8/8/10

HOÀNG NGỌC HIẾN : đọc Tư-duy tự-do của Phan Huy Đường

Tư-duy tự-do

Tựa

Đoàn kết là hình thức tối cao, là chân trời của tự do

(đọc Tư-duy tự-do của Phan Huy Đường)

HOÀNG NGỌC HIẾN



Cảm hứng triết luận chủ đạo của công trình này có thể tóm tắt trong lời thuyết trình của tác giả định nghĩa thế nào là suy luận biện chứng:

« Con người chỉ có thể tự-do đối với những con người tự-do. Nó không tự-do đối với sỏi đá hay chó sói. Tự-do là một giá-trị trong quan-hệ giữa người với người. Khi nó khai triển xuyên qua ba chiều-kích của con người, nó tự-hiện-thực trong những quan-hệ mà con người trực tiếp hay gián tiếp thiết lập với nhau xuyên qua hành-động của họ vào thế-giới. Để thực-hiện điều đó, nó cần sự « chính xác » của khoa-học trong quan-hệ với vật-giới, cần yêu và tôn trọng sự-sống trong quan-hệ với sinh-giới, cần nhận thấy mình ở tha-nhân và tha-nhân ở mình trong quan-hệ với người khác, với chính-mình. Tóm lại, để giải-phóng ta một lúc khỏi ngôn-ngữ gỗ nặng khuynh hướng vật-thể-hoá này[1], ta càng hiểu-biết thế-giới vật-chất, ta càng yêu càng tôn trọng sự-sống dưới mọi hình-thái của nó, ta càng cảm-thấy đoàn-kết hay liên đới trách-nhiệm với người đời trong mọi hành-động của nó, kể cả những tội ác[2], thì ta càng tự-do. […] Trong quá-trình nên-người của mình, con người là gốc-gác, cứu-cánh và phương-tiện duy-nhất của con người. Nó nên-người bằng cách hành-động vào thế-giới và hành-động đó, để hoàn tất, đòi hỏi kiến-thức khoa-học, tình-yêu sự-sống và tình đoàn-kết giữa người với người. Suy-luận về quan-hệ vật-chất một cách chính-xác, về quan-hệ-sống một cách trìu mến, về quan-hệ tinh-thần như thấy tha-nhân ở mình và kêu gọi tha-nhân thấy mình ở tha-nhân, suy-luận về con người như thể thống-nhất năng-động của những quan-hệ đó, tôn trọng sự toàn vẹn vật-lý của nó, trìu mến sinh-tính cá-biệt của nó, biết ơn trí-tính phổ-cập ở nó, suy-luận như thế gọi là suy-luận biện-chứng. »

Tự do là chủ đề trung tâm của công trình. Tự do của con người được tác giả xem xét trong quan hệ của nó với vật chất, trong quan hệ của nó với sự sống và trong quan hệ của nó với « tha-nhân và với chính-mình ». Từ ba quan hệ này có ba hình thái của tự do. Hình thái thứ nhất đòi hỏi sự hiểu biết vật chất một cách chính xác, tức là kiến thức khoa học, hoặc nói một cách bao quát, đó là « tính tất yếu được nhận thức ». Hình thái thứ hai đòi hỏi « tình-yêu sự-sống ». Hình thái thứ ba đòi hỏi « tình đoàn-kết giữa người với người ». Đoàn kết là « nhận thấy mình ở tha-nhân và tha-nhân ở mình trong quan-hệ với người khác, với chính-mình ». Hiểu như vậy, « đoàn-kết là hình-thái tối cao, là chân trời của tự-do ».

Chủ đề tự do và những vấn đề triết học khác trong công trình này được tác giả triển khai có sự tham chiếu những triết thuyết của những « nhà tư-tưởng lớn đã nuôi dưỡng tư-duy hiện đại » : Descartes, Kant, Hegel, Marx, Engels, Darwin, Freud, Einstein, Sartre… và dĩ nhiên bằng nghiệm sinh của chính tác giả. Đặc biệt « Sự rạn-nứt-khoa-học-luận do Descartes gây ra », những « mầm mống thiên tài của thế-giới-quan mới » được chứa đựng trong những luận đề về Feuerbach của Marx, công thức xuất sắc của Sartre « để biểu-đạt thể-thống-nhất giữa Thực-thể và Hư-vô xuyên qua cảm-nhận của ta về những vật-thể », sự « truy nã tiềm-thức » của Freud và quá trình « nhân-hoá thế-giới »…, những vấn này đã được tác giả phân tích sâu sắc, mỗi triết thuyết đã « được hiểu và vượt qua đúng theo lô gích nội tại của nó », được phê phán « để gạt bỏ khía cạnh hình-thức của nó nhưng vẫn giữ lại nội-dung mới mà nó đã đạt được » (xem Phần II).



Phần III chuyên bàn về những vấn đề văn hoá, nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ. Về nhiều vấn đề cụ thể được nêu lên tác giả có những ý kiến sâu sắc.

Về đặc trưng của văn chương :

« Khi quan-hệ của một con người với đồ-vật, xuyên qua ngôn-ngữ biểu-hiện nó, chỉ lặp lại những quan-hệ xưa của con người với đồ-vật thì chỉ có chuyện tái-tạo những ý-chung, không có văn-chương. Khi, trên cơ sở đó, một cá-nhân tạo ra một quan-hệ nhân-tính mới với đồ-vật, ngôn-ngữ của người ấy trở thành văn-chương. Điều độc giả tiếp nhận, chính là quan-hệ đó. Độc giả có thể nhạy-cảm với nó vì quan-hệ đó khơi lại ở mình một nghiệm-sinh chưa thành lời của chính-mình hoặc vì nó mở ra cho mình khả-năng sống những quan-hệ mới với đồ-vật. Vì thế, độc giả không quan tâm tới đồ-vật được mô tả. Thường thường nó cũng không nhớ tới. Điều quan trọng là tác giả diễn tả như thế nào, là quan-hệ cá-biệt của tác giả với đồ-vật. Cái « thế nào » ấy, độc giả không bao giờ « tìm » được bằng cách phân-tích văn bản. Độc giả (tái) tạo nó xuyên qua quá-trình đọc của chính-mình…»

Về sự tạo cái mới trong văn chương :

« Văn-chương tạo cái mới từ cái cũ, thậm chí từ cái cổ, từ những ý-chung, ký-ức muôn đời của loài người. Nó thực-hiện điều đó bằng cách thay đổi quan-hệ hiện nay của ta với thế-giới trong hình-thái người đời đã dạy ta ý-niệm chúng. Làm như thế, nó đặt lại vấn đề đối với toàn bộ niềm-tin của những nền văn-minh. Vì nó là ngôn-ngữ nó có khả-năng tra hỏi ngôn-ngữ, tra tấn nó, biến nó thành vấn đề[3]. Nhưng nó không thể thực-hiện điều ấy nếu nó vứt bỏ khỏi ngôn-ngữ điều khiến ngôn-ngữ là ngôn-ngữ, loại bỏ ý-nghĩa của ngôn-từ và những gò bó cấu trúc của ngôn-ngữ : bỏ hết đi, chỉ còn lại những luồng âm-thanh vô nghĩa, hay một đống giấy rác. Nó thực-hiện điều ấy bằng cách xô đẩy ý-nghĩa mệt mỏi, thiếu máu, đông lạnh của ngôn-từ, xô đẩy sự trói buộc của cấu trúc câu, để tái-tạo cho chúng một nội-dung trọn vẹn. Nó chỉ có thể thực-hiện điều ấy trên cơ sở một quan-điểm khác, một cách có ý-thức hay không, về con người và thế-giới. »

Tác giả đã tăng thêm chiều sâu cho thuyết cảm nhận qua sự phân tích chiều sâu mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, qua linh thức về sự tương đồng kỳ diệu giữa sự giao cảm nghệ thuật :

« … bất kể hình-thái, kể cả lừa dối, che dấu, ngôn-ngữ văn-chương luôn luôn phô trương con người thầm kín ở nhà văn. Đọc là ve-vuốt ngôn-ngữ ấy. Nghệ-thuật ngôn-từ là nghệ-thuật kích thích độc giả ve-vuốt áng văn để tìm sự hiện-diện của một con người ở thế-giới. Sự hiện-diện của nó ở ta. Ta không thể ve-vuốt một áng văn mà không đồng thời tự-ve-vuốt mình ở nó, đón nhận trong cái ta cá-biệt sự hiện-diện cá-biệt của tác giả ở đời. Như thế, ta hiểu vì sao có lúc ta nhận diện một nhà văn ngay khi vừa đọc tác-phẩm của người ấy : trong tác-phẩm ấy có tất cả, ý-tưởng, cảm-xúc và cách thực-hiện chúng bằng ngôn-từ. »

và sự giao cảm tình yêu :

« … Ta nói ta ve-vuốt một người đàn bà tuy bàn tay ta chỉ ve-vuốt được một bầu vú. Chính vì xuyên qua một quan-hệ vật-chất ta ý-thức rằng ta đang quan-hệ với « hai thực-thể », thực-thể vật-chất của một bầu vú và « thực-thể » sống của một người đàn bà. Xuyên qua động tác, ta ve-vuốt toàn bộ « thực-thể » sống và ta không thể làm được điều đó nếu ta không tự-ve-vuốt[4] qua nó, không hoàn toàn tan mình trong hành-động ve-vuốt của ta. […] Người đàn bà ta ve-vuốt cũng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa ma sát ít nhiều ram ráp của một bàn tay với ve-vuốt ngộp tình-dục của người đàn ông. Hành-động ve-vuốt, một quan-hệ giữa sự-sống với sự-sống không thể tự-hiện-thực được nếu không có sự tương-tác cùng chiều-kích. Sống đổi lấy sống. »



« Tôi chẳng có dạy điều gì cả. Tôi làm người ta suy nghĩ » (Socrate). Các độc giả trẻ, đặc biệt những sinh viên mới làm quen với triết học, đọc công trình này có thể học được nhiều điều, nhất là, ở đây, những triết thuyết, những tư tưởng và khái niệm cơ bản của những triết gia cổ điển được thuyết trình với một sự minh xác hiếm có, một diễn ngôn triết học tiếng Việt khúc chiết trong đó nhiều thuật ngữ triết chưa phổ cập trong nước đã được chuyển ngữ xác đáng và, đáng chú ý hơn, có những câu văn và lời lẽ diễn đạt của tác giả khiến ta nghĩ đến giá trị văn chương của văn bản triết. Tác giả đã sống nhiều năm ở Pháp, trong công trình có những trang sự sáng sủa Pháp đạt tới độ tuyệt vời.

Nguyện vọng duy nhất của người viết bài giới thiệu này là công trình của Phan Huy Đường khơi gợi sự suy nghĩ của độc giả về những vấn đề đã được nêu lên cũng như về những điều chưa được đề cập trong cuốn sách.

Suy nghĩ và lắng nghe.

Với cách nhìn « tứ hải giai huynh đệ » tác giả lên tiếng cảnh báo « một cuộc khủng hoảng văn-minh khủng khiếp » trên toàn cầu :

« Ta đang sống trong đầu và thể-xác ta một cuộc khủng hoảng văn-minh khủng khiếp. Những mái nhà chung của con người đang tan nát dưới đòn áp đảo, đè bẹp của Thị-trường tư-bản. Ở đó, mỗi người chỉ bấp bênh đáng giá vài Đôla, Yen hay Euro. Mạnh ai nấy chạy. Những đứa thiếu ý-thức nhất kiên quyết dương cao niềm-tin vững chắc sáng lạn và ra tiền của chúng. Chúng bàn tán trong những ủy ban nho nhỏ với ngôn-từ lạ lẫm, khoa-học bí hiểm, phương-trình không ai hiểu được. Những đứa khôn khéo nhất độc chiếm media, trở thành thầy-cúng toàn cầu hoá, không thể vòng tránh, phủ-nhận được, nhưng luôn luôn có thể thay thế lẫn nhau. »

Lời kêu gọi của tác giả vượt qua mọi biên giới quốc gia, dân tộc.

« Nào cha, mẹ, anh, chị, em, bạn, đồng đội, đồng chí, công-dân – nếu những ngôn-từ đó còn có nghĩa – xin đừng cam chịu. Ta có cả một thế-giới không thể để mất. Hãy từ chối mất nó, hãy đòi tự-do trong đoàn-kết giữa người với người của thế kỷ này, ta sẽ có một thế-giới để tái-tạo, do mỗi người làm cho mọi người. Người đời xưa, người đời nay và người của mai sau. Nào những ai làm thuê – những kẻ thất nghiệp tương-lai –, những ai đang thất nghiệp, đã bị loại khỏi xã-hội ở mọi nơi, hãy đoàn-kết lại ! Nhân-cách của ta ở đó.

Hỡi người nghệ-sĩ của các thế-giới nghệ-thuật, hãy nhập cuộc ! Nghệ-thuật của bạn tùy thuộc điều ấy.

Hỡi trí thức trong mọi lĩnh-vực kiến-thức và tư-duy, hãy nổi loạn, vùng lên ! Bạn nắm ngôn-ngữ, mái nhà chung hoàn-hảo nhất của con người, ngục tù tệ hại nhất của nó. Bạn có những kiến-thức, quyền-lực, sở-hữu để mất, nhưng bạn sẽ được cả một thế-giới để chinh phục, sáng-tạo, yêu.

Hãy cùng nhau tìm lại con đường nhân, sáng-tạo lại những nghệ-thuật làm-người » (xem Lời cuối sách)





--------------------------------------------------------------------------------

[1] langue de bois chosiste.

[2] Những tội ác đó thuộc lịch-sử của nhân-loại, là một thời điểm của quá-trình nên-người hay trở thành phi-nhân của nó. Ta đã nghiệm-sinh thời điểm ấy thì ta trách-nhiệm nó, dù chỉ ở hình-thái ký-ức.

[3] Có văn-chương khi ngôn-ngữ bị đặt vấn đề. Il y a littérature quand le langage est en question. Paul Valéry.

[4] se caresser, không có nghĩa là thủ dâm !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét