Các pháp quan, hãy nhảy xuống sông đi
08-11-2013
Trong luật Hamurabi, nếu buộc tội người khác mà không đưa ra được bằng chứng, người ta sẽ phân xử bằng cách “Ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó”.
“Nếu kẻ nào đi buộc tội người khác và đã thề trước thần linh về việc đó mà không đưa ra được bằng chứng xác đáng về sự buộc tội của mình thì kẻ đó sẽ phải chết”. Đây là điều luật đầu tiên trong bộ luật Hamurabi, được ban hành vào khoảng năm 1760 trước công nguyên ở Babylon cổ đại.
Nói một cách dễ hiểu: Nghĩa vụ chứng minh tội phạm phải là của người buộc tội, chứ người bị buộc tội không cần phải chứng minh mình vô tội. Quy định văn minh này, được gọi là nguyên tắc suy đoán vô tội, về sau xuất hiện trong tất cả các bộ luật hình sự và là nguyên tắc cơ bản nhất của hình luật.
Nhưng thưa đức vua Hamurabi, cái nguyên tắc văn minh mà ngài đã đề ra từ gần 4.000 năm trước, giờ đây, đang bị xem như cỏ rác trong vụ án oan ở nước Việt thế kỷ 21.
Trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, một trong những lập luận mà các cơ quan tư pháp Bắc Giang đã buộc tội giết người đối với ông là “Hơn 20 phút đồng hồ, từ 19g đến 19g25, Chấn không chứng minh được mình làm gì, đi đâu và với ai?”. Đây ngẫu nhiên là khoảng thời gian xảy ra án mạng. Và dù, trong phần tranh tụng, luật sư của ông Chấn đã trình Bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do Bưu điện cung cấp, thể hiện trong khoảng thời gian xảy ra án mạng, từ số máy thuê bao nhà Nguyễn Thanh Chấn có cuộc gọi đi cho máy mang số 566… với thời lượng từ 19h19’51″ đến 19h20’31″. Nhưng bằng chứng ngoại phạm này đã bị Tòa đã bác thẳng thừng với lí do “cho dù tính khách quan và khoa học của bảng kê điện tử kể trên là không ai có thể phản bác hoặc phủ nhận về cuộc đàm thoại đã được ghi nhận, tuy nhiên tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Còn lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng”.
Và thế là buộc tội giết người. Và thế là tù chung thân. Và thế là khi người ta không chứng minh được mình đang làm, với ai gì trùng thời điểm xảy ra án mạng, lập tức người ta có thể bị buộc tội giết người.
Tất nhiên, phải nói đến tình tiết đáng chú ý nhất trong vụ án này là dù oan ức, dù không hề giết người, nhưng anh Chấn, giờ đây có lẽ phải gọi là ông Chấn, đã “tự nguyện” đến cơ quan công an, đã ký vào bản nhận tội, dù trong cả hai phiên tòa sau đó, ông đều kêu oan.
Vì sao người đàn ông vô tội đó lại ký nhận tội giết người để mang nhục, để suýt lãnh án dựa cột?
ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bên hành lang nghị trường đã bóng gió đặt ra giả thuyết “Đôi khi dùng nhục hình bằng cách dùng tù trị tù thì rất khó phát hiện”.
ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bên hành lang nghị trường đã bóng gió đặt ra giả thuyết “Đôi khi dùng nhục hình bằng cách dùng tù trị tù thì rất khó phát hiện”.
Phải có gì đó ghê gớm hơn cả bản án chung thân mới khiến một người ngay tự nhận về mình tội ác ghê rợn. Và hóa ra, ép cung, nhục hình không phải là chuyện ở trên cung trăng.
Có người gọi đây là một bản án nhục nhã phải được ghi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam. Có người đã nói về sự bồi thường. Nhưng bằng cái gì và bao nhiêu thì đủ để bồi thường cho nỗi oan khuất của một người từng đập đầu vào tường để chết, nhưng không thể chết vì quá oan ức.
Trong luật Hamurabi, nếu buộc tội người khác mà không đưa ra được bằng chứng, người ta sẽ phân xử bằng cách “Ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó”.
Trong luật Hamurabi, nếu buộc tội người khác mà không đưa ra được bằng chứng, người ta sẽ phân xử bằng cách “Ra bờ sông và lao mình xuống dòng sông đó”.
Phân định sự thật bằng cách lặn nước có thể khiến chúng ta cảm thấy buồn cười về sự ngô nghê. Nhưng nỗi nhục thà được gột rửa bằng một sự ngô nghê chứ không thể văn minh bằng cách lạnh lùng thảy ra hai chữ xin lỗi và bồi hoàn bằng tiền thuế do người khác đóng.
———————–
Nhiều điều tra viên trong vụ ông Chấn đã được thăng chức
08.11.2013 | 11:52 AM
Trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, hậu quả trực tiếp đầu tiên thuộc về công tác điều tra. Chưa bàn đến chuyện các điều tra viên bị tố dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết… cũng đã có quá nhiều sai sót. Theo lãnh đạo công an tỉnh Bắc Giang cho biết, có 7 cán bộ điều tra trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngoài 1 điều tra viên bị chết do tai nạn giao thông, một số người đã giữ chức vụ cao trong ngành. Theo đại tá Nguyễn Văn Chức, chánh Văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án.
Nguyễn Thanh Chấn ngày ra trại.
Hiện đơn vị cũng đã triệu tập các điều tra viên (trừ một điều tra viên đã mất) từng tham gia điều ttra vụ án của ông Chấn cách đây 10 năm để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ sự việc.
Theo nguồn tin của PV Nguoiduatin.vn, danh sách cụ thể của các điều tra viên vụ giết người làng Me năm 2003 gồm:
Ông Thái Xuân Dũng: Nguyên chánh thanh tra Công an tỉnh, đeo hàm Đại tá, từng là phó thủ trưởng cơ quan điều tra, phó phòng Cảnh sát điều tra, ông là người ký kết luận điều tra vụ án, và chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Lê Văn Dũng: Nguyên trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đã được phong hàm Đại tá, cách đây 10 năm là phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Đình Dung: Nguyên phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn cách đây 10 năm
Ông Trần Nhật Duật: Hiện tại là phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc giang, Từng là điều tra viên
Ông Đào Văn Biên: Nguyên phó trưởng phòng PC45, là điều tra viên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Trung Thành: Nguyên phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng, là điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn.
Một điều tra viên tên là Tân, đã mất trong một vụ tai nạn.
Buổi sáng đầu tiên của anh Chấn sau khi ra trại.
Trước đó, ngày 6/11, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm của TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn tù chung thân về tội Giết người (đã có hiệu lực) bị tuyên hủy để điều tra lại vụ án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm sẽ gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.
Trong thời hạn 15 ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.
Như báo Nguoiduatin.vn đã có bài phản ánh về vụ việc cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Ngày 25/10, Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, được thả tự do về nhà.
Tuấn Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét