6/11/13

Trung Quốc Chuyển Hướng



Wednesday, November 6, 2013

Trung Quốc Chuyển Hướng

Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA Ngày 131106
"Diễn Đàn Kinh Tế"

Trung Quốc sẽ thay đổi, theo ý định của lãnh đạo hay do động lực của quần chúng
000_Hkg7169525-305.jpg
* Quảng trường Thiên An Môn ngày 11 tháng 4 năm 2012 - AFP*



Trong bốn ngày từ mùng chín đến 12 tháng này, đảng Cộng sản Trung Hoa có Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, với tham vọng chuyển hướng về chiến lược và cải cách về kinh tế để vượt qua khó khăn trước mặt. Liệu việc chuyển hướng có thành hay không?Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về việc đó qua cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

 

Cải cách kinh tế để bảo vệ quyền lực

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như giới lãnh đạo Bắc Kinh long trọng thông báo, tuần này, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để đưa ra nhiều thay đổi mà họ đánh giá là "chưa từng thấy". Trong cái ý đối chiếu với các vấn đề kinh tế mà Việt Nam đang gặp, xin đề nghị với ông là chúng ta sẽ lại tập trung vào yêu cầu thay đổi đó của Trung Quốc. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, xin ông trước hết trình bày cho bối cảnh để độc giả của chúng ta hiểu ra vì sao họ phải đổi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh tin là Hội nghị kỳ ba của Khóa 18 sẽ có quyết định lớn lao như hai Hội nghị kỳ ba trước đây. Lần trước là Hội nghị kỳ ba của Khoá 11 vào cuối năm 1978, lần sau là Hội nghị kỳ ba của Khoá 14 vào đầu năm 1993.

- Về lần trước vào cuối năm 1978, thì từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào Tháng Chín năm 1976, ông Đặng Tiểu Bình mất hai năm "đảo chính" để tập trung quyền lực sau 10 năm hỗn loạn vì Cách mạng Văn hóa. Nhờ vậy, ông tiến hành việc hiện đại hóa với khẩu hiệu "cải cách và khai phóng". Từ đó, Trung Quốc áp dụng quy luật thị trường thay cho lề lối tập trung kế hoạch đã phá sản và mở ra 30 năm tăng trưởng khá ngoạn mục.

Một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Về lần sau vào năm 1993 là khi thế hệ lãnh đạo thứ ba như Giang Trạch Dân lên cầm quyền sau vụ khủng hoảng Thiên an môn, để định chế hóa hệ thống chính trị và tiếp tục áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc hầu duy trì được tăng trưởng trong ổn định chính trị. Quyết định đáng kể của Hội nghị kỳ ba lần đó là việc tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước, trong có mấy năm mà từ 10 triệu cơ sở xuống còn 30 vạn. Đáng lẽ Việt Nam nên chú ý đến quyết định này mà cải cách doanh nghiệp một cách dứt khoát hơn thì đã tránh được vấn đề ngày nay.

Vũ Hoàng: Qua hai Hội nghị kỳ ba mà ông vừa nhắc tới, vào năm 78 và 93, người ta thấy ra nét chung là mọi quyết định chuyển hướng kinh tế đều xuất phát từ những cân nhắc chính trị, nên phải chăng, cải cách kinh tế là để bảo vệ quyền lực chính trị của đảng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng thế và đấy là mâu thuẫn hữu cơ của một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị. Lần này, dù là sau tấm màn chính trị mờ ám và thống kê kinh tế mờ ảo nên có thể đoán sai, tôi nghĩ rằng sự thể cũng sẽ như vậy và cùng lắm thì sẽ có loại cải cách kinh tế của hai chục năm trước, chứ chưa thể tiến xa vào lĩnh vực chính trị vì sợ rủi ro.


000_Hkg7053994-250
Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Ed Jones.

Vũ Hoàng: Vì sao ông lại có nhận xét như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không thể quên khung cảnh bất ổn xã hội dưới hiểm nguy kinh tế rất cao với ảnh hưởng chính trị khá nghiêm trọng. Tôi xin nêu ra bốn thí dụ nhỏ cho thấy việc này.

- Thứ nhất, Bắc Kinh biết sợ phản ứng thị trường nên vẫn duy trì người được quốc tế đánh giá cao về chuyên môn là ông Chu Tiểu Xuyên làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương dù ông ta hết là Trung ương Ủy viên sau Đại hội 18 vào cuối năm ngoái. Đấy là tín hiệu cải cách bề mặt để khỏi gây hốt hoảng, chứ người từng kêu gọi cải cách về chính trị là Bí thư Uông Dương của tỉnh Quảng Đông lại không vào Thường vụ Bộ Chính trị và giờ đây chỉ là Phó Thủ tướng hạng ba. Thứ ba là người có ý cải cách kinh tế mạnh nhất là Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường nay lại đòi duy trì mức tăng trưởng là 7,2% một năm để kiềm chế nạn thất nghiệp dù biết là cần giảm đà tăng trưởng thì mới có thể đổi hướng. Nói cách khác thì dù chệch hướng vẫn đạp ga lao tới. Thí dụ sau cùng là từ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi thanh trừng Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, ông vẫn sử dụng lại hình ảnh và phong cách Mao Trạch Đông y như họ Bạc, để duy trì quyền lực đảng bằng tinh thần ái quốc đầy chất bảo thủ kiểu Mao. Nói chung, họ vẫn dè dặt dù tình hình đòi hỏi nhiều quyết định táo bạo từ kinh tế đến chính trị.

Vũ Hoàng: Thưa ông, về kinh tế thì đâu là vấn đề khiến Trung Quốc phải chuyển hướng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là nước đi sau có thể học theo các nước tiên tiến để huy động những yếu tố "khiếm dụng", trước đây không sử dụng hết vì không biết, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng cao y như nhiều nước chậm tiến trên thế giới. Vì lý do chính trị, họ vét tiết kiệm rất nhiều và số nhân công rất đông của người dân để dồn vào đầu tư làm lực đẩy. Sản xuất dư thừa thì xuất khẩu cho nhà nước nắm lấy một nguồn ngoại tệ rất lớn và phô diễn sức mạnh của xứ sở.

- Sau 30 năm thì chiến lược đó đi hết sự vận hành và phơi bày nhiều vấn đề sinh tử nên lãnh đạo phải chuyển. Như đã trình bày trước đây, tôi thiển nghĩ là có năm vấn đề nghiêm trọng nhất. 1) Sản xuất dư thừa nên gây hoang phí, lỗ lã, bong bóng đầu cơ, với một lượng tín dụng gấp đôi Tổng sản lượng, bên trong là một núi nợ xấu sẽ đổ khi bong bể. 2) Lề lối trưng thu tiết kiệm của dân chỉ là hình thái bóc lột mới, nó gây bất công xã hội và bất ổn kinh tế vì đánh sụt mức tiêu thụ nội địa. 3) Trong khi phương tiện dư dôi kia là dân số lao động rất đông và lãnh lương rất thấp lại bắt đầu cạn và đòi mức sống khá hơn. 4) Yêu cầu sản xuất bằng mọi giá chỉ là tăng trưởng không cân đối, thiếu phẩm chất, và gây ra hai loại ô nhiễm là ô nhiễm môi sinh và tham nhũng. 5) Ở trên cùng thì các thế lực kinh tế và chính trị cấu kết với nhau để cản trở những yêu cầu cải cách mà lãnh đạo đã thấy từ 10 năm trước mà không làm gì được.

 

Kế hoạch Tam-Bát-Tam


Vũ Hoàng: Để giải quyết năm loại vấn đề mà ông vừa tóm lược thì Đại hội kỳ Ba này có thể làm những gì, ít nhất về mặt kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá. Ba hướng cải cách là thị trường, chính phủ và doanh nghiệp. Tám lĩnh vực cần sửa là hành chính, cạnh tranh, đất đai, ngân hàng, thuế vụ, doanh nghiệp, công nghệ xanh để bảo vệ môi sinh, và mở rộng khu vực dịch vụ. Ba chỉ tiêu đột phá là 1) hạ thấp rào cản để thu hút đầu tư quốc tế và nâng sức cạnh tranh, 2) xây dựng mạng an sinh xã hội và 3) cho phép trao đổi quyền sử dụng đất.
- Tôi thiển nghĩ rằng đấy là tham vọng lớn, có khi để các trung tâm nghiên cứu của chế độ hay trí thức trong đảng tác động lên lãnh đạo, nhưng tội sẽ đặc biệt chú ý đến bốn hòn đá thử vàng là 1) cải cách tài chính gồm có ngân hàng và ngoại hối để thật sự đền bù tiết kiệm và nâng sức cạnh tranh; 2) cải cách xã hội gồm có thuế vụ và chế độ an sinh để lo cho dân nghèo và nâng mức tiêu thụ nội địa; 3) cải cách chế độ hộ khẩu để giải phóng sức dân và đô thị hoá một cách khoa học; 4) sau cùng mới cả cải cách doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp nhà nước, để giới hạn lạm dụng và trưng thu của bộ máy nhà nước. Còn lại, việc cải tổ chế độ đất đai là điều cần thiết mà cực kỳ nan giải vì đụng vào quyền lợi của quá nhiều đảng viên từ trung ương tới địa phương.

Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Ông có bi quan quá hay không khi thấy rằng nhiều biện pháo cải cách sẽ bị hạn chế vì những quyền lợi này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là thời Đại hội Ba vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình có hậu thuẫn khá mạnh ở dưới và chỉ phải ứng phó với tham vọng của một số đảng viên trên thượng tầng. Ngày nay, tình hình đổi khác vì không chỉ một số cá nhân gian hùng có thể chặn đà cải cách của tập thể mà cả một mạng lưới quyền lợi đan kết với nhau để duy trì hiện trạng và cản trở cải cách. Nếu mạnh tay tiến hành thì lại gây phân hóa trong đảng và dẫn tới khủng hoảng chính trị. Vì vậy mà người ta không có nhiều kỳ vọng và Trung Quốc khó vượt qua được thách đố trước mặt.

Vũ Hoàng: Trong một kỳ trước, ông nói rằng các nước cùng chuyển hướng phải phối hợp với nhau thì mới dễ thành công. Một câu hỏi được nhiều thính giả nêu ra là nếu trong đà cải cách, Bắc Kinh tự ý quyết định không cho nước Mỹ vay tiền hoặc giảm bớt số nợ trị giá gần một ngàn ba trăm tỷ đô la thì tình hình sẽ ra sao? Ai lợi và ai thiệt?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay mà hơi rắc rối nên tôi đi thật chậm để thính giả của chúng ta nắm vững sự thật khoa học và lẽ đúng sai về chính trị hay tuyên truyền.

- Trong 20 năm liền sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và các nước buôn bán với nhau nhiều hơn kể từ 1992 đến 2012, thì nước nào tiết kiệm nhiều lại cần đến nước tiêu thụ nhiều và tiết kiệm ít. Thí dụ như tiết kiệm nhiều là Á Châu, mà đứng đầu là Trung Quốc, thì cần sức tiêu thụ của Mỹ. Luồng giao dịch đôi bên là cán cân chi phó, theo nguyên lý kế toán là phải quân bình, bằng nhau. Thặng dư của cán cân mậu dịch thì quân bình với cán cân vãng lai, trong đó có giao dịch tư bản. Cụ thể là bán hàng cho Mỹ lấy tiền về thì lại gửi qua Mỹ dưới hình thức đầu tư hoặc cho vay. Chưa có sức đầu tư thì cho vay là cách an toàn hơn cả. Trong quan hệ này, đôi bên đều có lợi và cần nhau chứ chẳng có chuyện ai hay ai dở, ai mạnh ai yếu. Từ năm 2012 thì mọi sự đảo ngược.

- Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì Mỹ cần nâng tiết kiệm, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu để trả nợ nên Tầu khó xuất khẩu và càng phải chuyển để nâng mức tiêu thụ nội địa. Nếu đôi bên phối hợp nhịp nhàng khi chuyển hướng thì sẽ tránh được giao động và thiệt hại, chứ không thể có chuyện uy hiếp nhau bằng cách không mua hàng hoặc chẳng cho vay nữa.

- Bây giờ nếu vì lý do kinh tế, Bắc Kinh muốn bớt cho Mỹ vay tiền - hoặc còn đòi nợ như nhiều người không hiểu nên cứ lo sợ - thì Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh có thể làm gì? Thứ nhất là mua ít công khố phiếu hơn để dồn tiền mua cổ phiếu Hoa Kỳ. Khi ấy mọi sự chẳng thay đổi gì ở cả hai bên. Thứ hai, Bắc Kinh bán công khố phiếu Mỹ để mua tài sản của một khối kinh tế khác, giả dụ như Âu Châu. Khi ấy mọi sự vẫn chẳng thay đổi cho Hoa Kỳ hay cho cán cân thương mại Trung Quốc mà Bắc Kinh bị rủi ro hơn với tài sản Âu Châu và các nước Châu Âu lại bị thiệt. Thứ ba là giảm số công khố phiếu Mỹ mà mua nguyên nhiên vật liệu như dầu khí hay kim loại. Khi ấy, họ ôm vào trong lòng sự bất trắc của thị trường thương phẩm, có khi lời to có khi lỗ nặng, là chuyện đang xảy ra. Nói vắn tắt lại vì thời lượng có hạn, chủ nợ Bắc Kinh rất cần khách nợ Mỹ và sẽ cần hơn nữa trong những năm tới khi hoàn cảnh cải cách của họ còn khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Source  : RFA / Dainamax Tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét