Ngoại trưởng Mỹ thúc đẩy nhân quyền, an ninh hàng hải nhân chuyến thăm VN

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, ngày 16/12/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, ngày 16/12/2013Trà Mi-VOA
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thúc đẩy Hà Nội cải thiện nhân quyền và cung cấp tài trợ giúp bảo vệ biên giới lãnh hải nhân chuyến công du Việt Nam 4 ngày kết thúc vào ngày mai 17/12.

Có mặt tại thủ đô Hà Nội hôm nay 16/12, ông Kerry kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm và nới lỏng quyền tự do truy cập internet cho người dân.

Tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cho hay trong buổi làm việc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, ông đã nêu lên các mối quan ngại của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền đang bị chỉ trích của Hà Nội.

Ông Kerry nói đôi bên đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở về vấn đề nhân quyền.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mỹ nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục chứng minh có tiến bộ về nhân quyền và các quyền tự do của công dân bao gồm quyền tự do tôn giáo, tự do bày tỏ quan điểm, và quyền tự do lập hội. Bởi lẽ, nếu không, vẫn theo lời ông, các thành viên trong Quốc hội Mỹ có phần chắc sẽ phản đối việc mở rộng giao thương với Việt Nam kể cả việc Hà Nội tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và việc thực thi thỏa thuận hạt nhân dân sự mới đạt được giữa hai nước.

Ông Kerry cho hay nhân quyền vẫn là đề tài được tiếp tục thảo luận giữa đôi bên Việt-Mỹ.

Không tiết lộ chi tiết, nhưng Ngoại trưởng Mỹ cho biết đã đề cập đến các trường hợp cụ thể bị vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Kerry đã nêu lên các mối quan ngại của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền đang bị chỉ trích của Hà Nội.Trong buổi làm việc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Kerry đã nêu lên các mối quan ngại của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền đang bị chỉ trích của Hà Nội.
Về phần mình, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh mô tả cuộc gặp với ông Kerry mang tính ‘xây dựng’. Ông Minh lặp lại quan điểm lâu nay của Hà Nội rằng hai bên Việt-Mỹ vẫn còn các bất đồng trong lĩnh vực nhân quyền.

Trước khi Ngoại trưởng Mỹ sang Việt Nam, 47 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư thúc giục ông kết nối vấn đề nhân quyền khi bàn về các vấn đề giao thương với Hà Nội.

Trong kiến nghị thư gửi ông Kerry trước chuyến đi Việt Nam, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu ông đề nghị Việt Nam có những bước lập tức tỏ thiện chí, bao gồm phóng thích tù nhân chính trị, bỏ các điều khoản hình sự hóa tội chỉ trích nhà nước như 88, 79, hay 258 trong Bộ Luật Hình sự, cho phép công nhân và công đoàn tự do tổ chức nghiệp đoàn độc lập, và thông qua các luật thực thi Công ước Liên hiệp quốc chống Tra tấn.

Nhiều người mong đợi sẽ có vài tù nhân lương tâm được phóng thích với chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ, quốc gia tiên phong cổ xúy dân chủ-nhân quyền trên thế giới và đặt nặng vấn đề nhân quyền trong các mối quan hệ với Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng của Việt Nam, là người liên hệ chặt chẽ với các nhà đấu tranh dân chủ và gia đình các tù nhân lương tâm trong nước.

Luật sư Đài cho biết trước khi Ngoại trưởng Mỹ đặt chân tới Việt Nam, ít nhất 3 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm ở phía Nam đã được giới hữu trách tiến hành các thủ tục thông lệ yêu cầu ký đơn ‘nhận tội’ ‘xin khoan hồng’, một dấu hiệu cho thấy có thể họ sắp được phóng thích.

Luật sư Nguyễn Văn Ðài.Luật sư Nguyễn Văn Ðài.
Ông Đài không tiết lộ cụ thể tên của những tù nhân đó gồm những ai. Tuy nhiên, ông cho biết có một trường hợp đặc biệt của nhà giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, người đang bị ung thư dạ dày trong trại giam.

Luật sư Đài:

“Gia đình anh Định được thông báo yêu cầu gửi hồ sơ lên để tòa án tối cao xem xét lại thủ tục Giám đốc thẩm cho anh ấy. Đây là một trường hợp rất hiếm. Bên quản lý trại giam và Bộ Công an cũng đã liên lạc với một số tù chính trị. Họ đã đến gặp gỡ các tù nhân này. Chuyện thả hay không chưa rõ ràng, nhưng chuyện họ đến tiếp xúc như vậy cũng là hơi bất thường.”

Tuy nhiên, luật sư Đài dự đoán các vụ phóng thích nếu có sẽ không diễn ra ngay sau chuyến thăm của ông Kerry, mà rất có thể là trong đợt ân xá trước Tết, vì Hà Nội không muốn mọi người cho rằng việc này được thực hiện vì áp lực hay để lấy lòng Hoa Kỳ.

Luật sư Đài tiếp lời:

“Thông thường như thế họ sẽ có nhiều cách, hoặc là giảm án, hoặc là dùng thủ tục Giám đốc thẩm để sửa bản án giảm án xuống bằng mức đã giam giữ trước đây, chứ còn khả năng đặc xá thì ít. Nếu đặc xá thì họ đã làm từ đầu tháng 12 rồi. Bây giờ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết thì họ làm không kịp.”

Ngoài nhân quyền, một trong những vấn đề nằm cao trong nghị trình làm việc của ông Kerry nhân chuyến thăm Việt Nam là vấn đề an ninh hàng hải.

Hôm nay (16/12), Ngoại trưởng Mỹ loan báo khoản hỗ trợ trị giá 32,5 triệu đô la giúp các nước Đông Nam Á tăng cường an ninh hàng hải. Phân nửa số tiền này dành cho Việt Nam giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông căng thẳng.

18 triệu đô la trong ngân khoản Ngoại trưởng Kerry vừa loan báo sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra duyên hải và có thể phản ứng nhanh hơn trong các nhiệm vụ tìm kiếm-cứu hộ hay thảm họa thiên tai.

Ông Kerry cho biết thêm số tiền cũng sẽ được dùng để mua 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng tuần duyên Việt Nam vào năm tới.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay với ngân khoản này, hỗ trợ về an ninh hàng hải Hoa Kỳ dành cho khu vực sẽ vượt trên 156 triệu đô la trong 2 năm tới.
Ngoại trưởng Mỹ thúc đẩy nhân quyền nhân chuyến thăm VN
Dù nói rằng sự hỗ trợ cho Đông Nam Á lần này không nhằm mục đích nhắm tới Trung Quốc, nhưng Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh khoản viện trợ được thiết lập để giúp các nước bảo vệ lãnh hải trước các hành động xâm lấn.

Ông nói hòa bình và ổn định tại Biển Đông là ưu tiên hàng đầu đối với Washington cũng như các nước trong khu vực và Hoa Kỳ phản đối các chiến thuật uy hiếp, gây hấn trong các tuyên bố chủ quyền.

Ông Kerry kêu gọi tăng cường các cuộc thảo luận và sáng kiến ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước trong việc xử lý tranh chấp lãnh hải.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bất kỳ tranh chấp nào cũng phải được giải quyết thông qua các định chế quốc tế.

Hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ thăm sông nước Cà Mau

  • Người dân hiếu kỳ xem đoàn xe của Ngoại trưởng Kerry đi ngang qua.