17/12/10

Bình luận về bài “Tranh chấp Biển Đông Nam Á......

Bình luận về bài
“Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế” của TS Vũ Quang Việt



Dương Danh Huy
Hoàng Anh Tuấn Kiệt



Vấn đề Biển Đông đang ngày càng trở thành mối quan tâm an ninh chiến lược tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Biển Đông có vị trí trọng yếu trong giao thương hàng hải và có tầm chiến lược quân sự không những của riêng khu vực Đông Nam Á mà còn của Châu Á – Thái Bình Dương. Nước nào làm chủ được Biển Đông thì sẽ chi phối được Đông Nam Á và nắm giữ vai trò quan trọng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc nâng tầm quan trọng của Biển Đông thành an ninh quốc gia và quả quyết là “quyền lợi cốt lõi”, tương đương như những vấn đề Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương. Với lý do đó, một khi quyền lợi này bị đe dọa hay bị can thiệp thì Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để cưỡng đoạt. Chính những tuyên bố và hành động cứng rắn trong thời gian gần đây của Trung Quốc đã gây quan ngại, không chỉ với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và những nước có quyền lợi hàng hải liên quan, mà với cả toàn thế giới, khi mà những hành động này ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Bài viết này sẽ thảo luận về các giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông đã được đề xuất trong công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Vũ Quang Việt. Chúng tôi sẽ bàn sâu hơn đến các vấn đề quan trọng như các nguyên tắc cho việc tìm các giải pháp, đặc tính của các giải pháp, sự phức tạp của vấn đề tranh chấp, đề xướng các giải pháp, …Bài viết sẽ xem xét những yếu tố trên dựa theo chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế. Cuối cùng sẽ tóm lược lại những điểm hợp lý và chưa hợp lý trong công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, đồng thời đề xuất những giải pháp bổ sung cho vấn đề tranh chấp.



1. Sơ lược bài viết của TS Vũ Quang Việt

Công trình nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt (“Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế” Thời Đại Mới số 19, 7/2010) cho thấy đó là một công trình công phu, tác giả rất tâm huyết với vấn đề mang tính sống còn cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bài viết đã thể hiện sự công tâm và tinh thần công bằng đáng trân trọng, đồng thời thể hiện tinh thần cầu thị cao. Những đức tính đó rất đáng quý trong việc nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông. Song, có đôi điều chúng tôi muốn bàn luận thêm về nội dung cũng như một số khía cạnh của bài viết.

Phạm trù của bài viết

Phần lớn Phần II, “Xem xét lại những yêu sách dựa trên ‘chủ quyền lịch sử’ ”, và Phần III, “Bối cảnh: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý” là về đảo, không phải về biển. Tất cả các tiêu đề trong hai phần này là về đảo.

Trên thực tế, tranh chấp đảo chỉ là một cái cớ cho vùng biển lưỡi bò, vì tranh chấp đảo không thể nào gây ra một vùng tranh chấp rộng lớn như thế. Thậm chí, có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp đảo để nguỵ trang và đánh lạc hướng các bên trong cuộc tranh chấp về đường lưỡi bò hoàn toàn vô lý của họ.

Chúng tôi cho rằng bài “Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế” tập trung nhiều vào tranh chấp đảo, và như thế là không phản ảnh chính xác thực tế nói trên. Có lẽ đây là một bài viết về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa hơn là về tranh chấp biển.

Bài viết nhấn mạnh từ “lịch sử”, ví dụ như trọng các cụm từ “chứng cứ lịch sử”, “chủ quyền lịch sử”, nhưng chỉ dùng những từ này để nói về thời đại phong kiến. Theo ý kiến của chúng tôi, dùng từ như thế là không chính xác, vì “lịch sử” phải bao gồm tất cả những gì trong quá khứ, ví dụ như thời đại phong kiến và hậu phong kiến. Phân loại chứng cớ thành “lịch sử” hay “không phải lịch sử” (tức là phong kiến hay không phải phong kiến) cũng không sát với pháp lý quốc tế vì các phiên toà quốc tế không dùng cách phân loại đó.

Phạm trù của bình luận: tranh chấp Trường Sa

Trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, thực tế tồn tại ba loại tranh chấp khác nhau:

1. Tranh chấp các đảo Hoàng Sa.

2. Tranh chấp các đảo Trường Sa.

3. Tranh chấp biển và thềm lục địa.

Trong bài này, chúng tôi sẽ chỉ bình luận về những gì TS Vũ Quang Việt viết liên quan đến tranh chấp các đảo Trường Sa. Với phạm trù này, có thể tóm tắt lập luận của tác giả như sau:

1. Không có chứng cớ chứng tỏ rằng các triều đại phong kiến Trung Quốc đã từng tuyên bố hay thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

2. Năm 1951 là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

3. Gần như không có chứng cớ chứng tỏ rằng các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

4. Năm 1933 Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng có một số vấn đề phức tạp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.

5. (Tác giả cho rằng) các đảo Trường Sa chưa chắc có nhiều quyền lợi từ biển, và nếu có thì cũng không thể thực hiện được trước khi giải quyết tranh chấp.

6. Về chủ quyền đối với các đảo Trường Sa, tác giả đề nghị nguyên tắc “Sẽ là một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan nếu bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á (ĐNA)”.

7. Tác giả đưa ra một giải pháp gồm ba bước, bước thứ ba có hai sự lựa chọn về chủ quyền đối với các đảo Trường Sa:

i. Các đảo này là tài sản chung của các nước trong tranh chấp, hay

ii. Nước nào đang chiếm đảo nào thì chủ quyền của đảo đó thuộc về nước đó.

Trong các luận điểm trên, bài viết đã áp dụng nguyên tắc “chứng cớ cho chủ quyền là sự tuyên bố và thực thi chủ quyền ở cấp nhà nước” cho thời kỳ phong kiến. Đó là nguyên tắc đúng. Trong thời kỳ hậu phong kiến, nguyên tắc đó, tuy vẫn đúng, nhưng không đủ bao quát để đánh giá các sự kiện, và bài viết cũng không đánh giá các sự kiện đó một cách chính đáng.

Để minh hoạ, có thể ví bài viết như một quyển sách đi từ chương đầu tiên (áp dụng nguyên tắc pháp lý cho thời đại phong kiến) thẳng đến chương cuối cùng (đưa ra giải pháp) mà thiếu chương giữa (áp dụng nguyên tắc pháp lý cho thời đại hậu phong kiến). Có thể nói rằng, không chỉ thiếu chương giữa mà trong luận điểm thứ 6 tác giả đã đề nghị bỏ qua các sự kiện của chương giữa.

Về luận điểm thứ 4, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về những vấn đề phức tạp tác giả nêu ra trong một phần sau. Qua phân tích, chúng tôi cảm thấy rằng tác giả đã chưa có nhận định chính xác hay chưa lý luận chặt chẽ về một số vấn đề phức tạp đó.

Về luận điểm thứ 5, chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải biết các đảo Trường Sa có là của Việt Nam hay không, bất kể các đảo này có thể có nhiều hay có ít quyền lợi, và bất kể chúng ta có thể thực hiện được quyền lợi đó hay không.

Về luận điểm thứ 6, nguyên tắc tác giả đưa ra không phù hợp với luật quốc tế hay tập quán quốc tế. Không những thế mà nguyên tắc này rất có lợi cho Trung Quốc và phương hại đến Việt Nam. Nếu chúng ta phủ định tuyên bố 1933 và các hành đông liên quan của Pháp thì trọng lượng tương đối của tuyên bố chủ quyền 1951 của Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhiều. Đó là lý do tại sao các học giả Trung Quốc cố gắng bằng mọi cách để phủ định tuyên bố 1933 và các hành đông liên quan của Pháp, cũng như các hành động thực dân, đế quốc, trong khi luật quốc tế và tập quán quốc tế công nhận những tuyên bố và hành động như thế.

Theo ý kiến của chúng tôi, chúng ta phải áp dụng pháp lý quốc tế, phải lý luận chặt chẽ và phải tôn trọng tất cả các chứng cớ trong lịch sử Trường Sa (bao gồm cả thời đại phong kiến và hậu phong kiến) trước khi có thể đi đến chương cuối về một giải pháp công bằng dựa trên chứng cớ lịch sử và luật pháp quốc tế. Lịch sử là lịch sử, mọi luận chứng và luận cứ lịch sử phải được đối xử như nhau, không thể chỉ chấp nhận lịch sử phong kiến mà bỏ đi phần lịch sử trong thời kỳ thực dân.

Về luận điểm thứ 7, hai sự lựa chọn tác giả đưa ra đều không nhất thiết là công bằng. Những lựa chọn này chỉ công bằng nếu như:

· Khi mỗi nước bắt đầu tranh chấp các đảo Trường Sa thì chúng vẫn còn là đất vô chủ, hay

· luật quốc tế không thể xác định được các đảo Trường Sa thuộc nước nào, hoặc không thuộc nước nào.

Trong bài viết, tác giả chưa chứng minh hai điều trên, cho nên cho rằng những lựa chọn mà tác giả đưa ra là công bằng thì thật là thiếu cơ sở. Ngay cả những vấn đề phức tạp về chủ quyền đối với các đảo Trường Sa mà tác giả nêu ra cũng không chứng minh được hai điều trên, tức là cũng không làm cho hai sự lựa chọn tác giả đưa ra là công bằng. Cụ thể, nếu Trường Sa là của Việt Nam, và chúng tôi tin là như thế, thì hai sự lựa chọn đó đều không công bằng cho Việt Nam.

Qua đó điều chúng ta cần bây giờ là giải pháp giải quyết tranh chấp biển-đảo công bằng cho các bên liên quan.

2. Giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông

a. Nguyên tắc cho việc đi tìm giải pháp tranh chấp giải quyết tranh chấp Biển Đông

Để có được giải pháp giải quyết cho các tranh chấp lãnh thổ, những yếu tố dưới đây cần được xem xét:

i. Xác định tiêu chí cho sự công bằng nằm ở đâu.

ii. Đi tìm các giải pháp.

iii. Đánh gía mỗi giải pháp qua hai tiêu chuẩn:

· Giải pháp đó nằm cách sự công bằng bao xa và chúng ta có thể chấp nhận khoảng cách đó hay không?

· Tính khả thi của giải pháp đó.

Có thể nói vị trí của sự công bằng là “đường cơ sở” cho việc đi tìm giải pháp. Không có đường cơ sở đó, chúng ta không thể đánh giá bất cứ giải pháp nào. Giả sử chúng ta đưa ra một giải pháp khả thi nhưng chúng ta không biết sự công bằng nằm đâu, tức là không biết giải pháp đó nằm ở đâu so với sự công bằng, thì chúng ta không thể biết giải pháp đó có bất công cho chúng ta hay không, và nếu bất công thì bất công đến mức nào. Nếu không biết thì chúng ta không thể lựa chọn, hay thậm chí đánh giá, giải pháp đó.

Trong tranh chấp lãnh thổ, có nhiều quan điểm khác nhau về sự công bằng. Các phiên toà quốc tế phân xử tranh chấp lãnh thổ, đều rất khách quan, khoa học và tinh tế về sự công bằng. Những phiên toà này nói riêng và pháp lý quốc tế nói chung là thước đo khách quan nhất, khoa học nhất, tinh tế nhất cho sự công bằng trong tranh chấp lãnh thổ.

Vì vậy, tiên đề cho việc đi tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ là xác định sự công bằng nằm ở đâu, và để xác định sự công bằng nằm ở đâu thì phải đi sát với pháp lý quốc tế, sát với những nguyên tắc trong các phiên toà quốc tế phân xử tranh chấp lãnh thổ.

Trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, lập luận của Trung Quốc có nhiều màu sắc loè loẹt, ví dụ như Trung Quốc có thể viện dẫn, tuy là một cách mạo nhận và nguỵ biện, tài liệu có từ những triều đại phong kiến cổ xưa và nổi tiếng, như Hán, Đường, Tống, Minh. Điều này làm cho lập luận của Trung Quốc có tính quyến rũ và tính mỵ dân rất cao. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, các phiên toà quốc tế sẽ loại những tài liệu mơ hồ, không có tính xác lập chủ quyền đó. Nếu đi sát với luật quốc tế thì các tuyên bố và hành động của Việt Nam là chứng cớ mạnh hơn cho việc xác lập chủ quyền.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải bám sát luật quốc tế: đó vừa là tiêu chuẩn khách quan nhất, khoa học nhất cho sự công bằng, vừa là dao bén để cắt qua những lớp màu sắc loè loẹt, mỵ dân của lập luận của Trung Quốc.

b. Các đặc tính của tranh chấp Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông có ba đặc tính:

1. Tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với các đảo.

2. Tồn tại tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển và thềm lục địa.

3. Các yếu tố địa - chính trị đặc thù có tác động lên tính khả thi của các giải pháp hay chiến lược khác nhau.

Đặc tính 1 và 2 nằm trong hai phạm trù pháp lý khác nhau. Đặc tính 3 không nằm trong phạm trù pháp lý. Vì vậy, trong phân tích, chúng ta nên tránh đan xen chúng với nhau. Cụ thể:

· Khi phân tích về pháp lý của chủ quyền đối với các đảo thì cần tách biệt với vấn đề phạm vi của các vùng biển thuộc mỗi đảo và realpolik.

· Khi phân tích về pháp lý của phạm vi của các vùng biển thuộc mỗi đảo thì cần tách biệt với vấn đề chủ quyền đối với các đảo và realpolitik.

· Khi một vấn đề nằm trong vùng xám pháp lý thì chúng ta có thể lựa chọn vị trí dựa trên những yếu tố realpolitik.

c. Sự phức tạp về chủ quyền đối với Trường Sa

Trong bài viết, TS Vũ Quang Việt đưa ra một số “vấn đề phức tạp” liên quan đến chủ quyền đối với Trường Sa. Chúng tôi sẽ phân tích những vấn đề đó để thấy rõ ràng rằng chúng có thực sự phức tạp hay không.

Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm lý do nữa là khi Pháp tuyên bố chủ quyền thì Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói.

Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982 chỉ quy định về vùng biển và thềm lục địa nào có thể thuộc về vùng đất nào. UNCLOS 1982 không hề quy đinh gì về vùng đất nào (bao gồm cả đảo và đảo đá) có thể thuộc về nước nào. Việc đảo hay đảo đá của một nước nằm trong một vùng khép kín bên trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác là một điều hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982. Nó không thể là lý do hợp pháp để một nước phản đối tuyên bố chủ quyền của một nước khác đối với một đảo.

Trên thực tế, Philippines không phản đối tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa năm 1933. Khi Philippines chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa năm 1971[1], thì Philippines cho rằng Trường Sa là đất vô chủ[2], nhưng họ cũng không nói rằng đó là vì tuyên bố 1933 của Pháp không hợp pháp.

(Có ý kiến cho rằng Philippines đã cho rằng sau Thế Chiến 2 thì Trường Sa là đất vô chủ[3], ví dụ như với lý do trong Hiệp Định San Francisco 1951 Nhật từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa nhưng không nói là trả cho nước nào. Tuy nhiên, luận điểm cho rằng “Trường Sa là đất vô chủ do Nhật từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng không nói là trả cho nước nào”, sẽ không hợp lý, vì khi Nhật từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa thì chủ quyền đó sẽ thuộc về nước đã tuyên bố chủ quyền trước khi Nhật chiếm Trường Sa.)

Khi Philippines chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa vào năm 1971 thì họ cũng không dùng lý do khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS 1982, đơn giản là vì vào năm 1971 thì UNCLOS 1982 và quy chế vùng đặc quyền kinh tế của nó chưa ra đời. Philippines chỉ nói rằng Trường Sa là đất vô chủ, vì một số đảo nằm gần Philippines, quan trọng cho Philippines, cho nên Philippines tuyên bố chiếm hữu chúng.

Cho tới nay, Toà án Công lý Quốc tế đã phân xử nhiều tranh chấp lãnh thổ liên quan đến những nước đã từng là thuộc địa. Khi xét những sự kiện trong thời kỳ thuộc địa, Toà không dùng lập luận trong thời kỳ đó nước này hay nước kia chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói. Ngược lại, Toà xem các hành vi của các nhà nước thực dân liên quan như hành vi của những nhà nước đại diện hợp pháp cho những nước thụộc địa này.

Trong tranh chấp Trường Sa, việc Philippines, Malaysia và Brunei chưa phải là những nước độc lập vào năm 1933 không phải là vấn đề, vì Toà sẽ cho rằng vào thời điểm đó Mỹ đại diện cho Philippines, Anh đại diện cho Malaysia và Brunei, và sẽ xét các hành vi liên quan của Mỹ và Anh. Ngoài ra, vào năm 1933, Anh và Mỹ cũng không cấm các đại diện bản xứ, ví dụ như các vị sultan, nói với Anh, Mỹ rằng Trường Sa là của họ, nhưng các đại diện bản xứ này đã không nói điều đó.

Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính thức. Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp.

Khi tồn tại hai nước cùng tuyên bố chủ quyền trên một vùng lãnh thổ thì vùng lãnh thổ đó hoặc là thuộc về nước này, hoặc là thuộc về nước kia, hoặc là nằm trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Theo luật quốc tế, cả ba tình trạng này đều khác với res nullius (đất vô chủ) và ở cả 3 tình trạng này đều không cho phép một nước thứ ba nhảy vào tranh chấp chủ quyền một cách hợp pháp.

Giả sử hành động của Anh năm 1877 có làm cho Trường Sa không còn là đất vô chủ đi nữa, thì điều đó cũng không thành vấn đề. Lý do là nếu thế thì sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 Trường Sa sẽ nằm trong một trong 3 tình trạng:

1. Hoặc là thuộc về Anh

2. Hoặc là thuộc về Pháp

3. Hoặc là tình trạng tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp

Cả ba tình trạng này đều không phải là res nullius (đất vô chủ), và không cho phép Trung Quốc hay Philippines đòi chủ quyền một cách hợp pháp.

Trên lý thuyết, nếu giả sử như Anh có tranh cãi tranh cãi tuyên bố của Pháp, thì Malaysia có viện hành động của Anh năm 1877 như chứng cớ để đòi chủ quyền.

Nhưng trên thực tế Anh đã không hề tranh chấp Trường Sa với Pháp. Không những Anh không có phản đối chính thức (như tác giả viết), mà còn không có bất kỳ phản đối nào. Không những không có bất kỳ phản đối nào mà trong nội bộ Anh còn cho rằng tuyên bố của Pháp là hợp lý và nói rằng Anh không muốn tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa với Pháp[4]. Mặc dù Anh chưa bao giờ tuyên bố cụ thể rằng họ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, chắc chắn 100% là Toà cho rằng hành vi của Anh có nghĩa nước này đã mặc nhiên công nhận trước sự khẳng định chủ quyền của Pháp. Trên thực tế, trong 3 khả năng trên thì khả năng 1 và 3 đã bị loại ra.

Vì vậy, Anh và Malaysia không thể viện hành động của Anh năm 1877 để đòi chủ quyền. Trung Quốc và Philippines thì lại càng không thể viện hành động của Anh năm 1877 để đòi chủ quyền. Trên thực tế, không có nước nào viện hành động của Anh năm 1877 để đòi chủ quyền. Điều đó cho thấy hành động của Anh năm 1877 không làm cho khía cạnh pháp lý của tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Malaysia phức tạp thêm.

Nhân tiện, chúng tôi xin nói thêm về việc nước nào trong tranh chấp có thể viện chứng cớ nào: Hành động có thể được cho là tuyên bố chủ quyền của Anh năm 1877 chỉ cho phép Anh hay nước thừa kế hợp pháp là những nước duy nhất viện nó như chứng cớ để tranh chấp chủ quyền với Pháp. Hành động đó không cho phép Trung Quốc hay Philippines viện nó như chứng cớ trong việc đòi chủ quyền cho các nước này.

Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933. Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v. nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đề. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới?

Đây là một nghi vấn hợp lý. Chúng ta cần xác định khi mỗi nước tuyên bố về quần đảo Trường Sa ở một thời điểm nào đó thì quần đảo Trường Sa trong tuyên bố đó, vào thời điểm đó, bao gồm những đảo nào, đảo đá nào.

Pháp cũng không có xác định thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm, rồi được Nhật trao lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan).

Việc Nhật chiếm Trường Sa là tranh chấp giữa Nhật và Pháp. Nó chỉ có thể hoặc là có, hoặc là không có khả năng làm cho Trường Sa thuộc về Nhật. Nó không hề làm cho Trường Sa thành đất vô chủ hơn, hay thành của Trung Quốc hơn, hay thành của Philippines hơn, hay thành của Malaysia hơn.

Nếu, và chỉ nếu, việc Nhật chiếm đóng và chủ quyền của Nhật ở Trường Sa được công nhận là hợp pháp thì nó mới có thể làm cho Trường Sa thành đất vô chủ hơn (trong trường hợp Nhật từ bỏ chủ quyền hợp pháp của họ mà không nói là cho ai), hay thành của Trung Quốc hơn, hay thành của Philippines hơn, hay thành của Malaysia hơn (nếu như Nhật trao chủ quyền hợp pháp của họ cho những nước này). Đằng này, việc Nhật chiếm Trường Sa không hề được nước nào hay trọng tài quốc tế nào công nhận là hợp pháp. Ngược lại,

- Pháp luôn luôn phản đối Nhật;

- việc Nhật chiếm Trường Sa là một phần của hành vi bị thế giới lên án, và thế giới đã bắt buộc Nhật phải từ bỏ mọi yêu sách, hay quyền, hay chủ quyền đối với Trường Sa trong Hiệp Định San Francisco.

Vì vậy, việc Nhật chiếm Trường Sa từ Pháp không có giá trị pháp lý để làm cho chủ quyền của Nhật vững hơn, hay làm cho Trường Sa trở thành đất vô chủ, hay làm cho Trường Sa bớt thuộc về Pháp, hay làm cho Trường Sa thuộc về Trung Quốc, hay Philippines, hay Malaysia. Tóm lại, việc Nhật chiếm Trường Sa từ Pháp không làm cho khía cạnh pháp lý của vấn đề phức tạp thêm.

Ngược lại, việc Nhật tuyên bố chủ quyền và sau đó chiếm Trường Sa mà chỉ có Pháp phản đối, trong khi Trung Quốc, Mỹ và Anh không hề phản đối, là chứng cớ rằng cho tới ít nhất trước khi Thế Chiến 2 chấm dứt, Trung Quốc, Mỹ và Anh không có tuyên bố hay hành động để khẳng định chủ quyền. Đó là một chứng cớ ủng hộ chủ quyền của Pháp, đại diện cho Việt Nam.

Câu “Nhật trao lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan)” là một lỗi nghiêm trọng.

Trong một bài viết về chủ quyền, từ “trao” không được giới hạn chặt chẽ và rõ ràng thường có nghĩa trao chủ quyền. Nhưng sự thật là không có chuyện Nhật trao Trường Sa hay Hoàng Sa cho Trung Hoa Dân quốc. Không nên lẫn lộn, ngộ nhận hay mạo nhận việc lính Trung Hoa Dân quốc đến đảo Phú Lâm và Ba Bình là Nhật trao Trường Sa hay Hoàng Sa cho Trung Hoa Dân quốc, nhất là nếu từ “trao” không được giới hạn chặt chẽ và rõ ràng. Nếu có sự lẫn lộn, ngộ nhận hay mạo nhận thì nó sẽ giống như lẫn lộn, ngộ nhận hay mạo nhận việc lính Anh đến miền Nam sau Thế Chiến 2 là Nhật trao chủ quyền đối với miền Nam cho Anh.

Trên thực tế, hoàn toàn không có chứng cớ rằng Nhật đã trao chủ quyền đối với Hoàng Sa hay Trường Sa cho bất cứ chính phủ nào của Trung Quốc trước Hiệp Định San Francisco 1951. Thêm vào đó, có thể lý luận rằng vì Nhật chưa trao chủ quyền đối với Hoàng Sa hay Trường Sa cho nước khác trước Hiệp Định San Francisco 1951 cho nên Nhật mới có thể và mới phải bỏ mọi yêu sách, hay quyền, hay chủ quyền đối với hai quần đảo này trong hiệp định đó.

Vì Nhật đã từ bỏ mọi yêu sách, hay quyền, hay chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong Hiệp Định San Francisco. Cho nên sau hiệp định đó không còn bất cứ quyền gì để trao Hoàng Sa hay Trường Sa cho bất cứ nước nào khác. Có thể kết luận rằng không thể có chuyện Nhật trao chủ quyền đối với Hoàng Sa hay Trường Sa cho Trung Quốc (như Trung Quốc mạo nhận).

Cũng xin nói thêm rằng phía Trung Quốc cũng nói rằng Nhật trao Trường Sa lại cho Trung Quốc và hay dùng những thủ đoạn ngôn ngữ tương tự để ngấm ngầm gieo rắc những tư duy sai vào tâm lý người đọc.

Các đảo đá quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ.

Không chiếm cứ không có nghĩa là bỏ ngỏ. Việt Nam không chiếm cứ tất cả các đảo lân cận đảo Côn Đảo, không có nghĩa là Việt Nam bỏ ngỏ những đảo mình không chiếm cứ. Chỉ khi nào có nước khác tới chiếm đảo nào mà Pháp không phản đối thì mới có thể có lý do để nói là Pháp bỏ ngỏ.

Không những thế, từ bỏ ngỏ cho đến bỏ chủ quyền còn một quãng đường xa. Ví dụ GS Chemillier-Gendreau cho rằng để chứng minh bỏ ngỏ là từ bỏ chủ quyền, cần phải chứng minh là tồn tại ý định từ bỏ chủ quyền của mình[5].

Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956. Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả. Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người.

Năm 1933 Pháp sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Như vậy chủ quyền đối với Trường Sa mặc định đi kèm theo chủ quyền đối với tỉnh Bà Rịa. Điều không ai có thể tranh cãi là khi Pháp công nhận sự độc lập của Việt Nam thì chủ quyền đối với tỉnh Bà Rịa thuộc về Việt Nam. Câu hỏi chính đáng là trước khi Pháp công nhận sự độc lập của Việt Nam thì Pháp có tách Trường Sa ra khỏi Bà Rịa hay không? Hay khi Pháp công nhận sự độc lập của Việt Nam thì Pháp có bảo lưu chủ quyền của mình đối với Trường Sa hay không? Câu trả lời cho hai câu hỏi này là “Không” và “Không”. Như vậy không tồn tại gì để thay đổi việc chủ quyền đối với Trường Sa mặc định đi kèm theo chủ quyền đối với tỉnh Bà Rịa. Vì vậy chủ quyền đối với Trường Sa mặc định thuộc về Việt Nam, không cần Pháp phải nói cụ thể rằng họ trao Trường Sa cho Việt Nam.

Đó cũng là tập quán quốc tế trong giai đoạn giành độc lập của các nước thuộc địa. Trong giai đoạn cai trị một nước như thuộc địa, nước thực dân thường chiếm hữu thêm lãnh thổ và sáp nhập vào thuộc địa của mình. Khi nước thuộc địa trở thành độc lập thì vùng lãnh thổ mới này mặc định thuộc về nước đó. Nếu không có hành động để tách vùng lãnh thổ mới này ra khỏi nước đó thì vị trí mặc định là vị trí áp dụng.

Việc chiếm đóng lãnh thổ mà nước khác đã tuyên bố chủ quyền trước không bao giờ được Toà công nhận là có giá trị trong lập luận pháp lý về chủ quyền, cho nên những sự chiếm đóng như TS Vũ Quang Việt đề cập đến không làm cho khía cạnh pháp lý trở nên phức tạp thêm.

Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1988.

Việc chiếm đóng lãnh thổ mà nước khác đã tuyên bố chủ quyền trước không bao giờ được Toà công nhận là có giá trị trong lập luận pháp lý về chủ quyền, cho nên sự chiếm đóng này không làm cho khía cánh pháp lý phức tạp thêm.

Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị cai trị mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, dù chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối?

Pháp và Việt Nam không đòi hỏi làm chủ tất cả các đảo ở Biển Đông Nam Á.

Tuyên bố chủ quyền của Nhật làm cho Trường Sa nằm trong một trong 3 tình trạng:

1. Hoặc là thuộc về Pháp

2. Hoặc là thuộc về Nhật

3. Hoặc là tình trạng tranh chấp chủ quyền giữa Pháp và Nhật

Cả 3 tình trạng này đều không phải là res nullius (đất vô chủ), và không cho phép Trung Quốc hay Philippines hay Malaysia đòi chủ quyền một cách hợp pháp. Vì vậy, tuyên bố chủ quyền của Nhật không làm cho khía cạnh pháp lý của tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Malaysia phức tạp thêm. Thêm vào đó, việc nhật từ bỏ yêu sách đối với Trường Sa trong Hiệp Định San Francisco 1951 đã loại khả năng 2 và khả năng 3 ra khỏi 3 khả năng trên.

Vấn đề “Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi” không phải là vấn đề. Luật quốc tế không đòi hỏi đủ sức thực hiện quyền làm chủ ở mọi nơi. Vấn đề là Pháp có làm đủ trình tự pháp lý cho việc xác lập chủ quyền hợp pháp hay không? có làm nhiều hơn các nước khác hay không?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, GS Chemillier-Grendreau cho là đủ.

Để trả lời câu hỏi thứ nhì, từ 1933 cho đến sau Thế Chiến 2, Pháp làm nhiều hơn Trung Quốc, Anh, Mỹ - các nước này không hề làm gì. Pháp đã làm nhiều hơn các nước này và phản đối tuyên bố và sự xâm chiếm của Nhật trong khi các nước này không phản đối.

Chỉ có Nhật là có thể tuyên bố và hành động để cạnh tranh chủ quyền với Pháp, nhưng Hiệp Định San Francisco đã loại Nhật ra khỏi vòng tranh chấp.

Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp.

Lợi ích từ biển thuộc đảo và chủ quyền đối với đảo là hai vấn đề khác nhau. Bất kể lợi ích từ biển thuộc đảo là lớn hay nhỏ, chúng ta cũng cần phải biết chủ quyền đối với đảo thuộc về ai. Bất kể hiện nay chúng ta có thể gặt hái lợi ích từ biển thuộc đảo, dù lớn hay nhỏ, hay không, chúng ta cũng cần phải biết chủ quyền đối với đảo thuộc về ai. Vì vậy, chúng ta không nên xem vấn đề lợi ích từ biển thuộc đảo là lớn hay nhỏ và vấn đề có thực hiện được lợi ích đó hay không như những yếu tố làm giảm giá trị của việc xác định chủ quyền đối với đảo.

d. Giải pháp cho chủ quyền đối với Trường Sa

Về chủ quyền đối với Trường Sa, TS Vũ Quang Việt đề nghị

Sẽ là một giải pháp công bằng và hợp lý cho tất cả các bên liên quan nếu bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở ĐNA.

Trong luật quốc tế, khi phân xử tranh chấp lãnh thổ liên quan đến các nước đã từng là thuộc địa, Toà án Công lý Quốc tế công nhận những hành vi phù hợp với luật pháp vào thời điểm đó của các nhà nước thực dân. Đó cũng là tập quán quốc tế: biên giới của các nước trước đây là thuộc địa thường là biên giới do các hành vi của các nhà nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa.

Đề nghị “bỏ sang một bên thế kỉ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân ở ĐNA” đi ngược với luật quốc tế và tập quán quốc tế, đồng thời cũng bỏ qua mất giai đoạn lịch sử quan trọng. Trên nguyên tắc, khó có thể nói rằng đề nghị này sẽ dẫn đến một giải pháp công bằng. Trên thực tế, đề nghị đó không những đi ngược với luật quốc tế hay tập quán quốc tế mà còn bất lợi cho Việt Nam, vì nó sẽ phủ định một số lập luận phù hợp với luật quốc tế của Việt Nam. Các học giả Trung Quốc cũng cố tình phủ định các hành vi của Pháp ở Trường Sa với cớ là “chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân”, vì phủ định như thế rất có lợi cho lập luận của Trung Quốc.

Nói chung, lập luận của phía Trung Quốc rất mang tính mỵ dân, tuyên truyền cho giới bình dân bởi tính tính quyến rũ và huyền thoại, nhưng, theo hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, lập luận của Việt Nam đi sát với pháp lý quốc tế và có nhiều lợi thế hơn. Có học giả Trung Quốc, có lẽ do nhận thấy ưu thế của phía Việt Nam trong pháp lý quốc tế, phản biện rằng luật quốc tế về chủ quyền là luật của chủ nghĩa thực dân, không thể áp dụng cho khu vực.

Vì vậy, và vì tinh thần “Luật quốc tế là thước đo khách quan nhất, khoa học nhất, và tinh tế nhất cho sự công bằng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ”, chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu Việt Nam nên đi sát với luật quốc tế, tìm cách tận dụng luật quốc tế, và đặc biệt không bỏ qua những ưu thế có từ luật quốc tế.

e. Lối thoát cho bước thứ 3 của giải pháp (của TS Vũ Quang Việt)

i. Bài của TS Vũ Quang Việt chưa chứng minh được rằng hai lựa chọn được đưa ra cho lối thoát là công bằng

Về bước thứ ba của giải pháp cho chủ quyền đối với Trường Sa, tác giả viết như sau:

Một lối thoát trong bước 3 để giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA bao gồm 2 lựa chọn:

1. Tất cả các đảo nhỏ, đảo đá… ở biển ĐNA nên được xem là tài sản chung của tất cả các quốc gia có bờ biển giáp với biển ĐNA. Nguồn thu nhập ròng từ tài nguyên trong biển ĐNA nên được phân chia theo tỷ lệ tương ứng với quy mô của đường cơ sở thẳng ven biển của mỗi quốc gia.

2. Các nước có chủ quyền đối với những điểm mà họ đang chiếm giữ, nhưng chỉ có đảo đá và đảo nhỏ có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Hai lựa chọn trên không công bằng. Nếu pháp lý quốc tế xác định Trường Sa không phải là của ai, hay nếu pháp lý quốc tế không có khả năng xác định Trường Sa là của ai, thì 2 lựa chọn đó sẽ được cho là công bằng. Nếu, theo pháp lý quốc tế, Trường Sa là của Việt Nam thì 2 lựa chọn đó sẽ không công bằng đối với Việt Nam.

Bài viết này chưa phân tích chặt chẽ và sát với pháp lý quốc tế những vấn đề mà tác giả cho là phức tạp liên quan đến chủ quyền đối với Trường Sa. Thậm chí, bài viết có vẻ có nhận định không chính xác và thiếu cơ sở về những vấn đề đó. Do đó, khó có thể cho rằng tác giả đã xác định, hay xác định một cách chính xác, vị trí của sự công bằng để làm đường cơ sở cho việc đánh giá 2 lựa chọn trên.

ii. Có những lựa chọn khác

Nếu vùng biển thuộc các đảo Trường Sa được xác định là không rộng lớn thì điều đó sẽ giảm nhiệt của tranh chấp rất nhiều. Nếu vùng biển thuộc các đảo Trường Sa là nhỏ thì quyền lợi chiến lược và kinh tế thuộc các đảo này cũng nhỏ đi. Quyền lợi chiến lược và kinh tế thuộc các đảo nhỏ đi thì Trung Quốc sẽ bớt hung hăng về khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của các đảo này. Ít nhất, nếu các nước ĐNA trong tranh chấp, các nước có quyền lợi liên đới và các cường quốc hàng hải trong việc bảo vệ quyền lợi và an ninh toàn cầu đồng ý rằng các đảo Trường Sa chỉ có thể được ít biển thì điều đó cũng kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc.

Với những lý do đã trình bày ở trên, Việt Nam nên tập trung vào bước thứ nhất và bước thứ 2 thay vì lựa chọn một trong 2 lựa chọn trên (đều không nhất thiết là công bằng cho Việt Nam) cho bước thứ 3.

Nếu thực hiện được phần nào của bước thứ nhất và bước thứ 2, kìm hãm phần nào sự hung hăng của Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ có thêm thời gian và cơ hội để tìm kiếm lựa chọn công bằng hơn (ngoài 2 lựa chọn mà tác giả đưa ra) cho bước thứ 3, ví dụ như lựa chọn thứ 3: Các nước trong tranh chấp yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế phân xử vấn đề chủ quyền đối với đảo.

Khả năng là lựa chọn này sẽ công bằng hơn lựa chọn 1 và 2.

Theo thiển ý của chúng tôi, rủi ro chính trong một phiên toà về chủ quyền đối với đảo là từ công hàm của Phạm Văn Đồng chứ không phải từ những “vấn đề phức tạp” mà tác giả đưa ra. Trước khi nghiên cứu tới nơi tới chốn, hay kỹ lưỡng nhất có thể, về các rủi ro thì Việt Nam cũng chưa nên chọn lựa chọn 3.

Nếu Việt Nam đã nghiên cứu tới nơi tới chốn và đủ tự tin thì nên yêu cầu các nước chọn lựa chọn 3; nếu chưa nghiên cứu tới nơi tới chốn, hay không tự tin, hay có nước trong tranh chấp chưa chấp nhận để cho Toà phân xử thì Việt Nam nên chọn lựa chọn thứ 4: Tiếp tục tranh chấp chủ quyền đối với các đảo (nhưng không đòi nhiều biển cho mỗi đảo). Các nước có quyền lợi liên quan ký hiệp định ràng buộc không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, không chiếm đóng thêm, không dùng những biện pháp cương hay nhu nhằm chiếm đoạt, v.v.

3. Thảo luận và lời kết

Bài viết của TS Vũ Quang Việt là một công trình công phu trong việc thu thập các sự kiện liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong thời phong kiến và thời Pháp thuộc. Song, chúng tôi cảm thấy bài này còn một số khuyết điểm.

Sự cân bằng của bài này nghiêng về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa hơn là về tranh chấp Biển Đông. Lập luận của bài viết không chặt chẽ và không đi sát với luật quốc tế khi đánh giá về tuyên bố chủ quyền năm 1933 của Pháp và các sự kiện kế tiếp, đặc biệt là về những vấn đề mà tác giả cho là phức tạp.

Bài viết đưa ra hai sự lựa chọn như lối thoát cho bước thứ 3 của giải pháp liên quan đến Trường Sa, nhưng bài viết đã không chứng minh được rằng các lựa chọn ấy là công bằng. Hai sự lựa chọn đó chỉ công bằng nếu Trường Sa không là của nước nào, hay pháp lý quốc tế không thể nói Trường Sa là của nước nào, hay không là của nước nào. Nhưng đó lại là những điều mà bài viết đã không chứng minh được. Ngoài ra, có thể tồn tại những lựa chọn khác có lẽ công bằng cho Việt Nam hơn như chọn lựa 3, 4 được đề cập ở trên.

Việc tác giả đưa ra những vấn đề phức tạp, mà không phân tích kỹ, không có đủ luận cứ và luận chứng, cùng với hai sự lựa chọn trên làm cho người đọc có cảm giác như tác giả nói rằng Trường Sa không phải là của nước nào (e.g. cho nên làm của chung cũng được, hay ai chiếm là được). Theo chúng tôi điều đó không chính xác và bất lợi cho Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền.



Dương Danh Huy
Hoàng Anh Tuấn Kiệt


Chú thích
[1] Valencia, “Sharing the Resources of the South China Sea”, trang 34 và chú thích 147

[2] Valencia, trang 34 và chú thích 149

[3] Valencia, trang 33 và chú thích 143

[4] Marston, “Abandonment of territorial claims: the cases of Bouvet and Spratly Islands”, British Year Book of International Law 1986, trang 337-356

[5] Monique Chemillier-Gendreau, « Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands », Kluwer Law International, 2000, trang 55:

Lastly, the 'animus', as distinct from actual facts, is not lost by reason of their absence. This was a key element of the legal system which prevailed until the late 19th century. A territory is abandoned by its sovereign (and cannot therefore be claimed by another sovereign) only if both elements which together establish sovereignty are lacking. In international law, derelictio results from two elements: in material terms, the absence of any effective administration of the territory concerned; in psychological terms, the intention to abandon the territory.

The rule is of long standing and is still in force. It has been mentioned and applied in various arbitrations. It follows from these premises that Clipperton Island was legitimately acquired by France on November 17, 1858. There is no reason to suppose that France subsequently lost her right by derelictio, since she never had the animus of abandoning the island, and the fact that she has not exercised her authority there in a positive manner does not imply the forfeiture of a acquisition already definitively perfected.

Or again:

Against these titles, the fact of not having actually occupied the island did not prove anything, since the abandonment of the exercise of sovereignty was not enough to establish its loss, the titleholder further had to renounce the animus possidendi.



© Thời Đại Mới


7-12-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét