10/6/14

Xoay Trở Và Trăn Trở


Tuesday, June 10, 2014

Xoay Trở Và Trăn Trở



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140609
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Kinh tế chính trị học Trung Quốc thời chuyển hướng và bành trướng   

* Thiên tài ô nhiễm: vớt rác nổi lều bều trên sông Dương Tử, gần đập Tam Hiệp * 


Theo dõi tình hình Trung Quốc, những ai thật sự quan tâm có thấy ra một nghịch lý.

Một đằng là giới chuyên gia kinh tế lần lượt nói đến khó khăn của lãnh đạo Bắc Kinh sau một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục là 9% trong 30 năm liền. Sau một thời huy hoàng chưa từng thấy, với sự ca tụng của truyền thông quốc tế, những trở ngại hiện nay hiển nhiên phải là vấn đề sinh tử cho một chế độ muốn dung hòa hai yêu cầu trái ngược là dùng quy luật thị trường làm sức bật, nhưng theo định hướng của một đảng độc quyền. 

Sức bật đó sẽ đưa Trung Quốc về đâu khi... hết bật?

Đằng kia là các chiến lược gia về quân sự Mỹ thì liên tiếp báo động về sự bành trướng của Trung Quốc. Những động thái gần đây của Bắc Kinh, như thiết lập khu định vị phòng không ADIZ tại Đông Bắc Á nên thách đố Nhật Bản, rồi mở rộng khu vực ADIZ này cho tôm cá tại vùng Đông Nam Á, và cắm giàn khoan Hải Dương 981 ngay trên thềm lục địa của Việt Nam hay xây cất phi đạo trên bãi đá Gạc Ma của Philippines, v.v... khiến truyền thông Hoa Kỳ nêu câu hỏi về những rủi ro đụng độ ở một khu vực có tầm quan trọng sinh tử cho kinh tế thế giới.

Nói cho gọn, trước hai nhận định trái ngược ấy thì Trung Quốc mạnh hay yếu?

Để tìm câu trả lời, mục "Kinh tế cũng là Chính trị" này xin nói về kinh tế và bài toán chính trị ma quỷ ở đằng sau....


***


Trước hết, sau gần 200 năm loạn lạc vì ngoại xâm lẫn nội chiến, một xã hội hơn tỷ dân đã có ba thập niên tương đối yên lành để làm ăn kể từ năm 1979 - vụ Thiên An Môn 1989 chỉ là ngoặc kép hắc ám – thì kinh tế tất nhiên có tăng trưởng.

Từ kinh nghiệm Đông Á, của Nhật Bản, Nam Hàn và cả Singapore, mô hình Trung Quốc có đặc tính riêng là hệ thống chính trị giữ vị trí điều tiết thị trường. Nhà nước dùng quy luật tư bản để củng cố sức mạnh của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng.

Thuần về kinh tế và nhờ định hướng chính trị, tăng trưởng của Trung Quốc xuất phát từ hai lực đẩy là tăng đầu tư và giảm tiêu thụ. Nhà nước giữ vai trò thắt lưng buộc bụng, thắt ai và buộc ai là quyết định của lãnh đạo. Khi đầu tư nhiều để nâng sản lượng cho một thị trường nội địa không được tiêu thụ như ý thì nhà nước đẩy mạnh xuất cảng và độc quyền thu về ngoại tệ nên có khối dự trữ khổng lồ, nay mấp mé bốn ngàn tỷ đô la để có thể làm vương làm tướng với thiên hạ.

Thế giới ngợi ca 'phép lạ kinh tế" Trung Quốc mà không thấy khái niệm "tăng đầu tư" và "giảm tiêu thụ" có nghĩa là nhà nước trưng thu tiết kiệm rất nhiều và rẻ của dân để đưa vào sản xuất. Nếu Tần Thủy Hoàng Đế ngày xưa mà có truyền thông quốc tế ở lanh quanh thì dự án Vạn Lý Trường Thành ở miền Bắc hay kinh đào Linh Cư tại miền Nam cũng được coi là sự kỳ diệu! Người ta thấy ra cái "được" mà khó đếm được cái "mất" - như ô nhiễm môi sinh, tham nhũng hay bất công xã hội.

Ba chục năm sau, từ 2009, người ta cũng chỉ nói đến cái mất của Hoa Kỳ, từ uy tín đến thế lực, mà không nhìn ra nỗi lao đao của lãnh đạo Bắc Kinh.

Khi kinh tế thế giới bị suy trầm, xuất cảng của Trung Quốc sút giảm thì Bắc Kinh bơm tiền kích thích để vẫn duy trì đà sản xuất cũ. Việc bơm tiền qua ngả tín dụng, chủ yếu là qua hệ thống ngân hàng của nhà nước, với số lượng khổng lồ là hơn hai ngàn 500 tỷ đô la, đã đẩy kinh tế xứ này vượt qua Nhật Bản năm 2010.

Rồi đẩy tới bờ vực.

Người ta vay tiền trước hết để đầu tư, khi thấy đầu tư có lời thì vay thêm để đầu cơ, là kiếm lời lớn hơn trong ngắn hạn mà với rủi ro cao hơn. Khi giàn máy bơm tiền lại thuộc về nhà nước, do tay chân nhà nước điều tiết mà bất chấp quy luật thị trường thì sau nạn đầu cơ lại có "lạm dụng tín dụng": tay chân nhà nước và thân tộc mở ra canh bạc nhuốm mùi lường gạt theo kiểu tháp ảo, làm kinh tế bốc như bong bóng.

Ngày nay, nạn đầu cơ địa ốc thổi giá đất đai của thủ đô Bắc Kinh cao gần bằng giá đất tại Tokyo trước khi Nhật Bản bể bóng năm 1990 và trôi vào hai chục năm suy trầm. Ở bên dưới là bộ máy sản xuất dư dôi ế ẩm, chưa sử dụng hết 60% công xuất, nằm bên núi nợ xấu sẽ sụp khi bóng bể.

Khác với nhiều nước lạc hậu – Hà Nội ơi! – lãnh đạo Bắc Kinh có hiểu ra mối nguy ấy.

Nói về mạnh yếu, giới chức kinh tế tài chánh của họ là loại chuyên gia thật, nhiều người tốt nghiệp Đại học Mỹ, từng là Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (trong bài viết trên Người Việt, người viết ghi lầm là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF!) hay giáo sư kinh tế tại Hoa Kỳ trước khi về làm tham mưu cho bảy người trong Thường vụ Bộ Chính trị, hoặc cầm đầu các Hội đồng và Ủy ban phụ trách về kế hoạch, cải cách hay quản lý doanh nghiệp và tài sản nhà nước, v.v..... Hãy "google" những tên tuổi như Justin Yifu Lin, Liu He, Yi Gang, Fang Xinghai, thì có thể biết được một phần.

Họ đánh bạc giả với dân chứ không xài bằng giả với nhau. Hà Nội ơi – bis!

Hiểu ra mối nguy ấy, thế hệ thứ năm lên sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 quyết định là phải chuyển hướng. Một năm sau, Tháng 11 năm ngoái, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ ba của khóa 18 đề ra phương hướng cải cách và chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn. Thay vì 9-10% thì quãng 7,5% cũng là được. Phải giảm tốc độ cho cỗ xe khỏi lật khi vào khúc quanh.

Đấy là một sự xoay trở có ý thức về chính trị và có chuẩn bị về tổ chức. Khổ nỗi, sau 30 năm thì phép lạ kinh tế cũng sinh bệnh lạ.

Hệ thống tài chánh ngân hàng Trung Quốc có những lệch lạc tích lũy từ lâu, kết tụ thành mạng lưới chằng chịt ở mọi cấp bộ chính trị và hành chánh, từ trung ương tới từng địa phương, với thế lực rất lớn của đảng viên. Và mắc mứu quyền lợi, trong đó nạn nhũng lạm, tham nhũng và lạm dụng, không chỉ cản trở mà còn quật ngược chỉ thị của trung ương. Việc bơm tiền hay phân phối tài nguyên qua nhiều ngả mờ ám vẫn tiếp tục và chất lên một núi nợ rất cao.

Giới kinh tế thường cho là khi tổng số nợ công và tư mà lên tới 275% của Tổng sản lượng GDP thì kinh tế có thể trôi vào khủng hoảng khởi đi từ những vụ vỡ nợ dây chuyền. Từ mức 320% GDP vào năm 2008, tới cuối năm 2013 thì núi nợ cả công lẫn tư của Trung Quốc lên tới 420% GDP.

Sức mạnh của nền kinh tế theo định hướng chính trị của nhà nước cũng có cái giá phải trả vì làm nhà nước chệch hướng ! Đấy là chuyện chính trị.

Về kinh tế, giữa cơn xoay trở thì nhà nước Bắc Kinh lại trăn trở: muốn đạp thắng để đổi hướng, rồi sợ tăng trưởng giảm làm thất nghiệp tăng nên lại ngầm bơm tiền kích thích, qua nhiều kênh mà họ biết là thiếu an toàn. Mỗi khi thấy biện pháp kích thích thì thiên hạ lại vỗ tay!

Cuối Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh lại thử nghiệm một biện pháp bơm tiền tinh tế hơn. Không qua ngả tín dụng ngân hàng đầy rủi ro mà qua việc ngân hàng trung ương mua lại trái phiếu của một số khu vực nhất định, như công khố phiếu ở các địa phương miền Tây, miền Trung, hay trái phiếu hỏa xa, gia cư hay ngân hàng.

Giới kinh tế Nhật, Mỹ, Âu hay Anh đều thấy quen quen: Bắc Kinh cũng tiến vào cõi hỗn mang của biện pháp bất thường mà các nước Tây phương đã áp dụng. Đó là QE, "quantitative easing", tăng mức lưu hoạt có định lượng. Diễn ra bạch văn thì Trung Quốc chưa thể hãm đà tăng trưởng để tìm ra thế quân bình khác, với tiêu thụ nội địa mới là lực đẩy. Họ chưa cải cách được.

Và giữa hai động tác đạp thắng và tống ga, Bắc Kinh vẫn phải nhấn tới, bằng cẳng giữa.



***


Chúng ta tò mò trở lại nghịch lý ban đầu: tại sao giới kinh tế nói đến nỗi trăn trở của Bắc Kinh mà các nhà chiến lược tại Mỹ cứ tri hô về mối họa Trung Quốc?

Giới đầu tư có tiền lặng lẽ bảo nhau về mối nguy khủng hoảng tại Trung Quốc để tìm nơi chọn mặt gửi vàng khi nền kinh tế hạng nhì thế giới bị bể bóng. Trong khi đó, giới bình luận về an ninh tiếp tục rót nước đường cho Bắc Kinh. Họ thổi trái bóng kia: khả năng quân sự của Trung Quốc thật là đáng sợ!

Đáng sợ nhất trong cả chuyện kinh tế chính trị này là trò ma của Mỹ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét