BÍ ẨN TÂM HỒN NGA (BÀI 2) – SỰ TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI XÔ-VIẾT
Tháng 4 6, 2014
Theo pro&contra
Phạm Nguyên Trường dịch
Bài liên quan: Bài 1: Dmitry Babich – Các chuyên gia phá hoại
Những sự kiện của thế kỉ XX có ảnh hưởng rất lớn tới tâm hồn Nga.
Con người Xô-viết được coi là một giống người đặc biệt – cần cù lao động và không quan tâm tới sự giàu có về mặt vật chất – nhưng mặc dù Liên Xô đã sụp đổ, giống người đặc biệt này vẫn còn sống.
Ý niệm về tâm hồn bí ẩn của Nga đã lưu truyền ít nhất là từ giữa thế kỷ XIX. Cả các nhà văn nước ngoài lẫn các nhà văn Nga, các nhà triết học và các nhà tư tưởng, từ Marquis de Custine và Fyodor Dostoevsky đến Nikolai Berdyaev và Alexander Solzhenitsyn đều bày tỏ quan điểm riêng của họ về đặc điểm dân tộc của người Nga. Nói chung, người ta coi đặc điểm Nga là một cái gì đó trái ngược hoàn toàn với bản sắc duy lý, có tính chất tư bản chủ nghĩa của phương Tây, tâm hồn Nga là hiện thân của những đặc điểm như lòng vị tha, cởi mở, tâm linh, hào phóng, tận tâm, sẵn sàng hy sinh cá nhân cho cộng đồng, quyết tâm tìm kiếm chân lý phổ quát và thờ ơ trước sự giàu sang.
Thế kỷ XX đã buộc tâm hồn Nga phải chịu nhiều thay đổi. Bộ máy tư tưởng của Liên Xô bỏ nhiều nỗ lực vào cuộc thí nghiệm khổng lồ trong ngành nhân học xã hội, được gọi là “con người mới Xô-viết” hay “Homo Sovieticus”, với tâm hồn và bản chất được cho là sẽ trở nên thậm chí còn tốt đẹp hơn nữa. Vào giữa những năm 1970, cuốn Người Nga, một tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Mỹ Hedrick Smith, đã mô tả sinh động những người dân Nga đang sống ở Liên Xô – họ được trình bày như những người hào phóng, bí ẩn, tình cảm, và về cơ bản là không duy lý và bốc đồng, bất chấp những áp lực liên tục về ý thức hệ “người xây dựng xã hội cộng sản” mà họ phải mang trên vai.
Bên cạnh những giá trị truyền thống được gán cho tâm hồn Nga, giống người đặc biệt này còn được cho là cần cù lao động, có tinh thần tập thể, và yêu nước. Nó có thể sống với những đồ đạc đơn giản nhất và từ bỏ các tiện nghi; tiện nghi bị coi là một trong những biểu hiện tiêu cực của xã hội tư sản. Khái niệm “Con người Xô-viết mới” đã biến mất cùng với thời đại của nó, nhưng một số quan niệm về nó vẫn bám chặt trong tâm trí người Nga hiện thời. “Năm 2004, một phần tư dân số tự gọi mình là người Liên Xô. Bây giờ con số này không vượt quá 12%-13%. Nhưng ngay cả khi người ta không còn tự dán nhãn ‘Liên Xô’ nữa thì cũng không có nghĩa là não trạng Xô-viết đã không còn tồn tại”, Boris Dubin, một nhà xã hội học hàng đầu và là chủ nhiệm công trình nghiên cứu xã hội và chính trị ở Trung tâm Phân tích độc lập Levada Center cho biết. Hiện tượng tâm hồn Nga sống dai hơn đế chế đã lụi tàn vào năm 1991 và bắt đầu một đời sống mới trong thời đại mới.
Một công trình nghiên cứu tâm lý học nhan đề “Khảo sát tính cách và cá tính người Nga” là một dự án nghiên cứu quốc tế do trường Đại học Tartu ở Estonia khởi xướng, phối hợp với khoảng 40 trường đại học Nga. Các kết quả của cuộc thăm dò được tiến hành trong 34 khu vực ở Nga cho thấy 76% những người được hỏi hoàn toàn tin rằng người Nga có một tính cách dân tộc độc nhất, không thể so sánh với bất kỳ dân tộc nào khác. Hình ảnh nước Nga và cư dân của nó là độc nhất vô nhị vẫn được tích cực truyền bá sang phương Tây, nhất là vào những giai đoạn không có cách giải thích nào khác cho những nghịch lý và sắc thái của đời sống và nền chính trị của Nga.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là các công trình nghiên cứu thường được tiến hành ở những bình diện khác nhau. Xã hội học chủ yếu xử lí các giá trị và thực tiễn văn hóa, tức là những thứ thay đổi nhanh hơn nhiều, trong khi nhà tâm lý học tập trung vào các “siêu giá trị” và đặc điểm cá nhân, tức là những thứ thay đổi rất chậm. Trong trường hợp sau (nghiên cứu tâm lí – ND), sự khác biệt chủ yếu được nhận ra khi so sánh các thế hệ. “Khi nói về các đặc điểm cá tính của dân tộc Nga từ quan điểm tâm lý học, chúng ta cần phân chia giữa các thế hệ khác nhau. Không thể khái quát chung, vì những đặc điểm này thay đổi rất nhiều”, Olga Makhovskaya, nhà tâm lý học và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Tâm lý học trực thuộc Viện Khoa học Nga cho biết.
Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng 20 năm qua đã ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và lối sống của người Nga chẳng kém gì 70 năm của chủ nghĩa xã hội trước đó. Những biến đổi của thời đại hậu cộng sản đã tác động sâu sắc đến tâm hồn Nga, vì vậy khi nghiên cứu thế hệ người Nga hiện nay, các nhà khoa học tìm thấy những giá trị và đặc điểm trái ngược với những điều mà họ chờ đợi.
Cá nhân trong tập thể
Trong bất kì xã hội nào, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể cũng đều là hai cực đối nghịch của cùng một bảng phân bố, có ý nghĩa đặc biệt vì vai trò quan trọng của nó trong diễn ngôn xã hội và chính trị. Chủ nghĩa tập thể có nguồn gốc từ các sinh hoạt cộng đồng của người Nga cổ và trong các giá trị đạo đức Chính thống giáo (thí dụ như “tinh thần cộng đồng”), trái ngược với chủ nghĩa cá nhân của người theo đạo Tin lành. Trong thời Xô-viết, chủ nghĩa tập thể có các hình thức được thể chế hóa, ví dụ như nông trang tập thể hay căn hộ tập thể.
Một công trình nghiên cứu dài hơi mang tên “Con người Xô-viết” do Trung tâm Levada tiến hành từ năm 1989 đến 2009, chia làm năm “đợt” khảo sát khác nhau và những công trình nghiên cứu gọi là “theo chiều dọc” dư luận, đã xem xét những xu hướng chính trong sự phát triển xã hội của xã hội Nga và thế hệ người Nga hiện nay. “Chủ nghĩa tập thể của người Nga thường được dán nhãn là tính cách rất đặc biệt của người Nga và chiều kích của xã hội Nga. Nhưng các công trình nghiên cứu của chúng tôi lại phát hiện ra rằng nước Nga hiện đại là một xã hội cực kì phân tán, mức độ mất niềm tin là rất cao: ba phần tư người Nga không tin nhau và nói rằng họ chỉ có thể dựa vào gia đình hoặc người thân. Chỉ có quan hệ cá nhân hoặc gia đình là quan trọng mà thôi”, ông Dubin cho biết. “Xã hội của chúng ta bị chia thành các nhóm rất nhỏ, liên kết bằng những mối quan hệ cá nhân hoặc gia đình rất có tính truyền thống. Xã hội của chúng ta không có những hình thức liên kết hiện đại được thể chế hóa nhằm kết hợp mọi người như trong các xã hội khác. Người Nga chỉ gắn bó với nhau trong sự tự thể hiện tập thể được diễn tả bằng một từ trừu tượng là chúng ta.”
Những công trình nghiên cứu so sánh về nước Nga hiện đại và các nước châu Âu khác do Alexander Demidov (thành viên của GfK RUS, một tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu) thực hiện cũng chứng tỏ một thực tế là nước Nga đương đại là một trong những xã hội phân tán nhất ở châu Âu, rõ ràng là thiếu vắng một “siêu ý tưởng” hoặc “siêu giá trị” có khả năng đoàn kết hoặc động viên xã hội.
Đơn giản đến mức huyền bí
Khi nói về mình, người Nga thường tuyên bố rằng họ là người cởi mở, thân thiện và đơn giản, khác với người Đức lạnh lùng, tính toán, người Uzbek khôn lỏi, người Anh kín đáo hay người Do Thái thông minh. Nhưng trong phạm trù “cởi mở” này thì các nhà nghiên cứu thấy sự khác biệt giữa huyền thoại này và thực tế là rõ ràng nhất. Một người Nga trung bình thường được mọi người tin là cởi mở hơn công dân nhiều nước khác. Nhưng trong quá trình nghiên cứu do Đại học Tartu tiến hành, hơn 3.700 người ở các vùng khác nhau của Nga đã được yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi và tiến hành xếp hạng cá tính của người Nga theo bảng khảo sát tính cách dân tộc gồm 30 mục (30-item National Character Survey), được thiết kế đặc biệt cho công trình nghiên cứu này. Cuối cùng, mức độ “cởi mở” trung bình của người Nga được đánh giá dưới mức trung bình xuyên-văn hóa trong số 49 quốc gia.
Một đặc điểm nữa, thường được coi là điển hình Nga là đầu óc đơn giản, trái ngược với các tính cách cá nhân phức tạp của các quốc gia khác. “Khó mà nói người Nga là đơn giản”, Makhovskaya nói. “Đầu óc đơn giản được các nhà tâm lý học giải thích khác nhau, đấy là cơ chế che giấu thái độ hung hăng. Lúc nào cũng có thể nói rằng ‘chúng tôi là những người đơn giản và đã bị lừa.’ Người Nga là những người khó lường và bất hợp lý chứ không phải là có đầu óc đơn giản, và họ có thể lừa được nhiều người. Sự đơn giản này là một phần của huyền thoại quốc gia.” Phần lớn các câu trả lời mà các nhà xã hội học thu được trong quá trình thăm dò ý kiến nhấn mạnh sự đơn giản và cởi mở trong tính cách Nga. “Đó khó có thể là những đặc điểm tâm lý của người Nga hay là tư duy của họ, nhưng là một hình thức (modus) quan hệ với nhà nước và quyền lực cực kì đặc trưng của Nga. Nó rất thuận tiện cho các nhà chức trách trong quá trình làm việc với các thành viên xã hội khi tuân theo lối mòn này. Về khía cạnh đó, hiện nay cũng không khác gì thế kỷ XIX hay thời Xô-viết. Đấy là vấn đề của bộ máy tuyên truyền quốc gia nhằm diễn dịch những đặc điểm mà người ta cho là mình có và phụ thuộc vào thành niềm tự hào dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang chứng kiến cách thức mà điều này phát triển thành huyền thoại về ‘con đường đặc biệt của Nga”, Dubin cho biết.
Hầu bao rộng
Sự hào phóng của tính cách Nga thường xuất hiện như một bất ngờ đối với người ngoại quốc. Cụm từ “tâm hồn phóng khoáng” đã trở thành cửa miệng, nhưng xác định ý nghĩa của nó không phải việc dễ. Ở mức độ bình thường nhất, hào phóng, trái ngược với tham lam, vẫn còn là một phần bản chất của người Nga. Người Nga vẫn thích có những cử chỉ đẹp và làm bạn bè ngạc nhiên với những món quà hào phóng. Chia tiền thanh toán tại cuộc họp mặt giữa bạn bè hoặc kiểm tra hóa đơn tại nhà hàng bị coi là nhỏ nhen. Cái gọi là “những người Nga mới”, tức những người đổ xô đến các khu nghỉ dưỡng ở châu Âu trong thập kỷ qua, đã trở nên nổi tiếng vì họ để lại những khoản tiền tip khá lớn.
Nhưng tính cách Nga được tạo thành từ cả hai: lạnh lùng và ấm áp. Khái niệm về tình đoàn kết chỉ được áp dụng với những người gần gũi và thân yêu, nhưng khó có thể nói đấy là hiện tượng xã hội. Sự thờ ơ xã hội, đặc trưng cho nước Nga hiện đại, không phải là vấn đề hào phóng, mà là hậu quả của sự bất tín đối với toàn bộ các thiết chế chính phủ và thậm chí với các thiết chế phi chính phủ. Ngay cả khi muốn giúp đỡ một ai đó, một người Nga trung bình thường quyên góp cho giáo xứ ở gần nhất hoặc cho ngay người họ hàng tương đối nghèo khó. Thái độ của người Nga đối với tổ chức từ thiện không tương thích với thái độ ở các nước giàu có nhất – các thảm họa động đất gần đây ở Haiti và phản ứng của người Nga để thể hiện rõ ràng tình trạng này.
Một làn sóng từ bi dâng lên khắp thế giới và người dân thuộc các dân tộc khác nhau quyên góp cho những tổ chức từ thiện khác nhau. Trong một chương trình từ thiện do đài truyền hình ZDF và báo Bild tổ chức, người Đức đã quyên được 20 triệu € (24,6 triệu USD). Người Thụy Điển chuyển 5 triệu € (6,1 triệu USD) viện trợ ngay trong những ngày đầu tiên sau khi xảy ra thảm họa. Không cần phải nói rằng Hoa Kỳ, nơi mà 90% dân số tham gia các tổ chức từ thiện, đứng đầu danh sách các nhà tài trợ. Ở cấp độ nhà nước, Nga cũng cấp khoảng 13 triệu € (16 triệu USD) thông qua Liên Hợp Quốc và đã gửi một bệnh viện di động và một nhóm các bác sĩ, nhưng khó có thể nói đây là kết quả của “tình thương vĩnh cửu của người Nga”, như Dostoevsky từng nói. Hầu hết người dân Nga tỏ ra thờ ơ trước các sáng kiến của Hội Chữ thập đỏ Nga. Cuối tháng Một có tin nói rằng người Nga không có bất kì đóng góp cá nhân nào cho Haiti.
Tài sản tinh thần mới
Có lẽ tâm hồn Nga vẫn đang tìm kiếm chân lý và những giá trị vĩnh hằng, nhưng ngày nay điều đó đang chuyển thành chiến thắng của một nền văn hóa tiêu thụ ở những mức độ khác nhau – từ siêu giàu đến tầng lớp trung lưu cấp dưới. Câu nói nổi tiếng của Rene Descartes “Tôi tư duy, vậy là tôi tồn tại”, ngày hôm nay ở Nga có dễ dàng nhại thành “Tôi tiêu thụ, vậy là tôi tồn tại”, để thể hiện cái gọi là “tiêu thụ phô trương”.
Trở lại năm 2004, theo tổ chức Nghiên cứu Thị trường R-TGI thì hơn 57% người Nga nói rằng họ có đủ tiền không chỉ để chăm lo cho các nhu cầu thường nhật mà còn mua sắm cho vui. Người tiêu dùng khao khát đổ xô đến các trung tâm mua sắm và chuỗi cửa hàng với tốc độ tương đương với tốc độ mà những người xây dựng có thể xây dựng chúng. Từ năm 2000 đến năm 2007, nhu cầu tiêu dùng ở Nga đã tăng 20 đến 30% một năm. Mặc cho khủng hoảng kinh tế, trong hai năm vừa qua (2007-2008 – ND) 28% các gia đình đã vay để tiêu dùng, theo kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada tiến hành năm 2009.
Nhưng các nhà tâm lý học nhìn hiện tượng sáng chói này từ một góc độ bất bình thường và chỉ ra mùi vị Nga của lễ hội tiêu dùng này: “Thậm chí các nhà phân tâm học phương Tây cũng khẳng định rằng đau khổ là một trong những qui tắc tâm lý của lối sống của người Nga, từ thời Dostoevsky và cả trước đó nữa. Nó nằm rất sâu, tận đáy tâm hồn họ. Do đó, ngay cả nền văn hóa tiêu dùng, tức là nền văn hóa đang tìm cách đưa vào thiên hướng sống và niềm vui, đôi khi trông vẫn như một chú hề buồn”, Makhovskaya nhận định. Trung tâm Levada còn thực hiện một cuộc khảo sát đặc biệt trong những người Nga giàu có ở đô thị, đại diện cho giai cấp trung lưu lớp trên. “Có tới 60 đến 70% số người được hỏi tin rằng ở Nga, họ có thể mất tất cả mọi thứ vì những lý do khác nhau, và không coi địa vị của họ là ổn định. Họ không chắc chắn rằng con cái họ sẽ có thể kế thừa tài sản của họ. Đây là lý do chính để người ta tiêu tất cả mọi thứ ngay hôm nay và nhận bất cứ thứ gì mà số tiền hiện có có thể mua”, Dubin cho biết.
Rèn đúc giới trẻ
Đối với những người quyết liệt ủng hộ chủ nghĩa tư bản, công việc và sự nghiệp vẫn là điểm tham chiếu chính trong cuộc đời. Đối với đa số người Nga ở độ tuổi 18 đến 25, mục tiêu chính là thực hiện khát vọng có một cuộc sống thịnh vượng và noi theo các khuôn mẫu thành công xã hội đã được mọi người công nhận. Điều này thường được gọi là “cuộc khủng hoảng bản sắc” chứ không phải là trở lại truyền thống dân tộc hay các khuôn mẫu cổ xưa. “Giới trẻ là những người thực dụng (pragmatic) nhưng đồng thời lại tỏ ra khá lo lắng và dễ ngả theo người khác (conformism). Họ sống bằng những nhu cầu hàng ngày chứ không phải bằng những ý tưởng hay niềm tin lớn. Họ đánh giá giáo dục chủ yếu là theo số tiền lãi mà nó có thể mang về. Họ là những người rất cá nhân chủ nghĩa và điều này xác định lối sống của họ. Đó là một loại ý thức ngắn hạn và tính cách khá nông cạn. Trước đây cái này được gọi là người tầm thường”, Mahovskaya nhận định.
Đa số thanh niên, thành phần năng động nhất của xã hội, hiểu quyền tự do mới giành được không phải như cơ hội để xây dựng một xã hội dân sự, mà chủ yếu như cơ hội có cuộc sống an toàn và tiêu thụ nhiều nhất có thể. “Cho đến thời gian gần đây, đa số thanh niên Nga là những người rất dễ ngả theo người khác (conformist), họ không có văn hóa phản kháng (counterculture), tức là văn hóa có thể chống cự lại chủ nghĩa tiêu thụ. Tất cả mọi người, trong đó có thanh niên, đang tranh đấu để có thể tiếp cận thị trường hàng hóa tiêu dùng. Nhưng thời gian thật gần đây, chúng ta đã thấy có sự thay đổi dần dần,” Karin Kleman, một nhà xã hội học người Pháp, từng nghiên cứu nền văn hóa của giới trẻ Nga cho biết.
Cho đến nay ở Nga chẳng có mấy không gian cho phong trào chống toàn cầu hóa, cho các nhóm tiêu dùng đề cao đạo đức hay các nhóm thanh niên thân thiện với môi trường – những hiện tượng phổ biến trong giới trẻ ở phương Tây. Các nhà xã hội học cũng lưu ý một đặc điểm khác của thế hệ trẻ Nga, những người chưa từng sống ở Liên Xô. Khác với những bộ phận dân cư khác, thanh niên Nga cởi mở với việc liên kết xã hội, họ là những người có tư tưởng quốc tế hơn – nhưng chỉ trong trường hợp tình hình ổn định. Nếu có chuyện bất thường, cơ chế bù đắp (compensatory mechanism), tức cái cơ chế biện minh cho “con đường đặc thù của Nga” sẽ vận hành ngay cả đối với thanh niên. “Tuy hấp thu chủ yếu văn hóa và sản phẩm phương Tây, nhưng khi cần lựa chọn, thanh niên sẽ áp dụng tiêu chuẩn và khuôn mẫu của đa số. Trong một tình huống rất đơn giản, khi một đội bóng Nga thắng hay thua trong một cuộc thi đấu thể thao, thanh niên lập tức trở thành những người bất dung hoặc thậm chí bài ngoại như tất cả những người khác. Đa số chia sẻ quan điểm về tính cách đặc biệt của nước Nga và người Nga, và đa số có thái độ thù địch đối với thế giới bên ngoài”, Dubin cho biết.
Nhưng thay đổi đang diễn ra, dù có chậm. Trong 3-4 năm qua, cuối cùng, các nhà xã hội học cũng đã bắt đầu nói về một văn hóa độc lập của giới trẻ ở Nga. “Điều đó phát triển chủ yếu, nhưng không phải là tuyệt đối, trên Internet mà năm 2008 có đến một phần ba dân số sử dụng, đó là nơi mà nền văn hóa đang vươn lên này có những hình thức phong phú”, Alexei Levinson, người đứng đầu Phòng Nghiên cứu Xã hội tại Trung tâm Levada nhận định.
Nguồn: Elena Rubinova, “Evolution of the Homo Sovieticus“, Russia Profile 07/08/2010
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra