16/7/13

Nguyễn Xuân Nghĩa - "Ngàn Điểm Sáng"

Tuesday, July 16, 2013

 

"Ngàn Điểm Sáng"


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130715 

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" 
 
Một khía cạnh đẹp của nước Mỹ
 * Tổng thống George H.B. Bush và Tổng thống Obama bên hai người được vinh danh, ông Floyd Hammer và bà Kathy Hamilton, ngày 15 Tháng Bảy 2013. *
Khi còn làm Phó Tổng thống, George H. W. Bush có lần nói thầm trong xe hơi đưa Tổng bí thư Mikhail Gorbachev ra phi trường. Rằng nếu đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, ông sẽ giúp Gorbachev chuyển hướng một cách êm thắm để khỏi đổ máu. Nhưng khi ra tranh cử, ông sẽ bày tỏ lập trường rất bảo thủ để lọt qua ải của cánh hữu đảng Cộng Hoà. Vì thế, nếu ông có phát biểu gay gắt về Liên Xô, Gorbachev nên thông cảm và tin tưởng vào lời cam kết.
Sau này, trước sự khó chịu của ban tham mưu về lập trường cứng rắn của Bush, Gorbachev chỉ trấn an rằng ông hiểu vì sao Phó Tổng thống Mỹ tỏ vẻ nghi ngờ thiện chí cải cách cơ cấu (perestroika) và chính sách minh bạch hóa (glasnost). Trong thế giới của các lãnh tụ chính trị, sự tin cậy là sản phẩm khan hiếm, nhưng quả nhiên là mọi sự diễn tiến êm đẹp. Chiến tranh lạnh kết thúc mà không gây đổ máu.
Khi ra tranh cử Tổng thống năm 1988, ông Bush còn đưa ra khái niệm "ngàn điểm sáng" mà nhiều người chưa hiểu là gì. Mãi về sau người ta mới biết ứng cử viên này nói đến một đặc tính độc đáo của xã hội Hoa Kỳ: dân Mỹ sẵn sàng lao vào công tác thiện nguyện để giúp đỡ người khác mà không để ý gì đến quyền lợi riêng tư.
Từ một nhân vật tiêu biểu của xã hội tư bản, là doanh gia cự phú và chính khách từng làm Đại sứ tại Trung Quốc, Giám đốc tình báo CIA rồi Phó Tổng thống, mấy ai lại tin vào cái lý tưởng được ông ta đề cao trong một cuộc tranh cử?
Người am hiểu về chính trị học thì tìm ra xuất xứ của chuỗi điểm sáng.
Một nhà quý tộc Pháp qua thăm viếng Hoa Kỳ trước đó 157 năm đã nói về ngàn điểm tự nhiên toả sáng từ miền Đông qua miền Tây của nước Mỹ. Đó là phản ứng tự phát của người dân khi lập ra hiệp hội cưu mang cộng đồng trước khi nghĩ đến quyền lợi của họ. Alexis de Tocqueville viết về điều này - và cả ngàn chuyện khác với những tiên đoán chính xác - trong cuốn "Về nền Dân Chủ tại Hoa Kỳ" ("De la Démocratie en Amérique" dịch thành "Democracy in America") một cuốn sách phải đọc nếu muốn biết về nước Mỹ vào thế kỷ 19 - và ngày nay.
Trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ vào Tháng Giêng 1989, ông Bush lại nhắc đến ý này. Ông ký đạo luật khuyến khích công tác thiện nguyện, thành lập sáng hội "Points of Light Foundation" với mục đích là khuyến khích và tạo điều kiện cho người Mỹ tích cực tham gia sinh hoạt phục vụ cộng đồng. Ông mời nhiều doanh gia hay lãnh tụ cộng đồng vào Hội đồng Quản trị của Sáng hội Điểm Sáng: Tổng quản trị CEO của Disney, Coca Cola, IBM, United Way hay Chủ tịch trường Spellman, v.v....
Khi ấy, các đối thủ chính trị và nhiều người khác đã châm biếm sáng kiến và sáng hội này.
Nhưng ngay trong nội các và hàng ngày, Tổng thống Bush chú ý đến việc mỗi ngày tìm ra điểm sáng từ cả ngàn hành động thiện nguyện của dân chúng để tuyên dương và cổ xúy tinh thần phục vụ. Với ông, một trong tiêu chuẩn của cuộc sống thành công là biết giúp đỡ người khác.
Nhờ vậy, người ta mới biết đến nhiều tấm gương sáng ở khắp mọi nơi, kể cả việc một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã mở ra chương trình hướng dẫn và giúp đỡ dân tỵ nạn từ Đông Nam Á.
Kết quả là số người tự nguyện hoạt động bất vụ lợi trong xã hội Mỹ đã tăng 60%, từ 38 triệu lên tới 64 triệu. Năm 2011, thời gian mà cộng đồng dành cho việc thiện nguyện lên tới gần tám tỷ giờ, tính theo tiêu chuẩn Mỹ thì trị giá 171 tỷ đô la. Các doanh nghiệp không chỉ đề ra lợi nhuận mà còn đưa tinh thần "có trách nhiệm với cộng đồng" vào chiến lược quản trị. Trong học đường, sinh viên coi việc phục vụ cộng đồng là tiêu chuẩn tự nhiên. Lớp người cao niên sinh sau Thế chiến II đã có tỷ lệ tham gia tích cực hơn, tăng 40% so với năm 1989. Không chỉ quay vào bên trong, phong trào phục vụ tha nhân còn toả sáng ra ngoài, với cả triệu công tác được nhắm vào các quốc gia đang cần giúp đỡ khiến thế giới nhìn vào Hoa Kỳ với con mắt khác.
Sáng hội "Points of Light" hiện là tổ chức lớn nhất thế giới được dành cho công tác thiện nguyện với 250 chi nhánh hoạt động tại 22 quốc gia. Ngày nay, Tổng quản trị CEO của sáng hội là Michelle Nunn, con gái cựu Nghị sĩ Sam Nunn nổi tiếng của đảng Dân Chủ năm xưa, và có thể là ứng cử viên Nghị sĩ Gerogia vào năm tới. Chủ tịch Hội đồng Quản trị là Neil Bush, con trai của ông Bush 41 và em trai của Tổng thống George W. Bush, Bush 43.
Còn ông Bush cha, sau gần một phần tư thế kỷ, ông vẫn theo đuổi việc đó, khi đã gần chín chục.
Đấy là bối cảnh của việc Tổng thống Barack Obama tổ chức lễ trao giải "điểm sáng trong ngày" thứ 5000 tại Toà Bạch Cung vào trưa Thứ Hai 15 vừa qua. Trước tác giả của sáng kiến, ngồi trên xe lăn, Tổng thống Hoa Kỳ nhắc lại truyền thống thiện nguyện và cứu giúp tha nhân của nước Mỹ và ngợi ca việc ông Bush đã ký đạo luật khuyến trợ khi đó ít ai nhìn ra kết quả lớn lao. Obama cũng thấy ra ảnh hưởng của sáng hội Points of Light trong chuyến thăm viếng Phi Châu vừa qua, khi người Mỹ lao vào việc cứu đói và xây nhà thương cho trẻ em ở Tanzania....
"Hoa Kỳ trở thành một thế lực mạnh mẽ hơn để xiển dương việc thiện trên thế giới nhờ truyền thống tự nguyện phục vụ do cựu Tổng thống Geroge H. W. Bush đề cao và nuôi dưỡng."
Được Tổng thống Mỹ tuyên dương là điểm sáng trong ngày, lần thứ năm ngàn, là vợ chồng một doanh gia hồi hưu tại Iowa. Họ từ bỏ ý định về hưu và đi du lịch sau khi thấy trẻ em Tanzania bị yểu tử vì đói ăn, hoặc ăn thực phẩm nhiễm độc. Về nhà, ở một thị xã chỉ có vài trăm người, họ kêu gọi đóng gói thực phẩm gửi qua Phi Châu và ngạc nhiên khi thấy cả ngàn người Mỹ hưởng ứng từ khắp mọi nơi để gửi đi mấy trăm triệu khẩu phần. Công tác trợ giúp được mở rộng thành cứu đói và xây nhà thương cứu bệnh.
***
Khi cả nước Mỹ đang rúng động vì vụ xử Zimmerman tại Florida, xuất phát từ một tai nạn chết người được các chính khách xoay thành một vụ án liên quan đến phản ứng kỳ thị chủng tộc, chúng ta nên nhìn vào một khía cạnh khác của Hoa Kỳ.
Sau một đời hoạt động trên doanh trường và trong chính giới, ông Bush 41 phải là người có mưu lược. Vậy mà vẫn thất cử khi tái tranh cử năm 1992. Nhưng ngay từ đầu, ông ôm ấp một lý tưởng của dân Mỹ là phải có cuộc sống ý nghĩa hơn quyền lợi của bản thân. Rồi miệt mài theo đuổi một việc làm ít ai chú ý, hoặc chỉ chú ý để dè bỉu, đả kích. Trong khi ấy, xã hội dân sự và đời sống bình thường vẫn tiếp tục sinh hoạt thiện nguyện này, vì lòng từ tâm của dân Mỹ.
Hai khía cạnh trái ngược ấy cũng là một thuộc tính của Hoa Kỳ. Tương tự như khi Michelle Nunn bên đảng Dân Chủ cộng tác cùng gia đình Bush để chấm ra cả ngàn điểm sáng cho nước Mỹ. Không nên coi thường người dân của quốc gia này.
________________
Chỉ có tại Hoa Kỳ

Các trung tâm cứu trợ súc vật tại nhiều thành phố Mỹ vừa báo động nạn "phóng gà". Cô Tiffany Young, sáng lập viên một hội thiện cứu trợ súc vật tại Seattle giải thích rằng đám trẻ no cơm ấm cật ở thành phố bỗng nổi chứng nuôi gà đằng sau vườn. Đến khi thấy công việc quá vất vả, họ đâm sợ mà vứt gà ra ngoài. Cả khu vực Tây Bắc của nước Mỹ đang thiếu chỗ nhận. Dân xứ khác sẽ hỏi là thiếu chỗ hay thiếu nồi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét