27/1/14

Rùa cướp kiếm vua và Vietinbank cướp tiền dân


THỨ BA, NGÀY 28 THÁNG 1 NĂM 2014

Rùa cướp kiếm vua và Vietinbank cướp tiền dân

HIỆU MINH

Logo của Vietinbank
Logo của Vietinbank
Như tin VNN đã đưa, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, Huỳnh Thị Huyền Như bị HĐXX tuyên phạt mức án tù chung thân. Bên cạnh đó, xét thấy Vietinbank hoàn toàn không hay biết quá trình Huyền Như lừa đảo nên tòa tuyên án Vietinbank không phải bồi thường.

Đương nhiên, những ai có tiền gửi trong Vietinbank sẽ điên đầu vì mất trắng do tòa Kangaroo xứ Việt phán bừa. Từ nay, có lẽ ít dần số người tin vào Ngân hàng Quốc doanh. Cái địa chỉ 108 Trần Hưng Đạo nên đưa vào danh sách các tòa nhà chuyên khủng bố khách hàng. Dẫu vậy, vào trang web của Vietinbank vẫn có dòng chữ chạy rất đẹp “Nâng giá trị cuộc sống” đập toẹt vào mặt người đọc. S
Thôi thì các bạn đọc tin sau trên Dân Trí cho đỡ bực, dù tin đó đã cũ mèm. Đó là việc dân mạng xã hội phẫn nộ và “ném đá” khi một tờ lịch có gắn thương hiệu SHB và được cho là lịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tặng khách hàng có in sai về truyền thuyền hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi hồ Gươm của Hà Nội.
Tờ lịch lạ
Tờ lịch lạ
Nội dung cụ thể của tờ lịch nhằm Tết dương lịch mùng 1/1/2014 được in như sau: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa thần đòi gươm”.
Đoạn thông tin giải thích về truyền thuyết thể hiện: “Một lần Vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ, bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác. Nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm và lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.
Đó là một cách hiểu của một trong những Ngân hàng xứ Việt thấy gì ăn được là “cướp và cướp”. Kiếm vàng của vua Lê Lợi mà còn bị Rùa cướp nói chi mấy đồng tiền do dân tự gửi vào Ngân hàng như Vietinbank.
Nếu có một tờ lịch 1-1-2014 của Vietinbank tặng khách hàng nhân dịp năm mới như SHB đã làm thì nên viết lại như sau về trụ sở của mình “Một lần nhà dân xứ Việt dạo chơi trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), bắt gặp một sinh vật lạ từ hành tinh khác là Vietinbank đứng ra mời mọc vào nhà bank để gửi tiền. Nhà dân Việt liền lấy cái ví xua xua, ý đuổi Vietinbank, tránh ra cho dân tôi dạo chơi. Nhưng Vietinbank bất ngờ đớp luôn cái ví và lặn mất vào trong ngôi nhà 108 Trần Hưng Đạo. Từ đó, ngôi nhà này được đặt tên là ngôi nhà cướp tiền.”
HM. 27-01-2014
Nên đổi tên ngôi nhà này.
Nên đổi tên ngôi nhà này.


26/1/14

Hẹn một mùa xuân



Hẹn một mùa xuân                                                            
                                                        Trần Hồ Dũng


Hẹn nhé ,  một ngày tôi trở lại 

Quê hương ngày ấy chắc yên vui 

Mẹ không buồn nữa vì cơn bấc

Em má hồng tươi đón gió xuân

Ngọn lửa hồng thơm hương nếp mới


Anh em về lại với nhau , ngồi

Giọt máu đào xưa , giờ thắm lại 

"Núi sông
 là  của các con chung

Không ai ngăn được lòng thương nước


Dân Việt ngàn năm ...vẫn Lạc Hồng "

( Mẹ nói : Anh em bây thật lạ


Cuối đời, bạc tóc, biết thương nhau ! )  

Tranhodung. Những mùa Xuân tha hương . USA 2010-2014.


              

 


Niềm tin

Niềm tin

Tháng 1 26, 2014
Nguyễn Minh Thành
Đọc bài: “Hy vọng những đốm lửa nhỏ, cần mẫn” của tiến sĩ Giáp Văn Dương, tôi thấy hứng thú viết bài này, với ý muốn nương theo và bàn sâu hơn vào đề tài niềm tin mà tiến sĩ nói đến. Hi vọng cùng nhau góp phần giúp khơi dậy một chút niềm tin trong chúng ta hôm nay.
Thực tế đúng là xã hội Việt Nam đang mất niềm tin trầm trọng.
Vậy: Niềm tin là gì?
Thực ra hầu như ai cũng biết niềm tin là gì, nhưng động tác đặt ra câu hỏi làm cho ta có thêm không gian cho một vấn đề, mà cuộc sống vốn vội vã của chúng ta đều thiếu chỗ cho hầu hết mọi điều.
“Niềm tin” là từ mà loài người chúng ta dùng cho nhau, nhưng nếu quan sát các vật vô tri trong qui luật vật lí, các vật có thể ở bên nhau khá lâu, hay có khả năng gắn kết với nhau đều phải đạt một số điều kiện tương đồng nào đó, thì đó cũng là niềm tin của chúng. Ví dụ các viên gạch đều có những mặt phẳng là điều kiện để dễ bề xây nên bức tường, hay hai cái móc đều cong quặp tương ứng, để móc vào nhau cho việc lôi kéo hay níu giữ. Một cái cây đứng vững chãi trên mặt đất, là vì bộ rễ mềm mại của nó vươn sâu vào lòng đất, cùng lòng đất có thể mềm đủ, để cho phép nó chui sâu, và rễ cây ôm lòng đất hay lòng đất ôm rễ cây cũng là một dạng tin cậy vậy.
Niềm tin không xảy ra khi có một sự đe doạ bị xâm hại nào đó từ phía đối tác.
Niềm tin biểu hiện ra bề ngoài là sự cam kết, nhưng hun đúc ở bên trong không nhìn thấy là sự thật. Vì thế, đơn giản là: ở đâu có sự thật, ở đó có niềm tin và ngược lại. Hay cũng có thể nói: sự thành thật là năng lượng cho niềm tin.
Lão Tử nói trong Đạo đức kinh về lòng tin cậy như sau:
Kẻ nào biết quí thân vì thiên hạ, Nên giao phó thiên hạ cho họ.
 Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ, Nên gửi gắm thiên hạ cho họ.
(Quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ.)
Đây là trích từ bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần mà tôi tìm được trên internet. Thật tiếc là tôi không tìm thấy bản dịch tiếng Việt nào nói lên được vẻ đẹp cao siêu và kì diệu của câu này cũng như hầu hết pho kinh, thế nên ít người hiểu và cảm thụ được. Bây giờ pho Đạo đức kinhcũng kể như pho kinh chết.
Chữ “vi” ở đây nghĩa rất rộng, không chỉ nghĩa là , mà còn là: ở trong. Nghĩa là: Ai biết quí, cùng tôn trọng thân mình và biết mình trong vòng tay trời đất và vì trời đất (chữ “Thiên hạ” cũng thường bị hiểu hạn hẹp là quốc gia, đất nước, mà thực ra phải là: trời đất) thì trời đất mới có thể chui vào trong nóAi biết yêu thương thân mình trong trời đất, vì trời đất, thì người đó mới có thể thả mình tan biến, hay hoà tan trong trời đất, vũ trụ.
Sự quí trọng và yêu thương mới là yếu tố cần thiết để con người đạt đến thông minh, hiểu biết, và cũng là sự thành thật. Nhưng Lão Tử nói quí và yêu bản thân mình, điều này nghe có vẻ ích kỉ tiêu cực, song không phải thế.
Vì: quí yêu bản thân trong Trời Đất. Chính đây là điểm khó hiểu của lời kinh. Nếu một người ý thức được mình ở trong trời đất (mặc dù ai cũng đều ở trong trời đất mà nhiều người không hề biết!), liền xảy ra một niềm tin cậy lớn, tin cậy nơi sự sống. Nó thấy mình bắt rễ sâu trong nguồn mạch sự sống và có bản lãnh cùng vinh dự vươn cao đến tận cùng của sự tồn tại. Lúc ấy nó trở nên siêu việt trong tình yêu, không chỉ đơn thuần tình yêu vợ chồng, bạn bè, người thân, bố mẹ, con cái… Lúc này người ấy mới biết tình yêu thực sự, chỉ có tình yêu thực sự này mới là phép màu, làm người ấy đủ can đảm tan biến vào vũ trụ cũng như là chủ cả vũ trụ. Đó là mục đích tận cùng của loài người.
Ai biết quí yêu bản thân mình, người đó mới biết quí yêu tha nhân hay ngoại cảnh. Còn người  chưa biết yêu quí được chính mình mà nói yêu người khác, chắc chắn không thể được, và đó cũng chính là bộ mặt đạo đức giả hay chủ nghĩa giáo điều, mà ngày nay chúng ta thấy nhan nhản trên mặt đất, cho dù họ mang danh tôn giáo hay dân chủ hay nhân dân hay cộng sản…
Lão Tử dùng hai vế đối, trên là , dưới là thác để nói lên sự đón nhận và phó thác. Đón nhận và phó thác chính là nguyên lí của niềm tin. Và niềm tin trong câu  kinh trên của Lão Tử là niềm tin lớn nhất trong toàn bộ mọi niềm tin. Đó là: con người có thể ôm lấy cả vũ trụ và con người cũng hoàn toàn ở trong tay vũ trụ mà không còn có thể đi đâu khác được nữa. Hay đơn giản hơn là: Vũ trụ giao mình cho nó và nó giao mình cho vũ trụ. Đó là một bảo đảm mà không có sự bảo đảm nào lớn hơn được.
Và đến đây ta thấy điều kiện cho lòng tin là sự bảo đảm. Ít nhiều thì ở các nước tiến bộ, người ta đã hiểu và thực hiện điều này, chứ không chộp giật và phản trắc như trong xã hội Việt Nam hôm nay. Ít nhiều ở các nước ấy người ta đã nghĩ ra mô hình các quỹ tín thác (trust) hay các hãng bảo hiểm hay nhà băng… Cho dù các mô hình đó chỉ là mô phỏng na ná thô sơ theo qui luật về sự tin cậy thường hằng trong vũ trụ. Nhưng dầu vậy cũng thật đáng khen.
Tới đây chúng ta tạm có công thức: muốn có lòng tin cần có bảo đảm, mà muốn có bảo đảm cần có thành thật.
Thành thật là khởi sự và nền móng cho công trình sự sống mà con người thật vinh dự biết bao tham dự.
Để có lòng thành thật là chỗ khó nhất trên quá trình tiến hoá của nhân loại. Và Việt Nam hiện nay đang ở chính giữa của điểm kẹt này. Nơi nào không thông, ùn tắc nhiều quá thì sự cộng hưởng đau khổ sẽ tạo nên thù nghịch và chiến tranh.  Muốn cho thông thì phương thuốc là: mỗi người phải hướng vào trong chính mình.
Đã luôn không thiếu những tâm hồn nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới bằng các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo, Song trên thế giới đến ngày nay dường như sự xấu càng gia tăng và bất hạnh của loài người là không kể xiết. Bởi vì đó là những phong trào chỉ lo bên ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới bề ngoài theo cách nào đó, nhưng giải pháp cho sự đau khổ của con người chỉ có thể bắt đầu từ bên trong.
Và tôi đồng ý với tiến sĩ Giáp Văn Dương khi ông nói: “Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn”.
Vâng, theo tôi, không thể thay đổi người khác nếu mình không hơn người ta. Nhưng tôi không thích dùng từ thay đổi vì rất dễ bị hiểu lầm và lạm dụng, mà tôi thích dùng từ ảnh hưởng.
Và chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là: càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người  khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực.
Cách thực tập để quay về bên trong thì rất đơn giản mà lại rất khó. Đơn giản là vì chỉ cần bắt đầu từ thật thà. Khó là vì nếu tôi bắt đầu thật thà mà người khác thì không, khiến tôi bị thiệt. Ta hãy bỏ qua phần đơn giản mà xem xét phần khó. Tuy khó đấy nhưng không phải là không có cách. Đó là hãy chậm rãi và thực tập thật thà từng cái nhỏ. Nếu có bị thiệt thì cũng thiệt nhỏ thôi. Đương nhiên là cần chút kiên nhẫn vì ta hay muốn mau chóng. Sự đau khổ vì mất niềm tin mà dối trá gây nên cho chúng ta đến như ngày nay cũng là vì dối trá rất kiên nhẫn. Chúng từng tí, từng tí len lỏi vào tâm hồn vốn trong trắng của nhân loại cả muôn ngàn năm rồi. Vậy để cho công bằng thì ta cũng phải kiên nhẫn ít ra như thế, thậm chí tốt hơn nếu có thể kiên nhẫn hơn. Rồi khi bén lửa, chúng bừng cháy và ta sẽ hân hoan.
Để cho cảm thấy đỡ khó, tôi nói đến cái lợi của sự thật thà mà chính tôi trải qua. Trước đây tôi đã từng dối trá và rất dối trá. Lòng tôi vì thế cũng rối tung lên và tôi đau khổ. Cái dối trá lần trước nhỏ thì cái lần sau phải to hơn và suy nghĩ phải chạy nhanh hơn và đương nhiên là mệt mỏi hơn. Khi mệt mỏi thì làm sao làm việc hiệu quả tốt được, nên mọi chuyện trở nên xấu xí. Cho tới khi tôi không thể chịu nổi và phải thoát ra. Tôi đã đầu hàng và quay lại tập thật thà. Quả thật, nay một chút, mai một tí, mỗi lần thật thà là mỗi lần nhẹ hơn, sung sướng hơn. Mỗi lần thành thật nho nhỏ, là mỗi lần một niềm tin nhỏ nhỏ thắp lên.
Tôi hiểu kinh nghiệm kiểu như thế này ít nhiều ai cũng trải qua.
Và tôi cũng hiểu còn rất nhiều người biết thế nhưng nghĩ: mình, thấy sống như hiện tại vẫn còn được nên cứ từ từ rồi hãy thay đổi.
Tôi cũng từng chứng kiến những người đã qua đời mà chưa kịp thay đổi.
Còn hiện nay tôi cũng chứng kiến nhiều bạn bè tôi, nhiều người thân trong gia đình tôi sống trong dối trá, mà tôi chưa đủ mạnh để ảnh hưởng họ chuyển sang thành thật.
Kì lạ lắm, khi ta đang trong tình trạng dối trá, giống như con gà con sắp nở trong vỏ trứng. Khi ấy ai bảo ta rằng ngay bên ngoài vỏ, cách 0,1 mm thôi là cả một sự lớn rộng bao la, ta không tin, làm sao tin nổi trong vỏ trứng kín mít thế này! Ấy thế mà khi gà mẹ mổ cho một cái vỡ vỏ trứng, thế là một thế giới hoàn toàn trái ngược với không gian trong vỏ trứng ùa vào. Gà con dù bé nhỏ, nhưng nó cũng đủ mạnh để đạp thoát ra ngoài vỏ trứng.
Sự thật ở bên ngoài vỏ trứng, vậy làm sao chúng ta có thể bị thiệt thòi khi từ bỏ dối trá. Sự từ bỏ dối trá đáng giá cho ta cả đất trời. Hãy đón nhận sự bảo đảm ấy.
Muốn có sự thành thật với người khác, thì ta phải thành thật với chính mình trước. Điều này hầu như ai cũng nghe nhiều và “biết rồi khổ lắm nói mãi”, song quả thực để bắt tay thực hiện thì không dễ.
Ta thường trải qua một giai đoạn ngần ngại và hoài nghi. Có một sự đổ vỡ lớn mà ta lơ mơ cảm thấy khiến ta ngần ngại. Có một cảm giác mất mát mơ hồ khiến ta băn khoăn: liệu khi chuyển sang thành thật, tôi sẽ được bù lại gì trước những mất mát? Thực ra chúng ta chưa hề cho mình cơ hội xem xét những thứ đổ vỡ mất mát đó là những gì. Thực sự chúng chỉ là rác và đồ giả lộn xộn chồng đống trong tâm hồn chúng ta. Cũng từ đống rác đó mà buồn bực sinh ra, phiền não sinh ra, thù hận sinh ra…
Chỉ cần chúng ta hãy đặt câu hỏi: Có ai hạnh phúc vì dối trá không? Và chúng ta xem xét câu trả lời một cách nghiêm túc trên mọi khía cạnh. Câu trả lời đúng nhất là rất ngắn gọn một từ: “Không”. Chừng nào mà ta còn chưa cảm nhận và thấu hiểu điều đơn giản: dối là ảo, là bất hạnh; thật là thật, là hạnh phúc, thì dù có làm gì ta cũng chỉ là đang giãy giụa chứ chưa ngả mình trong vòng tay sự sống.
Thành thật ư? Đầu tiên là tôi cảm thấy không thích khi coi mình là người giả dối. Tôi thậm chí sẽ rất ghét nếu ai đó coi tôi là giả dối. Và như thế một hàng rào do cái tôi giả dối sẽ dựng nên, hàng rào đó được xây đắp bởi kĩ thuật của chính sự dối trá càng lúc càng tinh vi. Khiến cho không biết bao nhiêu người không biết chính mình là người giả dối. Không những chỉ cá nhân, mà còn cả những tập thể cũng không hề biết họ đang bảo vệ và vun bồi cho sự giả dối tinh vi đang choán ngợp, ngự trị trong cộng đồng và xã hội.
Sự giả dối tinh vi thường nguỵ trang khéo léo trong các nhãn hiệu của tôn giáo hay đạo đức hay tình yêu.
Lấy ví dụ: Tình yêu nước chính là một thứ tình yêu giả, thế mà nó gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại từ xưa đến giờ. Trong tự nhiên không hề có cái gọi là lòng yêu nước. Đó hoàn toàn là sản phẩm nhân tạo. Chúng chỉ tồn tại trong sự mê muội của tâm trí loài người chứ không liên quan gì đến tình yêu của sự sống tự nhiên. Và đến ngày nay trái đất chịu bao vết hằn ngang dọc vì biên giới quốc gia. Con người bị thít chặt trong mớ dây hận thù, tham lam, sợ hãi và chia rẽ.
Hay một ví dụ khác: Cô gái chửa hoang hoàn toàn đẹp và đạo đức trước thiên nhiên và trời đất. Nhưng cô ấy sẽ bị biết bao đau khổ trước mặt người đời!
Thêm một ví dụ khác nữa: Chỉ có một Thượng đế duy nhất (nếu có), thế mà bao nhiêu tôn giáo mặc dù công nhận như thế, song lại tranh giành nhau độc chiếm, thậm chí đổ không biết bao nhiêu là máu xương!
Tôi chỉ nêu ra ba ví dụ trong biết bao trường hợp không đếm xuể mệnh danh là đạo đức mà con người phải gánh vác được trao cho bởi chính con người. Kẻ tạo ra chúng là sự dối trá và cách mà chúng được tạo thành cùng được nuôi dưỡng là do chiều hướng sống ra bên ngoài. Ta hãy cẩn trọng phân biệt thế nào là đạo đức tự nhiên và thế nào là đạo đức nhân tạo.
Quay vào bên trong hay ngoảnh đầu là bờ là lời năn nỉ của sự thật và cũng chỉ có cách đó là duy nhất cứu rỗi.
Người ta nói mất niềm tin là mất tất cả, tôi thì cho là chưa mất tất cả. Chúng ta luôn luôn còn sự khởi đầu mới ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Và đó cũng là một đảm bảo nữa của sự sống, đó là: chúng ta luôn có thể bắt đầu từ ngay bây giờ và ở đây. Đó chính là nhiệm màu.
Đà Lạt tháng Một năm 2014

Source : pro&contra


25/1/14

Màu tím lavande trong các món ăn miền Provence

THỨ SÁU 24 THÁNG GIÊNG 2014
Màu tím lavande trong các món ăn miền Provence

 
Cối xay gió lạc chân giữa cánh đồng lavande miền Provence (DR)
Cối xay gió lạc chân giữa cánh đồng lavande miền Provence (DR)
RFI  .  Tuấn Thảo

Nhắc đến vùng Provence, miền nam nước Pháp, du khách đầu tiên hết nghĩ tới hoa lavande, mà mùi hương và màu sắc cũng như cây ô liu đã trở thành biểu tượng muôn thuở của miền đất hài hoà, hầu như quanh năm đều có nắng ấm. Thường thì hoa lavande được dùng để chế biến mỹ phẩm, nhưng ít ai biết rằng lavande là một loài hoa có thể ăn được.
Từ thời cổ đại Hy La, người La Mã cũng như người Hy Lạp thường cột hoa lavande (tiếng Việt gọi là oải hương) vào trong một cái túi vải, để làm thơm quần áo, khăn tắm. Có loại được ngâm để làm dầu gội đầu, xức tóc, thoa da. Thời Trung Cổ, hoa lavande được dùng như một loài thảo dược, để chế biến thuốc sát trùng. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ XIX, lavande mới bắt đầu xuất hiện trong ngành ẩm thực.
Người dân miền Provence dùng nó như một thứ gia vị, nhưng do hoa lavande có mùi hương nồng thắm đặc thù, không thể kết hợp với tất cả các món ăn, cho nên lavande không phổ biến như hai loại rau thơm khác là laurier (nguyệt quế) và thym (bách lý hương, còn được gọi là cỏ xạ hương). Hai loại rau thơm này thường được phơi khô và luôn được dùng, cũng như trái cà chua, trong hầu hết các món ăn của vùng Provence nói riêng, các xứ ven miền Địa Trung Hải nói chung.

Miền Provence là một vùng đất khá rộng lớn bao gồm đến 6 tỉnh của nước Pháp nằm ven biển Địa Trung Hải, (Var, Vaucluse, Bouches du Rhône, Alpes de Haute Provence, Alpes Maritimes và một phần của Hautes Alpes). Vùng duyên hải thường được người Pháp gọi là Côte d’Azur (Bờ biển Thiên thanh), còn người Anh Mỹ thì dùng chữ French Riviera, với nhiều trạm nghỉ mát ven biển rất nổi tiếng như Nice, Cannes, Saint Tropez, Hyères, Saint Raphael …
Còn ở trong phía đất liền, mà người Pháp thường gọi là arrière pays, vùng Provence có nhiều ngôi làng nhỏ nhắn, xinh xắn thơ mộng, như ở phía thung lũng sông Estéron, vùng vịnh Grimaud, chẳng hạn như chặng đường đi từ trạm nghỉ mát Bandol đến ngôi làng Gassin, hay từ Saint Auban cho đến Ramatuelle. Vào những ngày đẹp trời, ánh nắng miền Provence càng làm cho khung cảnh thiên nhiên càng thêm nên thơ hữu tình : những cụm mây bông gòn bềnh bồng trải ngang bầu trời xanh biếc, những đồi trồng ô liu như cuốn mình quanh những ngôi nhà xây bằng đá trắng ngà, với mái ngói khi thì cam hồng, lúc thì đỏ nâu.
Ánh nắng ban ngày phủ lớp kim ngân trên sóng biển gợn lăn tăn, mà theo như danh ca Charles Trenet (trong bài hát La Mer – Beyond The Sea) quang cảnh tựa như một bầy cừu non đang nhảy múa, giỡn sóng nô đùa. Những màu sắc ấy từng gợi hứng vẽ tranh cho nhiều danh họa trường phái ấn tượng. Họ đặc biệt yêu chuộng ánh sáng và màu sắc miền Provence, nhưng có một màu làm cho họ xao xuyến rung động một cách khó tả : đó là màu tím-xanh ngát của hoa lavande. Cứ mỗi độ hè về, miền Provence lại khoác áo mới, khoe sắc tươi rói, màu xanh lục thẩm trên những ngọn đồi trĩu nhánh ô liu, màu hoa lavande trải thảm tím ngắt chân trời.

Người dân miền Provence ban đầu dùng cái màu tím lavande, một màu sắc có một không hai, để ‘‘tô điểm’’ trang trí các món ăn của họ. Dần dà họ mới đưa lavande vào trong cách nấu ăn kể cả món mặn lẫn món ngọt. Trong các món mặn, mùi lavande hợp với quả dưa mướp nhưng lại hơi kỵ với trái cà tím và quả ớt tây. Chẳng hạn như món mướp nhồi thịt bê thì chỉ cần dùng một nhánh hoa lavande là đủ thơm mùi.
Trong món mướp đút lò nướng (theo kiểu gratin) thì nên ngâm trước một nhánh hoa lavande trong sữa, để rồi sau đó dùng sữa để chế biến nước xốt béchamel với một chút bột mì và bơ. Quả mướp cắt đều thành từng khoanh tròn để thành từng lớp, mỗi lớp xen kẽ với một chút phô mai, hợp nhất vẫn là các loại phô mai thật tươi và nhẹ mùi làm bằng sữa dê, sang trọng hơn nữa thì dùng phô mai mozzarella của Ý, loại chính hiệu tức là chỉ được làm với sữa trâu. Các loại phô mai làm với sữa bò thường đậm đà hơn và như vậy sẽ át mùi hoa lavande.
Khi làm món ức vịt tức là magret de canard hay món sườn nướng, bạn có thể ướp thịt trước với mật ong lavande. Nhiều cánh đồng trồng lavande (tiếng Pháp gọi là lavanderaie, nhánh cây chọn giống thì gọi là lavandin) mà không hề có thuốc trừ sâu hay dùng phân bón hoá học. Loại lavande này được trồng gần các trại nuôi ong, để cho bầy ong hút nhụy về làm mật.
Mùi lavande có một chút gì đó rất thơm ngon, khác lạ khi được dùng trong các món ngọt. Khi bạn đến thăm vùng Provence và muốn mua quà về biếu tặng cho gia đình và người thân, thì các sản phẩm dễ tìm thấy nhất vẫn là bánh kẹo, mật ong và sirô làm với hoa lavande. Một túi vải lavande 100 gram là khoảng 4 euro, một hủ mật ong là khoảng chừng 6 euro.

Các món ngọt dễ làm nhất là bánh crêpe hay bánh kẹp gaufre (waffle) làm với sữa ngâm hoa lavande, cầu kỳ hơn nữa thì có món crème brûlée. Loại sữa tươi ngâm với hoa lavande được người Provence dùng để chế biến nhiều món tráng miệng, trong đó đặc biệt nhất là loại kem lavande có màu sắc tím lợt trông như màu khoai môn, thế nhưng mùi vị thì khác hẳn.
Khi kết hợp với trái cây, thì mùi hoa lavande hợp với quả lê, trái đào nhưng lại kỵ với trái táo, quả mận và dâu tây. Nói nôm na, hoa lavande hợp với các loại trái cây nhẹ mùi, có vị ngọt nhiều hơn là có vị chua. Trái táo khi làm bánh tarte, hay trái dâu chiên với một chút bơ, thường ngả mùi sang vị chua, trong khi trái lê và quả đào khi nấu chín, lại có nhiều vị ngọt.
Trong số các món rất dễ làm có món poire pochée aux fleurs, tức là trái lê luộc với hoa. Bạn chỉ cần ngâm hai tiếng đồng hồ vài nhánh lavande trong một lít nước, khi bắt đầu đun nước thì đổ khoảng 200-250 gram đường bột, khi nước bắt đầu sôi lên thì bỏ thêm hai đóa hoa cẩm qùy hay hoa phù dung (hibiscus), rồi để bếp lửa nhỏ trong vài phút để cho nước đường đặc lại.
Món này không cần dùng đường thắng hay đường caramel, đổi lại ta có thể dùng hoa hồng thay thế cho cẩm qùy. Trái lê gọt vỏ xong thì thả ngay vào nước đường, đun lửa vừa vừa trong vòng 10-15 phút. Qủa lê vừa chín nhưng vẫn giòn, khi dọn ra trên đĩa thì cho thêm một chút crème d'amande (hạnh nhân), nhưng nên tránh dùng chocolat, vì hai mùi này không hợp với nhau.

Món ngọt thứ nhì là pêche rôtie à la lavande. Quả đào nên để nguyên trái, xẻ trên da một hình chữ thập nhỏ, rồi trụn và nước sôi để dễ lột da. Trong tiếng Pháp, kỹ thụât này gọi là monder. Quả đào sau đó chẻ làm đôi bóc hột, cắt ra thành làm tư rồi thảy vào chảo thật nóng, chiên với một tí bơ và ba muỗng (súp) nước đường. Nước đường ngã màu là trái đào vừa chín, khi dọn ra đĩa thì rắc một chút hạt pistache dầm nhuyễn với vài cụm hoa lavande.
Hầu hết các món ngọt đều có thể được chế biến với sirô mùi hoa lavande. Bạn có thể mua lọai sirô làm sẵn hoặc tự tay chế biến lấy. Để làm nửa lít sirô, bạn chỉ cần 20 nhánh hoa lavande. Đun một lít nước với nửa ký đường, dùng loại đường bột trắng chứ không dùng đường mía, khi nước vừa sôi thì bỏ hoa lavande vào, đợi nước sôi trở lại thì chỉ cần nấu trong 10 phút.
Nấu xong thì để nước nguội lại, vớt hoa ra, dùng lưới lọc cặn, rồi cho sirô vào chai. Loại sirô này có thể được dùng để ăn kèm hay để pha trộn khi nấu các món ngọt cũng như món mặn. Để cho dễ nhớ thì về mặt liều lượng bạn chỉ có thể dùng tối đa là 5% hoa lavande khi dùng nguyên nhánh. Nếu dùng quá liều lượng, thì lavande sẽ rất đậm mùi và trở nên khó ăn.
Người dân miền Provence dùng hoa lavande trong các món ăn từ thế kỷ XIX, nhưng mãi đến những năm gần đây khi các nhà đầu bếp trứ danh ở Pháp khởi xướng phong trào nấu ăn với các loài hoa thì lúc đó hoa lavande xuất hiện trở lại như một món ăn thời thượng. Trong số các loài hoa được đưa vào thực đơn của Pháp có các giống hoa như hoa anh túc (coquelicot), lưu ly (bourrache), anh thảo (primevère), kim cúc (chrysanthème), thạch thảo (bruyère),
Loại hoa lavande được dùng ở trong bếp thường là loại hoa phơi khô và nhất là đến từ các vùng chuyên sản xuất mật ong, tức là những nơi có trồng hoa mà tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu. Do có vị mùi vị đậm đà và hương hoa nồng thắm, cho nên lavande ít được dùng nguyên chất mà thường được pha loãng. Việc kết hợp pha trộn với các món ăn, dù là mặn hay ngọt có phần hạn chế, nhưng cũng từ sự hạn chế mà lại xuất phát nét cầu kỳ, nảy sinh sự tinh tế.

Source : RFI

24/1/14

KHÓC LÊ HIẾU ĐẰNG & mưa đất lạ


KHÓC LÊ HIẾU ĐẰNG

Thắp nén nhang cho Lê Hiếu Đằng và nhìn di hài anh ở chùa Xá Lợi đêm Ông Táo về trời 23 tháng chạp, tôi có cảm giác môi anh mím lại như không cam chịu một cái chết được báo trước. Quá đau xót nên viết bài thơ này…
Bùi Chí Vinh

Chết là hết hay chưa là hết
Có người chết đi để được phong thần
Có người chết đi để làm ma quỷ
Nhưng anh chết đi để thành nhân dân

Được phong thần chưa chắc đã không gian
Thành ma quỷ vì sinh thời ở ác
Anh bỏ triều đình về với nhân dân
Nên khi chết vẫn quang minh lỗi lạc

Giữa thời kỳ mạng người như rơm rác
Cái chết chẳng qua một chuyến luân hồi
Đã dám sống một đời bất khuất
Thì chết cũng là bất tử anh ơi !
24-1-2014
BCV


mưa đất lạ
Phạm Thành
23 Tháng Giêng 2014 lúc 16:22

Quê nhà như bến đợi
Nơi đầu một con sông
Mà đời người lữ thứ
Đã lạc mãi cuối dòng,

Ba mươi năm biền biệt
Ước vọng đã tàn hoa
Lỡ thì đời cô phụ
Khô đại đóa vô thường,

Đêm đông !
Tiếng đàn xưa xa vắng
Lỗi nhịp đập
quen rồi quãng tim đau ...

Người đi ?
Tôi về ?
Cầu viễn xứ nhạt nhòa mưa đất khách .

paris 23.1.14 

----------------------------

Source : Blog Huynh Ngoc Chenh

22/1/14

Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần

Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần

Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle
Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle

Thụy My -RFI
Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là khuôn mặt đấu tranh hàng đầu cho dân chủ và nhân quyền, chống bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông ; vừa qua đời vào khoảng 19 giờ hôm nay 22/01/2014 tại Saigon ở tuổi 70.

Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử.
Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.
Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.
Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết »« đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị ».
Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ».
Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đất Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.
Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.
Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.
Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế.
RFI Việt ngữ đã hỏi chuyện nhanh các thân hữu của luật gia Lê Hiếu Đằng đang trên đường đến viếng ông.
Ông Huỳnh Kim Báu (nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh) :
Anh Đằng mất chỉ có hai người nuôi bệnh bên cạnh chứ gia đình không có ai, mà giờ đó bạn bè cũng không còn ở đấy. Nghe nói ảnh mất đâu hồi 7 giờ rưỡi tới 8 giờ tối. Thật ra cái gì đến sẽ đến, nhưng nghe anh chết tất cả anh em đều bàng hoàng, và đang trên đường tới bệnh viện. Không ai nghĩ rằng anh Đằng đã đi. Dù linh tính của đời người đã báo trước sau khi anh viết lá thư gởi cho tuổi trẻ Việt Nam, sinh viên học sinh, thì đó là lá thư cuối cùng của anh, như là một di chúc gởi lại cho tuổi trẻ.
Tuy biết rồi nhưng tất cả đều bàng hoàng, rất tiếc là anh không vượt qua được. Thực tế thế hệ bây giờ mà đi ở tuổi 70 thì vẫn còn trẻ. Kỳ hôn mê lần đầu, khi cứu tỉnh lại, anh gặp tôi thì điều đầu tiên là anh giơ tay lên để chứng tỏ là mình còn khỏe và nói : « Anh em đừng có lo, đừng nghĩ rằng tôi chết. Tôi phải sống vì dân này, đất nước này vẫn còn cần đến tôi. Tôi sẽ sống vì tôi chưa thể đi được ». Dịp bốn mươi năm Hoàng Sa anh có nghe và cũng quan tâm. Hôm Hoàng Sa thì anh còn tỉnh.Từ lễ kỷ niệm chúng tôi đã điện thoại báo cho anh biết, anh vui lắm. Anh biết rằng anh em vẫn tiếp tục con đường anh đã đeo đuổi.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon)
Rất đau buồn, thương tiếc anh Đằng. Anh đã mất hôm nay, 22/02/2014. Một cái tin như thế rất là đột ngột, bởi vì trước đây anh cũng nhiều lần bệnh nặng rồi hồi sức lại. Nhiều anh em phong trào trong nước và kể cả từ nước ngoài đã đến thăm anh, lúc tình trạng sức khỏe của anh còn tương đối. Đến hôm nay bệnh quá nặng, di căn có lẽ đã lên tới não chăng nên sau đó anh ngất và ra đi.
Tất cả anh em đã có mặt ở đây. Anh em bằng hữu đến thăm rất đông, chuẩn bị quàn ở chùa Xá Lợi, giờ giấc viếng và động quan chưa rõ. Khuya rồi nhưng các anh Lê Công Giàu, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Quang Long …khoảng trên hai chục anh em đang ngồi đây Có cả Mặt trận Tổ quốc thành phố, các cấp ủy quận 5 và nhiều đơn vị.
Về phía anh em được thông tin từ nhiều nơi lắm nên biết hết. Những người thân thiết nhất đã có mặt tại đây, có một số vừa nghe tin chưa đến kịp, nhưng rất đông. Tất cả những anh em phong trào, thân quen cũng như những người đã cùng hoạt động chung với anh Đằng trước và sau giải phóng nói chung là rất thương ảnh. Anh là một người rất dũng cảm, không sợ bị bắt, bị giam, mà mạnh dạn đấu tranh cho dân chủ.
Những điều này rõ ràng là khí tiết của anh. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của một người công dân trước hiện tình đất nước đang có nhiều bất công. Thái độ anh rất rõ ràng dứt khoát : không chấp nhận một tổ chức đảng sa sút về phẩm chất đạo đức, chính trị, do đó anh xin ra khỏi đảng.
Mặt trận dân chủ này quả thật rất khó, không ai tưởng tượng nổi những khó khăn trong hiện tại. Anh đấu tranh rất hợp tình hợp lý, dũng cảm. Là luật gia, anh nói rất chặt chẽ. Anh là người sống thanh đạm, trung thực -quan trọng nhất là thẳng thắn, dám nghĩ dám nói, với tình cảm và tấm lòng yêu nước cao độ. Người khác không dám nói lên tiếng nói trực diện như vậy đâu, nên người ta coi anh là một người "ngoài chiến tuyến", đối xử với anh không được tốt lắm.

Mời đọc lại một số bài RFI phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng:
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh
Lê Hiếu Đằng : Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Hoãn thông qua Luật Đất đai là bước lùi tích cực
Ô.Lê Hiếu Đằng : Bản án cho Phương Uyên và Nguyên Kha phản ánh khuynh hướng “phát-xít” đáng ngại

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Người biểu tình yêu nước không phải là đối lập
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác
Luật gia Lê Hiếu Đằng: "Hội nghị Trung ương 6, kết quả đương nhiên của một Nhà nước toàn trị"

Source : RFI