Vẻ đẹp của Thiền
Một Danna Chia sẻ với bạn bè ♦ 11 bình luận ♦ 14.05.2009
LTS: Đây là một nỗ lực của tác giả Một Danna, một phần do có sự đề nghị của BBT Da Màu, nhằm tổng hợp lại những quan niệm và khám phá về nghệ thuật của anh, mà anh đã trình bày lâu nay qua một loạt tác phẩm và những phát biểu rải rác ở nhiều nơi, bao gồm trên chính tạp chí của chúng ta trước đây. Hy vọng bài mở đầu cho loạt bài đang được dự tính của Một Danna sẽ được độc giả đón nhận và thảo luận tích cực.
Nói "vẻ đẹp của thiền" thì bản thân phát ngôn này đã là hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Nói "thiền không có vẻ đẹp" cũng lại là một mệnh đề sai lẫn khác. Với thiền thì mọi phát ngôn, mọi kí tự nhằm miêu tả nó đều thiếu sót. Như thế, ta gọi là thiền! Tức, ngôn ngữ cũng có vai trò của chúng đối với thiền. Vì thế, cũng không có gì sai trái khi ta nói về mĩ học thiền.
Vô thường
Vô thường là một tính chất quan trọng của thiền, thể hiện sự biến đổi chuyển hoá liên tục của tâm thức. Thấu hiểu bản chất vô thường của thế giới là quả đầu tiên trên con đường tu học của thiền nhân. Nhìn thấy vẻ đẹp của vô thường có thể coi là bước đầu chạm tới nghệ thuật của thiền.
Hình thức nghệ thuật ngôn ngữ mang chất thiền nhiều nhất có thể kể đến haiku. Một haiku chỉ gói ghém đầy đủ trong khoảng 17 âm phải diễn tả được lý do, không gian và thời gian nảy sinh bài thơ nên nó thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. Đó chính là tính vô thường của tâm thức. Khi đọc haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, về niềm vui hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc sống ngắn ngủi, phù du. Các sự kiện trong haiku vừa như rời rạc vừa như liên kết theo một linh cảm nào đó. Người đọc như vừa nằm trong dòng suy tưởng, như vừa đứng ngoài chiêm nghiệm. Rõ ràng, với haiku chúng ta không thể nào xác định rõ ràng một cảm xúc hay một khái niệm nào, bởi nó là vô thường.
Ví dụ như một haiku của Kobayashi Issa:
Này cô ốc sên,
chậm rãi mải miết bò lên.
Trên đỉnh núi Phú Sĩ.
Hình ảnh con ốc sên bò lại liên hệ với núi Phú Sĩ làm chúng ta mơ hồ liên hệ nó bò lên đỉnh núi. Vậy nó bò lên đỉnh núi thật hay chỉ là ảo giác của tâm ta? Các hình ảnh rời rạc đó thể hiện bản chất vô thường bất định trong suy nghĩ của con người.
Trong các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam thì ca trù thể hiện chất vô thường rõ hơn cả. Một bản ca trù không có cấu trúc giai điệu, hợp âm, nhịp độ… chặt chẽ thống nhất như nhạc châu Âu. Tác phẩm được biểu diễn khá tự do phóng khoáng, quan trọng là xử lí các điệu và phách cho nhuần nhuyễn. Một bài ca trù phải sử dụng nhiều kiểu gõ phách khác nhau, nhiều cách nhả âm khác nhau, nhiều điệu khác nhau… nghe rất ngẫu hứng, biến chuyển tinh tế, khác hẳn những bài tân nhạc đang phổ biến hiện nay vốn được xây dựng trên một cấu trúc cung bậc có sẵn và khép kín. Sự chuyển đổi phách, nhịp, âm trong một bài ca trù là một minh chứng khác cho vẻ đẹp của vô thường.
Phi hiện hữu
Thông thường chúng ta nhìn thế giới theo những gì hiện hữu mà chúng ta kiểm chứng và đánh giá được, tức ta suy nghĩ dựa vào những kinh nghiệm tri thức mà ta đã biết. Thiền thì chủ trương phá bỏ những kinh nghiệm đó, và vì thế thiền đặt vấn đề cho những thứ nằm ngoài kinh nghiệm ngôn ngữ đã hiện hữu. Nghệ thuật của thiền cũng là những thách đố cho chúng ta truy tìm những thứ chưa hiện hữu. Ví dụ như bức tranh “Thác nước” dưới đây của hoạ sĩ Nhật, Zeshin Shibata.
Tên bức tranh là "thác nước" mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ thấy những tảng đá lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài nét mờ nhạt thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không có vai trò gì). Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá và những khoảng trống trong bố cục mà ta cảm nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở luồn qua những khe đá. Quá trình xem bức tranh này là một quá trình truy tìm sự phi hiện hữu ẩn giấu trong các nét mực đã hiện hữu.
Quá trình tìm kiếm này ta cũng bắt gặp trong tuồng nô của Nhật với những khoảng lặng khá lâu để khán giả tìm kiếm những ý nghĩa ngoài lời thoại đã hiện hữu. Trong dòng nhạc thính phòng đương đại, tính chất phi hiện hữu này đã được nhạc sĩ John Cage áp dụng sau thời gian ông học thiền. Năm 1952 Cage giới thiệu tác phẩm "Composition entitled 4’33", một cú sốc với công chúng Mĩ. Đây là một tác phẩm có thể chơi bằng bất cứ loại nhạc cụ nào hoặc bằng một cái gì đó tương đương như nhạc cụ. Tổng phổ hoàn toàn là sự im lặng. Nó không hề có một nốt nhạc nào cả. Người biểu diễn ngồi im lặng trên sân khấu trong suốt thời gian của tác phẩm (4 phút 33 giây). Kết quả cuối cùng chính là âm thanh của tiếng máy điều hoà không khí của phòng hoà nhạc, tiếng ồn do người nghe mang tới, thí dụ như tiếng ho, tiếng cười và những âm thanh từ bên ngoài phòng hoà nhạc mang lại… Hệ thống âm nhạc cổ điển của phương Tây được tạo ra trên nghiên cứu về những âm thanh hiện hữu, về cấu trúc âm cho sự hài hòa thính giác. Âm nhạc của John Cage và âm nhạc của thiền thì đặt vấn đề ngược lại khi tìm sự biểu hiện trong cái phi âm thanh, phi cấu trúc, phi hài hòa. Truy tìm âm nhạc trong sự im lặng là một thách đố cho nhạc sĩ nào muốn theo con đường âm nhạc của thiền.
Thách đố về sự phi hiện hữu cũng dành cho kiến trúc sư. Ta hãy lấy vườn thiền Ryoan-ji làm ví dụ điển hình. Vườn thiền gồm 15 hòn đá xếp thành 5 nhóm tượng trưng cho những hòn đảo trên đại dương. Điều kì lạ là khi đi vòng quanh vườn bao giờ cũng bị khuất mất một hòn đá. Chỉ cần di chuyển một chút là ta thấy hòn đã bị khuất đó, nhưng khi đó một hòn đá khác lại bị khuất. Một tác phẩm kiến trúc được xây dựng từ yếu tố phi hiện hữu, điều đó chỉ có thể xảy ra trong không gian mĩ học của thiền.
Ngược
Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng. Một trong những cách để các bậc cao tăng giúp người khác nhận ra tính chất hướng theo một khái niệm ngôn ngữ nào đó của họ là sự chấp chước theo thói quen kinh nghiệm, là cách đặt vấn đề theo chiều ngược lại.
Trong tác phẩm "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải" của Trúc Lâm Đầu Đà có đoạn:
"Có người hỏi Thượng Sĩ:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thầy đáp:
- Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa.
Lại nói:
- Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
Thầy bảo:
- Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ."
Biết giải thích “pháp thân thanh tịnh” là gì? Người hỏi này vẫn bị chấp vào khái niệm “thanh tịnh”, muốn làm rõ nghĩa nó, muốn xác định nó, muốn hướng đến nó. Tuệ Trung dùng cách nói ngược để dội một gáo nước lạnh vào cái ham muốn thanh tịnh của người kia, rằng thanh tịnh chính là “nước đái trâu”, là “phân ngựa”, là những thứ cực kì ô uế bẩn thỉu. Ông nói như vậy không có nghĩa tìm cách xác định nghĩa của “thanh tịnh” mà muốn chỉ ra rằng không thể có sự thanh tịnh, không thể xác định khái niệm “thanh tịnh” vì nó chỉ có thể hiểu thông qua khái niệm “ô uế”. Từ đó chúng ta sẽ thóat ra khỏi những cản trở của ngôn ngữ trong việc tìm đạo, tức là: “pháp thân không ngăn ngại, nào sạch lại nào dơ”.
Cũng gần như cách đối đáp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Yosa Buson có bài haiku khá thú vị thế này:
Than hồng
trên đống cứt ngựa —
những cánh anh đào đỏ!
Đối với thiền, cứt cũng có vẻ đẹp của nó.
Sự đảo ngược vai trò của các nhân vật trong tuồng nô cũng là một thủ pháp thú vị và độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Ví dụ trong vở tuồng nô "Eguchi" của Zeami vai trò của thiền sư và kĩ nữ đã đổi ngược cho nhau. Thông thường các bậc tôn sư khuyên bảo và giác ngộ gái giang hồ như Lã Động Tân hay Jesus Christ, còn ở đây gái giang hồ lại giúp kẻ tu hành đắc đạo. Vở tuồng kể về một thiền sư trên đường hành hương đến chùa Tennoji, ghé qua thôn Eguchi, chợt nhớ ra ngày xưa nơi đây thiền sư Saigyo đã bị một cô gái giang hồ từ chối không cho trọ qua đêm mưa bão. Theo cô ca kĩ đó, thiền sư là người xuất gia mà mình lại thuộc phường phấn hoa, không nên ở trọ cùng nhau. Khi Saigyo làm thơ trách móc cô gái thì nàng đáp lại bằng thơ rằng: “Người đã xuất gia từ bỏ cuộc đời (một nhà trọ lớn) sao còn bận tâm vì một chỗ trọ qua đêm (nhà trọ nhỏ)”.
Trong khi thiền sư đang trầm ngâm nghĩ về việc xưa, bỗng có một cô gái đẹp hiện ra khuyên ông chớ để lòng vướng mắc vì câu chuyện xảy ra cho Saigyo. Sư hỏi tên thì nàng xưng là hồn ma của Eguchi no Kimi (tên một nàng kĩ nữ có tiếng ở vùng Eguchi lúc trước) rồi tan biến trong màn đêm. Sư định cầu siêu cho linh hồn cô gái thì cô ta hiện ra giữa hai nàng kỹ nữ. Cả ba nàng chèo thuyền vui chơi trên sông Yodo dưới ánh trăng thanh, hát những bài ca than thở cho kiếp người trôi nổi vô thường, những phiền não gây ra bởi lòng tham ái dục. Thế rồi, nàng Eguchi no Kimi ấy bỗng nhiên hóa thành một vị Bồ Tát và chiếc thuyền hóa thành con voi trắng chở thiền sư lên mây về Tây phương cực lạc.
Chẳng hai
Pháp thiền, theo Lục Tổ Huệ Năng là pháp chẳng hai. Ngài giải thích : « Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn, đã hiểu rõ Phật tính tức là Pháp Chẳng Hai của Phật Pháp vậy. Như Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm, làm năm điều trọng tội, nghịch và chẳng tin Phật Pháp, thì thiện căn và Phật tính phải bị đoạn diệt chăng? Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ: Một là thường, hai là vô thường; Còn Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Thiện căn lại có hai: Một là lành, hai là chẳng lành; Phật tính chẳng phải lành chẳng phải chẳng lành, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Uẩn và Giới người phàm phu thấy có hai, chứ người trí thấu hiểu, biết tính của nó chẳng phải hai. Tánh Chẳng Hai tức là Phật Tánh vậy”.
Cô Tấm có thật sự hiền từ dễ thương không khi giết chết em gái mình một cách man rợ như vậy? Thậm chí cô ta còn lấy xác của em gái để làm mắm cho mẹ ghẻ ăn. Nếu như cho rằng cô Tấm hiền hậu, cô Cám độc ác thì đó là một nhận định sai lầm. Cám và Tấm chỉ là hai đại diện trong cấu trúc nhị nguyên, đấu tranh sinh tồn với nhau, chứ không hề có tính thiện ác gì cả. Còn nếu lí giải theo luật nhân quả thì « gieo hạt nào, nhận quả nấy », chứ không hề có chuyện « ác giả, ác báo ». Hạt và quả ở đây không hề có tự tính nào. Nếu nhìn câu truyện cổ này theo nhãn quan của pháp chẳng hai thì ta mới thấy vẻ đẹp của thiền trong nó.
Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung ta cũng thấy nhiều ví dụ về thủ pháp "chẳng hai" giữa cái thiện và cái ác, cái chính và cái tà. Không phải vì Kim Dung lấp liếm nhập nhoè chúng vào nhau mà vì ông không lí giải các hành động nhân vật theo đạo đức, ông muốn hướng tới bản lai không còn bóng dáng của tri luận và đạo đức, cũng như Huệ Năng nói : «muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm, thì đừng nghĩ tính đến cả thảy các điều thiện ác. Như thế, tự nhiên đặng vào cái tâm thể trong sạch, phẳng bằng vắng lặng, linh diệu vô cùng». Thật khó có thể giải thích rõ ràng khi những bậc tôn sư chính phái như Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga Mi, lấy từ bi của Phật làm gốc, lại có thể hung hăng tàn sát mấy trăm đệ tử Ma giáo khi họ không thể chống cự ; hoặc Nhạc Bất Quần dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để mong thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, hòng trở thành anh hùng chính phái. Trong khi đó những nhân vật lúc đầu được tác giả khoác cho tấm áo tà phái như Tạ Tốn, Khúc Dương… lại dần trở nên dễ mến và đáng phục bởi tài năng và nhân phẩm của họ. Vậy đâu mới là tính cách thực sự của nhân vật ? Thiện hay ác, chính hay tà ? Một câu hỏi không có lời giải đáp!
Quan niệm mĩ học theo pháp chẳng hai cũng giúp ta lí giải vẻ đẹp trong nhiều bức tranh cổ điển Trung Hoa. Ví dụ bức "Mùa xuân trên sông" của Thạch Đào.
clip_image006
Tuy không khí se lạnh của sương mù trên sông bao trùm trong toàn bộ bức tranh nhưng cây lá vẫn tiềm ẩn sự sống mãnh liệt, đường nét của núi trập trùng khỏe khoắn. Bức tranh tuy vẽ cảnh mùa xuân nhưng núi vẫn còn dáng dấp trơ trụi của mùa đông, và sông vẫn đầy sương mù lạnh giá. Thật khó có thể xác định đây là cảnh mùa đông hay là cảnh mùa xuân. Người xem tranh không nên bị lệ thuộc vào ngôn ngữ về tên của bức tranh hay bức tranh muốn thể hiện cảnh sông vào thời điểm nào. Hãy phá chấp ngôn ngữ, khi đó ta sẽ thấy vẻ đẹp của bức tranh linh diệu vô cùng.
Tự nhiên
Trong nghệ thuật của thiền, điều quan trọng đối với một nghệ sĩ không phải là anh ta diễn tả thế giới mà là anh ta diễn tả chính bản thân mình với những cảm xúc chân thật nhất. Người nghệ sĩ nếu thể hiện cái nhìn của anh ta về thế giới thì đó là những kinh nghiệm luôn có xu hướng cứng nhắc và định hướng, còn nếu anh ta cứ tự nhiên thể hiện cảm xúc không cần để ý nguyên tắc nghề nghiệp thì đó mới là cái thăng hoa của nghệ thuật. Nhà soạn tuồng nô Zeami có nói về hana, tinh hoa của tuồng nô như sau:
“Về diễn xuất thì có người đạt được kỹ thuật cao nhưng có khi không hiểu gì về tinh thần của nô, ngược lại, có người không nắm kỹ thuật cho lắm nhưng lại cảm nhận rất tốt về nô. Khi diễn trước công chúng, người có kỹ thuật cao mà diễn không đạt là vì thiếu cảm nhận về nô. Vì thế, kẻ mới vào nghề mà đứng trước khán giả lại trổ được cái tinh hoa mà người diễn chuyên nghiệp không có.”
Kinh nghiệm của Zeami cho chúng ta biết rằng cái tinh thần của tuồng nô (và nghệ thuật nói chung) không phải là những qui tắc kĩ thuật biểu diễn với các động tác múa và cách nhả âm giọng mà nó nằm ở cái đam mê hưng phấn của kẻ mới vào nghề. Khi đó kẻ mới vào nghề chưa bị các thói quen diễn xuất hay chính là cái quyền lực của khái niệm ngôn từ chi phối, họ hành động tự do sáng tạo theo cảm nhận tự nhiên về vở diễn.
Tương tự như hana trong tuồng nô, hội hoạ cổ điển Trung Hoa rất đề cao cái thần, cái ý trong tranh. Khi hoạ sĩ cầm bút thì phải vẽ thật nhanh để cái thần ý của mình vẫn trong nét mực, không thể có thời gian suy tính bố cục hay đường nét hoàn hảo, như Tô Đông Pha từng nói: "Muốn vẽ trúc thì phải có trúc mọc từ trong ngực đã; đến lúc vẽ, định thần cho chăm chú sẽ thấy cái muốn vẽ. Rồi lập tức theo sát nó, dụng bút để đuổi theo hình ảnh vừa nhìn thấy, như con diều hâu nhào xuống con thỏ, ngập ngừng một chút là mất dấu".
Ví dụ bức tranh "Bình hoa" của Bát Đại Sơn Nhân dưới đây ta thấy một cách dụng bút rất tinh tế. Bức tranh tuy đơn giản nhưng rất đặc trưng cho hội hoạ thiền, một vẻ đẹp tự nhiên tinh khiết. Đường nét của bình hoa đơn giản mà vẫn đủ độ cong, đủ độ thẳng, đủ độ nhấn, đủ độ mờ. Vài mảng mực đậm tự do chồng lên nhau cũng đủ gợi lên hình ảnh một bông hoa tươi tắn, đang độ viên mãn. Một nét mực khuyết cũng đủ gợi lên một không gian bóng đổ phía sau…
clip_image008
Dấn thân
Bức thứ mười trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" có tên là "Nhập triền thuỳ thủ", tức "Thõng tay vào chợ", tại sao vậy? Đó là vì ở bức thứ tám chỉ đạt đến cảnh giới "Người, trâu đều quên", tức sự đắc ngộ riêng cho bản thân. Thiền đi xa hơn những cảnh giới tự mình đạt được, là sự dấn thân vào hồng trần để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Hiểu được triết lý đó của thiền ta sẽ hiểu được vẻ đẹp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính".
Vẻ đẹp trong nhân vật Thị Kính chính là sự dấn thân và trải nghiệm về cái khổ, dù là do ngoại cảnh hay tự ý. Ta cũng biết rằng, vẻ đẹp về bi kịch đã được lí luận từ thời Hy Lạp cổ với quan điểm "catharsis" của Aristote, nhưng cái khổ trong kịch nghệ Phật giáo có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu như catharsis là cảm giác trải nghiệm của người xem về một số phận đau thương; họ nhập tâm vào vở kịch, gán bản thân vào nhân vật; họ sợ hãi và đau đớn; để rồi kết thúc vở kịch thấy rằng đó chỉ là một câu chuyện; họ vui sướng thoải mái trở lại đời sống thực tại.
Còn vẻ đẹp bi kịch của thiền là sự dấn thân của nhân vật vào cái khổ, đồng thời khơi dậy cho người xem một cảm giác chia sẻ nỗi khổ. Rõ ràng Thị Kính có nhiều cách để giải oan nhưng nàng lại lựa chọn sự đau khổ, nàng đi tu, nàng chấp nhận tiếng xấu thông dâm, nàng chấp nhận cô đơn nuôi đứa trẻ hoang. Nếu không làm thế đứa trẻ và mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ bị các hủ tục giết chết. Sự dấn thân vào cái khổ chính là một cách để chúng ta thấy rằng cảm giác khổ do ảo tưởng của ta mang lại, một cảm giác bị động, còn khi ta chủ động nắm lấy cái khổ thì nó có một ý nghĩa khác: lòng từ bi bác ái.
Hoặc "Truyện thiền sư Kannon" cũng là một ví dụ khác về mĩ học của sự dấn thân, khi Kannon tình nguyện làm người tình của vị sư già nhằm mục đích giác ngộ ông ta. Truyện kể về một thiền sư già nhiều năm tu khắc khổ mà vẫn chưa đắc đạo. Một lần ông đến chùa Hasedera là nơi thiền sư Kannon trước đây đã tịch diệt. Một đêm, vị thiền sư già thấy một chú tiểu rất đẹp đang thổi sáo ở vườn chùa trong làn khói hương mờ ảo. Vị sư già rất yêu chú tiểu, lập tức kéo về làm đệ tử đồng thời làm người tình riêng cho mình. Sau ba năm yêu thương nồng ấm, chú tiểu ốm rồi qua đời, để lại nhà sư già với trái tim tan nát. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù hoa vô thường của vạn vật, về ảo ảnh của sắc dục. Vị thiền sư già chợt giác ngộ.
Cái chết
Người các dân tộc khác rất lấy làm ngạc nhiên tại sao ở Nhật Bản mỗi ngày đều có một vụ tự sát mà cũng lại là nơi có nhiều người sống lâu nhất thế giới, họ nghĩ ra rất nhiều phương pháp dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ. Như vậy, việc tự sát không phải hoàn toàn chứng tỏ người Nhật Bản chán sống, bi lụy, mà cái chết nó còn mang ý nghĩa về tôn giáo và mĩ học. Nếu chúng ta không hiểu mĩ học của cái chết thì ta sẽ không hiểu được không gian ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học của Kawabata, Mishima, Murakami…, nơi mà cái chết mang vẻ đẹp phi thường, vẻ đẹp của sự hủy diệt. Ví dụ, người nước ngoài sẽ rất khó hiểu vẻ đẹp của đoạn văn sau trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata:
“Mớ tóc rối trải ra trên gối, đen tuyền như còn đẫm nước. Môi hé mở để lộ hàm răng xinh đẹp. Hai cánh tay dưới chăn duỗi hai bên hông. Cô gái nằm đấy, đầu ngay ngắn trên gối, vẻ đẹp thơ ngây làm Otoko mủi lòng. Khuôn mặt Keiko xa vắng như đã vĩnh biệt cô giáo, vĩnh biệt cuộc sống.”
Trong truyện, Keiko là một cô học trò đồng tính của cô giáo dạy vẽ Otoko, đã dùng sắc đẹp của mình để trả thù cho cô giáo cũng là người tình của mình. Sau khi xong việc, Keiko đã tự sát với một niềm vui đã viên mãn. Còn Otoko thì vừa thương Keiko, vừa thưởng thức vẻ đẹp trong cái chết của người tình.
Hoặc sau đây là một đoạn văn tả cảnh một samurai mổ bụng tự sát trong thời kì Edo:
“Sau khi tắm rửa thật sạch sẽ, khoác vào chiếc áo choàng trắng tinh, chàng thong thả quỳ xuống chiếc tatami, ngước mắt âu yếm nhìn người vợ thân yêu đang quỳ bên cạnh, (người mà chốc nữa đây sẽ giúp sửa sang lại tư thế tử thi của chồng sao cho đàng hoàng nhất rồi cũng sẽ tự sát chết theo), rồi dùng dao đâm vào phần bụng trên, nhìn dòng máu đỏ nóng ấm của mình phụt ra, rồi ấn mạnh tay kéo rạch xuống phần bụng dưới… Chàng ngã xuống vũng máu, nơi dòng sinh lực cường tráng của mình tuôn chảy, ngã xuống với nụ cười thoả mãn…”
Ta cũng bắt gặp không ít các haiku đề cao vẻ đẹp của cái chết, ví dụ một haiku của Nagata Koi:
Cái chết đến —
thiên hạ cười ngất
dưới rặng anh đào
một haiku của Kobayashi Issa:
Nếu đã vậy
thì cớ chi ta không tập chết
dưới bóng hoa nhỉ?
một haiku của Ochi Etsujin:
Chìm đắm trong
giấc mơ hoa —
ta muốn chết ngay tức khắc!
một haiku khác của Kobayshi Issa:
Mi hãy chuẩn bị đón nhận cái chết
hãy chuẩn bị ngay đi nhé
xào xạc những cây anh đào!
Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ để giải thích cho thiền thì ngàn năm vẫn không thể nào tóm được nó, vì sự hiện hữu của ngôn ngữ chỉ như các vật chất nhỏ bé trong vũ trụ, còn sự vô ngôn của thiền bao la như những lỗ đen. Thiết nghĩ, một bài luận nhỏ kiểu nhập môn này có thể dừng lại ở đây.
.
bài đã đăng của Một Danna
* Vẻ đẹp của Thiền - 14.05.2009
* Mỹ Học Pháp Kim Cương - 29.04.2009
* Trước tượng đài Brodsky - 06.06.2008
* Liên văn bản số 1 - 27.04.2008
11 bình luận »
* Trinh - Trung Lap viết:
Có một quan điểm khác về thiền ngày nay đang được đông đảo thiền sinh yêu thích và theo học tu tập trên toàn thế giới. Pháp thiền nay quan điểm như sau: Mọi người điều biết cách tọa thiền, và người ta đang thiền hằng ngày vào những việc khác nhau. Có người thiền về tiền bạc, về thức ăn. Có người thiền về bạn trai, bạn gái, có người thiền về business, affair nào đó, có người thiền về con cái, vợ chồng và sách vở. Có người thiền về danh lợi, địa vị, quyền lực. Có người thiền về Thượng đế khi tuyệt vọng… Có một lối thiền hoàn toàn khác với những mục tiêu thiền tôi vừa nêu trên đây, kể cả quan điểm “sự vô ngôn của thiền” theo quan điểm của tác giả bài viết trên.
Mấy ngàn năm qua, những cái tạm cho là “mỹ học thiền” mà tác giả đề cập đến như: vô thường, phi hiện hữu, ngược, chẳng hai, tự nhiên, dấn thân, cái chết, đã quá cao siêu và vi diệu và có khi rất khó cho tầng lớp dân chúng nghèo khổ áp dụng thực hành trên con đường đi tìm giải thoát cho khổ nạn đời.
“Hãy tìm Thiên quốc trước rồi tất cả sẽ được thêm vào.” Tất cả mọi phép lạ, sự mãn túc, mọi sự đáp ứng của ước muốn tại trần gian và trên Thượng giới điều đến từ Thiên quốc, từ sự nhận thức bên trong về sự hài hòa vĩnh cửu tối thượng của chúng ta. Nếu chúng ta không đạt được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự mãn túc ở thế giới này cho dù chúng ta có giàu có bao nhiêu đi nữa, địa vị quyền tước đến đâu và cuộc đời đang hiến dâng bao nhiêu vật chất phù du dưới chân chúng ta.
Linh hồn (theo tác giả là cái Bản lai đó) phải gắn liền với Thiên quốc, phải ở trong Thiên quốc, mà Thiên quốc thì lại ở ngay trong chúng ta, ngay trong tầm tay của chúng ta. Và khi đã gặp được Thiên quốc rồi thì chúng ta sẽ đến bến bờ viên mãn. Chính vì thế Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng trần thế, Chúa Giesu đã khước từ làm vua của người Do thái, không phải chỉ để đi tìm vài cái tinh túy của thiền như tác giả đã đề cập trong bài viết trên.
Cuối chặng đường của Đức Giesu là cái chết của tình yêu.
Một số nhà phản biện chống Giáo hội công giáo cho rằng cái chết của Chúa Giesu là cái chết chính trị. Tôi cho rằng nhận định đó không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hẳn là sai. Cái chết của Ngài hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống, chính trị, đạo đức, đối nhân, xử thế của loài người. Ngài dùng cái chết của mình để làm nên cái chân lý “yêu là chết cho người mình yêu.”
Còn gì tuyệt vời cho bằng! Tình yêu đôi lứa đã đành. Tình yêu tổ quốc cũng không kém nét đẹp. “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương,” câu hát của người nhạc sĩ thật cảm động, nó đã đi vào lòng tuổi trẻ Việt Nam qua bao thế hệ, sẵn sàng đấu tranh chống cái bạo lực, bạo tàn. Câu hát đã làm nên danh tiếng một Việt Nam lẫy lừng 5 châu 4 bể.
Không như cái chết vô lý của người Nhật mà tác giả đề cập đến. Thiền học như thế không phải là cái đáng để học. Thử nghĩ một hòn đá nằm chơ vơ bên đường, không tham sân si, không ngôn ngữ, không cảm giác, nhưng hòn đá ấy có hạnh phúc không!?
Chắc chắn là không bao giờ. Tôi biết rằng hòn đá ấy khác với hòn đá trong máng cỏ hang lừa của đêm đông giá rét, khác với hòn đá bên hồ sen nơi Đức Phật 7 bước khai ngộ cho nhân loại. Hòn đá ấy mới là hạnh phúc.
Kẻ Thiền sư chân chính không bao giờ có thể hạ bút viết những ngôn từ sau đây: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng…”
Thật là một nhận định rất sai lầm về vai trò của ngôn ngữ đối với tư duy và mục đích của Thiền chân.
- 14.05.2009 vào lúc 9:04 pm
* Trần Thiện Huy viết:
Ông Trịnh Trung Lập lâu nay hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo. Điều đó không có gì không đúng, lại hay nữa là khác. Tuy nhiên, Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.
Gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền” đã là một sự nhập nhằng, lại còn cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác, tôi e ông đã đi quá xa. Trong lịch sử Thiền, không thiếu gì những diễn ngôn nói ra nhằm phá giải chính những cái chấp trong tư tưởng mà ông vừa ca ngợi, chẳng hạn niềm tin và sự trông chờ vào cái tốt đẹp tối thượng, vĩnh cửu. Giữa hai cái nhìn, ai đúng, ai sai, tôi không có khả năng bàn luận thấu đáo ở đây, chỉ biết, ta đừng nên áp đặt vào Thiền những cái tự nó không phải.
Dù sao cũng rất đáng mừng việc ông mở ra một góc thảo luận mới cho đề tài này, và xin cảm ơn ông về việc đó.
- 14.05.2009 vào lúc 11:16 pm
* Trinh - Trung Lap viết:
Thưa Ông Trần Thiện Huy!
Xin cám ơn Ông về nhận xét đối với comment của tôi.
Trước hết, tôi phải đính chính ngay rằng:
- Tôi không hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo dù điều đó có hay đi chăng nữa. Tôi luôn tôn trọng chốn công luận, tuy nhiên một đôi khi không tránh khỏi phải dùng thế giới quan tôn giáo của tôi để giải quyết hoặc trình bày một quan điểm xã hội nào đó. Một lần nữa xin nhắc lại tôi không có ý truyền giáo ở đây.
- Quan điểm của Ông: “Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.”
Quan điểm của tôi: Thiền bàng bạc trong đời sống nhân gian, từ cổ xưa cho đến ngàn sau nữa. Tôi nhận thấy rằng trong ngôn ngữ quốc tế, người ta dùng từ tiếng Anh “to meditate” để chỉ hành động thiền, chiêm nghiệm, suy gẫm, tĩnh tâm…
Tây lịch và Phật lịch qua hơn 2000 năm! Một quãng thời gian quá dài cho những dịch phẩm như kinh thánh, kinh phẩm… luôn được chuyển ngữ, rồi tái bản, rồi bình luận, giảng dạy trong nhà chùa, nhà thờ, trong hội đoàn, v.v. Vì vậy tam sao thất bản là điều khó tránh khỏi. Huống gì hơn 2000 năm đã trôi qua, người ta ngược dòng tìm kiếm nguồn gốc của thiền, các hệ phái của thiền, nhưng người ta quên mất một thực tế rằng: Đối với Võ Thuật học chẳng hạn, Ông nghĩ sao về nguồn gốc của Võ thuật? Tôi thì cho rằng Võ thuật có nguồn gốc từ miếng ra đòn theo bản năng của hổ, của mèo, của chân hạc, cú lao thân cuốn mình của rắn. Võ thuật không bắt nguồn từ Thiếu lâm tự, hay bất kỳ một môn phái, một quốc gia nào cả.
Thiền cũng vậy. Giả thuyết của tôi là: Từ suy niệm là phản xạ tâm lý tự nhiên của loài người, con người đã tiến lên một bước Thiền học, làm cho nó trở thành một môn học có hệ thống.
- Cuối cùng tôi xin đính chính tôi không gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền.” Tôi lại càng không cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác. Tôi tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Có thể trong cách diễn đạt của tôi chưa làm cho người đọc hiểu chính xác. Nên tôi khẳng định lại rằng: tôi chỉ muốn thế hệ trẻ ngày hôm nay phải tìm lại chính mình. Đừng quá đam mê vào những thú vui nhất thời, những trò chơi vô bổ, danh vọng phù phiếm. Đừng quá lo lắng sợ hãi cho cuộc sống vật chất, job, thăng quan tiến chức… mà quên đi những giá trị tinh thần ắt có và đủ của đời sống văn minh.
Vừa mới đây tôi tìm hiểu trên mạng, không biết Ông có phải là ký giả, nhà văn Trần Thiện Huy (USA) hay không? Nếu đúng là Ông, tôi nghĩ sẽ dành thời gian đọc thêm về các tác phẩm của Ông để hiểu nhau hơn!
Xin kính chào Ông!
- 15.05.2009 vào lúc 1:28 am
* Trần Thiện Huy viết:
Thưa ông Trịnh Trung Lập,
Vâng, nói chung thì nhờ những dịp như thế này hai người lạ mới có cơ hội so sánh quan điểm với nhau. Tôi chỉ thêm một ý này vào những gì đã nói ở trên, cốt chỉ để giải thích một phát biểu không rõ, có thể gây ngộ nhận của mình.
Khi tôi nói “nhãn quan Thiên Chúa giáo,” không có nghĩa là tôi đang nói về sự truyền đạo. Căn bản thì tư tưởng, quan niệm của mỗi người đều ít nhiều xây dựng quanh một hệ thống, một căn nguyên nào đó. Ví dụ, có kẻ có nhãn quan Marxist, có kẻ nhãn quan hiện sinh, vân vân. Từ đó mà mỗi chúng ta chọn lựa một tư thế đối với đa số vấn đề cuộc sống, và chọn lựa ngôn ngữ để diễn đạt tư thế của chúng ta. Tôi nghĩ mình không đến nỗi sai lầm khi dùng cách gọi đó để tổng quát hoá cái nhìn của ông chứ ạ?
Và sau cùng, tôi cũng xin lỗi vì đã dùng cụm từ, ai đúng ai sai. Nó gợi ra ý niệm có thể có một cuộc đấu tranh để phân định vị trí hơn thua giữa những thế giới quan khác nhau, trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích.
Trân trọng cảm ơn ông.
- 15.05.2009 vào lúc 9:56 pm
* Ngô Nguyên Dũng viết:
Một bài viết đẹp với nhiều hình ảnh bàng bạc thiền vị của Một Danna. Nhưng đọc tới trích đoạn về cái chết tự nguyện của kiếm sĩ Nhật, tôi bối rối. Tác giả không cho biết xuất xứ, nhưng tôi đoán, có lẽ trích từ truyện ngắn được dịch sang tiếng Việt mang tựa đề “Lòng ái quốc” của Yukio Mishima. Và như vậy, nhân vật trong truyện tự sát có mục đích rõ rệt: chết cho tinh thần quốc gia cao độ, nếu không nói là cực đoan, trong trường hợp trên là tinh thần hiệp sĩ đạo Nhật bản.
Tôi không nhận ra tính thiền vị nào trong cái chết đó, ngoài cái đẹp của văn chương. Cá nhân tôi cho đó là một cái chết xuẩn động. Chính Mishima cũng đã tự sát theo nghi lễ seppuku: mổ bụng và “được” người khác chặt đầu không lìa khỏi cổ.
Theo cách hiểu của cá nhân tôi, khi nghe nhắc tới “thiền”, hẳn là đa số, và có lẽ tất cả (?) người Tây phương đều nghĩ rằng, đó là một cách tu tập truyền thống của một tôn giáo ở đông phương. Phương tiện cũng như cứu cánh “tĩnh tâm” trong Thiên chúa giáo hoàn toàn không giống phương tiện và cứu cánh “thiền tập” trong Phật giáo. Tác giả Một Danna đã hé cho thấy qua câu: “Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng.”
Không phải là người tu hành, thay vì “tâm thức” tôi gọi đó là “ý thức”. Từ đó nẩy sinh ra “tiềm thức”. Và, cứ như vậy, kết thành một chuỗi liên tục, dai dẳng, chồng chất. Tôi nghĩ, mục tiêu rốt ráo của “thiền” theo truyền thống Phật giáo là tìm cách bứt lìa chuỗi ý thức cũng như tiềm thức để đạt tới “không tánh”…
Hình như tôi đã lan man nhiều lời. Xin được dừng ở đây và cám ơn tác giả Một Danna đã gợi ý qua một bài viết đậm đà thiền vị.
- 16.05.2009 vào lúc 2:07 am
* Trinh - Trung Lap viết:
-Về cái chết, tác giả trích dẫn vẻ đẹp của đoạn văn trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata.
Thế nhưng tôi được biết rằng trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel Vvăn Chương, chính tác giả Kawabata đã lên án truyền thống tự vẫn, cách sống hay đúng hơn cách chết rất Nhật đã cướp đi nhiều bạn văn thân mến của ông.
Tuy nhiên, như những nhân vật của truyện ông với những u uẩn trăn trở và mâu thuẫn của họ, chính ông lại tự vẫn bằng hơi độc tại Zushi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Ông chết bốn năm sau giải Nobel, và ba năm sau khi người bạn vong niên Mishima mổ bụng tự sát. Ông hưởng thọ 73 tuổi. Ông ra đi trong lúc sức khỏe đã suy sụp, và không để lại thư tuyệt mệnh. (Tôi cứ nghĩ một cách khôi hài rằng ở đây có yếu tố bệnh lý, một sự “vận” vào thân nào đó chăng? Vì thế không nên để con em mình đọc những cuốn sách này.)
Như vậy, nếu phân tích một chút ta sẽ thấy “chết cho quê hương” thì khác với “tự vẫn vì lòng ái quốc.” Một Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền độc tài, đàn áp Phật giáo (chỉ là theo nhận định của riêng Ngài) là cái chết cho quê hương. Còn một kiếm sĩ Nhật tự vẫn trước khi giặc đến bắt mình chỉ là “chọn cái chết để giữ tròn khí khái.” Người làm chính trị phải hơn thế, phải biết chờ đợi thời cơ, thua keo này ta bày keo khác, không sợ tù đày, gông cùm, tra tấn mà quyết đương đầu với bạo tàn bạo lực để truyền lửa cho người khác vững tâm theo.
- Về thiền học, thuật ngữ “thiền” ngay cả theo tiếng Trung Quốc “chan” cũng có nghĩa là trầm tư, mặc định. Thiền học không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, một nghệ thuật sống. Mà đã là một triết lý, một nghệ thuật sống thì tôn giáo nào cũng có cả. Và đương nhiên là mỗi tôn giáo có triết lý và nghệ thuật khác nhau, một pháp thiền khác nhau. Trong bất kỳ tự điển nào của nhân loại cũng phải kể đến từ vựng “thiền” theo một nghĩa chung, chứ không phải một danh từ riêng được in hoa. Ngay cả một số giáo phái (chưa phải là tôn giáo) cũng có “pháp thiền” của riêng họ. Theo tôi biết hiện nay ở Mỹ cũng có nhiều giáo phái như thế, khá rầm rộ. Ở Ấn độ thì từ lâu đã là cái nôi của nhiều pháp thiền rồi.
Riêng tôi cổ súy cho một pháp thiền mà mục đích là con người phải qua đó tìm lại được chính mình chứ không phải quên lãng mình. Lấy lại cái năng lượng để đoạn diệt những thú vui vô bổ, nô lệ vật chất, sợ hãi bạo lực, tìm lại cái “phật tánh” của mình chứ không phải là cái “không tánh.” Cái Phật tánh ấy để “độ” cho đời, giúp đưa con người diệt trừ cái bạo lực và bất công. Vì thế khi ta chọn một tôn giáo thì nên là một tôn giáo nhập thế chứ không phải một tôn giáo ở trên trời xa quá xa loài người. Và khi tôi suy niệm kinh kệ thì tất theo triết lý ấy của tôi.
- 16.05.2009 vào lúc 9:02 am
* bắc phong viết:
sau khi đọc một danna
định góp ý gì đó
nhưng chưa viết thì gió thổi bay
mất ngã kiến về thiền
bắc phong
- 16.05.2009 vào lúc 10:54 am
* Trinh - Trung Lap viết:
Xin nói thêm một chút về vai trò giữa ngôn ngữ và tư duy theo dẫn giải của Tác giả: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng…”
Ai cũng biết Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ của tư duy. Theo ý Tác giả ta chỉ bàn về cái lý thuyết: ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Tác giả cho rằng ngôn ngữ thường xuyên định hướng cho tư duy (có nghĩa là ngôn ngữ dẫn dắt tư duy ?) Tôi thấy ý này rất lạ.
Sự hướng thiện, yêu cái đẹp đang còn là vấn dề tranh cãi. Trong một góp ý trước đây tôi có đề cập:
Nho giáo Khổng Mạnh thì cho rằng: Nhân chi sơ tính bổn thiện
Tuân tử cho: Nhân chi sơ tính bổn ác
Kẻ vô thần cho: Nhân chi sơ vô thiện vô ác
Có người cho: Nhân chi sơ cả thiện và ác
Còn Nhà Toán học, Triết gia Descartes đã dùng phép qui nạp để chứng minh có Thượng đế. Đại ý là cái thiện của con người phải do một lực lượng hoàn hảo (perfect) ban cho. Vì con người là bất toàn (imperfect), vậy thì suy ra Thượng đế phải tồn tại để làm điều đó.
Rõ ràng ngôn ngữ không định hướng cho sự hướng thiện và yêu cái đẹp. Vì thế khi chủ trương thiền để đoạn diệt các tâm thức sự thờ phụng Chúa, sự tôn vinh các bậc anh hùng là một kiểu thiền rất kỳ lạ. Cũng như khi nói khái niệm “vô ngôn” thì vẫn thực ra cũng chỉ là hữu ngôn mà thôi. Chẳng hạn: “I say nothing” thì vẫn là “say” nhưng là “say” cái “nothing.” Nghĩa là tư duy vẫn đang vận động để phản ánh một nhận thức “say nothing” theo chức năng của nó.
Tôi đồ rằng kiểu thiền đó còn có mục đích ngưng cả tư duy nữa chăng? Để đạt được điều gì? Chân thành rất muốn nghe ý kiến của Quý vị!
- 16.05.2009 vào lúc 5:03 pm
* Một Danna viết:
Trước hết Một Danna tôi xin cám ơn quý vị đã trao đổi, và cũng xin lỗi vì trong lúc vội gửi bài cho BBT Da Màu đã không chú thích các trích dẫn đầy đủ, đó là:
- Những lời nói của Lục Tổ Hụê Năng trích từ “Kinh pháp bảo đàn”
- Lí luận về tuồng nô trích từ cuốn “Fuushinkaden” của Zeami
- Lí luận về hội hoạ của Tô Đông Pha lấy từ cuốn “Hội hoạ Trung Hoa qua lời kể của các danh hoạ” của Lâm Ngữ Đường
- Các haiku lấy từ cuốn “Haiku: Anthologie du poème court japonais”
- Cảnh tả samurai tự sát lấy từ một bài viết trên trang talawas bộ cũ.
Thành thật xin lỗi quý vị vì sự thiếu sót này. Đây là một thiếu sót của người không chuyên như tôi.
Về cái “chuyển hoá của tâm thức” hay vô thường, đó là bản chất suy nghĩ của chúng ta, khi thực hành thiền thì ta phải chặn cái dòng ý thức này bằng sự đi vào hơi thở. Nhưng trước hết ta phải thấu hiểu nó, thấu hiểu sự vô thường của thế giới, rồi mới đưa nó vào trong nghệ thuật ngôn từ. Chắc quý vị khi đã đọc tiểu thuyết của Faulkner hay Joyce hoặc một số bài phê bình văn học hiên đại hẳn sẽ thấy khái niệm “dòng ý thức.” Đó là phát kiến quan trọng của các nhà văn hiện đại. Đó cũng chính là sự miêu tả tính vô thường của tâm thức, đã được thể hiện trong haiku từ lâu rồi. Tất nhiên, cách viết tiểu thuyết thì khác cách viết haiku nhưng bản chất về tâm thần học giống nhau.
Về cái chết, xin quý vị đừng hiểu tôi muốn lấy một hình ảnh người yêu nước tự sát để nhập nhèm với “tử vì đạo,” thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy, chỉ là đáng trân trọng thôi. Nó cũng như ta so sánh (dẫ là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi. Phật giáo coi cái chết và cái sống là một dải toàn nguyên, nên cái chết không bao giờ là bi luỵ. Có thể điều đó ảnh hưởng tới nhân sinh quan giới võ sĩ Nhật hoặc có thể chúng vô tình trùng hợp nhau. Ý của tôi không phải là chết vì thiền, vì muốn đạt tới cái đẹp huy hoàng nhất mà là cái chết trong trạng thái tự nhiên sung sướng và viên mãn như thế được gọi là vẻ đẹp thiền. Còn nếu chết vì một mục đích thử nghiệm, hay chết vì gan lì không chịu khuất phục kẻ địch của các chiến sĩ, hay tự sát vì khí khái hay chán đời… thì nằm ngoài sự nghiên cứu của tôi, có thể nó cũng đẹp theo mĩ quan của ai đó, nhưng tôi thì không cho nó là đẹp kiểu thiền. Các haiku về cái chết ở cuối bài đẹp kiểu thiền, là vì sự chết tự nhiên bật ra từ nét đẹp của hoa anh đào, hoa anh đào đẹp đến nỗi chỉ có cái chết mới thưởng thức được một cách trọn vẹn. Trong trạng thái đó, con người không nghĩ gì đến sự sống chết, diệt bỏ khát vọng sống (hoặc khát vọng chết) thường thấy ở con người, họ nói về cái chết lúc đó như là một pháp ngược để huỷ bỏ sự ham hướng về cái sống.
Toàn bộ bài viết này tôi chỉ đơn thuần muốn nhấn mạnh cái đẹp của thiền trong nghệ thuật chứ không phải vẻ đẹp rộng lớn trong cuộc sống thực tại mưu sinh, nơi các thiền sư có thể làm chính trị và buôn bán.
Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng. Tôi chợt nghĩ đến sự lạm dụng quá đáng lí luận của Osho về tinh dục hoặc lí luận tính không của Tổ Long Thọ bởi nhiều thiền sinh hiện nay. Nó thật nguy hiểm.
- 17.05.2009 vào lúc 7:21 am
* Trinh - Trung Lap viết:
Rất chân thành cám ơn Tác giả Một Danna đã giải đáp những thắc mắc của độc giả, trong đó có của riêng tôi. Tôi trân trọng việc Anh đã chịu khó giải thích thêm đến độc giả vì dường như việc đó cũng tương đối hiếm xảy ra, càng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của Anh rất cao và phong cách làm việc rất nghiêm túc.
Đúng như Ông Trần Thiện Huy đã nói : “…trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích….”
Qua lời giải thích thêm này của Một Danna, tôi hiểu hơn “vẻ đẹp của cái chết” mà Anh đề cập đến qua đoạn viết : “…..Nó cũng như ta so sánh (dẫu là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi.”
Tôi thì quan niệm thân xác, ngoài việc hy sinh cao cả vì tổ quốc và người thân yêu của mình (To die for one’s country is glorious), thì không có lý do gì để hủy bỏ sự sống cả. Trong tôn giáo của tôi đó là 1 trọng tội, nên tôi rất mừng vì Anh đã viết : “Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng…”
Tôi thật sự thấy rùng rợn trước 1 sự tự mãn khi quyết định tự kết liễu đời sống 1 cách dã man đau đớn như thế !
Tôi cũng tưởng có thể dẫn dụ Một Danna viết 1 bài về thiền pháp trong cuộc sống mưu sinh và tranh đấu, vì điều đó rất cần cho chúng tôi những người đang phải kéo lê cái bánh xe trần thế nhọc nhằng hằng ngày ở đây nhưng rất tiếc Anh chỉ muốn đề cập đến cái đẹp của thiền trong nghệ thuật ! Vì tôi còn nhớ đã có lần đọc được 1 bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ cho chung sinh cách thiền khi lái xe để giảm bớt gây tai nạn nữa cơ !
Và như thế, tôi cũng đượm buồn 1 chút khi Anh viết : “…thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy….”
Để tạm ngưng ở đây, thưa Anh ! Tôi xin trích riêng 1 nhận định của Thích Tâm Thiện lý giải sự ra đời của Tánh không luận như sau :
“..Một dấu hỏi lớn là tại sao các triết gia không đi thẳng vào giáo lý của Phật mà phải đặt ra những luận thuyết mới trên cơ sở của những khái niệm cũ ? Đấy là bởi những yếu tố của lịch sử tư tưởng và thời đại ; và quan trọng hơn hết là ánh sáng - tâm chứng của mỗi cá thể ngày càng lu mờ, nhường chỗ lại cho luận lý và tri thức - một con đường học thuật lê thê. Chân lý hay pháp (dharma) thay vì cần phải trực nhận (sanditthika), cần phải tự mình thể nghiệm (ehipassiko), cần phải tự mình chứng ngộ cho chính mình (paccattam veditabho vinnuhi) bây giờ lại được soi sáng bằng con đường nhận thức.
Có một điều cần ghi nhận rằng, trong cuộc sống thường nghiệm của con người, giá trị của nhận thức hầu như được tôn vinh lên hàng thượng đẳng ; vì chính nó mà con người nhận biết về sự hiện hữu của mình, cũng như của thế giới thực tại khách quan. Song, trên bình diện tôn giáo, mà ở đây xin nói rõ là Phật giáo, thì vai trò của nhận thức trở thành thứ yếu khi nó cùng tham dự vào tiến trình giác ngộ. Bởi lẽ, khả thể của nhận thức quá mong manh, nó không đủ sức mạnh để hủy diệt các dục vọng, tham cầu, và xa hơn nữa, là sự thủ trước về một bản ngã (ego) vốn là hiện thân của vô minh (avijjà), một đối thủ ở bên kia giới tuyến của giác ngộ (bodhi). Do đó, khi nhận thức càng trở nên quan trọng thì nó càng đẩy con người xa rời cảnh giới thực tại - như thực ; thực tế cho thấy rằng càng tư duy thì càng xa rời thực tại. Tất nhiên, khi đã nói như thế, thay vì buông xả tất cả để “lên thuyền sang sông”, nhận thức chính nó quay trở lại với những đối tượng trần duyên của nó, đó là thế giới biểu hiện của muôn ngàn bản sắc dị biệt đa thù, trông có vẻ như độc lập, cô liêu. Đây là bối cảnh thực tế của lịch sử-tư tưởng mà “Tánh Không luận” ra đời…..”
Qua đoạn nhận định trên, tôi muốn nói với Một Danna rằng thắc mắc của tôi không phải chỉ khi đọc bài của Một Danna mà đã có từ trước kia, qua những giải thích trên của Thich Tâm Thiện. Nên tôi thường đặt câu hỏi vì sao lại “tánh không” ? để làm gì ? Đức Phật ngày xưa đâu có luận đề đó đâu ? 1 sự phức tạp hóa vấn đề hay 1 sự thi thố về tư duy của các đệ tử ? v.v…
Cho nên tôi rất yêu thích những tư duy “hai lúa” 1 chút (hii…hiii) nhưng đi vào lòng người hơn, như các suy tư triết học của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn : “tôi là ai mà còn khi dấu lệ ? tôi là ai mà còn trần gian thế ? tôi là ai mà yêu quá đời này ?
Trả lời tự vấn đó thế nào cũng được nhưng quan trọng là “cho đời chút ơn” mà thôi.
Cuối cùng, thành thật xin lỗi TG Một Danna nếu tôi trong lúc quá say luận mà hiểu lầm hoặc trách oan nhé ! Tôi đã học thêm được rất ở Anh nhiều qua topic này !
Thân ái,
- 17.05.2009 vào lúc 10:33 am
* Nguyễn thế Hùng viết:
Đọc qua bài viết và góp ý/bình luận của các vị TTL, TTH, NND, Một Danna; chợt nhớ câu nói của 1 thiền sư (không nhớ tên): Không nói thì ngu, mà nói thì sai. Cái gì? Nói mau!!
Theo thiển ý: Thiền không phải là cái để học/nói. Nói: “khẩu đầu thiền”.
- 17.05.2009 vào lúc 8:56 pm
8/6/09
Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời
Hồi tưởng của một bác sĩ Việt Nam sang Mỹ làm lại cuộc đời
07/06/2009 | 6:00 sáng |
Tác giả: Vũ Văn Dzi
Chuyên mục: Đời sống
Thẻ: Người Việt tại Mỹ
Sau đúng một năm “rửa tay gác kiếm, giã từ võ khí,” tôi mới có dịp nhìn lại những thời gian qua kể từ lúc ban đầu chập chững làm lại cuộc đời cho tới lúc hoàn tất nhiệm vụ và trở về với những điều ước mơ của thời xa xưa.
Một số anh em bác sĩ chúng tôi thuộc khóa tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn trong những năm 1967, 1968 và 1969 quyết định tổ chức họp mặt lần đầu tiên tại Bắc Mỹ. Con số gần 200 người tham dự chứng tỏ là nhu cầu gặp lại nhau để cùng chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc sống tại hải ngoại rất lớn. Sau biến cố 1975, có thể nói là 95 phần trăm giới bác sĩ miền Nam đã tìm đường ra ngoại quốc để sinh sống. Ngoài một số rất nhỏ bạn bè cùng lớp với tôi chọn ở lại như Trần Đông A, Nguyễn Cường Nam, Hồ Tiêm, phần lớn đã làm lại cuộc đời. Có người tương đối thành công, có những người kém may mắn hơn, và cũng có một vài anh em đã mất tích cùng gia đình trên biển cả. Nói chung thì sau những gian nan ban đầu thì một số đã trở về với nghề cũ và một số cũng thành công trong những lãnh vực khác. Mỗi người một con đường khác nhau nhưng có một điểm chung là đại đa số thế hệ thứ hai đều đạt được những thành quả ngoài sự mong đợi của chúng tôi trước khi lên tàu vượt biển.
Khi bước chân tới nước Mỹ ngày 5 tháng 3 năm 1979, gia đình tôi được bảo trợ tới Minesota, nổi danh là “Cái tủ lạnh của nước Mỹ” nhưng lại được giới y học biết đến là nơi có Mayo Clinic nổi tiếng thế giới.
Lúc đầu, tôi cũng phấn khởi lắm. Tôi đã có ECFMG từ năm 1968, tuy văn bằng thì đã đem đi đốt khi được tin công an đến khám xét nhà. Tôi cảm thấy không vội vàng gì phải định cư hẳn ở Minesota, vì nghe tin thời trước các bậc đàn anh trong trường khi sang Mỹ du học đều được thụ giáo tại những trường nổi tiếng nhất: neurosurgery thì đi Yale, pediatrics thì Southwestern, pediatric surgery thì Northwestern, orthopedics thì Mayo Clinic, obstetrics thì Emory, public health thì Johns Hopkins, Harvard. Tôi nghĩ rằng với thân phận mới của một người tỵ nạn, có lẽ người bạn đồng minh Mỹ của mình cũng không đến nỗi nào mà không ban cho một chỗ định cư xứng đáng.
Sau khi nhận được bản sao ECFMG từ Philadelphia gủi về và tôi bắt đầu tìm hiểu việc đi tìm nơi định cư ở Mỹ, tôi nhận được một gáo nước lạnh đầu tiên đổ lên đầu. Theo khuyến cáo của Y sĩ đoàn Minnesota, không một chương trình nào muốn nhận một bác sĩ FMG từ Việt Nam. Trước đó có một vị, sau khi được một ngôi làng bỏ tiền hỗ trợ giúp định cư được một năm, đã cuốn gói đi Michigan để học tiếp thay vì về nông thôn “phục vụ nhân dân” để trả lại món nợ như đã cam kết.
Nản trí, nhưng tôi may mắn được một bác sĩ gia đình người Mỹ cho một tờ JAMA, trong đó có một vài nơi đang tuyển mộ resident tại Chicago, thành phố đất rộng, với hơn 8 triệu dân. Còn dĩ nhiên là Mayo Clinic thì đừng nên nghĩ tới!
Ngay từ bước đầu tôi đã “giác ngộ cách mạng,” chuyển ngành sang Internal Medicine hoặc Family Practice vì ở Mỹ nghề trị bệnh trẻ con không khá, dân Mỹ phá thai nhiều hơn là sinh đẻ và tại Mỹ dinh dưỡng ruợu thịt ê hề thì làm gì có bệnh trẻ con ốm đói gày còm như ở Việt Nam. Đi theo con đuờng Pediatrics thì đói là cái chắc, mặc dù tôi đã được thụ giáo với đại sư phụ Heinz Eichenwald của Southwestern Medical School trong vòng ba năm khi ngài sang gây dựng nền tảng về nhi khoa cho nước Việt Nam trong thời chiến.
Khởi đầu công việc “đáy biển mò kim,” tôi được Bệnh viện Grant mời đến phỏng vấn sau khi nộp xong đơn từ, bản sao lý lịch, thành tích phấn đấu tốt, các bài viết đã xuất bản. Quản giáo Charles Davis mời tôi vào phỏng vấn. Sau khi thăm hỏi qua loa, ông ta đặt ngay một câu hỏi: “What do you do with a chest pain?”
Dĩ nhiên là tôi ú ớ, chỉ biết nói qua loa về bệnh lao phổi, sưng phổi chứ không ai ngờ là trước một trường hợp chest pain (đau ngực) là phải nghĩ ngay đến heart attack (trụy tim), kẻ thù số một của nước Mỹ! Quản giáo lắc đầu bèn hỏi thêm một câu nữa: “What do you do with a case of fever of unknown origin (FUO)?” Tôi tưởng mình trúng tủ bèn sổ một tràng về bệnh sốt rét ngã nước và khoe kinh nghiệm đầy mình về căn bệnh này. Quản giáo thở dài và hẹn sẽ viết thư thông báo sau. Trước khi ra về thì quản giáo khuyên tôi một câu là nên cố gắng học tập thêm về y học của nước Mỹ và hãy quên đi những gì đã biết trước đây.
Sau khi giã từ trường y tại Việt Nam, tôi gia nhập quân đội VNCH với cấp bậc Ttrung uý và sau một năm tại Phú Quốc tôi được ân huệ về vùng đất lành chim đậu, mưa thuận gió hoà là Quân y Viện Long Xuyên, đất thiêng của Phật giáo Hòa Hảo được cả nước biết tiếng là chống cộng sản triệt để vì mối thù giết đức thày Huỳnh Phú Sổ. Anh Cao Xuân Sơn đã giúp tôi rất nhiều nhân dịp này và nhờ thế cuộc đời tôi đã chuyển sang một hướng khác.
Trong suốt 5 năm trời tại đây, công việc chuyên môn chẳng có gì đáng kể. Sáng thì “tả chấm” rồi tà tà đến QYV làm việc tại khu nội khoa. Trưa về nhà tả chấm tiếp, và đến chiều thì lại tiếp tục. Một ngày như mọi ngày, sáng xách ô đi tối xách về, tối rượu sâm banh sáng sữa bò, trong khi cuộc nội chiến Nam Bắc đang đi lần vào một thế trận mới có phần ác liệt hơn.
Nhờ tinh thần rộng rãi cởi mở của BS Trương Ngọc Tích nên các anh em đều làm ăn khấm khá, đời sống thoải mái, trong khi cả nước đều đang lên cơn sốt của thời kỳ “Mùa hè đỏ lửa”, thời kỳ chiến tranh sôi động nhất. Quân y viện Long Xuyên giữ vai trò yểm trợ cho chiến trường Chương Thiện, Thất Sơn, Cà Mâu và Giang Đoàn 26 có nhiệm vụ khai thông thủy lộ sang Cao Miên.
Những lúc rảnh rổi, anh Tích cùng các anh em chơi Domino. Nhưng kể từ khi tôi có cái “tội” đem theo một cỗ mạt chược, nhiều anh em “hủ hóa,” cứ chiều thứ Sáu là rủ nhau “koong” cho đến tận sáng hôm sau. Đôi khi sang cả ngày Chủ nhật phòng mạch bỏ bê. Cho đến cái năm 1975 bi đát đó.
Sau gần 3 năm cải tạo “học tập tốt, lao động tốt,” tôi được thả về làm việc tại Trường Trung học Y tế thành phố với một nhóm sinh viên điều dưỡng, nữ hộ sinh. Nhờ học tập tinh thần của Pavel trong thời gian ở trong trại nên tôi cũng phấn khởi lắm, tin tưởng lắm vào chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giới chuyên viên “ngụy.”
Cũng vui. Vừa làm quản giáo vừa lên lớp nói truyện lăng nhăng, chẳng có mấy khi học tập về chuyên môn vì ban giám hiệu khuyến khích “không nên đọc sách nước ngoài.” Anh Năm Châu chính uỷ nhắc nhở là “các anh đều là một lũ cá mè một lứa cả, cách mạng không đem đi ‘cáp duồn’ là may lắm rồi.” Anh khoe du học ở Poznan (Ba Lan) và thỉnh thoảng cũng tỏ ra thân mật nói về đời sống cao đẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tôi nhẹ nhàng nói là Poznan có một chợ phiên Ba Lan nổi tiếng hàng năm, khiến anh hơi ngỡ ngàng tại sao một “thằng BS ngụy mới ở tù ra” lại biết điều này. Anh quên rằng tại Poznan vào năm 1956 đã có vụ khởi nghĩa đầu tiên chống lại cộng sản Nga đằng sau bức màn sắt. Vào dịp đó, một nhóm sinh viên chúng tôi đã tham gia biểu tình tại Sài Gòn để ủng hộ nhân dân Ba Lan và Hung Gia Lợi.
Bản tính tôi hay nói đùa nên trong một dịp lên lớp cho các nữ hộ sinh giảng về các chứng bệnh sinh lý, tôi quả quyết là ở bên châu Âu và Mỹ có hiện tượng đàn ông lấy đàn ông và đàn bà lấy đàn bà, khiến nhiều em nữ hộ sinh thắc mắc ngay là “đàn bà làm thế nào để giao hợp với nhau” và nhờ ban giám hiệu giải thích. Tôi được mời lên “làm việc” ngay với anh Năm Châu và từ đó cẩn thận hơn về cách ăn nói.
Tôi vượt biên cùng gia đình, đổ bộ lên Marang, bờ biển Mã Lai. Ngày 18 tháng 10 năm 1979 được cảnh sát Mã Lai đem đi giam tại Pulau Bidong, nằm chờ trên hòn đảo “buồn lâu bi đát” đúng bốn tháng rồi được máy bay của Cao Uỷ bốc đi đến cái xứ lạnh Minnesota, còn có tên là xứ Vạn Hồ.
Trong suốt khoảng thời gian mười năm ở Việt Nam sau khi ra trường, tôi gần như không rờ tới một cuốn sách hay tài liệu y học, hoàn toàn mù tịt về những thay đổi và tiến bộ to lớn của lãnh vực y tế trong suốt thập niên 70. Hậu quả hiển nhiên là khi được quản giáo Bệnh viện Grant hỏi về chest pain và FUO, tôi bị “á khẩu” và trật đường rầy ngay tại chỗ.
Tôi trở về nhà đứa cháu tại Chicago. Đang không biết làm gì cho hết thời giờ thì tôi được cháu tôi cho biết là ở Chicago có một bác sĩ Việt Nam rất hào hiệp và hay giúp đỡ mọi người. Đó là anh Phạm Gia Cổn. Anh thường tự xưng là “Cổn L.” Có thể nói là anh Cổn là một trong ba người đã đưa cuộc đời tôi sang một khúc quanh mới; hai người kia là anh Cao Xuân Sơn và anh Trần Quốc Toản. Tôi vừa gọi điện thoại là anh Cổn đã vui vẻ đến tận nơi nhà cháu tôi và đưa cho một tập giấy kết quả “matching program” và khuyên tôi nên dùng Yellow Pages gọi điện thoại ngay tới những nơi còn trống chỗ.
Vẫn dáng dấp của một nhà võ tướng, hào hùng vui vẻ, anh Cổn thực là một anh tài kiểu mẫu trong giới anh em chúng tôi và những thành quả anh đạt được sau này quả thực đáng kính nể.
Matching program là chương trình “tuyển lựa ca sĩ” giúp các chương trình định cư “match” với các sinh viên y khoa mới ra trường. Trung bình mỗi năm giữa con số bệnh viện cần resident và sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường có một sự chênh lệch khoảng từ 7000 đến 10000 chỗ, nên “Đảng AMA” phải chiêu hồi thêm các bác sĩ nước ngoài vào làm việc. Sau 3 năm học tập, “cải tạo” tốt thì được cấp giấy đi thi Board, cái khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một bác sĩ. Tại một vài tiểu bang cần người thì chỉ đòi một năm “cải tạo” hay đôi khi không cần gì cả mà chỉ đòi cái bằng FLEX mà thôi. Nhờ kẽ hở này nên các bác sĩ Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông và sau cùng là Á châu như Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Hương Cảng và Việt Nam mới có dịp đổ vào Mỹ để kiếm sống và làm lại cuộc đời.
Các BS Ấn Độ đông đảo hơn cả. Cũng dễ hiểu vì tại Ấn Độ có hơn 200 đại học y khoa , con số đào tạo dư thừa đổ đi không hết, nhiều như “cát sông Hằng” và họ cũng học thực tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nên sang Mỹ họ như cá gặp nước, hổ về rừng, thành công mau lẹ và cứ thế lớp đàn anh dẫn lối chỉ đường cho đàn em, khiến hiện nay con số bác sĩ Ấn Độ FMG tại Mỹ lên tới khoảng trên 70000 vị và nếu kể cả lớp con cháu tốt nghiệp ở Mỹ thì có thể lên tới 100000 người. Ấn Độ tuy có quốc ngữ là tiếng Hindi nhưng phe miền Nam không muốn dùng và chọn tiếng Anh làm gốc nên họ nói tiếng Anh rành rọt, đúng giọng Oxford, Cambridge. Vì cả nước có tới hơn 400 ngôn ngữ khác nhau nên người Ấn, Pakistan bắt buộc phải dùng tiếng Anh để giao thiệp. Và khi sang Mỹ, họ không hề có “communication problems,” trong khi đây là một vấn nạn đối với phe ta.
Khoảng thời gian sau ngày 15 tháng 3 (thời gian hoa anh đào nở ở Washington), là ngày công bố kết quả matching nên có một cuộc chạy đua vô cùng ác liệt giữa các FMG vào những chỗ unmatched. Chỉ trong vòng vài ngày là các chỗ này được các FMG nhảy dù vào chiếm cứ ngay. Nhiều FMG Ấn Độ khôn ngoan vào “nằm vùng” phục kích từ trước tại các thành phố lớn, làm việc tại những cơ sở research chờ đợi thời cơ.
Nếu không có tập tài liệu của anh Cổn thì có lẽ cuộc đời tôi đã đổi sang một chiếu hướng khác. Năm 1979 là một năm đặc biệt vì kỳ thi VQE ra đời và đã chặn lại các FMG nhưng khoan hồng cho những người thuộc diện “tỵ nạn” nên con số dư thừa unmatched khá nhiều, tôi chỉ cần ECFMG là được chiếu cố ngay. Tôi bèn ở nhà gọi điện thoại tới một số chương trình thì đều được mời gửi hồ sơ lý lịch để được xét cứu rồi hẹn đến cho quản giáo xem mặt.
Đến Chicago Medical School (CMS), tôi được “chính uỷ” của chief program là Harvey Cantor mời đến phỏng vấn ngay. Ông còn chỉ đường đi nước bước tới tận nơi tại North Chicago, và sau khi xem xét hồ sơ, thấy tôi có giấy giới thiệu của đại sư Eichenwald, mời tôi ký hợp đồng ngay tại chỗ, không hỏi han thêm gì cả! Dĩ nhiên là tôi ký cả hai tay, ra về thông báo cho vợ con để khăn gói sang Chicago, còn có tên là thành phố giông gió (Windy City), quê hương của Al Capone.
Về nhà, tôi bán tin bán nghi. Tại sao họ lại nhận mình quá dễ dàng mà không kiểm chứng tài năng võ nghệ gì cả? Nếu đem ra mổ xẻ thì quả thật sau mười năm gián đoạn, sự hiểu biết của tôi về y học chưa bằng một sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường và dĩ nhiên tôi không thể nào so sánh được với một bác sĩ Ấn Độ trẻ trung mới ra trường, sinh lực dồi dào, Anh văn lưu loát, văn võ kiêm toàn.
Tôi đã mất đi những khoảng thời gian quý báu nhất của một đời người, khi mà trí óc sung sức nhất để khảo cứu, học tập. Tôi giống như một cây cam, cây quít đem trồng vào mùa Thu, mùa Đông thì làm sao có thể sinh ra được những bông trái ngon ngọt? Thời gian ở Quân y Viện thì giỏi koong mạt chược, còn trong trại cải tạo thì rành rẽ các thế cờ tướng hóc hiểm, nghiên cứu tử vi đẩu số, cầu cơ giáng bút, yoga ngoại cảm, xem chỉ tay. Trong khi đó thì ở bên ngoài y học đang có những bước tiến nhảy vọt. Tâm trạng cũng như sự hiểu biết của tôi giống như một người từ cung trăng trở về trái đất sau mười năm xa vắng.
Buổi giao ban đầu tiên tại bệnh viện, tôi đúng như “vịt nghe sấm” trong khi người PGY 1 Ấn Độ bạn tôi trình bày lưu loát như nước chảy mây trôi, hai tay không cần cầm giấy (đó là một hình thức chứng tỏ nắm vững vấn đề, vì khi giao ban có một quy luật là các PGY 1 không được cầm giấy đọc giống như kiểu thày Trần Vỹ dạy physiology). Nhìn qua nhìn lại thì tôi thấy từ năm thứ nhất, thứ hai cho đến năm thứ ba và các fellow cũng toàn là Ấn Độ hay Pakistan, Trung Đông, nên tôi nói đùa sau khi giao ban rằng “đây là Đại học Y khoa Bombay.” Nhưng hai năm sau, khi tôi giới thiệu được gần tám, chín anh em vào Chicago Medical School thì các anh bạn Ấn Độ của tôi lại nói kháy trở lại rẳng “đây là Đại học Y khoa Sài Gòn.”
Trong một dịp tâm tình với người chief resident Ấn Độ, tôi có dịp hỏi chương trình tại Chicago Medical School có tốt không và tại sao anh lại làm việc ở đây. Anh ta chậm rãi nói “nếu tốt thì nó đã không nhận tao và mày, nhưng thôi hãy cố gắng đi, xong đủ 3 năm thì mày tha hồ ra trường hành nghề không khó gì đâu. Những chương trình như Northwestern, Rush, họ không cho phép mày nộp đơn với cái thân phận FMG.”
Khi thực dân Anh chiếm vùng tô giới Thượng Hải, ngoài cửa câu lạc bộ dành riêng của họ có tấm bảng “Nơi này cấm chó và người Tàu.” Cũng như vậy, một số chương trình residency nổi tiếng ở Mỹ có lập trường “we do not take FMG”, thư gửi đến bị trả lại không thèm mở vì nơi này cấm chó và cấm FMG.
Tôi hiểu ngay là sau khi “nước Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam” thì chúng ta chỉ là những thành phần rơi rớt mà người Mỹ đồng hóa với một cuộc chiến mà họ đang muốn quên đi. Chúng ta không còn có một chỗ đứng như trước năm 75 của một người bạn đồng minh thân thiết. Dưới thời Eisenhower và Kennedy, nước Việt Nam được coi là tiền đồn chống cộng sản trên thế giới. Nước Mỹ theo truyền thống của Lord Palmerston, nhà ngoại giao Anh trong thế kỷ 18, là “không có bạn trăm năm và cũng không có kẻ thù truyền kiếp mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn mà thôi.” Sau khi phủi tay, cuốn cờ ra đi thì người Mỹ không còn đoái hoài gì đến thân phận một FMG Việt Nam.
Nhưng tôi bèn cãi lại anh bạn Ấn Độ, “thế thì thế hệ con cháu của chúng ta thì sao? Liệu có cái trò ba đời làm cách mạng mới được học lái phi cơ Mig không?”
Anh BS Ấn Độ gật gù nói: “Hãy yên tâm. Nếu con mày là một American graduate chính hiệu con nai thì ‘the sky is the limit’. Hãy cố gắng khuyến khích nó học đi, hãy dạy và nhắc nhở nó cái gương nhọc nhằn của đời cha, đời ông để rồi trả thù dân tộc. Không sao đâu, đời cha không được thì đời con phải được. Người Mỹ có gì hay ho đâu, còn chúng ta đã có những truyền thống văn hóa lâu đời từ cả chục ngàn năm về trước. Đừng ham làm giàu làm gì. Nghề bác sĩ ở Mỹ không bao giờ chết đói cả và y nghiệp Mỹ cũng không có cái truyền thống cứu nhân độ thế của chúng ta đâu, chỉ là một thứ business mà thôi. Còn danh vọng hả, không ai cho phép mày làm research hay làm quản giáo giảng dạy cho lũ sinh viên y khoa Mỹ bạc bẽo đâu! Người Mỹ chỉ quen nhìn chúng ta như những tên bác sĩ nghèo ăn nhờ ở đậu chứ không thích chúng ta lên làm thày của họ. Còn khảo cứu và báo cáo khoa học thì mấy bài viết trước đây của mày về sốt xuất huyết có giá trị gì đâu. Những bài như vậy bên này nhiều như rừng. Họ chỉ muốn chúng ta hãy giữ vai trò của thằng mọi Tonto đi hầu đằng sau the Lone Ranger phong lưu mã thượng trên lưng ngựa, hai tay hai súng. Hãy an phận thủ thường, nín thổ qua song để cho qua ngày đoạn tháng. Ngay như tao đây, sau khi có được một số vốn kha khá thì tao sẽ về Florida mở một vài cái motel cũng đủ sống thỏa thuê suốt đời.”
Quả thật ngày nay tôi thấy đa số các thế hệ thứ hai, thứ ba của các bạn tôi đều xuất thân từ những nơi như Mayo Clinic, Harvard, Dartmouth, Massachusetts Institute of Technology, Emory, Johns Hopkins, Stanford. Những anh tài trẻ trung Việt Nam ở Mỹ ngày nay nhiều như sao trên trời, ra đường ngoài ngõ đâu đâu cũng gặp anh hùng. Chúng ta không uổng công khi sang xứ Mỹ làm lại cuộc đời, dù rằng chỉ là những bậc thang lót đường cho các thế hệ mai sau.
© 2009 Vũ Văn Dzi
© 2009 talawas blog
07/06/2009 | 6:00 sáng |
Tác giả: Vũ Văn Dzi
Chuyên mục: Đời sống
Thẻ: Người Việt tại Mỹ
Sau đúng một năm “rửa tay gác kiếm, giã từ võ khí,” tôi mới có dịp nhìn lại những thời gian qua kể từ lúc ban đầu chập chững làm lại cuộc đời cho tới lúc hoàn tất nhiệm vụ và trở về với những điều ước mơ của thời xa xưa.
Một số anh em bác sĩ chúng tôi thuộc khóa tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn trong những năm 1967, 1968 và 1969 quyết định tổ chức họp mặt lần đầu tiên tại Bắc Mỹ. Con số gần 200 người tham dự chứng tỏ là nhu cầu gặp lại nhau để cùng chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc sống tại hải ngoại rất lớn. Sau biến cố 1975, có thể nói là 95 phần trăm giới bác sĩ miền Nam đã tìm đường ra ngoại quốc để sinh sống. Ngoài một số rất nhỏ bạn bè cùng lớp với tôi chọn ở lại như Trần Đông A, Nguyễn Cường Nam, Hồ Tiêm, phần lớn đã làm lại cuộc đời. Có người tương đối thành công, có những người kém may mắn hơn, và cũng có một vài anh em đã mất tích cùng gia đình trên biển cả. Nói chung thì sau những gian nan ban đầu thì một số đã trở về với nghề cũ và một số cũng thành công trong những lãnh vực khác. Mỗi người một con đường khác nhau nhưng có một điểm chung là đại đa số thế hệ thứ hai đều đạt được những thành quả ngoài sự mong đợi của chúng tôi trước khi lên tàu vượt biển.
Khi bước chân tới nước Mỹ ngày 5 tháng 3 năm 1979, gia đình tôi được bảo trợ tới Minesota, nổi danh là “Cái tủ lạnh của nước Mỹ” nhưng lại được giới y học biết đến là nơi có Mayo Clinic nổi tiếng thế giới.
Lúc đầu, tôi cũng phấn khởi lắm. Tôi đã có ECFMG từ năm 1968, tuy văn bằng thì đã đem đi đốt khi được tin công an đến khám xét nhà. Tôi cảm thấy không vội vàng gì phải định cư hẳn ở Minesota, vì nghe tin thời trước các bậc đàn anh trong trường khi sang Mỹ du học đều được thụ giáo tại những trường nổi tiếng nhất: neurosurgery thì đi Yale, pediatrics thì Southwestern, pediatric surgery thì Northwestern, orthopedics thì Mayo Clinic, obstetrics thì Emory, public health thì Johns Hopkins, Harvard. Tôi nghĩ rằng với thân phận mới của một người tỵ nạn, có lẽ người bạn đồng minh Mỹ của mình cũng không đến nỗi nào mà không ban cho một chỗ định cư xứng đáng.
Sau khi nhận được bản sao ECFMG từ Philadelphia gủi về và tôi bắt đầu tìm hiểu việc đi tìm nơi định cư ở Mỹ, tôi nhận được một gáo nước lạnh đầu tiên đổ lên đầu. Theo khuyến cáo của Y sĩ đoàn Minnesota, không một chương trình nào muốn nhận một bác sĩ FMG từ Việt Nam. Trước đó có một vị, sau khi được một ngôi làng bỏ tiền hỗ trợ giúp định cư được một năm, đã cuốn gói đi Michigan để học tiếp thay vì về nông thôn “phục vụ nhân dân” để trả lại món nợ như đã cam kết.
Nản trí, nhưng tôi may mắn được một bác sĩ gia đình người Mỹ cho một tờ JAMA, trong đó có một vài nơi đang tuyển mộ resident tại Chicago, thành phố đất rộng, với hơn 8 triệu dân. Còn dĩ nhiên là Mayo Clinic thì đừng nên nghĩ tới!
Ngay từ bước đầu tôi đã “giác ngộ cách mạng,” chuyển ngành sang Internal Medicine hoặc Family Practice vì ở Mỹ nghề trị bệnh trẻ con không khá, dân Mỹ phá thai nhiều hơn là sinh đẻ và tại Mỹ dinh dưỡng ruợu thịt ê hề thì làm gì có bệnh trẻ con ốm đói gày còm như ở Việt Nam. Đi theo con đuờng Pediatrics thì đói là cái chắc, mặc dù tôi đã được thụ giáo với đại sư phụ Heinz Eichenwald của Southwestern Medical School trong vòng ba năm khi ngài sang gây dựng nền tảng về nhi khoa cho nước Việt Nam trong thời chiến.
Khởi đầu công việc “đáy biển mò kim,” tôi được Bệnh viện Grant mời đến phỏng vấn sau khi nộp xong đơn từ, bản sao lý lịch, thành tích phấn đấu tốt, các bài viết đã xuất bản. Quản giáo Charles Davis mời tôi vào phỏng vấn. Sau khi thăm hỏi qua loa, ông ta đặt ngay một câu hỏi: “What do you do with a chest pain?”
Dĩ nhiên là tôi ú ớ, chỉ biết nói qua loa về bệnh lao phổi, sưng phổi chứ không ai ngờ là trước một trường hợp chest pain (đau ngực) là phải nghĩ ngay đến heart attack (trụy tim), kẻ thù số một của nước Mỹ! Quản giáo lắc đầu bèn hỏi thêm một câu nữa: “What do you do with a case of fever of unknown origin (FUO)?” Tôi tưởng mình trúng tủ bèn sổ một tràng về bệnh sốt rét ngã nước và khoe kinh nghiệm đầy mình về căn bệnh này. Quản giáo thở dài và hẹn sẽ viết thư thông báo sau. Trước khi ra về thì quản giáo khuyên tôi một câu là nên cố gắng học tập thêm về y học của nước Mỹ và hãy quên đi những gì đã biết trước đây.
Sau khi giã từ trường y tại Việt Nam, tôi gia nhập quân đội VNCH với cấp bậc Ttrung uý và sau một năm tại Phú Quốc tôi được ân huệ về vùng đất lành chim đậu, mưa thuận gió hoà là Quân y Viện Long Xuyên, đất thiêng của Phật giáo Hòa Hảo được cả nước biết tiếng là chống cộng sản triệt để vì mối thù giết đức thày Huỳnh Phú Sổ. Anh Cao Xuân Sơn đã giúp tôi rất nhiều nhân dịp này và nhờ thế cuộc đời tôi đã chuyển sang một hướng khác.
Trong suốt 5 năm trời tại đây, công việc chuyên môn chẳng có gì đáng kể. Sáng thì “tả chấm” rồi tà tà đến QYV làm việc tại khu nội khoa. Trưa về nhà tả chấm tiếp, và đến chiều thì lại tiếp tục. Một ngày như mọi ngày, sáng xách ô đi tối xách về, tối rượu sâm banh sáng sữa bò, trong khi cuộc nội chiến Nam Bắc đang đi lần vào một thế trận mới có phần ác liệt hơn.
Nhờ tinh thần rộng rãi cởi mở của BS Trương Ngọc Tích nên các anh em đều làm ăn khấm khá, đời sống thoải mái, trong khi cả nước đều đang lên cơn sốt của thời kỳ “Mùa hè đỏ lửa”, thời kỳ chiến tranh sôi động nhất. Quân y viện Long Xuyên giữ vai trò yểm trợ cho chiến trường Chương Thiện, Thất Sơn, Cà Mâu và Giang Đoàn 26 có nhiệm vụ khai thông thủy lộ sang Cao Miên.
Những lúc rảnh rổi, anh Tích cùng các anh em chơi Domino. Nhưng kể từ khi tôi có cái “tội” đem theo một cỗ mạt chược, nhiều anh em “hủ hóa,” cứ chiều thứ Sáu là rủ nhau “koong” cho đến tận sáng hôm sau. Đôi khi sang cả ngày Chủ nhật phòng mạch bỏ bê. Cho đến cái năm 1975 bi đát đó.
Sau gần 3 năm cải tạo “học tập tốt, lao động tốt,” tôi được thả về làm việc tại Trường Trung học Y tế thành phố với một nhóm sinh viên điều dưỡng, nữ hộ sinh. Nhờ học tập tinh thần của Pavel trong thời gian ở trong trại nên tôi cũng phấn khởi lắm, tin tưởng lắm vào chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giới chuyên viên “ngụy.”
Cũng vui. Vừa làm quản giáo vừa lên lớp nói truyện lăng nhăng, chẳng có mấy khi học tập về chuyên môn vì ban giám hiệu khuyến khích “không nên đọc sách nước ngoài.” Anh Năm Châu chính uỷ nhắc nhở là “các anh đều là một lũ cá mè một lứa cả, cách mạng không đem đi ‘cáp duồn’ là may lắm rồi.” Anh khoe du học ở Poznan (Ba Lan) và thỉnh thoảng cũng tỏ ra thân mật nói về đời sống cao đẹp của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tôi nhẹ nhàng nói là Poznan có một chợ phiên Ba Lan nổi tiếng hàng năm, khiến anh hơi ngỡ ngàng tại sao một “thằng BS ngụy mới ở tù ra” lại biết điều này. Anh quên rằng tại Poznan vào năm 1956 đã có vụ khởi nghĩa đầu tiên chống lại cộng sản Nga đằng sau bức màn sắt. Vào dịp đó, một nhóm sinh viên chúng tôi đã tham gia biểu tình tại Sài Gòn để ủng hộ nhân dân Ba Lan và Hung Gia Lợi.
Bản tính tôi hay nói đùa nên trong một dịp lên lớp cho các nữ hộ sinh giảng về các chứng bệnh sinh lý, tôi quả quyết là ở bên châu Âu và Mỹ có hiện tượng đàn ông lấy đàn ông và đàn bà lấy đàn bà, khiến nhiều em nữ hộ sinh thắc mắc ngay là “đàn bà làm thế nào để giao hợp với nhau” và nhờ ban giám hiệu giải thích. Tôi được mời lên “làm việc” ngay với anh Năm Châu và từ đó cẩn thận hơn về cách ăn nói.
Tôi vượt biên cùng gia đình, đổ bộ lên Marang, bờ biển Mã Lai. Ngày 18 tháng 10 năm 1979 được cảnh sát Mã Lai đem đi giam tại Pulau Bidong, nằm chờ trên hòn đảo “buồn lâu bi đát” đúng bốn tháng rồi được máy bay của Cao Uỷ bốc đi đến cái xứ lạnh Minnesota, còn có tên là xứ Vạn Hồ.
Trong suốt khoảng thời gian mười năm ở Việt Nam sau khi ra trường, tôi gần như không rờ tới một cuốn sách hay tài liệu y học, hoàn toàn mù tịt về những thay đổi và tiến bộ to lớn của lãnh vực y tế trong suốt thập niên 70. Hậu quả hiển nhiên là khi được quản giáo Bệnh viện Grant hỏi về chest pain và FUO, tôi bị “á khẩu” và trật đường rầy ngay tại chỗ.
Tôi trở về nhà đứa cháu tại Chicago. Đang không biết làm gì cho hết thời giờ thì tôi được cháu tôi cho biết là ở Chicago có một bác sĩ Việt Nam rất hào hiệp và hay giúp đỡ mọi người. Đó là anh Phạm Gia Cổn. Anh thường tự xưng là “Cổn L.” Có thể nói là anh Cổn là một trong ba người đã đưa cuộc đời tôi sang một khúc quanh mới; hai người kia là anh Cao Xuân Sơn và anh Trần Quốc Toản. Tôi vừa gọi điện thoại là anh Cổn đã vui vẻ đến tận nơi nhà cháu tôi và đưa cho một tập giấy kết quả “matching program” và khuyên tôi nên dùng Yellow Pages gọi điện thoại ngay tới những nơi còn trống chỗ.
Vẫn dáng dấp của một nhà võ tướng, hào hùng vui vẻ, anh Cổn thực là một anh tài kiểu mẫu trong giới anh em chúng tôi và những thành quả anh đạt được sau này quả thực đáng kính nể.
Matching program là chương trình “tuyển lựa ca sĩ” giúp các chương trình định cư “match” với các sinh viên y khoa mới ra trường. Trung bình mỗi năm giữa con số bệnh viện cần resident và sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường có một sự chênh lệch khoảng từ 7000 đến 10000 chỗ, nên “Đảng AMA” phải chiêu hồi thêm các bác sĩ nước ngoài vào làm việc. Sau 3 năm học tập, “cải tạo” tốt thì được cấp giấy đi thi Board, cái khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một bác sĩ. Tại một vài tiểu bang cần người thì chỉ đòi một năm “cải tạo” hay đôi khi không cần gì cả mà chỉ đòi cái bằng FLEX mà thôi. Nhờ kẽ hở này nên các bác sĩ Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông và sau cùng là Á châu như Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Hương Cảng và Việt Nam mới có dịp đổ vào Mỹ để kiếm sống và làm lại cuộc đời.
Các BS Ấn Độ đông đảo hơn cả. Cũng dễ hiểu vì tại Ấn Độ có hơn 200 đại học y khoa , con số đào tạo dư thừa đổ đi không hết, nhiều như “cát sông Hằng” và họ cũng học thực tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nên sang Mỹ họ như cá gặp nước, hổ về rừng, thành công mau lẹ và cứ thế lớp đàn anh dẫn lối chỉ đường cho đàn em, khiến hiện nay con số bác sĩ Ấn Độ FMG tại Mỹ lên tới khoảng trên 70000 vị và nếu kể cả lớp con cháu tốt nghiệp ở Mỹ thì có thể lên tới 100000 người. Ấn Độ tuy có quốc ngữ là tiếng Hindi nhưng phe miền Nam không muốn dùng và chọn tiếng Anh làm gốc nên họ nói tiếng Anh rành rọt, đúng giọng Oxford, Cambridge. Vì cả nước có tới hơn 400 ngôn ngữ khác nhau nên người Ấn, Pakistan bắt buộc phải dùng tiếng Anh để giao thiệp. Và khi sang Mỹ, họ không hề có “communication problems,” trong khi đây là một vấn nạn đối với phe ta.
Khoảng thời gian sau ngày 15 tháng 3 (thời gian hoa anh đào nở ở Washington), là ngày công bố kết quả matching nên có một cuộc chạy đua vô cùng ác liệt giữa các FMG vào những chỗ unmatched. Chỉ trong vòng vài ngày là các chỗ này được các FMG nhảy dù vào chiếm cứ ngay. Nhiều FMG Ấn Độ khôn ngoan vào “nằm vùng” phục kích từ trước tại các thành phố lớn, làm việc tại những cơ sở research chờ đợi thời cơ.
Nếu không có tập tài liệu của anh Cổn thì có lẽ cuộc đời tôi đã đổi sang một chiếu hướng khác. Năm 1979 là một năm đặc biệt vì kỳ thi VQE ra đời và đã chặn lại các FMG nhưng khoan hồng cho những người thuộc diện “tỵ nạn” nên con số dư thừa unmatched khá nhiều, tôi chỉ cần ECFMG là được chiếu cố ngay. Tôi bèn ở nhà gọi điện thoại tới một số chương trình thì đều được mời gửi hồ sơ lý lịch để được xét cứu rồi hẹn đến cho quản giáo xem mặt.
Đến Chicago Medical School (CMS), tôi được “chính uỷ” của chief program là Harvey Cantor mời đến phỏng vấn ngay. Ông còn chỉ đường đi nước bước tới tận nơi tại North Chicago, và sau khi xem xét hồ sơ, thấy tôi có giấy giới thiệu của đại sư Eichenwald, mời tôi ký hợp đồng ngay tại chỗ, không hỏi han thêm gì cả! Dĩ nhiên là tôi ký cả hai tay, ra về thông báo cho vợ con để khăn gói sang Chicago, còn có tên là thành phố giông gió (Windy City), quê hương của Al Capone.
Về nhà, tôi bán tin bán nghi. Tại sao họ lại nhận mình quá dễ dàng mà không kiểm chứng tài năng võ nghệ gì cả? Nếu đem ra mổ xẻ thì quả thật sau mười năm gián đoạn, sự hiểu biết của tôi về y học chưa bằng một sinh viên y khoa Mỹ mới ra trường và dĩ nhiên tôi không thể nào so sánh được với một bác sĩ Ấn Độ trẻ trung mới ra trường, sinh lực dồi dào, Anh văn lưu loát, văn võ kiêm toàn.
Tôi đã mất đi những khoảng thời gian quý báu nhất của một đời người, khi mà trí óc sung sức nhất để khảo cứu, học tập. Tôi giống như một cây cam, cây quít đem trồng vào mùa Thu, mùa Đông thì làm sao có thể sinh ra được những bông trái ngon ngọt? Thời gian ở Quân y Viện thì giỏi koong mạt chược, còn trong trại cải tạo thì rành rẽ các thế cờ tướng hóc hiểm, nghiên cứu tử vi đẩu số, cầu cơ giáng bút, yoga ngoại cảm, xem chỉ tay. Trong khi đó thì ở bên ngoài y học đang có những bước tiến nhảy vọt. Tâm trạng cũng như sự hiểu biết của tôi giống như một người từ cung trăng trở về trái đất sau mười năm xa vắng.
Buổi giao ban đầu tiên tại bệnh viện, tôi đúng như “vịt nghe sấm” trong khi người PGY 1 Ấn Độ bạn tôi trình bày lưu loát như nước chảy mây trôi, hai tay không cần cầm giấy (đó là một hình thức chứng tỏ nắm vững vấn đề, vì khi giao ban có một quy luật là các PGY 1 không được cầm giấy đọc giống như kiểu thày Trần Vỹ dạy physiology). Nhìn qua nhìn lại thì tôi thấy từ năm thứ nhất, thứ hai cho đến năm thứ ba và các fellow cũng toàn là Ấn Độ hay Pakistan, Trung Đông, nên tôi nói đùa sau khi giao ban rằng “đây là Đại học Y khoa Bombay.” Nhưng hai năm sau, khi tôi giới thiệu được gần tám, chín anh em vào Chicago Medical School thì các anh bạn Ấn Độ của tôi lại nói kháy trở lại rẳng “đây là Đại học Y khoa Sài Gòn.”
Trong một dịp tâm tình với người chief resident Ấn Độ, tôi có dịp hỏi chương trình tại Chicago Medical School có tốt không và tại sao anh lại làm việc ở đây. Anh ta chậm rãi nói “nếu tốt thì nó đã không nhận tao và mày, nhưng thôi hãy cố gắng đi, xong đủ 3 năm thì mày tha hồ ra trường hành nghề không khó gì đâu. Những chương trình như Northwestern, Rush, họ không cho phép mày nộp đơn với cái thân phận FMG.”
Khi thực dân Anh chiếm vùng tô giới Thượng Hải, ngoài cửa câu lạc bộ dành riêng của họ có tấm bảng “Nơi này cấm chó và người Tàu.” Cũng như vậy, một số chương trình residency nổi tiếng ở Mỹ có lập trường “we do not take FMG”, thư gửi đến bị trả lại không thèm mở vì nơi này cấm chó và cấm FMG.
Tôi hiểu ngay là sau khi “nước Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam” thì chúng ta chỉ là những thành phần rơi rớt mà người Mỹ đồng hóa với một cuộc chiến mà họ đang muốn quên đi. Chúng ta không còn có một chỗ đứng như trước năm 75 của một người bạn đồng minh thân thiết. Dưới thời Eisenhower và Kennedy, nước Việt Nam được coi là tiền đồn chống cộng sản trên thế giới. Nước Mỹ theo truyền thống của Lord Palmerston, nhà ngoại giao Anh trong thế kỷ 18, là “không có bạn trăm năm và cũng không có kẻ thù truyền kiếp mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn mà thôi.” Sau khi phủi tay, cuốn cờ ra đi thì người Mỹ không còn đoái hoài gì đến thân phận một FMG Việt Nam.
Nhưng tôi bèn cãi lại anh bạn Ấn Độ, “thế thì thế hệ con cháu của chúng ta thì sao? Liệu có cái trò ba đời làm cách mạng mới được học lái phi cơ Mig không?”
Anh BS Ấn Độ gật gù nói: “Hãy yên tâm. Nếu con mày là một American graduate chính hiệu con nai thì ‘the sky is the limit’. Hãy cố gắng khuyến khích nó học đi, hãy dạy và nhắc nhở nó cái gương nhọc nhằn của đời cha, đời ông để rồi trả thù dân tộc. Không sao đâu, đời cha không được thì đời con phải được. Người Mỹ có gì hay ho đâu, còn chúng ta đã có những truyền thống văn hóa lâu đời từ cả chục ngàn năm về trước. Đừng ham làm giàu làm gì. Nghề bác sĩ ở Mỹ không bao giờ chết đói cả và y nghiệp Mỹ cũng không có cái truyền thống cứu nhân độ thế của chúng ta đâu, chỉ là một thứ business mà thôi. Còn danh vọng hả, không ai cho phép mày làm research hay làm quản giáo giảng dạy cho lũ sinh viên y khoa Mỹ bạc bẽo đâu! Người Mỹ chỉ quen nhìn chúng ta như những tên bác sĩ nghèo ăn nhờ ở đậu chứ không thích chúng ta lên làm thày của họ. Còn khảo cứu và báo cáo khoa học thì mấy bài viết trước đây của mày về sốt xuất huyết có giá trị gì đâu. Những bài như vậy bên này nhiều như rừng. Họ chỉ muốn chúng ta hãy giữ vai trò của thằng mọi Tonto đi hầu đằng sau the Lone Ranger phong lưu mã thượng trên lưng ngựa, hai tay hai súng. Hãy an phận thủ thường, nín thổ qua song để cho qua ngày đoạn tháng. Ngay như tao đây, sau khi có được một số vốn kha khá thì tao sẽ về Florida mở một vài cái motel cũng đủ sống thỏa thuê suốt đời.”
Quả thật ngày nay tôi thấy đa số các thế hệ thứ hai, thứ ba của các bạn tôi đều xuất thân từ những nơi như Mayo Clinic, Harvard, Dartmouth, Massachusetts Institute of Technology, Emory, Johns Hopkins, Stanford. Những anh tài trẻ trung Việt Nam ở Mỹ ngày nay nhiều như sao trên trời, ra đường ngoài ngõ đâu đâu cũng gặp anh hùng. Chúng ta không uổng công khi sang xứ Mỹ làm lại cuộc đời, dù rằng chỉ là những bậc thang lót đường cho các thế hệ mai sau.
© 2009 Vũ Văn Dzi
© 2009 talawas blog
Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi
Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi
07/06/2009 | 10:00 sáng |
Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Nhân có nhà văn nữ hải ngoại đề nghị nên có một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng, lại đọc bài của T. Vấn về “Tình trẻ Tình già” có mấy câu thơ của tiên sinh, bất giác hồi ức lại dội về một khuôn mặt mà chính tôi một thời được trải nghiệm, dù chỉ là mảnh vụn của quá khứ nhưng cũng là chút hoài niệm khó quên.
Tôi biết Bùi Giáng vào những năm cuối thập niên sáu mươi qua một số bài thơ tình đọc trên các báo Sài Gòn. Đối với thế hệ tuổi tôi, biết ông như vậy là quá muộn, một phần có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Vào những năm này người ta ít đọc thơ, đọc văn, chủ yếu là nghe nhạc để khuây khỏa nỗi buồn xa thành phố, xa người yêu, để bùi ngùi tiếc thương cho những cái chết quá trẻ, những thiếu phụ chít khăn sô quá sớm, sâu hơn là gặm nhấm nỗi xót xa cho thân phận của một đất nước “nội chiến từng ngày”. Nói như vậy, nhưng văn thơ miền Nam ở thời điểm này không phải là đã tắt, các nhà văn nhà thơ lớn, cựu trào vẫn còn đó, các tài năng thơ văn thế hệ hậu sinh vẫn còn đây. Nhưng giới thưởng thức thơ, trân trọng thơ, đam mê thơ thì phải nói là đang ở độ dốc. Các bài thơ tự nó chỉ được thăng hoa khi thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nhờ nhạc thơ mới đến độc giả. Sự hỗ tương do nhu cầu thưởng thức, công bằng mà nói có khi nhạc phải nhờ thơ để đi vào lòng quần chúng.
Chính vậy mà nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, coi như nét thời thượng của phong cách sáng tác, thậm chí gần 70% những bài hát nổi tiếng của Phạm Duy là nhờ phần lời của những con tằm nhả tơ xuất xứ từ các nhà thơ. Nhưng cũng phải công nhận Phạm Duy là phù thủy về chọn thơ chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và theo tôi ông cần được nhắc nhớ như nhà phổ nhạc bậc thầy của thế kỷ 20. Rất tiếc do bị lép vế, nhiều nhà thơ không được kể là đồng tác giả, khiến tên tuổi họ bị lu mờ hoặc lãng quên. Chính vậy mà ở những ca khúc đi vào lòng người nhờ sự chuyên chở của thơ, như “Kỷ vật cho em”, có ai biết Linh Phương? “Em gái Pleiku”, còn ai nhớ Vũ Hữu Định? “Ngày xưa Hoàng thị”, chẳng ai đi tìm Phạm Thiên Thư! Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc. Có thể họ không dám đụng đến một thi sĩ có tầm vóc mà tự thân tác phẩm chẳng cần phải quảng bá ngợi ca bằng các phương tiện truyền thông nào khác, hoặc vì thơ ông trong đó đã có nhạc, thơ ông là nhạc hoặc hay hơn nhạc? Nói thế để tôi an ủi tôi vì nếu thơ của ông được phổ nhạc sớm chắc tôi đã yêu Bùi Giáng từ lâu.
Đến khi ra hải ngoại, tôi không thể hình dung khi được đọc những đánh giá rất trân trọng về thơ ông của những nhà văn lớn, những nhà phê bình có uy tín cả trong lẫn ngoài nước khi liệt ông là hàng thiên tài, cây đại thụ về thơ của miền Nam. Tìm đọc những vần thơ tiêu biểu theo sự gợi ý của những người viết đánh giá thơ ông, bản thân tôi mới thấy là một niềm nuối tiếc khi bỏ lỡ cơ hội được làm quen với những câu chữ của một tài năng bậc thầy đã sống cùng thời ngay trong con phố của thành phố mình, một Sài Gòn phủ lá me xanh với những buổi chiều mưa rồi chợt nắng. Có một sự đồng thuận là sau 75, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc người ta đều trân trọng thơ ông, đánh giá ông bằng cách nhìn khách quan, công bằng của những người làm văn học chân chính. Cũng có thể vì ông chẳng dính líu gì với các chế độ chính trị (vị thế bên lề - PTH), cũng có thể vì tác phẩm của ông thiên về những giá trị nhân bản của một thời xã hội nhiễu nhương, lại có phần thương cảm cho một số phận lâm vào cảnh mất thăng bằng tâm thức (dù chưa một lần được xác minh bằng “hội chẩn bệnh lý” của các chuyên gia tâm thần). Thậm chí trong ý hướng trân trọng thơ ông, một nhà thơ lớn đã nói cuộc đời này nếu không có thơ Bùi Giáng thì chẳng khác gì “một ngày không có hoàng hôn”. Rồi lại đi xa hơn, khi người ta muốn vinh danh ông bằng môt sự kiện không phải là chỉ trân trọng tác phẩm, công trình sáng tác mà còn muốn khuyến khích những tài năng, tạo sự thúc đẩy, khơi dậy cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp bằng một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng. Dù sáng kiến được trình làng từ nhiều năm nay, nhưng tôi nghĩ là chưa có sự đồng thuận trọn vẹn. Điều này cũng dễ hiểu khi người chủ xướng là một nhà văn nữ tên tuổi của miền Bắc, mà công trình sáng tạo của Bùi Giáng mới chỉ được cả hai miền cùng biết đến sau ngày thống nhất Bắc-Nam. Chưa kể nhiều cây đại thụ, nhiều khuôn mặt lớn trong lãnh vực thơ vẫn còn đó hay đi vào yên nghỉ cũng là điều khó bình chọn khi lấy một tên tuổi đặt cho một giải thưởng văn chương. Với tư cách độc giả, tôi không dám lạm bàn về sáng kiến này. Nhưng nếu quả như Phạm Thị Hoài đã minh xác, “không một số phận văn chương nào của cả thế kỷ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng… và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho văn học Việt Nam đương đại” thì nếu có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra bảo trợ, có người yêu thơ hoặc nhóm thi văn nào làm Mạnh Thường quân thì giải thưởng Bùi Giáng bằng một cách nhìn thông thoáng, thiện ý nào đó xứng đáng được tiến hành để không những vinh danh ông mà còn làm biểu tượng chung cho văn học hôm nay.
Nhân tản mản về Bùi Giáng, hình ảnh một ông già hay thất thểu băng qua đường phố tại khu Đại học Vạn Hạnh gần chợ Trương Minh Giảng, cạnh khu nhà của mẹ tôi vào những tháng ngày Sài Gòn ngột ngạt đầu bảy mươi đã đọng lại trong tôi một thoáng ký ức tuy ngắn ngủi nhưng lại là kỷ niệm khó quên. Nhà thơ lúc này khoảng trung tuần năm mươi, tóc ông để chấm vai nên khó đoán tuổi, vầng trán thanh thoát, sắc da nửa như đồi mồi, mắt sáng thỉnh thoảng lóe lên nét giận dữ, bực bội u uất thì đúng hơn, miệng hay chúm lại lẩm bẩm những điều nghe không rõ tựa như kể chuyện, phân bua, rủa sả điều gì, quả đúng như có lần ông ngẫu hứng, uống và say nói lăng nhăng/ miệng mồm lý nhí thằn lằn đứt đuôi. Có khi tay lại khoa vòng tròn, đôi lúc chỉ trỏ, bàn tay không cầm gì, trừ điếu thuốc lá cháy dở cứ cầm mà không hút. Ăn mặc thì hơi lạ, vạt áo nửa như áo của tu sĩ Phật giáo, nửa như kiểu bà ba của mấy ông già Bến Tre. Trên nền của tà áo có những mảng vải màu sắc như cầu vồng, trông giống những miếng vá chằng vá đụp của các bà già quê vùng sông Hồng, nhưng sắp xếp có vẻ công phu. Quần thì bình thường như quần của các ông già Nam bộ mặc trong các buổi trưa hè màu trắng hoặc màu trứng gà. Chân đi đất, dáng có lúc thất thểu như say, nhưng không phải là say, có lúc lại doạ ai như kiểu người điên mà mặt vẫn đăm chiêu như nhà hiền triết. Ông không đứng một chỗ, ông hay băng qua đường, làm như ông đang ở thế giới khác, nên cứ qua là qua, muốn sang là sang, xe tránh ông chứ ông không tránh xe, xe chờ ông chứ ông không chờ ai. Vì là nơi tụ điểm một bên là các nhóm sinh viên Văn khoa Vạn Hạnh, một bên là những người bán buôn trong chốn chợ đông, lại kẹt một cái cầu phải băng qua nếu muốn vào trung tâm thành phố, nên tình trạng lưu thông khu vực trở nên tắc ách, dòng xe như ùn lại. Mọi người nhìn ông như nhìn một sinh vật lạ, không ai dám bảo ông điên, chẳng ai quả quyết ông say. Không ai nỡ chửi thề, chẳng ai tỏ ra nạt nộ. Người cảnh sát già gác chợ cũng chẳng can thiệp, vì bản năng nghề nghiệp mách bảo cho ông biết ông già này được mọi người kính trọng, chắc là một trí thức bất đắc chí với cuộc đời, biết đâu đang đau nỗi đau của người cha mất con, trong chiến tranh mẫu người này không phải là hiếm. Quả thật trong ông già này toát ra một cái thần khiến người qua đường có sự nể phục. Đám sinh viên vẫn lễ phép xưng thầy, dân hàng chợ vẫn xưng ông bằng cụ, có người tỏ vẻ tài khôn chỉ trỏ bảo ông là giáo sư Bùi Giáng, kèm theo lời tội nghiệp “thế mà ông thầy lại điên”. Điều đáng nói là chẳng ai trong đám đông nhận ra cái nét vĩ đại nhất trong ông để biết ông là nhà thơ, một người mà vài thập niên sau được người ta xưng tụng là thiên tài trong lãnh vực thơ văn và nếu hiểu theo cách nào đó thì hình như chính ông đã dự ngôn như một lời tiên tri về tài năng và số phận của mình khi tỏ lộ, em về trúc thạch mốt mai/ sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên (Mười hai con mắt).
Bẵng đi nhiều năm, không thấy ông xuất hiện ở khu Vạn Hạnh, có người tưởng ông đã chết, có người đoán chắc cảnh sát giao thông đã hốt ông đi. Nhưng tình cờ thằng cháu tôi lại gặp ông ở khu chợ Trương Minh Giảng vào khoảng đầu thập niên tám mươi. Nó thường gặp ông về đêm, hai ông cháu chia nhau ngủ trên các thớt thịt của chợ. Nó thì đang trốn nghĩa vụ vì có bố đi cải tạo, lại không muốn chết bên xứ Chùa Tháp. Còn ông già thì chẳng hiểu duyên cớ gì mà nhà không ngủ lại đi ngủ chợ. Chính nó khám phá ra ông là nhà thơ, học hỏi được ít điều từ ông, rồi khi thấy không trốn được nữa, nó nghe lời ông trở về nhà và đi sang Miên. Ít năm sau xuất ngũ, nó có đi tìm ông nhưng không biết ông ở đâu, nó chắc ông đã chết. Nhiều người cũng nghĩ như nó khi không thấy ông, cứ cho là chắc ông đã về cõi âm, một ông già như từ núi Sam trở về thành phố mang vóc dáng của người âm trên trần thế. Nhiều giai thoại về nhân vật này được đám dân chợ thêu dệt thêm làm cho “ông già ngủ chợ” bỗng thành con người huyền thoại trong xóm bình dân khu tôi.
Khi viết những dòng này lại liên tưởng đã gần ba trăm năm người ta khóc Tố Như, không hiểu mấy thế kỷ sau có còn ai nhắc tới Bùi tiên sinh khi ông viết em về mấy thế kỷ sau/ nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không. Không hiểu sao các thiên tài hay tự hỏi sau này có ai khóc mình không vì một khi có chữ “thiên” đi kèm thì tự nhiên mọi sự mọi danh đã đi vào thiên thu vĩnh cửu. Cũng theo cách hiểu của tôi, những kẻ hậu bối chẳng phải chờ mấy thế kỷ sau mà chừng nào tiếng Việt còn thì hồn thơ của Bùi Giáng vẫn còn và được trân trọng với “nguyên mầu” của thi văn, của trăng, của thời gian…
Cali, tháng 5/09
© 2009 Đỗ Xuân Tê
© 2009 talawas blog
Create PDF
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi”)
1.
Thai Nguyen nói:
07/06/2009 lúc 10:03 chiều
Đỗ Xuân Tê viết: “Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc.”
Ngờ rằng không đúng hẳn. Ông Phạm Duy thì lấy lời thơ của Bùi Giáng để ra bài Tục Ca số 3: Gái Lội Qua Khe. Ông Trịnh Công Sơn cũng rinh 1 câu thơ trong bài Mắt Buồn của Bùi thi sĩ làm thành bài Con Mắt Còn Lại.
Điều đáng buồn là nhạc tính cả 2 bài này đều nghèo nàn.
© talawas 2009
07/06/2009 | 10:00 sáng |
Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Nhân có nhà văn nữ hải ngoại đề nghị nên có một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng, lại đọc bài của T. Vấn về “Tình trẻ Tình già” có mấy câu thơ của tiên sinh, bất giác hồi ức lại dội về một khuôn mặt mà chính tôi một thời được trải nghiệm, dù chỉ là mảnh vụn của quá khứ nhưng cũng là chút hoài niệm khó quên.
Tôi biết Bùi Giáng vào những năm cuối thập niên sáu mươi qua một số bài thơ tình đọc trên các báo Sài Gòn. Đối với thế hệ tuổi tôi, biết ông như vậy là quá muộn, một phần có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Vào những năm này người ta ít đọc thơ, đọc văn, chủ yếu là nghe nhạc để khuây khỏa nỗi buồn xa thành phố, xa người yêu, để bùi ngùi tiếc thương cho những cái chết quá trẻ, những thiếu phụ chít khăn sô quá sớm, sâu hơn là gặm nhấm nỗi xót xa cho thân phận của một đất nước “nội chiến từng ngày”. Nói như vậy, nhưng văn thơ miền Nam ở thời điểm này không phải là đã tắt, các nhà văn nhà thơ lớn, cựu trào vẫn còn đó, các tài năng thơ văn thế hệ hậu sinh vẫn còn đây. Nhưng giới thưởng thức thơ, trân trọng thơ, đam mê thơ thì phải nói là đang ở độ dốc. Các bài thơ tự nó chỉ được thăng hoa khi thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nhờ nhạc thơ mới đến độc giả. Sự hỗ tương do nhu cầu thưởng thức, công bằng mà nói có khi nhạc phải nhờ thơ để đi vào lòng quần chúng.
Chính vậy mà nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, coi như nét thời thượng của phong cách sáng tác, thậm chí gần 70% những bài hát nổi tiếng của Phạm Duy là nhờ phần lời của những con tằm nhả tơ xuất xứ từ các nhà thơ. Nhưng cũng phải công nhận Phạm Duy là phù thủy về chọn thơ chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và theo tôi ông cần được nhắc nhớ như nhà phổ nhạc bậc thầy của thế kỷ 20. Rất tiếc do bị lép vế, nhiều nhà thơ không được kể là đồng tác giả, khiến tên tuổi họ bị lu mờ hoặc lãng quên. Chính vậy mà ở những ca khúc đi vào lòng người nhờ sự chuyên chở của thơ, như “Kỷ vật cho em”, có ai biết Linh Phương? “Em gái Pleiku”, còn ai nhớ Vũ Hữu Định? “Ngày xưa Hoàng thị”, chẳng ai đi tìm Phạm Thiên Thư! Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc. Có thể họ không dám đụng đến một thi sĩ có tầm vóc mà tự thân tác phẩm chẳng cần phải quảng bá ngợi ca bằng các phương tiện truyền thông nào khác, hoặc vì thơ ông trong đó đã có nhạc, thơ ông là nhạc hoặc hay hơn nhạc? Nói thế để tôi an ủi tôi vì nếu thơ của ông được phổ nhạc sớm chắc tôi đã yêu Bùi Giáng từ lâu.
Đến khi ra hải ngoại, tôi không thể hình dung khi được đọc những đánh giá rất trân trọng về thơ ông của những nhà văn lớn, những nhà phê bình có uy tín cả trong lẫn ngoài nước khi liệt ông là hàng thiên tài, cây đại thụ về thơ của miền Nam. Tìm đọc những vần thơ tiêu biểu theo sự gợi ý của những người viết đánh giá thơ ông, bản thân tôi mới thấy là một niềm nuối tiếc khi bỏ lỡ cơ hội được làm quen với những câu chữ của một tài năng bậc thầy đã sống cùng thời ngay trong con phố của thành phố mình, một Sài Gòn phủ lá me xanh với những buổi chiều mưa rồi chợt nắng. Có một sự đồng thuận là sau 75, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc người ta đều trân trọng thơ ông, đánh giá ông bằng cách nhìn khách quan, công bằng của những người làm văn học chân chính. Cũng có thể vì ông chẳng dính líu gì với các chế độ chính trị (vị thế bên lề - PTH), cũng có thể vì tác phẩm của ông thiên về những giá trị nhân bản của một thời xã hội nhiễu nhương, lại có phần thương cảm cho một số phận lâm vào cảnh mất thăng bằng tâm thức (dù chưa một lần được xác minh bằng “hội chẩn bệnh lý” của các chuyên gia tâm thần). Thậm chí trong ý hướng trân trọng thơ ông, một nhà thơ lớn đã nói cuộc đời này nếu không có thơ Bùi Giáng thì chẳng khác gì “một ngày không có hoàng hôn”. Rồi lại đi xa hơn, khi người ta muốn vinh danh ông bằng môt sự kiện không phải là chỉ trân trọng tác phẩm, công trình sáng tác mà còn muốn khuyến khích những tài năng, tạo sự thúc đẩy, khơi dậy cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp bằng một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng. Dù sáng kiến được trình làng từ nhiều năm nay, nhưng tôi nghĩ là chưa có sự đồng thuận trọn vẹn. Điều này cũng dễ hiểu khi người chủ xướng là một nhà văn nữ tên tuổi của miền Bắc, mà công trình sáng tạo của Bùi Giáng mới chỉ được cả hai miền cùng biết đến sau ngày thống nhất Bắc-Nam. Chưa kể nhiều cây đại thụ, nhiều khuôn mặt lớn trong lãnh vực thơ vẫn còn đó hay đi vào yên nghỉ cũng là điều khó bình chọn khi lấy một tên tuổi đặt cho một giải thưởng văn chương. Với tư cách độc giả, tôi không dám lạm bàn về sáng kiến này. Nhưng nếu quả như Phạm Thị Hoài đã minh xác, “không một số phận văn chương nào của cả thế kỷ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng… và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho văn học Việt Nam đương đại” thì nếu có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra bảo trợ, có người yêu thơ hoặc nhóm thi văn nào làm Mạnh Thường quân thì giải thưởng Bùi Giáng bằng một cách nhìn thông thoáng, thiện ý nào đó xứng đáng được tiến hành để không những vinh danh ông mà còn làm biểu tượng chung cho văn học hôm nay.
Nhân tản mản về Bùi Giáng, hình ảnh một ông già hay thất thểu băng qua đường phố tại khu Đại học Vạn Hạnh gần chợ Trương Minh Giảng, cạnh khu nhà của mẹ tôi vào những tháng ngày Sài Gòn ngột ngạt đầu bảy mươi đã đọng lại trong tôi một thoáng ký ức tuy ngắn ngủi nhưng lại là kỷ niệm khó quên. Nhà thơ lúc này khoảng trung tuần năm mươi, tóc ông để chấm vai nên khó đoán tuổi, vầng trán thanh thoát, sắc da nửa như đồi mồi, mắt sáng thỉnh thoảng lóe lên nét giận dữ, bực bội u uất thì đúng hơn, miệng hay chúm lại lẩm bẩm những điều nghe không rõ tựa như kể chuyện, phân bua, rủa sả điều gì, quả đúng như có lần ông ngẫu hứng, uống và say nói lăng nhăng/ miệng mồm lý nhí thằn lằn đứt đuôi. Có khi tay lại khoa vòng tròn, đôi lúc chỉ trỏ, bàn tay không cầm gì, trừ điếu thuốc lá cháy dở cứ cầm mà không hút. Ăn mặc thì hơi lạ, vạt áo nửa như áo của tu sĩ Phật giáo, nửa như kiểu bà ba của mấy ông già Bến Tre. Trên nền của tà áo có những mảng vải màu sắc như cầu vồng, trông giống những miếng vá chằng vá đụp của các bà già quê vùng sông Hồng, nhưng sắp xếp có vẻ công phu. Quần thì bình thường như quần của các ông già Nam bộ mặc trong các buổi trưa hè màu trắng hoặc màu trứng gà. Chân đi đất, dáng có lúc thất thểu như say, nhưng không phải là say, có lúc lại doạ ai như kiểu người điên mà mặt vẫn đăm chiêu như nhà hiền triết. Ông không đứng một chỗ, ông hay băng qua đường, làm như ông đang ở thế giới khác, nên cứ qua là qua, muốn sang là sang, xe tránh ông chứ ông không tránh xe, xe chờ ông chứ ông không chờ ai. Vì là nơi tụ điểm một bên là các nhóm sinh viên Văn khoa Vạn Hạnh, một bên là những người bán buôn trong chốn chợ đông, lại kẹt một cái cầu phải băng qua nếu muốn vào trung tâm thành phố, nên tình trạng lưu thông khu vực trở nên tắc ách, dòng xe như ùn lại. Mọi người nhìn ông như nhìn một sinh vật lạ, không ai dám bảo ông điên, chẳng ai quả quyết ông say. Không ai nỡ chửi thề, chẳng ai tỏ ra nạt nộ. Người cảnh sát già gác chợ cũng chẳng can thiệp, vì bản năng nghề nghiệp mách bảo cho ông biết ông già này được mọi người kính trọng, chắc là một trí thức bất đắc chí với cuộc đời, biết đâu đang đau nỗi đau của người cha mất con, trong chiến tranh mẫu người này không phải là hiếm. Quả thật trong ông già này toát ra một cái thần khiến người qua đường có sự nể phục. Đám sinh viên vẫn lễ phép xưng thầy, dân hàng chợ vẫn xưng ông bằng cụ, có người tỏ vẻ tài khôn chỉ trỏ bảo ông là giáo sư Bùi Giáng, kèm theo lời tội nghiệp “thế mà ông thầy lại điên”. Điều đáng nói là chẳng ai trong đám đông nhận ra cái nét vĩ đại nhất trong ông để biết ông là nhà thơ, một người mà vài thập niên sau được người ta xưng tụng là thiên tài trong lãnh vực thơ văn và nếu hiểu theo cách nào đó thì hình như chính ông đã dự ngôn như một lời tiên tri về tài năng và số phận của mình khi tỏ lộ, em về trúc thạch mốt mai/ sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên (Mười hai con mắt).
Bẵng đi nhiều năm, không thấy ông xuất hiện ở khu Vạn Hạnh, có người tưởng ông đã chết, có người đoán chắc cảnh sát giao thông đã hốt ông đi. Nhưng tình cờ thằng cháu tôi lại gặp ông ở khu chợ Trương Minh Giảng vào khoảng đầu thập niên tám mươi. Nó thường gặp ông về đêm, hai ông cháu chia nhau ngủ trên các thớt thịt của chợ. Nó thì đang trốn nghĩa vụ vì có bố đi cải tạo, lại không muốn chết bên xứ Chùa Tháp. Còn ông già thì chẳng hiểu duyên cớ gì mà nhà không ngủ lại đi ngủ chợ. Chính nó khám phá ra ông là nhà thơ, học hỏi được ít điều từ ông, rồi khi thấy không trốn được nữa, nó nghe lời ông trở về nhà và đi sang Miên. Ít năm sau xuất ngũ, nó có đi tìm ông nhưng không biết ông ở đâu, nó chắc ông đã chết. Nhiều người cũng nghĩ như nó khi không thấy ông, cứ cho là chắc ông đã về cõi âm, một ông già như từ núi Sam trở về thành phố mang vóc dáng của người âm trên trần thế. Nhiều giai thoại về nhân vật này được đám dân chợ thêu dệt thêm làm cho “ông già ngủ chợ” bỗng thành con người huyền thoại trong xóm bình dân khu tôi.
Khi viết những dòng này lại liên tưởng đã gần ba trăm năm người ta khóc Tố Như, không hiểu mấy thế kỷ sau có còn ai nhắc tới Bùi tiên sinh khi ông viết em về mấy thế kỷ sau/ nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không. Không hiểu sao các thiên tài hay tự hỏi sau này có ai khóc mình không vì một khi có chữ “thiên” đi kèm thì tự nhiên mọi sự mọi danh đã đi vào thiên thu vĩnh cửu. Cũng theo cách hiểu của tôi, những kẻ hậu bối chẳng phải chờ mấy thế kỷ sau mà chừng nào tiếng Việt còn thì hồn thơ của Bùi Giáng vẫn còn và được trân trọng với “nguyên mầu” của thi văn, của trăng, của thời gian…
Cali, tháng 5/09
© 2009 Đỗ Xuân Tê
© 2009 talawas blog
Create PDF
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi”)
1.
Thai Nguyen nói:
07/06/2009 lúc 10:03 chiều
Đỗ Xuân Tê viết: “Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc.”
Ngờ rằng không đúng hẳn. Ông Phạm Duy thì lấy lời thơ của Bùi Giáng để ra bài Tục Ca số 3: Gái Lội Qua Khe. Ông Trịnh Công Sơn cũng rinh 1 câu thơ trong bài Mắt Buồn của Bùi thi sĩ làm thành bài Con Mắt Còn Lại.
Điều đáng buồn là nhạc tính cả 2 bài này đều nghèo nàn.
© talawas 2009
5/6/09
Text of President Obama's Speech in Cairo
Text of President Obama's Speech in Cairo
04 June 2009
Remarks of President Barack Obama
A New Beginning (Cairo, Egypt)
President Barack Obama delivers much-anticipated message to Muslim world from auditorium at Cairo University campus, 04 Jun 2009
President Barack Obama delivers much-anticipated message to Muslim world from auditorium at Cairo University campus, 04 Jun 2009
I am honored to be in the timeless city of Cairo, and to be hosted by two remarkable institutions. For over a thousand years, Al-Azhar has stood as a beacon of Islamic learning, and for over a century, Cairo University has been a source of Egypt's advancement. Together, you represent the harmony between tradition and progress. I am grateful for your hospitality, and the hospitality of the people of Egypt. I am also proud to carry with me the goodwill of the American people, and a greeting of peace from Muslim communities in my country: assalaamu alaykum.
We meet at a time of tension between the United States and Muslims around the world - tension rooted in historical forces that go beyond any current policy debate. The relationship between Islam and the West includes centuries of co-existence and cooperation, but also conflict and religious wars. More recently, tension has been fed by colonialism that denied rights and opportunities to many Muslims, and a Cold War in which Muslim-majority countries were too often treated as proxies without regard to their own aspirations. Moreover, the sweeping change brought by modernity and globalization led many Muslims to view the West as hostile to the traditions of Islam.
Violent extremists have exploited these tensions in a small but potent minority of Muslims. The attacks of September 11th, 2001 and the continued efforts of these extremists to engage in violence against civilians has led some in my country to view Islam as inevitably hostile not only to America and Western countries, but also to human rights. This has bred more fear and mistrust.
So long as our relationship is defined by our differences, we will empower those who sow hatred rather than peace, and who promote conflict rather than the cooperation that can help all of our people achieve justice and prosperity. This cycle of suspicion and discord must end.
I have come here to seek a new beginning between the United States and Muslims around the world; one based upon mutual interest and mutual respect; and one based upon the truth that America and Islam are not exclusive, and need not be in competition. Instead, they overlap, and share common principles - principles of justice and progress; tolerance and the dignity of all human beings.
I do so recognizing that change cannot happen overnight. No single speech can eradicate years of mistrust, nor can I answer in the time that I have all the complex questions that brought us to this point. But I am convinced that in order to move forward, we must say openly the things we hold in our hearts, and that too often are said only behind closed doors. There must be a sustained effort to listen to each other; to learn from each other; to respect one another; and to seek common ground. As the Holy Koran tells us, "Be conscious of God and speak always the truth." That is what I will try to do - to speak the truth as best I can, humbled by the task before us, and firm in my belief that the interests we share as human beings are far more powerful than the forces that drive us apart.
Part of this conviction is rooted in my own experience. I am a Christian, but my father came from a Kenyan family that includes generations of Muslims. As a boy, I spent several years in Indonesia and heard the call of the azaan at the break of dawn and the fall of dusk. As a young man, I worked in Chicago communities where many found dignity and peace in their Muslim faith.
As a student of history, I also know civilization's debt to Islam. It was Islam - at places like Al-Azhar University - that carried the light of learning through so many centuries, paving the way for Europe's Renaissance and Enlightenment. It was innovation in Muslim communities that developed the order of algebra; our magnetic compass and tools of navigation; our mastery of pens and printing; our understanding of how disease spreads and how it can be healed. Islamic culture has given us majestic arches and soaring spires; timeless poetry and cherished music; elegant calligraphy and places of peaceful contemplation. And throughout history, Islam has demonstrated through words and deeds the possibilities of religious tolerance and racial equality.
I know, too, that Islam has always been a part of America's story. The first nation to recognize my country was Morocco. In signing the Treaty of Tripoli in 1796, our second President John Adams wrote, "The United States has in itself no character of enmity against the laws, religion or tranquility of Muslims." And since our founding, American Muslims have enriched the United States. They have fought in our wars, served in government, stood for civil rights, started businesses, taught at our Universities, excelled in our sports arenas, won Nobel Prizes, built our tallest building, and lit the Olympic Torch. And when the first Muslim-American was recently elected to Congress, he took the oath to defend our Constitution using the same Holy Koran that one of our Founding Fathers - Thomas Jefferson - kept in his personal library.
So I have known Islam on three continents before coming to the region where it was first revealed. That experience guides my conviction that partnership between America and Islam must be based on what Islam is, not what it isn't. And I consider it part of my responsibility as President of the United States to fight against negative stereotypes of Islam wherever they appear.
But that same principle must apply to Muslim perceptions of America. Just as Muslims do not fit a crude stereotype, America is not the crude stereotype of a self-interested empire. The United States has been one of the greatest sources of progress that the world has ever known. We were born out of revolution against an empire. We were founded upon the ideal that all are created equal, and we have shed blood and struggled for centuries to give meaning to those words - within our borders, and around the world. We are shaped by every culture, drawn from every end of the Earth, and dedicated to a simple concept: E pluribus unum: "Out of many, one."
Much has been made of the fact that an African-American with the name Barack Hussein Obama could be elected President. But my personal story is not so unique. The dream of opportunity for all people has not come true for everyone in America, but its promise exists for all who come to our shores - that includes nearly seven million American Muslims in our country today who enjoy incomes and education that are higher than average.
Moreover, freedom in America is indivisible from the freedom to practice one's religion. That is why there is a mosque in every state of our union, and over 1,200 mosques within our borders. That is why the U.S. government has gone to court to protect the right of women and girls to wear the hijab, and to punish those who would deny it.
So let there be no doubt: Islam is a part of America. And I believe that America holds within her the truth that regardless of race, religion, or station in life, all of us share common aspirations - to live in peace and security; to get an education and to work with dignity; to love our families, our communities, and our God. These things we share. This is the hope of all humanity.
Of course, recognizing our common humanity is only the beginning of our task. Words alone cannot meet the needs of our people. These needs will be met only if we act boldly in the years ahead; and if we understand that the challenges we face are shared, and our failure to meet them will hurt us all.
For we have learned from recent experience that when a financial system weakens in one country, prosperity is hurt everywhere. When a new flu infects one human being, all are at risk. When one nation pursues a nuclear weapon, the risk of nuclear attack rises for all nations. When violent extremists operate in one stretch of mountains, people are endangered across an ocean. And when innocents in Bosnia and Darfur are slaughtered, that is a stain on our collective conscience. That is what it means to share this world in the 21st century. That is the responsibility we have to one another as human beings.
This is a difficult responsibility to embrace. For human history has often been a record of nations and tribes subjugating one another to serve their own interests. Yet in this new age, such attitudes are self-defeating. Given our interdependence, any world order that elevates one nation or group of people over another will inevitably fail. So whatever we think of the past, we must not be prisoners of it. Our problems must be dealt with through partnership; progress must be shared.
That does not mean we should ignore sources of tension. Indeed, it suggests the opposite: we must face these tensions squarely. And so in that spirit, let me speak as clearly and plainly as I can about some specific issues that I believe we must finally confront together.
The first issue that we have to confront is violent extremism in all of its forms.
In Ankara, I made clear that America is not - and never will be - at war with Islam. We will, however, relentlessly confront violent extremists who pose a grave threat to our security. Because we reject the same thing that people of all faiths reject: the killing of innocent men, women, and children. And it is my first duty as President to protect the American people.
The situation in Afghanistan demonstrates America's goals, and our need to work together. Over seven years ago, the United States pursued al Qaeda and the Taliban with broad international support. We did not go by choice, we went because of necessity. I am aware that some question or justify the events of 9/11. But let us be clear: al Qaeda killed nearly 3,000 people on that day. The victims were innocent men, women and children from America and many other nations who had done nothing to harm anybody. And yet Al Qaeda chose to ruthlessly murder these people, claimed credit for the attack, and even now states their determination to kill on a massive scale. They have affiliates in many countries and are trying to expand their reach. These are not opinions to be debated; these are facts to be dealt with.
Make no mistake: we do not want to keep our troops in Afghanistan. We seek no military bases there. It is agonizing for America to lose our young men and women. It is costly and politically difficult to continue this conflict. We would gladly bring every single one of our troops home if we could be confident that there were not violent extremists in Afghanistan and Pakistan determined to kill as many Americans as they possibly can. But that is not yet the case.
That's why we're partnering with a coalition of forty-six countries. And despite the costs involved, America's commitment will not weaken. Indeed, none of us should tolerate these extremists. They have killed in many countries. They have killed people of different faiths - more than any other, they have killed Muslims. Their actions are irreconcilable with the rights of human beings, the progress of nations, and with Islam. The Holy Koran teaches that whoever kills an innocent, it is as if he has killed all mankind; and whoever saves a person, it is as if he has saved all mankind. The enduring faith of over a billion people is so much bigger than the narrow hatred of a few. Islam is not part of the problem in combating violent extremism - it is an important part of promoting peace.
We also know that military power alone is not going to solve the problems in Afghanistan and Pakistan. That is why we plan to invest $1.5 billion each year over the next five years to partner with Pakistanis to build schools and hospitals, roads and businesses, and hundreds of millions to help those who have been displaced. And that is why we are providing more than $2.8 billion to help Afghans develop their economy and deliver services that people depend upon.
Let me also address the issue of Iraq. Unlike Afghanistan, Iraq was a war of choice that provoked strong differences in my country and around the world. Although I believe that the Iraqi people are ultimately better off without the tyranny of Saddam Hussein, I also believe that events in Iraq have reminded America of the need to use diplomacy and build international consensus to resolve our problems whenever possible. Indeed, we can recall the words of Thomas Jefferson, who said: "I hope that our wisdom will grow with our power, and teach us that the less we use our power the greater it will be."
Today, America has a dual responsibility: to help Iraq forge a better future - and to leave Iraq to Iraqis. I have made it clear to the Iraqi people that we pursue no bases, and no claim on their territory or resources. Iraq's sovereignty is its own. That is why I ordered the removal of our combat brigades by next August. That is why we will honor our agreement with Iraq's democratically-elected government to remove combat troops from Iraqi cities by July, and to remove all our troops from Iraq by 2012. We will help Iraq train its Security Forces and develop its economy. But we will support a secure and united Iraq as a partner, and never as a patron.
And finally, just as America can never tolerate violence by extremists, we must never alter our principles. 9/11 was an enormous trauma to our country. The fear and anger that it provoked was understandable, but in some cases, it led us to act contrary to our ideals. We are taking concrete actions to change course. I have unequivocally prohibited the use of torture by the United States, and I have ordered the prison at Guantanamo Bay closed by early next year.
So America will defend itself respectful of the sovereignty of nations and the rule of law. And we will do so in partnership with Muslim communities which are also threatened. The sooner the extremists are isolated and unwelcome in Muslim communities, the sooner we will all be safer.
The second major source of tension that we need to discuss is the situation between Israelis, Palestinians and the Arab world.
America's strong bonds with Israel are well known. This bond is unbreakable. It is based upon cultural and historical ties, and the recognition that the aspiration for a Jewish homeland is rooted in a tragic history that cannot be denied.
Around the world, the Jewish people were persecuted for centuries, and anti-Semitism in Europe culminated in an unprecedented Holocaust. Tomorrow, I will visit Buchenwald, which was part of a network of camps where Jews were enslaved, tortured, shot and gassed to death by the Third Reich. Six million Jews were killed - more than the entire Jewish population of Israel today. Denying that fact is baseless, ignorant, and hateful. Threatening Israel with destruction - or repeating vile stereotypes about Jews - is deeply wrong, and only serves to evoke in the minds of Israelis this most painful of memories while preventing the peace that the people of this region deserve.
On the other hand, it is also undeniable that the Palestinian people - Muslims and Christians - have suffered in pursuit of a homeland. For more than sixty years they have endured the pain of dislocation. Many wait in refugee camps in the West Bank, Gaza, and neighboring lands for a life of peace and security that they have never been able to lead. They endure the daily humiliations - large and small - that come with occupation. So let there be no doubt: the situation for the Palestinian people is intolerable. America will not turn our backs on the legitimate Palestinian aspiration for dignity, opportunity, and a state of their own.
For decades, there has been a stalemate: two peoples with legitimate aspirations, each with a painful history that makes compromise elusive. It is easy to point fingers - for Palestinians to point to the displacement brought by Israel's founding, and for Israelis to point to the constant hostility and attacks throughout its history from within its borders as well as beyond. But if we see this conflict only from one side or the other, then we will be blind to the truth: the only resolution is for the aspirations of both sides to be met through two states, where Israelis and Palestinians each live in peace and security.
That is in Israel's interest, Palestine's interest, America's interest, and the world's interest. That is why I intend to personally pursue this outcome with all the patience that the task requires. The obligations that the parties have agreed to under the Road Map are clear. For peace to come, it is time for them - and all of us - to live up to our responsibilities.
Palestinians must abandon violence. Resistance through violence and killing is wrong and does not succeed. For centuries, black people in America suffered the lash of the whip as slaves and the humiliation of segregation. But it was not violence that won full and equal rights. It was a peaceful and determined insistence upon the ideals at the center of America's founding. This same story can be told by people from South Africa to South Asia; from Eastern Europe to Indonesia. It's a story with a simple truth: that violence is a dead end. It is a sign of neither courage nor power to shoot rockets at sleeping children, or to blow up old women on a bus. That is not how moral authority is claimed; that is how it is surrendered.
Now is the time for Palestinians to focus on what they can build. The Palestinian Authority must develop its capacity to govern, with institutions that serve the needs of its people. Hamas does have support among some Palestinians, but they also have responsibilities. To play a role in fulfilling Palestinian aspirations, and to unify the Palestinian people, Hamas must put an end to violence, recognize past agreements, and recognize Israel's right to exist.
At the same time, Israelis must acknowledge that just as Israel's right to exist cannot be denied, neither can Palestine's. The United States does not accept the legitimacy of continued Israeli settlements. This construction violates previous agreements and undermines efforts to achieve peace. It is time for these settlements to stop.
Israel must also live up to its obligations to ensure that Palestinians can live, and work, and develop their society. And just as it devastates Palestinian families, the continuing humanitarian crisis in Gaza does not serve Israel's security; neither does the continuing lack of opportunity in the West Bank. Progress in the daily lives of the Palestinian people must be part of a road to peace, and Israel must take concrete steps to enable such progress.
Finally, the Arab States must recognize that the Arab Peace Initiative was an important beginning, but not the end of their responsibilities. The Arab-Israeli conflict should no longer be used to distract the people of Arab nations from other problems. Instead, it must be a cause for action to help the Palestinian people develop the institutions that will sustain their state; to recognize Israel's legitimacy; and to choose progress over a self-defeating focus on the past.
America will align our policies with those who pursue peace, and say in public what we say in private to Israelis and Palestinians and Arabs. We cannot impose peace. But privately, many Muslims recognize that Israel will not go away. Likewise, many Israelis recognize the need for a Palestinian state. It is time for us to act on what everyone knows to be true.
Too many tears have flowed. Too much blood has been shed. All of us have a responsibility to work for the day when the mothers of Israelis and Palestinians can see their children grow up without fear; when the Holy Land of three great faiths is the place of peace that God intended it to be; when Jerusalem is a secure and lasting home for Jews and Christians and Muslims, and a place for all of the children of Abraham to mingle peacefully together as in the story of Isra, when Moses, Jesus, and Mohammed (peace be upon them) joined in prayer.
The third source of tension is our shared interest in the rights and responsibilities of nations on nuclear weapons.
This issue has been a source of tension between the United States and the Islamic Republic of Iran. For many years, Iran has defined itself in part by its opposition to my country, and there is indeed a tumultuous history between us. In the middle of the Cold War, the United States played a role in the overthrow of a democratically-elected Iranian government. Since the Islamic Revolution, Iran has played a role in acts of hostage-taking and violence against U.S. troops and civilians. This history is well known. Rather than remain trapped in the past, I have made it clear to Iran's leaders and people that my country is prepared to move forward. The question, now, is not what Iran is against, but rather what future it wants to build.
It will be hard to overcome decades of mistrust, but we will proceed with courage, rectitude and resolve. There will be many issues to discuss between our two countries, and we are willing to move forward without preconditions on the basis of mutual respect. But it is clear to all concerned that when it comes to nuclear weapons, we have reached a decisive point. This is not simply about America's interests. It is about preventing a nuclear arms race in the Middle East that could lead this region and the world down a hugely dangerous path.
I understand those who protest that some countries have weapons that others do not. No single nation should pick and choose which nations hold nuclear weapons. That is why I strongly reaffirmed America's commitment to seek a world in which no nations hold nuclear weapons. And any nation - including Iran - should have the right to access peaceful nuclear power if it complies with its responsibilities under the nuclear Non-Proliferation Treaty. That commitment is at the core of the Treaty, and it must be kept for all who fully abide by it. And I am hopeful that all countries in the region can share in this goal.
The fourth issue that I will address is democracy.
I know there has been controversy about the promotion of democracy in recent years, and much of this controversy is connected to the war in Iraq. So let me be clear: no system of government can or should be imposed upon one nation by any other.
That does not lessen my commitment, however, to governments that reflect the will of the people. Each nation gives life to this principle in its own way, grounded in the traditions of its own people. America does not presume to know what is best for everyone, just as we would not presume to pick the outcome of a peaceful election. But I do have an unyielding belief that all people yearn for certain things: the ability to speak your mind and have a say in how you are governed; confidence in the rule of law and the equal administration of justice; government that is transparent and doesn't steal from the people; the freedom to live as you choose. Those are not just American ideas, they are human rights, and that is why we will support them everywhere.
There is no straight line to realize this promise. But this much is clear: governments that protect these rights are ultimately more stable, successful and secure. Suppressing ideas never succeeds in making them go away. America respects the right of all peaceful and law-abiding voices to be heard around the world, even if we disagree with them. And we will welcome all elected, peaceful governments - provided they govern with respect for all their people.
This last point is important because there are some who advocate for democracy only when they are out of power; once in power, they are ruthless in suppressing the rights of others. No matter where it takes hold, government of the people and by the people sets a single standard for all who hold power: you must maintain your power through consent, not coercion; you must respect the rights of minorities, and participate with a spirit of tolerance and compromise; you must place the interests of your people and the legitimate workings of the political process above your party. Without these ingredients, elections alone do not make true democracy.
The fifth issue that we must address together is religious freedom.
Islam has a proud tradition of tolerance. We see it in the history of Andalusia and Cordoba during the Inquisition. I saw it firsthand as a child in Indonesia, where devout Christians worshiped freely in an overwhelmingly Muslim country. That is the spirit we need today. People in every country should be free to choose and live their faith based upon the persuasion of the mind, heart, and soul. This tolerance is essential for religion to thrive, but it is being challenged in many different ways.
Among some Muslims, there is a disturbing tendency to measure one's own faith by the rejection of another's. The richness of religious diversity must be upheld - whether it is for Maronites in Lebanon or the Copts in Egypt. And fault lines must be closed among Muslims as well, as the divisions between Sunni and Shia have led to tragic violence, particularly in Iraq.
Freedom of religion is central to the ability of peoples to live together. We must always examine the ways in which we protect it. For instance, in the United States, rules on charitable giving have made it harder for Muslims to fulfill their religious obligation. That is why I am committed to working with American Muslims to ensure that they can fulfill zakat.
Likewise, it is important for Western countries to avoid impeding Muslim citizens from practicing religion as they see fit - for instance, by dictating what clothes a Muslim woman should wear. We cannot disguise hostility towards any religion behind the pretence of liberalism.
Indeed, faith should bring us together. That is why we are forging service projects in America that bring together Christians, Muslims, and Jews. That is why we welcome efforts like Saudi Arabian King Abdullah's Interfaith dialogue and Turkey's leadership in the Alliance of Civilizations. Around the world, we can turn dialogue into Interfaith service, so bridges between peoples lead to action - whether it is combating malaria in Africa, or providing relief after a natural disaster.
The sixth issue that I want to address is women's rights.
I know there is debate about this issue. I reject the view of some in the West that a woman who chooses to cover her hair is somehow less equal, but I do believe that a woman who is denied an education is denied equality. And it is no coincidence that countries where women are well-educated are far more likely to be prosperous.
Now let me be clear: issues of women's equality are by no means simply an issue for Islam. In Turkey, Pakistan, Bangladesh and Indonesia, we have seen Muslim-majority countries elect a woman to lead. Meanwhile, the struggle for women's equality continues in many aspects of American life, and in countries around the world.
Our daughters can contribute just as much to society as our sons, and our common prosperity will be advanced by allowing all humanity - men and women - to reach their full potential. I do not believe that women must make the same choices as men in order to be equal, and I respect those women who choose to live their lives in traditional roles. But it should be their choice. That is why the United States will partner with any Muslim-majority country to support expanded literacy for girls, and to help young women pursue employment through micro-financing that helps people live their dreams.
Finally, I want to discuss economic development and opportunity.
I know that for many, the face of globalization is contradictory. The Internet and television can bring knowledge and information, but also offensive sexuality and mindless violence. Trade can bring new wealth and opportunities, but also huge disruptions and changing communities. In all nations - including my own - this change can bring fear. Fear that because of modernity we will lose of control over our economic choices, our politics, and most importantly our identities - those things we most cherish about our communities, our families, our traditions, and our faith.
But I also know that human progress cannot be denied. There need not be contradiction between development and tradition. Countries like Japan and South Korea grew their economies while maintaining distinct cultures. The same is true for the astonishing progress within Muslim-majority countries from Kuala Lumpur to Dubai. In ancient times and in our times, Muslim communities have been at the forefront of innovation and education.
This is important because no development strategy can be based only upon what comes out of the ground, nor can it be sustained while young people are out of work. Many Gulf States have enjoyed great wealth as a consequence of oil, and some are beginning to focus it on broader development. But all of us must recognize that education and innovation will be the currency of the 21st century, and in too many Muslim communities there remains underinvestment in these areas. I am emphasizing such investments within my country. And while America in the past has focused on oil and gas in this part of the world, we now seek a broader engagement.
On education, we will expand exchange programs, and increase scholarships, like the one that brought my father to America, while encouraging more Americans to study in Muslim communities. And we will match promising Muslim students with internships in America; invest in on-line learning for teachers and children around the world; and create a new online network, so a teenager in Kansas can communicate instantly with a teenager in Cairo.
On economic development, we will create a new corps of business volunteers to partner with counterparts in Muslim-majority countries. And I will host a Summit on Entrepreneurship this year to identify how we can deepen ties between business leaders, foundations and social entrepreneurs in the United States and Muslim communities around the world.
On science and technology, we will launch a new fund to support technological development in Muslim-majority countries, and to help transfer ideas to the marketplace so they can create jobs. We will open centers of scientific excellence in Africa, the Middle East and Southeast Asia, and appoint new Science Envoys to collaborate on programs that develop new sources of energy, create green jobs, digitize records, clean water, and grow new crops. And today I am announcing a new global effort with the Organization of the Islamic Conference to eradicate polio. And we will also expand partnerships with Muslim communities to promote child and maternal health.
All these things must be done in partnership. Americans are ready to join with citizens and governments; community organizations, religious leaders, and businesses in Muslim communities around the world to help our people pursue a better life.
The issues that I have described will not be easy to address. But we have a responsibility to join together on behalf of the world we seek - a world where extremists no longer threaten our people, and American troops have come home; a world where Israelis and Palestinians are each secure in a state of their own, and nuclear energy is used for peaceful purposes; a world where governments serve their citizens, and the rights of all God's children are respected. Those are mutual interests. That is the world we seek. But we can only achieve it together.
I know there are many - Muslim and non-Muslim - who question whether we can forge this new beginning. Some are eager to stoke the flames of division, and to stand in the way of progress. Some suggest that it isn't worth the effort - that we are fated to disagree, and civilizations are doomed to clash. Many more are simply skeptical that real change can occur. There is so much fear, so much mistrust. But if we choose to be bound by the past, we will never move forward. And I want to particularly say this to young people of every faith, in every country - you, more than anyone, have the ability to remake this world.
All of us share this world for but a brief moment in time. The question is whether we spend that time focused on what pushes us apart, or whether we commit ourselves to an effort - a sustained effort - to find common ground, to focus on the future we seek for our children, and to respect the dignity of all human beings.
It is easier to start wars than to end them. It is easier to blame others than to look inward; to see what is different about someone than to find the things we share. But we should choose the right path, not just the easy path. There is also one rule that lies at the heart of every religion - that we do unto others as we would have them do unto us. This truth transcends nations and peoples - a belief that isn't new; that isn't black or white or brown; that isn't Christian, or Muslim or Jew. It's a belief that pulsed in the cradle of civilization, and that still beats in the heart of billions. It's a faith in other people, and it's what brought me here today.
We have the power to make the world we seek, but only if we have the courage to make a new beginning, keeping in mind what has been written.
The Holy Koran tells us, "O mankind! We have created you male and a female; and we have made you into nations and tribes so that you may know one another."
The Talmud tells us: "The whole of the Torah is for the purpose of promoting peace."
The Holy Bible tells us, "Blessed are the peacemakers, for they shall be called sons of God."
The people of the world can live together in peace. We know that is God's vision. Now, that must be our work here on Earth. Thank you. And may God's peace be upon you.
04 June 2009
Remarks of President Barack Obama
A New Beginning (Cairo, Egypt)
President Barack Obama delivers much-anticipated message to Muslim world from auditorium at Cairo University campus, 04 Jun 2009
President Barack Obama delivers much-anticipated message to Muslim world from auditorium at Cairo University campus, 04 Jun 2009
I am honored to be in the timeless city of Cairo, and to be hosted by two remarkable institutions. For over a thousand years, Al-Azhar has stood as a beacon of Islamic learning, and for over a century, Cairo University has been a source of Egypt's advancement. Together, you represent the harmony between tradition and progress. I am grateful for your hospitality, and the hospitality of the people of Egypt. I am also proud to carry with me the goodwill of the American people, and a greeting of peace from Muslim communities in my country: assalaamu alaykum.
We meet at a time of tension between the United States and Muslims around the world - tension rooted in historical forces that go beyond any current policy debate. The relationship between Islam and the West includes centuries of co-existence and cooperation, but also conflict and religious wars. More recently, tension has been fed by colonialism that denied rights and opportunities to many Muslims, and a Cold War in which Muslim-majority countries were too often treated as proxies without regard to their own aspirations. Moreover, the sweeping change brought by modernity and globalization led many Muslims to view the West as hostile to the traditions of Islam.
Violent extremists have exploited these tensions in a small but potent minority of Muslims. The attacks of September 11th, 2001 and the continued efforts of these extremists to engage in violence against civilians has led some in my country to view Islam as inevitably hostile not only to America and Western countries, but also to human rights. This has bred more fear and mistrust.
So long as our relationship is defined by our differences, we will empower those who sow hatred rather than peace, and who promote conflict rather than the cooperation that can help all of our people achieve justice and prosperity. This cycle of suspicion and discord must end.
I have come here to seek a new beginning between the United States and Muslims around the world; one based upon mutual interest and mutual respect; and one based upon the truth that America and Islam are not exclusive, and need not be in competition. Instead, they overlap, and share common principles - principles of justice and progress; tolerance and the dignity of all human beings.
I do so recognizing that change cannot happen overnight. No single speech can eradicate years of mistrust, nor can I answer in the time that I have all the complex questions that brought us to this point. But I am convinced that in order to move forward, we must say openly the things we hold in our hearts, and that too often are said only behind closed doors. There must be a sustained effort to listen to each other; to learn from each other; to respect one another; and to seek common ground. As the Holy Koran tells us, "Be conscious of God and speak always the truth." That is what I will try to do - to speak the truth as best I can, humbled by the task before us, and firm in my belief that the interests we share as human beings are far more powerful than the forces that drive us apart.
Part of this conviction is rooted in my own experience. I am a Christian, but my father came from a Kenyan family that includes generations of Muslims. As a boy, I spent several years in Indonesia and heard the call of the azaan at the break of dawn and the fall of dusk. As a young man, I worked in Chicago communities where many found dignity and peace in their Muslim faith.
As a student of history, I also know civilization's debt to Islam. It was Islam - at places like Al-Azhar University - that carried the light of learning through so many centuries, paving the way for Europe's Renaissance and Enlightenment. It was innovation in Muslim communities that developed the order of algebra; our magnetic compass and tools of navigation; our mastery of pens and printing; our understanding of how disease spreads and how it can be healed. Islamic culture has given us majestic arches and soaring spires; timeless poetry and cherished music; elegant calligraphy and places of peaceful contemplation. And throughout history, Islam has demonstrated through words and deeds the possibilities of religious tolerance and racial equality.
I know, too, that Islam has always been a part of America's story. The first nation to recognize my country was Morocco. In signing the Treaty of Tripoli in 1796, our second President John Adams wrote, "The United States has in itself no character of enmity against the laws, religion or tranquility of Muslims." And since our founding, American Muslims have enriched the United States. They have fought in our wars, served in government, stood for civil rights, started businesses, taught at our Universities, excelled in our sports arenas, won Nobel Prizes, built our tallest building, and lit the Olympic Torch. And when the first Muslim-American was recently elected to Congress, he took the oath to defend our Constitution using the same Holy Koran that one of our Founding Fathers - Thomas Jefferson - kept in his personal library.
So I have known Islam on three continents before coming to the region where it was first revealed. That experience guides my conviction that partnership between America and Islam must be based on what Islam is, not what it isn't. And I consider it part of my responsibility as President of the United States to fight against negative stereotypes of Islam wherever they appear.
But that same principle must apply to Muslim perceptions of America. Just as Muslims do not fit a crude stereotype, America is not the crude stereotype of a self-interested empire. The United States has been one of the greatest sources of progress that the world has ever known. We were born out of revolution against an empire. We were founded upon the ideal that all are created equal, and we have shed blood and struggled for centuries to give meaning to those words - within our borders, and around the world. We are shaped by every culture, drawn from every end of the Earth, and dedicated to a simple concept: E pluribus unum: "Out of many, one."
Much has been made of the fact that an African-American with the name Barack Hussein Obama could be elected President. But my personal story is not so unique. The dream of opportunity for all people has not come true for everyone in America, but its promise exists for all who come to our shores - that includes nearly seven million American Muslims in our country today who enjoy incomes and education that are higher than average.
Moreover, freedom in America is indivisible from the freedom to practice one's religion. That is why there is a mosque in every state of our union, and over 1,200 mosques within our borders. That is why the U.S. government has gone to court to protect the right of women and girls to wear the hijab, and to punish those who would deny it.
So let there be no doubt: Islam is a part of America. And I believe that America holds within her the truth that regardless of race, religion, or station in life, all of us share common aspirations - to live in peace and security; to get an education and to work with dignity; to love our families, our communities, and our God. These things we share. This is the hope of all humanity.
Of course, recognizing our common humanity is only the beginning of our task. Words alone cannot meet the needs of our people. These needs will be met only if we act boldly in the years ahead; and if we understand that the challenges we face are shared, and our failure to meet them will hurt us all.
For we have learned from recent experience that when a financial system weakens in one country, prosperity is hurt everywhere. When a new flu infects one human being, all are at risk. When one nation pursues a nuclear weapon, the risk of nuclear attack rises for all nations. When violent extremists operate in one stretch of mountains, people are endangered across an ocean. And when innocents in Bosnia and Darfur are slaughtered, that is a stain on our collective conscience. That is what it means to share this world in the 21st century. That is the responsibility we have to one another as human beings.
This is a difficult responsibility to embrace. For human history has often been a record of nations and tribes subjugating one another to serve their own interests. Yet in this new age, such attitudes are self-defeating. Given our interdependence, any world order that elevates one nation or group of people over another will inevitably fail. So whatever we think of the past, we must not be prisoners of it. Our problems must be dealt with through partnership; progress must be shared.
That does not mean we should ignore sources of tension. Indeed, it suggests the opposite: we must face these tensions squarely. And so in that spirit, let me speak as clearly and plainly as I can about some specific issues that I believe we must finally confront together.
The first issue that we have to confront is violent extremism in all of its forms.
In Ankara, I made clear that America is not - and never will be - at war with Islam. We will, however, relentlessly confront violent extremists who pose a grave threat to our security. Because we reject the same thing that people of all faiths reject: the killing of innocent men, women, and children. And it is my first duty as President to protect the American people.
The situation in Afghanistan demonstrates America's goals, and our need to work together. Over seven years ago, the United States pursued al Qaeda and the Taliban with broad international support. We did not go by choice, we went because of necessity. I am aware that some question or justify the events of 9/11. But let us be clear: al Qaeda killed nearly 3,000 people on that day. The victims were innocent men, women and children from America and many other nations who had done nothing to harm anybody. And yet Al Qaeda chose to ruthlessly murder these people, claimed credit for the attack, and even now states their determination to kill on a massive scale. They have affiliates in many countries and are trying to expand their reach. These are not opinions to be debated; these are facts to be dealt with.
Make no mistake: we do not want to keep our troops in Afghanistan. We seek no military bases there. It is agonizing for America to lose our young men and women. It is costly and politically difficult to continue this conflict. We would gladly bring every single one of our troops home if we could be confident that there were not violent extremists in Afghanistan and Pakistan determined to kill as many Americans as they possibly can. But that is not yet the case.
That's why we're partnering with a coalition of forty-six countries. And despite the costs involved, America's commitment will not weaken. Indeed, none of us should tolerate these extremists. They have killed in many countries. They have killed people of different faiths - more than any other, they have killed Muslims. Their actions are irreconcilable with the rights of human beings, the progress of nations, and with Islam. The Holy Koran teaches that whoever kills an innocent, it is as if he has killed all mankind; and whoever saves a person, it is as if he has saved all mankind. The enduring faith of over a billion people is so much bigger than the narrow hatred of a few. Islam is not part of the problem in combating violent extremism - it is an important part of promoting peace.
We also know that military power alone is not going to solve the problems in Afghanistan and Pakistan. That is why we plan to invest $1.5 billion each year over the next five years to partner with Pakistanis to build schools and hospitals, roads and businesses, and hundreds of millions to help those who have been displaced. And that is why we are providing more than $2.8 billion to help Afghans develop their economy and deliver services that people depend upon.
Let me also address the issue of Iraq. Unlike Afghanistan, Iraq was a war of choice that provoked strong differences in my country and around the world. Although I believe that the Iraqi people are ultimately better off without the tyranny of Saddam Hussein, I also believe that events in Iraq have reminded America of the need to use diplomacy and build international consensus to resolve our problems whenever possible. Indeed, we can recall the words of Thomas Jefferson, who said: "I hope that our wisdom will grow with our power, and teach us that the less we use our power the greater it will be."
Today, America has a dual responsibility: to help Iraq forge a better future - and to leave Iraq to Iraqis. I have made it clear to the Iraqi people that we pursue no bases, and no claim on their territory or resources. Iraq's sovereignty is its own. That is why I ordered the removal of our combat brigades by next August. That is why we will honor our agreement with Iraq's democratically-elected government to remove combat troops from Iraqi cities by July, and to remove all our troops from Iraq by 2012. We will help Iraq train its Security Forces and develop its economy. But we will support a secure and united Iraq as a partner, and never as a patron.
And finally, just as America can never tolerate violence by extremists, we must never alter our principles. 9/11 was an enormous trauma to our country. The fear and anger that it provoked was understandable, but in some cases, it led us to act contrary to our ideals. We are taking concrete actions to change course. I have unequivocally prohibited the use of torture by the United States, and I have ordered the prison at Guantanamo Bay closed by early next year.
So America will defend itself respectful of the sovereignty of nations and the rule of law. And we will do so in partnership with Muslim communities which are also threatened. The sooner the extremists are isolated and unwelcome in Muslim communities, the sooner we will all be safer.
The second major source of tension that we need to discuss is the situation between Israelis, Palestinians and the Arab world.
America's strong bonds with Israel are well known. This bond is unbreakable. It is based upon cultural and historical ties, and the recognition that the aspiration for a Jewish homeland is rooted in a tragic history that cannot be denied.
Around the world, the Jewish people were persecuted for centuries, and anti-Semitism in Europe culminated in an unprecedented Holocaust. Tomorrow, I will visit Buchenwald, which was part of a network of camps where Jews were enslaved, tortured, shot and gassed to death by the Third Reich. Six million Jews were killed - more than the entire Jewish population of Israel today. Denying that fact is baseless, ignorant, and hateful. Threatening Israel with destruction - or repeating vile stereotypes about Jews - is deeply wrong, and only serves to evoke in the minds of Israelis this most painful of memories while preventing the peace that the people of this region deserve.
On the other hand, it is also undeniable that the Palestinian people - Muslims and Christians - have suffered in pursuit of a homeland. For more than sixty years they have endured the pain of dislocation. Many wait in refugee camps in the West Bank, Gaza, and neighboring lands for a life of peace and security that they have never been able to lead. They endure the daily humiliations - large and small - that come with occupation. So let there be no doubt: the situation for the Palestinian people is intolerable. America will not turn our backs on the legitimate Palestinian aspiration for dignity, opportunity, and a state of their own.
For decades, there has been a stalemate: two peoples with legitimate aspirations, each with a painful history that makes compromise elusive. It is easy to point fingers - for Palestinians to point to the displacement brought by Israel's founding, and for Israelis to point to the constant hostility and attacks throughout its history from within its borders as well as beyond. But if we see this conflict only from one side or the other, then we will be blind to the truth: the only resolution is for the aspirations of both sides to be met through two states, where Israelis and Palestinians each live in peace and security.
That is in Israel's interest, Palestine's interest, America's interest, and the world's interest. That is why I intend to personally pursue this outcome with all the patience that the task requires. The obligations that the parties have agreed to under the Road Map are clear. For peace to come, it is time for them - and all of us - to live up to our responsibilities.
Palestinians must abandon violence. Resistance through violence and killing is wrong and does not succeed. For centuries, black people in America suffered the lash of the whip as slaves and the humiliation of segregation. But it was not violence that won full and equal rights. It was a peaceful and determined insistence upon the ideals at the center of America's founding. This same story can be told by people from South Africa to South Asia; from Eastern Europe to Indonesia. It's a story with a simple truth: that violence is a dead end. It is a sign of neither courage nor power to shoot rockets at sleeping children, or to blow up old women on a bus. That is not how moral authority is claimed; that is how it is surrendered.
Now is the time for Palestinians to focus on what they can build. The Palestinian Authority must develop its capacity to govern, with institutions that serve the needs of its people. Hamas does have support among some Palestinians, but they also have responsibilities. To play a role in fulfilling Palestinian aspirations, and to unify the Palestinian people, Hamas must put an end to violence, recognize past agreements, and recognize Israel's right to exist.
At the same time, Israelis must acknowledge that just as Israel's right to exist cannot be denied, neither can Palestine's. The United States does not accept the legitimacy of continued Israeli settlements. This construction violates previous agreements and undermines efforts to achieve peace. It is time for these settlements to stop.
Israel must also live up to its obligations to ensure that Palestinians can live, and work, and develop their society. And just as it devastates Palestinian families, the continuing humanitarian crisis in Gaza does not serve Israel's security; neither does the continuing lack of opportunity in the West Bank. Progress in the daily lives of the Palestinian people must be part of a road to peace, and Israel must take concrete steps to enable such progress.
Finally, the Arab States must recognize that the Arab Peace Initiative was an important beginning, but not the end of their responsibilities. The Arab-Israeli conflict should no longer be used to distract the people of Arab nations from other problems. Instead, it must be a cause for action to help the Palestinian people develop the institutions that will sustain their state; to recognize Israel's legitimacy; and to choose progress over a self-defeating focus on the past.
America will align our policies with those who pursue peace, and say in public what we say in private to Israelis and Palestinians and Arabs. We cannot impose peace. But privately, many Muslims recognize that Israel will not go away. Likewise, many Israelis recognize the need for a Palestinian state. It is time for us to act on what everyone knows to be true.
Too many tears have flowed. Too much blood has been shed. All of us have a responsibility to work for the day when the mothers of Israelis and Palestinians can see their children grow up without fear; when the Holy Land of three great faiths is the place of peace that God intended it to be; when Jerusalem is a secure and lasting home for Jews and Christians and Muslims, and a place for all of the children of Abraham to mingle peacefully together as in the story of Isra, when Moses, Jesus, and Mohammed (peace be upon them) joined in prayer.
The third source of tension is our shared interest in the rights and responsibilities of nations on nuclear weapons.
This issue has been a source of tension between the United States and the Islamic Republic of Iran. For many years, Iran has defined itself in part by its opposition to my country, and there is indeed a tumultuous history between us. In the middle of the Cold War, the United States played a role in the overthrow of a democratically-elected Iranian government. Since the Islamic Revolution, Iran has played a role in acts of hostage-taking and violence against U.S. troops and civilians. This history is well known. Rather than remain trapped in the past, I have made it clear to Iran's leaders and people that my country is prepared to move forward. The question, now, is not what Iran is against, but rather what future it wants to build.
It will be hard to overcome decades of mistrust, but we will proceed with courage, rectitude and resolve. There will be many issues to discuss between our two countries, and we are willing to move forward without preconditions on the basis of mutual respect. But it is clear to all concerned that when it comes to nuclear weapons, we have reached a decisive point. This is not simply about America's interests. It is about preventing a nuclear arms race in the Middle East that could lead this region and the world down a hugely dangerous path.
I understand those who protest that some countries have weapons that others do not. No single nation should pick and choose which nations hold nuclear weapons. That is why I strongly reaffirmed America's commitment to seek a world in which no nations hold nuclear weapons. And any nation - including Iran - should have the right to access peaceful nuclear power if it complies with its responsibilities under the nuclear Non-Proliferation Treaty. That commitment is at the core of the Treaty, and it must be kept for all who fully abide by it. And I am hopeful that all countries in the region can share in this goal.
The fourth issue that I will address is democracy.
I know there has been controversy about the promotion of democracy in recent years, and much of this controversy is connected to the war in Iraq. So let me be clear: no system of government can or should be imposed upon one nation by any other.
That does not lessen my commitment, however, to governments that reflect the will of the people. Each nation gives life to this principle in its own way, grounded in the traditions of its own people. America does not presume to know what is best for everyone, just as we would not presume to pick the outcome of a peaceful election. But I do have an unyielding belief that all people yearn for certain things: the ability to speak your mind and have a say in how you are governed; confidence in the rule of law and the equal administration of justice; government that is transparent and doesn't steal from the people; the freedom to live as you choose. Those are not just American ideas, they are human rights, and that is why we will support them everywhere.
There is no straight line to realize this promise. But this much is clear: governments that protect these rights are ultimately more stable, successful and secure. Suppressing ideas never succeeds in making them go away. America respects the right of all peaceful and law-abiding voices to be heard around the world, even if we disagree with them. And we will welcome all elected, peaceful governments - provided they govern with respect for all their people.
This last point is important because there are some who advocate for democracy only when they are out of power; once in power, they are ruthless in suppressing the rights of others. No matter where it takes hold, government of the people and by the people sets a single standard for all who hold power: you must maintain your power through consent, not coercion; you must respect the rights of minorities, and participate with a spirit of tolerance and compromise; you must place the interests of your people and the legitimate workings of the political process above your party. Without these ingredients, elections alone do not make true democracy.
The fifth issue that we must address together is religious freedom.
Islam has a proud tradition of tolerance. We see it in the history of Andalusia and Cordoba during the Inquisition. I saw it firsthand as a child in Indonesia, where devout Christians worshiped freely in an overwhelmingly Muslim country. That is the spirit we need today. People in every country should be free to choose and live their faith based upon the persuasion of the mind, heart, and soul. This tolerance is essential for religion to thrive, but it is being challenged in many different ways.
Among some Muslims, there is a disturbing tendency to measure one's own faith by the rejection of another's. The richness of religious diversity must be upheld - whether it is for Maronites in Lebanon or the Copts in Egypt. And fault lines must be closed among Muslims as well, as the divisions between Sunni and Shia have led to tragic violence, particularly in Iraq.
Freedom of religion is central to the ability of peoples to live together. We must always examine the ways in which we protect it. For instance, in the United States, rules on charitable giving have made it harder for Muslims to fulfill their religious obligation. That is why I am committed to working with American Muslims to ensure that they can fulfill zakat.
Likewise, it is important for Western countries to avoid impeding Muslim citizens from practicing religion as they see fit - for instance, by dictating what clothes a Muslim woman should wear. We cannot disguise hostility towards any religion behind the pretence of liberalism.
Indeed, faith should bring us together. That is why we are forging service projects in America that bring together Christians, Muslims, and Jews. That is why we welcome efforts like Saudi Arabian King Abdullah's Interfaith dialogue and Turkey's leadership in the Alliance of Civilizations. Around the world, we can turn dialogue into Interfaith service, so bridges between peoples lead to action - whether it is combating malaria in Africa, or providing relief after a natural disaster.
The sixth issue that I want to address is women's rights.
I know there is debate about this issue. I reject the view of some in the West that a woman who chooses to cover her hair is somehow less equal, but I do believe that a woman who is denied an education is denied equality. And it is no coincidence that countries where women are well-educated are far more likely to be prosperous.
Now let me be clear: issues of women's equality are by no means simply an issue for Islam. In Turkey, Pakistan, Bangladesh and Indonesia, we have seen Muslim-majority countries elect a woman to lead. Meanwhile, the struggle for women's equality continues in many aspects of American life, and in countries around the world.
Our daughters can contribute just as much to society as our sons, and our common prosperity will be advanced by allowing all humanity - men and women - to reach their full potential. I do not believe that women must make the same choices as men in order to be equal, and I respect those women who choose to live their lives in traditional roles. But it should be their choice. That is why the United States will partner with any Muslim-majority country to support expanded literacy for girls, and to help young women pursue employment through micro-financing that helps people live their dreams.
Finally, I want to discuss economic development and opportunity.
I know that for many, the face of globalization is contradictory. The Internet and television can bring knowledge and information, but also offensive sexuality and mindless violence. Trade can bring new wealth and opportunities, but also huge disruptions and changing communities. In all nations - including my own - this change can bring fear. Fear that because of modernity we will lose of control over our economic choices, our politics, and most importantly our identities - those things we most cherish about our communities, our families, our traditions, and our faith.
But I also know that human progress cannot be denied. There need not be contradiction between development and tradition. Countries like Japan and South Korea grew their economies while maintaining distinct cultures. The same is true for the astonishing progress within Muslim-majority countries from Kuala Lumpur to Dubai. In ancient times and in our times, Muslim communities have been at the forefront of innovation and education.
This is important because no development strategy can be based only upon what comes out of the ground, nor can it be sustained while young people are out of work. Many Gulf States have enjoyed great wealth as a consequence of oil, and some are beginning to focus it on broader development. But all of us must recognize that education and innovation will be the currency of the 21st century, and in too many Muslim communities there remains underinvestment in these areas. I am emphasizing such investments within my country. And while America in the past has focused on oil and gas in this part of the world, we now seek a broader engagement.
On education, we will expand exchange programs, and increase scholarships, like the one that brought my father to America, while encouraging more Americans to study in Muslim communities. And we will match promising Muslim students with internships in America; invest in on-line learning for teachers and children around the world; and create a new online network, so a teenager in Kansas can communicate instantly with a teenager in Cairo.
On economic development, we will create a new corps of business volunteers to partner with counterparts in Muslim-majority countries. And I will host a Summit on Entrepreneurship this year to identify how we can deepen ties between business leaders, foundations and social entrepreneurs in the United States and Muslim communities around the world.
On science and technology, we will launch a new fund to support technological development in Muslim-majority countries, and to help transfer ideas to the marketplace so they can create jobs. We will open centers of scientific excellence in Africa, the Middle East and Southeast Asia, and appoint new Science Envoys to collaborate on programs that develop new sources of energy, create green jobs, digitize records, clean water, and grow new crops. And today I am announcing a new global effort with the Organization of the Islamic Conference to eradicate polio. And we will also expand partnerships with Muslim communities to promote child and maternal health.
All these things must be done in partnership. Americans are ready to join with citizens and governments; community organizations, religious leaders, and businesses in Muslim communities around the world to help our people pursue a better life.
The issues that I have described will not be easy to address. But we have a responsibility to join together on behalf of the world we seek - a world where extremists no longer threaten our people, and American troops have come home; a world where Israelis and Palestinians are each secure in a state of their own, and nuclear energy is used for peaceful purposes; a world where governments serve their citizens, and the rights of all God's children are respected. Those are mutual interests. That is the world we seek. But we can only achieve it together.
I know there are many - Muslim and non-Muslim - who question whether we can forge this new beginning. Some are eager to stoke the flames of division, and to stand in the way of progress. Some suggest that it isn't worth the effort - that we are fated to disagree, and civilizations are doomed to clash. Many more are simply skeptical that real change can occur. There is so much fear, so much mistrust. But if we choose to be bound by the past, we will never move forward. And I want to particularly say this to young people of every faith, in every country - you, more than anyone, have the ability to remake this world.
All of us share this world for but a brief moment in time. The question is whether we spend that time focused on what pushes us apart, or whether we commit ourselves to an effort - a sustained effort - to find common ground, to focus on the future we seek for our children, and to respect the dignity of all human beings.
It is easier to start wars than to end them. It is easier to blame others than to look inward; to see what is different about someone than to find the things we share. But we should choose the right path, not just the easy path. There is also one rule that lies at the heart of every religion - that we do unto others as we would have them do unto us. This truth transcends nations and peoples - a belief that isn't new; that isn't black or white or brown; that isn't Christian, or Muslim or Jew. It's a belief that pulsed in the cradle of civilization, and that still beats in the heart of billions. It's a faith in other people, and it's what brought me here today.
We have the power to make the world we seek, but only if we have the courage to make a new beginning, keeping in mind what has been written.
The Holy Koran tells us, "O mankind! We have created you male and a female; and we have made you into nations and tribes so that you may know one another."
The Talmud tells us: "The whole of the Torah is for the purpose of promoting peace."
The Holy Bible tells us, "Blessed are the peacemakers, for they shall be called sons of God."
The people of the world can live together in peace. We know that is God's vision. Now, that must be our work here on Earth. Thank you. And may God's peace be upon you.
United Nations : Proclamation of Teheran
Human Rights
United Nations OHCHR Human Rights
Proclamation of Teheran
Proclaimed by the International Conference on Human Rights at Teheran on 13 May 1968
The International Conference on Human Rights,
Having met at Teheran from April 22 to May 13, 1968 to review the progress made in the twenty years since the adoption of the Universal Declaration of Human Rights and to formulate a programme for the future,
Having considered the problems relating to the activities of the United Nations for the promotion and encouragement of respect for human rights and fundamental freedoms,
Bearing in mind the resolutions adopted by the Conference,
Noting that the observance of the International Year for Human Rights takes place at a time when the world is undergoing a process of unprecedented change,
Having regard to the new opportunities made available by the rapid progress of science and technology,
Believing that, in an age when conflict and violence prevail in many parts of the world, the fact of human interdependence and the need for human solidarity are more evident than ever before,
Recognizing that peace is the universal aspiration of mankind and that peace and justice are indispensable to the full realization of human rights and fundamental freedoms,
Solemnly proclaims that:
1. It is imperative that the members of the international community fulfil their solemn obligations to promote and encourage respect for human rights and fundamental freedoms for all without distinctions of any kind such as race, colour, sex, language, religion, political or other opinions;
2. The Universal Declaration of Human Rights states a common understanding of the peoples of the world concerning the inalienable and inviolable rights of all members of the human family and constitutes an obligation for the members of the international community;
3. The International Covenant on Civil and Political Rights, the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, the Declaration on the Granting of Independence to Colonial Countries and Peoples, the International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination as well as other conventions and declarations in the field of human rights adopted under the auspices of the United Nations, the specialized agencies and the regional intergovernmental organizations, have created new standards and obligations to which States should conform;
4. Since the adoption of the Universal Declaration of Human Rights the United Nations has made substantial progress in defining standards for the enjoyment and protection of human rights and fundamental freedoms. During this period many important international instruments were adopted but much remains to be done in regard to the implementation of those rights and freedoms;
5. The primary aim of the United Nations in the sphere of human rights is the achievement by each individual of the maximum freedom and dignity. For the realization of this objective, the laws of every country should grant each individual, irrespective of race, language, religion or political belief, freedom of expression, of information, of conscience and of religion, as well as the right to participate in the political, economic, cultural and social life of his country;
6. States should reaffirm their determination effectively to enforce the principles enshrined in the Charter of the United Nations and in other international instruments that concern human rights and fundamental freedoms;
7. Gross denials of human rights under the repugnant policy of apartheid is a matter of the gravest concern to the international community. This policy of apartheid, condemned as a crime against humanity, continues seriously to disturb international peace and security. It is therefore imperative for the international community to use every possible means to eradicate this evil. The struggle against apartheid is recognized as legitimate;
8. The peoples of the world must be made fully aware of the evils of racial discrimination and must join in combating them. The implementation of this principle of non-discrimination, embodied in the Charter of the United Nations, the Universal Declaration of Human Rights, and other international instruments in the field of human rights, constitutes a most urgent task of mankind at the international as well as at the national level. All ideologies based on racial superiority and intolerance must be condemned and resisted;
9. Eight years after the General Assembly's Declaration on the Granting of Independence to Colonial Countries and Peoples the problems of colonialism continue to preoccupy the international community. It is a matter of urgency that all Member States should co-operate with the appropriate organs of the United Nations so that effective measures can be taken to ensure that the Declaration is fully implemented;
10. Massive denials of human rights, arising out of aggression or any armed conflict with their tragic consequences, and resulting in untold human misery, engender reactions which could engulf the world in ever growing hostilities. It is the obligation of the international community to co-operate in eradicating such scourges;
11. Gross denials of human rights arising from discrimination on grounds of race, religion, belief or expressions of opinion outrage the conscience of mankind and endanger the foundations of freedom, justice and peace in the world;
12. The widening gap between the economically developed and developing countries impedes the realization of human rights in the international community. The failure of the Development Decade to reach its modest objectives makes it all the more imperative for every nation, according to its capacities, to make the maximum possible effort to close this gap;
13. Since human rights and fundamental freedoms are indivisible, the full realization of civil and political rights without the enjoyment of economic, social and cultural rights is impossible. The achievement of lasting progress in the implementation of human rights is dependent upon sound and effective national and international policies of economic and social development;
14. The existence of over seven hundred million illiterates throughout the world is an enormous obstacle to all efforts at realizing the aims and purposes of the Charter of the United Nations and the provisions of the Universal Declaration of Human Rights. International action aimed at eradicating illiteracy from the face of the earth and promoting education at all levels requires urgent attention;
15. The discrimination of which women are still victims in various regions of the world must be eliminated. An inferior status for women is contrary to the Charter of the United Nations as well as the provisions of the Universal Declaration of Human Rights. The full implementation of the Declaration on the Elimination of Discrimination against Women is a necessity for the progress of mankind;
16. The protection of the family and of the child remains the concern of the international community. Parents have a basic human right to determine freely and responsibly the number and the spacing of their children;
17. The aspirations of the younger generation for a better world, in which human rights and fundamental freedoms are fully implemented, must be given the highest encouragement. It is imperative that youth participate in shaping the future of mankind;
18. While recent scientific discoveries and technological advances have opened vast prospects for economic, social and cultural progress, such developments may nevertheless endanger the rights and freedoms of individuals and will require continuing attention;
19. Disarmament would release immense human and material resources now devoted to military purposes. These resources should be used for the promotion of human rights and fundamental freedoms. General and complete disarmament is one of the highest aspirations of all peoples;
Therefore,
The International Conference on Human Rights,
1. Affirming its faith in the principles of the Universal Declaration of Human Rights and other international instruments in this field,
2. Urges all peoples and governments to dedicate themselves to the principles enshrined in the Universal Declaration of Human Rights and to redouble their efforts to provide for all human beings a life consonant with freedom and dignity and conducive to physical, mental, social and spiritual welfare.
CONTACT TOP HOME INSTRUMENTS DOCUMENTS INDEX SEARCH
© Copyright 1997 - 2002
Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights
Geneva, Switzerland
United Nations OHCHR Human Rights
Proclamation of Teheran
Proclaimed by the International Conference on Human Rights at Teheran on 13 May 1968
The International Conference on Human Rights,
Having met at Teheran from April 22 to May 13, 1968 to review the progress made in the twenty years since the adoption of the Universal Declaration of Human Rights and to formulate a programme for the future,
Having considered the problems relating to the activities of the United Nations for the promotion and encouragement of respect for human rights and fundamental freedoms,
Bearing in mind the resolutions adopted by the Conference,
Noting that the observance of the International Year for Human Rights takes place at a time when the world is undergoing a process of unprecedented change,
Having regard to the new opportunities made available by the rapid progress of science and technology,
Believing that, in an age when conflict and violence prevail in many parts of the world, the fact of human interdependence and the need for human solidarity are more evident than ever before,
Recognizing that peace is the universal aspiration of mankind and that peace and justice are indispensable to the full realization of human rights and fundamental freedoms,
Solemnly proclaims that:
1. It is imperative that the members of the international community fulfil their solemn obligations to promote and encourage respect for human rights and fundamental freedoms for all without distinctions of any kind such as race, colour, sex, language, religion, political or other opinions;
2. The Universal Declaration of Human Rights states a common understanding of the peoples of the world concerning the inalienable and inviolable rights of all members of the human family and constitutes an obligation for the members of the international community;
3. The International Covenant on Civil and Political Rights, the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, the Declaration on the Granting of Independence to Colonial Countries and Peoples, the International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination as well as other conventions and declarations in the field of human rights adopted under the auspices of the United Nations, the specialized agencies and the regional intergovernmental organizations, have created new standards and obligations to which States should conform;
4. Since the adoption of the Universal Declaration of Human Rights the United Nations has made substantial progress in defining standards for the enjoyment and protection of human rights and fundamental freedoms. During this period many important international instruments were adopted but much remains to be done in regard to the implementation of those rights and freedoms;
5. The primary aim of the United Nations in the sphere of human rights is the achievement by each individual of the maximum freedom and dignity. For the realization of this objective, the laws of every country should grant each individual, irrespective of race, language, religion or political belief, freedom of expression, of information, of conscience and of religion, as well as the right to participate in the political, economic, cultural and social life of his country;
6. States should reaffirm their determination effectively to enforce the principles enshrined in the Charter of the United Nations and in other international instruments that concern human rights and fundamental freedoms;
7. Gross denials of human rights under the repugnant policy of apartheid is a matter of the gravest concern to the international community. This policy of apartheid, condemned as a crime against humanity, continues seriously to disturb international peace and security. It is therefore imperative for the international community to use every possible means to eradicate this evil. The struggle against apartheid is recognized as legitimate;
8. The peoples of the world must be made fully aware of the evils of racial discrimination and must join in combating them. The implementation of this principle of non-discrimination, embodied in the Charter of the United Nations, the Universal Declaration of Human Rights, and other international instruments in the field of human rights, constitutes a most urgent task of mankind at the international as well as at the national level. All ideologies based on racial superiority and intolerance must be condemned and resisted;
9. Eight years after the General Assembly's Declaration on the Granting of Independence to Colonial Countries and Peoples the problems of colonialism continue to preoccupy the international community. It is a matter of urgency that all Member States should co-operate with the appropriate organs of the United Nations so that effective measures can be taken to ensure that the Declaration is fully implemented;
10. Massive denials of human rights, arising out of aggression or any armed conflict with their tragic consequences, and resulting in untold human misery, engender reactions which could engulf the world in ever growing hostilities. It is the obligation of the international community to co-operate in eradicating such scourges;
11. Gross denials of human rights arising from discrimination on grounds of race, religion, belief or expressions of opinion outrage the conscience of mankind and endanger the foundations of freedom, justice and peace in the world;
12. The widening gap between the economically developed and developing countries impedes the realization of human rights in the international community. The failure of the Development Decade to reach its modest objectives makes it all the more imperative for every nation, according to its capacities, to make the maximum possible effort to close this gap;
13. Since human rights and fundamental freedoms are indivisible, the full realization of civil and political rights without the enjoyment of economic, social and cultural rights is impossible. The achievement of lasting progress in the implementation of human rights is dependent upon sound and effective national and international policies of economic and social development;
14. The existence of over seven hundred million illiterates throughout the world is an enormous obstacle to all efforts at realizing the aims and purposes of the Charter of the United Nations and the provisions of the Universal Declaration of Human Rights. International action aimed at eradicating illiteracy from the face of the earth and promoting education at all levels requires urgent attention;
15. The discrimination of which women are still victims in various regions of the world must be eliminated. An inferior status for women is contrary to the Charter of the United Nations as well as the provisions of the Universal Declaration of Human Rights. The full implementation of the Declaration on the Elimination of Discrimination against Women is a necessity for the progress of mankind;
16. The protection of the family and of the child remains the concern of the international community. Parents have a basic human right to determine freely and responsibly the number and the spacing of their children;
17. The aspirations of the younger generation for a better world, in which human rights and fundamental freedoms are fully implemented, must be given the highest encouragement. It is imperative that youth participate in shaping the future of mankind;
18. While recent scientific discoveries and technological advances have opened vast prospects for economic, social and cultural progress, such developments may nevertheless endanger the rights and freedoms of individuals and will require continuing attention;
19. Disarmament would release immense human and material resources now devoted to military purposes. These resources should be used for the promotion of human rights and fundamental freedoms. General and complete disarmament is one of the highest aspirations of all peoples;
Therefore,
The International Conference on Human Rights,
1. Affirming its faith in the principles of the Universal Declaration of Human Rights and other international instruments in this field,
2. Urges all peoples and governments to dedicate themselves to the principles enshrined in the Universal Declaration of Human Rights and to redouble their efforts to provide for all human beings a life consonant with freedom and dignity and conducive to physical, mental, social and spiritual welfare.
CONTACT TOP HOME INSTRUMENTS DOCUMENTS INDEX SEARCH
© Copyright 1997 - 2002
Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights
Geneva, Switzerland
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC : TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)
TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)
LỜI MỞ ĐẦU
Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, đượïc giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
Vì vậy,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1. Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2. Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1. Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2. Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1. Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2. Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1. Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1. Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1. Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1. Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
2. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1. Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2. Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1. Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2. Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3. Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4. Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1. Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2. Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1. Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1. Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2. Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1. Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3. Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
(Phỏng theo bản dịch của Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền
với sự tu chính của Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền.)
LỜI MỞ ĐẦU
Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, đượïc giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
Vì vậy,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1. Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2. Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1. Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2. Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1. Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2. Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1. Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1. Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1. Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1. Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
2. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1. Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2. Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1. Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2. Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3. Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4. Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1. Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2. Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1. Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1. Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2. Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1. Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3. Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
(Phỏng theo bản dịch của Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền
với sự tu chính của Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền.)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)