Nghĩ về viết lách: Viết là tự hủy diệt
Nguyễn Hưng Quốc
Với tư cách là người đọc, mỗi người trong chúng ta luôn luôn là những đứa con rơi của vô số những tác giả chúng ta đọc từ thuở còn niên thiếu. Những tác giả ấy, qua tác phẩm của họ, đã dần dần hun đúc khiếu thẩm mỹ của chúng ta; định hình cách nghĩ và cách cảm của chúng ta. Bởi vậy, tự bản chất, mỗi người trong chúng ta bao giờ cũng lạc hậu hơn một chút so với nền văn học đích thực vào thời đại chúng ta đang sống.
Hệ quả là, với tư cách là người đọc, bao giờ chúng ta cũng dễ đồng cảm với những dòng văn học đã qua hơn là dòng văn học đương đại; với tư cách là người viết, những dòng chữ xuất hiện một cách tự phát, hồn nhiên và dễ dãi nhất, trái với những cách nghĩ quen thuộc, thường là những dòng chữ rất đáng ngờ vực: một người, suốt thời trung học, cứ ngâm nga thơ Xuân Diệu hay thơ Nguyễn Bính mãi, đến lúc cầm bút, những câu thơ "vụt hiện" đầu tiên thường có nguy cơ dính đầy nước dãi của Xuân Diệu và Nguyễn Bính.
Nhiệm vụ của hắn ở đây không phải là nâng niu những câu thơ, nói theo chữ của Bùi Giáng, "tèm nhem tâm hồn" ấy, mà là phải xoá bỏ những câu thơ ấy, nghĩa là, nói cách khác, phải chống lại chính bản thân mình, phải tái tạo chính mình, chứ không phải chỉ đơn giản là cần thành thực với chính mình mà thôi.
Cũng nói theo chữ của Bùi Giáng:
Tôi từ cái bóng của anh
Dệt thêu ngôn ngữ tôi thành ra tôi.
Trong tập tiểu luận Contre Sainte-Beuve, hoàn thành năm 1909 nhưng mãi đến năm 1954 mới được in lần đầu, nhà văn Marcel Proust (1871-1922) tuyên bố: "Một cuốn sách là sản phẩm của một cái tôi khác." Thật ra, đây chỉ là vọng âm của một câu nói khác, nổi tiếng hơn, của Rimbaud, trước đó: "Tôi là một kẻ khác" (JE est un autre). Viết không phải là hình thức tự bộc lộ mình như cái điều người ta thường nói mà là hình thức tự thay đổi mình, tự biến mình thành người khác, thành những cái tôi khác.
Viết là tự hủy diệt.
Quá trình tự huỷ diệt phải lặp lại không ngừng, nếu không, bất cứ người nào, dù đã đi đến tận cùng cái mới, cũng tức khắc trở thành sáo mòn và lạc hậu. Việc phá đổ truyền thống, đến lúc nào đó, tự nó, cũng biến thành một truyền thống, cần phải phá đổ tiếp.
Có một bài học cực kỳ quan trọng, nhưng tiếc, đến nay, hình như chưa ai nhắc đến: có những kẻ tiên phong ở giai đoạn trước lại biến thành bảo thủ, thậm chí, bảo thủ một cách lẩn thẩn ở giai đoạn sau.
Trước năm 1930, trong làng thơ Việt Nam, không ai giàu óc sáng tạo bằng Tản Đà, nhưng khi phong trào Thơ Mới xuất hiện, Tản Đà lại hoàn toàn hờ hững, không hề cảm được cái hay và cái mới của Thơ Mới.
Rồi trong phong trào Thơ Mới, người mới nhất vào khoảng giữa thập niên 30 chắc chắn là Xuân Diệu, nhưng chính Xuân Diệu lại là người phản đối kịch liệt sự đổi mới ít nhiều mang màu sắc siêu thực của Hàn Mặc Tử vào cuối thập niên 30, cũng như những sáng kiến làm thơ không vần của Nguyễn Đình Thi vào cuối thập niên 40.
Không phải Tản Đà hay Xuân Diệu đố kỵ những tài năng đi sau mình.
Lý do, theo tôi, phức tạp hơn nhiều: họ là tù nhân của cái mới do họ sáng tạo ra. Những cái mới ấy đã định nghĩa lại thơ và họ cứ tưởng cái định nghĩa ấy là một định nghĩa vĩnh cửu về thơ, từ đó, họ xem chỉ những gì phù hợp với định nghĩa của họ là thơ; còn lại, tất cả những nỗ lực làm mới khác đều bị xem là nhảm nhí. Từ vị trí của những nhà cách mạng, thoắt một cái, họ trở thành những kẻ phản động.
Và những kẻ phản động như thế, cộng với đám con cháu tinh thần của họ, lúc nào cũng đông nghẹt. Hiện nay lại càng đông, cả trong lẫn ngoài nước. Vừa đông vừa ồn. Vừa ồn vừa khệnh khạng. Vừa khệnh khạng vừa nhố nhăng.
Viết là tự huỷ diệt. Ở đây có hai vấn đề: để trở thành một người sáng tạo, một mặt, người ta không thể không tự huỷ diệt; nhưng mặt khác, người ta lại không thể nào huỷ diệt hoàn toàn quá khứ của mình và tâm thức của chính mình.
Người cầm bút ở trong một tình thế oái oăm: hắn không thể không đổi mới dù biết việc đổi mới ấy bao giờ cũng có tính chất nửa vời và đầy bi kịch.
Tôi rất thích một dự án sáng tác của điêu khắc gia kiêm hoạ sĩ Lê Thành Nhơn: anh vẽ một bức tranh trong đó có hình ảnh một người-đá, một con người bằng đá đang cầm búa tự đục khối đá (là chính mình) để thành người. Tôi tưởng tượng đó cũng chính là hình ảnh của giới văn nghệ sĩ nói chung. Chúng ta không sinh ra là nhà văn hay nhà thơ hay nhà lý luận phê bình. Chúng ta tự đục đẽo mình thành nhà văn, nhà thơ và nhà lý luận phê bình. Và đục đẽo, thực ra, cũng có nghĩa là vứt bỏ.
Nhưng như thế, điều chúng ta cần, trước hết, là một cây búa. Như Nietzsche, ở Đức, hồi cuối thế kỷ trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét