29/8/13

Hoa vàng ngày xưa


29.08.2013

bởi Nguyễn Trần Diệu Hương

Dưới những đám mây đen vần vũ trên bầu trời tháng 5 của Sài Gòn mưa nắng hai mùa, chúng tôi ghé cafe Hoa Vàng không phải để tránh mưa, cũng không phải vì muốn uống chất kích thích màu đen - rất dễ bị ghiền -  mà vì muốn được gặp mặt thi sĩ Phạm Thiên Thư tác giả của hai bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc rất hay "Động Hoa Vàng" và "Ngày xưa Hoàng Thị".

Đó là một quán cafe nhỏ, bình thường như mọi quán cà phê loại trung bình ở Sài Gòn, diện tích gần như là một hình vuông mỗi cạnh khoảng sáu mét, được trang trí bằng các bức tranh tĩnh vật, có đủ cả mai, lan, cúc, trúc. Quán có một bình hoa hồng màu đỏ làm bằng vải trong góc phòng, không có lấy một đóa hoa màu vàng như tên gọi của quán. May thay,trước cửa quán có nhiều cây cảnh, dưới cái nóng gần 40 độ C cùa Sài Gòn, cũng không có lấy một nụ hoa, ngoại trừ vài cái hoa chuông vàng nằm khép nép ở  góc trái bên ngoài quán, phải tinh ý mới thấy được.

Chừng đó thôi, nhưng đủ để  khách đến cà phê Hoa Vàng nhớ đến hình ảnh "em tan trường về anh theo Ngọ về" dễ thương của học trò những năm cuối Trung học. Trong mắt của ông chủ quán, thi sĩ  Phạm Thiên Thư, có cả một động hoa vàng rực rỡ, có cô Hoàng Thị Ngọ đội nón lá mặc áo dài trắng, vẫn đẹp ngây thơ như chưa hề có hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Và dĩ nhiên có cả hình ảnh của anh học trò đệ tam Phạm Kim Long (tên thật của thi sĩ Phạm Thiên Thư} kiên trì "em tan trường về anh theo Ngọ về" suốt cả một năm học. Thời đó các nam sinh Trung học theo các nữ sinh bằng một khoảng cách rất xa, cả  hai, ba chục thước. Thảng hoặc vô tình hay cố ý, nàng quay lại nhìn, chàng bối rối cúi xuống giả vờ cột dây giày hay giả vờ cúi xuống lượm sách vở tránh ánh mắt ngây thơ có pha chút tò mò, tinh nghịch của nàng. Và như vậy tình yêu dù đơn phương hay song phương, nếu không có duyên nợ vợ chồng, thì suốt đời vẫn là một tình yêu trong trắng tinh khôi.

Sau một thoáng "mời người lên xe tìm về quá khứ" với tiếng hát cao vút ngọt ngào của Thái Thanh phát ra từ cái máy cũ ở một góc phòng, ông PTT cho biết hình như bà Hoàng Thị Ngọ đang sống ở Quận Cam (Orange County), thủ đô tỵ nạn của người Việt lưu vong . Và vì không có cơ hội liên lạc với người xưa từ ngày "anh theo Ngọ về" có chỗ đứng vững chắc trong âm nhạc Việt Nam, hình ảnh cô Ngọ xinh tươi ở tuổi đẹp nhất đời người mãi mãi còn nguyên vẹn trong ông. Đó là mẫu con gái đẹp trong mắt nhà thơ, nên bà Phạm Thiên Thư bây giờ, mẹ của ba cậu con trai và một cô con gái đã trưởng thành của ông - theo ông - giống bà Hoàng Thị Ngọ đến hơn 80%.

Cũng giống như chị em Thúy Kiều, Thúy Vân "mười phân vẹn mười" trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, cô Hoàng Thị Ngọ có cô em gái tên Hoàng Thị Thân, kém chị hai tuổi, cũng đẹp như chị nhưng anh thanh niên Phạm Kim Long không dám "thả mồi bắt bóng" nên cho đến bây giờ và mãi mãi chỉ có mỗi một bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" được Phạm Duy phổ nhạc với câu hát nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thuộc nằm lòng "em tan trường về anh theo Ngọ về".

Chính chúng tôi khi còn là nữ sinh, cũng thuộc câu hát này từ năm mới vào Trung học, lớp sáu, mặc dù hồi đó cứ tưởng ngõ về là danh từ chung,  lối đi về của nàng, chứ không phải là Ngọ, một danh từ riêng, tên của một người con gái, (chắc là sinh vào năm con ngựa?). Lối hát luyến láy làm dấu nặng(Ngọ) và dấu ngã (ngõ) nghe giống nhau.  Mãi đến sau, sau này chúng tôi mới biết đó là tên thật của một cô nữ sinh dễ thương duyên dáng học cùng lớp đệ tam với nhà thơ PTT ở trường Trung học Văn Lang (Tân Định, Sài Gòn).

Năm tháng trôi qua rất nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi đi ra khỏi cuộc đời, con số thanh niên mới lớn theo chân người trong mộng chắc phải là cấp số nhân của cả hai bàn tay lẫn hai bàn chân cộng lại nhưng chỉ có mỗi một Phạm Thiên Thư, mỗi một Hoàng Thị Ngọ, nên chưa và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có "Ngày xưa Ngô Thị ", "Ngày xưa Bùi Thị", "Ngày xưa Nguyễn Thị"... với "anh theo Thủy về, anh theo Loan về, hay anh theo Trân về..." mặc dù nhiều anh thanh niên mới lớn còn si tình hơn, kiên trì theo gót các bóng hồng hơn cà anh chàng tuổi trẻ Phạm Thiên Thư của cuối thập niên 50s.

Ở tuổi ngoài 70, nhà thơ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn nhiều cảm hứng sáng tác, chỉ có điều khác biệt là từ thơ tình của những ngày thanh xuân, ở tuổi hoàng hôn ông chuyển sang thơ đạo. Ông còn soạn cả Tự điển cười để đem đến một chút bình yên cho cuộc đời không phải lúc nào cũng mang màu hồng lạc quan, hay màu xanh hy vọng.

Hai bài thơ “Động hoa vàng và “Ngày xưa Hoàng Thị được phổ nhạc bởi Pham Duy. Cả thi sĩ và nhạc sĩ đều rung động khi sáng tác, đều gởi cả tim óc và tấm lòng vào tác phẩm nẻn không ai ngạc nhiên khi bài "Ngày xưa Hoàng Thị" thuộc loại  bài hát "sống lâu" và có thể là "bất diệt", được rất nhiều ca sĩ hát. Nhưng nhà thơ cho biết ông nghĩ là Thái Thanh diễn tả hay nhất, nói lên được  mối tình si của ông với cô Hoàng Thị Ngọ. Có lẽ vì Thái Thanh cũng trạc tuổi với Phạm Thiên Thư. Khi người ta sống cùng thời, cùng vị trí địa lý, thì người ta thông cảm nhau hơn. Và biết đâu khi diễn tả "Ngày xưa Hoàng Thị" , Thái Thanh không chỉ hát vì nghề nghiệp mà bà còn thả hồn về thời mới lớn của chính mình, về những cây si đã theo bà đến mòn cả giày dép?

Và vì vậy trong bầy con tinh thần khá đông của Phạm Thiên Thư, từ thơ, văn, đến biên khảo, từ tình yêu đến tôn giáo, chúng tôi, thế hệ hậu sinh,vẫn thích tập thơ Động hoa vàng và bài thơ  Ngày xưa Hoàng Thị  nhất.

Nhìn chúng tôi giành nhau hai quyển Động hoa vàng còn lại trong số sách bày bán ngay ở cafe Hoa Vàng, ông PTT "động lòng" đi lên gác lục lọi gia sản tinh thần của mình đem xuống quyển thứ ba, quyển cuối cùng. Chúng tôi rất vui vì có thủ bút của nhà thơ ký tặng. Chừng như thi sĩ còn vui hơn vì có người trân quý một trong những công trình tim óc của mình.

Không được biết cô Hoàng Thị Ngọ, chúng tôi kín đáo quan sát bà Phạm Thiên Thư để tìm lại  hình ảnh cô nữ sinh mà tên tuổi và hình ảnh thời mới lớn đã có một chỗ đứng trong cả thi ca và âm nhạc.

Chúng tôi đến cà phê Hoa Vàng không phải vì muốn uống cà phê, chùng tôi đến thăm thi sĩ Phạm Thiên Thư chỉ vì ông là tác giả của:


Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say


Và vì chúng tôi muốn thời mới lớn đẹp nhất đời người luôn còn lại trong chúng tôi  như lời nhạc phổ từ thơ :


Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
 Ðời như sóng nổi
 Xóa bỏ vết người
 Chân người tìm nhau tìm nhau

 Ôi con đường về
Ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp
 Lòng sao thấm mềm
 Ngắt vội hoa này
 Nhớ người thuở xưa thuở xưa


Đâu có cần phài giống nhau về quan điểm chính trị, tôn giáo, hay nhân sinh quan để cùng ngồi nói chuyện với nhau về một sáng tác có giá trị được rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ biết đến. Vì lẽ đó chúng tôi đến thăm thi sĩ Phạm Thiên Thư như một lời cảm ơn một tác giả đã góp vào thi ca và âm nhạc Việt Nam hai bông hoa rực rỡ không tàn “Ngày xưa Hoàng Thị” và “Động Hoa Vàng.

Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi ở một thời đẹp nhất đời người đã xa, xa mù tít tắp...

Nguyễn Trần Diệu Hương
California, tháng 8/ 2013

Source : VOA /Blog NXH

Phạm Thị Hoài - Nhân bản



Tháng 8 27, 2013
 

Trên Quân đội Nhân dân ngày 18-8-2013, trong bài mở đầu đợt phản công lời kêu gọi thành lập một đảng dân chủ xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, một tác giả Trọng Đức nào đó lập luận như sau: “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”. Hai ngày sau, một thạc sĩ Phạm Văn Thiết cũng phát biểu gần nguyên xi như vậy, cũng trên tờ báo này. Nhưng nguyên vẹn câu này thì đã được một PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng diễn đạt trong bài “Vì sao Việt Nam không cần đa đảng”, đăng trên trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam từ hơn hai năm trước, ngày 18-1-2011. Song đó cũng không phải là hồ sơ gốc của trị số tư tưởng này vì trước đó, ngày 8-8-2010 cũng trên Quân đội Nhân dân, một TS Lê Văn Bảo đã viết hệt như vậy trong bài “Dân chủ phụ thuộc vào bản chất đảng cầm quyền”, còn theo tường thuật của báo Công an Nhân dân ngày 03-6-2013 thì Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra kết luận như thế. Tài sản tuyên huấn của bộ máy tư tưởng chính thống ở Việt Nam hẳn là sở hữu trí tuệ tập thể, nhiều người có thể cùng là tác giả của một câu, giống nhau đến từng chữ.
Nhưng báo chí tuyên huấn còn có lệ nhân bản một người thành nhiều người. Bài “Dân chủ phụ thuộc vào lí tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền” được báo Nhân dân ngày 08-3-2013 giới thiệu là của một độc giả Mai Hoàng Kiên. Song Mai Hoàng Kiên cũng chính là độc giả Trung Thành với bài “Không ai có thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam!” đăng ngày 25-2-2013, là độc giả Tuyên Trần với bài “Quay đầu lại là bờ” đăng ngày 22-3-2013, là độc giả Tường Anh với bài “Vạch mặt những kẻ mạo danh“ đăng ngày 14-1-2013, là độc giả Trần Mai với bài “Từ hải ngoại nghĩ về các ‘nhà dân chủ’” đăng ngày 30-10-2012, là độc giả Hữu Đức[i] với bài “Vì sao, vì mục đích gì?” đăng ngày 13-11-2013 trên chính tờ báo này…, đồng thời là tác giả Trọng Linh với bài “37 năm bị bịt miệng trên xứ sở tự do” trên báo Công an Nhân dân ngày 27-3-2012 cũng như là Khánh Sơn của một Tạp chí Nhân quyền nào đó, và tất cả lại đều là một người, với bút danh Amari TX, xuất hiện gần đây nhất với bài “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan” đăng ngày 22-8-2013 trên Nhân dân. Tất cả những thông tin này được Amari TX, tự giới thiệu là một người Việt ở Mỹ, trưng ra như thành tích trên blog cá nhân ít người biết đến của mình.
Bước ngoặt bất ngờ nhất của câu chuyện nhân bản dư luận viên này là mới đây, một blogger bỗng phát hiện ra rằng Amari TX tức Mai Hoàng Kiên tức Trung Thành tức Tuyên Trần tức Tường Anh tức Trần Mai tức Hữu Đức tức Trọng Linh tức Khánh Sơn ad libitum cũng chính là TS Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Xây dựng Đảng. Điều này không có gì là hoang đường tới mức không thể tin nổi, rốt cuộc thì ông trùm tuyên huấn của chế độ, Hồ Chí Minh, đã đặt cả nền móng lẫn kỉ lục khó vượt qua cho chiến thuật phân thân và hóa thân bằng vô số bút hiệu. Nhưng tiếc rằng phát hiện nêu trên hơi quá vội. Phiếu xét nghiệm tư tưởng của ông TS Hoàng Văn Lễ sống ở Việt Nam trên Sài Gòn Giải phóng ngày 26-8-2013 cho thấy một nhóm trị số hoàn toàn khớp với phiếu của ông Việt kiều Amari TX sống ở Houston trên Nhân dân ngày 22-8-2013, song cũng hoàn toàn khớp với phiếu của ông PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, trên Tạp chí Cộng sản số 844 từ tháng 2-2013. Bây giờ muốn thanh minh rằng mình không phải Amari TX thì ông Hoàng Văn Lễ chỉ có cách chứng minh rằng mình chính là Trần Đình Huỳnh. Tương tự như vậy, thạc sĩ Phạm Văn Thiết chỉ có thể thanh minh rằng mình không phải Amari TX bằng cách chứng minh rằng mình chính là TS Lê Văn Bảo. Huyết đồ tư tưởng giống hệt nhau của họ được biểu hiện chẳng hạn qua câu này: “Nói chung ở các nước tư bản, về hình thức, đa đảng chính trị đều ‘tự do’, ‘bình đẳng’ trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng và bao giờ cũng có một đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo, có khi kéo dài nhiều thập kỷ.” Who is Who phiên bản Việt ngữ.
Quả là không có điều quái gở nào mà con người còn chưa nghĩ ra lại xa lạ với guồng máy tuyên huấn Việt Nam. Trong những vụ nhân bản dư luận viên và nhân bản trị số tư tưởng này, tôi không biết điều gì đáng kinh hơn: sự giáo điều hay sự hạ cấp của luộm thuộm, cẩu thả, ngu ngốc, lười biếng, nhếch nhác. Mọi đối thoại không cùng đẳng cấp đều vô nghĩa. Ước gì những người chống giáo điều và thảo phạt tuyên huấn có được một đối thủ uyên bác, độc đáo, chân thực và một guồng máy tuyên huấn nghiêm túc, chuyên nghiệp.
© 2013 pro&contra

[i] Lời giới thiệu của báo Nhân dân cho bài viết của Hữu Đức, tức Trần Mai, xứng đáng được đưa vào giáo trình cho sinh viên báo chí, nguyên văn như sau: “Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài Từ hải ngoại nhìn về “các nhà dân chủ” của tác giả Trần Mai gửi từ nước Mỹ, trên một số website và blog đã có ý kiến thực hiện theo lối cắt xén, suy diễn, để từ đó phản đối bài viết của Trần Mai và quy kết là “nhận định sai lầm nghiêm trọng… về quyền con người”, và lặp lại luận điệu cho rằng, Nhà nước đã đi ngược lại các tuyên ngôn, công ước quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết! Bình luận về sự kiện này, cũng từ nước Mỹ, bạn đọc Hữu Ðức mới gửi tới tòa soạn bài Tôi thật sự không hiểu tại sao, vì mục đích gì?, xin giới thiệu cùng bạn đọc.”
 
 
 
Source : pro&contra

26/8/13

Việt Nam: các kịch bản thời sự sắp tới



Phạm Chí Dũng
Cập nhật: 14:22 GMT - thứ hai, 26 tháng 8, 2013

Một “triển vọng” đang ngày càng rõ dần là bối cảnh xã hội Việt Nam đang gần hoàn tất giai đoạn vận động thứ hai của nó, nếu lấy mốc từ thời điểm mở cửa kinh tế những năm 1990.


Trước đó, giai đoạn vận hành đầu tiên kéo dài từ năm 1975 đến hậu khủng hoảng giá - lương - tiền.
Nhưng cho tới giờ, ở Việt Nam hầu như chưa hình thành một lực lượng đối lập, chưa mang tính đối trọng đủ lớn đối với chính quyền để ít nhất có thể tác động nhằm điều chỉnh một số chính sách và hoạt động thực hành chính sách.
Những tiền đề đối trọng ở Việt Nam cho tới nay vẫn chỉ là phong trào phản biện xã hội đa dạng và đa tầng, thể hiện chủ yếu qua ý kiến chứ không phải bằng những hành động sâu xa hơn.
Ngoài nhóm “Kiến nghị 72” và vài nhóm blogger, đa phần còn lại là những cá nhân phân tán và hoạt động manh mún.
Tác động của hoạt động bất đồng chính kiến đối với chế độ chỉ có ý nghĩa như một xúc tác phụ.
Nếu không được tác động sâu sắc bởi hành động của lực lượng đối trọng, hoặc không có một số tác động vừa thuyết phục vừa áp lực về chính sách kinh tế, quân sự và chính trị, ngoại giao từ Mỹ và phương Tây, nền chính trị Việt Nam sẽ do chính nội bộ trong lòng nó quyết định.
Mọi chuyện ở Việt Nam đang diễn ra theo một quy luật: vô cảm quan chức tỷ lệ thuận với tham nhũng và quyền lợi của nhóm lợi ích.
Thời gian suy thoái kinh tế từ đầu năm 2011 đến nay đã cho thấy một hiện tượng xã hội rất đặc trưng: bất chấp sự phản ứng và tâm trạng phẫn uất của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều nhóm lợi ích và chủ nghĩa thân hữu vẫn liên kết đầy se sắt, hòa quyện vào nhau với độ kết dính như thể bám víu vào sự tồn tại cuối cùng.
Người ta có thể nhìn ra rất nhiều minh chứng cho thái độ bất chấp đó từ những cú làm giá không tiền khoáng hậu của các nhóm đầu cơ bất động sản, chứng khoán và vàng, kể cả những nhóm lợi ích có quyền lợi can dự như điện lực và xăng dầu.
Song song với trào lưu lợi ích ấy, cũng có nhiều bằng chứng về hoạt động chạy chính sách vì đặc quyền đặc lợi cho “tư sản đỏ”.
Tác động ở tầm mức mạnh mẽ nhất của người dân và xã hội đối với thể chế cầm quyền ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ được quyết định bằng việc có hay không mối cộng hưởng của một cuộc khủng hoảng kinh tế ở chính đất nước này.
Trong 2-3 năm nữa thôi, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với hậu quả chưa có tiền lệ tính từ giai đoạn lạm phát tăng đến 600% vào những năm giá – lương – tiền 1985-1986.

Những kịch bản kinh tế - chính trị

Kịch bản 1: Trong trường hợp cuộc suy thoái kép hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa nổ ra vào những năm tới, và do vậy nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể trì kéo tấm thân băng hoại rệu rã của nó, tình thế vẫn chưa diễn ra một sự thay đổi đủ lớn.
Những phản ứng tự phát của dân hiện không mang tính hệ thống và hình thành các liên kết sâu rộng và thường thể hiện bằng biểu tình, thậm chí bạo động cục bộ vẫn có thể bị chính quyền phong tỏa và đàn áp.
Tiếng nói của các nhóm trí thức dân chủ và kể cả những nhóm chính trị có mục tiêu đối kháng và triển khai bằng hành động sẽ chỉ đóng vai trò xúc tác mà không thể hiện tính dẫn dắt cho một phong trào đối lập nhằm thay đổi thể chế.
Kịch bản 2: Trong trường hợp xảy ra suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới, những lô cốt cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể bị tàn phá cùng nhiều hệ lụy trực tiếp.
Vốn đang nằm trong xu thế không chỉ suy thoái gần như toàn diện nội lực trong nước mà còn quá kém hiệu quả trong cơ chế xuất khẩu và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng thoái vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tình thế bĩ cực không lối thoát. Một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với nền kinh tế Việt Nam cũng từ đó mà khởi phát.
Cuộc khủng hoảng có thể như thế còn cần được tính thêm một yếu tố cộng hưởng rất “láng giềng”: Trung Quốc.
Tiếng nói của các nhóm trí thức dân chủ và kể cả những nhóm chính trị có mục tiêu đối kháng và triển khai bằng hành động sẽ chỉ đóng vai trò xúc tác
Nếu hệ lụy khủng hoảng kinh tế thế giới được bắt nguồn từ khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chịu hiệu ứng kép: một do suy thoái kinh tế giai đoạn cuối, một do động loạn từ Trung Quốc.
Trong cả hai yếu tố hiệu ứng tác động đó, xã hội Việt Nam đều có thể rơi vào vòng bế tắc. Nền kinh tế vốn đã què quặt, cộng thêm nhân tố rối loạn xã hội, sẽ khiến cho chính thể cầm quyền hết sức khó khăn trong việc duy trì quyền lực của mình để kiểm soát xã hội.
Phản ứng của nông dân về đất đai, của công nhân về nạn thất nghiệp và điều kiện làm việc, của tiểu thương về buôn bán, của công chức và giới về hưu về an sinh xã hội… sẽ liên tiếp xảy ra với quy mô ngày càng rộng.
Phản ứng của người dân đối với nhân viên công quyền cũng sẽ diễn ra dày đặc và mang tính tự phát với tính đối đầu nhiều hơn, ban đầu tản mạn và tự phát, sau đó sẽ có xu hướng liên đới để hình thành những phong trào, kể cả tổ chức phản kháng, của nông dân, công nhân, trí thức và với cả một số tôn giáo như Công giáo, Phật giáo Hòa hảo thuần túy, Tin Lành.
Kịch bản về không gian phản ứng và phản kháng sẽ có thể bắt nguồn từ nông thôn miền Bắc với nông dân, thậm chí ngay tại Hà Nội với thành phần trí thức, sau đó lan rộng ra các khu vực khác của đất nước như miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.
Trong một số trường hợp phản ứng xã hội đặc biệt sâu sắc về nguyên nhân và tính chất, bạo động và có thể cả bạo loạn sẽ xảy ra.
Đó là chưa kể đến những hoạt động phản ứng riêng rẽ và có tổ chức chặt chẽ hơn nhiều của các tôn giáo có xu hướng ly khai với nhà nước, trong đó có một phần Công giáo, Tin lành, Phật giáo Việt Nam thống nhất và Phật giáo Hòa hảo thuần túy.
Gần như trái ngược với Kịch bản 1, xác suất suy thoái kép hoặc khủng hoảng của kinh tế Việt Nam trong Kịch bản 2 có thể lên đến ít nhất 70% trong những năm tới. Và dĩ nhiên, sự đổi khác chính trị cũng phải liền mạch và trực tiếp với các biến động kinh tế.

Lối thoát từ TPP?

Cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới, nếu xảy ra với xuất phát điểm từ Trung Quốc, có thể rơi vào thời gian hai năm 2016-2017. Đó cũng là thời gian chứng nghiệm những nỗ lực cuối cùng và mang tính quyết định cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam.
Cú hội nhập TPP có thể đem lại một lối thoát cho kinh tế và cả chính trị Việt Nam
Nếu không tự thay đổi, và hơn nữa phải cải cách một cách gấp rút theo hướng hạn chế quyền lợi của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, đồng thời gia tăng mối quan tâm thực tế cho các tầng lớp dân sinh, trong đó đặc biệt là nông dân và công nhân, cũng như thực thi quyền tự do dân chủ về ngôn luận, báo chí và tôn giáo một cách đúng nghĩa…, đảng cầm quyền sẽ vấp phải một thử thách mà có thể xác quyết sự tồn vong của chính nó.
Một trong rất ít lối thoát để thoát khỏi vòng xoáy kinh tế - chính trị là TPP – Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Thế nhưng, điều quá rõ ràng là trong hiện tình, TPP chỉ có thể được sinh sôi ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền.
Cơ hội để “thoát Trung” cùng vô số nguy cơ về an ninh Biển Đông có thể được giải thoát bởi người Mỹ.
Nếu tận dụng cơ hội này, với điều kiện phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong mối giao hòa với tâm cảm của đại đa số người dân trong nước và mục tiêu chiến lược địa chính trị của phương Tây, chính đảng cầm quyền sẽ có được cơ hội tránh thoát một phần ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong khi nhận được sự hậu thuẫn của Washington và Cộng đồng châu Âu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng ở Việt Nam cũng do đó có thể sẽ được khuôn hẹp với những hậu quả không quá lớn.
Nếu thành công trong cơ chế “xoay trục” sang phương Tây, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam dù có phải “trả giá” bằng một chế độ cởi mở hơn về dân chủ nhân quyền và chấp nhận sự tồn tại của một hình ảnh mang tính trang trí về một xã hội dân sự manh nha tại đất nước này, kể cả việc phải chấp nhận một lực lượng đối lập ôn hòa…, vẫn có thể duy trì được quyền lực một đảng chi phối và quyền lợi của giới lãnh đạo thêm một thời gian nào đó.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng từ TP Hồ Chí Minh.

BBC

25/8/13

Huỳnh Phan - Ai sai lầm, lệch lạc: Lê Hiếu Đằng hay Linh Nghĩa?

Thứ hai, ngày 26 tháng tám năm 2013



Ai sai lầm, lệch lạc: Lê Hiếu Đằng hay Linh Nghĩa?

Huỳnh Phan

25-08-2013

Trên báo Công an nhân Dân ngày 24/8/2013 có đăng bài ‘Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng’ của tác giả Linh Nghĩa. Qua bài báo, không thấy tác giả vạch ra được chỗ sai lầm, lệch lạc thật sự nào trong bài viết của ông Lê HIếu Đằng mà chỉ thấy nhiều lệch lạc sai lầm của chính tác giả, xin được nêu những điểm chính như sau.

Ngay phần mở đầu bài viết tác giả đã cho thấy sự lệch lạc của mình khi cho rằng khi đọc phần đặt vấn đề của bài viết ông Lê Hiếu Đằng với câu ‘ …“tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới’ thì ‘người đọc ngỡ ngàng rằng sắp có vụ thanh toán nhau của các băng nhóm tội phạm!’ Có lẽ do tác giả có kĩ năng đọc hiểu tiếng Việt quá kém hoặc là do bị ảnh hưởng của các chủ đề thường ngày trên các báo nhất ‘lề phải’, nhất là báo Công An, là ‘cướp, giết, hiếp’, một nét ‘ưu việt’ của xã hội ta, nên mới hiểu một câu trong ngữ cảnh về chuyện lớn lao của đời người ra chuyện hèn mọn, phi pháp. Một người với vốn tiếng Việt trung bình không ai lại hiểu như thế. Tiếp theo, tác giả lại chê bai bài viết là dài, kể lể, đọc sốt cả ruột… là những thứ thuộc về hình thức chẳng có liên quan gì tới việc sơ sót, lệch lạc về nội dung của nó. Rõ ràng hai điều này chỉ nhằm mục đích bêu rếu cá nhân hơn là phê phán nội dung bài viết nhưng có vẻ chỉ tác dụng ngược lại cho tác giả.

Bây giờ xin đi vào phần chính của bài viết nhưng chỉ xin điểm qua một số lập luận ‘mới’ của tác giả so với những bài đã đăng cùng chủ đề.

Trước nhất, khi đọc phần 1 của bài viết LHĐ tác giả đã ‘khái quát’ là ông LHĐ đã ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng VN, đồng thời ca ngợi, [sic] chế độ cũ’. Tác giả không nêu ra được dẫn chứng nào cho việc ông LHĐ ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng VN’, còn về ‘ca ngợi chế độ cũ’ tác giả dẫn chứng việc ông LHĐ nhắc lại vụ ông bị chính quyền cũ bắt giam nhưng vẫn cho ông ra đi thi. Ở đây ông Đằng chỉ nêu ra một việc có thật (có thể kiểm chứng được) từ kinh nghiệm của chính bản thân để cho thấy rằng chế độ hiện nay còn có điều chưa tốt so với chế độ cũ. Có lẽ theo quan niệm của tác giả, hễ là đã xem ai là ‘địch’ thì dù họ có ưu điểm, thế mạnh gì thì cũng không được phép nói ra và nếu nói ra sẽ là ca ngợi địch!

Thứ hai, để phản biện phần ‘đa nguyên, đa đảng’ tác giả nêu ra câu hỏi ‘Vì sao dưới chế độ kinh tế đa nguyên” thời Mỹ và tay sai ở miền Nam, người ta đã ra Đạo luật 10/59, “bắn bỏ tất cả bọn Cộng sản”, không cần xét xử?’ Hình như tác giả còn nhỏ tuổi nên không nắm được sự kiện hoặc thiếu tra cứu nên đã phạm sai sót khi viết điều này. Trước nhất, luật 10/59 được ra khi VNCH đã đặt trong tình trạng chiến tranh và thứ hai là luật này quy định việc lập ra các Toà án quân sự để xét xử nhanh ‘các tội ác chiến tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa’. Như vậy, đây là một luật trong thời chiến và người phạm tội có qua xét xử của Toà án [quân sự], dù có thể qua loa, chiếu lệ nhưng không phải không cần xét xử như tác giả viết sai. Và lưu ý rằng lúc đó ở miền Nam ‘bọn Cộng sản’ là một tổ chức có vũ trang, tuy chưa đủ sức thực hiện việc lật đổ chế độ VNCH nhưng cũng có các hoạt động ám sát, phá hoại mà theo quan điểm của nhà cầm quyền VNCH thì ít ra đó cũng là một tổ chức khủng bố, phiến loạn chứ không phải là một tổ chức chính trị đấu tranh qua nghị trường. Vì thế, người CS dĩ nhiên bị đặt ngoài vòng pháp luật, và do đó không thể coi là một đảng phái hợp pháp trong hệ thống đa đảng của VNCH như các đảng Đại Việt, VNQDĐ… Tác giả có lẽ quên rằng trong bất cứ chế độ nào, dù đa đảng hay không, việc lật đổ chính quyền bằng bạo lực đều không thể chấp nhận. Vì vậy, câu hỏi tác giả đưa ra như trên chẳng có giá trị gì trong phản bác mà lại cho thấy tác giả là người vừa kém hiểu biết vừa thiếu óc suy xét.

Ngoài ra, trong phần này tác giả cũng phê phán ông Đằng là ‘thách thức pháp luật và kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.’ Để chứng minh cho luận điểm này tác giả đưa ra trích dẫn “[v]ậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội… Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng, chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? … Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa… Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay.’’ Nếu không có vấn đề về đọc hiểu thì qua đoạn trích dẫn này (ngay cả khi tác giả đã cố ý gian lận bỏ bớt ý cũng rất quan trọng ‘[m]à nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm’) ai cũng có thể thấy ông Đằng chỉ đề xuất thành lập đảng mới dựa theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành của chế độ (dù tính chất ‘của dân, do dân, vì dân’ của chế độ này còn phải xét lại). Chưa có văn bản pháp lí nào cấm thì người dân được phép làm, đó là nguyên tắc không có gì là thách thức ở đây. Và trong bài cũng hoàn toàn không thấy chỗ nào ông Đằng ‘kêu gọi xoá bỏ chế độ hiện hữu’. Về ‘kêu gọi xoá bỏ …. vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’ cũng thế, ý ông Đằng trong bài chỉ muốn đảng CS phải phấn đấu cạnh tranh với các đảng phái khác, nếu có, để giành quyền lãnh đạo một cách chính danh chứ không phải tự nhân danh hay đúng ra mạo danh như hiện nay thôi (mấy bài phản biện trên báo QĐND, ND, ĐĐK vừa qua cũng chỉ nói lấy được chứ chẳng nêu ra được bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo này). Nhưng cũng lưu ý rằng với Hiến pháp và pháp luật hiện tại, ngay cả khi có đảng hay nhiều đảng mới ông Đằng cũng cho rằng đảng CSVN vẫn có khả năng lãnh đạo cho tới một tương lai không ngắn. Nếu vào một lúc nào đó đảng CS mất vai trò lãnh đạo chủ yếu chỉ là do tự đảng phấn đấu kém nên nhân dân không chọn lựa, chứ không ai lật đổ cả. Ngoài ra, tác giả cũng có nhắc nhở ông Đằng ‘pháp luật Việt Nam quy định rằng mọi tổ chức chính trị xã hội đều phải đăng ký, xin phép Nhà nước, kể cả các tôn giáo’. Có lẽ tác giả nên nhắc nhở điều này đối với đảng CS của tác giả trước. Đảng này chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền nhưng đã và đang hoạt động theo mặc định như thời chiến tranh, chẳng theo khuôn khổ pháp lí nào cả và do đó cũng không có việc đăng kí. Thật ra, theo nghiên cứu của luật sư Trần Vũ Hải thì không có luật pháp hiện hành nào của VN có quy định việc thành lập đảng chính trị phải được sự cho phép hay công nhận từ nhà nước. Hơn nữa, qua bài ông Đằng cũng không có ý nào là không tuân thủ các quy định, luật lệ đang có của chế độ.

Thứ ba, để bác bỏ lời phê phán ông Đằng về thái độ của đảng CS và Chính phủ trong vấn đề biển Đông, tác giả lập luận ‘phải hiểu được Việt Nam cần có một chiến lược thông minh, kết hợp sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm” mới có thể bảo vệ được lãnh hải của mình. Chẳng lẽ Việt Nam mua tàu ngầm Kilo, máy bay SU 30, tên lửa S.300 là trò chơi ảo trên mạng!’ Sức mạnh ‘cứng’, sức mạnh mềm là gì trong khi TQ bắt bớ, đánh đập ngư dân ta đánh cá ngay trong vùng biển truyền thống, đơn phương cấm bắt đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền VN, chiếm đóng, xây dựng phi pháp trên đảo của VN… mà chính phủ vẫn làm ngơ hay chỉ phản đối chiếu lệ, còn khi dân chúng thể hiện lòng yêu nước qua việc biểu tình ôn hoà lại bị đàn áp không thương tiếc. Đó có phải là ‘hèn với giặc, ác với dân’ không? Tàu ngầm, máy bay, tên lửa sẽ chẳng là gì khi nhân dân không đồng lòng cùng chính quyền chống giặc như lịch sử cho thấy, chưa kể việc mua sắm các trang bị này có thể chỉ là cách hợp pháp để cho các tay to, mặt lớn của đảng có dịp ‘phết phẩy’ kinh phí quốc phòng vào túi riêng.

Thứ tư, trong nội dung chính cuối cùng tác giả tóm tắt phần cuối bài viết của ông Đằng ‘trong đoạn này, LHĐ kể về “bản lĩnh” của bản thân và những sai lầm khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn đã qua. Đồng thời chép lại những “khuôn mẫu” của thể chế “đa nguyên”, “tam quyền phân lập” đầy rẫy trên mạng ai cũng biết.’ Đây là một tóm tắt khá mập mờ, nhất là cách dùng từ ‘đồng thời’ khiến người đọc có thể hiểu tác giả ngầm chấp nhận những điều mà ông Đằng viết trong đoạn này, kể cả những sai lầm, khuyết điểm của đảng CSVN! Sau đó, tác giả dẫn “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu)…” và phán ‘[đ]áng tiếc LHĐ lại nhận thức về tự do của thời kỳ tiền sử – xin lỗi có thể nhận định này hơi quá đáng! Đặc trưng của con người, của loài người không chỉ ở, không chủ yếu ở cái gọi là “tự do” như LHĐ nói mà chính là ở ý thức về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng của mình.’ Đọc kĩ phần trích dẫn và đọc suốt đoạn này cũng như cả bài của ông Đằng, khó ai có thể hiểu được tác giả lấy từ chi tiết nào để phán ‘LHĐ lại nhận thức về tự do của thời kỳ tiền sử‘ hoặc ông Đằng không ý thức ‘về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng của mình’. Rõ ràng tác giả chỉ nói lấy được mà thôi.

Phải nói đây là một bài phản biện hết sức ‘củ chuối’ về nội dung. Về mặt hình thức, bài viết cũng không khá gì hơn. Tác giả và ban biên tập tập báo để những lỗi hết sức ngớ ngẩn và sơ đẳng về chính tả, dùng từ… chẳng hạn để/ không để dấu câu đúng chỗ, dùng từ ngọng ‘tựu chung’ thay vì từ đúng ‘tựu trung’, thậm chí lại dùng cả từ tiếng Anh từ ‘Mr’ thay vì ‘ông’ trong bài báo tiếng Việt này…

Có lẽ trước thực tế ‘bầy hầy‘ của chế độ hiện tại khó ai có thể đưa ra một phản biện logic, thuyết phục ngoài việc nguỵ biện hoặc nói lấy được nên các giáo sư, tiến sĩ lí luận của đảng dù ăn bổng lộc bao năm nay đã không dám mở miệng phản bác vì sợ ô danh hay lo có hệ luỵ tương lai. Vì thế, các báo lớn không có cách nào khác hơn là tìm những kẻ vô danh, tiểu tốt, ‘chịu đấm ăn xôi’, chẳng biết ‘trời cao đất dày’ là gì để làm chuyện phản biện ‘chữa cháy’ vượt quá khả năng của họ.
 

H.P.

(* Những chỗ nhấn mạnh trong cách trích dẫn là do người viết thêm vào) 
 
Source : BA SAM

nẻo vàng phai



nẻo vàng phai

    Cuồng Từ



    (tặng THD)


Ta bát ngát như rừng
 

chờ đêm xuống
 

Nhớ trăng tàn
 

mây khóc cuộc phù sinh
 

Dòng cổ sử
 

dậy hoàng hôn ngủ muộn
 

Những thu phai
 

còn đắm khúc vong tình

Hồn đã trót tương tư
 

ngày không nắng
 

Vẫn hoài mong xế bóng
 

những thu xưa
 

Thơ
 

và rượu
 

đưa ta về bến vắng
 

Một đêm ngồi
 

gội tóc nhớ vào mưa .
 

Đôi mắt lửa
 

cháy khung trời quá khứ
 

Chia phôi từ mây phủ mộng trùng lai
 

Chưa hiu hắt
 

sao môi đầy viễn xứ
 

Nụ hôn chiều đã tắt nẻo vàng phai




   Cuồng Từ 

   
                              

24/8/13

VƯƠNG-TRÍ-NHÀN - Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987


 

 
19-5
        Gặp nhau tại Yug-zapatnoe , Ng Khải điểm qua tình hình văn nghệ:
         -  Lão Nguyễn Đình Thi phen này mà mất việc đi Tây, thì cứ gọi là con mẹ Tuệ Minh nó bỏ ngay. Mà không hiểu sao, xứ mình sinh ra cái lão lẩm cẩm loại đó.
      Bây giờ cứ thấy mấy người đang đứng trò chuyện là lão ấy  nhảy xổ đến, lão ấy giảng cho mình về văn học, văn học nó phải như thế này, nó phải như thế kia. Làm như là không ai đọc cả ấy. Lúc nào cũng chê anh em bây giờ nó không biết gì. Vâng, các ông được Tây nó dạy cho tí tiếng Pháp, nhưng anh em bây giờ nó đã có tiếng Nga, chắc ai đã đọc hơn ai.

     Lại còn bố Nguyễn Tuân nữa. Bố ấy cứ tưởng bố ấy là một quyền lực, ai cũng phải sợ, loại như tôi bây giờ muốn làm gì phải đến chào, đến xin ý kiến. Tôi thử không đến, xem đã chết  ai chưa nào. Trông thấy ông ấy ở đâu, mình chỉ chào bác ạ một câu, rồi chuồn ngay, chả mặn mà gì.
    Có lần, mình đang đứng đấy, bố ấy lại vươn người qua mặt mình, để bắt tay người khác. Thì mình lùi ra để cụ ấy làm việc ấy cho tự nhiên, cần gì.
- Sao ông Tuân vừa rồi lại còn nói có vẻ thân ông Tố Hữu thế?
- Nói cho sang thôi, ra điều người ta xuống, mình vẫn nể. Cũng là một cách làm phách.
        

         - Loại như Nguyễn Văn Bổng thích ra làm lại báo Văn nghệ lắm! Nhưng tôi chả dại, chả dùng làm gì, đập mình đập mẩy cũng mặc.
          - Ấy, hồi trước mình rút lui cũng không được hay lắm, nên phen này phải tính kế rút từ sớm mới được.
     Nhớ hồi  làm bản đề dẫn hội nghị Đảng viên, một hôm họp ở Đảng Đoàn, ông Hoàng Trung Nho cứ bắt nọn rằng anh Nguyên Ngọc trong sáng lắm, không thể viết như thế này được. Tôi mới phải bảo ngay là các anh ngờ cho tôi chứ gì? Nhưng khôn ngoan như tôi đời nào viết thế, để các anh bắt vạ à?
     Anh Đức với Nguyên Ngọc giống hệt nhau nhưng chính vì vậy, Anh Đức không muốn Nguyên Ngọc ra phụ trách báo Văn nghệ. Thằng ấy mà ra, tính nó là hay thù vặt lắm, sẽ rất chuyên quyền, sẽ trị bọn Nam bộ chúng tôi cho mà xem. Tôi phải nói ngay là anh cứ để nguyên, tôi đến tôi bảo anh Nguyên Ngọc. Mà này, mỗi ngày một ít, Nguyên Ngọc nó cũng nghe ra đấy. Không ra mà làm bây giờ thì ở nhà làm gì.
    - Tội nhất bây giờ là anh Tố Lành nhà ta. Từ trong Sài Gòn ra, tôi với Anh Đức bàn nhau đến chơi ngay. Cũng là để an ủi người mà cũng là để cốt xem bề trên của mình khi thất bại thì thế nào. Quả thật, cho tôi viết về hình ảnh ông ta thì cũng ra cả cuộc cách mạng của mình. Nghĩa là người vẫn béo thế, nhưng ngơ ngác, ngớ ngẩn, đúng là một đống đổ nát. Lại còn hỏi tôi là báo Văn nghệ nó dùng bài của mình viết về anh Ba, nó có cắt cái gì đi không. Rồi ra về, lại còn khuyên mình viết cẩn thận, viết không cẩn thận bây giờ là cắt cổ.
    -- Từ hôm mới ra, tôi đã nghe ông Kim Lân kể ngay sau khi nghe tin ông Tố Hữu mất chức, mình đến chơi ngay. Ôi thôi, người anh em vừa trông thấy nhau từ xa, đã dàn dụa cả nước mắt
     Nhàn :
     -- Tôi ngờ, ông ấy còn làm thơ nữa
     --  Không, muốn làm được, phải bình thản lắm cơ. Thơ đâu phải chuyện muốn là được.
     Nhớ hồi lão còn khoẻ, có lần mình đến, lão vỗ vai mình một cái, mà sụn cả lưng. Bọn Việt kiều về, gặp lão xong, nhiều thằng nó kể rằng ông ấy cứ vuốt tay mình "yêu nước nhé" " yêu nước nhé",  dề dà như ma nói vậy.

     - Cấp trên thì có ông Lành, cấp dưới thì có ông Chí Trung. Thằng ấy cứ đâu có mặt trận thì nó phải đi bằng được. Vừa rồi lão sang C, bị thương vào tay. Đến nhà tôi chơi. Hàng xóm láng giềng nghe nói có người mới bị thương, không ai tin. Vì đối với người ta, chiến tranh đã lùi hẳn về xa rồi.
Thằng Châu nó bình luận: Đúng là người của chíến tranh, luôn luôn  muốn nộp mạng cho chiến tranh mà cái chết còn chưa nhận cho. Thật thằng này mà lại quay về sống bình thường với vợ con, thì không làm sao hiểu nổi.
    ( Hôm nọ Nguyễn Khoa Điềm kể một câu chuyện nghe được bên Nga: một nhân vật , từ chiến trường trở về, tối không nằm với vợ, mà lại  trải đệm ra nằm ở một góc nhà!)   
    
   - Ở VNQĐ bây giờ, một lũ đại tá ngồi lúc nào cũng bàn về tử vi. Ông Oánh cũng xem tử vi. Xem về tôi, rồi bảo thằng này còn lên to nữa. Còn xem chính hắn thì buồn lắm. "Số tôi là số thằng ăn mày ông ạ. Chỉ may có mấy ngôi sao văn học".
  
    Khải nói tiếp chuyện đổi mới bên nhà
    Hồi hội nghị Đảng viên, gớm, cả VNQĐ lúc nào cũng chong đèn. Nơi này nhận định Nguyễn Đình Thi cơ hội, nơi kia có ý kiến phải cảnh giác với lớp trẻ làm loạn, quay cờ v.v… Ông Nguyễn Chí Trung có lần bước ra ngoài sân, vỗ vỗ vào đầu:
   -    Trời ơi, sao tôi nhiều việc thế này.
     Làm như sẽ có một cuộc chiến đấu, mà một bên là ông Tố Hữu, một bên là ông Nguyên Ngọc, oai ra phết.
     Trong khi ấy, phía bên kia, các ông ấy chả động tĩnh gì, chỉ chờ đến ngày đến tháng là đét vào đít.
    - Lại nói về Tố Hữu. Ông ấy bảo mình. Này cậu có viết, cũng chỉ nói về tiểu thôi. Đừng viết về sư thúc, sư  bá, họ cứa cổ.
    Đối chiếu với những gì ông ta dạy mình từ trước tới nay, thấy ngược hẳn.
   - Loại người như tôi, thế hệ tôi, đáng nhẽ phải ra từ 10 nay rồi. Nhưng vì năm ấy bố Ngọc bố ấy loay hoay gỡ không ra, nên hỏng.
   Tôi nhìn việc mình làm, lại so sánh mình với cánh Anh Đức, Bằng Việt, thấy bao giờ mình cũng còn thừa một cái gì đấy.
     - Họ (lớp trẻ) nhìn mình bao giờ cũng như mình nhìn loại Nguyễn Đình Thi, tức là có gì đó văn hoa quá, không cần thiết.

    Lão Thi kỳ vừa rồi, vẫn bị ngờ. Đến là khách mời của đại hội Đảng cũng không được. "Tâm không sáng lắm". Lê Đức Thọ bảo vậy.
   Lão Chế Lan Viên tuy thế, vẫn có những việc mà không ai thay thế nổi. Nghĩa là cần nói cái gì thì cứ thế dốc tuột cả ra. Gần đây, nhiều lần, lão chỉ vào những Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh. "Thế nào, các uỷ viên thư ký này, các anh nói đi chứ? Sao lại cứ để tôi nói cả ?"
    Ngày xưa lão từng nói trước buổi họp. Anh Tô Hoài gọi tôi ra “Thằng Nguyễn Đình Thi học trò rát lắm, cho nó thôi đi, tôi với anh cùng làm". Rồi lại đến anh Nguyễn Đình Thi bảo tôi "Thằng thợ thủ công Tô Hoài khôn như ranh, tôi không thể chịu được, tôi với anh cùng làm". Có đúng thế không nào?  Các anh có coi nhau ra gì không?
    Hai lão kia phải im.
    Tôi cũng đã từng bị hố với lão một trận. Tôi cũng tâm sự thành thật: “Làm việc với Nguyên Ngọc không phải dễ đâu, nó cũng độc đoán lắm, gia trưởng lắm.” Ông ấy cũng nói tuột ra giữa đám đông, có chết mình không chứ!
    Từ nay, mới rút kinh nghiệm. Cứ muốn nói gì với mọi người, chỉ cần rót vào tai Chế Lan Viên, thế là đến với hết thảy mọi người.
    Này, phải công nhận là chúng ta chán cái đám già lắm, nhưng cũng nên biết là nhờ họ, văn học cách mạng mới còn là văn học.
    Cứ lấy thế này mà so sánh thì biết. Lão Nguyên Ngọc vừa lên một cái là lùa anh em đi thực tế. Nguyễn Đình Thi thì không, bần cùng lắm mới tổ chức một chuyến làm phép.
   Cả Tố Hữu và Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Văn Bổng , Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên, họ đều có quyền tự hào là họ đã giữ văn học khỏi để cho các lão cán bộ chính trị biến văn học thành tuyên truyền. Có thể là họ lươn lẹo, có lúc hèn hạ đầu hàng, nhưng mỗi người một tí, người này chán có người kia, họ có tham gia vào việc giữ gìn đó.
   Thử nhìn lại, mấy chục năm nay thì thấy,  ngoài văn học có được cái gì đâu!

    Nguyễn Khải kể mấy hôm trước, Ng Văn Hạnh lệnh Từ Sơn gọi tôi lên, hình như có việc gì quan trọng lắm. Tôi mới nghĩ, khéo mình lại biến thành mật vụ của Đảng mất.
   -- Tôi phải hỏi thẳng với các anh, thế này là thế nào? Chả gì tôi cũng là một nhà văn danh tiếng. Có việc gì riêng, các anh phải đến với tôi. Còn như công việc chung ở đây đã có anh Nguyễn Đình Thi, anh Chính Hữu. Các anh có cần gọi thì gọi cả ba chúng tôi lên, hoặc nếu không thì gọi mình anh Thi lên mới đúng. Chứ tôi đang là Phó tổng thư ký, tôi không vượt mặt cấp trên của chúng tôi được. Còn nếu như các anh không dùng anh Thi nữa, đấy lại là chuyện khác!
   Hôm sau, ông Hạnh phải xuống, sượng sùng xin lỗi.

   - Lão Tô Hoài  nửa đùa nửa thật bảo mình mà làm chủ tịch, Khải mà làm tổng thư ký, chắc rất hay. Sẽ đúng là một hội Ba Giai -Tú Xuất. Nghĩa là chả có gì quan trọng cả. Chỉ chia những chuyến đi nước ngoài cho công bằng, thế là chả ai làm gì được cả.
     Nhàn:
    -- Nhưng mà có gì gọi là quyền lợi của người phụ trách  lão ấy sẽ qươ hết.

29-5
    Lại Nguyên Ân mới sang. Về không khí chung, Ân nói mấy ý:
   - Ông Khải không sấn sổ nhảy ra làm các việc, mà có vẻ từ từ, tuyên bố để anh Thi đấy, tuyên bố đưa Điềm ra v.v
    Làm thế chẳng qua là để giữ giá. Sau này, có bầu lão chức gì, thì cũng là do tài của lão, chứ không phải do cấp trên áp đặt.
    - Chính ra, cũng có phương án lập một Ban trù bị, bên cạnh Ban thư ký (ban trù bị đại hội, gồm Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên v.v..). Ban trù bị lo chung về Đại hội. Nhưng khi đưa ra hội nghị Ban chấp hành thì thấy không nên. Mà người cho ý kiến lập Ban trù bị nốc ao, đó là Bằng Việt.
    Trong buổi họp BCH, Bằng Việt bảo: 
     -- Tôi thấy ta hay tuỳ tiện lập ra những tổ chức vớ vẩn. Thế nay mai anh Nguyễn Khải lập ra tổ chức nào đấy, anh mời tôi, tôi không nhận thì sao. Tóm lại là không được.
     Thế là thôi.
    Ý Nhi giải thích Bằng Việt vẫn cay từ hồi đại hội trước. Nguyễn Khoa Điềm được vào Ban thư ký mà Bằng Việt không. Cho nên, hắn chẳng hưởng ứng gì cả .
     Tôi nghĩ: Có lẽ Bằng Việt  nghĩ  tự hắn mới thay đổi được tình hình chăng?


   Cuộc đấu tranh già trẻ, còn căng thẳng lắm.
   Ví dụ, vừa rồi có chuyện Hội đồng dịch. Ai sẽ làm? Cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Sanh. Vì ông Sanh là ủy viên Ban chấp hành mà những người khác, không phải uỷ viên BCH.
   Phan Hồng Giang cáu lắm. Một lão Hữu Mai  bốn ngày nữa, ra khỏi Ban thư ký mà hôm nay, còn ngồi quyết định cái chuyện về hội đồng dịch, như thế nghĩa là thế nào?
    Tóm lại, không thể chơi tử tế với lớp già được!

     Còn chuyện đấu tranh cũ mới.
 Theo chữ của Nguyễn Khải ,“bọn TW” bây giờ ăn nói với nhau cứ như hàng tôm hàng cá. Hà Xuân Trường bảo báo Văn nghệ các anh phải cẩn thận. Các anh làm sao họ nói cho, họ kiện; mà họ đã kiện là chết, cóc có ai xử cho anh đâu!
   Tại hội nghị BCH, ông ta lại nói rằng chúng ta phải đề phòng, gần đây tình hình Hội, tình hình văn học, như có một luồng gió đen. Thế là Vũ Tú Nam phải đứng lên. "Tôi là bí thư Đảng uỷ ở đây, tôi không hề thấy có một luồng gió đen nào cả?”
  Ân kể: sau này, đến tai ông ông Linh, ông Linh tỏ ý không bằng lòng.

   Một ví dụ về sự tan nát của Hội Nhà văn - báo Văn nghệ:
    Ông Đào Vũ lung lay lắm rồi. Định đưa cánh Ngô Ngọc Bội lên, nhưng hỏng. Cánh Ngọc Trai, Võ Văn Trực chống lại. Nhiều tin đồn là Nguyên Ngọc sẽ về. Đào Vũ đi lên trên vận động chỗ bà Mai (vụ phó vụ báo chí ) để tại vị. Lúc đầu tưởng đã xong, ông Lê Xuân Đồng đã đồng ý. Nhưng ông Độ không chịu, Hội Nhà văn không chịu.
   Đúng lúc này, đẻ ra một tình hình mới. Báo Văn nghệ đề nghị tăng giá. Bưu điện họ không bằng lòng. Mà nếu bán theo giá cũ, thì mỗi số, báo Văn nghệ lỗ 1 triệu. Tháng lỗ 4 triệu. Thế là Đào Vũ làm đơn xin đình bản báo và  bỏ đi Sài Gòn.  Nguyên Ngọc có về, thì cũng là về trong hoàn cảnh rất khó.
     Về Tạp chí mới (Tác phẩm văn học ) ông Chính Hữu, bà Tú nhận định: Nguyễn Đình Thi thấy có thể mất tổng thư ký, nên  chạy về làm. Và ông Thi dựng ê kíp của mình, Hoàng Trung Thông, Thợ Rèn v.v..
    Bùi Bình Thi chỉ còn là người đi thu bài. Ngọc Tú không có quyền gì. Ông Thi bảo tôi ở nhà, tôi duyệt bài. Nếu tôi đi vắng, anh Thông, anh Kim Lân sẽ duyệt. Như vậy, lại khác rồi.
   Lại Nguyên Ân bình luận: Đây là một thứ tạp chí của các cựu chiến binh và trưởng lão, nó sẽ là tạp chí thương phế binh.

  Bài của tôi (VTN)  về Thời xa vắng gửi báo Văn nghệ, ông Đào Vũ không đăng, bảo chúng ta không trở lại vấn đề này nữa. Ở Tác phẩm văn học, ông Bùi Bình Thi cầm về xong cũng không đăng (chỉ giản đơn là nhắc nhiều đến Lê Lựu nhiều quá đã là không hay rồi!)
   Nhà xuất bản của tôi đang ra cuốn mới của Nguyễn Minh Châu.
   Ban đầu, ông Châu lo lên đại tá ở bộ đội, lại lo bộ đội đánh, nên phải tranh thủ đưa truyện viết về  bộ đội vào, và cuốn sách chỉ đề tên là Chiếc thuyền ngoài xa
    Bởi vậy lời giới thiệu của Lại Nguyên Ân không đăng được, cơ quan  giải thích rằng không có trang và Nguyễn Minh Châu sợ lôi thôi!
   Đến khi Nguyễn Minh Châu lên đại tá rồi, thì lại muốn đề là Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu và muốn dùng bài Ân - nhưng đã đưa bản thảo đi rồi.
     Ân  đưa sang báo Văn nghệ cũng không đăng.
   Tóm lại, tất cả tình hình văn học bây giờ đang loạn, và mọi sự cứ rối mù, cứ xoắn xuýt vào nhau
   Người nào cũng lo quyền lợi của mình. Lo việc trước mắt không xong còn lấy đâu mà lo làm những việc lâu dài. Không thể có đồng lòng nhất trí , cho nên chắc chả làm gì được.

18-7
   Tế Hanh bữa nọ kể về Tố Hữu nhà bây giờ vắng vẻ lắm. Ông thư ký ngồi ngáp, bảo là không có việc gì.
   Ngày trước, Tế Hanh muốn đến gặp không được. Hàng rào công việc của Tố Hữu đã ngăn cách tất cả. Lúc nào cũng có điện thoại. Bây giờ ông Tố Hữu phóng ô tô đi các nơi, đến gặp Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Và ông đòi đăng từng bài báo nhỏ, ở báo Văn nghệ. Nghe nói trong Sài Gòn, nó còn cắt cả bài của ông ta nữa, khi thấy có chuyện lướng vướng nào đó (chuyện bạn thơ gì đấy).
   Năm nay 1987, là kỷ niệm 50 năm tuổi đảng và tuổi thơ của Tố Hữu. Đề nghị NXB Văn học làm cho một tuyển 50 bài, sau lại thay bằng một tuyển 100 bài. Không hiểu NXB Văn học có chịu không. Mọi khi, còn chưa có ý định, nó đã bảo ông làm rồi…
  Báo Thể Thao & Văn hóa một số giữa năm có đăng kỷ niệm về  Nazim Hikmet và mấy bản dịch mới của Tố Hữu. Cũng chẳng ra sao cả.

    Tế Hanh hé ra một việc lớn khác: Nghe nói, phen này, phe ông Thi rất muốn trì hoãn đại hội nhà văn, vì sợ sẽ bị lật nhào.

29-9
   Lê Lựu kể:
   Trong một bài viết về tình hình văn học ( có cái ý “sống bây giờ đáng ngại nhất lại là đồng chí đồng đội mình“), người đại tá mà tôi nói ở đây, chính là Tố Hữu.
Chẳng phải, tại hội nghị đảng viên, ông Tố Hữu đã sầm mặt lại, khi nghe nói đến các tiêu cực. Thế mà bây giờ, ông ta nói với ông Khải đầy giọng kích động. Khải hiểu ngay:"Lão lại muốn mình làm tên lính tiên phong trong mọi việc mà". Đáng sợ.

  Lê Lựu nói tiếp:
  - Ông Khải cư xử có mấy cái tài. Thứ nhất là đưa được Ngọc ra làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tại hội nghị ban thư ký, Nguyễn Khải nói như thế này: “Bạn với anh Ngọc thì tôi không bạn được. Đấy các anh xem, tôi với anh Ngọc có chơi với nhau được lâu bao giờ đâu. Nhưng làm tổng biên tập, thì lúc này, không ai bằng Nguyên Ngọc.”
  Thứ hai là đưa Hữu Mai ra khỏi Ban thư ký. Vì việc này có xong, thì việc trên mới lọt được. Bây giờ, ông Nguyễn Khải ấy cứ phất phơ như thế mới hay, làm không làm nhiều mà bỏ cũng không bỏ hẳn. Ai muốn bình luận thế nào thì bình luận. Nhưng việc chính, đừng hòng qua khỏi mắt hắn.
   
   
8-11
     Chuyện do Trần Đình Sử kể:
    Vừa rồi (7/10) cuộc họp của ông Linh với giới văn nghệ sĩ (100 người tiêu biểu). Giới phê bình chỉ có Nguyễn Đăng Mạnh được mời. Ông Mạnh nói nhiều, trong đó có cái ý sau này mọi người hay trích dẫn "Đảng không thèm nghe ai, chỉ giảng giải, coi khinh văn nghệ sĩ v.v…"
    Cuộc họp đó, không báo nào thèm nói tới, kỳ lạ thế. Nguyên Ngọc phải chạy đi hỏi, rồi cho đăng bài tường thuật, do chính Nguyên Ngọc viết (báo Văn nghệ chỉ có mình Nguyên Ngọc được mời họp).
     Từ Sơn trên Ban văn hóa văn nghệ tự thân đến báo Nhân Dân đề nghị đăng tin. Có những người như Hoàng Trung Thông, không được mời đến dự họp, tức lắm, đứng ở ngoài chửi ầm lên "Tại sao lại làm cái lối ấy?”
    Nguyễn Đình Thi có nói một câu (được Nguyên Ngọc đưa lên báo), đại ý nói có mở rộng dân chủ cũng nên mở vừa vừa thôi, kẻo rất phiền. Câu ấy đăng lên, ông Thi đâm hố, đi đâu cũng phải thanh minh (chính Nguyễn Đình Thi, trong những kỳ họp ở Hội nhà văn mấy hôm sau  cũng không nhắc gì đến buổi họp với ông Linh cả).

    Sau buổi họp với giới văn nghệ, có việc Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết về văn nghệ. Toàn Bộ Chính trị dự và tán thành. Cả ba ông cố vấn dự cũng tán thành. Ông Trường Chinh thêm vài điểm, ông Lê Đức Thọ nói dài nhất, hơn một tiếng đồng hồ, có cái ý nói rằng chính ông ta cũng thấy thế này từ lâu rồi, nhưng Hà Xuân Trường không làm được, giờ Trần Độ mới làm được. Rồi gì gì nữa. Thế là ông Phạm Văn Đồng vặc, chúng tôi biết cả rồi, thôi anh đừng giảng nữa. Rồi ông Phạm Văn Đồng lại nói một lúc nữa, chả ai hiểu ông muốn nói gì, nhưng hình như không được ưng lắm (thì vị trí độc tôn của ông ấy trước đây mất rồi còn gì!).
     Về phản ứng của giới thủ cựu trước khi có nghị quyết, đi đâu Phan Cự Đệ cũng bảo ông Linh đang là phe thiểu số, đừng tưởng ai cũng nghĩ thế cả đâu. Có thấy người ta để Tổng bí thư ký không. Đấy là họ bắt Nguyễn Văn Linh chịu trách nhiệm.

    Liên quan đến phê bình một chút là chuyện sau đây. Một lần, tại hội nghị giới phê bình trẻ, ông Đệ cho  Phạm Xuân Nguyên lên phát biểu, đá ông Mạnh mấy câu (bài viết về phê bình ở báo Văn nghệ), đá Lại Nguyên Ân mấy câu (bài trên báo QĐND), đá Trần Đình Sử ( cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu). Xong, lại xoay ra hỏi:
  - Tôi nói thế này, có làm mếch lòng mấy vị cố vấn báo Văn nghệ.
   Rồi doạ gửi bài cho báo.
  Dĩ nhiên Sử Ân không nói gì. Tình hình căng tới mức ông Khải định dàn hoà, cho Đức Đệ  gặp Mạnh Ân nhưng Mạnh  Ân… không chịu.
    Mạnh đang thời đắc ý của mình. Vũ Trọng Phụng tuyển tập đã được in ra. Mạnh còn tự hào, hôm gặp ông Linh ở Nhà hát lớn, Mạnh ngồi ăn phở ngay trước mặt ông Linh.

   … Cuộc đời cũng chả phải là đáng vui đâu. Cái mới, không do ta mang lại, mà là do cấp trên mang lại.
     Nghe nói, Hội nhà văn+ Hội văn nghệ Hà Nội có một cuộc gặp mặt, nhân ý kiến về báo chí của ông Linh. Một số phát biểu rất hăng. Vũ Bão nói rằng sẽ đi kiện Hoàng Tùng về chuyện phê bình Sắp cưới  trước đây, bảo như thế là vu khống về chính trị (tội cũng nặng như cưỡng dâm trẻ con), không khí cứ loạn xì ngầu cả lên. Nguyễn Khải phải nhận sự việc đã  ra ngoài ý muốn của ông ấy.
   Nguyễn Khải chỉ bình luận thêm một khía cạnh về việc phục hồi hôm nay:
  - In lại tác phẩm lại là cái đáng sợ nhất. Nếu bảo Trần Dần in lại Người ngưới lớp lớp thì chính ông ta cũng bảo đừng, đừng làm thế.

21/8/2013
 
 
Source : Blog VƯƠNG-TRÍ-NHÀN