Thế giới đang chuyển sang “tả”
Tham luận tại hội thảo
“Positions of the Europpean and German LEFTs
to global and local problems – and the challenge to unite”
Hanoi – March 2009
Nguyễn Trung
Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa toàn thể các thành viên tham gia hội thảo,
Trước hết cho phép tôi với tư cách là một công dân Việt Nam ngưỡng mộ Rosa Luxemburg chân thành cảm ơn Ban Tổ chức về lời mời tham gia Hội thảo này. Cũng xin cho phép tôi với tư cách là công dân nước chủ nhà nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến từ Đức và Thụy Điển có mặt trong buổi hội thảo hôm nay. Xin nói ngay, đấy cũng là hai quốc gia rất gắn bó với cá nhân tôi. Nước Đức là nơi tôi đã học tập thời sinh viên và làm việc ở đấy một thời gian khá dài. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên tôi tìm hiểu mô hình phát triển với khát vọng rút tỉa được điều gì đó để đóng góp cho nước mình. Tôi nghĩ rằng những mối liên hệ như vậy và cuộc hội thảo hôm nay sẽ tiếp sức cho tất cả chúng ta trước thách thức phải đoàn kết lại!
Đúng, tất cả những gì đang diễn ra trên trái đất này đặt chúng ta trước thách thức phải đòan kết lại – như đã thể hiện trong tiêu đề của Hội thảo này.
Thưa các bạn,
Cách đây không lâu, cho đến tận giữa hay gần cuối năm 2008, có lẽ ít ai ngờ rằng khủng hoảng kinh tế thế giới lại diễn ra sâu rộng, trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến - giống như các đợt sóng thần lũ lượt theo nhau ập đến hầu hết mọi nền kinh tế trên trái đất này. Từng đợt, từng đợt, mở đầu là sự rối loạn của thị trường tiền tệ, rồi lan sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế khác, mọi quốc gia, và hiện nay đang tác động quyết liệt tới từng gia đình. Các cơn sóng thần ấy vẫn đang hoành hành, bất chấp mọi giải pháp ứng cứu và phối hợp hành động chưa hề có cho đến nay trên hành tinh này giữa các quốc gia. Các tổ chức quốc tế quan trọng như UNO, WTO, WB, IMF... cũng không làm được gì nhiều. Các đánh giá lạc quan hay bi quan về triển vọng cuộc khủng hoảng toàn cầu này hình như không thay đổi được thực tế là: hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng này và những hệ lụy của nó hình như vẫn còn đang ở phía trước và chưa lường hết được.
Có nhiều lý do để đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ, mà đấy là cuộc khủng hoảng kết thúc một giai đoạn phát triển của kinh tế thế giới, kết thúc một xu hướng phát triển kinh tế được ca ngợi trong “thế giới phẳng” (Thomas L. Friedman, 2007) của quá trình toàn cầu hóa ở nấc thang hiện tại. Cuộc khủng hoảng này còn là là kết cục tất yếu của những học thuyết, những quan điểm kinh tế mang các tên gọi và sắc thái khác nhau, nhưng cùng chung một khuynh hướng và nguồn gốc: sự tôn sùng thái quá bàn tay vô hình của thị trường. Về nhiều mặt, cuộc khủng hoảng này có thể được xem xét là sự cáo chung giai đoạn cực thịnh của mọi học thuyết kinh tế nằm trong trường phái tân cổ điển.
Nhìn lại nửa sau thế kỷ 20, nhất là những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, sự tiến bộ vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, quá trình lan tỏa và công phá của các làn sóng toàn cầu hóa kinh tế thế giới đã gây nên những biến động lớn lao trên thế giới. Nét nổi bật của quá trình này là chủ nghĩa tân cô điển ngày càng chiếm ưu thế, tạo ra những tác động không nhỏ góp phần vào việc làm sụp đổ hệ thống kinh tế và chính trị của các nước Liên Xô – Đông Âu cũ, dẫn tới kết thúc chiến tranh lạnh. Tiếp theo là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tân cổ điển và người chị em sinh đôi của nó là chủ nghĩa tân tự do, với tham vọng về một “trật tự thế giới mới” (Robert Kagan, 2003), đạt tới đỉnh cao và cũng là sự kết thúc trong cuộc chiến tranh Iraq không có lối ra và trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hôm nay.
Nhìn nhận thuần túy dưới góc độ kinh tế, khuynh hướng mê muội hay sùng bái quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới trong thời gian qua, nhất là từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, đã làm cho tầm mắt của nhiều quốc gia – nhất là của những người làm chính sách - bị mù quáng nhất định, hoặc thậm chí có người nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn phá kèm theo của quá trình toàn cầu hóa. Sự tàn phá này diễn ra song hành, là mặt trái, là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa kinh tế thế giới – gần như theo định luật bảo tồn năng lượng trong vật lý! Sự tàn phá này đang ngày càng quyết liệt, quyết liệt hơn so với chúng ta nhận thức được.
Thật vậy, sự phát triển bứt phá của công nghệ tin học và sức lan tỏa của toàn cầu hóa đã làm cho thị trường tài chính tiền tệ thế giới vốn là con ngựa bất kham càng trở nên bất kham hơn. Thị trường tài chính phái sinh trong bối cảnh này trên thực tế đã củng cố, từ nhiều thập kỷ nay đã phát triển một nền kinh tế ảo gần như bất khả kháng về nhiều mặt, tạo ra một động lực đầy sức quyến rũ và mang theo một khả năng tàn phá, đủ sức làm thiên lệch mọi xu hướng phát triển tự nhiên của nền kinh tế thật. Có số liệu nói tổng giá trị vốn danh nghĩa trên thị trường tài chính phái sinh của Mỹ năm 2008 ước khoảng 70 nghìn tỷ USD, nghĩa là gấp 5 lần GPD nước này. Đấy là các con số phác họa phần nào nền kinh tế ảo. Bức tranh chung hiện nay là trên thế giới đang tồn tại một nền kinh tế quá sức chịu đựng của trái đất này, loài người nói chung đang sống quá mức nó làm ra, với khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng xoạc rộng, và chứa đựng bất công không thể nào chấp nhận được. Người ta đã ước lượng, ví dụ để gìn giữ được sự cân bằng sinh thái như đã có ở thế kỷ 19, loài người ngày nay – với tất cả sự giác ngộ cần thiết phải có về bảo vệ môi trường – ít nhất cũng cần phải có 5 hay 6 trái đất!
Vâng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta đang chứng kiến không phải là một cuộc khủng hoảng chu kỳ. Cuộc khủng hoảng này đặt ra đòi hỏi cả thế giới phải chuyển sang một nền kinh tế khác: (1)sử dụng năng lượng và tài nguyên không tái tạo được ít hơn, (2)bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn, (3)có sự điều tiết tốt hơn của trí tuệ và khả năng quản lý của con người để duy trì sự phát triển cân bằng – bao hàm cả ý nghĩa không được sống quá mức mình làm ra, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Với những đòi hỏi như vậy, cuộc khủng hoảng này đặt ra những nhiệm vụ mới bức xúc hơn bao giờ hết về phát triển con người và về năng lực quản lý của nhà nước cần thiết cho nền kinh tế mới này! Nói một cách hình ảnh: Thế giới đang đứng trước yêu cầu phải chuyển sang phát triển theo hướng “tả”, trong đó trí tuệ và dân chủ phải là những yếu tố chi phối quyết định.
Bước ngoặt mới này của kinh tế thế giới chính là sự thách thức trực tiếp đối với tất cả những ai trên trái đất này coi mình là “cánh tả”: Làm gì để thúc đẩy mọi nơi, mọi người, mọi quốc gia đáp ứng tốt nhất 3 đòi hỏi mới nêu trên của thế giới? Làm gì để cho trí tuệ và dân chủ có tiếng nói quyết định! Tinh thần Rosa Luxemburg là như vậy!
Gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra trước hết đổ dồn vào những nước nghèo, những nước đang phát triển. Đó là những quốc gia không có, hoặc có rất ít trong tay khả năng đương đầu với chính cuộc khủng hoảng này. Hơn nữa, những quốc gia này còn phải đương đầu với những những hệ quả của cuộc khủng hoảng này được dồn tới từ các nước phát triển. Hãy lấy Việt Nam làm ví dụ: Trước khủng hoảng Việt Nam xuất khẩu dầu với giá 140 USD/thùng, nay chỉ còn lại khoảng 40 USD/thùng, xuất khẩu gạo với giá 1100 USD/tấn, nay chỉ còn lại khoảng 550 USD/tấn, nhiều mặt hàng khác không bán được đối với một quốc gia xuất khẩu tới 60% GDP, xu thế bảo hộ mậu dịch tại các nước phát triển đang gia tăng, sự di chuyển khó kiểm soát của các dòng vốn nước ngoài, sự biến động của các đồng tiền mạnh liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, v... v...; trong khi đó riêng năm 2009 Việt Nam sẽ có khoảng 400.000 người mất việc làm và khoảng 1,7 triệu người đến tuổi lao động cần việc làm rất khó đáp ứng trong tình hình hiện nay... Phải nói đấy là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam, mặc dù đấy là một nước đã có được một quá trình phát triển năng động trong suốt hai mươi nhăm năm qua!
Như nhiều nước đang phát triển khác, ngày nay Việt Nam không còn phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân, kể cả chủ nghĩa thực dân mới. Thời đại này đi vào quá khứ rồi. Thế nhưng, trong bước ngặt mới này của kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải đương đầu với (1)nguy cơ bị biến thành bãi thải công nghiệp, (2)sức ép mọi mặt của các thế lực lớn từ bên ngoài, (3)sự xâm lăng về văn hóa từ bên ngoài vào, và (4)sự tàn phá do môi trường tự nhiên bị hủy hoại. Cả 4 “kẻ thù” mới này hợp lực với nhau có thể đẩy Việt Nam vào sự nô dịch mới, sự nô dịch của nghèo hèn và lệ thuộc, sự nô dịch không cần chủ nghĩa thực dân!
Không thể nào khác, câu trả lời của Việt Nam trước bước ngoặt chung của thế giới, và cũng là bước ngoặt phát triển của chính quốc gia mình[i], chỉ có thể là: Trí tuệ và dân chủ! Nếu không, Việt Nam sẽ không có gì – ngoài cái nghèo và cái hèn lớn hơn!
Thưa các bạn,
Cách đây 90 năm Rosa Luxemburg bị sát hại. Nhưng tư tưởng của Rosa Luxemburg sẽ còn sống mãi: “Không có dân chủ, không có chủ nghĩa xã hội!”
Vâng, cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới khẳng định: Không có dân chủ, không có phát triển, không có giải phóng và quyền con người, không có phát huy con người, không có bất kỳ tiến bộ xã hội nào! Cuộc sống ngày nay khắp nơi trên thế giới cũng đang khẳng định: Còn rất nhiều việc đòi hỏi phải cống hiến trí tuệ, nghị lực và trái tim mình để thực hiện dân chủ, chứ không phải để cầu xin.
Thưa các bạn, trong di sản tinh thần, Rosa còn để lại cho chúng ta khoảng 900 bức thư yêu – giữa Rosa và những người Rosa yêu mến, nhất là các thư gửi Leo Jogisches. Tôi chia sẻ một nhận xét rất có ý nghĩa đối với tôi của một số người đã đọc những bức thư tình này: Đọc các thư, sẽ thấy ngay không phải là các dòng chữ Rosa viết, mà là Rosa đang nói, với tất cả giọng điệu và âm hưởng của mình, với tất cả nhiệt huyết của một trái tim đang yêu rực cháy! Đấy chính là Rosa!.. Ôi, tôi thầm mong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này lúc nào đó sẽ vợi bớt đi những căng thẳng xé tim, nhức đầu, sẽ dành lại cho chúng ta chút síu thời gian nào đó, để có thể gặp nhau như hội thảo hôm nay, song không phải để bàn về “positions”, về “leftist and leftism...”, mà là để chiêm nghiệm Rosa của tình yêu, để chúng ta được sống người hơn nữa!
Chân thành cảm ơn sự chú ý của các bạn./.
Hà Nội, ngày 05-03-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét