12/2/14

Tự do báo chí : Việt Nam vẫn trong số 10 nước cuối bảng


Tự do báo chí : Việt Nam vẫn trong số 10 nước cuối bảng

Bản đồ tự do báo chí năm 2013. Màu đen là những nước vi phạm nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam.
Bản đồ tự do báo chí năm 2013. Màu đen là những nước vi phạm nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam.
rsf.org

Thanh Phương
Tổ chức Phóng viên không biên giới ( Reporters sans frontières ) vừa công bố hôm nay, 12/02/2014, bảng xếp hạng các nước trên thế giới về tự do báo chí năm 2013. Cũng như mọi năm, Việt Nam vẫn nằm trong số 10 nước đứng cuối bảng.

Trong bảng xếp hạng năm 2013, trên tổng số 180 nước trên thế giới, Phần Lan vẫn là quốc gia đứng đầu bảng về tự do báo chí, tiếp đến lần lượt là các nước Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Andore, Liechtenstein, Đan Mạch, Iceland, New-Zealand và Thụy Điển. Như vậy là danh sách 10 nước đầu bản không có gì thay đổi so với năm 2012, chỉ có New-Zealand và Iceland là hoán chuyển vị trí với nhau.
Còn danh sách 10 nước đứng cuối bảng năm 2013 cũng bao gồm những gương mặt củ của năm 2012 như Việt Nam ( 174 ), Trung Quốc (175 ), Bắc Triều Tiên ( 179 ), Sudan ( 172 ), Iran ( 173 ), Somalia ( 176 ), Syria ( 177 ), Turkmenistan ( 178 ), Eritrea ( 180 ). Riêng có nước Lào ( 171 ) năm nay nhảy vào thế chỗ Cuba.
Về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong năm qua, bản báo cáo của Phóng viên không biên giới nhận định rằng chính quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp và kiểm duyệt thông tin, gần như không thua gì đàn anh Trung Quốc. Theo phóng viên không biên giới, trong năm 2013, những người làm thông tin độc lập càng bị đàn áp nặng nề hơn với việc chính quyền tăng cường kiểm soát Internet, với nhiều vụ bắt giữ và xét xử bất công và với việc thông qua, các quy định hạn chế tự do báo chí.
Phóng viên không biên giới nhắc lại rằng Việt Nam vẫn là nhà tù đứng hàng thế hai thế giới đối với các blogger và công dân mạng, với 34 blogger đang bị giam giữ. Tổ chức này nhắc lại là vào tháng 09/2013, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc đàn áp quyền tự do thông tin, với việc ban hành nghị định 72, cấm các trang blog và trang mạng xã hội tổng hợp và chia sẽ các thông tin thời sự.
Hôm qua, Phóng viên không biên giới cũng vừa ra một thông cáo lên án các nhân viên an ninh Việt Nam hành hung và bắt giữ 8 blogger và nhà hoạt động đến thăm cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyễn, vừa về nhà sau khi cũng bị câu lưu trước đó.
Bản thông cáo của Phóng viên không biên giới cho rằng khi tiến hành các vụ bắt giữ nói trên, chính quyền Hà Nội đã xem thường Liên hiệp quốc, vào lúc mà Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và cách đây vài ngày vừa ra điều trần về nhân quyền trước Hội đồng này.

RFI

11/2/14

HƯƠNG XƯA



HƯƠNG XƯA
        
                               Trần Hồ Dũng



 Em về bến ấy cho tròn mộng

Ta ở nơi này ,dở cuộc say

Ngày mai , ai biết ra sao nhỉ

Thôi cứ một đời như cỏ cây

Em đi về phía chân trời lạ

Mây có còn xanh như chốn xưa

Ta lìa phố chợ về thăm núi

Ngày ngắm mây trời ,đêm thắp  sao

Học đời sông cứ trôi vô lượng

Học suối vô tâm chẳng biết buồn

Học núi  ngàn đời không đổi khác

Học rừng  muôn thuở  tính bao dung

Em qua mấy bến bờ xa lạ

Có để buồn vương nơi bến sông

Chim bay để bóng rơi sông lạnh (*)

Gió thổi- sương rơi - bóng nhạt nhòa

Chim ơi ,thôi cứ bay xa nhé !

Đừng nhớ chốn này chim đã qua

Còn ta ngồi ngắm mây ngang núi

Chợt nhớ một mùi hương đã xa !

T.H.D.
  
------------------------------ --

(*) Ý trong bài NHẠN ẢNH - Thiền sư  Hương Hải  (1628-1715 )

" nhạn quá trường không

ảnh trầm hàn thủy
nhạn vô di tích chi ý
thủy vô lưu ảnh chi tâm "

( Bản dịch của Trần Hồ Dũng ) :


Cánh chim mỏng  vút qua trời sương khói

Bóng vô tình soi   đáy nước chơ vơ
Chim  nào mong lưu dấu bên sông lạnh
Nước  chẳng buồn giữ lấy bóng mà chi

Tân Thống Đốc Janet Yellen


Tuesday, February 11, 2014

Tân Thống Đốc Janet Yellen

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngày 140211 
Tạp Chí Kinh Tế RFI
 
Bảo đảm ổn định tài chính và tiền tệ cho nước Mỹ

 
Tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen - REUTERS /Robert Galbraith
* Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen - REUTERS /Robert Galbraith *


Giới hạn chính sách tiền tệ mà không làm phương hại đến tăng trưởng, tiêu thụ và đầu tư. Đó là trọng trách lớn nhất của tân Thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen. Ngày 02/02/2014 bà tuyên thệ nhậm chức, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Cục dự trữ liên bang của nền kinh tế số 1 thế giới. Cùng lúc thị trường chứng khoán Mỹ tuột giá rất mạnh. Các thị trường Á Châu rồi Âu Châu cũng theo nhau sụt giá.

Sau gần bốn năm làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Dự Trữ Liên Bang, tức là hệ thống Ngân hàng Trung ương của Mỹ, kinh tế gia Janet Yellen lên thay thế thống đốc Ben Bernanke. Đâu là những thách thức đang chờ đợi tân Thống đốc Janet Yellen trước vấn đề kinh tế của nước Mỹ và của toàn cầu vì ảnh hưởng rất lớn của Hoa Kỳ đối với các nền kinh tế khác trên thế giới?

Liên tục điều hành Ngân hàng trung ương Mỹ trong hai nhiệm kỳ từ năm 2006 đến cuối 2013, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào mùa thu năm 2008, ông Bernanke đã bằng mọi giá tránh để Hoa Kỳ không rơi vào kịch bản của cuộc Đại khủng hoảng 1929. Chính sách tiền tệ Fed trong hơn năm năm qua tập trung vào việc tung tiền ra mua vào công khố phiếu để các ngân hàng có thanh khoản dễ cấp tín dụng cho tư nhân với lãi suất rẻ.

Giờ đây, khi kinh tế của Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi Cục dự trữ liên bang ‘siết lại’ chính sách tiền tệ tránh để xảy ra lạm phát. Bà Yellen, lên lãnh đạo Ngân hàng trung ương Mỹ ở giai đoạn này và nhiệm vụ của bà sẽ phúc tạp hơn bởi nhiều lý do:

Thứ nhất ngay trên chính trường Mỹ quan hệ giữa Cục dự trữ liên bang với bên Hạ viện tương đối khá phức tạp và có những bất đồng về tác động của việc ‘siết chặt’ chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng của Hoa Kỳ vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2014.

Khó khăn thứ nhì đặt ra đối với bà Yellen, là liệu kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ đã thực sự được cải thiện một cách vững vàng hay chưa để Hoa Kỳ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ như mong muốn? Bên cạnh đó, thách thức thứ ba đặt ra cho tân lãnh đạo Ngân hàng trung ương Mỹ là làm thế nào để tìm được một thế cân bằng, giữa hai mục tiêu: một là phải tăng lãi suất để đề phòng nguy cơ lạm phát và đe dọa bong bóng tài chính tiềm tàng. Thế nhưng mục tiêu nhứ nhì là việc tăng lãi suất đó không được gây trở ngại cho đầu tư và tiêu thụ.

Sau cùng về mặt đối ngoại, tân thống đốc của Fed sẽ phải thận trọng trước những tác động dây chuyền từ chính sách tiền tệ của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với các nền kinh tế đang trỗi dậy. Về điểm này RFI Việt ngữ mời chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, Hoa Kỳ giải thích thêm.


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nền kinh tế Hoa Kỳ gặp những bài toán bất thường, có lẽ từ 30 năm hay thậm chí 80 năm mới thấy một lần, nên bị suy trầm nặng và thất nghiệp cao. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ phải có những giải pháp bất thường sau khi các biện pháp tăng chi để kích thích sản xuất đều thất bại. Giải pháp ta gọi là bất thường này gồm có hạ lãi suất tới gần số không và vì chưa công hiệu nên ba lần bơm tiền vào kinh tế qua thủ thuật gọi là "quantitative easing" hay tăng mức lưu hoạt có định lượng.

- Lần thứ nhất là vào Tháng 10 năm 2008, lần thứ hai là Tháng 10 năm 2010 và lần thứ ba là vào Tháng Chín năm 2012. Nói dễ hiểu, biện pháp gọi là in bạc bơm tiền có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Mỹ mua vào công khố phiếu và chứng phiếu có bảo đảm và trả bằng tiền được bút ghi trong sổ để các ngân hàng có thanh khoản dễ cho vay với lãi suất rẻ.

- Tổng cộng thì khoảng ba ngàn tỷ Mỹ kim được bơm ra như vậy từ cuối năm 2008. Và lần thứ ba vào năm 2012 Ngân hàng Trung ương Mỹ còn nói trước là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la để kích thích kinh tế cho tới khi thất nghiệp giảm đến mức 6,5%.... Nói vắn tắt lại, Ngân hàng Trung ương Mỹ áp dụng chính sách in tiền cho nhiều và cho rẻ để kích thích kinh tế.

- Khi kinh tế Mỹ đã phục hoạt khá hơn thì từ Tháng Năm năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo là sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cho tinh tế hơn. Ta hiểu là tùy tình hình khả quan của kinh tế thì việc điều chỉnh này để trở về trạng thái bình thường gồm có ba việc, thứ nhất là giảm đà bơm tiền, thứ hai là nâng lãi suất lên khỏi số không hiện nay và thứ ba là thu lại lượng tiền đã bơm ra.

- Tôi nghĩ rằng sau năm năm bơm tiền thì khi thu hồi lại một lượng tiền lên tới ba ngàn tỷ đô la, nước Mỹ sẽ phải mất chục năm. Sau những biện pháp bất thường, việc bình thường hóa này là trách nhiệm khá nặng nề của Thống đốc Janet Yellen trong những năm tới.

RFI: Vì sao khi Mỹ thông báo chuyện điều chỉnh đó từ năm ngoái thì các thị trường tài chính trên thế giới lại bị chấn động nặng? Việc nước Mỹ thu hồi lại biện pháp bơm tiền căn cứ trên tình hình kinh tế Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng ra sao đến thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong câu chuyện rắc rối này, chúng ta có ba vấn đề khác nhau mà lại chòng chéo với nhau nên hơi khó hiểu và tôi sẽ cố trình bày lại cho đơn giản. 

- Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ chỉ giảm dần lượng tiền bơm ra và nâng lãi suất khi kinh tế tăng trưởng mạnh và thất nghiệp trở lại mức 6,5%. Nhưng con số 6,5% này là thiếu chính xác và thật ra có thể đạt được qua thống kê Bộ Lao Động công bố hôm Thứ Sáu đầu tháng. Nó thiếu chính xác vì có cả chục triệu người đã nản chí chẳng muốn kiếm việc nữa nên không được kể là thất nghiệp, chứ số thất nghiệp thật, gồm những ai muốn tìm việc toàn thời mà không ra, có thể vẫn ở mức 13%. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương khó quyết định là có nên giảm mức can thiệp hay chăng. Tuần qua, khi có chỉ dấu cho thấy kinh tế chưa khả quan thì thị trường Mỹ đã sụt giá mạnh đúng lúc bà Yellen đang tuyên thệ nhậm chức Thống đốc. Nói cho nôm na thì Thống đốc Mỹ vừa phải chuẩn bị đạp thắng tức là giảm mức bơm tiền, nhưng có khi lại phải tống ga, tức là vẫn bơm tiền thay vì đã giảm hai lần mỗi lần 10 tỷ đô la vào đầu Tháng 12 và cuối Tháng Giêng vừa qua.

- Thứ hai, khi tiền tại Mỹ bơm ra quá nhiều và quá rẻ như vậy, một hậu quả trực tiếp là Mỹ kim mất giá, hàng Mỹ dễ xuất cảng và đồng bạc của các xứ khác lên giá so với Mỹ kim nên khó bán hơn. Khi ấy, nhiều nước đã than là Mỹ mặc nhiên phá giá đồng bạc để thoát hiểm, tức là gây ra một trận chiến hối đoái. Nhưng, tiền Mỹ nhiều và rẻ như vậy cũng lại chẩy qua xứ khác, là lượng tư bản nóng tràn vào các thị trường tài chánh bên ngoài. Tùy hoàn cảnh từng nơi, các nền kinh tế gọi là mới nổi hay đang lên, đều gặp ảnh hưởng của biện pháp Hoa Kỳ. Nếu lệ thuộc vào xuất cảng thì khó cạnh tranh hơn vì đồng bạc lên giá, mà nhập cảng lại rẻ hơn và dễ bị thiếu hụt ngoại tệ. Nếu có thị trường tài chánh đủ sâu rộng thì vay được tiền Mỹ với giá hời để làm ăn có lời bằng nội tệ của mình trong thị trường của mình.

- Thứ ba là ngày nay, khi Hoa Kỳ thu hồi dần biện pháp bơm tiền và còn có thể tăng lãi suất thì mọi chuyện đều đảo lộn và sẽ gây chấn động cho các nước đang lên. Đầu tiên, tư bản nóng từ Mỹ tràn vào các thị trường đầu tư tài chính để kiếm lời cho nhiều cho nhanh nay sẽ rút khỏi các thị trường đó. Chúng ta đã thấy chuyện này trong vụ khủng hoảng tại Mexico năm 1994 hay tại Đông Á và Liên bang Nga năm 1997. Trong khi ấy, dù tiền Mỹ có lên giá thì kinh tế Mỹ ngày nay lại ít lệ thuộc hơn vào nhập cảng nên các nước sống nhờ xuất cảng hàng hóa vào Mỹ vẫn chẳng có lợi như trước dù đồng bạc và hàng hóa của họ có trở thành rẻ hơn. Sau cùng, nhóm các nước gọi là đang lên hiện có quá nhiều vấn đề nội tại và có thể bị suy trầm kinh tế. Đúng lúc đó thì lại bị những chấn động về tài chánh và ngoại hối từ Hoa Kỳ nên rất dễ bị khủng hoảng. Đây là ta chưa nói đến hoàn cảnh cũng đầy bất trắc của kinh tế Âu Châu, Nhật và nhất là Trung Quốc.

RFI: Sau khi đã bơm ra đến 3000 tỷ trong 5 năm, Hoa Kỳ mới chỉ bắt đầu giảm lượng tiền bơm ra là 10 tỷ đô la một tháng, nghĩa là vẫn là một số tiền rất nhỏ. Thế thì vì sao lại gây chấn động lớn như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ tháng 9/ 2012, mỗi tháng Mỹ bơm ra 85 tỷ đô la, có thể là 60% lượng tiền này đã chảy qua làm giàu cho xứ khác. Từ đầu 12/2013, Mỹ chỉ bơm ra 75 tỷ, là giảm 10 tỷ, và đến ngày 29/01/2014 thì quyết định giảm thêm 10 tỷ cho đến kỳ họp tới của Ủy ban Chính sách Tiền tệ FOMC do bà Yellen lần đầu tiên chủ tọa vào ngày 18/03/2014.

- Số tiền một tháng 10 tỷ đó quả là không nhiều, nhưng mà lại hơn tổng số tư bản hàng tháng vẫn trút vào hai nước láng giềng là Canada và Mêhicô, hay vào bảy nước đang lên như Ấn Độ, Brazil, Chilê, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Điều ấy mới cho thấy ảnh hưởng rất lớn của Hoa Kỳ.

- Trở về chuyện Mỹ, Ngân hàng Trung ương có hai nhiệm vụ kinh tế chính là bảo đảm ổn định tiền tệ, là ngăn ngừa lạm phát, và yểm trợ khả năng nhân dụng tức là giảm trừ thất nghiệp. Thống đốc Janet Yellen phải thi hành hai nhiệm vụ này cho quyền lợi của dân Mỹ. Sáu tháng một lần, bà chủ tọa Ủy ban FOMC để duyệt xét tình hình kinh tế tài chính và cùng quyết định về mức lãi suất căn bản lẫn lượng tiền bơm ra hay sẽ thu vào.

- Lượng tiền đó thật ra rất lớn và trong nền kinh tế toàn cầu hóa thì nó chảy vào những nơi có lời nhất khi lãi suất tại Mỹ được duy trì quá thấp. Nếu kinh tế hồi phục, thất nghiệp giảm và lạm phát sẽ là vấn đề thì lãi suất tại Mỹ sẽ tăng, cho vay tại Mỹ có lời hơn và tiền sẽ chảy về Hoa Kỳ, với số lượng có thể làm nhiều nước khốn đốn.

- Luân lý trong câu chuyện kinh tế có ba góc này này là khi mượn đòn bảy của Hoa Kỳ để giải quyết nhu cầu của mình thì từng nước cũng phải liệu sức vì đòn bẩy đó không bền. Khi muốn đầu cơ tài chính để kiếm lời cho nhanh hoặc vay ngắn hạn để tài trợ dài dạn, các nước đang lên sẽ mắc họa trong mấy năm tới, mỗi nước theo một cách. Và trách nhiệm không tùy thuộc vào một bà Mỹ mà vào giới lãnh đạo và nhà đầu tư của các nước này.

RFI: Câu hỏi cuối: hai nhiệm kỳ của Chủ tịch Ben Bernanke có gì là nổi bật ? Ta sẽ đánh giá thế nào về thành tích của một kinh tế gia từng là chuyên gia về vụ tổng khủng hoảng thời 1929-1933 tại Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có nhiều nguồn dư luận phê phán trái ngược về thành quả tám năm của ông Bernanke, nói chung thì không mấy hài lòng. Tôi thiển nghĩ rằng ông ta lãnh một hậu quả tích lũy từ ba chục năm. Khi khủng hoảng bùng nổ thì nước Mỹ bị phá sản về chính trị vì bầu lên một chính quyền chỉ chú trọng đến cải tạo xã hội hơn là cải tiến kinh tế nên thất bại với giải pháp tăng chi và gây bội chi kỷ lục. Khi ấy chỉ còn Ngân hàng Trung ương là định chế cứu vãn cuối cùng với giải pháp quá bất thường là in bạc quá nhiều và giữ lãi suất thấp quá lâu.

- Hậu quả chung là giới có tiền đầu tư thì làm giàu gấp bội trên thị trường tài chính mà người sống nhờ đồng lương đi làm lại chẳng khá hơn vì cơ chế kinh tế không cải cách sau những thay đổi quá lớn. Bà Janet Yellen có ông chồng là Giáo sư đã đoạt giải Nobel Kinh tế từ năm 2001, nếu giải quyết thành công việc bình thường hóa kinh tế với bài toán xã hội quá nghiêm trọng của Hoa Kỳ thì bà Yellen cũng xứng đáng được Nobel! Trong khi chờ đợi, thế giới nên tự chuẩn bị cho rất nhiều sóng gió khi kinh tế Mỹ đã vững mạnh hơn và thủy triều rút về Hoa Kỳ.

Source : RFI . dainamax tribune .

TRUNG QUỐC ÉP VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979 ?


Trung Quốc ép Việt Nam không được tưởng niệm Chiến tranh biên giới 1979 ?

Hoàng An Vĩnh





Cuộc trao đổi qua đường dây nóng giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng là lý do khiến Việt Nam đột ngột chấm dứt các hoạt động tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc 1979? 
 
Đèn xanh


2014 đánh dấu “năm chẵn” một loạt những sự kiện liên quan đến lịch sử bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Trong số này có 35 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979), 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (19/1/1974) và 35 năm ngày Trung Quốc tung 60 vạn quân quân nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (17/2/1979).

Trong khi sự kiện gắn với biên giới Tây Nam được tuyên truyền tương đối bình thường thì việc báo chí chính thống của Việt Nam nhắc tới Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979 là điều gần như không có nếu không tính quãng thời gian từ 2009 trở lại đây.

Cũng cần phải nói rằng câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 mới được hâm nóng trở lại trên các kênh truyền thông chính thức ở Việt Nam được vài năm nay mà bắt đầu là bài viết “Biên Giới Tháng Hai” của ký giả nổi tiếng Huy Đức (http://www.viet-studies.info/kinhte/HuyDuc_BienGioiThangHai.htm) trên báo Sài Gòn Tiếp thị ra ngày 9/2/2009.

Lác đác trong những năm sau đó một số tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật Tp.HCM… đã có một số bài viết trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến sự kiện này trong đó nổi bật là báo Thanh Niên, tờ báo của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Tháng 2/2011, báo Thanh Niên có bài viết về liệt sĩ Lê Đình Chinh (http://tinyurl.com/pm76349) và bài về chiến công chống quân Trung Quốc xâm lược của một đơn vị bộ đội tại Lạng Sơn năm 1979 (http://tinyurl.com/cas56wk) gây được sự chú ý của dư luận đặc biệt với hình ảnh về tấm bia ghi dấu chiến công bị đục bỏ.

Năm 2013, đúng vào ngày 17/2, báo Thanh Niên cũng cho đăng tải bài phỏng vấn tướng công an Lê Văn Cương về việc phải công bố và đưa câu chuyện chiến tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa (http://tinyurl.com/n6cwr8w). Sau bài viết mang tính mở đường này nhiều tờ báo khác như Tuổi Trẻ, VietnamNet… cũng đã liên tiếp lên tiếng.

Theo một nhà nghiên cứu, những diễn biến nóng trên Biển Đông trong những năm qua, nỗ lực của báo giới và những sức ép từ dư luận đã buộc chính quyền có độ mở nhất định đối với các thông tin về vụ Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, chiến tranh biên giới 1979 trên các kênh chính thức của Việt Nam.

Từ cuối tháng 12/2013 đầu 1/2014 một số tờ báo “lề phải” của Việt Nam bắt đầu đăng tải các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 với một sự thận trọng nhất định. Khởi đầu là Giaoduc.net.vn, tiếp sau đó là Tuổi Trẻ, Infonet.vn, PetroTimes, Vietnamnet… Tờ báo điện tử có lượng truy cập hàng đầu Việt Nam là Vnexpress.net đến gần sát thời điểm 19/1 cũng có một số bài. Các tờ báo chính thống như Nhân dân, Quân đội Nhân dân… như thường lệ không hề đả động gì đến những vấn đề vốn được mặc định là “nhạy cảm” này.

Thanh Niên, nhập cuộc muộn hơn, nhưng tổ chức khá bài bản loạt bài về Hoàng Sa trên báo điện tử thành một chuyên đề (http://tinyurl.com/nlm6tql) với nhiều bài viết đa dạng. Sự kiện Hoàng Sa 1974 được tờ báo này nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc cạnh khá mạnh dạn so với báo chí chính thống trong nước.

Việc báo chí có thể đăng tải thoải mái các tin bài về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, thậm chí động đến những chuyện khá “nhạy cảm” và gây tranh cãi mà trước nay mới chỉ được đề cập trên các kênh phi chính thống. Trong số này có thể kể đến việc đòi đánh giá lại sự kiện Hoàng Sa, ca ngợi những hy sinh của binh lính Việt Nam Cộng Hòa và coi họ như những anh hùng liệt sĩ chống ngoại xâm… đã tạo dư luận cho rằng chính quyền đã bật đèn xanh cho việc tuyên truyền này.

Tưởng niệm hay không tưởng niệm?

Chiều 30/12/2013, báo Thanh Niên điện tử đã xuất hiện bản tin về việc “Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc” (http://tinyurl.com/nfn9tgp).

Bản tin này sau đó đã bị gỡ bỏ sau đó chỉ vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên nội dung của nó đã được nhiều website đăng tải lại.

Theo bản tin này, trong cuộc làm việc với Hội Khoa học lịch sử VN,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang lên kế hoạch tưởng niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1/1974) và 35 năm sự kiện Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979).

Bản tin của Thanh Niên còn cho biết Thủ tướng đã trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử rằng : “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa.

“Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này”, ông Dũng được Thanh Niên điện tử trích dẫn.

Cú phanh đột ngột

Trong khi nhiều người tin rằng đúng ngày 19/1/2014 hàng loạt các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 sẽ được hàng loạt tờ báo bung ra thì một điều bất ngờ xảy đến: hầu hết các tờ báo đều đột ngột ngừng việc đưa tin về sự kiện này từ 18/1.

Sáng 18/1, trang web của UBND huyện Hoàng Sa cũng bất ngờ đăng lời cáo lỗi (http://tinyurl.com/ox8kf9w) của ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện, về việc hủy chương trình tưởng niệm, thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa dự kiến sẽ được tổ chức vào 19h00 cùng ngày tại tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng.

Lý do được đưa ra là “do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo” nên chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa đã không thể diễn ra theo kế hoạch.

Cũng trong sáng 18/1, báo Thanh Niên điện tử cho đăng tải bài phỏng vấn cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (http://tinyurl.com/nvzs2hl) liên quan đến chủ đề Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979.

Tuy nhiên bài viết này sau đó cũng nhanh chóng bị gỡ xuống.

Đến thời điểm ấy người ta chỉ có thể lờ mờ phỏng đoán đã có một quyết định được đưa ra vào giờ chót, ngay trước 19/1/2014, nhằm ngăn cản việc tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa 1974 đồng thời “bịt miệng” báo chí trong nước.

Điều khó hiểu là quyết định này dường như được đưa ra khá bất ngờ chứ không phải như chủ trương “đèn xanh” như trước đó. Dường như đã có một sự thay đổi vào phút chót trong việc kiểm soát thông tin của sự kiện này từ giới lãnh đạo Việt Nam.

Ngày 21/1, sau cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần của lãnh đạo Ban Tuyên giáo,  Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo các báo, đài, trên một số diễn đàn báo chí đã lan truyền thông tin lãnh đạo báo Thanh Niên và Infonnet.vn đã bị “cạo” ra trò tại cuộc giao ban này. Cũng xuất hiện thông tin nói rằng báo Thanh Niên và báo Infonet.vn sẽ bị kỷ luật do không chấp hành chỉ đạo liên quan đến việc tuyên truyền về sự kiện Hoàng Sa 1974.


Chỉ thị mật

Điều có lẽ không nhiều người biết đó là vào ngày 16/1/2014, các tổng biên tập, giám đốc các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đã bất ngờ được Ban Tuyên giáo triệu tập đến trụ sở của cơ quan này tại 2 Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội.

Họ được gọi lên để nhận tận tay một chỉ thị mật liên quan đến việc tuyên truyền về Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979.

Theo một cựu lãnh đạo báo chí thì việc gọi các Tổng biên tập đến để trao tận tay một văn bản chỉ đạo mật là điều ít khi xảy ra. Thông thường các vụ việc thế này Ban Tuyên giáo chỉ cho người gọi điện/gửi tin nhắn hoặc qua đường công văn.

Nội dung chính của chỉ đạo mật này đó là theo yêu cầu trực tiếp từ Bộ Chính trị, các cơ quan báo chí phải tuân thủ nghiêm “kỷ luật thông tin” trong tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo đã ra lệnh cho các báo không được đưa tin về các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm các sự kiện nêu trên nếu chưa có sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ. Các báo, đài nào đã đăng thì được yêu cầu phải “dừng ngay” và “tuyệt đối không được đăng tiếp”.

Chỉ thị mật này cũng nêu rõ khi cần báo, đài nào lên tiếng, Ban Tuyên giáo TƯ sẽ có sự chỉ đạo cụ thể đồng thời răn đe, dọa dẫm, yêu cầu một cách khá gay gắt rằng các cơ quan báo chí “không được tự tiện, manh động”.

Bên cạnh đó chỉ thị đồng thời cũng yêu cầu “thông tin, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn giữ mức độ, nội dung, cách thức tuyên truyền như lâu nay” (?!) và không đẩy việc tuyên truyền lên mức cao hơn.

Đặc biệt, chỉ thị mật này yêu cầu báo chí “tuyệt đối không đưa thông tin kích động, gây tâm lý dân tộc cực đoan, làm nóng dư luận, gây bất lợi về đối nội, đối ngoại” và chú ý đến các nội dung liên quan đến “đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tác đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo chia rẽ, tạo mâu thuẫn trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc”.

Trong chỉ thị này Ban Tuyên giáo TƯ cho biết họ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập một “Tổ công tác đặc biệt” để chỉ đạo, theo dõi việc thực thi chỉ thị và các các báo, đài vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đường dây nóng

Một nguồn thạo tin tại Hà Nội cho biết ngày 15/1/2014 phía Trung Quốc đã bất ngờ nêu yêu cầu trao đổi giữa Chủ tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đường dây nóng nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2014).

Nguồn tin không nói rõ thời điểm cuộc điện đàm được thực hiện, nhưng nhiều khả năng thời gian điện đàm từ 15-16/1/2014.

Điều đáng chú ý là theo thông tin công khai trên báo chí thì có một cuộc điện đàm với lý do tương tự (http://tinyurl.com/pww2foa) nhưng được thực hiện vào ngày 22/1/2014 cũng giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình. Thông tin công khai này không cho biết cuộc điện đàm bình thường hay được thực hiện qua đường dây nóng.

Không rõ đây chính là cuộc điện đàm được thực hiện trước thời điểm 16/1/2014 nhưng được ém thông tin và đăng tải thành ngày 22/1/2014 hay là một cuộc điện đàm khác. Theo dự đoán của người viết thì nhiều khả năng chỉ có một cuộc điện đàm nhưng thời gian công bố đã có sự điều chỉnh.

Nguồn tin cũng cho biết nhiều khả năng trong cuộc điện đàm này phía Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu và được ông Nguyễn Phú Trọng đồng ý về việc Việt Nam hủy bỏ chương trình tưởng niệm Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979 mà trước đó được dự kiến thực hiện.

Nếu điều này là sự thật thì có thể thấy một lần nữa Trung Quốc lại cho thấy sự cao tay trong việc “dắt mũi” giới lãnh đạo Việt Nam khi đặt Hà Nội vào thế bị động. Nó cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thiếu tầm nhìn trong việc ứng xử với Trung Quốc như thế nào, nguồn tin bình luận.

Hẳn là Hà Nội chưa quên bài học vừa mới xảy ra năm ngoái khi họ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay trong thời điểm lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc những lá cờ rủ đã buộc phải thay đổi cấp tập thành cờ mừng đã gây ra một làn sóng dư luận phẫn nộ trong dân chúng.

Một chuyên gia về chính trị Việt Nam cho rằng những ứng xử mang tính chất đối phó và dường như có phần quá nể sợ Trung Quốc của giới lãnh đạo Việt Nam cho thấy họ sẽ chẳng bao giờ có được sự tôn trọng từ phía người láng giềng “khó chơi”.

“Người Trung Quốc vốn kính nể những đối thủ cứng rắn. Họ muốn các chư hầu thần phục nhưng cũng coi thường những kẻ thần phục. Đó là văn hóa của họ”.

“Điều mà tôi lo lắng là không biết đến bao giờ chúng ta mới có những thủ lĩnh đủ tầm trong ứng xử với Trung Quốc Nếu những nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta cứ mãi “trẻ con” thế này thì đất nước sẽ còn tiếp tục bị đè nén và sỉ nhục”.

Hà Nội ngày 4/2/2014


Nguyên Nhân Thành Công Của Những Người gốc Do Thái ???


Nguyên Nhân Thành Công Của Những Người gốc Do Thái ???



Theo Nguyễn Hải Hoành  5/9/2009 Dong Tac

Cả một dân tộc giỏi làm kinh tế
Chúng ta đều biết người Do Thái (thời cổ gọi là Hebrew) là dân tộc thành công nhất trên nhiều lĩnh vực trí tuệ, nhưng có lẽ ít ai biết họ thực ra còn cực kỳ xuất sắc trên mặt kinh tế, tài chính, thương mại.
Họ đạt được những thành tựu đó trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: toàn bộ dân tộc Do Thái buộc phải sống lưu vong phân tán, “ăn nhờ ở đợ” suốt 2000 năm qua trên khắp thế giới, đi tới đâu (trừ ở Mỹ) cũng bị xa lánh hoặc hắt hủi, xua đuổi, tước đoạt, thậm chí hãm hại, tàn sát vô cùng dã man, bị cấm được sở hữu bất cứ tài sản cố định nào như nhà đất, tài nguyên thiên nhiên ….
Chỉ cần lướt các mạng tìm kiếm là ta có thể sưu tầm được ngay một số thành tựu cực kỳ gây ấn tượng của người Do Thái trên lĩnh vực kinh tế, dù là về mặt lý thuyết hay thực tiễn. Hãy xem một số số liệu sau đây:
Rất nhiều nhà lý thuyết kinh tế hàng đầu thế giới là người Do Thái, các lý thuyết họ xây dựng nên đã ảnh hưởng vô cùng to lớn nếu không nói là quyết định tới quá trình trình tiến hóa của nhân loại:
- Karl Marx (Các Mác) người khám phá ra “giá trị thặng dư” và xây dựng học thuyết kinh tế chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế cho chủ nghĩa tư bản, được gọi là một trong hai người Do Thái làm đảo lộn cả thế giới (người kia là Jesus Christ);
- Alan Greenspan 17 năm liền được 4 đời Tổng thống Mỹ tín nhiệm cử làm Chủ tịch Cơ quan Dự trữ Liên bang (FED, tức Cục Dự trữ liên bang Mỹ) nắm quyền sinh sát lớn nhất trong giới tài chính Mỹ, thống trị lĩnh vực tài chính tiền tệ toàn cầu;
- 41% chủ nhân giải Nobel kinh tế thời gian 1901-2007 là người Do Thái (cộng 13 người), chẳng hạn Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976) và Paul Krugman (2008) … là những tên tuổi quen thuộc trong giới kinh tế thế giới hiện nay, các lý thuyết của họ được cả thế giới thừa nhận và học tập, áp dụng…
Nhiều nhà giàu nổi tiếng thế giới từng tác động không nhỏ tới chính trị, kinh tế nước Mỹ và thế giới là người Do Thái. Đơn cử vài người :
- Jacob Schiff, chủ nhà băng ở Đức, sau sang Mỹ định cư; đầu thế kỷ XX do căm ghét chính quyền Sa Hoàng giết hại hàng trăm nghìn dân Do Thái ở Nga, ông đã cho chính phủ Nhật Bản vay 200 triệu USD (một số tiền cực kỳ lớn hồi ấy) để xây dựng hải quân, nhờ đó Nhật thắng Nga trong trận hải chiến Nhật-Nga năm 1905. Nhớ ơn này, trong đại chiến II Nhật đã không giết hại người Do Thái sống ở Trung Quốc tuy đồng minh số Một của Nhật là phát xít Đức Hitler có nhờ Nhật “làm hộ” chuyện ấy.
- Sheldon Adelson, người giàu thứ 3 nước Mỹ năm 2007, với tài sản cá nhân lên tới 26,5 tỷ USD.
- George Soros giàu thứ 28 ở Mỹ (7 tỷ USD) nổi tiếng thế giới hiện nay về ý tưởng đầu tư và làm từ thiện quy mô lớn.
- Michael Bloomberg có tài sản riêng 5,1 tỷ USD, làm thị trưởng thành phố New York đã 8 năm nay với mức lương tượng trưng mỗi năm 1 USD và là chủ kênh truyền hình Bloomberg nổi tiếng trong giới kinh tế, đang được mong đợi sẽ là ứng cử viên Tổng thống Mỹ khóa tới…
Cộng đồng Do Thái ở Mỹ chiếm một nửa tổng số người Do Thái trên toàn thế giới là quần thể thiểu số thành công nhất ở Mỹ dù chỉ chiếm 2,5% số dân. Khoảng một nửa số doanh nhân giàu nhất Mỹ, 21 trong số 40 nhà giàu đứng đầu bảng xếp hạng của tạp chí Forbes là người Do Thái, và cộng đồng Do Thái có mức sống bình quân cao hơn mức trung bình của nước này.
Họ nắm giữ phần lớn nền kinh tế tài chính Mỹ, tới mức người Mỹ có câu nói “Tiền nước Mỹ nằm trong túi người Do Thái”. Nhờ thế trên vấn đề Trung Đông chính phủ Mỹ xưa nay luôn bênh vực và viện trợ Israel.
Nước Israel nhỏ bé với hơn 5 triệu người Do Thái tuy ở trên vùng sa mạc khô cằn nhưng nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật đều rất phát triển, dân rất giàu, GDP đầu người năm 2003 bằng 19.000 USD. Nhờ sức mạnh mọi mặt ấy, quốc gia nhỏ xíu này đã đứng vững được trong làn sóng hằn thù và công kích của cả trăm triệu người A Rập xung quanh …
Nguyên nhân do đâu?
Vì sao người Do Thái giỏi làm kinh tế trên cả hai mặt lý thuyết và thực hành như vậy? Lịch sử đã chứng minh, yếu tố quyết định thành công của một dân tộc bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của dân tộc ấy.
Để tìm hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc này có lẽ ta cần tìm hiểu các nguyên tắc chính của đạo Do Thái (Judaism), tôn giáo lâu đời nhất thế giới còn tồn tại tới ngày nay và là chất keo bền chắc gắn bó cộng đồng, khiến dân tộc này giữ gìn được nguyên vẹn nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa mặc dù phải sống phân tán, lưu vong và bị kỳ thị, xua đuổi, hãm hại, tàn sát dã man suốt 2000 năm qua.
Có thể nói, nếu không có chất keo ấy thì từ lâu dân tộc Do Thái đã bị tiêu diệt hoặc đồng hóa và biến mất khỏi lịch sử. Đạo Do Thái là tôn giáo duy nhất thành công trên cả hai mặt: giữ được sự tồn tại của dân tộc và hơn nữa đưa họ vươn lên hàng đầu thế giới trên hầu hết các lĩnh vực trí tuệ.
Muốn vậy, ta thử điểm qua vài nét về Kinh thánh của người Do Thái (Hebrew Bible) – kinh điển này hơn 10 thế kỷ sau được đạo Ki-tô lấy nguyên văn làm phần đầu Kinh Thánh của họ và gọi là Cựu Ước, nhằm phân biệt với Tân Ước do các nhà sáng lập Ki-tô giáo viết. Ta cũng cần xem xét một kinh điển nữa của đạo Do Thái gọi là Kinh Talmud, quan trọng hơn cả Cựu Ước, có đưa ra nhiều nguyên tắc cụ thể cho tới thời nay vẫn còn giá trị về kinh doanh, buôn bán.
Trước hết người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người.
Kinh Talmud viết: Tài sản có thể bị mất, chỉ có tri thức và trí tuệ thì mãi mãi không mất đi đâu được. Các ông bố bà mẹ Do Thái dạy con: Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi.
Với phương châm đó, họ đặc biệt coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành; ngoài ra họ chú trọng truyền đạt cho nhau các kinh nghiệm làm ăn, không bao giờ giấu nghề. Người Do Thái có trình độ giáo dục tốt nhất trong các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, thể hiện ở chỗ họ chiếm tỷ lệ cao nhất trong sinh viên các trường đại học hàng đầu cũng như trong giới khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật.

Thứ hai, đạo Do Thái đặc biệt coi trọng tài sản và tiền bạc. Đây là một điểm độc đáo khác hẳn đạo Ki-tô, đạo Phật, đạo Nho, ta cần phân tích thêm.

Có lẽ sở hữu tài sản là một trong các vấn đề quan trọng nhất của đời sống loài người, là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa con người với nhau (đấu tranh giai cấp) và chiến tranh giữa các quốc gia. Heghel, đại diện nổi tiếng nhất của triết học cổ điển Đức từng nói: “Nhân quyền nói cho tới cùng là quyền (sở hữu) về tài sản.” Chính Marx cũng nói: Chủ nghĩa cộng sản “là sự phục hồi chế độ sở hữu của cá nhân trên một hình thức cao hơn”.
Rõ ràng, chỉ khi nào mọi người đều có tài sản, đều giàu có thì khi ấy mới có sự bình đẳng đích thực, người người mới có nhân quyền. Một xã hội có phân hóa giàu nghèo thì chưa thể có bình đẳng thực sự. Đạo Do Thái rất chú trọng nguyên tắc làm cho mọi người cùng có tài sản, tiền bạc, cùng giàu có.
Triết gia Max Weber viết: “Đạo Ki-tô không làm tốt bằng đạo Do Thái, vì họ kết tội sự giàu có.” Quả vậy, Chúa Jesus từng nói: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Chúa” (Tân Ước, Mathew 19:24), ý nói ai giàu thì khó lên thiên đường, ai nghèo thì dễ lên thiên đường hơn – qua đó có thể suy ra đạo Ki-tô thân cận với người nghèo khổ. Nho giáo và đạo Phật lại càng khinh thường tài sản, tiền bạc, coi nghèo là trong sạch, giàu là bẩn thỉu.
Ngược lại Cựu Ước ngay từ đầu đã viết: “Vàng ở xứ này rất quý” (Genesis 2:12). Ý tưởng quý vàng bạc, coi trọng tài sản vật chất đã ảnh hưởng lớn tới người Do Thái, họ đều muốn giàu có.
Khái niệm tài sản xuất hiện ngay từ cách đây hơn 3000 năm khi vua Ai Cập bồi thường cho vị tổ phụ của bộ lạc Do Thái là Abraham, khiến ông này “có rất nhiều súc vật, vàng bạc” (Genesis 13:2). Thượng Đế Jehovah yêu cầu Abraham phải giàu để có cái mà thờ cúng Ngài. Thượng Đế cho rằng sự giàu có sẽ giúp chấm dứt nạn chém giết nhau. Khi Moses dẫn dân Do Thái đi khỏi Ai Cập cũng mang theo rất nhiều súc vật.
Những người xuất thân gia đình giàu có hồi ấy như Jacob, Saul, David … đều được Cựu Ước ca ngợi là có nhiều phẩm chất tốt, lắm tài năng, lập được công trạng lớn cho cộng đồng dân tộc và đều trở thành lãnh đạo, vua chúa. Ngược lại, văn hóa phương Đông thường ca ngợi phẩm chất của những người nghèo.
Trọng tiền bạc là đặc điểm nổi bật ở người Do Thái.
Họ coi đó là phương tiện tốt nhất để bảo vệ mình và bảo vệ dân tộc họ. Quả vậy, không có tiền thì họ làm sao tồn tại nổi ở những quốc gia và địa phương họ sống nhờ ở đợ, nơi chính quyền và dân bản địa luôn chèn ép, gây khó khăn.
Hoàn cảnh ấy khiến họ sáng tạo ra nhiều biện pháp làm giàu rất khôn ngoan. Thí dụ cửa hiệu cầm đồ và cho vay lãi là sáng tạo độc đáo của người Do Thái cổ đại – về sau gọi là hệ thống ngân hàng. Buôn bán cũng là một biện pháp tồn tại khi trong tay không có tài sản cố định nào.
Người ta nói dân Do Thái có hai bản năng: thứ nhất là bản năng kiếm tiền; thứ hai là bản năng làm cho tiền đẻ ra tiền – họ là cha đẻ của thuyết lưu thông tiền tệ ngày nay chúng ta đều áp dụng với quy mô lớn (còn ai kiếm tiền dễ hơn ngành ngân hàng?).
Tuy vậy, sự quá gắn bó với tiền bạc là một lý do khiến người Do Thái bị chê bai. Bạn nào đã đọc tiểu thuyết Ai-van-hô (Ivanhoe) của Walter Scott chắc còn nhớ mãi hình ảnh ông lão Do Thái Isaac (I-sắc) đáng thương, bố của nàng Rebeca xinh đẹp và thánh thiện, lúc nào cũng khư khư giữ túi tiền và bị hiệp sĩ Đầu Bò nhạo báng khinh bỉ thậm tệ. Kịch của Shakespeare đưa ra nhiều hình ảnh khiến người ta có cảm giác người Do Thái bần tiện, ích kỷ, xảo trá. Tập quán cho vay lãi của người Do Thái bị nhiều nơi lên án.
Hệ thống cửa hiệu của người Do Thái ở Đức là đối tượng bị Quốc Xã Hitler đập phá đầu tiên hồi thập niên 30. Người Đức có câu ngạn ngữ “Chẳng con dê nào không có râu, chẳng người Do Thái nào không có tiền để dành.” Karl Marx từng viết: Tiền bạc là vị thần gắn bó với người Do Thái; xóa bỏ chủ nghĩa tư bản sẽ kéo theo sự xóa bỏ chủ nghĩa Do Thái.
Người Do Thái có đóng góp rất lớn về lý thuyết và thực hành trong việc xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Đạo Do Thái coi làm giàu là bổn phận nặng nề của con người; nói “nặng nề” vì người giàu có trách nhiệm to lớn đối với xã hội: họ không được bóc lột người nghèo mà phải chia một phần tài sản của mình để làm từ thiện. Những người Do Thái giàu có luôn sống rất giản dị, tiết kiệm và năng làm từ thiện. Soros từng cúng 4 tỷ USD (trong tổng tài sản 7 tỷ) cho công tác từ thiện. Không một nhà giàu Do Thái nào không có quỹ từ thiện của mình. Từ đây có thể hiểu được tại sao cộng đồng Do Thái lại cùng giàu có như thế.

Tại sao người Do Thái thông minh?

Cuốn START-UP NATION, của Alphabook đăng một số bài viết liên quan tới những câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel. Đính kèm là một bài viết “quảng cáo”.
” Người Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới, họ dường như được sinh ra là để làm chủ thế giới này”. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao họ lại thông minh như vậy? Tại sao họ lại được sinh ra với quá nhiều ưu việt như thế? Có phải tất cả đều là tự nhiên? Liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra những thế hệ ưu việt như thế không?
Tất cả câu hỏi trên đều có thể giải đáp được, ngoại trừ câu hỏi cuối cùng vì nó sẽ được trả lời bởi chính các bạn, những con người của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây được lược dịch từ luận án của một tiến sĩ nước ngoài với tiêu đề gốc là “Why Jews Are Intelligent” (tạm dịch là “Vì sao người Do Thái thông minh”).
Trước hết xin được cung cấp một số thông tin tìm hiểu được về IQ (Intelligence Quotient) của người Do Thái. Hiện nay các nhà nghiên cứu về giáo dục và tâm lý tin rằng IQ trung bình của người Do Thái vào khoảng từ 110. Để so sánh thì IQ trung bình của thế giới là 100 và IQ trung bình của người Việt Nam là 94. Cách biệt sẽ không rõ ràng nếu chỉ nhìn vào những con số này. Mọi thứ sẽ trở nên thực sự khác biệt nếu như ta so sánh đến tỉ lệ (“thiên tài” IQ>=140 – cũng là mức yêu cầu trong số dân).
Với IQ TB của dân số là 94 thì tỉ lệ “thiên tài” sẽ là 1/924 hay 0,1%, tỉ lệ này sẽ là 1/261 hay 0,4% nếu IQ TB là 100. Sự khác biệt sẽ cực lớn vì với mức IQ TB là 110 như người Do Thái thì tỉ lệ những người có IQ đạt mức thiên tài này sẽ lên tới 2,3% (nghĩa là cứ 100 người sẽ có hơn 2 thiên tài).
Bài này tôi lược dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn, nhân dịp nghe chuyện người Do Thái và vì thầy hướng dẫn hiện tại của tôi là một Giáo sư người Do Do Thái. Để mở đầu, xin được trích dẫn rằng, dân số Do Thái ở Anh có tên tuổi khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Do Thái trên thế giới hiện nay vào khoảng xấp xỉ 13 triệu người (tức là khoảng 0.21% dân số thế giới – số liệu năm 2000), tức là cứ 470 người thì có 1 người Do Thái. Vậy nhưng, vào khoảng giữa thế kỷ 19, 1/4 các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái, và tính đến năm 1978, hơn một nửa giải Nobel rơi vào tay người Do Thái. Như vậy có đến 50% đóng góp cho sự tiến bộ của loài người chỉ do 0.21% dân số đảm nhiệm.
Những tên tuổi lớn của thế kỷ 20 có thể kể đến như bộ óc thế kỷ Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch, .v.v. đều là người Do Thái. Dù không phải là chủng tộc lớn, vậy nhưng không một nhóm chủng tộc nào có thể sánh được với người Do Thái về khả năng và thành tích vượt trội. Kết hợp với những tính cách di truyền của người Do Thái như tham vọng, ham hiểu biết, tích cực, trí tưởng tượng phong phú, bền bỉ, sự thông minh của người Do Thái thực sự đã là đòn bẩy khiến người Do Thái đứng đầu trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống.
Những tên tuổi Do Thái hiện nay có thể kế đến là nhà tài phiệt George Soros (người có thể làm khuynh đảo thị trường tài chính thế giới, được xem là người đứng sau sự sụp đổ hệ thống chính trị ở Đông Âu và khủng hoảng tài chính Châu Á 1997); các cựu và chủ tịch Ngân hàng thế giới World bank đương nhiệm đều là người Do Thái ví dụ như James Wolfensohn, Paul Wolfowitz, Robert Zoellick. Diễn viên điện ảnh thông minh và có học thức thuộc hàng top Hollywood hiện nay là Natalie Portman cũng là người Do Thái, vừa theo học đại học Havard và tham gia bộ phim siêu phẩm Chiến tranh giữa các vì sao”.
Trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như kỹ thuật, âm nhạc, khoa học và kinh doanh, 70% các hoạt động kinh doanh thế giới hiện nay đều do người Do Thái nắm giữ. Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật như mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, vũ khí, khách sạn, công nghiệp phim ảnh (kể cả Hollywood và các trung tâm điện ảnh khác).
Trong năm thứ 2 đại học, vào tháng 12 năm 1980, tôi định đến California và tôi nảy ra ý tường, tôi tự hỏi sao trời lại cho họ những khả năng siêu phàm như vậy, liệu có điều gì trùng hợp chăng, loài người có thể tạo ra những người giống họ như việc sản xuất hàng hóa từ nhà máy không? Luận văn của tôi mất 8 năm để tập hợp thông tin từ tất cả các nguồn tin chính xác như đồ ăn, văn hóa, tôn giáo, sự chuẩn bị khi mang thai, .v.v. và tôi đem so sánh với những chủng tộc khác.
Người Do Thái ở Mỹ
Hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị cho thai kỳ. Ở Israel , điều đầu tiên tôi nhận thấy đó là người mẹ khi mang thai sẽ thường xuyên hát, chơi đàn, và luôn cố gắng giải toán cũng chồng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người mẹ luôn mang theo sách toán và đôi khi tôi giúp cô giải bài. Tôi hỏi cô, ‘việc này có phải là giúp cho thai nhi?’. Và cô trả lời, ‘Đúng vậy, tôi làm thế là để đào tạo đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ như vậynó sẽ trở nên thông thái về sau.’ Và cô tiếp tục làm toán cho đến khi đứa trẻ được sinh ra.
Một điều khác tôi nhận thấy là đồ ăn. Người mẹ rất thích ăn hạnh nhân (almonds), chà là (dates) cùng sữa tươi. Bữa trưa cô ăn bánh mỳ và cá (không ăn đầu), salad trộn với hạnh nhân và những loại hạt khác vì họ tin rằng thịt cá tốt cho sự phát triển trí não nhưng đầu cá thì không. Thêm vào đó, theo văn hóa của người Do Thái, người mẹ khi mang thai sẽ cần phải uống dầu gan cá. Khi tôi được mời đến dùng bữa tối, tôi thấy rằng họ luôn dùng cá (phần thịt ở mình cá), họ không ăn thịt vì họ tin rằng thịt và cá khi ăn chung sẽ không tốt cho cơ thể.
Salad và các loại hạt là điều bắt buộc, đặc biệt là hạnh nhân. Họ luôn ăn hoa quả tươi trước bữa chính. Lý do là vì họ tin rằng việc ăn bữa chính trước rồi hoa quả sẽ khiến chúng ta buồn ngủ và khó tiếp thu bài ở trường.
——
Nguồn: ST , GNAL .


10/2/14

Ngày trở lại của Shakira và Mika


Ngày trở lại của Shakira và Mika

Shakira và Rihanna: Bài song ca là trích đoạn đầu của album thứ 8 (DR)
Shakira và Rihanna: Bài song ca là trích đoạn đầu của album thứ 8 (DR)
Tuấn Thảo
Năm 2014 đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của Shakira sau ba năm vắng bóng. Mika thì vừa trình làng bộ tuyển tập đầu tiên gồm các ca khúc chọn lọc trích từ ba album của anh. Sau Thế hệ Goldman, giới nghệ sĩ trẻ tuổi ở Pháp đang lên kế hoạch ghi âm tập nhạc để vinh danh ca sĩ Renaud.
Ban nhạc Pháp Daft Punk vừa từ Los Angeles về đến Paris với 5 giải Grammy trên tay, trở lại phòng thu để hoà âm lại album ăn khách của họ. Bài hát Get Lucky của nhóm này là một trong những ca khúc ăn khách nhất và cũng là bài được phát sóng nhiều lần nhất, tính theo bản quyền, trong năm 2013. Trong khi đó thì hôm qua nhân lế khai mạc Thế vận hội mùa đông Sotchi, bài hát Get Lucky của ban nhạc Pháp Daft Punk đã được trình bày lại bởi The Red Army Choir tức là ban Hợp ca Hồng quân (Liên Xô cũ).

Nhưng thông tin nổi bật nhất trong tuần vẫn liên quan đến ca sĩ người Anh Adele. Kế hoạch ghi âm album thứ ba và cũng là tập nhạc được chờ đợi nhiều nhất, ngày càng rõ nét. Sau nhạc sĩ William Orbit, đến phiên nam danh ca Phil Collins tung lên mạng thông tin cho biết là anh đang làm việc với Adele, theo lời mời của cô. Giọng ca Phil Collins từng ăn khách vào những năm 1980, 1990 thời anh hát solo hay hát chung với nhóm Genesis, sau này giải nghệ về mở lớp dạy thanh nhạc. Theo dự kiến, anh sẽ viết cho Adele một số ca khúc, mà anh hy vọng là ít nhất sẽ có hai bài được phát hành trên album mới của diva người Anh.
Do năm 2014 được dự báo là năm của Adele, cho nên hầu hết các diva nhạc pop để tránh ‘‘đụng hàng’’, đều dự trù cho ra mắt album mới, sớm hơn họăc là muộn hơn. Đó là trường hợp của Shakira, ca sĩ người Colombia. Vào trung tuần tháng Ba năm 2014, cô sẽ trình làng album thứ tám của mình. Album này đánh dấu ngày Shakira trở lại trong làng nhạc sau ba năm vắng bóng, thời gian cô lập gia đình với Gérard Piqué, cầu thủ của đội bóng FC Barcelona và sinh đứa con đầu lòng. Đó là giai đọan cô ghi âm ca khúc tiếng Pháp Je l’aime à mourir (của tác giả Francis Cabrel) để nói về mối tình này.

Ca khúc đầu tiên trích từ album mới của Shakira là nhạc phẩm Can't Remember to Forget You. Việc triệu mời một nghệ sĩ tên tuổi góp giọng ca để hỗ trợ cho việc bán đĩa, hay để đánh bóng thương hiệu không có gì mới, như trường hợp gần đây của Miley Cyrus với Madonna. Về phần Shakira, sau khi song ca với Beyonce, lần này cô hát chung với Rihanna. Ngay trong tuần, cuộn video clip minh họa cho ca khúc Can't Remember to Forget You vừa được tung lên mạng.
Đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Quốc Joseph Kahn là người thực hiện video ca nhạc này. Năm nay 32 tuổi, anh xuất thân từ ngành làm phim quảng cáo, rồi chuyển sang video clip. Joseph Kahn từng đọat giải Grammy nhờ quay video cho bài hát Without Me của Eminem (2002) và giải MTV Video Music Awards nhờ minh họa ca khúc Toxic của Britney Spears (2004). Đọan video do anh thực hiện với hai diva nhạc pop cực kỳ gợi tình nóng bỏng giúp cho bản song ca (featuring) của Shakira và Rihanna trở thành ca khúc được cư dân mạng bình luận nhiều nhất trong tháng.

Trong tuần này, nam ca sĩ Mika cho ra mắt bộ tuyển tập đầu tiên gồm các ca khúc chọn lọc trích từ ba album trước đây của anh. Năm nay 30 tuổi, Mika nổi danh trong làng nhạc quốc tế từ gần một thập niên nay chủ yếu nhờ chất giọng thánh thót cao vút, có thể hát nhạc của nhóm Bee Gees mà không cần chỉnh sửa trong phòng ghi âm. Mika sinh trưởng tại Beyrouth trong một gia đình có hai dòng máu, bố là người Anh, mẹ người Liban.
Thuở nhỏ, anh mắc tật khó đọc bẩm sinh (dyslexia), khi đưa đi khám bác sĩ chuyên về các chứng rối lọan âm ngữ, thì lúc đó gia đình anh mới phát hiện cái chất giọng thiên phú của Mika, khỏe khoắn âm vực cao vút làn hơi, quãng giọng của anh trải khắp nhiều cung bậc, chạy dài đến bốn khoảng âm.
Mika bắt đầu sáng tác từ thời còn nhỏ và ghi âm album đầu tay vào năm 2006, năm anh 23 tuổi. Album đầu tiên này giúp cho Mika đọat 3 giải World Music Awards và một giải Brit Award dành cho tài năng đầy hứa hẹn. Từ đó đến nay, Mika đã cho ra mắt ba album, tuy không ăn khách bằng tập nhạc đầu nhưng cho thấy là Mika sáng tác thử nghiệm theo nhiều thể lọai khác khi thì pop điện tử lúc thì rock giao hưởng.
Hiện giờ, Mika làm giám khảo cho chương trình thi hát truyền hình The Voice, phiên bản tiếng Pháp. Trong số 4 thành viên ban giám khảo anh là người có trình độ cao nhất cả về kỹ thụât thanh nhạc lẫn kiến thức nhạc lý. Bản nhạc quen thuộc và ăn khách nhất của Mika là nhạc phẩm Relax, Take It Easy. Bài hát này giúp cho Mika phá kỷ lục số bán vào năm 2007 với hơn 19 triệu bản trên toàn thế giới.

Trên thị trường nhạc Pháp, các nghệ sĩ tiếp tục khai thác các bản cover. Trên 10 album ăn khách nhất có đến 4 thuộc vào thể lọai này. Forever Gentlemen tiếp tục làm sống lại những ca khúc của Frank Sinatra và nhóm Rat Pack, vì sau The Good Life, họ trình làng bài hát Fly Me to the Moon. Hélène Ségara thành công trở lại nhừo album song ca ảo với Joe Dassin, Vincent Niclo gặt hái đĩa vàng nhờ hát lại nhạc của Luis Mariano. Giới nghệ sĩ trẻ tuổi sau khi thành công với hai tập nhạc Thế hệ Goldman I & II, nay trở lại phòng thu để ghi âm các ca khúc của nam ca sĩ kiêm tác giả Renaud.
Theo dự kiến, album này sẽ tập hợp các giọng ca trẻ nổi tiếng hiện nay. Ca sĩ Renaud đã nhận lời với một điều kiện : anh là người chọn các bài hát cũng như danh sách các nghệ sĩ ghi âm album này. Trong số các nghệ sĩ được mời, có Cœur de Pirate, Élodie Frégé, Nolwenn Leroy, Raphaël, Bénabar, Gaëtan Roussel, Renan Luce cũng như Thomas Dutronc, con trai của cặp vợ chồng nghệ sĩ Françoise Hardy và Jacques Dutronc.
Tuy chưa có tựa đề chính thức, nhưng album này được dự trù phát hành vào mùa hè năm nay. Lần cuối, Renaud ghi âm một album nguyên tác là cách đây hơn tám năm (tập nhạc Rouge Sang - 2005). Sau hơn hai thập niên thành công, sự nghiệp của Renaud bắt đầu xuống dốc, vầng hào quang của anh bị lu mờ do sức khỏe sa sút và nhiều rắc rối trong gia đình.
Nhiều tin đồn cho rằng anh đang lâm bệnh nặng. Mãi đến tháng Năm năm 2012, Renaud buộc phải chính thức lên tiếng. Qua một bức thư ngỏ, anh giải thích rằng chứng nghiện rượu buộc anh phải xa lánh ánh đèn sân khấu và anh hy vọng là tình cảm quý mến của người hâm mộ sẽ giúp anh sớm bình phục để tìm lại ngẫu hứng sáng tác.
Tập nhạc với các ca khúc của Renaud, tựa như một lời cảm tạ mà anh gửi đến các fan trung thành nhất. Một cách để nhắc nhở là bên cạnh hình ảnh của người nghệ sĩ dấn thân, Renaud còn là một người đàn ông với tâm hồn mong manh, dễ vỡ. Từ những vết rạn nứt thầm kín ấy, ngòi bút sáng tác của Renaud đã viết ra những bài như Morgane de Toi hay là Mistral Gagnant, được xem như là một trong những tình khúc đẹp nhất viết về tuổi thơ bị đánh mất, ước mơ đã chìm khuất.

Source :  TẠP CHÍ VĂN HÓA -RFI