20/3/09

Thiện Ý : Vì sao đạo đức băng hoại

Vì sao đạo đức băng hoại

21/03/2009 | 3:41 sáng |

Tác giả: Thiện Ý

Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng và giáo sư Huệ Chi đã có bài viết sâu sắc khuyến khích tôi cầm bút hưởng ứng các anh tiếp tục tìm nguyên nhân băng hoại đạo đức.

Những kẻ gây “thảm họa mang tên hoa” còn có thể tự bào chữa là tìm… “một cách giải tỏa tâm lý… sau những tháng ngày chịu sự cai quản nhiều khi khiên cưỡng của cả một hệ thống” (Hoàng Hưng). Tuy nhiên mấy năm qua, chúng ta từng chứng kiến những hành vi thấp hèn hơn thú vật như: Ông phó văn phòng UBND Hà Nội không cho mẹ đẻ dùng chung toa let; bà mẹ liệt sĩ ở Quảng Bình bị con trai và cháu nội của mình hành hạ đến chết; ở Gò Vấp một người hàng xóm quá bất bình đã quay được đoạn video clip ông con trai tát mẹ mình; ở Bình Phước, một bà mẹ đã cắt gân chân đứa con lên 3 tuổi. Ông giám đốc công trình Đại lộ Đông Tây ăn hối lộ của người Nhật. Bà Tổng giám đốc ở Huế lấy cắp đồng hồ bị bắt ở Thái Lan. Các nhà hàng buffet ở Singapore treo bảng bằng tiếng Việt: “Chỉ lấy thức ăn vừa đủ” (không có bảng viết tiếng Anh). Nhiều cán bộ chính quyền cấp xã, cấp huyện ở nhiều tỉnh đã ăn chặn tiền trợ cấp cho người nghèo dịp Tết Kỷ Sửu… Đó những biểu hiện của sự sa đọa đến cùng cực của đạo đức.

1. Đạo đức truyền thống Việt Nam

Đạo đức Việt Nam hình thành trên cơ sở tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc: Thương người như thể thương thân, Bầu ơi thương lấy bí cùng, Một giọt máu đào hơn ao nước lã… Tam cương ngũ thường của Trung Quốc vào nước ta đã được Việt Nam hóa theo tầm cao nhân văn ấy. Dân tộc ta luôn bị ngoại bang đe dọa, cho nên nợ nước nặng hơn ơn vua. Triều Nguyễn dời đô vào Huế, vị thế của vua thấp xuống một bậc trong lòng dân. Rồi họa mất nước làm cho lòng dân càng nặng nợ nước, coi thường vua. Chữ Hiếu của ta không thiên lệch về người cha như ở Trung Quốc mà “công cha” ngang bằng với “nghĩa mẹ”. Trung Quốc buộc “phu xướng phụ tùy”, còn chúng ta đặt “vợ “trước “chồng” và khuyên “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Như nhiều nước châu Á, chúng ta xếp các hạng người trong xã hội thành “tứ dân” theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công,Thương. Sĩ là người có học, là tấm gương “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho xã hội noi theo. Ông đồ, thầy giáo được cả xã hội kính trọng: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Không thầy đố mày làm nên. Quan lại cũng là người có học nhưng phải được xét xem có thanh liêm hay không mới được kính trọng.

Có nhiều sách đề cao hiếu nghĩa như: Gia huấn ca, Nhị thập tứ hiếu, phê phán kẻ xấu đề cao người ngay như Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Đạo đức, nhất là đạo hiếu được dạy từ khi trẻ học nói, học vỡ lòng.

Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, toàn dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu giành độc lập. Đạo đức truyền thống được giữ vững và tôn cao. Các bà mẹ nhận chiến sĩ Vệ quốc đoàn là con, lo cho từng miếng cơm, manh áo. Chiến sĩ đi đến đâu cũng được sống trong tình ruột thịt. Cán bộ cách mạng dù là ở cấp nào cũng được dân chúng xem là con em mình. Trong buổi nói chuyện với đoàn cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam), Tổng Bí thư Lê Duẩn kể: “Các bà má ở Tháp Mười biết tôi là bí thư Trung ương cục, nhưng khi tôi đến nhà vẫn hỏi: ‘Thằng Ba mầy ăn cơm chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ngồi vào.’” Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cần đóng cửa.

Mấy năm sau, bắt đầu được nghe rằng: Cách mạng tháng Tám đã thành lập Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cùng với Nhà nước Công Nông, ý thức hệ cộng sản dần dần lên ngôi. Đầu những năm 50 trở đi, những cuộc cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo công thương nghiệp được thực hiện. Từ đó, nhiều phen đạo đức truyền thống bị đánh trọng thương.Từ đó, một hệ thống đạo đức mới có tính giai cấp được đặt ra. Và cũng từ đó, bắt đầu quá trình xuống cấp đạo đức dân tộc.

2. Đoạn tuyệt với tư tưởng cổ truyền

Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa chịu sự lãnh đạo của các Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, việc xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới đều na ná như nhau. Do đó, chúng ta cùng nghe lại ý kiến của Mác-Ănghen ở “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trong phần 2, “Những người vô sản và những người cộng sản” (Nhà xuất bản Sự Thật trang 77), đoạn nói vì sao phải xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới:

“… Có người sẽ bảo: “Cố nhiên là những quan điểm tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền v.v… đã biến đổi trong tiến trình phát triển lịch sử. Nhưng tôn giáo, đạo đức, triết học, chính trị, pháp quyền vẫn luôn được bảo tồn qua những biến đổi ấy.

Vả lại còn có những chân lý vĩnh cửu như tự do, công lý v.v… chung cho tất cả mọi chế độ xã hội.Thế mà chủ nghĩa cộng sản lại xóa bỏ những chân lý vĩnh cửu, nó xóa bỏ tôn giáo và đạo đức chứ không đổi mới tôn giáo và đạo đức; làm như thế là trái ngược với tất cả sự phát triển lịch sử trước kia.”

Lời buộc tội ấy rốt cuộc lại là gì? Lịch sử của tiến bộ xã hội từ trước đến nay đều diễn ra trong đối kháng giai cấp, những đối kháng mang những hình thức khác nhau tùy từng thời đại.

Nhưng dù những đối kháng ấy mang hình thức nào đi nữa, hiện tượng một bộ phận này của xã hội bóc lột một bộ phận khác cũng vẫn là một hiện tượng chung cho tất cả các thế kỷ trước kia.

Vậy không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng ý thức xã hội của mọi thế kỷ mặc dù có muôn màu muôn vẻ và hết sức khác nhau vẫn vận động trong một số hình thức chung nào đó, trong những hình thức ý thức chỉ hoàn toàn tiêu tan khi hoàn toàn không còn có đối kháng giữa các giai cấp nữa.

Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với tư tưởng cổ truyền…”

Từ những năm 50, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đặt lại vị trí tứ dân như sau: Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Giai cấp nông dân là quân chủ lực cách mạng. Nông dân lại chia thành: Cố nông, bần nông và trung nông. Cố nông, bần nông được coi là cốt cán rất tin cậy, còn trung nông lại chia thành trung nông lớp dưới được tin cậy hơn và trung nông lớp trên ít được tin cậy. Phú nông là những người vừa lao động vừa bóc lột, cần phải tước bỏ tính bóc lột của họ. Địa chủ từ nay không được coi là thành phần yêu nước mà là đối tượng phải triệt để tiêu diệt để giải phóng dân cày… Trí thức được kèm thêm tính từ “tiểu tư sản” và được đánh giá là có lập trường bấp bênh, dao động không vững vàng cần phải theo dõi, uốn nắn. Những người làm thương nghiệp bị coi là tệ hại nhất. Giai cấp tư sản nói chung là đối tượng mà cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiêu diệt, nhưng tư sản thương nghiệp được gọi là “bọn mại bản” phải diệt trước tiên. Việc buôn bán do thương nghiêp quốc doanh nắm hết. Từ “thương nghiêp” bị từ “phân phối” lấn dần. Người buôn bán nhỏ bị gọi một cách khinh thị là “con phe”, “bọn phe phẩy”.

Từ đây không còn thực sự đại đoàn kết mà chuyển sang đấu tranh giai cấp triền miên. Đạo đức truyền thống đặt xuống dưới ý thức hệ cộng sản. Đảng,chính quyền và các đoàn thể liên tục mở các đợt chỉnh huấn, phê, tự phê bình để xóa bỏ quan điểm, lập trường, ý thức hệ cũ, xây dựng quan điểm, lập trường giai cấp vô sản, đạo đức cách mạng vô sản.

Đạo đức cao nhất của mọi người là trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê mà cụ thể là thực hiện thắng lợi Nghị quyết của ĐCSVN, để đấu tranh tiêu diệt các giai cấp thù địch, xây dựng thành công CNXH và CNCS. Lời Bác Hồ dạy “trung với nước” đã bị sửa thành “trung với Đảng”. Theo Lênin thì Đảng Cộng sản là công cụ của giai cấp công nhân để tiến hành cách mạng vô sản, nhưng rồi với nguyên tắc dân chủ tập trung, lãnh tụ Đảng trở thành Thượng đế và Đảng trở thành một thứ tôn giáo. Lãnh tụ của quốc tế cộng sản còn đáng kính yêu hơn cả cha mẹ mình: “Vui biết mấy khi con học nói.Tiếng đầu đời con gọi Stalin” (Tố Hữu).

Xã hội Việt Nam dần dần mất hẳn tính dân sự mà trở thành xã hội chính trị. Từ nhi đồng đến phụ lão, mọi giới, mọi tầng lớp giai cấp đều gia nhập đoàn thể chính trị, thường xuyên kiểm điểm quan điểm lập trường cách mạng. Nhiệm vụ cao cả của đoàn thể thiếu nhi là vượt “kế hoạch nhỏ” chứ không phải giúp nhau trở thành đứa con hiếu thảo. Đoàn Thanh niên là cánh tay, là lực lượng hậu bị của Đảng. Công đoàn là công cụ của Đảng để tập hợp công nhân. Yêu nước phải là yêu nước xã hội chủ nghĩa. Chữ Hiếu truyền thống cũng bắt đầu bị xem lại, và có thang bậc nội dung mới.

Trong cuộc chỉnh Đảng TW khóa 2, Bác Hồ nói:

“Có người nói người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cộng sản có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có! Người cách mạng nhất là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ Hiếu theo tinh thần cách mạng rộng rãi như vậy… Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.

Đó là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung.”

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 389)

Đạo đức cũ khi nói về “tề gia trị quốc”, sách Đại học (quyển 1 của Tứ Thư) viết: “Bảo rằng muốn trị nước, tất trước phải điều chỉnh trong nhà. Nghĩa là không dạy được trong nhà thì không thể dạy được người ngoài… Có hiếu là biết phụng sự vua. Có đễ là biết phụng sự người lớn” và “Một nhà có nhân, một nước cũng phấn khởi mà có nhân”…

Ta thấy đạo đức xưa chỉ dạy phụng sự vua cũng là có hiếu với cha mẹ, chứ không đòi con cái phải chọn việc phụng sự vua mà hy sinh cha mẹ.

Có lẽ vì “cách mạng chọn gia đình to”, hy sinh “gia đình nhỏ” mới thể hiện được triệt để tư tưởng tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân mà “5 điều Bác Hồ dạy” cho trẻ từ bậc tiểu học, trung học không có điều nào dạy con cái phải hiếu thảo kính yêu cha mẹ, ông bà. Cha mẹ, ông bà của gia đình nhỏ đã được đặt trong gia đình lớn: “Yêu Tổ quốc,yêu đồng bào”.

Trong quyển hồi ký Chuyện làng ngày ấy, nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện chùa chiền miếu mạo bị hoang phế’, mồ mả ông bà bị tập thể hóa,… Đó là hành động cực đoan của những người vừa mới “giác ngộ ý thức hệ vô sản.” Tiếp theo đó, trong hồi ký Cọng rêu dưới đáy ao, Võ Văn Trực cũng kể rất cụ thể những chuyện buộc người ta hy sinh mọi lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể.

Sau khi vào miền Nam chiến đấu nhiều năm, trở ra Hà Nội, nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả quyển Sống như anh) tâm sự với vài đồng chí chúng tôi: “Đảng mình có trách nhiệm đã làm xuống cấp đạo đức của người dân Hà Nội. Hồi mình đi học, mỗi khi thấy đám ma từ xa, bọn mình đã xuống xe đạp, giở mũ cúi đầu, chờ xe tang đi qua. Còn nay bọn trẻ ngang nhiên phóng xe, lại còn chửi thề tại sao xe tang đi chậm”.

3. Đạo đức cách mạng

Ý thức hệ cộng sản đòi hỏi một nền đạo đức mới mang tính giai cấp vô sản, giai cấp mang sứ mệnh đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Đạo đức vô sản xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, lợi ích cá nhân phải nhường cho lợi ích tập thể. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nội dung đạo đức cách mạng gồm: Trung với nước, hiếu với dân; Đảng là đạo đức là văn minh; Yêu thương chăm sóc cho con người; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Cần, kiệm, liêm, chính; Chí công vô tư.

Chí công vô tư là một khái niệm đạo đức cũ. Chí công là rất công bằng, vô tư là không có lòng riêng khi làm việc chung. Khái niệm đạo đức này dành cho các quan chức, chứ không phải chung cho mọi người. Nhưng cụ Hồ nâng ý nghĩa cụm từ này thành nội dung đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Trong Đảng ta có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư “cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân” (Toàn tập, tập 4, trang 470). Người cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân sinh ra 10 chứng bệnh. Người nhiều lần kêu gọi “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo cách hiểu phổ biến là triệt tiêu cái riêng, đưa cái chung, cái “tập thể” lên địa vị độc tôn. Thậm chí phải có chí công vô tư thì mới thực hiện được cần kiệm liêm chính. Trong thời chiến lời kêu gọi quên mình đi dễ được mọi người chấp nhận. Nhưng thật ra trước khi chấp nhận hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, không phải người ta quên bản thân mình mà chính lúc ấy con người càng có ý thức rất cao về mạng sống, về trách nhiệm và danh dự của cá nhân mình đối với dân tộc. Đó là khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời của mỗi cá nhân.

Có 2 điều trong các nội dung đạo đức cách mạng kể trên, càng ngày càng tỏ ra không thể thực hiện được là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân và Chí công vô tư. Chí công, đồng ý thôi, nhưng sao lại “vô tư”, phải quên mình trong cuộc sống bình thường? Tại sao không phải là hài hòa lợi ích công-tư? Tại sao những nhu cầu chính đáng của con người lai bị coi là đòi hỏi của chủ nghĩa cá nhân? Yêu cầu vô lý đó đã bóp nghẹt sức sáng tạo của quần chúng. Nhưng tại sao chỉ có giới văn nghệ sĩ phản ứng mạnh nhất và họ phải bị đè bẹp bằng vụ án Nhân văn-Giai phẩm? Đó là bởi đặc thù của lao động văn học nghệ thuật đòi hỏi phải được sự tự do cá nhân tuyệt đối!

Chủ nghĩa tập thể tạo ra thói vô trách nhiệm: Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Của chùa mạnh ai nấy xâu xé. Mọi hư hỏng sai lầm không quy được cho cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Những ai tham gia kháng chiến chống Pháp đều biết giai thoại này: Bọn Năm Lửa, Ba Gà Mổ bảo nhau “Bọn Việt Minh hội họp liên miên không còn thì giờ đánh mình, nếu chúng nó bớt hội họp thì nguy cho mình lắm!”. Từ đó đến nay đã hơn 60 năm, mặc cho mọi lời kêu gọi giảm hội họp, bệnh nghiện họp vẫn tỏ ra nan y! Tại sao vậy? Bởi vì các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đều rất cần có quyết định của tập thể để phòng khi công việc thất bại sẽ không có ai phải bị giơ đầu ra chịu báng!

Tuy ý thức hệ được đặt trên đạo đức truyền thống, nhưng lạ thay, tất cả các Đảng

Cộng sản đều tôn thờ chủ nghĩa lý lịch, rất coi trọng thành phần gia đình. Đời ông đời cha đã là “kẻ thù giai cấp” thì đời con thậm chí đời cháu cũng không được tin dùng. Khi chống đối nhau, người ta tìm mọi cách truy thành phần gia đình và các mối quan hệ với “kẻ thù cách mạng” để bôi nhọ nhau. Ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị săm soi lý lịch. Có đảng viên lấy chồng nước ngoài hoặc Việt kiều đã bị gợi ý làm đơn xin ra khỏi Đảng và xin thôi việc (chị Thúy Hà, đảng viên ưu tú, thư ký tòa soạn báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh lấy chồng Việt kiều phải làm đơn xin ra Đảng). Do đó cán bộ đảng viên khai man lý lịch, che giấu việc làm trong quá khứ rất phổ biến!

Đảng kêu gọi tự do tư tưởng, coi đó là quy luật tiến bộ. Tuy nhiên, tự do tư tưởng phải trong vòng “kim cô” của Nghị quyết Đảng. Những người phát huy tự do tư tưởng ra ngoài quỹ đạo như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Dương Bạch Mai và sau này là Trần Độ… bị coi là những phần tử chống Đảng. Để tránh bị quy chụp, nhiều đảng viên nghĩ một đằng nói một nẻo. Nhà văn Nguyễn Khải, một đảng viên 60 tuổi đảng, trong tùy bút chính trị cuối cùng (dặn người nhà chỉ công bố sau khi mình đã chết) có những câu nghe thê thảm: “Nói cũng sợ, vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản”. Thật ra số đông đảng viên đều có tâm trạng giống như Nguyễn Khải mà chưa dám thổ lộ!

Không có tự do cạnh tranh, các nước theo chủ nghĩa xã hội dùng phong trào thi đua để thúc đẩy sức sáng tạo.Tuy nhiên ngay khi ra đời hình thức này đã gây ra tệ nạn báo cáo láo. Ở miền Bắc ai cũng đã nghe chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trại lợn hợp tác xã. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy lợn cắn nhau quá dữ dội! Thì ra chủ nhiệm trại lợn đã có “sáng kiến” mượn lợn cá thể của các gia đình đem nhốt chung vào chuồng hợp tác xã, để báo cáo Thủ tướng về tốc độ phát triển thần kỳ của chăn nuôi tập thể, chứng minh tính ưu việt không thể chối cãi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Một trong những nguyên nhân làm sa sút ngành giáo dục cũng là do phong trào thi đua “dạy tốt học tốt”.

Không có đối lập, chủ nghiã xã hội khuyến khích phê bình, tự phê binh bù cho ý kiến phản biện. Nhưng thực tế cho thấy hình thức này chỉ khuyến khích thói che giấu sai sót và bới móc lẫn nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ.

Nền đạo đức có tính giai cấp xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đặt ra khuôn mẫu xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” theo kiểu dùng chiếc giường Procuste, đặt con người lên đó, ai dài thì chặt bớt cho vừa, ai ngắn thì phải kéo cho dài ra! Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người giai cấp, mọi tính người hình thành trong lịch sử là của giai cấp tư sản cần phải cắt bỏ không thương tiếc! Cho đến ngày phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, con người mới kiểu đó vẫn chỉ là ảo ảnh. Ngay có người là ủy viên Bộ Chính trị bị phát hiện không phải con người mới! (Nhân đây xin nói, chính Bác Hồ cũng có nhầm lẫn khi nói “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, vì chủ nghĩa Mác cho rằng vật chất có trước ý thức.)

Nền đạo đức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể tạo ra “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật” (Tùy bút của Nguyễn Khải). Cách đây hơn nửa thế kỷ, triết gia, nhà văn Ayn Rand (Hoa Kỳ) đã viết rằng: “Chủ nghĩa tập thể giữ nguyên những nguyên tắc đạo đức tôn giáo. Có điều họ thay từ “Chúa” bằng từ “Xã hội” để đẩy con người vào chỗ tự hi sinh làm vật tế thần” (Lời tựa lần tái bản quyển The Fountainhead).

4. Chủ nghĩa tập thể là “vũ khí hữu hiệu”?

Chiến tranh liên miên làm cho người dân kiên nhẫn chấp nhận cơ chế toàn trị xã hội chủ nghĩa, với đạo đức cách mạng trên cơ sở chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như nhà thơ Hoàng Hưng là “Chủ nghĩa tập thể cực đoan lên ngôi ở miền Bắc, trở thành vũ khí hữu hiệu trong thời chiến. Chính nó đã đánh bại con người cá nhân của chế độ miền Nam.”

Không phải! Chế độ Sài Gòn (và cả Hoa Kỳ, quốc gia sinh ra và nuôi dưỡng chế độ này, đã đưa hơn nửa triệu quân sang bảo vệ nó) không thua chủ nghĩa tập thể, không thua ý thức hệ cộng sản mà phải sòng phẳng nói rằng, họ đã thua chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (Tức nhiên là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo). Chính McNamara, cựu Bộ trưởng Chiến tranh của Hoa Kỳ cũng đã nhận ra điều ấy trong quyển hồi ký của ông. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta có thể dẫn chứng trường hợp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nơi chủ nghĩa tâp thể cực đoan được tung hô mạnh mẽ nhất trong thế giới cộng sản, lại được hằng triệu quân Trung cộng yểm trợ, thế mà vẫn không thể đánh bại được “con người cá nhân”của Hàn quốc! Chỉ vì họ không làm được cuộc Cách mạng tháng Tám như Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó không nắm được dân tộc.

Có thể nói không sợ sai là “Chỉ có thực hiện dân chủ thì mới phát huy hết sức mạnh của nhân dân”. Nếu như một nhà nước dân chủ mà bị số đông dân chúng phản đối thì chắc chắn rằng chính sách của nhà nước ấy đang có sai lầm. Ví dụ phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ nổ ra là khi họ nhận ra đây không chỉ là cuộc chiến ý thức hệ (dù Hoa Kỳ và các cường quốc khác cố tạo ra điều đó) mà là sự xâm lược, đàn áp một dân tộc. Phải xem đó là chỗ mạnh của xã hội dân chủ chớ đừng cho là chỗ yếu. Nhờ có chế độ dân chủ mà Mỹ, một siêu cường, đã sớm rút quân sau 5 năm (1965-1969), còn Việt Nam dù có lý do chính đáng là chống bọn Khmer Đỏ diệt chủng, nhưng đã có mặt ở Campuchia tới 10 năm, trong khi nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn và bị bao vây cấm vận.

Các nhà nghiên cứu có quan điểm chống cộng cho rằng có nhiều đảng viên cộng sản yêu nước,nhưng Đảng Cộng sản thì không! Các bạn ấy nên nhớ rằng Nguyễn Ái Quốc chịu theo Quốc tế Cộng sản chỉ vì đọc “Luận cương giải phóng dân tộc” của Lênin, chứ lúc ấy ông không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Và suốt đời ông cũng chưa bao giờ được Quốc tế Cộng sản tin là người đã giác ngộ cộng sản. Những người được Quốc tế Cộng sản tin cậy như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong … đều phê phán Nguyễn Ái Quốc chưa quán triệt chủ nghĩa cộng sản. Mới đây tại cuộc hội thảo Việt Nam học ở Hà Nội, lần đầu tiên người ta được nghe giáo sư Yoshiharu Tsuboi của Nhật Bản khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chi Minh là tư tưởng cộng hòa. Chúng tôi nghĩ nhận định của ông rất có cơ sở. Chính Cụ Hồ, tác giả bản “Tuyên ngôn Độc lập” thể hiện sâu sắc nguyện vọng Dân chủ Cộng hòa của dân tộc Việt Nam, đã gửi nhiều thư cho Tổng thống Mỹ mà không được hồi âm. Nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã lấy làm tiếc về điều này! Rõ ràng là chính thực dân Pháp và các chính quyền Mỹ từ Truman trở đi đã từng bước đẩy Cụ Hồ và cả dân tộc Việt Nam vào hẳn quỹ đạo cộng sản. Hai cuộc chiến do Pháp và Mỹ gây ra đã làm cho dân tộc Việt Nam gắn chặt hơn với chủ nghĩa xã hội, làm cho cộng sản mạnh lên. Sau Cụ Hồ, ông Lê Duẩn, một người được coi là cứng rắn, là tác giả đã thiết kế chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam phải giương cao hai ngọn cờ Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Lịch sử gần 80 năm qua cho thấy điều gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện dưới lá cờ Dân tộc thì đều đem lại thắng lợi, điều gì do ý thức hệ công sản chỉ đạo thì đều thất bại.

Sau khi Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những đảng viên ưu tú của Quốc dân Đảng như Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình… đều chuyển sang lập trường cộng sản. Số lớn đảng viên các đảng theo chủ nghĩa dân tộc sống lưu vong ở nước ngoài không liên hệ chặt chẽ với nhân dân trong nước, không xây dựng được lực lượng để chuẩn bị khi thời cơ đến. Nhà tù của thực dân từ Hỏa Lò, Khám Lớn đến Côn Đảo những năm 1930-1945 gần như chỉ dành riêng cho người cộng sản. Do đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng trọn vai trò lãnh đạo toàn dân tộc, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến Điện Biên Phủ. Mới đây, trong lễ nhận Huân chương văn hóa Pháp tại Hà Nội, nhà văn Dương Tường phát biểu: “Chính những lý tưởng tự do dân chủ được Jean Jacques Rousseau tuyên ngôn đã đưa tôi đến với cuộc Cách mạng tháng Tám, giải phóng dân tộc tôi khỏi ách thực dân Pháp”, được các đại sứ Pháp ngữ đồng tình.

Những người tự xưng mình theo chủ nghĩa quốc gia, từ Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu, cho đến Bảo Đại đều không được thực dân Pháp (Hoa Kỳ chi viện 85% chiến phí) trao quyền độc lập dân tộc thực sự mà chỉ cho ăn bánh vẽ. Ông Ngô Đình Diệm được người Mỹ đưa về và trao cho đầy đủ các quyền, nhưng ở vào thời điểm quá muộn mằn, lại phải gánh một quá khứ u ám, do đó không thể nào nhận được lòng tin của dân tộc. Cũng có thể nói, ông Diệm được hưởng thành quả không phải do mình chiến đấu giành được mà nhờ cuộc kháng chiến 9 năm đã khiến cho các thế lực nước ngoài thấy cần phải nâng đỡ ông thành một lãnh tụ chống cộng. Dưới ông Diệm, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… đều đã từng mặc quân phục do các thống chế Pháp thiết kế thì làm sao tranh thủ được lòng dân? Rồi nửa triệu quân Mỹ ùa vào nước ta đã làm cho những lãnh tụ Việt Nam Cộng hòa trở thành những con rối của Mỹ và khiến cho rất nhiều người không thích chủ nghĩa cộng sản cũng bước vào cùng chiến hào với cộng sản để “chống Mỹ cứu nước”! Nếu nắm được dân tộc thì Việt Nam Cộng hòa dù mất hết các thành thị vẫn có thể vào rừng tiếp tục chiến đấu như người cộng sản đã làm suốt 30 năm của hai cuộc chiến tranh.

Vinh danh những người lính Mỹ chết ở Khe Sanh là vì “sự thịnh vượng và tự do” của Hoa Kỳ, ông Obama tỏ ra có thủ đoạn chính trị khôn ngoan, nhưng không hợp với lương tri và cũng không đúng với thực tế lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản không bị đánh gục bởi kẻ thù của nó như ông Obama nhận định mà bởi chính những người cộng sản và nhân dân các nước cộng sản, khi họ nhận biết con đường cộng sản đã tách ra khỏi con đường lớn của văn minh nhân loại và đi vào ngõ cụt, không có tương lai.

Tóm lại , chủ nghĩa tập thể không hề là “vũ khí cực kỳ hữu hiệu” dù thời bình hay thời chiến. Trước họa ngoại xâm, các dân tộc chớ tìm đến cái chủ nghĩa tập thể đó mà hãy tìm đến dân chủ như đức vua Trần của Việt Nam đã mở Hội nghị Diên Hồng trước họa Nguyên Mông.

5. Đạo đức cách mạng xung khắc với Đổi mới

Sau 30-4-75, đã qua cái thời “Các đảng viên cộng sản, xung phong!”,”Đảng viên đi trước, làng nước theo sau!”. Từ nay vào Đảng không phải để hy sinh chiến đấu mà vào Đảng là được đứng trước cánh cửa thăng quan tiến chức, không phải để cống hiến mà để chia phần. Cũng từ nay, những kẻ cơ hội, xu nịnh, tỏ ra có nhiều khả năng thuyết phục được những đồng chí có trách nhiêm canh cửa chính trị chọn lựa người kế cận hơn là những ai khiêm nhường, tự trọng. Cùng với các tiêu chuẩn “hồng” trọng hơn “chuyên”; “đức” (chủ yếu là quan điểm lập trường) đặt trên “tài”, thành phần công nông quý hơn trí thức, đã làm cho đảng viên, cán bộ lớp sau sa sút dần so với lớp trước. Ông Nguyễn Thừa Nghiệp, một cán bộ công đoàn đã nghỉ hưu, người dành cả đời mình chăm lo bảo vệ công nhân, cho rằng việc đảo ngược vị trí ”sĩ, nông, công, thương”, thành “công, nông, trí” không khác nào đem tay chân thay thế cho đầu óc của cả xã hội! Thế giới ngày nay đang “bùng nổ thông tin”, “kinh tế tri thức”, tại sao chúng ta lại đặt trí thức vào cuối bảng?!

Những năm 80, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức nghiêm trọng. Chuyện tiếu lâm mới lan tràn, báo hiệu chế độ lung lay. Ở Thành phố HCM, hai ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt đã làm một việc tày đình là “xé rào” để thực hiện điều mà hai ông gọi là “Hài hòa 3 lợi ích” (lợi ích cá nhân người lao động, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước.) Trong một cuộc học tập chính trị ở Hà Nội, nhiều nhà lý luận Mác-Lê chỉ trích gay gắt cái “chủ nghĩa tự do kinh tế đang nảy sinh ở Sài Gòn”. Tuy nhiên việc làm trái với luật pháp và đạo đức xã hội chủ nghĩa ấy lại rất hợp lòng dân và đem lại hiệu quả cực kỳ to lớn. Người bạo gan làm việc ấy được nhân dân suy tôn, được toàn Đảng ca ngợi và từ chỗ bị loại khỏi Bộ Chính trị ở Đại hội Đảng lần thứ V (do không tán thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam) đã được trở vào Bộ Chính trị, làm ứng viên sáng giá chức vụ Tổng Bí thư ở Đại hội VI. (Ông Hoàng Trọng Đỉnh, Phó Tổng biên tập báo Lao động , khi đọc quyển Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của Nguyễn Văn Linh đã reo lên: “Ông này phải là Tổng Bí thư!”.

Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đề xướng Đổi mới, tuy muộn nhưng là một quyết định rất sáng suốt, đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và phát triển nhanh chóng. “Đổi mới” thực sự là từ bỏ nhiều nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê. Những điều trước đây ông Kim Ngọc và các ông bị quy tội chống Đảng đòi hỏi, nay Đổi mới đã vượt qua rất xa, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế. Tự do kinh tế đã chọc thủng chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa một mảng lớn. Xã hội chuyển dần từ quỹ đạo vô sản sang hữu sản. Nhiều đảng viên trở thành “tư sản đỏ”. Con trai ông Lê Duẩn cũng bỏ Đảng để làm doanh nhân (Từ “tư sản” vẫn còn bị kiêng dùng!).

Rất đáng tiếc, ông Nguyễn Văn Linh không ý thức được rằng “3 lợi ích” do ông là một tác giả, sở dĩ làm bật dậy sức sáng tạo của toàn dân là vì nó chống lại chủ nghĩa tập thể lỗi thời của lý thuyết cộng sản. Ông xé rào như một cách “chữa cháy” chứ không đủ tri thức để định hướng cho con đường Đổi mới có mục tiêu minh bạch. Ông không muốn và cũng không có khả năng chỉ đạo các lý thuyết gia nghiên cứu biên soạn những bài học từ thực tiễn, tiếp tục đưa Đổi mới mạnh mẽ vượt qua rào cản của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông không dựa hẳn vào người đồng tác giả “3 lợi ích” với mình là ông Võ Văn Kiệt, người có những suy nghĩ sâu sắc muốn đưa đổi mới đi xa hơn, mà lại dựa vào những người to tiếng “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Điều đó làm cho Đổi mới cứ ngập ngừng, bệnh cơ hội có đất nảy nở, tiêu cực xã hội phát triển, khiến cho đạo đức xã hội dần dần xuống cấp.

Đổi mới đã làm cho đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng đạo đức xã hội thì như tụt dốc không phanh. Nhiều lý thuyết gia cho rằng đó là do”mặt trái”, “đứa con hư” của cơ chế thị trường. Người ta quên rằng xã hội chúng ta đã từng sống trong kinh tế thị trường trước khi đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Vậy phải tìm ở những nguyên nhân khác!

Xin thử nêu ra vài suy nghĩ bước đầu:

- Tự do kinh tế giải phóng sức sáng tạo cá nhân, đồng thời đòi hỏi phải trả lại cho cá nhân những quyền và lợi mà họ đã bị tước đoạt nhân danh lợi ích tập thể. Không thể “chí công vô tư” mà phải “công tư lưỡng lợi”, ở doanh nghiệp thì “lao tư lưỡng lợi”, hoặc nói như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt là “Thực hiện hài hòa 3 lợi ích”. Tiếc thay, ý kiến chính thống vẫn không chấp nhận thực tế rất đúng đắn, rất hợp đạo lý đó, mà vẫn cứ kiên trì “chí công vô tư”, vẫn “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vẫn “quốc doanh là chủ đạo”, “đất đai phải là sở hữu của toàn dân”… Chính vì thế mà cuộc sống bày ra vô số điều nghịch lý.

- Cán bộ đảng viên, những đại biểu của giai cấp vô sản, những đầy tớ của nhân dân, những người thuyết lý hay ho nhất về chí công vô tư lại là những ông chủ hữu sản lớn nhất, nhiều ông là “tư sản đỏ” sống cách biệt với nhân dân! Nhiều nơi nhân dân trớ trêu đặt tên cho các khu biệt thự sang trọng là “khu nhà của đày tớ”! Tấm bình phong “đất đai là của toàn dân” chỉ để tạo điều kiện cho các quan tham biến thành vườn nhà, hoặc móc ngoặc chia chác với nhà đầu tư nước ngoài, làm cho nông dân mất hết đất canh tác.

- Công nhân luôn nghe mình được xưng tụng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nhưng thực tế là việc làm bấp bênh, đồng lương không đủ sống, nhà cửa dột nát, con cái không được học hành. Họ buộc phải nghĩ rằng mình được cho ăn bánh vẽ và khi quá cùng cực họ đã tổ chức đến 2500 cuộc đình công mà không cần thông qua công đoàn, tổ chức có danh nghĩa là đại diện hợp pháp của họ!

- Những cuộc học tập đạo đức Bác Hồ đối chiếu với thực tế cuộc sống đang diễn ra hoàn toàn trái ngược: Trên báo chí ngày nào cũng đọc thấy những chuyện thối tha: Ông bộ trưởng tham nhũng bị đi tù; ông phó Tổng cục trưởng mua dâm trẻ em; ông trung tướng công an, ông giám đốc Đài phát thanh móc ngoặc với bọn xã hội đen; ông phó ban Tổ chức tỉnh ủy đi bia ôm trong giờ hành chính; ông Bí thư Tỉnh ủy được đưa tiền mua chức. Rất, rất nhiều ông đồng chí khác, kể cả những ông cán bộ tuyên huấn cấp huyện, những người chuyên lên lớp về đạo đức Bác Hồ cũng đã ăn chặn tiền quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tiền Tết của đồng bào nghèo… Người dân buộc phải nghĩ: Đạo đức cách mạng hóa ra chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của mấy ông cán bộ, đảng viên.

- Nhìn xã hội ai cũng thấy rõ ràng là đang đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa trong từng bước hội nhập, nhưng lại được dạy bảo là chúng ta đang kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, khiến người lớn tuổi thầm nhắc lời của Thiệu: “Đừng nghe…” Chính những vị lão thành cách mạng cũng phân vân: “Có thật là chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội?”

- Trong xã hội cũ, tầng lớp trí thức là những người nêu gương về lối sống cho cộng đồng như thày đồ, thày giáo. Sau cách mạng, tầng lớp này bị hạ xuống rất thấp. Thấp đến nỗi không còn được học sinh của mình tôn trọng. Xã hội chính trị tôn vinh tột bậc những ông bí thư Đảng, chủ tich các đoàn thể, những đảng viên có chức có quyền thành nhân vật quan trọng nhất trong cộng đồng. Các nhân vật ấy ngày nay có cuộc sống vật chất cao hơn mọi người, nói những lời cao đạo hơn mọi người, nhưng làm nhiều điều ám muội hơn mọi người! Xã hội buộc phải nghĩ ngược và làm ngược lại những lời “vàng ngọc” mà những kẻ ấy thường lên giọng daỵ dỗ mình.

6. Làm gì để khôi phục đạo đức?

Trong một lần góp ý cải tiến chương trình giáo dục, nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể rằng hồi ông cắp sách đến trường, chương trình giáo dục cũng không hiện đại gì, nhưng vì được học những điều mình tin, nhờ đó mà tất cả bạn học của ông đều nên người.

Tôi cho rằng ý kiến đó rất đáng cho chúng ta suy nghĩ để có một chiến lược giáo dục, trước hết là dạy những điều không ai có thể nghi ngờ trước khi đạt đến yêu cầu tiên tiến. Nói rộng ra, mọi vấn đề trong xã hội đều phải được gọi đúng “tên cúng cơm” của nó!

Trước hết là Đảng. Ngày xưa, các đảng viên cộng sản khi giơ tay thề chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, họ đều có niềm tin vững chắc, dù không biết chủ nghĩa cộng sản cụ thể ra sao! Cái sai lớn nhất mà ý thức hệ đó gây ra là cải cách ruộng đất thì đã được Bác Hồ xin lỗi nhân dân và sửa sai rồi. Nhiều sai lầm khác cũng được cho là do “ấu trĩ”. Sau 20 năm thực hiện Đổi mới, Đảng đã từ bỏ nhiều nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, đưa xã hội ta khởi sắc nhiều mặt, kể cả vấn đề tự do, dân chủ. Nhờ đó mà huy động được toàn dân đóng góp tiền tài, vật lực, trí tuệ, tâm huyết phát triển đất nước. Nhiều Việt kiều lúc ra đi đã thề rằng chỉ khi nào không còn Đảng Cộng sản mới trở về, vậy mà nay đã vui vẻ chung tay xây dựng mái nhà chung. Được như vậy là vì số đông nhân dân trong và ngoài nước đã nghĩ giống như ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ông trả lời phỏng vấn của nhà báo hải ngoại Nguyễn Vi Túy: “Tôi hiểu căn bản của Đảng Cộng sản và người cộng sản là… không có tư hữu và chỉ có một giai cấp. Nhưng khi cái căn bản chính ấy mà họ đã bỏ đi rồi, thì chẳng khác nào chuyện ông thầy tu đã phạm giới rồi mà vẫn còn muốn người đời gọi mình là kẻ tu hành.”

Chẳng lẽ chúng ta sẽ đính chính với ông Kỳ và mọi người rằng: “Không đâu, đây chỉ là sách lược tạm thời. Đến khi nào chủ nghĩa Mác-Lê vượt qua cơn thoái trào, chúng tôi sẽ lại cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng nguyên lý của Mác”? Còn nếu không thì hóa ra chúng ta “treo đầu dê bán thịt chó”? Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng trong hoàn cảnh như chúng ta, nhưng họ đã có thái độ khá rõ ràng khi đưa ra lý thuyết “3 đại diện”, khẳng định rằng Đảng là của toàn dân tộc chứ không phải trước hết là của giai cấp công nhân. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm như vậy chắc chắn sẽ được “danh chính ngôn thuận”, toàn dân tộc sẽ vui mừng tin tưởng hơn.

Nhưng tại sao chúng ta chỉ có thể làm theo như Trung Quốc chứ? Tại sao chúng ta không chủ động sáng tạo đi xa hơn họ? Khi mà ngay ở quê hương Cách mạng tháng Mười, người ta đã vĩnh viễn quay lưng với cái lý thuyết triệt để giải phóng con người, nhưng thực tế lại đưa con người vào tình trạng cần được giải phóng, như thoát khỏi sự khiếp sợ của Nguyễn Khải chẳng hạn? Hơn nữa, khi “Đảng là của dân tộc”, chúng ta trở lại đúng thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều mà lãnh tụ của nhiều Đảng Cộng sản khác, kể cả Đảng Cộng sản Trung Quốc không có được! (Có lẽ vì thế mà họ đang đề cao học thuyết của Khổng Tử như là tư tưởng dân tộc?)

Hãy trở lại với đạo đức làm người chứ không phải làm ông thánh, để rồi không làm được ông thánh thì mất hết niềm tin, sa đọa dần và trở thành những tên lưu manh. Mới đây, trong ngày đầu năm mới, chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh trung học ở Gò Vấp đã gởi cho báo Phụ nữ Thành phố HCM (số báo ngày 3-2-2009) điều ước đầu năm của mình như sau: “Chương trình ở bậc phổ thông hiện nay rất nặng. Để biên soạn lại bộ sách cần phải có thời gian, nhưng riêng môn đạo đức giáo dục công dân, thiết nghĩ cần phải thay đổi ngay. Bởi chương trình môn học này có quá nhiều kiến thức không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tôi nghĩ cần phải dạy cho các em biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em và mọi người, biết sống có trách

nhiệm với bản thân và cộng đồng, không tham lam, ích kỷ.”

Mong muốn của một người dân bình thường sao mà giản dị và thiết thực đến vậy! Tại sao những người học cao và có trách nhiệm lớn lại không nghĩ tới? Vừa qua, tại Lễ hội Yên Tử, một số nhà sư đã cho in các nội dung về đạo làm người. Họ nói đây là lời dạy của đức Phật. Nội dung rất cạn cợt, nhưng đã được đông người vồ vập mua với giá 10 nghìn đồng 1 tờ! Xin chép ra vài câu. Bàn về chữ Hiếu: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha. Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha”… Các nhà giáo dục nghĩ gì trước hiện tượng này? Có phải vì chúng ta không đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, cho nên các nhà sư đã làm thay?

Chúng ta nên can đảm dám từ bỏ những nội dung “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, vì nó không thể thực hiện được và đã gây phản tác dụng. Đừng sợ như vậy là có lỗi với Bác Hồ. Chính Bác vẫn thường khuyên bảo nên sửa đổi những gì không còn thích hợp. (Cụ Các Mác cũng từng bảo rằng không nên để lý thuyết của ông bó tay những người cách mạng. Ông còn nói, mình không phải là người mác-xít, với ý cho rằng khi lý thuyết trở thành một chủ nghĩa thì sẽ dễ hóa ra giáo điều!) Chúng ta nên tự hào về những giá trị vĩ đại khác của Bác Hồ như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (chứ không phải Chủ nghĩa xã hội!) và “Nước được độc lâp mà nhân dân không được tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì!” Đây là tư tưởng nhân quyền của thời đại. Bác Hồ của chúng ta đã đi trước hằng thập kỷ đối với các lý thuyết gia Hoa Kỳ khi họ nêu ra “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Hơn nữa, Bác Hồ nêu ra ý đó là để răn dạy Đảng cầm quyền của mình chứ không nhằm gây áp lực đối với các dân tộc chưa đủ điều kiện thực hiện.

Cán bộ công chức không phải là cha mẹ, cũng không phải đày tớ mà là người ăn lương của dân để phục vụ nhân dân, là “của dân, do dân, vì dân”. Đừng xem việc học tập đạo đức Bác Hồ là biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng. Bọn Huỳnh Ngọc Sĩ và các đảng viên ăn chặn tiền Tết của dân nghèo đều đã học đạo đức Bác Hồ. Phải thực hiện “pháp trị”, và ”tam quyền phân lập”, đưa xã hội đi vào khuôn phép, kỷ cương, chỉ có như vậy mới chống tham nhũng đạt hiệu quả.

Đảng, đoàn thể phải hoạt động bằng nguyệt phí của đảng viên, đoàn viên, chứ không phải bằng tiền từ ngân sách. Đó chính là biện pháp chống quan liêu, xa quần chúng một cách hữu hiệu.Tại sao Đảng luôn luôn kêu gọi đảng viên phải đi sát dân, lắng nghe dân mà rất ít người thực hiện? Bởi vì cơ chế bầu cử, đề bạt hiện nay đều không do người dân quyết định. Từ lâu nhân dân có câu “Đảng cử dân bầu”. Phải chấm dứt cách làm đó và thay bằng ứng cử tự do và để cho dân đề cử người mình tín nhiệm.

Tự do, dân chủ đã được Hiến pháp ghi nhận từ năm1946, phải nhanh chóng được hiểu và thực hiên như nhân loại hiện đại đã hiểu và thực hiện.

Chúng ta đã từng tự ru ngủ mình là một đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, “dân tộc tiên phong của nhân loại, “lương tâm của thời đại”, “nhận sứ mệnh lịch sử chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa bành trướng bá quyền”… Nay hãy tỉnh táo nhìn lại mình đang đứng ở khoảng cuối bảng xếp hạng của các quốc gia trong Liên hiệp quốc! Đang chịu không biết bao nhiêu nỗi nhục. Chẳng hạn, cứ phải nghe chuyện “Hơn 100 cô gái đẹp người Việt ngồi cho một anh Hàn quốc (có khi là người khuyết tật) ngắm nghía sờ soạng để chọn vợ!” và còn không biết bao nhiêu chuyện đau lòng khác. Nếu không mau mau gột bỏ thói vô đạo đức đang trở thành “dân tộc tính”, tạo cho mình một phẩm chất mới thì chẳng bao giờ hy vọng có thể sánh vai với nhân loại hiện đại!

Tóm lại hãy làm những gì mà cuộc sống đòi hỏi và hãy từ bỏ thật nhanh những gì chỉ nghĩ ra theo tư duy của ý thức hệ đã lỗi thời. Đó là bài học lớn mà ông Lý Quang Diệu, lãnh tụ vĩ đại của nước Singapore phát triển thần kỳ, đã rút ra và chỉ dẫn cho nhân dân nước ông tiến tới. Hãy lấy một câu rất hay từ Nghị quyết của Đảng làm mục tiêu của toàn dân tộc: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tất cả mọi việc đều minh bạch, chắc chắn đạo đức sẽ phục hồi.

© talawas 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét