3/7/07

Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau (I)

Nguyễn Vy Khanh
Cộng đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau
1
Nghiên cứu có đối tượng là Cộng đồng người Việt ở ngoài nước (Vietnamese diaspora) qua các vận động chính trị trong 30 năm qua, từ biến cố bi thảm 30-4-1975 đến năm 2005. Hiện có khoảng ba triệu người Việt sinh sống ở ngoài nước và đa số đã có những liên hệ xa gần với những biến cố chính trị ở Việt Nam hoặc chính trị là lý do hoặc nguyên nhân của sự có mặt của họ ở ngoài nước. Trong số những người đó, có người đã chủ động những biến cố đã xảy ra ở Việt Nam, hoặc tham gia với tư cách nhân viên chính phủ, quân đội, có người là nạn nhân của thời cuộc, chiến tranh và tranh chấp chiến tranh lạnh, quốc-cộng.

Người Việt sống ở ngoài nước đã phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị ở nơi quê hương mới của họ (đối với một số người vẫn là nơi vùng đất tạm-dung), sau những thất bại chính trị trên đất nước gốc của họ (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...)? Nghiên cứu nhắm tìm hiểu một cách cụ thể các cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ châu, tức ở Hoa Kỳ và Canada (và khi có thể vẫn có một số nhận định về người Việt ở khắp nơi). Mục đích chính là tìm hiểu vai trò của những vận động chính trị trong tiến trình hội nhập nơi quê hương mới. Khi tìm hiểu cộng đồng người Việt ở ngoài nước, người ta thường chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục,... hoặc những biến cố có tính thời sự, gây ấn tượng nhưng chỉ có giá trị ngắn hạn, như những biểu tình phản đối các nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ từ Việt Nam sang, vụ treo cờ và chân dung lãnh tụ trong nước, về nước giúp chuyên môn, v.v. Hoặc khi nói đến chính trị thì chỉ ngừng ở việc chống cộng mà không đi sâu để hiểu thực chất của những thái độ và hành vi chính trị. Nghiên cứu cố gắng tìm hiểu cộng đồng này về phương diện chính trị, tìm hiểu những lý do chính trị của sự hiện diện của người Việt ở ngoài nước: hậu quả của chiến tranh lạnh, ý thức hệ và tự do tôn giáo cùng nhân quyền. Trong viễn tượng đúc kết và rút kinh nghiệm cho tương lai, chúng tôi đã thử tìm hiểu và đưa ra một số nguyên do cốt cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Sau đây là một số quan sát và nhận xét của cá nhân chúng tôi, một người nghiên cứu không đảng phái, và đây là bản tóm lược của một biên khảo đang chờ thuận tiện xuất bản.


1. Phân tích các vận động chính trị

Để có thể có được một chân dung chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại, để hiểu sự hình thành và biến thiên của ý thức chính trị người Việt hải ngoại qua các giai đoạn, phải phân tích các bước vận động này. Người Việt hải ngoại đã nghĩ gì và đã làm gì?

Nói chung, các vận động chính trị của người Việt 30 năm qua có mục đích vận động dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại, đấu tranh cho nhân quyền trong nước và đòi hỏi tự do cho người trong nước. Đấu tranh nhiều mặt: chính trị, quần chúng và võ lực. Tựu trung là vận động chính trị của tập thể diaspora hải ngoại trong việc giải quyết chính trị ở trong nước, một chiến tranh bất phân lãnh thổ - ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Đông Âu,... mà lo chuyện đất nước xa xôi: một chủ nghĩa ái quốc ngàn dặm - lần này khác với ngàn dặm của phong trào Đông du và phần nào du học Pháp hồi đầu thế kỷ XX! Họ đã có vai trò gì và ảnh hưởng gì về chính trị ở Việt Nam?

30 năm lúc nào chính trị cũng quan trọng hàng đầu và bao trùm các sinh hoạt khác của cộng đồng như kinh tế, văn hóa mà ý thức chính trị cũng thể hiện qua các sinh hoạt trí thức, xã hội, thương mại, văn nghệ,... Có thể ghi nhận hai khía cạnh của các vận động chính trị của người Việt ở hải ngoại: một là tranh đấu chống chính quyền và Đảng Cộng sản ở trong nước về phương diện chính trị, hai là tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước là những "hậu quả" của những biến cố chính trị và lịch sử đã xảy ra ngay trước đó!


1.1. Tranh đấu cho các nạn nhân và đất nước, chống chính quyền trong nước

Một cách cụ thể, người Việt hải ngoại tranh đấu cho thuyền nhân và tị nạn; tiếp theo là cho nhân công Việt Nam lao động ở Trung đông, Liên Xô, Đông Âu, Bắc Hàn, đảo Samoa,... Mục tiêu (tình cờ) thứ ba là tranh đấu cho các cựu đảng viên cộng sản tị nạn, vượt thoát, dù cường độ và động lực khác nhau, nhưng đều trở nên thành viên của cộng đồng hải ngoại về chính trị. Đối tượng tiếp theo có thể nói là liên tục từ 30 năm, đó là những tù "cải tạo" và tù lương tâm của miền Nam cũ cũng như hỗ trợ những tiếng nói, lực lượng phản kháng đòi dân chủ, tự do trong nước; đồng thời theo dõi chính-tình trong nước để phản ứng, đối phó (cắt đất, nhượng biển, xuất cảng lao động, phụ nữ, v.v.). Cuối cùng, xuất bản, công bố tại hải ngoại những phản tỉnh, phản kháng của những người cựu đảng viên hay liên hệ với Đảng và Nhà nước cộng sản hoặc thơ văn phê phán chế độ của một số nhà văn trong nước.

Diễn tiến 30 năm: Lúc đầu sau 30-4-1975, mất tổ quốc, tranh đấu chính trị chưa rõ nét, từ giữa 1976 mới tranh đấu chính trị khi từ trong nước tin tức lọt ra ngoài về bắt bớ, "học tập", đổi tiền, tôn giáo bị đàn áp,... rồi đi đến đối đầu tranh-đấu với chính quyền trong nước. Những nhóm lúc đầu thân Cộng, sau cũng lột xác, gửi Tâm thư, chống đối, ủng hộ phản tỉnh trong nước, nhập chung dòng ý thức chính trị phản kháng hải ngoại. Từ chống cộng bộc phát tự nhiên lúc đầu 1975-76 đưa đến khuynh hướng yểm trợ trong nước (1987-1991) và đến năm 2005 thì hy vọng nay ở lớp lãnh đạo trẻ thuộc thế hệ di dân thứ hai thứ ba nhận ảnh hưởng giáo dục, chính trị Âu Mỹ! Nhưng song hành với khuynh hướng, diễn biến đó, có khuynh hướng bảo thủ chống cộng trước sau như một, 1975 hoặc 2005. Và lúc đầu, người Việt không hội nhập nhưng đòi hỏi nhiều, rồi từ 1990 thì hội nhập chính trị, xã hội nhiều hơn! Lúc đầu từ ngoài, lần hồi với người trong nước, không cộng sản (Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy, Phạm Thái,...) hoặc cựu đảng viên nay ly khai, phản tỉnh, phản kháng (Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, v.v.). Đường hướng vận động ở những năm gần đây là những kết nối người trong và ngoài nước, mà gần nhất là thử nghiệm Hoàng Minh Chính-Nguyễn Xuân Ngãi (và những người khác) với cái gọi là Phong trào Dân chủ Việt Nam Thống nhất. Các đảng như Việt Tân và một số tổ chức chính trị khác cũng cùng trong khuynh hướng này!

Liên tục chống cộng: Khuynh hướng chống cộng này như một tiếp nối cuộc chiến tranh đã ngưng ở Việt Nam từ 30-4-1975, và phần nào cả cuộc chiến từ trước đó, từ 1945, 1954. Khuynh hướng đã có một sự liên tục, sau thế hệ tị nạn, di dân lúc đầu vừa hội nhập, thì đến thế hệ thuyền nhân rồi H.O. tiếp sức, rồi thêm thế hệ người Việt ở Nga và Đông Âu duy trì sinh khí và vũ khí nhưng đồng thời cũng đa dạng hóa việc chống cộng. Cũng từ các khối người Việt này, từ khi trong nước "đổi mới" mở cửa đối với "Việt kiều", bãi chiến chống cộng thêm biến dạng về hình thức và nhân sự.

Kháng chiến võ trang: Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch,... thuộc Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam từ Pháp về trong nước tổ chức nổi dậy trong năm 1984, với vũ khí, kế hoạch và hậu thuẫn trong nước cũng như ngoại quốc, nhưng bị ruồng bắt khoảng 11-9-1984. Trần Văn Bá và Lê Quốc Quân bị tử hình ngày 8-1-1985, Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh quốc tịch Pháp án giảm thành chung thân và được phóng thích,... Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam trong năm 1987 tổ chức võ trang, ở vùng biên giới, thủ lãnh Hoàng Cơ Minh bị tử thương, những thành viên khác ra toà và tổ chức kháng chiến tan rã nhưng 14 năm sau, Mặt trận mới nhìn nhận cái chết của lãnh tụ họ. Chí nguyện Đoàn Hải ngoại Phục quốc của Võ Đại Tôn tổ chức võ trang trong nước, không thành, lãnh tụ bị tù và được thả ngày 10-12-1992, v.v. Khuynh hướng võ trang yếu dần từ đó!

Khuynh hướng ghetto sống bên lề: Các địa phương, thành phố đông người Việt, nhu cầu sinh sống đưa đến sự có mặt của các ghetto Việt Nam. Người Việt sống bên lề xã hội bản xứ hoặc chỉ liên hệ tối thiểu, một loại ghetto khép kín, thời người Việt đến định cư nhằm lúc các luật đa văn hóa cho phép, hội nhập không cần thiết, ngay cả chỉ nói tiếng Việt cũng sống thoải mái, bình thường, có đủ bác sĩ, luật sư, buôn bán, dịch vụ,... bằng tiếng Việt, không cần nỗ lực, cố gắng theo xã hội di trú. Vận động chính trị theo kiểu ghetto, nhập cảng từ trong nước: đài TV, radio, báo chợ, truyền đơn, thư rơi, ấn phẩm rơi, biểu tình, những vụ chống cấm vận, chống phái đoàn các thủ tướng và viên chức VC, ca sĩ trong nước ra ngoài trình diễn ở các rạp hay sòng bài, v.v.

Các cựu lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà đã làm gì?

Bốn trong số những vị đã xuất hiện và lên tiếng: cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu thủ tướng Nguyễn Khánh và cựu thủ tướng (14-27 tháng 4-1975) Nguyễn Bá Cẩn. Cựu tổng thống Dương Văn Minh ra ngoài nước trễ nhất (1988), lần duy nhất ông lên tiếng khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Nhân Văn của sinh viên Paris [1] . Cộng đồng hải ngoại theo dõi những hành tung và tiếp xúc của giới trí thức, chính trị gia, các cựu lãnh đạo và các nhân vật cộng đồng (public figures),…

Cao điểm của các vận động chính trị của người Việt hải ngoại là vào thời điểm 1990 cùng lúc với những biến cố chính trị Thiên An Môn và thay đổi chính quyền dân chủ ở các nước Đông Âu và Liên Xô lúc bấy giờ làm thay đổi cục diện chính trị và cả quân sự, kinh tế, v.v. toàn cầu. Trước trào lưu dân chủ hóa thế giới, sau một thời gian chờ đợi một biến cố có thể xảy ra ở trong nước đã không diễn ra, trong vòng hơn một tháng kể từ đầu tháng 2-1990, cộng đồng người Việt bỗng dấy nổi lên khởi đầu là những tuyên ngôn, tuyên cáo rồi đến sự xuất hiện của các phong trào, mặt trận, liên minh, liên đảng, hội đồng, v.v. được thành lập nhanh chóng. Nhiều cá nhân và tổ chức có mặt ở nhiều phong trào vận động ở nhiều địa phương và quốc gia khác nhau. Các khuynh hướng chính trị cũng đa dạng, từ cực hữu, "quốc gia", thành phần thứ ba, trung lập, đến thân cộng, và đệ Tứ quốc tế.

Tất cả đều là những lời kêu gọi dù tên là tuyên ngôn, chương trình, mục đích và tất cả khá tương cận nhau và một số tổ chức trùng tên nhau. Các Kêu Gọi đầu tiên xuất phát từ Pháp là nơi người Việt có liên hệ nhiều với trong nước và đã có kinh nghiệm chính trị với các phe nhóm cộng sản từ nhiều thập niên, cởi mở và mềm dẻo hơn người Việt ở Hoa Kỳ nhất là ở vùng Nam Cali được xem là Thủ đô tị nạn, ở đó chống cộng căng thẳng. Thành phần đa số là những vị từng lên tiếng hoặc tham gia các phong trào chính trị trước và sau đó, nhưng dịp này là lần đầu có sự xuất hiện công khai (trên Tuyên ngôn, Kêu Gọi) của những người thiên tả, thân Cộng đối lập với những người "quốc gia" chống cộng, cũng như một số những nhân sĩ lớn tuổi hoặc từng liên hệ với những tranh chấp chính trị, đảng phái lâu dài trước đó, như chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Phạm Ngọc Thuần, bộ trưởng Hồ Tá Khanh, Trần Văn Đỗ, giáo sư, khoa trưởng Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Huy Bảo,... Những "lên tiếng" càng về sau đã nói đến một sự "đồng thuận" chính trị của người Việt hải ngoại đối với cộng sản Việt Nam hoặc sát cánh cùng các tổ chức khác trong cùng mục đích đó!

Tóm lại, những đòi hỏi thay đổi chính về chính trị, kinh tế và nhân quyền: bỏ Hiến pháp hoặc bỏ điều 4, đòi bỏ độc tôn lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi xây dựng dân chủ đa nguyên, thả tù nhân chính trị, tù lương tâm, đòi tự do tín ngưỡng, thành lập một cơ cấu chính quyền có tính đại diện, và đòi tổng tuyển cử tự do với sự quan sát của Liên Hiệp Quốc, cuối cùng nhiều kêu gọi nhắm gửi các quốc gia khác. Nói chung, thời 1990, bắt đầu có những đòi hỏi nói trên mà không hẳn phải lật đổ chính quyền Việt Nam cộng sản như trước đó với các tổ chức kháng chiến! Tất cả như một đồng thuận hải ngoại mới! Thật vậy, đây là dịp để người Việt đủ mọi thành phần và khuynh hướng chính trị đến gần nhau, đứng cạnh nhau vì mục đích chung, mở đường cho những khuynh hướng hòa hợp dân tộc và đồng thuận chính trị. Hiện tượng lên tiếng (với tuyên ngôn, tâm thư) này đặc biệt gần như cùng lúc và được tung ra như để thông báo cho mọi người biết ai còn ưu tư chuyện chính trị chung, ai sẵn sàng, ai không và như thế nào. Rồi các tổ chức sắp đặt đường lối và tập hợp lại thành đảng phái hoặc liên minh, Mặt trận mới. Một số cá nhân và tổ chức tiếp tục đi xa và có những hành động tích cực, có ý nghĩa cho việc chung. Một số tập hợp, liên minh đã được từ đó thử nghiệm, một số đã đổ vỡ, ngưng hoạt động (Mặt trận Việt Nam Tự do, Mặt ttrận Dân tộc Dân chủ Việt Nam, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại,...), một số khác được duy trì nhưng hình như chỉ có danh nhập hàng ngũ, trong khuôn khổ với thứ vị nào đó trong cộng đồng nhưng không có nội dung hoặc tính cách đại diện không được thật sự nhìn nhận.

Hiện tượng đầu năm 1990 đó đã một thời gây hy vọng đồng thuận mới nhưng cộng đồng hải ngoại sẽ lại rơi vào tuyệt vọng khi thực tế cho thấy sự đoàn kết đã thêm một lần bất khả thi và có khi "đoàn kết" lại càng làm đổ vở và xa nhau hơn về lập trường, đường lối, cũng như phương cách tiếp cận và giải quyết vấn đề chung. Liên minh, phong trào, mặt trận khó vì đa dạng, mỗi tổ chức đã khác nhau và rồi lúc đầu chưa thật sự mở rộng hợp tác! Và vì thế đã làm mất một cơ hội vận động chính trị tốt!


1.2. Thành lập các chính đảng, liên minh, mặt trận và phong trào

Các đảng phái, liên minh, mặt trận được thành lập, lập xong rồi ráp lập lại, để tranh đấu chính trị. Nói chung tất cả đều có những điểm trùng hợp về mục tiêu, cương lĩnh đề cao tự do, dân chủ, nhân quyền. Tổ chức với những uỷ ban, trung ương, chi nhánh, địa phương, v.v. Mỗi lần có lãnh tụ hay đảng viên vượt thoát đến vùng đất tự do, lại dấy lên hy vọng, thành lập, tái tạo,... Hình thức khác càng được sử dụng là tổ chức các cuộc hội thảo chính trị cũng như cứu giúp thuyền nhân, tị nạn ở các trại, thiên tai trong nước, v.v. Hình như ai cũng lập đảng được nếu so với trước 1975 trong nước, và vì quá nhiều khiến hữu danh vô thực nhất là không thấy hoạt động hoặc hành động sống chết cho lý tưởng đã nêu!

Nếu các tổ chức chính trị không gây tin tưởng và thành công đoàn kết, thì các tổ chức cộng đồng thành công phần nào trong cùng mục đích nhưng rồi cuối cùng cũng không đi xa hơn, vì cùng lý do thiếu đoàn kết, não trạng chia rẽ, v.v. Thất bại của những tập hợp, liên kết như Cộng đồng người Việt Hải ngoại, Liên minh người Việt Tự do Hải ngoại, Tổng Liên hội người Việt Tự do Hải ngoại, v.v… và có cơ cấu bị đào thải.

Các đảng phái cũ tiếp tục tranh đấu, hoạt động: Quốc dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân,... Chia rẽ và hoài công đoàn kết là những hiện tượng thường thấy. Sự kết hợp ở hải ngoại trở nên khó khăn vì óc lãnh tụ hoạt động riêng rẽ, bí mật, rồi lâu ngày chính từ các đảng sinh ra nhiều chi đảng, nhiều lãnh tụ quá!

Vì nhu cầu và hoàn cảnh mới nơi hải ngoại, xuất hiện các đảng phái, tổ chức chính trị, các mặt trận, liên minh, mặt trận mới với các chính đảng hoặc tổ chức khác mà có thể trong quá khứ từng chống đối nhau, cách ly nhau. Có tổ chức cùng lúc có mặt ở cả 2, 3 mặt trận, liên minh khác nhau. Thứ nữa, các đảng phái cũng như mặt trận, liên minh, chỉ tồn tại nếu có hoạt động kháng chiến, nếu không sẽ chết dù danh xưng vẫn còn với thỉnh thoảng những thông cáo, tuyên ngôn. Các phong trào nối tiếp nhau ra đời cũng như các hội đoàn liên bang, liên quốc, kết hợp với các cộng đồng ở các vùng và quốc gia khác, giữa Âu Mỹ với Đông Âu và Liên Xô. Các diễn đàn chính trị, các hội nghị người Việt và hội đoàn đa quốc. Các hội cựu quân nhân, binh chủng, các trường võ bị, trừ bị, cựu tù chính trị được thành lập và/hoặc củng cố. Vài "chính phủ lưu vong" cốt vang danh hơn thực hữu cũng đã được thành lập ở hải ngoại.


1.3. Văn hóa và vận động chính trị qua các cơ quan truyền thông

Báo chí rồi truyền thông người Việt hải ngoại đã và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc vận động chính trị; càng ngày càng phổ thông nhờ các phương tiện kỹ thuật viễn thông và Internet. Ngay sau 1975, những tờ báo đầu như Văn Nghệ Tiền Phong, Hồn Việt, Trắng Đen, ... đã chính trị, về sau lý thuyết nghị luận hơn với Quan Điểm, Việt Nam Hải ngoại, Thời Luận, Ngày Nay TX,... Báo chí trong suốt 30 năm hải ngoại đã giữ một vai trò rất quan trọng trong các vận động chính trị của người Việt. Xã hội tự do, dân chủ cho nhà báo và giới truyền thông đủ thứ quyền, thành thử có người quên bổn phận và thiên chức nghề nghiệp khiến đánh mất niềm tin nơi quần chúng. Biết sức mạnh của thông tin, báo chí trong việc vận động chính trị, vận động quần chúng, một số báo của các tổ chức chính trị, đoàn thể muốn đi xa hơn, muốn lãnh đạo dư luận, do đó từ từ nảy sinh những hiện tượng bất thường trong làng báo.

Một số nhà xuất bản và báo chí phổ biến, in lại sách bị cấm trong nước hay tác giả bị cấm, có vấn đề, bị tù, hỗ trợ những phong trào, khuynh hướng Đổi mới văn hóa. Cuối cùng, lập những chiến dịch văn hoá chính trị như "Chuyển lửa về quê hương" gửi tài liệu, sách báo chính trị chống cộng sản về trong nước, nhắm thúc đẩy đồng bào trong nước nổi dậy, khiến chính quyền Việt Nam tung lại những chiến dịch để vô hiệu hóa và để tránh những "diễn biến hoà bình" người ngoài và trong nước có thể "cấu kết" để chống hoặc lật đổ chính quyền.

Nói chung về văn hoá, những năm 1987-1990, khi trong nước dọ dẫm thay đổi thì bên ngoài có những tổ chức và cá nhân có thể sợ thay đổi tức tiếp tục sống, bèn có những thái độ rất ghetto nghĩa là khó hiểu khi xảy ra trên đất tự do dân chủ tức ở hải ngoại: chống văn hóa phẩm, chống phổ biến, ấn hành sách báo từ trong nước (ngay cả gần đây, 2005, ở Úc).

Vấn đề tự do ngôn luận, tư tưởng và báo chí ở trong cũng như ngoài nước ở đâu có độc tài ở đó có đe dọa, ở đó chưa hẳn là lý tưởng. Báo chí Việt Nam hải ngoại tự do quá đà khi không tôn trọng tự do người khác làm công việc truyền thông. Những vụ khủng bố tự do tư tưởng ngay tại hải ngoại: vụ "động đất văn nghệ" đánh dấu 35 năm sinh hoạt hội hoạ và viết văn của Võ Đình, ở Montréal (Canada) ngày 27-6-1992; nhà văn Thế Uyên, Nhật Tiến, Nguyễn Gia Kiểng đi trước nhiều người do đó đã bị báo chí hải ngoại chống đối, phản đối - nay thì quan điểm của ba ông hết còn mới và... nóng như thời 1989! Vụ cuốn băng video Paris By Night 40 cũng đáng ghi nhận vì lằn ranh Quốc-Cộng tự phân thân thêm những lằn ranh nhỏ hơn bên trong cùng lằn ranh lớn.

Ngoài ra cũng cần ghi nhận khuynh hướng nghiên cứu và xét lại lịch sử, như là một phương tiện chống cộng, làm chính trị, trong môi trường dân chủ, tự do, khai phóng của xã hội mới, và nhờ tiếp xúc được thông tin và tài liệu giải mật. Nhiều tác giả nhìn lại chiến tranh Việt Nam, thực trạng cuộc chiến quốc gia-cộng sản, vai trò người Mỹ, cũng như lịch sử chính trị của Việt Nam Cộng Hoà và chế độ Cộng sản. Ở đây là nhìn lại cái cũ để hiểu hiện tại và định hình cho tương lai. Xét lại về Việt Nam, về kinh nghiệm chiến tranh và hoà bình, về chủ nghĩa cộng sản và một số biến cố, nhân vật. Ngoài ra, có khuynh hướng xét lại chính mình, bản thân cũng như tập thể, nhất là vào cuối giai đoạn, từ những năm 2000, những xét lại sâu sắc hơn là những nhận tội chung chung ở giai đoạn đầu!


2. Tổng quan về các vận động chính trị

2.1. Vài nhận xét về các vận động chính trị

Trước hết, vận động chính trị đã thay đổi theo thời gian: thời đầu 1975-1990 là thời chống cộng tối đa không nhân nhượng. Ngay ý niệm "đa nguyên chính trị" thời 1990-91 lúc đầu cũng đã gặp khó khăn. Ngày 4-5-1991, Cộng đồng ngưới Việt vùng Montréal tổ chức một Hội luận Dân chủ cho Việt Nam đã bị những nhóm cực hữu và cực đoan chống đối, dù đã rào đón trong chương trình và giấy mời rằng "dân chủ đa nguyên chỉ sự khác biệt với dân chủ tập trung mà Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố đang áp dụng tại Việt Nam"!

Giai đoạn 1990 từ những biến động chính trị Đông Âu, tập thể người Việt vận động, lên tiếng đòi tự do, dân chủ, lập nhóm, lập hội, Mặt trận, liên minh, rồi hội luận, hội thảo, ra báo. Cũng là thời một số báo chí chủ trương đa nguyên và hòa hợp hòa giải, ra mắt. Người quốc gia cực hữu tiến ra đa nguyên, người thiên tả và cộng sản cũng tiến đến điểm chung đa nguyên, hòa giải!

Từ triệt để đến ôn hòa là trường hợp của cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Tôn Thất Thiện; cả Quốc Dân Đảng Hải ngoại cũng ôn hòa hơn [2] . Chính trị con người thay đổi theo thời thế và khung cảnh, từ cấm cửa tuyệt đối lúc đầu đưa đến những chương trình trợ giúp xã hội, v.v. Nhưng cũng có sự đứt đoạn, một số người hăng chống cộng cực đoan lúc đầu, lập nhóm, lập hội, có mặt ở mọi Mặt trận, liên minh, sau trở cờ, buôn bán với Hà Nội, …khiến nhiều "chiến hữu" bị chưng hửng và cả "cháy" luôn về chính trị! Nói trở cờ, phản bội vì chính họ trước đó đã là những phần tử quá khích chuyên tố cáo chụp mũ người khác! Đứt đoạn, thay đổi cũng đến thôi, nhưng mọi thay đổi cũng phải qua "sàng lọc". Tuy vậy, các vụ chống đối, biểu tình nay vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở Hoa Kỳ.

Thật nhiều Đảng chính trị, Mặt trận, liên minh, tổ chức cộng đồng và chính trị! Nhưng sau hơn 30 năm không hình thành được một tổ chức chính trị có thực lực với một cơ cấu khoa học, dân chủ, đại diện được cộng đồng, tập thể. Các cá nhân, chính trị gia riêng rẻ thay vì tập trung đoàn kết để chống kẻ thù chung, thì quay lại chống đối nhau vì không hợp nhau, vì truyền thống chia rẽ, nghi ngờ hoặc vì muốn làm lãnh tụ! Có thể vì dị ứng thống nhất tổ chức, thiếu cơ bản, cơ cấu kỹ luật chung, thiếu sự tin tưởng nhau,... Có thể theo thời sự nhưng không cập nhật về tổ chức, phương thức sáng tạo, không hội nhập phương pháp, chiến lược. Ai cũng khoe nắm "chính nghĩa", có chính danh, nhưng không đủ điều kiện để kết hợp (ý chí, đường lối cụ thể. Nhất là đa số theo thời gian càng mang nặng hội chứng "chờ đợi / wait and see". Rồi hay dùng hư làm thực, sống bằng huyền thoại (vụ giấu diếm cái chết Hoàng Cơ Minh), thêu dệt quá khứ cách-mạng và sự nghiệp chính trị (Bùi Diễm, Phạm Văn Liễu, Đặng Văn Nhâm, nhiều cây viết trên Internet, báo chợ, cả báo Văn Nghệ Tiền Phong, v.v.). Tranh đấu, kiến nghị, kháng thư gửi LHQ và chính phủ các nước nhưng cũng có những vụ lẩn quẩn trong cộng đồng người Việt.


2.2. Các điểm đáng ghi nhận

Thứ nhất, các tổ chức cộng đồng và chính trị thường trùng hợp, giành giựt, dẫm chân vì tụ họp chừng ấy tổ chức, lập đi làm lại. Chừng ấy tổ chức, thì cũng chừng ấy nhân sự! Hội đồng Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tập hợp 13 tổ chức và chính đảng nhưng hơn nửa trùng với các tổ chức liên minh cùng thời như Hội đồng Việt Nam Tự do (lúc đầu cũng 13), Mặt trận Dân tộc Dân chủ Việt Nam (2 đảng, 2 Liên minh, 2 tổ chức như Phục hưng và Mặt trận như Mặt trận Việt Nam tự do), v.v.

Thứ hai, có khuynh-hướng đòi bao trùm, tổng hợp: như Phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam và Liên minh các phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam (1990) ra tuyên cáo 20-5-90 ở Canada.

Thứ ba, phá phách, chống đối nhau để giành ưu thế "nói chuyện" với kẻ thù: Bùi Tín khi mới đến Hoa Kỳ lần đầu, Vũ Thư Hiên (và Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu trong nước) bị một số người Việt hải ngoại nghi ngờ.

Về ngôn ngữ chính trị sử dụng thường là dao to búa lớn: Việt cộng không thể thoát "mẻ lưới dân chủ", cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ, phải sụp đổ, CSVN hội đủ điều kiện để sụp đổ,... Một số tuyên bố, phỏng đoán khiến mất giá trị, tin tưởng: đầu năm 1991, Nguyễn Văn Canh từng tiên đoán cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ cuối năm 1991 đầu 1992 (!).

Khẩu hiệu, chiêu bài, tuyên truyền phong phú quá khiến giả chân khó phân biệt đối với người dân thường. Lãnh tụ Hà Nội nói dân chủ và nhân quyền, các tổ chức và nhân vật ở hải ngoại cũng nói dân chủ và nhân quyền, mỗi bên hiểu và biện minh cho định nghĩa của mình nhưng trong thực tế cả hai đều thường chà đạp những ý niệm đó! Các tổ chức tranh đấu cũng đề cao những khẩu hiệu đó nhưng lại chống phá nhau có khi lấy lý do không dân chủ và tự do!


2.3. Vấn đề hội nhập chính trị ở quê hương mới, tham gia các đảng phái chính trị, những lobbying với chính quyền, quốc hội, v.v. Lúc đầu, trong tình cảnh sống còn và làm lại cuộc đời nơi phần đất mới, người Việt phần lớn hoặc lo học sinh ngữ hoặc kiếm việc làm, thành thử hội nhập xã hội và nghề nghiệp trở nên mối ưu tư hàng đầu. Khi đã an sinh phần nào và đời sống tụ tập ở một số thành phố đưa đến vấn đề hội nhập văn hóa và sau cùng mới nghĩ đến hội nhập chính trị. Từ đó bắt đầu có những nghị viên thành phố và dân biểu người gốc Việt ở Bắc Mỹ, Úc và Âu châu. Hai thập niên đầu, hội nhập chính trị không cân bằng, không tham gia trực tiếp mà lại đòi hỏi nhiều. Sau người Việt mới hiểu đời sống hội nhập chính trị chỉ có mỗi con đường là tham gia, người vắng mặt bao giờ cũng bị thiệt thòi! Nói chung, trong phần lớn 30 năm qua, người Việt một phần chưa hội nhập đủ, một phần chấp nhận thực tại, số mệnh, do đó hay có tâm lý hay trông mong chờ đợi tập thể, ngay cả đối với quyền lợi của chính bản thân.


2.4. Một số nguyên do, cắt nghĩa những sự kiện, tình trạng cũng như chân dung của những con người và hành động chính trị. Người Việt với tự hào là một dân tộc văn hiến, sau những thất bại chính trị trên đất nước (thực dân mới cũ, những ý thức hệ, những lý thuyết chính trị hoặc chính sách, chế độ theo mô hình ngoại lai,...), nay nơi quê hương mới, họ phản ứng thế nào đối với những vấn đề chính trị trên miền đất mới này? Những nghiên cứu và phân tích đưa đến các nhận xét sau đây:

Liên hệ đảng phái và quyền hành: Đảng Đại Việt ở miền Nam tỏ rõ là Đại Việt Quan Lại như giới chính trị tự nhận (Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn, Bùi Diễm, v.v.), cũng như VN Quốc Dân Đảng và một số chính đảng khác, phần lớn nhắm quyền lực, ghế bộ trưởng hơn là làm cách mạng khó khăn. Ra hải ngoại dù ít có dịp can thiệp hơn, một số chính khách này vẫn chi phối hoặc can thiệp "chính trường", mặt trận, liên minh và dĩ nhiên đã khiến một số tổ chức phải chịu thất bại.

Liên hệ với lãnh tụ cũ: một nhóm thân cận cựu tổng thống đệ nhị Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, tổ chức cho ông thử ra mặt lần đầu khoảng tháng 1-1986 ở Houston TX, rồi vào thời 1990 đã lập Tổ chức Yểm trợ Dân chủ và Tái thiết Việt Nam cho ông chính thức vận động chính trị, tổ chức nay mới ra mắt nhưng cho biết từng hoạt động trước đó, từ 1983. Đến 30-4-1995, một lần nữa ông lại lên tiếng, đưa ra lập trường 5 điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhưng lần này chỉ gửi văn thư, "do văn phòng cựu tổng thống VNCH gửi". Và ông Thiệu mất tại Boston ngày 29-9-2001, hơn 2 tháng sau ông Dương Văn Minh. Cùng liên hệ, Ủy ban Luật gia Việt Nam tại Paris (nhóm Vũ Quốc Thúc) vận động áp dụng trở lại Hiệp định Paris và ông Thiệu là lãnh đạo hợp pháp duy nhất! Cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn ngày 20-7-2003 phát động chiến dịch của tổ chức VNCH-Foundation tại Nam Cali vận động yêu cầu Liên Hiệp Quốc buộc Hà Nội thi hành Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Rồi từ một Đại hội Toàn quân thành lập Ủy ban Đại diện Việt Nam Cộng hòa.

Liên hệ gia đình, dòng dõi, giai cấp, quyền hành tưởng tượng và thực chất: những trường hợp Bùi Diễm, hay liên hệ bên phối ngẫu người Mỹ (Stephen Young), hay trường hợp Bùi Tín. Cao Trào Nhân bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế có giây rễ với những Ủy ban Yểm trợ Cao trào Nhân bản, Ủy ban Tranh đấu đòi trả Tự do cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ở Montréal, 1992 - nhóm thu hẹp! Trong chính trị, "con ông cháu cha" bất xứng, gian xảo thường là nối dài miếu đường, nghĩa trang!

Liên hệ tình báo, thế lực ngầm, mạng nhện giả chân (nhóm Văn Nghệ Tiền Phong, nhóm Phụ Nữ Diễn Đàn thời Chử Bá Anh, nhóm Vạn Thắng và Mặt trận Cách-Mạng Hưng Phục Việt (Lê Tư Vinh), nhóm Phật giáo Thích Nhất Hạnh, Đỗ Mậu, Giao Điểm, Chuyển Luân, v.v. khiến người dân thường bị rối mù không biết đâu là chân đâu là giả! Vấn đề tài chánh và kinh tài đảng phái chi phối các vận động chính trị khiến đưa đến nhiều thành công quảng cáo nhưng thất bại: ai có tiền làm chủ, áp đảo tổ chức (Mặt trận Hoàng Cơ Minh, các Mặt trận, Liên minh của Nguyễn Văn Kim, v.v.). Từ sau Nghị quyết 36 của đảng cầm quyền trong nước, lại thêm những hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Nhất Hạnh, v.v. và hiện tượng sách vở người Việt hải ngoại công khai xuất bản trong nước (Yên Tử cư sĩ, Mai Ninh, Lê Minh Hà, v.v.). Cuối cùng cũng nên ghi nhận mối liên hệ giữa và với một số thế lực như Hội Y sĩ Tự do, Mặt trận Hoàng Cơ Minh,...: nhiều lãnh tụ cộng đồng và chính trị được các thế lực này ủng hộ, bao che, đứng sau, bảo trợ, giải thưởng và những "nhân vật ra mặt" phục vụ cho các thế lực đó!


2.5. Vài nguyên do lịch sử của hành-động chính trị

Người Việt hải ngoại có sức mạnh, hiểu giá trị của sức mạnh, nhưng tiếc là suốt 30 năm và sau đó, chưa có thực lực, sức mạnh không đủ vì hình như còn thiếu tinh thần, chí hướng và mục đích. Những loại tư tưởng như "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" tựu trung là một loại tâm lý chiến thắng... tinh thần! Trong khi đó, chính quyền trong nước biết sự quan trọng và tiềm năng của người Việt hải ngoại, sau một thời gian kết án "Việt gian, ngụy" theo chân đế quốc và tư bản hay này nọ, vả lại họ biết thêm áp lực cộng đồng trên dư luận thế giới và chính quyền bản xứ có thể ảnh hưởng đến thương mại cũng như chính trị (âm mưu diễn biến hoà bình).

Nhiều người trong giới hoạt động chính trị sống theo tinh thần nhà Nho, kẽ sĩ, trọng sĩ (nhất sĩ nhì nông...). Có người theo tinh thần Nho thật, nhưng phần lớn lấy đó làm bình phong hoặc đi cưỡng bức tinh thần kẻ khác! Với nếp suy nghĩ Á đông tiêu cực, không (hoặc khó) chấp nhận dân chủ theo nghĩa Tây phương, mà theo "lẽ phải" tự định nghĩa, tự cho sứ mạng trí thức và chính trị nào đó. Đưa đến tư cách đại diện tự phong và hiện tượng những hiệu triệu, thư gửi đồng bào trong nước cũng như cho đồng bào hải ngoại. Đây là một phần của vấn đề nhân danh và "bị đại diện" bởi các tổ chức, ủy ban, liên minh, Mặt trận mà cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 30 năm qua cứ xảy ra, không lối thoát!

Đặc tính đầu dễ nhận ra là tính cực đoan: chống Cộng, nên hễ nghi ngờ chao đảo là chống, chụp mũ, cả không gửi tiền về giúp người thân, không giúp việc xã hội, từ thiện, tẩy chay không mua hàng nhập cảng từ Việt Nam (dù mua hàng đóng hộp vô bao ở các nước có người Hoa), v.v. Tình cảm, nông nổi khiến hiệu quả hạn chế!

Sống trong tình trạng tâm lý thua thiệt, bám quá khứ, nội tâm bất an thành dễ bất thường, sinh mặc cảm. Lúc đầu nối dài quyền lực nên những cựu bộ trưởng, tướng tá, nhân viên ngoại giao đoàn, khoa trưởng và giáo sư đại học, v.v. khi có dịp vẫn nhắc nhở những chức tước, hào quang cũ, nhưng rồi thế hệ trẻ lên thay thế ở các tổ chức, cộng đồng, thành hụt hẫng trong não trạng văn hoá sĩ khí, sĩ diện! Cố Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận từng có cái nhìn phê phán cộng đồng người Việt hải ngoại khi đến San Diego CA ngày 10-10-1993, trong một thuyết giảng, ông đã đề cao người Việt "Thập đại thành công" về học vấn, gia đình, kinh tế,... nhưng cũng đã có 10 căn bệnh trầm kha ông gọi là "Thập đại thất bại" như bệnh quá khứ cực độ, bi quan tiêu cực, vô trách nhiệm, ỷ lại, cá nhân chủ nghĩa, khôn vặt, riêng bè phái chia rẽ là căn bệnh trầm kha nhất của người Việt hải ngoại. Theo ông, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thất bại trong việc xây dựng cộng đồng và xây dựng niềm tin [3] . Thất bại vì chỉ là chính trị thủ đoạn, mánh khoé, chính trị theo tà đạo!

Có một tâm lý không thật lòng tin tưởng nơi lớp trẻ, dùng phương pháp hay sở học mới để nhìn lịch sử: thí dụ Nhị Lang tự tin ở dữ kiện thủ đắc nên đã phê phán Nguyễn Kỳ Phong tác giả bộ Người Mỹ Và Chiến-Tranh Việt Nam [4] : "sử gia hải ngoại viết hay cóp sử của ngoại nhân" [5] . Trước đó, Phạm Kim Vinh đã hoảng hốt khi có lớp trẻ tuổi hơn sử dụng phương pháp hoạt động của hội nhập để vận động chính trị, bèn chụp mũ họ là "người Mỹ gốc Việt" làm tay sai. Trong cuốn Chính nghĩa lưu vong còn một chút này [6] , ông phê phán nặng nề những người trẻ hơn dùng ngôn ngữ hay phương cách làm việc của hội nhập Âu-Mỹ.

Họ hô hào dân chủ tự do nhưng hiếm khi chấp nhận hành cử dân chủ và quan điển tự do của người khác. Trong cùng tổ chức nếu bị thua bầu cử họ sẽ không chấp nhận "bản án" đầu phiếu, họ sẽ bỏ và phá tổ chức hoặc lập ra một tổ chức trùng tên, trùng tôn chỉ, để họ có thể làm chủ tịch và hội viên có hay không không quan trọng. Hoặc thư rơi, chụp mũ! Hoặc trở thành hội viên của tổ chức ở một địa phương khác!

Rồi nạn phân chia giai cấp, người đến trước đến sau, nhưng cũng vài năm hay thập niên sau, thứ tự "quí phái, sang giàu" đã đảo ngược - "lao động" không được tôn trọng trong nước, thì ở xứ người có giá, làm ra tiền (nail, thợ chuyên môn, v.v.)! Cũng vì não trạng phân hóa mà người sau phá người đi trước hay lập lại lỗi lầm người trước, như một số các H.O. Biết bao diễn văn đã được lập đi lập lại. Và cái "tệ" nhất là thói hay nhân danh, mà toàn nhân danh chuyện quá... lớn như chính nghĩa và dân tộc - bài bản y như kẻ thù của họ! Những kẻ này, có khi cả gia đình, xưa chuyên chụp mũ và đe dọa người khác mà họ nghĩ lung lay lập trường, một ngày kia sẽ tự đội nón cối chạy theo đô la và xin thù cũ làm bạn mới! Ở xã hội có đầy đủ tự do dân chủ lại đi cấm cản người khác đọc sách báo của trong nước in từ trong nước hoặc ở hải ngoại in lại như từng xảy ra ở hải ngoại, bằng chứng là Tuyên cáo Toronto 15-7-1990 đứng đầu với Văn bút Việt Nam Hải ngoại thời Nguyễn Ngọc Ngạn.

Sống với biểu tượng (quốc kỳ, quốc ca), họ bám chặt lá cờ biểu tượng. Nhưng lá cờ cũng từng là cái cớ để chụp mũ nhau, để chia rẽ và chống đối. Một chiến dịch Cờ Vàng được phát động từ tháng 3-2004 và lan mạnh nhất là ở Hoa Kỳ. Đến nay, vấn đề lá cờ vẫn là trở ngại cho sự đến gần người tị nạn từ miền Bắc và người hiện nay trong nước cũng như đối với quốc tế. Nói đến quốc ca, quốc kỳ, là đụng chạm đến quá khứ và lịch sử !


2.6. Ý niệm "Chính nghĩa" (chính nghĩa quốc gia) suốt hơn 30 năm hải ngoại chứng tỏ có một vấn đề lớn mà dùng lý luận, khoa học để phân tích không dễ, vì phần lớn những nhân vật cộng đồng hay chính trị đều có một cái nhìn hạn hẹp, bảo thủ mà khi hỏi cho ra lẽ thì không có được bao nhiêu yếu tố thuyết phục được nhất là đối với giới trẻ. Phạm Kim Vinh là một trong số những người này như đã trình bày phần trước đây. "Chính nghĩa" được dùng, giành chính danh, vẫn được sử dụng cho các sinh hoạt và tổ chức (Chính phủ cách mạng Việt Nam Tự do 1995, Đại hội Chính nghĩa CA 1997!, Đại hội Chính nghĩa của Mặt trận HCM, v.v. Tờ Chính Nghĩa (Atlanta) của Kim Âu Hà Văn Sơn, một H.O. cựu tù cải tạo tự xưng "đi guốc trong bụng cộng sản", ra tập Một vấn đề của dã tâm [7] , biện hộ cho Bùi Đình Thi bị Nguyễn Đình Thắng chủ tịch Boat People SOS kiện INS để đuổi ra khỏi Hoa-Kỳ và nhân tiện nói nặng LM Nguyễn Hữu Lễ là nạn nhân và là nhân chứng về những hành động của ông Thi trong các trại "cải tạo". Họ lập những Ủy ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Của Người Việt Quốc-gia để chống CD và ca sĩ từ trong nước, ca sĩ chao đảo, ... lột cái gọi là "mặt nạ" những kẻ được gọi là "công an, nằm vùng": vụ H.O. Võ Văn Sáu, Lưu Thừa Chí, v.v. Nghi ngờ những phản tỉnh như đối với Bùi Tín vì ông này đòi bỏ cấm vận cũng như cách xưng hô tán tụng những lãnh tụ cộng sản hàng ngũ ông nói là từ bỏ. Cũng vì chính nghĩa (theo như họ nghĩ), họ không chấp nhận những phản tỉnh trong nước như đối với Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, ... Chống một chế độ gọi là toàn trị trong nước, có những tập đoàn và nhóm ở hải ngoại hành cử cùng bài bản và phương pháp (vụ Nguyễn Hữu Luyện kiện một đại học Hoa Kỳ chẳng hạn).

Họ tự nghĩ đại diện chính thức cho Việt Nam Cộng hòa, cho miền Nam, và cho cộng đồng hải ngoại! Đưa đến thái độ độc quyền chính trị: xem những ai không chống cộng là phản bội, xem những văn nghệ sĩ phi chính trị là bị cộng sản mua chuộc, văn hoá vận! Đưa đến ảo tưởng, cứ nghĩ có chính nghĩa (chính danh là việc của sử gia hoặc một tập thể), nhân đạo, đạo đức,... là chìa khoá của thành công đại sự; đưa đến ảo tưởng cộng sản sắp bị lật đổ, năm 1989 với bầu cử tự do ở Cam Bốt, năm 1990 cộng sản Đông Âu bị phá đổ, hoặc mỗi lần trong nước có đại hội Đảng, cách chức, thay đổi bí thư, thủ tướng, v.v.


2.7. Sự hình thành, biến dạng và tan rã của các tổ chức chính trị, cộng đồng

Các tổ chức vận động chính trị của người Việt hải ngoại được hình thành, củng cố nếu đã có trước, nhưng đã thay đổi cơ cấu cũng như chiều hướng vận động theo diễn tiến lịch sử và diễn tiến của tình hình thế giới, theo kiến thức, tin tức cập nhật về chuyện cũ, về tương lai. Lúc đầu 1975, trong cộng đồng người Việt có những nhóm người đối nghịch nhau: nhóm tị nạn cộng sản bỏ nước mà đi và nhóm thân cộng, thân chính quyền Hà Nội. Nhưng nhóm người sau bị một số biến cố chính trị thế giới cũng như trong nước làm biến dạng, thay đổi bản chất và vị trí chính trị!

Các vận động chính trị của người Việt nhạy bén theo thời sự, biến chuyển thế giới mà lập đảng, liên minh hoặc gây phong trào, nhưng cũng vì quá cập nhật ở mặt ngoài mà không có thực chất, nội dung, mà các tổ chức được lập ra sớm nở tối tàn! Nếu viết lịch sử về các vận động của người Việt hải ngoại là như làm danh sách liệt kê dài nhưng khi đi vào phân tích nội dung thì lúng túng tìm cho ra đặc điểm và thành quả! Chừng ấy tổ chức và nhân sự và thay đổi danh xưng khiến người dân thường tưởng là sinh động, thiết yếu.

Cộng đồng người Việt có nhiều giai đoạn và được nối tiếp thêm nhân lực, thêm tinh thần chính trị mà cũng thêm những lôi kéo về một phía. Khi tinh thần, sinh hoạt chính trị giảm bớt thì cộng đồng lại được tiếp sức chính trị thêm nhân lực mới, các cựu tù cải tạo H.O., nhiều tướng lãnh, đảng viên, tai mắt, thêm tiếng nói, thêm khuôn mặt. Nhưng người sau làm lại cái người trước đã làm, nói lại diễn văn người trước, lại chịu cùng thất bại hoặc kết quả hoặc các tổ chức hội đoàn vẫn thế, cộng đồng vẫn phân tán, chuyện dài vẫn chưa tới đoạn kết.

Hết các tổ chức thành lập Cộng đồng người Việt Hải ngoại đến chuyện Văn bút Việt Nam Hải ngoại là một bằng chứng hùng hồn cho cái não trạng phân ly, lãnh tụ đã phân tích ở trên. Cơ nguy nhiều hơn là cơ may cho tập thể! Một khuynh hướng khác ngày càng phổ biến là những cuộc hội thảo chuyên ngành thường thì đa ngôn mà không chương trình cụ thể hành động, lập lại chừng ấy chủ đề, có khi chỉ để chứng tỏ hãy còn đây. Bên cạnh đó đã có những người trẻ âm thầm bắt tay làm những việc thấy đúng hoặc để đóng góp một cách phi chính trị! Tóm, ba thế hệ di dân, tị nạn, ngày càng đa dạng, phức tạp; có người khi đã ổn định thì làm ngơ chuyện chung, và chỉ đến với các cơ cấu cộng đồng khi cần mà thôi, có người vẫn sống tâm trạng và ý chí như vừa ra khỏi nước tháng 4-1975, có người thì đã quên tất cả, có người không biết đến chiến tranh, không biết ngày 30-4-1975, có người thì chuẩn bị âm thầm cho tương lai!



[1]Thủ tướng 2 ngày Vũ Văn Mẫu không lên tiếng nhưng để lại tập ký Sáu tháng pháp nạn 1963 (1984).
[2]Cương lĩnh chính trị giải phóng dân tộc xây dựng tổ quốc, 1990 (VN Quốc dân Đảng HảI ngoại. Cục Tuyên huấn TU, Orlando FL, 28 tr.). Trang VI, 4.
[3]Theo Nhuệ Hồng. "Cộng đồng hải ngoại tự phán: thập đại thất bại". Thế Kỷ 21, 116, 12-1998, tr. 33-34.
[4]Nguyễn Kỳ Phong. Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam: liên hệ quân sự chính trị 1945-1975. Tập 1 (Centrevill, VA : Vietnam Bibliography, 2001. 339 tr.).
[5]"Trở lại vụ án 47 năm trước: Ai giết tướng Trình Minh Thế?". Văn Nghệ Tiền Phong, 636, 16-7-2002, tr. 24+.
[6]Phạm Kim Vinh, Chính nghĩa lưu vong còn một chút này. CA: Tủ sách PKV, 1991. Tr. 140-166.
[7]Một vấn đề của dã tâm (Atlanta GA. 84 tr.), ký BN 587.

Nguồn: Báo Định Hướng số mùa Đông 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét