ kiện tương tự như Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên hiệp quốc?

Tiến sĩ Trường Thủy: Với tuyên bố không loại trừ biện pháp nào cả có thể hiểu bao gồm biện pháp sử dụng các chế tài quốc tế. Nhưng thời điểm và cách thức như thế nào là chuyện cụ thể mà các nhà chiến lược Việt Nam phải tính đến.

VOA: Ông dự đoán tình hình có thể leo thang tới mức nào? Có thể dẫn tới mức căng thẳng xung đột hay không?

Tiến sĩ Trường Thủy: Diễn  biến tới giờ cho thấy hai bên cũng thể hiện mức độ kiềm chế nhất định khi dùng các tàu thực thi pháp luật hay ‘vũ khí mềm’, chứ chưa đến mức độ cạnh tranh có thể dẫn tới chìm tàu hay thương vong lớn. Mức độ được đặt trong giới hạn ‘tranh dành trên thực địa’ là chính. Theo tôi, chưa có ý chí chính trị để quyết tâm đi đến biện pháp mạnh mẽ quân sự, nhưng tất nhiên không lọai trừ yếu tố các tính toán hay các vụ va chạm hay đánh giá ý định của nhau không đúng sẽ dẫn đến các leo thang căng thẳng, không loại trừ tình huống nào cả.

VOA: Trong trường hợp xảy ra xung đột, liệu Việt Nam có nghĩ tới các phương pháp có thể ủng hộ mình về quân sự thế nào chăng để có đủ khả năng đối phó với Trung Quốc?

Tiến sĩ Trường Thủy: Ý tôi là biện pháp võ trang không phải là biện pháp tính ngay hay có khả năng xảy ra, mà là tất cả biện pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cho phép thì Việt Nam không loại trừ. Chính sách của Việt Nam cũng vẫn là duy trì hòa bình, phát triển đất nước. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải cân đối, cân bằng các yếu tố.

VOA: Về tương quan lực lượng giữa Việt Nam với Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh không ngừng lấn lướt ở Biển Đông, nhiều người cho rằng yếu tố giúp Việt Nam có thể đương đầu chống cự với Trung Quốc là Hoa Kỳ. Liệu đã đến lúc Việt Nam nên xích lại gần Mỹ hơn nữa trong tình hình chung ở Biển Đông hiện nay?

Tiến sĩ Trường Thủy: Lúc mà giữa quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những căng thẳng là cơ hội đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ. Trong các năm gần đây, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Ở đây có thể nói cũng nên đặt quan hệ Việt-Mỹ trong quan hệ ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Việt Nam cũng không đặt cược vào quan hệ với Mỹ. Trong quan hệ Việt-Mỹ cũng có những giới hạn. Về việc tiến tới quan hệ đồng minh quân sự, nếu tình hình Biển Đông chưa tới mức xảy ra đụng độ về quân sự, tôi chưa nghĩ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ trở thành đồng minh mà hai nước cũng sẽ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực cùng lợi ích. Trong đó, Biển Đông là vấn đề hai nước có nhiều tương đồng về lợi ích, nhất là tự do hàng hải, hòa bình-ổn định khu vực. Cả hai bên đều quan ngại về việc một Trung Quốc lớn mạnh có đe dọa trật tự hay không, có thật sự phát triển hòa bình hay không. Chính những điểm đồng này sẽ thúc đẩy hai nước [Việt-Mỹ] phát triển quan hệ hơn nữa.

VOA: Một trong những yếu tố dẫn tới ‘những giới hạn’ trong mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay là vấn đề nhân quyền Việt Nam. Trong tình hình hiện nay giữa vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia-chủ quyền dân tộc và tháo gỡ những gúc mắc trong lĩnh vực nhân quyền để có thể xích lại gần hơn và được ủng hộ nhiều hơn từ một người bạn lớn mạnh như Mỹ, theo ông, liệu Việt Nam có sẵn lòng tháo gỡ những gúc mắc đó không?

Tiến sĩ Trường Thủy: Các quan niệm chung giữa Việt-Mỹ về nhân quyền cũng ngày càng xích lại, cũng có nhiều trao đổi nhưng tất nhiên cũng có nhiều khác biệt. Nên đặt vấn đề đó trong tổng thể quan hệ chung. Chính sách của Việt Nam gọi là ‘đối tác’ và ‘đối tượng’, tức điểm nào chung thì cùng khai thác, phát huy; điểm nào khác biệt thì cùng trao đổi để giảm điểm khác biệt đi. Nhìn tổng thể chung, phần trăm hợp tác giữa Việt-Mỹ càng được đẩy mạnh hơn trong các năm gần đây.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi này.


Hình ảnh các cuộc biểu tình tại Việt Nam:
 
  • Người biểu tình Việt giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố HCM.

7/5/14

Căng thẳng leo thang giữa lúc VN, TQ đối đầu tại Biển Đông


VOA

Căng thẳng leo thang giữa lúc VN, TQ đối đầu tại Biển Đông


Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.
Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhiều chiếc tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào hai tàu của Việt Nam trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp, gây thiệt hại nặng.

Hãng tin Reuters hôm nay trích lời ông Trần Duy Hải, một giới chức Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng hôm 4 tháng Năm, các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào 2 tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Trần Duy Hải, cũng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Việt Nam, nói các tàu Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, đã sử dụng vòi rồng uy hiếp các tàu Việt Nam.

Ông Hải cho biết Việt Nam đã yêu cầu đưa vụ việc này ra thảo luận với các cấp lãnh đạo cao cấp nhất ở Bắc Kinh, và đang chờ đáp ứng từ phía Trung Quốc.

Ông nói một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ sự quan ngại, nhưng ông nói thêm rằng Việt Nam sẽ làm 'tất cả những gì cần thiết' để giải quyết cuộc tranh chấp một cách ôn hòa.

Tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, các quan chức Việt Nam đã công bố video quay cảnh cuộc tấn công.

Tin của AP hôm nay tường thuật các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam đã đâm vào nhau hôm thứ Tư 7 tháng Năm, giữa lúc Hà Nội tìm cách ngăn cản không cho Trung Quốc cố định vị trí của giàn khoan trong khu vực cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

AP dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nói rằng các tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam, và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, làm nhiều thủy thủ bị thương và gây thiệt hại cho nhiều tàu Việt Nam.

Đây là vụ đụng độ trên biển nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong vòng mấy năm qua, và nếu không bên nào nhượng bộ e rằng sẽ còn xảy ra nhiều vụ đung độ nghiêm trọng hơn nữa giữa lực lượng hải quân hai nước tại Biển Đông, nơi được coi là có thể trở thành điểm nóng trên thế giới.

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu nói rằng Trung Quốc đã điều 80 tàu với sự yểm trợ của máy bay, đâm rách tàu Việt Nam tại vùng đặt giàn khoan HD 981.

Hôm nay, VnExpress tường thuật vụ đụng độ xảy ra vào lúc 8 giờ 10 sáng ngày 3 tháng Năm tại vị trí cách giàn khoan Trung Quốc 10 hải lý.

Theo tin này, tàu Hải Cảnh 044 của Trung Quốc đã húc mạnh vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam với tốc độ rất cao, làm vỡ toàn bộ cửa kính của chiếc tàu Việt Nam.

Báo chí Việt Nam cho hay, tổng cộng có 8 tàu kiểm ngư Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun ròi rồng trong mấy ngày qua, và có lúc có tới 5 tàu Trung Quốc vây quanh 1 tàu Việt Nam.

Nguồn: Reuters, AP, Bloomberg, New York Times, Xinhua

2/5/14

Bồ Câu Xanh Mắt Vì Diều Hâu Mỏi Cánh


Bồ Câu Xanh Mắt Vì Diều Hâu Mỏi Cánh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140502


Khi Dân Mỹ Ngần Ngại, Dại Gì Mà Không Chơi Bạo?



 * Hình bìa số báo mới của tờ The Economist *



Với nhiều người Mỹ, khi kinh tế chỉ tăng trưởng có 0,1% trong Quý I và dân thất nghiệp nản chí chẳng còn muốn kiếm việc thì đất Crimea hay miền Đông Ukraine thuộc về hành tinh khác.

Thiểu số uyên bác nhắc họ bài học địa dư, rằng Ukraine nằm tại Âu Châu chứ có ở đâu xa? Nhưng họ lại lồng vào lời khuyên năm xưa của bậc Quốc phụ George Washington: "Mắc mớ chi mà giàng vận mệnh, hòa bình và sự thịnh vượng của ta vào một mảnh nào đó bên Âu Châu vì những tham vọng, mâu thuẫn hay tranh chấp của họ?"

Thành phần thực tiễn nhất của Hoa Kỳ, lãnh đạo các đại tổ hợp như Boeing, Goldman Sachs, Citigroup, Visa, PepsiCo, hay Caterpillar, v.v... thì chẳng ngoái về phía sau. Họ nghĩ đến St. Petersburg của Nga vào tháng này, nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Quốc tế với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin. Đấy là cơ hội mà họ không để lỡ, hoặc nhường cho các tập đoàn sản xuất Âu Châu....

Vào hoàn cảnh đó, ta nên thông cảm với Tổng thống Barack Obama khi chàng lom khom leo thang được... vài phân trong các biện pháp trừng phạt Putin.


***

Hôm 28 vừa qua, Chính quyền Obama đặt thêm bảy nhân vật thuộc bộ máy quyền lực của Putin vào thành phần bị Mỹ cấm vận. Tính đến nay thì Hoa Kỳ chiếu cố Ngân hàng Nga và 27 viên chức, kể cả ba người trong Bộ Chính Trị của điện Kremlin, và nhiều tài phiệt đang giữ tay hòm chìa khóa cho Putin. Họ là những ai thì bài này khỏi cần nhắc tới vì vài chân lý sơ đẳng sau đây.

Trước đây 15 năm, tiền tài còn chi phối được quyền lực của nhân vật mới nổi là Putin. Ngày nay, quyền lực mới tạo ra tiền, và chế độ Putin đã khôn ra nên găm kỹ ở nhà. Nếu có đem ra ngoài thì cũng để đầu tư vào các doanh nghiệp Tây phương, nên việc trừng phạt sẽ gây hại cho các đại gia Âu-Mỹ! Hèn gì, họ vẫn chạy qua St Petersburg gặp Putin để nói chuyện làm ăn. Vả lại, sau khi chơi bạo tại Ukraine, Putin đang thành người hùng của dân Nga! Mỹ càng vùng vẫy thì ngôi sao Putin càng toả sáng.

Nói lại cho gọn: Obama chỉ cố phủi bụi để phô diễn sự dũng cảm với dư luận và Quốc hội ở nhà, chứ không để đẩy Putin vào đất hiểm mà đổi chánh sách và triệt thoái khỏi Ukraine. Huống hồ, chàng đánh hơi được sự xoay chuyển của lòng người: 53% dân Mỹ ngày nay cho là Hoa Kỳ nên giảm dần việc can thiệp vào xứ khác!

Lần đầu tiên kể từ 20 năm, không, từ 50 năm, mà dân Mỹ lại muốn thoái bộ tới độ sâu như vậy.

Nhưng cũng lòng dân, qua cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của tờ Wall Street Journal và truyền hình NBC, lại đặt ra bài toán khác cho Tổng thống Mỹ: 55% dân chúng nghĩ rằng Obama không gây đủ ấn tượng cần thiết về sức mạnh của Hoa Kỳ, là phải dám đối đầu với kẻ thù và bảo vệ những giá trị tinh thần của nước Mỹ.

Diễn giải mâu thuẫn này cho gọn thì dân Mỹ muốn lãnh đạo phải hăm dọa để khỏi dụng binh. Nói thật lớn mà cầm cây gậy nho nhỏ thôi.

Nhưng đấy là bi kịch của Obama.

Chính quyền Obama đã nhiều lần cầm gậy kẻ vạch ngang dọc trên cát mà sau cùng lại đọc truyện Doãn Quốc Sĩ. Vết Chân Cát Xoá! Khi xoá tội cho Syria tại Trung Đông hay việc Bắc Kinh đơn phương mở rộng khu vực kiểm soát phòng không ADIZ, Hoa Kỳ mặc nhiên cổ võ cho lãnh đạo Nga, Bắc Hàn, và Iran. Con diều hâu Mỹ đã mỏi cánh.

Và đấy là thảm kịch của thiên hạ.

Thiên hạ ở xa là Âu Châu. Trên số báo ra ngày ba Tháng Năm với chủ đề về chánh sách đối ngoại của Mỹ (What Would America Fight For?), tạp chí The Economist liệt kê lập trường của 150 nước đông dân nhất. Trong số này, có 99 nước là đồng minh (58) hay thiên về Mỹ (41), 25 nước giữ thế trung lập, chỉ có 21 quốc gia thì ngả theo hướng chống Mỹ. Tỷ lệ 21/150 cho thấy trào lưu chống Mỹ không là phổ biến. Ngược lại, Hoa Kỳ không đơn độc nếu cần huy động hậu thuẫn của các nước. Nhưng vấn đề nằm tại Hoa Kỳ.

Kỷ niệm ba năm sau khi hạ sát Osama bin Laden, hôm mùng một Tháng Năm, một nhân vật sáng giá của đảng Dân Chủ (từng là Tổng trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA của Obama, Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống và Giám đốc Ngân sách của Tổng thống Bill Clinton sau khi là Dân biểu California, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện), là Leon Panetta có bài tham luận trên tờ Wall Street Journal. Bài viết nêu ra nhiều vấn đề nội bộ, giữa Quốc hội và Hành pháp, khiến Hoa Kỳ thiếu khả năng ứng chiến trong một thế giới đầy nguy hiểm.

Về bối cảnh, ông Panetta là chính khách ôn hòa, lão luyện, không thuộc trường phái chủ chiến mà cũng chẳng có tham vọng chính trị cho bản thân nên nói ra sự thật đáng ngại sau khi liệt kê ra năm mối đe dọa cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Sự thật đó là các đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ đều thấy Hoa Kỳ giảm dần khả năng ứng chiến, trong khi giới lãnh đạo lại trì hoãn giải quyết cho tới sau bầu cử. Vì vậy, đồng minh thì hoài nghi và đối thủ mới không sợ.

Am hiểu thủ tục ngân sách, hay việc vận động hành lang trước khi đảm trách việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ, ông Panetta chấm vào tử huyệt của nền dân chủ Mỹ: trong cuộc tranh luận về ngân sách về nhu cầu giảm chi, giải pháp an toàn chính trị cho các Dân biểu Nghị sĩ là cắt giảm khả năng ứng chiến của quân đội.

Đâm ra, có nền kinh tế giàu nhất và quân lực mạnh nhất, Hoa Kỳ thiếu ý chí đối phó với những thách đố trong trường kỳ. Nói ngược lại, lãnh đạo chỉ chạy theo sự phân vân bất nhất của đám đông mà không hướng dẫn, thuyết phục người dân về quyền lợi lâu dài. Tức là không lãnh đạo mà chỉ theo đuôi, và mở ra một khoảng trống.

Khoảng trống đó là nguồn cám dỗ cho các chế độ hung đồ và nỗi âu lo cho các đồng minh đang nằm trong tầm đạn của hung đồ. Từ vùng biển Baltic tới Đông Âu, qua Trung Đông tới Ấn Độ dương đến Đông Á, các nước đều đắn đo về lẽ chiến hòa. Và bọc xuôi theo bạo lực có thể là giải pháp hấp dẫn, của việc tự sát.


***


Nhìn về dài thì Tổng thống George W. Busch có phần trách nhiệm khi căng dây cung quá lâu vào một hướng Hồi giáo, nên mới gây phản ứng mệt mỏi trong dân chúng.

Nhưng sau khi lên lãnh đạo từ năm năm trước, Obama đã chùng phím tơ trong lời vái tứ phương. Và triệt để minh chứng sự nhu nhược khi vẽ lằn ranh xanh đỏ rồi thôi. Chẳng những vậy, chàng tuổi trẻ vốn dòng lẻo mép còn mời đầu gấu Putin vào góp sức giải quyết những vụ vi phạm tại Syria hay Iran trước sự hoài nghi của các đồng minh. Vì thế, Putin chẳng dại gì mà không xấn tới. Và tháng này, sẽ qua Bắc Kinh trao đổi kinh nghiệm về món bồ câu quay.

Nói cho nghiêm túc để có vẻ là bình luận, thì khi con diều hâu mỏi cánh nhìn thiên hạ sự với đôi mắt bồ câu, lũ sài lang sẽ xuất hiện....


Source : dainamax tribune

28/4/14

'Chỗ ở sang trọng và tự do học thuật'

'Chỗ ở sang trọng và tự do học thuật'

Cập nhật: 11:46 GMT - thứ hai, 28 tháng 4, 2014
Từ sau Villa Aurora nhìn xuống triền đồi, qua khỏi đó là trời xanh biển xanh gần như cùng màu
Chỗ ở mới của Đoan Trang, một nhà báo và blogger có khả năng viết khỏe, viết sâu sắc, bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, tự dưng đùng một cái trở thành đề tài bàn tán trên mạng.

Vùng Palisades là một khu sang của Los Angeles, nơi nhiều tài tử Hollywood sinh sống, như Nicole Kidman, vợ chồng Ben Affleck/Jennifer Garner, vợ chồng Tom Hanks/Rita Wilson. Hai vợ chồng Arnold Schwarzenegger và Maria Shriver cũng có thời ở đây.
Dường như có hai lý do cho sự xôn xao này. Một là vì nơi ở của cô trên vùng Pacific Palisades ở miền Nam California quá khang trang.

'Sang trọng'

Villa Aurora, chỗ ở của Đoan Trang là một tòa nhà to như lâu đài, nằm trên triền đồi sát biển nhìn ra Thái Bình Dương.
Tầng trên cùng của tòa nhà nằm trên đỉnh đồi, cửa vào phía trên đấy. Phòng khách rộng mênh mông, khắp nơi kê tủ sách. Có cây piano, từ bên Đức mang qua, làm từ thời mà các phím trắng còn làm bằng ngà voi thật.
Đông Đức từng in tem có chân dung Lion Feuchtwanger
Phía sau vườn, nhìn xuống chân đồi là cây xanh bao bọc những biệt thự làng giếng, rồi xa hơn nữa là biển Nam Cali, mỗi buổi chiều mặt trời lặn đẹp không thể tưởng.
Người Việt Nam mình vốn nghèo, sống khổ quen rồi, tự nhiên thấy một người mới hôm trước vật chất còn chật vật bỗng hôm sau sống trong một ngôi biệt thự như vậy -- dù chỉ là khách mời dài hạn, cũng đủ làm người ta bàn tán.
Và bên trong những lời bàn tán ấy tất nhiên là có sự dèm pha. Rằng đấu tranh để được hưởng. Rằng ham tiền đô la. Những lời quen thuộc.
Nhưng một lý do khác khiến nhiều người tò mò, là làm sao Đoan Trang lại đến đó.
Cô đến đây trong một chương trình “fellowship” - một dạng nghiên cứu - của quỹ học bổng Villa Aurora, liên kết với đại học University of Southern California (USC).
Những lời đàm tiếu cũng dựa vào đấy để gọi đây là “tiền đế quốc” hay một thứ âm mưu đen tối của bàn tay lông lá nào đấy.

Đoan Trang và học bổng Feuchtwanger

Nhưng sự thật thì những chương trình fellowship này là một hoạt động rất phổ thông và gần như đặc trưng của nền văn hóa phương Tây.
Người phương Tây hiểu rằng một nhà trí thức cần có thời gian, không gian, và sự giao lưu với những trí thức khác để có sáng kiến và nguồn cảm hứng cho công việc của mình.
Do đó, những người trí thức, khi qua đời, thường để lại tài sản và kêu gọi bằng hữu đóng góp vào một quỹ để hỗ trợ cho những fellowship như này.
Villa Aurora là một trường hợp tiêu biểu.
Tòa nhà này trước đây là của văn sĩ Lion Feuchtwanger, một nhà văn thiên tả người Đức đạo Do Thái nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20. Ông chống Đức Quốc Xã từ khi đảng này chưa lên nắm quyền.
Biệt thự Villa Aurora, nơi Đoan Trang đang sống, là nơi ở cũ của nhà văn Fechtwanger
Khi Hitler lên nắm quyền, sách của ông bị liệt kê vào số sách phải đốt khắp nước. Bị Đức bắt giam ở Pháp, ông trốn khỏi châu Âu, đến Mỹ năm 1941, và sống tại đây cho tới khi qua đời năm 1958.
Tuy nhiên, ông là người thiên tả, hay nói thẳng ra là thân cộng.
Năm 1937 ông đi Liên Xô, ca ngợi đời sống ở Liên Xô dưới thời Stalin và tán đồng những phiên tòa do Stalin dàn dựng thanh trừng giới cách mạng Bolshevik lão thành.
Năm 1953, chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức trao giải thường quốc gia hạng nhất cho ông. Sau này, Đông Đức còn in tem có hình chân dung ông.
Lai lịch tòa nhà là như vậy, và trong số người sống tại đây, Đoan Trang được nhận học bổng mang chính tên nhà văn thân cộng này, BấmFeuchtwanger Fellowship.
Học bổng Feuchtwanger dành cho nhà văn và nhà báo viết về nhân quyền.

Fellowship trong đời sống phương Tây

Vậy fellowship là gì? Nói chung, là một sự tài trợ cho người có chuyên môn để làm nghiên cứu hay sáng tạo hay nói chung là để họ rảnh tay lo việc chuyên môn của họ.
Có những chương trình fellowship ngắn hạn, dài hạn, và cách sinh hoạt khác nhau. Có những chương trình chú trọng sự yên tĩnh, và cũng có những chương trình chú trọng sinh hoạt dồn dập tập trung. Hoặc cả hai.
Nhà văn Monique Trương, tác giả hai quyển tiểu thuyết The Book of Salt và Bitter in the Mouth, cũng đã từng nhận nhiều fellowship như vậy để cô có thể tĩnh tâm viết sách. Một trong những fellowship này đưa cô tới Bắc Âu.
Năm 2012, Monique Trương là nhà văn đầu tiên được nhận fellowship tại Helsinki Collegium for Advanced Studies ở Phần Lan.
Nhờ ba tháng đó, cô có thời gian nghiên cứu thêm cho cuốn tiểu thuyết thứ ba của cô, mặc dù cuốn sách có cốt truyện ở Hy Lạp, Mỹ và Nhật chứ không phải ở Phần Lan. Cô giải thích về lợi ích của chương trình fellowship:
“Fellowship là món quà về thời gian, không gian, và cả tiền nữa, nhưng điều tôi thấy quý nhất là cơ hội được đi và khám phá môi trường mới.”
“Khi tôi đến Helsinki vào đầu tháng tư, biển Baltic đang đóng băng,” cô hồi tưởng lại. “Tôi chưa bao giờ thấy biển bị đóng băng bao giờ. Tôi không giải thích được tại sao điều đó lại có ấn tượng mạnh như vậy với tôi, nhưng nó đã như vậy. Đầu óc tôi bỗng thoáng hẳn ra.”
Phòng khách Villa Aurora có nhiều sách, tranh ảnh và cây đàn piano làm từ thời phím trắng còn làm bằng ngà voi thật
Mang một người từ nơi họ quen thuộc, để trải nghiệm những điều họ chưa từng thấy, đó cũng là một lý do nhiều chương trình fellowship chú trọng tới việc tiếp người ngoại quốc thay vì người nội địa.
Có những chương trình fellowship khác còn đi kèm lớp học. Chương trình World Fellowship tại đại học Yale chẳng hạn, tuyển người fellow đã có một phần sự nghiệp, đưa họ đến Yale và học các chương trình chính sách công toàn cầu trong 15 tuần, tương đương một học kỳ.
Trong số những người từng là World Fellow tại Yale có những kẻ "phản động" như nhà báo Ma Jun của Trung Quốc, được tạp chí Time xem là 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, qua những nghiên cứu chống ô nhiễm nước uống ở quốc gia này; hay nhà báo Aboubakr Jamaï người Morocco, một người chống đối mạnh mẽ nhà vua Mohammed VI, đồng minh của Mỹ, từng bị chính quyền Morocco xử phạt hàng triệu đô la đến nỗi bị phá sản.
Tại sao một trường đại học ở Mỹ lại có thể dung túng và tài trợ cho một kẻ có thể xem là phá đám một đồng minh như vậy? Thực ra, câu hỏi này không xa gì câu hỏi, tại sao nước Mỹ lại có thể dung túng một nhà văn thân cộng và giao du mật thiết với Liên Xô như Lion Feuchtwanger ngay trong thời gian căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh?
Cả hai đều có cùng câu trả lời, đó là sự tự do học thuật, tự do tư tưởng ở Mỹ, và môi trường học càng cao thì tự do học thuật, tự do tư tưởng càng được xem là quan trọng.
Mời Đoan Trang đến sống và làm việc tùy ý chính là một cách thể hiện sự tự do học thuật, tự do tư tưởng của quỹ Villa Aurora cũng như của đại học USC.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, cựu Tổng thư ký tòa soạn Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ.

Theo  BBC

27/4/14

Putler và Điếu Xì Gà của Hillary

Putler và Điếu Xì Gà của Hillary


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140426

Putin có thể là Hitler, nhưng ai sẽ là Churchill?  

Dân Ukraine biểu tình chống "Putler"
















Đúng năm năm sau, Hillary Clinton có dịp bật lại cái nút của mình với Vladimir Putin và nhắc nhở thiên hạ về lịch sử.

Hãy nói về cái nút đã!

Vừa lên nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã muốn cải thiện quan hệ với Liên bang Nga, khi ấy vẫn do Putin lãnh đạo trong vai trò Thủ tướng, ở đằng sau mà thật ra là trên đầu Tổng thống Dmitry Medvedev, một thuộc hạ thân tín của ông trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống. 

Qua lời phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ muốn "bật lại cái nút", mà, như thông lệ, Biden lại nói sai - là "reset".

Số là máy móc điện cơ hay điện tử vẫn có cái nút gọi là "reset" để tắt máy và bật lại một chu trình mới. Việc bật lại thường được nói cho rõ là "reset the button". Quý bà nội trợ có thể mò dưới đáy cái máy xay rác trong bếp thì sẽ thấy một cái nút đỏ như vậy để bấm khi máy bị kẹt. Miễn là nhắc ông chồng rút tay ra khỏi ống thoát rác!

Chuyện quốc gia quốc tế thì trọng đại hơn việc tề gia hoặc xay rác. Chính quyền Obama nghĩ đến việc "bật lại" hay đưa quan hệ Mỹ-Nga qua một chu trình mới.

Nếu muốn tìm hiểu cho kỹ thì có lẽ khái niệm "reset" xuất phát từ sáng kiến của một lò trí tuệ thiên tả năm 2007. Đó là khi trung tâm Center for American Progress gồm toàn nhân vật tham mưu của Bill Clinton rồi Barack Obama đề nghị một đối sách khác của Hoa Kỳ với quốc tế. Họ gọi đó là "strategic reset", để ra khỏi những sai lầm của Chính quyền George W. Bush.

Hoa Kỳ triệt để hòa giải để hòa hợp với thiên hạ và quay về cải tạo xã hội của mình. Sau Obama và Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đưa đối sách vào áp dụng.

Nôm na là bật nút!

Ngày 26 Tháng Hai năm 2009, bà tặng vị tương nhiệm trong Chính quyền Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov cái hộp có nút đỏ ghi chữ "Reset" bằng Anh ngữ. Bộ Ngoại giao Mỹ vốn thông thái mà có khi thiếu kẻ thông dịch, nên dịch sai chữ "Reset" qua tiếng Nga là "Peregruzka" làm Lavrov cười ngất. Sai vì không có nghĩa là "reset", mà còn lạc vì hàm ý "nóng máy" hay "quá tải". 

Em lộn nút rồi - Đồng chí vứt mẫu thân nó đi!


Một sự sai lạc mang ý nghĩa tiên tri - hay tiền định! Vụ khủng hoảng Ukraine là một chứng nghiệm....

Năm năm sau, đầu Tháng Ba vừa rồi, Hillary có dịp sửa lại cái sai năm xưa về đối sách với Nga khi phát biểu tại California rằng hành động của Putin tại Crimea gợi nhớ tới Hitler. Là người thông minh, và sắc xảo, Hillary đã nghĩ tới tấm lịch bầu cử năm 2016, khi mình có thể ra tranh cử Tổng thống. Và bị vặn nút.

Nhờ vậy, ta hãy tìm lại Hitler, và thấy ra Putin – cùng nhiều bóng ma khác.


***


Hitler là người yêu nước Đức chẳng kém gì Putin yêu nước Nga. Trong cuốn "Mein Kampf", ông viết ra điều ấy, rất mạch lạc dù chưa thi vị bằng Obama trong cuốn "Dreams from My Father". "From" chứ không phải là of My Father, xin bà con để ý cho.... Muốn hiểu vì sao, xin đọc lại bài của người viết trên cột báo này từ tháng Chín năm 2010 với lời giải thích vì sao đấy là một Tổng thống... chống Mỹ.

Trong cuốn Mein Kampf, Hitler viết về cuộc đấu tranh, chứ không phải những giấc mộng của mình, để thống nhất những ai cùng chia sẻ văn hoá và ngôn ngữ Đức trong một đế quốc, một Reich. Việc thống nhất đó nên tiến hành trong hòa bình và qua thương thảo, nhưng nếu cần thì bằng võ lực, chiến tranh và chinh phục.

Trên nước Đức bị tàn phá sau Thế chiến I, Hitler bước lên vị trí lãnh đạo qua bầu cử và tìm cách hủy bỏ những áp đặt bất lợi của phe Đồng minh trong Hoà ước Versailles khi Đức bị khuất phục vào năm 1918. Bước đầu tiên là đưa quân vào vùng phi quân sự Rhineland. Và để lại đó khi các nước Anh Pháp trong phe Đồng minh vẫn nín thinh. Quân sự hóa một vùng phi quân sự là hành động đáng ngại, mà chưa ai thấy là đáng lo.

Bước kế tiếp là Hitler cho quân tiến vào vùng Anschluss của một nước nói tiếng Đức, là nước Áo. Từng là thần dân của một Đế quốc bị gẫy càng, dân Áo hoan hỉ làm công dân của Đế quốc Đức trong khi phe Đồng minh vẫn nín lặng. Trưởc vẻ nhu mềm đó, Hitler bèn tiến tới.

Lãnh thổ Tiệp Khắc Czechoslovakia có deo đất Sudetenland là nơi ngụ cư bất đắc dĩ của dân nói tiếng Đức. Hitler đưa quân vào "bênh vực" những người yếu thế này, và đạt thỏa thuận với phe Đồng Minh tại Thượng đỉnh Muchen năm 1938. Đại diện cho phe Đồng Minh trong việc thương thuyết là Thủ tướng Neville Chamberlain của Anh. Ông ta biện bạch rằng Hitler chỉ muốn bảo vệ người Đức trên đất Sudenten mà thôi.

Huề cả làng. Được vài tháng.

Đầu năm 1939, xứ Tiệp Khắc mất đất Sudentenland thì hết đường chống cự trước sức ép của Hitler. Không mất một viên đạn, Hitler đã mở rộng lãnh thổ để cứu dân Đức. Lúc ấy phe Đồng minh mới tá hoả và Ba Lan tuyệt vọng. Các nước lật đật ký kết một hiệp ước phòng thủ với Ba Lan. Nhưng Putin, à quên Hitler, vẫn có lý do rất chính đáng.

Đó là nhu cầu bảo vệ dân Đức tại Ba Lan, trước tiên là trong hải cảng Danzig sau này nổi danh với nhân vật Lech Walesa. Tháng Chín năm 1939, Hitler đưa quân vào Ba Lan, phe Đồng minh hết đất lùi và đành nổ súng.
Thế chiến II bắt đầu, và máu đổ thịt rơi tới mức kỷ lục, nếu ta bỏ qua những kỷ lục tự biên tự diễn của Stalin và Mao Trạch Đông....

Khi nhớ lại, nếu các nước sớm có phản ứng từ đầu, từ việc quân sự hóa vùng Rhineland, có lẽ Hitler chưa hít đã lật. Và thế giới có thể tránh được Thế chiến II. Nhưng khi đó, lý luận dũng cảm như vậy vẫn là thiểu số. Winston Churchill cô đơn, mang tiếng chủ chiến. Còn lại là một bầy cừu....

Bây giờ đến chuyện tái sinh.


***


Là một sĩ quan mật vụ Liên Xô, Vladimir Putin chứng kiến sự tan rã rồi sụp đổ của Liên bang Xô viết trong quãng thời gian từ 1989 đến 1991. Với ông thì đấy là tai họa có tầm quan trọng nhất của Thế kỷ 20, như ông đã phát biểu năm 2005. Lên lãnh đạo Liên bang Nga từ năm 2000, ông tiếp nhận di sản Xô viết là 1) bộ máy chiến tranh với kho võ khí hạch tâm rất lớn và 2) hệ thống năng lượng dầu khí của một lãnh thổ bát ngát.

Ông sử dụng hai di sản này để thu hồi lại ảnh hưởng đã mất của Đế quốc Xô viết, trước hết là tại vùng biên vực mà thiên hạ gọi là Đông Âu. Tiện thay, các quốc gia nhỏ yếu hơn trong vùng biên vực đều không có võ khí hạch tâm.

Riêng Ukraine thì đã trả lại võ khí chiến lược ấy để đổi lấy lời cam kết là Nga tôn trọng quyền độc lập của mình. Qua Hiệp ước Budapest năm 1994, lời cam kết của Nga được sự ủng hộ và bảo trợ của các nước Tây phương, hậu thân của "phe Đồng minh" ngày xưa. Đứng đầu vẫn là Anh, Pháp.

Chuyện thứ hai, tại vùng biên vực này và còn xa hơn về hướng Tây, các nước đều cần tới năng lượng của Nga. Putin lại khéo mời chào với giá tương đối rẻ, tội gì mà sản xuất lấy hoặc mua ở nơi khác? Liên bang Nga trở thành nhà cung cấp số một, với những đề nghị sặc mùi Bố Già Vito Corleone - "khó từ chối được".

Nhưng, vì quên bẵng Hitler và lý luận Mein Kampf, các nước Tây phương không mấy chú ý đến một di sản thứ ba của Liên Xô thời xưa. Đó là sự hiện diện của kiều dân Nga, hay nhiều cộng đồng "Nga thoại", nói tiếng Nga hoặc thấm nhuần văn hóa Nga. Sau khi các nước Đông Âu được "giải phóng" và đi theo chế độ dân chủ, thành phần dân số Nga thoại xưa kia tự coi là siêu hạng trong hệ thống Nga Xô lại thấy tụt dốc thành công dân hạng hai, là dân thiểu số có màu sắc Nga la tư.

Là người yêu nước Nga, Putin khai thác tâm lý đó trong cộng đồng Nga, trước tiên là tại các nước tiếp cận với lãnh thổ Nga. Đó là ba nước Cộng hoà Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania), rồi Georgia, Ukraine và Moldovia. Sau đấy sẽ là Ba Lan và các quốc gia còn lại.

Tại Đông Âu, dân thiểu số gốc Nga không bị bạc đãi, nhưng nhiều người luyến tiếc cái thời vàng son mà họ có thể hét ra lửa dưới lá cờ Xô viết. Họ coi Putin là cứu tinh. Ngôi sao vàng rực rỡ....

Vì vậy, việc Putin thôn tính Crimea bằng ba lợi thế là sức mạnh quân sự, võ khí năng lượng và thiểu số Nga thoại, chỉ là bước nối tiếp những gì đã làm vào năm 2008 tại hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia. Để sẽ tiếp tục ở nơi khác.

Khi cơ sự bùng nổ tại Ukraine và bóng dáng Hitler xuất hiện đằng sau Putin, dân Ukraine đã tặng hỗn danh "Putler" và bộ ria rất hài cho tân Đại đế.

Nhưng các nước Tây phương lại gặp toàn những Neville Chamberlain tái sinh. Ban tam ca Pháp Anh Đức đồng ca bản "hiếu hòa". Từ Tổng thống Pháp François Hollande tới Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tuyên bố ngay từ đầu là sẽ không dùng võ lực để bảo vệ Ukraine. Và nếu có phải trừng phạt Putin về kinh tế thì cũng đừng nên gây thiệt hại cho mình! Làm sao dung hòa hai nhu cầu trái ngược đó?

Vì vậy, với Putler, lời hăm của Âu Châu không đáng sợ.

Khốn thay, đằng sau ba nước đồng minh, Hoa Kỳ là thế lực duy nhất khả dĩ ngăn được Putin lại do Obama lãnh đạo. Ngoài thuật hùng biện có thể "đẩy sóng ra khơi, nối chân trời gần lại", Obama còn có cái tài là biến những người như Jimmy Carter hay Neville Chamberlain thành... diều hâu!

Không nói chuyện võ mà chỉ dùng văn, Obama vẫn chưa vận động được võ khí năng lượng để hóa giải sức ép của Putin. Dầu khí của Mỹ chưa thể cấp cứu Ukraine hay Âu Châu ra khỏi vòng phong tỏa của Putler. Hay là phải quan niệm lại cái lẽ chiến hòa và mở ra cuộc thi đua võ trang như bọn diều hâu Cộng Hoà?

Đấy là lúc Hillary nghĩ đến cái nút sẽ bật lại khi nhắc mọi người về thành tích của Hitler và nghĩ đến chân trời 2016.

Hãy tưởng tượng đến một Hillary Clinton lẫm liệt trong ngày tranh cử với trang phục của một người hùng Winston Churchill! Nếu có thiếu cái điếu xì gà thì đã có ông nhà cho mượn....

Hài!

Source : dainamax tribune

Tháng Tư và ký ức tập thể


Tháng Tư và ký ức tập thể


Tháng Tư và ký ức tập thể
Tháng Tư và ký ức tập thể



    Cách đây hơn một năm, có một nghệ sĩ khá nổi tiếng từ Việt Nam sang tham dự một sinh hoạt văn nghệ tại Úc. Sinh ở Hà Nội sau năm 1975, anh là một nghệ sĩ tài hoa và có tinh thần cách tân khá triệt để. Và vì tinh thần cách tân ấy, dù tài hoa, anh vẫn bị cô lập ở Việt Nam. Sự cô lập ấy càng củng cố tư thế độc lập của anh; và tư thế độc lập ấy, đến lượt nó, củng cố cái nhìn cởi mở về nhiều vấn đề liên quan đến chính trị và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc thân mật với nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Úc, anh vẫn bị sốc. Một lần, anh tâm sự: “Điều em ngạc nhiên nhất là bà con bên này bị ám ảnh về quá khứ nhiều quá. Lần nói chuyện nào cũng dẫn đến những chuyện trước 75, rồi những chuyện sau 75, từ chuyện chiến tranh đến chuyện kinh tế mới, chuyện cải tạo và chuyện vượt biển. Ở trong nước, hầu như bọn em chẳng bao giờ nhớ hay nghĩ đến những chuyện như vậy nữa”.

    Không phải chỉ có anh bạn nghệ sĩ ấy. Tôi đã nghe nhiều người nói thế. Có người viết hẳn trên báo chí. Là: những chuyện mà nhiều người ở hải ngoại còn trăn trở mãi, ở trong nước, người ta đã quên mất từ lâu rồi. Một số người còn lên giọng: Nên gạt bỏ quá khứ để hội nhập vào dòng chuyển động không ngừng của đất nước.

    Những lời phát biểu ấy khiến tôi nghĩ ngợi về đề tài ký ức.

    Trước hết, cần nói ngay, ký ức, đặc biệt ký ức tập thể (collective memory) hay ký ức văn hoá (culture memory) là một đề tài khá mới trong giới nghiên cứu. Trước, từ thời Khai Sáng, ở con người, giới nghiên cứu chỉ chú ý đến lý trí. Từ Descartes đến Pascal và Kant, người nào cũng đề cao lý trí, cũng đều xem lý trí là năng lực tối thượng phân biệt con người và các loài động vật khác. Từ đầu thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của Freud, và sau đó, của Jung, với nhiều trường phái khác nhau trong chủ nghĩa hiện đại, người ta lại đề cao vô thức, xem chính vô thức mới là động lực chính thúc đẩy và quyết định những sự lựa chọn trong đời sống cũng như trong các hoạt động sáng tạo. Chỉ khoảng vài thập niên gần đây, người ta mới hay đề cập đến vai trò của ký ức, thoạt đầu trong lãnh vực xã hội học, sau, trong văn hoá học.

    Có một câu nói nổi tiếng tiêu biểu cho quan niệm này: Chúng ta là những gì chúng ta nhớ (We are what we remember). Những gì chúng ta nhớ tạo nên ý nghĩa cho những gì chúng ta làm hoặc chứng kiến; và tất cả những gì chúng ta làm hoặc chứng kiến được ghi nhớ ấy sẽ tạo nên hình ảnh của chính chúng ta. Chính những hình ảnh ấy là những nguyên liệu đầu tiên và quan trọng nhất tạo nên bản sắc của từng người. Bởi vậy những người bị mất trí nhớ bao giờ cũng bị mất ý niệm về bản sắc: Họ không biết họ là ai.

    Nhưng ký ức có hai đặc điểm quan trọng cần lưu ý: Thứ nhất, nó không phải là cái gì thuần tuý có tính cá nhân. Bất cứ ký ức nào cũng có tính tương tác. Nhớ, dù là nhớ một kỷ niệm hoàn toàn riêng tư, cũng vẫn liên hệ với một cái gì khác: một thời gian, một không gian, một cảnh huống và những con người khác. Qua việc nhớ, do đó, chúng ta nối kết bản ngã và môi trường chung quanh, nối kết quá khứ và hiện tại, cá nhân và tập thể, cái riêng và cái chung. Bởi vậy ký ức nào, dù riêng tư đến mấy, vẫn lấp lánh hồi quang của cả một cộng đồng: ký ức, một mặt, kiến tạo và nuôi dưỡng bản sắc cá nhân, mặt khác, góp phần định hình bản sắc tập thể; rồi chính bản sắc tập thể ấy, đến lượt nó, lại tác động ngược lại đến ký ức, biến ký ức thành một quá trình chọn lọc liên tục. Từ đó, dẫn đến đặc điểm thứ hai: ký ức không phải là những gì cố định. Ký ức không phải là kho lưu trữ hình ảnh một cách máy móc và vô hồn. Ký ức, ngược lại, không ngừng được tái tạo và không ngừng được tái cấu trúc. Cùng một sự kiện, được nhớ trong những thời điểm khác nhau, với những quan điểm và những tâm trạng khác nhau, chúng ta có những hình ảnh khác nhau với những ý nghĩa khác nhau. Bởi vậy, ký ức nào cũng có tính hiện tại. Nó không phải chỉ là quá khứ. Nó là quá khứ được hiện tại hoá. Và vì được hiện tại hoá, quá khứ nào cũng có tính chính trị của nó. Nhớ, do đó, là một diễn ngôn (discourse), một loại hình tự sự, ẩn giấu đằng sau những nỗ lực diễn dịch và tái diễn dịch quá khứ để đáp ứng những thử thách của hiện tại.

    Cũng cần lưu ý là ký ức hiện diện ở mọi nền văn hoá. Ai cũng có ký ức và cũng cần ký ức. Nhưng dường như với người Việt Nam, ký ức có tầm quan trọng hơn hẳn ở những nơi khác, nhất là ở các nước Tây phương. Ở Tây phương, nói chung, ký ức thường nhanh chóng được thu thập, lưu trữ, xác minh và phân tích, cuối cùng, thành lịch sử. Ở Việt Nam, ký ức thường ở nguyên dạng ký ức, khuất chìm trong vô thức, bàng bạc trong đời sống của quần chúng. Cái gọi là lịch sử ở Việt Nam, phần lớn chỉ là những mảnh ký ức rời, nhập nhoà giữa huyền thoại và sự thực, đậm đặc màu sắc truyền thuyết. Nếu lịch sử là những đại tự sự (grand narrative), ký ức chỉ là những tiểu tự sự. Nếu lịch sử mang tính chính quy, đặc tuyển và nhất là tuyến tính, ký ức thường đứng ngoài mọi thiết chế, gắn liền chủ yếu với văn hoá dân gian, thường xuyên chịu sự chi phối của nhiều yếu tố tương tác trong xã hội.

    Người Việt thích sống với ký ức. Người Việt ở hải ngoại lại càng thích sống với ký ức. Rời khỏi quê hương, sống hẳn ở nước người, tuyệt đại đa số lưu dân, trong đó có người Việt Nam, không bao giờ có thể hội nhập hẳn vào cuộc sống mới. Họ sống lửng lơ ở giữa (in-between). Giữa gì? Giữa quê gốc và quê mới. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và hoài bão. Sống ở giữa là sống trên những biên giới, là lấp lửng ở bên này và bên kia biên giới. Ở vùng biên giới ấy có gì? Chủ yếu là ký ức. Ký ức trở thành quê hương chính của những người lưu dân, bất kể là lưu dân nào. Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn, một nhà nghiên cứu trẻ và xuất sắc ở Úc, mới xuất bản một cuốn sách mang nhan đề rất thú vị: “Ký ức là một quê hương khác: Phụ nữ Việt Nam lưu vong” (Memory is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora, Praeger, 2009). Sẵn, xin nhắc: Trước đó, một nhà nghiên cứu Việt học lỗi lạc khác, Huệ-Tâm Hồ-Tài, ở Mỹ, có một tác phẩm mang nhan đề tương tự, nhưng đối tượng khảo sát lại là ở Việt Nam thời hậu chiến: “Quê hương của ký ức: Việc tái tạo quá khứ ở Việt Nam thời hậu kỳ xã hội chủ nghĩa” (The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam, University of California Press, 2001). Dĩ nhiên, hai cái “quê hương” được đề cập trong hai tác phẩm vừa kể rất khác nhau. Khác, không những ở cấp độ mà còn về bản chất: với người trong nước, ký ức là một quê hương của lựa chọn; với những người lưu dân hay lưu vong, ký ức là quê hương của số phận. Là quê hương duy nhất. Ngoài nó, có khi không còn gì khác.

    Người lưu dân hay lưu vong nào cũng gắn bó với ký ức. Những người lưu dân hay lưu vong ra đi từ một đất nước tan nát vì chiến tranh và ngập ngụa hận thù lại càng quay quắt với ký ức. Những người lưu dân và lưu vong đến sống ở các nền văn hoá khác, hoàn toàn xa lạ với nền văn hoá gốc lại càng bị giam hãm trong ký ức. Nói như thế cũng là cách mặc nhiên phân biệt hai loại ký ức: ký ức của người thắng cuộc và ký ức của các nạn nhân.

    Ký ức của cộng đồng người Việt ở hải ngoại chủ yếu là ký ức của nạn nhân. Một ký ức đầm đìa máu và nước mắt. Không phải chỉ có máu và nước mắt thời kỳ chiến tranh mà còn có máu và nước mắt lúc chiến tranh đã kết thúc. Ở các nhà tù và trại cải tạo. Ở các chiến dịch đánh tư sản mại bản. Ở chính sách ngăn sông cấm chợ. Ở sự kỳ thị vùng miền và lý lịch. Ở những cuộc di tản và vượt biên đầy hãi hùng.

    Đòi hỏi những người mang trong đầu và trong tim loại ký ức đầy máu và nước mắt ấy là một đòi hỏi vô cảm. Xuất phát từ miệng của những người thắng cuộc, nó không những vô cảm mà còn lưu manh.

    Nhớ, cách đây một hai năm gì đó, khi đọc một bài báo của một nhà văn miền Nam từng tham gia “Mặt trận” trước năm 1975, trong đó, ông phiền trách nhiều người ở hải ngoại sao cứ đau đáu mãi với quá khứ trong khi ông và bạn bè và đồng chí của ông thì đã gạt hẳn tất cả qua một bên từ lâu rồi, một người bạn tôi bình luận:

    “Cứ tưởng tượng có một thằng lưu manh đến cướp nhà của người ta và đuổi người ta ra đường. Mấy năm sau, thấy nạn nhân nằm lê lết trên vỉa hè và nhớ tiếc ngôi nhà cũ, tên ăn cướp lên giọng: ‘Tại sao ông bà lại phải nhớ mãi những chuyện buồn như thế? Tại sao không quên đi? Tại sao không hướng tới tương lai để sống một cách thanh thản chứ?’ Nói xong, hắn quay về nhà, cái căn nhà hắn cướp của người ta, ngồi trên ghế salon, gác chân lên bàn, vừa nốc bia vừa nghĩ đến chuyện quên lãng và tha thứ như một thứ đạo đức mới mà hắn mới phát hiện ra được.”

    Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).
    Theo tôi, không phải chỉ có bản sắc mà cả ý niệm về đạo đức cũng được nuôi dưỡng từ ký ức, kể cả, nếu không muốn nói, nhất là, những loại ký ức đầy máu và nước mắt.
    .Source : VOA