Khi quan võ ngồi nhầm ghế quan văn
Hiệu Minh
Có một vị vua thời xưa, lúc ngự triều, có tả hữu, một bên là quan văn, bên kia là quan võ. Khi định nghênh chiến nước nào, vua thường hỏi cả quan văn và quan võ. Quan văn nhát hay bàn lui, quan võ thích chiến, không chiến làm sao thăng quan.
Quan võ nào bàn lui, vua quát, hãy lấy cho tên này cái váy, mặc vào rồi về quê đuổi gà cho vợ. Đã làm tướng thì phải đánh nhau, không có chỗ cho sự yếu hèn cho người cầm quân bảo vệ sơn hà.
Có chuyện khôi hài khác, thời của cựu độc tài Philippines, Fernando Marcos, ông ta từng bắt các tướng mặc váy lòe loẹt để dự sinh nhật. Một quốc gia có tướng mặc váy thì kết cục thế nào, ai cũng rõ. Đế chế từ tổng thống đến tướng lĩnh tham nhũng tràn lan và thối nát ấy đã sụp đổ sau vài chục năm.
Thế giới mạng Việt Nam đang bàn tán xôn xao về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Hội nghị An ninh khu vực tổ chức tại khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày 31-5-2014.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel, điểm mặt chỉ tên, cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn” trên Biển Đông và gọi đây là hành động “đe dọa quá trình phát triển” của khu vực về dài hạn.
Ông Chuck Hagel cũng nói Hoa Kỳ sẽ “không làm ngơ” khi các nước khác phớt lờ luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cũng lên tiếng, Nhật Bản sẽ “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
“Tất cả các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực của các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh vùng biển và bầu trời, và triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không. Nhật có kế hoạch đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để đảm bảo cho châu Á và thế giới được hòa bình hơn”.
Quốc tế ủng hộ Việt Nam đến thế là cùng. Hoa Kỳ còn mời cả Bộ trưởng Phạm Bình Minh sang Mỹ.
Hơn tuần trước tại Myanmar và Philippines, Thủ tướng Dũng cũng tỏ ra mạnh mẽ khi lên án Trung Quốc có những hành động nguy hiểm ở biển Đông. Ông cũng nói Trung Quốc đã “vu khống” Việt Nam khi đưa tin Việt Nam đâm tàu Trung Quốc đang hộ tống giàn khoan.
Thủ tướng Dũng tuyên bố sẵn sàng đưa vụ giàn khoan của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ngoài ra. Ngoài ra, ông còn kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng để phản đối Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dùng từ “ngoan cố” khi nói về Trung Quốc “Chúng ta vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc và cho đến nay đã có 20 cuộc giao thiệp chúng ta kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó.
Đó là lập trường kiên quyết của phía ta.Dàn khoan của Trung Quốc hiện vẫn ở đó và ngày càng tăng cường tàu. Điều này cho thấy Trung Quốc rất ngoan cố, không chịu rút giàn khoan này về.”
Một thứ trưởng Ngoại giao kiêm đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường, cũng dùng những ngôn từ khá mạnh khi trả lời hãng thông tấn Hoa Kỳ CNN “Chúng tôi không thể chấp nhận những hành động gây hấn. Nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền. Bất cứ nước nào cũng không nên coi thường sự quyết tâm của người Việt”
Báo chí truyền thông gồm 700 tờ, VTV, kể cả Nhân Dân, QĐND đã đăng những bài có ngôn từ mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ năm 1979 đến nay để nói về sự xâm lấn, âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Dân xứ Việt sôi sục đòi biểu tình vì thảm cảnh ở biển Đông, sẵn sàng chiến đến cùng.
Vào hoàn cảnh ấy, người ta trông đợi một bài phát biểu mạnh mẽ, mang tầm của vị đại tướng Việt Nam tại Shangri-La. Nhưng thật bất ngờ, tướng Phùng Quang Thanh lại sử dụng những ngôn từ mà các quan văn hay dùng.
Ông cho rằng “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc, về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014”.
Ông còn coi chuyện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam như mâu thuẫn nội bộ gia đình “Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương. Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”.
Đọc toàn văn phát biểu tại đây. http://mnews.chinhphu.vn/Story.aspx?did=200640
Nếu phát biểu này do bên Ngoại giao đọc thì có thể hiểu được, dù tone đó không phù hợp chút nào với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam đang bị “đồng chí” Trung Quốc xâm lấn và bắt nạt.
So với những lời mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao (Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường), thì phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lại tỏ nhũn nhặn một cách bất ngờ, ngay cả dân ngoại giao cũng chẳng nghĩ đến.
Cho dù đây là văn bản được Bộ Chính trị duyệt từng chữ, nhưng qua miệng một vị Đại tướng, quân hàm, quân hiệu, có số má, đọc tại hội nghị quốc tế, trong lúc Việt Nam đang rất cần sự hợp tác trong vấn đề biển Đông để đối phó với Trung Quốc, đất nước này lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội.
Muốn hòa hoãn thì hãy để bài viết ấy cho một vị bên ngoại giao. Một vị đại tướng đàng hoàng chỉ huy hàng triệu quân mà phải xuống giọng trước kẻ xâm lược thì liệu có nên chăng? Có ai tin, tone thế này có tránh được những giàn khoan mới hay không?
Đọc xong bài phát biểu của tướng Thanh, tôi cứ nghĩ mãi, hay là quan võ xứ mình đã ngồi nhầm chỗ của quan văn. Nếu mang chuyện này hỏi vị vua ngày xưa, không biết tiền nhân có nghĩ đến cái váy hay không.
HM. 31-5-2014
Source : Blog Hiệu Minh
S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét