Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 131213
Những chuyển động quốc tế bên dưới cuộc khủng hoảng
* Dân biểu tình trưng cờ Liên Âu và nhìn về hướng Tây *
Từ ba tuần nay, biến động bùng nổ tại Ukraine khi hàng chục vạn người xuống đường biểu tình tại thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác. Cao điểm là những vụ xung đột trực diện với cảnh sát và việc bức tượng của Lenin bị đập nát tại Kiev trong tiềng reo hò của dân chúng vào Chủ Nhật mùng tám.
Mọi chuyện có vẻ khởi đầu khi Chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich bất ngờ từ chối ký bản hiệp định Liên kết và Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu châu dự trù tiến hành tại Thượng đỉnh kỳ ba của cơ chế gọi là "Đối tác Miền Đông" được tổ chức trong hai ngày 28-29 Tháng 11 tại thủ đô Vilnius của Cộng hoà Lithuania. Quyết định ấy khiến nhiều người nổi giận, coi là Yanukovich bị Liên bang Nga ép phải từ chối hợp tác với Âu Châu dân chủ, cho nên họ đòi chấm dứt "chế độ xấu hổ và nhục nhã" của Ukraine.
Theo dõi vụ khủng hoảng tại Ukraine, các nhà bình luận có thể nghĩ Yanukovich tương đối kiểm soát được tình hình khi báo trước việc không ký kết với Liên Âu dù ông vẫn dự hội nghị tại Vilnius và qua Thứ Ba mùng ba còn viếng thăm Trung Quốc rồi Liên bang Nga. Dù cảm nghĩ ấy có thể chỉ đúng một phần thì cũng là bài học cho nhiều người. Cho nên xin tìm hiểu trước....
***
Nội Tình Ukraine và Đòn Phép Yanukovich
Ngón võ đầu tiên là Yanukovich đồng ý gặp ba lãnh tụ có thể nói lên tiếng nói chung của dân biểu tình là ba cựu Tổng thống Leonid Kravchuk (1991-1994), Leonid Kuchma (1994-2005) và Viktor Yushchenko (2005-2010).
Quả nhiên là ba nhân vật đó chỉ có thể thống nhất lập trường trên mẫu số chung nhỏ nhất. Họ không nêu đòi hỏi gì hơn là Nội các của Thủ tướng Nikolai Azarov phải từ chức, trả tự do cho người biểu tình bị bắt giữ và trừng phạt các viên chức đã đàn áp dân biểu tình hôm 30. Yanukovich có thể xé lẻ ba người đối lập vì họ khó đồng ý với nhau về nhiều đòi hỏi lớn lao hơn. Thí dụ như giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại để chế độ sau này sẽ quyết định về việc giao thương với Âu Châu ở hướng Tây hay Liên bang Nga ở hướng Đông.
Thật ra, ba nhân vật trên đều không phải là những người lãnh đạo cuộc biểu tình. Yanukovich nhắm vào việc chia rẽ ba nhân vật khác ở đằng sau.
Một là chính trị gia gốc võ sư Vitali Klitschko, một lãnh tụ hùng biện của Liên đoàn Dân chủ Ukraine cho Cải cách, được Sáng viện Konrad Adenauer của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo tại Đức yểm trợ. Hai là Dân biểu Arseniy Yatsenuk, thủ lãnh đảng Tổ Quốc của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đang ở trong tù – hôm 13 tháng trước, Liên Âu yêu cầu là bà Tymoshenko phải được tự do thì mới có thể ký Hiệp ước. Người thứ ba là Oleh Tyahnybok, lãnh tụ đảng Sloboda có tinh thần quốc gia, nhưng nhuốm mùi cực hữu.
Với các nhân vật đối lập này, Yanukovich cũng nghĩ đến đòn bẻ đũa từng chiếc.
Kinh nghiệm cho các nhà đấu tranh cho dân chủ: hai lãnh tụ của cuộc "cách mạng màu da cam" năm 2004 là Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko đã cạnh tranh với nhau mà thất bại. Sau khi Yanukovich đắc cử Tổng thống, nguyên Tổng thống Yushchenko còn làm chứng để cáo buộc Thủ tướng Tymoshenko tội tham nhũng!
Thứ ba, Yanukovich còn hy vọng rằng dân biểu tình chỉ là thanh niên sinh viên, và lực lượng thợ thuyền hay doanh gia chưa tham dự. Và dù sao phong trào chống đối vẫn chỉ thu hẹp ở các tỉnh miền Tây, xưa nay vẫn thiên về Âu Châu, chứ không lan qua miền Đông, vốn dĩ vẫn muốn gắn bó với Liên bang Nga.
Sự thể có khi lại không được lạc quan như vậy, chúng ta phải nhìn rộng ra ngoài.
***
Trận Chiến Đông Tây Tại Ukraine
Trong khi Yanukovich giở võ với dân biểu tình thì cả Liên Âu và Hoa Kỳ lại có phản ứng mạnh.
Cầm đầu nền ngoại giao Liên Âu là nữ Nam tước Catherine Ashton đã tới đặt vấn đề với Tổng thống Ukraines và tiếp xúc với các lãnh tụ biểu tình vào hôm Thứ Ba mùng ba. Hôm sau, Ngoại trưởng Đức có mặt bên đoàn biểu tình tại Kiev. Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Victoria Nuland đem kẹo bánh úy lạo dân biểu tình và kêu gọi chấm dứt đàn áp. Cả Quốc hội Âu châu lẫn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều cho biết rằng Ukraine có thể bị trừng phạt về kinh tế, trong khi bà Ashton thông báo hôm Thứ Tư 11 rằng dù có gặp vấn đề kinh tế trong ngắn hạn, Tổng thống Yanukovich hy vọng ký kết hiệp ước với Âu Châu.
Giữ im lặng khá lâu, mãi đến Thứ Năm 12, Tổng thống Vladimir Putin mới nói ra quan điểm của mình trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang. Rằng vì quyền lợi của dân Ukraine, Chính quyền Kiev nên hợp tác với Nga.
Diễn giải cho dễ hiểu, hai khối Đông Tây đều đang tác động về kinh tế và chính trị. Vì vậy, câu chuyện không chỉ thu gọn vào hai khuynh hướng thiên Âu hay thiên Nga trong xã hội Ukraine.
Chuyện ấy khiến ta phải nhìn xa hơn những đòn phép của Viktor Yanukovich.
Ukraine từng là một nước Cộng hoà cột trụ trong Liên bang Xô viết và là vùng trái độn của Nga với các nước Đông Âu trong khối Xô viết cũ. Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, Nga bị khủng hoảng mất chục năm và chỉ tạm ổn định dưới triều đại Vladimir Putin, người đã làm Thủ tướng, rồi Tổng thống, rồi Thủ tướng, rồi lại tái đắc cử Tổng thống từ năm ngoái với phương pháp ngày càng độc đoán hơn. Trong thời gian đó, các nước Đông Âu thoát khỏi ách Xô viết đều cải cách về kinh tế lẫn chính trị để gia nhập Liên Âu rồi Minh ước NATO.
Khi đã củng cố thế lực, và nhân khi hai khối Âu-Mỹ lâm khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì Putin chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô ở vòng ngoại vi của Nga, và đẩy lui phong trào dân chủ tại Trung Âu. Georgia bị tấn công vào Tháng Tám năm 2008, Ukraina bị bắt bí về khí đốt đầu năm 2009. Cuộc cách mạng màu da cam của Ukrain bị đẩy lui, phe thân Nga của Yanukovich lên lãnh đạo, lãnh tụ phong trào dân chủ là Timoshenko vào tù.
Từng có kinh nghiệm đẫm máu với Nga Xô, bốn nước Đông Âu theo dõi kỹ chuyện này trước sự thờ ơ của dư luận Mỹ. Đó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia (hai nước này là hậu thân của Cộng hoà Tiệp Khắc). Họ đã lập ra "Nhóm Visegrad" từ năm 1991 - Visegrad là một địa danh lịch sử cả ngàn năm của Đông Âu - và vận động Liên Âu, NATO cùng Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa về mối nguy từ phía Đông, từ Liên bang Nga.
Từ đấy, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Đông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Điển đề nghị từ năm 2009. Chủ yếu là để lôi kéo sáu nước miền Đông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraine, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan, cùng hội nhập kinh tế rồi chính trị với Liên Âu.
Bên kia chiến hào kinh tế, Putin lập ra Liên hiệp Quan thuế với Belarus và Kazakhstan từ đầu năm 2010, nhưng có tham vọng mở ra một Liên hiệp Âu Á về quan thuế (Eurasian Custom Union) - dưới sự lãnh đạo và thực thi của bộ máy an ninh Nga – vào năm 2015 để hội nhập các nước từ Âu Châu sang tới Viễn Đông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam. Việc Putin vừa qua Việt Nam và đang vận động Nam Hàn nằm trong chiều hướng đó.
Chúng ta hiểu vì sao báo chí quốc doanh tại Việt Nam phải gỡ bỏ tin tức và hình ảnh bức tượng Lenin bị lật đổ và đập nát. Điều ấy cho thấy sự chọn lựa của Hà Nội: họ vẫn bảo vệ cái xác chết chưa chôn là chủ nghĩa cộng sản.
***
Bài Học Gần Xa
Nhìn lại thì giữa cơn khủng hoảng của khối Euro, Liên Âu cố dùng đòn bẩy kinh tế - tự do ngoại thương – để lôi kéo các nước miền Đông về phía Âu Châu dân chủ. Đó là kế hoạch Đối Tác Miền Đông Eastern Partnership. Liên bang Nga lại rất e ngại một xứ Ukraine theo kinh tế tự do và được sự bảo vệ của Minh ước NATO nên cũng dùng đòn bẩy kinh tế, và võ khí năng lượng, để duy trì ảnh hưởng của mình. Và Putin còn muốn bành trướng thế lực qua Trung Á đến tận Viễn Đông nhờ kế hoạch Thuế quan Âu-Á.
Khi vào cuộc, siêu cường của khối Euro là nước Đức ủng hộ dự án Đối Tác Miền Đông vì có thể làm giảm ảnh hưởng của sáng kiến xuất phát từ Pháp là hội nhập các nước Địa trung hải ở miền Nam. Nhưng nước Đức chỉ yểm trợ Ukraine trong chừng mực là không gây mâu thuẫn nặng với Nga, đến nay vẫn là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể. Nhìn như vậy, ta có thể suy đoán ra khả năng tác động của một đại gia mới nổi về năng lượng là Hoa Kỳ.
Khi vào cuộc, Nga vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO – mới gia nhập năm ngoái sau 18 năm thương thuyết - để bắt bí Georgia và Ukraine. Đã vậy, Nga còn gây khó cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Cananda, Brazil hay Moldovia về việc nhập cảng nông sản và lương thực với những tiêu chuẩn tùy tiện và đáng ngờ. Liên Âu đã lập hồ sơ truy tố và Hoa Kỳ cùng tham gia vụ kiện!
Theo quy ước Liên Âu, mỗi nước trong 28 thành viên (Croatia là thành viên vừa gia nhập Tháng Bảy vừa rồi) sẽ là chủ tịch luân phiên trong sáu tháng. Chủ tịch hiện nay là Lithuania, một trong ba nước Cộng hoà Baltic triệt để chống Liên Xô và bảo vệ quyền độc lập trong suốt thời Chiến tranh lạnh và thường xuyên bị Liên bang Nga đe dọa. Bên cạnh đó, Ba Lan là một nước tích cực yểm trợ các nước đã thoát khỏi ách Xô viết.
Tháng 11 vừa qua, Lithuania tổ chức thượng đỉnh Liên Âu về Đối Tác Miền Đông tại Vilnius chính là để các nước thảo luận việc thương thuyết hiệp định tự do ngoại thương và hợp tác với Georgia, Ukraine, Moldovia và Armenia. Khi Ukraine từ chối liên kết với Âu Châu và được Putin ve vãn thì ta hiểu rằng trận đánh Đông-Tây vẫn tiếp tục, trước sự quan sát của Georgia và Moldovia cùng nhiều nước Đông Âu khác.
Trông người lại ngẫm đến ta.
Hãy lấy giả thuyết là hai miền Nam Bắc của Việt Nam cũng xoay theo hai ngả. Vì lý do địa dư lẫn lịch sử, miền Bắc có thể thiên về giải pháp hội nhập với Trung Quốc, mà miền Nam lại muốn kết hợp với các nước Đông Nam Á để tìm sự thịnh vượng và dân chủ, nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Trong giả thuyết đó, nếu người Việt Nam không thống nhất được nhận thức và quan điểm về quyền lợi thì xứ sở sẽ lại phân hóa, bị phân ranh Nam-Bắc và khó có hòa bình, tương tự như Ukraine trên vết nứt địa chấn chính trị Đông-Tây.
Nhưng giả thuyết ấy hoàn toàn không có!
Người Việt Nam ở cả hai miền đã thống nhất nhận thức và quan điểm về quyền lợi. Vết nứt là giữa lãnh đạo ở Hà Nội với đa số người dân ở dưới....
Source : dainamax tribune