Báo cáo VUSTA về khai thác Bauxit
Liên Hiệp các hội KHKTVN Cập nhật : 14/04/2009 18:21
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
với bước đầu tìm hiểu các vấn đề xung quanh việc triển khai
các dự án bauxite Tây Nguyên
LTS. Dưới đây là toàn văn bản báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh: VUSTA) tại cuộc "Hội thảo bô-xit" do Chính phủ tổ chức ngày 9.4 vừa qua (xem bản tin tổng hợp của Diễn Đàn tại đây). Bản báo cáo đã được đăng lần đầu tiên trên trang mạng Viet-studies và sau đó cũng được một số báo mạng khác đăng lại. Tuy nhiên, cho tới nay, nó không hề được đăng tải trên báo chí trong nước (ngoài một số điểm được GS Hồ Uy Liêm, quyền chủ tịch VUSTA, tóm lược và nêu lên trong bài trả lời phỏng vấn của báo điện tử TuanVietnam.Net), dù nó chứa đựng rất nhiều thông tin chi tiết - được thu thập và dẫn chứng một cách nghiêm túc - và những lập luận nghiêm chỉnh kèm theo. Bản báo cáo tự nó phản bác rất nhiều điểm trong những khẳng định cả vú lấp miệng em của tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (như trong bài này). Phải chăng chính vì thế mà người ta không muốn cho nó được phổ biến rộng rãi tới người dân ? Không phải tự nhiên mà vẫn âm ỉ dư luận cho rằng, mặc dù Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chốt lại trong Hội thảo là dự án Nhân Cơ phải chờ có báo cáo tác động môi trường mới được triển khai tiếp, nhưng TKV vẫn âm thầm tiến hành không chỉ dự án này mà còn thêm một vài dự án bô-xit Tây Nguyên khác nữa. Hơn bao giờ hết, sức ép công luận phải tiếp tục để ngăn chặn hoàn toàn những dự án độc hại này.
I. Đặt vấn đề
Ngày 1/11/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 167/2007/QĐ-TTg về việc “phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025”. Theo quyết định này, từ nay đến năm 2015 tại vùng Tây Nguyên sẽ xây dựng 6 nhà máy Alumina để sản xuất từ 6,0-8,5 triệu tấn alumina; 1 nhà máy điện phân nhôm công suất từ 0,2-0,4 triệu tấn, 1 đường sắt khổ đơn dài 270km từ Đăk Nông đến Bình Thuận và 1 cảng biển chuyên dụng công suất 10 - 15 triệu tấn tại Bình Thuận. Theo quyết định 167, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị được giao làm cơ quan đầu mối quản lý các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumina và luyện nhôm ở Tây Nguyên. Hiện nay, tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng đã được khởi công xây dựng tại Thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng với công suất 600.000 tấn alumina / năm.
Rất tiếc là trong quá trình xây dựng quy hoạch chúng ta đã thiếu một chiến lược tổng thể cho phát triển Tây Nguyên làm nền tảng cho việc xem xét và quyết định việc khai thác bô-xít, đồng thời bỏ qua việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) theo quy định của Luật môi trường. Quá trình triển khai tại các nhà máy đầu tiên được tiến hành theo một quy trình lộn ngược: (a)thiếu những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết về hiệu quả kinh tế, các tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội và môi trường dẫn đến có nhiều khả năng khi vận hành các nhà máy này sẽ thua lỗ nặng về kinh tế và để lại các hậu quả nặng nề về môi trường, văn hóa, xã hội trong tương lai khó có thể khắc phục, và (b)thiếu hẳn sự chuẩn bị từ quy hoạch đến kế hoạch thực hiện các điều kiện kết cấu hạ tầng cần thiết cho các khâu khai thác, sản xuất và vận tải...
Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề cùng với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 1 năm 2002; Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là LHH Việt Nam) đã thực hiện đề tài bước đầu tìm hiểu về chương trình này.
II. Phương pháp luận
1. Các phương pháp sử dụng trong cuộc đánh giá
Cuộc đánh giá được tiến hành trên căn bản bốn phương pháp
i. Phân tích tài liệu hiện có
Đã tập hợp các tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến bauxite Tây Nguyên.
ii. Phỏng vấn sâu
Tiến hành phỏng vấn sâu các cán bộ lãnh đạo hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng, huyện Bảo Lộc, các sở, ban ngành có liên quan của hai tỉnh, ban quân sự huyện Tuy Đức, cán bộ các ban quản lý dự án, các công ty Nhân Cơ, Tân Rai, khu vực mỏ 1/5 và một số cư dân tại địa bàn hai nhà máy.
iii. Quan sát thực địa
Đã tham gia chuyến thăm tại Bình Quả, Quảng Tây, Trung Quốc do Bộ Công thương tổ chức và tiến hành khảo sát điền dã tại hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng.
iv. Hội nghị lấy ý kiến
Đã tổ chức 4 cuộc hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia khoa học trong các chuyên ngành khác nhau, có liên quan.
2. Những khó khăn trong công việc đánh giá
Chưa có được các số liệu đầu vào ở mức độ sâu và chi tiết cần thiết cho việc tính toán hiệu quả kinh tế các dự án đang được TKV tiến hành tại Tây Nguyên và cho cả chương trình.
Chưa có điều kiện phỏng vấn đầy đủ đại diện các đối tượng có thể có liên quan đến việc khai thác và chế biến bauxite.
Thời gian kể từ khi VUSTA được yêu cầu tham gia phản biện quá gấp và ngắn.
III. Kết quả
1. Trữ lượng tài nguyên bauxite và cân đối cung – cầu thị trường alumina - nhôm trên Thế giới
Trên Thế giới nhôm là một trong 4 kim loại màu cơ bản được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp quan trọng như chế tạo thiết bị điện, phương tiện vận tải, xây dựng, chế tạo máy, vũ khí, vật liệu bao gói, đồ đựng nước uống giải khát và sản xuất đồ gia dụng. Tổng tài nguyên khoán sản bauxite trên thế giới ước đạt 75,2 tỷ tấn, phân bố chủ yếu tại các Quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó Ghi nê, Australia và Việt nam là các Quốc gia có trữ lượng bauxite lớn nhất (Cục địa chất, khoáng sản Mỹ, 2007). Theo đánh giá địa chất, trữ lượng bauxite của Việt Nam ước đạt 2,4 tỷ tấn quặng tinh, trong đó Tây Nguyên chiếm 91,4%1. Xét về nguồn gốc, quặng bauxite ở Việt Nam có hai loại chính là quặng bauxite gipsit (quặng 3 nước) phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên (các tỉnh như Đăk Nông, Lâm Đồng, Giai Lai, Kon Tum và Bình Phước) và quặng bauxite diaspo (quặng 1 nước) phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang…
Tổng lượng tiêu thụ nhôm nguyên sinh trên Thế giới năm 2007 đạt 38 triệu tấn và dự báo sẽ tăng lên 51,8 triệu tấn năm 2012 và đạt 74,9 triệu tấn vào năm 2020. Trong khi đó, theo dữ liệu nghiên cứu của WBMS thì sản xuất nhôm của Thế giới năm 2007 đạt 38,02 triệu tấn, năm 2008 đạt 41,9 triệu tấn và đến năm 2020 khoảng 78,5 triệu tấn. Từ năm 2008 đến 2011 thị trường nhôm sẽ xảy ra dư thừa từ 0,1 – 1,8 triệu tấn / năm, nhưng đến giai đoạn từ 2012 đến 2020, nhôm lại rơi vào tình trạng thiếu hụt khoảng từ 0,3 triệu tấn đến 2,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ khó có khả năng tham gia vào sản xuất và xuất khẩu nhôm trên thị trường Thế giới do quá trình điện phân nhôm đòi hỏi nguồn năng lượng giá rẻ lớn2, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm năng lượng hiện nay.
Theo đánh giá của AOA VAMI RUSAL, sản lượng alumina3 thế giới năm 2007 đạt 74,7 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2006 và tăng 40,1% so với năm 2000. Sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng alumina đạt được là do nhu cầu về nhôm tăng mạnh, đặc biệt là từ nhu cầu của Trung Quốc và các Quốc gia thuộc Mỹ La Tinh. Cũng theo dự báo của RUSAL sản lượng alumina trên thế giới giai đoạn 2008-2014 sẽ tăng khoảng 50 triệu tấn.
Phần lớn alumina được giao dịch trên thị trường Thế giới thông qua những hợp đồng dài hạn, chỉ có một phần nhỏ, khoảng 10% tham gia vào thị trường trôi nổi. Giá alumina trên thị trường dao động bằng khoảng từ 11-15% so với giá nhôm. Nhóm Broc Hunt nghiên cứu thị trường alumina Thế giới và cho ra một dự báo dài hạn về thị trường alumina đến năm 2020 theo bảng dưới đây:
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
2015
2016
2017
2020
Sản lượng (TrT)
83.7
90.0
97.7
100.5
104.0
107.0
113.4
118.3
126.8
129.3
148.7
Nhu cầu (TrT)
82.4
88.4
95.7
99.4
101.8
10.7.5
113.1
118.8
127.1
130.3
148.3
Thừa/Thiếu (TrT)
1.3
1.6
2.0
1.1
2.1
-0.5
0.3
-0.5
-0.3
-1.0
0.4
Nguồn: Broc Hunt
Nhìn vào bảng có thể thấy, từ năm 2008 – 2012 sẽ xuất hiện tình trạng dư thừa về nguồn cung alumina, khoảng 1,1-2,1 triệu tấn / năm. Tuy nhiên, từ năm 2013 – 2017 sẽ lại có sự thiếu hụt khoảng dưới 1 triệu tấn alumina / năm (nghĩa là không thiếu nhiều lắm). Cần lưu ý, trong tính toán này Việt Nam chưa được đưa vào là Quốc gia cung cấp alumina trên Thế giới và vì thế nếu như dự báo này là đúng thì Việt Nam sẽ khó có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu alumina trên thế giới, đặc biệt là với quy mô lớn. Chúng ta chỉ có duy nhất một đối tác nhập alumina là Trung Quốc.
Một điểm cần lưu ý là tất cả các nghiên cứu và dự báo trên đây đều được thực hiện khi chưa xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trên Thế giới như hiện nay. Suy thoái kinh tế Thế giới đã kéo theo mức tiêu thụ nhôm giảm đáng kể, giá nhôm nguyên sinh và tất nhiên cả giá alumina giảm nhiều. Giá nhôm trên thị trường Thế giới LME nay ở mức dao động 1.400 USD / tấn (trước khủng hoảng là >3000 USD/tấn) và giá alumina dao động 200 - 250 USD/ tấn (trước khủng hoảng cao nhất là >500 USD/tấn). Do sự biến động này nhiều dự án mở rộng sản xuất alumina và nhôm nguyên sinh trê thế giới đang được xem xét tạm dừng hoặc bãi bỏ.
2. Các vấn đề sử dụng công nghệ tại các nhà máy alumina của Việt Nam
Quy trình sản xuất nhôm kim loại được tóm tắt thành các bước như sau:
quy-trinh
Trong 4 giai đoạn trên của quy trình sản xuất nhôm, quy trình công nghệ giai đoạn khai thác quặng và tuyển quặng tinh khá đơn giản do đặc tính phân bố của khoáng sản bauxite laterit ở Tây Nguyên là gần như lộ thiên. Các công đoạn này đều có thể do Việt Nam đảm nhận thực hiện. Từ công đoạn thứ 3 (sản xuất alumina) Việt Nam hoàn toàn phải nhập công nghệ từ nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện thiếu hụt về năng lượng nên chắc chắn trong thời gian tới Việt Nam chưa thể điện phân nhôm, hoặc nếu có thể cũng chỉ ở quy mô nhỏ. Các nhà máy hiện tại đang bước đầu triển khai ở Tây Nguyên cũng chỉ đủ cung cấp điện đến giai đoạn 3 là sản xuất alumina cho xuất khẩu.
Trên Thế giới hiện nay có nhiều Công ty, Quốc gia có khả năng cung cấp công nghệ sản xuất alumina. Tuy nhiên, không phải bất cứ công ty nhôm nào cũng có thể cung cấp công nghệ tốt, đặc biệt đối với các Quốc gia không có công nghệ sản xuất nguồn. Việc lựa chọn đối tác cung cấp công nghệ sản xuất alumina là hết sức quan trọng trong việc đảm bảo nhà máy xây dựng xong vận hành an toàn, cho các chỉ tiêu kỹ thuật và kinh tế tốt. Chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ nhà máy đồng Sinh quyền, tỉnh Lào Cai vì do không cẩn trọng trong khâu lựa chọn công nghệ nên cho đến nay khi đã sản xuất được Đồng thành phẩm thì giá bán lại thấp do không đạt được độ tinh khiết mà thị trường Thế giới yêu cầu. Hơn nữa, tỷ lệ đồng còn lại trong chất thải quá lớn (khoảng 7%) thay vì 1% như yêu cầu, nên rất lãng phí và phát sinh nhiều vấn đề môi trường.
Trong thời gian gần đây Tập đoàn TKV đã triển khai khởi công nhà máy sản xuất alumina tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đơn vị trúng thầu cung cấp gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và xây dựng) cho nhà máy chính và quan trọng nhất là nhà thầu Công ty hữu hạn công trình quốc tế ngành nhôm Trung Quốc - CHALIECO với trị giá 466 triệu USD, và gần đây nhà thầu này lại tiếp tục được TKV chỉ định thầu tại nhà máy alumina Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông với giá trị 499,2 triệu USD. Việc cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều sử dụng công nghệ của 1 công ty Trung Quốc là điều đáng lo ngại bởi những lẽ sau:
1. Trung Quốc không phải là Quốc gia có công nghệ nguồn sản xuất alumina trên thế giới.
2. Quy trình kỹ thuật mà nhà thầu CHALIECO đang sử dụng ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc (nơi chúng tôi đã được đi tham quan) là quy trình công nghệ sử dụng để chế biến cho loại bauxite diaspor, khác hẳn với bauxite gipsit có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên.
3. Công nghệ thải bùn đỏ “ướt” sẽ được áp dụng tại các nhà máy alumina ở Tây Nguyên hiện nay đã không còn được sử dụng nhiều trên Thế giới, đặc biệt là các nước phát triển do có nguy cơ lớn đối với vấn đề môi trường. Hiện nay, các Quốc gia (đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới có mưa nhiều như ở Tây Nguyên, Việt Nam) đang chuyển dần từ công nghệ thải bùn đỏ “ướt” sang công nghệ “khô” bởi các lý do sau: (i) Nếu thải “khô”, các thành phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn “ướt” thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp; (ii) với công nghệ thải “ướt”, các đập của hồ bùn đỏ (cao tới 25m, dài 282m, nằm trên độ cao 700-800m so với mực nước biển) sẽ có nguy cơ bị vỡ nhiều hơn bởi giống như các đập hồ thủy điện các đập này phải chịu lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra.
4. Việc lựa chọn công nghệ cho cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều do 1 nhà thầu của Trung Quốc có thể giúp chủ đầu tư giảm chi phí nhưng có thể đó lại không phải là giải pháp tối ưu và khôn ngoan nhất, đặc biệt khi chúng ta chưa có hiểu biết về công nghệ và khi mà các công nghệ của Trung Quốc chưa được đánh giá cao, dẫn đến mức độ rủi ro và phụ thuộc sẽ rất cao. Giải thích của tập đoàn TKV cho rằng các nhà thầu Quốc tế khác không tham gia bỏ thầu vì giá thầu của các nhà máy này thấp (dưới 500 triệu USD) dường như chưa thuyết phục. Một điểm lưu ý nữa đối với cách đấu thầu của nhà thầu CHALIECO đó là họ bỏ giá thầu thấp, nhưng khi thắng thầu họ lại yêu cầu tăng giá – như trong trường hợp nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng giá bỏ thầu được chấp nhận của họ là 352 triệu USD, nhưng khi đàm phán hợp đồng thầu họ đã yêu cầu tăng lên thành 466 triệu USD và giải thích là có sự biến động về tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD. Cuối cùng, Tập đoàn TKV đã phải chấp nhận giá thầu là 466 USD và còn có nguy cơ tăng lên nữa trong tương lai.
3. Các vấn đề về sử dụng tài nguyên và hiệu quả kinh tế
Do đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nên trong thời gian tới Việt Nam chưa thể điện phân nhôm mà chủ yếu chỉ sản xuất alumina, một dạng sản phẩm chế biến thô rồi xuất khẩu. Điều này sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên và hiệu quả kinh tế rất thấp, cụ thể như sau:
3.1. Sử dụng tài nguyên
Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2025 Việt Nam sẽ sản xuất và xuất khẩu khoảng từ 12-18 triệu tấn alumina / năm với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD4 nhưng chưa có một chiến lược tổng thể tối ưu, cân nhắc thấu đáo mọi mặt cho việc phát triển toàn diện, bao gồm cả quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cho Tây Nguyên trong mối liên quan chung với phát triển tổng thể của cả nước. Kế hoạch này cũng chưa đưa ra được những tính toán toán về hiệu quả kinh tế tổng thể của chương trình. Theo báo cáo của Tập đoàn TKV tại hội thảo Đăk Nông, với chất lượng quặng bauxite ở Việt Nam, nếu muốn sản xuất 1 tấn alumina cần khoảng 2,5 tấn quặng bauxite tinh (công thức 1:2:5 – 1 tấn nhôm cần 2 tấn alumina và cần 5 tấn bauxite). Như vậy, với trữ lượng ước đạt 2,4 tỷ tấn quặng tinh tài nguyên bauxite của Việt Nam sẽ hết sau 64 năm sản xuất alumina vì để sản xuất 15 triệu tấn alumina, chúng ta cần sử dụng 37,5 triệu tấn quặng bauxite tinh mỗi năm. Cần lưu ý rằng giá alumina trên thị trường Thế giới thông thường chỉ bằng khoảng 11-15% giá nhôm. Trên thế giới thừa nhận: Làm ra nhôm đề xuất khẩu, thực chất là để xuất khẩu điện!
3.2. Hiệu quả kinh tế của chương trình
Hiệu quả kinh tế đã được tính toán của 2 nhà máy bước đầu đang được khởi công, nếu được hạch toán đầy đủ sẽ có nguy cơ thua lỗ lớn về mặt tài chính. Tại bảng tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế tài chính của nhà máy sản xuất alumina Tân Rai giá thành sản phẩm phẩm năm thứ 4 tại nhà máy là 223 USD/tấn và tại nhà máy Nhân Cơ là 235 USD / tấn. Cần lưu ý giá thành này chưa bao gồm các chi phí khác như:
– Chi phí vận chuyển từ nhà máy xuống cảng biển: Cước phí vận tải bằng ô-tô trên đường bộ miền Trung dao động giữa 2000 – 3000 VNĐ cho 1km/tấn, như vậy riêng tiền vận tải bằng ô-tô để đưa được 1 tấn alumina khoảng 300 km từ mỏ tới cảng biển miền Trung (bao gồm cả chi phí hai chiều: lượt lên núi mang nguyên liệu phục vụ sản xuất alumina, lượt xuống núi chở sản phẩm alumina) ước tính tối thiểu khoảng 50 USD. Đó là chưa kể đến các chi phí duy tu, bảo dưỡng đường ô tô từ khu mỏ xuống cảng biển.
– Chi phí chiết khấu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt) cảng biển;
– Chi phí giảm thiểu tác động văn hóa - xã hội và hỗ trợ ổn định sinh kế cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp;
– Chi phí cơ hội (mất nguồn thu từ các ngành nghề kinh tế khác do chiếm dụng đất, vốn và cơ sở hạ tầng);
– Thuế các loại: VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là thuế thương quyền 10% theo tinh thần thông báo số 2728/TB-CP ngày 2/5/2008 kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đầu tư, hợp tác trong các dự án bauxite - alumin.
Trong giải trình của ban Nhôm với Hội đồng quản trị Tập đoàn TKV đã nêu lên rằng dự án xây dựng nhà máy Nhân Cơ sẽ không có hiệu quả kinh tế khi chỉ cần xảy ra một trong các trường hợp sau:
– Thuế suất Alumin > 5%
– Phí môi trường > 15000 đồng / tấn quặng nguyên khai
– Phí hoàn nguyên, phục hồi môi trường > 25000 đồng / tấn quặng nguyên khai
– Giá bán alumin tụt -5% so với giá dự báo của CRU (là 310 USD/tấn).
Gần đây, giá nhôm và alumina trên thị trường đang sụt giảm một cách nghiêm trọng. Giá Nhôm tại thị trường LME tháng 3 năm 2009 dao động khoảng 1.400 USD / tấn và giá alumina dao động khoảng 250 USD / tấn. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và suy thoái hiện nay giá cả thị trường sẽ vẫn còn lên xuống thất thường, khó dự đoán. Tuy nhiên, nếu lấy thời điểm này để tính toán thì mỗi tấn alumina sản xuất ra sẽ có mức lỗ dao động từ 50 – 100 USD. Với công suất 2 nhà máy là 1,2 triệu tấn / năm, mỗi năm TKV sẽ phải bù lỗ cho 2 nhà máy này từ 60 triệu – 120 triệu USD.
4. Các vấn đề về cơ sở hạ tầng và năng lượng
4.1. Vấn đề về vận tải
– Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ tuy đã triển khai nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải xác đáng cho vấn đề giao thông vận tải. Nếu sản xuất alumina trên Tây Nguyên, chúng ta chỉ có 2 phương án vận chuyển lựa chọn đó là đường bộ và đường sắt. Tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng đường sắt khổ đôi rộng 1.34m từ Đăk Nông qua Lâm Đồng, xuống xuống Bình Thuận. Hiện tại, chương trình này đang được Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) tiến hành nghiên cứu tiền khả thi nhưng một số khó khăn đã bộc lộ:
* Về kỹ thuật: Tuyến đường sắt có chiều dài 270km và phải vượt độ chênh cao tương đương 700m, có nhiều khúc cua quanh co, nguy hiểm vượt quá mức cho phép của đường sắt thông thường. Vì thế, phải thiết kế theo đường sắt đặc biệt, kéo dài tuyến đường, chạy vòng vèo theo các sườn núi, sao cho vừa đạt độ dốc cần thiết, vừa đảm bảo bán kính cong tối thiểu để an toàn cho vận hành tàu sẽ tăng thêm tốn kém, đặc biệt trên cung đường từ rìa Tây đồng bằng Phan Thiết vượt sườn Đông của dải Nam Trường Sơn. Nhìn chung, việc xây dựng tuyến đường sắt này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thiết kế kỹ thuật để đảm bảo độ an toàn vận hành tàu.
* Về tài chính và mục đích sử dụng: Theo báo cáo nghiên cứu của cơ quan tư vấn tổng chi phí cho tuyến đường sắt này vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD), cao gấp gần 2,5 lần so với dự kiến trước đây trong quy hoạch của Chính phủ (1,3 triệu USD). Các đối tác nước ngoài đã từ chối việc đầu tư vào dự án đường sắt, vì cho rằng đó là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn TKV xây dựng phương án thiết kế đường sắt đa mục tiêu, đồng nghĩa với việc sẽ phải bỏ tiền ngân sách hoặc đi vay để đầu tư. Vấn đề này cần được tính toán, cân nhắc một cách thận trọng vì lộ trình tuyến đường sắt đi qua là những nơi thưa, vắng dân cư nên hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội sẽ rất thấp. Ngoài ra, theo nghiên cứu của TEDI, nếu khẩn trương xây dựng, thì tuyến đường sắt cũng chỉ có thể hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2017 (chưa kể những khả năng dẫn đến chậm trễ do quá trình nghiên cứu nghiên cứu và ra quyết định kéo dài, thiếu vốn trong quá trình thi công). Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp có thể xây dụng được đường sát thì từ nay cho đến đó chúng ta sẽ vận chuyên alumina và các nguyên liệu bằng cách nào? Câu trả lời duy nhất chỉ là: Vận chuyển bằng đường bộ.
– Với nhà máy alumina Nhân Cơ có thể vận chuyển theo đường 14, 13 và 51 ra cảng biển Phú Mỹ với khoảng cách khoảng 305km, còn nhà máy Tân Rai sẽ vận chuyển theo đường 28 có chiều dài 146km, hoặc vận chuyển ra cảng Phú Mỹ theo đường 20 với chiều dài 295km. Do alumina là sản phẩm đặc biệt, khi vận chuyển phải dùng xe chuyên dụng, không thể lợi dụng để vận chuyển hàng đi, hàng về được. Với công suất 600.000 tấn alumina /nhà máy/ năm, cùng với nguyên vật liệu phải chuyển từ nơi khác đến (than, kiềm, dầu, vôi…) hàng năm mỗi nhà máy sẽ phải huy động 120.000 chuyến xe chuyển sản phẩm alumina từ nhà máy xuống cảng biển (loại 10 tấn / xe) và nguyên liệu theo chiều ngược lại. Cơ sở hạ tầng trên các tuyến đường này vốn đã quá tải, khó có thể đáp ứng được nhu cầu này và chắc chắn khả năng mở rộng thêm quy mô sản xuất hoặc các nhà máy sản xuất alumina mới trên Tây nguyên theo quy hoạch là điều hoàn toàn không khả thi.
4.2. Vấn đề về năng lượng (điện)
Nhu cầu điện cho quá trình sản xuất alumina là không lớn, hơn nữa bên cạnh một nhà máy alumina đòi hỏi phải xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than để dùng khí nóng vào mục tiêu sấy quặng (như nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 30MW ở bên cạnh). Vì thế, về cơ bản quá trình này không ảnh hưởng đến vấn đề năng lượng.
Tuy nhiên, vấn đề điện sẽ trở nên nghiêm trọng khi muốn sản xuất nhôm kim loại vì quá trình này đòi hỏi tiêu hao năng lượng lớn. Trung bình để sản xuất một tấn nhôm theo công nghệ Bayer cần một lượng điện năng tương đương 14.000 KWh và phải là nguồn điện giá rẻ. Theo kinh nghiệm thế giới thì giá điện dùng để sản xuất nhôm phải dưới 0,4 US cent / KWh. Vì thế, nguồn điện được sử dụng cho điện phân nhôm thường là thủy điện. Mặc dù hệ thống sông Đồng Nai có khả năng sản xuất lượng điện năng tương đối lớn (ước đạt khoảng 3000MW), trong đó tập đoàn TKV đã được Chính phủ giao xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 với công suất khoảng 300 MW. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu năng lượng hiện nay của Việt Nam và thủy điện Đồng Nai 5 chưa được khởi công thì việc điện phân nhôm trong giai đoạn này là không khả thi, đặc biệt với mục tiêu sản xuất 0,2-0,4 triệu tấn nhôm / năm theo như quy hoạch.
5. Các vấn đề về môi trường
Chương trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường.
5.1. Hoàn thổ đất đai sau khai thác – nguy cơ xói mòn và suy thoái đất
Do đặc tính thân quặng mỏng và dàn trải nên quá trình khai thác bauxite sẽ phải sử dụng một diện tích khai trường lớn. Chỉ riêng 2 nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai quá trình khai thác sẽ phải thu hồi và sử dụng khoảng 100 ha đất / nhà máy /năm. Tổng diện tích khai trường của 2 nhà máy này ở giai đoạn I là 4.000 ha và sẽ lên tới 7.000-8.000 ha ở giai đoạn II. Đến năm 2015, nếu mỗi năm Việt Nam sản xuất 6 triệu tấn alumina, tương đương diện tích khai trường khoảng 1.000 ha / năm. Quy trình hoàn thổ đất đai mà tập đoàn TKV đưa ra bao gồm 4 giai đoạn: (1) chuẩn bị mặt bằng khai thác, (2) khai thác, (3) hoàn thổ đất, và (4) tái tạo lại thảm thực vật tưởng sẽ vô cùng đơn giản, nhưng trên thực tế quy trình này không dễ dàng thực hiện được bởi các lý do sau:
– Xói mòn, rửa trôi đất: Vùng Bảo Lộc và Đăk Nông có lượng mưa lớn (trung bình từ 2200 – 2800mm / năm) nhưng lại chỉ phân bố trong 1 khoảng thời gian ngắn của mùa mưa (tháng 5 – 9) nên cường độ mưa rất lớn trong mỗi trận mưa. Thông thường hoạt động khai thác chỉ có thể tiến hành được trong mùa khô và hoàn thổ trước mùa mưa. Tuy nhiên, khi đất được hoàn thổ trở lại các tính chất lý tính, kết dính trong đất chưa thể phục hồi, cùng với việc thảm thực vật trên mặt đất đã bị phát dọn trong quá trình khai thác khoáng sản nên nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất trong mùa mưa là vô cùng nghiêm trọng đến mức có thể làm biến dạng cấu tạo điạ hình trong vùng với nhiều hậu quả chưa tiên lượng được.
– Suy thoái đất: Ở một số vùng tại Đăk Nông lớp đất mặt trên tầng quặng bauxite rất mỏng (thậm chí lộ thiên) sẽ không có đất để hoàn thổ. Còn ở những nơi khác sau hoàn thổ, lớp đất mỏng nằm trên mặt đất dễ bị trộn lẫn với lớp kết von laterit và quặng bauxite nghèo thành một hỗn hợp chua và độc hại với phần lớn các loại cây trồng. Kinh nghiệm hoàn thổ sau 32 năm khai thác bauxite của Công ty hóa chất cơ bản Miền Nam tại Bảo Lộc, Lâm Đồng đã phần nào cho thấy công việc hoàn thổ, tái tạo lại cây trồng là vô cùng khó khăn. Trong tổng số 36 ha diện tích đã khai thác cho đến nay công ty chỉ mới trồng lại được 2 ha cây keo tai tượng nhưng cây cũng khá còi cọc. Trong khi đó cây Mai dương (một loại cây thuộc họ Trinh nữ, có nhựa rất độc nên các loài vật không dám ăn và nơi nào có cây này mọc thì không cây nào có thể mọc, trừ một số loài cây lá nhọn dễ cháy về mùa khô) lại đang phát triển và phân tán rất nhanh tại các vùng đất sau khai khoáng. Vấn đề hoàn thổ và tái tạo lại thảm thực vật sẽ vô cùng khó khăn khi cây Mai dương đang xâm lấn và tranh dành điều kiện sống của các loài thực vật khác vào các vùng đất này. Nếu tích cực cải tạo, đầu tư (chuyển đất mặt ở nơi khác đến, sử dụng phân bón vi sinh…) thì cũng ít nhất vài chục năm sau mới có hy vọng trồng lại được, và như thế chi phí tài chính sẽ đội lên rất cao. Vì thế, việc cho rằng “khai thác bauxite chỉ là mượn đất sản xuất của dân, khai thác xong sẽ hoàn thổ, trả lại cho dân canh tác trong vòng 1-2 năm” là điều không khả thi và không có cơ sở khoa học. Nếu không được tiến hành một cách cẩn thận, kỹ lưỡng vùng đất sau khai thác bauxite sẽ trở thành vùng đất “chết”. Kinh nghiệm khai thác khoáng sản khác ở nước ta (đặc biệt đối với vùng Than ở Quảng Ninh) đã cho thấy điều này.
5.2. Nguy cơ cạn kiệt và xung đột sử dụng nước
Quá trình khai thác bauxite và chế biến alumina cần một lượng nước rất lớn, trung bình để sản xuất 1 tấn alumina (bao gồm cả việc tuyển 2,5 tấn quặng tinh) cần 30 m3 nước. Với hệ số tuần hoàn đạt 60% thì lượng nước cần bổ sung để sản xuất mỗi tấn alumina là 12 m3. Nếu công suất alumina năm 2015 đạt 6 triệu tấn theo quy hoạch, chúng ta cần 72 triệu m3 nước mỗi năm để sản xuất. Theo tính toán của các nhà thủy văn, lượng nước có thể thu gom ở trên Tây Nguyên là rất lớn và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng do mực nước ngầm của Tây Nguyên hiện đã xuống rất thấp nên chỉ có thể sử dụng phương án tích tụ nước mặt để sản xuất alumina. Trong khi mùa mưa Tây Nguyên chỉ kéo dài khoảng 4-5 tháng và trên địa bàn Đăk Nông không có nhiều sông suối có lưu lượng lớn nên việc xây dựng các hồ chứa nước lớn để sản xuất alumina gặp rất nhiều khó khăn. Tập đoàn TKV đang dự kiến bơm nước từ sông Đồng Nai lên để sử dụng cho nhà máy Nhân Cơ, phương án này sẽ rất tốn kém vì phải bơm nối nhiều lần để vượt qua độ chênh cao gần 400m và trên một quãng đường dài gần 40km. Ngoài ra, cũng cần phải tính toán đến việc xung đột về sử dụng nước giữa sản xuất alumina và các hoạt động khác như thủy điện, nhu cầu cho tưới cây công nghiệp và phục vụ cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh hạ lưu sông Đồng Nai5.
5.3. Ô nhiễm môi trường từ bùn đỏ và bùn thải quặng đuôi
Trong thời gian gần đây vấn đề bùn đỏ trong khai thác bauxite Tây Nguyên là vấn đề môi trường được quan tâm nhiều nhất. Bùn đỏ (Red Mud) là chất thải không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất alumina. Bùn đỏ bao gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ và khá bền vững trong điều kiện phong hóa như Hematit, Natrisilico, aluminate, Canxi-titanat, Mono-hydrate nhôm… và đặc biệt là chứa một lượng xút, một hóa chất độc hại dư thừa từ qúa trình sản xuất alumina. Cần phải hiểu rằng mặc dù trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp sẽ cố gắng tối đa để thu hồi lượng xút dư thừa để giảm thiểu chi phí tài chính và môi trường. Tuy nhiên, lượng xút dư thừa vẫn có thể gây độc hại, nguy hiểm cho con người, vật nuôi và cây trồng nếu bị phát tán ra ngoài. Với chất lượng bauxite như ở Tây Nguyên của Việt Nam, để sản xuất 1 tấn alumina sẽ thải ra ngoài khoảng 1,5 tấn bùn đỏ. Cho đến nay, trên Thế giới đã có một số công trình nghiên cứu sử dụng bùn đỏ (làm vật liệu xây dựng…) nhưng vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Cách thức phổ biến về xử lý bùn đỏ vẫn là xây hồ chứa hoặc chôn cất bùn đỏ ở nơi hoang vắng, gần bờ biển, xa các vùng đầu nguồn các sông suối và các mạch nước ngầm.
Sở dĩ vấn đề xử lý bùn đỏ ở Việt Nam được nhiều người quan tâm đó là vì các hồ bùn đỏ sẽ được lưu giữ lại trên Cao nguyên, đất có độ thẩm thấu cao và là vị trí đầu nguồn của các hệ thống sông suối, trong đó quan trọng nhất là hệ thống sông Đồng Nai và Sre Pok. Chỉ tính riêng dự án Nhân Cơ, dung tích hồ thải bùn đỏ sẽ lên tới hơn 8,7 triệu m3 và ở dự án Tân Rai, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cho cả đời dự án vào khoảng 80-90 triệu m3. Các hồ bùn đỏ sẽ vĩnh viễn nằm lại trên cao nguyên. Rõ ràng, để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, việc xây dựng hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên sẽ đắt hơn các nơi khác rất nhiều, đặc biệt khi Tập đoàn TKV sử dụng công nghệ thải bùn đỏ “ướt” tại nhà máy Tân Rai. Các nguy cơ như vỡ đập, hoặc sự cố tràn (khi lượng mưa quá lớn đột xuất) vẫn sẽ là mối nguy thường trực hàng ngày. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn các vùng hạ lưu các con sông sẽ phải chịu hậu quả nặng nề
Một vấn đề về ô nhiễm môi trường khác cũng cần được quan tâm đó là bùn thải quặng đuôi trong quá trình tuyển quặng. Để sản xuất 600.000 tấn alumina như ở nhà máy Nhân Cơ hay Tân Rai, cần phải khai thác 3 triệu tấn quặng nguyên khai và thải ra ngoài 1,5 triệu tấn bùn quặng đuôi (chưa kể nước). Cùng với nước trong quá trình tuyển quặng, lượng bùn thải này sẽ trôi xuống các con suối, con sông và như bài học kinh nghiệm rút ra từ Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc các con suối sẽ trở nhuộm một màu đỏ quạch (màu đỏ là màu của đất đỏ bazan) và sẽ trở thành các dòng “suối máu”. Nguy cơ ô nhiễm lưu vực sông sẽ trở nên lớn hơn khi chúng ta dự kiến sản xuất 6 triệu tấn alumina vào năm 2015 và lên đến 18 triệu tấn năm 2025.
5.4. Thảm thực vật
Vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng là vùng đất bazan màu mỡ, thảm thực vật đa dạng, cây trồng (chè, cao su, café) cho hiệu quả kinh tế cao, điều kiện khí hậu lại phù hợp cho phát triển nông lâm nghiệp toàn diện. Còn ở Đăk Nông số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Tây Nguyên tại xã Nhân Cơ (nơi có mỏ bauxite Nhân Cơ) cho thấy diện tích đất nông nghiệp ở xã này chiếm tới 83,03%, đất lâm nghiệp 0,08% và chỉ có 2,1% đất chưa sử dụng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Nhân Cơ có 4.573 ha, trong đó có 3039,5 ha trồng cây công nghiệp là cà phê (2264 ha), cây điều (515 ha), cây tiêu (136 ha), và cao su (124,5 ha).
Sự tranh chấp trong sử dụng 2 nguồn tài nguyên cơ bản là: tài nguyên không tái tạo – quặng bauxite trong lòng đất với tài nguyên đất và thảm thực vật, cây trồng trên mặt đất là điều rất đáng quan tâm. Giải quyết hài hòa mâu thuẫn đó là nhiệm vụ rất quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững lãnh thổ. Mặc dù trong quá trình khai thác một số vùng (như đất có rừng, hoặc các khu vực phòng hộ…) sẽ bị cấm khai thác nhưng dẫu sao quá trình khai thác quặng bauxite phải bắt buộc dọn sạch thảm cây trồng trên mặt đất và sẽ ảnh hưởng đến các tài nguyên sinh vật, và như đã phân tích ở trên việc tái tạo lại vật nuôi, cây trồng trên mặt đất sau khai thác bauxite là vô cùng khó khăn, đòi hỏi thời gian dài (hàng chục năm) và một lượng đầu tư rất lớn.
5.5. Ô nhiễm không khí do bụi đất đỏ
Các vùng đất khai thác bauxite ở Tây Nguyên còn nguyên sơ, với thảm cây rừng, cây công nghiệp và nông nghiệp phong phú. Mật độ giao thông cơ giới ít nên nhìn chung không khí vẫn còn trong lành. Hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí do bụi và chất thải khí của các phương tiện cơ giới từ khu mỏ đến nhà máy tuyển quặng. Ở mỗi nhà máy như Nhân Cơ hay Tân Rai, để sản xuất 600.000 tấn alumina mỗi năm, vùng khai trường sẽ phải khai thác 3 triệu tấn quặng nguyên khai, tương đương với việc hàng năm có khoảng 300.000 chuyến xe, hay mỗi ngày có 1.000 chuyến xe từ khu mỏ về nhà máy tuyển quặng (làm việc 300 ngày / năm và tải trọng mỗi xe là 10 tấn). Mùa khô Tây Nguyên kéo dài nhiều tháng (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) nên lượng bụi phát sinh trong quá trình khai thác và vận chuyển quặng bauxite là nguy cơ tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng và cây trồng trong vùng.
Các vấn đề về văn hóa – xã hội
6.1. Ảnh hưởng đến văn hóa bản địa Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc và là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số bản địa. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu sống bằng nghề nông, đất và rừng có vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và cuộc sống tâm linh của họ. Đối với người Tây Nguyên đất rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa. Suy giảm về tài nguyên rừng kéo theo suy giảm về văn hóa. Không một buôn làng nào không gắn với rừng như gắn với thần linh riêng của mình.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Đại học Tây Nguyên đưa ra cảnh báo rằng toàn bộ văn hóa truyền thống Mnông đã mai một và sẽ bị đặt trước nguy cơ mai một thêm và hoàn toàn biến mất khỏi cộng đồng nếu chương trình khai thác bauxite được triển khai một cách ồ ạt tại đây. Xói mòn quan hệ tín ngưỡng sẽ dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng của cộng đồng nơi đây luôn gắn với “không gian văn hoá rừng”, “không gian thảm thực vật”, với đất canh tác. Nếu đất đai bị khai thác phục vụ cho khu công nghiệp thì toàn bộ cộng đồng dân cư không còn đất canh tác. Đặc biệt các cộng đồng phải di dời, tái định cư, hoặc tự chuyển chỗ ở đến vùng khác – vùng không phải là nơi sinh sống truyền thống của họ. Việc này đồng nghĩa với việc con người mất đi mối tương tác với thiên nhiên. Khi mối quan hệ liên kết mất thì ý thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đã có từ trước cũng sẽ bị mất theo.
Mất không gian truyền thống, người Tây Nguyên nói chung và người Mnông tại Đâk R’Lâp sẽ đứng trước sự chông chênh, khó bền vững. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, người có gần 50 năm gắn bó với Tây Nguyên thì “cú sốc lớn nhất đối với Tây Nguyên là làn sóng di dân tự do” và có lẽ cú sốc tiếp theo sẽ là sự thay đổi địa bàn cư trú, nếu chúng ta không có những phương án tái định canh, định cư bền vững nhằm đảm bảo sinh kế và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân cư tại địa phương trước khai thác mỏ quặng, sẽ còn có những tác hại lớn hơn không lường trước được.
6.2. Vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương
Như đã trình bày ở trên, quá trình khai thác bauxite sẽ chiếm dụng một diện tích đất rất lớn nhưng hiệu quả về tạo công ăn việc làm lại không cao. Dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4200ha, nhưng chỉ tạo công ăn việc làm cho 1668 lao động. Như vậy, bình quân các dự án bauxite cần tới 2,5 ha đất để tạo ra 1 việc làm cho người đã được đào tạo. Trong khi đó, 1 ha đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ có thể đáp ứng việc làm cho 5 người mà không cần phải trải qua các chương trình đào tạo quá phức tạp. Ngoài ra, cần phải đặt vấn đề rằng ai sẽ là người được tạo công ăn việc làm tại các nhà máy, công trường của các dự án alumna ở thời điểm hiện tại và trong tương lai?
Mặc dù nhà máy alumina Tân rai đã được khởi công xây dựng và cần một lượng nhân công tương đối lớn trong 2 năm đầu tiên xây dựng nhà máy. Nhưng do phương thức đấu thầu EPC giữa chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) và đơn vị trúng thầu (Công ty CHALIECO) nên phần lớn công ăn việc làm trong thời gian xây dựng nhà máy (kể cả lao động thủ công) lại được tạo ra cho người Trung Quốc, số lượng người Việt Nam tham gia là rất ít.
Trong thời gian gần đây, Tập đoàn TKV đã gửi đi đào tạo hàng trăm con em địa phương để trở thành các kỹ sư và công nhân cho các nhà máy về sau, nhưng phần lớn lại là con em người Kinh từ vùng xuôi di cư lên sinh sống ở trên này. Số lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Mơ Nông, Châu Mạ được đào tạo là rất ít. Điều này cũng tương tự như đối với các dự án công nghiệp khác việc con em các đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào làm việc tại các nhà máy là rất ít, do trình độ văn hóa của các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tương đối thấp so với yêu cầu đào tạo tại các trường dạy nghề, tập quán văn hóa cũng khác.
6.3. Khoảng cách giàu nghèo và phân tầng xã hội
Do không tạo được nhiều công ăn việc làm cho những người dân tại chỗ, cùng với dự báo sẽ có một làn sóng người nhập cư mới đến để làm việc tại các nhà máy và triển khai các dịch vụ ăn theo thì nguy cơ phân tầng xã hội và nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm người trong các vùng khai thác khoáng sản bauxite sẽ có nguy cơ gia tăng và ngày càng rộng ra. Việc thu hồi đất đai cho khai thác khoáng sản và nguy cơ cộng đồng dân tộc bản địa Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình sẽ là mối nguy thường trực cho các xung đột xã hội tiếp theo. Cần phải đề cao cảnh giác và quan tâm đặc biệt đối với các nguy cơ xung đột xã hội như đã từng xảy ra ở Tây Nguyên trong các năm đầu của thập kỷ này.
7. Các vấn đề về an ninh quốc phòng
Tây Nguyên là “nóc nhà Đông Dương”. Từ xưa đến nay, khi nghiên cứu về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế, chiến lược. Cha ông ta từ xa xưa đã nhận định rằng nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Việt Nam và Đông Dương. Trong cuộc tổng tấn công giải phóng Miền Nam năm 1975, Tây Nguyên được lựa chọn là vùng đầu tiên để nổ súng bằng trận đánh Buôn Ma Thuột và trở thành bàn đạp cho Tổng tiến công Mùa Xuân.
Trong thời gian gần đây tình hình an ninh, chính trị vùng Tây Nguyên có nhiều điểm không thuận lợi cụ thể là các cuộc nổi loạn năm 2001, 2002 và sau đó là một số người dân vượt biên sang biên giới Cam Pu Chia. Vài năm trở lại đây tình hình đã lắng dịu nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt khi các thế lực thù địch vẫn luôn để mắt dòm ngó, tìm kiếm cơ hội để chống phá cách mạng Việt Nam từ đây.
Hơn thế, việc triển khai các dự án với Trung quốc tại khu vực Tân rai, Bảo lâm vi phạm luật của Nhà nước Việt nam trong việc sử dụng lao động nước ngoài (quy định 105/2003 và 203/2008), ảnh hưởng nặng nề đến công ăn việc làm của cư dân tại chỗ. Cũng đã không thể quản lý đựoc hoạt động của công nhân Trung quốc vào làm việc theo visa du lịch ở đó, điều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh địa phương.
Những phân tích về các vấn đề về kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội như đã nêu ở trên, nếu không được giải quyết một cách thấu đáo, kín kẽ sẽ có thể dẫn đến các nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị và an ninh quốc phòng. Vấn đề này lại trở nên càng lo lắng khi gần đây đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đến xây dựng nhà máy tại nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng (vào cao điểm sẽ là con số nghìn).
Kết luận – kiến nghị
Việc khai thác, chế biến tài nguyên để xuất khẩu hoặc sản xuất các sản phẩm có giá trị nhằm đóng góp cho phát triển đất nước, mang lại lợi ích cho người dân địa phương và các tập đoàn / công ty là việc làm bình thường trong quá trình phát triển của mỗi Quốc gia có tài nguyên. Tuy nhiên, khai thác tài nguyên vào lúc nào? Quy mô ra sao? Và bằng cách nào? là những câu hỏi quan trọng cần được đặt ra cho quá trình phát triển và lập định chính sách của Quốc gia, ngành và địa phương. Đặc biệt đối với Việt Nam, việc khai thác tài nguyên và xuất khẩu thô trong giai đoạn ban đầu khi hòa bình mới lập lại nhằm tạo lực và đà cho quá trình xây dựng đất nước là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại chúng ta cần điều chỉnh phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, hài hòa giữa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.
Quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và bước đầu triển khai chương trình khai thác khoáng sản bauxite, chế biến alumina và luyện nhôm ở Tây Nguyên còn nhiều điểm bất cập, cụ thể như sau:
1. Hiệu quả kinh tế rất thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao, bán rẻ các tài nguyên không tái tạo của Đất nước;
2. Nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề ở các dự án đang bước đầu được triển khai và sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia về sau này;
3. Chưa có lời giải thích đáng cho các vấn đề về cơ sở hạ tầng như đường vận tải, nước, điện. Đặc biệt khi Chính phủ phải bỏ tiền ra xây dựng tuyến đường sắt không có hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội;
4. Công nghệ khai thác, chế biến ở nhà máy đầu tiên tại Tân Rai, Lâm Đồng chưa rõ ràng và có thể lặp lại những hậu quả do công nghệ Trung quốc mang lại như đã xảy ra với xi măng lò đứng, thép Thái nguyên, đồng Sinh quyền, các nhà máy mía đường…
5. Nguy cơ ô nhiễm môi trường: ô nhiễm nguồn nước, xung đột sử dụng nước giữa thượng nguồn, hạ nguồn, giữa các ngành sản xuất và tiêu dùng; xói mòn và suy thoái đất hậu khai khoáng và ô nhiễm không khí trong quá trình khai thác khoáng sản. Đặc biệt, thiếu nước có thể gây thiệt hại rất lớn cho khu vực mang lại thu nhập lớn nhất cho quốc gia là cụm công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đồng nai và các tỉnh lân cận
6. Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa bản địa, phân tầng xã hội và xung đột xã hội;
7. Nguy cơ đe dọa đến an ninh Quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia rất lớn.
Với tinh thần trách nhiệm của mình, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xin kiến nghị:
1. Tiến hành đánh giá (môi trường) chiến lược cho quy hoạch và kế hoạch khai thác, chế biến khoáng sản bauxite ở Tây Nguyên: Đánh giá cần dựa trên phân tích cụ thể về cung – cầu và xu thế của thị trường Thế giới và trong nước và tích hợp đầy đủ các chi phí mở rộng bao gồm cả chi phí vận chuyển, chiết khấu về cơ sở hạ tầng, chi phí giảm thiểu tác động môi trường, xã hội và các chi phí cơ hội trong sử dụng đất trong quá trình đánh giá để từ đó đưa ra lộ trình hợp lý cho khai thác khoáng sản bauxite. Phương pháp đánh giá được khuyến nghị dựa trên nguyên tắc xây dựng các kịch bản (phương án) phát triển khác nhau cho việc xây dựng các nhà máy alumina và điện phân nhôm. Trong đó, phương án cao nhất là sẽ vẫn được thực hiện chương trình theo quy hoạch đã được phê duyệt và phương án thấp nhất là chỉ sẽ triển khai 1 nhà máy đã khởi công ở Lâm Đồng (thậm chí không triển khai nếu thấy nhiều nguy cơ bất lợi về mặt kinh tế, xã hội và môi trường), ở giữa 2 phương án này sẽ có từ 3-4 phương án nữa được đưa vào tính toán.
2. Triển khai chương trình điều tra, nghiên cứu Tây Nguyên: Cần nghiên cứu, phân tích và đặt chiến lược khai thác khoáng sản bauxite trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để đề ra chiến lược phát triển vĩ mô cấp vùng. Đối với vùng Tây Nguyên, Chính phủ cần sớm đưa chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III (chương trình Tây Nguyên II đã được triển khai nghiên cứu cách đây gần 20 năm) vào cuộc để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển tổng thể khu vực này, trong đó bauxite sẽ tham gia như một ngành công nghiệp đáng lưu tâm.
3. Xây dựng chương trình khai thác khoáng sản thí điểm: Trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên tập trung vào xây dựng 1 nhà máy thí điểm tại Bảo Lâm, Lâm Đồng trên cơ sở lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật mới, phù hợp. Chưa nên nóng vội triển khai xây dựng nhà máy alumina Nhân Cơ bởi thị trường alumina trên Thế giới giai đoạn này chưa ổn định, hơn nữa chúng ta chưa có những chuẩn bị chu đáo và cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và lực lượng nhân công. Chờ đợi khi kết quả đánh giá chiến lược được thực hiện xong sẽ quyết định phương án triển khai tiếp theo.
4. Vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng cần được coi là một trong các tiêu chí quyết định, nhất là đối với địa bàn trong yếu Tây Nguyên, đúng với tinh thần Hiến pháp của Nhà nước ta và các Nghị quyết của Đảng.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình và khả năng tập hợp chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ra làm cơ quan chủ trì chương trình đánh giá chiến lược cho quy hoạch bauxite và chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III để tham mưu, tư vấn cho Trung ương Đảng và Chính phủ phương án phát triển Tây Nguyên và Bauxite khả thi nhất. Kính đề nghị Ban bí thư Trung Ương và Thủ tướng chính phủ xem xét, cân nhắc./.
VUSTA
1 Theo số liệu quyết định 167/QĐ-TTg
2 Luyện một tấn nhôm tiêu thụ mất 13.500 – 14.500 kwh, với giá điện khoảng 3,5 cent USD thì mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
3 Alumina là sản phẩm được chế biến thô từ bauxite, và là nguyên liệu dùng để điện phân nhôm.
4 Đây mới chỉ là dự tính ban đầu còn khi vào triển khai chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều, lấy ví dụ nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng trong quy hoạch chỉ đưa ra dự toán đầu tư khoảng ??? cho đến nay khi bắt tay vào xây dựng tổng chi phí đầu tư cho nhà máy này ước tính khoảng 12.000 tỷ đồng (riêng gói thầu EPC cung cấp nhà máy chính đã có giá là 466 triệu USD – tương đương gần 8.000 tỷ đồng)
5 “Cảnh báo vấn đề thiếu hụt tài nguyên nước cho phát triển lưu vực sông Đồng Nai” – Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – tại:
http://www.vacne.org.vn/TTHD_7/TinHoi_032009.htm
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét