Nghệ thuật ? để làm gì ?
...la conscience dans son appel à soi-même pose l'exigence du bien dans l'action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l'achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l'homme.
Trần Ðức Thảo
... khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức, và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người.
Cách đây 50 năm, trong giới văn học, nghệ thuật Việt Nam nổ ra một cuộc tranh luận : nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh. Cuộc tranh luận không ngã ngũ : chiến tranh. Hầu hết văn nghệ sĩ tiếng tăm thời ấy xếp bút nghiên theo kháng chiến. Hầu hết cụt hứng, không sáng tác được tác phẩm bằng hoặc hơn trước. Trong chiến tranh, nghệ thuật quan trọng nhất là "nghệ thuật" giết người. Thời chiến có thể là thời thai nghén của nghệ thuật, chưa bao giờ là thời nghệ thuật thịnh vượng. Lôgíc chiến tranh mâu thuẫn với lôgíc nghệ thuật ? Kỷ luật chiến tranh mâu thuẫn với tự do sáng tác ? Con người của chiến tranh mâu thuẫn với con người của nghệ thuật ? Nói thế hơi dễ. Chiến tranh là hiện tượng thuần nhân tính, súc vật không giàn quân tiêu diệt nhau. Bản thân chiến tranh là một hình thái quan hệ giữa người với người. Trong chiến tranh, nghệ thuật vẫn là kích thước cơ bản của con người. Nghệ thuật quân sự đâu phải chuyện đùa ! Cuộc tranh luận kia chấm dứt vì nó bị vùi dập. Người ta vùi dập được nó vì cách đặt vấn đề sai, không mấy ai thấy nó đủ tầm cỡ để đáng mất thời giờ suy ngẫm, tranh luận, đặc biệt khi suy nghĩ, tranh luận có thể phải trả giá bằng sinh mạng.
Ðặt sai một vấn đề, đương nhiên ta không thể giải đáp nó. Ngược lại, điều đó mở đường cho một cách giải quyết nó, cách giải quyết thường tình khi lý đuối, tình cạn : vũ lực, không giải đáp vấn đề, giải quyết người đặt vấn đề. Cách giải quyết ấy tiêu diệt được người, không thủ tiêu được vấn đề.
Thoạt nghe, nghệ thuật vì nghệ thuật và nghệ thuật vì nhân sinh là hai quan điểm phản nghịch. Phân tích kỹ, chúng là một, thể hiện cùng một nhân sinh quan, mập mờ ở cùng một điểm, nguy hiểm như nhau.
Nghệ thuật là gì ? ở đâu ? có tính đặc thù nào ? mà có thể vì chính mình ! Chưa bao giờ, chưa ở đâu, chưa ai, trả lời được. Không bao giờ, không ở đâu, không ai định nghĩa, chứng minh được (cái) Ðẹp. Vì sao ? Câu nói kia, trong nghĩa đen, sặc mùi tôn giáo. Nó đặt nghệ thuật vào vị trí của Thượng đế. Chỉ có Thượng đế mới vĩnh hằng, vĩnh cửu, mãi mãi là chính mình trong vô tận của thời gian : Thượng đế là giấc mơ tự tại của con người. Vì thế, Thượng Ðế cũng là một giá trị nhân bản, tuy có lúc không nhân đạo lắm. Ðó là ý nghĩa lời phê bình nổi tiếng của Sartre đối với nhà văn thiên chúa giáo Francois Mauriac : Dieu n'est pas un artiste ; M. François Mauriac non plus[1].
Chuyện hiển nhiên như thế, sao nhiều người vẫn thiết tha với câu ấy, thậm chí sống chết vì nó ? Vì nó tiết lộ thân phận người. Toát ra từ hồn người, câu đó có nghĩa : nghệ thuật là kích thước của con người, là một đặc tính của con người. Trong nghĩa đó, nghệ thuật chỉ có thể vì chính mình : ý nghĩa, giá trị, mục đích của con người, trong tư cách người, là con người. Trong nghĩa đó Nghệ thuật vì nghệ thuật đồng nghĩa với Nghệ thuật vì con người, không có gì khó hiểu, lờ mờ. Nó thuộc loại định nghĩa dễ chấp nhận như A chính là A. Ðó cũng là ý sâu sắc của câu nói nổi tiếng : La nature imite l'art[2]. Người đời ghi nhớ nó không chỉ vì nó đẹp bất ngờ, vô lý. Nó tiết lộ ý trên. Thiên nhiên có nhiều cảnh, hiện tượng đẹp. Không ai coi chúng là nghệ thuật. Ðẹp không là một thuộc tính của thiên nhiên. Nó hình thành trong sự tiếp xúc giữa người với thiên nhiên. Trong quan hệ ấy, con người "gán" cho thiên nhiên những giá trị trong hồn mình. Thiên nhiên chỉ đẹp khi thiên nhiên phù hợp với thẩm mỹ của ta, khi thiên nhiên bắt chước nghệ thuật.
Nghệ thuật vì nhân sinh. Câu này thoạt tiên dễ hiểu, dễ nghe. Nó bao hàm ngay ý Nghệ thuật vì con người, nhờ sự hiện diện của từ nhân. Tuy vậy, nó cũng nhập nhằng. Có người hiểu : nghệ thuật phải phục vụ cuộc sống của con người. Cuộc sống ? Tác phẩm nghệ thuật chưa bao giờ làm ai no bụng, ấm thân. Ngay nghệ sĩ cũng khó dựa vào nó để sinh nhai. Cuộc sống tinh thần ? Tinh thần là gì mà cần nghệ thuật ? Mà thực sự nó có cuộc sống không ? Hết gạo, chắc chắn nó biến theo thân xác. Nghệ thuật là gì, phải như thế nào mới thích hợp với nhu cầu tinh thần, mới biến thành món ăn ! tinh thần, mới ăn được, mới ăn khách ? Milan Kundera có nhận xét : khi tiền đầy túi, con người nẩy vô vàn sáng kiến, khi túi rỗng, bụng teo, nó chỉ có một ý duy nhất : ăn. Nguyễn Huy Thiệp cũng có nhận xét tương đương : Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ có tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ[3]. Cuộc sống tự nhiên đòi tiền và gái, không thèm nghệ thuật.
Thực tế, những người theo quan điểm Nghệ thuật vì nhân sinh ở Việt Nam muốn vận dụng quan điểm thực dụng của Lênin : nghệ thuật phải là một con ốc trong guồng máy cách mạng. Họ muốn sử dụng nghệ thuật như một công cụ, một phương tiện để tác động vào thế giới thực, buộc nó phải chuyển mình. Họ muốn như vậy vì họ tin vào một loại chủ nghĩa duy vật máy móc. Tuy họ công nhận hiện tượng tâm linh, họ không xác định được tính đặc thù của nó, họ hiểu sai quan hệ của nó với con người xương thịt, sinh vật sống nhờ dạ dầy, tái sinh nhờ bộ phận sinh dục. Do đó, trong lý luận, họ trốn sau một mớ lập luận "biện chứng" lờ mờ, được kinh thánh hoá bằng nhồi sọ và quyền lực, và trong thực tế, họ dùng dạ dầy để uốn nắn văn chương, nghệ thuật. Khốn nỗi, như Marx nhận định : la puissance matérielle ne peut être abattue que par la puissance matérielle[4]. Trong ý đồ này, đỉnh cao của nghệ thuật là nghệ thuật đánh trống điều khiển nhịp chèo của nô lệ trên những chiến thuyền cổ. Không phải tình cờ nhạc hành quân cơ bản dựa vào nhịp đôi : ếch, ơ. Thêm nhịp nữa, bất lực ngay. Không ai có thể dùng nhịp valse để hành quân. Chiến trường sẽ tức khắc biến thành sân khấu. Nhưng không có nhạc hành quân nào giữ nổi hàng ngũ chỉnh tề khi lòng người tan rã. Vì thế, người bảo vệ quan điểm Nghệ thuật vì nhân sinh thường khinh nghệ sĩ và sợ nghệ thuật. Ðó là nỗi đau riêng của nó : nó tự tin không vì nó tin đồng loại, mà vì nó muốn làm tình nhân, đầy tớ trung thành của ... Lịch sử, con đĩ khát máu, vô tình nhất trong quá trình hình thành nhân loại.
Nếu ta hiểu Nghệ thuật vì nhân sinh là Nghệ thuật vì con người, câu này cùng nội dung với ý nghĩa sâu sắc của câu Nghệ thuật vì nghệ thuật, không có gì để tranh luận.
Hai quan điểm trên giống nhau và nguy hiểm ở cùng một điểm : tống cổ nghệ thuật ra khỏi nhân giới, thần thánh hoá nghệ thuật. Một bên thần thánh hoá theo kiểu duy tâm kinh điển, biến nghệ thuật thành một Sự Thật tồn tại vĩnh cửu bên kia bờ nhân loại, biến người nghệ sĩ thành con chiên, đầy tớ, tình nhân khốn nạn của (cái) Ðẹp. Bên kia thần thánh hoá nghệ thuật theo kiểu duy vật, biến sáng tác thành một quá trình tự nhiên, biến tác phẩm thành phế phẩm của quá trình tiêu hoá của bộ óc, như cứt là sản phẩm của quá trình tiêu hoá của dạ dầy, biến người nghệ sĩ thành công cụ trong một guồng máy[5]. Trong quan điểm đầu, nghệ thuật là vực thẳm giữa người với người, không ai thông cảm được người nghệ sĩ (thế thì đăng, triển lãm, trình diễn làm gì ? đơn thuần làm tiền ? thiếu gì cách khác đỡ khổ hơn !). Trong quan điểm sau, nghệ thuật là một cái xích trói người với người. Có lẽ vì thế, trong thế giới ấy, nghệ sĩ cụt hứng, tác phẩm có tính chất nghệ thuật hiếm, và cuối cùng, nghệ sĩ chân chính thường biến thành người bất mãn, phản kháng.
Khi ta tìm nghệ thuật, ta thấy ngay điều hiển nhiên : không có nghệ thuật. Chỉ có những tác phẩm ta thấy đẹp. Lối nói : nghệ thuật của người Hy Lạp cổ đúng ở khía cạnh thông tin : những tác phẩm đó do người Hy Lạp cổ làm ra. Câu đó sai ở mặt nghệ thuật : vẻ đẹp ta cảm thấy, chắc gì, đối với người Hy Lạp thời ấy, (có) thật. Có thể họ coi các vật ta chiêm ngưỡng như đồ dùng tầm thường hàng ngày. Ngay đối với những bức tượng họ thờ (tất nhiên họ quý), cảm giác đẹp ta cảm nhận, chắc gì trùng hợp với khái niệm Ðẹp của họ ? Không lẽ nghệ thuật chỉ là một sự hiểu nhầm liên miên giữa người với người ? Giống tình yêu quá ! Và có lẽ thế thật ? Nghệ sĩ thường là kẻ liên miên si tình, miên man thất tình mà ! Ðẹp không là một thuộc tính của hiện vật ta chiêm ngưỡng, nó không tác động vào ta như một phản ứng hoá học, vật lý. Thậm chí, nó cũng chẳng là một phản ứng thuần văn hoá. Ta có thể không hiểu biết nền văn hoá Inca, mà ngắm một mặt nạ Inca vẫn mê hồn. Mặc dù văn hoá khác biệt, mặc dù xa cách nhau hàng mấy nghìn năm, tác phẩm kia, hôm nay, vẫn đẹp vì (cái) đẹp ấy là ta, người của thời nay. Nhưng rõ ràng nó từ sản phẩm của người xưa đến với ta. Ta dựa vào sản phẩm của người xưa để sáng tạo trong hồn ta vẻ đẹp của hôm nay. Ðẹp là một quan hệ giữa người với người xuyên qua sản phẩm của con người. Vì thế, không ai coi cảnh đẹp của tự thiên là tác phẩm nghệ thuật : nó không có tác giả. Vì thế, vẻ đẹp có thể tồn tại vượt thời gian ngắn ngủn của đời người : con người là sinh vật duy nhất cất mồ, thờ mả, tưởng nhớ người quá cố. Vì thế, ta có thể nưng nui vẻ đẹp của một cái bát, cái đĩa vớ vẩn của một nền văn minh khác : nó nói với ta một điều gì ta linh cảm về con người.
Ðẹp là một quan hệ giữa tác giả và độc giả, khán giả, xuyên qua tác phẩm. Nó là một khả năng của nhân giới. Khả năng ấy hiện thực khi mối quan hệ đó được cụ thể hoá qua một hiện vật do con người sáng tạo : tác phẩm. Khi tác phẩm là bản thân con người, Ðẹp thổ lộ bản chất thuần nhân tính. Ta dễ mê nghệ sĩ trình diễn vì thế. Chỉ có tiếng đàn, giọng hát, điệu múa... của họ mới có khả năng mang lại cho ta cả một nhân giới không tồn tại ở đâu cả. Nghệ thuật giống tình yêu ở điểm ấy. Nó là giấc mơ hão huyền khi nó lơ lửng trong tưởng tượng. Nó chỉ là sự chạ chung giữa hai làn da khi nó chỉ thể hiện bản năng sinh tồn của một loài sinh vật. Tình yêu có thực, đẹp thật, khi hai tâm hồn, xuyên qua thể xác, quyện lấy nhau.
Vì Ðẹp là quan hệ giữa người với người nên không gian của nghệ thuật thường là không gian công cộng, không gian chung của con người, nơi con người tìm đến để gặp nhau, người đang sống, người đã chết : công trường, vườn hoa, viện bảo tàng, nhà hát, thư viện... Không gì nguy hại cho tác phẩm nghệ thuật hơn cũi, dù là cũi vàng của nhà trọc phú. Tác phẩm trở thành tác phẩm, tồn tại và tái sinh với tính cách tác phẩm khi có người xem, khi còn người tái tạo nó trong nhân giới. Câu Truyện Kiều còn, nước Việt Nam còn sâu sắc ở nghĩa đó.
Tới đây, có câu hỏi : quan hệ giữa người với người xuyên qua tác phẩm nghệ thuật như thế nào mà khiến ta, người Việt của thế kỷ 20, cảm xúc trước tác phẩm của người Ai cập mười mấy thế kỷ trước Công Nguyên ? Marx đã tự đặt câu hỏi ấy : tại sao hôm nay nghệ thuật của người Hy Lạp cổ vẫn động lòng ta ? Ông cho rằng : con người, lớn lên, vẫn nhớ thương tuổi thơ của mình, nhân loại cũng vậy. Nghe hơi khờ khạo, nhưng có lý. Vấn đề ở đây là : làm sao ta, một cá nhân đơn thuần, nhớ nổi tuổi thơ của nhân loại ? Và nhớ những gì khiến ta chung với người xưa ý niệm Ðẹp ?
Ta thừa biết, ngay trong một nền văn hoá, quan điểm về Ðẹp thay đổi qua những thời đại. Ðiều ta có thể có chung với người xưa không phải quan điểm ấy. Nếu người chỉ gặp người trong Ðẹp vì họ chung quan điểm về Ðẹp thì, trên đất này, chẵng còn gì tồn tại, thế hệ sau sẽ san phẳng sản phẩm không thực dụng của thế hệ trước. Cứ coi guồng máy Ðảng cộng sản Việt Nam xử lý chùa chiền, lăng đình, cách đây không lâu, đủ khiếp. Cái ta có thể có chung với người xưa, người khác văn hoá, là khả năng thấy đẹp.Khả năng ấy từ đâu ra, hình thành thế nào trong ta, có thực là một thuộc tính của con người nói chung, độc lập với hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hoá ? Hỡi ơi, bệnh trí thức ! Người đời đã trả lời từ lâu. Khi ta yêu một người khác chủng tộc, khác văn hoá, ta hồn nhiên khẳng định điều đó. Nhưng lỡ ngứa tay, làm người khác ngứa mắt, ngứa tai, ngứa miệng, phải gãi nhau tới cùng. Ðó cũng là Ðẹp.
Hình thái tồn tại duy nhất của nghệ thuật là ngôn ngữ, nghĩa rộng : ký hiệu. Ðặc điểm thứ nhất của ký hiệu là nó có thực, dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có thể quan sát : hình thù, âm thanh, mầu sắc... tóm lại, cũng như thân xác ta, nó thuộc thế giới vật chất. Ðặc điểm thứ hai, nó chuyên chở một ý nghĩa đối với con người, người phát ra ký hiệu và người tiếp thu ký hiệu. Ý nghĩa đó, như tâm hồn ta, không có thực. Không có phương tiện, phương pháp nào cho phép ta phát hiện, xem xét, đo đếm nó. Ý nghĩa là hiện tượng tâm linh, thuần nhân tính. Nó chỉ hình thành trong quan hệ giữa người với người. Oái oăm thay, cũng như tình yêu, nó chỉ hiện thực xuyên qua vật chất. Nhưng vật chất, tự nó không có ý nghĩa gì cả. Ðó là một đặc điểm của thân phận người : ngôn ngữ, nhờ xác vật chất của nó, một mặt, là nhịp cầu thực duy nhất giữa người với người, mặt khác, nó là nguồn gốc duy nhất của sự gian trá giữa người với người. Ðừng mơ tưởng con người có thể có cách khác để giao tiếp trung thực với nhau. Ðôi mắt say đắm của em, hơi thở dồn dập của em, đều có thể thành thật, gian trá không thua giọng trìu mến, lời ngọt lịm toát ra từ môi em. Nói như thế có nghĩa : Ðẹp là một hiện tượng tâm linh, một quan hệ giữa người với người chỉ hình thành xuyên qua một hiện vật, hoặc : Ðẹp hình thành qua một hiện vật được dùng làm môi giới giữa người với người. Nó là một hiện tượng ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là hình thái tồn tại duy nhất của tư duy. Quan trọng hơn, nó là một hình thái tồn tại vừa độc lập với người dùng nó, vừa sinh động. Nó cho phép tư duy của con người "sống" lâu hơn cuộc sống của mình, xuyên qua cuộc sống của người khác, trong nghĩa : còn người sử dụng ngôn ngữ ấy, những tâm tình, ý nghĩ đọng lại trong ngôn ngữ còn có cơ tồn tại ; tất nhiên qua lăng kính của người đang sống, đó là thân phận của mọi ngôn ngữ, kể cả khi tác giả còn sống. Thí dụ, những dòng chữ rồng bay phượng múa của người Ai Cập cổ bắt đầu sống động, kể lại cho ta những tâm tình, suy nghĩ, lo âu của họ, bắt đấu tái sinh trong nhân giới khi Champollion bắt đầu đọc được chữ viết của họ. Trước đó chúng chỉ là những bức họa khó hiểu, vô nghĩa, tuy đẹp mắt, vì chúng là sáng tác của người xưa, như tranh thời thượng cổ trên vách đá. Thí dụ, Dương Thu Hương và Thụy Khuê hiểu nhầm nhau.
Như thế tìm hiểu nguồn gốc của nghệ thuật cũng là tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ, của tư duy.
Trong thế kỷ 20 khoa học phát triển mãnh liệt trong hai lãnh vực, bất lực nhục nhã trong một lãnh vực. Ngày nay con người hiểu quy luật vận động của vật chất tới mức có thể dùng vật lý tạo những nguồn năng lượng không có trên quả đất, có thể phóng phi thuyền vào vũ trụ. Con người cũng hiểu quy luật phát triển của sinh vật tới mức có thể tạo những giống thú mới (chimères). Nhưng đối với quan hệ giữa người với người (chính trị, kinh tế, xã hội, tình yêu và... nghệ thuật...), khoa học thường được dùng làm lá nho che sự bất lực, và con người vẫn phải sống với chiến tranh, đàn áp, khủng hoảng, sợ hãi... Sự chênh lệch trong khả năng hiểu biết ba hình thái vận động cơ bản của tự nhiên – vật chất, sinh vật, tư duy – chỉ chấm dứt khi con người hiểu được quá trình biến vật chất phi sinh tính (matière inerte) thành sinh vật, và quá trình biến sinh vật thành người. Hai câu hỏi hóc búa ấy, khoa học chưa giải đáp được. Tuy vậy, ta vẫn có thể quan sát những tính đặc thù của ba hình thái vận động cơ bản của tự nhiên.
Tính đặc thù của vật chất, như Engels đã nhận định, là : il n'y a pas de matière sans mouvement[6]. Không có gì tự tại và trường tồn. Vật chất vô ngã, vô thường. Câu : mọi sự vật phát triển do mâu thuẫn nội tại của nó theo quy luật tự phủ định, có nghĩa : trong sự vận động không ngừng của vật chất, những quan hệ của vất chất với chính nó, đã sản sinh ra sự vật, cũng là những quan hệ dẫn tới sự tiêu vong của sự vật. Mọi sự vật đều phải tuân theo quy luật entropie của con tạo. Sông sẽ cạn, núi sẽ mòn. Ðó là hình thái thứ nhất của mâu thuẫn. Trong hình thái này, mọi sự vật (với tư cách là một phần và một trạng thái tồn tại của vật chất) là toàn bộ những mối liên hệ có thời gian tính của nó với vũ trụ. Những mối liên hệ ấy sẽ phủ định hình thái tồn tại đương thời của nó, biến nó thành một sự vật khác. Khái niệm tự phủ định phải hiểu trong nghĩa : sự vật tự phủ định trong hình thái tồn tại của mình vì hình thái ấy là toàn bộ những mối liên hệ hình thành ra nó và những mối liên hệ ấy luôn luôn vận động (vì nó là liên hệ giữa vật chất) khiến nó phải biến dạng. Sự vận động ấy không ngừng tiêu diệt mọi hình thái tồn tại của vật chất, đồng thời nó cũng không ngừng sản sinh những hình thái tồn tại mới. E = Mc 2. Rien ne se perd, rien ne se crée[7] đồng nghĩa với Tout périclite, tout meurt[8]. Trong câu đầu, ta nhìn đời từ "góc độ của vật chất". Trong câu sau, ta nhìn tự nhiên từ quan điểm của con người. Khoa học khác văn học ở đó. Ðặc điểm của quá trình tự phủ định này là nó không cần môi giới (médiation), hay nói cách trừu tượng, vật chất làm môi giới cho vật chất, mọi vật thể đều là sản phẩm của một quá trình phủ định, đều tự phủ định. Nước có nguồn. Trong thế giới thuần vật chất, mọi sự đều có gốc có ngọn, có lý do tồn tại và tiêu vong. Trong thế giới ấy, không thể có nghệ thuật. Thượng Ðế không có máu nghệ sĩ trong nghĩa đó. Nhưng con người có máu nghệ sĩ, và do đó có khả năng tạo khái niệm Thượng Ðế toàn hảo, toàn mỹ. Vì sao ? Hạ hồi...
Theo Engels, tính đặc thù của sinh vật là : nó trao đổi vật liệu với thiên nhiên để tái tạo cơ cấu nội tại của nó, để tiếp tục tồn tại với tính chất sinh vật, tiếp tục sống. Ðây là hình thái thứ hai của mâu thuẫn, khác hẳn hình thái đầu, tuy vẫn bảo tồn hình thái đầu. Trong mâu thuẫn này, vật chất tự phủ định : cuộc tồn sinh của sinh vật đồng thời là cuộc phá hủy môi trường sinh sống của nó. Hơn nữa, bản thân sinh vật, tuy tiếp tục sống, tiếp tục là chính nó, nhưng cũng đã thay đổi (gầy đi, béo ra, già thêm...). Ðương nhiên, sinh vật cũng là vật chất. Không những nó ắt tiêu vong : Poussière, tu retourneras à la poussière[9], nó còn không thể, không bao giờ là chính mình. Nhưng trong quan hệ này, nó đạt khả năng trở thành nó xuyên qua vật chất. Trong quan hệ này vật chất (thức ăn) trở thành môi giới (médiation) cho vật chất (sinh vật đang sống) với vật chất (sinh vật tiếp tục sống) để tái tạo một hình thái tồn tại của vật chất (sinh vật). Tóm lại, vật chất làm môi giới giữa sinh vật với sinh vật. Như thế, trong hình thái thứ hai của mâu thuẫn, sự phủ định một hình thái tồn tại đồng thời là sự khẳng định một hình thái tồn tại. Loại mâu thuẫn này khai triển đồng thời hai sự phủ định khác nhau : sinh vật phủ định môi trường sinh sống của mình để tái tạo mình (ăn để sống), đồng thời nó tự phủ định (sinh vật hiện tại + thức ăn) để trở thành nó (sinh vật tương lai). Sự phủ định đầu tiêu diệt một hình thái tồn tại (như trong mọi hiện tượng thuần vật chất), sự phủ định thứ hai tái tạo một hình thái tồn tại. Quan hệ giữa sinh vật với tự nhiên khác quan hệ giữa sự vật với sự vật ở điểm ấy. Sinh vật ăn để sống, và tính đặc thù của sống là ăn. Và... ỉa. Tính đặc thù này còn gọi là bản năng sống (instinct de vie) : bất cứ sinh vật nào cũng biết mình có thể ăn gì để sống, biết mình có thể biến thành đồ nhậu cho ai. Và đã ăn, phải ỉa. Quan điểm của Engels sâu sắc ở đó, nó kết thúc một cuộc tranh luận trang nghiêm, vớ vẩn nổi tiếng : ăn để sống hay sống để ăn ?
Sinh vật còn một bản năng khác : bản năng tái tạo cuộc sống như mình ngoài mình, bản năng sinh đẻ (thú). Sinh vật giao tiếp với đồng loại để tái sinh trong tự nhiên những sinh vật cùng giống, sẽ tồn tại sau khi mình chết. Có lẽ đây là khác biệt lớn nhất giữa hai hình thái tồn tại của vật chất : chó đẻ ra chó, người đẻ ra người, nhưng chưa bao giờ có hai hòn núi ôm nhau mà đẻ ra bất cứ cái gì, kể cả chuột nhắt. Khả năng sinh sản (pouvoir de procréation) là đặc điểm của sinh vật. Vì vậy, người ta gán từ création cho tự nhiên hay cho Thượng Ðế, nhưng dành riêng từ procréation cho sinh vật. Câu kinh thánh Soyez féconds, multipliez, remplissez la terre, l'assujettissez[10]... xác nhận sự khác biệt cơ bản giữa sinh vật và sự vật. Bản năng sinh đẻ là nguồn gốc của bản năng tôn trọng cuộc sống của đồng loại. Lệnh của Chúa Tu ne tueras point[11] nhắc nhở con người : ít nhất, phải biết cư xử với nhau như thú ! Cá đớp cá, nhưng, nói chung, loài cá đớp lẫn nhau hiếm. Có nhà văn đã từng than : so sánh người với thú là sỉ nhục thú. Ông không hiểu tính đặc thù của con người không ở bản năng sinh tồn. Nó có bản năng ấy với tư cách một con thú. Ngoài ra, nó có tính đặc thù của con người, khiến nó vừa biết giết người, không chỉ vì miếng ăn, vừa biết xây mồ, dựng mả, thờ người đã chết. Nói như thế, ông đánh giá người với "quan điểm" của một con thú. Trong thế giới thuần sinh vật, có ăn, có ỉa, có sinh, có tử, không có nghệ thuật.
Người khác thú ở khả năng tư duy. Khả năng ấy hình thành qua quá trình nào, hiện nay, ta chưa chứng minh được. Theo Trần Ðức Thảo, khả năng ấy hình thành trong quan hệ giữa người với người, đồng thời và xuyên qua ngôn ngữ, hình thái tồn tại vật chất của nó. Quan hệ ấy, thời thượng cổ, là quan hệ hợp tác trong những cộng đồng nguyên thủy, do yêu cầu cùng tồn sinh (săn bắn, nhặt hái, sản xuất công cụ...). Vì ngôn ngữ nẩy sinh và phát triển trong quan hệ xã hội, ngôn ngữ và tư duy, ngay từ đầu, có tính chất xã hội, tính chất lịch sử (trong nghĩa nó là một quá trình vận động không ngừng) : tác giả của nó là cộng đồng, người đã chết và người đang sống. Vì, thuở ấy, không ai tách rời cộng đồng mà sống được, mọi người phải dựa vào nhau để sống, mỗi người phải vì mọi người và mọi người phải vì mỗi người thì cộng đồng mới tồn tại được, nên khái niệm đầu tiên của con người về chính mình là : ta là ta vì ta là một bộ phận của cộng đồng, và, trong tư cách ấy, ta như mọi người ; ta bằng ta vì ta bằng mọi người, tóm lại, ta là ta vì ta là người nói chung (bước đầu, trong giới hạn của cộng đồng, và sau này, qua sự trao đổi lễ vật, qua sự hợp tác giữa các cộng đồng, trong cả nhân loại). Do đó ta luôn luôn là người khác. Je est un Autre[12] ! Ðây là hình thái thứ ba của mâu thuẫn. Trong loại mâu thuẫn này, con người, với tư cách người, trong khả năng tư duy, trở thành mình xuyên qua quan hệ của mình với đồng loại. Con người trở thành môi giới giữa người với người, giữa ta với ta. Ta phải phủ định đồng loại để trở thành ta, nhưng đồng thời ta phải phủ định chính ta để trở thành người. Nói cách khác, ta không phải một con vẹt, một máy ghi âm, ngôn ngữ ta dùng là của ta, là chính ta, nhưng nó chỉ trở thành ngôn ngữ nếu nó là của mọi người, là mọi người (đồng ngôn ngữ với ta). Ngược lại, ngôn ngữ chung của con người chỉ trở thành ngôn ngữ , chỉ hiện thực, xuyên qua cá nhân từng người. Ðây là một luận điểm của Marx, Trần Ðức Thảo đã làm rõ nghĩa và phát triển trong quá trình tìm tòi của ông mấy năm qua. Trong quá trình ấy, ông nêu một giả thuyết đáng chú ý vì ta có thể quan sát và kiểm nghiệm : trong những năm tháng đầu của cuộc sống, qua quan hệ gia đình, con người lập lại quá trình hình thành tư duy của nhân loại.
Một đứa trẻ sơ sinh không khác một con thú. Miệng nó có thể tìm vú mẹ, nguồn sinh sống của nó, như mọi con thú. Tai nó có thể nhận ra nhịp tim của mẹ, nó đã quen từ thuở nó trong bụng mẹ. Ðiều chắc chắn, mắt nó mù, đầu nó không chứa một ngôn từ nào. Cứ nuôi nó như một con thú, không cho nó có quan hệ với người (trường hợp những trẻ bỏ hoang, được thú nuôi), quá 6 tuổi, nó trở thành thú, chỉ còn khả năng "học" của một con khỉ hay hơn một tí. Khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy của con người hình thành trong tuổi thơ xuyên qua quan hệ với người khác gắn liền với sự phát triển của óc não.
Sau một hai tuần, đứa trẻ bắt đầu thấy. Mẹ nó chỉ cho nó một quả bóng. Nó học nhìn, học phân biệt một sự vật với thế giới xung quanh. Ðồng thời nó học phân biệt nó với sự vật : nó thấy sự vật tức là nó bắt đầu linh cảm nó không là sự vật ấy. Có lẽ, nếu khả năng thấy của con người khác khả năng "thấy" của con vật, nó khác ở tính ý hướng[13] và sự ý hướng ấy nẩy nở trong quan hệ giữa người với người : mẹ chỉ cho con một vật thể, con nhìn theo hướng mẹ chỉ và thấy. Khả năng tư duy của con nở qua hành động có ý hướng của mẹ, qua cách nhìn có ý hướng của con. Rồi mẹ nói : quả bóng. Nhân giới bắt đầu từ đó : Au commencement était le Verbe. Thoạt tiên có Ngôn ngữ. Và ngôn ngữ, thoạt tiên, là giả dối. Vì quả bóng không có thực. Hơn thế, giọng trìu mến, ấm áp của mẹ đã "lồng" vào một hình thù, một mầu sắc, một âm thanh. Hiện vật trước mắt ta là chính nó, chỉ là nó, một hiện vật duy nhất, có một không hai trong không gian – thời gian. Như mọi sự vật, có ngày nó sẽ tiêu vong. Còn quả bóng, chính vì không có thực mà có cơ tồn tại "mãi mãi", tồn tại cho tới ngày trong vũ trụ không còn ai chỉ một vật tròn tròn cho một đứa trẻ và dậy : quả bóng. Nghệ sĩ thường nghĩ mình sáng tác cho muôn đời. Có thể hơi chủ quan, nhưng không vô lý. Trong đời làm gì có quả bóng ! Khoảng cách giữa hiện vật ấy và quả bóng là khoảng cách không gì lấp được giữa ngôn ngữ và sự vật, la distance des mots aux choses[14], một nội dung cơ bản của tác phẩm Les Mots[15]. Ðó là khoảng cách giữa thế giới tự nhiên (vật chất, sinh vật) và thế giới người. Khoảng cách ấy là điều kiện hình thành của tư duy, của ngôn ngữ. Nó biểu hiện tính ý hướng của tư duy, tính tự do của con người. Con người, trong tính cách người, (là) khoảng cách ấy. Vì con người đồng thời là sự vật, là sinh vật, khoảng cách giữa người với người, giữa ta với ta là vô tận, không gì lấp được. Vì thế, bảo đảm một khoảng cách nào đó giữa người với người trong cuộc sống cũng là bảo vệ nhân tính của nó. Muốn xã hội thuận hoà, ít nhất, phải tôn trọng không gian riêng của từng người, tôn trọng tự do cá nhân. Muốn yêu nhau lâu dài, không nên quanh quẩn quanh nhau, hãy cho phép nhau xa xa nhau một tí ! Khoảng cách đó là môi trường sáng tạo của nghệ thuật, người nghệ sĩ không nhại thiên nhiên, nó tạo trong thiên nhiên một hình thái tồn tại vượt tự nhiên, chỉ có trong nhân giới, trong cái "không gian" rỗng tuếch, vô ngã nhưng khả thường, dĩ nhiên cho tới ngày nhân loại tiêu vong. "Không gian" kỳ ảo ấy, người đời còn gọi là không gian của nghệ thuật. Nó không lệ thuộc thời gian vì nó không có thực. Ðúng hơn, người nghệ sĩ mượn tự nhiên để tái tạo và sáng tạo nhân giới, tạo điều kiện cho nhân tính của mình tồn tại vượt giới hạn sinh vật của mình, có thể dưới dạng vật chất (kiến trúc, tranh...), có thể dưới dạng "phi" vật chất (nhạc, thơ, văn...). Khoảng cách giữa ngôn ngữ và sự vật là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của nghệ thuật, nhưng tự nó không đủ để nghệ thuật chào đời. Không phải bất cứ ngôn ngữ nào cũng có tính chất nghệ thuật. Nhất là ngôn ngữ ca tụng nghệ thuật !
Mẹ chỉ một hiện vật cho con và dậy : Quả bóng. Ký ức đứa trẻ ghi nhận một hình thù, một mầu sắc, gắn chúng với một âm thanh, tái táo một khái niệm. Nó tái tạo trong nó khả năng tư duy. Thế thôi.
Nhưng mẹ lại thủ thỉ : đẹp quá ! Thiên đường và địa ngục hình thành từ đó. Mẹ hạ ngục con từ đây. Ngưỡng cửa của tội lỗi không nằm trong quả táo của kiến thức, nó hé mở trong tình người. Ðó là nguồn gốc của mọi hạnh phúc, mọi sự khốn nạn trong đời người. (Cái) đẹp kia không những không có thực, nó còn không dính dáng gì với quả bóng, với hiện vật. Nó chỉ là giọng âu yếm của mẹ, là bàn tay ve vuốt của mẹ, là làn da ấm áp, mùi sữa của mẹ. Ðúng hơn, nó là tâm hồn con hình thành bằng tâm hồn mẹ, chỉ bằng tâm hồn mẹ, "vật liệu" duy nhất khai sinh nó. Nó là mẹ sáng tạo hồn con, thành con, ở con. (Nó cũng là một nguồn sinh nhai lớn của các vị psy đủ loại). Con người là một hiện thực tự tạo trong nghĩa đó, và chỉ trong nghĩa đó. (Cái) Ðẹp ấy là Mẹ, là Ta, là Người, là Mẹ của Người. Nó là Cha, là Con, là Ðức Thánh Thần. Nó là quan hệ yêu đương giữa người với người hình thành qua ngôn ngữ, qua quá trình con thú học làm người, biến thành người. Nó là bí ẩn, là huyền diệu của chính ta. Quá trình nghiệm sinh trong đó sự vật, cuộc sống, ý thức và tình thương đồng sanh trong ký ức của ta qua một ký hiệu là thiên đường của tuổi thơ, ta không bao giờ quên được, và cũng chẳng bao giờ tìm lại được. Nó là giọng ru hời của thời thơ ấu, là câu hỏi bốn nghìn năm của người Việt, là bình minh của nhân loại từ nghìn xưa vọng lại trong ta, đọng lại trong ta, nó là nhân tính, nhân tình, là giá trị, nền tảng của nhân cách. Nó khác tình yêu ở một điểm gốc, nó hình thành trong ta ngay trong quá trình ta trở thành ta, một con người, nó (là) ta. Lớn lên, tình yêu đôi lúc mở cho ta những nghiệm sinh tương tự. Vì thế nghệ thuật và tình yêu thích liếc nhau. Nhưng đã muộn. Ta đã nên người, đã nuôi trong mình cả một rừng già nhân cách, đã có khả năng khẳng định : sự vật là sự vật, thú là thú, người là người, khoa học là khoa học, văn là văn, em không phải là anh. Em ra đi, anh có thể chết nửa thân người, nửa còn lại tạm đủ để sống tiếp kiếp người. (Cái) Ðẹp kia là mẹ quyến rũ con, lôi kéo con vào một thế giới ảo, một thế giới thuần nhân tính, thế giới của tình người vô căn cứ. Yêu con, cho roi cho vọt là chuyện thuận lý. Phương pháp giáo dục ấy giúp con người bớt viễn vông, khiến nó thực tế hơn và, biết đâu, khoa học hơn ? Nếu muốn con luôn luôn thực tế, khách quan, có thể vận dụng phương pháp : mỗi lần chỉ cho nó một sự vật, dậy cho nó một từ ngữ, bèn quát : đẹp quá ! và táng nó một bạt tai nên thân. Chắc chắn, lớn lên, nó sẽ có óc thẩm mỹ khác người. Tình yêu vô căn cứ kia là nền tảng của khả năng tạo giá trị của con người, của khả năng thấy đẹp, của nghệ thuật. Vì nó "độc lập" với sự vật, với ngôn từ, với khái niệm, nên tính chất nghệ thuật, vẻ đẹp, giá trị của tác phẩm nghệ thuật không tùy thuộc kiến thức, các loại ngôn ngữ, vẻ hiện thực hay vẻ siêu thực của tác phẩm, không tùy thuộc truyền thống văn hoá, không lệ thuộc vật liệu, không lệ thuộc thời gian. Nó chỉ tùy thuộc khả năng lưu tình truyền ý qua ký hiệu của nghệ sĩ.
Ðẹp quá ! qua lời thủ thỉ ấy, trong tâm hồn đang chớm nở của con, trong khoảng khắc bừng tỉnh của ý thức, có tất cả, vũ trụ, cuộc sống, tư duy và tình người, có cả nhân loại đang tự tái tạo : có một người tặng cho người khác nhân cách của mình. Có Mẹ ở ta. Do đó con người có khả năng tạo khái niệm Thượng Ðế : nó tự tạo và trường tồn tới ngày tận thế, tới ngày Thượng Ðế hết là một vấn đề, tới ngày nhân loại vong thân. Do đó, ngày nay, người ta có thể không tin ở Thiên Ðường, nhưng vẫn có nhu cầu tin ở Chúa.
Dĩ nhiên, ta có thể nhận xét : trong thiên nhiên, các loài thú, nhất là những loài sống đàn, cũng biết phát và tiếp thu ký hiệu. Ta có thể phân vân về mức độ khác biệt giữa những ký hiệu ấy và ký hiệu của con người. Tuy vậy, có điều chắc chắn : chỉ có người mới có khả năng tạo cho ký hiệu mình phát ra một hình thái tồn tại độc lập với thân xác mình để chuyền mình cho người khác, chỉ có nó mới có khả năng sáng tạo, tái tạo tác phẩm. Tiếng hót của con hoạ mi tiêu vong với thân xác con hoạ mi. Nó không là tác phẩm, không thể gián tiếp truyền cho con hoạ mi khác. Nhạc Chopin không tiêu vong với thân xác Chopin. Nó có trạng thái tồn tại ngoài Chopin, mà người khác có thể tiếp nhận, hồi sinh : nó là ngôn ngữ, nó không bắt chước hoạ mi, hoạ mi phải bắt chước nó ta mới thấy đẹp.
Con người vừa là vật chất : nó sẽ có ngày cát bụi ; vừa là sinh vật : nó sinh ra để chết[16] và để sản sinh con người ; vừa là người : qua ngôn ngữ, nó truyền lại cho nhau bản thân nó và quá khứ thuần nhân tính của nhân loại. Nó đạt sự thực của nó (trong tư cách vật chất, sinh vật) khi nó sống đồng nhất với tạo hoá (identité de soi à la nature[17]), khớp với quy luật vận động của vật chất, với bản năng tồn sinh của sinh vật (không bay từ mái nhà xuống đất, ăn những gì dạ dầy có khả năng tiêu hoá, tôn trọng sinh mạng của đồng loại...). Nó đạt nhân tính của nó khi nó đồng nhất với nhân loại (identité de soi à l'Autre[18]). Nó đạt thẩm mỹ khi, qua hành động, nó đạt cả hai. Do đó, tác phẩm nghệ thuật không phải thế giới duy nhất của Ðẹp. Có thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động... đẹp. Có cú sút của Platini đẹp không thua tranh của Van Gogh, ngắm đi ngắm lại vẫn mê hồn. Không phải tình cờ người đời hay liên hệ tình yêu với Ðẹp. Trong đời sống hàng ngày, yêu đương thuộc loại quan hệ dễ lôi cổ ta tới ý niệm Ðẹp. Tình yêu đẹp thật khi, xuyên qua thể xác, hai tâm hồn nhìn nhận nhau, quyện lại thành một : nó vừa có thực, vừa nồng nàn thú tính, vừa đậm nhân tính, nó là nhân tình. Mình với ta tuy hai mà một. Không có gì cấm cản chuyện ấy xẩy ra mỗi ngày. Nghệ thuật cũng vậy, nó là kích thước thuần nhân tính của con người, hình thành trong ta từ tuổi thơ, khi ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh em, bè bạn, đồng loại... dậy ta làm người qua tình yêu vô căn cứ của họ.
Vì trong quá trình hình thành tư duy của ta, qua những lời bập bẹ học nói, ta tái tạo tuổi thơ của nhân loại, nên ta còn nhớ nó, còn nhớ sự liên kết giữa người với người đã tạo ra nhân giới. Tình mẫu tử thiêng liêng ở đó. Thượng Ðế, hoặc không có mặt như trong đạo Hồi, hoặc, đã có mặt người, phải có Mẹ. Con người thù hận nhau thường lôi mẹ cha, tổ tiên nhau ra mạt sát : họ cảm nhận rõ nguồn gốc nhân cách của nhau. Vì thế ta có thể xiêu lòng ngắm một nét họa của người thượng cổ trên vách đá. Vì thế người biết giết người để bảo vệ nhân cách của mình, của đồng loại, bảo vệ nhân giới. Không phải tình cờ, xưa nay, thiên hạ vẫn nghĩ nhân tình là nội dung cơ bản của nghệ thuật.
Nghệ thuật, để làm gì ?
Chẳng để làm gì hết. Ðể làm nghệ thuật. Ðể làm người. Hai câu đồng nghĩa. Trong thời đại cái gì cũng có thể mua, có thể bán, có thể xài, ai cũng khả nghi, nghệ thuật là một trong những không gian hiếm hoi của nhân cách.
Trần Đạo
2-1993
Chú thích
Tuy bài này đề cập tới vài quan điểm của Marx, Engels, Trần Ðức Thảo, khái niệm mâu thuẫn dùng trong bài này là khái niệm riêng, không trùng hợp với học thuyết mácxít. Ý kiến về quá trình hình thành khái niệm Ðẹp cũng vậy, tuy nội dung chủ yếu là của Trần Ðức Thảo.
Lý luận biện chứng dựa vào ba khái niệm khó hiểu của Hegel :
1) Thể đồng nhất của tương phản (identité des contraires).
2) Phủ định của phủ định (négation de la négation).
3) Lượng biến thành chất (transformation de la quantité en qualité).
Trần Ðức Thảo có phân tích sâu sắc khái niệm 3 trong Recherches dialectiques[19].
Sau đây, lối hiểu riêng về hai khái niệm đầu, xin trình bầy để thảo luận.
Câu một nói lên, ở mức trừu tượng nhất, tính thống nhất, vô ngã, vô thường của vật chất : vật chất (là) vận động, mọi hình thái tồn tại của nó đều có ngày biến dạng, chính vì chúng là hình thái vận động của vật chất. Một cách nói khác : chúng biến hoá do mâu thuẫn nội tại. Ðương nhiên, không thể hiểu mâu thuẫn nội tại như một cái gì ẩn nấp trong vật thể. Bửa một cục đá, chẳng bao giờ thấy một cái gì có thể gọi là mâu thuẫn nội tại của nó. Phải hiểu : cục đá, với tư cách là một hình thái tồn tại của vật chất, sẽ có ngày thành cát. Nguồn gốc sự nhập nhằng ở đây là thói quen suy nghĩ "cụ thể", "khách quan" của ta : chữ nội tại không áp dụng cho cục đá, nó áp dụng cho toàn bộ vật chất trong sự vận động liên miên của nó, qua đó cục đá hình thành và tiêu vong. Vật chất tự nó vận động, không cần một cái búng của Ðấng Thiêng Liêng ; hơn thế, giả dụ có một Ðấng Thiêng Liêng búng nó vận động thì, ngay sau đó, nó vận động theo quy luật của chính nó, Thượng Ðế không là giả thuyết cần thiết để hiểu sự vận động của vũ trụ. Những thí dụ Engels dùng để bàn về phép biện chứng trong Dialectique de la nature[20] làm ta khó chịu vì ông muốn cụ thể hoá ý tưởng của ông qua những hình ảnh thô thiển cho độc giả dễ tiếp thu. Ðiều này có thể hiểu được. Trong thời Engels, chưa có môn cấu trúc học (structuralisme) trong triết học. Nếu ta ý thức : cục đá là một cấu trúc vật chất lồng trong cấu trúc chung luôn luôn vận động của toàn bộ vật chất thì ta thấy đương nhiên nó phải thành cát bụi vì :
a/ nó không tồn tại độc lập với tổng thể vật chất.
b/ cấu trúc riêng của nó quy định tương lai nó : cát bụi.
Ðặc điểm của quan hệ tự phủ định của vật chất là : những vật thể phủ định lẫn nhau để cùng biến dạng. Trong quan hệ này, khái niệm môi giới không cần thiết, thậm chí vô lý. Trong quan hệ này, hoặc không có phủ định của phủ định, hoặc mọi phủ định đều là phủ định của phủ định, chẳng có gì khác nhau khiến ta phải tạo một khái niệm riêng. Có đặc biệt chăng là sự phủ định đầu tiên, khai sinh vũ trụ. Nhưng chuyện ấy còn là giả thuyết.
Khi xem xét tự nhiên ở mức trừu tượng nhất, không phân biệt sự vật, sinh vật, người, hay nói cách khác, chỉ xem xét người và sinh vật trong tính vật chất của chúng, những khái niệm tự phủ định, môi giới, phủ định của phủ định, phủ định thứ nhất, phủ định thứ hai, phủ định thứ ba và phủ định thứ tư của Hegel vô cùng khó hiểu và nan giải.
Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới thuần vật chất, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong thế giới sinh vật. Trong thế giới này, quá trình tự phủ định bao hàm hai hình thái. Hình thái thứ nhất xác nhận tính vật chất của sinh vật : một vật thể phủ định một vật thể khác để cả hai đều biến dạng. Quá trình này còn gọi là mâu thuẫn ngoại tại (tạm dịch từ contradiction externe), thể hiện quan hệ giữa sinh vật với thế giới xung quanh, nhìn từ "góc độ" của sinh vật (đương nhiên, từ "góc độ" của vật chất, nó là mâu thuẫn nội tại). Quan hệ này, như mọi quan hệ trong thế giới thuần vật chất, là quan hệ hủy diệt. Hình thái thứ hai thể hiện tính đặc thù của sinh vật : nó tự phủ định, xuyên qua quan hệ của nó với vật chất, để tái tạo chính nó. Nó trở thành nó xuyên qua vật chất. Trong hình thái này, những khái niệm môi giới và phủ định của phủ định gắn liền với khái niệm tự phủ định, không có gì khó hiểu : trong tư cách sinh vật, nồi cơm là môi giới giữa ta và ta, ta phủ định nồi cơm để trở thành ta, đồng thời ta phủ định thằng đói để trở thành thằng no. Rồi ta ỉa : ta phủ định thằng no để trở thành thằng đói. Hình thái thứ hai của quá trình tự phủ định còn gọi là mâu thuẫn nội tại (contradiction interne). Mao Trạch Ðông đã biến những khái niệm này thành mâu thuẫn đối kháng (phải dẫn đến tiêu diệt nhau) và mâu thuẫn nội bộ (không đối kháng, có thể dàn xếp với nhau). Triết học của ông "phản ánh quy luật" sinh tồn của thế giới sinh vật. Ðây cũng là nền tảng triết học của nhiều trường phái "khoa học" nhân văn hiện nay. Ngày nay, kinh tế là thần tượng của chính trị vì vậy. Cũng vì vậy, công dân bắt đầu có khuynh hướng khinh chính khách và trí thức, nhưng vẫn quý trọng nghệ sĩ. Xưa nghệ sĩ hay ăn bám quyền lực, nay chính khách thích ve vuốt nghệ sĩ. Dễ hiểu : tả và hữu, họ đều là học trò tồi của Marx.
Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới người, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong nhân giới. Trong thế giới này (thế giới của tư duy, của ngôn ngữ), quá trình tự phủ định của tự nhiên bao hàm thêm một hình thái. Trong hình thái thứ ba này, chính con người làm môi giới cho con người, con người trở thành người xuyên qua quan hệ với người khác. Không những nó phải không ngừng trở thành nó, xuyên qua tự nhiên, như mọi sinh vật, nó còn phải không ngừng trở thành người, xuyên qua nhân loại. Nó trở thành người vì nó là nhân loại, và nhân loại trở thành nhân loại xuyên qua cá nhân nó. Ngoài quan hệ ấy, chỉ có một bầy thú. Mâu thuẫn ấy là "không gian" vận động của kiến thức, khoa học, văn học, nghệ thuật, giá trị... Sông sẽ cạn, núi sẽ mòn. Nhưng lời thề khắc sâu vào xương tủy, nỗi đau nhân tình, 2+2=4, E=Mc 2, có thể "tồn tại" cho tới ngày loài người vong mạng. Khi ta rung cảm trước cánh chim lạc khắc trên trống đồng, khi ta buột miệng nói Con dại, cái mang, ta khẳng định điều ấy. Mẹ ơi, sao nỡ dậy con chữ Ðẹp !
Trần Đạo
[1] Thượng Ðế không là nghệ sĩ ; Ông François Mauriac cũng vậy.
[2] Thiên nhiên bắt chước nghệ thuật.
[3] Những người thợ xẻ, Nguyễn Huy Thiệp.
[4] chỉ có sức mạnh vật chất mới đánh quỵ được sức mạnh vật chất.
[5] Lênin có quan điểm nghệ thuật rõ ràng. Tuy vậy, ông không ưa giải quyết những vấn đề nghệ thuật bằng quyền lực. Xem một triển lãm tranh, ông đã từng than : phải chi có thời giờ tìm hiểu, sẽ khám phá biết bao điều làm phong phú học thuyết mácxít.
[6] không có vật chất phi vận động.Engels, Dialectique de la nature.
[7] không có gì tự diệt, không có gì tự sinh.
[8] Mọi sự đều phải suy tàn, mọi sự đều phải chết.
[9] Là cát bụi, ngươi sẽ trở về cát bụi.
[10] Hãy sinh sôi mạnh mẽ, hãy nhân lên, tràn ngập quả đất, và làm chủ nó...
[11] ngươi sẽ không giết người
[12] Ta là Tha nhân
[13] tạm dịch từ intentionnalité ; định nghĩa chính xác, xin xem Phénoménologie et matérialisme dialectique, Hiện tượng luận và duy vật biện chứng.
[14] khoảng cách giữa ngôn ngữ và hiện thực.
[15] Ngôn từ, J.P. Sartre
[16] êtreỞpourỞmourir kiểu Heidegger
[17] đồng nhất giữa ta và thiên nhiên
[18] đồng nhất giữa ta và tha nhân
[19] Nghiên cứu lý luận biện chứng.
[20] Biện chứng của tự nhiên
21/3/09
Tổ quốc Mĩ? Tác giả: Trần Ngọc Cư
Tổ quốc Mĩ?
Tác giả: Trần Ngọc Cư
Trong một số bản dịch, đặc biệt là bản dịch các bài diễn văn của Tổng thống Kennedy hoặc gần đây nhất của Tổng thống Obama, nhiều dịch giả đã dùng hai tiếng “Tổ quốc” để dịch các từ country và nation trong bản tiếng Anh. Chẳng hạn, câu nói thời danh của John F. Kennedy, “Ask not what your country can do for you, but what you can do for your country”, được một số sách báo dịch là, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi, ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Tương tự, một câu trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20-1-2009 của Tổng thống Barack Obama lại được một dịch giả khác chuyển thành: “Tôi cảm ơn Tổng Thống Bush về những cống hiến ông đã đóng góp cho tổ quốc, …” (Nguyên văn: I thank President Bush for his service to our nation…) Ở đây, chắc chắn đã có một sự thất thoát trong lúc dịch – lost in the translation, như người ta thường nói. Obama nhất định không gọi nước Mĩ là tổ quốc (the fatherland) vì bố của ông ta là công dân Kenya, một người đã rời bỏ nước Mĩ để trở về sống và chết trên mảnh đất quê hương ở Châu Phi. Đồng thời, hàng chục triệu công dân Mĩ, trong đó có người Mĩ gốc Việt, đang lắng nghe bài diễn văn nhậm chức tổng thống hôm đó, chắc chắn hãy còn thấy ngờ ngợ nếu phải gọi USA bằng hai tiếng “Tổ quốc”. Nói thế khác, Hoa Kì là một trường hợp đặc thù mà đa số công dân không gọi đất nước (hay quê hương thứ hai) của mình là Tổ quốc. Nếu một vị tổng thống Mĩ gọi U.S.A. là tổ quốc (“our fatherland”), ông ta đã không nói chuyện với toàn thể nhân dân Mĩ, ông ta đã loại ra ngoài khối thính giả của mình chí ít vài ba thế hệ các công dân nhập cư (immigrants). Ông ta có thể bị đánh giá là thiếu nghiêm chỉnh chính trị (politically incorrect), và chắc chắn ông ta đã không bao giờ có cơ may vào được Nhà Trắng.
Hầu hết phần còn lại của thế giới không hề có vấn đề với tính nhị nguyên (duality) trong cách gọi quê hương của mình. Đối với người Việt chúng ta cũng như đối với đa số các dân tộc trên địa cầu, đất nước và tổ quốc là một, vì đại khối quần chúng cùng sống trên một lãnh thổ cũng có cùng một nguồn gốc tiên tổ (như thể một đại gia đình), một gia tài văn hoá và thậm chí cùng một đức tin. Hễ nói đến người Việt Nam thì chúng ta nghĩ đến các vua Hùng dựng nước, nghĩ đến “con rồng cháu tiên”; nói đến người Trung Quốc, chúng ta nghĩ đến Hán tộc; nói đến Nhật bản, chúng ta nghĩ đến Thái dương Thần nữ. Người Do Thái thậm chí còn tin mình là tuyển dân của Thiên Chúa (a God-chosen people). Đối với những dân tộc này, tổ quốc là một thực thể thiêng liêng, có khả năng đánh động lên phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi một con dân. Cho dù Huy Cận viết ra bài thơ với mục đích kiều vận, nhiều người vẫn thấy lòng mình rung động với những câu sau đây:
Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước
Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân,
Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước
Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần.
(Huy cận, “Tổ quốc”, 1969)
Ý niệm tổ quốc luôn luôn đi đôi với chủ nghĩa dân tộc (ethnic nationalism), thậm chí là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vốn là đầu mối của hai cuộc thế chiến của Thế kỉ 20 và vẫn còn là động cơ nhanh nhạy thúc đẩy các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia hiện nay, đặc biệt giữa một số thành viên cũ của khối Xô-viết. Không có dấu hiệu chủ nghiã dân tộc sẽ tàn lụi, mà trái lại chủ nghĩa này càng ngày càng ngóc đầu dậy trên nhiều miền thế giới. Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc đã biểu hiện thô lỗ như thế nào trong thời gian người láng giềng phương bắc nước ta đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008. Hằng trăm websites của người Hoa khắp thế giới đã dùng những lời lẽ rất khiếm nhã để phản bác những ai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của “Tổ quốc” họ, để rủa sả Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người biểu tình Tây Tạng.
Nhưng nước Mĩ là một trường hợp đặc thù. Hoa Kì là quốc gia của những người di dân (a nation of immigrants), là một môi trường tụ cư và hội nhập (the melting pot) của nhiều sắc dân đến từ nhiều miền của thế giới, một thực thể được phản ánh nghiêm chỉnh trong châm ngôn E pluribus unum (out of many, One -hợp chúng vi nhất), như được ghi trên tờ Mỹ kim, trên quốc ấn của Hoa Kì (the Great Seal of the U.S.), chiếc khuôn dấu đóng vào các văn kiện quốc gia. Nhân dân Mĩ không phải là một dân tộc, nhưng gồm có nhiều chủng tộc sống cọ xát nhau trong hoà bình. Chỉ vài ba thế hệ sau khi đến định cư trên đất Mĩ, bản sắc dân tộc của người di dân dần dần mất đi, xuyên qua quá trình hội nhập văn hóa và các cuộc hôn nhân dị chủng. Phóng chiếu kinh nghiệm của mình lên phần còn lại của thế giới, người Mĩ có khuynh hướng khinh thường chủ nghĩa dân tộc. Họ có thể đặt đất nước mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa (a nation under God), nhưng họ không lập ra bàn thờ Tổ quốc.
Tuy nhiên, không ai chối cãi rằng chủ nghĩa dân tộc cũng đã một thời chi phối chính trị Hoa Kì, tức là vào giai đoạn lịch sử mà đa số còn tin tưởng rằng chỉ có những người gốc Anh hoặc tín đồ Tin Lành, hoặc da trắng, hoặc đến từ Bắc Âu mới thực sự là người Mĩ — WASP (White, Anglo-Saxon, Protestant) là căn cước dân tộc Mĩ lúc bấy giờ. Chủ nghĩa dân tộc này một phần nào đã củng cố chế độ kì thị chủng tộc. Vì thế, cùng với những thắng lợi của cuộc tranh đấu dân quyền, việc cải tổ luật di trú năm 1965 đã bãi bỏ chế độ hạn ngạch dựa trên nguồn gốc dân tộc (the system of national-origin quotas), một chế độ đã hiện hữu hàng chục năm trước đó, một chế độ đã cấm hẳn việc nhập cư của người Châu Á và triệt để hạn chế việc nhập cư của người Nam Âu và Đông Âu.
Nhưng hiện nay tất cả người Mĩ cùng sống trong biên giới của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kì bất chấp nguồn gốc chủng tộc và tôn giáo đều chia sẻ một số nguyện vọng và quyền lợi nòng cốt — như tự do cá nhân, chế độ dân chủ đa nguyên, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tư hữu, tính đa dạng văn hóa v.v… Chính những yếu tố này đã tạo nên giềng mối và bản sắc quốc gia của Hoa Kì. Do đó, lòng ái quốc của người Mĩ được biểu hiện trong các nỗ lực bảo vệ lý tưởng và quyền lợi quốc gia hơn là để “đáp lời sông núi” nhằm khẳng định chủ quyền của giới thống trị, theo kiểu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Có thể nói, người Mĩ đi theo chủ nghĩa quốc gia thông thoáng (liberal nationalism) hơn là tôn thờ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (ethno-nationalism).
Qua những thiển nghĩ đã trình bày ở trên, người viết bài này đề nghị : không nên dùng cụm từ “dân tộc Mĩ” để chỉ “dân Mĩ” hay “nhân dân Mĩ” vì trên lãnh thổ Hoa Kì có hàng chục chủng tộc sinh sống bình đẳng với nhau, không nên dùng “Tổ quốc Mĩ” thay cho “nước Mĩ” vì nhân dân Mĩ có đến hàng trăm tổ quốc. Nói cho rốt ráo, người Mĩ nghiêng về chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và không coi trọng chủ nghiã dân tộc.
Tác giả: Trần Ngọc Cư
Trong một số bản dịch, đặc biệt là bản dịch các bài diễn văn của Tổng thống Kennedy hoặc gần đây nhất của Tổng thống Obama, nhiều dịch giả đã dùng hai tiếng “Tổ quốc” để dịch các từ country và nation trong bản tiếng Anh. Chẳng hạn, câu nói thời danh của John F. Kennedy, “Ask not what your country can do for you, but what you can do for your country”, được một số sách báo dịch là, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi, ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Tương tự, một câu trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20-1-2009 của Tổng thống Barack Obama lại được một dịch giả khác chuyển thành: “Tôi cảm ơn Tổng Thống Bush về những cống hiến ông đã đóng góp cho tổ quốc, …” (Nguyên văn: I thank President Bush for his service to our nation…) Ở đây, chắc chắn đã có một sự thất thoát trong lúc dịch – lost in the translation, như người ta thường nói. Obama nhất định không gọi nước Mĩ là tổ quốc (the fatherland) vì bố của ông ta là công dân Kenya, một người đã rời bỏ nước Mĩ để trở về sống và chết trên mảnh đất quê hương ở Châu Phi. Đồng thời, hàng chục triệu công dân Mĩ, trong đó có người Mĩ gốc Việt, đang lắng nghe bài diễn văn nhậm chức tổng thống hôm đó, chắc chắn hãy còn thấy ngờ ngợ nếu phải gọi USA bằng hai tiếng “Tổ quốc”. Nói thế khác, Hoa Kì là một trường hợp đặc thù mà đa số công dân không gọi đất nước (hay quê hương thứ hai) của mình là Tổ quốc. Nếu một vị tổng thống Mĩ gọi U.S.A. là tổ quốc (“our fatherland”), ông ta đã không nói chuyện với toàn thể nhân dân Mĩ, ông ta đã loại ra ngoài khối thính giả của mình chí ít vài ba thế hệ các công dân nhập cư (immigrants). Ông ta có thể bị đánh giá là thiếu nghiêm chỉnh chính trị (politically incorrect), và chắc chắn ông ta đã không bao giờ có cơ may vào được Nhà Trắng.
Hầu hết phần còn lại của thế giới không hề có vấn đề với tính nhị nguyên (duality) trong cách gọi quê hương của mình. Đối với người Việt chúng ta cũng như đối với đa số các dân tộc trên địa cầu, đất nước và tổ quốc là một, vì đại khối quần chúng cùng sống trên một lãnh thổ cũng có cùng một nguồn gốc tiên tổ (như thể một đại gia đình), một gia tài văn hoá và thậm chí cùng một đức tin. Hễ nói đến người Việt Nam thì chúng ta nghĩ đến các vua Hùng dựng nước, nghĩ đến “con rồng cháu tiên”; nói đến người Trung Quốc, chúng ta nghĩ đến Hán tộc; nói đến Nhật bản, chúng ta nghĩ đến Thái dương Thần nữ. Người Do Thái thậm chí còn tin mình là tuyển dân của Thiên Chúa (a God-chosen people). Đối với những dân tộc này, tổ quốc là một thực thể thiêng liêng, có khả năng đánh động lên phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi một con dân. Cho dù Huy Cận viết ra bài thơ với mục đích kiều vận, nhiều người vẫn thấy lòng mình rung động với những câu sau đây:
Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước
Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân,
Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước
Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần.
(Huy cận, “Tổ quốc”, 1969)
Ý niệm tổ quốc luôn luôn đi đôi với chủ nghĩa dân tộc (ethnic nationalism), thậm chí là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vốn là đầu mối của hai cuộc thế chiến của Thế kỉ 20 và vẫn còn là động cơ nhanh nhạy thúc đẩy các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia hiện nay, đặc biệt giữa một số thành viên cũ của khối Xô-viết. Không có dấu hiệu chủ nghiã dân tộc sẽ tàn lụi, mà trái lại chủ nghĩa này càng ngày càng ngóc đầu dậy trên nhiều miền thế giới. Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc đã biểu hiện thô lỗ như thế nào trong thời gian người láng giềng phương bắc nước ta đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008. Hằng trăm websites của người Hoa khắp thế giới đã dùng những lời lẽ rất khiếm nhã để phản bác những ai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của “Tổ quốc” họ, để rủa sả Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người biểu tình Tây Tạng.
Nhưng nước Mĩ là một trường hợp đặc thù. Hoa Kì là quốc gia của những người di dân (a nation of immigrants), là một môi trường tụ cư và hội nhập (the melting pot) của nhiều sắc dân đến từ nhiều miền của thế giới, một thực thể được phản ánh nghiêm chỉnh trong châm ngôn E pluribus unum (out of many, One -hợp chúng vi nhất), như được ghi trên tờ Mỹ kim, trên quốc ấn của Hoa Kì (the Great Seal of the U.S.), chiếc khuôn dấu đóng vào các văn kiện quốc gia. Nhân dân Mĩ không phải là một dân tộc, nhưng gồm có nhiều chủng tộc sống cọ xát nhau trong hoà bình. Chỉ vài ba thế hệ sau khi đến định cư trên đất Mĩ, bản sắc dân tộc của người di dân dần dần mất đi, xuyên qua quá trình hội nhập văn hóa và các cuộc hôn nhân dị chủng. Phóng chiếu kinh nghiệm của mình lên phần còn lại của thế giới, người Mĩ có khuynh hướng khinh thường chủ nghĩa dân tộc. Họ có thể đặt đất nước mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa (a nation under God), nhưng họ không lập ra bàn thờ Tổ quốc.
Tuy nhiên, không ai chối cãi rằng chủ nghĩa dân tộc cũng đã một thời chi phối chính trị Hoa Kì, tức là vào giai đoạn lịch sử mà đa số còn tin tưởng rằng chỉ có những người gốc Anh hoặc tín đồ Tin Lành, hoặc da trắng, hoặc đến từ Bắc Âu mới thực sự là người Mĩ — WASP (White, Anglo-Saxon, Protestant) là căn cước dân tộc Mĩ lúc bấy giờ. Chủ nghĩa dân tộc này một phần nào đã củng cố chế độ kì thị chủng tộc. Vì thế, cùng với những thắng lợi của cuộc tranh đấu dân quyền, việc cải tổ luật di trú năm 1965 đã bãi bỏ chế độ hạn ngạch dựa trên nguồn gốc dân tộc (the system of national-origin quotas), một chế độ đã hiện hữu hàng chục năm trước đó, một chế độ đã cấm hẳn việc nhập cư của người Châu Á và triệt để hạn chế việc nhập cư của người Nam Âu và Đông Âu.
Nhưng hiện nay tất cả người Mĩ cùng sống trong biên giới của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kì bất chấp nguồn gốc chủng tộc và tôn giáo đều chia sẻ một số nguyện vọng và quyền lợi nòng cốt — như tự do cá nhân, chế độ dân chủ đa nguyên, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tư hữu, tính đa dạng văn hóa v.v… Chính những yếu tố này đã tạo nên giềng mối và bản sắc quốc gia của Hoa Kì. Do đó, lòng ái quốc của người Mĩ được biểu hiện trong các nỗ lực bảo vệ lý tưởng và quyền lợi quốc gia hơn là để “đáp lời sông núi” nhằm khẳng định chủ quyền của giới thống trị, theo kiểu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Có thể nói, người Mĩ đi theo chủ nghĩa quốc gia thông thoáng (liberal nationalism) hơn là tôn thờ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (ethno-nationalism).
Qua những thiển nghĩ đã trình bày ở trên, người viết bài này đề nghị : không nên dùng cụm từ “dân tộc Mĩ” để chỉ “dân Mĩ” hay “nhân dân Mĩ” vì trên lãnh thổ Hoa Kì có hàng chục chủng tộc sinh sống bình đẳng với nhau, không nên dùng “Tổ quốc Mĩ” thay cho “nước Mĩ” vì nhân dân Mĩ có đến hàng trăm tổ quốc. Nói cho rốt ráo, người Mĩ nghiêng về chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và không coi trọng chủ nghiã dân tộc.
20/3/09
Thiện Ý : Vì sao đạo đức băng hoại
Vì sao đạo đức băng hoại
21/03/2009 | 3:41 sáng |
Tác giả: Thiện Ý
Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng và giáo sư Huệ Chi đã có bài viết sâu sắc khuyến khích tôi cầm bút hưởng ứng các anh tiếp tục tìm nguyên nhân băng hoại đạo đức.
Những kẻ gây “thảm họa mang tên hoa” còn có thể tự bào chữa là tìm… “một cách giải tỏa tâm lý… sau những tháng ngày chịu sự cai quản nhiều khi khiên cưỡng của cả một hệ thống” (Hoàng Hưng). Tuy nhiên mấy năm qua, chúng ta từng chứng kiến những hành vi thấp hèn hơn thú vật như: Ông phó văn phòng UBND Hà Nội không cho mẹ đẻ dùng chung toa let; bà mẹ liệt sĩ ở Quảng Bình bị con trai và cháu nội của mình hành hạ đến chết; ở Gò Vấp một người hàng xóm quá bất bình đã quay được đoạn video clip ông con trai tát mẹ mình; ở Bình Phước, một bà mẹ đã cắt gân chân đứa con lên 3 tuổi. Ông giám đốc công trình Đại lộ Đông Tây ăn hối lộ của người Nhật. Bà Tổng giám đốc ở Huế lấy cắp đồng hồ bị bắt ở Thái Lan. Các nhà hàng buffet ở Singapore treo bảng bằng tiếng Việt: “Chỉ lấy thức ăn vừa đủ” (không có bảng viết tiếng Anh). Nhiều cán bộ chính quyền cấp xã, cấp huyện ở nhiều tỉnh đã ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo dịp Tết Kỷ Sửu… Đó những biểu hiện của sự sa đọa đến cùng cực của đạo đức.
1. Đạo đức truyền thống Việt Nam
Đạo đức Việt Nam hình thành trên cơ sở tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc: Thương người như thể thương thân, Bầu ơi thương lấy bí cùng, Một giọt máu đào hơn ao nước lã… Tam cương ngũ thường của Trung Quốc vào nước ta đã được Việt Nam hóa theo tầm cao nhân văn ấy. Dân tộc ta luôn bị ngoại bang đe dọa, cho nên nợ nước nặng hơn ơn vua. Triều Nguyễn dời đô vào Huế, vị thế của vua thấp xuống một bậc trong lòng dân. Rồi họa mất nước làm cho lòng dân càng nặng nợ nước, coi thường vua. Chữ Hiếu của ta không thiên lệch về người cha như ở Trung Quốc mà “công cha” ngang bằng với “nghĩa mẹ”. Trung Quốc buộc “phu xướng phụ tùy”, còn chúng ta đặt “vợ “trước “chồng” và khuyên “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Như nhiều nước châu Á, chúng ta xếp các hạng người trong xã hội thành “tứ dân” theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công,Thương. Sĩ là người có học, là tấm gương “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho xã hội noi theo. Ông đồ, thầy giáo được cả xã hội kính trọng: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Không thầy đố mày làm nên. Quan lại cũng là người có học nhưng phải được xét xem có thanh liêm hay không mới được kính trọng.
Có nhiều sách đề cao hiếu nghĩa như: Gia huấn ca, Nhị thập tứ hiếu, phê phán kẻ xấu đề cao người ngay như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Đạo đức, nhất là đạo hiếu được dạy từ khi trẻ học nói, học vỡ lòng.
Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, toàn dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu giành độc lập. Đạo đức truyền thống được giữ vững và tôn cao. Các bà mẹ nhận chiến sĩ Vệ quốc đoàn là con, lo cho từng miếng cơm, manh áo. Chiến sĩ đi đến đâu cũng được sống trong tình ruột thịt. Cán bộ cách mạng dù là ở cấp nào cũng được dân chúng xem là con em mình. Trong buổi nói chuyện với đoàn cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam), Tổng Bí thư Lê Duẩn kể: “Các bà má ở Tháp Mười biết tôi là bí thư Trung ương cục, nhưng khi tôi đến nhà vẫn hỏi: ‘Thằng Ba mầy ăn cơm chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ngồi vào.’” Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cần đóng cửa.
Mấy năm sau, bắt đầu được nghe rằng: Cách mạng tháng Tám đã thành lập Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cùng với Nhà nước Công Nông, ý thức hệ cộng sản dần dần lên ngôi. Đầu những năm 50 trở đi, những cuộc cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo công thương nghiệp được thực hiện. Từ đó, nhiều phen đạo đức truyền thống bị đánh trọng thương.Từ đó, một hệ thống đạo đức mới có tính giai cấp được đặt ra. Và cũng từ đó, bắt đầu quá trình xuống cấp đạo đức dân tộc.
2. Đoạn tuyệt với tư tưởng cổ truyền
Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa chịu sự lãnh đạo của các Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, việc xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới đều na ná như nhau. Do đó, chúng ta cùng nghe lại ý kiến của Mác-Ănghen ở “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong phần 2, “Những người vô sản và những người cộng sản” (Nhà xuất bản Sự Thật trang 77), đoạn nói vì sao phải xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới:
“… Có người sẽ bảo: “Cố nhiên là những quan điểm tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền v.v… đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền vẫn luôn được bảo tồn qua những biến đổi ấy.
Vả lại còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý v.v… chung cho tất cả mọi chế độ xã hội.Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xóa bỏ những chân lý vĩnh cửu, nó xóa bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới tôn giáo và đạo đức; làm như thế là trái ngược với tất cả sự phát triển lịch sử trước kia.”
Lời buộc tội ấy rốt cuộc lại là gì? Lịch sử của tiến bộ xã hội từ trước đến nay đều diễn ra trong đối kháng giai cấp, những đối kháng mang những hình thức khác nhau tùy từng thời đại.
Nhưng dù những đối kháng ấy mang hình thức nào đi nữa, hiện tượng một bộ phận này của xã hội bóc lột một bộ phận khác cũng vẫn là một hiện tượng chung cho tất cả các thế kỷ trước kia.
Vậy không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng ý thức xã hội của mọi thế kỷ mặc dù có muôn màu muôn vẻ và hết sức khác nhau vẫn vận động trong một số hình thức chung nào đó, trong những hình thức ý thức chỉ hoàn toàn tiêu tan khi hoàn toàn không còn có đối kháng giữa các giai cấp nữa.
Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với tư tưởng cổ truyền…”
Từ những năm 50, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đặt lại vị trí tứ dân như sau: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Giai cấp nông dân là quân chủ lực cách mạng. Nông dân lại chia thành: Cố nông, bần nông và trung nông. Cố nông, bần nông được coi là cốt cán rất tin cậy, còn trung nông lại chia thành trung nông lớp dưới được tin cậy hơn và trung nông lớp trên ít được tin cậy. Phú nông là những người vừa lao động vừa bóc lột, cần phải tước bỏ tính bóc lột của họ. Địa chủ từ nay không được coi là thành phần yêu nước mà là đối tượng phải triệt để tiêu diệt để giải phóng dân cày… Trí thức được kèm thêm tính từ “tiểu tư sản” và được đánh giá là có lập trường bấp bênh, dao động không vững vàng cần phải theo dõi, uốn nắn. Những người làm thương nghiệp bị coi là tệ hại nhất. Giai cấp tư sản nói chung là đối tượng mà cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiêu diệt, nhưng tư sản thương nghiệp được gọi là “bọn mại bản” phải diệt trước tiên. Việc buôn bán do thương nghiêp quốc doanh nắm hết. Từ “thương nghiêp” bị từ “phân phối” lấn dần. Người buôn bán nhỏ bị gọi một cách khinh thị là “con phe”, “bọn phe phẩy”.
Từ đây không còn thực sự đại đoàn kết mà chuyển sang đấu tranh giai cấp triền miên. Đạo đức truyền thống đặt xuống dưới ý thức hệ cộng sản. Đảng,chính quyền và các đoàn thể liên tục mở các đợt chỉnh huấn, phê, tự phê bình để xóa bỏ quan điểm, lập trường, ý thức hệ cũ, xây dựng quan điểm, lập trường giai cấp vô sản, đạo đức cách mạng vô sản.
Đạo đức cao nhất của mọi người là trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê mà cụ thể là thực hiện thắng lợi Nghị quyết của ĐCSVN, để đấu tranh tiêu diệt các giai cấp thù địch, xây dựng thành công CNXH và CNCS. Lời Bác Hồ dạy “trung với nước” đã bị sửa thành “trung với Đảng”. Theo Lênin thì Đảng Cộng sản là công cụ của giai cấp công nhân để tiến hành cách mạng vô sản, nhưng rồi với nguyên tắc dân chủ tập trung, lãnh tụ Đảng trở thành Thượng đế và Đảng trở thành một thứ tôn giáo. Lãnh tụ của quốc tế cộng sản còn đáng kính yêu hơn cả cha mẹ mình: “Vui biết mấy khi con học nói.Tiếng đầu đời con gọi Stalin” (Tố Hữu).
Xã hội Việt Nam dần dần mất hẳn tính dân sự mà trở thành xã hội chính trị. Từ nhi đồng đến phụ lão, mọi giới, mọi tầng lớp giai cấp đều gia nhập đoàn thể chính trị, thường xuyên kiểm điểm quan điểm lập trường cách mạng. Nhiệm vụ cao cả của đoàn thể thiếu nhi là vượt “kế hoạch nhỏ” chứ không phải giúp nhau trở thành đứa con hiếu thảo. Đoàn Thanh niên là cánh tay, là lực lượng hậu bị của Đảng. Công đoàn là công cụ của Đảng để tập hợp công nhân. Yêu nước phải là yêu nước xã hội chủ nghĩa. Chữ Hiếu truyền thống cũng bắt đầu bị xem lại, và có thang bậc nội dung mới.
Trong cuộc chỉnh Đảng TW khóa 2, Bác Hồ nói:
“Có người nói người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cộng sản có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có! Người cách mạng nhất là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ Hiếu theo tinh thần cách mạng rộng rãi như vậy… Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.
Đó là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 389)
Đạo đức cũ khi nói về “tề gia trị quốc”, sách Đại học (quyển 1 của Tứ Thư) viết: “Bảo rằng muốn trị nước, tất trước phải điều chỉnh trong nhà. Nghĩa là không dạy được trong nhà thì không thể dạy được người ngoài… Có hiếu là biết phụng sự vua. Có đễ là biết phụng sự người lớn” và “Một nhà có nhân, một nước cũng phấn khởi mà có nhân”…
Ta thấy đạo đức xưa chỉ dạy phụng sự vua cũng là có hiếu với cha mẹ, chứ không đòi con cái phải chọn việc phụng sự vua mà hy sinh cha mẹ.
Có lẽ vì “cách mạng chọn gia đình to”, hy sinh “gia đình nhỏ” mới thể hiện được triệt để tư tưởng tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân mà “5 điều Bác Hồ dạy” cho trẻ từ bậc tiểu học, trung học không có điều nào dạy con cái phải hiếu thảo kính yêu cha mẹ, ông bà. Cha mẹ, ông bà của gia đình nhỏ đã được đặt trong gia đình lớn: “Yêu Tổ quốc,yêu đồng bào”.
Trong quyển hồi ký Chuyện làng ngày ấy, nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện chùa chiền miếu mạo bị hoang phế’, mồ mả ông bà bị tập thể hóa,… Đó là hành động cực đoan của những người vừa mới “giác ngộ ý thức hệ vô sản.” Tiếp theo đó, trong hồi ký Cọng rêu dưới đáy ao, Võ Văn Trực cũng kể rất cụ thể những chuyện buộc người ta hy sinh mọi lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể.
Sau khi vào miền Nam chiến đấu nhiều năm, trở ra Hà Nội, nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả quyển Sống như anh) tâm sự với vài đồng chí chúng tôi: “Đảng mình có trách nhiệm đã làm xuống cấp đạo đức của người dân Hà Nội. Hồi mình đi học, mỗi khi thấy đám ma từ xa, bọn mình đã xuống xe đạp, giở mũ cúi đầu, chờ xe tang đi qua. Còn nay bọn trẻ ngang nhiên phóng xe, lại còn chửi thề tại sao xe tang đi chậm”.
3. Đạo đức cách mạng
Ý thức hệ cộng sản đòi hỏi một nền đạo đức mới mang tính giai cấp vô sản, giai cấp mang sứ mệnh đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Đạo đức vô sản xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, lợi ích cá nhân phải nhường cho lợi ích tập thể. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nội dung đạo đức cách mạng gồm: Trung với nước, hiếu với dân; Đảng là đạo đức là văn minh; Yêu thương chăm sóc cho con người; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Cần, kiệm, liêm, chính; Chí công vô tư.
Chí công vô tư là một khái niệm đạo đức cũ. Chí công là rất công bằng, vô tư là không có lòng riêng khi làm việc chung. Khái niệm đạo đức này dành cho các quan chức, chứ không phải chung cho mọi người. Nhưng cụ Hồ nâng ý nghĩa cụm từ này thành nội dung đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Trong Đảng ta có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư “cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân” (Toàn tập, tập 4, trang 470). Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân sinh ra 10 chứng bệnh. Người nhiều lần kêu gọi “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo cách hiểu phổ biến là triệt tiêu cái riêng, đưa cái chung, cái “tập thể” lên địa vị độc tôn. Thậm chí phải có chí công vô tư thì mới thực hiện được cần kiệm liêm chính. Trong thời chiến lời kêu gọi quên mình đi dễ được mọi người chấp nhận. Nhưng thật ra trước khi chấp nhận hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, không phải người ta quên bản thân mình mà chính lúc ấy con người càng có ý thức rất cao về mạng sống, về trách nhiệm và danh dự của cá nhân mình đối với dân tộc. Đó là khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời của mỗi cá nhân.
Có 2 điều trong các nội dung đạo đức cách mạng kể trên, càng ngày càng tỏ ra không thể thực hiện được là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân và Chí công vô tư. Chí công, đồng ý thôi, nhưng sao lại “vô tư”, phải quên mình trong cuộc sống bình thường? Tại sao không phải là hài hòa lợi ích công-tư? Tại sao những nhu cầu chính đáng của con người lai bị coi là đòi hỏi của chủ nghĩa cá nhân? Yêu cầu vô lý đó đã bóp nghẹt sức sáng tạo của quần chúng. Nhưng tại sao chỉ có giới văn nghệ sĩ phản ứng mạnh nhất và họ phải bị đè bẹp bằng vụ án Nhân văn-Giai phẩm? Đó là bởi đặc thù của lao động văn học nghệ thuật đòi hỏi phải được sự tự do cá nhân tuyệt đối!
Chủ nghĩa tập thể tạo ra thói vô trách nhiệm: Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Của chùa mạnh ai nấy xâu xé. Mọi hư hỏng sai lầm không quy được cho cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Những ai tham gia kháng chiến chống Pháp đều biết giai thoại này: Bọn Năm Lửa, Ba Gà Mổ bảo nhau “Bọn Việt Minh hội họp liên miên không còn thì giờ đánh mình, nếu chúng nó bớt hội họp thì nguy cho mình lắm!”. Từ đó đến nay đã hơn 60 năm, mặc cho mọi lời kêu gọi giảm hội họp, bệnh nghiện họp vẫn tỏ ra nan y! Tại sao vậy? Bởi vì các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đều rất cần có quyết định của tập thể để phòng khi công việc thất bại sẽ không có ai phải bị giơ đầu ra chịu báng!
Tuy ý thức hệ được đặt trên đạo đức truyền thống, nhưng lạ thay, tất cả các Đảng
Cộng sản đều tôn thờ chủ nghĩa lý lịch, rất coi trọng thành phần gia đình. Đời ông đời cha đã là “kẻ thù giai cấp” thì đời con thậm chí đời cháu cũng không được tin dùng. Khi chống đối nhau, người ta tìm mọi cách truy thành phần gia đình và các mối quan hệ với “kẻ thù cách mạng” để bôi nhọ nhau. Ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị săm soi lý lịch. Có đảng viên lấy chồng nước ngoài hoặc Việt kiều đã bị gợi ý làm đơn xin ra khỏi Đảng và xin thôi việc (chị Thúy Hà, đảng viên ưu tú, thư ký tòa soạn báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh lấy chồng Việt kiều phải làm đơn xin ra Đảng). Do đó cán bộ đảng viên khai man lý lịch, che giấu việc làm trong quá khứ rất phổ biến!
Đảng kêu gọi tự do tư tưởng, coi đó là quy luật tiến bộ. Tuy nhiên, tự do tư tưởng phải trong vòng “kim cô” của Nghị quyết Đảng. Những người phát huy tự do tư tưởng ra ngoài quỹ đạo như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai và sau này là Trần Độ… bị coi là những phần tử chống Đảng. Để tránh bị quy chụp, nhiều đảng viên nghĩ một đằng nói một nẻo. Nhà văn Nguyễn Khải, một đảng viên 60 tuổi đảng, trong tùy bút chính trị cuối cùng (dặn người nhà chỉ công bố sau khi mình đã chết) có những câu nghe thê thảm: “Nói cũng sợ, vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản”. Thật ra số đông đảng viên đều có tâm trạng giống như Nguyễn Khải mà chưa dám thổ lộ!
Không có tự do cạnh tranh, các nước theo chủ nghĩa xã hội dùng phong trào thi đua để thúc đẩy sức sáng tạo.Tuy nhiên ngay khi ra đời hình thức này đã gây ra tệ nạn báo cáo láo. Ở miền Bắc ai cũng đã nghe chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trại lợn hợp tác xã. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy lợn cắn nhau quá dữ dội! Thì ra chủ nhiệm trại lợn đã có “sáng kiến” mượn lợn cá thể của các gia đình đem nhốt chung vào chuồng hợp tác xã, để báo cáo Thủ tướng về tốc độ phát triển thần kỳ của chăn nuôi tập thể, chứng minh tính ưu việt không thể chối cãi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân làm sa sút ngành giáo dục cũng là do phong trào thi đua “dạy tốt học tốt”.
Không có đối lập, chủ nghiã xã hội khuyến khích phê bình, tự phê binh bù cho ý kiến phản biện. Nhưng thực tế cho thấy hình thức này chỉ khuyến khích thói che giấu sai sót và bới móc lẫn nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ.
Nền đạo đức có tính giai cấp xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đặt ra khuôn mẫu xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” theo kiểu dùng chiếc giường Procuste, đặt con người lên đó, ai dài thì chặt bớt cho vừa, ai ngắn thì phải kéo cho dài ra! Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người giai cấp, mọi tính người hình thành trong lịch sử là của giai cấp tư sản cần phải cắt bỏ không thương tiếc! Cho đến ngày phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, con người mới kiểu đó vẫn chỉ là ảo ảnh. Ngay có người là ủy viên Bộ Chính trị bị phát hiện không phải con người mới! (Nhân đây xin nói, chính Bác Hồ cũng có nhầm lẫn khi nói “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, vì chủ nghĩa Mác cho rằng vật chất có trước ý thức.)
Nền đạo đức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể tạo ra “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật” (Tùy bút của Nguyễn Khải). Cách đây hơn nửa thế kỷ, triết gia, nhà văn Ayn Rand (Hoa Kỳ) đã viết rằng: “Chủ nghĩa tập thể giữ nguyên những nguyên tắc đạo đức tôn giáo. Có điều họ thay từ “Chúa” bằng từ “Xã hội” để đẩy con người vào chỗ tự hi sinh làm vật tế thần” (Lời tựa lần tái bản quyển The Fountainhead).
4. Chủ nghĩa tập thể là “vũ khí hữu hiệu”?
Chiến tranh liên miên làm cho người dân kiên nhẫn chấp nhận cơ chế toàn trị xã hội chủ nghĩa, với đạo đức cách mạng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như nhà thơ Hoàng Hưng là “Chủ nghĩa tập thể cực đoan lên ngôi ở miền Bắc, trở thành vũ khí hữu hiệu trong thời chiến. Chính nó đã đánh bại con người cá nhân của chế độ miền Nam.”
Không phải! Chế độ Sài Gòn (và cả Hoa Kỳ, quốc gia sinh ra và nuôi dưỡng chế độ này, đã đưa hơn nửa triệu quân sang bảo vệ nó) không thua chủ nghĩa tập thể, không thua ý thức hệ cộng sản mà phải sòng phẳng nói rằng, họ đã thua chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (Tức nhiên là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo). Chính McNamara, cựu Bộ trưởng Chiến tranh của Hoa Kỳ cũng đã nhận ra điều ấy trong quyển hồi ký của ông. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta có thể dẫn chứng trường hợp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nơi chủ nghĩa tâp thể cực đoan được tung hô mạnh mẽ nhất trong thế giới cộng sản, lại được hằng triệu quân Trung cộng yểm trợ, thế mà vẫn không thể đánh bại được “con người cá nhân”của Hàn quốc! Chỉ vì họ không làm được cuộc Cách mạng tháng Tám như Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó không nắm được dân tộc.
Có thể nói không sợ sai là “Chỉ có thực hiện dân chủ thì mới phát huy hết sức mạnh của nhân dân”. Nếu như một nhà nước dân chủ mà bị số đông dân chúng phản đối thì chắc chắn rằng chính sách của nhà nước ấy đang có sai lầm. Ví dụ phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ nổ ra là khi họ nhận ra đây không chỉ là cuộc chiến ý thức hệ (dù Hoa Kỳ và các cường quốc khác cố tạo ra điều đó) mà là sự xâm lược, đàn áp một dân tộc. Phải xem đó là chỗ mạnh của xã hội dân chủ chớ đừng cho là chỗ yếu. Nhờ có chế độ dân chủ mà Mỹ, một siêu cường, đã sớm rút quân sau 5 năm (1965-1969), còn Việt Nam dù có lý do chính đáng là chống bọn Khmer Đỏ diệt chủng, nhưng đã có mặt ở Campuchia tới 10 năm, trong khi nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn và bị bao vây cấm vận.
Các nhà nghiên cứu có quan điểm chống cộng cho rằng có nhiều đảng viên cộng sản yêu nước,nhưng Đảng Cộng sản thì không! Các bạn ấy nên nhớ rằng Nguyễn Ái Quốc chịu theo Quốc tế Cộng sản chỉ vì đọc “Luận cương giải phóng dân tộc” của Lênin, chứ lúc ấy ông không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Và suốt đời ông cũng chưa bao giờ được Quốc tế Cộng sản tin là người đã giác ngộ cộng sản. Những người được Quốc tế Cộng sản tin cậy như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong … đều phê phán Nguyễn Ái Quốc chưa quán triệt chủ nghĩa cộng sản. Mới đây tại cuộc hội thảo Việt Nam học ở Hà Nội, lần đầu tiên người ta được nghe giáo sư Yoshiharu Tsuboi của Nhật Bản khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chi Minh là tư tưởng cộng hòa. Chúng tôi nghĩ nhận định của ông rất có cơ sở. Chính Cụ Hồ, tác giả bản “Tuyên ngôn Độc lập” thể hiện sâu sắc nguyện vọng Dân chủ Cộng hòa của dân tộc Việt Nam, đã gửi nhiều thư cho Tổng thống Mỹ mà không được hồi âm. Nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã lấy làm tiếc về điều này! Rõ ràng là chính thực dân Pháp và các chính quyền Mỹ từ Truman trở đi đã từng bước đẩy Cụ Hồ và cả dân tộc Việt Nam vào hẳn quỹ đạo cộng sản. Hai cuộc chiến do Pháp và Mỹ gây ra đã làm cho dân tộc Việt Nam gắn chặt hơn với chủ nghĩa xã hội, làm cho cộng sản mạnh lên. Sau Cụ Hồ, ông Lê Duẩn, một người được coi là cứng rắn, là tác giả đã thiết kế chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam phải giương cao hai ngọn cờ Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Lịch sử gần 80 năm qua cho thấy điều gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện dưới lá cờ Dân tộc thì đều đem lại thắng lợi, điều gì do ý thức hệ công sản chỉ đạo thì đều thất bại.
Sau khi Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những đảng viên ưu tú của Quốc dân Đảng như Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình… đều chuyển sang lập trường cộng sản. Số lớn đảng viên các đảng theo chủ nghĩa dân tộc sống lưu vong ở nước ngoài không liên hệ chặt chẽ với nhân dân trong nước, không xây dựng được lực lượng để chuẩn bị khi thời cơ đến. Nhà tù của thực dân từ Hỏa Lò, Khám Lớn đến Côn Đảo những năm 1930-1945 gần như chỉ dành riêng cho người cộng sản. Do đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng trọn vai trò lãnh đạo toàn dân tộc, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến Điện Biên Phủ. Mới đây, trong lễ nhận Huân chương văn hóa Pháp tại Hà Nội, nhà văn Dương Tường phát biểu: “Chính những lý tưởng tự do dân chủ được Jean Jacques Rousseau tuyên ngôn đã đưa tôi đến với cuộc Cách mạng tháng Tám, giải phóng dân tộc tôi khỏi ách thực dân Pháp”, được các đại sứ Pháp ngữ đồng tình.
Những người tự xưng mình theo chủ nghĩa quốc gia, từ Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu, cho đến Bảo Đại đều không được thực dân Pháp (Hoa Kỳ chi viện 85% chiến phí) trao quyền độc lập dân tộc thực sự mà chỉ cho ăn bánh vẽ. Ông Ngô Đình Diệm được người Mỹ đưa về và trao cho đầy đủ các quyền, nhưng ở vào thời điểm quá muộn mằn, lại phải gánh một quá khứ u ám, do đó không thể nào nhận được lòng tin của dân tộc. Cũng có thể nói, ông Diệm được hưởng thành quả không phải do mình chiến đấu giành được mà nhờ cuộc kháng chiến 9 năm đã khiến cho các thế lực nước ngoài thấy cần phải nâng đỡ ông thành một lãnh tụ chống cộng. Dưới ông Diệm, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… đều đã từng mặc quân phục do các thống chế Pháp thiết kế thì làm sao tranh thủ được lòng dân? Rồi nửa triệu quân Mỹ ùa vào nước ta đã làm cho những lãnh tụ Việt Nam Cộng hòa trở thành những con rối của Mỹ và khiến cho rất nhiều người không thích chủ nghĩa cộng sản cũng bước vào cùng chiến hào với cộng sản để “chống Mỹ cứu nước”! Nếu nắm được dân tộc thì Việt Nam Cộng hòa dù mất hết các thành thị vẫn có thể vào rừng tiếp tục chiến đấu như người cộng sản đã làm suốt 30 năm của hai cuộc chiến tranh.
Vinh danh những người lính Mỹ chết ở Khe Sanh là vì “sự thịnh vượng và tự do” của Hoa Kỳ, ông Obama tỏ ra có thủ đoạn chính trị khôn ngoan, nhưng không hợp với lương tri và cũng không đúng với thực tế lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản không bị đánh gục bởi kẻ thù của nó như ông Obama nhận định mà bởi chính những người cộng sản và nhân dân các nước cộng sản, khi họ nhận biết con đường cộng sản đã tách ra khỏi con đường lớn của văn minh nhân loại và đi vào ngõ cụt, không có tương lai.
Tóm lại , chủ nghĩa tập thể không hề là “vũ khí cực kỳ hữu hiệu” dù thời bình hay thời chiến. Trước họa ngoại xâm, các dân tộc chớ tìm đến cái chủ nghĩa tập thể đó mà hãy tìm đến dân chủ như đức vua Trần của Việt Nam đã mở Hội nghị Diên Hồng trước họa Nguyên Mông.
5. Đạo đức cách mạng xung khắc với Đổi mới
Sau 30-4-75, đã qua cái thời “Các đảng viên cộng sản, xung phong!”,”Đảng viên đi trước, làng nước theo sau!”. Từ nay vào Đảng không phải để hy sinh chiến đấu mà vào Đảng là được đứng trước cánh cửa thăng quan tiến chức, không phải để cống hiến mà để chia phần. Cũng từ nay, những kẻ cơ hội, xu nịnh, tỏ ra có nhiều khả năng thuyết phục được những đồng chí có trách nhiêm canh cửa chính trị chọn lựa người kế cận hơn là những ai khiêm nhường, tự trọng. Cùng với các tiêu chuẩn “hồng” trọng hơn “chuyên”; “đức” (chủ yếu là quan điểm lập trường) đặt trên “tài”, thành phần công nông quý hơn trí thức, đã làm cho đảng viên, cán bộ lớp sau sa sút dần so với lớp trước. Ông Nguyễn Thừa Nghiệp, một cán bộ công đoàn đã nghỉ hưu, người dành cả đời mình chăm lo bảo vệ công nhân, cho rằng việc đảo ngược vị trí ”sĩ, nông, công, thương”, thành “công, nông, trí” không khác nào đem tay chân thay thế cho đầu óc của cả xã hội! Thế giới ngày nay đang “bùng nổ thông tin”, “kinh tế tri thức”, tại sao chúng ta lại đặt trí thức vào cuối bảng?!
Những năm 80, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức nghiêm trọng. Chuyện tiếu lâm mới lan tràn, báo hiệu chế độ lung lay. Ở Thành phố HCM, hai ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt đã làm một việc tày đình là “xé rào” để thực hiện điều mà hai ông gọi là “Hài hòa 3 lợi ích” (lợi ích cá nhân người lao động, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước.) Trong một cuộc học tập chính trị ở Hà Nội, nhiều nhà lý luận Mác-Lê chỉ trích gay gắt cái “chủ nghĩa tự do kinh tế đang nảy sinh ở Sài Gòn”. Tuy nhiên việc làm trái với luật pháp và đạo đức xã hội chủ nghĩa ấy lại rất hợp lòng dân và đem lại hiệu quả cực kỳ to lớn. Người bạo gan làm việc ấy được nhân dân suy tôn, được toàn Đảng ca ngợi và từ chỗ bị loại khỏi Bộ Chính trị ở Đại hội Đảng lần thứ V (do không tán thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam) đã được trở vào Bộ Chính trị, làm ứng viên sáng giá chức vụ Tổng Bí thư ở Đại hội VI. (Ông Hoàng Trọng Đỉnh, Phó Tổng biên tập báo Lao động , khi đọc quyển Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của Nguyễn Văn Linh đã reo lên: “Ông này phải là Tổng Bí thư!”.
Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đề xướng Đổi mới, tuy muộn nhưng là một quyết định rất sáng suốt, đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và phát triển nhanh chóng. “Đổi mới” thực sự là từ bỏ nhiều nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê. Những điều trước đây ông Kim Ngọc và các ông bị quy tội chống Đảng đòi hỏi, nay Đổi mới đã vượt qua rất xa, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế. Tự do kinh tế đã chọc thủng chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa một mảng lớn. Xã hội chuyển dần từ quỹ đạo vô sản sang hữu sản. Nhiều đảng viên trở thành “tư sản đỏ”. Con trai ông Lê Duẩn cũng bỏ Đảng để làm doanh nhân (Từ “tư sản” vẫn còn bị kiêng dùng!).
Rất đáng tiếc, ông Nguyễn Văn Linh không ý thức được rằng “3 lợi ích” do ông là một tác giả, sở dĩ làm bật dậy sức sáng tạo của toàn dân là vì nó chống lại chủ nghĩa tập thể lỗi thời của lý thuyết cộng sản. Ông xé rào như một cách “chữa cháy” chứ không đủ tri thức để định hướng cho con đường Đổi mới có mục tiêu minh bạch. Ông không muốn và cũng không có khả năng chỉ đạo các lý thuyết gia nghiên cứu biên soạn những bài học từ thực tiễn, tiếp tục đưa Đổi mới mạnh mẽ vượt qua rào cản của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông không dựa hẳn vào người đồng tác giả “3 lợi ích” với mình là ông Võ Văn Kiệt, người có những suy nghĩ sâu sắc muốn đưa đổi mới đi xa hơn, mà lại dựa vào những người to tiếng “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Điều đó làm cho Đổi mới cứ ngập ngừng, bệnh cơ hội có đất nảy nở, tiêu cực xã hội phát triển, khiến cho đạo đức xã hội dần dần xuống cấp.
Đổi mới đã làm cho đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng đạo đức xã hội thì như tụt dốc không phanh. Nhiều lý thuyết gia cho rằng đó là do”mặt trái”, “đứa con hư” của cơ chế thị trường. Người ta quên rằng xã hội chúng ta đã từng sống trong kinh tế thị trường trước khi đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Vậy phải tìm ở những nguyên nhân khác!
Xin thử nêu ra vài suy nghĩ bước đầu:
- Tự do kinh tế giải phóng sức sáng tạo cá nhân, đồng thời đòi hỏi phải trả lại cho cá nhân những quyền và lợi mà họ đã bị tước đoạt nhân danh lợi ích tập thể. Không thể “chí công vô tư” mà phải “công tư lưỡng lợi”, ở doanh nghiệp thì “lao tư lưỡng lợi”, hoặc nói như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt là “Thực hiện hài hòa 3 lợi ích”. Tiếc thay, ý kiến chính thống vẫn không chấp nhận thực tế rất đúng đắn, rất hợp đạo lý đó, mà vẫn cứ kiên trì “chí công vô tư”, vẫn “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vẫn “quốc doanh là chủ đạo”, “đất đai phải là sở hữu của toàn dân”… Chính vì thế mà cuộc sống bày ra vô số điều nghịch lý.
- Cán bộ đảng viên, những đại biểu của giai cấp vô sản, những đầy tớ của nhân dân, những người thuyết lý hay ho nhất về chí công vô tư lại là những ông chủ hữu sản lớn nhất, nhiều ông là “tư sản đỏ” sống cách biệt với nhân dân! Nhiều nơi nhân dân trớ trêu đặt tên cho các khu biệt thự sang trọng là “khu nhà của đày tớ”! Tấm bình phong “đất đai là của toàn dân” chỉ để tạo điều kiện cho các quan tham biến thành vườn nhà, hoặc móc ngoặc chia chác với nhà đầu tư nước ngoài, làm cho nông dân mất hết đất canh tác.
- Công nhân luôn nghe mình được xưng tụng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nhưng thực tế là việc làm bấp bênh, đồng lương không đủ sống, nhà cửa dột nát, con cái không được học hành. Họ buộc phải nghĩ rằng mình được cho ăn bánh vẽ và khi quá cùng cực họ đã tổ chức đến 2500 cuộc đình công mà không cần thông qua công đoàn, tổ chức có danh nghĩa là đại diện hợp pháp của họ!
- Những cuộc học tập đạo đức Bác Hồ đối chiếu với thực tế cuộc sống đang diễn ra hoàn toàn trái ngược: Trên báo chí ngày nào cũng đọc thấy những chuyện thối tha: Ông bộ trưởng tham nhũng bị đi tù; ông phó Tổng cục trưởng mua dâm trẻ em; ông trung tướng công an, ông giám đốc Đài phát thanh móc ngoặc với bọn xã hội đen; ông phó ban Tổ chức tỉnh ủy đi bia ôm trong giờ hành chính; ông Bí thư Tỉnh ủy được đưa tiền mua chức. Rất, rất nhiều ông đồng chí khác, kể cả những ông cán bộ tuyên huấn cấp huyện, những người chuyên lên lớp về đạo đức Bác Hồ cũng đã ăn chặn tiền quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tiền Tết của đồng bào nghèo… Người dân buộc phải nghĩ: Đạo đức cách mạng hóa ra chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của mấy ông cán bộ, đảng viên.
- Nhìn xã hội ai cũng thấy rõ ràng là đang đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa trong từng bước hội nhập, nhưng lại được dạy bảo là chúng ta đang kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, khiến người lớn tuổi thầm nhắc lời của Thiệu: “Đừng nghe…” Chính những vị lão thành cách mạng cũng phân vân: “Có thật là chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội?”
- Trong xã hội cũ, tầng lớp trí thức là những người nêu gương về lối sống cho cộng đồng như thày đồ, thày giáo. Sau cách mạng, tầng lớp này bị hạ xuống rất thấp. Thấp đến nỗi không còn được học sinh của mình tôn trọng. Xã hội chính trị tôn vinh tột bậc những ông bí thư Đảng, chủ tich các đoàn thể, những đảng viên có chức có quyền thành nhân vật quan trọng nhất trong cộng đồng. Các nhân vật ấy ngày nay có cuộc sống vật chất cao hơn mọi người, nói những lời cao đạo hơn mọi người, nhưng làm nhiều điều ám muội hơn mọi người! Xã hội buộc phải nghĩ ngược và làm ngược lại những lời “vàng ngọc” mà những kẻ ấy thường lên giọng daỵ dỗ mình.
6. Làm gì để khôi phục đạo đức?
Trong một lần góp ý cải tiến chương trình giáo dục, nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể rằng hồi ông cắp sách đến trường, chương trình giáo dục cũng không hiện đại gì, nhưng vì được học những điều mình tin, nhờ đó mà tất cả bạn học của ông đều nên người.
Tôi cho rằng ý kiến đó rất đáng cho chúng ta suy nghĩ để có một chiến lược giáo dục, trước hết là dạy những điều không ai có thể nghi ngờ trước khi đạt đến yêu cầu tiên tiến. Nói rộng ra, mọi vấn đề trong xã hội đều phải được gọi đúng “tên cúng cơm” của nó!
Trước hết là Đảng. Ngày xưa, các đảng viên cộng sản khi giơ tay thề chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, họ đều có niềm tin vững chắc, dù không biết chủ nghĩa cộng sản cụ thể ra sao! Cái sai lớn nhất mà ý thức hệ đó gây ra là cải cách ruộng đất thì đã được Bác Hồ xin lỗi nhân dân và sửa sai rồi. Nhiều sai lầm khác cũng được cho là do “ấu trĩ”. Sau 20 năm thực hiện Đổi mới, Đảng đã từ bỏ nhiều nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, đưa xã hội ta khởi sắc nhiều mặt, kể cả vấn đề tự do, dân chủ. Nhờ đó mà huy động được toàn dân đóng góp tiền tài, vật lực, trí tuệ, tâm huyết phát triển đất nước. Nhiều Việt kiều lúc ra đi đã thề rằng chỉ khi nào không còn Đảng Cộng sản mới trở về, vậy mà nay đã vui vẻ chung tay xây dựng mái nhà chung. Được như vậy là vì số đông nhân dân trong và ngoài nước đã nghĩ giống như ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ông trả lời phỏng vấn của nhà báo hải ngoại Nguyễn Vi Túy: “Tôi hiểu căn bản của Đảng Cộng sản và người cộng sản là… không có tư hữu và chỉ có một giai cấp. Nhưng khi cái căn bản chính ấy mà họ đã bỏ đi rồi, thì chẳng khác nào chuyện ông thầy tu đã phạm giới rồi mà vẫn còn muốn người đời gọi mình là kẻ tu hành.”
Chẳng lẽ chúng ta sẽ đính chính với ông Kỳ và mọi người rằng: “Không đâu, đây chỉ là sách lược tạm thời. Đến khi nào chủ nghĩa Mác-Lê vượt qua cơn thoái trào, chúng tôi sẽ lại cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng nguyên lý của Mác”? Còn nếu không thì hóa ra chúng ta “treo đầu dê bán thịt chó”? Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng trong hoàn cảnh như chúng ta, nhưng họ đã có thái độ khá rõ ràng khi đưa ra lý thuyết “3 đại diện”, khẳng định rằng Đảng là của toàn dân tộc chứ không phải trước hết là của giai cấp công nhân. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm như vậy chắc chắn sẽ được “danh chính ngôn thuận”, toàn dân tộc sẽ vui mừng tin tưởng hơn.
Nhưng tại sao chúng ta chỉ có thể làm theo như Trung Quốc chứ? Tại sao chúng ta không chủ động sáng tạo đi xa hơn họ? Khi mà ngay ở quê hương Cách mạng tháng Mười, người ta đã vĩnh viễn quay lưng với cái lý thuyết triệt để giải phóng con người, nhưng thực tế lại đưa con người vào tình trạng cần được giải phóng, như thoát khỏi sự khiếp sợ của Nguyễn Khải chẳng hạn? Hơn nữa, khi “Đảng là của dân tộc”, chúng ta trở lại đúng thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều mà lãnh tụ của nhiều Đảng Cộng sản khác, kể cả Đảng Cộng sản Trung Quốc không có được! (Có lẽ vì thế mà họ đang đề cao học thuyết của Khổng Tử như là tư tưởng dân tộc?)
Hãy trở lại với đạo đức làm người chứ không phải làm ông thánh, để rồi không làm được ông thánh thì mất hết niềm tin, sa đọa dần và trở thành những tên lưu manh. Mới đây, trong ngày đầu năm mới, chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh trung học ở Gò Vấp đã gởi cho báo Phụ nữ Thành phố HCM (số báo ngày 3-2-2009) điều ước đầu năm của mình như sau: “Chương trình ở bậc phổ thông hiện nay rất nặng. Để biên soạn lại bộ sách cần phải có thời gian, nhưng riêng môn đạo đức giáo dục công dân, thiết nghĩ cần phải thay đổi ngay. Bởi chương trình môn học này có quá nhiều kiến thức không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tôi nghĩ cần phải dạy cho các em biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em và mọi người, biết sống có trách
nhiệm với bản thân và cộng đồng, không tham lam, ích kỷ.”
Mong muốn của một người dân bình thường sao mà giản dị và thiết thực đến vậy! Tại sao những người học cao và có trách nhiệm lớn lại không nghĩ tới? Vừa qua, tại Lễ hội Yên Tử, một số nhà sư đã cho in các nội dung về đạo làm người. Họ nói đây là lời dạy của đức Phật. Nội dung rất cạn cợt, nhưng đã được đông người vồ vập mua với giá 10 nghìn đồng 1 tờ! Xin chép ra vài câu. Bàn về chữ Hiếu: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha. Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha”… Các nhà giáo dục nghĩ gì trước hiện tượng này? Có phải vì chúng ta không đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, cho nên các nhà sư đã làm thay?
Chúng ta nên can đảm dám từ bỏ những nội dung “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vì nó không thể thực hiện được và đã gây phản tác dụng. Đừng sợ như vậy là có lỗi với Bác Hồ. Chính Bác vẫn thường khuyên bảo nên sửa đổi những gì không còn thích hợp. (Cụ Các Mác cũng từng bảo rằng không nên để lý thuyết của ông bó tay những người cách mạng. Ông còn nói, mình không phải là người mác-xít, với ý cho rằng khi lý thuyết trở thành một chủ nghĩa thì sẽ dễ hóa ra giáo điều!) Chúng ta nên tự hào về những giá trị vĩ đại khác của Bác Hồ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (chứ không phải Chủ nghĩa xã hội!) và “Nước được độc lâp mà nhân dân không được tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì!” Đây là tư tưởng nhân quyền của thời đại. Bác Hồ của chúng ta đã đi trước hằng thập kỷ đối với các lý thuyết gia Hoa Kỳ khi họ nêu ra “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Hơn nữa, Bác Hồ nêu ra ý đó là để răn dạy Đảng cầm quyền của mình chứ không nhằm gây áp lực đối với các dân tộc chưa đủ điều kiện thực hiện.
Cán bộ công chức không phải là cha mẹ, cũng không phải đày tớ mà là người ăn lương của dân để phục vụ nhân dân, là “của dân, do dân, vì dân”. Đừng xem việc học tập đạo đức Bác Hồ là biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng. Bọn Huỳnh Ngọc Sĩ và các đảng viên ăn chặn tiền Tết của dân nghèo đều đã học đạo đức Bác Hồ. Phải thực hiện “pháp trị”, và ”tam quyền phân lập”, đưa xã hội đi vào khuôn phép, kỷ cương, chỉ có như vậy mới chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Đảng, đoàn thể phải hoạt động bằng nguyệt phí của đảng viên, đoàn viên, chứ không phải bằng tiền từ ngân sách. Đó chính là biện pháp chống quan liêu, xa quần chúng một cách hữu hiệu.Tại sao Đảng luôn luôn kêu gọi đảng viên phải đi sát dân, lắng nghe dân mà rất ít người thực hiện? Bởi vì cơ chế bầu cử, đề bạt hiện nay đều không do người dân quyết định. Từ lâu nhân dân có câu “Đảng cử dân bầu”. Phải chấm dứt cách làm đó và thay bằng ứng cử tự do và để cho dân đề cử người mình tín nhiệm.
Tự do, dân chủ đã được Hiến pháp ghi nhận từ năm1946, phải nhanh chóng được hiểu và thực hiên như nhân loại hiện đại đã hiểu và thực hiện.
Chúng ta đã từng tự ru ngủ mình là một đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, “dân tộc tiên phong của nhân loại, “lương tâm của thời đại”, “nhận sứ mệnh lịch sử chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa bành trướng bá quyền”… Nay hãy tỉnh táo nhìn lại mình đang đứng ở khoảng cuối bảng xếp hạng của các quốc gia trong Liên hiệp quốc! Đang chịu không biết bao nhiêu nỗi nhục. Chẳng hạn, cứ phải nghe chuyện “Hơn 100 cô gái đẹp người Việt ngồi cho một anh Hàn quốc (có khi là người khuyết tật) ngắm nghía sờ soạng để chọn vợ!” và còn không biết bao nhiêu chuyện đau lòng khác. Nếu không mau mau gột bỏ thói vô đạo đức đang trở thành “dân tộc tính”, tạo cho mình một phẩm chất mới thì chẳng bao giờ hy vọng có thể sánh vai với nhân loại hiện đại!
Tóm lại hãy làm những gì mà cuộc sống đòi hỏi và hãy từ bỏ thật nhanh những gì chỉ nghĩ ra theo tư duy của ý thức hệ đã lỗi thời. Đó là bài học lớn mà ông Lý Quang Diệu, lãnh tụ vĩ đại của nước Singapore phát triển thần kỳ, đã rút ra và chỉ dẫn cho nhân dân nước ông tiến tới. Hãy lấy một câu rất hay từ Nghị quyết của Đảng làm mục tiêu của toàn dân tộc: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tất cả mọi việc đều minh bạch, chắc chắn đạo đức sẽ phục hồi.
© talawas 2009
21/03/2009 | 3:41 sáng |
Tác giả: Thiện Ý
Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng và giáo sư Huệ Chi đã có bài viết sâu sắc khuyến khích tôi cầm bút hưởng ứng các anh tiếp tục tìm nguyên nhân băng hoại đạo đức.
Những kẻ gây “thảm họa mang tên hoa” còn có thể tự bào chữa là tìm… “một cách giải tỏa tâm lý… sau những tháng ngày chịu sự cai quản nhiều khi khiên cưỡng của cả một hệ thống” (Hoàng Hưng). Tuy nhiên mấy năm qua, chúng ta từng chứng kiến những hành vi thấp hèn hơn thú vật như: Ông phó văn phòng UBND Hà Nội không cho mẹ đẻ dùng chung toa let; bà mẹ liệt sĩ ở Quảng Bình bị con trai và cháu nội của mình hành hạ đến chết; ở Gò Vấp một người hàng xóm quá bất bình đã quay được đoạn video clip ông con trai tát mẹ mình; ở Bình Phước, một bà mẹ đã cắt gân chân đứa con lên 3 tuổi. Ông giám đốc công trình Đại lộ Đông Tây ăn hối lộ của người Nhật. Bà Tổng giám đốc ở Huế lấy cắp đồng hồ bị bắt ở Thái Lan. Các nhà hàng buffet ở Singapore treo bảng bằng tiếng Việt: “Chỉ lấy thức ăn vừa đủ” (không có bảng viết tiếng Anh). Nhiều cán bộ chính quyền cấp xã, cấp huyện ở nhiều tỉnh đã ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo dịp Tết Kỷ Sửu… Đó những biểu hiện của sự sa đọa đến cùng cực của đạo đức.
1. Đạo đức truyền thống Việt Nam
Đạo đức Việt Nam hình thành trên cơ sở tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc: Thương người như thể thương thân, Bầu ơi thương lấy bí cùng, Một giọt máu đào hơn ao nước lã… Tam cương ngũ thường của Trung Quốc vào nước ta đã được Việt Nam hóa theo tầm cao nhân văn ấy. Dân tộc ta luôn bị ngoại bang đe dọa, cho nên nợ nước nặng hơn ơn vua. Triều Nguyễn dời đô vào Huế, vị thế của vua thấp xuống một bậc trong lòng dân. Rồi họa mất nước làm cho lòng dân càng nặng nợ nước, coi thường vua. Chữ Hiếu của ta không thiên lệch về người cha như ở Trung Quốc mà “công cha” ngang bằng với “nghĩa mẹ”. Trung Quốc buộc “phu xướng phụ tùy”, còn chúng ta đặt “vợ “trước “chồng” và khuyên “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Như nhiều nước châu Á, chúng ta xếp các hạng người trong xã hội thành “tứ dân” theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công,Thương. Sĩ là người có học, là tấm gương “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho xã hội noi theo. Ông đồ, thầy giáo được cả xã hội kính trọng: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Không thầy đố mày làm nên. Quan lại cũng là người có học nhưng phải được xét xem có thanh liêm hay không mới được kính trọng.
Có nhiều sách đề cao hiếu nghĩa như: Gia huấn ca, Nhị thập tứ hiếu, phê phán kẻ xấu đề cao người ngay như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Đạo đức, nhất là đạo hiếu được dạy từ khi trẻ học nói, học vỡ lòng.
Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, toàn dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu giành độc lập. Đạo đức truyền thống được giữ vững và tôn cao. Các bà mẹ nhận chiến sĩ Vệ quốc đoàn là con, lo cho từng miếng cơm, manh áo. Chiến sĩ đi đến đâu cũng được sống trong tình ruột thịt. Cán bộ cách mạng dù là ở cấp nào cũng được dân chúng xem là con em mình. Trong buổi nói chuyện với đoàn cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam), Tổng Bí thư Lê Duẩn kể: “Các bà má ở Tháp Mười biết tôi là bí thư Trung ương cục, nhưng khi tôi đến nhà vẫn hỏi: ‘Thằng Ba mầy ăn cơm chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ngồi vào.’” Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cần đóng cửa.
Mấy năm sau, bắt đầu được nghe rằng: Cách mạng tháng Tám đã thành lập Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cùng với Nhà nước Công Nông, ý thức hệ cộng sản dần dần lên ngôi. Đầu những năm 50 trở đi, những cuộc cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo công thương nghiệp được thực hiện. Từ đó, nhiều phen đạo đức truyền thống bị đánh trọng thương.Từ đó, một hệ thống đạo đức mới có tính giai cấp được đặt ra. Và cũng từ đó, bắt đầu quá trình xuống cấp đạo đức dân tộc.
2. Đoạn tuyệt với tư tưởng cổ truyền
Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa chịu sự lãnh đạo của các Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, việc xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới đều na ná như nhau. Do đó, chúng ta cùng nghe lại ý kiến của Mác-Ănghen ở “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong phần 2, “Những người vô sản và những người cộng sản” (Nhà xuất bản Sự Thật trang 77), đoạn nói vì sao phải xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới:
“… Có người sẽ bảo: “Cố nhiên là những quan điểm tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền v.v… đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền vẫn luôn được bảo tồn qua những biến đổi ấy.
Vả lại còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý v.v… chung cho tất cả mọi chế độ xã hội.Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xóa bỏ những chân lý vĩnh cửu, nó xóa bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới tôn giáo và đạo đức; làm như thế là trái ngược với tất cả sự phát triển lịch sử trước kia.”
Lời buộc tội ấy rốt cuộc lại là gì? Lịch sử của tiến bộ xã hội từ trước đến nay đều diễn ra trong đối kháng giai cấp, những đối kháng mang những hình thức khác nhau tùy từng thời đại.
Nhưng dù những đối kháng ấy mang hình thức nào đi nữa, hiện tượng một bộ phận này của xã hội bóc lột một bộ phận khác cũng vẫn là một hiện tượng chung cho tất cả các thế kỷ trước kia.
Vậy không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng ý thức xã hội của mọi thế kỷ mặc dù có muôn màu muôn vẻ và hết sức khác nhau vẫn vận động trong một số hình thức chung nào đó, trong những hình thức ý thức chỉ hoàn toàn tiêu tan khi hoàn toàn không còn có đối kháng giữa các giai cấp nữa.
Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với tư tưởng cổ truyền…”
Từ những năm 50, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đặt lại vị trí tứ dân như sau: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Giai cấp nông dân là quân chủ lực cách mạng. Nông dân lại chia thành: Cố nông, bần nông và trung nông. Cố nông, bần nông được coi là cốt cán rất tin cậy, còn trung nông lại chia thành trung nông lớp dưới được tin cậy hơn và trung nông lớp trên ít được tin cậy. Phú nông là những người vừa lao động vừa bóc lột, cần phải tước bỏ tính bóc lột của họ. Địa chủ từ nay không được coi là thành phần yêu nước mà là đối tượng phải triệt để tiêu diệt để giải phóng dân cày… Trí thức được kèm thêm tính từ “tiểu tư sản” và được đánh giá là có lập trường bấp bênh, dao động không vững vàng cần phải theo dõi, uốn nắn. Những người làm thương nghiệp bị coi là tệ hại nhất. Giai cấp tư sản nói chung là đối tượng mà cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiêu diệt, nhưng tư sản thương nghiệp được gọi là “bọn mại bản” phải diệt trước tiên. Việc buôn bán do thương nghiêp quốc doanh nắm hết. Từ “thương nghiêp” bị từ “phân phối” lấn dần. Người buôn bán nhỏ bị gọi một cách khinh thị là “con phe”, “bọn phe phẩy”.
Từ đây không còn thực sự đại đoàn kết mà chuyển sang đấu tranh giai cấp triền miên. Đạo đức truyền thống đặt xuống dưới ý thức hệ cộng sản. Đảng,chính quyền và các đoàn thể liên tục mở các đợt chỉnh huấn, phê, tự phê bình để xóa bỏ quan điểm, lập trường, ý thức hệ cũ, xây dựng quan điểm, lập trường giai cấp vô sản, đạo đức cách mạng vô sản.
Đạo đức cao nhất của mọi người là trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê mà cụ thể là thực hiện thắng lợi Nghị quyết của ĐCSVN, để đấu tranh tiêu diệt các giai cấp thù địch, xây dựng thành công CNXH và CNCS. Lời Bác Hồ dạy “trung với nước” đã bị sửa thành “trung với Đảng”. Theo Lênin thì Đảng Cộng sản là công cụ của giai cấp công nhân để tiến hành cách mạng vô sản, nhưng rồi với nguyên tắc dân chủ tập trung, lãnh tụ Đảng trở thành Thượng đế và Đảng trở thành một thứ tôn giáo. Lãnh tụ của quốc tế cộng sản còn đáng kính yêu hơn cả cha mẹ mình: “Vui biết mấy khi con học nói.Tiếng đầu đời con gọi Stalin” (Tố Hữu).
Xã hội Việt Nam dần dần mất hẳn tính dân sự mà trở thành xã hội chính trị. Từ nhi đồng đến phụ lão, mọi giới, mọi tầng lớp giai cấp đều gia nhập đoàn thể chính trị, thường xuyên kiểm điểm quan điểm lập trường cách mạng. Nhiệm vụ cao cả của đoàn thể thiếu nhi là vượt “kế hoạch nhỏ” chứ không phải giúp nhau trở thành đứa con hiếu thảo. Đoàn Thanh niên là cánh tay, là lực lượng hậu bị của Đảng. Công đoàn là công cụ của Đảng để tập hợp công nhân. Yêu nước phải là yêu nước xã hội chủ nghĩa. Chữ Hiếu truyền thống cũng bắt đầu bị xem lại, và có thang bậc nội dung mới.
Trong cuộc chỉnh Đảng TW khóa 2, Bác Hồ nói:
“Có người nói người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cộng sản có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có! Người cách mạng nhất là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ Hiếu theo tinh thần cách mạng rộng rãi như vậy… Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.
Đó là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 389)
Đạo đức cũ khi nói về “tề gia trị quốc”, sách Đại học (quyển 1 của Tứ Thư) viết: “Bảo rằng muốn trị nước, tất trước phải điều chỉnh trong nhà. Nghĩa là không dạy được trong nhà thì không thể dạy được người ngoài… Có hiếu là biết phụng sự vua. Có đễ là biết phụng sự người lớn” và “Một nhà có nhân, một nước cũng phấn khởi mà có nhân”…
Ta thấy đạo đức xưa chỉ dạy phụng sự vua cũng là có hiếu với cha mẹ, chứ không đòi con cái phải chọn việc phụng sự vua mà hy sinh cha mẹ.
Có lẽ vì “cách mạng chọn gia đình to”, hy sinh “gia đình nhỏ” mới thể hiện được triệt để tư tưởng tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân mà “5 điều Bác Hồ dạy” cho trẻ từ bậc tiểu học, trung học không có điều nào dạy con cái phải hiếu thảo kính yêu cha mẹ, ông bà. Cha mẹ, ông bà của gia đình nhỏ đã được đặt trong gia đình lớn: “Yêu Tổ quốc,yêu đồng bào”.
Trong quyển hồi ký Chuyện làng ngày ấy, nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện chùa chiền miếu mạo bị hoang phế’, mồ mả ông bà bị tập thể hóa,… Đó là hành động cực đoan của những người vừa mới “giác ngộ ý thức hệ vô sản.” Tiếp theo đó, trong hồi ký Cọng rêu dưới đáy ao, Võ Văn Trực cũng kể rất cụ thể những chuyện buộc người ta hy sinh mọi lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể.
Sau khi vào miền Nam chiến đấu nhiều năm, trở ra Hà Nội, nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả quyển Sống như anh) tâm sự với vài đồng chí chúng tôi: “Đảng mình có trách nhiệm đã làm xuống cấp đạo đức của người dân Hà Nội. Hồi mình đi học, mỗi khi thấy đám ma từ xa, bọn mình đã xuống xe đạp, giở mũ cúi đầu, chờ xe tang đi qua. Còn nay bọn trẻ ngang nhiên phóng xe, lại còn chửi thề tại sao xe tang đi chậm”.
3. Đạo đức cách mạng
Ý thức hệ cộng sản đòi hỏi một nền đạo đức mới mang tính giai cấp vô sản, giai cấp mang sứ mệnh đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Đạo đức vô sản xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, lợi ích cá nhân phải nhường cho lợi ích tập thể. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nội dung đạo đức cách mạng gồm: Trung với nước, hiếu với dân; Đảng là đạo đức là văn minh; Yêu thương chăm sóc cho con người; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Cần, kiệm, liêm, chính; Chí công vô tư.
Chí công vô tư là một khái niệm đạo đức cũ. Chí công là rất công bằng, vô tư là không có lòng riêng khi làm việc chung. Khái niệm đạo đức này dành cho các quan chức, chứ không phải chung cho mọi người. Nhưng cụ Hồ nâng ý nghĩa cụm từ này thành nội dung đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Trong Đảng ta có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư “cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân” (Toàn tập, tập 4, trang 470). Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân sinh ra 10 chứng bệnh. Người nhiều lần kêu gọi “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo cách hiểu phổ biến là triệt tiêu cái riêng, đưa cái chung, cái “tập thể” lên địa vị độc tôn. Thậm chí phải có chí công vô tư thì mới thực hiện được cần kiệm liêm chính. Trong thời chiến lời kêu gọi quên mình đi dễ được mọi người chấp nhận. Nhưng thật ra trước khi chấp nhận hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, không phải người ta quên bản thân mình mà chính lúc ấy con người càng có ý thức rất cao về mạng sống, về trách nhiệm và danh dự của cá nhân mình đối với dân tộc. Đó là khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời của mỗi cá nhân.
Có 2 điều trong các nội dung đạo đức cách mạng kể trên, càng ngày càng tỏ ra không thể thực hiện được là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân và Chí công vô tư. Chí công, đồng ý thôi, nhưng sao lại “vô tư”, phải quên mình trong cuộc sống bình thường? Tại sao không phải là hài hòa lợi ích công-tư? Tại sao những nhu cầu chính đáng của con người lai bị coi là đòi hỏi của chủ nghĩa cá nhân? Yêu cầu vô lý đó đã bóp nghẹt sức sáng tạo của quần chúng. Nhưng tại sao chỉ có giới văn nghệ sĩ phản ứng mạnh nhất và họ phải bị đè bẹp bằng vụ án Nhân văn-Giai phẩm? Đó là bởi đặc thù của lao động văn học nghệ thuật đòi hỏi phải được sự tự do cá nhân tuyệt đối!
Chủ nghĩa tập thể tạo ra thói vô trách nhiệm: Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Của chùa mạnh ai nấy xâu xé. Mọi hư hỏng sai lầm không quy được cho cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Những ai tham gia kháng chiến chống Pháp đều biết giai thoại này: Bọn Năm Lửa, Ba Gà Mổ bảo nhau “Bọn Việt Minh hội họp liên miên không còn thì giờ đánh mình, nếu chúng nó bớt hội họp thì nguy cho mình lắm!”. Từ đó đến nay đã hơn 60 năm, mặc cho mọi lời kêu gọi giảm hội họp, bệnh nghiện họp vẫn tỏ ra nan y! Tại sao vậy? Bởi vì các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đều rất cần có quyết định của tập thể để phòng khi công việc thất bại sẽ không có ai phải bị giơ đầu ra chịu báng!
Tuy ý thức hệ được đặt trên đạo đức truyền thống, nhưng lạ thay, tất cả các Đảng
Cộng sản đều tôn thờ chủ nghĩa lý lịch, rất coi trọng thành phần gia đình. Đời ông đời cha đã là “kẻ thù giai cấp” thì đời con thậm chí đời cháu cũng không được tin dùng. Khi chống đối nhau, người ta tìm mọi cách truy thành phần gia đình và các mối quan hệ với “kẻ thù cách mạng” để bôi nhọ nhau. Ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị săm soi lý lịch. Có đảng viên lấy chồng nước ngoài hoặc Việt kiều đã bị gợi ý làm đơn xin ra khỏi Đảng và xin thôi việc (chị Thúy Hà, đảng viên ưu tú, thư ký tòa soạn báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh lấy chồng Việt kiều phải làm đơn xin ra Đảng). Do đó cán bộ đảng viên khai man lý lịch, che giấu việc làm trong quá khứ rất phổ biến!
Đảng kêu gọi tự do tư tưởng, coi đó là quy luật tiến bộ. Tuy nhiên, tự do tư tưởng phải trong vòng “kim cô” của Nghị quyết Đảng. Những người phát huy tự do tư tưởng ra ngoài quỹ đạo như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai và sau này là Trần Độ… bị coi là những phần tử chống Đảng. Để tránh bị quy chụp, nhiều đảng viên nghĩ một đằng nói một nẻo. Nhà văn Nguyễn Khải, một đảng viên 60 tuổi đảng, trong tùy bút chính trị cuối cùng (dặn người nhà chỉ công bố sau khi mình đã chết) có những câu nghe thê thảm: “Nói cũng sợ, vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản”. Thật ra số đông đảng viên đều có tâm trạng giống như Nguyễn Khải mà chưa dám thổ lộ!
Không có tự do cạnh tranh, các nước theo chủ nghĩa xã hội dùng phong trào thi đua để thúc đẩy sức sáng tạo.Tuy nhiên ngay khi ra đời hình thức này đã gây ra tệ nạn báo cáo láo. Ở miền Bắc ai cũng đã nghe chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trại lợn hợp tác xã. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy lợn cắn nhau quá dữ dội! Thì ra chủ nhiệm trại lợn đã có “sáng kiến” mượn lợn cá thể của các gia đình đem nhốt chung vào chuồng hợp tác xã, để báo cáo Thủ tướng về tốc độ phát triển thần kỳ của chăn nuôi tập thể, chứng minh tính ưu việt không thể chối cãi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân làm sa sút ngành giáo dục cũng là do phong trào thi đua “dạy tốt học tốt”.
Không có đối lập, chủ nghiã xã hội khuyến khích phê bình, tự phê binh bù cho ý kiến phản biện. Nhưng thực tế cho thấy hình thức này chỉ khuyến khích thói che giấu sai sót và bới móc lẫn nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ.
Nền đạo đức có tính giai cấp xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đặt ra khuôn mẫu xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” theo kiểu dùng chiếc giường Procuste, đặt con người lên đó, ai dài thì chặt bớt cho vừa, ai ngắn thì phải kéo cho dài ra! Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người giai cấp, mọi tính người hình thành trong lịch sử là của giai cấp tư sản cần phải cắt bỏ không thương tiếc! Cho đến ngày phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, con người mới kiểu đó vẫn chỉ là ảo ảnh. Ngay có người là ủy viên Bộ Chính trị bị phát hiện không phải con người mới! (Nhân đây xin nói, chính Bác Hồ cũng có nhầm lẫn khi nói “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, vì chủ nghĩa Mác cho rằng vật chất có trước ý thức.)
Nền đạo đức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể tạo ra “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật” (Tùy bút của Nguyễn Khải). Cách đây hơn nửa thế kỷ, triết gia, nhà văn Ayn Rand (Hoa Kỳ) đã viết rằng: “Chủ nghĩa tập thể giữ nguyên những nguyên tắc đạo đức tôn giáo. Có điều họ thay từ “Chúa” bằng từ “Xã hội” để đẩy con người vào chỗ tự hi sinh làm vật tế thần” (Lời tựa lần tái bản quyển The Fountainhead).
4. Chủ nghĩa tập thể là “vũ khí hữu hiệu”?
Chiến tranh liên miên làm cho người dân kiên nhẫn chấp nhận cơ chế toàn trị xã hội chủ nghĩa, với đạo đức cách mạng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như nhà thơ Hoàng Hưng là “Chủ nghĩa tập thể cực đoan lên ngôi ở miền Bắc, trở thành vũ khí hữu hiệu trong thời chiến. Chính nó đã đánh bại con người cá nhân của chế độ miền Nam.”
Không phải! Chế độ Sài Gòn (và cả Hoa Kỳ, quốc gia sinh ra và nuôi dưỡng chế độ này, đã đưa hơn nửa triệu quân sang bảo vệ nó) không thua chủ nghĩa tập thể, không thua ý thức hệ cộng sản mà phải sòng phẳng nói rằng, họ đã thua chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (Tức nhiên là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo). Chính McNamara, cựu Bộ trưởng Chiến tranh của Hoa Kỳ cũng đã nhận ra điều ấy trong quyển hồi ký của ông. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta có thể dẫn chứng trường hợp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nơi chủ nghĩa tâp thể cực đoan được tung hô mạnh mẽ nhất trong thế giới cộng sản, lại được hằng triệu quân Trung cộng yểm trợ, thế mà vẫn không thể đánh bại được “con người cá nhân”của Hàn quốc! Chỉ vì họ không làm được cuộc Cách mạng tháng Tám như Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó không nắm được dân tộc.
Có thể nói không sợ sai là “Chỉ có thực hiện dân chủ thì mới phát huy hết sức mạnh của nhân dân”. Nếu như một nhà nước dân chủ mà bị số đông dân chúng phản đối thì chắc chắn rằng chính sách của nhà nước ấy đang có sai lầm. Ví dụ phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ nổ ra là khi họ nhận ra đây không chỉ là cuộc chiến ý thức hệ (dù Hoa Kỳ và các cường quốc khác cố tạo ra điều đó) mà là sự xâm lược, đàn áp một dân tộc. Phải xem đó là chỗ mạnh của xã hội dân chủ chớ đừng cho là chỗ yếu. Nhờ có chế độ dân chủ mà Mỹ, một siêu cường, đã sớm rút quân sau 5 năm (1965-1969), còn Việt Nam dù có lý do chính đáng là chống bọn Khmer Đỏ diệt chủng, nhưng đã có mặt ở Campuchia tới 10 năm, trong khi nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn và bị bao vây cấm vận.
Các nhà nghiên cứu có quan điểm chống cộng cho rằng có nhiều đảng viên cộng sản yêu nước,nhưng Đảng Cộng sản thì không! Các bạn ấy nên nhớ rằng Nguyễn Ái Quốc chịu theo Quốc tế Cộng sản chỉ vì đọc “Luận cương giải phóng dân tộc” của Lênin, chứ lúc ấy ông không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Và suốt đời ông cũng chưa bao giờ được Quốc tế Cộng sản tin là người đã giác ngộ cộng sản. Những người được Quốc tế Cộng sản tin cậy như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong … đều phê phán Nguyễn Ái Quốc chưa quán triệt chủ nghĩa cộng sản. Mới đây tại cuộc hội thảo Việt Nam học ở Hà Nội, lần đầu tiên người ta được nghe giáo sư Yoshiharu Tsuboi của Nhật Bản khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chi Minh là tư tưởng cộng hòa. Chúng tôi nghĩ nhận định của ông rất có cơ sở. Chính Cụ Hồ, tác giả bản “Tuyên ngôn Độc lập” thể hiện sâu sắc nguyện vọng Dân chủ Cộng hòa của dân tộc Việt Nam, đã gửi nhiều thư cho Tổng thống Mỹ mà không được hồi âm. Nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã lấy làm tiếc về điều này! Rõ ràng là chính thực dân Pháp và các chính quyền Mỹ từ Truman trở đi đã từng bước đẩy Cụ Hồ và cả dân tộc Việt Nam vào hẳn quỹ đạo cộng sản. Hai cuộc chiến do Pháp và Mỹ gây ra đã làm cho dân tộc Việt Nam gắn chặt hơn với chủ nghĩa xã hội, làm cho cộng sản mạnh lên. Sau Cụ Hồ, ông Lê Duẩn, một người được coi là cứng rắn, là tác giả đã thiết kế chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam phải giương cao hai ngọn cờ Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Lịch sử gần 80 năm qua cho thấy điều gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện dưới lá cờ Dân tộc thì đều đem lại thắng lợi, điều gì do ý thức hệ công sản chỉ đạo thì đều thất bại.
Sau khi Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những đảng viên ưu tú của Quốc dân Đảng như Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình… đều chuyển sang lập trường cộng sản. Số lớn đảng viên các đảng theo chủ nghĩa dân tộc sống lưu vong ở nước ngoài không liên hệ chặt chẽ với nhân dân trong nước, không xây dựng được lực lượng để chuẩn bị khi thời cơ đến. Nhà tù của thực dân từ Hỏa Lò, Khám Lớn đến Côn Đảo những năm 1930-1945 gần như chỉ dành riêng cho người cộng sản. Do đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng trọn vai trò lãnh đạo toàn dân tộc, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến Điện Biên Phủ. Mới đây, trong lễ nhận Huân chương văn hóa Pháp tại Hà Nội, nhà văn Dương Tường phát biểu: “Chính những lý tưởng tự do dân chủ được Jean Jacques Rousseau tuyên ngôn đã đưa tôi đến với cuộc Cách mạng tháng Tám, giải phóng dân tộc tôi khỏi ách thực dân Pháp”, được các đại sứ Pháp ngữ đồng tình.
Những người tự xưng mình theo chủ nghĩa quốc gia, từ Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu, cho đến Bảo Đại đều không được thực dân Pháp (Hoa Kỳ chi viện 85% chiến phí) trao quyền độc lập dân tộc thực sự mà chỉ cho ăn bánh vẽ. Ông Ngô Đình Diệm được người Mỹ đưa về và trao cho đầy đủ các quyền, nhưng ở vào thời điểm quá muộn mằn, lại phải gánh một quá khứ u ám, do đó không thể nào nhận được lòng tin của dân tộc. Cũng có thể nói, ông Diệm được hưởng thành quả không phải do mình chiến đấu giành được mà nhờ cuộc kháng chiến 9 năm đã khiến cho các thế lực nước ngoài thấy cần phải nâng đỡ ông thành một lãnh tụ chống cộng. Dưới ông Diệm, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… đều đã từng mặc quân phục do các thống chế Pháp thiết kế thì làm sao tranh thủ được lòng dân? Rồi nửa triệu quân Mỹ ùa vào nước ta đã làm cho những lãnh tụ Việt Nam Cộng hòa trở thành những con rối của Mỹ và khiến cho rất nhiều người không thích chủ nghĩa cộng sản cũng bước vào cùng chiến hào với cộng sản để “chống Mỹ cứu nước”! Nếu nắm được dân tộc thì Việt Nam Cộng hòa dù mất hết các thành thị vẫn có thể vào rừng tiếp tục chiến đấu như người cộng sản đã làm suốt 30 năm của hai cuộc chiến tranh.
Vinh danh những người lính Mỹ chết ở Khe Sanh là vì “sự thịnh vượng và tự do” của Hoa Kỳ, ông Obama tỏ ra có thủ đoạn chính trị khôn ngoan, nhưng không hợp với lương tri và cũng không đúng với thực tế lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản không bị đánh gục bởi kẻ thù của nó như ông Obama nhận định mà bởi chính những người cộng sản và nhân dân các nước cộng sản, khi họ nhận biết con đường cộng sản đã tách ra khỏi con đường lớn của văn minh nhân loại và đi vào ngõ cụt, không có tương lai.
Tóm lại , chủ nghĩa tập thể không hề là “vũ khí cực kỳ hữu hiệu” dù thời bình hay thời chiến. Trước họa ngoại xâm, các dân tộc chớ tìm đến cái chủ nghĩa tập thể đó mà hãy tìm đến dân chủ như đức vua Trần của Việt Nam đã mở Hội nghị Diên Hồng trước họa Nguyên Mông.
5. Đạo đức cách mạng xung khắc với Đổi mới
Sau 30-4-75, đã qua cái thời “Các đảng viên cộng sản, xung phong!”,”Đảng viên đi trước, làng nước theo sau!”. Từ nay vào Đảng không phải để hy sinh chiến đấu mà vào Đảng là được đứng trước cánh cửa thăng quan tiến chức, không phải để cống hiến mà để chia phần. Cũng từ nay, những kẻ cơ hội, xu nịnh, tỏ ra có nhiều khả năng thuyết phục được những đồng chí có trách nhiêm canh cửa chính trị chọn lựa người kế cận hơn là những ai khiêm nhường, tự trọng. Cùng với các tiêu chuẩn “hồng” trọng hơn “chuyên”; “đức” (chủ yếu là quan điểm lập trường) đặt trên “tài”, thành phần công nông quý hơn trí thức, đã làm cho đảng viên, cán bộ lớp sau sa sút dần so với lớp trước. Ông Nguyễn Thừa Nghiệp, một cán bộ công đoàn đã nghỉ hưu, người dành cả đời mình chăm lo bảo vệ công nhân, cho rằng việc đảo ngược vị trí ”sĩ, nông, công, thương”, thành “công, nông, trí” không khác nào đem tay chân thay thế cho đầu óc của cả xã hội! Thế giới ngày nay đang “bùng nổ thông tin”, “kinh tế tri thức”, tại sao chúng ta lại đặt trí thức vào cuối bảng?!
Những năm 80, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức nghiêm trọng. Chuyện tiếu lâm mới lan tràn, báo hiệu chế độ lung lay. Ở Thành phố HCM, hai ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt đã làm một việc tày đình là “xé rào” để thực hiện điều mà hai ông gọi là “Hài hòa 3 lợi ích” (lợi ích cá nhân người lao động, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước.) Trong một cuộc học tập chính trị ở Hà Nội, nhiều nhà lý luận Mác-Lê chỉ trích gay gắt cái “chủ nghĩa tự do kinh tế đang nảy sinh ở Sài Gòn”. Tuy nhiên việc làm trái với luật pháp và đạo đức xã hội chủ nghĩa ấy lại rất hợp lòng dân và đem lại hiệu quả cực kỳ to lớn. Người bạo gan làm việc ấy được nhân dân suy tôn, được toàn Đảng ca ngợi và từ chỗ bị loại khỏi Bộ Chính trị ở Đại hội Đảng lần thứ V (do không tán thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam) đã được trở vào Bộ Chính trị, làm ứng viên sáng giá chức vụ Tổng Bí thư ở Đại hội VI. (Ông Hoàng Trọng Đỉnh, Phó Tổng biên tập báo Lao động , khi đọc quyển Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của Nguyễn Văn Linh đã reo lên: “Ông này phải là Tổng Bí thư!”.
Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đề xướng Đổi mới, tuy muộn nhưng là một quyết định rất sáng suốt, đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và phát triển nhanh chóng. “Đổi mới” thực sự là từ bỏ nhiều nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê. Những điều trước đây ông Kim Ngọc và các ông bị quy tội chống Đảng đòi hỏi, nay Đổi mới đã vượt qua rất xa, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế. Tự do kinh tế đã chọc thủng chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa một mảng lớn. Xã hội chuyển dần từ quỹ đạo vô sản sang hữu sản. Nhiều đảng viên trở thành “tư sản đỏ”. Con trai ông Lê Duẩn cũng bỏ Đảng để làm doanh nhân (Từ “tư sản” vẫn còn bị kiêng dùng!).
Rất đáng tiếc, ông Nguyễn Văn Linh không ý thức được rằng “3 lợi ích” do ông là một tác giả, sở dĩ làm bật dậy sức sáng tạo của toàn dân là vì nó chống lại chủ nghĩa tập thể lỗi thời của lý thuyết cộng sản. Ông xé rào như một cách “chữa cháy” chứ không đủ tri thức để định hướng cho con đường Đổi mới có mục tiêu minh bạch. Ông không muốn và cũng không có khả năng chỉ đạo các lý thuyết gia nghiên cứu biên soạn những bài học từ thực tiễn, tiếp tục đưa Đổi mới mạnh mẽ vượt qua rào cản của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông không dựa hẳn vào người đồng tác giả “3 lợi ích” với mình là ông Võ Văn Kiệt, người có những suy nghĩ sâu sắc muốn đưa đổi mới đi xa hơn, mà lại dựa vào những người to tiếng “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Điều đó làm cho Đổi mới cứ ngập ngừng, bệnh cơ hội có đất nảy nở, tiêu cực xã hội phát triển, khiến cho đạo đức xã hội dần dần xuống cấp.
Đổi mới đã làm cho đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng đạo đức xã hội thì như tụt dốc không phanh. Nhiều lý thuyết gia cho rằng đó là do”mặt trái”, “đứa con hư” của cơ chế thị trường. Người ta quên rằng xã hội chúng ta đã từng sống trong kinh tế thị trường trước khi đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Vậy phải tìm ở những nguyên nhân khác!
Xin thử nêu ra vài suy nghĩ bước đầu:
- Tự do kinh tế giải phóng sức sáng tạo cá nhân, đồng thời đòi hỏi phải trả lại cho cá nhân những quyền và lợi mà họ đã bị tước đoạt nhân danh lợi ích tập thể. Không thể “chí công vô tư” mà phải “công tư lưỡng lợi”, ở doanh nghiệp thì “lao tư lưỡng lợi”, hoặc nói như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt là “Thực hiện hài hòa 3 lợi ích”. Tiếc thay, ý kiến chính thống vẫn không chấp nhận thực tế rất đúng đắn, rất hợp đạo lý đó, mà vẫn cứ kiên trì “chí công vô tư”, vẫn “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vẫn “quốc doanh là chủ đạo”, “đất đai phải là sở hữu của toàn dân”… Chính vì thế mà cuộc sống bày ra vô số điều nghịch lý.
- Cán bộ đảng viên, những đại biểu của giai cấp vô sản, những đầy tớ của nhân dân, những người thuyết lý hay ho nhất về chí công vô tư lại là những ông chủ hữu sản lớn nhất, nhiều ông là “tư sản đỏ” sống cách biệt với nhân dân! Nhiều nơi nhân dân trớ trêu đặt tên cho các khu biệt thự sang trọng là “khu nhà của đày tớ”! Tấm bình phong “đất đai là của toàn dân” chỉ để tạo điều kiện cho các quan tham biến thành vườn nhà, hoặc móc ngoặc chia chác với nhà đầu tư nước ngoài, làm cho nông dân mất hết đất canh tác.
- Công nhân luôn nghe mình được xưng tụng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nhưng thực tế là việc làm bấp bênh, đồng lương không đủ sống, nhà cửa dột nát, con cái không được học hành. Họ buộc phải nghĩ rằng mình được cho ăn bánh vẽ và khi quá cùng cực họ đã tổ chức đến 2500 cuộc đình công mà không cần thông qua công đoàn, tổ chức có danh nghĩa là đại diện hợp pháp của họ!
- Những cuộc học tập đạo đức Bác Hồ đối chiếu với thực tế cuộc sống đang diễn ra hoàn toàn trái ngược: Trên báo chí ngày nào cũng đọc thấy những chuyện thối tha: Ông bộ trưởng tham nhũng bị đi tù; ông phó Tổng cục trưởng mua dâm trẻ em; ông trung tướng công an, ông giám đốc Đài phát thanh móc ngoặc với bọn xã hội đen; ông phó ban Tổ chức tỉnh ủy đi bia ôm trong giờ hành chính; ông Bí thư Tỉnh ủy được đưa tiền mua chức. Rất, rất nhiều ông đồng chí khác, kể cả những ông cán bộ tuyên huấn cấp huyện, những người chuyên lên lớp về đạo đức Bác Hồ cũng đã ăn chặn tiền quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tiền Tết của đồng bào nghèo… Người dân buộc phải nghĩ: Đạo đức cách mạng hóa ra chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của mấy ông cán bộ, đảng viên.
- Nhìn xã hội ai cũng thấy rõ ràng là đang đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa trong từng bước hội nhập, nhưng lại được dạy bảo là chúng ta đang kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, khiến người lớn tuổi thầm nhắc lời của Thiệu: “Đừng nghe…” Chính những vị lão thành cách mạng cũng phân vân: “Có thật là chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội?”
- Trong xã hội cũ, tầng lớp trí thức là những người nêu gương về lối sống cho cộng đồng như thày đồ, thày giáo. Sau cách mạng, tầng lớp này bị hạ xuống rất thấp. Thấp đến nỗi không còn được học sinh của mình tôn trọng. Xã hội chính trị tôn vinh tột bậc những ông bí thư Đảng, chủ tich các đoàn thể, những đảng viên có chức có quyền thành nhân vật quan trọng nhất trong cộng đồng. Các nhân vật ấy ngày nay có cuộc sống vật chất cao hơn mọi người, nói những lời cao đạo hơn mọi người, nhưng làm nhiều điều ám muội hơn mọi người! Xã hội buộc phải nghĩ ngược và làm ngược lại những lời “vàng ngọc” mà những kẻ ấy thường lên giọng daỵ dỗ mình.
6. Làm gì để khôi phục đạo đức?
Trong một lần góp ý cải tiến chương trình giáo dục, nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể rằng hồi ông cắp sách đến trường, chương trình giáo dục cũng không hiện đại gì, nhưng vì được học những điều mình tin, nhờ đó mà tất cả bạn học của ông đều nên người.
Tôi cho rằng ý kiến đó rất đáng cho chúng ta suy nghĩ để có một chiến lược giáo dục, trước hết là dạy những điều không ai có thể nghi ngờ trước khi đạt đến yêu cầu tiên tiến. Nói rộng ra, mọi vấn đề trong xã hội đều phải được gọi đúng “tên cúng cơm” của nó!
Trước hết là Đảng. Ngày xưa, các đảng viên cộng sản khi giơ tay thề chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, họ đều có niềm tin vững chắc, dù không biết chủ nghĩa cộng sản cụ thể ra sao! Cái sai lớn nhất mà ý thức hệ đó gây ra là cải cách ruộng đất thì đã được Bác Hồ xin lỗi nhân dân và sửa sai rồi. Nhiều sai lầm khác cũng được cho là do “ấu trĩ”. Sau 20 năm thực hiện Đổi mới, Đảng đã từ bỏ nhiều nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, đưa xã hội ta khởi sắc nhiều mặt, kể cả vấn đề tự do, dân chủ. Nhờ đó mà huy động được toàn dân đóng góp tiền tài, vật lực, trí tuệ, tâm huyết phát triển đất nước. Nhiều Việt kiều lúc ra đi đã thề rằng chỉ khi nào không còn Đảng Cộng sản mới trở về, vậy mà nay đã vui vẻ chung tay xây dựng mái nhà chung. Được như vậy là vì số đông nhân dân trong và ngoài nước đã nghĩ giống như ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ông trả lời phỏng vấn của nhà báo hải ngoại Nguyễn Vi Túy: “Tôi hiểu căn bản của Đảng Cộng sản và người cộng sản là… không có tư hữu và chỉ có một giai cấp. Nhưng khi cái căn bản chính ấy mà họ đã bỏ đi rồi, thì chẳng khác nào chuyện ông thầy tu đã phạm giới rồi mà vẫn còn muốn người đời gọi mình là kẻ tu hành.”
Chẳng lẽ chúng ta sẽ đính chính với ông Kỳ và mọi người rằng: “Không đâu, đây chỉ là sách lược tạm thời. Đến khi nào chủ nghĩa Mác-Lê vượt qua cơn thoái trào, chúng tôi sẽ lại cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng nguyên lý của Mác”? Còn nếu không thì hóa ra chúng ta “treo đầu dê bán thịt chó”? Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng trong hoàn cảnh như chúng ta, nhưng họ đã có thái độ khá rõ ràng khi đưa ra lý thuyết “3 đại diện”, khẳng định rằng Đảng là của toàn dân tộc chứ không phải trước hết là của giai cấp công nhân. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm như vậy chắc chắn sẽ được “danh chính ngôn thuận”, toàn dân tộc sẽ vui mừng tin tưởng hơn.
Nhưng tại sao chúng ta chỉ có thể làm theo như Trung Quốc chứ? Tại sao chúng ta không chủ động sáng tạo đi xa hơn họ? Khi mà ngay ở quê hương Cách mạng tháng Mười, người ta đã vĩnh viễn quay lưng với cái lý thuyết triệt để giải phóng con người, nhưng thực tế lại đưa con người vào tình trạng cần được giải phóng, như thoát khỏi sự khiếp sợ của Nguyễn Khải chẳng hạn? Hơn nữa, khi “Đảng là của dân tộc”, chúng ta trở lại đúng thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều mà lãnh tụ của nhiều Đảng Cộng sản khác, kể cả Đảng Cộng sản Trung Quốc không có được! (Có lẽ vì thế mà họ đang đề cao học thuyết của Khổng Tử như là tư tưởng dân tộc?)
Hãy trở lại với đạo đức làm người chứ không phải làm ông thánh, để rồi không làm được ông thánh thì mất hết niềm tin, sa đọa dần và trở thành những tên lưu manh. Mới đây, trong ngày đầu năm mới, chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh trung học ở Gò Vấp đã gởi cho báo Phụ nữ Thành phố HCM (số báo ngày 3-2-2009) điều ước đầu năm của mình như sau: “Chương trình ở bậc phổ thông hiện nay rất nặng. Để biên soạn lại bộ sách cần phải có thời gian, nhưng riêng môn đạo đức giáo dục công dân, thiết nghĩ cần phải thay đổi ngay. Bởi chương trình môn học này có quá nhiều kiến thức không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tôi nghĩ cần phải dạy cho các em biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em và mọi người, biết sống có trách
nhiệm với bản thân và cộng đồng, không tham lam, ích kỷ.”
Mong muốn của một người dân bình thường sao mà giản dị và thiết thực đến vậy! Tại sao những người học cao và có trách nhiệm lớn lại không nghĩ tới? Vừa qua, tại Lễ hội Yên Tử, một số nhà sư đã cho in các nội dung về đạo làm người. Họ nói đây là lời dạy của đức Phật. Nội dung rất cạn cợt, nhưng đã được đông người vồ vập mua với giá 10 nghìn đồng 1 tờ! Xin chép ra vài câu. Bàn về chữ Hiếu: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha. Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha”… Các nhà giáo dục nghĩ gì trước hiện tượng này? Có phải vì chúng ta không đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, cho nên các nhà sư đã làm thay?
Chúng ta nên can đảm dám từ bỏ những nội dung “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vì nó không thể thực hiện được và đã gây phản tác dụng. Đừng sợ như vậy là có lỗi với Bác Hồ. Chính Bác vẫn thường khuyên bảo nên sửa đổi những gì không còn thích hợp. (Cụ Các Mác cũng từng bảo rằng không nên để lý thuyết của ông bó tay những người cách mạng. Ông còn nói, mình không phải là người mác-xít, với ý cho rằng khi lý thuyết trở thành một chủ nghĩa thì sẽ dễ hóa ra giáo điều!) Chúng ta nên tự hào về những giá trị vĩ đại khác của Bác Hồ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (chứ không phải Chủ nghĩa xã hội!) và “Nước được độc lâp mà nhân dân không được tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì!” Đây là tư tưởng nhân quyền của thời đại. Bác Hồ của chúng ta đã đi trước hằng thập kỷ đối với các lý thuyết gia Hoa Kỳ khi họ nêu ra “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Hơn nữa, Bác Hồ nêu ra ý đó là để răn dạy Đảng cầm quyền của mình chứ không nhằm gây áp lực đối với các dân tộc chưa đủ điều kiện thực hiện.
Cán bộ công chức không phải là cha mẹ, cũng không phải đày tớ mà là người ăn lương của dân để phục vụ nhân dân, là “của dân, do dân, vì dân”. Đừng xem việc học tập đạo đức Bác Hồ là biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng. Bọn Huỳnh Ngọc Sĩ và các đảng viên ăn chặn tiền Tết của dân nghèo đều đã học đạo đức Bác Hồ. Phải thực hiện “pháp trị”, và ”tam quyền phân lập”, đưa xã hội đi vào khuôn phép, kỷ cương, chỉ có như vậy mới chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Đảng, đoàn thể phải hoạt động bằng nguyệt phí của đảng viên, đoàn viên, chứ không phải bằng tiền từ ngân sách. Đó chính là biện pháp chống quan liêu, xa quần chúng một cách hữu hiệu.Tại sao Đảng luôn luôn kêu gọi đảng viên phải đi sát dân, lắng nghe dân mà rất ít người thực hiện? Bởi vì cơ chế bầu cử, đề bạt hiện nay đều không do người dân quyết định. Từ lâu nhân dân có câu “Đảng cử dân bầu”. Phải chấm dứt cách làm đó và thay bằng ứng cử tự do và để cho dân đề cử người mình tín nhiệm.
Tự do, dân chủ đã được Hiến pháp ghi nhận từ năm1946, phải nhanh chóng được hiểu và thực hiên như nhân loại hiện đại đã hiểu và thực hiện.
Chúng ta đã từng tự ru ngủ mình là một đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, “dân tộc tiên phong của nhân loại, “lương tâm của thời đại”, “nhận sứ mệnh lịch sử chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa bành trướng bá quyền”… Nay hãy tỉnh táo nhìn lại mình đang đứng ở khoảng cuối bảng xếp hạng của các quốc gia trong Liên hiệp quốc! Đang chịu không biết bao nhiêu nỗi nhục. Chẳng hạn, cứ phải nghe chuyện “Hơn 100 cô gái đẹp người Việt ngồi cho một anh Hàn quốc (có khi là người khuyết tật) ngắm nghía sờ soạng để chọn vợ!” và còn không biết bao nhiêu chuyện đau lòng khác. Nếu không mau mau gột bỏ thói vô đạo đức đang trở thành “dân tộc tính”, tạo cho mình một phẩm chất mới thì chẳng bao giờ hy vọng có thể sánh vai với nhân loại hiện đại!
Tóm lại hãy làm những gì mà cuộc sống đòi hỏi và hãy từ bỏ thật nhanh những gì chỉ nghĩ ra theo tư duy của ý thức hệ đã lỗi thời. Đó là bài học lớn mà ông Lý Quang Diệu, lãnh tụ vĩ đại của nước Singapore phát triển thần kỳ, đã rút ra và chỉ dẫn cho nhân dân nước ông tiến tới. Hãy lấy một câu rất hay từ Nghị quyết của Đảng làm mục tiêu của toàn dân tộc: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tất cả mọi việc đều minh bạch, chắc chắn đạo đức sẽ phục hồi.
© talawas 2009
Thế giới đang chuyển sang “tả”
Thế giới đang chuyển sang “tả”
Tham luận tại hội thảo
“Positions of the Europpean and German LEFTs
to global and local problems – and the challenge to unite”
Hanoi – March 2009
Nguyễn Trung
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa toàn thể các thành viên tham gia hội thảo,
Trước hết cho phép tôi với tư cách là một công dân Việt Nam ngưỡng mộ Rosa Luxemburg chân thành cảm ơn Ban Tổ chức về lời mời tham gia Hội thảo này. Cũng xin cho phép tôi với tư cách là công dân nước chủ nhà nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến từ Đức và Thụy Điển có mặt trong buổi hội thảo hôm nay. Xin nói ngay, đấy cũng là hai quốc gia rất gắn bó với cá nhân tôi. Nước Đức là nơi tôi đã học tập thời sinh viên và làm việc ở đấy một thời gian khá dài. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên tôi tìm hiểu mô hình phát triển với khát vọng rút tỉa được điều gì đó để đóng góp cho nước mình. Tôi nghĩ rằng những mối liên hệ như vậy và cuộc hội thảo hôm nay sẽ tiếp sức cho tất cả chúng ta trước thách thức phải đoàn kết lại!
Đúng, tất cả những gì đang diễn ra trên trái đất này đặt chúng ta trước thách thức phải đòan kết lại – như đã thể hiện trong tiêu đề của Hội thảo này.
Thưa các bạn,
Cách đây không lâu, cho đến tận giữa hay gần cuối năm 2008, có lẽ ít ai ngờ rằng khủng hoảng kinh tế thế giới lại diễn ra sâu rộng, trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến - giống như các đợt sóng thần lũ lượt theo nhau ập đến hầu hết mọi nền kinh tế trên trái đất này. Từng đợt, từng đợt, mở đầu là sự rối loạn của thị trường tiền tệ, rồi lan sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế khác, mọi quốc gia, và hiện nay đang tác động quyết liệt tới từng gia đình. Các cơn sóng thần ấy vẫn đang hoành hành, bất chấp mọi giải pháp ứng cứu và phối hợp hành động chưa hề có cho đến nay trên hành tinh này giữa các quốc gia. Các tổ chức quốc tế quan trọng như UNO, WTO, WB, IMF... cũng không làm được gì nhiều. Các đánh giá lạc quan hay bi quan về triển vọng cuộc khủng hoảng toàn cầu này hình như không thay đổi được thực tế là: hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng này và những hệ lụy của nó hình như vẫn còn đang ở phía trước và chưa lường hết được.
Có nhiều lý do để đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ, mà đấy là cuộc khủng hoảng kết thúc một giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới, kết thúc một xu hướng phát triển kinh tế được ca ngợi trong “thế giới phẳng” (Thomas L. Friedman, 2007) của quá trình toàn cầu hóa ở nấc thang hiện tại. Cuộc khủng hoảng này còn là là kết cục tất yếu của những học thuyết, những quan điểm kinh tế mang các tên gọi và sắc thái khác nhau, nhưng cùng chung một khuynh hướng và nguồn gốc: sự tôn sùng thái quá bàn tay vô hình của thị trường. Về nhiều mặt, cuộc khủng hoảng này có thể được xem xét là sự cáo chung giai đoạn cực thịnh của mọi học thuyết kinh tế nằm trong trường phái tân cổ điển.
Nhìn lại nửa sau thế kỷ 20, nhất là những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, sự tiến bộ vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, quá trình lan tỏa và công phá của các làn sóng toàn cầu hóa kinh tế thế giới đã gây nên những biến động lớn lao trên thế giới. Nét nổi bật của quá trình này là chủ nghĩa tân cô điển ngày càng chiếm ưu thế, tạo ra những tác động không nhỏ góp phần vào việc làm sụp đổ hệ thống kinh tế và chính trị của các nước Liên Xô – Đông Âu cũ, dẫn tới kết thúc chiến tranh lạnh. Tiếp theo là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tân cổ điển và người chị em sinh đôi của nó là chủ nghĩa tân tự do, với tham vọng về một “trật tự thế giới mới” (Robert Kagan, 2003), đạt tới đỉnh cao và cũng là sự kết thúc trong cuộc chiến tranh Iraq không có lối ra và trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hôm nay.
Nhìn nhận thuần túy dưới góc độ kinh tế, khuynh hướng mê muội hay sùng bái quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới trong thời gian qua, nhất là từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, đã làm cho tầm mắt của nhiều quốc gia – nhất là của những người làm chính sách - bị mù quáng nhất định, hoặc thậm chí có người nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn phá kèm theo của quá trình toàn cầu hóa. Sự tàn phá này diễn ra song hành, là mặt trái, là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa kinh tế thế giới – gần như theo định luật bảo tồn năng lượng trong vật lý! Sự tàn phá này đang ngày càng quyết liệt, quyết liệt hơn so với chúng ta nhận thức được.
Thật vậy, sự phát triển bứt phá của công nghệ tin học và sức lan tỏa của toàn cầu hóa đã làm cho thị trường tài chính tiền tệ thế giới vốn là con ngựa bất kham càng trở nên bất kham hơn. Thị trường tài chính phái sinh trong bối cảnh này trên thực tế đã củng cố, từ nhiều thập kỷ nay đã phát triển một nền kinh tế ảo gần như bất khả kháng về nhiều mặt, tạo ra một động lực đầy sức quyến rũ và mang theo một khả năng tàn phá, đủ sức làm thiên lệch mọi xu hướng phát triển tự nhiên của nền kinh tế thật. Có số liệu nói tổng giá trị vốn danh nghĩa trên thị trường tài chính phái sinh của Mỹ năm 2008 ước khoảng 70 nghìn tỷ USD, nghĩa là gấp 5 lần GPD nước này. Đấy là các con số phác họa phần nào nền kinh tế ảo. Bức tranh chung hiện nay là trên thế giới đang tồn tại một nền kinh tế quá sức chịu đựng của trái đất này, loài người nói chung đang sống quá mức nó làm ra, với khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng xoạc rộng, và chứa đựng bất công không thể nào chấp nhận được. Người ta đã ước lượng, ví dụ để gìn giữ được sự cân bằng sinh thái như đã có ở thế kỷ 19, loài người ngày nay – với tất cả sự giác ngộ cần thiết phải có về bảo vệ môi trường – ít nhất cũng cần phải có 5 hay 6 trái đất!
Vâng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta đang chứng kiến không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ. Cuộc khủng hoảng này đặt ra đòi hỏi cả thế giới phải chuyển sang một nền kinh tế khác: (1)sử dụng năng lượng và tài nguyên không tái tạo được ít hơn, (2)bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn, (3)có sự điều tiết tốt hơn của trí tuệ và khả năng quản lý của con người để duy trì sự phát triển cân bằng – bao hàm cả ý nghĩa không được sống quá mức mình làm ra, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Với những đòi hỏi như vậy, cuộc khủng hoảng này đặt ra những nhiệm vụ mới bức xúc hơn bao giờ hết về phát triển con người và về năng lực quản lý của nhà nước cần thiết cho nền kinh tế mới này! Nói một cách hình ảnh: Thế giới đang đứng trước yêu cầu phải chuyển sang phát triển theo hướng “tả”, trong đó trí tuệ và dân chủ phải là những yếu tố chi phối quyết định.
Bước ngoặt mới này của kinh tế thế giới chính là sự thách thức trực tiếp đối với tất cả những ai trên trái đất này coi mình là “cánh tả”: Làm gì để thúc đẩy mọi nơi, mọi người, mọi quốc gia đáp ứng tốt nhất 3 đòi hỏi mới nêu trên của thế giới? Làm gì để cho trí tuệ và dân chủ có tiếng nói quyết định! Tinh thần Rosa Luxemburg là như vậy!
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra trước hết đổ dồn vào những nước nghèo, những nước đang phát triển. Đó là những quốc gia không có, hoặc có rất ít trong tay khả năng đương đầu với chính cuộc khủng hoảng này. Hơn nữa, những quốc gia này còn phải đương đầu với những những hệ quả của cuộc khủng hoảng này được dồn tới từ các nước phát triển. Hãy lấy Việt Nam làm ví dụ: Trước khủng hoảng Việt Nam xuất khẩu dầu với giá 140 USD/thùng, nay chỉ còn lại khoảng 40 USD/thùng, xuất khẩu gạo với giá 1100 USD/tấn, nay chỉ còn lại khoảng 550 USD/tấn, nhiều mặt hàng khác không bán được đối với một quốc gia xuất khẩu tới 60% GDP, xu thế bảo hộ mậu dịch tại các nước phát triển đang gia tăng, sự di chuyển khó kiểm soát của các dòng vốn nước ngoài, sự biến động của các đồng tiền mạnh liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, v... v...; trong khi đó riêng năm 2009 Việt Nam sẽ có khoảng 400.000 người mất việc làm và khoảng 1,7 triệu người đến tuổi lao động cần việc làm rất khó đáp ứng trong tình hình hiện nay... Phải nói đấy là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam, mặc dù đấy là một nước đã có được một quá trình phát triển năng động trong suốt hai mươi nhăm năm qua!
Như nhiều nước đang phát triển khác, ngày nay Việt Nam không còn phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân, kể cả chủ nghĩa thực dân mới. Thời đại này đi vào quá khứ rồi. Thế nhưng, trong bước ngặt mới này của kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải đương đầu với (1)nguy cơ bị biến thành bãi thải công nghiệp, (2)sức ép mọi mặt của các thế lực lớn từ bên ngoài, (3)sự xâm lăng về văn hóa từ bên ngoài vào, và (4)sự tàn phá do môi trường tự nhiên bị hủy hoại. Cả 4 “kẻ thù” mới này hợp lực với nhau có thể đẩy Việt Nam vào sự nô dịch mới, sự nô dịch của nghèo hèn và lệ thuộc, sự nô dịch không cần chủ nghĩa thực dân!
Không thể nào khác, câu trả lời của Việt Nam trước bước ngoặt chung của thế giới, và cũng là bước ngoặt phát triển của chính quốc gia mình[i], chỉ có thể là: Trí tuệ và dân chủ! Nếu không, Việt Nam sẽ không có gì – ngoài cái nghèo và cái hèn lớn hơn!
Thưa các bạn,
Cách đây 90 năm Rosa Luxemburg bị sát hại. Nhưng tư tưởng của Rosa Luxemburg sẽ còn sống mãi: “Không có dân chủ, không có chủ nghĩa xã hội!”
Vâng, cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới khẳng định: Không có dân chủ, không có phát triển, không có giải phóng và quyền con người, không có phát huy con người, không có bất kỳ tiến bộ xã hội nào! Cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới cũng đang khẳng định: Còn rất nhiều việc đòi hỏi phải cống hiến trí tuệ, nghị lực và trái tim mình để thực hiện dân chủ, chứ không phải để cầu xin.
Thưa các bạn, trong di sản tinh thần, Rosa còn để lại cho chúng ta khoảng 900 bức thư yêu – giữa Rosa và những người Rosa yêu mến, nhất là các thư gửi Leo Jogisches. Tôi chia sẻ một nhận xét rất có ý nghĩa đối với tôi của một số người đã đọc những bức thư tình này: Đọc các thư, sẽ thấy ngay không phải là các dòng chữ Rosa viết, mà là Rosa đang nói, với tất cả giọng điệu và âm hưởng của mình, với tất cả nhiệt huyết của một trái tim đang yêu rực cháy! Đấy chính là Rosa!.. Ôi, tôi thầm mong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này lúc nào đó sẽ vợi bớt đi những căng thẳng xé tim, nhức đầu, sẽ dành lại cho chúng ta chút síu thời gian nào đó, để có thể gặp nhau như hội thảo hôm nay, song không phải để bàn về “positions”, về “leftist and leftism...”, mà là để chiêm nghiệm Rosa của tình yêu, để chúng ta được sống người hơn nữa!
Chân thành cảm ơn sự chú ý của các bạn./.
Hà Nội, ngày 05-03-2009
Tham luận tại hội thảo
“Positions of the Europpean and German LEFTs
to global and local problems – and the challenge to unite”
Hanoi – March 2009
Nguyễn Trung
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa toàn thể các thành viên tham gia hội thảo,
Trước hết cho phép tôi với tư cách là một công dân Việt Nam ngưỡng mộ Rosa Luxemburg chân thành cảm ơn Ban Tổ chức về lời mời tham gia Hội thảo này. Cũng xin cho phép tôi với tư cách là công dân nước chủ nhà nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến từ Đức và Thụy Điển có mặt trong buổi hội thảo hôm nay. Xin nói ngay, đấy cũng là hai quốc gia rất gắn bó với cá nhân tôi. Nước Đức là nơi tôi đã học tập thời sinh viên và làm việc ở đấy một thời gian khá dài. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên tôi tìm hiểu mô hình phát triển với khát vọng rút tỉa được điều gì đó để đóng góp cho nước mình. Tôi nghĩ rằng những mối liên hệ như vậy và cuộc hội thảo hôm nay sẽ tiếp sức cho tất cả chúng ta trước thách thức phải đoàn kết lại!
Đúng, tất cả những gì đang diễn ra trên trái đất này đặt chúng ta trước thách thức phải đòan kết lại – như đã thể hiện trong tiêu đề của Hội thảo này.
Thưa các bạn,
Cách đây không lâu, cho đến tận giữa hay gần cuối năm 2008, có lẽ ít ai ngờ rằng khủng hoảng kinh tế thế giới lại diễn ra sâu rộng, trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến - giống như các đợt sóng thần lũ lượt theo nhau ập đến hầu hết mọi nền kinh tế trên trái đất này. Từng đợt, từng đợt, mở đầu là sự rối loạn của thị trường tiền tệ, rồi lan sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế khác, mọi quốc gia, và hiện nay đang tác động quyết liệt tới từng gia đình. Các cơn sóng thần ấy vẫn đang hoành hành, bất chấp mọi giải pháp ứng cứu và phối hợp hành động chưa hề có cho đến nay trên hành tinh này giữa các quốc gia. Các tổ chức quốc tế quan trọng như UNO, WTO, WB, IMF... cũng không làm được gì nhiều. Các đánh giá lạc quan hay bi quan về triển vọng cuộc khủng hoảng toàn cầu này hình như không thay đổi được thực tế là: hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng này và những hệ lụy của nó hình như vẫn còn đang ở phía trước và chưa lường hết được.
Có nhiều lý do để đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ, mà đấy là cuộc khủng hoảng kết thúc một giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới, kết thúc một xu hướng phát triển kinh tế được ca ngợi trong “thế giới phẳng” (Thomas L. Friedman, 2007) của quá trình toàn cầu hóa ở nấc thang hiện tại. Cuộc khủng hoảng này còn là là kết cục tất yếu của những học thuyết, những quan điểm kinh tế mang các tên gọi và sắc thái khác nhau, nhưng cùng chung một khuynh hướng và nguồn gốc: sự tôn sùng thái quá bàn tay vô hình của thị trường. Về nhiều mặt, cuộc khủng hoảng này có thể được xem xét là sự cáo chung giai đoạn cực thịnh của mọi học thuyết kinh tế nằm trong trường phái tân cổ điển.
Nhìn lại nửa sau thế kỷ 20, nhất là những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, sự tiến bộ vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, quá trình lan tỏa và công phá của các làn sóng toàn cầu hóa kinh tế thế giới đã gây nên những biến động lớn lao trên thế giới. Nét nổi bật của quá trình này là chủ nghĩa tân cô điển ngày càng chiếm ưu thế, tạo ra những tác động không nhỏ góp phần vào việc làm sụp đổ hệ thống kinh tế và chính trị của các nước Liên Xô – Đông Âu cũ, dẫn tới kết thúc chiến tranh lạnh. Tiếp theo là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tân cổ điển và người chị em sinh đôi của nó là chủ nghĩa tân tự do, với tham vọng về một “trật tự thế giới mới” (Robert Kagan, 2003), đạt tới đỉnh cao và cũng là sự kết thúc trong cuộc chiến tranh Iraq không có lối ra và trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hôm nay.
Nhìn nhận thuần túy dưới góc độ kinh tế, khuynh hướng mê muội hay sùng bái quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới trong thời gian qua, nhất là từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, đã làm cho tầm mắt của nhiều quốc gia – nhất là của những người làm chính sách - bị mù quáng nhất định, hoặc thậm chí có người nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn phá kèm theo của quá trình toàn cầu hóa. Sự tàn phá này diễn ra song hành, là mặt trái, là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa kinh tế thế giới – gần như theo định luật bảo tồn năng lượng trong vật lý! Sự tàn phá này đang ngày càng quyết liệt, quyết liệt hơn so với chúng ta nhận thức được.
Thật vậy, sự phát triển bứt phá của công nghệ tin học và sức lan tỏa của toàn cầu hóa đã làm cho thị trường tài chính tiền tệ thế giới vốn là con ngựa bất kham càng trở nên bất kham hơn. Thị trường tài chính phái sinh trong bối cảnh này trên thực tế đã củng cố, từ nhiều thập kỷ nay đã phát triển một nền kinh tế ảo gần như bất khả kháng về nhiều mặt, tạo ra một động lực đầy sức quyến rũ và mang theo một khả năng tàn phá, đủ sức làm thiên lệch mọi xu hướng phát triển tự nhiên của nền kinh tế thật. Có số liệu nói tổng giá trị vốn danh nghĩa trên thị trường tài chính phái sinh của Mỹ năm 2008 ước khoảng 70 nghìn tỷ USD, nghĩa là gấp 5 lần GPD nước này. Đấy là các con số phác họa phần nào nền kinh tế ảo. Bức tranh chung hiện nay là trên thế giới đang tồn tại một nền kinh tế quá sức chịu đựng của trái đất này, loài người nói chung đang sống quá mức nó làm ra, với khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng xoạc rộng, và chứa đựng bất công không thể nào chấp nhận được. Người ta đã ước lượng, ví dụ để gìn giữ được sự cân bằng sinh thái như đã có ở thế kỷ 19, loài người ngày nay – với tất cả sự giác ngộ cần thiết phải có về bảo vệ môi trường – ít nhất cũng cần phải có 5 hay 6 trái đất!
Vâng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta đang chứng kiến không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ. Cuộc khủng hoảng này đặt ra đòi hỏi cả thế giới phải chuyển sang một nền kinh tế khác: (1)sử dụng năng lượng và tài nguyên không tái tạo được ít hơn, (2)bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn, (3)có sự điều tiết tốt hơn của trí tuệ và khả năng quản lý của con người để duy trì sự phát triển cân bằng – bao hàm cả ý nghĩa không được sống quá mức mình làm ra, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Với những đòi hỏi như vậy, cuộc khủng hoảng này đặt ra những nhiệm vụ mới bức xúc hơn bao giờ hết về phát triển con người và về năng lực quản lý của nhà nước cần thiết cho nền kinh tế mới này! Nói một cách hình ảnh: Thế giới đang đứng trước yêu cầu phải chuyển sang phát triển theo hướng “tả”, trong đó trí tuệ và dân chủ phải là những yếu tố chi phối quyết định.
Bước ngoặt mới này của kinh tế thế giới chính là sự thách thức trực tiếp đối với tất cả những ai trên trái đất này coi mình là “cánh tả”: Làm gì để thúc đẩy mọi nơi, mọi người, mọi quốc gia đáp ứng tốt nhất 3 đòi hỏi mới nêu trên của thế giới? Làm gì để cho trí tuệ và dân chủ có tiếng nói quyết định! Tinh thần Rosa Luxemburg là như vậy!
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra trước hết đổ dồn vào những nước nghèo, những nước đang phát triển. Đó là những quốc gia không có, hoặc có rất ít trong tay khả năng đương đầu với chính cuộc khủng hoảng này. Hơn nữa, những quốc gia này còn phải đương đầu với những những hệ quả của cuộc khủng hoảng này được dồn tới từ các nước phát triển. Hãy lấy Việt Nam làm ví dụ: Trước khủng hoảng Việt Nam xuất khẩu dầu với giá 140 USD/thùng, nay chỉ còn lại khoảng 40 USD/thùng, xuất khẩu gạo với giá 1100 USD/tấn, nay chỉ còn lại khoảng 550 USD/tấn, nhiều mặt hàng khác không bán được đối với một quốc gia xuất khẩu tới 60% GDP, xu thế bảo hộ mậu dịch tại các nước phát triển đang gia tăng, sự di chuyển khó kiểm soát của các dòng vốn nước ngoài, sự biến động của các đồng tiền mạnh liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, v... v...; trong khi đó riêng năm 2009 Việt Nam sẽ có khoảng 400.000 người mất việc làm và khoảng 1,7 triệu người đến tuổi lao động cần việc làm rất khó đáp ứng trong tình hình hiện nay... Phải nói đấy là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam, mặc dù đấy là một nước đã có được một quá trình phát triển năng động trong suốt hai mươi nhăm năm qua!
Như nhiều nước đang phát triển khác, ngày nay Việt Nam không còn phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân, kể cả chủ nghĩa thực dân mới. Thời đại này đi vào quá khứ rồi. Thế nhưng, trong bước ngặt mới này của kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải đương đầu với (1)nguy cơ bị biến thành bãi thải công nghiệp, (2)sức ép mọi mặt của các thế lực lớn từ bên ngoài, (3)sự xâm lăng về văn hóa từ bên ngoài vào, và (4)sự tàn phá do môi trường tự nhiên bị hủy hoại. Cả 4 “kẻ thù” mới này hợp lực với nhau có thể đẩy Việt Nam vào sự nô dịch mới, sự nô dịch của nghèo hèn và lệ thuộc, sự nô dịch không cần chủ nghĩa thực dân!
Không thể nào khác, câu trả lời của Việt Nam trước bước ngoặt chung của thế giới, và cũng là bước ngoặt phát triển của chính quốc gia mình[i], chỉ có thể là: Trí tuệ và dân chủ! Nếu không, Việt Nam sẽ không có gì – ngoài cái nghèo và cái hèn lớn hơn!
Thưa các bạn,
Cách đây 90 năm Rosa Luxemburg bị sát hại. Nhưng tư tưởng của Rosa Luxemburg sẽ còn sống mãi: “Không có dân chủ, không có chủ nghĩa xã hội!”
Vâng, cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới khẳng định: Không có dân chủ, không có phát triển, không có giải phóng và quyền con người, không có phát huy con người, không có bất kỳ tiến bộ xã hội nào! Cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới cũng đang khẳng định: Còn rất nhiều việc đòi hỏi phải cống hiến trí tuệ, nghị lực và trái tim mình để thực hiện dân chủ, chứ không phải để cầu xin.
Thưa các bạn, trong di sản tinh thần, Rosa còn để lại cho chúng ta khoảng 900 bức thư yêu – giữa Rosa và những người Rosa yêu mến, nhất là các thư gửi Leo Jogisches. Tôi chia sẻ một nhận xét rất có ý nghĩa đối với tôi của một số người đã đọc những bức thư tình này: Đọc các thư, sẽ thấy ngay không phải là các dòng chữ Rosa viết, mà là Rosa đang nói, với tất cả giọng điệu và âm hưởng của mình, với tất cả nhiệt huyết của một trái tim đang yêu rực cháy! Đấy chính là Rosa!.. Ôi, tôi thầm mong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này lúc nào đó sẽ vợi bớt đi những căng thẳng xé tim, nhức đầu, sẽ dành lại cho chúng ta chút síu thời gian nào đó, để có thể gặp nhau như hội thảo hôm nay, song không phải để bàn về “positions”, về “leftist and leftism...”, mà là để chiêm nghiệm Rosa của tình yêu, để chúng ta được sống người hơn nữa!
Chân thành cảm ơn sự chú ý của các bạn./.
Hà Nội, ngày 05-03-2009
En attendant Obama : NUMERO 44
En attendant Obama : NUMERO 44
Nguyễn Quang
version orignale
En attendant Obama
Numéro 44
Nguyễn Quang
voir la version vietnamienne : ici
Le système politique américain est d'une telle stabilité que les gens ont l'habitude de désigner les présidents par leur numéro d'ordre, un jeu couru étant d'en citer la liste complète en mettant des noms. Ainsi George Washington, bien sûr, est le premier, Abraham Lincoln le 16ième, John F. Kennedy le 35ième... Mais dans cette nomenclature, le 44ième sera un peu plus spécial que les autres, et pour de multiples raisons, comme si l'Histoire avec un H avait elle-même conspiré pour mettre son avènement sous les auspices les moins ordinaires : le 44ième sera le premier président noir des E-U ; son prédécesseur en aura été le président le plus désastreux, qui en huit ans a engagé son pays dans deux guerres et détruit l'image de l'Amérique dans le monde ; et la relève se fera dans les pires conditions économiques et sociales depuis la Grande Dépression.
La « question de couleur »
Barack Obama, on l'aura remarqué, est noir ; en langage politiquement correct, un citoyen afro-américain ; en termes moins choisis, un «bronzé» (Berlusconi) ; dans une formulation un peu plus châtiée, «le premier candidat afro-américain qui parle bien, qui est intelligent, qui est propre sur lui et qui a une bonne gueule» (le vice-président élu, Joseph «La Gaffe» Biden). On mesure le chemin parcouru quand on pense qu'il y a moins d'un demi-siècle, dans certains Etats ségrégationnistes, les Noirs étaient privés du droit de vote. Certains politologues ou sociologues ergotent sur le fait qu'Obama est en réalité un métis, né d'une Blanche du Kansas et d'un Noir du Kenya (1), mais il est quand même symptomatique qu'on se réfère à ce métis comme un Noir de mère blanche, et non comme un Blanc de père noir. Pour ne pas oublier à quel point la question «de couleur» structure encore les rapports sociaux aux Etats-Unis, cent quarante ans après l'abolition de l'esclavage, il faut rappeler qu' «une seule goutte de sang noir» suffisait à vous faire classer comme Noir, que l'ensemble des lois ségrégationnistes n'a été aboli qu'en 1964 sous la présidence Johnson, et que la discrimination se traduit encore de nos jours par une inégalité sociale et politique criante. Inégalité sociale : dans le comté de Watts par exemple (foyer des émeutes urbaines de 1965), le revenu moyen est inférieur à la moitié de celui de l'agglomération de Los Angeles dans son ensemble, 37% des adultes de plus de 25 ans ne possèdent pas de diplôme «high school», le chômage est toujours au niveau de 1965 (23%), 60% des enfants vivent en dessous du niveau de pauvreté... et 1 jeune sur 9 est en prison ! Inégalité politique : depuis la «reconstruction» de 1877, en presque 150 ans, seuls deux Noirs sont parvenus à devenir gouverneurs, et trois (Obama compris) sénateurs. Alors, un président métis élu à 53% et soutenu, en plein état de grâce, par près de 80% d'une population où les Noirs ne sont que 12%, oui, c'est un événement historique.
Mais cet événement est-il une rupture ou un aboutissement ? Malgré l'extinction des mouvements pour les droits civiques à la fin des années 60, on s'aperçoit maintenant que les forces mises en branle n'ont pas arrêté leur travail souterrain pour refaçonner la perception du problème «de couleur» par la société américaine. Certes on est encore loin du rêve de Martin Luther King, mais par touches imperceptibles mais au total décisives, la psychologie collective a changé. Symptôme parmi d'autres, la notoriété d'une personnalité noire, du sport (Tiger Woods) ou du spectacle (Will Smith), est maintenant considérée comme une réussite professionnelle normale, alors que naguère, une telle personnalité se sentait obligée se surjouer le rôle du «nègre blanc» (Sammy Davis Jr (2)) ou du «nègre rebelle» (Cassius Clay, alias Muhammed Ali). Encore un symptôme, la culture populaire, et surtout sa forme la plus puissante, le cinéma, pour des raisons politiquement correctes ou pas, peu importe, a fini par imposer la figure du héros noir, on veut dire par là un héros ordinaire qui se trouve être un Noir. C'est ainsi que, suivant une «private joke» de cinéphile, le premier président noir des E-U est... Morgan Freeman (3). Enfin, la réalité rejoignant la fiction, le «plafond de verre» du pouvoir s'est indéniablement fissuré, une fissure qu'on peut suivre en pointillé sur vingt ans, de Bush 1 à Bush 2 en passant par Clinton : un Noir, Colin Powell, chef-d'état-major inter-armes, c'est-à-dire au plus haut poste de l'appareil militaire américain ; deux Noirs successivement, Colin Powell puis Condoleezza Rice à la tête du Département d'Etat, c'est-à-dire au plus haut poste de l'exécutif après le président ; un Noir, Clarence Thomas, juge à la Cour Suprême, c'est-à-dire la plus haute institution judiciaire et constitutionnelle des E-U... On s'aperçoit rétrospectivement qu'il suffisait de prolonger la courbe, comme disent les mathématiciens, pour aboutir au «numéro 44».
Candidat noir, Obama était attendu sur la question «de couleur». Politicien inné, il a su sentir que l'air du temps lui permettait de se projeter au-delà, de se présenter comme un Noir mais pas comme le représentant des Noirs, d'éviter la rhétorique enflammée et revendicative des leaders noirs (Malcolm X, Jessie Jackson...), de profiter au contraire de son métissage et de son parcours pour appeler au changement en dépassant les clivages politiques, sociaux et raciaux. Simple habileté tactique ? Le vote noir (traditionnellement démocrate à 90%) lui étant acquis, l'intérêt bien compris d'Obama était de ne pas effaroucher l'électorat blanc. Mais à un moment crucial des primaires, il s'est quand même retrouvé le dos au mur quand la chaîne ABC News a révélé ses liens étroits avec un pasteur noir, le révérend Jeremiah Wright, dont les sermons anti-blancs n'ont rien à envier aux invectives de Malcolm X : «Que Dieu maudisse l'Amérique pour avoir traité certains de ses citoyens comme des sous-hommes ! Que Dieu maudisse l'Amérique aussi longtemps qu'elle se prend pour Dieu et qu'elle se croit la nation suprême !» La réaction du candidat à cette crise majeure de sa campagne donne à la fois la mesure de son talent et de ses convictions. Au lieu d'esquiver, de nier ou de chercher l'apaisement à tout prix, Obama prend la question de front et fait du racisme le thème central de son discours de Philadelphie (18 mars 2008), un discours fondateur que d'aucuns comparent au prêche de Martin Luther King sur le Mall de Washington («J'ai fait un rêve...»), ou même à l'adresse de Lincoln à Gettysburg («le gouvernement du peuple, par le peuple et pour le peuple...») Evoquant le révérend Wright, mais aussi sa grand-mère qui l'a élevé en dépit de ses préjugés racistes de femme blanche, Obama assume son identité tout en affirmant sa foi dans l'Amérique : «Ces personnes font partie de moi. Et elles font partie de l'Amérique, ce pays que j'aime [...] J'ai affirmé ma conviction profonde -- une conviction ancrée dans ma foi en Dieu et ma foi dans le peuple américain -- qu'en travaillant ensemble nous parviendrons à panser nos vieilles blessures raciales, et que nous n'avons plus le choix en réalité si nous voulons continuer d'avancer dans la voie d'une union plus parfaite.» Une «union plus parfaite», c'est en l'occurrence l'idéal des Pères Fondateurs : «Nous tenons ces vérités comme allant de soi, que les hommes naissent égaux». Même s'il a été élu contre une majorité blanche (43% contre 55%), le numéro 44 semble s'être déjà projeté dans une Amérique post-raciale quand, dans son discours d'investiture sur les marches du Capitole, il n'a consacré au problème «de couleur» qu'une seule phrase, mais ô combien symbolique : «Un homme dont le père n'aurait pas pu être servi dans un restaurant du coin peut aujourd'hui prêter le serment le plus sacré.»
Manquements éthiques
« Notre pays doit faire un choix, un choix qui ne porte pas purement et simplement entre deux hommes ou deux partis, mais entre l'intérêt général et le confort privé, entre un engagement déterminé et une médiocrité rampante.» Barack Obama ? Non, J.F. Kennedy présentant son programme de Nouvelle Frontière. Cette phrase date de 1960 mais elle pourrait parfaitement s'appliquer à la situation actuelle, à une Amérique en plein marasme économique et moral après huit années de bushisme. Il est admis que «W» a connu ses deux échecs les plus graves sur le front de la guerre contre le terrorisme, quand sa croisade contre «l'axe du Mal» s'est enlisée dans le bourbier irakien, et sur le front économique, quand son projet néo-libéral s'est fracassé contre le mur de la crise financière. Mais son impopularité record (moins de 18% d'opinions positives) tient aussi à des raisons éthiques -- un point de vue proprement américain, incompréhensible pour les citoyens cyniques ou «démocratiquement avachis» du Vieux Continent (4).
Président mal élu en 2000, mais qui a pris subitement une tout autre stature après les attentats du 11 Septembre, à un moment où une grande nation attaquée sur son sol (pour la première fois de son histoire) ne demandait qu'à s'en remettre au commander in chief, George W. Bush aurait pu entrer dans le panthéon des grands leaders américains. Au lieu de quoi, il a cru disposer d'un blanc-seing pour mener une politique ultra-partisane qui a divisé un pays en besoin d'unité. Nous reviendrons plus loin sur les objectifs de cette politique, mais disons tout de suite que ce sont ses moyens que les Américains ont fini par juger contraires à l'éthique : une «com» parfaitement maîtrisée (notamment par le stratège républicain en chef, Karl Rove), mais fondée sur la falsification et la dissimulation, s'est heurtée in fine à l'entêtement des faits, démontrant encore une fois «qu'on peut mentir à certains pendant un certain temps, mais pas à tous tout le temps»(4). Ainsi de l'Irak, où la formidable manipulation de l'opinion sur les «armes de destruction massive», la censure médiatique sur les pertes humaines, la dissimulation des violations répétées des droits de l'homme (Abu Ghraib) et de l'Etat de droit (Guantanamo) n'ont pu empêcher qu'éclatent au grand jour les dégâts d'une guerre absurde (aucune ADM sous le sable), sanglante (4.000 militaires américains tués, 40.000 blessés, 12.000 mutilés), coûteuse (un trillion, c-à-d 1.000 milliards de dollars, l'équivalent du plan de relance économique d'Obama). Ainsi de l'ouragan Katrina, en Septembre 2005, qui a brutalement révélé l'écart béant entre la rhétorique du «conservatisme compassionnel» (slogan de la campagne 2004) et la réalité d'une Amérique racialement et socialement divisée, où les défavorisés sont abandonnés à eux-mêmes, dans l'indifférence ou le mépris des nantis ; entre la compétence auto-proclamée des dirigeants et l'incompétence flagrante de leurs troupes dans l'organisation des secours ; entre l'hostilité des idéologues à toute intervention de l'Etat et leur incapacité à pallier l'absence dudit Etat. Ainsi du projet d'une «société de propriétaires» (autre slogan de 2004) -- on sait ce qu'ont donné les «subprimes»... Ce qui caractérise au fond l'armature intellectuelle du bushisme, c'est le mépris, au profit de l'idéologie, du principe de réalité. On se souvient de la profession de foi d'un néo-con à l'adresse du journaliste Ron Suskind en 2002 : eux, les bushistes, n'avaient rien à faire avec les gens de la 'reality-based community', les gens qui «croient que des solutions peuvent naître d'une étude judicieuse de la réalité discernable [...] Nous créons notre propre réalité.» On a vu la nature de cette 'réalité' à propos des ADM en Irak. Mais une telle attitude conduit aussi tout droit au rejet ou à la falsification de la connaissance scientifique quand elle contredit l'idéologie, et c'était en fait une des armes préférées des bushistes. Leur «stratégie de la confusion» consistait à mettre sur le même plan, d'un côté la recherche scientifique proprement dite, avec ses inévitables incertitudes, de l'autre toutes sortes d'évaluations présentées sans protocoles de vérification, produites par des organes liés aux lobbies industriels ou religieux. Le débat sur l'effet de serre et le réchauffement climatique est bien connu, mais on pourrait citer aussi les cellules-souches, la contraception, la neuro-toxicité du plomb... sans oublier l'offensive des créationnistes contre la théorie darwinienne. Cette malhonnêteté intellectuelle a bien sûr été dénoncée, et en termes de plus en plus vifs, par la communauté scientifique, comme dans ce rapport publié en 2004 et qui accuse les autorités américaines d'avoir «ébranlé les procédures ayant traditionnellement assuré une utilisation objective, non partisane, des résultats scientifiques dans la formulation des politiques publiques». Mais le mal est fait. Des doutes jetés sur les données scientifiques à la remise en cause de la démarche scientifique, il n'y a qu'un pas, qui peut vite être franchi : des politiques qui ne croient plus qu'aux lobbies, un public qui ne croit plus à la science mais aux fausses sciences, des vocations qui se détournent des études scientifiques... Les dégâts à long terme peuvent se révéler incalculables, ne serait-ce qu'à cause de l'apport prépondérant des sciences et techniques à la puissance américaine. C'est pourquoi l'appel d'Obama au «retour de la science à la place qui lui convient» n'a rien d'anodin.
Alternance à l'américaine
Avant même l'issue des primaires, le soussigné avait parié un dîner collectif que n'importe quel candidat démocrate l'emporterait en 2008 sur n'importe quel candidat républicain (une trace édulcorée de ce pari peut se trouver dans (5)). Gagné ! Bien sûr, l'éclatement de la crise financière et économique y a beaucoup aidé, mais notre présomption se basait en fait sur l'examen du fonctionnement séculaire du bipartisme américain, dont l'histoire est rythmée par des périodes de «domination longue» de l'un ou l'autre des deux grands partis (avec occasionnellement des intermèdes non significatifs). Mais ce mouvement de bascule ne saurait se réduire à une simple alternance comme on en connaît dans les démocraties européennes. D'abord, les deux grands partis américains ne se placent pas de façon constante sur un axe gauche-droite: même si depuis un siècle, les républicains sont plutôt classés «conservateurs» et les démocrates «libéraux» (au sens américain, c-à-d de tendance sociale-démocrate), il n'en a pas toujours été ainsi, un facteur historique essentiel résidant dans la question «de couleur» et la division politico-économique Nord-Sud. Il ne faut pas oublier que le parti actuel de Bush, le Grand Old Party, était celui de Lincoln et des abolitionnistes, à l'époque où les démocrates représentaient plutôt les petits Blancs hostiles à l'émancipation des Noirs. Ensuite, les bascules gauche-droite se produisent à l'occasion de certaines élections cruciales où, par une évolution de sa thématique et/ou un renouvellement de son électorat, par un «mouvement tournant» (c'est aussi le sens du mot «révolution»), un parti l'emporte durablement sur l'autre. Cette alternance à l'américaine éclaire et résume, même à grands traits, l'histoire politique des E-U. Le 20ième siècle au sens large a connu trois telles «révolutions» : l'élection de William Mc Kinley, qui marque la conversion du GOP au big business ; le New Deal de Franklin D. Roosevelt, qui réussit à rassembler une coalition de «cols bleus» et de «cols blancs» pour sortir de la Grande Dépression et asseoir une prédominance démocrate qui culminera dans les mouvements pour les droits civiques et la Great Society de Lyndon B. Johnson ; la «révolution conservatrice» de Ronald Reagan (préfigurée par le mandat et demi de Richard Nixon), qui réussit à fédérer les conservateurs de toutes tendances (contre l'Etat, contre le communisme, pour la défense des valeurs traditionnelles), mais surtout, à débaucher les «cols bleus» du Sud opposés aux droits civiques, ceux qu'on appelle depuis les «Reagan democrats». Parce qu'il est en phase avec d'autres poussées conservatrices dans le monde (comme en Grande-Bretagne avec Mme Thatcher) et une résurgence des thèses économiques libérales, le reaganisme va installer la domination du GOP pendant un quart de siècle. Les années Clinton doivent être considérées comme un intermède, libéral (au sens américain) sur le plan social, libéral (au sens capitaliste) sur le plan économique -- ne pas oublier qu'après Reagan, l'administration Clinton poursuivra avec assiduité la dérèglementation du commerce et de la finance. Quand Bush 2 reprend le flambeau de Bush 1, c'est avec un esprit de revanche et l'ambition, soufflée par Karl Rove, d'une révolution «néo-conservatrice» qui balaierait définitivement l'héritage du New Deal. Le contexte des années 2000 semble favorable, avec la croissance apportée par la Nouvelle Economie, l'adhésion commune aux lois du marché, les rêves d'enrichissement pour tous, l'individualisme forcené... Avec l'union sacrée née du 11 Septembre, les néo-cons croient pouvoir saisir une chance historique. Leur échec pose une question intéressante. Les revers subis (Irak, Katrina...) sont-ils contingents, ou bien sont-ils les symptômes ou les déclencheurs d'un mouvement d'opinion profond, la première «révolution» américaine (au sens expliqué plus haut) du 21ième siècle ? Le credo conservateur a pour maître mot la «responsabilité individuelle» (self-reliance), une idée profondément liée dans la psyché américaine aux idées de dynamisme et d'opportunités, et que les idéologues républicains ont magistralement orchestrée en l'accouplant aux deux vieilles rengaines du rejet de l'Etat («L'Etat n'est pas la solution, c'est le problème») et de l'acceptation des lois du marché (la «main invisible»). Le succès de la «révolution conservatrice» peut se juger à l'association, désormais ancrée dans la mémoire collective, entre la présidence Reagan et la nostalgie d'une époque brillante de la nation américaine. Mais qui dit «nostalgie» dit que les temps ont changé, et les sondages concernant la présidence Bush (notamment dans les enquêtes à long terme du réputé Pew Institute) réservent des surprises. Répartition des opinions entre les deux grands partis ? Républicains et démocrates font jeu égal (43%) en 2002, au lendemain des attaques terroristes, mais ensuite l'avance démocrate ne cesse de croître, pour atteindre 50% contre 35% en 2007. Opinions vis-à-vis du big business ? Elles sont constamment négatives, de -14% en 2002 (après les scandales Enron et World Com) à -20% en 2007 (avant les subprimes !) Insécurité économique ? En 2006, 62% pensent qu'elle est plus grande qu'il y a vingt ou trente ans. Confiance en l'avenir ? A la question de savoir si leur situation est meilleure ou pire qu'il y a un an, 55% des personnes interrogées en 2007 (contre 26%) répondent «pire», et 78% jugent que l'Amérique «est sur de mauvais rails». Un tel pessimisme n'est pas sans fondement : avec une économie en piètre état (6), le creusement des inégalités et la destruction des amortisseurs sociaux, le problème de la "répartition des fruits de la croissance" est devenu un enjeu politique majeur, et les Américains se sont aperçus que le «conservatisme compassionnel» n'a pas empêché la classe moyenne de «se vider par les deux extrémités» (6), un peu en direction des working rich, beaucoup en direction des working poor.
La science politique n'étant pas une science exacte, le rejet de l'idéologie néo-con ne signifiait pas assurément l'imminence d'une «révolution» (au sens expliqué précédemment). Restait l'incertitude glorieuse de la campagne. C'est alors que Barack Obama est apparu comme un OVNI dans le paysage électoral. Qui aurait cru qu'un quasi-inconnu sans expérience politique significative parviendrait à terrasser successivement les caciques des deux grands partis ? Le numéro 44 a mené une campagne qui restera probablement dans les annales comme un modèle à la fois de professionnalisme et d'inventivité, véritablement la première campagne électorale du 21ième siècle. On retiendra seulement ici le formidable élan démocratique qu'il a insufflé à un système, il faut bien le dire, archaïque et sclérosé. Cyber-candidat, il a utilisé Internet d'une manière révolutionnaire pour mobiliser 8 millions de militants et créer en quelque sorte la première communauté politique sur la Toile. Candidat novice du fund raising, il a recueilli les contributions financières de 3 millions de supporteurs, souvent de quelques dizaines ou quelques centaines de dollars, mais qui mises bout à bout lui ont donné un trésor de guerre double de celui de ses adversaires. Candidat inspiré et charismatique, il a mobilisé les électeurs à un niveau historique, 66% des inscrits, 10% de nouveaux votants (dont 72% se sont prononcés pour lui). Candidat porteur de trop d'espoirs, il ne pourra que les décevoir. C'est pourquoi, à l'heure où il prend ses fonctions, on ne spéculera sur aucun de ses projets, on constatera simplement que, comme par magie, il a rendu à son pays -- qui a élu un Noir et aurait pu élire une femme -- sa place parmi les nations démocratiques : tout bonnement la première. «Si jamais quelqu'un doute encore que l'Amérique est un endroit où tout est possible, s'il en reste un qui se demande si le rêve de nos pères fondateurs est toujours vivant, s'il doute encore de la puissance de notre démocratie, la réponse lui est donnée ce soir.» (discours de victoire, à Chicago)
NGUYỄN QUANG
NOTES :
(1) Commentaire pointu d'une Vietnamienne de "Cali" : «Non seulement il est noir, mais il n'est même pas Américain!»
(2) Sammy Davis Jr, chanteur des années 60, dont le titre de gloire est d'avoir intégré le "clan Sinatra", lui, «noir, juif et borgne». Il s'en vante dans son autobiographie, "Yes, I can", dont Obama a détourné le titre.
(3) Dans le film-catastrophe Deep Impact (1998).
(4) Toute référence à la situation française est intentionnelle.
(5) Voir "Le Moment 68", Dien Dan, Mai 2008.
(6) Voir "De 1929 à 2008" (Diễn Đàn)
Source : dien dan
Nguyễn Quang
version orignale
En attendant Obama
Numéro 44
Nguyễn Quang
voir la version vietnamienne : ici
Le système politique américain est d'une telle stabilité que les gens ont l'habitude de désigner les présidents par leur numéro d'ordre, un jeu couru étant d'en citer la liste complète en mettant des noms. Ainsi George Washington, bien sûr, est le premier, Abraham Lincoln le 16ième, John F. Kennedy le 35ième... Mais dans cette nomenclature, le 44ième sera un peu plus spécial que les autres, et pour de multiples raisons, comme si l'Histoire avec un H avait elle-même conspiré pour mettre son avènement sous les auspices les moins ordinaires : le 44ième sera le premier président noir des E-U ; son prédécesseur en aura été le président le plus désastreux, qui en huit ans a engagé son pays dans deux guerres et détruit l'image de l'Amérique dans le monde ; et la relève se fera dans les pires conditions économiques et sociales depuis la Grande Dépression.
La « question de couleur »
Barack Obama, on l'aura remarqué, est noir ; en langage politiquement correct, un citoyen afro-américain ; en termes moins choisis, un «bronzé» (Berlusconi) ; dans une formulation un peu plus châtiée, «le premier candidat afro-américain qui parle bien, qui est intelligent, qui est propre sur lui et qui a une bonne gueule» (le vice-président élu, Joseph «La Gaffe» Biden). On mesure le chemin parcouru quand on pense qu'il y a moins d'un demi-siècle, dans certains Etats ségrégationnistes, les Noirs étaient privés du droit de vote. Certains politologues ou sociologues ergotent sur le fait qu'Obama est en réalité un métis, né d'une Blanche du Kansas et d'un Noir du Kenya (1), mais il est quand même symptomatique qu'on se réfère à ce métis comme un Noir de mère blanche, et non comme un Blanc de père noir. Pour ne pas oublier à quel point la question «de couleur» structure encore les rapports sociaux aux Etats-Unis, cent quarante ans après l'abolition de l'esclavage, il faut rappeler qu' «une seule goutte de sang noir» suffisait à vous faire classer comme Noir, que l'ensemble des lois ségrégationnistes n'a été aboli qu'en 1964 sous la présidence Johnson, et que la discrimination se traduit encore de nos jours par une inégalité sociale et politique criante. Inégalité sociale : dans le comté de Watts par exemple (foyer des émeutes urbaines de 1965), le revenu moyen est inférieur à la moitié de celui de l'agglomération de Los Angeles dans son ensemble, 37% des adultes de plus de 25 ans ne possèdent pas de diplôme «high school», le chômage est toujours au niveau de 1965 (23%), 60% des enfants vivent en dessous du niveau de pauvreté... et 1 jeune sur 9 est en prison ! Inégalité politique : depuis la «reconstruction» de 1877, en presque 150 ans, seuls deux Noirs sont parvenus à devenir gouverneurs, et trois (Obama compris) sénateurs. Alors, un président métis élu à 53% et soutenu, en plein état de grâce, par près de 80% d'une population où les Noirs ne sont que 12%, oui, c'est un événement historique.
Mais cet événement est-il une rupture ou un aboutissement ? Malgré l'extinction des mouvements pour les droits civiques à la fin des années 60, on s'aperçoit maintenant que les forces mises en branle n'ont pas arrêté leur travail souterrain pour refaçonner la perception du problème «de couleur» par la société américaine. Certes on est encore loin du rêve de Martin Luther King, mais par touches imperceptibles mais au total décisives, la psychologie collective a changé. Symptôme parmi d'autres, la notoriété d'une personnalité noire, du sport (Tiger Woods) ou du spectacle (Will Smith), est maintenant considérée comme une réussite professionnelle normale, alors que naguère, une telle personnalité se sentait obligée se surjouer le rôle du «nègre blanc» (Sammy Davis Jr (2)) ou du «nègre rebelle» (Cassius Clay, alias Muhammed Ali). Encore un symptôme, la culture populaire, et surtout sa forme la plus puissante, le cinéma, pour des raisons politiquement correctes ou pas, peu importe, a fini par imposer la figure du héros noir, on veut dire par là un héros ordinaire qui se trouve être un Noir. C'est ainsi que, suivant une «private joke» de cinéphile, le premier président noir des E-U est... Morgan Freeman (3). Enfin, la réalité rejoignant la fiction, le «plafond de verre» du pouvoir s'est indéniablement fissuré, une fissure qu'on peut suivre en pointillé sur vingt ans, de Bush 1 à Bush 2 en passant par Clinton : un Noir, Colin Powell, chef-d'état-major inter-armes, c'est-à-dire au plus haut poste de l'appareil militaire américain ; deux Noirs successivement, Colin Powell puis Condoleezza Rice à la tête du Département d'Etat, c'est-à-dire au plus haut poste de l'exécutif après le président ; un Noir, Clarence Thomas, juge à la Cour Suprême, c'est-à-dire la plus haute institution judiciaire et constitutionnelle des E-U... On s'aperçoit rétrospectivement qu'il suffisait de prolonger la courbe, comme disent les mathématiciens, pour aboutir au «numéro 44».
Candidat noir, Obama était attendu sur la question «de couleur». Politicien inné, il a su sentir que l'air du temps lui permettait de se projeter au-delà, de se présenter comme un Noir mais pas comme le représentant des Noirs, d'éviter la rhétorique enflammée et revendicative des leaders noirs (Malcolm X, Jessie Jackson...), de profiter au contraire de son métissage et de son parcours pour appeler au changement en dépassant les clivages politiques, sociaux et raciaux. Simple habileté tactique ? Le vote noir (traditionnellement démocrate à 90%) lui étant acquis, l'intérêt bien compris d'Obama était de ne pas effaroucher l'électorat blanc. Mais à un moment crucial des primaires, il s'est quand même retrouvé le dos au mur quand la chaîne ABC News a révélé ses liens étroits avec un pasteur noir, le révérend Jeremiah Wright, dont les sermons anti-blancs n'ont rien à envier aux invectives de Malcolm X : «Que Dieu maudisse l'Amérique pour avoir traité certains de ses citoyens comme des sous-hommes ! Que Dieu maudisse l'Amérique aussi longtemps qu'elle se prend pour Dieu et qu'elle se croit la nation suprême !» La réaction du candidat à cette crise majeure de sa campagne donne à la fois la mesure de son talent et de ses convictions. Au lieu d'esquiver, de nier ou de chercher l'apaisement à tout prix, Obama prend la question de front et fait du racisme le thème central de son discours de Philadelphie (18 mars 2008), un discours fondateur que d'aucuns comparent au prêche de Martin Luther King sur le Mall de Washington («J'ai fait un rêve...»), ou même à l'adresse de Lincoln à Gettysburg («le gouvernement du peuple, par le peuple et pour le peuple...») Evoquant le révérend Wright, mais aussi sa grand-mère qui l'a élevé en dépit de ses préjugés racistes de femme blanche, Obama assume son identité tout en affirmant sa foi dans l'Amérique : «Ces personnes font partie de moi. Et elles font partie de l'Amérique, ce pays que j'aime [...] J'ai affirmé ma conviction profonde -- une conviction ancrée dans ma foi en Dieu et ma foi dans le peuple américain -- qu'en travaillant ensemble nous parviendrons à panser nos vieilles blessures raciales, et que nous n'avons plus le choix en réalité si nous voulons continuer d'avancer dans la voie d'une union plus parfaite.» Une «union plus parfaite», c'est en l'occurrence l'idéal des Pères Fondateurs : «Nous tenons ces vérités comme allant de soi, que les hommes naissent égaux». Même s'il a été élu contre une majorité blanche (43% contre 55%), le numéro 44 semble s'être déjà projeté dans une Amérique post-raciale quand, dans son discours d'investiture sur les marches du Capitole, il n'a consacré au problème «de couleur» qu'une seule phrase, mais ô combien symbolique : «Un homme dont le père n'aurait pas pu être servi dans un restaurant du coin peut aujourd'hui prêter le serment le plus sacré.»
Manquements éthiques
« Notre pays doit faire un choix, un choix qui ne porte pas purement et simplement entre deux hommes ou deux partis, mais entre l'intérêt général et le confort privé, entre un engagement déterminé et une médiocrité rampante.» Barack Obama ? Non, J.F. Kennedy présentant son programme de Nouvelle Frontière. Cette phrase date de 1960 mais elle pourrait parfaitement s'appliquer à la situation actuelle, à une Amérique en plein marasme économique et moral après huit années de bushisme. Il est admis que «W» a connu ses deux échecs les plus graves sur le front de la guerre contre le terrorisme, quand sa croisade contre «l'axe du Mal» s'est enlisée dans le bourbier irakien, et sur le front économique, quand son projet néo-libéral s'est fracassé contre le mur de la crise financière. Mais son impopularité record (moins de 18% d'opinions positives) tient aussi à des raisons éthiques -- un point de vue proprement américain, incompréhensible pour les citoyens cyniques ou «démocratiquement avachis» du Vieux Continent (4).
Président mal élu en 2000, mais qui a pris subitement une tout autre stature après les attentats du 11 Septembre, à un moment où une grande nation attaquée sur son sol (pour la première fois de son histoire) ne demandait qu'à s'en remettre au commander in chief, George W. Bush aurait pu entrer dans le panthéon des grands leaders américains. Au lieu de quoi, il a cru disposer d'un blanc-seing pour mener une politique ultra-partisane qui a divisé un pays en besoin d'unité. Nous reviendrons plus loin sur les objectifs de cette politique, mais disons tout de suite que ce sont ses moyens que les Américains ont fini par juger contraires à l'éthique : une «com» parfaitement maîtrisée (notamment par le stratège républicain en chef, Karl Rove), mais fondée sur la falsification et la dissimulation, s'est heurtée in fine à l'entêtement des faits, démontrant encore une fois «qu'on peut mentir à certains pendant un certain temps, mais pas à tous tout le temps»(4). Ainsi de l'Irak, où la formidable manipulation de l'opinion sur les «armes de destruction massive», la censure médiatique sur les pertes humaines, la dissimulation des violations répétées des droits de l'homme (Abu Ghraib) et de l'Etat de droit (Guantanamo) n'ont pu empêcher qu'éclatent au grand jour les dégâts d'une guerre absurde (aucune ADM sous le sable), sanglante (4.000 militaires américains tués, 40.000 blessés, 12.000 mutilés), coûteuse (un trillion, c-à-d 1.000 milliards de dollars, l'équivalent du plan de relance économique d'Obama). Ainsi de l'ouragan Katrina, en Septembre 2005, qui a brutalement révélé l'écart béant entre la rhétorique du «conservatisme compassionnel» (slogan de la campagne 2004) et la réalité d'une Amérique racialement et socialement divisée, où les défavorisés sont abandonnés à eux-mêmes, dans l'indifférence ou le mépris des nantis ; entre la compétence auto-proclamée des dirigeants et l'incompétence flagrante de leurs troupes dans l'organisation des secours ; entre l'hostilité des idéologues à toute intervention de l'Etat et leur incapacité à pallier l'absence dudit Etat. Ainsi du projet d'une «société de propriétaires» (autre slogan de 2004) -- on sait ce qu'ont donné les «subprimes»... Ce qui caractérise au fond l'armature intellectuelle du bushisme, c'est le mépris, au profit de l'idéologie, du principe de réalité. On se souvient de la profession de foi d'un néo-con à l'adresse du journaliste Ron Suskind en 2002 : eux, les bushistes, n'avaient rien à faire avec les gens de la 'reality-based community', les gens qui «croient que des solutions peuvent naître d'une étude judicieuse de la réalité discernable [...] Nous créons notre propre réalité.» On a vu la nature de cette 'réalité' à propos des ADM en Irak. Mais une telle attitude conduit aussi tout droit au rejet ou à la falsification de la connaissance scientifique quand elle contredit l'idéologie, et c'était en fait une des armes préférées des bushistes. Leur «stratégie de la confusion» consistait à mettre sur le même plan, d'un côté la recherche scientifique proprement dite, avec ses inévitables incertitudes, de l'autre toutes sortes d'évaluations présentées sans protocoles de vérification, produites par des organes liés aux lobbies industriels ou religieux. Le débat sur l'effet de serre et le réchauffement climatique est bien connu, mais on pourrait citer aussi les cellules-souches, la contraception, la neuro-toxicité du plomb... sans oublier l'offensive des créationnistes contre la théorie darwinienne. Cette malhonnêteté intellectuelle a bien sûr été dénoncée, et en termes de plus en plus vifs, par la communauté scientifique, comme dans ce rapport publié en 2004 et qui accuse les autorités américaines d'avoir «ébranlé les procédures ayant traditionnellement assuré une utilisation objective, non partisane, des résultats scientifiques dans la formulation des politiques publiques». Mais le mal est fait. Des doutes jetés sur les données scientifiques à la remise en cause de la démarche scientifique, il n'y a qu'un pas, qui peut vite être franchi : des politiques qui ne croient plus qu'aux lobbies, un public qui ne croit plus à la science mais aux fausses sciences, des vocations qui se détournent des études scientifiques... Les dégâts à long terme peuvent se révéler incalculables, ne serait-ce qu'à cause de l'apport prépondérant des sciences et techniques à la puissance américaine. C'est pourquoi l'appel d'Obama au «retour de la science à la place qui lui convient» n'a rien d'anodin.
Alternance à l'américaine
Avant même l'issue des primaires, le soussigné avait parié un dîner collectif que n'importe quel candidat démocrate l'emporterait en 2008 sur n'importe quel candidat républicain (une trace édulcorée de ce pari peut se trouver dans (5)). Gagné ! Bien sûr, l'éclatement de la crise financière et économique y a beaucoup aidé, mais notre présomption se basait en fait sur l'examen du fonctionnement séculaire du bipartisme américain, dont l'histoire est rythmée par des périodes de «domination longue» de l'un ou l'autre des deux grands partis (avec occasionnellement des intermèdes non significatifs). Mais ce mouvement de bascule ne saurait se réduire à une simple alternance comme on en connaît dans les démocraties européennes. D'abord, les deux grands partis américains ne se placent pas de façon constante sur un axe gauche-droite: même si depuis un siècle, les républicains sont plutôt classés «conservateurs» et les démocrates «libéraux» (au sens américain, c-à-d de tendance sociale-démocrate), il n'en a pas toujours été ainsi, un facteur historique essentiel résidant dans la question «de couleur» et la division politico-économique Nord-Sud. Il ne faut pas oublier que le parti actuel de Bush, le Grand Old Party, était celui de Lincoln et des abolitionnistes, à l'époque où les démocrates représentaient plutôt les petits Blancs hostiles à l'émancipation des Noirs. Ensuite, les bascules gauche-droite se produisent à l'occasion de certaines élections cruciales où, par une évolution de sa thématique et/ou un renouvellement de son électorat, par un «mouvement tournant» (c'est aussi le sens du mot «révolution»), un parti l'emporte durablement sur l'autre. Cette alternance à l'américaine éclaire et résume, même à grands traits, l'histoire politique des E-U. Le 20ième siècle au sens large a connu trois telles «révolutions» : l'élection de William Mc Kinley, qui marque la conversion du GOP au big business ; le New Deal de Franklin D. Roosevelt, qui réussit à rassembler une coalition de «cols bleus» et de «cols blancs» pour sortir de la Grande Dépression et asseoir une prédominance démocrate qui culminera dans les mouvements pour les droits civiques et la Great Society de Lyndon B. Johnson ; la «révolution conservatrice» de Ronald Reagan (préfigurée par le mandat et demi de Richard Nixon), qui réussit à fédérer les conservateurs de toutes tendances (contre l'Etat, contre le communisme, pour la défense des valeurs traditionnelles), mais surtout, à débaucher les «cols bleus» du Sud opposés aux droits civiques, ceux qu'on appelle depuis les «Reagan democrats». Parce qu'il est en phase avec d'autres poussées conservatrices dans le monde (comme en Grande-Bretagne avec Mme Thatcher) et une résurgence des thèses économiques libérales, le reaganisme va installer la domination du GOP pendant un quart de siècle. Les années Clinton doivent être considérées comme un intermède, libéral (au sens américain) sur le plan social, libéral (au sens capitaliste) sur le plan économique -- ne pas oublier qu'après Reagan, l'administration Clinton poursuivra avec assiduité la dérèglementation du commerce et de la finance. Quand Bush 2 reprend le flambeau de Bush 1, c'est avec un esprit de revanche et l'ambition, soufflée par Karl Rove, d'une révolution «néo-conservatrice» qui balaierait définitivement l'héritage du New Deal. Le contexte des années 2000 semble favorable, avec la croissance apportée par la Nouvelle Economie, l'adhésion commune aux lois du marché, les rêves d'enrichissement pour tous, l'individualisme forcené... Avec l'union sacrée née du 11 Septembre, les néo-cons croient pouvoir saisir une chance historique. Leur échec pose une question intéressante. Les revers subis (Irak, Katrina...) sont-ils contingents, ou bien sont-ils les symptômes ou les déclencheurs d'un mouvement d'opinion profond, la première «révolution» américaine (au sens expliqué plus haut) du 21ième siècle ? Le credo conservateur a pour maître mot la «responsabilité individuelle» (self-reliance), une idée profondément liée dans la psyché américaine aux idées de dynamisme et d'opportunités, et que les idéologues républicains ont magistralement orchestrée en l'accouplant aux deux vieilles rengaines du rejet de l'Etat («L'Etat n'est pas la solution, c'est le problème») et de l'acceptation des lois du marché (la «main invisible»). Le succès de la «révolution conservatrice» peut se juger à l'association, désormais ancrée dans la mémoire collective, entre la présidence Reagan et la nostalgie d'une époque brillante de la nation américaine. Mais qui dit «nostalgie» dit que les temps ont changé, et les sondages concernant la présidence Bush (notamment dans les enquêtes à long terme du réputé Pew Institute) réservent des surprises. Répartition des opinions entre les deux grands partis ? Républicains et démocrates font jeu égal (43%) en 2002, au lendemain des attaques terroristes, mais ensuite l'avance démocrate ne cesse de croître, pour atteindre 50% contre 35% en 2007. Opinions vis-à-vis du big business ? Elles sont constamment négatives, de -14% en 2002 (après les scandales Enron et World Com) à -20% en 2007 (avant les subprimes !) Insécurité économique ? En 2006, 62% pensent qu'elle est plus grande qu'il y a vingt ou trente ans. Confiance en l'avenir ? A la question de savoir si leur situation est meilleure ou pire qu'il y a un an, 55% des personnes interrogées en 2007 (contre 26%) répondent «pire», et 78% jugent que l'Amérique «est sur de mauvais rails». Un tel pessimisme n'est pas sans fondement : avec une économie en piètre état (6), le creusement des inégalités et la destruction des amortisseurs sociaux, le problème de la "répartition des fruits de la croissance" est devenu un enjeu politique majeur, et les Américains se sont aperçus que le «conservatisme compassionnel» n'a pas empêché la classe moyenne de «se vider par les deux extrémités» (6), un peu en direction des working rich, beaucoup en direction des working poor.
La science politique n'étant pas une science exacte, le rejet de l'idéologie néo-con ne signifiait pas assurément l'imminence d'une «révolution» (au sens expliqué précédemment). Restait l'incertitude glorieuse de la campagne. C'est alors que Barack Obama est apparu comme un OVNI dans le paysage électoral. Qui aurait cru qu'un quasi-inconnu sans expérience politique significative parviendrait à terrasser successivement les caciques des deux grands partis ? Le numéro 44 a mené une campagne qui restera probablement dans les annales comme un modèle à la fois de professionnalisme et d'inventivité, véritablement la première campagne électorale du 21ième siècle. On retiendra seulement ici le formidable élan démocratique qu'il a insufflé à un système, il faut bien le dire, archaïque et sclérosé. Cyber-candidat, il a utilisé Internet d'une manière révolutionnaire pour mobiliser 8 millions de militants et créer en quelque sorte la première communauté politique sur la Toile. Candidat novice du fund raising, il a recueilli les contributions financières de 3 millions de supporteurs, souvent de quelques dizaines ou quelques centaines de dollars, mais qui mises bout à bout lui ont donné un trésor de guerre double de celui de ses adversaires. Candidat inspiré et charismatique, il a mobilisé les électeurs à un niveau historique, 66% des inscrits, 10% de nouveaux votants (dont 72% se sont prononcés pour lui). Candidat porteur de trop d'espoirs, il ne pourra que les décevoir. C'est pourquoi, à l'heure où il prend ses fonctions, on ne spéculera sur aucun de ses projets, on constatera simplement que, comme par magie, il a rendu à son pays -- qui a élu un Noir et aurait pu élire une femme -- sa place parmi les nations démocratiques : tout bonnement la première. «Si jamais quelqu'un doute encore que l'Amérique est un endroit où tout est possible, s'il en reste un qui se demande si le rêve de nos pères fondateurs est toujours vivant, s'il doute encore de la puissance de notre démocratie, la réponse lui est donnée ce soir.» (discours de victoire, à Chicago)
NGUYỄN QUANG
NOTES :
(1) Commentaire pointu d'une Vietnamienne de "Cali" : «Non seulement il est noir, mais il n'est même pas Américain!»
(2) Sammy Davis Jr, chanteur des années 60, dont le titre de gloire est d'avoir intégré le "clan Sinatra", lui, «noir, juif et borgne». Il s'en vante dans son autobiographie, "Yes, I can", dont Obama a détourné le titre.
(3) Dans le film-catastrophe Deep Impact (1998).
(4) Toute référence à la situation française est intentionnelle.
(5) Voir "Le Moment 68", Dien Dan, Mai 2008.
(6) Voir "De 1929 à 2008" (Diễn Đàn)
Source : dien dan
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)