21/3/14

Ukraine Tự Phế


Ukraine Tự Phế 

Nguyễn Xuân Nghĩa


Theo blog Nguyễn Xuân Nghĩa

              Quân tử động mồm, không động thủ, nên Ukraine bị điểm huyệt




Ảnh : Ba Tổng thống Clinton, Yeltsin và Kravchuk xiết tay hồ hởi đầu năm 1994 tại Moscow


Sau mấy tháng nhức đầu về chuyện Ukraine, người viết xin tìm một chút thư giãn trong tinh thần lãng mạn của Kim Dung.


Khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, có ba cường quốc đứng đầu thế giới về võ khí hạch tâm là, theo thứ tự, Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraine. Sau đó mới đến các nước khác. Ngày nay, trước đà bành trướng ngang ngược của Vladimir Putin, tại bán đảo Crimea rồi nơi khác trên lãnh thổ Ukraine, dân Ukraine có thể nghĩ đến... Kim Dung:

Họ đã lỡ dại tự phế bỏ võ công trong khi các nước danh môn chính phái của người quân tử đã thành những anh tư quẩn.

Đôi dòng lịch sử đã!

***

Từ 1946 đến 1991, vào thời Chiến tranh lạnh - một khái niệm dại dột nhuốm mùi gian trá của các nước dân chủ Tây phương, vì thời đó là chiến tranh nóng ở rất nhiều nơi khác – Liên Xô đã yểm võ khí nguyên tử (rồi hạch tâm, atomic rồi nuclear) trên khắp lãnh thổ, trong nhiều nước Cộng hoà Xô viết.

Khi Liên Xô tan rã nhiều nước của Liên bang này đã giành lại độc lập.

Trong số đó, Ukraine là nước Cộng hoà Xô viết lớn nhất và giàu nhất, chỉ đứng sau Liên bang Nga, với kho ám khí đáng nể là 1.800 đầu đạn hạch tâm, kể cả võ khí chiến thuật có tầm ngắn, oanh tạc cơ và phi đạn thiềm du (cruise missiles). Nhờ tư thế đó, Ukraine có sức gián chỉ, can ngăn - deterrence - bất cứ cường quốc nào muốn nhảy vào làm thịt. Thí dụ như đòi lại bán đảo Crimea mà Stalin giật mất của dân Thát Đát Tatars.

Nhưng Chiến tranh lạnh đã nguội và nếu kho ám khí lớn lao đó của Ukraine mà rơi vào tay bọn hung đồ thì thiên hạ sẽ mất ngủ.

Vì thế, vui hưởng "cổ tức hoà bình" khi nguy cơ chinh chiến đã tàn, Chính quyền Hoa Kỳ thời Bill Clinton vẫn ưu lo về kho đạn Ukraine. Ưu tiên của nước Mỹ khi ấy là phải giải giới Ukraine. Bằng cách hợp tác với Liên bang Nga và mời Ukraine một bánh vẽ là Hiệp ước Không-Phổ biến Võ khí Hạch tâm (Treaty of Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết tắt là NPT, Non-Proliferation Treaty). Kết quả là một Giác thư (Memorandum), chứ không là một hiệp định. Đấy là một văn kiện gọi là Budapest Memorandum on Security Assurance. Ngày nay và mấy tuần qua cứ được gọi tắt là "Budapest Memorandum".

Chỉ vì, Tháng 12 năm 1994, ba cường quốc hạch tâm là Hoa Kỳ, Nga và Anh quốc cùng ký giác thư tại thủ đô Budapest của xứ Hung Gia Lợi, với thỏa thuận là ba nước cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine (cùng Belarus và Kazakhstan). Đổi lại thì Ukraine giao nộp kho võ khí hạch tâm của mình cho Liên bang Nga.

Không, viết như thế vẫn là thiếu xót theo kiểu nhà báo nông cạn của Mỹ – hai chữ này thường là đồng nghĩa. Những cam kết đó còn sâu rộng hơn vậy, xin đọc từng chữ mà nghĩ đến ngày nay:

1) Ba nước cùng tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine trong ranh giới lãnh thổ hiện hành; 2) Không hăm dọa hay sử dụng võ lực với Ukraine; 3) Không gây áp lực kinh tế để chi phối chính trị Ukraine; 4) Yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động nếu võ khí hạch tâm được sử dụng chống Ukraine; 5) Không sử dụng võ khí hạch tâm chống Ukraine; 6) Cùng tham khảo ý kiến với nhau nếu có vấn đề về những cam kết nói trên.

Dù chỉ học năm thứ nhất về bang giao quốc tế thì các sinh viên cũng hiểu là trong ba nước Nga, Mỹ, Anh, chỉ Liên bang Nga mới là cường quốc có thể vi phạm những cam kết hoặc gây khó cho Ukraine. Mà giác thư này chỉ là cam kết chính trị, không là một hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Xin ghi thêm rằng cùng Anh, Mỹ, Nga, có Pháp và Trung Quốc cũng ký một văn kiện đính kèm, với những cam kết còn mơ hồ và yếu ớt hơn thế.

Khi ấy, Chính quyền Ukraine có do dự và muốn một thời hạn tự giải giới lâu hơn. Nhưng, Chính quyền Clinton đòi là càng sớm càng hay, kỳ hạn cuối là năm 1996. Bố khỉ, năm đó, nước Mỹ có bầu cử Tổng thống.

Khúc khải hoàn của Hoa Kỳ khi ấy là thế giới có thêm một quốc gia tham dự Hiệp ước NPT! Yếu tố then chốt là vì Hoa Kỳ đã có lời cam kết bảo vệ an ninh, sự vẹn toàn lãnh thổ và vân vân cho Ukraine. Đấy là thành tích 20 năm trước của chàng Xuân Tóc Đỏ Bill Clinton, người hay liếm mép và hút mà không hít.

Ngày nay, đến Cậu Bé Quàng Khăn Đỏ Barack Obama, cũng với giấc mơ giải trừ võ khí hạch tâm cho một thế giới thái hòa.

Đúng năm năm trước, Tháng Tư 2009, tại thủ đô Praha của Cộng hoà Tiệp, Tổng thống Obama hứa hẹn một nỗ lực toàn cầu, một cuộc "thập tự chinh" để kêu gọi các nước cùng noi gương Hoa Kỳ mà tài giảm võ khí hạch tâm. Vì nếu có chuyện gì thì đã có sự bảo vệ của nước Mỹ.

Trong thâm tâm, có thể Tổng thống Hoa Kỳ muốn nhắn gửi với hai quốc gia hung đồ đang đòi luyện công, là Bắc Hàn và Iran. Hoặc để trấn an các nước khác, như Nam Hàn, Nhật Bản, hay Saudi Arabia, rằng khỏi cần những võ khí sát thương đó. Vì?

"Trăm điều hãy cứ trông vào một ta."

Tại sao lại chỉ một ta? Vì nếu có vin vào điều bốn của Giác thư Budapest - sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc – thì ai cũng yên tâm rằng định chế quốc tế này sẽ thủ vai bà già trầu cầm súng nước, nhờ lá phiếu phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an.

Ngẫm lại thì không ai chứng minh được rằng Putin có ý sử dụng võ khí hạch tâm với Ukraine, nhưng đều thấy là quân đội Ukraine hiện không có khả năng chống đỡ khi Putin mắt lạnh sử dụng võ lực. Cũng không ai có thể chứng minh rằng nếu Ukraine vẫn là một cường quốc hạch tâm thì chưa chắc Putin đã dám chơi bạo như vậy.

Nhưng mọi người đều thấy là Anh và Mỹ đều đánh vần "ơ như quả mơ" - làm ngơ về những cam kết năm xưa với Ukraine. Tuần tới, tại Thượng đỉnh ở The Hague, ta sẽ xem Obama nói năng xoay trở ra sao về lý tưởng "An ninh Hạch tâm"!


***

Kết luận ở đây là gì?

Nhiều lắm, chỉ xin lơ thơ vài lẽ mà buồn!

Các chế độ hiền nhân quân tử mà tự phế bỏ võ công, như Ukraine, thì có thể mời giặc vào nhà. Các chế độ hung đồ có thể yên tâm luyện võ hạch tâm mà bất chấp thiên hạ. Các đồng minh của Mỹ mà tin vào lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ thì đều xét lại vì sau vụ Ukraine. Lời khuyên giải giới của nước Mỹ bất lực lại mở ra một cuộc thi đua võ trang toàn cầu.

Đâm ra, các quốc gia thuộc danh môn chính phái đều ưa nói chuyện đạo ly vu vơ, chứ khi hữu sự thì lại núp sau cụ Khổng mà khuyên răn thiên hạ, rằng "quân tử động mồm chứ không động tay." Gọi là anh "tư quẩn" thì chẳng hề sai!

Nhưng tại sao người viết lại ỡm ờ nhắc tới Kim Dung?

Vì nghĩ tới đám tà ma Bắc Hàn và Iran đang âm thầm tự luyện thứ võ công thượng thừa theo Cửu Âm Chân Kinh. Nghĩa là vung đao tự thiến để thành đệ nhất anh hùng. Họ có lý phần nào trong sự tật nguyền đó....

20/3/14

Russia Grozny – nước Nga nguy hiểm



Russia Grozny – nước Nga nguy hiểm

Theo Hieu Minh Blog

Ivan Grozny giết con trai. Tranh: Repin
Ivan Grozny giết con trai. Tranh: Repin


Thời trẻ con, nếu ai chơi trò nguy hiểm như ném đá, cầm dao đâm, thường bị để ý và không có bạn. Họ bị loại khỏi cuộc chơi, không cách này hay cách khác.
Chiếm Crimea, mang quân áp sát biên giới Ukraine, sẵn sàng chiếm đóng, thách đố với EU, Mỹ và thế giới còn lại, nước Nga của Putin đang trở thành mối nguy toàn cầu. Russia Grozny – nước Nga dưới thời Putin nguy hiểm không còn là viễn kiến.

Ivan Grozny – Ivan Bạo chúa
Du khách thăm Quảng trường Đỏ sẽ thấy Nhà thờ Saint Basil  (người Việt gọi là nhà thờ củ hành) sừng sững, một biểu tượng của đế chế Sa hoàng kéo dài 300 năm. Vị vua Nga đầu tiên trong lịch sử có tên là Ivan Grozny (Ива́н Гро́зный​ – Ivan Bạo chúa) bởi tính cách thất thường và tàn nhẫn, có thú vui ném vật nuôi trong nhà qua cửa sổ cung điện, giết người như ngóe, một lần cãi nhau, ông lấy gậy đánh chết cả con trai của mình.
Nhà thờ Saint Basil được dựng lên theo lệnh của Ivan Grozny để kỷ niệm Nga chiếm được Kazan từ Mông cổ. Đó là một công trình hùng vĩ về nghệ thuật và kiến trúc. Nhìn vẻ đẹp ấy, Bạo chúa Ivan ra lệnh đâm mù mắt tất cả kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng để không còn ai có thể xây được một kiệt tác tương tự thứ 2.
Lên ngôi Sa hoàng và cầm quyền suốt 53 năm (1547 đến 1584), Ivan Bạo chúa đã chinh phục Kazan, Astrakhan miền đông bắc Nga rồi quay xuống Crimee, ngược về Siberia, lấn chiếm lãnh thổ các nước xung quanh và tạo nên nước Nga rộng lớn ngày nay.
Đế chế Sa hoàng tồn tại 174 năm (1547-1721) cho đến khi Pier Đại đế (Пётр Великий) đổi từ Sa hoàng thành Hoàng đế.
Có chuyện vui kể rằng, nếu đi hỏa xa từ Moscow về Peterburg, thấy con đường thẳng tắp, nhưng có một đoạn vòng nho nhỏ mà không hiểu tại sao. Peter đại đế thấy các công trình sư vẽ ngoằn ngoèo, ông cáu, lấy thước kẻ một đường, nối hai thành phố, nhưng cái móng tay vướng nên hơi vòng ra một chút. Quân dưới quyền thấy vô lý, nhưng do sợ ,vẫn làm đường ray theo vòng cung của cái móng tay.
Hoàng đế tồn tại đến 1917 thì bị Lê Nin và những người Bolsheviks lật đổ.
Hung thần Gruzia trên đất CCCP
Mao Trạch Đông dự lễ SN 70 của Stalin. Ảnh: Wiki
Lễ SN 70 của Stalin. Ảnh: Wiki
Sự sụp đổ của Hoàng tộc Romanov (1917) là cơ hội cho nước Nga mở rộng thành CCCP – Liên Xô (1922), bao gồm các nước Trung Á, phía tây có Ukraine, Belorussia, Gruzia, Estonia, Litva, tổng cộng tới 15 nước cộng hòa.
Sau khi Lê Nin mất (1924), Stalin lên cầm quyền, dù ông là người Gruzia. Dưới ngọn cờ đỏ cộng sản, búa liềm, nhưng thực tế vẫn là một đế chế Nga mang nặng tư tưởng nước lớn và chủ nghĩa dân tộc đại Nga.
Hành xử không khác với Bạo chúa, Stalin đã gây bao tội ác, giết rất nhiều người chống đối, thật khó mà thống kê đế chế của ông đã giết mấy chục triệu người.
Tham vọng của nước Nga không dừng ở 15 nước cộng hòa mang tên CCCP, Stalin còn lấn sân sang Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Hungary, một nửa nước Đức, Bulgaria, biến thành chư hầu của người Nga. Nhớ những năm 1960-1980, người Nga vênh váo đi lại trên khắp Đông Âu và cả ở Hà Nội.
Gọi Stalin là hung thần của CCCP mang tên nước Nga cũng không sai.
Putin mafia cũng nguy hiểm không kém
Sau 73 năm tồn tại, vì hệ thống chính trị mang đặc tính đàn áp, kinh tế tập trung quan liêu, trì trệ, không phù hợp với thực tế, đế chế Nga cộng sản mang danh CCCP đã biến khỏi mặt đất. Những nước dưới trướng đã đổi cờ, theo phương tây, và 14 nước cộng hòa còn lại đòi độc lập, đường ai nấy đi.
Năm 1991, nước Nga trở lại gần đúng với danh giới mà Ivan Bạo chúa đã tạo nên cách đó hơn 400 năm.
Bắt đầu là Elsin và sau là Putin, cả hai cùng cố đưa nước Nga trở lại vị thế quốc tế của CCCP, mà Putin từng than “Mất Liên xô là một thất bại về địa chính trị kinh hoàng trong thế kỷ 20”. Người Nga đi lại ở Vũng Tầu đã nhẹ gót giầy hơn, và ở Đông Âu thì Ivan khó còn cửa làm ăn.
Cứ tưởng rằng cuộc đảo chính năm 1991 sẽ giúp nước Nga trở thành một quốc gia dân chủ thực sự, vì người dân đã chán ngán thời Liên Xô nghèo đói và bao cấp.
Tiếc thay, lẽ ra phải thay đổi theo hướng văn minh, dân chủ, Putin đã chọn cách mà Ivan Grozny đã làm cách đây hơn 400 năm. Đó là cố tạo ra một nước Nga mà cả dân trong nước sợ hãi và thế giới nghiêng mình kính nể bởi có hai thứ bảo bối: dầu hỏa và khí đốt.
Putin trên máy bay ném bom TU160
Putin trên máy bay ném bom TU160
Không ném chó mèo qua cửa sổ ở điện Kremli như Ivan hay sai KGB giết người như ngóe như Stalin, Putin chọn cách thầm lặng và nguy hiểm hơn. Vẫn cho đối lập hoạt động, miễn là không ảnh hưởng tới nền chính trị độc tôn. Nếu ai tỏ ra nguy hiểm, sẽ bị ghép vào tội trốn thuế, hay bỗng nhiên biến mất.
Chấp chính đúng vào lúc giá dầu thế giới lên cao do chiến tranh Iraq và Afganistan, Putin của người Nga thu lợi lớn từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nên tiền nhiều như đất. Nước Nga mạnh lên vì tài nguyên thiên nhiên, không phải vì chất xám.
Những oligarch giầu có nổi lên do cuộc tư nhân hóa vội vã, bán tống tháo tài sản nhà nước của Elsin, rồi nhiều kẻ bỗng có quyền, tự nhiên có tiền bởi sở hữu trời cho một khu mỏ ở Siberia.
Muốn chứng tỏ cho thế giới sức mạnh cơ bắp, Putin bỏ 60 tỷ đô la cho Sochi chỉ để cho thế giới biết, Ivan Grozny xây được Saint Basil thì ông cũng có Sochi Winter hoành tráng, muốn làm “mù mắt” cả thế giới về sự xa hoa của Sa hoàng kiêm hoàng đế Nga thời hội nhập.
Lẳng lặng chiếm Crimea trước mũi phương Tây, mưu đồ chia đôi Ukraine và làm bất ổn phần còn lại, Putin còn con bài Moldova, Balan, Tiệp và các nước lân cận. Với lính bịt mặt, lý do bảo vệ kiều dân, người Nga Ivan Grozny sẵn sàng đi xa hơn.
Vĩ thanh
Như một sự trùng hợp kỳ lạ, tuần tới có ngày kỷ niệm Ivan Bạo chúa qua đời cách đây 430 năm, khi ông đang chơi cờ với người cố vấn của mình là Bogdan Belsky (28-3-1584).
Từ ngày bạo chúa băng hà, nước Nga tiếp tục sinh ra những Ivan Grozny khác, chưa kể những hung thần ở các nước mà chính quốc gia này dung dưỡng.
Từ đế chế Sa hoàng tàn bạo, chuyển sang cộng sản của Stalin không kém hung ác, nước Nga dưới thời Putin có thêm đức tính mafia. Từ thủ tướng thành tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại tổng thống, Putin Grozny đang ôm ghế của Ivan hung thần trong bóng tối đặc chất mafia.
Thời nay, Putin vẽ đường hỏa xa đi Crimea, nếu nhầm quệt bút chỉ vào móng tay thì quân dưới quyền cũng làm theo như thời Pier Đại đế. Ngày xưa, muốn làm gì người Nga phải hỏi Ivan Bạo chúa, ngày nay, họ tham vấn Putin mafia.
Các đế chế Nga không bỏ qua được một tính từ: Гро́зный – nguy hiểm. Russia Grozny – đó không phải là con đường vinh quanh cho người Nga ở phía trước. Bởi những gì thuộc về grozny thường bị để ý và loại trừ khỏi cuộc chơi, một thứ luật đơn giản mà bất kỳ đứa bé nào cũng hiểu.
HM. 20-3-2014

 Video Nhà thờ Saint Basil
Saint Basil. Ảnh: Internet
Saint Basil. Ảnh: Internet




‘Tôi ký lệnh trừng phạt kinh tế Nga’


‘Tôi ký lệnh trừng phạt kinh tế Nga’
 
Cập nhật: 15:48 GMT - thứ năm, 20 tháng 3, 2014
Tổng thống Obama nói ông vừa ký lệnh trừng phạt Nga

Tổng thống Hoa Kỳ, ông Barack Obama họp báo để tuyên bố ông vừa ký lệnh đặc biệt không chỉ trừng phạt các cá nhân mà cả những ngành kinh tế Nga ủng hộ cho cuộc hành động của Nga ở Ukraine.
Ông cũng nói về quyết tâm của Mỹ ủng hộ Kiev và lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea để ly khai Ukraine nhằm gia nhập Liên bang Nga là ‘phi pháp’.
 
Nói về cuộc khủng hoảng Crimea rằng “cả thế giới đang quan sát với sự lo ngại” ông nói hoạt động ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga “vẫn tiếp tục” nhưng muốn thấy Nga “có hành động giải tỏa căng thẳng”. Nếu không, nước này “sẽ tiếp tục bị cô lập”, theo lời Tổng thống Obama.
Hoa Kỳ cũng nêu ra ngân hàng Nga là Bank Rossiya bị trừng phạt vì đã "ủng hộ các quan chức" có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng.
Trước đó, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trả lời Quốc hội nước này nói rằng, thực tế chính trị hiện nay có nghĩa là “khối G8 đã không còn tồn tại”.
Sau khủng hoảng Crimea, khối các nước công nghiệp phát triển đã không muốn tham gia họp G8 gồm cả Nga.
Như thế, Nga đã bị loại khỏi khối này mà nay chỉ còn là G7.
Bà Merkel cũng nói với các dân biểu Quốc hội Liên bang Đức ở Berlin trong ngày rằng Nga sẽ tiếp tục bị EU trừng phạt nếu không có biện pháp giảm căng thẳng ở Crimea.
Trước đó, Hoa Kỳ đã ra lệnh phong tỏa tài sản và áp lệnh cấm đi lại đối với 11 cá nhân, còn EU áp lệnh trừng phạt tương tự đối với 21 người.
Trong diễn biến mới nhất, các nhóm vũ trang nói tiếng Nga đã chiếm hai căn cứ quân sự của Ukraine trên bán đảo Crimea hôm thứ Tư.
Tối hôm nay, các lãnh đạo EU sẽ họp tại để bàn cách phối hợp cách đáp trả hành động can thiệp của Nga ở Crimea.
Cũng trong ngày 20/3/2014, Hạ viện Nga tức Duma thông qua hiệp ước thu nhận về Crimea sau động tác của Tổng thống Vladimir Putin công nhận Cộng hòa Crimea 'độc lập'.
Bà Merkel nói rằng khối G8 coi như không còn tồn tại

Dự kiến vào thứ Sáu 21/3 này, Thượng viện Nga sẽ phê chuẩn hiệp ước này, chính thức biến Crimea thành một phần lãnh thổ của Liên bang Nga.

'Đột nhập êm thấm'

Theo biên tập viên kỳ cựu của BBC, ông John Simpson viết từ Crimea thì toàn bộ quá trình 'xâm lặng êm thấm' của Nga với Crimea đã được chuẩn bị từ tháng 2.
Khi đó, hàng nghìn quân Nga được tăng viện đã lặng lẽ tới các căn cứ quân sự ở Crimea nơi Nga có quân cảng được phép sử dụng theo hiệp ước với Ukraine.
Dấu hiệu Nga thôn tính xuất hiện hôm 28/2 khi các nhóm vũ trang người Nga lập chốt tại Armyansk và Chongar - hai tuyến đường bộ chính nối Ukraine và bán đảo Crimea.
Những đường nối này được kiểm soát bởi các tay súng mặc đủ loại đồng phục: quân đội Ukraine, cảnh sát Ukraine, các đồ ngụy trang không kèm phù hiệu.
Sang ngày 2/3, mọi việc kể như xong, theo John Simpson.
Ngoài quân lính, phía Nga còn có dân quân người Nga ở sẵn Crimea và một số 'tình nguyện viên thật' tới từ Moscow để tham gia điều mà họ gọi là giải phóng Crimea, theo quan sát của John Simpson.
Vụ chiếm Crimea như thế là vụ đột nhập hơn là xâm lăng trực diện.
Ukraine đành chịu rút quân khỏi quân cảng ở Crimea

Cho đến ngày 19/3, sau cuộc trưng cầu dân ý để về với Nga, các lực lượng thân Nga dường như đã nắm quyền kiểm soát căn cứ của Ukraine tại Sevastopol mà không phải tốn viên đạn nào.
Khoảng 200 người, một số có vũ trang, đã xô đổ cổng vào tiến vào trong đàm phán với các nhân viên cao cấp Ukraine.
Có tin tư lệnh Hải quân Ukraine tại đây, ông Serhiy Hayduk bị phía Nga bắt nhưng đến tối thứ Tư thì tin tức nói ông đã được thả.
Sang ngày 20/3, Ukraine nói đang lên kế hoạch rút các quân nhân và gia đình họ khỏi Crimea để đảm bảo an toàn cho họ,

Source : BBC

Tư Bản Nào Mà Không…Hoang Dã?


  Theo Goc nhin Alan

Tư Bản Nào Mà Không…Hoang Dã?

Alan Phan

currencies

19 March 2014

“Không phải tính hiếu kỳ đã giết con ngỗng đẻ trứng vàng, mà lòng tham vô độ vượt qua giới hạn của lý trí bình thường – It was not curiosity that killed the goose who laid the golden egg, but an insatiable greed that devoured common sense – E. A. Bucchianeri”

Gần đây một danh từ được dùng khá nhiều trong những phê phán và dự đoán về kinh tế là “tư bản hoang dã” hay “man rợ” hay “thân hữu”, “bè nhóm” (crony) hay “mafia” hay “xanh, đỏ, tím vàng” tùy theo cảm xúc. Tựu trung, danh từ ám chỉ sự tham lam vô độ, không kiểm soát được, kèm với thói tật luôn luôn muốn thao túng kinh tế tài chánh từ sau hậu trường của những nhóm lợi ích và giới tài phiệt trong xã hội.
Đối ngược với “tư bản hoang dã” là tư bản pháp trị, với cơ chế thị trường dù tự do nhưng vẫn mang nhiều phong thái xã hội, dân chủ của các nước Tây Phương. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đồng ý là dù mô hình này chưa hoàn thiện, nhưng đây là một định chế “tư bản’ chấp nhận được với đa số người dân.
Thực ra, vì bị khóa miệng về chuyện chánh trị khi ở Việt Nam (ông già Alan chỉ là khách), nên tôi thường ậm ừ cho qua chuyện. Trong suy nghĩ cá nhân, tôi vẫn cho rằng hành xử của các nhóm lợi ích và tài phiệt trong một xã hội, tùy thuộc phần lớn vào định chế chính trị của quốc gia đó.
Nói thẳng ra, con người, dù có nhận mình là tư bản hay xã hội hay nhãn hiệu nào khác, luôn luôn hành động dựa trên lợi ích cá nhân của mình. Tư bản có nghĩa là “tiền” và bất cứ những ai tham tiền đều là “nhà tư bản”. Dĩ nhiên, mức độ “tư bản” hay lòng tham đều khác biệt tùy theo cá nhân. Như những thằng đàn ông, có đứa mê gái 24/7, có đứa chỉ sơ sơ (golf hay quán nhậu hấp dẫn hơn), có đứa bị định hướng sai, chỉ thích trai. Tại tất cả các quốc gia, từ phát triển đến nghèo đói, số người thực sự không tham tiền có lẽ không nhiều hơn 5% (con số phỏng đoán của ông già Alan, hoàn toàn không kiểm chứng được).
Một lần, tôi được một người bạn vì bận việc khẩn cấp gia đình, nhờ coi giùm những học sinh lớp mẫu giáo của cô ta cho đến hết giờ, khoảng 25 phút. Tôi biết mình không cách gì kiểm soát hơn 20 “lũ thứ ba” (nhất quỷ, nhì ma…), nên tìm ra một giải pháp sáng tạo. Tôi móc tờ giấy 100 đô la trong túi, để trên bàn và nói,” em nào mà ngồi im lặng nhất, không nói hay làm gì trong 25 phút tới sẽ được thưởng 100 đô la này”. Lớp học im như tờ, và sau cùng, 5 em (chỉ mới 6, 7 tuổi) ngồi “thiền” giỏi nhất, chia nhau mỗi em 20 đô la.
Nghĩ tới lui, có lẽ giải pháp này của tôi đang được Bộ Ngoại Giao Mỹ và Tòa Bạch Ốc lấy làm cốt lõi cho chánh sách đối ngoại của họ.
Trở lại chuyện tiền, như tôi đã nói nhiều lần trong các bài viết, “tư bản” không phải là một chủ nghĩa, một định chế hay một triết lý sống. Tư bản không cần ai phải cổ võ, phải tuyên giáo, phải cải tạo. Tư bản không cần lập đảng, tìm lãnh tụ, tụ họp cảnh sát công an. Tư bản nằm trong thâm tâm của mọi người, vì thực ra, lòng tham cố hữu luôn luôn hiện diện, dù nhiều khi bị che mờ bởi những cố gắng của xã hội qua tôn giáo, văn hóa, giáo dục, gia đình… Nhiều người phải an phận, không dám “tham” vì không đủ khả năng cạnh tranh hay vì lười biếng hoặc thiếu may mắn trong việc tìm gặp cơ hội. Nhưng ngay cả những con “vượn” lớn lên trong rừng rậm vẫn có thể cảm nhận giá trị của đồng tiền…nhất là những lợi ích mà đồng tiền đó đem lại.
Và lòng tham, nếu không có một định chế chính trị kiềm hãm, thì nó sẽ “hoang dã”, sẽ “man rợ”, sẽ “mafia” , sẽ thành “phe phái”. Một nền chính trị “hoang dã” sẽ tạo ra một nền kinh tế “hoang dã”.
Trên chuyến bay về Mỹ lần rồi, có chút thì giờ, tôi ngồi coi cuốn phim “12 Years A Slave” vừa đoạt giải Oscar năm nay. Câu chuyện thực của Solomon Northup, một nhạc sĩ da đen sống tự do ở Boston, bị bắt cóc và bán làm nô lệ cho các chủ đồn điền ở miền Nam nước Mỹ, khoảng 150 năm trước. Nếu muốn hiểu về ác độc của tư bản Mỹ, bạn nên coi những hoàn cảnh mà Northup phải chịu đựng cùng với nhóm nô lệ da đen, trong khi các ông chủ da trắng luôn miệng trích Kinh Thánh để giải minh tội lỗi của mình.
Một chút ngạc nhiên là dù rất hoang dã 150 năm về trước, định chế chánh trị của Mỹ vẫn có chút “pháp trị”. Northup đã được trả tự do sau khi nhà cầm quyền qua tòa án tại miền Nam kiểm chứng anh không là nô lệ. Và ân nhân anh ta là Sir Bass, một “thế lực thù địch” tại xã hội này; dù phát ngôn chống đối mạnh mẽ hệ thống nô lệ, đã không bị công an mời lên “làm việc”. Ở một quốc gia khác, có thể đã không ai biết đến chuyện của anh chàng Northup này.
Xã hội nào rồi cũng phải đổi thay. Định chế chánh trị độc tài của Pak Chung Hee ở Hàn Quốc trong thập niên 60’s rồi cũng bị phá hủy, nhường chỗ cho một Hàn Quốc hiện đại ngày nay. Sau 150 năm, văn hóa Mỹ đủ rộng mở để bầu một người da đen làm Tổng Thống. Các định chế xã hội lạc hậu của Đông Âu đã nẩy mầm một trục xoáy tự do mới cho người dân. Mùa xuân Á Rập đang tàn phá cái “cũ” để thế hệ mới có thể xây dựng một nền văn minh mới.
Dù đổi thay là một quá trình đau đớn cho nhiều thành phần xã hội, nhưng bà mẹ nào mà không vất vả trong thời kỳ thai nghén?
Tại các quốc gia mà chính trị “hoang dã” còn tiếp tục, thì tư bản sẽ vẫn còn hoang dã. Mọi hoang tưởng về lòng tham con người và lợi ích cá nhân theo những quan điểm “xã hội” sẽ kéo dài sự sống của các động vật hoang dã. Và đây cũng là điều mà các chính trị gia và các giới tài phiệt, qua những nhóm lợi ích, đang mong muốn.
Alan Phan

Source : Goc nhin Alan




Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

RFI -  QUỐC TẾ -
  Thứ năm 20 Tháng Ba 2014 

Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
REUTERS

Trọng Nghĩa
Hơn 20 năm sau khi Liên Xô bị phân rã, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có dấu hiệu bước vào một cuộc đối đầu trở lại với phương Tây sau khi nhanh chóng thôn tính vùng Crimée của Ukraina, bất chấp sự phản đối của phương Tây. Theo giới phân tích, với xu hướng không chấp nhận trật tự thời hậu Xô Viết được ông Putin bộc lộ rõ ràng, khả năng một kỷ nguyên đối đầu mới giữa phương Tây và Nga không thể loại trừ.

Cách nay gần một phần tư thế kỷ, ngày 08/12/1991, lãnh đạo các nước Nga, Ukraina và Belarus đã phê chuẩn trong một hiệp ước sự phân rã của Liên Xô thành nhiều quốc gia độc lập. Thế nhưng gần đây, bằng cách lấy lại vùng Crimée từ tay Ukraina, Tổng thống Nga Putin đã biểu thị quyết tâm sẵn sàng thay đổi biên giới hiện tại của nước Nga.
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, hiện chưa thể biết được là ông Putin sẽ bằng lòng với vùng Crimée, hay là ông sẽ tiếp tục tìm cách sát nhập vào Nga những khu vực nói tiếng Nga khác ở Ukraina, Moldavia hay tại Belarus và Kazakhstan.
Khả năng thứ hai là một điều rất hiện thực nếu căn cứ vào các tuyên bố đanh thép gần đây của chủ nhân Điện Kremly, tự nhận là ông có nhiệm vụ khôi phục lại sức mạnh của nước Nga.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Giáo sư Nikolai Petrov, thuộc Học viện Kinh tế Cao cấp Mátxcơva cảnh báo : « Chúng ta mới ở bước đầu, chứ chưa phải là bước cuối của một tiến trình đầy sóng gió ». Đối với chuyên gia phân tích này : « Diễn văn của ông Putin hôm thứ Ba 18/03 vừa qua chỉ mới kết thúc giai đoạn thôn tính Crimée, câu hỏi đặt ra là : Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian sắp đến ? »
Quan điểm « phục hận » của ông Putin thể hiện rõ qua một số yếu tố được ông nêu bật : Nước Nga không còn muốn bị phương Tây « bỏ xó », phải tiếp tục chịu đựng chính sách « kiềm chế » có từ thế kỷ 18 và 19 để chống lại chế độ Sa hoàng và trong thế kỷ 20 để chống lại Liên Xô. Tổng thống Nga còn cho rằng Châu Âu và Mỹ đã « quá đáng » khi góp phần dựng lên chính phủ thân phương Tây ở Kiev sau vụ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị truất phế.
Theo Giáo sư Petrov, với vụ thôn tính Crimée, cục diện đã chuyển qua một thời kỳ mới với nước Nga của ông Putin trực diện đối đầu với phương Tây : « Tổng thống Putin đã tuyên chiến với phương Tây và không thể có sự hòa giải… (và) bây giờ phương Tây sẽ phải cố gắng hạ bệ chế độ Putin. »
Đối với ông Dmitri Trenin, Giám đốc chi nhánh tại Mátxcơva của Trung tâm nghiên cứu Carnegie, sự sáp nhập Crimée vào Nga là một « bước ngoặt » trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.
Theo ông Putin, trật tự thế giới hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô đã cho phép Hoa Kỳ coi thường luật pháp quốc tế tại Nam Tư, Irak và Libya. Sự kiện Mátxcơva tung lực lượng thân Nga đến Crimée để kiểm soát vùng này đã cho thấy là nước Nga không còn tôn trọng các biên giới được thiết lập vào năm 1991.
Câu hỏi đang được giới phân tích đặt ra là liệu ông Vladimir Putin có chịu dừng lại ở việc sáp nhập của Crimée hay không ? Hay là ông sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường đối đầu với phương Tây.
Trên vấn đề này, Tổng thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmusssen không che giấu nỗi lo ngại. Phát biểu tại Mỹ vào hôm qua, 19/03, ông cho rằng Tổng thống Nga rất có thể sẽ không tự bằng lòng với việc sáp nhập Crimée : « Crimée chỉ là một ví dụ... là một phần trong một tổng thể lớn hơn, một chiến lược dài hạn hơn của Nga hoặc ít ra là của ông Putin ».
Đối với ông Rasmussen, vụ Crimée là tín hiệu cảnh báo cho các nước phương Tây, do đó, các thành viên của NATO cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quốc phòng.

Source : RFI

'Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga'

'Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga'

Cập nhật: 10:09 GMT - thứ năm, 20 tháng 3, 2014 
Việc sát nhập Crimea là cuộc xâm lược êm thấm nhất của thời hiện đại.
Nó đã kết thúc trước cả khi thế giới kịp nhận ra là nó bắt đầu.
Và cho tới khi một nhóm tay súng thân Nga tấn công căn cứ quân sự nhỏ của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người bị thương, mọi chuyện diễn ra mà hoàn toàn không có đổ máu. Trong nhiều ngày của tháng Hai, hàng ngàn binh lính tăng viện đã lặng lẽ tới các căn cứ quân sự ở Crimea mà Nga được phép sử dụng theo hiệp ước với Ukraine.
Những "người tình nguyện" dân sự cũng tiến vào.
Kế hoạch diễn ra bí mật và thành công toàn diện.
Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về chuyện Crimea bị thôn tính xuất hiện hôm 28/2 khi các điểm kiểm soát được lập ra tại Armyansk và Chongar - hai tuyến đường bộ chính nối Ukraine và bán đảo Crimea.
Những đường nối này được kiểm soát bởi các tay súng mặc đủ loại đồng phục: quân đội Ukraine, cảnh sát Ukraine, các đồ ngụy trang không kèm phù hiệu. Một số mặc đồ dân sự.
Khi tôi toan vượt qua chốt Armyansk hôm thứ Bảy 1/3 cùng với một người quay phim của BBC, những người đứng gác có thái độ thù nghịch và đe dọa.
Họ lấy mất các túi đựng áo giáp của chúng tôi từ thùng để đồ của taxi và sừng sộ kiểm tra va ly, lôi tất cả mọi thứ ra và đánh rơi vài đồ trên đường.
Họ đưa người quay phim của chúng tôi đi và lấy luôn các thẻ ghi hình của camera cùng cả pin.

Quốc hội Crimea ủng hộ việc về với Nga
Họ biết họ cần tìm gì. Bên vệ đường cũng có những túi đựng áo giáp của những phóng viên toan vượt qua điểm kiểm soát trước chúng tôi.
Những người đóng chốt chặn tất cả mọi người lại trừ người địa phương.
Tôi thấy khó biết chuyện gì đang diễn ra.
Chỉ tới khi một trong số họ, người mặc sắc phục cảnh sát, nói "Chào mừng đến với Nga" thì tôi hiểu - có thể họ mặc sắc phục Ukraine nhưng họ nhận lệnh của Moscow để phong tỏa Crimea.
Sang ngày hôm sau, Chủ Nhật 2/3, mọi việc kể như xong.

Ukraine cũng đã lập các chốt chặn ở biên giới
Thế giới bên ngoài vẫn chờ tàu chiến của Nga tới và chiếm Crimea.
Nhưng nó đã âm thầm xảy ra rồi.
Hôm Chủ Nhật và thứ Hai, các căn cứ quân sự của Ukraine bị những người lính trông dữ dằn chiếm.
Họ mang những vũ khí hiện đại nhất của Nga nhưng trang phục của họ không mang phù hiệu, quân hiệu hay quân hàm.
Cùng ở bên họ là những "người tình nguyện" - thường là những đàn ông già hơn, nhiều người có vẻ tới từ Nga.
Một số người mang quân phục không đầy đủ trong khi những người khác mặc thường phục.
Họ xếp hàng bên ngoài doanh trại quân đội Ukraine và không cho ai tới gần.
Có lẽ họ là lính dự bị của Nga. Đó là những người dữ dằn và hung hăng nhưng họ tuân lệnh thượng cấp.
Nhiều người rõ ràng là nghiện rượu nặng và khi đêm xuống họ chẳng giấu diếm gì họ đang say.
Tuy nhiên, họ giữ kỷ luật. Không có chuyện cướp bóc và cho dù họ có thái độ đe dọa họ không tấn công dân thường.
Trong những ngày sau đó, những nhóm khác xuất hiện.
Đây là những người tình nguyện thật và họ tới từ Moscow để tham gia điều mà họ gọi là giải phóng Crimea.
Tôi nói chuyện với ba thành viên của nhóm dân tộc cực đoan.
Tất cả họ đều tới từ Moscow và họ đều có kế hoạch đi từ Crimea tới hai thành phố có nhiều người nói tiếng Nga Kharkiv và Donetsk.
Tại sao? Để tỏ tình đoàn kết, ông nói.
Sau đó tôi còn gặp một nhóm bảy hay tám người đi xe máy, mặc đồ da và mang biển đề chức vụ - chủ tịch, phó chủ tịch và các chức khác.
Họ cũng từ Moscow tới và cũng định đi Kharkiv và Donetsk.
"Thật là một ngày tuyệt vời," vị "chủ tịch" nói.
Nhưng cũng có những người chỉ muốn tham gia để góp vui.

Việc sáp nhập Crimea được ủng hộ tại Nga


Hoàn toàn không có dấu hiệu gì chứng tỏ chính phủ Nga cử họ tới.
Trong thời hiện đại, Moscow đã có ba cuộc xâm lược lớn: Hungary hồi tháng 11/1956, Czechoslovakia trong tháng 8/1968, khi hai chính phủ cộng sản có những xu hướng thân phương Tây nguy hiểm; và Afghanistan hồi năm 1979 khi chính phủ thân Cộng sản đang bên bờ vực sụp đổ.
Đó là những chiến dịch lớn và thô bạo với số lượng lớn xe tăng, đôi khi là sự đổ máu lớn.
Vụ chiếm Crimea hoàn toàn khác. Đây là sự đột nhập chứ không phải xâm lược.
Và không giống như ở Hungary, Czechoslovakia và Afghanistan, phần lớn dân số địa phương chào đón [sự đột nhập] này.
Theo một đối thủ có tiếng của ông Putin, cuộc bỏ phiếu ở Crimea để gia nhập Liên bang Nga là "trưng cầu dân ý dưới họng súng Kalashnikov".
Nhưng không phải vậy. Kết quả là điều mà đại đa số người nói tiếng Nga ở Crimea thực sự muốn và không cần phải có Kalashnikov trên đường phố.
Những người muốn giữ Crimea là một phần của Ukraine quá sốc và sợ nên không dám chống lại.
Toàn bộ chiến dịch được lên kế hoạch và thực hiện rất thông minh.
Nhưng cũng không nghi ngờ gì về chuyện đây là cuộc đảo chính nhanh chóng, đáng kể và gần như không đổ máu.

Source : BBC NEWS