30/4/13

Đỏ tái mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương


Những ý thơ gợi tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được khắc họa sinh động qua nét bút phóng khoáng của cố danh hoạ Việt Nam.

Đó là bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương, được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ. Gầy đây, nhiều tác phẩm trong bộ tranh đã được giới thiệu trên mạng.


Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu...
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương).



Lắt lẻo cành thông cơn gió thổi
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương).



Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
(Quả mít - Hồ Xuân Hương).






Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn...
(Tự tình - Hồ Xuân Hương).

Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
(Tự tình - Hồ Xuân Hương).

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh
(Tranh hai Tố nữ - Hồ Xuân Hương).

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm...
(Hang cắc cớ - Hồ Xuân Hương).

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Ṿây mà chút tẻo tèo teo
Thuyền cừ cương muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn leo
(Kiếp Tu Hành - Hồ Xuân Hương).

Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng...
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông...
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá giếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long...
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông..
.
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

.
.
.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay
Mỏng dày từng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay...
(Vịnh cái quạt (1) - Hồ Xuân Hương).

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này
(Vịnh cái quạt (1) - Hồ Xuân Hương).

Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dán tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa...
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa...
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi...
(Trống thủng - Hồ Xuân Hương).

.
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
(Đánh đu - Hồ Xuân Hương).

Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
(Mời ăn Trầu - Hồ Xuân Hương).

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau...
(Dệt vải - Hồ Xuân Hương).



Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết...
(Đánh cờ - Hồ Xuân Hương).



Theo  Kiến thức

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Nam Cộng Hoà còn thất thủ vì... lý do kinh tế


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130430
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Việt Nam Cộng Hoà còn thất thủ vì... lý do kinh tế 




Hàng năm cứ đến Tháng Tư người Việt chúng ta lại nhớ đến biến cố 1975 với bao ngậm ngùi và nhiều câu hỏi về cái lẽ bại trận. Có một thắc mắc ít được nhắc tới là vì sao được Hoa Kỳ viện trợ dồi dào như vậy mà Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thành công? Bài này xin nêu ra một trong nhiều lý lẽ: chính là vì viện trợ mà không thể thành công!

Một cái nhìn khác về kinh tế cũng là chính trị....

Về bối cảnh, trong 30 năm can thiệp vào Việt Nam, từ 1943 đến 1973, sáu đời Tổng thống Mỹ đã chẳng hiểu gì về Việt Nam, từ văn hoá đến lịch sử, mà lại có mục tiêu dời đổi thất thường. Nào là tìm đồng minh chống Nhật thời Thế chiến II, rồi hỗ trợ phong trào "giải thực" nên mặc nhiên chống Pháp tại Đông Dương, qua đến be bờ chặn làn sóng đỏ thời Chiến tranh lạnh, rồi xây dựng dân chủ để phát huy giá trị tinh thần của "Thế giới Tự do", trong khi vẫn dùng lá bài Việt Nam tác động vào quan hệ với Liên bang Xô viết, với Trung Quốc, v.v....

Mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn khiến Hoa Kỳ là đế quốc có lúc ngây thơ mà đôi khi lật lọng khó tin. Ra vào hùng hổ như con voi trắng trong cửa hàng đồ sứ.

Với tinh thần đó, Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến toàn diện, gồm các lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, thông tin, văn hoá, qua nhiều hình thái như phá hoại, khủng bố, khuynh đảo, du kích chiến rồi trận địa chiến ở cấp sư đoàn trở lên. Và thực hiện việc đó dưới sự phán xét khắt khe của một hệ thống truyền thông có đầy tự do mà thiếu hiểu biết. Ngày nay, sự nông cạn đó vẫn làm nhiều người hiểu sai về cuộc chiến và tiếp tục nhục mạ miền Nam.

Trong khi ấy, bộ máy kinh tế lại vận hành theo quy luật khác.

Quốc hội có thẩm quyền về công chi thu thì đòi các khoản chi ngân sách phải ưu tiên phục vụ quyền lợi Hoa Kỳ. Một đồng viện trợ Mỹ phải đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Mỹ - tính ra thành hệ số nhân - và cho các địa phương đã bầu lên người biểu quyết về ngân sách. Nhiều khi các đại diện dân cử đầy ảnh hưởng này lại chẳng biết gì về Á Châu, Đông Nam Á, Việt Nam hay cộng sản. Những ông nài mù cưỡi con voi trắng.

Vì vậy, Hoa Kỳ bị tổn thất về nhân mạng, kinh tế và tinh thần mà vẫn lãnh vết nhơ lịch sử là bại trận. Phần thiệt hại của người Việt Nam chỉ là một cước chú nhỏ trong tâm tư dân Mỹ. Đó là về bối cảnh.

Về kinh tế, Hoa Kỳ có hai mạch viện trợ song hành cho Việt Nam.

Một là chương trình CIP, một sao bản thời chiến của kế hoạch Marshall do Hoa Kỳ viện trợ cho Âu Châu tái thiết trong thời bình sau Thế chiến II. Chương trình CIP được áp dụng từ 1955 đến 1975, trừ mấy tháng gián đoạn khi Cậu ấm Kennedy gây áp lực với Chính quyền Ngô Đình Diệm. Chương trình kia là PL 480, được mệnh danh là "Nông phẩm Phụng sự Hoà bình" theo lối gọi mỹ miều từ Chính quyền Kennedy.

CIP hay Commercial Import Program hay Commodity Import Program, là "Chương trình Nhập cảng Thương phẩm". Vắn tắt thì Mỹ viện trợ cho ngân sách quốc gia Việt Nam một số ngoại tệ do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để chính phủ Việt Nam bán lại cho doanh gia với hối suất ưu đãi và lãi suất thấp hầu nhập cảng một số hàng Mỹ. Doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa Mỹ thì nhận đủ số đô la y như bán cho các thị trường tự do khác, còn doanh nghiệp Việt Nam thì tốn ít tiền hơn mà vẫn nhập được một lượng hàng cần thiết cho thị trường tiêu thụ nội địa. Tiền Việt Nam mà chính phủ Sàigon thu được từ doanh gia Việt Nam được đưa vào một quỹ đối giá để tài trợ ngân sách quốc gia, trong đó có cả quốc phòng, cảnh sát hay lương công chức.

Chế độ viện trợ này có nghĩa là dân ta càng tiêu thụ nhiều thì ngân sách quốc gia càng thêm tiền đánh giặc! Khi tóm lược như vậy, ta thấy ngay mâu thuẫn xương tủy giữa bài toán chiến tranh toàn diện với giải pháp đối phó về kinh tế, hối đoái và ngân sách! Hoa Kỳ tất nhiên bại trận với một chế độ viện trợ phi lý như vậy.

Khi Mỹ giảm viện trợ thì hậu phương miền Nam hết xài đồ nhập cảng do doanh nghiệp Mỹ cung cấp và ngân sách hết lương cho lính. Trong khi ấy, đầu tư vẫn bị cản trở so với tiêu thụ và càng bị cản trở vì hình thái chiến tranh phá hoại.

Tháng Tám năm 1971, khi Chính quyền Nixon đơn phương thả nổi đồng bạc và hủy bỏ hệ thống tài chánh Bretton Woods thì đấy là tín hiệu nguy ngập mà chúng ta chưa nhìn ra. Qua năm sau, cuộc khủng hoảng dầu hỏa vì tình hình Trung Đông là tín hiệu khác mà ít ai thấy. Hậu phương chỉ than vãn về lạm phát hay xăng dầu lên giá mà chưa hiểu rằng miền Nam đang bị bức tử - xiết bao tử trước.

Kỳ diệu nhất là chương trình CIP chứng minh lý luận tuyên truyền của phe Cộng sản. Rằng Mỹ gây chiến chỉ để doanh nghiệp hay tài phiệt Mỹ bán hàng!

Chương trình kia, PL 480 hay Nông phẩm Phụng sự Hoà bình, có nghĩa là Việt Nam nhận được một số nông sản Mỹ để bán lại cho dân và lấy tiền tài trợ ngân sách. Đây là một phi lý khác.

Lý tưởng ban đầu của PL480 từ Chính quyền Eisenhower vào năm 1954 là cứu đói các nước nghèo. Nhưng Quốc hội Mỹ chuyển dần qua mục tiêu chính trị là giúp nông gia Mỹ có thị trường còn Hành pháp thì viện dẫn mục tiêu chiến lược là dùng viện trợ nông sản để kết nạp đồng minh.

Thế rồi, quan niệm về đồng minh có thể dời đổi từng thời, thậm chí từng mùa bầu cử, trong khi quốc gia thọ nhận viện trợ do bộ Canh nông và Cơ quan USAID quản lý, tùy chương trình, thì xây dựng toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế trên chế độ viện trợ đó. Rồi bị ràng buộc mà thu hẹp khả năng xoay trở, cho tới khi bị bó tay.

Vì mục đích nâng đỡ nông gia Mỹ, Chương trình PL480 còn có quy định thắt họng: quốc gia cầu viện không được dùng nông sản viện trợ làm nguyên nhiên vật liệu chế biến ra mặt hàng khả dĩ cạnh tranh với hàng Mỹ. Bông vải hay sữa bột của Mỹ không thể làm áo quần hay thực phẩm bán trên các thị trường có loại sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ.

Ngoài hoàn cảnh ngặt nghèo do chiến cuộc gây ra, ngoại viện Mỹ khó giúp quốc gia cầu viện đầu tư theo hướng tích cực là phát triển ngoại thương để có độc lập về kinh tế. Nên chỉ còn chánh sách tiêu cực – mà ăn khách thời đó – là "thay thế nhập cảng".

Hai quốc gia giàu kinh nghiệm về viện trợ Mỹ là Đài Loan và Nam Hàn đã đặt ra quốc sách là phải chấm dứt sự lệ thuộc vào viện trợ càng sớm càng hay. Họ thắt lưng buộc bụng để tự túc tự cường rồi trở thành rồng cọp kinh tế. Miền Nam thì không, vì nhiều người tin rằng "Mỹ không thể bỏ Việt Nam". Có muốn xoay ra thì đã có miền Bắc kéo vào bằng pháo kích như mưa, nhờ nguồn viện trợ của Liên Xô và sự chỉ đạo của Trung Quốc!

Mà hình như là bi hài kịch đó vẫn chưa dứt, với những "món nợ đáng tởm" mà Hà Nội phải trả cho Bắc Kinh.... Thế hệ ngày nay nên suy ngẫm lại.

Và cử tri người Mỹ gốc Việt nên tận dụng sự hiểu biết lẫn lá phiếu để không tái diễn thảm kịch này cho xứ khác - và cho Việt Nam khi lãnh đạo Mỹ lại đòi "chuyển trục" tại Đông Á. Một thí dụ cụ thể là hãy nhìn vào đạo luật Nông sản, Farm Bill. Thê thảm....
NXN
Source : Dainamax tribune
 

lục bát tháng tư




lục bát   tháng tư  



Về đi

In memory of RVN fallen Soldiers in VN's war .
  THD



Về đi  !

Thế cuộc tan rồi

Uống tàn cuộc rượu

lên đồi khóc trăng


Trăm năm , một cánh   phù vân

Thoảng   lời mộ địa

bước chân  ai về

Còn chi mà giữ vẹn bề

Chỉ còn vọng lại cơn mê một thời

Trả non nước lại cho đời

Thân này đành  nát theo lời thề xưa 

THD.

                    


Tìm nhau

Tìm nhau tự thuở ngàn xưa

             Gặp nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau

                
 Tìm nhau trong phút linh cầu

                  Thấy con chim hót trên đầu ngọn cây                                                

                              
                                        Tìm nhau trong chiếc lá bay

                                      Gặp nhau trong khói hương lay đá vàng

                     
                           Tìm nhau trong giấc mộng tàn
         
                               Gặp nhau nơi chốn thiên đàng lãng quên 

Trần Hồ Dũng . 30.04 (1975-2013 ) 

                                             

29/4/13

MỘ KHÚC



                                         Trần Hồ Dũng


Chợt nỗi buồn xưa động bóng trăng
vàng phai bia đá dậy bên đàng
hồn xưa ray rức cùng năm tháng
mộng cũ chôn vùi theo cỏ cây

Giấc mộng ngày xanh đã vỡ rồi
Còn chi mà tiếc nuối thanh xuân
Một ngày về đất linh hồn lạnh
Nhắm mắt , còn mơ một giấc mòng

đời vẫn buồn theo tiếng thở dài
từ cha
tóc trắng những đêm thâu

từ dòng nước mắt
trong lòng mẹ
khóc đứa con xưa chẳng trở về


Chiến tranh cốt nhục đã qua rồi
vẫn còn nghe lạnh mãi trong xương
lạnh như thân xác bao đồng đội
về đất , mà không vẹn chỗ nằm

Thế hệ tôi buồn như mộ bia
Nằm nghe tên gọi lúc chia lìa
đâu bàn tay nhỏ chăn mưa gió
Non nước còn nghe mộ khúc buồn

THD. 30/4 (1975-2013 )

                                                        

Tháng Tư Mùa Xuân và Những Tấm Màn

29.04.2013

bởi Trần Mộng Tú

Tháng Tư, tôi đi dưới bầu trời mây trắng, nắng ấm và mềm như chiếc khăn quàng trên vai, hai chân thong thả bước, mặt ngước nhìn hàng cây bên đường, hàng cây xanh ngọt màu cốm non, những chùm lá nho nhỏ, cong cong he hé mở ra như những cánh môi thiếu nữ mới lớn. Những vạt cỏ xanh non mịn như nhung thỉnh thoảng điểm một đóa hoa bồ-công-anh nhỏ xíu như chiếc khuy màu vàng từ áo khoác ai rơi xuống. Hoa đỗ quyên cũng bắt đầu khe khẽ nở dịu dàng bên một góc hàng rào nhà ai. Mùa xuân ở Seattle đẹp lắm, những giọt nước mưa trong veo và những giọt nắng vàng như mật ong. Ngửa mặt lên là uống vào lồng ngực cả lượng xuân của đất trời.

Ước gì, ừ nhỉ, ước gì đừng có Tháng Tư oan khiên của nước mình ngày đó. Tháng Tư hàng năm vẫn đến. Ban ngày, những hình ảnh, bài viết tràn ngập trên máy điện toán, những nhắc nhở trong những lần gặp gỡ hàn huyên với bè bạn; ban đêm mang theo cả vào giường, vào giấc mơ, giật mình cho số năm tháng đã đi qua trên xứ người.

Tôi đi trong ân sủng của đất trời, nhưng sao lòng không thanh thản, những hình ảnh không đẹp cứ theo nhau về trong tâm trí. Chiến tranh quê mình, chiến tranh quê người. Những cái xấu và cái ác như mực đổ loang vào lòng giấy.

Những vòm lá trên cao nghiêng xuống như cái tán làm râm một khoảng đất dưới chân đi, tôi bỗng rùng mình liên tưởng đến những tấm hình trong một bài báo được một chị bạn thân mới chuyển cho đọc tối hôm qua: “The Veils of Aleppo: Photographs by Franco Pagetti” của Rania Abouzeid. Bài viết đề cập đến những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Franco Pagetti chụp những tấm màn cửa chăng từ bức tường đổ bên này sang mái nhà vỡ bên kia ở thành phố Aleppo. Trải qua hai năm của cuộc nội chiến ở đất nước Syria làm hơn 70 ngàn người chết, Aleppo là chiến trường đẫm máu nhất, nơi cả hai phe đều tìm cách chiếm đi chiếm lại nhiều lần, không lúc nào ngưng tiếng súng. Những tấm màn trước đây để che khung cửa sổ tránh cặp mắt tò mò của hàng xóm, hay che ánh nắng mặt trời thì bây giờ nó làm một nhiệm vụ của một lá chắn cho sinh mạng con người.

Franco Pagetti là người đã bắt chụp những hình ảnh trong những cuộc chiến ở Syria, Afghanistan và Iraq đã nhìn ra được cái đẹp đau thương của những tấm màn cửa chăng trong những thành phố đổ nát vì bom đạn. Các tấm màn được chăng lên giữa lối đi của hai tòa nhà đổ nát (những gì còn lại của người dân), chúng làm nhiệm vụ che chở cho người dân đi đến một tiệm bánh hay đi thăm một người thân. Cái tấm màn mang mầu xám của vôi vữa, gạch vụn, của bụi than của nhà cháy và thỉnh thoảng pha một vệt đỏ bầm của máu đó đã lãnh cái nhiệm vụ che chở rất mong manh.Trong những bức hình ông chụp, không có người, chỉ có những tấm màn cửa. Màn cửa như một nhân chứng, một rào cản cho cuộc nội chiến bất tận của hai bên. (Khác gì cuộc chiến Nam-Bắc của Việt Nam). Giống như rất nhiều khía cạnh của xung đột, những tấm màn cửa mất đi cái việc che cửa giản dị chính thực của nó. Hôm nay nó phải làm một nhiệm vụ hoàn toàn khác hẳn. Những màn cửa này làm ông Pagetti nhớ đến những bức tường bê tông dặm này sang dặm kia, chằng chéo khắp thành phố Baghdad trong cuộc thánh chiến tồi tệ nhất vào những năm 2006-2007.

Bất cứ người dân nào, nếu di chuyển bên dưới tấm bạt đó, đều phải biết thật rõ phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời và hướng gió thổi tới, để tránh cho cái bóng của mình không hiện lên tấm màn đong đưa đó. Nếu sơ ý mà một tay bắn tỉa đang rình rập đâu đấy nhìn thấy bóng người trên tấm bạt thì ngay lập tức sẽ vang lên đoành…đoành…đoành….Một thân người gục xuống. Hoặc một cơn gió vô tình thổi qua, tấm màn lật lên, một họng súng hướng ngay mặt và lại đoành… đoành …đoành…Thêm một thân người gục xuống.

Chiến tranh ở nơi nào trên mặt đất cũng thế, nhất là những cuộc nội chiến. Hai miền Bắc Nam hay hai bên Tả Hữu xung đột, người dân hiền lành ở giữa, luôn luôn là những nạn nhân hứng tất cả tang thương.

Đất nước tôi cũng có tấm màn tre (bamboo curtain) buông xuống giữa hai miền Nam Bắc từ năm 1954. Tấm màn tre đó đã che kín mắt người dân miền Bắc, họ hoàn toàn không biết gì về đời sống của dân miền Nam, cho đến khi họ vào“Giải Phóng”. Trong cuộc chiến nào, cũng chỉ có người dân là đáng thương hơn hết.
Bức màn tre ở nước tôi đã tháo xuống gần bốn mươi năm rồi. Súng đạn, hỏa tiễn không nổ nữa, nhưng người dân Việt vẫn đi dưới những tấm màn vô hình, để tránh cái chết. Điều bất hạnh là những tấm màn này không che được phía phản chiếu của ánh sáng mặt trời, không giúp tránh được luồng gió. Người dân không chết vì những tay súng bắn sẻ nữa mà chết bằng nhiều cách khác nhau, không cần súng đạn.

Nếu ông Franco Pagetti có đến Việt Nam bây giờ, thì chẳng còn điểm“hot”nào của chiến tranh để cho ông thâu vào ống kính nữa. Mấy cái đề tài như Địa đạo Củ Chi hay mấy cái “Xe tăng tiền phong” trưng ở trong dinh Độc Lập cũ hay ngoài “Lăng Bác” thì người ta đã chụp mòn cả rồi. Tôi chắc ông sẽ chẳng đến Việt Nam đâu vì cái ống kính chuyên thâu hình ảnh chiến tranh của máy ông khi đem ra chụp những đề tài về đời sống xã hội của một Việt Nam bây giờ e rằng nó sẽ không thâu được những tấm hình trung thực.

Tôi đi trong mùa xuân Seattle, đi dưới những đám mây trắng nõn và bầu trời xanh như biển, đi giữa nắng vàng óng ánh và ngang qua những gốc hoa đào. Tôi đi như thế đã mấy chục mùa xuân và tôi còn được đi bao lâu nữa, làm sao tôi biết được. Nhưng có một điều tôi biết rõ ràng là lòng tôi không hề vui mỗi lần mùa xuân đến đánh dấu một năm mới. Tôi hay tự hỏi mình hai câu: “Mình xa quê bao lâu rồi nhỉ?”(mặc dù biết rất rõ) và “Mình còn quê hương không nhỉ?” Nói là mình mất quê hương thì không đúng, vì quê hương bây giờ Bắc Nam thống nhất, mình muốn về thăm lúc nào mà chẳng được. Nhưng nói là còn quê hương thì tôi thấy cũng không còn. Vì khi tôi về thăm, thành phố thay đổi, nhà cửa thay đổi và người sống ở đó hoàn toàn lạ lẫm. Lạ không phải vì người ta không phải là họ hàng thân thuộc, nhưng cách ăn ở, cư xử, nói năng của ai cũng làm mình ngạc nhiên. Mà ngay cả những người đang sống ở trong nước với nhau bây giờ, họ cũng không còn cho nhau cái tình người ấm áp nữa. Họ khác xưa nhiều quá! Họ lại không nhìn mình như một người đồng hương mà chỉ nhìn mình như một du khách, làm mình tự thấy mình bị gạt ra khỏi cái phần đất thân yêu đó. Nói về thăm quê hương mà như đi du lịch sang một nước lạ thì lòng ai vui được.

Tháng Tư nào cũng buồn và Tháng Tư nào tôi cũng đi dưới mùa xuân với một trái tim nặng trĩu.

Tôi viết những câu thơ trên trái tim mình
Trái tim tôi là một ngôi làng bên ngoài tổ quốc (Thơ-tmt)

Trần Mộng Tú
4/2013

BBC : 30 tháng Tư trong thế giới mạng

BBC

Cập nhật: 15:19 GMT - thứ hai, 29 tháng 4, 2013
 
 
Sự kiện 30/04 được chính quyền nói đế́n nhiều trên phương tiện truyền thông nhà nước và cũng là chủ đê bảo chí tiếng Việt tại hải ngoại khai thác, nhưng gần đây có thêm sự tham gia nhiều và mạnh hơn của cư dân mạng.

Là trang thu hút hàng chục triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài sử dụng, Facebook, mạng xã hội từng bị chặn tại Việt Nam, đang xuất hiện các thông điệp tương đối trái chiều để đánh dấu sự kiện 30/04.
Tờ Bấm Dân Trí có bài mô tả rằng “các bạn trẻ treo trên tường nhà cùng với việc thay avatar hình lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam”.
“Cộng đồng mạng còn hạ quyết tâm “nhuộm đỏ” Facebook với sự xuất hiện của quốc kì, đó không chỉ là trào lưu mà là hành động thiết thực thể hiện tình yêu với quê hương đất nước,” bài báo của Dân Trí viết.
Trong khi đó Bấm Đốp Catherine có bài ‘30/4 - anh hỏi em nghĩ gì?’ trên Facebook được khá nhiều người tán thưởng.
Tác giả bình luận “Những ngày này em lên facebook, những avatar cờ vàng ba sọc đỏ xen lẫn với avatar cờ đỏ sao vàng. Những ngày này, người ta đang tranh cãi nhau nên gọi nó là ngày gì: giải phóng hay quốc hận".
'Giải phóng'

Biểu tình "Ngày Quốc Hận" chiều 27/04/13 tại Place du Trocadéro, Paris.
“Em đã đọc về Sài Gòn trước 75, em đã thấy những hình ảnh của một Sài Gòn phồn thịnh, tự do nên em không thể coi đó là ngày giải phóng.
“Em sinh sau đẻ muộn, em biết chuyện hàng ngàn người bỏ mạng ngoài biển khơi, em hiểu nỗi đau của những người còn sống sót và đến được bến bờ tự do nhưng em không muốn mang chữ hận thù bên cạnh mình.
“Em sẽ gọi nó là ngày tang thương, dù thực ra, cuộc tang thương của đất nước mình bắt đầu trước đó cả ba mươi năm”, tác giả viết.
Trong khi đó từ Đại học Harvard, nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc” dẫn lời Thủ tướng Thái Lan nói "Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả" khi đáp lại câu “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to" của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt khi ông thăm nước này vào năm 1991.
Trong một entry ngắn trên Facebook, Bấm Huy Đức dẫn lời cố Chủ tịch Hồ ChíMinh nói: "Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa".
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc"
Nhà báo Huy Đức
Nhà báo có nhiều người hâm mộ trên Facebook viết tiếp “Ngày 30-4-1975, cũng có thể coi là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản”.
“Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh.
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.
“Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng và chắc chắn sẽ có không ít người dân cũng coi đó là ngày chiến thắng”, nhà báo Huy Đức bình luận trên Facebook của mình.
Con em 'chế độ cũ'
“38 năm- Nhà nước của một nửa” của Bấm Ngô Minh là bài viết được phát tán khá nhiều khác trên mạng.
Tác giả mở bài nói “Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối”.

Người dân tại cả hai bên chiến tuyến đều chịu thiệt hại về người và của trong Cuộc chiến Việt Nam.
“Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày.
"Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là nhà nước của một nửa,” tác giả viết.
Bài viết mô tả về sự phân biệt đối xử với “con em ngụy quân ngụy quyền, những người làm việc dưới chế độ cũ” và cáo buộc điều tác giả gọi là có một loại “nhà nuớc một nửa khác”.
“Đó là nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là nhà nước là nhà nước một nửa, nhà nước của quan chức tham nhũng”, tác giả nhận xét.
Phải nói thẳng rằng, 38 năm qua, nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa họp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên.
"Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình"
Phương Bích
Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch–ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được.
Còn công dân mạng k‎y tên Phương Bích thì lấy nguồn cảm hứng từ bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006) để viết bài “Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước” vì điều tác giả gọi là ông Điềm đã “nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi”.
“Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc.
“Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình,...
“Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau,” tác giả Phương Bích viết.
 
BBC