Câu chuyện nước Mỹ: Kinh tế, dầu khí, và họa sỹ…Bush
Theo Hieu Minh Blog
Lâu rồi Cua Times không điểm tin nước Mỹ, đâm nhớ. Mùa hoa anh đào đang về, magnolia nở rực rỡ trước cửa World Bank, nước Mỹ tạm biệt mùa đông kéo dài, lạnh lẽo và ảm đạm, đang chào đón xuân về.
Nước Mỹ có nhiều tin vui tuần qua.
Theo IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), nền kinh tế toàn cầu đang cải thiện sau cuộc suy thoái trên thế giới năm 2008, nhưng còn quá yếu kém không thoải mái.
World Bank, IMF đang chuẩn bị cho cuộc họp giữa kỳ mùa Xuân (Spring Meeting) tại Washington DC, nên các thông báo về kinh tế, dự báo sắp tới thi nhau được tung ra.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF, cảnh báo rằng, vụ đối đầu giữa Phương Tây và Nga liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảm Crimea của Ukraine và các cuộc khủng hoảng chính trị khác có thể gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.
Dẫu vậy kinh tế Mỹ vẫn có vẻ khả quan. Nhà Trắng vừa thông báo, hơn 7,1 triệu người đăng ký chương trình y tế Obamacare, một thành tựu lớn lao về xây dựng CNXH tại Hoa Kỳ, người nghèo có được bảo hiểm y tế ưu đãi, một chương trình mà phía Cộng hòa cáo buộc Obama theo cộng sản “cào bằng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”.
Trong tháng 3, có 176 ngàn việc làm mới được tạo ra, hồi tháng hai số đó là 175.000, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống khoảng 6%, so với 9-10% mấy năm trước đây. Đó là tín hiệu tốt lành. Một quốc gia 315 triệu người mà một tháng thêm 170 ngàn việc mới đã mừng. Lạ thật :)
Dân Mỹ khen nhau “Good Job” nghĩa là được đấy, là câu cửa miệng về tầm quan trọng của việc làm tại xứ cao bồi. Không có Job, nước mất, nhà tan, hết cả mọi giấc mơ Mỹ.
Theo bà Janiet Yellen, Chủ tịch Ngân hàng TƯ Mỹ – ngang với thống đốc bên ta, 29 trên tổng số 30 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có đủ sức tài chính để chống chọi với một cuộc suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chỉ số chứng khoán giảm 50% và giá nhà đi xuống không phanh. Triển vọng kinh tế Mỹ khá dần lên. Fitch xếp hạng tín dụng Mỹ là AAA.
Bắt chước Ba Lan, Canada và Mỹ đang quảng cáo khai thác dầu khí
Đi tầu điện ngầm, du khách thấy những tờ quảng cáo về khai thác dầu khí, hợp tác giữa Canada và Hoa Kỳ. Hóa ra họ đã đánh hơi thấy tiền từ dưới đất. Vụ khủng hoảng Ukraine, Nga dọa tăng giá khí đốt hoặc cắt sang EU, đã giúp các nhà chính sách Mỹ đang nhìn lại kho dầu khí tự nhiên của mình.
Năm 2008 và 2009, Putin từng khóa van đường dẫn khí đốt sang EU, làm cho các quốc gia này hoảng loạn. Nhưng đó là trò nghịch dại của anh Ivan.
Ba Lan thấy không thể phụ thuộc vào tay hàng xóm dở người, hay thay đổi, hơi tý là dọa, họ đã lập một đường ống dẫn khí riêng, nhập từ Đức, có trạm nhận ở Mallnow bên biên giới hai nước.
Hiện nay, vừa nhập khẩu, vừa khai thác nội địa, Ba Lan gần như không phụ thuộc vào nguồn khí của Nga. Nếu họ nhập, thì giá cả sẽ được điều đình cho hợp lý.
Đường dẫn khí một chiều Yamal từ Nga sang EU cung cấp 2,3 tỷ m3 khí một năm. Đường dẫn khí của Ba Lan tự xây dựng lấy có thể nhập 620.000m3/giờ hay 5,5 tỷ m3/năm, nhập từ Tiệp, Qatar.
Sau vụ Ukraine, EU và Mỹ sẽ nghĩ lại chiến lược dầu khí, tránh phụ thuộc vào Nga. Phía Mỹ, nếu chương trình khai thác khí tự nhiên được khởi động thì không có cách nào dừng bởi tư bản coi lợi nhuận là trên hết. Các công ty sẽ hoạt động hết công suất và giá khí đốt thế giới sẽ giảm.
Ngoài ra, chương trình xanh hóa trái đất sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học hàng đầu của phương Tây tích cực tìm ra nhiên liệu thay thế khí đốt tự nhiên. Xe dùng ắc qui, tiết kiệm nhiên liệu, điện dùng năng lượng mặt trời… thuộc về công nghệ cao mà phương Tây đang nắm vững.
Israel hiện đang là quốc gia cũng có hai vũ khí: chất xám và khí đốt. Năm ngoái họ đã khai thác mỏ khí ở Tamar lần đầu tiên và trữ lượng đủ dùng cho 25 năm. Nhìn EU khủng hoảng, người Do Thái chắc chắn sẽ nghĩ đến xuất khẩu.
Về ngắn hạn, Nga có thể làm phiền EU nhưng về dài hạn, đó là hành động gấu tự chặt nanh vuốt của mình.
Một khi Mỹ và EU đã xắn tay áo về dầu khí, Putin sẽ tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời làm chính trị của mình.
Họa sỹ Bush vẽ võ sỹ Putin
Giả sử hôm nay Thủ tướng về hưu Phan Văn Khải, TBT Lê Khả Phiêu hay ông Đỗ Mười mở phòng tranh triển lãm tranh vẽ của mình tại Sài Gòn thì liệu có choáng cho báo chí nước nhà hay không?
Thế mà bên Mỹ mọi chuyện có thể xảy ra. Ông Bush sau khi tấn công Iraq, không tìm ra được vũ khí hủy diệt, khi về vườn đã cắp sách đi học vẽ. Không “vẽ” ra chiến thẳng ở Iraq, dân chủ Arap, hay vũ khí ở sa mạc thì cũng vẽ được cái gì đó, cuộc đời ông không thể không vẽ. Lần này ông chọn người mẫu, võ sỹ judo Putin.
Dân báo chí còn nhớ câu nổi tiếng của ông Bush khen Putin khi hai người lần đầu găp nhau năm 2001 “I looked the man in the eye. I found him to be very straightforward and trustworthy, I was able to get a sense of his soul: a man deeply committed to his country and the best interests of his country. – Tôi nhìn vào mắt anh ấy, tôi thấy đó là con người thẳng thắn, đáng tin cậy, tôi cảm nhận được nội tại bên trong của anh ấy, một con người hết lòng vì đất nước và vì quyền lợi quốc gia của anh ấy.”
Câu nói đó là của tâm hồn nghệ sỹ, không phải từ trái tim sắt đá của tổng thống siêu cường. TT Bush không thể quên ánh mắt ấy, nên ông bỏ thời gian dài học vẽ và cố lột tả thần thái Putin.
Ngày 4-4-2014, bang Texas, quê hương của TT Bush, chính thức mở cửa triển lãm tranh do cựu Tổng thống Bush vẽ sau khi ông về vườn. Và bức chân dung Putin với đôi mắt sâu KGB treo trang trọng trong phòng tranh, gây nhiều sự chú ý.
Tờ Washington Post có bài đăng vui về chuyện sau này Bush có thay đổi đôi chút về Putin. Đó chính là hai con chó của hai gia đình. Ông Bush có chú chó Barney bé tý, khi cho Putin xem, thì ông này than, thế này mà gọi là chó ư.
Trong lần thăm đáp lễ ở nhà riêng ngoại ô Moscow, Putin đã cho Bush xem con chó săn to lớn hơn nhiều so với Barney và bảo khách “To hơn, khỏe hơn và nhanh hơn Barney”. Nước Nga to lớn đã dọa nước Mỹ mà không ai biết, trong lúc ông Bush cú Putin tại sao dám coi thường chú chó Barney.
Qua câu chuyện này mới biết, phương Tây còn lâu mới hiểu nổi Putin. Cho dù Bush vẽ chân dung Putin thành công, thì cũng không thể nói, Hoa Kỳ hiểu được người KGB trong điện Kremlin. Tìm ánh mắt Putin để hiểu thực sự ông nghĩ gì cũng giống như tìm vũ khí hủy diệt ở Iraq.
Một độc giả comment trên tờ WP khi đọc bài này “Think of how many millions of lives could have been saved if Hitler and Bush had simply gone to art school instead of becoming the leaders of a country. – giá như Hitler và Bush cùng đi học vẽ thay vì làm lãnh đạo quốc gia, thì thế giới này hàng triệu người được cứu rỗi.
Độc giả này quên, lẽ ra phải thêm Putin, và vài nhà lãnh đạo độc tài khác. Thay vì biểu tình, lật đổ, thay đổi chế độ, hãy khuyên họ đi học vẽ, thế giới sẽ bình yên hơn. Bởi thay vì “vẽ” ra một chế độ không có thật, thì nên vẽ gì đó rất đời. Không thành công thì ít nhất cũng như ông Bush, tả được ánh mắt KGB của Putin bằng cành cọ vàng xứ bạch dương.
HM. 4-4-2014 – toàn số 4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét