15/2/13

Sinh Nhật Của Hoa Quỳnh


Nguyễn Tôn Nhan

anh gói kín một hoa Quỳnh mới nở
đến bên em cẩn trọng đặt môi hôn
từ thuở ấy nguyệt mang mang dưới nước
là xương xanh da thịt ủ trong hồn
em yêu dấu tặng anh bàn tay lạ
buổi đất trời mây trắng vội bay đi
anh quỳ gối nghe thiên thu bên má
nụ hôn em ấm lại tuổi nhu mì
anh sẽ gói một hoa Quỳnh , có lẽ
dưới dương gian ân ái cũng mơ hồ
em thầm kín đến bên anh nhè nhẹ
gửi chút tình khờ dại rất nên thơ
em có áo trinhnguyên như nguyệt bạch
tóc man thiên ngai ngái nụ bông trời
anh chỉ biết quỳ bên em và biết
sợ sương hàn xuống đụng tới hai vai
anh sợ quá lạnh dồn lên tới mắt
một đêm mai hư huyễn gọi nhau về
sao rụng bám cả hồn anh rất chặt
những hoa Quỳnh ướt mộng của xưa kia
anh sẽ ở trong bàn tay mềm mỏng
chân đạp lên sương trắng rụng như bông
anh sẽ ngậm hạt cau non ngát mộng
chia cho em ảo ảnh quý vô cùng
một ngày mai rừng đông chim quyến rũ
rủ anh vào điên đảo cuộc rong chơi
nhưng hừng sớm bên dòng con thác lũ
anh chợt thèm tiếng dội thuả xa xôi
rồi anh trở về thở gấp như sao
ngợ tiếng ai kêu một buổi nào
anh biết có lòng em bát ngát
vẫn tỏa ngườm thấu vọng đến ngàn sau
chúng ta đan một vòng tay rất nhỏ
đủ cho nhau với quả đất thơm hương
anh sẽ gói triệu hoa Quỳnh ướt nữa
để riêng em chôn kín mắt môi buồn
dưới nhật nguyệt gửi trao dù rất nhỏ
chút chân tình sương khói phải không Hương ?

Nguyễn Tôn Nhan
(Tháng Giêng SG  Anh Làm Thơ Yêu Em - 1972)

14/2/13

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2)

Ảnh: Danlambao

12.02.2013

 bởi Nguyễn Hưng Quốc

Về thể loại của Bên Thắng Cuộc, có hai khía cạnh cần chú ý: phương pháp nghiên cứu và cách trình bày.

Về phương pháp, Huy Đức thu thập tài liệu chủ yếu qua các cuộc phỏng vấn, “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”, một phương pháp gắn liền với ngành khẩu sử (oral history), một lối viết thịnh hành ở Tây phương từ khoảng cuối thập niên 1960, và trở thành một ngành học ở các đại học Tây phương từ cuối thế kỷ 20. Khẩu sử khác lịch sử. Khác, trước hết, ở nguồn tài liệu: với lịch sử, chủ yếu là các văn bản viết; với khẩu sử, chủ yếu là các lời kể của những người trong cuộc hoặc chứng nhân được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Khác nữa, ở đối tượng: với lịch sử, đó là các tài liệu lịch sử, nói cách khác, lịch sử là lịch sử trên lịch sử; với khẩu sử, đó là ký ức, hoặc ký ức cá nhân hoặc ký ức tập thể. Khác, cuối cùng, còn ở tính chất, như là hệ quả của hai cái khác ở trên: trong khi văn bản viết là những gì đã được công bố, nghĩa là, thứ nhất, thuộc về công chúng; thứ hai, với những mức độ khác nhau, được xác minh, do đó, được xem là ít nhiều đáng tin cậy; các lời kể trong các cuộc phỏng vấn, ngược lại, gắn liền với từng cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm riêng, chúng có thể bị khúc xạ, bị biến dạng, thậm chí, được “viết lại” theo những thay đổi trong tâm lý của người kể. Nói cách khác, trong khi lịch sử là những gì đã được chọn lọc khá kỹ, khẩu sử thường là những vật liệu thô; trong khi những người viết sử như những người làm việc trong các tiệm kim hoàn, những người viết khẩu sử như những người làm việc với vỉa quặng trong các hầm mỏ.

Tuy nhiên, về bản chất, lịch sử và khẩu sử giống nhau ở khá nhiều điểm. Thứ nhất, chúng đều là những hình thức diễn ngôn về quá khứ (discourse about the past) chứ không phải bản thân quá khứ. Quá khứ là những gì đã qua và đã biến mất. Diễn ngôn về quá khứ là những tự sự được xây dựng để tái tạo lại quá khứ ấy nhằm đáp ứng một nhu cầu trong hiện tại. Thứ hai, là diễn ngôn, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều có tính chất chủ quan, hoặc của một người hoặc của một nhóm người. Thứ ba, do tính chất chủ quan ấy, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều luôn luôn được viết lại. Mỗi thời đại hoặc mỗi thế hệ đều cảm thấy có nhu cầu tái cấu trúc ký ức và diễn dịch lại quá khứ, do đó, bao giờ cũng tìm cách viết lại những gì các thế hệ đi trước đã viết.

Về cách trình bày, Bên Thắng Cuộc có tính chất báo chí hơn là lịch sử. Có hai điểm khác nhau căn bản giữa báo chí và lịch sử: Thứ nhất, trong khi lịch sử nặng về phân tích, báo chỉ nặng về miêu tả; thứ hai, trong việc sử dụng tài liệu, kể cả tư liệu lấy được từ các cuộc phỏng vấn, yêu cầu cao nhất đối với lịch sử là mức độ khả tín, nghĩa là cần được đối chiếu và xác minh cẩn thận; với báo chí, là tính chất tươi ròng của tài liệu; và vì tính chất tươi ròng ấy, nhiều lúc chưa chắc chúng đã chính xác, hoặc nếu chính xác, chưa chắc đã có ý nghĩa tiêu biểu đủ để phản ánh thực chất của vấn đề.

Nhìn Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm báo chí dựa trên phương pháp khẩu sử, chúng ta dễ dàng chấp nhận một số khuyết điểm vốn rất dễ thấy trong cuốn sách.

Thứ nhất, về phương diện cấu trúc, đặc biệt ở tập 2, “Quyền bính”; ở đó, thứ nhất, quan hệ giữa các chương không theo một trật tự logic nào cả; thứ hai, giữa các chương cũng không có sự cân đối cần thiết: có một số chương được viết kỹ và nhiều chi tiết (ví dụ về Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt) hơn hẳn các chương khác (ví dụ về Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh). Lý do khá dễ hiểu: Huy Đức không hoàn toàn làm chủ nguồn tư liệu của mình. Với những người anh tiếp cận được dễ, anh viết sâu; với những người ở xa, anh viết cạn. Vậy thôi.

Thứ hai, về vấn đề tư liệu. Huy Đức phỏng vấn rất nhiều người, nhưng không phải TẤT CẢ mọi người ở mọi phía; hơn nữa, anh chưa tiếp cận được những nguồn tài liệu mật của Bộ Chính trị nên nhiều vấn đề vẫn khiến người đọc hoang mang. Trong số đó, có hai vấn đề lớn nhất: Một, việc cuối năm 1967, Hồ Chí Minh thường xuyên sang Trung Quốc dưỡng bệnh và Võ Nguyên Giáp thì được cử đi Hungary. Nhiều người cho đó là một cách nghi binh nhằm che giấu ý đồ tổng tấn công vào Tết Mậu Thân. Huy Đức, theo lời kể của một số người, cho hai người bị đưa đi “an trí” để Lê Đức Thọ ra tay thâu tóm quyền lực. Cách giải thích như vậy lại làm nảy sinh nhiều vấn đề khác: chẳng hạn, tại sao Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại tung ra cuộc đấu đá nội bộ ở vào một thời điểm quan trọng, lúc họ cần đoàn kết và tập trung nhất cho một trận chiến quyết liệt như vậy? Hai, Huy Đức cho giới lãnh đạo Việt Nam, trong những năm 1976 và 1977, không đánh giá đúng mức sự thù nghịch của Pol Pot đối với Việt Nam và từ đó, tầm vóc của cuộc chiến tranh chống Việt Nam do Pol Pot phát động, và đầu năm 1979, hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam (GP, tr. 76); tuy nhiên, trước đó, anh lại kể, từ cuối năm 1977, trong chuyến thăm Cần Giờ, Lê Duẩn đã trả lời thắc mắc của một số đảng viên trong huyện ủy: “Các đồng chí hỏi đúng vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm, ngủ không được. Không phải là vấn đề Khmer Đỏ mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi.” (GP, tr. 72-3) Biết thế mà vẫn “bất ngờ” là sao?

Thứ ba, quan trọng nhất, nhiều chương chỉ có tính chất tự sự nhưng lại thiếu hẳn tính chất phân tích, do đó, tuy hấp dẫn, chúng không giải thích được gì cả. Ví dụ, trong tập “Giải phóng”, Huy Đức viết về Lê Duẩn khá dài, nhưng phần lớn đều tập trung vào cuộc sống và tính cách của ông: Ông có hai vợ, một ở miền Bắc và một ở miền Nam; lúc ở miền Nam, ông nổi tiếng về nhiệt tình và năng lực làm việc không biết mệt mỏi, lúc ra miền Bắc, ông lại nổi tiếng là thích nói chuyện lý thuyết, và khi nói chuyện, có thói quen hay ngắt lời người khác. Nhưng có những điểm quan trọng nhất lại không được phân tích: Một, tại sao Hồ Chí Minh lại tin cậy Lê Duẩn đến độ giao ngay cho ông chức Tổng Bí thư ngay sau khi ông mới ra Hà Nội như vậy? Lúc ấy, chung quanh Hồ Chí Minh, ngoài Trường Chinh vốn đã bị mang tiếng sau vụ cải cách ruộng đất, có rất nhiều tay chân thân thiết, kể cả hai người được ông và nhiều người khác yêu mến: Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng? Hai, tại sao, từ miền Nam mới ra Bắc, hầu như hoàn toàn đơn độc, chỉ trong vòng mấy năm, Lê Duẩn đã có thể thao túng toàn bộ guồng máy đảng Cộng sản, lấn át quyền hành của tất cả mọi người, kể cả Hồ Chí Minh, như vậy? Ông sử dụng các biện pháp gì để xây dựng vây cánh và quyền lực một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy? Ba, tại sao một người nổi tiếng quyền biến và, đến lúc chết, vẫn có uy tín rất lớn, không những ở miền Bắc mà còn trên cả thế giới, như Hồ Chí Minh, lại đành nhẫn nhục chịu đựng cảnh bị Lê Duẩn tước đoạt quyền hành mà không hề tìm cách kháng cự như vậy? Đó là những vấn đề giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại không thể không đặt ra.

Những khuyết điểm trên có thể được chấp nhận hoặc bỏ qua nếu chúng ta đọc Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm tường thuật về tình hình chính trị của một thời đại. Mang tính báo chí, Bên Thắng Cuộc gần với khẩu sử hơn lịch sử. Tự bản chất, khẩu sử là ký ức. Với ký ức, quan trọng nhất là câu chuyện chứ không phải phân tích. Mà các câu chuyện trong Bên Thắng Cuộc thì không những hấp dẫn mà còn đa dạng vô cùng. Tính chất đa dạng ấy làm cho bức tranh Huy Đức mô tả trở thành đa diện. Nhìn từ góc độ ấy, chúng ta sẽ thấy có khi ngay cả những chi tiết nhí nhắt nhất cũng có thể hữu ích. Ví dụ, lời tâm sự của bà Nguyễn Thụy Nga (trong sách có lúc viết tên lót là Thụy, lúc lại viết là Thị), người “vợ miền Nam” của Lê Duẩn, về chồng bà: “Trong tình yêu anh cũng như con nít” (GP, tr. 117). Câu ấy, tự nó, không tiết lộ được điều gì cả. Thì có người đàn ông nào, trong tình yêu, lại không giống con nít? Nhưng nó vẫn giúp người đọc, khi nhìn lại Lê Duẩn, thấy ở ông, ngoài hình ảnh một nhà lãnh đạo cuồng tín, thủ đoạn và độc đoán, còn có một khía cạnh khác: một con người. Những cách nói năng kiểu “thằng này, thằng nọ” của Nguyễn Văn Linh, cũng vậy, đều tiết lộ một cá tính. Đối với người bình thường, cá tính thường bị loại trừ từ góc độ nghề nghiệp. Nhưng với các chính khách, đặc biệt khi chính khách ấy nắm giữ vai trò lãnh đạo, cá tính lại được chú ý vì nó ảnh hưởng đến chính sách, từ đó, đến đường lối chung, và cũng từ đó nữa, đến cả vận mệnh của đất nước.

Bên Thắng Cuộc hay, rất hay, nhưng cũng giống như mọi cuốn tường thuật hay khẩu sử, nó là một cái gì dở dang. Nó là một khối quặng chưa được tinh chế. Nó cung cấp cho người đọc cả hàng ngàn câu chuyện từ cả mấy trăm người kể khác nhau để người đọc, hoặc các sử gia sau này, so sánh, diễn dịch, phân tích và/hoặc tổng hợp lại để thành một bức tranh hoàn chỉnh hơn.

Ở trên (bài số 1), tôi có viết điều tôi thích nhất ở Bên Thắng Cuộc là tư liệu. Vậy điều kế tiếp? Đó là quan điểm. Một số người ở hải ngoại, chỉ nhìn vào mấy dòng lý lịch trích ngang của Huy Đức, thấy anh đã từng là bộ đội, lại là sĩ quan, đã lên tiếng phê phán và tố cáo anh, dù có khi chưa hề đọc trang nào trong cuốn sách. Đó chỉ là một nhận định vội vã và đầy thành kiến. Trong lời nói đầu tập “Giải phóng”, Huy Đức cho biết cuốn sách của anh là “công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật”. Dĩ nhiên, chúng ta biết, “sự thật” là một khái niệm rất mơ hồ. Và tương đối. Nhưng cách hiểu về cái gọi là “sự thật” ấy của Huy Đức, theo tôi, rất đơn giản nhưng chính xác: Chúng là những gì khác hẳn với “những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền” ở Việt Nam. Theo đuổi mục tiêu ấy, không thể nói lúc nào Huy Đức cũng thành công. Đó là điều dễ hiểu. Ai cũng vậy thôi. Có điều tôi cho là đáng khen ngợi nhất ở anh là anh có thiện chí và cố gắng.

Thiện chí và cố gắng ấy thể hiện ngay ở nhan đề cuốn sách: Bên Thắng Cuộc. Tại sao không phải là “thắng trận” hay “chiến thắng” như hai cách nói khác thông dụng hơn? Tôi nghĩ đó là một lựa chọn. “Thắng trận” chỉ thuần về quân sự. Nhưng đề tài Huy Đức muốn trình bày không phải chỉ là quân sự. Còn “chiến thắng”? Trong chữ “chiến thắng”, ngoài ý nghĩa “thắng”, còn có hai nét nghĩa phụ khác, đi kèm, đến từ chữ “chiến”: chính nghĩa và vinh quang. Không ai dùng chữ “chiến thắng” để nói về kẻ đi đánh lén người khác, chẳng hạn. Chữ “thắng cuộc” hoàn toàn không có những hàm ý như thế. Đánh bài: thắng cuộc. Cá cược: thắng cuộc. Dùng chữ “bên thắng cuộc”, Huy Đức, một mặt, tước bỏ các huyền thoại chung quanh từ “chiến thắng” vốn thường được sử dụng, mặt khác, xem chiến tranh, tự bản chất, như một ván bài về quyền lực. Vậy thôi. Trong ván bài, việc thắng thua tuỳ thuộc may rủi chứ không dính dáng gì đến chuyện chính nghĩa hay không chính nghĩa.

Trong tập “Quyền bính”, ở chương “XVII: Tam quyền không phân lập”, khi nói về những sự thay đổi Hiến pháp ở Việt Nam, Huy Đức viết: “Hiến pháp 1992, vì thế, đã không tiếp cận được những mô hình nhà nước tiến bộ để trở thành nền tảng cho Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền.” (QB. 90) Xin lưu ý: chữ “tiến bộ” đằng sau chữ “nhà nước” và đằng trước cụm từ “nhà nước pháp quyền” ở câu trên hoàn toàn trái ngược với cách hiểu về chữ “tiến bộ” mà giới truyền thông Việt Nam thường sử dụng.

Trong giới lãnh đạo Việt Nam, rõ ràng Huy Đức tỏ ra ưu ái đặc biệt với hai người: Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt. Nhưng ngay cả như vậy, ở cả hai, Huy Đức đều nhận thấy những khuyết điểm căn bản của họ: trung thành một cách dại dột. Phê bình như thế, Huy Đức thấy được một vấn đề thuộc về bản chất của chế độ. Bản chất được anh viết trong lời nói đầu tập “Quyền bính”: “Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.” Nhưng nếu nó không có khả năng tự khắc phục sai lầm thì sao? Ai sẽ đảm nhận trách nhiệm ấy? Câu trả lời nằm trong những điều Huy Đức chưa nói hết: Có thể là bất cứ ai, nhưng chắc chắn là không phải từ “hệ thống”.

Đó chính là lý do chính khiến báo chí trong nước xúm vào đánh cuốn Bên Thắng Cuộc.

Dĩ nhiên, Bên Thắng Cuộc không tránh khỏi khuyết điểm. Chả có cuốn sách nào không có khuyết điểm cả. Vấn đề chỉ là nhiều hay ít. Ở cuốn Bên Thắng Cuộc, theo tôi: Ít. Điều thú vị là, hầu hết các sai lầm của anh đều liên quan đến văn học. Trong chương “XI: Campuchia” của tập “Giải phóng”, anh nhận định: “Cảnh giác với người Trung Hoa là điều đã có từ trong máu người Việt Nam. Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với ‘thiên triều’, chưa có triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là ‘kẻ thù truyền kiếp và lâu dài’ trong các văn kiện chính thức như thời Tổng bí thư Lê Duẩn.” (GP, tr. 160). Sai. Huy Đức quên trong Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi có câu này: “Kẻ thế thù đâu thể đội trời chung” (Niệm thế thù khởi khả cộng đái / 念 世讎 豈 可 共 戴). Thế thù: Kẻ thù truyền kiếp. Trong “chương XII: Cởi trói” của cuốn “Quyền bính”, nhân nhắc đến các dấu mốc lớn trong lịch sử báo chí Việt Nam, anh viết : “Thơ Mới, cuối thập niên 1930” (QB, tr. 11). Sai. Thời điểm ra đời của Thơ Mới là đầu chứ không phải cuối thập niên 1930. Trong vòng chưa tới 10 năm, Thơ Mới đã đi hết một chặng đường. Cũng trong chương ấy, anh trích bài “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật như sau: “Khói bom lên trời thành những vòng đen / Và dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng / Tôi với bạn đi trong im lặng / Khăn tang trên đầu như một số không” (QB, tr. 18). Sai nhiều chỗ. Nguyên văn bài thơ ấy là:

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.


Ngay cả mấy câu thơ của Nguyễn Duy được trích làm đề từ cho cuốn sách cũng sai:

Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.

Nguyên văn của Nguyễn Duy như sau:

Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người


Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình!


Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

(In trong tập Quà tặng, nxb Văn Học, 1990, tr. 78)

“Nghĩ” khác với “suy”, “mọi” khác với “mỗi”, và “phe” khác với “bên”.

Cũng như “bên thắng cuộc” khác với “bên chiến thắng”.

Một điều cuối cùng: Không ít người cho chọn cách tiếp cận từ phía những người thắng cuộc như Huy Đức là một chọn lựa đầy thiên vị, từ đó, bức tranh anh muốn phác họa sẽ bị lệch lạc theo. Theo tôi, không đúng. Thứ nhất, trong mọi lịch sử, những người “thắng cuộc” - xưa là vua chúa, sau này, giới cầm quyền - bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, cần được nghiên cứu nhất, bởi chính họ, một cách tích cực hay tiêu cực, quyết định diện mạo của một thời đại và số phận của một dân tộc. Thứ hai, vấn đề không phải lệch lạc hay không. Vấn đề chỉ là ở mức độ. Không có một cuốn sách nào, kể cả lịch sử, chính xác hoàn toàn. Thậm chí, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa còn hoài nghi cái gọi là lịch sử nói chung: Họ xem lịch sử như một biểu hiện của đại tự sự (grand narrative), một tham vọng đạt đến cái nhìn bao quát toàn bộ sự thật và thực tại: Với họ, đó là điều bất khả. Hơn nữa, họ xem lịch sử bao giờ cũng gắn liền với một quan điểm và một góc nhìn nhất định: lịch sử (history) là chuyện của ông-ấy, của một gã nào đó (his-story). Chứ không có một lịch sử chung nhất cho mọi người.

Bên Thắng Cuộc là một tác phẩm hay nhưng dĩ nhiên, như mọi cuốn sách khác, không hoàn hảo. Cái không hoàn hảo ấy cần được hoàn thiện dần dần. Bằng những tác phẩm khác. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Và càng không đáng phản đối.

***

Kỳ tới: Chân dung “bên thắng cuộc”
Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của Bên Thắng Cuộc.

Source : VOA
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


TÌNH CỜ ĐỌC BÀI THƠ CŨ


.


                                   Trần Hồ Dũng

        Tặng Lê Hoàng Thanh Thủy ,
 người bạn đường  yêu quý của tôi .

( Nhân  Valentine's  Day 24/2/2013 )



Tình cờ đọc bài thơ cũ
Năm nào em viết tặng anh
Nét chữ chưa mờ năm tháng
Như tình em vẫn rộn ràng


Em , nụ hoa hồng mới nở
Ngập ngừng đón giọt sương mai
Anh , ngọn gió xuân buổi sớm
Cùng em dệt mộng ban đầu

*
Dưới mái tranh nghèo ngày ấy
Ta cùng ca hát bên nhau
Sẻ chia nỗi niềm cay đắng
Vẫn tin sẽ có một ngày
( Ngày ấy mặt trời sẽ mọc
Xua tan đi đám mây mù
Giông tố không còn đến nữa
Tình mình sẽ mãi bền lâu )

* *
Đầu tuần chở em đi học
Bắt đầu cuộc sống gian lao
Cứ ngóng trông ngày thứ Bảy
Chờ mong bóng dáng em về

* * *
Ngày ấy cảnh nhà hiu quạnh
Một mình quanh quẩn vào ra
Anh vẫn ngày ngày đến lớp
Tìm vui bên đám học trò
Cỏ mọc quanh khu vườn cũ
Nắng vàng rọi túp lều tranh
liêu xiêu bước chân cô qụanh
Lòng anh mãi đợi em về
Ngày cuối tuần qua rất vội
Em về thóang chốc rồi đi
Niềm vui , nỗi buồn chen lẫn
Rồi trông , rồi đợi từng ngày
Anh vẫn mỗi ngày đi dạy
Tối về lại ngóng chờ em
Như đêm cứ chờ đợi sáng
Như cây nhớ ánh mặt trời

Sao Hôm , sao Mai cách trở
nhưng lòng cứ nghĩ về nhau
Sâm Thương muôn đời chỉ một
Dù ai tìm cách chia lìa

Rồi em ra trường đi dạy
Bao lo toan mãi chất chồng
Rồi cuốn vào vòng cơm áo
Ai còn nhớ mộng ngày xưa 

Vẫn biết cuộc đời chẳng thể
Êm đềm như những vần thơ
Thắp nén hương lòng ngày ấy
Nhủ lòng dù có bao giờ

Tình cờ đọc bài thơ cũ
Năm nào em viết tặng anh
Nét chữ chưa mờ năm tháng
Như tình em vẫn rộn ràng

tran ho dung . Sài Gòn  2003- Washington 14/2/ 2013

.

 

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)


11.02.2013

 bởi Nguyễn Hưng Quốc

Tôi có cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức đã khá lâu nhưng mấy ngày vừa rồi mới có thì giờ để đọc. Ấn tượng chung: Thích.

Thích nhất là về tư liệu. Đã có nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc, viết về Việt Nam sau năm 1975 nhưng có lẽ chưa có cuốn sách nào bao quát nhiều khía cạnh và dồi dào tư liệu đến như vậy. Các cuốn sách khác, cho đến nay, dưới hình thức hồi ký hay biên khảo, thường chỉ tập trung vào một lãnh vực và từ một góc độ cụ thể nào đó. Bên Thắng Cuộc, ngược lại, hầu như đề cập đến mọi góc cạnh lớn, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ tổ chức chính quyền tại Sài Gòn sau năm 1975 đến các chiến dịch đánh tư sản, các trại cải tạo, phong trào vượt biên, các nỗ lực “xé rào” về kinh tế, chính sách đổi mới, chiến tranh với Campuchia cũng như với Trung Quốc và các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Ở từng vấn đề, Huy Đức đều nêu lên thật nhiều chi tiết. Các chi tiết ấy thuộc hai loại chính: Một, lời kể của các chứng nhân được thu lượm qua các cuộc phỏng vấn hoặc qua các hồi ký - đã hoặc chưa xuất bản - của họ; và hai, các tài liệu đã được công bố đây đó, bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng Anh. Nguồn tài liệu thứ nhất được Huy Đức thực hiện với tư cách một nhà báo; nguồn thứ hai, với tư cách một nhà nghiên cứu. Tôi cho sự kết hợp giữa hai tư cách này là mặt mạnh nhất của Huy Đức đồng thời cũng là ưu điểm chính của cuốn Bên Thắng Cuộc: Thường, các nhà báo Việt Nam chỉ “tác nghiệp” theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa trên những gì mình nghe kể hoặc quan sát được; còn các nhà nghiên cứu thì lại thiếu thực tế, do đó, hoặc chỉ xào nấu từ các cuốn sách khác hoặc phải sa vào tư biện, tệ hại hơn nữa là tư biện kiểu Việt Nam: cứ lải nhải những luận điệu rặt mùi tuyên truyền, tức những luận điệu ai cũng biết, hơn nữa, biết là sai.

Trong Bên Thắng Cuộc, nguồn tài liệu từ sách vở chỉ có tính chất bổ sung, chủ yếu để cung cấp số liệu và mở rộng kích thước lịch sử, từ đó, tăng tính thuyết phục cho những vấn đề được đề cập. Ví dụ, nói về cuộc họp mặt với khoảng 100 văn nghệ sĩ tại Hà Nội của Nguyễn Văn Linh vào ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, Huy Đức quay trở lại với thời Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc xa hơn nữa, thời Trường Chinh viết “Đề cương văn hóa” năm 1943, thậm chí, một chút, về lịch sử báo chí Việt Nam trước đó. Nói về kinh tế thị trường (lần đầu tiên được đưa vào các văn kiện Đảng là năm 1991), anh quay trở lại vấn đề “lược sử kinh tế tư nhân” ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt, đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc. Nói về các chính sách đối với người Hoa vào những năm 1978-79, anh quay lại quan hệ giữa Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc) với Trung Quốc trong Hiệp định Geneve năm 1954 cũng như trong suốt cuộc chiến tranh Nam Bắc thời 1954-75, bao gồm cả chuyện Hoàng Sa năm 1974, v.v.. Những tài liệu này, thật ra, không mới, nhưng chúng được trình bày một cách gọn ghẽ, sáng sủa và mạch lạc, làm cho vấn đề có thêm bề dày của lịch sử.

Nhưng mặt mạnh nhất của Huy Đức là ở tư cách nhà báo. Không những chỉ là người làm báo lâu năm, anh còn có ba đặc điểm mà không phải nhà báo kỳ cựu nào cũng có: Một, quan hệ rộng; hai, có tầm nhìn dài; và, ba, có cách làm việc khoa học.

Tôi gặp Huy Đức một lần ở Hà Nội, hình như là vào cuối năm 2002 hay đầu năm 2005 gì đó. Buổi sáng, tôi đang ngồi uống cà phê với nhà thơ Phan Huyền Thư và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì anh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đến nhập bọn. Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Huy Đức với tôi: “nhà báo, đang làm ở tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn”. Lúc ấy, Huy Đức chưa có Osin blog, chưa có các bài bình luận chính trị được phổ biến rộng rãi trên internet, cho nên, thú thật, tôi không hề biết anh, kể cả cái tên. Mà Huy Đức cũng rất ít nói. Hôm ấy, anh chỉ ngồi nghe bọn tôi nói hươu nói vượn về chuyện văn chương và cười. Đến lúc Phạm Xuân Nguyên đọc một số bài ca dao mới chế giễu giới lãnh đạo Việt Nam, trong đó, có cả Hồ Chí Minh, cả bọn cười ngất, riêng Huy Đức thì lôi trong túi ra một cuốn sổ tay nhỏ và đề nghị Nguyên đọc lại, chầm chậm, cho anh chép. Sau đó, trong suốt buổi nói chuyện, cứ hễ bắt gặp một câu gì hay hay, một chi tiết gì thú vị, anh lại lôi sổ tay ra chép. Cung cách làm việc của anh khiến tôi để ý. Và nhớ mãi.

Nhiều người trong giới nhà báo có ưu điểm là biết rộng nhưng phần lớn lại mắc phải khuyết điểm là sa đà trong các sự kiện có tính chất giai thoại vụn vặt, cuối cùng, chỉ viết được những bài báo ngăn ngắn, đầy tính thời sự, để được đọc ngày hôm trước và bị quên lãng ngay vào ngày hôm sau. Huy Đức, khi theo dõi và ghi chép các tin tức hằng ngày, đã có tham vọng sử dụng cho một bức tranh toàn cảnh về sinh hoạt chính trị Việt Nam thời anh đang sống. Cuốn Bên Thắng Cuộc, gồm hai tập, “Giải phóng” và “Quyền bính”, như anh tiết lộ trong lời nói đầu, được hình thành trong 20 năm, chính là kết quả của tham vọng ấy.

Không phải nhà báo nào cũng có quen biết nhiều, đặc biệt trong giới lãnh đạo, như Huy Đức. Ở Việt Nam, để có được những quan hệ rộng rãi như thế, không những cần có tính cách thích hợp (quảng giao) mà còn có cả yếu tố “nhân thân” nữa: Sinh trưởng ở miền Bắc, vốn là sĩ quan, từng làm việc ở Campuchia với tư cách chuyên gia quân sự trong hơn ba năm trước khi về làm báo, anh có đủ điều kiện để được tin cậy. Chính vì thế, anh được báo Tuổi Trẻ giao trách nhiệm tường thuật các kỳ họp Quốc Hội, ở đó, anh có thể, ở “những thời điểm nóng bỏng nhất”, “vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải” hoặc “đến nhà riêng, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn”. Trong “Mấy lời của tác giả”, anh cho biết anh đã tiến hành “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”; và theo “Lời cám ơn”, chúng ta được biết, trong số những người được anh phỏng vấn, ngoài các tên tuổi nêu trên, còn có Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, v.v.. Cả trăm người. Toàn những người lãnh đạo ở bậc cao nhất trong nước. Ngoài ra, anh còn phỏng vấn vợ họ, con họ và các thư ký riêng của họ nữa.

Chắc chắn không có một nhà báo hay nhà biên khảo nào ở hải ngoại, kể cả người ngoại quốc - vốn vừa ít bị nghi ngờ vừa được các trung tâm nghiên cứu lớn tài trợ để có thể bỏ ra năm bảy năm thu thập tài liệu cho một cuốn sách - có thể tiếp cận được đến chừng ấy người trong giới lãnh đạo Việt Nam. Ở trong nước, làm được điều ấy, cũng không phải dễ. Nhìn từ góc độ xuất bản, có lẽ Huy Đức là người đầu tiên. Điều này trở thành một thế mạnh đầu tiên của cuốn sách: Đó là chuyện kể từ những người trong cuộc của “bên thắng cuộc”. Tính chất “trong cuộc” ấy đã tạo nên những đặc trưng về thể loại và thẩm mỹ của cuốn sách.

Trong cái gọi là đặc trưng thẩm mỹ ấy, tôi chỉ xin tập trung vào một điểm: sự hấp dẫn.

Phải nói ngay: hiếm có cuốn sách về chính trị nào hấp dẫn như cuốn Bên Thắng Cuộc. Điều đó có thể thấy qua những tiếng ồn nó gây ra trong mấy tháng vừa qua. Lâu lắm rồi, giới cầm bút Việt Nam hầu như hoàn toàn bất lực trong việc gây ồn. Hầu hết sách báo được xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đặc biệt ở hải ngoại, đều rơi vào im lặng. Không phải chỉ là chuyện hay hay dở. Mà chủ yếu ở tâm lý quần chúng: dửng dưng. Cuốn Bên Thắng Cuộc, ngược lại, ngay từ lúc mới ra mắt ở hải ngoại, là đã gây ồn ào ngay. Kẻ bênh người chống, bên nào cũng xôn xao và lên tiếng ỏm tỏi trên mọi diễn đàn, từ trên giấy đến trên mạng. Những tiếng ồn ấy khiến cả những người chưa đọc cuốn sách, hoặc có khi, không có ý định đọc cuốn sách, cũng quan tâm, thậm chí, như ở California, xuống đường biểu tình đòi… đốt sách!

Bên Thắng Cuộc hấp dẫn thật. Đọc, chúng ta biết được rất nhiều chuyện, từ những chuyện lớn liên quan đến chính sách đến những chuyện nhỏ, có khi nhí nhách nữa, liên quan đến đời sống hàng ngày của một số người. Lớn, ví dụ, những toan tính đằng sau các chính sách hay chiến dịch có ảnh hưởng đến sinh mệnh cả hàng chục triệu người; những thay đổi trong tính cách của Lê Duẩn: từ một cán bộ hay hy sinh cho người khác đến một lãnh tụ chuyên quyền và độc đoán; trong thái độ của Trường Chinh: từ một người giáo điều và bảo thủ đến một người đi đầu trong phong trào đổi mới; trong chủ trương của Nguyễn Văn Linh: từ một người đổi mới đến một người phản-đối-mới. Cũng có thể xem là lớn mối quan hệ giữa các lãnh tụ với nhau, như giữa Lê Duẩn với Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ; giữa Nguyễn Văn Linh với Võ Văn Kiệt, những chi tiết liên quan đến cái chết của Đại tướng Lê Trọng Tấn vào tháng 12 năm 1986 vốn, theo lời Huy Đức, bị “lịch sử phi chính thống […] xếp vào hàng nghi án” (“Giải phóng”- GP, tr. 151)… Còn nhỏ thì nhiều hơn, có khi lôi cuốn người đọc hơn, chẳng hạn, chuyện vào ngày 30/4/1975, trong Dinh Độc Lập không hề có chiếc máy ghi âm nào để thu lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh (GP, tr. 23); chuyện các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên vào chiếm Dinh không dám bước vào thang máy vì thấy nó giống cái… hòm và họ sợ bị nhốt luôn trong đó (GP, tr. 22); chuyện khuya ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị mệt, được đưa vào bệnh viện Quân y 108 để cấp cứu, nhưng vừa đến nơi thì ông “phát ra một tiếng kêu ‘ặc’ rồi mặt và toàn thân tím ngắt”; mấy tiếng đồng hô sau, ông mất… (“Quyền bính” - QB, tr. 64) Có một số chuyện không biết là lớn hay nhỏ, như chuyện khi Hiệp định Geneva được ký kết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn Bắc Việt, không hề biết sông Bến Hải nằm ở đâu (vì tất cả đều đã được Trung Quốc quyết định giùm!) (GP, tr. 52); chuyện Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, vốn là thợ cơ khí, nhiều lúc rảnh và buồn quá, lật “chiếc xe đạp của ông ra sửa để giết thời gian” (GP, tr. 120); chuyện Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, biết trước vụ tổng tấn công hồi Tết Mậu thân chỉ có một ngày (QB, tr. 67); chuyện khi đón tiếp Tổng thổng Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, “Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười” (QB, tr. 137), v.v..

Nhiều chuyện có thể đã được người này người nọ kể đâu đó rồi. Nhưng theo chỗ tôi biết, chưa có nơi nào các chuyện thuộc loại ấy được tập trung với mật độ dày đặc như trong cuốn Bên Thắng Cuộc. Trang nào cũng đầy ắp chi tiết. Có những chi tiết không dễ gì tìm được ở những nơi khác, ví dụ: Ở Sài Gòn, trước tháng 4/1975, có bao nhiêu đảng viên Cộng sản nằm vùng? – 735 người! (GP, tr. 27) Cũng ở Sài Gòn, sau tháng 4/1975, có bao nhiêu người ra trình diện để “được đi học tập cải tạo”? – Có 443.360 người, trong đó, có 28 tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các đảng phái bị xem là “phản động’ (GP, tr. 29), v.v..(Còn tiếp)

***
Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của Bên Thắng Cuộc.


---------------
 
Theo VOA/  Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

11/2/13

Giọt sương & (mặt ) hồ




Đầu năm Âm Lịch , xin kể một câu chuyện " nho nhỏ như ....cọng  cỏ " , và " sướt mướt   như... giọt nước".
Có một câu chuyện ( tui nghe lén được ) nơi hồ sen ( cứ coi giống như hồ..."Tịnh  Tâm " hồi 'bác tui' học ở  ...Huế ). Chuyện như vầy :

- Mặt Hồ nói với Giọt Sương  : Ngưoi chỉ là một giọt nước , một giọt sương buổi sớm mai. Mặt trời lên thì ngươi sẽ.... " tàn phai " ! Còn ta là một " đại dương " , ánh mặt trời chỉ có thể " sưởi ấm " cho ta mà thôi. Tội nghiệp cho thân phận bé bỏng của ngươi !

-Giọt sương trả lời nhã nhặn : Người ơi ! Người cũng chỉ là một giọt sương như tôi mà thôi !

- Làm sao có thể như thế được !

-Người là giọt sương to nằm dưới lá sen , còn tôi là một hạt sương nhỏ nằm trên lá sen. Nhưng tôi có hạnh phúc là được đón ánh mặt trời đầu tiên , và thưởng thức mùi hương khi sen nở.  Còn người chỉ ngửi được mùi bùn mà thôi. Chúng ta là hai giọt nước   . Khác nhau chỉ có thế !

Hồ bưng mặt khóc !

( Vậy mà lâu nay ta cứ tưởng mình vĩ đại !  . Hóa ra ta còn thua cả... giọt sương ! )


Trần Hồ Dũng. Washington.USA .  11/2/2013
 

10/2/13

MẸ

MẸ
                                 Trần Hồ Dũng

” Tặng những ai đang diễm phúc còn Mẹ
& những ai từng  diễm phúc   có Mẹ “ .THD.


Này bạn , nếu đang còn có mẹ
Bạn - người hạnh phúc nhất trên đời
Ta xin tặng bạn hoa hồng thắm
Gắn lên ngực áo , phía tim mình

Này bạn , nếu vẫn còn có mẹ
Hãy nghe nhịp đập trái tim mình
Và nghe nhịp đập trong tim mẹ
hòa cùng một nhịp giữa nhân gian

Từ khi khôn lớn, xa lìa mẹ
Bạn có bao giờ biết ngóng trông
Một vòng tay mẹ ,như trời biển
Che chở con ,từ thuở lọt lòng

Từ khi rời khỏi vòng tay mẹ
Vỗ cánh chim bằng , mơ biển khơi
Nghe sóng xa bờ , ngồi nhớ lại
Tiếng ru hời của mẹ ngày xưa

Mẹ ở quê nhà xa lắc đó
ngày đêm mòn mỏi ngóng con về
Vòng tay mở rộng chờ ta đó
Sao chẳng quay về bên tiếng ru ?

Nếu như mai mốt không còn mẹ
Ai nhốt dùm ta những nỗi buồn
Ai người xoa dịu lòng ta xót
Ai đón ta về, nương náu tâm

Bạn hỡi , nếu như không còn mẹ
Ai khuyên ta sống thẳng trên đời
Quê hương : chốn Mẹ chờ ta đó
Hơi ấm bên trời , đâu phải quê

Này bạn , nếu như không còn mẹ
Ta : kiếp lạc lòai, phận : cút côi
Nâng chén rượu buồn như nước mắt
Hiểu mình , chỉ có Mẹ ta thôi !


Mây trắng sẽ là khăn tang trắng
Ta : Kẻ mồ côi đội dưới trời
Dâng chén rượu tràn ,thay nước mắt
Rót gửi càn khôn - tạ lỗi Người

Tranhodung-Saigon 2010 .Washington 2013