3/2/14

Cựu lãnh sự VN ở Geneva xin tị nạn


 
BBC
Cựu lãnh sự VN ở Geneva xin tị nạn
 
Cập nhật: 11:06 GMT - thứ hai, 3 tháng 2, 2014 
 
Đặng Xương Hùng

Ông Đặng Xương Hùng nói ông ra khỏi Đảng Cộng sản tháng 10/2013


Cựu lãnh sự Việt Nam tại Geneva xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam, diễn ra ở Geneva.
Ông Đặng Xương Hùng, lãnh sự Việt Nam ở Geneva từ 2008 đến 2012, đã lên kênh truyền hình địa phương Leman Bleu hôm Chủ nhật, cho biết ông xin tị nạn tháng 10 năm ngoái.
“Bức tường Berlin đã đổ 25 năm trước, nhưng Việt Nam vẫn dưới chế độ cộng sản,” ông nói. “Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu tiếp tục chế độ độc tài, chế độ độc đảng.”
Tin tức được truyền thông Thụy Sĩ loan đi hôm 3/2, trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam.
Ông Hùng nói ông làm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983, và gọi Việt Nam đang ở trong tình trạng “khủng hoảng” cả về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế.
Trước đó, trên các mạng xã hội của người Việt, ông Hùng đã công bố thư ngỏ cho biết ông ra khỏi Đảng Cộng sản tháng 10 năm ngoái.
“Tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam.”
"Tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam"
Đặng Xương Hùng

“Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng tôi đang sống mạnh mẽ, nhưng chế độ đương thời thì đã lâm bệnh nặng. Căn bệnh có tên là đảng cộng sản Việt Nam,” ông cáo buộc.
Lá thư của ông viết: “Một nước Việt Nam không cộng sản, thực thi dân chủ và tôn trọng nhân quyền là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.”
Trong một bài viết khác về việc kiểm điểm nhân quyền tại Geneva, ông Hùng kêu gọi nhắm đến “đội ngũ cán bộ cấp trung”.
“Trước mắt, hướng đấu tranh vào đội ngũ cán bộ cấp trung đang thực thi nhiệm vụ. Họ là những người có trình độ hiểu biết, được tiếp cận với thế giới bên ngoài, có cơ hội so sánh, phân tích thật- hư. Đây là tầng lớp, nếu họ thay đổi thái độ sẽ làm xoay chuyển chiều hướng tình hình tại Việt Nam.”
Ông viết “cần tập trung vào phân tích cho họ thấy những hành động của họ chỉ có lợi trước mắt là Hà nội có thể tránh được những phê phán của cộng đồng quốc tế.”
“Nó kéo dài thời gian chờ đợi của cả một dân tộc đang mong muốn được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc,” ông viết.
Source :  BBC

2/2/14

Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974

BBC

Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974

Cập nhật: 13:14 GMT - chủ nhật, 2 tháng 2, 2014 
Nhân kỉ niệm lần thứ 40 vừa qua, đã có hàng loạt các bài báo viết về trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 và lòng dũng cảm của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy vậy, lại có ít thảo luận về điều thực sự diễn ra trong trận chiến.

Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo
Trong hàng thập niên, nó vẫn được giữ kín, nhưng gần đây một vài cựu binh đã viết hoặc kể lại câu chuyện của mình. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã công bố một vài tư liệu quan trọng từ kho lưu trữ. Gộp lại những thông tin đó, chúng kể ta nghe câu chuyện về những cá nhân anh hùng bị làm hại bởi kế hoạch tác chiến kém, lãnh đạo tệ hại, và lực lượng không cân sức. Tháng 1/1974 là quãng thời gian rất khó khăn cho Nam Việt Nam. Lệnh ngừng bắn, được thiết lập sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, đã sụp đổ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt. Sự kiện ở mấy mỏm đá ngoài khơi cách Đà Nẵng 350 dặm không phải là ưu tiên. Quân lính canh gác Hoàng Sa cũng không có đủ nguồn lực lẫn chiến lược đúng đắn để tự bảo vệ.
Vào thứ Hai 14/1, một tàu thủy của VNCH phát hiện hai tàu hải quân Trung Quốc đang thả neo gần đảo Hữu Nhật (Robert), thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa do Nam Việt Nam chiếm giữ. Chỉ quen với việc đóng quân trên đất liền, quân VNCH đột nhiên phải đối diện với nguy cơ chiến đấu trên biển. Ngay ngày hôm sau, 15/1, tổng thống Thiệu đã trực tiếp đến thăm hải quân tại Đà Nẵng.
Hôm đó, Jerry Scott từ lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đề nghị Tư lệnh Hải quân vùng I duyên hải và là bạn tốt của mình, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cho phép Gerald Kosh, một nhân viên dưới quyền, được lên tàu đi Hoàng Sa.
Ông Thoại nhanh chóng đồng ý‎ và Kosh đã có mặt trên tàu HQ-16. Con tàu này là một trong bảy chiếc tàu tuần tra bờ biển cũ của Hoa Kỳ giao lại cho VNCH đầu những năm 1970. Mặc dù ra đời từ thời Thế chiến Đệ nhị, loại tàu này được trang bị những khẩu súng cỡ nòng lên tới 5 inch (127mm), tốt nhất trong cả lực lượng hải quân của VNCH. Kosh sau đó đã viết một bản tường trình dài về trận chiến mà hiện đã được phép công bố.

Sự kiện mất Hoàng Sa đang được bàn luận trở lại ở Việt Nam
Ngày hôm sau, 16/1, HQ-16 đưa 16 lính thủy đánh bộ của VNCH đến bảo vệ đảo Hữu Nhật. Nhưng quân Trung Quốc đã có mặt trên đảo Duy Mộng (Drummond) và đảo Quang Hòa (Duncan) với lực lượng hỗ trợ ở gần đó. Tất cả những thông tin này đều được khẩn báo về Đà Nẵng.
Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang. Tham mưu phó Hải quân Đỗ Kiểm, người có cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ hải quân VNCH, đã đề nghị phải phản ứng nhanh và kiên quyết. “Nếu chúng ta hàng động bây giờ thì có thể lấy lại được đảo,” ông Kiểm nhớ lại lời ông nói với tư lệnh hải quân, Đề đốc Trần Văn Chơn. Thay vì thế, theo lời ông Kiểm, ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo đó. Mấy giờ sau ông Kiểm đã phải tìm trong thư viện hải quân và phòng lưu trữ chỉ để tìm các tài liệu.
Vào ngày thứ Năm, 17/1, 15 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money). Trong 7 hòn đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, lúc đó 3 được quân VNCH chiếm giữ và 2 nằm trong tay quân Trung Quốc. Thêm 3 tàu được vội vàng điều tới Hoàng Sa: HQ-5 (tàu tuần tra bờ biển cũ của Mỹ), HQ-4 (tàu khu trục USS Forster cũ, được trang bị súng cỡ nòng 3 inch) và HQ-10 (tàu quét thủy lôi cũ USS Serene của Hoa Kỳ, được cải biên thành tàu tuần tra).
Vào sáng thứ Sáu ngày 18/1, tất cả 4 con tàu trên đã có mặt tại Hoàng Sa. Chỉ huy đội tàu, Thuyền trưởng Hà Văn Ngạc, quyết định thể hiện sức mạnh bằng cách cho lực lượng lính thủy đánh bộ đổ bộ xuống đảo Quang Hòa. Nhưng hai tàu hộ tống Trung Quốc đã được điều động đến đó và ông Ngạc phải hủy kế hoạch. Quân Trung Quốc thắng hiệp 1.
Vào tối thứ Sáu, mật tin đã được gửi cho ông Ngạc từ Đà Nẵng. Một mệnh lệnh rất kì quặc: tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Ông Ngạc quyết định đổ bộ vào sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 19/1. Vào lúc 8.29, khi đội lính thủy đánh bộ đi vào đảo, quân Trung Quốc nổ súng, làm một lính VNCH thiệt mạng. Người thứ hai bị giết hại khi cố lấy lại xác đồng đội. Quân thủy đánh bộ VNCH phải rút lui.
Ông Ngạc liên lạc về để tìm mệnh lệnh. Trong trụ sở Hải Quân VNCH ở Sài Gòn, Đỗ Kiểm chạy đi tìm Đề đốc Chơn. Ông ta biến mất. Một trợ l‎ý bảo rằng ông Chơn đã ra sân bay để chuẩn bị đi Đà Nẵng. Ông Kiểm gọi cho phó của ông Chơn ở Đà Nẵng. Ông ta cũng biến mất, để ra sân bay đón ông Chơn. Ngay tại thời điểm mà số phận của Hoàng Sa đang ngàn cân treo sợi tóc, hai lãnh đạo tối cao của Hải Quân VNCH đều mất tích. Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng.
"Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. "
Vào lúc 10.29, hai giờ sau khi hai lính thủy đánh bộ bị giết hại, 4 tàu của phía Việt Nam nổ súng vào 6 tàu Trung Quốc.
Thật không may, súng trên tàu HQ-4 lại bị hỏng và con tàu nhanh chóng bị trúng đạn bởi một trong hai tàu hộ tống Trung Quốc. HQ-5 đã bắn trúng và làm hư hỏng nặng tàu hộ tống còn lại, nhưng rốt cuộc nó cũng bị trúng đạn. Mười lăm phút sau, HQ-5 vô tình đâm trúng tàu HQ-16. HQ-16 bị mất kiểm soát nguồn điện và bị nghiêng 20 độ. Sau đó tàu HQ-5 lại bị trúng đạn, hỏng mất tháp pháo và hệ thống radio. Cuối cùng, tàu HQ-10 nhỏ nhất đoàn, bị trúng tên lửa của quân Trung Quốc khiến cho đài chỉ huy bị phá hủy và thuyền trưởng thiệt mạng.
Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, mặc dù đã làm hư hỏng nặng hai tàu của Trung Quốc, đội tàu của VNCH hầu như đã mất khả năng chiến đấu. HQ-10 bị chìm còn ba chiếc còn lại lê lết về được Đà Nẵng.
Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.
Nhà báo Bill Hayton, làm việc ở BBC, là tác giả cuốn Vietnam: Rising Dragon (2010). Tác phẩm mới của ông về tranh chấp Biển Đông, The South China Sea - dangerous ground, sẽ được xuất bản năm nay bởi NXB Đại học Yale.

Source : BBC

1/2/14

Quẻ Bói Của Thầy


Quẻ Bói Của Thầy

Thầy phong thủy dự báo kinh tế năm Giáp Ngọ

Theo Hà Thu VNExpress 31 Jan 2014

Các ngành liên quan đến kim loại (Kim) và nước (Thủy), như ngân hàng, tài chính, vàng sẽ chịu một số tác động từ bên ngoài. Trong khi những công việc liên quan đến đất (Thổ) như bất động sản lại cần kiên nhẫn nếu muốn thành công.
Năm Giáp Ngọ hay năm Ngựa Gỗ có can Giáp thuộc mạng Mộc và chi Ngọ thuộc mạng Hỏa. Nhà nghiên cứu phong thủy nổi tiếng của Singapore – Kenny Hoo cho biết, ngôi sao Thịnh Vượng sẽ vẫn hiện hữu trong năm Giáp Ngọ. Các ngành công nghiệp liên quan đến gỗ (Mộc) và lửa (Hỏa), như dầu cọ, cao su, găng tay, giáo dục, lốp xe, dầu mỏ, điện, năng lượng, nhà hàng, giải trí sẽ có cơ hội kinh doanh tốt. Vì thế, nếu có kế hoạch và quản lý tốt, các ngành này sẽ có một năm ăn nên làm ra.
Trong khi đó, các ngành liên quan đến kim loại (Kim) và nước (Thủy), như ngân hàng, tài chính, thép, vàng, ôtô, du lịch, đồ uống, ngư nghiệp sẽ chịu một số tác động từ bên ngoài. Còn những ngành liên quan đến đất (Thổ), như bất động sản, xây dựng, khai mỏ lại cần kiên nhẫn, nỗ lực hơn, hoặc tái cấu trúc danh mục đầu tư nếu muốn thành công.
Đầu năm 2014, thị trường chứng khoán và bất động sản có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, miễn là nghiên cứu thị trường tốt, đổ tiền vào các công ty danh tiếng hay chọn bất động sản có phong thủy tốt, nhà đầu tư sẽ vẫn thành công.
Nửa đầu năm, giá bất động sản và giá thuê địa ốc giảm nhẹ do cung tăng. Giao dịch nhà đất tại một số khu vực sẽ giảm mạnh, đặc biệt là với tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng. Chỉ đến quý III, giá cả mới ổn định. Vì vậy, những người muốn đầu tư vào bất động sản sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn trong năm nay.
Giá vàng, sắt, đồng, thép và các sản phẩm liên quan đến kim loại, dầu mỏ sẽ bất ổn trong năm nay. Tỷ giá có xu hướng biến động và lạm phát lên cao. Lãi suất ngân hàng sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp, sau đó mới dần tăng lên.
Các chuyên gia phong thủy cũng dự đoán năm 2014, tốc độ phục hồi của Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn dắt kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tiếp tục kích thích nhu cầu trong nước là nhiệm vụ chính của các quốc gia này. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nhật Bản có thể sẽ phải tìm nhiều cách để duy trì nhu cầu này về sau.
Bên cạnh đó, dù kinh tế châu Âu và Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện, họ vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết năm 2014. Nợ công lớn, thất nghiệp cao triền miên sẽ là hai vấn đề cần ưu tiên. Căng thẳng chính trị và khủng bố sẽ gây sức ép lên quá trình phục hồi của Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Năm nay, các chuyên gia khuyên mọi người không nên thực hiện bất kỳ một thay đổi lớn nào ở phía Bắc của nhà ở hoặc văn phòng. Khí âm (biểu trưng cho sự kém may mắn và bệnh tật) sẽ trú ngụ tại đây và không nên bị quấy rầy.
Màu ảnh hưởng mạnh nhất trong năm Giáp Ngọ là xanh lá cây. Sơn tường phía Bắc của nhà ở hay văn phòng bằng màu xanh, hoặc kết hợp với đỏ, tím sẽ đem lại năng lượng tích cực và tài lộc dồi dào cho năm 2014.



Thầy Phước Lộc xem quẻ đầu năm Giáp Ngọ

Theo Hòa Ái, RFA 30 Jan 2014

Vào những ngày đầu xuân, Người Việt có thú vui là đi xem quẻ đầu năm, xem gia đạo có được yên lành ấm no trong năm mới hay không? Cũng vì thế, mời quý thính giả cùng đến với Hòa Ái và chiêm tinh gia Phước Lộc để nghe chia sẻ về quẻ “kỳ môn độn giác” của năm Giáp Ngọ.
Hòa Ái: Xin chào Thầy Phước Lộc. Thưa Thầy Phước Lộc, thấm thoát năm Quý Tỵ đã qua, năm mới Giáp Ngọ đến, gõ cửa từng gia đình người Việt ở khắp mọi nơi. Đài ACTD lại được hân hạnh chào đón Thầy đến với quý khán thính giả của đài. Kính nhờ Thầy xem một quẻ đầu năm. Xin được hỏi Thầy đất nước VN trong năm con ngựa này, có phải là 1 năm tốt lành và đất nước mình có phi nước đại trong mọi lãnh vực được không, thưa Thầy?
Thầy Phước Lộc: Trong quẻ này thì có những nước trên thế giới báo hiệu tốt. Nhưng cũng có những nước báo hiệu cho cái xấu. Tôi là người VN nên cũng quan tâm đến VN. Năm Giáp Ngọ, tôi xem quẻ “Kỳ Môn Độn Giáp”, gọi là “Long Đào Tẩu”, nghĩa là Rồng chạy trốn. Theo quẻ này thì đây là các đầy tớ phản chủ; thêm nữa là công việc bị tổn hại, bê trễ trên mọi lãnh vực. Tôi thấy vậy, tôi cũng rất buồn. Như thế thì năm Giáp Ngọ tại VN không mấy tốt đẹp, nếu không nói là cực kỳ u ám: trên dưới không thuận thảo, chống đối nhau, trống đánh xuôi-kèn thổi ngược, tố cáo lẫn nhau, phản bội lẫn nhau, trong khi nền kinh tế càng ngày càng xuống dốc thê thảm. Đó là tin buồn. Chính quyền thì không được như ý để cai trị dân cho đàng hoàng.
Hòa Ái: Thưa Thầy, vừa nghe qua thì có vẻ như năm Giáp Ngọ này không mấy gì sáng sủa cho đất nước VN. Vậy còn đời sống người dân trong nước có gì được khả quan không dạ?
Thầy Phước Lộc: Cái nào cũng có 2 mặt. Nghĩa là về mặt tiêu cực thì phải nói là dân chúng quả là gặp cảnh lầm than. Đa số dân nghèo khổ lắm. Nhưng càng bị dồn vào phía chân tường thì người ta càng chống đối, người ta càng có sự đòi hỏi. Thành ra những người chống đối, đòi hỏi làm sao đất nước tốt đẹp hơn càng ngày càng nhiều nữa. Đây là điều đáng mừng. Vì đã khổ quá rồi, bây giờ phải đòi lại quyền gì căn bản của con người. Đó là điểm mấu chốt.
Hòa Ái: Dạ như vậy thì trong quẻ năm mới này, Thầy có thấy được sẽ có nhiều biến chuyển ở trong nước hay không?
Thầy Phước Lộc: Vâng. Cô nhớ đầu năm Quý Tỵ tôi ra quẻ “Bột Cách”, tức là rối loạn kỷ cương thì quả như vậy, giống như sấm của cụ Trạng Trình nói. Năm nay ra quẻ “Long Đào Tẩu”, do đó, có thể nói ngay cả các đảng viên càng ngày người ta chán ngán mà ra khõi Đảng. Ngày càng nhiều thì dĩ nhiên đó là phản chủ. Vì đây là quẻ phản chủ, những người dưới không chịu nổi nên phải từ bỏ. ….
………
Hòa Ái: Thưa Thầy Phước Lộc, bây giờ Hòa Ái xin phép được hỏi thăm trong năm nay, về phong thủy, thì những ngày đón Tết màu sắc nào sẽ là phù hợp?
Thầy Phước Lộc: Về phong thủy thì trang trí với những màu tươi sẽ tạo ra sinh khí mới. Ai cũng muốn một năm mới tốt đẹp. Người ta thường chọn màu hồng, màu đỏ, màu vàng. Như hoa đào, hoa mai chưng Tết thì thấy rực rỡ vô cùng. Tạo ra được sinh khí trong nhà là tốt.
Hòa Ái: Còn những tuổi nào sẽ thích hợp cho việc cưới gả trong năm nay?
Thầy Phước Lộc: Về tuổi kết hôn thì gồm có những sao “Đào Hồng Hỷ” hay “Long Phượng Hỷ”dẫn đến kết hôn. Năm nay tuổi Hợi, tuổi Mão, tuổi Mùi dù bị tam tai nhưng có sao “Đào Hồng Hỷ” thì sẽ tốt cho hôn nhân. Và thêm tuổi Tỵ, Dậu, Sửu thì cũng tốt cho kết hôn.
Hòa Ái: Thêm một yếu tố nữa mà người Việt cũng quan tâm trong những ngày Tết, về hướng xuất hành. Thưa Thầy, năm nay thì hướng xuất hành nào sẽ tốt?
Thầy Phước Lộc: Tôi thấy phải tìm hướng “Hỷ thần”, “Tài thần”, “Chính Bắc”, “Chính Đông” là những hướng tốt.
Hòa Ái: Trong quẻ đầu năm này, Thầy Phước Lộc còn muốn chia sẻ thêm gì với quý khán thính giả nữa không?
Thầy Phước Lộc: Trong quẻ năm nay, dù sao thì dân chúng ở Mỹ được tốt đẹp, dù sao chăng nữa cũng được may mắn. Còn dân chúng ở VN đa số cực. Đây là 2 thái cực cần phải chia sẻ. Cầu xin cho đất nước sớm được bình an. Chính quyền nghĩ đến dân, đừng nghĩ đến mình một cách thái quá. Dân chính là thuyền mà thuyền có thể chở đi nhưng dân cũng có thể lật được thuyền.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Thầy Phước Lộc dành thời gian cho đài ACTD trong năm mới Giáp Ngọ. Kính chúc Thầy và gia đình 1 năm mới an vui. Hòa Ái cũng xin cảm ơn thời gian theo dõi của quý khán thính giả. Và kính chúc quý vị 1 cái Tết đầm ấm, sum họp với gia đình. Hòa Ái mến chào và hẹn gặp lại.

Source : Goc nhin Alan 

Câu chuyện đầu xuân: Văn hóa Việt trong vận khí suy vong


01-02-2014

Câu chuyện đầu xuân: Văn hóa Việt trong vận khí suy vong

Thụy My & Phạm Chí Dũng
Theo RFI
Đầu năm, khi đất trời vào xuân, cũng là dịp để suy ngẫm lại những vấn đề về văn hóa. RFI đã phỏng vấn tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà văn đồng thời còn là người có nhiều bài viết phê bình về văn học nghệ thuật.

RFI : Thân chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất vui được tiếp chuyện anh nhân dịp xuân về. Trước hết anh có thể cho biết cảm xúc của anh trong bầu không khí đầu năm mới ?

Rất khó tả, nhưng rõ rệt nhất là thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Làm sao có thể vui nổi khi đây là cái Tết thứ ba liên tiếp tôi chứng kiến cảnh tượng hàng vài chục ngàn công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có đủ tiền mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Với họ, đang xảy ra một nét văn hóa rất mới, có thể gọi là “văn hóa tết cấm trại”. Tức phỏng theo một điều lệnh trong quân đội, công nhân ở nguyên trong khu nhà trọ mà không dám bước ra đường vì chẳng có tiền. Mà như vậy thì còn gì là tết?

Không khí đường phố cũng uể oải và bải hoải. Chỉ sát Tết người dân mới có chút tiền để mua sắm, nhưng ở nhiều tụ điểm mai và đào vẫn ế chỏng chơ. Khách hàng đã và đang quay lưng với thị trường như một dạng văn hóa phủ nhận trong kinh doanh.

Đã đến lúc người dân không thể mặc định sắc màu của nền văn hóa dân tộc như những báo cáo tô hồng của chính phủ về nền kinh tế hay những nghị quyết của đảng về đường lối kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội đến hết thế kỷ 21. Hiện tại được dẫn dắt bởi quá khứ, và tương lai lại được quyết định bởi những gì trong hiện tại.

Quá khứ đó, chúng ta thấy cái gì? Năm 2013 chứng kiến những trận hôi của vĩ đại chưa từng thấy ở một số địa phương, cuộc tranh cướp bánh sushi trong một nhà hàng ngay tại thủ đô, cho dù không thể cho rằng tất cả những người tranh giành đều đói khát và đất nước cũng chưa đến thời đói kém…

Những hiện tượng xã hội đó đang góp phần triệt tiêu nhanh chóng khẩu hiệu của đảng “xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Tương tự, điều lạ lùng là trong mấy năm gần đây, chẳng mấy cơ quan tuyên giáo và dân vận còn nhắc tới khẩu hiệu này. Vì sao vậy? Đơn giản là thực tiễn đã trở nên tồi tệ đến mức giới chức đảng lẫn chính quyền không thể cứ mãi tự ru ngủ mình và mị dân xã hội bằng những lý lẽ một chiều đã bị thực tế bào mòn đến tận chân gốc. Dù luôn bị ăn sâu tâm lý thành tích, ít nhất họ cũng phải tự rung động một nỗi xấu hổ tối thiểu nào đó chứ!

RFI : Những giá trị truyền thống của ông cha như « Giấy rách phải giữ lấy lề », « Một câu nhịn chín câu lành »…dường như đã bị thay bằng sự vô cảm, tâm lý mạnh được yếu thua. Ngày nào đọc báo cũng đều thấy những tin được gọi là « cướp, hiếp, giết », người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau, thậm chí mạng người có thể bị mất đi vì những lý do rất nhỏ nhặt. Thưa anh, phải chăng đạo đức xã hội đang rơi xuống tận đáy ?

Khi xảy ra cái chết ở thẩm mỹ viện Cát Tường tại Hà Nội vào năm 2013, một quan chức cao cấp ngành y tế đã phải thốt lên rằng đạo đức và y đức đã xuống đến đáy. Nhưng tôi cho là tất cả vẫn chưa phải tồi tệ nhất. Cái tồi nhất nằm ở phía trước, ở thì tương lai đầy sương mù và dưới vực thẳm, mà chế độ này và phần lớn dân chúng vẫn chưa hình dung hết.

Phía trước ấy là một cuộc tha hóa vĩ đại của toàn bộ nền văn hóa. Tuân theo quy luật vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định văn hóa và bất kỳ khi nào nền kinh tế lao vào hố sâu khủng hoảng, đời sống sẽ trở nên thiếu thốn và đói kém đến mức một bộ phận dân chúng sẵn sàng giết nhau để sinh nhai.

Lịch sử đã chứng minh hết sức cận kề ở một quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là Trung Quốc trong thời Cách mạng văn hóa những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó có đến 30 triệu người bị chết không chỉ bởi vô số cuộc thanh trừng, mà còn bởi đất nước này đã rơi vào thảm trạng đói kém đến mức tại một số nơi người dân đã phải ăn nhau để cầm hơi. Đó chính là điều tồi tệ phi nhân tính nhất, mà một nền văn hóa suy đồi đến tận cùng có thể mang lại.

Năm 2013 đã trở nên một đặc tả khá kinh khủng, trên bức tranh khốn quẫn của nền văn hóa đang lao dốc và còn chưa tìm thấy đáy ở Việt Nam. Cùng với cái gọi là nền văn hóa tham nhũng chưa từng thấy ở đất nước này, khắp nơi trong xã hội đã diễn ra cảnh cha con giết nhau, vợ chồng giết nhau, thầy đánh trò và trò giết thầy, nạn cướp của và hiếp dâm nổi lên khắp nơi. Cường hào ác bá cũng hoàn hành tàn lộng và bất chấp đạo lý. Nhưng nghịch lý ghê gớm là kinh tế càng suy thoái, người giàu lại càng giàu. Không biết bao nhiêu quan chức đã ních đầy túi và chỉ còn chờ chực cơ hội biến khỏi tổ quốc nếu xảy ra động loạn…

Rồi một điều tất yếu phải xảy ra là khi luật pháp không còn là mái nhà che chở cho người dân, chính nhân dân đã phải làm thay luật pháp. Nạn tự xử đối với những kẻ trộm chó mèo diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, … Ở Bắc Giang, khi vài người dân bị công an khởi tố bắt giam vì đánh chết cẩu tặc, đã có đến 800 người dân khác đồng ký tên vào một bản tuyên bố cùng nhận tội. Đó là cái gì? Một loại văn hóa phản kháng của người dân đang phát tiết ngay trong lòng chế độ “của dân, do dân và vì dân”.

Tố chất văn hóa phản kháng đó đã dẫn đến làn sóng chống người thi hành công vụ lan rộng một cách đầy tự phát và bạo lực ở nhiều nơi. Không hiếm cảnh thanh niên đi đường và những người dân “săn sóc” một cách đặc biệt đến hành vi của cảnh sát giao thông, bởi lực lượng cảnh sát bị xem là đối tượng tham nhũng nhất quốc gia này càng ngày càng mang ý nghĩa như một mồi lửa châm ngòi cho các cuộc xung đột tự phát và rất khó kềm chế.

RFI : Thưa anh đầu năm thường nói chuyện vui, nhưng bức tranh thực tế xã hội lại quá xám. Những cách hành xử của con người thường từ nền giáo dục mà người đó được hấp thụ. Vậy thì theo anh trách nhiệm của ngành giáo dục đối với nền văn hóa như thế nào ?

Đóng góp không nhỏ vào sự xuống cấp của nền văn hóa là thực trạng lầy lội và ô nhiễm nặng mùi của ngành giáo dục vẫn chưa hề được cải tạo. Tiên đề “Tiên học lễ, hậu học văn” từ ngàn đời nay đã từ lâu bị phần lớn trường học biến thành thảm trạng mà chúng ta nên nhận thức lại là “Tiên học phí, hậu học thêm”. Có lẽ mệnh đề này mới nói lên tất cả cái thực trạng quay quắt đến mức khốn cùng của môi trường giáo dục đào tạo và giới quan chức điều hành ngày nay.

Không khác gì thị trường bất động sản, vài năm gần đây người ta đã phải dùng đến cụm từ “bong bóng đại học” cho sự bùng nổ bội cung của hàng trăm trường đại học tư thục và dân lập từ Bắc chí Nam. Nhưng ngược lại với đà tăng tiến theo cấp số nhân về số lượng các trường đại học, cao đẳng và chương trình “đào tạo 20.000 tiến sĩ’ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và đời Bộ trưởng kế vị, chất lượng đào tạo còn lâu mới làm nên một nền văn hóa xứng tầm với Thái Lan. Ít nhất là về tỉ lệ công trình nghiên cứu được công bố trên đầu các tiến sĩ, cùng bài luận văn tả cảnh các cô giáo bỏ nghề và học sinh vùng cao phải bắt chuột ăn thay cơm.

Tình trạng xuống cấp toàn diện của giáo dục và văn hóa cũng khiến cho hiện tượng không có tác phẩm hay trong văn học nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua trở nên rất dễ lý giải trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Bất chấp các cuộc thi và trao giải thưởng đều đặn hàng năm của các hội đoàn văn học và nghệ thuật nhà nước, vẫn không có lấy vài ba tác phẩm trong lĩnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… ghi dấu ấn cho một tinh thần hồi tâm thành khẩn.

Hầu như tất cả đều nhàn nhạt, nhòa nhạt và luôn đi sau hiện tồn nhức nhối của xã hội ít ra vài thập kỷ. Nhiều nhà văn và nhà viết kịch đủ lòng tự trọng không còn cầm nổi bút, bởi tâm trạng chán chường và thất vọng quá giới hạn cho phép. Chỉ còn một số người viết vì cơm áo gạo tiền, hoặc làm cái gọi là “sáng tạo” vì các đơn đặt hàng và giải thưởng từ Nhà nước. Không thể nói khác hơn, văn học nghệ thuật quốc doanh từ lâu nay đã mang trên mình thiên chức văn hóa cộng sinh.

RFI : Khái niệm « văn hóa cộng sinh » mà anh vừa đề cập, có lẽ không thể loại trừ giới quan chức, vì những lề thói đã ăn sâu vào họ ?

Văn hóa gia đình, văn hóa trường học và văn hóa cộng đồng là ba rường cột của một nền văn hóa. Nhưng một khi cả ba trụ cột ấy đều bị xâm hại một cách trầm kha, thì không còn gì có thể cứu vãn nổi một nền văn hóa chính trị. Nhất là khi nền văn hóa chính trị ấy lại bị ruỗng mục bởi thói vô cảm, vô trách nhiệm và quá đậm đặc tố chất lợi ích nhóm của giới quan chức.

Vì thế, chúng ta có thể coi văn hóa quan chức là thành tố thứ tư gây xâm hại đối với nền văn hóa Việt Nam đương đại, nhưng đặc biệt hơn cả lại là nhân tố cộng sinh ưu tú nhất. Giới quan chức đổ cho 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, nhưng làm sao có thể lý giải sự mâu thuẫn không thể chấp nhận được, giữa tỉ lệ “chỉ có 1% công chức yếu kém” như báo cáo của chính quyền, với con số ít nhất 30% công chức “chủ động nhận hối lộ” trong những kết quả khảo sát về tham nhũng?

Một cuộc khủng hoảng văn hóa đang tăng tiến với gia tốc ngày càng gấp rút. Cuộc khủng hoảng ấy lại biến diễn sang cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân đối với xã hội, của công dân đối với đất nước và cuối cùng là của người dân đối với chế độ. Những cuộc điều tra xã hội học đã cho thấy niềm tin của giới trẻ vào đảng và chế độ sa sút khủng khiếp, và trong giới trẻ giờ đây không còn cái gọi là lý tưởng nữa. Nếu có được một cuộc khảo sát độc lập, người ta tin chắc rằng chỉ còn không đầy 10% trong số lớp trẻ tin vào việc “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” có thể tôn tạo cho nền văn hóa dân tộc.

Ngược lại, một chủ nghĩa văn hóa phủ nhận đang hình thành và phát triển rất ghê gớm trong một số khá đông lớp trẻ ở Việt Nam.

RFI : Về « chủ nghĩa văn hóa phủ nhận » như anh nói, theo anh lớp trẻ đang phủ nhận những giá trị gì ?

Phủ nhận những giá trị tinh thần, phủ nhận những giá trị truyền thống, và phủ nhận với chính những thế hệ đi trước. Hiện tượng đó làm chúng ta nhớ lại thế hệ mất mát, nảy sinh ở châu Âu trong vài thập kỷ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng là suy thoái kinh tế trầm kha, cũng là cái nhìn về một tương lai mơ hồ, cũng là tâm trạng đầy bất an và dễ nổi loạn.

Nhưng ở Việt Nam, điều nguy hiểm hơn nhiều là cái tương lai như thế còn trở nên vô định bởi một nền chính trị hủ hóa, cố chấp và luôn có nguy cơ gây nên hiệu ứng hạ cánh cứng. Từ đó sẽ sinh đẻ vô số hậu quả trầm luân cho đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Hơn bao giờ hết, đặc thù văn hóa Việt Nam được quyết định bởi nội lực nền kinh tế và kế sinh tồn của mỗi công dân. Trong giai đoạn “cất cánh” từ thời mở cửa kinh tế những năm 1990, chủ nghĩa kiếm tiền và đầu cơ thượng hạng đã phủ trùm lên cả xã hội, để sau đó vào thời kỳ suy thoái từ năm 2008 đến nay, điều được coi là “văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” cũng bị suy mòn theo lý lịch không mấy trong sáng của đồng tiền.

Phía trước, màu đen khó che giấu của của nền kinh tế đang chờ đón một khoảng trống chân không văn hóa, nơi mà hố sâu bất bình đẳng xã hội sẽ sâu thẳm hơn bao giờ hết. Tâm lý chà đạp lẫn nhau sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu cực kỳ tàn khốc giữa các giai tầng và trong chính từng giai cấp, để cuối cùng bản thân nền văn hóa bị giẫm đạp đến kiệt sức.

Không thể lạc quan về nền văn hóa Việt trong năm 2014 và cả những năm sau đó, tôi cho rằng sự biến mất của một nền chính trị đương thời còn dễ được chấp nhận hơn rất nhiều, so với những mất mát của một nền văn hóa dân tộc mà người dân nước Việt có thể phải mất đến nửa thế kỷ để phục hồi nó.

Rất nhiều người như tôi vẫn ngày đêm dồn dập thổn thức trong lòng một câu hỏi đích đáng: Ai và những tác nhân nào đã khiến cho nền văn hóa dân tộc suy đồi và suy vong ghê gớm đến thế? Kẻ nào phải chịu trách nhiệm lịch sử về hậu quả lịch sử quá đau đớn ấy?

RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ để tâm tình với thính giả RFI Việt ngữ trong những ngày đầu năm về những suy tư liên quan đến nền văn hóa Việt.

Source : RFI

TS PHẠM CHÍ DŨNG NÓI VỀ CHUYỆN BỊ CẤM XUẤT CẢNH


THỨ BẢY, NGÀY 01 THÁNG 2 NĂM 2014


TS PHẠM CHÍ DŨNG NÓI VỀ CHUYỆN BỊ CẤM XUẤT CẢNH

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (trái) và người thân tại phi trường (DR)
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (trái) và người thân tại phi trường (DR)


TS PHẠM CHÍ DŨNG BỊ CẤM XUẤT CẢNH ĐI DỰ HỘI THẢO NHÂN QUYỀN TẠI GENÈVE
THỤY MY -RFI
TỐI NAY 01/02/2014 TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT KHI ĐANG LÀM THỦ TỤC XUẤT CẢNH ĐI THAM DỰ HỘI THẢO VỀ NHÂN QUYỀN TỔ CHỨC TẠI GENÈVE, THỤY SĨ VỚI TƯ CÁCH DIỄN GIẢ THEO LỜI MỜI CỦA TỔ CHỨC UN WATCH – MỘT TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ THỤY SĨ CÓ CHỨC NĂNG GIÁM SÁT CÁC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ THUỘC LIÊN HIỆP QUỐC, TIẾN SĨ PHẠM CHÍ DŨNG ĐÃ BỊ GIỮ LẠI VÀ TỊCH THU HỘ CHIẾU.

Sau nhiều cuộc gọi bất thành do điện thoại của tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị công an thu giữ, cuối cùng RFI Việt ngữ cũng đã liên lạc được. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết :
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
01/02/2014


Như vậy là tôi đã qua khâu gửi hành lý và trình hộ chiếu, nghĩ là mọi chuyện đã tương đối ổn. Nhưng khi đến khâu kiểm tra an ninh thì họ ngần ngại, ngừng một chút. Một người nói là « Máy kẹt rồi ! ». Sau đó mấy nhân viên công an mặc sắc phục tới, đề nghị tôi đi vào một căn phòng riêng để kiểm tra lại, vì theo họ, tên của tôi tương đối phổ thông, trùng với một số người khác.
Nhưng sau đó có một sĩ quan an ninh mặc thường phục của cơ quan PA 81 thuộc Công an thành phố đến, nói với tôi là trường hợp của tôi không được xuất cảnh. Tôi hỏi lý do tại sao, họ nói là việc đi Thụy Sĩ có thể bị lợi dụng bởi những thế lực thù địch, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam. Vì vậy trường hợp tôi đi không có lợi.
Sau đó họ làm biên bản và giữ hộ chiếu của tôi, có ghi lý do là Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, vì tôi là diện bị cấm xuất cảnh. Họ đề nghị tôi đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh của Bộ Công an để nhận lại hộ chiếu.
Nhưng với tôi, thì tôi không cần nhận lại hộ chiếu nữa. Tại vì từ nay trở đi tất cả những việc đi lại của tôi ra nước ngoài sẽ do Nhà nước Việt Nam quyết định, trên căn bản tinh thần nhân quyền của Nhà nước khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Nếu Nhà nước Việt Nam cảm thấy còn muốn giữ một chút hình ảnh nào đó về nhân quyền, thì ít nhất họ phải tôn trọng quyền tự do đi lại, quyền được xuất cảnh của công dân một cách bình thường, một cách tự do như Hiến pháp Việt Nam đã quy định. Còn nếu họ không cần tới điều đó nữa thì tôi cũng đương nhiên không cần tới hộ chiếu.
Và ngày mai tôi sẽ chính thức viết thư khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về vụ việc này. Đồng thời sẽ thông tin rộng rãi và sâu sắc tới tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ vào ngày 5 tháng Hai sắp tới.

Source : RFI

31/1/14

KHÔNG CÓ GÌ QUÝ....... DO .......






 KHÔNG CÓ GÌ QUÝ....... DO  (*)


RIEN N'EST  (PLUS )  PRECIEUX  .... PARCE QUE ....

NOTHING IS  (MORE) PRECIOUS ...... BECAUSE ....

( Photo  : Zone 9 in Ha Noi -VN )
Source :  BBC


Comment :
(*) :

Khai báo (mất của)  đầu năm  (? ) !

Mới đầu năm mà đã bị xui xẻo , hổng có (còn) gì quí (giá ) , (chắc là ) do ...
 a) bị cướp
 b) bị trộm
 c ) bị gạt ( như vụ Huyền Như   vừa rồi )
 d ) hay là tài sản bị (mấy cha nội ) mang đi tẩu tán ,cất giấu mất rồi????