8/11/13

Các pháp quan, hãy nhảy xuống sông đi

Các pháp quan, hãy nhảy xuống sông đi

08-11-2013
Trong luật Hamurabi, nếu buộc tội người khác mà không đưa ra được bằng chứng, người ta sẽ1 phân xử bằng cách “Ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó”.
“Nếu kẻ nào đi buộc tội người khác và đã thề trước thần linh về việc đó mà không đưa ra được bằng chứng xác đáng về sự buộc tội của mình thì kẻ đó sẽ phải chết”. Đây là điều luật đầu tiên trong bộ luật Hamurabi, được ban hành vào khoảng năm 1760 trước công nguyên ở Babylon cổ đại.
Nói một cách dễ hiểu: Nghĩa vụ chứng minh tội phạm phải là của người buộc tội, chứ người bị buộc tội không cần phải chứng minh mình vô tội. Quy định văn minh này, được gọi là nguyên tắc suy đoán vô tội, về sau xuất hiện trong tất cả các bộ luật hình sự và là nguyên tắc cơ bản nhất của hình luật.
Nhưng thưa đức vua Hamurabi, cái nguyên tắc văn minh mà ngài đã đề ra từ gần 4.000 năm trước, giờ đây, đang bị xem như cỏ rác trong vụ án oan ở nước Việt thế kỷ 21.
Trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, một trong những lập luận mà các cơ quan tư pháp Bắc Giang đã buộc tội giết người đối với ông là “Hơn 20 phút đồng hồ, từ 19g đến 19g25, Chấn không chứng minh được mình làm gì, đi đâu và với ai?”. Đây ngẫu nhiên là khoảng thời gian xảy ra án mạng. Và dù, trong phần tranh tụng, luật sư của ông Chấn đã trình Bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do Bưu điện cung cấp, thể hiện trong khoảng thời gian xảy ra án mạng, từ số máy thuê bao nhà Nguyễn Thanh Chấn có cuộc gọi đi cho máy mang số 566…  với thời lượng từ 19h19’51″ đến 19h20’31″. Nhưng bằng chứng ngoại phạm này đã bị Tòa đã bác thẳng thừng với lí do “cho dù tính khách quan và khoa học của bảng kê điện tử kể trên là không ai có thể phản bác hoặc phủ nhận về cuộc đàm thoại đã được ghi nhận, tuy nhiên tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Còn lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng”.
Và thế là buộc tội giết người. Và thế là tù chung thân. Và thế là khi người ta không chứng minh được mình đang làm, với ai gì trùng thời điểm xảy ra án mạng, lập tức người ta có thể bị buộc tội giết người.
Tất nhiên, phải nói đến tình tiết đáng chú ý nhất trong vụ án này là dù oan ức, dù không hề giết người, nhưng  anh Chấn, giờ đây có lẽ phải gọi là ông Chấn, đã “tự nguyện” đến cơ quan công an, đã ký vào bản nhận tội, dù trong cả hai phiên tòa sau đó, ông đều kêu oan.
Vì sao người đàn ông vô tội đó lại ký nhận tội giết người để mang nhục, để suýt lãnh án dựa cột?
ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bên hành lang nghị trường đã bóng gió đặt ra giả thuyết “Đôi khi dùng nhục hình bằng cách dùng tù trị tù thì rất khó phát hiện”.
Phải có gì đó ghê gớm hơn cả bản án chung thân mới khiến một người ngay tự nhận về mình tội ác ghê rợn. Và hóa ra, ép cung, nhục hình không phải là chuyện ở trên cung trăng.
Có người gọi đây là một bản án nhục nhã phải được ghi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam. Có người đã nói về sự bồi thường. Nhưng bằng cái gì và bao nhiêu thì đủ để bồi thường cho nỗi oan khuất của một người từng đập đầu vào tường để chết, nhưng không thể chết vì quá oan ức.
Trong luật Hamurabi, nếu buộc tội người khác mà không đưa ra được bằng chứng, người ta sẽ phân xử bằng cách “Ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó”.
Phân định sự thật bằng cách lặn nước có thể khiến chúng ta cảm thấy buồn cười về sự ngô nghê. Nhưng nỗi nhục thà được gột rửa bằng một sự ngô nghê chứ không thể văn minh bằng cách lạnh lùng thảy ra hai chữ xin lỗi và bồi hoàn bằng tiền thuế do người khác đóng.
———————–

Nhiều điều tra viên trong vụ ông Chấn đã được thăng chức

08.11.2013 | 11:52 AM
Trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, hậu quả trực tiếp đầu tiên thuộc về công tác điều tra. Chưa bàn đến chuyện các điều tra viên bị tố dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết… cũng đã có quá nhiều sai sót. Theo lãnh đạo công an tỉnh Bắc Giang cho biết, có 7 cán bộ điều tra trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngoài 1 điều tra viên bị chết do tai nạn giao thông, một số người đã giữ chức vụ cao trong ngành. Theo đại tá Nguyễn Văn Chức, chánh Văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án.
2
Nguyễn Thanh Chấn ngày ra trại.
Hiện đơn vị cũng đã triệu tập các điều tra viên (trừ một điều tra viên đã mất) từng tham gia điều ttra vụ án của ông Chấn cách đây 10 năm để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ sự việc.
Theo nguồn tin của PV Nguoiduatin.vn, danh sách cụ thể của các điều tra viên vụ giết người làng Me năm 2003 gồm:
Ông Thái Xuân Dũng: Nguyên chánh thanh tra Công an tỉnh, đeo hàm Đại tá, từng là phó thủ trưởng cơ quan điều tra, phó phòng Cảnh sát điều tra, ông là người ký kết luận điều tra vụ án, và chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Lê Văn Dũng: Nguyên trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đã được phong hàm Đại tá, cách đây 10 năm là phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Đình Dung: Nguyên phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn cách đây 10 năm
Ông Trần Nhật Duật: Hiện tại là phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc giang, Từng là điều tra viên
Ông Đào Văn Biên: Nguyên phó trưởng phòng PC45, là điều tra viên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Trung Thành: Nguyên phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng, là điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn.
Một điều tra viên tên là Tân, đã mất trong một vụ tai nạn.
3
Buổi sáng đầu tiên của anh Chấn sau khi ra trại.
Trước đó, ngày 6/11, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm của TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn tù chung thân về tội Giết người (đã có hiệu lực) bị tuyên hủy để điều tra lại vụ án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm sẽ gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.
Trong thời hạn 15 ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.
Như báo Nguoiduatin.vn đã có bài phản ánh về vụ việc cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Ngày 25/10, Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, được thả tự do về nhà.
Tuấn Nghĩa

7/11/13

Gió thổi đồi đông sang đồi tây

Gió thổi  đồi đông sang đồi tây  (*)

                                                     Lê Hoàng Thanh Thủy 
                                                     
                                     Tặng Mỹ  Hiệp ( T.H.  Phan Chu Trinh ĐN )






Con gió nào đi qua tuổi thơ tôi
Cùng tôi reo vui bên những cánh diều
Thổi ước mơ tôi
Bay lên
Phía chân trời có cầu vồng ngũ sắc. 

Con gió nào đã cùng tôi đi qua

Ấm áp một thời con gái
Giả làm người yêu tôi buổi đầu hò hẹn
Gió hôn trộm lên làn tóc rối
Làm đỏ bừng đôi má tuổi thanh xuân. 

Gió thổi  đồi đông sang đồi tây

Có mang theo hơi ấm dòng sông quê
Con sông Hàn êm ả một thời áo trắng
Một thời ngồi soi bóng bên sông
Nghe gió rì rào  trò chuyện
với những chiếc lá vàng rơi
Còn tôi một mình
Ngỏ lời tình tự với mùa xuân
 Với một tình yêu chưa nhìn rõ mặt. 

Ngọn gió thổi từ đồi đông sang đồi tây

Hãy nhớ mang theo dùm tôi
Vài chiếc lá vàng
Của khung trời cũ
Những gương mặt thân quen bè bạn
Một chút nắng vàng bên bến sông ngày ấy
Một nỗi lòng
Và…một chút hương xưa. 

L.H.T.T.


……………………….
(*) Ý thơ Phạm Công Thiện :
mười năm qua gió thi đi tây
tôi long đong theo bóng chim gy”.....

6/11/13

Thomas A. Bass - Về cái chết của Tướng Võ Nguyên Giáp

  •       Tháng 11 6, 2013

Thomas A. Bass
Bùi Xuân Bách dịch
Giờ đây viên tướng đã qua đời, nhưng có lẽ con người này còn có thể hồi sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hôm mồng 4 tháng 10-2013 ở tuổi 102. Những cáo phó, sơ lược tiểu sử về ông, nhiều bản trong số đó được viết từ nhiều năm trước, chỉ cung cấp một sự diễn dịch chính thức về một cuộc đời mà chỉ gần đây các nhà sử học mới khai thác, một cuộc đời – bất chấp sự trường thọ của nó – chưa hề được xem xét chi tiết.
Những bản cáo phó về Tướng Giáp, cùng một lúc đã gán cho ông quá nhiều và quá ít công trạng. Ông  quả thực là kiến trúc sư của chiến thắng huy hoàng tại Điện Biên Phủ năm 1954 chống người Pháp, chấm dứt cuộc chiến Đông Dương thứ nhất, và Graham Greene đã đúng khi gọi đó là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa thực dân phương Tây, một đạo quân châu Á đã đánh bại một đạo quân châu Âu trong một trận đánh chính quy. Thông điệp đã vang vọng tới Algeria và các thuộc địa khác, trong khi họ noi theo tấm gương thành công của Việt Nam. “Việc những thanh niên Mỹ vẫn tiếp tục chết ở Việt Nam chỉ nói lên rằng, cần phải có thời gian để tiếng vọng, thậm chí, của một thất bại hoàn toàn có thể đi hết một vòng quả đất”, Greene viết.
Phần lớn những cáo phó về Tướng Giáp đều gắn cho ông công lao đã chiến thắng cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó đều nói rằng ông đã dàn dựng kế hoạch cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch cuối cùng, chiến dịch kết thúc cuộc chiến với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Những phát biểu này hoàn toàn tảng lờ các thông tin được biết trong những năm gần đây, các tài liệu lưu trữ và những nét tiểu sử chỉ giờ đây mới phát lộ. Ngay từ năm 1963, sau khi phản đối Nghị quyết 9 về việc tiến hành chiến tranh trực tiếp chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đã bị gạt sang một bên trong cuộc tranh giành quyền lực của Lê Duẩn cùng các nhà lý luận khác trong Đảng. Sau đó, ông Hồ tự cách ly mình ra bằng cách đi Trung Quốc chữa bệnh. Ông Giáp thì đi Hungary. Tướng Giáp đã ở lại Hungary năm tháng, khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân được lên kế hoạch. Mãi hai ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, một chiếc chuyên cơ của Trung Quốc mới chở ông về lại ViệtNam. Giáp – người mà danh chính ngôn thuận vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ trưởng Quốc phòng – đã bàng hoàng khi được biết những chi tiết về cuộc tiến công biển người vào các đô thị Nam Việt Nam và các mục tiêu quân sự khác. Ông biết rằng các lực lượng vũ trang giải phóng trong Nam quá thua kém về mặt hỏa lực và không một cuộc đồng khởi nào có thể cứu họ khỏi bị tàn sát. Điều mà ông nhận được chỉ vì ông đúng – là một dạng lưu đày mới, ngay trong nội bộ. Ba chục tướng tá và những người cộng sự gần gũi của ông đã bị bắt và bỏ tù vì họ đã không nhiệt tình đầy đủ trong việc ủng hộ đường lối của Đảng.
Là người lính có kỷ luật, suốt năm mươi năm Tướng Giáp đã giữ kín miệng về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Những đồng sự cộng sản đã hạ tầng công tác của ông, từ Phó Thủ tướng xuống Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch, nhưng sống càng lâu, ông càng trở thành biểu tượng của sự thông minh và trung thực, lòng dũng cảm và sự nhìn xa trông rộng của dân Việt. Ông đã phát biểu chống lại sự tham nhũng và nhà nước công an khắc nghiệt của Việt Nam. Ông đã chống lại việc Chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên.
Trong khi tin tức về việc ông qua đời lan truyền trên mạng internet – không có một thông báo chính thức nào được công bố cho tới ngày hôm sau – hàng trăm nghìn người Việt Nam đã đổ ra các đường phố mang theo những bó hoa vàng và ảnh của con người đã từng tham gia tạo nên nước Việt Nam hiện đại và cũng là người đại diện tiêu biểu nhất cho những hy vọng và giá trị của đất nước. Mọi người đã khóc vì tất cả những gì họ đã phải chịu đựng trong suốt ba mươi năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Họ khóc vì những lời hứa cuội của những con người tầm vóc nhỏ hơn ông, nhưng đã gạt ra rìa một viên tướng vĩ đại.
Tôi đã đến thăm nhà báo Sài Gòn kiêm điệp viên Phạm Xuân Ẩn chỉ ít lâu trước khi ông mất năm 2006. Lúc đó ông bước tới cái ngăn kéo trong phòng khách của mình và lôi ra một tập giấy. “Đây là bức thư mười bảy trang của Tướng Giáp”, ông nói. Đó là một trong những bức thư tướng Giáp gửi cho Bộ Chính trị vào cuối đời, phê phán ảnh hưởng của Trung Quốc trong công việc nội bộ của Việt Nam, nạn tham nhũng, hối lộ, việc theo dõi của công an, sự tàn phá môi sinh, và những căn bệnh xã hội khác. Ẩn kể với tôi rằng, ba mươi tướng lĩnh đã ký thỉnh nguyện thư ủng hộ Tướng Giáp. “Thật nguy hiểm nếu anh đứng về một phía nào đó”, Ẩn nói. “Nguyên nhân khiến chúng tôi không có sách lịch sử Việt Nam do người Việt Nam viết, là do anh không thể nói thật. Đó là tại sao tất cả sách trên giá của tôi đều do người ngoại quốc viết.”
Thượng nghị sĩ John McCain và những nhà bình luận khác đã từng phê phán ông Giáp về việc phí phạm sinh mạng những người lính của mình. Sự nhẫn tâm của ông không thể nào so sánh được với các viên chỉ huy người Anh trong Đại chiến Thế giới thứ nhất, và ông đã phản đối ý kiến của các cố vấn Trung Quốc, muốn dùng chiến thuật biển người để đánh Pháp tại Điện Biên Phủ. Thay vào đó, Tướng Giáp đã lựa chọn chiến thuật bao vây và kiên trì sử dụng pháo binh. Những lời khuyên còn tồi tệ hơn của Trung Quốc đã góp phần tạo ra cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Tướng Giáp không phải người để đổ lỗi về thất bại quân sự nặng nề này, với cái giá phải trả là một nửa số quân của cộng sản ở miền Nam và việc xóa sổ các đơn vị Việt cộng như những lực lượng chiến đấu.  Sự phê phán cuối cùng của McCain, rằng Tướng Giáp đã liều lĩnh đẩy đất nước của ông tới chỗ “bị tàn phá gần như hoàn toàn”, để “đánh bại bất cứ địch thủ nào, dù họ có mạnh tới đâu chăng nữa” cũng có thể áp dụng cho những nhà cách mạng thành công khác – như George Washington chẳng hạn.
Trong số các cán bộ cách mạng Việt Nam, Tướng Giáp là người được giáo dục theo phương pháp cổ điển, với bằng cấp về triết học, lịch sử, luật pháp và chính trị, một người vượt trội hơn hẳn trong cái ban lãnh đạo tập thể không rõ mặt của đất nước ông, một người yêu phong lan và văn chương Pháp – thậm chí cả sau khi người Pháp đã tra tấn vợ ông tới chết – người đã dám đương đầu với mạng lưới kiểm duyệt của Việt Nam để nói lên sự thật. Chẳng có gì đáng  ngạc nhiên khi có hàng trăm nghìn người Việt Nam đã dự đám tang và tiễn đưa quan tài của ông tới nơi chôn cất, trên một sườn núi trông ra biển. Ông đã mở ra một thế giới hiện đại, hậu thực dân. Ông là biểu tượng của độc lập và quyền tự quyết. Những gì ông đã nói là một động lực cho cái Thiện trên đời này, và những gì ông chưa nói ra thì lại thuộc về chúng ta để khám phá. Giờ đây viên tướng đã đi xa, ta hãy nhìn lại con người này.
20-10-2013
Source  : Pro&contra (Blog Pham Thi Hoai )

Trung Quốc Chuyển Hướng



Wednesday, November 6, 2013

Trung Quốc Chuyển Hướng

Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA Ngày 131106
"Diễn Đàn Kinh Tế"

Trung Quốc sẽ thay đổi, theo ý định của lãnh đạo hay do động lực của quần chúng
000_Hkg7169525-305.jpg
* Quảng trường Thiên An Môn ngày 11 tháng 4 năm 2012 - AFP*



Trong bốn ngày từ mùng chín đến 12 tháng này, đảng Cộng sản Trung Hoa có Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, với tham vọng chuyển hướng về chiến lược và cải cách về kinh tế để vượt qua khó khăn trước mặt. Liệu việc chuyển hướng có thành hay không?Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về việc đó qua cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

 

Cải cách kinh tế để bảo vệ quyền lực

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như giới lãnh đạo Bắc Kinh long trọng thông báo, tuần này, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để đưa ra nhiều thay đổi mà họ đánh giá là "chưa từng thấy". Trong cái ý đối chiếu với các vấn đề kinh tế mà Việt Nam đang gặp, xin đề nghị với ông là chúng ta sẽ lại tập trung vào yêu cầu thay đổi đó của Trung Quốc. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, xin ông trước hết trình bày cho bối cảnh để độc giả của chúng ta hiểu ra vì sao họ phải đổi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh tin là Hội nghị kỳ ba của Khóa 18 sẽ có quyết định lớn lao như hai Hội nghị kỳ ba trước đây. Lần trước là Hội nghị kỳ ba của Khoá 11 vào cuối năm 1978, lần sau là Hội nghị kỳ ba của Khoá 14 vào đầu năm 1993.

- Về lần trước vào cuối năm 1978, thì từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào Tháng Chín năm 1976, ông Đặng Tiểu Bình mất hai năm "đảo chính" để tập trung quyền lực sau 10 năm hỗn loạn vì Cách mạng Văn hóa. Nhờ vậy, ông tiến hành việc hiện đại hóa với khẩu hiệu "cải cách và khai phóng". Từ đó, Trung Quốc áp dụng quy luật thị trường thay cho lề lối tập trung kế hoạch đã phá sản và mở ra 30 năm tăng trưởng khá ngoạn mục.

Một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Về lần sau vào năm 1993 là khi thế hệ lãnh đạo thứ ba như Giang Trạch Dân lên cầm quyền sau vụ khủng hoảng Thiên an môn, để định chế hóa hệ thống chính trị và tiếp tục áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc hầu duy trì được tăng trưởng trong ổn định chính trị. Quyết định đáng kể của Hội nghị kỳ ba lần đó là việc tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước, trong có mấy năm mà từ 10 triệu cơ sở xuống còn 30 vạn. Đáng lẽ Việt Nam nên chú ý đến quyết định này mà cải cách doanh nghiệp một cách dứt khoát hơn thì đã tránh được vấn đề ngày nay.

Vũ Hoàng: Qua hai Hội nghị kỳ ba mà ông vừa nhắc tới, vào năm 78 và 93, người ta thấy ra nét chung là mọi quyết định chuyển hướng kinh tế đều xuất phát từ những cân nhắc chính trị, nên phải chăng, cải cách kinh tế là để bảo vệ quyền lực chính trị của đảng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng thế và đấy là mâu thuẫn hữu cơ của một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị. Lần này, dù là sau tấm màn chính trị mờ ám và thống kê kinh tế mờ ảo nên có thể đoán sai, tôi nghĩ rằng sự thể cũng sẽ như vậy và cùng lắm thì sẽ có loại cải cách kinh tế của hai chục năm trước, chứ chưa thể tiến xa vào lĩnh vực chính trị vì sợ rủi ro.


000_Hkg7053994-250
Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Ed Jones.

Vũ Hoàng: Vì sao ông lại có nhận xét như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không thể quên khung cảnh bất ổn xã hội dưới hiểm nguy kinh tế rất cao với ảnh hưởng chính trị khá nghiêm trọng. Tôi xin nêu ra bốn thí dụ nhỏ cho thấy việc này.

- Thứ nhất, Bắc Kinh biết sợ phản ứng thị trường nên vẫn duy trì người được quốc tế đánh giá cao về chuyên môn là ông Chu Tiểu Xuyên làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương dù ông ta hết là Trung ương Ủy viên sau Đại hội 18 vào cuối năm ngoái. Đấy là tín hiệu cải cách bề mặt để khỏi gây hốt hoảng, chứ người từng kêu gọi cải cách về chính trị là Bí thư Uông Dương của tỉnh Quảng Đông lại không vào Thường vụ Bộ Chính trị và giờ đây chỉ là Phó Thủ tướng hạng ba. Thứ ba là người có ý cải cách kinh tế mạnh nhất là Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường nay lại đòi duy trì mức tăng trưởng là 7,2% một năm để kiềm chế nạn thất nghiệp dù biết là cần giảm đà tăng trưởng thì mới có thể đổi hướng. Nói cách khác thì dù chệch hướng vẫn đạp ga lao tới. Thí dụ sau cùng là từ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi thanh trừng Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, ông vẫn sử dụng lại hình ảnh và phong cách Mao Trạch Đông y như họ Bạc, để duy trì quyền lực đảng bằng tinh thần ái quốc đầy chất bảo thủ kiểu Mao. Nói chung, họ vẫn dè dặt dù tình hình đòi hỏi nhiều quyết định táo bạo từ kinh tế đến chính trị.

Vũ Hoàng: Thưa ông, về kinh tế thì đâu là vấn đề khiến Trung Quốc phải chuyển hướng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là nước đi sau có thể học theo các nước tiên tiến để huy động những yếu tố "khiếm dụng", trước đây không sử dụng hết vì không biết, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng cao y như nhiều nước chậm tiến trên thế giới. Vì lý do chính trị, họ vét tiết kiệm rất nhiều và số nhân công rất đông của người dân để dồn vào đầu tư làm lực đẩy. Sản xuất dư thừa thì xuất khẩu cho nhà nước nắm lấy một nguồn ngoại tệ rất lớn và phô diễn sức mạnh của xứ sở.

- Sau 30 năm thì chiến lược đó đi hết sự vận hành và phơi bày nhiều vấn đề sinh tử nên lãnh đạo phải chuyển. Như đã trình bày trước đây, tôi thiển nghĩ là có năm vấn đề nghiêm trọng nhất. 1) Sản xuất dư thừa nên gây hoang phí, lỗ lã, bong bóng đầu cơ, với một lượng tín dụng gấp đôi Tổng sản lượng, bên trong là một núi nợ xấu sẽ đổ khi bong bể. 2) Lề lối trưng thu tiết kiệm của dân chỉ là hình thái bóc lột mới, nó gây bất công xã hội và bất ổn kinh tế vì đánh sụt mức tiêu thụ nội địa. 3) Trong khi phương tiện dư dôi kia là dân số lao động rất đông và lãnh lương rất thấp lại bắt đầu cạn và đòi mức sống khá hơn. 4) Yêu cầu sản xuất bằng mọi giá chỉ là tăng trưởng không cân đối, thiếu phẩm chất, và gây ra hai loại ô nhiễm là ô nhiễm môi sinh và tham nhũng. 5) Ở trên cùng thì các thế lực kinh tế và chính trị cấu kết với nhau để cản trở những yêu cầu cải cách mà lãnh đạo đã thấy từ 10 năm trước mà không làm gì được.

 

Kế hoạch Tam-Bát-Tam


Vũ Hoàng: Để giải quyết năm loại vấn đề mà ông vừa tóm lược thì Đại hội kỳ Ba này có thể làm những gì, ít nhất về mặt kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá. Ba hướng cải cách là thị trường, chính phủ và doanh nghiệp. Tám lĩnh vực cần sửa là hành chính, cạnh tranh, đất đai, ngân hàng, thuế vụ, doanh nghiệp, công nghệ xanh để bảo vệ môi sinh, và mở rộng khu vực dịch vụ. Ba chỉ tiêu đột phá là 1) hạ thấp rào cản để thu hút đầu tư quốc tế và nâng sức cạnh tranh, 2) xây dựng mạng an sinh xã hội và 3) cho phép trao đổi quyền sử dụng đất.
- Tôi thiển nghĩ rằng đấy là tham vọng lớn, có khi để các trung tâm nghiên cứu của chế độ hay trí thức trong đảng tác động lên lãnh đạo, nhưng tội sẽ đặc biệt chú ý đến bốn hòn đá thử vàng là 1) cải cách tài chính gồm có ngân hàng và ngoại hối để thật sự đền bù tiết kiệm và nâng sức cạnh tranh; 2) cải cách xã hội gồm có thuế vụ và chế độ an sinh để lo cho dân nghèo và nâng mức tiêu thụ nội địa; 3) cải cách chế độ hộ khẩu để giải phóng sức dân và đô thị hoá một cách khoa học; 4) sau cùng mới cả cải cách doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp nhà nước, để giới hạn lạm dụng và trưng thu của bộ máy nhà nước. Còn lại, việc cải tổ chế độ đất đai là điều cần thiết mà cực kỳ nan giải vì đụng vào quyền lợi của quá nhiều đảng viên từ trung ương tới địa phương.

Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Ông có bi quan quá hay không khi thấy rằng nhiều biện pháo cải cách sẽ bị hạn chế vì những quyền lợi này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là thời Đại hội Ba vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình có hậu thuẫn khá mạnh ở dưới và chỉ phải ứng phó với tham vọng của một số đảng viên trên thượng tầng. Ngày nay, tình hình đổi khác vì không chỉ một số cá nhân gian hùng có thể chặn đà cải cách của tập thể mà cả một mạng lưới quyền lợi đan kết với nhau để duy trì hiện trạng và cản trở cải cách. Nếu mạnh tay tiến hành thì lại gây phân hóa trong đảng và dẫn tới khủng hoảng chính trị. Vì vậy mà người ta không có nhiều kỳ vọng và Trung Quốc khó vượt qua được thách đố trước mặt.

Vũ Hoàng: Trong một kỳ trước, ông nói rằng các nước cùng chuyển hướng phải phối hợp với nhau thì mới dễ thành công. Một câu hỏi được nhiều thính giả nêu ra là nếu trong đà cải cách, Bắc Kinh tự ý quyết định không cho nước Mỹ vay tiền hoặc giảm bớt số nợ trị giá gần một ngàn ba trăm tỷ đô la thì tình hình sẽ ra sao? Ai lợi và ai thiệt?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay mà hơi rắc rối nên tôi đi thật chậm để thính giả của chúng ta nắm vững sự thật khoa học và lẽ đúng sai về chính trị hay tuyên truyền.

- Trong 20 năm liền sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và các nước buôn bán với nhau nhiều hơn kể từ 1992 đến 2012, thì nước nào tiết kiệm nhiều lại cần đến nước tiêu thụ nhiều và tiết kiệm ít. Thí dụ như tiết kiệm nhiều là Á Châu, mà đứng đầu là Trung Quốc, thì cần sức tiêu thụ của Mỹ. Luồng giao dịch đôi bên là cán cân chi phó, theo nguyên lý kế toán là phải quân bình, bằng nhau. Thặng dư của cán cân mậu dịch thì quân bình với cán cân vãng lai, trong đó có giao dịch tư bản. Cụ thể là bán hàng cho Mỹ lấy tiền về thì lại gửi qua Mỹ dưới hình thức đầu tư hoặc cho vay. Chưa có sức đầu tư thì cho vay là cách an toàn hơn cả. Trong quan hệ này, đôi bên đều có lợi và cần nhau chứ chẳng có chuyện ai hay ai dở, ai mạnh ai yếu. Từ năm 2012 thì mọi sự đảo ngược.

- Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì Mỹ cần nâng tiết kiệm, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu để trả nợ nên Tầu khó xuất khẩu và càng phải chuyển để nâng mức tiêu thụ nội địa. Nếu đôi bên phối hợp nhịp nhàng khi chuyển hướng thì sẽ tránh được giao động và thiệt hại, chứ không thể có chuyện uy hiếp nhau bằng cách không mua hàng hoặc chẳng cho vay nữa.

- Bây giờ nếu vì lý do kinh tế, Bắc Kinh muốn bớt cho Mỹ vay tiền - hoặc còn đòi nợ như nhiều người không hiểu nên cứ lo sợ - thì Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh có thể làm gì? Thứ nhất là mua ít công khố phiếu hơn để dồn tiền mua cổ phiếu Hoa Kỳ. Khi ấy mọi sự chẳng thay đổi gì ở cả hai bên. Thứ hai, Bắc Kinh bán công khố phiếu Mỹ để mua tài sản của một khối kinh tế khác, giả dụ như Âu Châu. Khi ấy mọi sự vẫn chẳng thay đổi cho Hoa Kỳ hay cho cán cân thương mại Trung Quốc mà Bắc Kinh bị rủi ro hơn với tài sản Âu Châu và các nước Châu Âu lại bị thiệt. Thứ ba là giảm số công khố phiếu Mỹ mà mua nguyên nhiên vật liệu như dầu khí hay kim loại. Khi ấy, họ ôm vào trong lòng sự bất trắc của thị trường thương phẩm, có khi lời to có khi lỗ nặng, là chuyện đang xảy ra. Nói vắn tắt lại vì thời lượng có hạn, chủ nợ Bắc Kinh rất cần khách nợ Mỹ và sẽ cần hơn nữa trong những năm tới khi hoàn cảnh cải cách của họ còn khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Source  : RFA / Dainamax Tribune

5/11/13

BBC - Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm

Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm

Cập nhật: 02:27 GMT - thứ hai, 4 tháng 11, 2013

John F. Kennedy
Chính ông John F. Kennedy đã đồng ý với đảo chính với điều kiện nó phải thành công
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.

Những phân tích của trang Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến chống cộng sản ở nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.
BấmLưu trữ An ninh Quốc gia, trang của các nhà báo và học giả lập ra để đảm bảo độ minh bạch của các quyết định chính trị, cho thấy ông Kennedy thực sự quan tâm tới những diễn biến ở Sài Gòn vào thời điểm đó và cố gắng để có những thông tin đầy đủ nhất trước khi đi tới quyết định sẽ làm gì.
Tài liệu mang tên 'Cuộc đảo chính Diệm sau 50 năm, John F. Kennedy và miền Nam Việt Nam, 1963' dựa vào một loạt những băng ghi âm mà chính Tổng thống Kennedy ghi lại và được giải mật trong vài năm gần đây cùng với một số văn bản mật đã được công bố để kết luận ông Kennedy đã không phản đối đảo chính nhưng muốn đảm bảo đảo chính phải thành công.
Vị Tổng thống đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về chuyện Hoa Kỳ cần ứng phó ra sao trước tình hình phức tạp ở Sài Gòn trong đó có cuộc tấn công của gia đình họ Ngô nhắm vào Phật giáo, phe quân đội muốn lật ông Diệm và cả tin tức Cố vấn Ngô Đình Nhu đã có những liên hệ bí mật với miền bắc cộng sản.
Ông Kennedy đóng vai trò điều phối thay vì áp đặt ý kiến cá nhân khi gặp gỡ các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu để bàn về nam Việt Nam.

Loại bỏ ông Nhu

Cũng như các quan chức Hoa Kỳ khác, ông Kennedy đồng ý rằng cần phải loại bỏ Cố vấn Ngô Đình Nhu, người đứng đằng sau nhiều quyết định bị xem là tai hại của Tổng thống Diệm.
Ông Ngô Đình Diệm duyệt đội danh dự nhân quốc khánh năm 1962
Ông Diệm kiên quyết không loại bỏ em trai khỏi vị trí cố vấn dù Hoa Kỳ gây sức ép
Ngay cả sau khi đã có tin các tướng lĩnh Sài Gòn đang mưu lật ông Diệm, Tổng thống Kennedy vẫn muốn có những hoạt động ngoại giao nhằm thuyết phục ông Diệm gạt bỏ ông Nhu và bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông cố vấn.
Nhưng vào thời điểm cuối tháng Tám năm 1963, hai tháng trước cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Kennedy cũng biết rằng tương quan lực lượng giữa phe toan đảo chính và phe trung thành với ông Diệm nghiêng về phía quân ủng hộ gia đình họ Ngô.
Khi đó ông Kennedy cũng nhận thấy Mỹ, theo chính lời ông, đang "ngập tới hông" ở Việt Nam và cuộc chiến chống cộng sản sẽ không đi tới đâu nếu ông Diệm và các ủng hộ viên của ông tiếp tục tại nhiệm.
Vị Tổng thống cũng ý thức được rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bất bình nếu biết ông đứng về phía các viên tướng đảo chính nhưng kết luận rằng các dân biểu còn "giận dữ hơn nếu Việt Nam thất bại" trong cố gắng trở thành hình mẫu phi cộng sản ở châu Á.
Ông cũng trực tiếp nghe bàn thảo về các phương thức Hoa Kỳ có thể thực hiện để ủng hộ giới tướng lĩnh muốn đảo chính trong đó có giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho lực lượng đặc nhiệm trung thành với ông Diệm, dùng trực thăng của quân đội Hoa Kỳ để giúp chuyển quân cho các viên tướng Sài Gòn và cả kế hoạch di tản người Mỹ nếu đảo chính bất thành.

10 năm đẫm máu

Cuối cùng cuộc đảo chính đã diễn ra hôm 1/11/1963 với sự bật đèn xanh của Mỹ và sau khi các tướng mưu đảo chính hội đủ lực lượng vượt trội so với quân trung thành với ông Diệm.
Lính Hoa Kỳ ở Việt Nam
Nửa triệu lính Hoa Kỳ đã tới Việt Nam trong những năm sau đảo chính
Cả hai ông Diệm và Nhu bị giết hôm 2/11 và miền Nam rơi vào tình trạng bất ổn chính trị từ đó cho tới khi tan rã vào năm 1975.
Hai mươi ngày sau chính Tổng thống Kennedy cũng bị sát hại bởi một tay súng.
Sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng tăng sau sự ra đi của cả hai tổng thống.
Trong năm 1965, Hoa Kỳ đưa 200.000 quân tới tham chiến ở Việt Nam và số quân này tăng gấp đôi trong năm sau đó và đạt nửa triệu vào năm 1967.
Tới khi Hiệp ước Paris nhằm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam được ký kết, hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tàn khốc vốn cũng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam.

Source : BBC

BBC - Kennedy 'sai nghiêm trọng' khi lật ông Diệm


Kennedy 'sai nghiêm trọng' khi lật ông Diệm

Cập nhật: 17:00 GMT - thứ ba, 5 tháng 11, 2013




Tổng thống Kennedy hồi tháng Tám năm 1963
                 Ông Kennedy tỏ ra hối hận vì để xảy ra vụ đảo chính chết người

Một tác giả Hoa Kỳ nói Tổng thống Kennedy, khi bật đèn xanh cho cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã có sai lầm ngoại giao nghiêm trọng hơn cả thất bại trong vụ 'Vịnh Con Heo'.
Trong sự kiện Vịnh Con Heo tháng Tư 1961, Tổng thống Kennedy thông qua kế hoạch hỗ trợ cho người Cuba lưu vong đổ bộ vào Cuba nhằm lật đổ chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro. Cuộc đổ bộ đã sớm bị phát hiện, ngăn chặn và vai trò của Hoa Kỳ cũng bị lộ cho dù ông Kennedy cố tình che giấu.

Đánh dấu 50 năm cuộc đảo chính ở Sài Gòn, Mục sư Byron Williams, tác giả cuốn sách sắp ra mắt '1963 - Năm của Hy vọng và Thù nghịch', viết cho Năm 1963, ông Kennedy và các quan chức dưới quyền đã phát đi những tín hiệu mà giới tướng lĩnh ở Sài Gòn xem như đèn xanh để họ đảo chính và khiến Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn-em trai Ngô Đình Nhu bị giết chết vào tháng 11.
BấmHuffington Post rằng sai lầm ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hồi năm 1963 còn tai hại hơn vụ BấmVịnh Con Heo hồi năm 1961.
Ông Williams viết: "Vụ đảo chính ông Diệm, theo tôi, là sai lầm chính sách ngoại giao lớn nhất của John Kennedy, thậm chí lớn hơn cả vụ Vịnh Con Heo."
"Cái chết của ông Diệm đã mở cánh cửa vào một loạt các vũng lầy cho Hoa Kỳ."
Tác giả nhắc lại rằng hồi cuối năm 1962, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Hoa Kỳ Mike Mansfield đã gợi ý với ông Kennedy sau khi tới thực địa ở Việt Nam theo yêu cầu của vị tổng thống:
"Đó là đất nước của họ, tương lai của họ chứ không phải của chúng ta."
"Bỏ qua thực tế này sẽ không chỉ gây thiệt hại to lớn về người và của đối với Hoa Kỳ mà nó còn có thể kéo chúng ta vào một tình thế không hay ho gì như người Pháp từng vướng phải."
Mặc dù ông Kennedy cũng bị bắn chết hôm 22/11, tiên đoán của ông Mansfield đã hoàn toàn đúng với sự thiệt mạng của 58.000 lính Mỹ trong số gần nửa triệu quân Hoa Kỳ tới tham chiến ở Việt Nam chưa kể tới thiệt hại về tiền của.
Tác giả Williams cũng dẫn lời ông Kennedy bình về đánh giá của ông Mansfield: "Tôi rất bực Mike vì ông bất đồng hoàn toàn với chính sách của chúng ta và tôi cũng giận chính bản thân vì tôi thấy mình đồng ý với ông ấy."

Điện tín 243

Ngô Đình Diệm thăm Philippines hồi năm 1958
Ông Diệm (giữa trong khi thăm Philippines) đã đánh mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ

Cây viết cho Huffington Post cũng nhắc tới Điện tín số 243 mà Roger Hilsman, Vụ trưởng Viễn Đông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi cho Đại sứ Henry Cabot Lodge, Đại sứ ở Nam Việt Nam hôm 24/8/1963:
"Hiện chưa rõ quân đội đề nghị thiết quân luật hay ông Nhu lừa họ làm vậy, ông Nhu đã lợi dụng việc này để đập phá chùa chiền với Cảnh sát và Lực lượng Đặc nhiệm của [Lê Quang] Tung vốn trung thành với ông ta và qua đó đổ tội cho quân đội trong con mắt của thế giới và người dân Việt Nam."
"Chính quyền [Hoa Kỳ] không thể chấp nhận để quyền lực trong tay Nhu. Cần cho ông Diệm cơ hội để rũ bỏ Nhu và vây cánh để thay thế bằng những nhân vật chính trị và quân sự tốt nhất có thể. Nếu, bất chấp mọi nỗ lực của ông, Diệm vẫn ngoan cố và từ chối, chúng ta phải tính tới khả năng không giữ chính ông Diệm nữa."
"Tôi cảm thấy tôi phải chịu phần trách nhiệm lớn đối với vụ việc, bắt đầu với điện tín hồi đầu tháng Tám trong đó chúng tôi gợi ý đảo chính."
Tổng thống Kennedy
Điện tín đánh dấu sự thay đổi chính sách này được đưa ra vào một ngày thứ Bảy khi Tổng thống Kennedy, Phó tổng thống Lyndon Johnson, Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy đều đi vắng.
Mặc dù không hài lòng với lời lẽ của điện tín, chính ông Kennedy và các nhân vật trọng yếu khác của Hoa Kỳ đã có thái độ 'tùy cơ ứng biến' với tình hình ở Sài Gòn trong các cuộc họp liên tục sau khi Điện tín 243 được gửi đi.
Sau khi ông Diệm và Cố vấn Nhu bị sát hại, theo trích dẫn của ông Williams, Tổng thống Kennedy nói:
"Tôi cảm thấy tôi phải chịu phần trách nhiệm lớn đối với vụ việc, bắt đầu với điện tín hồi đầu tháng Tám trong đó chúng tôi gợi ý đảo chính. Theo tôi, điện tín đó (Điện tín 243) đã được viết ẩu và lẽ ra không nên gửi nó đi vào thứ Bảy.
"Đáng ra tôi không nên đồng ý mà không có hội nghị bàn tròn để nghe ý kiến của ông McNamara và ông [Tướng Maxwell] Taylor."
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.
Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến chống cộng sản ở nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.
Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm diễn ra ngày 1/11/1963. Một ngày sau đó, ông Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị phe đảo chính hạ sát.
Đến ngày 22/11 cùng năm, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas, tiểu bang Texas.

Source : BBC