Lữ Phương
Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh
(Sự hình thành một chọn lựa)
Chương 4
Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Các sự kiện trong chương sách này, tuy có tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào luận án Nguyen Ai Quoc, The Commintern and The Vietnamese Communist Movement (1919-1941) của Sophie Quinn-Judge, một luận án tổng hợp mới nhất về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Quốc tế Cộng sản, kể từ ngày ông tham gia (1920) đến ngày QTCS chấm dứt hoạt động (1941). Trong luận án này, tác giả đã xét duyệt lại tất cả các nguồn tư liệu chủ yếu mà những người nghiên cứu về phong trào cộng sản ở Việt Nam đều biết trước đây – như: a) Những tài liệu mật của cộng sản mà Mật thám Pháp đã tìm thấy và được Nhà nước Pháp lưu giữ trong Kho lưu trữ Hải ngoại (Centre d’Archives d’Outre-Mer, viết tắt: CAOM) ở thành phố Aix-en-Provence, b) Những tài liệu trên sách báo do những tác giả từ các nước khác nhau (chủ yếu từ châu Âu, Mỹ , Trung Quốc và Việt Nam) sưu tập và công bố, c) Những hồ sơ của Quốc tế Cộng sản lưu trữ tại Nga, được mở ra và cho phép sử dụng, những tài liệu này trước đây do Viện Mác-Lênin quản lý về sau đổi thành Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu các Tài liệu Lịch sử Hiện đại (Center for the Preservation and Study of Documents of Modern History, viết tắt: RC). Trong những nguồn tài liệu được khai thác để hình thành luận án nói trên, hiển nhiên sự đóng góp quan trọng nhất, mới mẻ nhất chính là những tài liệu trong Hồ sơ QTCS mà tác giả đã khai thác được năm 1992 khi bà làm việc tại Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tác dụng của những tài liệu ấy đối với việc nghiên cứu về một nhân vật đã thành “huyền thoại” như Hồ Chí Minh là quá rõ ràng. Hàng loạt vấn đề chắc chắn sẽ được đặt lại và xem xét lại dưới ánh sáng của những tư liệu đó: những suy đoán vô bằng, huyễn hoặc (đến từ nhiều phía) trong chừng mực nào đó có thể sẽ được bác bỏ, những giả đoán thực tế nhưng trước đây chưa đủ cơ sở có thể sẽ được làm sáng tỏ để khẳng định, và cũng có thể một loạt những kiến giải mới sẽ xuất hiện để tiếp tục thúc đẩy xa hơn việc nghiên cứu đề tài này. Rất tiếc là những tài liệu ấy vẫn chưa được công bố nguyên bản, đầy đủ – giống như những tài liệu của CAOM mà Daniel Hémery đã công bố về “cuộc ra đi tìm đường cứu nước” năm 1911 của Hồ Chí Minh lúc còn là Nguyễn Tất Thành – để những người nghiên cứu không có điều kiều kiện (và cả may mắn) tiếp cận những tài liệu đầu tay ấy vẫn có thể sử dụng được.
Do không trực tiếp có được những tài liệu đó, chúng tôi đã dựa vào luận án nói trên (chủ yếu với Hồ sơ của QTCS được khai thác) như một nguồn thứ cấp để viết nên chương sách này. Trong việc lấy lại những ý kiến của tác giả, chúng tôi chỉ ghi tên tác giả cùng với luận án đã dẫn (thí dụ: Sophie QuinJudge: Sđd); còn trường hợp cần phải nêu ra một sự kiện quan trọng nâng đỡ cho một luận cứ riêng biệt nào đó, để tránh cho người người đọc một cảm giác về sự khẳng định vô bằng, chúng tôi sẽ chú thích thêm nguồn tài liệu do tác giả đã chú thích, bên cạnh luận án đã dẫn của chính tác giả (thí dụ: RC, 495, 154, 556, p.17; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd). Dù có chú giải theo cách nào đi nữa thì công việc của chúng tôi đều đặt trên giả định về sự đích thực của tài liệu mà tác giả dẫn chứng. Trong nghiên cứu, có thể đó là một thách thức vì có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về một tài liệu, nhưng do những điều kiện rất giới hạn của mình, như đã nói, chúng tôi không biết làm gì hơn.
Chỉ thị 12-9-1927 về Đông Dương
1. Sau cuộc đảo chính tháng 4-1927 của Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu lên Thượng Hải, qua Vladivostok, khoảng tháng 6-1927 thì trở lại Moskva. Trên đường đi, gặp Voitinsky (đại biểu QTCS làm việc với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), Nguyễn được thuyết phục nên trở lại Thượng Hải để hoạt động trong đám lính Pháp và Việt Nam đang làm việc ở đấy, nhưng anh trả lời rằng đối với anh việc quan trọng hơn là tiếp tục công việc đang bỏ dở đối với Việt Nam sau sự biến tháng 4-1927 ở Trung Quốc. Tại Moskva, Nguyễn gặp nhóm 5 người Việt Nam đang học tại Đại học phương Đông (Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Trần Phú), viết một báo cáo cho Nông hội Quốc tế về phong trào nông dân ở Quảng Đông, trị bệnh một thời gian ở Crimée đến tháng 11-1927 sang Paris tìm đường về Xiêm.
2. Trên đường sang Paris, Nguyễn đã mang theo chỉ thị đề ngày 12-9-1927 của QTCS trong đó nói rõ phương hướng thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương mà anh được giao nhiệm vụ thực hiện. Mặc dù ra đời sau sự thất bại ở Trung Quốc năm 1927, nội dung hai trang chỉ thị nói trên của QTCS vẫn chưa có gì thay đổi đối với đường lối mặt trận thống nhất trong Đại hội 5 QTCS năm 1924 mà Nguyễn có tham dự: dựa trên cơ sở của những tổ chức cách mạng quốc gia và những phần tử cánh tả của những tổ chức ấy để hoạt động và thành lập đảng cộng sản. Khẩu hiệu tranh đấu vẫn là độc lập dân tộc, ruộng đất cho nông dân, quyền lợi của công nhân, tự do dân chủ trong sinh hoạt chính trị …
Chỉ thị hướng dẫn một cách cụ thể những việc mà Nguyễn cần phải làm: liên hệ với những “Việt kiều” tại Pháp tạo ra những hạt nhân cách mạng, hợp tác với Đảng Cộng sản Pháp xây dựng chương trình hành động cho Đông Dương, sau đó sẽ tìm cách chuyển cách mạng về bản địa. Chỉ thị căn dặn rằng sau khi đã có kế hoạch, Nguyễn cần phải thảo luận lại cho rõ với Ban Chấp hành QTCS trước khi quyết định xem nên về Xiêm hay một nước khác nào đó kế cận Đông Dương để triển khai công việc.
3. Khi sang Paris, do Đảng Cộng sản Pháp đang bị đàn áp, Doriot, phụ trách Uỷ ban Thuộc địa của Đảng bị bắt, nên Nguyễn không thể theo đúng được kế hoạch do QTCS đã vạch. Nguyễn cho biết đã tìm cách liên hệ với Uỷ ban thuộc địa nhưng đã bị các thành viên tránh né, ngay cả việc xin địa chỉ cũng không được.
Tháng 12-1927 Nguyễn qua Brussels để dự một hội nghị mà nhiều tác giả đã cho rằng đó là Đại hội lần thứ nhất Liên đoàn chống đế quốc. Thật ra không đúng vì Đại hội này đã họp vào tháng 2-1927 trước đó cả năm rồi. Hội nghị mà Nguyễn dự có lẽ là cuộc họp chuyển tiếp của Ban Chấp hành Liên đoàn diễn ra ngày 9-12-1927. Liên đoàn chống đế quốc đã là một địa điểm liên lạc quan trọng, ở đó Nguyễn đã gặp bà Tống Khánh Linh (vợ goá của Tôn Dật Tiên) cuối năm 1927 có đến Berlin vận động thành lập một “Đảng thứ ba” cho Trung Quốc.
Nguyễn sang Berlin và ở đó từ giữa tháng 12-1927 đến tháng 5-1928, chờ thêm chỉ thị và tiền của QTCS. Trong khi chờ đợi, Nguyễn nhận trợ cấp của Cứu tế Đỏ 18 mác mỗi tuần, số tiền mà Nguyễn cho rằng chỉ ăn cũng không đủ. Trong thời gian này, Nguyễn đã viết một báo cáo về phong trào nông dân Quảng Đông, coi Bành Bái là anh hùng. Quốc tế Nông dân không xuất bản, nhưng nhiều đoạn của tài liệu này cũng đã xuất hiện trên một vài cơ sở in ấn khác.
4. Tháng 2-1928, QTCS họp toàn thể ban chấp hành, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 6. Doriot, sau khi được thả, trên đường đi dự, ghé qua Berlin, có gặp Nguyễn và hứa chú ý giải quyết vấn đề công tác của anh, nhưng đến nửa tháng 4, Nguyễn vẫn không được tin tức gì của Doriot lẫn Moskva. Liên hệ với Quốc tế Nông dân cũng không đi đến đâu. Viết thư xin 500 đôla và một kế hoạch tổ chức thực hiện thì được tổng thư ký Quốc tế Nông dân là Dombal trả lời vì hiểu quá ít về Đông Dương nên không giúp được gì cho Nguyễn (về tiền bạc lẫn kế hoạch), chỉ khuyên Nguyễn nên sử dụng kinh nghiệm về phong trào nông dân Trung Quốc để tổ chức các hiệp hội.
12-4-1928, Nguyễn cầu cứu tới Humbert-Droz người Thuỵ Sĩ trong Ban bí thư QTCS, phụ trách các thuộc địa của Pháp, với những lời lẽ thật thảm thiết như sau:
“Đồng chí có thể tưởng tượng tình trạng tinh thần và vật chất của tôi hiện nay như thế nào: biết rằng có nhiều việc phải làm, nhưng chẳng làm được gì, ở không, không tiền bạc, sống qua ngày trong tình trạng bị ép buộc phải ở không”.
Cuối cùng rồi cũng được việc: Humbert-Droz đã đồng ý cung cấp cho Nguyễn chi phí cho chuyến đi và 3 tháng công tác với những lời dặn:
“Những gì mà chúng tôi gửi đồng chí sau này sẽ tuỳ thuộc vào tin tức của đồng chí. Tôi nghĩ đồng chí cần khôn khéo hơn để tự lo liệu, không cần nhờ đến sự giúp đỡ nào cả” [1] .
Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản
Tháng 5-1928, Nguyễn qua Thuỵ Sĩ, đến Ý, từ đó bằng tàu thuỷ đi Bangkok. Trong khi Nguyễn lên đường, Đại hội 6 QTCS đã diễn ra – từ 17-7 đến 1-8-1928. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất nặng nề đối với sự nghiệp của Nguyễn trong một thời gian khá dài.
1. Nhìn vấn đề theo thời gian thì Đại hội 6 QTCS chỉ là biểu hiện bên ngoài của quá trình tranh chấp quyền lực và đường lối cực kỳ ác liệt trong nội bộ Đảng CS Liên Xô. Sau khi thanh toán xong nhóm đối lập khuynh tả của Trotsky trong Đại hội 15 (cuối 1927), Stalin đã tỏ ý muốn chấm dứt NEP, đẩy mạnh tập thể hoá nông nghiệp và công nghiệp hoá để, trước tình hình phong trào gọi là “cách mạng vô sản thế giới” ngày càng tỏ ra vô vọng, Liên Xô có thể tồn tại được trong sự bao vây của những nước tư bản. Đường lối này không có gì mới, nhiều điều đã được Trotsky đề xuất và đã bị kết án là “tả khuynh”, cho nên dự định mà Stalin đưa ra đã gặp phản ứng của chính những đồng minh chống Trosky trước đây (Bukharin, Rykov, Tomsky…) [2] . Do chưa tạo đủ thực lực để thanh toán phe chống đối mới xuất hiện này – được gọi là “Nhóm đối lập khuynh hữu”–, Stalin đã tạm hoà hoãn và tìm cách chuyển vấn đề sang phạm vi quốc tế với nội dung tương ứng: đẩy phe Dân chủ-Xã hội về phía cực hữu, ngang hàng với bọn tư bản phản động và phát xít vì đã giương cao chiêu bài “hoà bình” phục vụ cho cuộc chiến tranh sắp tới của chủ nghĩa đế quốc. Nhiệm vụ chống Dân chủ-Xã hội do đó cũng quan trọng như việc lập mặt trận thống nhất giữa “nhân dân lao động” trong các nước tư bản với các nước thuộc địa để biến chiến tranh đế quốc, trong trường hợp nổ ra, thành nội chiến, lật đổ tư bản, phát xít, thiết lập quyền lực xô viết, bảo vệ Liên Xô.
2. Chủ trương này đã được Stalin nói rất rõ khi báo cáo Nghị quyết Hội nghị toàn thể tháng 7-1928 của Ban chấp hành ĐCSLX cho Đảng bộ Lenigrad ngày 13-7-1928 [3] , và giao cho Bukharin phổ biến tại Đại hội 6 QTCS, nhưng lại để cho các đại biểu Liên Xô công khai hạ uy tín bằng cách chỉ trích một số điểm của Đề cương mà Bukharin đã trình bày. Qua báo cáo ấy cùng với Nghị quyết của Đại hội, những nhà nghiên cứu đã ghi nhận mấy điểm quan trọng về đường lối của QTCS đối với những nước phụ thuộc và thuộc địa như sau:
Chủ nghĩa đế quốc đang chuẩn bị gây chiến, nên tất cả những phong trào chống đế quốc ở những thuộc địa phải liên minh với Liên Xô và giai cấp vô sản ở những nước đế quốc để chống chiến tranh, bảo vệ Liên Xô. Xét về mặt phát triển, hợp tác và chấp nhận sự lãnh đạo của Liên Xô, những nước phụ thuộc và thuộc địa có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.
Những sai lầm trong sự hợp tác với Quốc dân Đảng trong những năm 1925-1927 không bắt nguồn từ đường lối của QTCS mà là do Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quá coi trọng thực lực của giai cấp tư sản, nên mất cảnh giác, không giữ vững tính độc lập của mình, sau đó khi sự biến tháng tháng 4-1927 xảy ra thì lại làm ngược lại, coi thường thực lực của giai cấp tư sản, đưa đến chỗ manh động khởi nghĩa gây ra tổn thất nặng nề. Dù vậy, tình hình cách mạng ở Trung Quốc vẫn đi theo xu thế phát triển, Đảng Cộng sản cần củng cố về chiều sâu lực lượng công nông để chuẩn bị cuộc tấn công mới [4] .
Theo tinh thần của Nghị quyết, cùng với việc coi phe Dân chủ-Xã hội ở những nước đế quốc là kẻ thù ngang hàng với chủ nghĩa đế quốc, cũng phải chấm dứt việc thành lập mặt trận thống nhất “từ bên trên” với các thế lực tư sản dân tộc theo xu hướng cải lương ở những nước thuộc địa. Còn đối với những thế lực tiểu tư sản có thể cùng hành động thì phải hết sức đề cao cảnh giác: chỉ hợp tác trong những thời gian nhất định và chỉ trong điều kiện nắm được bá quyền cách mạng. Nhiệm vụ đặt ra cho các đảng cộng sản nói chung là chuẩn bị khí thế, lấy tinh thần “giai cấp chống giai cấp” làm phương châm hành động, xâm nhập các nghiệp đoàn, tổ chức nông dân, chuẩn bị các Xô Viết có thể hình thành bằng những cuộc vũ trang khởi nghĩa [5] .
3. Bấy giờ Việt Nam chưa có Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng Việt Nam lại do Đảng Cộng sản Pháp phụ trách, cho nên ba đại biểu Việt Nam dự Đại hội 6 QTCS đã do Đảng Pháp giới thiệu. Một người là Nguyễn Thế Vịnh (thuộc gia đình Nguyễn Thế Truyền và đã học tại Moskva từ tháng 7 đến tháng 11-1927, nhưng sau bỏ học vì bệnh); một người tên Ban (sau Đại hội một thời gian thì bỏ Đảng). Cả hai người này cuối cùng không được Đại hội chấp nhận tư cách đại biểu; theo một lá thư của một người Việt Nam ở Paris gửi Ban phương Đông thì lý do là một người đã lên tiếng chỉ trích Uỷ ban Thuộc địa của Đảng Pháp.
Đại biểu Việt Nam còn lại là Nguyễn Văn Tạo, vốn là một đảng viên Đảng CS Pháp, đã tổ chức một nhóm cộng sản Việt Nam tại Paris vào tháng 4-1928. Với bí danh An, đại biểu này đã báo cáo tình hình giai cấp ở Việt Nam: sự phá sản của tiểu công nghiệp do cạnh tranh không lại với những công ty của tư sản dân tộc và đế quốc, trong khi đó thì nông nghiệp đình đốn, tất cả đã làm tăng lên gia cấp vô sản. Đọc báo cáo của Nguyễn Văn Tạo, Sophie Quinn-Judge cho biết không thấy nhắc đến hoạt động của của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927. Tác giả cũng cho biết những người Việt Nam đang có mặt tại Moskva lúc bấy giờ là Trần Phú, Ngô Đức Trì, Lê Hồng Phong đã được mời tham dự Đại hội chỉ với tư cách là quan sát viên [6] .
4. Những sự kiện trên đây cho biết ngay từ khi chuẩn bị, Đại hội 6 QTCS đã có tác động ngay đến phong trào cộng sản Việt Nam. Nhưng tác động ấy chỉ trở nên rõ ràng một năm sau khi sự chuyển hướng về đường lối của Stalin bộc lộ một cách đầy đủ trong Hội nghị toàn thể lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương và Ban kiểm tra trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô họp vào tháng 4-1929, Stalin giành được phần thắng đã tuyên bố khai trừ Bukharin và Tomsky khỏi mọi chức vụ, cảnh cáo sẽ có những biện pháp mạnh hơn nếu những người này cứ tiếp tục chống đối [7] .
Ba tháng sau, ngày 3-7-1929, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành QTCS họp lần thứ 10, Kuunisen thay thế Bukharin phụ trách QTCS đã có thể khai triển đến tối đa đường lối chống khuynh hữu của Stalin trên phương diện đối ngoại với báo cáo mang tên Hoàn cảnh quốc tế và nhiệm vụ của QTCS, trong báo cáo này vấn đề kỷ luật trong QTCS đã được đặt ra một cách quyết liệt: đảng nào không tuân phục chủ trương đưa ra khỏi hàng ngũ những phần tử cơ hội, hữu khuynh đảng ấy sẽ bị khai trừ khỏi QTCS. Kuunisen tuyên bố đường lối mới của QTCS là “giai cấp chống giai cấp”, phong trào cộng sản là một khối thuần khiết, một lực lượng vĩ đại của giai cấp vô sản cách mạng toàn cầu. M. N. Roy, tại Đại hội 5, bị phê bình vì đã nghi ngờ chính sách mặt trận thống nhất với giai cấp tư sản ở những nước thuộc địa thì lần này lại bị phê bình vì đã thanh toán xong mối nghi ngờ đó [8] .
“Quả trứng cộng sản” sau Đại hội 6 Quốc tế Cộng sản
Sự phát triển của phong trào cách mạng cộng sản Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ 20, như vậy, cũng theo tình hình trong nội bộ Đảng Cộng sản mà bộc lộ thành hai xu hướng đối địch nhau: một bên đại diện cho Đại hội 6 và một bên đại diện cho Đại hội 5 QTCS. Và bởi vì ở Việt Nam, đại diện cho Đại hội 5 là Nguyễn Ái Quốc và Thanh Niên cho nên xu hướng này đã gánh chịu sự công kích cực kỳ gay gắt của các những thành phần đại biểu cho Đại hội 6 trong suốt một thời gian khá dài, đến cả sau Đại hội 7 QTCS (1935) cũng chưa chấm dứt.
1. Tất cả đều khởi đầu từ chủ trương “bônsêvích hoá” quá nhiệt tình của nhóm Bắc kỳ [9] . Sau khi tự động thành lập một chi bộ cộng sản (đầu tiên), nhóm này đã vận động chuyển Thanh Niên thành Đảng Cộng sản vì cho rằng Thanh Niên đã lỗi thời về ý thức hệ và tổ chức, không phù hợp với khái niệm “đội tiền phong” của Lenin. Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân được cử đi dự Đại hội I Thanh Niên họp tại Hồng Kông từ ngày 1 đến 9-5-1929, đã đưa ra đề nghị nói trên. Nhưng Tổng bộ, được sự đồng ý của Nhóm Nam kỳ và Xiêm, đã bác bỏ, viện lý do là chưa đủ điều kiện, nên cần phải chuẩn bị [10] . Trừ Dương Hạc Đính, số còn lại đã bỏ ra về. Các nhóm khác ở lại tiếp tục họp sau đó ra tuyên bố kết án nhóm Bắc kỳ là “trẻ con”, cần phải bị khai trừ vĩnh viễn vì không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ cách mạng nữa.
Nhóm Bắc kỳ trở về đã trả đũa lại khá gay gắt. Họ đã ra một tuyên bố kết án những người lãnh đạo Thanh Niên là “nhóm tiểu tư sản khởi xướng ra những thứ cách mạng giả hiệu” vì những người này đã “gửi đại biểu đi dự Hội nghị toàn quốc của Quốc dân Đảng chống cách mạng, chống công nhân”. Tuyên bố kêu gọi đánh đổ bọn cách mạng giả hiệu, bọn lừa bịp công nông, tổ chức ra một Đảng Cộng sản, lãnh đạo và giúp giai cấp vô sản làm cách mạng [11] . Vào ngày 17-6-1929, hơn 20 đại biểu của các chi bộ ở Bắc kỳ đã họp tại Hà Nội lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương với một chương trình hành động rập khuôn theo Cương lĩnh của QTCS Đại hội 6 [12] .
2. Trước sự lấn lướt của ĐCSĐD, đẩy lùi dần ảnh hưởng các nhóm Thanh Niên ở Bắc và Trung, những Thanh Niên Nam kỳ còn lại đã liên hệ và muốn sáp nhập vào ĐCSĐD nhưng bị từ chối. Được sự khuyến khích của nhóm Thanh Niên hải ngoại ở Hồng Kông, nhóm Nam kỳ quyết định giải thể Thanh Niên và chuyển thành một Đảng Cộng sản mệnh danh là Annam Cộng sản Đảng (cuối tháng 8-1929) [13] , đảng này được hầu hết những thành viên của Thanh Niên còn lại thừa nhận. Và thế là xảy ra cuộc tranh giành danh nghĩa quyết liệt giữa hai “đảng cộng sản”.
Nhóm “Đông Dương” vẫn dùng những luận điệu đả kích tổ chức Thanh Niên đã tan vỡ để chỉ trích nhóm “An Nam”, gọi nhóm này những kẻ “cơ hội ngả nghiêng”, hôm qua còn ra sức bảo vệ Thanh Niên, từ chối thảo luận vấn đề thành lập Đảng Cộng sản, nay thấy mấy chữ “cộng sản” có thể lôi kéo quần chúng thì cũng vội vã tổ chức ra một đảng mang tên như vậy. Thực tế đó chỉ là những người cộng sản giả hiệu, họ dùng mấy chữ “cộng sản” để phục vụ cho quyền lợi vị kỷ của họ. Nhóm “An Nam” cũng không để bị lấn lướt. Theo họ, những người trong ĐDCSĐ không phải là một tổ chức cách mạng đích thực. Đó chỉ là một nhóm bônsêvích vô tổ chức, quá khích, lệch lạc, ấu trĩ, so với những những người cộng sản chân chính thì giống như một thứ “gà đội lốt công” [14] !
Một Đảng Cộng sản thứ ba cũng ra đời vào năm 1929 từ sự phân hoá của Tân Việt Cách mạng Đảng ở miền Trung, đảng này khởi đầu vốn theo chủ nghĩa quốc gia nhưng do một số người lãnh đạo như Lê Duy Điếm, Trần Phú… tiếp xúc với Thanh Niên dần dần chịu ảnh hưởng nên đã lấy Thanh Niên làm mẫu mực về cương lĩnh và tổ chức. Những do bản thân Tân Việt bao gồm nhiều thành phần khác nhau nên nhiều lần xúc tiến hợp nhất với Thanh Niên đã không thành. Sau Đại hội Thanh Niên tháng 5-1929 thất bại dẫn đến việc thành lập ĐCSĐD, Tân Việt đã chuyển hướng, muốn quay sang sáp nhập với Đảng Cộng sản mới thành lập này. Nhưng cuộc vận động cũng không xong: điều kiện của ĐCSĐD đòi Tân Việt giải thể với tư cách là tổ chức, rồi sau đó sẽ gia nhập với tư cách là những cá nhân là không chấp nhận được. Trước tình thế ấy, bộ phận cánh tả trong Tân Việt đã ly khai tổ chức cũ để thành lập một Đảng Cộng sản khác tên gọi là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn [15] , tuyên bố cùng ĐDCSĐ và ANCSĐ “liên hợp thành thành một tổ chức cộng sản xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất” [16] .
Nguyễn Ái Quốc và việc hợp nhất các “Đảng Cộng sản”
Sự ra đời của Đảng Cộng sản thứ ba này đã là nhát búa cuối cùng đóng vào cái nắp quan tài Hội Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1925 và Đại hội Thanh Niên lần thứ nhất diễn ra vào tháng 5-1929 cũng là Đại hội cuối cùng của nó. Theo cách lý giải của những nhà ý thức hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau thì hiện tượng đó đã mang ý nghĩa của sự “khủng hoảng trưởng thành của phong trào công nhân và dân tộc ở Việt Nam” [17] . Nhưng theo lời lẽ của chính người đã tạo ra “phong trào” ấy là Nguyễn Ái Quốc thì đó là “chính sách sai lầm của những người cộng sản” – những người này trong khi làm cho “con chim non cộng sản” ra đời đã “phá huỷ gần hết cái vỏ” của “quả trứng” đã cưu mang nó mà chẳng làm được gì hơn là “sử dụng nhiều – nếu không nói là tất cả – nghị lực và thời gian trong các cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái” [18] .
Nhưng Nguyễn Ái Quốc có trách nhiệm gì và đã giải quyết như thế nào tình trạng hỗn loạn cộng sản nói trên?
1. Chúng ta hãy đọc những dòng mà Nguyễn Ái Quốc đã gửi QTCS ngày 18-3-1930 nói về thời kỳ anh công tác ở Xiêm:
A. 1) Nhận được chỉ thị của QTCS về công tác ở Đông Dương, tôi từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7-1928. Tôi đã làm việc với một số người Annam di cư ở đấy tới tháng 11-1929.
2) Những điều kiện ở Xiêm (đúng hơn là cả ở Lào)
a) Dân cư rất phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên Chúa, chừng 10 hay 15 nghìn người Annam di cư ở Xiêm và cả ở Lào. Hơn một nửa trong số họ đã nhiều thế hệ theo đạo Thiên Chúa. (…)
B. Công tác của tôi ở Lào
1) Do những điều kiện của người Annam (nông dân tự do, thợ thủ công, tiểu thương), họ chỉ có thể được tổ chức vào “Hội Ái hữu” với tư tưởng yêu nước và chống đế quốc. Trước đậy họ có hơn 1000 người. Nhưng hiện nay ít hơn vì những người Annam theo đạo Thiên chúa bị các giám mục người Pháp đe dọa rút phép thông công nên họ đã rút ra khỏi Hội Ái hữu.
2) Ba trường học đã được tổ chức. Một trường khác sắp được tổ chức nhưng phải hoãn lại vì : a) Địa điểm gần người Pháp, b) Tỉnh trưởng người Xiêm theo đạo Thiên chúa, c) Có một nhà thờ do người Pháp làm cố đạo, dĩ nhiên là ông ta chống lại chúng tôi.
3) Một tờ báo, tờ “Thân Ái” sắp được xuất bản.
C. Đi về Annam
Đã hai lần tôi cố gắng về Annam, nhưng phải quay trở lại. Bọn cảnh sát và mật thám ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ Annam “Quốc dân Đảng” [19] .
Chúng ta đều biết sau sự biến tháng 4-1927 ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã nhất định về châu Á để tiếp tục hoạt động và trên đường về Xiêm, anh đã mang theo chỉ thị 12-9-1927 của QTCS về việc thành lập đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng qua báo cáo của Nguyễn về thời gian công tác tại Xiêm chúng ta cũng thấy nhiệm vụ nói trên của anh đã không được hoàn thành: dự định về nước bị cản trở, móc ráp với cơ sở để chỉ đạo các hoạt động trong nước không có, tất cả công việc ở Xiêm, qua báo cáo nói trên, cũng chẳng có gì quan trọng.
Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên [20] và Vừa đi vừa kể chuyện của T.L [21] cũng không cho chúng ta thấy gì thêm: ngoài việc thành lập Hội Thân ái Việt Nam và tuần báo Thân ái, mở trường học dạy trẻ con, tất cả những thứ còn lại đều chỉ là những chi tiết trong những chuyện kể phiêu lưu cách mạng, chẳng hạn như bị mật thám theo dõi đến nỗi phải tạm thời cắt tóc… đi tu! Những kẻ sùng bái ông Hồ có cố gắng sưu tầm ra những chi tiết cốt để làm cho thời gian đó trở nên quan trọng hơn nhưng vẫn không thoát khỏi những chuyện tủn mủn tương tự. Chúng ta biết thêm được hình ảnh “gầy gò” của Nguyễn – dưới bí danh Thầu Chín – bất ngờ xuất hiện ở Phi Chít (Trung bộ nước Xiêm ) rồi đi về Odon (Đông Bắc Xiêm) trong những buổi đọc báo, học tiếng Xiêm, lập tủ thuốc, diễn kịch (bài ca Đức Thánh Trần…) cuốc đất, vác gạch, dịch sách (ABC Cộng sản, Nhân loại tiến hoá sử)… hoà mình với quần chúng để vận động [22] , nhưng tất cả đều chỉ giới hạn trong một khu vực người Việt Nam không thuận lợi, chẳng có gì tác động quan trọng đến tình hình trong nước cả. 16 tháng ở Xiêm mà chỉ với những công việc như vậy thì một cán bộ Thanh Niên nào đó vẫn có thể làm được.
2. Cũng trong báo cáo gửi QTCS ngày 18-2-1930 nói trên, Nguyễn Ái Quốc cũng cho biết đã đi Trung Quốc để tiến hành hội nghị hợp nhất như thế nào:
“Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh Niên Cách mạng bị tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái v.v…
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó ngày 23-12. Sau đó tôi triệu tập Đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1.
Với tư cách là phái viên của QTCS có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng.
Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của QTCS.
Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 uỷ viên chính thức và 7 uỷ viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2” [23] .
Nhưng thực tế cho chúng ta biết sự việc đã không diễn ra hoàn toàn đơn giản như Nguyễn đã viết.
Theo báo cáo thì dường như khi còn ở Xiêm, cùng với việc không liên hệ gì với QTCS, Nguyễn Ái Quốc cũng không biết nhiều về sự phân liệt trong phong trào cộng sản Việt Nam sau Đại hội 6 QTCS. Nguyễn chỉ biết tình hình ấy khi có người sang cho hay, và chỉ khi đó Nguyễn mới tìm cách đi giải quyết. Và khi gặp gỡ các đại biểu trong Hội nghị, Nguyễn đã gây nghi ngại không ít cho một số người: như chúng ta đã biết, trước Hội nghị hợp nhất, nhóm Bắc kỳ chỉ muốn coi Nguyễn như một thành viên Thanh Niên bình thường, và vì tổ chức này cần giải tán, nên Nguyễn cũng không còn được coi đương nhiên là người lãnh đạo cao nhất của phong trào. Và cũng chính vì vậy mà ngay trong Hội nghị hợp nhất, một thành viên của “Đông Dương” đã đòi Nguyễn phải trưng bằng cớ là người đại diện thật sự cho QTCS để chủ trì hội nghị [24] .
Cũng theo báo cáo thì Hội nghị hợp nhất đã được tổ chức theo đường lối của QTCS. Nhưng những diễn biến về sau cho biết đường lối đó không còn phù hợp với đường lối do Đại hội 6 QTCS vạch ra. Như chúng ta đã biết tinh thần của hai đại hội này khác nhau hoàn toàn cho nên, kết quả của Hội nghị hợp nhất cũng rất bấp bênh. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh rằng những người nắm giữ thật sự đường lối của QTCS sau Đại hội 6 là Ngô Đức Trì và Trần Phú vừa tốt nghiệp xong trường Stalin từ Liên Xô trở về chứ không phải là ai khác. Văn bản mới nhất mà hai người này nắm được để định hướng cho phong trào cộng sản Việt Nam là chỉ thị ngày 17-10-1929; nội dung của chỉ thị đó, theo lời khai của Ngô Đức Trì với mật thám sau khi bị bắt, là hướng dẫn thành lập ra những nhóm cộng sản trước rồi sau đó mới lập ra Đảng. Chỉ thị cũng nói rõ là trong khi cần phải hợp tác chặt chẽ vớí các nhóm cộng sản Trung Quốc thì phải tránh nhập nhằng với những đảng quốc gia kiểu như Đảng Độc lập của Nguyễn Thế Truyền mới thành lập ở Pháp.
Cùng với chỉ thị trên, Ngô Đức Trì và Trần Phú cũng được QTCS cung cấp cho một tài liệu 48 trang tựa đề “Về nhiệm vụ trước mắt của những người cộng sản Đông Dương” soạn vào tháng 11-1929 trong đó nội dung của Đại hội 6 QTCS và Hội nghị 10 Ban chấp hành QTCS đã được diễn giảng rõ ràng. Đặc biệt nhất là khi áp dụng vào thực tế, tài liệu đã phê phán Đại hội Thanh Niên tháng 5-1929 là thiếu quan điểm giai cấp. Tài liệu chỉ ra rằng tiểu tư sản không còn là “lực lượng cách mạng” nữa. Lực lượng cách mạng nhất trong nông dân là bần nông và tiểu nông. Phải vận động nông dân chống địa chủ (tô tức, thuế…). Quan hệ với những đảng phái khác hoàn toàn chỉ là lợi dụng, khai thác. Phải thành lập một đảng cộng sản bí mật để sử dụng những biện pháp công khai và bán công khai. Chuẩn bị bạo động khi có điều kiện [25] .
Kết quả Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành 10-1930
1. Chính là trên những tài liệu mới này, Ngô Đức Trì và Trần Phú, nhân danh Đại hội 6 QTCS, đã triệu tập Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 10-1930 phủ định toàn bộ những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện trong Hội nghị hợp nhất trước đó 8 tháng. Cương lĩnh tháng 2-1930 mà Nguyễn đưa ra trong Hội nghị hợp nhất đã bị thay thế bằng những luận đề và nghị quyết phù hợp với Đại hội 6 QTCS: đấu tranh chứ không liên hiệp giai cấp nữa. Những phần tử yêu nước có nguồn gốc trung gian sẽ bị thanh lọc. Trần Phú được bầu làm Thư ký, Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nghĩa cùng với hai người khác nữa là Thường vụ.
Theo Ngô Đức Trì (khi bị bắt đã khai với mật thám Pháp) [26] sau Hội nghị hợp nhất, Nguyễn và Trần Phú cùng đi Thượng Hải để báo cáo với Ban phương Đông. Trần Phú trở về Hồng Kông đã mang theo một bức thư của Nguyễn, trong thư này Nguyễn thú nhận Hội nghị hợp nhất đã được tổ chức vội vã, có nhiều sai sót trong lãnh đạo do thiếu thông tin trong nước. Nguyễn cũng đồng ý đổi tên Đảng thành ĐDCSĐ.
Với những kết quả như trên, có thể coi Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành tháng 10-1930 giống như một đảo chính cung đình rất quen thuộc trong những cuộc thanh lọc của những đảng cộng sản. Trong cuộc thanh lọc ấy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành đối tượng của sự phê phán, phủ định quyết liệt.
2. Vì tầm quan trọng của vấn đề, ngoài những xử lý cá nhân trong nội bộ, “vấn đề Nguyễn Ái Quốc” phải được công bố cho toàn bộ phong trào. Điều này được thể hiện trong thư ngày 9-12-1930 của Trung ương Thường vụ gửi các cấp đảng bộ, vạch ra những sai lầm của Nguyễn về Hội nghị hiệp nhất, phê bình hội nghị ấy là “rất sơ sài”, “có nhiều điều không đúng với chủ trương quốc tế” [27] . Có thể tóm tắt nội dung của bức thư ấy trong mấy điểm như sau:
Hội nghị hợp nhất không lấy tư tưởng làm nền để “hiệp nhất” các nhóm cộng sản (“Đông Dương”, “An Nam”, “Cộng sản Liên đoàn”) nên vẫn không chấm dứt được tình trạng hỗn tạp trong hành động và tư tưởng trong đảng.
Lấy tên Đảng là Cộng sản Việt Nam là không đúng: Việt Nam, Cao Mên, Lào cùng bị đế quốc Pháp thống trị, sinh hoạt kinh tế “mật thiết liên lạc với nhau”-
Chính cương vắn tắt của Hội nghị hiệp nhất mơ hồ về tính chất đấu tranh giai cấp. Với địa chủ: không thể chia địa chủ thành “đại, tiểu và trung” rồi cho rằng hạng này có thể theo, hạng kia có thể phản cách mạng; tất cả bọn chúng đều là giai cấp bóc lột và liên kết với đế quốc để bóc lột, vì vậy không thể chủ trương lợi dụng hay trung lập hóa mà phải tiêu diệt, tịch thu tất cả ruộng đất của chúng chia cho bần và trung nông (cố nông không nằm trong phạm trù dân cày mà là vô sản).
Đối với tư sản: Cũng không thể mập mờ nói chuyện “lợi dụng” những phần tử tư sản gọi là “chưa phản cách mạng” như Chánh cương sách lược. “Ảnh hưởng của bọn tư bản trong quần chúng công nông là rất nguy hiểm cho phong trào cách mạng. Bởi vậy cần phải gỡ cái mặt nạ của bọn tư bổn trong quần chúng để giành lấy quần chúng”
Những sai lầm của Nguyễn Ái Quốc về việc “hiệp nhất”:
“Đồng chí đứng ra chiêu tập H.n.h.n năm trước kia được Q.t cho về tuỳ hoàn cảnh mà làm việc chứ chưa có được kế hoạch rõ ràng gì. Khi đồng chí ấy về đến nơi thì thấy phong trào c.s tuy mới nổi nhưng đã chia rẽ rồi nên tự ý hành động có nhiều việc sai lầm không đúng với kế hoạch của Q.t. Vì đó mà có Hội nghị hiệp nhất. Đồng chí ấy nay đã nhận rõ những sai lầm và cũng đã đồng ý với T.ư mà sửa chữa những chỗ sai lầm lúc trước”.
Nội dung về “đấu tranh giai cấp” đã được Luận cương chính trị của Đảng trước đó (do Trần Phú soạn thảo) nói rõ hơn [28] :
Tất cả giai cấp tư sản đều phản động dù là bộ phận “hiệp tác” với đế quốc hay bộ phận “thoả hiệp” với đế quốc. Riêng bộ phận “thoả hiệp này” được Luận cương kể tên: bọn Huỳnh Thúc Kháng, bọn Phạm Quỳnh, bọn Ngọ báo… và được “vạch mặt” khá kỹ là chỉ lợi dụng phong trào quần chúng để mưu lợi ích riêng, đòi hỏi cải cách nhưng kỳ thật là “phá hoại phong trào cách mạng của công nông”. Mục đích là làm cho công nông “sanh mộng tưởng mà quên con đường cách mạng”.
Các đảng phải tiểu tư sản như (Quốc dân Đảng, Nguyễn An Ninh…) dù là theo đường lối “quốc gia cách mạng” nhưng rồi cũng hoá ra “quốc gia cải lương”. Các đảng phái ấy đều dính dáng đến bọn địa chủ và tư bản: có theo cách mạng chống đế quốc thì cũng chỉ vì quyền lợi của tư bản bản xứ, khi phong trào công nông phát triển mạnh thì chúng sẽ bỏ cách mạng “chạy về cải lương và hiệp tác với đế quốc chủ nghĩa”. Chỉ có thể “tạm thời hợp tác” và “lợi dụng” có lợi cho cách mạng. Phải giữ vững tính chất giai cấp của công nông trong hợp tác với những đảng phái ấy, và trong khi hợp tác cũng phải “hết sức đánh đổ ảnh hưởng của bọn ấy trong quần chúng” [29] .
3. Trong các đảng cộng sản, những sai lầm được vạch ra như trên là thuộc về “đường lối” và “quan điểm”, cực kỳ trầm trọng. Cũng chính vì vậy mà mặc dù Nguyễn đã tự kiểm điểm, Hội nghị Trung ương toàn thể ở Sài Gòn ngày 12-2-1931 đã ghi vào chương trình nghị sự một mục gọi là “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” và đi đến chỗ chấm dứt vai trò đại diện QTCS của Nguyễn ở Hồng Kông: thay vì liên lạc qua Nguyễn thì Đảng CS ĐD trực tiếp với Ban phương Đông. Theo lời Ngô Đức Trì thì do những lãnh đạo Trung và Bắc đã than phiền về việc Nguyễn thường hay đòi họ phải báo cáo cho Ban phương Đông ở Thượng Hải, việc này theo họ là nhiệm vụ của Ban Thường vụ. Hội nghị đề nghị Nguyễn chấm dứt việc đòi hỏi đó; khi cần thiết Trung ương sẽ báo cáo cho Ban phương Đông ở Hồng Kông, Nguyễn chỉ làm công việc chuyển thôi.
Ngày 23-4-1931, Nguyễn trả lời Trung ương và qua thư này chúng ta có thể hình dung sự việc như sau: sau Hội nghị tháng 10-1930, “trong đã có Trung ương ngoài đã có Ban phương Đông”, nếu công việc của Nguyễn chỉ là “thùng thơ” thì “người khác cũng làm được” cho nên Nguyễn xin “đổi chỗ”. Vì vậy Ban phương Đông mới có thư định trách nhiệm cho Nguyễn và trách nhiệm ấy, qua thư Nguyễn trả lời Trung ương, chúng ta thấy bao gồm có việc “tham gia ý kiến” với trong nước và Ban phương Đông, cho nên cần được trong nước gửi báo cáo ra, “không có gì là vô lý và lộn xộn” như Trung ương đã nhận xét. Nguyễn đề nghị Trung ương nên thảo luận lại “nhiệm vụ” của Nguyễn và cho biết ý kiến [30] . Như vậy, qua bức thư trên, ta thấy Nguyễn vẫn được Ban phương Đông giao cho công tác trong đó vẫn giữ một trách nhiệm nào đó với Đảng CS ĐD, nhưng Trung ương ĐCSĐD lại phủ nhận vai trò này. Cuối tháng 4-1931, Trần Phú đã viết cho Ban phương Đông báo rằng không còn dùng Nguyễn như người trung gian nữa vì “đồng chí này quá vắn tắt và hay cho chúng tôi nhũng ý kiến riêng không tham khảo với Ban” [31] .
Đại hội Macao và số phận Nguyễn Ái Quốc
1. Giữa lúc tình hình đang căng thẳng đó thì tháng 8-1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt, cùng với đa số những người đang hoạt động tại Trung Quốc (trong đó có Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai) và 9 cán bộ từ Moskva trở về [32] . Trong khi Minh Khai được đưa về Quảng Châu (sau được thả vì khai là người Trung Quốc), Hồ Tùng Mậu được dẫn độ về Việt Nam và bị đày đi Côn Đảo (vì bị bắt trong lãnh giới Pháp) thì Nguyễn bị giam giữ tại Hồng Kông (nơi Nguyễn bị bắt) để chờ ngày ra toà. Trong thời gian này một tờ báo cộng sản Anh có đưa tin Nguyễn đã chết vì bệnh lao và tin này đã khiến nhiều người cộng sản ở nhiều nơi đã làm lễ truy điệu. Nhưng đó chỉ là tin đồn. Nhờ có sự vận động của tổ chức Cứu trợ Đỏ, một đoàn luật sư do Frank Loseby cầm đầu đến Hồng Kông, khôn khéo khai thác những thủ tục xét xử phức tạp trong luật pháp Anh để bênh vực, Nguyễn đã thoát khỏi áp lực của chính quyền thực dân Pháp đòi dẫn độ về Việt Nam, cuối cùng đến tháng 1-1933, thì được tha. Sau một số rắc rối, cuối cùng anh về được Moskva vào tháng 7-1934.
2. Lúc này tình hình thế giới đang có những chuyển biến quan trọng. Năm 1933, Hitler đã lên cầm quyền tại Đức [33] . Nhiều lĩnh tụ cộng sản các nước muốn xét lại đường lối của Đại hội 6 QTCS, khuyến cáo không nên đòi lật đổ toàn bộ giai cấp tư sản, không nên xếp phe Dân chủ-Xã hội vào loại kẻ thù số một nữa vì đường lối đó sẽ làm yếu mặt trận chống phát xít. Xu hướng này đã được thừa nhận trong Đại hội 7 QTCS họp vào tháng 7-1935. Ở Liên Xô, sau việc nhóm đối lập hữu khuynh bị thanh trừng xong, cuộc hợp tác hoá nông nghiệp đã hoàn thành, tình hình tưởng có thể lắng dịu đi, nhưng nhân việc Kirov, bí thư Leningrad bị ám sát vào cuối năm 1934, Stalin đã đẩy cường độ cuộc thanh trừng nội bộ lên mức hết sức tệ hại. Trotsky cấu kết với đế quốc để chống Liên Xô đã trở thành lý lẽ biện minh cho việc bắt bớ, đầy ải hàng ngàn những phần tử đối lập cũ đã nhận lỗi và được phục hồi sau những cuộc trấn áp trước.
Năm 1935 và 1936, cuộc thanh trừng tiếp tục và lan rộng dần, cho đến 1937 thì đã trở thành cuộc giết hại kinh hoàng: nó không chỉ nhằm vào những nhóm chống đối đã có mà còn mở rộng đến toàn bộ hàng ngũ những người bônsêvích kỳ cựu, những người mà Stalin cho là tạo ra cái môi trường có khả năng tiếp tục sinh ra chống đối mới. Dưới nhiều hình thức khác nhau – tra tấn, dụ dỗ, rún ép gia đình, giết hại không xét xử , hoặc mở ra một số rất ít những cuộc xét xử để những nạn nhân tự thú… – Stalin đã triệt tiêu 70% (98 trong tổng số 139) các uỷ viên và uỷ viên dự khuyết được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Đại hội 1934, một Đại hội mệnh danh là “chiến thắng” [34] .
Cuộc thay máu ấy không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng Liên Xô, nó lan tràn ra các đảng cộng sản “anh em” mà Stalin nghi ngờ có khả năng chống lại đường lối của mình. Cái mũ chụp lên đầu những lĩnh tụ cộng sản này cũng không có gì khác hơn là làm tay sai cho Trotsky phản cách mạng! Đặc biệt nhất là đối với những đảng viên từ nhiều nước bị chủ nghĩa phátxít thống trị (Đức, Ba Lan…), phải chạy sang Liên Xô xin tá túc: hàng vạn người trong hàng ngũ này đã bị bắn giết hoặc vào các trại tập trung [35] .
3. Tình hình phức tạp ở Liên Xô và trên thế giới trên đây đã ảnh hưởng rất nhiều đến Nguyễn Ái Quốc. Sau khi dưỡng bệnh ở Crimée, tháng 10-1934, Nguyễn vào học tại Trường Lenin (được xem là nơi đào tạo những cán bộ cộng sản nước ngoài nhưng thật sự cũng là nơi để giáo dục lại những cán bộ mắc phải sai lầm). Bị kiểm điểm đối với anh chắc chắn là điều không tránh khỏi [36] . Nhưng không thấy có tài liệu nói rõ hình thức kỷ luật đối với Nguyễn.
Vào thời kỳ này, trong khi Moskva chuẩn bị Đại hội 7 QTCS thì một sự kiện quan trọng cũng đã xảy ra đối với ĐCSĐD: Hà Huy Tập thay mặt Lê Hồng Phong, giả định như tình hình chưa có gì thay đổi, tổ chức Đại hội ĐCSĐD tại Macao (từ 27 đến 31 tháng 3-1935), đẩy xa hơn nội dung khuynh tả của Đại hội 6 QTCS về đường lối lẫn thanh lọc nội bộ [37] . Đại hội đã bầu ra một Uỷ ban Trung ương mới gồm 13 người (Hà Huy Tập là Tổng Bí thư) trong đó Nguyễn Ái Quốc chỉ được coi như là uỷ viên dự khuyết và được chỉ định đi dự Đại hội 7 QTCS cùng với ba đại biểu khác là Lê Hồng Phong (cán bộ trong Văn phòng Hải ngoại ĐCSĐD), Hoàng Văn Nọn (người Tày) và Nguyễn Thị Minh Khai [38] – ba người này đã đến Moskva vào cuối năm 1934. Nhưng cùng với việc đề cử đó, Hà Huy Tập đã gửi cho QTCS báo cáo về “vấn đề Nguyễn Ái Quốc” tại Đại hội Macao trong đó có những lời lẽ như sau:
“Ở Xiêm cũng như ở Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng cách mạng-dân tộc, trộn lẫn với chủ nghĩa cải lương và duy tâm của Hội Thanh Niên và đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Những tàn dư này rất mạnh và tạo ra sự cản trở rất nghiêm trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh không thương xót chống lại những lý luận cơ hội cũ của Quốc và Thanh Niên là cần thiết. Hai Uỷ ban Xiêm và Đông Dương sẽ ra văn bản chống lại các xu hướng ấy. Chúng tôi đề nghị đồng chí Line cũng viết bản tự kiểm và những thất bại đã xảy ra” [39] .
Trong một thư 4 trang viết bằng tiếng Pháp gửi QTCS đề ngày 20-4-1935,Hà Huy Tập còn nói thêm về những sai lầm cực kỳ trầm trọng của Nguyễn Ái Quốc trong lĩnh vực tổ chức:
“a) … Quốc biết Lâm Đức Thụ là mật thám nhưng vẫn dùng, b) Quốc đã sai lầm khi đòi học viên phải nộp 2 bức ảnh, cho biết tên thật, địa chỉ, tên cha mẹ, ông bà…, c) trong nước cũng như ở Xiêm và trong tù, người ta đã nói nhiều đến trách nhiệm của Quốc điều mà Quốc không hề phủ nhận, d) những ảnh mà Quốc yêu cầu hiện đang nằm trong tay mật thám Pháp, e) dần dà khi đường lối của Đảng càng rõ ràng thì đảng viên ngày càng chỉ trích Quốc một cách nặng nề. Tổng thư ký của Đảng CS Xiêm, trước đây theo Quốc nhiệt thành, nay là một trong những người đã phát biểu rằng trước 1930, Quốc không phải là một người cộng sản” [40] .
4. Với sự thay đổi đường lối của Đại hội 7 QTCS, Nguyễn Ái Quốc chắc đã hy vọng mau chóng học tập để trở về hoạt động [41] . Nhưng có lẽ do những báo cáo của Hà Huy Tập nói trên, cộng thêm với không khí thanh trừng ác liệt của Stalin trong thời gian đó, tình trạng của anh đã trở nên khó khăn hơn.
Trong Đại hội 7 QTCS, trong khi ba người Việt Nam được coi là đại biểu chính thức (có quyền biểu quyết) và Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành QTCS, và trong khi hai đại biểu Xiêm chỉ được xem là đại biểu tư vấn (không được bỏ phiếu) thì Nguyễn Ái Quốc đã không là gì cả: không là đại biểu chính thức mà cũng không là đại biểu tư vấn. Nếu có dự Đại hội thì có lẽ chỉ với tư cách là cán bộ phụ tá hay cố vấn cho đoàn Việt Nam thôi. Chính là Vasilieva, một cán bộ Ban phương Đông, đã quyết định chuyện này chứ không phải là ai khác. Vasilieva đã ghi chữ “không” dứt khoát, để trả lời việc Đại hội Macao đề cử Nguyễn làm đại biểu trong QTCS, cùng với nhận xét sau đây: “Quốc phải học tập nghiêm chỉnh trong hai năm và không được đảm nhận một công việc nào khác, sau khi học xong, chúng tôi sẽ có kế hoạch đặc biệt cho đồng chí”.
Sau Đại hội, trong khi Lê Hồng Phong rồi Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn lần lượt trở về châu Á, thì Nguyễn vẫn ở lại Liên Xô, học tại Trường Lenin, năm 1936 chuyển sang bộ phận Đông Dương của Trường Stalin, làm việc dưới sự phụ trách của Vasilieva và được Vasilieva nhận xét: “Đồng chí có khá nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng như nhiều đồng chí Đông Dương khác, đồng chí vấp phải nhiều sai lầm, chúng tôi rất quan tâm đến những vấn đề đó… đồng chí đang có những tiến bộ thấy rõ…”. Không tìm thấy tài liệu cho biết Nguyễn dự định làm một luận án về nông nghiệp như nhiều người đã viết và dường như anh cũng chẳng tỏ ra thích thú lắm với công việc giảng dạy và nghiên cứu này.
Cuối 1936, Vasilieva đề nghị lập một trường huấn luyện tại Trung Quốc cho các cán bộ cơ sở ở Việt Nam, với dự án 3000 đôla, mỗi khoá 2 tháng cho 10 học viên, dự định đưa Nguyễn Ái Quốc về phụ trách. Nhưng cuối bản kế hoạch này có ai đó đã viết nguệch ngoạc: “Tất cả những đề nghị này đã bị bác bỏ sau khi đã làm rõ vấn đề”. Nguyễn Ái Quốc đã có vấn đề. Vấn đề gì? Trong hồ sơ QTCS không thấy nói rõ. Chỉ biết Nguyễn phải ở lại Moskva tiếp tục làm việc tại Trường Stalin, 1937, trường này đã được tổ chức lại với tên “Viện khoa học nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa”, nhưng nội dung vẫn là đào tạo những cán bộ cho các đảng cộng sản nước ngoài. Nguyễn công tác ở trường này với tư cách vừa là giáo viên vừa là nghiên cứu sinh năm thứ nhất Ban sử. Điểm học hình như cũng không lấy gì làm đặc biệt lắm. Các môn Duy vật biện chứng, Cổ sử, Trung sử: trung bình. Chỉ có Lịch sử hiện đại là xuất sắc. Trong khi học, được phân công dạy môn Nghiên cứu Đông Dương bằng tiếng Việt [42] . Đến cuối tháng 9-1938, Nguyễn mới được chấp nhận cho về Trung Quốc công tác với tư cách là phái viên của QTCS phụ trách Đảng CSĐD.
Chúng ta hãy đọc bức thư Nguyễn gửi Manuilsky ngày 6-6-1938 [43] sau đây để hình dung ra tình cảnh của Nguyễn trong suốt khoảng thời gian “từ ngoài chỉ đạo về nước” của anh tại Liên Xô:
Đồng chí thân mến,
Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của (sic) Đảng.
Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi. (…)
6-6-1938
LIN (Nguyễn Ái Quốc)
Vinh quang hay thất bại?
Qua những gì đã trình bày trên đây, chúng ta thấy đối với Nguyễn Ái Quốc, các sự việc xoay quanh việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã không tràn ngập hào quang như những nhà ý thức hệ của Đảng hết lời ca tụng – ít nhất thì cũng không phải là “kết quả của gần 10 năm chuẩn bị rất công phu” mà Nguyễn đã bỏ ra“về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức” [44] để hoàn thành công việc đó.
1. Như chúng ta đã biết, khi nhận chỉ thị 12-9-1927 của QTCS về Xiêm tổ chức thành lập đảng cộng sản cho Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã không hoàn thành được nhiệm vụ. Hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra và rất khó trả lời về ý nghĩa của những hoạt động của Nguyễn trong thời gian này: a) Tại sao có tình trạng suốt 16 tháng ở Xiêm (từ tháng 7-1928 đến 11-1929), không thấy có báo cáo nào của Nguyễn gửi về QTCS [45] ? b) Có phải vì không liên lạc quá lâu với Liên Xô và QTCS từ Đại hội 6 nên khi cần hành động Nguyễn đã không còn biết rõ vai trò của mình là gì [46] ? c) Có lý hay không khi có người cho rằng những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm chỉ là một cách né tránh cơn dông bão Stalin trong những năm sau Đại hội 6 QTCS mà anh đã cảm giác được?
2. Việc Nguyễn sang Trung Quốc thực hiện Hội nghị hợp nhất tháng 2-1930 cũng chứa đựng nhiều câu hỏi tương tự: a) Một lĩnh tụ đảng, một cán bộ của QTCS sao lại có thể lâm vào tình trạng không bắt kịp đường lối mới (từ Đại hội V sang Đại hội VI) của QTCS là cơ quan cấp trên của mình, cũng không nắm được tình hình trong nước là địa bàn mình chỉ đạo? b) Tại sao trong tình thế chưa tìm hiểu mọi việc đến nơi đến chốn mà vẫn hành động một cách vội vàng để sau đó tự làm mất uy tín, bị đả kích nặng nề và cuối cùng bị gạt sang bên lề một cách “đau buồn” trong một thời gian khá dài? c) Có thể tìm lý do khách quan nào khác để giải thích những sơ suất trên đây ngoài thái độ chủ quan của Nguyễn: xa rời thực tế nhưng tin rằng vẫn có thể dùng uy tín cũ của mình để giải quyết những vấn đề cấp bách mới nẩy sinh?
3. Những uẩn khúc đó không thể không dẫn chúng ta đến câu hỏi rốt ráo hơn: phải chăng đối với Nguyễn, nhiệm vụ xây dựng nên một đảng cộng sản cho Việt Nam đã là một thất bại? Và phải chăng do hành động lúng túng đó, cũng là tất yếu cái hậu quả “đau buồn” mà Nguyễn phải nhận từ nhiều phía? Từ cái QTCS ngả nghiêng mà Nguyễn đã nương theo để nặn nên “quả trứng cộng sản”: chính cái QTCS đó chỉ sau mấy năm đã phủ định tất cả những gì Nguyễn đã làm. Từ cả những con “chim non cộng sản” háu ăn: sau khi bay nhảy được thì liền quay lại cào cấu không thương tiếc cái thực thể đã đem đến cuộc sống cho chúng. Phải chăng Nguyễn đã bị cuốn vào một guồng máy mà sự vận hành của nó đã vượt khỏi mọi tính toán của bản thân anh?
Trước những vấn đề phức tạp trên đây, những tư liệu mới có được cho đến nay dường như vẫn chưa giúp chúng ta tìm ra câu trả lời thật dứt khoát. Tuy vậy, có một điều mà chúng ta tin rằng không sai lầm nhiều lắm khi khẳng định: cũng như nhiều lần khác, trước những khó khăn lần này, Nguyễn đã tỏ ra rất khéo léo trong việc xoay sở để vượt qua và tồn tại [47] – kiên nhẫn đợi chờ thời cơ thích hợp để thực hiện mục đích của mình.
© 2007 talawas
[1]RC, 495, 154, 556, p.17; Sophie Quinn-Judge: Nguyen Ai Quoc, The Commintern and the Vietnamese Communist Mouvement (1919-1941), Chapter IV, p. 118-121.
[2]Xem Leonard Chapiro: The Communist Party of the Soviet Union, bản Pháp văn: De Lénine à Staline, Gallimard, 1967, tr. 413-424.
[3]J.V. Stalin: Works, Foreign Languages Publishing House, Moskva, 1954, Vol. 11, pp 206-207; Prepared for the Internet by David J. Romagnolo, djr@marx2mao.org, September 1998.
[4]Trước Đại hội 6 QTCS (từ 17-7 đến 1-8-1928) khoảng một tháng, Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã họp tại Moskva (từ 18-6 đến 11-7-1928) đi theo xu hướng “chống hữu khuynh” của Stalin khá rõ rệt. Để đối phó với chính biến của Tưởng Giới Thạch năm 1927, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ trương liên tục những cuộc khởi nghĩa, từ Vũ Xương, Vụ mùa, Quảng Châu đến Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Hà Nam, Thiểm Tây… và tất cả đều bị đàn áp thảm hại. Đại hội 6 của Đảng CS Trung Quốc họp ở Moskva rút kinh nghiệm, tuy xác định đường lối vẫn nằm trong giai đoạn “cách mạng dân chủ tư sản” nhưng vẫn lấy thành phố làm trọng tâm công tác, và do ảnh hưởng của Stalin, đã coi “giai cấp tư sản dân tộc là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất cản trở thắng lợi của cách mạng” (Nguyễn Gia Như và Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 276-278).
Đại hội đã bầu ra Bộ Chính trị mới: Xiang Zhongfa (Hướng Thiên Phát), Qu Qiubai (Cù Thu Bạch), Zhou Enlai (Chu An Lai), Cai Hesen, Li Lisan (Lý Lập Tam), Xiang Ying (Vương Minh); trong số này có ba người là Xiang Zhongfa, Cai Hesen, Li Lisan đã trở về Thượng Hải trước khi Đại hội QTCS họp, và có thể chính những lãnh tụ này đã ảnh hưởng đến phong trào cộng sản Việt Nam trước Đại hội 6QTCS. Điều này cũng dễ hiểu: những cán bộ Thanh Niên trong thời kỳ này đều là những người hoạt động lâu năm ở Trung Quốc, nhiều người công tác trong Quốc dân Đảng hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tham gia những cuộc khởi nghĩa nông dân sau sự biến tháng 4-1927 (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 123).
[5]Xem Hélène Carrère dEncausse et Stuart Schram: Le marxisme et l'Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, tr. 87-88.
[6]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, Chapter IV, tr. 126.
[7]Stalin đã nói về nhóm Bukharin bằng những lời lẽ như sau: “Hoạt động đối lập của nhóm đó là toan xét lại đường lối của Đảng; nó tìm cách sửa lại đường lối của đảng và chuẩn bị điều kiện để thay thế đường lối của đảng bằng một đường lối khác, đường lối của phái đối lập, đường lối này không khác gì hơn là đường lối của xu hướng hữu khuynh”. Đó không phải là một nhóm bè phái thường mà là “một nhóm đáng ghét nhất và ti tiện nhất trong tất cả các nhóm bè phái đã có trong đảng ta”. Sai lầm lớn nhất của nhóm Bukharin, theo Stalin, là do họ không hiểu cái lôgích đấu tranh giai cấp “mácxít” được Stalin diễn giải như sau: do bị cách mạng đẩy vào đường cùng, bọn phản động càng giãy dụa điền cuồng, cho nên cách mạng càng mạnh, phản động càng yếu thì đấu tranh giai cấp càng gay gắt thêm. (Xem I.V Stalin: “Về xu hướng hữu khuynh trong Đảng Cộng sản toàn Liên Xô”, Diễn văn đọc tại Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương và Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản (b) toàn Liên Xô, tháng 4-1929, trong I.V Stalin: Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin, Sự thât, Hà nội, 1977, tr. 261-343).
[8]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 127.
[9]Gồm 7 người: Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân. Trong số những người này Dương Hạc Đính đã là mật thám chìm cho Pháp, còn Nguyễn Tuân thì về sau đầu hàng, khai báo và bị đồng chí cũ thanh toán khoảng 1930. Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism, Cornell University, Ithaca and London, 1986, tr.117.
[10]Trước sự nhất quyết của Nhóm Bắc kỳ, nghe nói Lâm Đức Thụ đã phát biểu: “Với tư cách là chủ tịch Đại hội, tôi ra lệnh chấm dứt mọi thảo luận việc thành lập đảng cộng sản. Ai muốn nói chuyện đó có thể rời hội nghị và bàn ở một nơi khác”. Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 118.
[11]Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 119.
[12]Huỳnh Kim Khánh cho biết đã tìm thấy trong Kho lưu trữ hồ sơ hải ngoại Pháp (AOM) hơn 30 tài liệu và thư mật giữa ĐCSĐD và Tổng bộ Thanh Niên ở Hồng Kông trao đổi về vấn đề giải tán Thanh Niên và thành lập Đảng Cộng sản. Tất cả những văn bản được viết bằng mực vô hình đó, đã được bạch hoá (làm lộ ra), chụp lại và dịch sang tiếntg Pháp. Trong thư gửi Tổng bộ Thanh Niên ngày 9-10-1929, ĐCSĐD đã từ chối mọi hoà giải và hứa sẽ xem xét sự gia nhập của những thành viên Thanh Niên vào Đông Dương với tư cách là những cá nhân. Bức thư có thêm dòng sau đây: “Nếu Vương (Nguyễn Ái Quốc) có trở về thì chúng tôi cũng thực hiện các thủ tục với ông ấy giống như các thủ tục đối với các anh”. (Huỳnh Kim Khánh: Sđd, Chú thích 93, tr. 182).
Mấy chi tiết trên đây được Phạm Xanh nhắc đến trong cuốn Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 199) nhưng không cho biết tên sách đã dẫn và đặc biệt nhất là không biết bằng cách nào mà lại có thể diễn dịch nội dung câu tiếng Anh trong sách của Huỳnh Kim Khánh: “Originally written in invisible ink, they were exposed, photographed, and translated into French” thành: “Bản gốc được viết bằng mực tím và được dịch ra tiếng Pháp” !!! Còn câu: “If Vuong returns, we shall follow the same procedures toward him as toward you” thì diễn thành: “Nếu Vương trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi các phương pháp với Vương cũng như với các anh” !!!
[13]Theo tài liệu của QTCS mà Sophie Quinn-Judge đọc được thì cuối tháng 8-1929, khi Hồ Tùng Mậu và khoảng 20 học viên Hoàng Phố được tha khỏi nhà tù Quốc dân Đảng, họ đã quyết định giải thể Thanh Niên và thành lập An Nam Cộng sản Đảng vì cho rằng tình hình mới buộc phải như vậy. Một chi bộ AnNam CSĐ đã ra đời tại Hồng Kông, mục đích là để tạo ra một đảng chân chính. “ĐCSĐD không phải là một đảng chân chính”. Những nhân vật lãnh đạo Annam CSĐ: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Quảng Đạt và Lê Duy Điếm, tuyên bố muốn thống nhất các thành viên cộng sản trong Thanh Niên khắp Đông Dương, kể cả việc hợp nhất với ĐDCSĐ, tuy rằng vẫn không ngớt chỉ trích đảng cộng sản này là “không chân chính”. (RC, 495, 154, 616, p. 62; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 145-146).
[14]Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 122.
[15]Như trên, tr. 122-123.
[16]Ngày 31-12-1929, Đại hội thành lập ĐDCSLĐ dự định họp ở ga Thọ Trường, nhưng vì lộ nên dời lên Chợ Thượng (Hà Tĩnh) họp trên một con đò dọc sông La xuôi về Vinh. Tham gia Đại hội có 8 đại biểu: Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Trần Hữu Chương, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ, Ngô Đình Mẫn, Lê Tiềm, Lê Tốn. Đại hội họp được hai ngày, khi đến bến đò Trai (Hà Tĩnh) các đại biểu bị địch bắt. (Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam (1921-1930), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, Sđ, tr. 197).
[17]Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam, Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr. 441, dẫn theo Phạm Xanh: Sđd, tr. 190.
[18]Hồ Chí Minh: “Báo cáo gửi QTCS 18-2-1930”, trong Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.12.
[19]Hồ Chí Minh toàn tập, T.3, Sđd, tr. 11-12.
[20] “Ngoài việc cuốc đất đi buôn, ông Nguyễn còn làm công việc tuyên truyền và tổ chức. “Hội Thân Ái Việt Nam” thành lập, một tờ tuần báo Thân Ái được xuất bản. Trước kia ở Trung Quốc, ông Nguyễn từ phương Bắc tuyên truyền về nước. Bây giờ ở Xiêm, ông tuyên truyền về nước từ phương Tây” (Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoật động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Nà Nội, 1972, tr. 64).
[21]“Ở Xiêm, Bác giúp kiều bào chỉnh đốn thêm những đoàn thể yêu nước và tổ chức thêm trường học dạy các trẻ em” (T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia – Nxb Thanh niên, Hà Nội 1994, tr. 34 ). T. Lan cũng được xem là bút danh của Hồ Chí Minh.
[22]Lê Mạnh Trinh: “Những ngày ở Quảng Châu và ở Xiêm”, trong Bác Hồ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000, tr, 128-145.
[23]Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 12.
[24]Thép Mới: Thời dựng Đảng, Paris, 1976, tr. 114. Dẫn lại theo Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 182. Người chất vấn đó là Trịnh Đình Cửu trong nhóm Bắc Kỳ (Xem Hoàng Tùng: “Hồ Chí Minh, Liên Xô và Trung Quốc”, Diễn Đàn (Paris) số 123 tháng 11-2002).
[25]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 152-153.
[26]“Tháng 3-1931, trong lúc Trung ương Đảng bí mật họp hội nghị ở Sài Gòn, Ngô Đức Trì bị bắt và phản bội. Vì nó khai mà đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác bị bắt. Suốt sáu tháng bị tra tấn dã man, tháng 9 năm ấy đồng chí Trần Phú đã chết trong nhà tù” (T. Lan: Vừa đi vừa kể chuyện, Sđd, tr. 48). Theo Sophie Quinn-Jugde thì Ngô Đức Trì bị bắt ngày 1-1-1931 cùng với toàn bộ Uỷ ban Nam Kỳ (Sđd, tr. 187).
[27]Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 233-242.
[28]Văn kiện toàn tập, T2, Nt, tr. 88-103
[29]Trong sự phê phán công khai này kéo dài này, Nguyễn Ái Quốc đã bị nêu đich danh cùng với cuốn Đường Cách mệnh mà Nguyễn soạn thảo ở Quảng Châu (một thời được coi như tài liệu gối đầu giường của những người cộng sản) để đả kích. Đặc biệt trong những bài viết ký tên là Hồng Thế Công đăng trên Tạp chí Bônsêvích, cơ quan lý luận của ĐCSĐD, từ khoảng 1932 đến 1935. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Sđd, tr. 184-185). Huỳnh Kim Khánh cho rằng Hồng Thế Công có thể là bút danh của “một cán bộ cao cấp của ĐCSĐD”, nhưng có thể đó là bút danh của Hà Huy Tập, người đã chống Nguyễn Ái Quốc gay gắt nhất trong thời kỳ này.
[30]Hồ Chí Minh toàn tập, T3, tr. 77-80.
[31]RC, 495, 32, p. 10; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 183.
[32]AOM , SPCE 368; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 190.
[33]Nhiều tác giả cho rằng chính chính sách của Stalin của Đại hội 6 QTCS liệt Đảng Dân chủ-Xã hội vào loại kẻ thù số một nên đã tạo cho Hitler đủ số phiếu để thắng cử.
[34]Con số Khouchtchev công bố trong Đại hội XX ĐCS Liên Xô 1956 (Xem: Leonard Schapiro: De Lénine à Staline, Sđd, tr. 466).
[35]Hiện tượng thanh trừng này đối với các cán bộ cộng sản Việt Nam cũng đã được một tác giả nóí đến như sau: “Cuộc đấu tranh chống những phần tử gọi là khiêu khích được mở rộng ở các trường của QTCS vào lúc có người nêu lên luận điểm trào lưu dân chủ xã hội là kẻ tòng phạm và anh em sinh đôi với với chủ nghĩa phát xít. Tháng 4-1934, Đặng Đình Chục quê Nam Định, mang bí danh Lê-ô, học ở trường Đại học cộng sản phương Đông bị bắt. Một số học sinh người Việt Nam khác cũng bị buộc phải thôi học” (Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 302). Theo cái lôgích của đoạn văn trên đây thì những người Việt Nam bị liệt vào hạng “khiêu khích” đó có dính dáng đến “trào lưu dân chủ xã hội” và điều đó có nghĩa là trong phong trào cộng sản Việt Nam bấy giờ đã tồn tại trào lưu “dân chủ xã hội”? Hay ý tác giả muốn nói mấy chữ “khiêu khích” ấy chỉ là cái cớ để đàn áp? Chúng ta không rõ – nhất là khi nguồn thông tin trên không xác định nội dung và xuất xứ. Trong khi đó thì một nguồn tài liệu khác vẫn có thể sử dụng để giải thích: những người bị thanh trừng kể trên là do bị tố cáo làm gián điệp cho thực dân Pháp. Nhiều báo cáo ở Việt nam gửi qua vào thời gian này đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn như trong báo cáo ngày 28-12-1934 gửi QTCS về danh sách 37 học viên Việt Nam đã rời Moskva qua Pháp hoặc về châu Á, Hà Huy Tập cho biết trong số đó có đến 12 người đã là những kẻ phản bội hoặc trở thành mật thám cho Pháp, chỉ có 10 người được xem là “cách mạng chuyên nghiệp” (RC, 495, 154, 676, p. 37; Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 205). Chúng ta biết sự đầu hàng của các lĩnh tụ và việc xâm nhập của mật thám vào nội bộ (trường hợp Lâm Đức Thụ, Dương Hạc Đính, Ngô Đức Trì, Nguyễn Tuân…) đã trở nên vấn đề khá trầm trọng của phong trào cách mạng cộng sản Việt Nam lúc ấy.
[36]Một báo cáo mấy năm sau của Anatoly Voronin, một cựu thành viên của Bộ Quốc tế của Uỷ ban Xô viết Trung ương, cho biết trước Đại hội 7 QTCS, một bộ ba đã được thành lập, gồm Manuilsky, Khang Sinh, và Vera Vasilieva, để kiểm điểm Quốc. Trong khi Manuilsky trung lập, Vasilieva bênh vực thì dường như Khang Sinh đã kết án Quốc khá nặng nề (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 205).
[37]Hành động này không giống trường hợp Nguyễn Ái Quốc bị thực tế vượt qua. Theo Sophie Quinn-Judge thì đó là hành động nhất quán của Hà Huy Tập: khi Nghị quyết của Đại hội 7 QTCS về đến Đông Dương sau này, Hà Huy Tập vẫn tìm cách cuỡng lại, không thực hiện, cho rằng Đại hội QTCS mới không hiểu rõ tình hình cụ thể của Việt Nam (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđ, tr. 220).
[38]Thư ngày 31-3-1935 của Hà Huy Tập gửi QTCS đã nhắc đến Nguyễn Thị Minh Khai như là “vợ của Nguyễn Ái Quốc”. Còn Minh Khai (bí danh là Fan Lan) đã khai trong lý lịch dự Đại hội là “đã kết hôn” và tên chồng là “Lin” (bí danh của Nguyễn Ái Quốc). Nhưng trong lý lịch của mình, không thấy Nguyễn khai là đã có vợ . (RC, 495, 201, 35; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 201).
[39]RC, 495, 154, 688; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr . 204.
[40]RC, 495, 154, 586, p. 4; Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 204.
[41]
Có lẽ với hy vọng về sự đổi thay của tình hình sau Đại hội 7 QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư cho Ban phương Đông ngày 16-1-1935, ký LIN, phê phán khá gay gắt trình độ lý luận và kiến thức của các cán bộ: do không đọc sách nên không hiểu thật rõ nhiều điều căn bản như cách mạng dân chủ tư sản là gì, không hiểu tại sao phải kết hợp giữa cách mạng phản đế với cách mạng ruộng đất… ; trong khi đó những người trí thức có đọc sách và tự cho là có hiểu biết thì lại rơi vào bệnh giáo điều, máy móc, bất chấp thực tế … phạm nhiều sai lầm. Tình trạng trên càng trầm trọng hơn khi những chiến sĩ lão luyện đã bị tù đày hầu hết và được thay bằng những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, tr. 83-84).
[42]Cùng công tác ở đây trong thời kỳ này có Nguyễn Khánh Toàn, và Toàn thì có vẻ trỗi bật hơn trong nghề nghiên cứu, giảng dạy: giảng Kinh tế Chính trị, Lịch sử tổng quát, Nghiên cứu các nước. Đến 1939 Toàn mới về Trung Quốc.
[43]“Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản”, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 90. Manuilsky là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1924 là Uỷ viên Ban Chấp hành QTCS, 1928 là Bí thư Ban Chấp hành QTCS.
[44]Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 82 .
[45]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 128.
[46]Trong thư Nguyễn Ái Quốc gửi Đại diện Pháp ở Quốc tế cộng sản ngày 27-2-1930, có đoạn như sau: “Lúc này tôi chưa biết rõ vị trí của tôi. Tôi hiện là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp hay Đảng Cộng sản Việt Nam? Cho đến khi có lệnh mới, tôi vẫn chỉ đạo công việc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng với danh nghĩa gì? Tôi không tham gia Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi chưa trở về Đông dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho tôi một cái án tử hình vắng mặt. Sự uỷ nhiệm công tá của Quốc tế cộng sản cho tôi đã hết hạn chưa? Nếu chưa, tôi vẫn tham gia Ban phương Đông ở đây? Tôi đề nghị các đồng chí nhắc Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản cho quyết định về việc này” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 22).
[47]Sophie Quinn-Judge cho rằng sở dĩ Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi sự thanh trừng trong năm 1937 môt phần có lẽ do Đông Dương không phải là vùng ưu tiên được Liên Xô quan tâm, phần khác lại do Nguyễn đã tập được thói quen biết tỏ ra khiêm tốn và ít tranh cãi trong những vấn đề lý luận gai góc (Sđd, tr. 216).
3/7/07
Bông hồng cho ngày tháng không tên
Bông hồng cho ngày tháng không tên
Hoàng Long
Con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây.
“Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay”
(Bùi Giáng)
“…Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường…”
(Lão Tử)
Triết gia B. Spinoza trong tác phẩm “Đạo đức học”, đã viết một câu thời danh: “Đối với hình tam giác, Thượng đế sẽ là một hình tam giác. Và đối với hình tròn, Thượng Đế sẽ là một hình tròn”. Rõ ràng khi chúng ta ý thức là ý thức về thế giới và thế giới trình hiện với chúng ta như thế giới được chúng ta ý thức. Mỗi một cá thể, cảm nhận thế giới theo một chiều kích sai biệt của mình. Vấn đề là ở chỗ làm sao ta biết rằng đối tượng sẽ là chính nó hay chỉ là những mảnh vỡ mờ nhạt bởi những ý nghĩa riêng tư mù quáng của trí năng lang thang. Triết gia Trần Đức Thảo viết: “Mọi sự kiện thiết thực của cuộc sống không mất đi khi chúng ta nhìn tất cả với tư duy triết học, mà trái lại hiện rõ lên với chân tính. Thế giới có thể bị thu gọn và lên khung trong một cảm nhận lý tính nhưng không bị sai lạc bởi lý thuyết vì thế giới vẫn còn đó mà trở nên sinh động dưới một hình thức khác, cho phép chúng ta ý thức và hoàn toàn tự thức…, một bước nhảy dẫn tới một thực tại hiện sinh mới, hiện sinh siêu nhiên và tuyệt đối. Một ý niệm bao hàm bản sinh tự do của con người”[1].
Con người khi ý thức được sự hiện hữu của mình sẽ tìm cách ban tặng cho đời mình một ý nghĩa. Theo ngôn từ hình ảnh của Malraux thì con người, khi biết mình sẽ hoại diệt, “…đã rứt ra từ cái chua chát của các thiên hà khúc hát chòm sao mà nó sẽ phóng vào thế kỷ tháng năm tình cờ, nơi nó sẽ buộc những lời xa lạ…”[2]. Những ẩn ngữ gửi lại là cách tìm về một ý nghĩa sống. Nói hình ảnh hơn, đó là đạo sống. Rilke nói nghệ thuật cũng chỉ như là một thứ đạo sống mà thôi. Đạo sống này, trao gửi qua bao nhiêu thế hệ để nhắn nhủ con người luôn sống được và sống qua mọi hoàn cảnh. Quá trình sống này, trải qua từng giai đoạn, kích thích con người phát triển tiềm năng bằng cách tạo ra những nghịch cảnh cưỡng kháng, khiến y phải dùng một ý chí phi thường để vượt qua và gặt hái những kinh nghiệm khái quát làm chân lý công ước cho riêng mình
“tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục…” để ta có thể an nhiên tự tại sống thật chậm rãi và bình thản trong mọi cuộc tiếp giáp.
Tuy thế, con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây. Nhân gian thường chỉ biết đến những gì ta đang có ngày hôm nay mà không biết những ngày tháng âm thầm ta kiến tạo. Vì thế mà đám đông hay xét đoán một cách hời hợt bên ngoài chứ không đặt vấn đề trong dòng chảy đích thực suối nguồn của nó. Đám đông chỉ phát giác được manh nha khi bắt đầu chán nản một điều gì đó mà mình vẫn hùa theo nhau để tán tụng “phong thần”.
Khi chúng ta đã chán nản một cách đầy đủ thì nỗi xao xuyến xâm chiếm và ngự trị, khiến chúng ta đang đi giữa dòng đời bỗng chìm lỉm xuống thành một khối cô đơn “chiều đã kêu chiều bằng tiếng gió, trong ta đêm xuống rất bạo tàn” (Nguyễn Tất Nhiên). Lúc ấy tiếng gọi “phản phục quy nguyên” lên tiếng. Bởi “vạn vật giai bị ư ngã phản thân nhi thành, lạc mạc đạI yên”. Nhưng thường thì chúng ta mãi không nhận ra vì mắt chúng ta mù quáng trước Vô Thể và tai chúng ta điếc lòi trước tiếng gọi của Vô hình. Và những khuynh hướng của đám đông xúi giục chúng ta làm lơ đi thể tính của bản ngã tự tại, một suối nguồn phong nhiêu cho sáng tạo. Ta cần phải trở thành chính ta. Bởi từng cá nhân là từng con người độc sáng, không hề lặp lại trong sử lịch thời gian:
“Chôm chôm trên cành
đâu bao giờ mơ tưởng
Thành sầu riêng ngon lành”
(Trần Văn Hiến)
Ngay cả chôm chôm cũng biết hài lòng với thân phận. Chúng an vui sống trong sự hiện trình của loài chôm chôm. Nhờ thế mà chúng không bị lẫn đi với bất kỳ một loại trái cây nào khác. Một bài haiku giản dị mà vi tế của tinh thần “phản phục quy nguyên”.
Martin Heidegger đã viết cho Rilke: “Vào thờI đại đêm tối của thế giới, hố thẳm phải được học và học cho cạn. Mà muốn như thế phải có người vươn tới Hố thẳm”[3]. Hiển nhiên là Rilke đã vươn tới hố thẳm và gắng truyền đạt lại cho chúng ta một kinh nghiệm uyên nguyên của nhân sinh đã bị những tập khí di truyền nội tại và ngoại tại làm cho mờ tối. MọI cách học phải đóng cửa ẩn mình “chẳng tu thì cũng như tu mới là…”. Hố thẳm càng sâu dày thì chất chứa nghi tình càng lớn. Và nghi tình này, đến lượt nó, làm cho kẻ học đốn ngộ do kinh nghiệm uyên nguyên dễ dàng khai mở khi chúng ta vượt qua.
“Không chết trần truồng không thể được
chúng tôi đập vỡ những hình hài
cuộc sống phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai”
(Thanh Tâm Tuyền)
Những ngón tay hoài vọng đưa ra rồi khô đi và rụng xuống dòng đời luôn di động. Ai biết được hồn mình đã rụng mất hai tay? Cái đau thương ấy làm lời thơ thêm âm vang u uẩn. Và cái cao ngạo vì thế mà có lần đã sinh ra do anh hoa phát tiết, và gây bao nhiêu ngộ nhận cho tha nhân. Ai biết được vào một sớm mai hồng có chàng thi sĩ cô đơn trong niềm tương giao thông cảm níu kết với đời đã âm thầm, không cười không nói, hiu hắt bước vào cõi mộng của tình điên:
“Em về mấy thế kỷ sau
Ngó trăng còn thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi gửi lại đội dòng
Lá rơi có dội lại trong sương mù?”
(Bùi Giáng)
Và bao nhiêu nước mắt của thiên tài rồi sẽ vì đời mà còn chảy mãi. Một cánh chim ngàn đốt tổ bay đi. Về đâu? Đương nhiên là về một phương trời còn hoài vọng:
“…Lệ ứa ra hai hàng,
Lệ thương thân dã tràng
Nghìn xót xa cũng muộn
Rồi mai sau nhớ lần đầu…”
(Vũ Thành An)
Định mệnh của thi nhân trên dòng lịch sử là định mệnh của con đường thập giá:
“…Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người…”
(Tình khúc thứ nhất, Lời: Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An)
hay
“Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu”
(Nguyễn Trãi)
Chúng ta hãy để ý. Lời đầu bài ca và câu thơ đầu như một nét gạch ngang dứt khoát, hơi văn đi một nhịp thật bạo tàn: “tình vui như gió mây trôi”, và “Chuyện kim cổ xưa nay như nước chảy mãi”, tàn nhẫn và vô tình trôi lướt qua. Câu nhạc và thơ thứ hai gạch xuống một nét dọc khác âm u và ngậm ngùi “ý sầu mưa xuống đời”, và “lá vàng rơi”, làm cấu trúc thơ nhạc thành một cây thập giá của cuộc đời để “lệ rơi lấp mấy tuổi tôi” và để cho anh hùng ngàn năm mang hận.
Quy luật này là tất yếu chăng? Hình như không còn ngoại lệ nào khác:
“Hễ đã hơn người và vượt bậc
vinh quang rồi đến lúc lao đao”
(Tuệ trung thượng sĩ)
Nhưng “sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. Kẻ sĩ rút lui vào trong tư tưởng, âm thầm nuôi dưỡng đời mình, hoài thai một nỗi niềm tự nhiên thanh thản, như hình tượng của đức phật mắt lim dim hướng về bên trong. Nhờ sự rút lui này mà thế gian được triển nở. Khi ấy sự sáng tạo của vũ trụ sẽ diễn ra thông qua bản thân ta. Con người chỉ như còn một nhịp cầu nối, cho hiện vật hiện trình như chính nó là. Công cuộc ấy, nhân gian gọi là sáng tạo, còn người tỉnh thức thì gọi là phát kiến tâm linh.
---
[1] Trích dẫn theo Cao Tôn, Triết gia Trần Đức Thảo, bài đăng trên talawas.
[2] Trích dẫn theo Andre Niel, “Những tiếng kêu lớn của chủ nghĩa nhân bản hiện đại”, Bản Việt văn của Mạnh Tường, Nxb Ca dao, Sài gòn, 1969, Trang 25.
[3] Rilke, “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi”, bản Việt văn của Hoàng Thu Uyên, Nxb Ca dao, Sài Gòn 1973, Lời nói đầu.
Hoàng Long
Con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây.
“Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay”
(Bùi Giáng)
“…Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường…”
(Lão Tử)
Triết gia B. Spinoza trong tác phẩm “Đạo đức học”, đã viết một câu thời danh: “Đối với hình tam giác, Thượng đế sẽ là một hình tam giác. Và đối với hình tròn, Thượng Đế sẽ là một hình tròn”. Rõ ràng khi chúng ta ý thức là ý thức về thế giới và thế giới trình hiện với chúng ta như thế giới được chúng ta ý thức. Mỗi một cá thể, cảm nhận thế giới theo một chiều kích sai biệt của mình. Vấn đề là ở chỗ làm sao ta biết rằng đối tượng sẽ là chính nó hay chỉ là những mảnh vỡ mờ nhạt bởi những ý nghĩa riêng tư mù quáng của trí năng lang thang. Triết gia Trần Đức Thảo viết: “Mọi sự kiện thiết thực của cuộc sống không mất đi khi chúng ta nhìn tất cả với tư duy triết học, mà trái lại hiện rõ lên với chân tính. Thế giới có thể bị thu gọn và lên khung trong một cảm nhận lý tính nhưng không bị sai lạc bởi lý thuyết vì thế giới vẫn còn đó mà trở nên sinh động dưới một hình thức khác, cho phép chúng ta ý thức và hoàn toàn tự thức…, một bước nhảy dẫn tới một thực tại hiện sinh mới, hiện sinh siêu nhiên và tuyệt đối. Một ý niệm bao hàm bản sinh tự do của con người”[1].
Con người khi ý thức được sự hiện hữu của mình sẽ tìm cách ban tặng cho đời mình một ý nghĩa. Theo ngôn từ hình ảnh của Malraux thì con người, khi biết mình sẽ hoại diệt, “…đã rứt ra từ cái chua chát của các thiên hà khúc hát chòm sao mà nó sẽ phóng vào thế kỷ tháng năm tình cờ, nơi nó sẽ buộc những lời xa lạ…”[2]. Những ẩn ngữ gửi lại là cách tìm về một ý nghĩa sống. Nói hình ảnh hơn, đó là đạo sống. Rilke nói nghệ thuật cũng chỉ như là một thứ đạo sống mà thôi. Đạo sống này, trao gửi qua bao nhiêu thế hệ để nhắn nhủ con người luôn sống được và sống qua mọi hoàn cảnh. Quá trình sống này, trải qua từng giai đoạn, kích thích con người phát triển tiềm năng bằng cách tạo ra những nghịch cảnh cưỡng kháng, khiến y phải dùng một ý chí phi thường để vượt qua và gặt hái những kinh nghiệm khái quát làm chân lý công ước cho riêng mình
“tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục…” để ta có thể an nhiên tự tại sống thật chậm rãi và bình thản trong mọi cuộc tiếp giáp.
Tuy thế, con người vẫn hay ngã lòng trước sự kiện và không biết làm gì trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi. Thật ra thì chính những ngày tháng không tên này đã ban tặng một bông hồng vô cùng quý giá cho đời sống. Nó làm cho ta biết cái giá phải trả của mọi sự và biết trân quý những gì ta gặt hái được trong tay ngay từ bây giờ đây. Nhân gian thường chỉ biết đến những gì ta đang có ngày hôm nay mà không biết những ngày tháng âm thầm ta kiến tạo. Vì thế mà đám đông hay xét đoán một cách hời hợt bên ngoài chứ không đặt vấn đề trong dòng chảy đích thực suối nguồn của nó. Đám đông chỉ phát giác được manh nha khi bắt đầu chán nản một điều gì đó mà mình vẫn hùa theo nhau để tán tụng “phong thần”.
Khi chúng ta đã chán nản một cách đầy đủ thì nỗi xao xuyến xâm chiếm và ngự trị, khiến chúng ta đang đi giữa dòng đời bỗng chìm lỉm xuống thành một khối cô đơn “chiều đã kêu chiều bằng tiếng gió, trong ta đêm xuống rất bạo tàn” (Nguyễn Tất Nhiên). Lúc ấy tiếng gọi “phản phục quy nguyên” lên tiếng. Bởi “vạn vật giai bị ư ngã phản thân nhi thành, lạc mạc đạI yên”. Nhưng thường thì chúng ta mãi không nhận ra vì mắt chúng ta mù quáng trước Vô Thể và tai chúng ta điếc lòi trước tiếng gọi của Vô hình. Và những khuynh hướng của đám đông xúi giục chúng ta làm lơ đi thể tính của bản ngã tự tại, một suối nguồn phong nhiêu cho sáng tạo. Ta cần phải trở thành chính ta. Bởi từng cá nhân là từng con người độc sáng, không hề lặp lại trong sử lịch thời gian:
“Chôm chôm trên cành
đâu bao giờ mơ tưởng
Thành sầu riêng ngon lành”
(Trần Văn Hiến)
Ngay cả chôm chôm cũng biết hài lòng với thân phận. Chúng an vui sống trong sự hiện trình của loài chôm chôm. Nhờ thế mà chúng không bị lẫn đi với bất kỳ một loại trái cây nào khác. Một bài haiku giản dị mà vi tế của tinh thần “phản phục quy nguyên”.
Martin Heidegger đã viết cho Rilke: “Vào thờI đại đêm tối của thế giới, hố thẳm phải được học và học cho cạn. Mà muốn như thế phải có người vươn tới Hố thẳm”[3]. Hiển nhiên là Rilke đã vươn tới hố thẳm và gắng truyền đạt lại cho chúng ta một kinh nghiệm uyên nguyên của nhân sinh đã bị những tập khí di truyền nội tại và ngoại tại làm cho mờ tối. MọI cách học phải đóng cửa ẩn mình “chẳng tu thì cũng như tu mới là…”. Hố thẳm càng sâu dày thì chất chứa nghi tình càng lớn. Và nghi tình này, đến lượt nó, làm cho kẻ học đốn ngộ do kinh nghiệm uyên nguyên dễ dàng khai mở khi chúng ta vượt qua.
“Không chết trần truồng không thể được
chúng tôi đập vỡ những hình hài
cuộc sống phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai”
(Thanh Tâm Tuyền)
Những ngón tay hoài vọng đưa ra rồi khô đi và rụng xuống dòng đời luôn di động. Ai biết được hồn mình đã rụng mất hai tay? Cái đau thương ấy làm lời thơ thêm âm vang u uẩn. Và cái cao ngạo vì thế mà có lần đã sinh ra do anh hoa phát tiết, và gây bao nhiêu ngộ nhận cho tha nhân. Ai biết được vào một sớm mai hồng có chàng thi sĩ cô đơn trong niềm tương giao thông cảm níu kết với đời đã âm thầm, không cười không nói, hiu hắt bước vào cõi mộng của tình điên:
“Em về mấy thế kỷ sau
Ngó trăng còn thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi gửi lại đội dòng
Lá rơi có dội lại trong sương mù?”
(Bùi Giáng)
Và bao nhiêu nước mắt của thiên tài rồi sẽ vì đời mà còn chảy mãi. Một cánh chim ngàn đốt tổ bay đi. Về đâu? Đương nhiên là về một phương trời còn hoài vọng:
“…Lệ ứa ra hai hàng,
Lệ thương thân dã tràng
Nghìn xót xa cũng muộn
Rồi mai sau nhớ lần đầu…”
(Vũ Thành An)
Định mệnh của thi nhân trên dòng lịch sử là định mệnh của con đường thập giá:
“…Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người…”
(Tình khúc thứ nhất, Lời: Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An)
hay
“Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu”
(Nguyễn Trãi)
Chúng ta hãy để ý. Lời đầu bài ca và câu thơ đầu như một nét gạch ngang dứt khoát, hơi văn đi một nhịp thật bạo tàn: “tình vui như gió mây trôi”, và “Chuyện kim cổ xưa nay như nước chảy mãi”, tàn nhẫn và vô tình trôi lướt qua. Câu nhạc và thơ thứ hai gạch xuống một nét dọc khác âm u và ngậm ngùi “ý sầu mưa xuống đời”, và “lá vàng rơi”, làm cấu trúc thơ nhạc thành một cây thập giá của cuộc đời để “lệ rơi lấp mấy tuổi tôi” và để cho anh hùng ngàn năm mang hận.
Quy luật này là tất yếu chăng? Hình như không còn ngoại lệ nào khác:
“Hễ đã hơn người và vượt bậc
vinh quang rồi đến lúc lao đao”
(Tuệ trung thượng sĩ)
Nhưng “sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. Kẻ sĩ rút lui vào trong tư tưởng, âm thầm nuôi dưỡng đời mình, hoài thai một nỗi niềm tự nhiên thanh thản, như hình tượng của đức phật mắt lim dim hướng về bên trong. Nhờ sự rút lui này mà thế gian được triển nở. Khi ấy sự sáng tạo của vũ trụ sẽ diễn ra thông qua bản thân ta. Con người chỉ như còn một nhịp cầu nối, cho hiện vật hiện trình như chính nó là. Công cuộc ấy, nhân gian gọi là sáng tạo, còn người tỉnh thức thì gọi là phát kiến tâm linh.
---
[1] Trích dẫn theo Cao Tôn, Triết gia Trần Đức Thảo, bài đăng trên talawas.
[2] Trích dẫn theo Andre Niel, “Những tiếng kêu lớn của chủ nghĩa nhân bản hiện đại”, Bản Việt văn của Mạnh Tường, Nxb Ca dao, Sài gòn, 1969, Trang 25.
[3] Rilke, “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi”, bản Việt văn của Hoàng Thu Uyên, Nxb Ca dao, Sài Gòn 1973, Lời nói đầu.
Chuyện vua nước Việt -Phạm Lưu Vũ
Chuyện vua nước Việt
Phạm Lưu Vũ
(Trích Luận ngữ tân thư – Phần tiếp theo)
Ai cũng biết “Đức” là cái vô hình, thế mà có dày, có mỏng. Lại có hậu, có bạc. Thì ra “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay xử việc đúng đắn, v.v… Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.
Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt được nước Ngô, trở về nói với người nhà: “Đức ta tuy hậu, song không thể vì thế mà tiêu xài hoang phí trong một vài đời được.” Nói rồi bèn không nhận quan tước, đem vợ con trốn vào ngũ hồ. Trước khi đi còn đến bảo Văn Chủng: “Tôi tự biết mình đức hậu, song cũng không dám lạm dụng điều đó mà làm quan, sợ thiệt mất đức của con cháu. Vì thế mới phải trốn đi. Một khi tôi đã đi rồi, thì triều đình còn ai tài hơn ông nữa. Đã thế đức của ông lại bạc. Trộm nghĩ điều đó nguy cho ông lắm. Hay là ông trốn đi còn hơn.” Văn Chủng không nghe, rốt cuộc ở lại bị Câu Tiễn giết.
Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ, bảo với Trần Bình: “Trộm nghĩ đức của tôi dày gấp mười lần ông, công của tôi cũng không kém ông. Vậy mà tôi vẫn không dám nhận quan tước của nhà Hán, sợ đức bị hao tổn, con cháu ngày sau phải làm lại từ đầu. Còn ông, tài thì vượt lên trên kẻ khác, song tiếc rằng đức lại mỏng. Thiết tưởng đó là điều vô cùng bất trắc, cho dù có trọn vẹn được đời mình, thì đến đời sau, con cháu cũng chẳng ra gì. Sao ông không bỏ quan mà đi?” Trần Bình không nghe, rốt cuộc đến ngay đời con đã trở về hạng khố rách áo ôm.
Trọng sinh con nhà khá giả, bố làm quan to. Thế mà sống rất giản dị, chan hòa với mọi người, thường giao du rộng rãi, đàn hát rất hay. Mạnh Tử yêu lắm, muốn kết làm bạn. Mạnh mẫu (mẹ Mạnh Tử) thấy vậy can: “Ta xem thằng bé ấy bề ngoài tuy giản dị song ánh mắt tham lam. Tiếng đàn tuy réo rắt mà những âm phụ vào thường hay bị nghẹn tiếng. Người như thế là đức bạc, không đáng kết bạn.” Trọng sinh về sau quả nhiên càng ngày càng trở nên một kẻ tham lam bất tín, kết giao toàn những hạng bèo bọt. Rốt cuộc phá tán hết cơ nghiệp của bố để lại.
Xem thế thì biết, “Đức” không phải là thứ có thể đem ra để khen, chê. Càng không phải là thứ đem ra để ca ngợi, hay mắng nhau (là đồ thất đức) như xưa nay vẫn nghĩ được. “Đức” tuy vô hình. Song đó là thứ không những có thể cân đong, đo đếm, mà quan trọng là chỉ có thể “tích”, chứ không nên “tiêu”…
Những chuyện trên chưa thấy chép trong Sử kí… Nay xin lạm chép ra đây để thay cho “Lời tựa” trong Luận ngữ tân thư kì này. Đoạn trích như sau:
Người nước Việt xưng là Mạt Tử, làm nghề mò trai mò hến trên sông. Một hôm đang chổng mông lặn ngụp, chợt bắt gặp một thằng bé ở đâu trôi đến. Thằng bé khoảng 10 tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, người lạnh toát, bụng căng đầy nước, mười phần đã chết đến chín rưỡi. Mạt Tử vội vàng vớt lên bờ, nắm hai chân nó dốc ngược lên cho ộc hết nước trong bụng ra rồi xoa bóp, thổi hơi vào mồm nó. Khoảng nửa giờ thì thân thể thằng bé dần dần ấm lại, mũi nó đã bắt đầu thở nhẹ tuy người vẫn còn mềm nhũn. Mạt Tử bèn bỏ giỏ hến lại đấy, vác nó lên vai mang về nhà. Gần đến nhà, bỗng có một ông lão ở đâu đi đến. Ông lão trỏ thằng bé bảo:
“Nom tướng thằng này thuộc hạng người bạc đức, sau này thể nào cũng phải nếm cứt người khác. Cứu nó làm gì cho phí công.”
Mạt Tử nghe nói, lưỡng lự một lát rồi chép miệng vác quay trở lại, định ném trả quách thằng bé xuống sông cho trôi đâu thì trôi. Đến chỗ lúc nãy, Mạt Tử đang chuẩn bị ném thì ông lão kia lại hớt hải chạy đến bảo:
“Khoan đã! Nó tuy phải nếm cứt người khác nhưng làm vua nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói bèn thôi ý định. Lại vác thằng bé quay trở về... Gần đến nhà, ông lão kia lại vội vã chạy tới, xua tay bảo:
“Xin hãy cân nhắc cho kĩ đã! Nó tuy làm vua nước Việt, song bụng dạ hẹp hòi, đầu óc tăm tối. Vừa ưa nịnh, vừa bịp bợm, lại tham quyền cố vị, ác hơn thú dữ, suốt đời chỉ lo bức hại kẻ trung thần…”
Mạt Tử nghe nói tức thì nổi giận, lập tức vác quay trở lại, phen này quyết quẳng thằng bé xuống sông. Tới bờ sông, Mạt Tử đang lấy đà định quẳng thì ông lão kia lại hồng hộc chạy đến, vừa thở vừa nói:
“Khoan đã, khoan đã! Nó tuy ác hơn thú dữ, nhưng sau này diệt nước Ngô, làm nên cái oai danh cho nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói lại bỏ ý định ném thằng bé xuống sông mà vác nó quay về nhà. Người vợ trông thấy hỏi:
“Ở đâu ra cái thằng chết trôi này?”
Mạt Tử bèn kể lại đầu đuôi. Người vợ bảo:
“Nó sau này dẫu có phải nếm cứt, thì hiện giờ cũng vẫn là một ông vua con. Tôi nghe nói nuôi vua khó lắm. Chỗ của nó phải ở bàn thờ chứ không thể bạ đâu đặt đấy được. Đã thế nó lại là cái giống bạc đức, sau này tất không ra gì. Nuôi một kẻ như thế trong nhà nguy như trứng để đầu gậy, không khéo lợi bất cập hại.”
Mạt Tử nghe vợ nói, lại tính ném quách thằng bé xuống sông. Song nghĩ lại thấy không nỡ, bèn chép miệng bảo vợ:
“Thôi thì ta cũng vì cái oai danh của nước Việt sau này mà cứu nó một phen vậy. Nay hãy chịu khó để nó lên bàn thờ, nuôi mấy hôm cho nó hoàn hồn, cứng cáp như trước đã rồi đem bỏ ra giữa chợ, mặc ai nhặt thì nhặt, mình cũng đỡ phải tội.”
Số là Mạt Tử không biết. Thằng bé đó chính là tiểu công tử của nước Việt. Hôm ấy mải chơi đùa trên sông, chẳng may trượt chân té xuống nước. Nước sông đang chảy mạnh lập tức cuốn nó đi. Lúc bọn hầu cận phát hiện ra thì đã trôi đến mấy dặm. Mọi người hốt hoảng mò khắp một đoạn sông, song không thấy. Mấy hôm sau, bọn hầu cận được phái đi tìm bắt gặp thằng bé đang lê la đói khát ở giữa chợ, vội vàng đem kiệu tới rước về cung. Thằng bé về sau quả nhiên được truyền ngôi, trở thành vua nước Việt. Bấy giờ đã 21 tuổi, bèn tự phong vương, tỏ ra là một ông vua có chí lớn.
Vua mới lên ngôi, có cây sung cổ thụ bỗng dưng trổ hoa, thơm ngào ngạt ba ngày liền, thiên hạ tấm tắc khen là điềm lạ. Cả nước nổi cơn điên vì sướng. Có điều trong cái mùi thơm ấy, thỉnh thoảng vẫn thấy lẫn vào một thứ mùi gì đó ngửi rất khó chịu. Vài ngày sau rõ dần. Đích thị là mùi thối. Cuối cùng chỉ còn toàn mùi thối, kéo dài mấy tháng chưa hết. Quạ ở đâu ùn ùn bay về, đậu kín các cành. Thiên hạ càng cho là điềm lạ.
Mạt Tử nghe tin vua mới của nước Việt chính là thằng bé mình cứu ngày trước thì hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe. Mọi người bảo sao không nhân đó mà vào cung, xin đức vua ban cho ít ruộng hoặc một phẩm tước nào đó, khỏi phải làm nghề mò trai mò hến nữa... Mạt Tử lấy làm phải bèn xin vào cung ra mắt vua. Chưa kịp nhắc lại ơn cũ thì Việt Vương đã ngửa mặt cười lớn mấy tiếng rồi vỗ bàn quát:
“Nhà ngươi tưởng cuộc đời này giống chuyện cổ tích lắm hay sao? Nhà ngươi dẫu cứu ta thoát khỏi chết đuối, song đã mấy lần định quẳng ta trở lại xuống sông. May mà mạng ta còn lớn khiến ngươi không làm nổi việc đó. Nay lại còn vác mặt đến đòi ta trả ơn? Ta không thèm tìm ngươi hỏi tội là phúc cho ngươi lắm rồi. Chính ngươi mới là kẻ phải biết ơn ta về điều đó đấy.”
Nói xong quát tả hữu đuổi Mạt Tử ra ngoài. Mạt Tử nhục quá lủi thủi ôm đầu chuồn khỏi cung. Rốt cuộc lại trở về bến sông làm nghề mò trai mò hến như cũ.
Xin không kể tiếp những việc sau đó của vị tân vương ấy, vì mọi chuyện đều đã được chép trong Sử kí. Chỉ biết rằng sự nghiệp của ngài diễn ra đúng như những gì mà ông lão ngày xưa đã nói. Đại khái cũng nếm cứt, cũng diệt nước Ngô, cũng bức hại trung thần... Ở đây chỉ xin kể một chuyện xảy ra vào lúc cuối đời ngài.
Bấy giờ nước Việt vô sự. Kẻ sĩ chân chính người thì bỏ đi ở ẩn, người thì đã trở thành thiên cổ. Trong triều, lũ cơ hội, nịnh thần tha hồ làm mưa làm gió, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc ăn cướp của dân cho thật nhiều. Ngoài đời, đám kẻ sĩ vì bản chất tham lam, hèn hạ, nên vốn đã cam tâm làm tôi tớ từ lâu. Bọn họ luôn nghĩ cách làm vui lòng Việt vương để cầu tước vị, bổng lộc. Hăng hái nhất trong đám này là 2 gã quan văn tên Hư Tỉ và Lê Lết. Năm đó nhân sắp đến tiết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Hư Tỉ bàn với Lê Lết:
“Đại vương ta rất thích nghe âm nhạc. Lâu nay việc nước bề bộn. Đám con cháu, tay chân Ngài nhiều người ăn cắp lộ liễu quá. Thành ra trong dân gian, khối kẻ chửi thầm chửi vụng, làm đại vương ta cũng có chút phiền lòng. Nay nhân dịp tiết Nguyên tiêu, âu là ta tổ chức một đêm nhạc thật hoành tráng ở sân nhà Thái miếu, mời đại vương tới nghe cho Ngài khuây khoả. Chẳng hay ý ông thế nào?”
Lê Lết tuy nghề văn, song vốn có máu con buôn, bèn hưởng ứng:
“Tuyệt đấy. Nhân đó ta chọn lấy 99 điệu nhạc thật hay. Sao cho trên thì khoái tai đại vương, dưới thì vừa bụng dân chúng để dâng lên cho Ngài ngự bút ban thưởng, rồi khắc in bán ra thiên hạ, chắc cũng kiếm được khối tiền.”
Hư Tỉ nghe Lê Lết nói liền vỗ tay khen:
“Diệu kế. Ông thật không hổ là vị quan không ngai của triều đình, là bậc đứng đầu đám văn hoá con buôn của cả nước. Pháp khẩu (giọng lưỡi) của ông xưa nay được thiên hạ tôn là thần thông quảng đại. Vậy xin nhường việc đọc diễn văn khai mạc cho ông. Chúng ta sẽ bắt chước cái chuyện nghe nhạc của vua nước Tấn ngày trước, có cả chim hạc đến vỗ cánh thì công trạng của ta hẳn sẽ càng to lắm...”
Đúng đêm Nguyên tiêu, sân nhà Thái Miếu được trang trí lộng lẫy, khắp nơi kết đèn hoa sáng rực. Tài tử giai nhân khắp kinh thành ăn mặc lòe loẹt kéo tới đông như trảy hội. Các phường nhạc hay nhất nước được tuyển chọn đến để hầu thánh nhĩ (tai vua). Lê Lết đích thân đứng ra đọc diễn văn khai mạc. Đại khái tập trung ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của Việt vương. Bài diễn văn có đoạn viết (những chỗ trong ngoặc đều do Lê Lết dẫn tư tưởng Khổng Tử):
“Đại vương ta, khởi sự từ Lễ (“lập ư lễ”), đã làm nên những chiến công vô cùng hiển hách, từ xưa tới nay chưa có bao giờ... Tiếp theo, Ngài chấn hưng văn hoá, vỗ về muôn dân, làm cho nước ta trở thành một nước văn hiến (“hưng ư thi”). Nay chính là lúc mà các thành tựu của Ngài đã đạt đến mĩ mãn (“thành ư nhạc”), cũng là lúc chúng ta thay mặt cả nước tổ chức đêm quốc nhạc này để tỏ lòng đời đời biết ơn...”
Thế rồi hết điệu nhạc này đến điệu nhạc khác được đem ra trình diễn. Cứ mỗi điệu nhạc lại có mười sáu thiếu nữ đẹp như tiên sa, trang phục bay bướm như những cánh hạc ở đâu xuất hiện. Có khi từ hai bên cánh gà, có khi dòng dây thả từ trên trời xuống... Những “nàng” chim hạc này vừa xuất hiện, lập tức sắp thành hai hàng, múa lượn theo điệu nhạc cực kì điêu luyện, kết hợp với ánh đèn mờ ảo làm cho không khí đêm nhạc đượm vẻ Bồng Lai, cung Quảng, khiến người xem vỗ tay không ngớt. Nhiều kẻ phải lắc đầu lè lưỡi. Tất nhiên Việt vương vô cùng hài lòng. Ngài luôn tay ban rượu thưởng cho các quan đứng hầu hai bên, đặc biệt là Hư Tỉ và Lê Lết.
Tiếp đến danh sách 99 điệu nhạc hay do Lê Lết và Hư Tỉ đích thân chủ trì việc chọn lựa được đọc trước công chúng. Đọc xong đem dâng lên Việt vương. Việt vương không chần chừ cầm bút phượng phê ngay mấy lời vàng ngọc. Khán giả và các quan vỗ tay rầm rĩ. Riêng Hư Tỉ và Lê Lết thì vừa mừng thầm trong bụng, vừa không giấu nổi vẻ hãnh diện trên nét mặt.
Ngày hôm sau, Việt vương ra thiết triều, các quan tiến lên dâng biểu chúc mừng. Người nào cũng hết lời ca ngợi những điệu nhạc mà Việt vương nghe tối hôm qua. Rằng những điệu ấy còn hay hơn điệu nhạc mà vua nước Tấn được nghe ngày trước. Ngay cả 16 con chim hạc cũng lộng lẫy chẳng kém gì... Bỗng ở cuối hàng bên tả có một người bước ra, phủ phục xuống đất. Việt vương nhìn xem ai thì ra một vị quan thuộc hàng bét phẩm họ Thân tên Cô. Thân Cô dập đầu tâu:
“Thần càng nghe các quan ca ngợi thì càng lấy làm nguy cho đại vương lắm. Họ chỉ nhắc lại việc vua nước Tấn ngày trước sướng tai vì nghe nhạc, mà giấu nhẹm cái việc vua nước Tấn chết vì nghe nhạc. Nước Tấn chẳng bao lâu sau đó cũng mất, khởi sự cũng từ cái việc nghe nhạc ấy. Nay thần xin liều chết kể lại toàn bộ câu chuyện ấy ra đây. Cúi xin đại vương minh xét...” Tiếp đó, Thân Cô liền kể lại câu chuyện của vua nước Tấn ngày trước (chuyện này về sau có chép trong sách Đông Chu của Phùng Mộng Long tiên sinh. Nhân tiện xin phép trích những chỗ cần thiết ra đây để thay cho lời kể của Thân Cô, tuy cũng có sửa chữa chút đỉnh, mong tiên sinh thứ lỗi – chú thích của người viết). Nội dung câu chuyện như sau:
“Vua nước Tấn là Tấn Bình công thích nghe âm nhạc. Thấy Sư Khoáng - một nhạc sư được coi là bậc “thánh nhạc” đời bấy giờ nói đến điệu “Thanh chuỷ”, đòi nghe. Sư Khoáng nói:
“Không nên. Ông vua có đức mới được nghe điệu ấy. Nay chúa công bạc đức, nếu nghe tất có tai họa.”
Tấn Bình công cứ nằng nặc đòi nghe cho bằng được. Sư Khoáng bất đắc dĩ phải cầm lấy đàn mà gảy. Gảy được một khúc, có một đàn chim hạc ở phương nam bay đến, đậu trước cung môn, đếm cả thảy được tám đôi. Gảy khúc nữa thì chim hạc bay xuống, đứng sắp hàng ở dưới thềm, mỗi bên tám con. Gảy thêm khúc nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo vần cung thương, tiếng vang đến tận trời. Tấn Bình công vỗ tay mà khen. Các người đứng xem ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
Tấn Bình công nức nở:
”Âm nhạc mà đến như điệu Thanh chuỷ thì chắc không còn gì hơn nữa!”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh chuỷ tuy cũng thuộc hàng “thánh nhạc.” Song còn chưa bằng điệu Thanh dốc.”
Tấn Bình công ngạc nhiên hỏi:
“Trên đời lại còn có điệu hay hơn điệu Thanh chuỷ nữa ư? Sao nhà ngươi không cho ta nghe nốt?”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh dốc không như điệu Thanh chuỷ, tôi không dám gảy. Ngày xưa vua Hoàng Đế đến hội các thần ở núi Thái Sơn, rồi làm ra điệu Thanh dốc. Các vua sau này càng đời sau càng bạc đức, không sai khiến được các thần, vậy nên thần và người cách biệt nhau. Nếu bây giờ gảy khúc ấy, ngộ nhỡ các thần lại hiện xuống cả thì làm thế nào?”
Tấn Bình công bảo:
“Các thần hiện xuống thì càng vinh dự cho nước Tấn ta chứ sao?”
Sư Khoáng nói:
“Kẻ ngu này không cho là thế. Nội nghe một điệu “Thanh chuỷ” kia cũng đã đủ gây tai vạ cho chúa công rồi. Nay chúa công lại còn đòi nghe điệu “Thanh dốc” nữa thì nguy đến cả nước Tấn chứ chả phải chuyện chơi...”
Tấn Bình công không tin, cứ cố ép mãi. Sư Khoáng bất đắc dĩ lại phải ôm đàn mà gảy. Mới gảy được một khúc, có đám mây đen ở phương tây hiện lên. Gảy khúc nữa, bỗng nổi một cơn dông, ngói trên nóc điện bay tung lên, cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời, rồi thì mưa như trút nước... Tấn Bình công sợ hãi, nằm phục vào một nơi. Mãi đến khi mưa gió tạm yên, nội thị mới dám chạy lên vực Tấn Bình công từ trên đài xuống...
Sau hôm ấy, Tấn Bình công quả nhiên lâm bệnh nặng. Vài tháng thì chết. Nước Tấn từ đó càng ngày càng nát, chẳng bao lâu cũng mất...”
Việt vương nghe Thân Cô kể đến đây thì hoảng hốt rụng rời, ngồi chết lặng đi hồi lâu. Sực nhớ lại câu chuyện suýt chết đuối ngày trước, Việt vương biết mình cũng thuộc hạng bạc đức. Nay trót tin lời lũ nịnh hót mà say sưa đi nghe âm nhạc như thế. Không khéo cũng gặp phải tai vạ như Tấn Bình công thì uổng cả công gây dựng sự nghiệp. Càng nghĩ, Việt vương càng lo sợ, đến nỗi tâm thần bấn loạn, luống cuống không biết nên phải làm thế nào bây giờ? Vừa lúc ấy, cuối hàng bên hữu lại có một người khác bước ra. Mọi người nhìn xem thì là một viên quan cũng thuộc hàng bét phẩm tên là Thế Cô. Thế Cô tâu:
“Câu chuyện mà ngài Thân Cô đây vừa kể quả không sai. Thần cũng đã từng được nghe việc ấy. Song trên đời còn có một bậc Thánh nhân là Khổng Tử, hiện đang ở nước Lỗ. Sao đại vương không sai người sang cầu khẩn Ngài, để Ngài chỉ cho cách về mà tạ lỗi các thần. May ra thì tránh được tai vạ.”
Việt vương nghe nói, tức thì mừng rỡ như bắt được của, bao nhiêu lo sợ tạm thời lui qua một bên. Lập tức sai ngay Thế Cô tìm đường đi gấp sang nước Lỗ, đem theo lễ vật đến cầu kiến Khổng Tử.
Thế Cô tới nước Lỗ, tìm đến xin ra mắt Khổng Tử. Gặp lúc Khổng Tử đang đóng cửa san định kinh sách. Ngài dặn các học trò không tiếp bất cứ người nào. Thế Cô thấy vậy giật mình hoảng hốt, nghĩ lo cho vua Việt quá. Sợ chờ lâu sẽ không kịp. Bèn học theo cách của Thân Bao Tư nước Sở ngày trước, cứ đứng ngoài cửa Khổng gào khóc suốt đêm. Quả nhiên Khổng Tử phải sai học trò ra mở cổng cho vào. Thế Cô đem lễ vật trình lên rồi quỳ xuống tâu:
“Đại vương tôi biết mình bạc đức. Song tiết Nguyên tiêu vừa rồi, trót theo lời bọn lưu manh cơ hội, cùng với lũ con buôn xu nịnh mà đi nghe nhạc ở sân nhà Thái miếu. Khi trở về mới sực nhớ lại câu chuyện của Tấn Bình công ngày trước. Từ đó rất lấy làm lo sợ. Vậy nên sai tôi đến đây hỏi Phu Tử xem có cách gì để tạ lỗi các thần?”
Khổng Tử nghe Thế Cô nói xong, quay sang bảo các học trò:
“Các ngươi đã từng nghe nói ở nước Việt bây giờ, có điệu nhạc nào bằng điệu “Thanh dốc” ngày xưa hay không?”
Rồi quay lại phía Thế Cô, Ngài điềm nhiên trả lời:
“Kẻ bạc đức chỉ không nên nghe “thánh nhạc” mà thôi. Nay vua nước Việt tuy cũng thuộc hạng bạc đức, song những thứ nhạc ấy đều do bọn “bạc nhạc” làm ra cả. “Bạc đức” mà nghe “bạc nhạc” thì có gì phải lo ngại. Về bảo vua nước Việt chả cần phải sợ hãi, cứ việc gối cao đầu mà hưởng phú quý.”
Mùa xuân năm Đinh Hợi (2007)
*
Lời bàn của Lê Anh Hoài
Câu chuyện trùng trùng lớp lang và cuốn hút ở hàng loạt chi tiết và đối thoại.
Luận anh hùng thì cổ thư đã làm nhiều, nhưng đa phần dưới giọng anh hùng ca. Ở đây, Tân thư “luận” bằng cách cho ra một hoạt cảnh rất động giữa Mạt Tử với ông lão, rồi dùng dắng với vợ... Vác trên vai một ông vua con, đáng bỏ sông hay đáng cứu về để trên bàn thờ? Cái “lập trường” phân vân giữa đức dày - đức mỏng, vinh - nhục, công - tội... của người dân trước một nhân vật thật khó lắm thay. Mới biết, lòng dân thì vẫn canh cánh “vì cái oai danh của nước Việt,” nhưng bao dung cho vua ấy chứng tỏ người dân nước Việt xưa đức đã sớm... bạc.
Còn màn dâng nhạc cho ông vua bạc đức, phảng phất như chuyện vừa mới đây thôi. Những kẻ xu phụ, phải đâu thuộc loại “nhân bất học.” Cũng biết không ra gì, nhưng vẫn biết nói “Lập ư lễ, hưng ư thi, thành ư nhạc,” biết chim hạc không đến, vẫn biết dùng gái tạo hình hạc làm vui lòng người trên...
Ấy vậy nên câu: “bạc đức” nghe “bạc nhạc” thì có gì phải lo ngại” hạ đúng chỗ, gây sướng! Sướng nhất là chữ “bạc nhạc,” nó đa nghĩa mà nghĩa nào cũng sâu sâu (xin lỗi Phạm Lưu Vũ tiên sinh), đểu đểu.
© 2007 talawas
Phạm Lưu Vũ
(Trích Luận ngữ tân thư – Phần tiếp theo)
Ai cũng biết “Đức” là cái vô hình, thế mà có dày, có mỏng. Lại có hậu, có bạc. Thì ra “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay xử việc đúng đắn, v.v… Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.
Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt được nước Ngô, trở về nói với người nhà: “Đức ta tuy hậu, song không thể vì thế mà tiêu xài hoang phí trong một vài đời được.” Nói rồi bèn không nhận quan tước, đem vợ con trốn vào ngũ hồ. Trước khi đi còn đến bảo Văn Chủng: “Tôi tự biết mình đức hậu, song cũng không dám lạm dụng điều đó mà làm quan, sợ thiệt mất đức của con cháu. Vì thế mới phải trốn đi. Một khi tôi đã đi rồi, thì triều đình còn ai tài hơn ông nữa. Đã thế đức của ông lại bạc. Trộm nghĩ điều đó nguy cho ông lắm. Hay là ông trốn đi còn hơn.” Văn Chủng không nghe, rốt cuộc ở lại bị Câu Tiễn giết.
Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ, bảo với Trần Bình: “Trộm nghĩ đức của tôi dày gấp mười lần ông, công của tôi cũng không kém ông. Vậy mà tôi vẫn không dám nhận quan tước của nhà Hán, sợ đức bị hao tổn, con cháu ngày sau phải làm lại từ đầu. Còn ông, tài thì vượt lên trên kẻ khác, song tiếc rằng đức lại mỏng. Thiết tưởng đó là điều vô cùng bất trắc, cho dù có trọn vẹn được đời mình, thì đến đời sau, con cháu cũng chẳng ra gì. Sao ông không bỏ quan mà đi?” Trần Bình không nghe, rốt cuộc đến ngay đời con đã trở về hạng khố rách áo ôm.
Trọng sinh con nhà khá giả, bố làm quan to. Thế mà sống rất giản dị, chan hòa với mọi người, thường giao du rộng rãi, đàn hát rất hay. Mạnh Tử yêu lắm, muốn kết làm bạn. Mạnh mẫu (mẹ Mạnh Tử) thấy vậy can: “Ta xem thằng bé ấy bề ngoài tuy giản dị song ánh mắt tham lam. Tiếng đàn tuy réo rắt mà những âm phụ vào thường hay bị nghẹn tiếng. Người như thế là đức bạc, không đáng kết bạn.” Trọng sinh về sau quả nhiên càng ngày càng trở nên một kẻ tham lam bất tín, kết giao toàn những hạng bèo bọt. Rốt cuộc phá tán hết cơ nghiệp của bố để lại.
Xem thế thì biết, “Đức” không phải là thứ có thể đem ra để khen, chê. Càng không phải là thứ đem ra để ca ngợi, hay mắng nhau (là đồ thất đức) như xưa nay vẫn nghĩ được. “Đức” tuy vô hình. Song đó là thứ không những có thể cân đong, đo đếm, mà quan trọng là chỉ có thể “tích”, chứ không nên “tiêu”…
Những chuyện trên chưa thấy chép trong Sử kí… Nay xin lạm chép ra đây để thay cho “Lời tựa” trong Luận ngữ tân thư kì này. Đoạn trích như sau:
Người nước Việt xưng là Mạt Tử, làm nghề mò trai mò hến trên sông. Một hôm đang chổng mông lặn ngụp, chợt bắt gặp một thằng bé ở đâu trôi đến. Thằng bé khoảng 10 tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, người lạnh toát, bụng căng đầy nước, mười phần đã chết đến chín rưỡi. Mạt Tử vội vàng vớt lên bờ, nắm hai chân nó dốc ngược lên cho ộc hết nước trong bụng ra rồi xoa bóp, thổi hơi vào mồm nó. Khoảng nửa giờ thì thân thể thằng bé dần dần ấm lại, mũi nó đã bắt đầu thở nhẹ tuy người vẫn còn mềm nhũn. Mạt Tử bèn bỏ giỏ hến lại đấy, vác nó lên vai mang về nhà. Gần đến nhà, bỗng có một ông lão ở đâu đi đến. Ông lão trỏ thằng bé bảo:
“Nom tướng thằng này thuộc hạng người bạc đức, sau này thể nào cũng phải nếm cứt người khác. Cứu nó làm gì cho phí công.”
Mạt Tử nghe nói, lưỡng lự một lát rồi chép miệng vác quay trở lại, định ném trả quách thằng bé xuống sông cho trôi đâu thì trôi. Đến chỗ lúc nãy, Mạt Tử đang chuẩn bị ném thì ông lão kia lại hớt hải chạy đến bảo:
“Khoan đã! Nó tuy phải nếm cứt người khác nhưng làm vua nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói bèn thôi ý định. Lại vác thằng bé quay trở về... Gần đến nhà, ông lão kia lại vội vã chạy tới, xua tay bảo:
“Xin hãy cân nhắc cho kĩ đã! Nó tuy làm vua nước Việt, song bụng dạ hẹp hòi, đầu óc tăm tối. Vừa ưa nịnh, vừa bịp bợm, lại tham quyền cố vị, ác hơn thú dữ, suốt đời chỉ lo bức hại kẻ trung thần…”
Mạt Tử nghe nói tức thì nổi giận, lập tức vác quay trở lại, phen này quyết quẳng thằng bé xuống sông. Tới bờ sông, Mạt Tử đang lấy đà định quẳng thì ông lão kia lại hồng hộc chạy đến, vừa thở vừa nói:
“Khoan đã, khoan đã! Nó tuy ác hơn thú dữ, nhưng sau này diệt nước Ngô, làm nên cái oai danh cho nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói lại bỏ ý định ném thằng bé xuống sông mà vác nó quay về nhà. Người vợ trông thấy hỏi:
“Ở đâu ra cái thằng chết trôi này?”
Mạt Tử bèn kể lại đầu đuôi. Người vợ bảo:
“Nó sau này dẫu có phải nếm cứt, thì hiện giờ cũng vẫn là một ông vua con. Tôi nghe nói nuôi vua khó lắm. Chỗ của nó phải ở bàn thờ chứ không thể bạ đâu đặt đấy được. Đã thế nó lại là cái giống bạc đức, sau này tất không ra gì. Nuôi một kẻ như thế trong nhà nguy như trứng để đầu gậy, không khéo lợi bất cập hại.”
Mạt Tử nghe vợ nói, lại tính ném quách thằng bé xuống sông. Song nghĩ lại thấy không nỡ, bèn chép miệng bảo vợ:
“Thôi thì ta cũng vì cái oai danh của nước Việt sau này mà cứu nó một phen vậy. Nay hãy chịu khó để nó lên bàn thờ, nuôi mấy hôm cho nó hoàn hồn, cứng cáp như trước đã rồi đem bỏ ra giữa chợ, mặc ai nhặt thì nhặt, mình cũng đỡ phải tội.”
Số là Mạt Tử không biết. Thằng bé đó chính là tiểu công tử của nước Việt. Hôm ấy mải chơi đùa trên sông, chẳng may trượt chân té xuống nước. Nước sông đang chảy mạnh lập tức cuốn nó đi. Lúc bọn hầu cận phát hiện ra thì đã trôi đến mấy dặm. Mọi người hốt hoảng mò khắp một đoạn sông, song không thấy. Mấy hôm sau, bọn hầu cận được phái đi tìm bắt gặp thằng bé đang lê la đói khát ở giữa chợ, vội vàng đem kiệu tới rước về cung. Thằng bé về sau quả nhiên được truyền ngôi, trở thành vua nước Việt. Bấy giờ đã 21 tuổi, bèn tự phong vương, tỏ ra là một ông vua có chí lớn.
Vua mới lên ngôi, có cây sung cổ thụ bỗng dưng trổ hoa, thơm ngào ngạt ba ngày liền, thiên hạ tấm tắc khen là điềm lạ. Cả nước nổi cơn điên vì sướng. Có điều trong cái mùi thơm ấy, thỉnh thoảng vẫn thấy lẫn vào một thứ mùi gì đó ngửi rất khó chịu. Vài ngày sau rõ dần. Đích thị là mùi thối. Cuối cùng chỉ còn toàn mùi thối, kéo dài mấy tháng chưa hết. Quạ ở đâu ùn ùn bay về, đậu kín các cành. Thiên hạ càng cho là điềm lạ.
Mạt Tử nghe tin vua mới của nước Việt chính là thằng bé mình cứu ngày trước thì hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe. Mọi người bảo sao không nhân đó mà vào cung, xin đức vua ban cho ít ruộng hoặc một phẩm tước nào đó, khỏi phải làm nghề mò trai mò hến nữa... Mạt Tử lấy làm phải bèn xin vào cung ra mắt vua. Chưa kịp nhắc lại ơn cũ thì Việt Vương đã ngửa mặt cười lớn mấy tiếng rồi vỗ bàn quát:
“Nhà ngươi tưởng cuộc đời này giống chuyện cổ tích lắm hay sao? Nhà ngươi dẫu cứu ta thoát khỏi chết đuối, song đã mấy lần định quẳng ta trở lại xuống sông. May mà mạng ta còn lớn khiến ngươi không làm nổi việc đó. Nay lại còn vác mặt đến đòi ta trả ơn? Ta không thèm tìm ngươi hỏi tội là phúc cho ngươi lắm rồi. Chính ngươi mới là kẻ phải biết ơn ta về điều đó đấy.”
Nói xong quát tả hữu đuổi Mạt Tử ra ngoài. Mạt Tử nhục quá lủi thủi ôm đầu chuồn khỏi cung. Rốt cuộc lại trở về bến sông làm nghề mò trai mò hến như cũ.
Xin không kể tiếp những việc sau đó của vị tân vương ấy, vì mọi chuyện đều đã được chép trong Sử kí. Chỉ biết rằng sự nghiệp của ngài diễn ra đúng như những gì mà ông lão ngày xưa đã nói. Đại khái cũng nếm cứt, cũng diệt nước Ngô, cũng bức hại trung thần... Ở đây chỉ xin kể một chuyện xảy ra vào lúc cuối đời ngài.
Bấy giờ nước Việt vô sự. Kẻ sĩ chân chính người thì bỏ đi ở ẩn, người thì đã trở thành thiên cổ. Trong triều, lũ cơ hội, nịnh thần tha hồ làm mưa làm gió, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc ăn cướp của dân cho thật nhiều. Ngoài đời, đám kẻ sĩ vì bản chất tham lam, hèn hạ, nên vốn đã cam tâm làm tôi tớ từ lâu. Bọn họ luôn nghĩ cách làm vui lòng Việt vương để cầu tước vị, bổng lộc. Hăng hái nhất trong đám này là 2 gã quan văn tên Hư Tỉ và Lê Lết. Năm đó nhân sắp đến tiết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Hư Tỉ bàn với Lê Lết:
“Đại vương ta rất thích nghe âm nhạc. Lâu nay việc nước bề bộn. Đám con cháu, tay chân Ngài nhiều người ăn cắp lộ liễu quá. Thành ra trong dân gian, khối kẻ chửi thầm chửi vụng, làm đại vương ta cũng có chút phiền lòng. Nay nhân dịp tiết Nguyên tiêu, âu là ta tổ chức một đêm nhạc thật hoành tráng ở sân nhà Thái miếu, mời đại vương tới nghe cho Ngài khuây khoả. Chẳng hay ý ông thế nào?”
Lê Lết tuy nghề văn, song vốn có máu con buôn, bèn hưởng ứng:
“Tuyệt đấy. Nhân đó ta chọn lấy 99 điệu nhạc thật hay. Sao cho trên thì khoái tai đại vương, dưới thì vừa bụng dân chúng để dâng lên cho Ngài ngự bút ban thưởng, rồi khắc in bán ra thiên hạ, chắc cũng kiếm được khối tiền.”
Hư Tỉ nghe Lê Lết nói liền vỗ tay khen:
“Diệu kế. Ông thật không hổ là vị quan không ngai của triều đình, là bậc đứng đầu đám văn hoá con buôn của cả nước. Pháp khẩu (giọng lưỡi) của ông xưa nay được thiên hạ tôn là thần thông quảng đại. Vậy xin nhường việc đọc diễn văn khai mạc cho ông. Chúng ta sẽ bắt chước cái chuyện nghe nhạc của vua nước Tấn ngày trước, có cả chim hạc đến vỗ cánh thì công trạng của ta hẳn sẽ càng to lắm...”
Đúng đêm Nguyên tiêu, sân nhà Thái Miếu được trang trí lộng lẫy, khắp nơi kết đèn hoa sáng rực. Tài tử giai nhân khắp kinh thành ăn mặc lòe loẹt kéo tới đông như trảy hội. Các phường nhạc hay nhất nước được tuyển chọn đến để hầu thánh nhĩ (tai vua). Lê Lết đích thân đứng ra đọc diễn văn khai mạc. Đại khái tập trung ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của Việt vương. Bài diễn văn có đoạn viết (những chỗ trong ngoặc đều do Lê Lết dẫn tư tưởng Khổng Tử):
“Đại vương ta, khởi sự từ Lễ (“lập ư lễ”), đã làm nên những chiến công vô cùng hiển hách, từ xưa tới nay chưa có bao giờ... Tiếp theo, Ngài chấn hưng văn hoá, vỗ về muôn dân, làm cho nước ta trở thành một nước văn hiến (“hưng ư thi”). Nay chính là lúc mà các thành tựu của Ngài đã đạt đến mĩ mãn (“thành ư nhạc”), cũng là lúc chúng ta thay mặt cả nước tổ chức đêm quốc nhạc này để tỏ lòng đời đời biết ơn...”
Thế rồi hết điệu nhạc này đến điệu nhạc khác được đem ra trình diễn. Cứ mỗi điệu nhạc lại có mười sáu thiếu nữ đẹp như tiên sa, trang phục bay bướm như những cánh hạc ở đâu xuất hiện. Có khi từ hai bên cánh gà, có khi dòng dây thả từ trên trời xuống... Những “nàng” chim hạc này vừa xuất hiện, lập tức sắp thành hai hàng, múa lượn theo điệu nhạc cực kì điêu luyện, kết hợp với ánh đèn mờ ảo làm cho không khí đêm nhạc đượm vẻ Bồng Lai, cung Quảng, khiến người xem vỗ tay không ngớt. Nhiều kẻ phải lắc đầu lè lưỡi. Tất nhiên Việt vương vô cùng hài lòng. Ngài luôn tay ban rượu thưởng cho các quan đứng hầu hai bên, đặc biệt là Hư Tỉ và Lê Lết.
Tiếp đến danh sách 99 điệu nhạc hay do Lê Lết và Hư Tỉ đích thân chủ trì việc chọn lựa được đọc trước công chúng. Đọc xong đem dâng lên Việt vương. Việt vương không chần chừ cầm bút phượng phê ngay mấy lời vàng ngọc. Khán giả và các quan vỗ tay rầm rĩ. Riêng Hư Tỉ và Lê Lết thì vừa mừng thầm trong bụng, vừa không giấu nổi vẻ hãnh diện trên nét mặt.
Ngày hôm sau, Việt vương ra thiết triều, các quan tiến lên dâng biểu chúc mừng. Người nào cũng hết lời ca ngợi những điệu nhạc mà Việt vương nghe tối hôm qua. Rằng những điệu ấy còn hay hơn điệu nhạc mà vua nước Tấn được nghe ngày trước. Ngay cả 16 con chim hạc cũng lộng lẫy chẳng kém gì... Bỗng ở cuối hàng bên tả có một người bước ra, phủ phục xuống đất. Việt vương nhìn xem ai thì ra một vị quan thuộc hàng bét phẩm họ Thân tên Cô. Thân Cô dập đầu tâu:
“Thần càng nghe các quan ca ngợi thì càng lấy làm nguy cho đại vương lắm. Họ chỉ nhắc lại việc vua nước Tấn ngày trước sướng tai vì nghe nhạc, mà giấu nhẹm cái việc vua nước Tấn chết vì nghe nhạc. Nước Tấn chẳng bao lâu sau đó cũng mất, khởi sự cũng từ cái việc nghe nhạc ấy. Nay thần xin liều chết kể lại toàn bộ câu chuyện ấy ra đây. Cúi xin đại vương minh xét...” Tiếp đó, Thân Cô liền kể lại câu chuyện của vua nước Tấn ngày trước (chuyện này về sau có chép trong sách Đông Chu của Phùng Mộng Long tiên sinh. Nhân tiện xin phép trích những chỗ cần thiết ra đây để thay cho lời kể của Thân Cô, tuy cũng có sửa chữa chút đỉnh, mong tiên sinh thứ lỗi – chú thích của người viết). Nội dung câu chuyện như sau:
“Vua nước Tấn là Tấn Bình công thích nghe âm nhạc. Thấy Sư Khoáng - một nhạc sư được coi là bậc “thánh nhạc” đời bấy giờ nói đến điệu “Thanh chuỷ”, đòi nghe. Sư Khoáng nói:
“Không nên. Ông vua có đức mới được nghe điệu ấy. Nay chúa công bạc đức, nếu nghe tất có tai họa.”
Tấn Bình công cứ nằng nặc đòi nghe cho bằng được. Sư Khoáng bất đắc dĩ phải cầm lấy đàn mà gảy. Gảy được một khúc, có một đàn chim hạc ở phương nam bay đến, đậu trước cung môn, đếm cả thảy được tám đôi. Gảy khúc nữa thì chim hạc bay xuống, đứng sắp hàng ở dưới thềm, mỗi bên tám con. Gảy thêm khúc nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo vần cung thương, tiếng vang đến tận trời. Tấn Bình công vỗ tay mà khen. Các người đứng xem ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
Tấn Bình công nức nở:
”Âm nhạc mà đến như điệu Thanh chuỷ thì chắc không còn gì hơn nữa!”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh chuỷ tuy cũng thuộc hàng “thánh nhạc.” Song còn chưa bằng điệu Thanh dốc.”
Tấn Bình công ngạc nhiên hỏi:
“Trên đời lại còn có điệu hay hơn điệu Thanh chuỷ nữa ư? Sao nhà ngươi không cho ta nghe nốt?”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh dốc không như điệu Thanh chuỷ, tôi không dám gảy. Ngày xưa vua Hoàng Đế đến hội các thần ở núi Thái Sơn, rồi làm ra điệu Thanh dốc. Các vua sau này càng đời sau càng bạc đức, không sai khiến được các thần, vậy nên thần và người cách biệt nhau. Nếu bây giờ gảy khúc ấy, ngộ nhỡ các thần lại hiện xuống cả thì làm thế nào?”
Tấn Bình công bảo:
“Các thần hiện xuống thì càng vinh dự cho nước Tấn ta chứ sao?”
Sư Khoáng nói:
“Kẻ ngu này không cho là thế. Nội nghe một điệu “Thanh chuỷ” kia cũng đã đủ gây tai vạ cho chúa công rồi. Nay chúa công lại còn đòi nghe điệu “Thanh dốc” nữa thì nguy đến cả nước Tấn chứ chả phải chuyện chơi...”
Tấn Bình công không tin, cứ cố ép mãi. Sư Khoáng bất đắc dĩ lại phải ôm đàn mà gảy. Mới gảy được một khúc, có đám mây đen ở phương tây hiện lên. Gảy khúc nữa, bỗng nổi một cơn dông, ngói trên nóc điện bay tung lên, cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời, rồi thì mưa như trút nước... Tấn Bình công sợ hãi, nằm phục vào một nơi. Mãi đến khi mưa gió tạm yên, nội thị mới dám chạy lên vực Tấn Bình công từ trên đài xuống...
Sau hôm ấy, Tấn Bình công quả nhiên lâm bệnh nặng. Vài tháng thì chết. Nước Tấn từ đó càng ngày càng nát, chẳng bao lâu cũng mất...”
Việt vương nghe Thân Cô kể đến đây thì hoảng hốt rụng rời, ngồi chết lặng đi hồi lâu. Sực nhớ lại câu chuyện suýt chết đuối ngày trước, Việt vương biết mình cũng thuộc hạng bạc đức. Nay trót tin lời lũ nịnh hót mà say sưa đi nghe âm nhạc như thế. Không khéo cũng gặp phải tai vạ như Tấn Bình công thì uổng cả công gây dựng sự nghiệp. Càng nghĩ, Việt vương càng lo sợ, đến nỗi tâm thần bấn loạn, luống cuống không biết nên phải làm thế nào bây giờ? Vừa lúc ấy, cuối hàng bên hữu lại có một người khác bước ra. Mọi người nhìn xem thì là một viên quan cũng thuộc hàng bét phẩm tên là Thế Cô. Thế Cô tâu:
“Câu chuyện mà ngài Thân Cô đây vừa kể quả không sai. Thần cũng đã từng được nghe việc ấy. Song trên đời còn có một bậc Thánh nhân là Khổng Tử, hiện đang ở nước Lỗ. Sao đại vương không sai người sang cầu khẩn Ngài, để Ngài chỉ cho cách về mà tạ lỗi các thần. May ra thì tránh được tai vạ.”
Việt vương nghe nói, tức thì mừng rỡ như bắt được của, bao nhiêu lo sợ tạm thời lui qua một bên. Lập tức sai ngay Thế Cô tìm đường đi gấp sang nước Lỗ, đem theo lễ vật đến cầu kiến Khổng Tử.
Thế Cô tới nước Lỗ, tìm đến xin ra mắt Khổng Tử. Gặp lúc Khổng Tử đang đóng cửa san định kinh sách. Ngài dặn các học trò không tiếp bất cứ người nào. Thế Cô thấy vậy giật mình hoảng hốt, nghĩ lo cho vua Việt quá. Sợ chờ lâu sẽ không kịp. Bèn học theo cách của Thân Bao Tư nước Sở ngày trước, cứ đứng ngoài cửa Khổng gào khóc suốt đêm. Quả nhiên Khổng Tử phải sai học trò ra mở cổng cho vào. Thế Cô đem lễ vật trình lên rồi quỳ xuống tâu:
“Đại vương tôi biết mình bạc đức. Song tiết Nguyên tiêu vừa rồi, trót theo lời bọn lưu manh cơ hội, cùng với lũ con buôn xu nịnh mà đi nghe nhạc ở sân nhà Thái miếu. Khi trở về mới sực nhớ lại câu chuyện của Tấn Bình công ngày trước. Từ đó rất lấy làm lo sợ. Vậy nên sai tôi đến đây hỏi Phu Tử xem có cách gì để tạ lỗi các thần?”
Khổng Tử nghe Thế Cô nói xong, quay sang bảo các học trò:
“Các ngươi đã từng nghe nói ở nước Việt bây giờ, có điệu nhạc nào bằng điệu “Thanh dốc” ngày xưa hay không?”
Rồi quay lại phía Thế Cô, Ngài điềm nhiên trả lời:
“Kẻ bạc đức chỉ không nên nghe “thánh nhạc” mà thôi. Nay vua nước Việt tuy cũng thuộc hạng bạc đức, song những thứ nhạc ấy đều do bọn “bạc nhạc” làm ra cả. “Bạc đức” mà nghe “bạc nhạc” thì có gì phải lo ngại. Về bảo vua nước Việt chả cần phải sợ hãi, cứ việc gối cao đầu mà hưởng phú quý.”
Mùa xuân năm Đinh Hợi (2007)
*
Lời bàn của Lê Anh Hoài
Câu chuyện trùng trùng lớp lang và cuốn hút ở hàng loạt chi tiết và đối thoại.
Luận anh hùng thì cổ thư đã làm nhiều, nhưng đa phần dưới giọng anh hùng ca. Ở đây, Tân thư “luận” bằng cách cho ra một hoạt cảnh rất động giữa Mạt Tử với ông lão, rồi dùng dắng với vợ... Vác trên vai một ông vua con, đáng bỏ sông hay đáng cứu về để trên bàn thờ? Cái “lập trường” phân vân giữa đức dày - đức mỏng, vinh - nhục, công - tội... của người dân trước một nhân vật thật khó lắm thay. Mới biết, lòng dân thì vẫn canh cánh “vì cái oai danh của nước Việt,” nhưng bao dung cho vua ấy chứng tỏ người dân nước Việt xưa đức đã sớm... bạc.
Còn màn dâng nhạc cho ông vua bạc đức, phảng phất như chuyện vừa mới đây thôi. Những kẻ xu phụ, phải đâu thuộc loại “nhân bất học.” Cũng biết không ra gì, nhưng vẫn biết nói “Lập ư lễ, hưng ư thi, thành ư nhạc,” biết chim hạc không đến, vẫn biết dùng gái tạo hình hạc làm vui lòng người trên...
Ấy vậy nên câu: “bạc đức” nghe “bạc nhạc” thì có gì phải lo ngại” hạ đúng chỗ, gây sướng! Sướng nhất là chữ “bạc nhạc,” nó đa nghĩa mà nghĩa nào cũng sâu sâu (xin lỗi Phạm Lưu Vũ tiên sinh), đểu đểu.
© 2007 talawas
Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau (I)
Nguyễn Vy Khanh
Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau
1
Nghiên cứu có đối tượng là Cộng đồng người Việt ở ngoài nước (Vietnamese diaspora) qua các vận động chính trị trong 30 năm qua, từ biến cố bi thảm 30-4-1975 đến năm 2005. Hiện có khoảng ba triệu người Việt sinh sống ở ngoài nước và đa số đã có những liên hệ xa gần với những biến cố chính trị ở Việt Nam hoặc chính trị là lý do hoặc nguyên nhân của sự có mặt của họ ở ngoài nước. Trong số những người đó, có người đã chủ động những biến cố đã xảy ra ở Việt Nam, hoặc tham gia với tư cách nhân viên chính phủ, quân đội, có người là nạn nhân của thời cuộc, chiến tranh và tranh chấp chiến tranh lạnh, quốc-cộng.
Người Việt sống ở ngoài nước đã phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị ở nơi quê hương mới của họ (đối với một số người vẫn là nơi vùng đất tạm-dung), sau những thất bại chính trị trên đất nước gốc của họ (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...)? Nghiên cứu nhắm tìm hiểu một cách cụ thể các cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ châu, tức ở Hoa Kỳ và Canada (và khi có thể vẫn có một số nhận định về người Việt ở khắp nơi). Mục đích chính là tìm hiểu vai trò của những vận động chính trị trong tiến trình hội nhập nơi quê hương mới. Khi tìm hiểu cộng đồng người Việt ở ngoài nước, người ta thường chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục,... hoặc những biến cố có tính thời sự, gây ấn tượng nhưng chỉ có giá trị ngắn hạn, như những biểu tình phản đối các nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ từ Việt Nam sang, vụ treo cờ và chân dung lãnh tụ trong nước, về nước giúp chuyên môn, v.v. Hoặc khi nói đến chính trị thì chỉ ngừng ở việc chống cộng mà không đi sâu để hiểu thực chất của những thái độ và hành vi chính trị. Nghiên cứu cố gắng tìm hiểu cộng đồng này về phương diện chính trị, tìm hiểu những lý do chính trị của sự hiện diện của người Việt ở ngoài nước: hậu quả của chiến tranh lạnh, ý thức hệ và tự do tôn giáo cùng nhân quyền. Trong viễn tượng đúc kết và rút kinh nghiệm cho tương lai, chúng tôi đã thử tìm hiểu và đưa ra một số nguyên do cốt cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Sau đây là một số quan sát và nhận xét của cá nhân chúng tôi, một người nghiên cứu không đảng phái, và đây là bản tóm lược của một biên khảo đang chờ thuận tiện xuất bản.
1. Phân tích các vận động chính trị
Để có thể có được một chân dung chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại, để hiểu sự hình thành và biến thiên của ý thức chính trị người Việt hải ngoại qua các giai đoạn, phải phân tích các bước vận động này. Người Việt hải ngoại đã nghĩ gì và đã làm gì?
Nói chung, các vận động chính trị của người Việt 30 năm qua có mục đích vận động dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại, đấu tranh cho nhân quyền trong nước và đòi hỏi tự do cho người trong nước. Đấu tranh nhiều mặt: chính trị, quần chúng và võ lực. Tựu trung là vận động chính trị của tập thể diaspora hải ngoại trong việc giải quyết chính trị ở trong nước, một chiến tranh bất phân lãnh thổ - ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Đông Âu,... mà lo chuyện đất nước xa xôi: một chủ nghĩa ái quốc ngàn dặm - lần này khác với ngàn dặm của phong trào Đông du và phần nào du học Pháp hồi đầu thế kỷ XX! Họ đã có vai trò gì và ảnh hưởng gì về chính trị ở Việt Nam?
30 năm lúc nào chính trị cũng quan trọng hàng đầu và bao trùm các sinh hoạt khác của cộng đồng như kinh tế, văn hóa mà ý thức chính trị cũng thể hiện qua các sinh hoạt trí thức, xã hội, thương mại, văn nghệ,... Có thể ghi nhận hai khía cạnh của các vận động chính trị của người Việt ở hải ngoại: một là tranh đấu chống chính quyền và Đảng Cộng sản ở trong nước về phương diện chính trị, hai là tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước là những "hậu quả" của những biến cố chính trị và lịch sử đã xảy ra ngay trước đó!
1.1. Tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước, chống chính quyền trong nước
Một cách cụ thể, người Việt hải ngoại tranh đấu cho thuyền nhân và tị nạn; tiếp theo là cho nhân công Việt Nam lao động ở Trung đông, Liên Xô, Đông Âu, Bắc Hàn, đảo Samoa,... Mục tiêu (tình cờ) thứ ba là tranh đấu cho các cựu đảng viên cộng sản tị nạn, vượt thoát, dù cường độ và động lực khác nhau, nhưng đều trở nên thành viên của cộng đồng hải ngoại về chính trị. Đối tượng tiếp theo có thể nói là liên tục từ 30 năm, đó là những tù "cải tạo" và tù lương tâm của miền Nam cũ cũng như hỗ trợ những tiếng nói, lực lượng phản kháng đòi dân chủ, tự do trong nước; đồng thời theo dõi chính-tình trong nước để phản ứng, đối phó (cắt đất, nhượng biển, xuất cảng lao động, phụ nữ, v.v.). Cuối cùng, xuất bản, công bố tại hải ngoại những phản tỉnh, phản kháng của những người cựu đảng viên hay liên hệ với Đảng và Nhà nước cộng sản hoặc thơ văn phê phán chế độ của một số nhà văn trong nước.
Diễn tiến 30 năm: Lúc đầu sau 30-4-1975, mất tổ quốc, tranh đấu chính trị chưa rõ nét, từ giữa 1976 mới tranh đấu chính trị khi từ trong nước tin tức lọt ra ngoài về bắt bớ, "học tập", đổi tiền, tôn giáo bị đàn áp,... rồi đi đến đối đầu tranh-đấu với chính quyền trong nước. Những nhóm lúc đầu thân Cộng, sau cũng lột xác, gửi Tâm thư, chống đối, ủng hộ phản tỉnh trong nước, nhập chung dòng ý thức chính trị phản kháng hải ngoại. Từ chống cộng bộc phát tự nhiên lúc đầu 1975-76 đưa đến khuynh hướng yểm trợ trong nước (1987-1991) và đến năm 2005 thì hy vọng nay ở lớp lãnh đạo trẻ thuộc thế hệ di dân thứ hai thứ ba nhận ảnh hưởng giáo dục, chính trị Âu Mỹ! Nhưng song hành với khuynh hướng, diễn biến đó, có khuynh hướng bảo thủ chống cộng trước sau như một, 1975 hoặc 2005. Và lúc đầu, người Việt không hội nhập nhưng đòi hỏi nhiều, rồi từ 1990 thì hội nhập chính trị, xã hội nhiều hơn! Lúc đầu từ ngoài, lần hồi với người trong nước, không cộng sản (Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy, Phạm Thái,...) hoặc cựu đảng viên nay ly khai, phản tỉnh, phản kháng (Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, v.v.). Đường hướng vận động ở những năm gần đây là những kết nối người trong và ngoài nước, mà gần nhất là thử nghiệm Hoàng Minh Chính-Nguyễn Xuân Ngãi (và những người khác) với cái gọi là Phong trào Dân chủ Việt Nam Thống nhất. Các đảng như Việt Tân và một số tổ chức chính trị khác cũng cùng trong khuynh hướng này!
Liên tục chống cộng: Khuynh hướng chống cộng này như một tiếp nối cuộc chiến tranh đã ngưng ở Việt Nam từ 30-4-1975, và phần nào cả cuộc chiến từ trước đó, từ 1945, 1954. Khuynh hướng đã có một sự liên tục, sau thế hệ tị nạn, di dân lúc đầu vừa hội nhập, thì đến thế hệ thuyền nhân rồi H.O. tiếp sức, rồi thêm thế hệ người Việt ở Nga và Đông Âu duy trì sinh khí và vũ khí nhưng đồng thời cũng đa dạng hóa việc chống cộng. Cũng từ các khối người Việt này, từ khi trong nước "đổi mới" mở cửa đối với "Việt kiều", bãi chiến chống cộng thêm biến dạng về hình thức và nhân sự.
Kháng chiến võ trang: Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch,... thuộc Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam từ Pháp về trong nước tổ chức nổi dậy trong năm 1984, với vũ khí, kế hoạch và hậu thuẫn trong nước cũng như ngoại quốc, nhưng bị ruồng bắt khoảng 11-9-1984. Trần Văn Bá và Lê Quốc Quân bị tử hình ngày 8-1-1985, Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh quốc tịch Pháp án giảm thành chung thân và được phóng thích,... Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam trong năm 1987 tổ chức võ trang, ở vùng biên giới, thủ lãnh Hoàng Cơ Minh bị tử thương, những thành viên khác ra toà và tổ chức kháng chiến tan rã nhưng 14 năm sau, Mặt trận mới nhìn nhận cái chết của lãnh tụ họ. Chí nguyện Đoàn Hải ngoại Phục quốc của Võ Đại Tôn tổ chức võ trang trong nước, không thành, lãnh tụ bị tù và được thả ngày 10-12-1992, v.v. Khuynh hướng võ trang yếu dần từ đó!
Khuynh hướng ghetto sống bên lề: Các địa phương, thành phố đông người Việt, nhu cầu sinh sống đưa đến sự có mặt của các ghetto Việt Nam. Người Việt sống bên lề xã hội bản xứ hoặc chỉ liên hệ tối thiểu, một loại ghetto khép kín, thời người Việt đến định cư nhằm lúc các luật đa văn hóa cho phép, hội nhập không cần thiết, ngay cả chỉ nói tiếng Việt cũng sống thoải mái, bình thường, có đủ bác sĩ, luật sư, buôn bán, dịch vụ,... bằng tiếng Việt, không cần nỗ lực, cố gắng theo xã hội di trú. Vận động chính trị theo kiểu ghetto, nhập cảng từ trong nước: đài TV, radio, báo chợ, truyền đơn, thư rơi, ấn phẩm rơi, biểu tình, những vụ chống cấm vận, chống phái đoàn các thủ tướng và viên chức VC, ca sĩ trong nước ra ngoài trình diễn ở các rạp hay sòng bài, v.v.
Các cựu lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà đã làm gì?
Bốn trong số những vị đã xuất hiện và lên tiếng: cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu thủ tướng Nguyễn Khánh và cựu thủ tướng (14-27 tháng 4-1975) Nguyễn Bá Cẩn. Cựu tổng thống Dương Văn Minh ra ngoài nước trễ nhất (1988), lần duy nhất ông lên tiếng khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Nhân Văn của sinh viên Paris [1] . Cộng đồng hải ngoại theo dõi những hành tung và tiếp xúc của giới trí thức, chính trị gia, các cựu lãnh đạo và các nhân vật cộng đồng (public figures),…
Cao điểm của các vận động chính trị của người Việt hải ngoại là vào thời điểm 1990 cùng lúc với những biến cố chính trị Thiên An Môn và thay đổi chính quyền dân chủ ở các nước Đông Âu và Liên Xô lúc bấy giờ làm thay đổi cục diện chính trị và cả quân sự, kinh tế, v.v. toàn cầu. Trước trào lưu dân chủ hóa thế giới, sau một thời gian chờ đợi một biến cố có thể xảy ra ở trong nước đã không diễn ra, trong vòng hơn một tháng kể từ đầu tháng 2-1990, cộng đồng người Việt bỗng dấy nổi lên khởi đầu là những tuyên ngôn, tuyên cáo rồi đến sự xuất hiện của các phong trào, mặt trận, liên minh, liên đảng, hội đồng, v.v. được thành lập nhanh chóng. Nhiều cá nhân và tổ chức có mặt ở nhiều phong trào vận động ở nhiều địa phương và quốc gia khác nhau. Các khuynh hướng chính trị cũng đa dạng, từ cực hữu, "quốc gia", thành phần thứ ba, trung lập, đến thân cộng, và đệ Tứ quốc tế.
Tất cả đều là những lời kêu gọi dù tên là tuyên ngôn, chương trình, mục đích và tất cả khá tương cận nhau và một số tổ chức trùng tên nhau. Các Kêu Gọi đầu tiên xuất phát từ Pháp là nơi người Việt có liên hệ nhiều với trong nước và đã có kinh nghiệm chính trị với các phe nhóm cộng sản từ nhiều thập niên, cởi mở và mềm dẻo hơn người Việt ở Hoa Kỳ nhất là ở vùng Nam Cali được xem là Thủ đô tị nạn, ở đó chống cộng căng thẳng. Thành phần đa số là những vị từng lên tiếng hoặc tham gia các phong trào chính trị trước và sau đó, nhưng dịp này là lần đầu có sự xuất hiện công khai (trên Tuyên ngôn, Kêu Gọi) của những người thiên tả, thân Cộng đối lập với những người "quốc gia" chống cộng, cũng như một số những nhân sĩ lớn tuổi hoặc từng liên hệ với những tranh chấp chính trị, đảng phái lâu dài trước đó, như chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Phạm Ngọc Thuần, bộ trưởng Hồ Tá Khanh, Trần Văn Đỗ, giáo sư, khoa trưởng Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Huy Bảo,... Những "lên tiếng" càng về sau đã nói đến một sự "đồng thuận" chính trị của người Việt hải ngoại đối với cộng sản Việt Nam hoặc sát cánh cùng các tổ chức khác trong cùng mục đích đó!
Tóm lại, những đòi hỏi thay đổi chính về chính trị, kinh tế và nhân quyền: bỏ Hiến pháp hoặc bỏ điều 4, đòi bỏ độc tôn lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi xây dựng dân chủ đa nguyên, thả tù nhân chính trị, tù lương tâm, đòi tự do tín ngưỡng, thành lập một cơ cấu chính quyền có tính đại diện, và đòi tổng tuyển cử tự do với sự quan sát của Liên Hiệp Quốc, cuối cùng nhiều kêu gọi nhắm gửi các quốc gia khác. Nói chung, thời 1990, bắt đầu có những đòi hỏi nói trên mà không hẳn phải lật đổ chính quyền Việt Nam cộng sản như trước đó với các tổ chức kháng chiến! Tất cả như một đồng thuận hải ngoại mới! Thật vậy, đây là dịp để người Việt đủ mọi thành phần và khuynh hướng chính trị đến gần nhau, đứng cạnh nhau vì mục đích chung, mở đường cho những khuynh hướng hòa hợp dân tộc và đồng thuận chính trị. Hiện tượng lên tiếng (với tuyên ngôn, tâm thư) này đặc biệt gần như cùng lúc và được tung ra như để thông báo cho mọi người biết ai còn ưu tư chuyện chính trị chung, ai sẵn sàng, ai không và như thế nào. Rồi các tổ chức sắp đặt đường lối và tập hợp lại thành đảng phái hoặc liên minh, Mặt trận mới. Một số cá nhân và tổ chức tiếp tục đi xa và có những hành động tích cực, có ý nghĩa cho việc chung. Một số tập hợp, liên minh đã được từ đó thử nghiệm, một số đã đổ vỡ, ngưng hoạt động (Mặt trận Việt Nam Tự do, Mặt ttrận Dân tộc Dân chủ Việt Nam, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại,...), một số khác được duy trì nhưng hình như chỉ có danh nhập hàng ngũ, trong khuôn khổ với thứ vị nào đó trong cộng đồng nhưng không có nội dung hoặc tính cách đại diện không được thật sự nhìn nhận.
Hiện tượng đầu năm 1990 đó đã một thời gây hy vọng đồng thuận mới nhưng cộng đồng hải ngoại sẽ lại rơi vào tuyệt vọng khi thực tế cho thấy sự đoàn kết đã thêm một lần bất khả thi và có khi "đoàn kết" lại càng làm đổ vở và xa nhau hơn về lập trường, đường lối, cũng như phương cách tiếp cận và giải quyết vấn đề chung. Liên minh, phong trào, mặt trận khó vì đa dạng, mỗi tổ chức đã khác nhau và rồi lúc đầu chưa thật sự mở rộng hợp tác! Và vì thế đã làm mất một cơ hội vận động chính trị tốt!
1.2. Thành lập các chính đảng, liên minh, mặt trận và phong trào
Các đảng phái, liên minh, mặt trận được thành lập, lập xong rồi ráp lập lại, để tranh đấu chính trị. Nói chung tất cả đều có những điểm trùng hợp về mục tiêu, cương lĩnh đề cao tự do, dân chủ, nhân quyền. Tổ chức với những uỷ ban, trung ương, chi nhánh, địa phương, v.v. Mỗi lần có lãnh tụ hay đảng viên vượt thoát đến vùng đất tự do, lại dấy lên hy vọng, thành lập, tái tạo,... Hình thức khác càng được sử dụng là tổ chức các cuộc hội thảo chính trị cũng như cứu giúp thuyền nhân, tị nạn ở các trại, thiên tai trong nước, v.v. Hình như ai cũng lập đảng được nếu so với trước 1975 trong nước, và vì quá nhiều khiến hữu danh vô thực nhất là không thấy hoạt động hoặc hành động sống chết cho lý tưởng đã nêu!
Nếu các tổ chức chính trị không gây tin tưởng và thành công đoàn kết, thì các tổ chức cộng đồng thành công phần nào trong cùng mục đích nhưng rồi cuối cùng cũng không đi xa hơn, vì cùng lý do thiếu đoàn kết, não trạng chia rẽ, v.v. Thất bại của những tập hợp, liên kết như Cộng đồng người Việt Hải ngoại, Liên minh người Việt Tự do Hải ngoại, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại, v.v… và có cơ cấu bị đào thải.
Các đảng phái cũ tiếp tục tranh đấu, hoạt động: Quốc dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân,... Chia rẽ và hoài công đoàn kết là những hiện tượng thường thấy. Sự kết hợp ở hải ngoại trở nên khó khăn vì óc lãnh tụ hoạt động riêng rẽ, bí mật, rồi lâu ngày chính từ các đảng sinh ra nhiều chi đảng, nhiều lãnh tụ quá!
Vì nhu cầu và hoàn cảnh mới nơi hải ngoại, xuất hiện các đảng phái, tổ chức chính trị, các mặt trận, liên minh, mặt trận mới với các chính đảng hoặc tổ chức khác mà có thể trong quá khứ từng chống đối nhau, cách ly nhau. Có tổ chức cùng lúc có mặt ở cả 2, 3 mặt trận, liên minh khác nhau. Thứ nữa, các đảng phái cũng như mặt trận, liên minh, chỉ tồn tại nếu có hoạt động kháng chiến, nếu không sẽ chết dù danh xưng vẫn còn với thỉnh thoảng những thông cáo, tuyên ngôn. Các phong trào nối tiếp nhau ra đời cũng như các hội đoàn liên bang, liên quốc, kết hợp với các cộng đồng ở các vùng và quốc gia khác, giữa Âu Mỹ với Đông Âu và Liên Xô. Các diễn đàn chính trị, các hội nghị người Việt và hội đoàn đa quốc. Các hội cựu quân nhân, binh chủng, các trường võ bị, trừ bị, cựu tù chính trị được thành lập và/hoặc củng cố. Vài "chính phủ lưu vong" cốt vang danh hơn thực hữu cũng đã được thành lập ở hải ngoại.
1.3. Văn hóa và vận động chính trị qua các cơ quan truyền thông
Báo chí rồi truyền thông người Việt hải ngoại đã và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị; càng ngày càng phổ thông nhờ các phương tiện kỹ thuật viễn thông và Internet. Ngay sau 1975, những tờ báo đầu như Văn Nghệ Tiền Phong, Hồn Việt, Trắng Đen, ... đã chính trị, về sau lý thuyết nghị luận hơn với Quan Điểm, Việt Nam Hải ngoại, Thời Luận, Ngày Nay TX,... Báo chí trong suốt 30 năm hải ngoại đã giữ một vai trò rất quan trọng trong các vận động chính trị của người Việt. Xã hội tự do, dân chủ cho nhà báo và giới truyền thông đủ thứ quyền, thành thử có người quên bổn phận và thiên chức nghề nghiệp khiến đánh mất niềm tin nơi quần chúng. Biết sức mạnh của thông tin, báo chí trong việc vận động chính trị, vận động quần chúng, một số báo của các tổ chức chính trị, đoàn thể muốn đi xa hơn, muốn lãnh đạo dư luận, do đó từ từ nảy sinh những hiện tượng bất thường trong làng báo.
Một số nhà xuất bản và báo chí phổ biến, in lại sách bị cấm trong nước hay tác giả bị cấm, có vấn đề, bị tù, hỗ trợ những phong trào, khuynh hướng Đổi mới văn hóa. Cuối cùng, lập những chiến dịch văn hoá chính trị như "Chuyển lửa về quê hương" gửi tài liệu, sách báo chính trị chống cộng sản về trong nước, nhắm thúc đẩy đồng bào trong nước nổi dậy, khiến chính quyền Việt Nam tung lại những chiến dịch để vô hiệu hóa và để tránh những "diễn biến hoà bình" người ngoài và trong nước có thể "cấu kết" để chống hoặc lật đổ chính quyền.
Nói chung về văn hoá, những năm 1987-1990, khi trong nước dọ dẫm thay đổi thì bên ngoài có những tổ chức và cá nhân có thể sợ thay đổi tức tiếp tục sống, bèn có những thái độ rất ghetto nghĩa là khó hiểu khi xảy ra trên đất tự do dân chủ tức ở hải ngoại: chống văn hóa phẩm, chống phổ biến, ấn hành sách báo từ trong nước (ngay cả gần đây, 2005, ở Úc).
Vấn đề tự do ngôn luận, tư tưởng và báo chí ở trong cũng như ngoài nước ở đâu có độc tài ở đó có đe dọa, ở đó chưa hẳn là lý tưởng. Báo chí Việt Nam hải ngoại tự do quá đà khi không tôn trọng tự do người khác làm công việc truyền thông. Những vụ khủng bố tự do tư tưởng ngay tại hải ngoại: vụ "động đất văn nghệ" đánh dấu 35 năm sinh hoạt hội hoạ và viết văn của Võ Đình, ở Montréal (Canada) ngày 27-6-1992; nhà văn Thế Uyên, Nhật Tiến, Nguyễn Gia Kiểng đi trước nhiều người do đó đã bị báo chí hải ngoại chống đối, phản đối - nay thì quan điểm của ba ông hết còn mới và... nóng như thời 1989! Vụ cuốn băng video Paris By Night 40 cũng đáng ghi nhận vì lằn ranh Quốc-Cộng tự phân thân thêm những lằn ranh nhỏ hơn bên trong cùng lằn ranh lớn.
Ngoài ra cũng cần ghi nhận khuynh hướng nghiên cứu và xét lại lịch sử, như là một phương tiện chống cộng, làm chính trị, trong môi trường dân chủ, tự do, khai phóng của xã hội mới, và nhờ tiếp xúc được thông tin và tài liệu giải mật. Nhiều tác giả nhìn lại chiến tranh Việt Nam, thực trạng cuộc chiến quốc gia-cộng sản, vai trò người Mỹ, cũng như lịch sử chính trị của Việt Nam Cộng Hoà và chế độ Cộng sản. Ở đây là nhìn lại cái cũ để hiểu hiện tại và định hình cho tương lai. Xét lại về Việt Nam, về kinh nghiệm chiến tranh và hoà bình, về chủ nghĩa cộng sản và một số biến cố, nhân vật. Ngoài ra, có khuynh hướng xét lại chính mình, bản thân cũng như tập thể, nhất là vào cuối giai đoạn, từ những năm 2000, những xét lại sâu sắc hơn là những nhận tội chung chung ở giai đoạn đầu!
2. Tổng quan về các vận động chính trị
2.1. Vài nhận xét về các vận động chính trị
Trước hết, vận động chính trị đã thay đổi theo thời gian: thời đầu 1975-1990 là thời chống cộng tối đa không nhân nhượng. Ngay ý niệm "đa nguyên chính trị" thời 1990-91 lúc đầu cũng đã gặp khó khăn. Ngày 4-5-1991, Cộng đồng ngưới Việt vùng Montréal tổ chức một Hội luận Dân chủ cho Việt Nam đã bị những nhóm cực hữu và cực đoan chống đối, dù đã rào đón trong chương trình và giấy mời rằng "dân chủ đa nguyên chỉ sự khác biệt với dân chủ tập trung mà Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố đang áp dụng tại Việt Nam"!
Giai đoạn 1990 từ những biến động chính trị Đông Âu, tập thể người Việt vận động, lên tiếng đòi tự do, dân chủ, lập nhóm, lập hội, Mặt trận, liên minh, rồi hội luận, hội thảo, ra báo. Cũng là thời một số báo chí chủ trương đa nguyên và hòa hợp hòa giải, ra mắt. Người quốc gia cực hữu tiến ra đa nguyên, người thiên tả và cộng sản cũng tiến đến điểm chung đa nguyên, hòa giải!
Từ triệt để đến ôn hòa là trường hợp của cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Tôn Thất Thiện; cả Quốc Dân Đảng Hải ngoại cũng ôn hòa hơn [2] . Chính trị con người thay đổi theo thời thế và khung cảnh, từ cấm cửa tuyệt đối lúc đầu đưa đến những chương trình trợ giúp xã hội, v.v. Nhưng cũng có sự đứt đoạn, một số người hăng chống cộng cực đoan lúc đầu, lập nhóm, lập hội, có mặt ở mọi Mặt trận, liên minh, sau trở cờ, buôn bán với Hà Nội, …khiến nhiều "chiến hữu" bị chưng hửng và cả "cháy" luôn về chính trị! Nói trở cờ, phản bội vì chính họ trước đó đã là những phần tử quá khích chuyên tố cáo chụp mũ người khác! Đứt đoạn, thay đổi cũng đến thôi, nhưng mọi thay đổi cũng phải qua "sàng lọc". Tuy vậy, các vụ chống đối, biểu tình nay vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở Hoa Kỳ.
Thật nhiều Đảng chính trị, Mặt trận, liên minh, tổ chức cộng đồng và chính trị! Nhưng sau hơn 30 năm không hình thành được một tổ chức chính trị có thực lực với một cơ cấu khoa học, dân chủ, đại diện được cộng đồng, tập thể. Các cá nhân, chính trị gia riêng rẻ thay vì tập trung đoàn kết để chống kẻ thù chung, thì quay lại chống đối nhau vì không hợp nhau, vì truyền thống chia rẽ, nghi ngờ hoặc vì muốn làm lãnh tụ! Có thể vì dị ứng thống nhất tổ chức, thiếu cơ bản, cơ cấu kỹ luật chung, thiếu sự tin tưởng nhau,... Có thể theo thời sự nhưng không cập nhật về tổ chức, phương thức sáng tạo, không hội nhập phương pháp, chiến lược. Ai cũng khoe nắm "chính nghĩa", có chính danh, nhưng không đủ điều kiện để kết hợp (ý chí, đường lối cụ thể. Nhất là đa số theo thời gian càng mang nặng hội chứng "chờ đợi / wait and see". Rồi hay dùng hư làm thực, sống bằng huyền thoại (vụ giấu diếm cái chết Hoàng Cơ Minh), thêu dệt quá khứ cách-mạng và sự nghiệp chính trị (Bùi Diễm, Phạm Văn Liễu, Đặng Văn Nhâm, nhiều cây viết trên Internet, báo chợ, cả báo Văn Nghệ Tiền Phong, v.v.). Tranh đấu, kiến nghị, kháng thư gửi LHQ và chính phủ các nước nhưng cũng có những vụ lẩn quẩn trong cộng đồng người Việt.
2.2. Các điểm đáng ghi nhận
Thứ nhất, các tổ chức cộng đồng và chính trị thường trùng hợp, giành giựt, dẫm chân vì tụ họp chừng ấy tổ chức, lập đi làm lại. Chừng ấy tổ chức, thì cũng chừng ấy nhân sự! Hội đồng Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tập hợp 13 tổ chức và chính đảng nhưng hơn nửa trùng với các tổ chức liên minh cùng thời như Hội đồng Việt Nam Tự do (lúc đầu cũng 13), Mặt trận Dân tộc Dân chủ Việt Nam (2 đảng, 2 Liên minh, 2 tổ chức như Phục hưng và Mặt trận như Mặt trận Việt Nam tự do), v.v.
Thứ hai, có khuynh-hướng đòi bao trùm, tổng hợp: như Phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam và Liên minh các phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam (1990) ra tuyên cáo 20-5-90 ở Canada.
Thứ ba, phá phách, chống đối nhau để giành ưu thế "nói chuyện" với kẻ thù: Bùi Tín khi mới đến Hoa Kỳ lần đầu, Vũ Thư Hiên (và Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu trong nước) bị một số người Việt hải ngoại nghi ngờ.
Về ngôn ngữ chính trị sử dụng thường là dao to búa lớn: Việt cộng không thể thoát "mẻ lưới dân chủ", cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ, phải sụp đổ, CSVN hội đủ điều kiện để sụp đổ,... Một số tuyên bố, phỏng đoán khiến mất giá trị, tin tưởng: đầu năm 1991, Nguyễn Văn Canh từng tiên đoán cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ cuối năm 1991 đầu 1992 (!).
Khẩu hiệu, chiêu bài, tuyên truyền phong phú quá khiến giả chân khó phân biệt đối với người dân thường. Lãnh tụ Hà Nội nói dân chủ và nhân quyền, các tổ chức và nhân vật ở hải ngoại cũng nói dân chủ và nhân quyền, mỗi bên hiểu và biện minh cho định nghĩa của mình nhưng trong thực tế cả hai đều thường chà đạp những ý niệm đó! Các tổ chức tranh đấu cũng đề cao những khẩu hiệu đó nhưng lại chống phá nhau có khi lấy lý do không dân chủ và tự do!
2.3. Vấn đề hội nhập chính trị ở quê hương mới, tham gia các đảng phái chính trị, những lobbying với chính quyền, quốc hội, v.v. Lúc đầu, trong tình cảnh sống còn và làm lại cuộc đời nơi phần đất mới, người Việt phần lớn hoặc lo học sinh ngữ hoặc kiếm việc làm, thành thử hội nhập xã hội và nghề nghiệp trở nên mối ưu tư hàng đầu. Khi đã an sinh phần nào và đời sống tụ tập ở một số thành phố đưa đến vấn đề hội nhập văn hóa và sau cùng mới nghĩ đến hội nhập chính trị. Từ đó bắt đầu có những nghị viên thành phố và dân biểu người gốc Việt ở Bắc Mỹ, Úc và Âu châu. Hai thập niên đầu, hội nhập chính trị không cân bằng, không tham gia trực tiếp mà lại đòi hỏi nhiều. Sau người Việt mới hiểu đời sống hội nhập chính trị chỉ có mỗi con đường là tham gia, người vắng mặt bao giờ cũng bị thiệt thòi! Nói chung, trong phần lớn 30 năm qua, người Việt một phần chưa hội nhập đủ, một phần chấp nhận thực tại, số mệnh, do đó hay có tâm lý hay trông mong chờ đợi tập thể, ngay cả đối với quyền lợi của chính bản thân.
2.4. Một số nguyên do, cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Người Việt với tự hào là một dân tộc văn hiến, sau những thất bại chính trị trên đất nước (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...), nay nơi quê hương mới, họ phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị trên miền đất mới này? Những nghiên cứu và phân tích đưa đến các nhận xét sau đây:
Liên hệ đảng phái và quyền hành: Đảng Đại Việt ở miền Nam tỏ rõ là Đại Việt Quan Lại như giới chính trị tự nhận (Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn, Bùi Diễm, v.v.), cũng như VN Quốc Dân Đảng và một số chính đảng khác, phần lớn nhắm quyền lực, ghế bộ trưởng hơn là làm cách mạng khó khăn. Ra hải ngoại dù ít có dịp can thiệp hơn, một số chính khách này vẫn chi phối hoặc can thiệp "chính trường", mặt trận, liên minh và dĩ nhiên đã khiến một số tổ chức phải chịu thất bại.
Liên hệ với lãnh tụ cũ: một nhóm thân cận cựu tổng thống đệ nhị Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, tổ chức cho ông thử ra mặt lần đầu khoảng tháng 1-1986 ở Houston TX, rồi vào thời 1990 đã lập Tổ chức Yểm trợ Dân chủ và Tái thiết Việt Nam cho ông chính thức vận động chính trị, tổ chức nay mới ra mắt nhưng cho biết từng hoạt động trước đó, từ 1983. Đến 30-4-1995, một lần nữa ông lại lên tiếng, đưa ra lập trường 5 điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhưng lần này chỉ gửi văn thư, "do văn phòng cựu tổng thống VNCH gửi". Và ông Thiệu mất tại Boston ngày 29-9-2001, hơn 2 tháng sau ông Dương Văn Minh. Cùng liên hệ, Ủy ban Luật gia Việt Nam tại Paris (nhóm Vũ Quốc Thúc) vận động áp dụng trở lại Hiệp định Paris và ông Thiệu là lãnh đạo hợp pháp duy nhất! Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn ngày 20-7-2003 phát động chiến dịch của tổ chức VNCH-Foundation tại Nam Cali vận động yêu cầu Liên Hiệp Quốc buộc Hà Nội thi hành Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Rồi từ một Đại hội Toàn quân thành lập Ủy ban Đại diện Việt Nam Cộng hòa.
Liên hệ gia đình, dòng dõi, giai cấp, quyền hành tưởng tượng và thực chất: những trường hợp Bùi Diễm, hay liên hệ bên phối ngẫu người Mỹ (Stephen Young), hay trường hợp Bùi Tín. Cao Trào Nhân bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế có giây rễ với những Ủy ban Yểm trợ Cao trào Nhân bản, Ủy ban Tranh đấu đòi trả Tự do cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ở Montréal, 1992 - nhóm thu hẹp! Trong chính trị, "con ông cháu cha" bất xứng, gian xảo thường là nối dài miếu đường, nghĩa trang!
Liên hệ tình báo, thế lực ngầm, mạng nhện giả chân (nhóm Văn Nghệ Tiền Phong, nhóm Phụ Nữ Diễn Đàn thời Chử Bá Anh, nhóm Vạn Thắng và Mặt trận Cách-Mạng Hưng Phục Việt (Lê Tư Vinh), nhóm Phật giáo Thích Nhất Hạnh, Đỗ Mậu, Giao Điểm, Chuyển Luân, v.v. khiến người dân thường bị rối mù không biết đâu là chân đâu là giả! Vấn đề tài chánh và kinh tài đảng phái chi phối các vận động chính trị khiến đưa đến nhiều thành công quảng cáo nhưng thất bại: ai có tiền làm chủ, áp đảo tổ chức (Mặt trận Hoàng Cơ Minh, các Mặt trận, Liên minh của Nguyễn Văn Kim, v.v.). Từ sau Nghị quyết 36 của đảng cầm quyền trong nước, lại thêm những hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nhất Hạnh, v.v. và hiện tượng sách vở người Việt hải ngoại công khai xuất bản trong nước (Yên Tử cư sĩ, Mai Ninh, Lê Minh Hà, v.v.). Cuối cùng cũng nên ghi nhận mối liên hệ giữa và với một số thế lực như Hội Y sĩ Tự do, Mặt trận Hoàng Cơ Minh,...: nhiều lãnh tụ cộng đồng và chính trị được các thế lực này ủng hộ, bao che, đứng sau, bảo trợ, giải thưởng và những "nhân vật ra mặt" phục vụ cho các thế lực đó!
2.5. Vài nguyên do lịch sử của hành-động chính trị
Người Việt hải ngoại có sức mạnh, hiểu giá trị của sức mạnh, nhưng tiếc là suốt 30 năm và sau đó, chưa có thực lực, sức mạnh không đủ vì hình như còn thiếu tinh thần, chí hướng và mục đích. Những loại tư tưởng như "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" tựu trung là một loại tâm lý chiến thắng... tinh thần! Trong khi đó, chính quyền trong nước biết sự quan trọng và tiềm năng của người Việt hải ngoại, sau một thời gian kết án "Việt gian, ngụy" theo chân đế quốc và tư bản hay này nọ, vả lại họ biết thêm áp lực cộng đồng trên dư luận thế giới và chính quyền bản xứ có thể ảnh hưởng đến thương mại cũng như chính trị (âm mưu diễn biến hoà bình).
Nhiều người trong giới hoạt động chính trị sống theo tinh thần nhà Nho, kẽ sĩ, trọng sĩ (nhất sĩ nhì nông...). Có người theo tinh thần Nho thật, nhưng phần lớn lấy đó làm bình phong hoặc đi cưỡng bức tinh thần kẻ khác! Với nếp suy nghĩ Á đông tiêu cực, không (hoặc khó) chấp nhận dân chủ theo nghĩa Tây phương, mà theo "lẽ phải" tự định nghĩa, tự cho sứ mạng trí thức và chính trị nào đó. Đưa đến tư cách đại diện tự phong và hiện tượng những hiệu triệu, thư gửi đồng bào trong nước cũng như cho đồng bào hải ngoại. Đây là một phần của vấn đề nhân danh và "bị đại diện" bởi các tổ chức, ủy ban, liên minh, Mặt trận mà cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 30 năm qua cứ xảy ra, không lối thoát!
Đặc tính đầu dễ nhận ra là tính cực đoan: chống Cộng, nên hễ nghi ngờ chao đảo là chống, chụp mũ, cả không gửi tiền về giúp người thân, không giúp việc xã hội, từ thiện, tẩy chay không mua hàng nhập cảng từ Việt Nam (dù mua hàng đóng hộp vô bao ở các nước có người Hoa), v.v. Tình cảm, nông nổi khiến hiệu quả hạn chế!
Sống trong tình trạng tâm lý thua thiệt, bám quá khứ, nội tâm bất an thành dễ bất thường, sinh mặc cảm. Lúc đầu nối dài quyền lực nên những cựu bộ trưởng, tướng tá, nhân viên ngoại giao đoàn, khoa trưởng và giáo sư đại học, v.v. khi có dịp vẫn nhắc nhở những chức tước, hào quang cũ, nhưng rồi thế hệ trẻ lên thay thế ở các tổ chức, cộng đồng, thành hụt hẫng trong não trạng văn hoá sĩ khí, sĩ diện! Cố Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận từng có cái nhìn phê phán cộng đồng người Việt hải ngoại khi đến San Diego CA ngày 10-10-1993, trong một thuyết giảng, ông đã đề cao người Việt "Thập đại thành công" về học vấn, gia đình, kinh tế,... nhưng cũng đã có 10 căn bệnh trầm kha ông gọi là "Thập đại thất bại" như bệnh quá khứ cực độ, bi quan tiêu cực, vô trách nhiệm, ỷ lại, cá nhân chủ nghĩa, khôn vặt, riêng bè phái chia rẽ là căn bệnh trầm kha nhất của người Việt hải ngoại. Theo ông, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thất bại trong việc xây dựng cộng đồng và xây dựng niềm tin [3] . Thất bại vì chỉ là chính trị thủ đoạn, mánh khoé, chính trị theo tà đạo!
Có một tâm lý không thật lòng tin tưởng nơi lớp trẻ, dùng phương pháp hay sở học mới để nhìn lịch sử: thí dụ Nhị Lang tự tin ở dữ kiện thủ đắc nên đã phê phán Nguyễn Kỳ Phong tác giả bộ Người Mỹ Và Chiến-Tranh Việt Nam [4] : "sử gia hải ngoại viết hay cóp sử của ngoại nhân" [5] . Trước đó, Phạm Kim Vinh đã hoảng hốt khi có lớp trẻ tuổi hơn sử dụng phương pháp hoạt động của hội nhập để vận động chính trị, bèn chụp mũ họ là "người Mỹ gốc Việt" làm tay sai. Trong cuốn Chính nghĩa lưu vong còn một chút này [6] , ông phê phán nặng nề những người trẻ hơn dùng ngôn ngữ hay phương cách làm việc của hội nhập Âu-Mỹ.
Họ hô hào dân chủ tự do nhưng hiếm khi chấp nhận hành cử dân chủ và quan điển tự do của người khác. Trong cùng tổ chức nếu bị thua bầu cử họ sẽ không chấp nhận "bản án" đầu phiếu, họ sẽ bỏ và phá tổ chức hoặc lập ra một tổ chức trùng tên, trùng tôn chỉ, để họ có thể làm chủ tịch và hội viên có hay không không quan trọng. Hoặc thư rơi, chụp mũ! Hoặc trở thành hội viên của tổ chức ở một địa phương khác!
Rồi nạn phân chia giai cấp, người đến trước đến sau, nhưng cũng vài năm hay thập niên sau, thứ tự "quí phái, sang giàu" đã đảo ngược - "lao động" không được tôn trọng trong nước, thì ở xứ người có giá, làm ra tiền (nail, thợ chuyên môn, v.v.)! Cũng vì não trạng phân hóa mà người sau phá người đi trước hay lập lại lỗi lầm người trước, như một số các H.O. Biết bao diễn văn đã được lập đi lập lại. Và cái "tệ" nhất là thói hay nhân danh, mà toàn nhân danh chuyện quá... lớn như chính nghĩa và dân tộc - bài bản y như kẻ thù của họ! Những kẻ này, có khi cả gia đình, xưa chuyên chụp mũ và đe dọa người khác mà họ nghĩ lung lay lập trường, một ngày kia sẽ tự đội nón cối chạy theo đô la và xin thù cũ làm bạn mới! Ở xã hội có đầy đủ tự do dân chủ lại đi cấm cản người khác đọc sách báo của trong nước in từ trong nước hoặc ở hải ngoại in lại như từng xảy ra ở hải ngoại, bằng chứng là Tuyên cáo Toronto 15-7-1990 đứng đầu với Văn bút Việt Nam Hải ngoại thời Nguyễn Ngọc Ngạn.
Sống với biểu tượng (quốc kỳ, quốc ca), họ bám chặt lá cờ biểu tượng. Nhưng lá cờ cũng từng là cái cớ để chụp mũ nhau, để chia rẽ và chống đối. Một chiến dịch Cờ Vàng được phát động từ tháng 3-2004 và lan mạnh nhất là ở Hoa Kỳ. Đến nay, vấn đề lá cờ vẫn là trở ngại cho sự đến gần người tị nạn từ miền Bắc và người hiện nay trong nước cũng như đối với quốc tế. Nói đến quốc ca, quốc kỳ, là đụng chạm đến quá khứ và lịch sử !
2.6. Ý niệm "Chính nghĩa" (chính nghĩa quốc gia) suốt hơn 30 năm hải ngoại chứng tỏ có một vấn đề lớn mà dùng lý luận, khoa học để phân tích không dễ, vì phần lớn những nhân vật cộng đồng hay chính trị đều có một cái nhìn hạn hẹp, bảo thủ mà khi hỏi cho ra lẽ thì không có được bao nhiêu yếu tố thuyết phục được nhất là đối với giới trẻ. Phạm Kim Vinh là một trong số những người này như đã trình bày phần trước đây. "Chính nghĩa" được dùng, giành chính danh, vẫn được sử dụng cho các sinh hoạt và tổ chức (Chính phủ cách mạng Việt Nam Tự do 1995, Đại hội Chính nghĩa CA 1997!, Đại hội Chính nghĩa của Mặt trận HCM, v.v. Tờ Chính Nghĩa (Atlanta) của Kim Âu Hà Văn Sơn, một H.O. cựu tù cải tạo tự xưng "đi guốc trong bụng cộng sản", ra tập Một vấn đề của dã tâm [7] , biện hộ cho Bùi Đình Thi bị Nguyễn Đình Thắng chủ tịch Boat People SOS kiện INS để đuổi ra khỏi Hoa-Kỳ và nhân tiện nói nặng LM Nguyễn Hữu Lễ là nạn nhân và là nhân chứng về những hành động của ông Thi trong các trại "cải tạo". Họ lập những Ủy ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Của Người Việt Quốc-gia để chống CD và ca sĩ từ trong nước, ca sĩ chao đảo, ... lột cái gọi là "mặt nạ" những kẻ được gọi là "công an, nằm vùng": vụ H.O. Võ Văn Sáu, Lưu Thừa Chí, v.v. Nghi ngờ những phản tỉnh như đối với Bùi Tín vì ông này đòi bỏ cấm vận cũng như cách xưng hô tán tụng những lãnh tụ cộng sản hàng ngũ ông nói là từ bỏ. Cũng vì chính nghĩa (theo như họ nghĩ), họ không chấp nhận những phản tỉnh trong nước như đối với Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, ... Chống một chế độ gọi là toàn trị trong nước, có những tập đoàn và nhóm ở hải ngoại hành cử cùng bài bản và phương pháp (vụ Nguyễn Hữu Luyện kiện một đại học Hoa Kỳ chẳng hạn).
Họ tự nghĩ đại diện chính thức cho Việt Nam Cộng hòa, cho miền Nam, và cho cộng đồng hải ngoại! Đưa đến thái độ độc quyền chính trị: xem những ai không chống cộng là phản bội, xem những văn nghệ sĩ phi chính trị là bị cộng sản mua chuộc, văn hoá vận! Đưa đến ảo tưởng, cứ nghĩ có chính nghĩa (chính danh là việc của sử gia hoặc một tập thể), nhân đạo, đạo đức,... là chìa khoá của thành công đại sự; đưa đến ảo tưởng cộng sản sắp bị lật đổ, năm 1989 với bầu cử tự do ở Cam Bốt, năm 1990 cộng sản Đông Âu bị phá đổ, hoặc mỗi lần trong nước có đại hội Đảng, cách chức, thay đổi bí thư, thủ tướng, v.v.
2.7. Sự hình thành, biến dạng và tan rã của các tổ chức chính trị, cộng đồng
Các tổ chức vận động chính trị của người Việt hải ngoại được hình thành, củng cố nếu đã có trước, nhưng đã thay đổi cơ cấu cũng như chiều hướng vận động theo diễn tiến lịch sử và diễn tiến của tình hình thế giới, theo kiến thức, tin tức cập nhật về chuyện cũ, về tương lai. Lúc đầu 1975, trong cộng đồng người Việt có những nhóm người đối nghịch nhau: nhóm tị nạn cộng sản bỏ nước mà đi và nhóm thân cộng, thân chính quyền Hà Nội. Nhưng nhóm người sau bị một số biến cố chính trị thế giới cũng như trong nước làm biến dạng, thay đổi bản chất và vị trí chính trị!
Các vận động chính trị của người Việt nhạy bén theo thời sự, biến chuyển thế giới mà lập đảng, liên minh hoặc gây phong trào, nhưng cũng vì quá cập nhật ở mặt ngoài mà không có thực chất, nội dung, mà các tổ chức được lập ra sớm nở tối tàn! Nếu viết lịch sử về các vận động của người Việt hải ngoại là như làm danh sách liệt kê dài nhưng khi đi vào phân tích nội dung thì lúng túng tìm cho ra đặc điểm và thành quả! Chừng ấy tổ chức và nhân sự và thay đổi danh xưng khiến người dân thường tưởng là sinh động, thiết yếu.
Cộng đồng người Việt có nhiều giai đoạn và được nối tiếp thêm nhân lực, thêm tinh thần chính trị mà cũng thêm những lôi kéo về một phía. Khi tinh thần, sinh hoạt chính trị giảm bớt thì cộng đồng lại được tiếp sức chính trị thêm nhân lực mới, các cựu tù cải tạo H.O., nhiều tướng lãnh, đảng viên, tai mắt, thêm tiếng nói, thêm khuôn mặt. Nhưng người sau làm lại cái người trước đã làm, nói lại diễn văn người trước, lại chịu cùng thất bại hoặc kết quả hoặc các tổ chức hội đoàn vẫn thế, cộng đồng vẫn phân tán, chuyện dài vẫn chưa tới đoạn kết.
Hết các tổ chức thành lập Cộng đồng người Việt Hải ngoại đến chuyện Văn bút Việt Nam Hải ngoại là một bằng chứng hùng hồn cho cái não trạng phân ly, lãnh tụ đã phân tích ở trên. Cơ nguy nhiều hơn là cơ may cho tập thể! Một khuynh hướng khác ngày càng phổ biến là những cuộc hội thảo chuyên ngành thường thì đa ngôn mà không chương trình cụ thể hành động, lập lại chừng ấy chủ đề, có khi chỉ để chứng tỏ hãy còn đây. Bên cạnh đó đã có những người trẻ âm thầm bắt tay làm những việc thấy đúng hoặc để đóng góp một cách phi chính trị! Tóm, ba thế hệ di dân, tị nạn, ngày càng đa dạng, phức tạp; có người khi đã ổn định thì làm ngơ chuyện chung, và chỉ đến với các cơ cấu cộng đồng khi cần mà thôi, có người vẫn sống tâm trạng và ý chí như vừa ra khỏi nước tháng 4-1975, có người thì đã quên tất cả, có người không biết đến chiến tranh, không biết ngày 30-4-1975, có người thì chuẩn bị âm thầm cho tương lai!
[1]Thủ tướng 2 ngày Vũ Văn Mẫu không lên tiếng nhưng để lại tập ký Sáu tháng pháp nạn 1963 (1984).
[2]Cương lĩnh chính trị giải phóng dân tộc xây dựng tổ quốc, 1990 (VN Quốc dân Đảng HảI ngoại. Cục Tuyên huấn TU, Orlando FL, 28 tr.). Trang VI, 4.
[3]Theo Nhuệ Hồng. "Cộng đồng hải ngoại tự phán: thập đại thất bại". Thế Kỷ 21, 116, 12-1998, tr. 33-34.
[4]Nguyễn Kỳ Phong. Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam: liên hệ quân sự chính trị 1945-1975. Tập 1 (Centrevill, VA : Vietnam Bibliography, 2001. 339 tr.).
[5]"Trở lại vụ án 47 năm trước: Ai giết tướng Trình Minh Thế?". Văn Nghệ Tiền Phong, 636, 16-7-2002, tr. 24+.
[6]Phạm Kim Vinh, Chính nghĩa lưu vong còn một chút này. CA: Tủ sách PKV, 1991. Tr. 140-166.
[7]Một vấn đề của dã tâm (Atlanta GA. 84 tr.), ký BN 587.
Nguồn: Báo Định Hướng số mùa Đông 2006
Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau
1
Nghiên cứu có đối tượng là Cộng đồng người Việt ở ngoài nước (Vietnamese diaspora) qua các vận động chính trị trong 30 năm qua, từ biến cố bi thảm 30-4-1975 đến năm 2005. Hiện có khoảng ba triệu người Việt sinh sống ở ngoài nước và đa số đã có những liên hệ xa gần với những biến cố chính trị ở Việt Nam hoặc chính trị là lý do hoặc nguyên nhân của sự có mặt của họ ở ngoài nước. Trong số những người đó, có người đã chủ động những biến cố đã xảy ra ở Việt Nam, hoặc tham gia với tư cách nhân viên chính phủ, quân đội, có người là nạn nhân của thời cuộc, chiến tranh và tranh chấp chiến tranh lạnh, quốc-cộng.
Người Việt sống ở ngoài nước đã phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị ở nơi quê hương mới của họ (đối với một số người vẫn là nơi vùng đất tạm-dung), sau những thất bại chính trị trên đất nước gốc của họ (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...)? Nghiên cứu nhắm tìm hiểu một cách cụ thể các cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ châu, tức ở Hoa Kỳ và Canada (và khi có thể vẫn có một số nhận định về người Việt ở khắp nơi). Mục đích chính là tìm hiểu vai trò của những vận động chính trị trong tiến trình hội nhập nơi quê hương mới. Khi tìm hiểu cộng đồng người Việt ở ngoài nước, người ta thường chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục,... hoặc những biến cố có tính thời sự, gây ấn tượng nhưng chỉ có giá trị ngắn hạn, như những biểu tình phản đối các nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ từ Việt Nam sang, vụ treo cờ và chân dung lãnh tụ trong nước, về nước giúp chuyên môn, v.v. Hoặc khi nói đến chính trị thì chỉ ngừng ở việc chống cộng mà không đi sâu để hiểu thực chất của những thái độ và hành vi chính trị. Nghiên cứu cố gắng tìm hiểu cộng đồng này về phương diện chính trị, tìm hiểu những lý do chính trị của sự hiện diện của người Việt ở ngoài nước: hậu quả của chiến tranh lạnh, ý thức hệ và tự do tôn giáo cùng nhân quyền. Trong viễn tượng đúc kết và rút kinh nghiệm cho tương lai, chúng tôi đã thử tìm hiểu và đưa ra một số nguyên do cốt cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Sau đây là một số quan sát và nhận xét của cá nhân chúng tôi, một người nghiên cứu không đảng phái, và đây là bản tóm lược của một biên khảo đang chờ thuận tiện xuất bản.
1. Phân tích các vận động chính trị
Để có thể có được một chân dung chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại, để hiểu sự hình thành và biến thiên của ý thức chính trị người Việt hải ngoại qua các giai đoạn, phải phân tích các bước vận động này. Người Việt hải ngoại đã nghĩ gì và đã làm gì?
Nói chung, các vận động chính trị của người Việt 30 năm qua có mục đích vận động dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại, đấu tranh cho nhân quyền trong nước và đòi hỏi tự do cho người trong nước. Đấu tranh nhiều mặt: chính trị, quần chúng và võ lực. Tựu trung là vận động chính trị của tập thể diaspora hải ngoại trong việc giải quyết chính trị ở trong nước, một chiến tranh bất phân lãnh thổ - ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Đông Âu,... mà lo chuyện đất nước xa xôi: một chủ nghĩa ái quốc ngàn dặm - lần này khác với ngàn dặm của phong trào Đông du và phần nào du học Pháp hồi đầu thế kỷ XX! Họ đã có vai trò gì và ảnh hưởng gì về chính trị ở Việt Nam?
30 năm lúc nào chính trị cũng quan trọng hàng đầu và bao trùm các sinh hoạt khác của cộng đồng như kinh tế, văn hóa mà ý thức chính trị cũng thể hiện qua các sinh hoạt trí thức, xã hội, thương mại, văn nghệ,... Có thể ghi nhận hai khía cạnh của các vận động chính trị của người Việt ở hải ngoại: một là tranh đấu chống chính quyền và Đảng Cộng sản ở trong nước về phương diện chính trị, hai là tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước là những "hậu quả" của những biến cố chính trị và lịch sử đã xảy ra ngay trước đó!
1.1. Tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước, chống chính quyền trong nước
Một cách cụ thể, người Việt hải ngoại tranh đấu cho thuyền nhân và tị nạn; tiếp theo là cho nhân công Việt Nam lao động ở Trung đông, Liên Xô, Đông Âu, Bắc Hàn, đảo Samoa,... Mục tiêu (tình cờ) thứ ba là tranh đấu cho các cựu đảng viên cộng sản tị nạn, vượt thoát, dù cường độ và động lực khác nhau, nhưng đều trở nên thành viên của cộng đồng hải ngoại về chính trị. Đối tượng tiếp theo có thể nói là liên tục từ 30 năm, đó là những tù "cải tạo" và tù lương tâm của miền Nam cũ cũng như hỗ trợ những tiếng nói, lực lượng phản kháng đòi dân chủ, tự do trong nước; đồng thời theo dõi chính-tình trong nước để phản ứng, đối phó (cắt đất, nhượng biển, xuất cảng lao động, phụ nữ, v.v.). Cuối cùng, xuất bản, công bố tại hải ngoại những phản tỉnh, phản kháng của những người cựu đảng viên hay liên hệ với Đảng và Nhà nước cộng sản hoặc thơ văn phê phán chế độ của một số nhà văn trong nước.
Diễn tiến 30 năm: Lúc đầu sau 30-4-1975, mất tổ quốc, tranh đấu chính trị chưa rõ nét, từ giữa 1976 mới tranh đấu chính trị khi từ trong nước tin tức lọt ra ngoài về bắt bớ, "học tập", đổi tiền, tôn giáo bị đàn áp,... rồi đi đến đối đầu tranh-đấu với chính quyền trong nước. Những nhóm lúc đầu thân Cộng, sau cũng lột xác, gửi Tâm thư, chống đối, ủng hộ phản tỉnh trong nước, nhập chung dòng ý thức chính trị phản kháng hải ngoại. Từ chống cộng bộc phát tự nhiên lúc đầu 1975-76 đưa đến khuynh hướng yểm trợ trong nước (1987-1991) và đến năm 2005 thì hy vọng nay ở lớp lãnh đạo trẻ thuộc thế hệ di dân thứ hai thứ ba nhận ảnh hưởng giáo dục, chính trị Âu Mỹ! Nhưng song hành với khuynh hướng, diễn biến đó, có khuynh hướng bảo thủ chống cộng trước sau như một, 1975 hoặc 2005. Và lúc đầu, người Việt không hội nhập nhưng đòi hỏi nhiều, rồi từ 1990 thì hội nhập chính trị, xã hội nhiều hơn! Lúc đầu từ ngoài, lần hồi với người trong nước, không cộng sản (Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy, Phạm Thái,...) hoặc cựu đảng viên nay ly khai, phản tỉnh, phản kháng (Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, v.v.). Đường hướng vận động ở những năm gần đây là những kết nối người trong và ngoài nước, mà gần nhất là thử nghiệm Hoàng Minh Chính-Nguyễn Xuân Ngãi (và những người khác) với cái gọi là Phong trào Dân chủ Việt Nam Thống nhất. Các đảng như Việt Tân và một số tổ chức chính trị khác cũng cùng trong khuynh hướng này!
Liên tục chống cộng: Khuynh hướng chống cộng này như một tiếp nối cuộc chiến tranh đã ngưng ở Việt Nam từ 30-4-1975, và phần nào cả cuộc chiến từ trước đó, từ 1945, 1954. Khuynh hướng đã có một sự liên tục, sau thế hệ tị nạn, di dân lúc đầu vừa hội nhập, thì đến thế hệ thuyền nhân rồi H.O. tiếp sức, rồi thêm thế hệ người Việt ở Nga và Đông Âu duy trì sinh khí và vũ khí nhưng đồng thời cũng đa dạng hóa việc chống cộng. Cũng từ các khối người Việt này, từ khi trong nước "đổi mới" mở cửa đối với "Việt kiều", bãi chiến chống cộng thêm biến dạng về hình thức và nhân sự.
Kháng chiến võ trang: Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch,... thuộc Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam từ Pháp về trong nước tổ chức nổi dậy trong năm 1984, với vũ khí, kế hoạch và hậu thuẫn trong nước cũng như ngoại quốc, nhưng bị ruồng bắt khoảng 11-9-1984. Trần Văn Bá và Lê Quốc Quân bị tử hình ngày 8-1-1985, Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh quốc tịch Pháp án giảm thành chung thân và được phóng thích,... Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam trong năm 1987 tổ chức võ trang, ở vùng biên giới, thủ lãnh Hoàng Cơ Minh bị tử thương, những thành viên khác ra toà và tổ chức kháng chiến tan rã nhưng 14 năm sau, Mặt trận mới nhìn nhận cái chết của lãnh tụ họ. Chí nguyện Đoàn Hải ngoại Phục quốc của Võ Đại Tôn tổ chức võ trang trong nước, không thành, lãnh tụ bị tù và được thả ngày 10-12-1992, v.v. Khuynh hướng võ trang yếu dần từ đó!
Khuynh hướng ghetto sống bên lề: Các địa phương, thành phố đông người Việt, nhu cầu sinh sống đưa đến sự có mặt của các ghetto Việt Nam. Người Việt sống bên lề xã hội bản xứ hoặc chỉ liên hệ tối thiểu, một loại ghetto khép kín, thời người Việt đến định cư nhằm lúc các luật đa văn hóa cho phép, hội nhập không cần thiết, ngay cả chỉ nói tiếng Việt cũng sống thoải mái, bình thường, có đủ bác sĩ, luật sư, buôn bán, dịch vụ,... bằng tiếng Việt, không cần nỗ lực, cố gắng theo xã hội di trú. Vận động chính trị theo kiểu ghetto, nhập cảng từ trong nước: đài TV, radio, báo chợ, truyền đơn, thư rơi, ấn phẩm rơi, biểu tình, những vụ chống cấm vận, chống phái đoàn các thủ tướng và viên chức VC, ca sĩ trong nước ra ngoài trình diễn ở các rạp hay sòng bài, v.v.
Các cựu lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà đã làm gì?
Bốn trong số những vị đã xuất hiện và lên tiếng: cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu thủ tướng Nguyễn Khánh và cựu thủ tướng (14-27 tháng 4-1975) Nguyễn Bá Cẩn. Cựu tổng thống Dương Văn Minh ra ngoài nước trễ nhất (1988), lần duy nhất ông lên tiếng khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Nhân Văn của sinh viên Paris [1] . Cộng đồng hải ngoại theo dõi những hành tung và tiếp xúc của giới trí thức, chính trị gia, các cựu lãnh đạo và các nhân vật cộng đồng (public figures),…
Cao điểm của các vận động chính trị của người Việt hải ngoại là vào thời điểm 1990 cùng lúc với những biến cố chính trị Thiên An Môn và thay đổi chính quyền dân chủ ở các nước Đông Âu và Liên Xô lúc bấy giờ làm thay đổi cục diện chính trị và cả quân sự, kinh tế, v.v. toàn cầu. Trước trào lưu dân chủ hóa thế giới, sau một thời gian chờ đợi một biến cố có thể xảy ra ở trong nước đã không diễn ra, trong vòng hơn một tháng kể từ đầu tháng 2-1990, cộng đồng người Việt bỗng dấy nổi lên khởi đầu là những tuyên ngôn, tuyên cáo rồi đến sự xuất hiện của các phong trào, mặt trận, liên minh, liên đảng, hội đồng, v.v. được thành lập nhanh chóng. Nhiều cá nhân và tổ chức có mặt ở nhiều phong trào vận động ở nhiều địa phương và quốc gia khác nhau. Các khuynh hướng chính trị cũng đa dạng, từ cực hữu, "quốc gia", thành phần thứ ba, trung lập, đến thân cộng, và đệ Tứ quốc tế.
Tất cả đều là những lời kêu gọi dù tên là tuyên ngôn, chương trình, mục đích và tất cả khá tương cận nhau và một số tổ chức trùng tên nhau. Các Kêu Gọi đầu tiên xuất phát từ Pháp là nơi người Việt có liên hệ nhiều với trong nước và đã có kinh nghiệm chính trị với các phe nhóm cộng sản từ nhiều thập niên, cởi mở và mềm dẻo hơn người Việt ở Hoa Kỳ nhất là ở vùng Nam Cali được xem là Thủ đô tị nạn, ở đó chống cộng căng thẳng. Thành phần đa số là những vị từng lên tiếng hoặc tham gia các phong trào chính trị trước và sau đó, nhưng dịp này là lần đầu có sự xuất hiện công khai (trên Tuyên ngôn, Kêu Gọi) của những người thiên tả, thân Cộng đối lập với những người "quốc gia" chống cộng, cũng như một số những nhân sĩ lớn tuổi hoặc từng liên hệ với những tranh chấp chính trị, đảng phái lâu dài trước đó, như chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Phạm Ngọc Thuần, bộ trưởng Hồ Tá Khanh, Trần Văn Đỗ, giáo sư, khoa trưởng Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Huy Bảo,... Những "lên tiếng" càng về sau đã nói đến một sự "đồng thuận" chính trị của người Việt hải ngoại đối với cộng sản Việt Nam hoặc sát cánh cùng các tổ chức khác trong cùng mục đích đó!
Tóm lại, những đòi hỏi thay đổi chính về chính trị, kinh tế và nhân quyền: bỏ Hiến pháp hoặc bỏ điều 4, đòi bỏ độc tôn lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi xây dựng dân chủ đa nguyên, thả tù nhân chính trị, tù lương tâm, đòi tự do tín ngưỡng, thành lập một cơ cấu chính quyền có tính đại diện, và đòi tổng tuyển cử tự do với sự quan sát của Liên Hiệp Quốc, cuối cùng nhiều kêu gọi nhắm gửi các quốc gia khác. Nói chung, thời 1990, bắt đầu có những đòi hỏi nói trên mà không hẳn phải lật đổ chính quyền Việt Nam cộng sản như trước đó với các tổ chức kháng chiến! Tất cả như một đồng thuận hải ngoại mới! Thật vậy, đây là dịp để người Việt đủ mọi thành phần và khuynh hướng chính trị đến gần nhau, đứng cạnh nhau vì mục đích chung, mở đường cho những khuynh hướng hòa hợp dân tộc và đồng thuận chính trị. Hiện tượng lên tiếng (với tuyên ngôn, tâm thư) này đặc biệt gần như cùng lúc và được tung ra như để thông báo cho mọi người biết ai còn ưu tư chuyện chính trị chung, ai sẵn sàng, ai không và như thế nào. Rồi các tổ chức sắp đặt đường lối và tập hợp lại thành đảng phái hoặc liên minh, Mặt trận mới. Một số cá nhân và tổ chức tiếp tục đi xa và có những hành động tích cực, có ý nghĩa cho việc chung. Một số tập hợp, liên minh đã được từ đó thử nghiệm, một số đã đổ vỡ, ngưng hoạt động (Mặt trận Việt Nam Tự do, Mặt ttrận Dân tộc Dân chủ Việt Nam, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại,...), một số khác được duy trì nhưng hình như chỉ có danh nhập hàng ngũ, trong khuôn khổ với thứ vị nào đó trong cộng đồng nhưng không có nội dung hoặc tính cách đại diện không được thật sự nhìn nhận.
Hiện tượng đầu năm 1990 đó đã một thời gây hy vọng đồng thuận mới nhưng cộng đồng hải ngoại sẽ lại rơi vào tuyệt vọng khi thực tế cho thấy sự đoàn kết đã thêm một lần bất khả thi và có khi "đoàn kết" lại càng làm đổ vở và xa nhau hơn về lập trường, đường lối, cũng như phương cách tiếp cận và giải quyết vấn đề chung. Liên minh, phong trào, mặt trận khó vì đa dạng, mỗi tổ chức đã khác nhau và rồi lúc đầu chưa thật sự mở rộng hợp tác! Và vì thế đã làm mất một cơ hội vận động chính trị tốt!
1.2. Thành lập các chính đảng, liên minh, mặt trận và phong trào
Các đảng phái, liên minh, mặt trận được thành lập, lập xong rồi ráp lập lại, để tranh đấu chính trị. Nói chung tất cả đều có những điểm trùng hợp về mục tiêu, cương lĩnh đề cao tự do, dân chủ, nhân quyền. Tổ chức với những uỷ ban, trung ương, chi nhánh, địa phương, v.v. Mỗi lần có lãnh tụ hay đảng viên vượt thoát đến vùng đất tự do, lại dấy lên hy vọng, thành lập, tái tạo,... Hình thức khác càng được sử dụng là tổ chức các cuộc hội thảo chính trị cũng như cứu giúp thuyền nhân, tị nạn ở các trại, thiên tai trong nước, v.v. Hình như ai cũng lập đảng được nếu so với trước 1975 trong nước, và vì quá nhiều khiến hữu danh vô thực nhất là không thấy hoạt động hoặc hành động sống chết cho lý tưởng đã nêu!
Nếu các tổ chức chính trị không gây tin tưởng và thành công đoàn kết, thì các tổ chức cộng đồng thành công phần nào trong cùng mục đích nhưng rồi cuối cùng cũng không đi xa hơn, vì cùng lý do thiếu đoàn kết, não trạng chia rẽ, v.v. Thất bại của những tập hợp, liên kết như Cộng đồng người Việt Hải ngoại, Liên minh người Việt Tự do Hải ngoại, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại, v.v… và có cơ cấu bị đào thải.
Các đảng phái cũ tiếp tục tranh đấu, hoạt động: Quốc dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân,... Chia rẽ và hoài công đoàn kết là những hiện tượng thường thấy. Sự kết hợp ở hải ngoại trở nên khó khăn vì óc lãnh tụ hoạt động riêng rẽ, bí mật, rồi lâu ngày chính từ các đảng sinh ra nhiều chi đảng, nhiều lãnh tụ quá!
Vì nhu cầu và hoàn cảnh mới nơi hải ngoại, xuất hiện các đảng phái, tổ chức chính trị, các mặt trận, liên minh, mặt trận mới với các chính đảng hoặc tổ chức khác mà có thể trong quá khứ từng chống đối nhau, cách ly nhau. Có tổ chức cùng lúc có mặt ở cả 2, 3 mặt trận, liên minh khác nhau. Thứ nữa, các đảng phái cũng như mặt trận, liên minh, chỉ tồn tại nếu có hoạt động kháng chiến, nếu không sẽ chết dù danh xưng vẫn còn với thỉnh thoảng những thông cáo, tuyên ngôn. Các phong trào nối tiếp nhau ra đời cũng như các hội đoàn liên bang, liên quốc, kết hợp với các cộng đồng ở các vùng và quốc gia khác, giữa Âu Mỹ với Đông Âu và Liên Xô. Các diễn đàn chính trị, các hội nghị người Việt và hội đoàn đa quốc. Các hội cựu quân nhân, binh chủng, các trường võ bị, trừ bị, cựu tù chính trị được thành lập và/hoặc củng cố. Vài "chính phủ lưu vong" cốt vang danh hơn thực hữu cũng đã được thành lập ở hải ngoại.
1.3. Văn hóa và vận động chính trị qua các cơ quan truyền thông
Báo chí rồi truyền thông người Việt hải ngoại đã và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị; càng ngày càng phổ thông nhờ các phương tiện kỹ thuật viễn thông và Internet. Ngay sau 1975, những tờ báo đầu như Văn Nghệ Tiền Phong, Hồn Việt, Trắng Đen, ... đã chính trị, về sau lý thuyết nghị luận hơn với Quan Điểm, Việt Nam Hải ngoại, Thời Luận, Ngày Nay TX,... Báo chí trong suốt 30 năm hải ngoại đã giữ một vai trò rất quan trọng trong các vận động chính trị của người Việt. Xã hội tự do, dân chủ cho nhà báo và giới truyền thông đủ thứ quyền, thành thử có người quên bổn phận và thiên chức nghề nghiệp khiến đánh mất niềm tin nơi quần chúng. Biết sức mạnh của thông tin, báo chí trong việc vận động chính trị, vận động quần chúng, một số báo của các tổ chức chính trị, đoàn thể muốn đi xa hơn, muốn lãnh đạo dư luận, do đó từ từ nảy sinh những hiện tượng bất thường trong làng báo.
Một số nhà xuất bản và báo chí phổ biến, in lại sách bị cấm trong nước hay tác giả bị cấm, có vấn đề, bị tù, hỗ trợ những phong trào, khuynh hướng Đổi mới văn hóa. Cuối cùng, lập những chiến dịch văn hoá chính trị như "Chuyển lửa về quê hương" gửi tài liệu, sách báo chính trị chống cộng sản về trong nước, nhắm thúc đẩy đồng bào trong nước nổi dậy, khiến chính quyền Việt Nam tung lại những chiến dịch để vô hiệu hóa và để tránh những "diễn biến hoà bình" người ngoài và trong nước có thể "cấu kết" để chống hoặc lật đổ chính quyền.
Nói chung về văn hoá, những năm 1987-1990, khi trong nước dọ dẫm thay đổi thì bên ngoài có những tổ chức và cá nhân có thể sợ thay đổi tức tiếp tục sống, bèn có những thái độ rất ghetto nghĩa là khó hiểu khi xảy ra trên đất tự do dân chủ tức ở hải ngoại: chống văn hóa phẩm, chống phổ biến, ấn hành sách báo từ trong nước (ngay cả gần đây, 2005, ở Úc).
Vấn đề tự do ngôn luận, tư tưởng và báo chí ở trong cũng như ngoài nước ở đâu có độc tài ở đó có đe dọa, ở đó chưa hẳn là lý tưởng. Báo chí Việt Nam hải ngoại tự do quá đà khi không tôn trọng tự do người khác làm công việc truyền thông. Những vụ khủng bố tự do tư tưởng ngay tại hải ngoại: vụ "động đất văn nghệ" đánh dấu 35 năm sinh hoạt hội hoạ và viết văn của Võ Đình, ở Montréal (Canada) ngày 27-6-1992; nhà văn Thế Uyên, Nhật Tiến, Nguyễn Gia Kiểng đi trước nhiều người do đó đã bị báo chí hải ngoại chống đối, phản đối - nay thì quan điểm của ba ông hết còn mới và... nóng như thời 1989! Vụ cuốn băng video Paris By Night 40 cũng đáng ghi nhận vì lằn ranh Quốc-Cộng tự phân thân thêm những lằn ranh nhỏ hơn bên trong cùng lằn ranh lớn.
Ngoài ra cũng cần ghi nhận khuynh hướng nghiên cứu và xét lại lịch sử, như là một phương tiện chống cộng, làm chính trị, trong môi trường dân chủ, tự do, khai phóng của xã hội mới, và nhờ tiếp xúc được thông tin và tài liệu giải mật. Nhiều tác giả nhìn lại chiến tranh Việt Nam, thực trạng cuộc chiến quốc gia-cộng sản, vai trò người Mỹ, cũng như lịch sử chính trị của Việt Nam Cộng Hoà và chế độ Cộng sản. Ở đây là nhìn lại cái cũ để hiểu hiện tại và định hình cho tương lai. Xét lại về Việt Nam, về kinh nghiệm chiến tranh và hoà bình, về chủ nghĩa cộng sản và một số biến cố, nhân vật. Ngoài ra, có khuynh hướng xét lại chính mình, bản thân cũng như tập thể, nhất là vào cuối giai đoạn, từ những năm 2000, những xét lại sâu sắc hơn là những nhận tội chung chung ở giai đoạn đầu!
2. Tổng quan về các vận động chính trị
2.1. Vài nhận xét về các vận động chính trị
Trước hết, vận động chính trị đã thay đổi theo thời gian: thời đầu 1975-1990 là thời chống cộng tối đa không nhân nhượng. Ngay ý niệm "đa nguyên chính trị" thời 1990-91 lúc đầu cũng đã gặp khó khăn. Ngày 4-5-1991, Cộng đồng ngưới Việt vùng Montréal tổ chức một Hội luận Dân chủ cho Việt Nam đã bị những nhóm cực hữu và cực đoan chống đối, dù đã rào đón trong chương trình và giấy mời rằng "dân chủ đa nguyên chỉ sự khác biệt với dân chủ tập trung mà Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố đang áp dụng tại Việt Nam"!
Giai đoạn 1990 từ những biến động chính trị Đông Âu, tập thể người Việt vận động, lên tiếng đòi tự do, dân chủ, lập nhóm, lập hội, Mặt trận, liên minh, rồi hội luận, hội thảo, ra báo. Cũng là thời một số báo chí chủ trương đa nguyên và hòa hợp hòa giải, ra mắt. Người quốc gia cực hữu tiến ra đa nguyên, người thiên tả và cộng sản cũng tiến đến điểm chung đa nguyên, hòa giải!
Từ triệt để đến ôn hòa là trường hợp của cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Tôn Thất Thiện; cả Quốc Dân Đảng Hải ngoại cũng ôn hòa hơn [2] . Chính trị con người thay đổi theo thời thế và khung cảnh, từ cấm cửa tuyệt đối lúc đầu đưa đến những chương trình trợ giúp xã hội, v.v. Nhưng cũng có sự đứt đoạn, một số người hăng chống cộng cực đoan lúc đầu, lập nhóm, lập hội, có mặt ở mọi Mặt trận, liên minh, sau trở cờ, buôn bán với Hà Nội, …khiến nhiều "chiến hữu" bị chưng hửng và cả "cháy" luôn về chính trị! Nói trở cờ, phản bội vì chính họ trước đó đã là những phần tử quá khích chuyên tố cáo chụp mũ người khác! Đứt đoạn, thay đổi cũng đến thôi, nhưng mọi thay đổi cũng phải qua "sàng lọc". Tuy vậy, các vụ chống đối, biểu tình nay vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở Hoa Kỳ.
Thật nhiều Đảng chính trị, Mặt trận, liên minh, tổ chức cộng đồng và chính trị! Nhưng sau hơn 30 năm không hình thành được một tổ chức chính trị có thực lực với một cơ cấu khoa học, dân chủ, đại diện được cộng đồng, tập thể. Các cá nhân, chính trị gia riêng rẻ thay vì tập trung đoàn kết để chống kẻ thù chung, thì quay lại chống đối nhau vì không hợp nhau, vì truyền thống chia rẽ, nghi ngờ hoặc vì muốn làm lãnh tụ! Có thể vì dị ứng thống nhất tổ chức, thiếu cơ bản, cơ cấu kỹ luật chung, thiếu sự tin tưởng nhau,... Có thể theo thời sự nhưng không cập nhật về tổ chức, phương thức sáng tạo, không hội nhập phương pháp, chiến lược. Ai cũng khoe nắm "chính nghĩa", có chính danh, nhưng không đủ điều kiện để kết hợp (ý chí, đường lối cụ thể. Nhất là đa số theo thời gian càng mang nặng hội chứng "chờ đợi / wait and see". Rồi hay dùng hư làm thực, sống bằng huyền thoại (vụ giấu diếm cái chết Hoàng Cơ Minh), thêu dệt quá khứ cách-mạng và sự nghiệp chính trị (Bùi Diễm, Phạm Văn Liễu, Đặng Văn Nhâm, nhiều cây viết trên Internet, báo chợ, cả báo Văn Nghệ Tiền Phong, v.v.). Tranh đấu, kiến nghị, kháng thư gửi LHQ và chính phủ các nước nhưng cũng có những vụ lẩn quẩn trong cộng đồng người Việt.
2.2. Các điểm đáng ghi nhận
Thứ nhất, các tổ chức cộng đồng và chính trị thường trùng hợp, giành giựt, dẫm chân vì tụ họp chừng ấy tổ chức, lập đi làm lại. Chừng ấy tổ chức, thì cũng chừng ấy nhân sự! Hội đồng Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tập hợp 13 tổ chức và chính đảng nhưng hơn nửa trùng với các tổ chức liên minh cùng thời như Hội đồng Việt Nam Tự do (lúc đầu cũng 13), Mặt trận Dân tộc Dân chủ Việt Nam (2 đảng, 2 Liên minh, 2 tổ chức như Phục hưng và Mặt trận như Mặt trận Việt Nam tự do), v.v.
Thứ hai, có khuynh-hướng đòi bao trùm, tổng hợp: như Phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam và Liên minh các phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam (1990) ra tuyên cáo 20-5-90 ở Canada.
Thứ ba, phá phách, chống đối nhau để giành ưu thế "nói chuyện" với kẻ thù: Bùi Tín khi mới đến Hoa Kỳ lần đầu, Vũ Thư Hiên (và Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu trong nước) bị một số người Việt hải ngoại nghi ngờ.
Về ngôn ngữ chính trị sử dụng thường là dao to búa lớn: Việt cộng không thể thoát "mẻ lưới dân chủ", cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ, phải sụp đổ, CSVN hội đủ điều kiện để sụp đổ,... Một số tuyên bố, phỏng đoán khiến mất giá trị, tin tưởng: đầu năm 1991, Nguyễn Văn Canh từng tiên đoán cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ cuối năm 1991 đầu 1992 (!).
Khẩu hiệu, chiêu bài, tuyên truyền phong phú quá khiến giả chân khó phân biệt đối với người dân thường. Lãnh tụ Hà Nội nói dân chủ và nhân quyền, các tổ chức và nhân vật ở hải ngoại cũng nói dân chủ và nhân quyền, mỗi bên hiểu và biện minh cho định nghĩa của mình nhưng trong thực tế cả hai đều thường chà đạp những ý niệm đó! Các tổ chức tranh đấu cũng đề cao những khẩu hiệu đó nhưng lại chống phá nhau có khi lấy lý do không dân chủ và tự do!
2.3. Vấn đề hội nhập chính trị ở quê hương mới, tham gia các đảng phái chính trị, những lobbying với chính quyền, quốc hội, v.v. Lúc đầu, trong tình cảnh sống còn và làm lại cuộc đời nơi phần đất mới, người Việt phần lớn hoặc lo học sinh ngữ hoặc kiếm việc làm, thành thử hội nhập xã hội và nghề nghiệp trở nên mối ưu tư hàng đầu. Khi đã an sinh phần nào và đời sống tụ tập ở một số thành phố đưa đến vấn đề hội nhập văn hóa và sau cùng mới nghĩ đến hội nhập chính trị. Từ đó bắt đầu có những nghị viên thành phố và dân biểu người gốc Việt ở Bắc Mỹ, Úc và Âu châu. Hai thập niên đầu, hội nhập chính trị không cân bằng, không tham gia trực tiếp mà lại đòi hỏi nhiều. Sau người Việt mới hiểu đời sống hội nhập chính trị chỉ có mỗi con đường là tham gia, người vắng mặt bao giờ cũng bị thiệt thòi! Nói chung, trong phần lớn 30 năm qua, người Việt một phần chưa hội nhập đủ, một phần chấp nhận thực tại, số mệnh, do đó hay có tâm lý hay trông mong chờ đợi tập thể, ngay cả đối với quyền lợi của chính bản thân.
2.4. Một số nguyên do, cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Người Việt với tự hào là một dân tộc văn hiến, sau những thất bại chính trị trên đất nước (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...), nay nơi quê hương mới, họ phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị trên miền đất mới này? Những nghiên cứu và phân tích đưa đến các nhận xét sau đây:
Liên hệ đảng phái và quyền hành: Đảng Đại Việt ở miền Nam tỏ rõ là Đại Việt Quan Lại như giới chính trị tự nhận (Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn, Bùi Diễm, v.v.), cũng như VN Quốc Dân Đảng và một số chính đảng khác, phần lớn nhắm quyền lực, ghế bộ trưởng hơn là làm cách mạng khó khăn. Ra hải ngoại dù ít có dịp can thiệp hơn, một số chính khách này vẫn chi phối hoặc can thiệp "chính trường", mặt trận, liên minh và dĩ nhiên đã khiến một số tổ chức phải chịu thất bại.
Liên hệ với lãnh tụ cũ: một nhóm thân cận cựu tổng thống đệ nhị Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, tổ chức cho ông thử ra mặt lần đầu khoảng tháng 1-1986 ở Houston TX, rồi vào thời 1990 đã lập Tổ chức Yểm trợ Dân chủ và Tái thiết Việt Nam cho ông chính thức vận động chính trị, tổ chức nay mới ra mắt nhưng cho biết từng hoạt động trước đó, từ 1983. Đến 30-4-1995, một lần nữa ông lại lên tiếng, đưa ra lập trường 5 điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhưng lần này chỉ gửi văn thư, "do văn phòng cựu tổng thống VNCH gửi". Và ông Thiệu mất tại Boston ngày 29-9-2001, hơn 2 tháng sau ông Dương Văn Minh. Cùng liên hệ, Ủy ban Luật gia Việt Nam tại Paris (nhóm Vũ Quốc Thúc) vận động áp dụng trở lại Hiệp định Paris và ông Thiệu là lãnh đạo hợp pháp duy nhất! Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn ngày 20-7-2003 phát động chiến dịch của tổ chức VNCH-Foundation tại Nam Cali vận động yêu cầu Liên Hiệp Quốc buộc Hà Nội thi hành Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Rồi từ một Đại hội Toàn quân thành lập Ủy ban Đại diện Việt Nam Cộng hòa.
Liên hệ gia đình, dòng dõi, giai cấp, quyền hành tưởng tượng và thực chất: những trường hợp Bùi Diễm, hay liên hệ bên phối ngẫu người Mỹ (Stephen Young), hay trường hợp Bùi Tín. Cao Trào Nhân bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế có giây rễ với những Ủy ban Yểm trợ Cao trào Nhân bản, Ủy ban Tranh đấu đòi trả Tự do cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ở Montréal, 1992 - nhóm thu hẹp! Trong chính trị, "con ông cháu cha" bất xứng, gian xảo thường là nối dài miếu đường, nghĩa trang!
Liên hệ tình báo, thế lực ngầm, mạng nhện giả chân (nhóm Văn Nghệ Tiền Phong, nhóm Phụ Nữ Diễn Đàn thời Chử Bá Anh, nhóm Vạn Thắng và Mặt trận Cách-Mạng Hưng Phục Việt (Lê Tư Vinh), nhóm Phật giáo Thích Nhất Hạnh, Đỗ Mậu, Giao Điểm, Chuyển Luân, v.v. khiến người dân thường bị rối mù không biết đâu là chân đâu là giả! Vấn đề tài chánh và kinh tài đảng phái chi phối các vận động chính trị khiến đưa đến nhiều thành công quảng cáo nhưng thất bại: ai có tiền làm chủ, áp đảo tổ chức (Mặt trận Hoàng Cơ Minh, các Mặt trận, Liên minh của Nguyễn Văn Kim, v.v.). Từ sau Nghị quyết 36 của đảng cầm quyền trong nước, lại thêm những hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nhất Hạnh, v.v. và hiện tượng sách vở người Việt hải ngoại công khai xuất bản trong nước (Yên Tử cư sĩ, Mai Ninh, Lê Minh Hà, v.v.). Cuối cùng cũng nên ghi nhận mối liên hệ giữa và với một số thế lực như Hội Y sĩ Tự do, Mặt trận Hoàng Cơ Minh,...: nhiều lãnh tụ cộng đồng và chính trị được các thế lực này ủng hộ, bao che, đứng sau, bảo trợ, giải thưởng và những "nhân vật ra mặt" phục vụ cho các thế lực đó!
2.5. Vài nguyên do lịch sử của hành-động chính trị
Người Việt hải ngoại có sức mạnh, hiểu giá trị của sức mạnh, nhưng tiếc là suốt 30 năm và sau đó, chưa có thực lực, sức mạnh không đủ vì hình như còn thiếu tinh thần, chí hướng và mục đích. Những loại tư tưởng như "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" tựu trung là một loại tâm lý chiến thắng... tinh thần! Trong khi đó, chính quyền trong nước biết sự quan trọng và tiềm năng của người Việt hải ngoại, sau một thời gian kết án "Việt gian, ngụy" theo chân đế quốc và tư bản hay này nọ, vả lại họ biết thêm áp lực cộng đồng trên dư luận thế giới và chính quyền bản xứ có thể ảnh hưởng đến thương mại cũng như chính trị (âm mưu diễn biến hoà bình).
Nhiều người trong giới hoạt động chính trị sống theo tinh thần nhà Nho, kẽ sĩ, trọng sĩ (nhất sĩ nhì nông...). Có người theo tinh thần Nho thật, nhưng phần lớn lấy đó làm bình phong hoặc đi cưỡng bức tinh thần kẻ khác! Với nếp suy nghĩ Á đông tiêu cực, không (hoặc khó) chấp nhận dân chủ theo nghĩa Tây phương, mà theo "lẽ phải" tự định nghĩa, tự cho sứ mạng trí thức và chính trị nào đó. Đưa đến tư cách đại diện tự phong và hiện tượng những hiệu triệu, thư gửi đồng bào trong nước cũng như cho đồng bào hải ngoại. Đây là một phần của vấn đề nhân danh và "bị đại diện" bởi các tổ chức, ủy ban, liên minh, Mặt trận mà cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 30 năm qua cứ xảy ra, không lối thoát!
Đặc tính đầu dễ nhận ra là tính cực đoan: chống Cộng, nên hễ nghi ngờ chao đảo là chống, chụp mũ, cả không gửi tiền về giúp người thân, không giúp việc xã hội, từ thiện, tẩy chay không mua hàng nhập cảng từ Việt Nam (dù mua hàng đóng hộp vô bao ở các nước có người Hoa), v.v. Tình cảm, nông nổi khiến hiệu quả hạn chế!
Sống trong tình trạng tâm lý thua thiệt, bám quá khứ, nội tâm bất an thành dễ bất thường, sinh mặc cảm. Lúc đầu nối dài quyền lực nên những cựu bộ trưởng, tướng tá, nhân viên ngoại giao đoàn, khoa trưởng và giáo sư đại học, v.v. khi có dịp vẫn nhắc nhở những chức tước, hào quang cũ, nhưng rồi thế hệ trẻ lên thay thế ở các tổ chức, cộng đồng, thành hụt hẫng trong não trạng văn hoá sĩ khí, sĩ diện! Cố Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận từng có cái nhìn phê phán cộng đồng người Việt hải ngoại khi đến San Diego CA ngày 10-10-1993, trong một thuyết giảng, ông đã đề cao người Việt "Thập đại thành công" về học vấn, gia đình, kinh tế,... nhưng cũng đã có 10 căn bệnh trầm kha ông gọi là "Thập đại thất bại" như bệnh quá khứ cực độ, bi quan tiêu cực, vô trách nhiệm, ỷ lại, cá nhân chủ nghĩa, khôn vặt, riêng bè phái chia rẽ là căn bệnh trầm kha nhất của người Việt hải ngoại. Theo ông, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thất bại trong việc xây dựng cộng đồng và xây dựng niềm tin [3] . Thất bại vì chỉ là chính trị thủ đoạn, mánh khoé, chính trị theo tà đạo!
Có một tâm lý không thật lòng tin tưởng nơi lớp trẻ, dùng phương pháp hay sở học mới để nhìn lịch sử: thí dụ Nhị Lang tự tin ở dữ kiện thủ đắc nên đã phê phán Nguyễn Kỳ Phong tác giả bộ Người Mỹ Và Chiến-Tranh Việt Nam [4] : "sử gia hải ngoại viết hay cóp sử của ngoại nhân" [5] . Trước đó, Phạm Kim Vinh đã hoảng hốt khi có lớp trẻ tuổi hơn sử dụng phương pháp hoạt động của hội nhập để vận động chính trị, bèn chụp mũ họ là "người Mỹ gốc Việt" làm tay sai. Trong cuốn Chính nghĩa lưu vong còn một chút này [6] , ông phê phán nặng nề những người trẻ hơn dùng ngôn ngữ hay phương cách làm việc của hội nhập Âu-Mỹ.
Họ hô hào dân chủ tự do nhưng hiếm khi chấp nhận hành cử dân chủ và quan điển tự do của người khác. Trong cùng tổ chức nếu bị thua bầu cử họ sẽ không chấp nhận "bản án" đầu phiếu, họ sẽ bỏ và phá tổ chức hoặc lập ra một tổ chức trùng tên, trùng tôn chỉ, để họ có thể làm chủ tịch và hội viên có hay không không quan trọng. Hoặc thư rơi, chụp mũ! Hoặc trở thành hội viên của tổ chức ở một địa phương khác!
Rồi nạn phân chia giai cấp, người đến trước đến sau, nhưng cũng vài năm hay thập niên sau, thứ tự "quí phái, sang giàu" đã đảo ngược - "lao động" không được tôn trọng trong nước, thì ở xứ người có giá, làm ra tiền (nail, thợ chuyên môn, v.v.)! Cũng vì não trạng phân hóa mà người sau phá người đi trước hay lập lại lỗi lầm người trước, như một số các H.O. Biết bao diễn văn đã được lập đi lập lại. Và cái "tệ" nhất là thói hay nhân danh, mà toàn nhân danh chuyện quá... lớn như chính nghĩa và dân tộc - bài bản y như kẻ thù của họ! Những kẻ này, có khi cả gia đình, xưa chuyên chụp mũ và đe dọa người khác mà họ nghĩ lung lay lập trường, một ngày kia sẽ tự đội nón cối chạy theo đô la và xin thù cũ làm bạn mới! Ở xã hội có đầy đủ tự do dân chủ lại đi cấm cản người khác đọc sách báo của trong nước in từ trong nước hoặc ở hải ngoại in lại như từng xảy ra ở hải ngoại, bằng chứng là Tuyên cáo Toronto 15-7-1990 đứng đầu với Văn bút Việt Nam Hải ngoại thời Nguyễn Ngọc Ngạn.
Sống với biểu tượng (quốc kỳ, quốc ca), họ bám chặt lá cờ biểu tượng. Nhưng lá cờ cũng từng là cái cớ để chụp mũ nhau, để chia rẽ và chống đối. Một chiến dịch Cờ Vàng được phát động từ tháng 3-2004 và lan mạnh nhất là ở Hoa Kỳ. Đến nay, vấn đề lá cờ vẫn là trở ngại cho sự đến gần người tị nạn từ miền Bắc và người hiện nay trong nước cũng như đối với quốc tế. Nói đến quốc ca, quốc kỳ, là đụng chạm đến quá khứ và lịch sử !
2.6. Ý niệm "Chính nghĩa" (chính nghĩa quốc gia) suốt hơn 30 năm hải ngoại chứng tỏ có một vấn đề lớn mà dùng lý luận, khoa học để phân tích không dễ, vì phần lớn những nhân vật cộng đồng hay chính trị đều có một cái nhìn hạn hẹp, bảo thủ mà khi hỏi cho ra lẽ thì không có được bao nhiêu yếu tố thuyết phục được nhất là đối với giới trẻ. Phạm Kim Vinh là một trong số những người này như đã trình bày phần trước đây. "Chính nghĩa" được dùng, giành chính danh, vẫn được sử dụng cho các sinh hoạt và tổ chức (Chính phủ cách mạng Việt Nam Tự do 1995, Đại hội Chính nghĩa CA 1997!, Đại hội Chính nghĩa của Mặt trận HCM, v.v. Tờ Chính Nghĩa (Atlanta) của Kim Âu Hà Văn Sơn, một H.O. cựu tù cải tạo tự xưng "đi guốc trong bụng cộng sản", ra tập Một vấn đề của dã tâm [7] , biện hộ cho Bùi Đình Thi bị Nguyễn Đình Thắng chủ tịch Boat People SOS kiện INS để đuổi ra khỏi Hoa-Kỳ và nhân tiện nói nặng LM Nguyễn Hữu Lễ là nạn nhân và là nhân chứng về những hành động của ông Thi trong các trại "cải tạo". Họ lập những Ủy ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Của Người Việt Quốc-gia để chống CD và ca sĩ từ trong nước, ca sĩ chao đảo, ... lột cái gọi là "mặt nạ" những kẻ được gọi là "công an, nằm vùng": vụ H.O. Võ Văn Sáu, Lưu Thừa Chí, v.v. Nghi ngờ những phản tỉnh như đối với Bùi Tín vì ông này đòi bỏ cấm vận cũng như cách xưng hô tán tụng những lãnh tụ cộng sản hàng ngũ ông nói là từ bỏ. Cũng vì chính nghĩa (theo như họ nghĩ), họ không chấp nhận những phản tỉnh trong nước như đối với Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, ... Chống một chế độ gọi là toàn trị trong nước, có những tập đoàn và nhóm ở hải ngoại hành cử cùng bài bản và phương pháp (vụ Nguyễn Hữu Luyện kiện một đại học Hoa Kỳ chẳng hạn).
Họ tự nghĩ đại diện chính thức cho Việt Nam Cộng hòa, cho miền Nam, và cho cộng đồng hải ngoại! Đưa đến thái độ độc quyền chính trị: xem những ai không chống cộng là phản bội, xem những văn nghệ sĩ phi chính trị là bị cộng sản mua chuộc, văn hoá vận! Đưa đến ảo tưởng, cứ nghĩ có chính nghĩa (chính danh là việc của sử gia hoặc một tập thể), nhân đạo, đạo đức,... là chìa khoá của thành công đại sự; đưa đến ảo tưởng cộng sản sắp bị lật đổ, năm 1989 với bầu cử tự do ở Cam Bốt, năm 1990 cộng sản Đông Âu bị phá đổ, hoặc mỗi lần trong nước có đại hội Đảng, cách chức, thay đổi bí thư, thủ tướng, v.v.
2.7. Sự hình thành, biến dạng và tan rã của các tổ chức chính trị, cộng đồng
Các tổ chức vận động chính trị của người Việt hải ngoại được hình thành, củng cố nếu đã có trước, nhưng đã thay đổi cơ cấu cũng như chiều hướng vận động theo diễn tiến lịch sử và diễn tiến của tình hình thế giới, theo kiến thức, tin tức cập nhật về chuyện cũ, về tương lai. Lúc đầu 1975, trong cộng đồng người Việt có những nhóm người đối nghịch nhau: nhóm tị nạn cộng sản bỏ nước mà đi và nhóm thân cộng, thân chính quyền Hà Nội. Nhưng nhóm người sau bị một số biến cố chính trị thế giới cũng như trong nước làm biến dạng, thay đổi bản chất và vị trí chính trị!
Các vận động chính trị của người Việt nhạy bén theo thời sự, biến chuyển thế giới mà lập đảng, liên minh hoặc gây phong trào, nhưng cũng vì quá cập nhật ở mặt ngoài mà không có thực chất, nội dung, mà các tổ chức được lập ra sớm nở tối tàn! Nếu viết lịch sử về các vận động của người Việt hải ngoại là như làm danh sách liệt kê dài nhưng khi đi vào phân tích nội dung thì lúng túng tìm cho ra đặc điểm và thành quả! Chừng ấy tổ chức và nhân sự và thay đổi danh xưng khiến người dân thường tưởng là sinh động, thiết yếu.
Cộng đồng người Việt có nhiều giai đoạn và được nối tiếp thêm nhân lực, thêm tinh thần chính trị mà cũng thêm những lôi kéo về một phía. Khi tinh thần, sinh hoạt chính trị giảm bớt thì cộng đồng lại được tiếp sức chính trị thêm nhân lực mới, các cựu tù cải tạo H.O., nhiều tướng lãnh, đảng viên, tai mắt, thêm tiếng nói, thêm khuôn mặt. Nhưng người sau làm lại cái người trước đã làm, nói lại diễn văn người trước, lại chịu cùng thất bại hoặc kết quả hoặc các tổ chức hội đoàn vẫn thế, cộng đồng vẫn phân tán, chuyện dài vẫn chưa tới đoạn kết.
Hết các tổ chức thành lập Cộng đồng người Việt Hải ngoại đến chuyện Văn bút Việt Nam Hải ngoại là một bằng chứng hùng hồn cho cái não trạng phân ly, lãnh tụ đã phân tích ở trên. Cơ nguy nhiều hơn là cơ may cho tập thể! Một khuynh hướng khác ngày càng phổ biến là những cuộc hội thảo chuyên ngành thường thì đa ngôn mà không chương trình cụ thể hành động, lập lại chừng ấy chủ đề, có khi chỉ để chứng tỏ hãy còn đây. Bên cạnh đó đã có những người trẻ âm thầm bắt tay làm những việc thấy đúng hoặc để đóng góp một cách phi chính trị! Tóm, ba thế hệ di dân, tị nạn, ngày càng đa dạng, phức tạp; có người khi đã ổn định thì làm ngơ chuyện chung, và chỉ đến với các cơ cấu cộng đồng khi cần mà thôi, có người vẫn sống tâm trạng và ý chí như vừa ra khỏi nước tháng 4-1975, có người thì đã quên tất cả, có người không biết đến chiến tranh, không biết ngày 30-4-1975, có người thì chuẩn bị âm thầm cho tương lai!
[1]Thủ tướng 2 ngày Vũ Văn Mẫu không lên tiếng nhưng để lại tập ký Sáu tháng pháp nạn 1963 (1984).
[2]Cương lĩnh chính trị giải phóng dân tộc xây dựng tổ quốc, 1990 (VN Quốc dân Đảng HảI ngoại. Cục Tuyên huấn TU, Orlando FL, 28 tr.). Trang VI, 4.
[3]Theo Nhuệ Hồng. "Cộng đồng hải ngoại tự phán: thập đại thất bại". Thế Kỷ 21, 116, 12-1998, tr. 33-34.
[4]Nguyễn Kỳ Phong. Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam: liên hệ quân sự chính trị 1945-1975. Tập 1 (Centrevill, VA : Vietnam Bibliography, 2001. 339 tr.).
[5]"Trở lại vụ án 47 năm trước: Ai giết tướng Trình Minh Thế?". Văn Nghệ Tiền Phong, 636, 16-7-2002, tr. 24+.
[6]Phạm Kim Vinh, Chính nghĩa lưu vong còn một chút này. CA: Tủ sách PKV, 1991. Tr. 140-166.
[7]Một vấn đề của dã tâm (Atlanta GA. 84 tr.), ký BN 587.
Nguồn: Báo Định Hướng số mùa Đông 2006
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)