14/2/14

Cuộc chiến 1979 và báo chí 35 năm trước


Cuộc chiến 1979 và báo chí 35 năm trước


Cập nhật: 08:37 GMT - thứ sáu, 14 tháng 2, 2014

Tranh cổ động chống TQ được treo trên khắp các con đường tại VN năm 1979.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, ông Nguyễn Công Khế, Cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên kể lại với BBC cách truyền thông Việt Nam của 35 năm trước đưa tin về cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt này.

Nhà báo Nguyễn Công Khế:
 Lúc đó tôi làm phóng viên của báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi nhớ lúc đó ông Hoàng Tùng là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách về tư tưởng, đã viết một bài xã luận rất mạnh trên báo Nhân Dân, nếu tôi nhớ không nhầm thì có tựa là "Đánh sập thói hung hăng của quân Trung Quốc xâm lược."BBC: Khi cuộc chiến nổ ra năm 1979 thì ông đang công tác ở đâu, và báo chí lúc đó đưa tin về cuộc chiến như thế nào, thưa ông?
Hồi Trung Quốc đánh Việt Nam thì phải nói là cả nước rất đồng lòng.
Tôi nhớ khi đó Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và các đài khác đều phát bài của Phan Nhân mà bây giờ hát lại vẫn rất hay, có đoạn là "Bọn bành trướng Trung Quốc hãy cút ra khỏi Việt Nam ngay".
Tôi nghĩ rằng chuyện Trung Quốc đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc và tàn sát người Việt Nam thì toàn dân đều ghi nhớ. Và đó là một cuộc chiến đấu rất anh dũng của người Việt Nam trước thế lực bành trướng phương Bắc.
BBC: Ngoài những bài xã luận thì những bài tường thuật về tình hình chiến trường có được đăng tải thường xuyên không, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Lúc đó đăng tải thường xuyên chứ.
Khi đó ông Võ Văn Kiệt đã nhân danh là Bí thư thành ủy để đứng trước rất nhiều cuộc mít tinh trước Nhà hát lớn thành phố và lên án Trung Quốc rất mạnh mẽ.
Từ Bộ Chính trị của Việt Nam đến Trung ương và toàn dân rất quyết tâm để bảo vệ biên giới phía Bắc.
Các tầng lớp nhân dân, từ lao động, xe ôm đến các tầng lớp trí thức đều biểu hiện quyết tâm rất cao.
BBC: Ông có thể thuật lại quan sát của ông về sự thay đổi trong cách đưa tin cũng như chủ trương về cách đưa tin xung quanh sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979 trước và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ thế này. Các nước đều phải cẩn trọng trong việc xử sự với nhau để bảo vệ đối sách ngoại giao của mình.
Thế nhưng anh kỷ niệm chiến tranh với người Mỹ thì rất lớn, mà máu của người Việt Nam đổ ra trong các cuộc chiến tranh, thì máu nào cũng là máu, đâu phải nước lã.
Tôi đã từng trao đổi với những vị lãnh đạo lớn ở Việt Nam. Tôi nói vì sao chiến thắng Điện Biên Phủ chúng ta làm rất lớn, rồi chiến tranh với người Mỹ cũng kỷ niệm rất lớn, trong khi cuộc chiến tranh năm 1979 để bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến ghê gớm như thế, cuộc chiến mà chúng ta bị tàn sát, hy sinh nhiều như thế, lại không kỷ niệm.
Người lãnh đạo đó mới nói với tôi rằng cái đó cũng phải kỷ niệm chứ, đó cũng là một cuộc chiến của người Việt Nam chống ngoại xâm, chúng ta kỷ niệm chiến thắng quân Nguyên-Mông, chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ, đó là vấn đề bình thường, không có gì phải bàn tán.
Đối sách ngoại giao của Việt Nam đối với một nước khác, với Mỹ, Thái Lan hay Campuchia cũng vậy. Ngoại giao là của nhà nước, còn báo chí là kênh riêng.
Những việc vì lợi ích quốc gia như việc kỷ niệm chiến tranh biên giới năm 1979 là việc rất đáng làm, không có gì phải ngần ngại cả. Tôi nghĩ nếu anh cấm thì rất vô lý, lúc đó thì giới trẻ và nhân dân nghĩ về anh thế nào?
Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên
'Trong các cuộc chiến tranh, thì máu nào cũng là máu, đâu phải nước lã' - Nguyễn Công Khế
BBC: Thế nhưng những loạt bài về chiến tranh biên giới năm 1979 trên PetroTimes hoặc báo Một Thế giới đều bị gỡ, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Có hai trường hợp, có thể người ta ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc nên người ta bảo rút. Nhưng tôi nghĩ khả năng đó thấp thôi.
Các tổng biên tập báo trong nước người ta cũng tự kiểm duyệt, khi người ta đăng lên rồi người ta cũng vì sợ hay ngại cái gì đó mà tự rút thì cũng có.
Chính ông Nguyễn Thế Kỷ là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương mà đã nói là không có lệnh cấm đó, thì tôi cũng tin một phần nào đó là không có chuyện đó.
BBC: Nếu Việt Nam có tự do báo chí thì phải chăng là lãnh đạo Việt Nam sẽ đỡ phải khó xử mỗi lần kỷ niệm các cuộc chiến, bởi những gì xuất hiện trên mặt báo không thể hiện quan điểm ngoại giao của nhà nước?
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Nếu giả sử tôi là người lãnh đạo hoặc tôi có quyền gì đó, thì việc báo chí, báo chí cứ làm, việc Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao làm.
Trung Quốc một mặt thì nói là hữu hảo, 16 chữ vàng, nhưng một số báo của Trung Quốc như Hoàn cầu Thời báo cũng nói về Việt Nam rất không đúng và tệ hại.
Khi chúng ta hỏi họ thì họ nói là trung ương không chủ trương mà là các báo tự làm. Trung Quốc luôn luôn đối xử như vậy đấy.

Source : BBC

13/2/14

Đất nước tôi, năm hai ngàn không trăm mười bốn


Đất nước tôi, năm hai ngàn không trăm mười bốn

Vũ Thị Phương Anh

Hôm nay là ngày Valentine, ngày Lễ Tình Nhân, một truyền thống du nhập từ phương Tây mà giờ đã trở nên vô cùng phổ biến. Thì, thời đại toàn cầu hóa và thế giới phẳng mà lại.

Nhưng những ngày này cũng gợi nhớ đến một sự kiện lịch sử đau buồn mà tiếc thay giờ đây thế hệ con cái của tôi không mấy ai biết. Năm ấy, cách đây 35 năm, khi tôi chỉ vừa 19, chiến tranh chỉ vừa chấm dứt được vài năm, thì "tiếng súng đã vang lên trên bầu trời biên giới".


"Chưa yên vui cho trọn ngày
Áo lính lại khoác vào ngay

Chưa xây xong bao lầu đài
Súng thép đã ấm bàn tay
Tiếng kêu núi sông giục bước ngay  ..."

Đó là những lời hát mà thế hệ của tôi ai cũng thuộc. Lệnh tổng động viên. Bạn bè tôi, nhiều người đã đậu đại học nhưng cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhận lệnh nhập ngũ để có người không về. Có người về nhưng không lành lặn. Có người may mắn trở về nguyên vẹn, được trở lại trường và trở thành sinh viên của tôi, với tư cách một cựu chiến binh. Những ký ức mà thế hệ của tôi không ai quên được.

Gần đến ngày 17/2, bạn bè tôi đã đưa lên facebook nhiều thông tin về cuộc chiến đã qua 35 năm nay giữa VN và Trung Quốc, giờ đã lại trở thành bạn vàng, anh em, đồng chí. Tôi bất ngờ khi thấy những bài viết rất xúc động về cuộc chiến vừa được đưa lên vài giờ thì đã bị vội vàng lột xuống. Càng bất ngờ hơn khi biết ngôi trường mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm, liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược năm 1979, mấy năm nay đã bị đổi lại để trở thành tên cũ, trường Bình Ngọc (hình như thế?). Tại sao người ta lại làm như vậy, quả tình tôi không thể nào  hiểu được. Mặc dù tôi biết, chính quyền có những điều  khó nói. Nhưng lẽ nào bạn vàng của chúng ta lại can thiệp vào những việc chi tiết đến như thế ư?

Lẩn thẩn, tôi làm thơ. Một bài thơ buồn, làm vào ngày Lễ Tình Nhân, một ngày lẽ ra phải vui. Bài thơ cho ngày mười bảy tháng hai, ngày mở đầu cuộc chiến khốc liệt mà dù ai có cố tình quên đi thì vẫn cứ nóng bỏng trong ký ức mọi người.
---------------
Đất nước tôi, năm hai ngàn không trăm mười bốn



Đất nước lạ lùng
Đất nước của những vị anh hùng
Không tiếc thân mình, anh dũng chống ngoại xâm
Để được chính quyền chối bỏ

Đất nước có màu hoa gạo đỏ
Đỏ lạ lùng, như máu rỏ từ tim
Đất nước của bạt ngàn hoa sim
Phủ tím trời phía bắc
Nơi kẻ xâm lăng không còn là giặc
Mà đã hóa bạn vàng
Đất nước hiên ngang
Hai phen bon ngựa đá
Non sông vững vàng muôn thuở
Giờ đến nỗi này ư?

Đất nước của Hòn Vọng Phu
Của những Triệu, Trưng, của Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi
Của Hoàng Thị Hồng Chiêm, của Lê Đình Chinh
Những cái tên giờ có người không muốn nghe nhắc lại
Đất nước ấy ở đâu?

Đất nước của những nỗi đau
Chưa kịp thốt ra đã bị ai bịt miệng
Để chỉ còn những lời uất nghẹn
Đất nước có đỉnh Pò Hèn
Giờ hỏi ra, không ai còn biết
Đất nước bị đô hộ ngàn năm mà kẻ thù không thể diệt
Đất nước ấy đâu rồi?

Đất nước của tôi
Giờ nhìn quanh, sao thấy toàn Ích Tắc?


35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc


Hehe ! Ít nhất cũng còn có được.... một bài về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 trên "báo lề phải" !!!  Hảo! Hảo !  .THD.

35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc

Theo VNEXPRESS

Quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam đồng thời giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước này xuất hiện nhiều xung đột căng thẳng. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ba năm sau đó, Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã xem đó như mối đe dọa. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường. Đứng sau viện trợ cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự là Trung Quốc. Tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa cũng nổi lên rõ hơn khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo.
TQ2-8774-1392045894-7179-1392174334.jpg
Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Ảnh tư liệu.
Ngày 3/11/1978, Việt - Xô ký hiệp ước hữu nghị 25 năm - chính thức xác nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô. Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố  "phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Cuộc chiến 30 ngày
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân (xem chi tiết).
Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.
Ngày 20/2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước, phía sau của địch, buộc quân xâm lược phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận.
Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27/2, Trung Quốc tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn dùng chiến thuật biển người hòng xâm chiếm các mục tiêu quan trọng. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây Sơn kiên cường đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.
TQ3-7880-1392045894-3800-1392174334.jpg
Hàng vạn thanh niên Việt Nam mới 18, đôi mươi đã nằm lại nơi biên giới phía Bắc trong cuộc chiến bất ngờ chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Ảnh tư liệu.
Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.
Cả hai cánh quân đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Cánh quân tây bắc dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn tại Hòa An. Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy Thuận, bị chặn đứng trên đường số 4. Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm 2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang địa phương phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.
3 ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính. Ngày 12/3, quân Trung Quốc tháo chạy.
Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, mờ sáng 17/2, các sư đoàn tuyến 1 của hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới Hoàng Liên Sơn từ phía tây bắc đến đông bắc thị xã Lào Cai. Cùng với việc đánh nhiều mũi vào các huyện Bát Xát, Mường Khương, bắn pháo dữ dội vào thị xã, quân Trung Quốc đồng thời bắc cầu qua sông Nậm Thi, cho xe tăng và bộ binh tiến vào thị xã Lao Cai và khu vực Bản Phiệt. Dân quân, tự vệ thị xã cùng các lực lượng vũ trang ở đây đánh trả quyết liệt. Sau 7 ngày, hai quân đoàn Trung Quốc không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích của quân và dân Hoàng Liên Sơn.
Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) và đụng độ với lực lượng vũ trang địa phương. Qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ.
Ở Hà Tuyên, một sư đoàn Trung Quốc tấn công vào các đồn chốt biên phòng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của công an vũ trang, dân quân, bộ đội các huyện Đồng Văn, Thanh Thủy, Mèo Vạc và đồng bào các dân tộc. Hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tại Quảng Ninh, Trung Quốc dùng hai sư đoàn bộ binh tiến công vào Pò Hèn, Móng Cái, Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu. Trong hai ngày 19 và 20/2, hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui, tháo chạy sát về biên giới.
Trung Quốc rút quân
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.
Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.
Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc. 
Theo số liệu công bố, trong hành động quân sự mưu toan phá hoại, 62.500 lính Trung Quốc (hơn 1/10 tổng số được huy động) bị thiệt mạng, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt, thiệt hại; 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy…Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học quân sự đắt giá của chính mình.
Tuy nhiên, cuộc xâm chiếm của Trung Quốc cũng gây ra những tổn thất nặng nề cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, hàng chục nghìn người thiệt mạng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Hiện vẫn chưa có số liệu thống nhất về số thương vong từ phía Việt Nam (thông tin này Tòa soạn bổ sung sau khi có thắc mắc của độc giả về số liệu những người dân, chiến sĩ Việt Nam bị thiệt mạng); 400.000 gia súc bị giết và bị cướp; hàng chục nghìn ha hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.
Từ 18/3/1979 đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Suốt gần 10 năm đó, chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề. 
Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Cuộc chiến biên giới phía bắc, vì nhiều lý do, trong suốt một thời gian dài đã ít được công bố.
Hoàng Thùy - Nguyễn Hưng


LỜI KÊU GỌI NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM ĐÁNH TAN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC.....


LỜI KÊU GỌI NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM ĐÁNH TAN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC NƯỚC TA 17.2.1979



Ngày này cách đây 35 năm, hơn 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, tàn sát dân ta cực kỳ dã man theo cách bao đời ông cha chúng từng làm. Chúng đốt sạch, giết sạch. Các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng. Tội ác của chúng quả là "trúc rừng không ghi hết tội, nước biển không rửa sạch mùi" như Nguyễn Trãi đã phẫn nộ lên án quân xâm lược nhà Minh phương Bắc cách đây hơn năm thế kỷ.

Bọn xâm lược không lường được rằng, tuy bị bất ngờ, nhưng với truyền thống quật cường, quả cảm, quân dân ta trên 6 tỉnh biên giới đã giáng trả bọn cướp nước những đòn trí mạng.
Bằng một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950, điều động 9 quân đoàn chủ lực và 3 sư đoàn độc lập với hàng trăm xe tăng, hàng nghìn pháo, súng cối, dàn hỏa tiễn cùng với sự yểm trợ của hạm đội Nam Hải và không quân sẵn sàng ứng phó, chúng đã thảm bại! Ngày 18 tháng ba năm 1979 Đặng Tiểu Bình phải tuyên bố rút quân. Tuy vậy, chúng vẫn chốt lại tại một số điểm trên biên giới, tiếp tục các cuộc bắn phá tranh giành biên giới. Xung đột kéo dài, ác liệt nhất trong các năm 1984-1985, điển hình là các cuộc chiến xảy ra tại Núi Đất thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, cho đến gần hết năm 1988 mới chấm dứt. Không phải chúng ta, mà là một nhà văn Trung Quốc đã viết: "Đem quân gây chiến, đánh phá nước láng giềng mà không có tuyên bố là một điều sỉ nhục, hèn hạ".

Nhưng, cũng sẽ là hèn hạ không kém nếu không dám công khai và quyết liệt vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù, càng phi đạo lý hơn nữa khi thỏa hiệp với luận điệu xảo trá về cái gọi là "giữ gìn đại cục", chui đầu vào thòng lọng của mười sáu chữ lừa bịp để tự trói tay, trói chân mình, quay lại đàn áp nhân dân mình biểu tỏ lòng yêu nước, lên án giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Trong khi nhà cầm quyền nín nhịn không cho phép công bố sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu và dã man này thì bộ máy truyền thông Trung Quốc, từ thông tấn báo chí đến văn học nghệ thuật suốt 35 năm nay đã ra rả gieo vào đầu thế hệ trẻ nước họ và dân chúng họ "về cuộc đánh trả tự vệ". Nhiều nguồn tin cho rằng có tới trên 90% người dân Trung Quốc vẫn hiểu rằng năm 1979 bộ đội Việt Nam đã vượt biên giới sang tấn công, bắt buộc quân đội họ phải tự vệ! Và, cũng do sự "nín nhịn" vì "đại cuộc" tệ hại này mà phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong hơn 1,4 triệu sinh viên nước ta hầu như không biết về cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu này!
Máu người đâu phải là nước lã! Máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã thấm đẫm biên cương phía bắc nước ta mười mấy năm trời. Ai sẽ phải gánh chịu trước lịch sử sự câm lặng về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc cách đây 35 năm? Ai? Ai? Chẳng lẽ không ai cả sao? Có cái thứ ngoại giao "khôn ngoan" cỡ gì khi quyết bịt miệng dân bày tỏ lòng yêu nước, chí căm thù quân cướp nước, để cố giữ hòa khí giữa hai nhà nước cùng chung ý‎ thức hệ? Hay là người ta đang cố gắng đi tìm "kế sách Câu Tiễn" thế kỷ XXI? Vậy thì hãy để ai đó là "Câu Tiễn thế kỷ XXI" chịu nhục, chứ chớ dại dột bắt cả dân tộc này phải chịu nhục cùng với những Lê Chiêu Thống mới. Lịch sử đã từng ghi nhận những tấn bi kịch của những nhà cầm quyền quay lưng lại với ‎ý chí và nguyện vọng của dân để dựa dẫm vào ngoại bang nhằm giữ cái ngai vàng mục ruỗng, ngày nay là cái ghế quyền lực, đặt nó lên trên tổ quốc, phản bội lại truyền thống dân tộc.
Ấy vậy mà dân tộc thì mãi mãi trường tồn! Chỉ có những triều đại, những chính thể yếu hèn, và do yếu hèn nhưng lại cố bám víu lấy quyền lực để vun vén cho lợi ích của vương triều hoặc của phe nhóm nên đã lúng túng, bế tắc, xa rời con đường quang minh chính đại của dân tộc, thì sớm muộn cũng phải tự cáo chung.
Chính vì vậy, nhân 35 năm cuộc chiến tranh biên giới, chúng tôi, những người đang ưu tư về vận nước, những người đã từng ký‎ vào Tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược, Tuyên bố về thực thi Quyền dân sự và Chính trị, Tuyên bố về Hiến pháp sửa đổi 2013, Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp... công bố LỜI KÊU GỌI với nội dung như sau:
 1. Chính thức tổ chức lễ tưởng niệm cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17.2.1979.
Có nhiều hình thức tưởng niệm.
Trước hết, đề nghị Nhà nước tổ chức trên quy mô cả nước và các địa phương. Cũng có thể do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp từ trung ương tới địa phương tổ chức để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Từng cộng đồng dân cư, các nhóm hội đoàn và các cá nhân dưới các hình thức hoạt động xã hội dân sự tổ chức nhiều hình thức tưởng niệm phong phú và đa dạng tùy theo sáng kiến và hoàn cảnh riêng như: dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới, chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước, quê hương.
Vòng hoa tưởng niệm của cá nhân công dân yêu nước, của một nhóm người, một cộng đồng người tri ân người đã ngã xuống đặt tại nơi công cộng để đánh ‎thức lương tri của toàn xã hội nâng cao lòng yêu nước, quyết tâm chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa.
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình có thể tổ chức tưởng niệm tại nhà riêng của mình theo hoàn cảnh và sáng kiến như trước đây chúng ta đã làm: thắp một nén nhang trên bàn thờ với khẩu hiệu: Đời đời đời nhớ ơn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc 17.2.1979. Khẩu hiệu này có thể dán trước cổng nhà, trước cửa ra vào nhà, trước bàn làm việc, đeo trên mũ, trước ngực khi đi ra đường trong một tuần kể từ ngày 17.2.2014.
2. Phải trả lại vị trí xứng đáng cho những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược.
Cần có chủ trương công khai và cụ thể trong việc tổ chức biên soạn và đưa vào sách giáo khoa các cấp về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc gắn với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và cuộc chiến đấu chống xâm lược tại Hoàng Sa, Trường Sa (nhất là cuộc chiến đấu tại Gạc Ma) để thấy rõ thêm bộ mặt của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, nâng cao tinh thần cảnh giác và ‎ ý‎ thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên tất cả các mặt. Khẳng định rõ hành động bành trướng của giới cầm quyền Trung Quốc không những gây tội ác và hiểm họa cho đất nước ta và nhiều nước trong khu vực mà còn đi ngược và làm tổn hại tinh thần láng giềng hữu nghị của nhân dân Trung Quốc mà nhân dân ta luôn tôn trọng và cùng vun đắp vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Rà soát lại chính sách và chế độ đối với những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh mà lâu nay vì những thiếu sót và sai lầm đã bỏ quên nhiều đối tượng, gây nên những bất công xã hội và bất bình trong nhân dân.
3. Chính thức đưa ngày 17.2 hàng năm là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc như cách ông cha ta đã từng làm với Giỗ Trận Đống Đa kỷ niệm chiến thắng đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh thế kỷ XVIII.
CHIẾN SĨ VÀ ĐỒNG BÀO ĐÃ NGÃ XUỐNG TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC TRUNG QUỐC
SỐNG MÃI TRONG KHÍ THIÊNG SÔNG NÚI CỦA TỔ QUỐC, TRONG ANH LINH TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC,
TRONG TRÁI TIM CỦA MỖI NGƯỜI VIỆT NAM

 TP Hồ Chí Minh, ngày 12.2.2014


 ĐỒNG KÝ TÊN:

1.         Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), Đại biểu Quốc hội khóa 6, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM
2.         Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), TP HCM
3.         Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội
4.         Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM
5.         Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước TP HCM
6.         Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa Thông tin TP HCM
7.         Giang Thị Hồng (bà quả phụ Lê Hiếu Đằng), cán bộ hưu trí, TP HCM
8.         Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
9.         Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
10.     Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
11.     Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành Ủy TP HCM
12.     Tống Văn Công, nhà báo, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động, TP HCM
13.     Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
14.     Đào Công Tiến, PGS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, TP HCM
15.     Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM
16.     André Menras Hồ Cương Quyết, cựu tù chính trị chế độ cũ, Cộng hòaPháp
17.     Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM
18.     Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, TP HCM
19.     Nguyễn Đắc Diên, bác sĩ, cựu binh cuộc chiến 17/2, số hiệu quân nhân 79476979, TP HCM
20.     Nguyễn Trí Nghiệp, giám đốc công ty Nông Trang IslandVĩnh Long
21.     Nguyễn Văn An, cán bộ hưu trí, TP HCM
22.     Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
23.     Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
24.     GB. Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn
25.     Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
26.     JM. Lê Quốc Thăng, linh mục Giáo phận Sài Gòn
27.     Nguyễn Trung Dân, nhà báo, TP HCM
28.     Nguyễn Xuân Nghĩa, TS, giảng viên, TP HCM
29.     Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
30.     Bùi An, TP HCM
31.     Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, hưu trí, TP HCM
32.     Hà Dương Dực, cựu giáo sư trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và cựu giáo sư Vạn Hạnh Sài Gòn, MBA Mỹ 1970
33.     Trần Minh Quốc, tác giả bài thơ “Biển gọi”, TP HCM
34.     Trần Hữu Kham, thương binh mù, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
35.     Trần Hữu Khánh, hưu trí, TP HCM
36.     Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới – Saigontourist
37.     Huỳnh Thục Vy, Quảng Nam
38.     Hoàng Cao, người Việt tỵ nạn
39.     Đặng Nguyệt Ánh, TS, cán bộ hưu trí
40.     Phạm Văn Đỉnh, TSKH, nguyên Giảng viên Đại học Pau (UPPA), Cộng hòa Pháp
41.     Phạm Thu Hà, nội trợ, TP HCM
42.     Nguyễn Lương Thúy Kim, TP HCM
43.     Ngô Kim Hoa, nhà báo tự do, TP HCM
44.     Trần Thế Việt, nguyên Bí thư thành ủy Đà Lạt, Lâm Đồng
45.     Hồ Hiếu, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ TP Đà Lạt, nguyên Chánh văn phòng Quận ủy quận 1, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM
46.     Phan Văn Thuận, doanh nhân, TP HCM
47.     Nguyễn Mai Oanh, nghiên cứu viên nông nghiệp nông thôn, TP HCM
48.     Nguyễn Văn Lê, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM
49.     Lê Thanh Văn, nguyên Phó Ban Dân vận thành ủy TP HCM
50.     Trần Văn Nhiệm, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM
51.     Nguyễn Lê Thu An, nhà báo, TP HCM
52.     Nguyễn Lê Thu Mỹ, nguyên chiến sĩ biệt động Sài Gòn, TP HCM
53.     Trần Văn Mỹ, giảng viên Đại học Sài Gòn, đã nghỉ hưu, TP HCM
54.     Hoàng Thị Lệ, cán bộ hưu trí, TP HCM
55.     Lê Văn Tâm, TS Hóa, Ủy viên UBTƯMTTQVN, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Nhật
56.     Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
57.     Trần Khuê, nhà nghiên cứu văn hóa, TP HCM
58.     Hoàng Lại Giang, nhà văn, TP HCM
59.     Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
60.     Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyênthành viên Viện IDS, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội
61.     Nguyễn Quang Lập, nhà văn, TP HCM
62.     Trần Tố Nga, nhà giáo về hưu, Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp, hiện sống ở Paris
63.     Nguyễn Thị Ngọc Toản, Đại tá, GS, bác sĩ, cựu chiến binh, Hà Nội
64.     Nguyễn Thị Ngọc Trai, nhà văn, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội
65.     Phạm Xuân Phương, Đại tá, cựu chiến binh, nguyên phái viên của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội
66.     Lê Thăng Long, nhà nghiên cứu kinh tế - chính trị - xã hội, TP HCM
67.     Nguyễn Huệ Chi, giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
68.     Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
69.     Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Đại học Bách khoa, Đà Nẵng, Phó Tổng thư ký Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam
70.     Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội 
71.     Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả, TP HCM
72.     Trần Công Thạch, cán bộ hưu trí, TP HCM
73.     Phan Thị Hoàng Oanh, TS, TP HCM
74. Nhà báo Lưu Trọng Văn