Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi
07/06/2009 | 10:00 sáng |
Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Nhân có nhà văn nữ hải ngoại đề nghị nên có một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng, lại đọc bài của T. Vấn về “Tình trẻ Tình già” có mấy câu thơ của tiên sinh, bất giác hồi ức lại dội về một khuôn mặt mà chính tôi một thời được trải nghiệm, dù chỉ là mảnh vụn của quá khứ nhưng cũng là chút hoài niệm khó quên.
Tôi biết Bùi Giáng vào những năm cuối thập niên sáu mươi qua một số bài thơ tình đọc trên các báo Sài Gòn. Đối với thế hệ tuổi tôi, biết ông như vậy là quá muộn, một phần có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Vào những năm này người ta ít đọc thơ, đọc văn, chủ yếu là nghe nhạc để khuây khỏa nỗi buồn xa thành phố, xa người yêu, để bùi ngùi tiếc thương cho những cái chết quá trẻ, những thiếu phụ chít khăn sô quá sớm, sâu hơn là gặm nhấm nỗi xót xa cho thân phận của một đất nước “nội chiến từng ngày”. Nói như vậy, nhưng văn thơ miền Nam ở thời điểm này không phải là đã tắt, các nhà văn nhà thơ lớn, cựu trào vẫn còn đó, các tài năng thơ văn thế hệ hậu sinh vẫn còn đây. Nhưng giới thưởng thức thơ, trân trọng thơ, đam mê thơ thì phải nói là đang ở độ dốc. Các bài thơ tự nó chỉ được thăng hoa khi thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nhờ nhạc thơ mới đến độc giả. Sự hỗ tương do nhu cầu thưởng thức, công bằng mà nói có khi nhạc phải nhờ thơ để đi vào lòng quần chúng.
Chính vậy mà nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, coi như nét thời thượng của phong cách sáng tác, thậm chí gần 70% những bài hát nổi tiếng của Phạm Duy là nhờ phần lời của những con tằm nhả tơ xuất xứ từ các nhà thơ. Nhưng cũng phải công nhận Phạm Duy là phù thủy về chọn thơ chuyển chữ để đưa vào âm nhạc và theo tôi ông cần được nhắc nhớ như nhà phổ nhạc bậc thầy của thế kỷ 20. Rất tiếc do bị lép vế, nhiều nhà thơ không được kể là đồng tác giả, khiến tên tuổi họ bị lu mờ hoặc lãng quên. Chính vậy mà ở những ca khúc đi vào lòng người nhờ sự chuyên chở của thơ, như “Kỷ vật cho em”, có ai biết Linh Phương? “Em gái Pleiku”, còn ai nhớ Vũ Hữu Định? “Ngày xưa Hoàng thị”, chẳng ai đi tìm Phạm Thiên Thư! Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc. Có thể họ không dám đụng đến một thi sĩ có tầm vóc mà tự thân tác phẩm chẳng cần phải quảng bá ngợi ca bằng các phương tiện truyền thông nào khác, hoặc vì thơ ông trong đó đã có nhạc, thơ ông là nhạc hoặc hay hơn nhạc? Nói thế để tôi an ủi tôi vì nếu thơ của ông được phổ nhạc sớm chắc tôi đã yêu Bùi Giáng từ lâu.
Đến khi ra hải ngoại, tôi không thể hình dung khi được đọc những đánh giá rất trân trọng về thơ ông của những nhà văn lớn, những nhà phê bình có uy tín cả trong lẫn ngoài nước khi liệt ông là hàng thiên tài, cây đại thụ về thơ của miền Nam. Tìm đọc những vần thơ tiêu biểu theo sự gợi ý của những người viết đánh giá thơ ông, bản thân tôi mới thấy là một niềm nuối tiếc khi bỏ lỡ cơ hội được làm quen với những câu chữ của một tài năng bậc thầy đã sống cùng thời ngay trong con phố của thành phố mình, một Sài Gòn phủ lá me xanh với những buổi chiều mưa rồi chợt nắng. Có một sự đồng thuận là sau 75, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc người ta đều trân trọng thơ ông, đánh giá ông bằng cách nhìn khách quan, công bằng của những người làm văn học chân chính. Cũng có thể vì ông chẳng dính líu gì với các chế độ chính trị (vị thế bên lề - PTH), cũng có thể vì tác phẩm của ông thiên về những giá trị nhân bản của một thời xã hội nhiễu nhương, lại có phần thương cảm cho một số phận lâm vào cảnh mất thăng bằng tâm thức (dù chưa một lần được xác minh bằng “hội chẩn bệnh lý” của các chuyên gia tâm thần). Thậm chí trong ý hướng trân trọng thơ ông, một nhà thơ lớn đã nói cuộc đời này nếu không có thơ Bùi Giáng thì chẳng khác gì “một ngày không có hoàng hôn”. Rồi lại đi xa hơn, khi người ta muốn vinh danh ông bằng môt sự kiện không phải là chỉ trân trọng tác phẩm, công trình sáng tác mà còn muốn khuyến khích những tài năng, tạo sự thúc đẩy, khơi dậy cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp bằng một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng. Dù sáng kiến được trình làng từ nhiều năm nay, nhưng tôi nghĩ là chưa có sự đồng thuận trọn vẹn. Điều này cũng dễ hiểu khi người chủ xướng là một nhà văn nữ tên tuổi của miền Bắc, mà công trình sáng tạo của Bùi Giáng mới chỉ được cả hai miền cùng biết đến sau ngày thống nhất Bắc-Nam. Chưa kể nhiều cây đại thụ, nhiều khuôn mặt lớn trong lãnh vực thơ vẫn còn đó hay đi vào yên nghỉ cũng là điều khó bình chọn khi lấy một tên tuổi đặt cho một giải thưởng văn chương. Với tư cách độc giả, tôi không dám lạm bàn về sáng kiến này. Nhưng nếu quả như Phạm Thị Hoài đã minh xác, “không một số phận văn chương nào của cả thế kỷ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng… và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho văn học Việt Nam đương đại” thì nếu có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra bảo trợ, có người yêu thơ hoặc nhóm thi văn nào làm Mạnh Thường quân thì giải thưởng Bùi Giáng bằng một cách nhìn thông thoáng, thiện ý nào đó xứng đáng được tiến hành để không những vinh danh ông mà còn làm biểu tượng chung cho văn học hôm nay.
Nhân tản mản về Bùi Giáng, hình ảnh một ông già hay thất thểu băng qua đường phố tại khu Đại học Vạn Hạnh gần chợ Trương Minh Giảng, cạnh khu nhà của mẹ tôi vào những tháng ngày Sài Gòn ngột ngạt đầu bảy mươi đã đọng lại trong tôi một thoáng ký ức tuy ngắn ngủi nhưng lại là kỷ niệm khó quên. Nhà thơ lúc này khoảng trung tuần năm mươi, tóc ông để chấm vai nên khó đoán tuổi, vầng trán thanh thoát, sắc da nửa như đồi mồi, mắt sáng thỉnh thoảng lóe lên nét giận dữ, bực bội u uất thì đúng hơn, miệng hay chúm lại lẩm bẩm những điều nghe không rõ tựa như kể chuyện, phân bua, rủa sả điều gì, quả đúng như có lần ông ngẫu hứng, uống và say nói lăng nhăng/ miệng mồm lý nhí thằn lằn đứt đuôi. Có khi tay lại khoa vòng tròn, đôi lúc chỉ trỏ, bàn tay không cầm gì, trừ điếu thuốc lá cháy dở cứ cầm mà không hút. Ăn mặc thì hơi lạ, vạt áo nửa như áo của tu sĩ Phật giáo, nửa như kiểu bà ba của mấy ông già Bến Tre. Trên nền của tà áo có những mảng vải màu sắc như cầu vồng, trông giống những miếng vá chằng vá đụp của các bà già quê vùng sông Hồng, nhưng sắp xếp có vẻ công phu. Quần thì bình thường như quần của các ông già Nam bộ mặc trong các buổi trưa hè màu trắng hoặc màu trứng gà. Chân đi đất, dáng có lúc thất thểu như say, nhưng không phải là say, có lúc lại doạ ai như kiểu người điên mà mặt vẫn đăm chiêu như nhà hiền triết. Ông không đứng một chỗ, ông hay băng qua đường, làm như ông đang ở thế giới khác, nên cứ qua là qua, muốn sang là sang, xe tránh ông chứ ông không tránh xe, xe chờ ông chứ ông không chờ ai. Vì là nơi tụ điểm một bên là các nhóm sinh viên Văn khoa Vạn Hạnh, một bên là những người bán buôn trong chốn chợ đông, lại kẹt một cái cầu phải băng qua nếu muốn vào trung tâm thành phố, nên tình trạng lưu thông khu vực trở nên tắc ách, dòng xe như ùn lại. Mọi người nhìn ông như nhìn một sinh vật lạ, không ai dám bảo ông điên, chẳng ai quả quyết ông say. Không ai nỡ chửi thề, chẳng ai tỏ ra nạt nộ. Người cảnh sát già gác chợ cũng chẳng can thiệp, vì bản năng nghề nghiệp mách bảo cho ông biết ông già này được mọi người kính trọng, chắc là một trí thức bất đắc chí với cuộc đời, biết đâu đang đau nỗi đau của người cha mất con, trong chiến tranh mẫu người này không phải là hiếm. Quả thật trong ông già này toát ra một cái thần khiến người qua đường có sự nể phục. Đám sinh viên vẫn lễ phép xưng thầy, dân hàng chợ vẫn xưng ông bằng cụ, có người tỏ vẻ tài khôn chỉ trỏ bảo ông là giáo sư Bùi Giáng, kèm theo lời tội nghiệp “thế mà ông thầy lại điên”. Điều đáng nói là chẳng ai trong đám đông nhận ra cái nét vĩ đại nhất trong ông để biết ông là nhà thơ, một người mà vài thập niên sau được người ta xưng tụng là thiên tài trong lãnh vực thơ văn và nếu hiểu theo cách nào đó thì hình như chính ông đã dự ngôn như một lời tiên tri về tài năng và số phận của mình khi tỏ lộ, em về trúc thạch mốt mai/ sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên (Mười hai con mắt).
Bẵng đi nhiều năm, không thấy ông xuất hiện ở khu Vạn Hạnh, có người tưởng ông đã chết, có người đoán chắc cảnh sát giao thông đã hốt ông đi. Nhưng tình cờ thằng cháu tôi lại gặp ông ở khu chợ Trương Minh Giảng vào khoảng đầu thập niên tám mươi. Nó thường gặp ông về đêm, hai ông cháu chia nhau ngủ trên các thớt thịt của chợ. Nó thì đang trốn nghĩa vụ vì có bố đi cải tạo, lại không muốn chết bên xứ Chùa Tháp. Còn ông già thì chẳng hiểu duyên cớ gì mà nhà không ngủ lại đi ngủ chợ. Chính nó khám phá ra ông là nhà thơ, học hỏi được ít điều từ ông, rồi khi thấy không trốn được nữa, nó nghe lời ông trở về nhà và đi sang Miên. Ít năm sau xuất ngũ, nó có đi tìm ông nhưng không biết ông ở đâu, nó chắc ông đã chết. Nhiều người cũng nghĩ như nó khi không thấy ông, cứ cho là chắc ông đã về cõi âm, một ông già như từ núi Sam trở về thành phố mang vóc dáng của người âm trên trần thế. Nhiều giai thoại về nhân vật này được đám dân chợ thêu dệt thêm làm cho “ông già ngủ chợ” bỗng thành con người huyền thoại trong xóm bình dân khu tôi.
Khi viết những dòng này lại liên tưởng đã gần ba trăm năm người ta khóc Tố Như, không hiểu mấy thế kỷ sau có còn ai nhắc tới Bùi tiên sinh khi ông viết em về mấy thế kỷ sau/ nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không. Không hiểu sao các thiên tài hay tự hỏi sau này có ai khóc mình không vì một khi có chữ “thiên” đi kèm thì tự nhiên mọi sự mọi danh đã đi vào thiên thu vĩnh cửu. Cũng theo cách hiểu của tôi, những kẻ hậu bối chẳng phải chờ mấy thế kỷ sau mà chừng nào tiếng Việt còn thì hồn thơ của Bùi Giáng vẫn còn và được trân trọng với “nguyên mầu” của thi văn, của trăng, của thời gian…
Cali, tháng 5/09
© 2009 Đỗ Xuân Tê
© 2009 talawas blog
Create PDF
Phản hồi
1 phản hồi (bài “Bùi Giáng: “Ông già ngủ chợ”, một thoáng trong mắt tôi”)
1.
Thai Nguyen nói:
07/06/2009 lúc 10:03 chiều
Đỗ Xuân Tê viết: “Có điều lạ là nhiều bài thơ của Bùi Giáng khi có dịp đọc lại cũng rất mượt mà, lãng mạn, xót xa rất tiệp với tâm thức và trình độ thưởng thức một thời mà sao không thấy được phổ nhạc.”
Ngờ rằng không đúng hẳn. Ông Phạm Duy thì lấy lời thơ của Bùi Giáng để ra bài Tục Ca số 3: Gái Lội Qua Khe. Ông Trịnh Công Sơn cũng rinh 1 câu thơ trong bài Mắt Buồn của Bùi thi sĩ làm thành bài Con Mắt Còn Lại.
Điều đáng buồn là nhạc tính cả 2 bài này đều nghèo nàn.
© talawas 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét