5/4/14

Dầu Khí Âu-Mỹ và Ống Dẫn Khí Nối Ruột Nga-Hoa


  Saturday, April 5, 2014

Dầu Khí Âu-Mỹ và Ống Dẫn Khí Nối Ruột Nga-Hoa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140404

Chuyện Dầu Khí - Thổi Từ Ukraine Qua Đông Hải


 * Ống dẫn Nga Hoa, dự án trên mạn Bắc * 


Việc Vladimir Putin thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine xảy ra khi kinh tế Liên bang Nga tăng trưởng chậm hơn – bị suy trầm – và có thễ dẫn tới suy thoái, là không tăng trưởng dù chậm mà còn tụt xuống số âm. Nhìn trong một viễn cảnh dài, vụ khủng hoảng Ukraine còn đánh dấu một chuyện động lớn lao hơn vậy, đó là vai trò mới của năng lượng, khi cuộc cách mạng về dầu thô và khí đốt tại Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi tương quan kinh tế giữc các khu vực của toàn cầu.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại....

Bài học thường thức về địa dư chính trị và an ninh kinh tế cứ hay được tóm lược như sau, đôi khi để giải thích sự tranh chấp hay chinh chiến từ hơn nửa thế kỷ vừa qua:

Thế giới có hai nhu vực sản xuất nhiều năng lượng dầu khí nhất, đó là Trung Đông và nước Nga. Và có hai khu vực tiêu thụ mạnh nhất, ở quanh Ấn Độ dương và Đông Á. Nơi tiêu thụ bao trùm lên một xứ đông dân và mới ni63i là Ấn Độ, trải qua các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, tới Trung Quốc vừa cải cách và lên vùng Đông Bắc Á của các nước đã công nghiệp hoá mà không có dầu khí: Nhật Bản, Nam Hàn và cũng nên kể thêm Đài Loan.

Vì dầu khí, xin gọi chung là năng lượng không tái tạo, là nhiên liệu cần thiết cho công nghiệp cho nên chuyện cung cầu đã trở thành định luật chi phối quan hệ giữa các khu vực và các nước, giữa nguồn sản xuất và nơi tiêu thụ. Các nước liên kết hoặc cạnh tranh với nhau không chỉ vì y thức hệ hay tư tưởng mà còn vì nguyên liệu tối cần thiết cho kinh tế.

Trong khung ảnh đó, thế giới có "Lục địa già" là Âu Châu và siêu cường mới nổi từ trăm năm thì nghe nói là đã bắt đầu lụn bại, là Hoa Kỳ. Cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều cần năng lượng và từ bốn chục năm trước, người ta đã báo động cái ngày cạn dầu khí, peak oil khiến các nước bán dầu có thể chi phối được thế giới.

Nói về "Thế giới già", the Old World, sau nhiều thế kỷ tung hoành tứ phương để tìm nguyên nhiên vật liệu rồi giết nhau bao lần, ngày nay Âu Châu đã an phận thủ thường. Các nước trong khu vực tìm cách dung hòa với Trung Đông cùng nước Nga, để có nhiên liệu sưởi ấm tuổi già.

Còn Hoa Kỳ thì vì sợ cạn dầu và mất an toàn về năng lượng nên đòi gây chiến khắp nơi để xài dầu của xứ khác. Gần đây nhất là vụ tấn công Iraq năm 2003 "chỉ để tìm dầu", như nhiều nơi kết án! Vì đi trước, Hoa Kỳ còn sợ ô nhiễm môi sinh nên muốn làm cuộc cách mạng năng lượng xanh. Hạn chế khí thải rồi bắt gió hay nhốt ánh sáng mặt trời để có năng lượng sạch và tái tạo là chủ trương của Chính quyền Barack Obama với sự cổ võ của đảng Dân Chủ và các nhóm áp lực.

Thế rồi giữa cơn nguy nàn ấy, một cuộc cách mạng năng lượng khác đã bất ngờ xảy ra!

Chuyện quang phong năng vẫn còn hão huyền. Vụ công ty Solyndra phá sản sau khi lãnh trợ cấp của Chính quyền Obama là cái ngoặc đơn được báo chí thiên tả khép lại cho kín. Cách mạng bất ngờ là người ta tìm ra kỹ thuật giải phóng dầu thô và khí đốt bị nhốt trong các phiến đá trầm tích. Đó là kỹ thuật fracking.

Khởi đi từ năm 2006 tại Hoa Kỳ, kỹ thuật gạn cát ra dầu khí, hoặc đánh bung những túi dầu bị nhốt - dầu chặt hay tight oil - đem lại triển vọng mới cho các nước có loại trầm tích này.

Trước tiên là triển vọng cho nước Mỹ, với nhiều "túi đá" rộng lớn tại các tiểu bang Texas, Louisiana, North Dakota, Pennsylvania, Ohio, New York và nơi khác. Trong vòng mươi năm tới, Hoa Kỳ có tiềm năng vượt qua Liên bang Nga và Saudi Arabia thành quốc gia có sản lượng dẫn đầu thế giới, lại còn dư để xuất cảng qua xứ khác. Tiềm năng đó sẽ làm thay đổi vị trí địa dư kinh tế của vùng Vịnh Mễ Tây Cơ qua tới khu vực Trung Mỹ, bao trùm lên vùng biển Caribbean và có thể xuống tới xứ Brazil.

Nhưng không chỉ có Hoa Kỳ. Canada và Mexico cũng tìm ra nhiều khu vực có thể khai thác và đưa cả lục địa Bắc Mỹ thành một trung tâm năng lượng của thế giới. Chúng ta sẽ chứng kiến việc thay bậc đổi ngôi, với Trung Đông và nước Nga mất dần vị trí trọng yếu. Sự chuyển dịch trọng tâm năng lượng còn bao gồm nhiều quốc gia Âu Châu, nay cũng đã tìm ra những khối trầm tích có khí đốt. Lục địa già có thể trỗi dậy và nhìn năng lượng Nga hay Trung Đông theo cách khác....

Khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, cả thế giới nói đến cái thế rất mạnh của Putin nhờ năng lượng của Nga đang bắt bí các nước Âu Châu. Sự quờ quạng bất nhất của Chính quyền Obama có thể kéo dài cái thế của Putin được vài năm, nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ chuyển hướng theo thực tế mới của năng lượng và địa dư kinh tế. Các nước Âu Châu cũng vậy, sẽ phải thay đổi để thoát vòng kiềm tỏa năng lượng của Liên bang Nga.

Manh nha từ vài năm nay, chiều hướng đa diện hóa nguồn cung cấp dầu khí cho Âu Châu đã là bài toán sinh tử cho Putin. Nhìn về dài thì vụ Ukraine là đỉnh cao, hay điểm lật, của ông ta.

Từ nhiều năm nay, Nga đã thấy ra hai chuyển động nặng, hai xu hướng khó cưỡng.

Trước hết, Âu Châu sẽ ít lệ thuộc hơn vào năng lượng của Nga và tìm nguồn cung cấp điền thế. Và càng sớm đạt kết quả đó nhờ sức đẩy của Mỹ qua xuất cảng dầu khí và nhờ đầu tư vào hệ thống tái chế khí lỏng thành khí đốt để phân phối cho các nước. Hoa Kỳ cũng sẽ phổ biến kỹ thuật khai thác khí đốt cho các nước có đá trầm tích nếu được đầu tư dễ dàng để cùng chia mối lợi về năng lượng.

Chuyển động thứ hai và ngược lại, Á Châu vẫn là nơi cần năng lượng hơn cả.

Trong vòng 20 năm tới, khu vực kéo dài từ Ấn Độ dương qua Thái Bình dương sẽ tiêu thụ đến 85% số năng lượng toàn cầu. Đứng đầu là Trung Quốc, sau đó tới Ấn Độ, và thường xuyên là Nhật Bản và Nam Hàn, ở mức độ thấp hơn hai xứ đông dân kể trên. Cho nên, trong khi Hoa Kỳ có thể nhìn vào Trung Đông với con mắt khác, Á Châu vẫn cần tới dầu khí Hồi giáo tại Trung Đông.

Nhìn từ nước Nga, với khu vực dầu khí xa xôi mãi ở Tây Bá Lợi Á Siberia, thì sức hút về khí đốt của Châu Á mới có triển vọng. Liên bang Nga của Putin thấy gần gũi hơn với Trung Quốc của Tập Cận Bình và đôi bên đang nối kết sự hợp tác qua mạng lưới các ống dẫn khí xuyên lục địa.

Xuyên lục địa cũng có nghĩa là qua nhiều nước Hồi giáo Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkemenistan và Uzbekistan...

Ở bên này, xuyên qua Đại Tây dương, là hệ thống hàng hải có thể đưa khí lỏng từ Bắc Mỹ qua Tây Âu, dưới sự hộ tống và bảo vệ của các hạm đội Tây phương. Và vì trái đất hình tròn, dầu khí từ Bắc Mỹ cũng có thể vượt Thái Bình dương để tiếp vận cho Nhật Bản, Nam Hàn.

Cho nên, âm thầm mà mãnh liệt, cuộc cách mạng năng lượng đang dẫn tới những xoay chuyển có ảnh hưởng lâu dài.

Kết luận tạm ở đây là hai nước đồng chí, rồi cừu thù, rồi lại đồng minh, là Trung Quốc và Liên bang Nga, thấy gắn bó với nhau nhờ sợi dây nối ruột là khí đốt. Nhưng cả hai đều chỉ là cường quốc đại lục và có cảm giác như bị bao vây phong tỏa bởi các nước Tây phương, từ Bắc Mỹ qua Âu Châu tới Nhật Bản. Chưa nói gì đến Ấn Độ ở bên kia Hy Mã Lạp Sơn, bên cạnh Ấn Độ dương. Ngoài khía cạnh hợp tác và cạnh tranh Nga-Hoa, việc Trung Quốc quậy sóng Đông hải và khống chế vùng biển Đông Nam Á dĩ nhiên là có lý do an ninh và kinh tế.

Nhưng đã gây phản ứng ngược, chạy dài từ Nhật Bản qua Ấn Độ.

Nhiều người trong chúng ta đã thấy sự tương đồng giữa những gì xảy ra tại Ukraine dưới sức ép của Putin, và những gì xảy ra tại Việt Nam, dưới áp lực của Bắc Kinh. Ngoài sự phấn đấu đầy gian nan của lãnh đạo Ukraine tại Kyiv, chúng ta cũng nên để ý tới vai trò của năng lượng và những chuyển động lớn trong thập niên trước mặt....

Ngẫm lại thì 40 năm về trước, trong cơn hấp hối của Việt Nam Cộng Hoà, lãnh đạo Hà Nội chưa biết sợ khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng đoạt. Ngày nay, quần đảo Trường Sa và cả khu vực Đông Nam Á còn bị hải quân Trung Quốc uy hiếp. Một trong nhiều động lực của sự bành trướng cũng là dầu khí, hay an ninh về năng lượng cho một xứ đói ăn khát dầu.

Chuyện ý thức hệ - xã hội chủ nghĩa với màu sắc linh linh hay kinh tế thị trường theo định hướng lăng nhăng - nằm ở đâu trong bài toán chiến lược đó? Rõ là vớ vẩn!

Source : Việt Báo . Dainamax Tribune 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét