23/5/10

Bruce A. Elleman - Các tranh chấp lãnh hải và tác động đối với chiến lược biển: Một góc nhìn lịch sử

Các tranh chấp lãnh hải
và tác động đối với chiến lược biển:
Một góc nhìn lịch sử*



Bruce A. Elleman
Giáo sư Trường Cao đẳng Hải quân Mỹ
(US Naval War College)



*Đây là bản dịch Chương 3: “Maritime territorial disputes and their impact on maritime strategy: A historical perspective” trong cuốn Security and International Politics in the South China Sea (An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông) do Sam Bateman và Ralf Emmers chủ biên, NXB Routledge, New York, 2009, tr. 42-57. Tạp chí Thời Đại Mới giữ bản quyền bản dịch này.

Trung Quốc đã nhiều lần đơn phương tuyên bố chủ quyền tại các đảo trên biển Đông từ hơn 100 năm nay. Đô đốc Tát Trấn Băng (Sa Zhenbing), tổng tư lệnh Hải quân Thanh triều đã từng dẫn đầu một tầu viễn dương đến những vùng biển đang trong vòng tranh chấp này vào năm 1907 để khẳng định các tuyên bố về chủ quyền của Thanh triều. Vào thập niên 1930, Nhật Bản đã cho quân đồn trú tại nhiều đảo ở đó cho tới khi những hòn đảo này lọt vào vòng kiểm soát của Trung Hoa Quốc Dân Đảng sau Thế Chiến Thứ Hai. Bất chấp các cuộc phản đối của Trung Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm đóng một số đảo mang tính chiến lược, bao gồm đảo Đông Sa (Pratas) và Ba Đình (Itu Aba - Taiping Island).

Bù lại việc Trung Quốc đã muộn màng trong việc hiện đại hóa quân đội và ngay cả chưa có hàng không mẫu hạm cho đến tận bây giờ, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army ̶ PLA) vẫn phải bám quân ở nhiều đảo và vỉa san hô đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông. Để tăng cường khả năng chỉ huy quân báo, Trung Quốc đang từng bước xây dựng các trạm vô tuyến trên các đồn trú quân rải rác này với các thiết bị điện tử đa dạng, từ các máy chuyển tiếp tín hiệu truyền thông hiện đại cho đến các radar sóng ngắn. Điều này không những cho thấy sự gia tăng về tiềm năng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, mà rõ ràng còn là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết cho việc bành trướng thêm nữa đối với các vùng biển còn đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông.

Bằng việc phân tích các mâu thuẫn trong quá khứ ở biển Đông, bài viết này sẽ cho thấy tác động của việc tranh chấp chủ quyền lên việc tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc cũng như tác động lên một chiến lược hiếu chiến hơn về quyền lợi biển nhằm khoanh vùng và ngăn cản các nước khác xâm phạm các vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc về họ. Rõ ràng, việc xây dựng dần dần các căn cứ trên các đảo sẽ cho phép Bắc Kinh một ngày nào đó khẳng định nhiều hơn chủ quyền của họ ở biển Đông. Điều suy đoán này đã được xác định vào ngày 4 tháng 12, 2007 khi Trung Quốc đơn phương thông báo thành lập “một thành phố mới” thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý hành chánh quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Trung Sa (Maccles­field Bank) và quần đảo Trường Sa (Spratlys) bất chấp rằng chủ quyền của những quần đảo này vẫn còn đang trong vòng tranh chấp.



Các tuyên bố lịch sử về chủ quyền tại biển Đông trước Thế chiến Thứ Hai

Có rất nhiều tranh chấp căng thẳng và tiềm tàng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á tại vùng biển phía nam Trung Quốc, bao gồm tranh chấp chủ quyền ở đảo Đông Sa (Pratas - Dongsha), quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Tranh chấp công khai về những hòn đảo này đã nổ ra vào năm 1974, khi hải quân Trung Quốc đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Hoàng Sa, và một lần nữa vào năm 1988 khi quân đội Trung Quốc đánh bật quân đội Việt Nam ra khỏi bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh luôn lớn tiếng tuyên bố rằng chỉ Trung Quốc mới có chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi của Trung Quốc, và là biển Đông theo cách gọi của Việt Nam - người dịch). Điểm đặc biệt là cả Bắc Kinh và Đài Bắc cùng tranh nhau tuyên bố chủ quyền trên rất nhiều vùng lãnh hải tương tự, bao gồm cả các đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Đài Loan như đảo Đông Sa và đảo Ba Đình (Itu Aba) – đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.

Đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông và các đảo phía nam đã được lặp đi lặp lại nhiều lần qua việc Trung Quốc rêu rao rằng đã từng có giao thương hàng hải rộng khắp trong vùng bắt đầu từ thời nhà Hán (206TCN - 220 SCN).[1] Thời nhà Minh (1368-1644), các đoàn tàu viễn dương Trung Quốc thường đi ngang các vùng nước này để đi đến eo biển Malacca, và các đoàn thuyền đầy chở đầy của cải của Trịnh Hòa (Zheng He) có thể đã ghé lại một vài đảo lớn ở đây. Mặc dù nếu tính tất cả diện tích, lãnh hải bao quanh quần đảo Trường Sa lên đến 180,000 km2, nhưng chỉ khoảng một trên một chục các đảo ở đó là có thể ở được với tổng cộng chưa đến 10 km2 đất liền.[2] Vào giữa thế kỷ 19, nhà Mãn Thanh đã thiết lập được mối quan hệ thương mại “phồn vinh” giữa Đông và Tây và do đó “các thương thuyền Trung Quốc và thương nhân phương Tây đã có thế mạnh trong nền kinh tế khu vực."[3]

Mặc dù các ngư dân Trung Quốc thường đến đánh bắt hải sản ở biển Đông trong hai thiên niên kỷ vừa qua, nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã đánh dấu các lãnh hải của họ ở biển Đông. Nước phương Tây đầu tiên tuyên bố chủ quyền chính thức đối với Trường Sa là Vương Quốc Anh vào năm 1864, và sau đó Nhật cũng tuyên bố chủ quyền ở đây vào năm 1877 và 1889. Thật ra những hòn đảo này chỉ là một vài đảo trong số hơn 100 hòn đảo trên Thái Bình Dương mà Vương Quốc Anh đã từng tuyên bố chủ quyền để sử dụng chúng như những trạm tiếp liệu. Rất nhiều những hòn đảo như thế sau này đã được chuyển quyền cai quản sang Tân Tây Lan.[4]

Sau xung đột Trung-Pháp 1884-1885, Pháp biến An Nam (Việt Nam) thành một xứ bảo hộ và sau đó thành thuộc địa, và trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894-1895, Nhật chiếm cứ Đài Loan. Bắt đầu từ đấy, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp trên các đảo giàu phốt-pho và phân chim ở Đông Sa và Trường Sa. Đó là lý do vào năm 1907 đô đốc Tát Trấn Băng đã dẫn đầu đội hải quân viễn chinh đòi lại những đảo này cho nhà Thanh như đã nhắc ở trên. Sự xuất hiện bất ngờ của đô đốc họ Tát đã buộc những phu mỏ đang làm việc ở đó phải rút lui.

Lo sợ rằng các đảo mà họ tuyên bố có chủ quyền sẽ dần rơi vào tay các nước khác, tháng 9 năm 1909 chính quyền nhà Thanh đổi tên Ủy ban Cải Tổ Hải Quân thành Bộ Hải Quân nhằm chính thức hiện đại hóa hải quân Trung Quốc. Ngay sau khi được đổi tên, Bộ Hải Quân Trung Quốc lập tức tiến hành một số hoạt động trên biển Đông, và vào năm 1909 và 1910, họ đã chính thức tuyên bố sáp nhập những đảo đang còn trong vòng tranh chấp này vào tỉnh Quảng Đông và đồng thời tuyên bố hàng năm sẽ biệt phái một tàu đến biển Đông “để duy trì liên lạc với những người Trung Quốc ở những đảo này.”[5]

Cùng với sự sụp đổ của Thanh triều, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều năm. Vào năm 1926, hải quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng vừa mới thành lập đã xây dựng một trạm vô tuyến ở Đông Sa. Nhân lúc Trung Quốc suy yếu, người Pháp ở Đông Dương đã sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào thuộc địa Đông Dương vào năm 1932. Thấy thế, sau khi chiếm được Trung Quốc vào năm 1937, Nhật cũng tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, và Trường Sa. Cũng vào năm đó, Nhật chiếm đảo Đông Sa, bắt giữ và thẩm vấn 29 lính Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Quan ngại trước những đe dọa từ Nhật Bản, Pháp đã tức tốc gửi một đội tàu viễn dương tới Hoàng Sa, và chính thức tuyên bố chủ quyền đảo này là thuộc Việt Nam vào ngày 4 tháng 7 năm 1938. Ngay lập tức, chính phủ Quốc Dân Đảng ở Trùng Khánh và chính phủ Nhật Bản đã phản đối hành động của Pháp; thậm chí vào ngày 8 tháng 7 năm 1938 Nhật Bản còn ra tuyên bố phản đối Pháp đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc khi Pháp chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Sau đó, Pháp lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần của Liên Hiệp Pháp vào năm 1939. Đáp trả lại, vào ngày 31 tháng 3 năm 1939, Nhật Bản thay mặt Đài Loan, lúc đó đang là một phần của đế quốc Nhật Bản, lên tiếng phản đối về việc tuyên bố chủ quyền của Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp rút quân một năm sau đó, Nhật tái chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc này không phải trên danh nghĩa cho Đài Loan mà là cho chính chủ quyền của Nhật dựa trên tuyên bố chủ quyền từ năm 1917, mà theo đó chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa là từ 7 đến 12 vĩ độ Bắc và 111’30’’ đến 117 kinh độ Đông! Từ năm 1939 đến 1946, Nhật chiếm đóng đảo Ba Đình, xây dựng các kho nhiên liệu, căn cứ tàu ngầm, và trạm vô tuyến ở đây. Mãi đến gần cuối Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Bản bị buộc phải rút lui.



Các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông sau Thế Chiến Thứ Hai

Trước Thế Chiến Thứ Hai, Trung Quốc đã bỏ mặc Hải Nam mặc dù đã có một trạm hải quân ở Hải Khẩu được xây dựng vào đầu những năm 1900. Mãi đến năm 1926, quân của Tưởng Giới Thạch mới tiếp thu quyền kiểm soát Hải Nam từ tay các lãnh chúa ở Quảng Đông. Tuy nhiên Hải Nam vẫn chưa được dùng làm là căn cứ hải quân hay quân sự quan trọng nào cho đến khi chính phủ bù nhìn Trung Quốc, dưới quyền Vương Tinh Vệ, cho phép Nhật chiếm đóng Hải Nam và Nhật đã nhanh chóng xây dựng một căn cứ không quân và hải quân ở Hải Khẩu vào tháng 2 năm 1939.

Trong thời gian chiếm đóng Hải Nam, người Nhật đã xây dựng nhiều khu công nghiệp và quân sự rộng lớn song song với việc khai thác các mỏ sắt và than đá lớn, cũng như thiết lập những đường xe lửa đầu tiên nối các khu công nghiệp đó với các căn cứ tàu ngầm của Nhật ở Ngọc Lâm (Yulin). Sau khi Nhật rút quân khỏi Hải Nam vào năm 1945, một cơn bão lớn vào năm 1946 đã tàn phá nhiều khu mỏ, đường sắt và các căn cứ hải quân ở đó. Quân đội Trung Quốc thuộc quân khu Bốn đã chiếm được Hải Nam sau khi đè bẹp sự chống trả quyết liệt từ quân đội của Tưởng Giới Thạch vào ngày 1 tháng 5 năm 1950.[6] Căn cứ không quân Hải Khẩu được chính thức được tái khánh thành bởi tư lệnh quân đội Trung Quốc vào tháng 6 năm 1952. Vào thời điểm đó, hệ thống liên lạc thông tin duy nhất của hạm đội Nam Hải Trung Quốc là một trạm vô tuyến tần số thấp ở Trạm Giang. Mãi đến năm 1957 hải quân Trung Quốc mới bắt đầu mở rộng các cở sở quân sự hạ tầng ở Hải Nam.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, Trung Hoa Quốc Dân Đảng lại chiếm lại đảo Đông Sa từ tay Nhật Bản và một lần nữa xây dựng một trạm vô tuyến ở đó. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng tuyên bố chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ biển Đông với “đường yêu sách chín đoạn” qua những bản đồ được in ở Trung Quốc vào thời đó. Năm 1949, khi Trung Hoa Dân Quốc phải rút về cố thủ ở Đài Loan thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã tiếp nhận quan điểm chủ quyền “đường yêu sách chín đoạn” nói trên về biển Đông mà còn tranh chấp cả với Đài Loan về chủ quyền quần đảo Đông Sa.

Khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, tranh chấp quốc tế về quần đảo Hoàng Sa lại tái diễn với việc Trung Hoa Quốc Dân Đảng xây một căn cứ trên đảo Phú Lâm (Woody Island) tại phía Bắc nhóm đảo An Vĩnh (hay Tuyên Đức - Amphitrite group), và tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa bằng cách đóng quân ở đảo Ba Đình từ năm 1948 đến 1950. Trong khi đó, Pháp cho đồn trú hải quân An Nam xa hơn ở phía Tây trên đảo Hoàng Sa thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm (hay Trăng Khuyết - Crescent group) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị buộc phải rút lui khỏi đảo Hải Nam vào năm 1950, họ cũng bị đánh bật khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo sau việc rút quân của Quốc Dân Đảng, Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với các đảo này và Pháp cũng đại diện Việt Nam tuyên bố chủ quyền như thế. Năm 1951, Nhật Bản từ bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần trong Hiệp ước Hòa Bình San Francisco và, một cách gián tiếp, trao quyền quản lý các đảo này cho Pháp. Khi Việt Nam bị chia thành hai miền Nam - Bắc, các đảo này trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Đảo Phú Lâm gần như không có người ở trong suốt những năm cuối của thập niên 1950. Vào năm 1974, lợi dụng cuộc tổng tiến công của quân đội Bắc Việt xuống miền nam Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Tây Hoàng Sa, và một lần nữa tuyến bố chủ quyền với tất cả các đảo ở đây. Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, chính quyền Hà Nội đã gửi công văn chính thức phản đối Bắc Kinh và tái khẳng định chủ quyền của mình đối với tất cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1979, e rằng hải quân Trung quốc đang đồn trú ở Trường Sa có thể tham gia vào cuộc xâm lăng Việt Nam, và Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách chiếm thêm nhiều đảo nữa trong vùng đang tranh chấp, một số các tàu chiến Xô-Viết đã được lập tức gửi đến Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 năm 1979, tùy viên quân sự Liên Xô ở Hà Nội, Đại tá N.A. Trarkov, thậm chí đe dọa rằng Liên Xô sẽ "thực hiện các nghĩa vụ của họ như đã được thỏa thuận trong hiệp ước hữu nghị Việt – Xô”; một mặt, các nhà ngoại giao Xô-Viết đã tỏ rõ quan điểm của Liên Xô là họ sẽ không can thiệp khi mà xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam còn ở mức hạn chế.[7]

Năm 1988, Trung Quốc chính thức sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Nam. Tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc, gồm ba khu trục hạm có trang bị tên lửa, đã đánh bật bộ đội Việt Nam ra khỏi vị trí họ đang trú đóng tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù không có thêm những cuộc chạm súng những năm sau đó, quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Ví dụ như là vào năm 1992, tàu chiến Trung Quốc đã áp giải một loạt các tàu hàng Việt Nam, ngược lại vào năm 1994 một tàu nghiên cứu địa chấn, điều hành bởi công ty Crestone Energy - một đối tác đầu khí của Trung Quốc đóng trụ sở ở Colorado, bị một tàu hải quân Việt Nam chĩa súng và ra lệnh rời khỏi khu vực còn trong vòng tranh chấp.

Trong năm 2002, Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN đã đồng ý giải quyết các tranh chấp còn tồn tại trên nguyên tắc hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, vì không được mời, nên trước ngày các hiệp định được ký kết, Đài Loan đã tuyên bố là họ sẽ không tuân thủ bất kỳ một thỏa ước đa phương nào mà họ không được chấp nhận là thành viên. Cần hiểu rằng Đài Loan vẫn đang thực sự kiểm soát một số hòn đảo thuộc loại lớn nhất và sẵn sàng đáp trả với lực lượng hải quân đáng gờm của họ, do đó bất cứ giải pháp lâu dài nào cũng phải tính đến Đài Loan.

Các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông xem ra rất phức tạp. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Hoàng Sa, trong khi đó Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đông Sa và Trung Sa. Đối với quần đảo Trường Sa, thì Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền, các nước Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Indonesia có những tuyên bố giới hạn hơn (tuyên bố chủ quyền một phần – người dịch). Ngoại trừ Brunei, thì tất cả các quốc gia trong danh sách kể trên đều đã từng có các hoạt động quân sự để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của họ trong vùng tranh chấp này; chỉ riêng trong năm 1990 đã có trên một chục các báo cáo về tranh chấp lãnh hải ở đây. Tuy nhiên, trong tất cả các nước đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, chỉ có Trung Quốc liên tục tìm cách xây dựng và củng cố rất nhiều các cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục tiêu chiến lược cho một ngày nào đó nếu họ cần dùng đến vũ lực.



Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông

Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông dần dần được củng cố và có khả năng tác chiến cao hơn. Điển hình là đảo Hải Nam với hạ tầng cơ sở viễn thông được nối kết rất tinh vi và được ngụy trang rất khó phát hiện từ khi Trung Quốc chủ động bành trướng xuống phía nam đảo Hải Nam qua việc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974. Trong thập niên 1990 Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Dựa trên các thiết bị điện tử và cơ sở vật chất được quan sát qua vệ tinh, thì đảo Phú Lâm và bãi đá Gạc Ma dường như là hai căn cứ chính cho các hoạt động bành trướng của hải quân Trung Quốc kéo dài từ biển Đông đến tận eo biển Malacca. Các đảo và các rặng đá ngầm khác có vũ trang của Trung Quốc được nối kết qua vệ tinh hay trạm vô tuyến mặt đất, và thậm chí họ còn có mạng Internet để liên lạc giữa các tướng lĩnh địa phương và các hạm đội. Đó là chưa kể đến các thiết bị điện tử tinh vi trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, và tàu ngầm, tất cả đều phục vụ vào việc tăng cường tiềm năng quân sự sẵn có trên đất liền của Trung Quốc rất nhiều.[8]

Các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam

Phần lớn các căn cứ quân sự ở bờ biển phía nam Trung Quốc được kết nối vô tuyến với các hoạt động hải quân ở ngoài khơi. Trung tâm đầu não của hệ thống viễn thông này dường như tập trung ở đảo Hải Nam. Mặc dù là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc tính về mặt lãnh thổ, chỉ khoảng 35000 km2, tỉnh Hải Nam là nơi đặt tổng hành dinh của Cục bờ biển và hải đảo Trung Bộ, Tây, và Nam Trung Quốc để giám sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Theo tính toán này, vùng biển đảo Hải Nam xấp xỉ khoảng 2 triệu km2, hay là gấp 50 lần diện tích lãnh thổ đất liền của nó cho nên việc quản lý của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải này rất là khó khăn và tốn nhiều thời gian.[9]

Để kiểm soát được một khu vực rộng lớn như thế, một ra-đa lớn loại quét sóng quá chân trời (Over The Horizon Backscatter Radar- OTHB Radar) được đặt gần bờ biển Hải Nam và chĩa thẳng về hướng Nam. Trong thập niên 1970, Trung Quốc đã từng thử nghiệm radar loại OTH có đường kính 2,3 mét với khả năng phát hiện tàu qua lại trong vòng bán kính 250 km.[10] Để tuần tra khu vực này, các tàu hải quân Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị có khả năng bắt tín hiệu vệ tinh của Trung Quốc cũng như là của nước ngoài. Một thiết bị hướng dẫn hải quân chính khác là hệ thống định vị mặt đất kỹ thuật số DGPS, được sản xuất bởi công ty thiết bị viễn thông Hoa Kỳ, công ty Communication Systems International, có độ chính xác khoảng 5 đến 10m trong phạm vi hoạt động 300 km. Việc nghiên cứu được bắt đầu vào thập niên 1970 qua ba trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến điện công suất lớn ở miền nam Trung Quốc. Trong khi đó các trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến kết nối hàng hải (RBN-DGPS) được đặt ở Tam Á, Hải Khẩu, và Haifou. Một trạm tín hiệu DGPS khác có công suất cao hơn với tần số 295 kHz được đưa vào hoạt động vào năm 1999 tại Tam Á, và sau đó thêm hai trạm ở Yangpu và Baohujiao cũng tại miền nam Trung Quốc.

Từ năm 2000, Trung Quốc đã phóng ba vệ tinh lên quỹ đạo không gian để thiết lập cho riêng họ hệ thống vệ tinh định vị Beidou, còn gọi là “Big Dipper”. Khác với hệ thống GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, Beidou là hệ thống vệ tinh định vị khu vực. Từ khi được đưa vào hoạt động vào năm 2008, hệ thống định vị Beidou đã giúp Trung Quốc ít lệ thuộc hơn và đang dần dần “trở thành một đối thủ đáng gờm đối với vai trò tiền phong của các vệ tinh định vị của Mỹ và châu Âu,”[11] đặc biệt là một thách thức đối với vị trí dẫn đầu trong hai thập niên qua của hệ thống định vị GPS của Mỹ. Mặc dù chỉ có khả năng giúp định vị một cách hạn chế, chủ yếu là vùng bờ biển Trung Quốc, hệ thống Beidou có thể phủ sóng tới toàn bộ phần lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở biển Đông.

Trong khi đó, dịch vụ kiểm soát hàng hải (VTS) được đặt ở Trạm Giang với sự hỗ trợ của hệ thống vi tính hiện đại và các radar được xây dựng dọc theo bờ biển phía Tây Hải Nam tại Dong Fang và ở Hải Khẩu. Hệ thống kiểm soát hàng hải này “được trang bị một trạm radar tần số X - một ở trong đất liền và ba được điều khiển từ xa cùng một thiết bị xác định phương hướng tần số VHF.”[12] Đa số các thiết bị vô tuyến cao cấp kể trên Trung Quốc đã mua của công ty Hoa Kỳ Lockheed Martin nhằm trang bị các phần cốt lõi của hệ thống hàng hải viễn liên. Vì các căng thẳng liên tục với Việt Nam, Trung Quốc cũng đặt mua một số hệ thống tình báo điện tử (ELINT) quan yếu để lắp đặt trên đảo Hải Nam gồm có một trạm tại phía Tây Nam và một trạm ở bờ biển phía Đông Nam thuộc căn cứ không quân Lăng Thủy (Lingshui), khu liên hợp quân sự được thành lập vào năm 1968 và sau đó được mở rộng rất nhiều vào năm 1995, với khoảng 1000 chuyên gia phân tích tín hiệu ở đây. Một trung tâm thu thập tín hiệu vệ tinh cùng một khu liên hợp vi tính kết nối với Bắc Kinh có thể được đặt ở Trường Thành (Changcheng), Hải Nam, mặc dù vai trò chính thức của khu liên hợp này là để hỗ trung tâm hải dương học quốc gia thu thập các số liệu về thời tiết từ một trung tâm thời tiết của Trung Quốc đặt ở Nam cực.

Để hỗ trợ cho các hoạt động tàu ngầm ở khu vực này, một trạm vô tuyến tần số thấp công suất cao đã được xây dựng ở Hải Nam vào năm 1965. Một căn cứ tàu ngầm ở Ngọc Lâm (Yulin) được nối kết chặt chẽ với Tổng hành dinh của các tàu nhỏ và tàu ngầm Thứ 32. Những trung tâm này bao gồm việc thông tin vô tuyến tần số rất thấp (VLF) với tàu ngầm và các tàu mặt biển ở vùng biển Đông. Tính tới năm 1985, năm trung tâm vô tuyến VLF được đặt ở Phúc Châu (Fuzhou), Lữ Thuận Khẩu (Lushun), Ninh Ba (Ningbo), Trạm Giang (Zhanjiang), và Ngọc Lâm (Yulin). Ngoài các nhiệm vụ dân sự kể trên, hệ thống quản lý giao thông vô tuyến này còn giúp điều phối một cách hiệu quả các tàu ngầm quân sự đang di chuyển trong vùng nước nông trên eo biển Quỳnh Sơn (Qiongzhou) nằm giữa đảo Hải Nam và lục địa.

Các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc có các căn cứ quân sự đứng thứ hai về tầm quan trọng chỉ sau Hải Nam xét về phương diện hệ thống hỗ trợ điện tử vô tuyến. Một bức không ảnh về Hoàng Sa vào thập niên 1980 cho thấy một chuỗi ăng-ten lớn gồm 16 cái, mỗi cái gồm 8 nhánh ăng-ten trời (Yagi cross arm). Đây có thể là một trạm VHF, nhưng lại được miêu tả rất khác nhau như là một ăng-ten thông tin vệ tinh,”[13] hay là một mảnh hình thánh giá của radar cảnh báo thế hệ cũ.[14] Đảo Phú Lâm hình như được trang bị một radar tiếp cận chính xác (PAR), tần số X kiểu 791. Tháng 6 năm 2001, có một nguồn tin không chính thức cho rằng Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm HY-2 lên đảo. Nếu tin đồn này là đúng thì nhiên hậu Trung Quốc sẽ phải xây dựng một radar thám sát tầm xa đặt trên đảo để phát hiện các mục tiêu di động trên mặt biển Đông.[15]

Đầu tiên Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài khoảng 360 mét ở đảo Phú Lâm.[16] Sau đó, đường băng được mở kéo dài thành trên hai kí-lô-mét, và cuối cùng là hai kí-lô-mét rưỡi. Đường băng bê-tông này có thể tiếp nhận các máy bay ném bom và các máy bay vận tải lớn. Trong khi đó, một cầu tàu dài hơn được xây dựng để tăng cường cho cầu tàu duy nhất trên đảo. Gần với đường băng là “một khu chứa máy bay bao gồm bốn nhà khối bê tông có mái che, mỗi cái có thể chứa hai máy bay chiến đấu, và một bãi đậu có thể chứa thêm 30 chiếc nữa. “Ngoài ra còn có thêm một khu đặt súng cao xạ bắn máy bay ở đầu cuối phía Bắc đảo Phú Lâm. Từ năm 1991, cả thảy đã có 67 chiến đấu cơ với tổng cộng 14 lần điều động đến đảo này.”[17]

Đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa cũng có tên là Hoàng Sa (Pattle Island), nơi từng đặt một trạm ghi nhận thời tiết. Trong khi đó một cảng thuộc đảo Quang Hòa Đông (Duncan) – đảo lớn thứ hai ở Hoàng Sa mà theo báo cáo đã được mở rộng với việc gia cố các công sự phòng thủ và lắp đặt các trang thiết bị điện tử viễn thông. Mặc dù chưa thấy có tin tức gì về các thiết bị vô tuyến được xây dựng trên đảo Duy Mộng, trọng tâm của cuộc hải chiến Việt Trung vào năm 1974, nhưng giữa năm 1995, một trạm thám báo vô tuyến mới được đưa vào hoạt động ở đảo Hòn Đá (Rocky) gần đảo Phú Lâm.[18]

Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là sẽ không can thiệp vào việc tự do đi lại của các tàu bè quốc tế, nhưng họ từ chối minh bạch hóa những vùng nào mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Bằng cách vẽ “đường yêu sách chín đoạn” bao quanh quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh rõ ràng đã đơn phương sát nhập vào họ các vùng lãnh hải và không phận thuộc vùng tự do đi lại quốc tế từ xưa đến nay. Theo Mark Valencia, rất có thể Bắc Kinh sau này sẽ bắt buộc các tàu bè qua lại phải xin phép khi đi qua các vùng đang được tự do di chuyển hiện nay. Dĩ nhiên là bây giờ Trung Quốc chưa thể áp đặt một chính sách như thế nhưng khi họ đủ mạnh, họ có thể sẽ thực hiện điều này.[19] Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và thám báo trên quần đảo Trường Sa khiến khả năng có một chính sách kiểm soát qua lại trên biển Đông nghiêm ngặt như thế ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Các căn cứ trên quần đảo Trường Sa

Mặc dù phân tán trên một vùng rộng lớn, một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trong quá khứ quần đảo Trường Sa gần như không có người ở cho mãi đến Thế Chiến Thứ Hai khi Nhật Bản xây dựng các công sự ở đảo đá Danger (Danger Reef- nay là đảo đá Kingman – người dịch), cồn Tizard (Tizard Bank) và đảo Nam Yết (Namyit); rất nhiều khu vực đó hiện nay đang có quân đội Việt Nam và Philippines trú đóng. Đảo Ba Đình là một trong những đảo nằm xa nhất về hướng Bắc của quần đảo Trường Sa và là một trong số rất ít những đảo đủ lớn để xây dựng một sân bay và một căn cứ tàu ngầm.[20] Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm giữ đảo Ba Đình, và gần đây đã kéo dài đường băng ở đấy để có thể tiếp nhận được những máy bay trọng tải lớn hơn.

Trung Quốc đang tìm mọi cách để nhanh chóng thay đổi cán cân quyền lực mỏng manh trong vùng bằng cách xây dựng các căn cứ ở những đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa này. Vào thập niên 1980, các cuộc tuần tra trên biển bằng các tàu nghiên cứu đại dương đều được các tàu chiến Trung Quốc hộ tống. Sau khi các tàu dân sự và tàu khoa học thăm dò khu vực này vào tháng 10 năm 1987, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross Island hay là Chigua Atoll) vào tháng 3 năm 1988. Các bức không ảnh cho thấy một tòa nhà xi-măng dài trên bãi đá chữ thập có vẻ giống như các ăng-ten ra-đa HF tiêu chuẩn của các tầu chiến:

Một ăng-ten Trung Quốc làm nhái theo kiểu Bean Sticks của Mỹ có tần số từ 70 đến 73 MHz và phạm vi hoạt động trong vòng bán kính 180 km. Hai vòm của hai ăng-ten phát sóng đặt trên tòa nhà tương tự như là thiết bị RWS-1 đặt trên các khu trục hạm của Mỹ. Một vài cáp của ăng-ten truyền thông và cột ăng-ten cao hơn cũng được đặt trên nóc nhà.[21]

Vào năm 1988-1989, vài chục tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận lớn trùng với việc chiếm đoạt thêm một số dải đá ngầm chiến lược ở quần đảo Trường Sa. Sau đó vào tháng 11 năm 1990, Trung Quốc công bố một bản báo cáo về hải lưu rất dài của các tàu “nghiên cứu”.[22] Tới thập niên 1990, Trung Quốc lại khởi công xây dựng các trạm đóng quân tạm thời và các công trình bát giác bằng gỗ trên các cọc gỗ ở sáu rặng đá ngầm. Những công sự này được chính quyền Bắc Kinh gọi là “những chòi trú bão”.[23]

Một căn cứ quân sự nhỏ khác cũng được xây dựng ở bãi đá Gạc Ma. Theo các bức không ảnh, các nhà gỗ bát giác tạm thời này ban đầu được xây trên những cọc gỗ nhưng đến năm 1989 thì hai ăng-ten liên lạc vệ tinh đường kính 2,5m đặt cạnh một trụ ăng-ten cao 2,4m được lắp đặt trên hai tòa tháp tròn xi-măng nằm trên hai đầu của một tòa nhà xi măng hai tầng. Trong khi đó ở rặng đá Su bi (Subi Reef), Trung Quốc cho xây một trại lính và một tòa nhà hai tầng cùng với một ăng-ten liên lạc vệ tinh. Trạm này cũng có “một sân đáp trực thăng và một cầu xi-măng kiên cố với nhịp uốn xi măng nối liền với tòa nhà sở chỉ huy.”[24]

Năm 1995, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) và tháng 10 năm 1998 họ bắt đầu mở rộng thêm với việc lắp đặt những chảo ăng-ten vệ tinh 2,5m. Theo một nguồn tin, những tòa nhà xi-măng 2 tầng này giống với những công sự phòng thủ được trang bị với những ăng-ten râu tần số cao liên lạc trực tiếp qua vệ tinh.[25] Hai năm sau đó, các bệ súng và các thiết bị điện tử chính được lắp đặt thêm ở một tòa nhà nhỏ hơn ở phía Bắc. Các cầu tàu, bãi đáp trực thăng, và một số súng phòng không đã được dựng lên, cùng với một hệ thống tên lửa chưa xác định được là loại gì. Có một vài báo cáo cho rằng đó là những tên lửa chống hạm Silkworm.[26]

Trong khi đảo Hải Nam là nơi đồn trú tất cả các căn cứ hải quân và không quân chủ lực, thì các phương tiện thiết bị nhỏ hơn nhiều ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giúp liên lạc và thám báo cho các cuộc viễn chinh hàng hải trong tương lai và cho các tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên qua lại biển Đông. Để hỗ trợ cho các tàu trên mặt biển, Trung Quốc đã dần dần tăng số lượng máy bay, tàu ngầm và hạm đội trong vùng này. Vài năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tuần thám và tập trận ở rất xa vươn tới vịnh Bengal và biển Andaman, nơi mà Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm tình báo điện tử (SIGINT) quan yếu đời mới vào năm 1993, và “đang nắm quyền kiểm soát đảo Coco của Miến Điện với hệ thống thám báo vô tuyến điện tử và ra-đa công suất cao của Nga cùng với các trạm thám báo điện tử bổ sung ở Man-aung, Hainggyi và Zadetkyi Island.”[27]



Các lực lượng hải quân, tàu ngầm và thủy lục không quân của Trung Quốc

Hạm đội Nam Hải cuả Trung Quốc đóng ở Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông. Trực chỉ về hướng nam, đảo Hải Nam, là căn cứ cho rất nhiều máy bay đánh chặn tầm xa SU-27K và hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Từ đây, các lực lượng mặt biển tinh nhuệ của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các trạm thám báo vô tuyến ở Hoàng Sa và Trường Sa với thông tin liên lạc, thông tin tình báo và hậu cần hải quân. Các căn cứ trải rộng như vậy cũng giúp đỡ các hoạt động hàng hải khác của Trung Quốc gần đây được nhắc đến như là những mắt xích quan trọng trong “chuỗi ngọc trai”, nối Trung Quốc với các nhà cung cấp dầu quan trọng ở Trung Đông.[28]

Thủy không quân

Để hỗ trợ cho các mục tiêu hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc phải gia tăng tối đa việc kiểm soát không phận của họ. Hải quân và không quân hỗ trợ các hoạt động chiến đấu ở Hoàng Sa vào thập niên 1970 và ở quần đảo Trường Sa vào thập niên 1980. Việc hỗ trợ bằng không quân này đã tăng theo thời gian rất nhiều từ việc cung cấp các máy bay trực thăng cho đến các máy bay ném bom hải quân. Trong suốt hai thập niên vừa qua, quân số của hải quân và không quân Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 15.000 lên hơn 30.000, và số lượng máy bay tăng từ 400 lên 700 chiếc. Việc tăng cường khả năng tiếp nhận của thủy không quân vào biển Đông càng được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm. Một bức ảnh vệ tinh vào tháng một năm 1999 đã cho thấy một cơ sở tiếp nhiên liệu cho các máy bay hải quân đang được xây dựng.[29] Cùng với việc có thể chứa một lúc đến 1000 binh sĩ ở Hoàng Sa, các quan sát không ảnh cũng cho thấy: “các máy bay đặt căn cứ ở đảo Phú Lâm có thể vươn tới nhiều mục tiêu dọc bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa.”[30]

Trung Quốc cũng đang tiến hành kết nối các hệ thống hướng dẫn hàng hải, bao gồm mạng lưới hỗ trợ hướng dẫn bao quát tầm xa từ Hàn Quốc cho tới Hải Nam với tầm hoạt động vào ban ngày là 1200-1700km, có thể vươn tới Đài Loan và Nhật Bản, và tầm hoạt động ban đêm có thể đạt tới gần 3000km. Vào tháng 4 năm 1984, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của họ dùng sức đẩy của tên lửa Trường Chinh-3. Kể từ đó, đã có thêm hàng chục cuộc phóng vệ tinh khác trong đó ít nhất đã có 9 vệ tinh viễn thông thuộc 3 kiểu khác nhau được sử dụng để hỗ trợ các phương tiện liên lạc quân đội của Trung Quốc.

Trung Quốc không thiết kế hay là phóng các vệ tinh hải dương học cảm ứng từ xa, mà nâng cấp các trạm thu tín hiệu trên mặt đất của Cục Hải dương học Trung Quốc để có thể thu thập các thông tin dữ liệu giúp giám sát đại dương từ các vệ tinh nước ngoài như các vệ tinh của Nhật Bản, GMS, Landsat, Nimbus-1, và NOAA của Mỹ

Trung Quốc cũng lắp đặt các trang thiết bị đặc biệt cho nhiều tàu nghiên cứu hải dương học của họ. Mười tàu nghiên cứu hải dương lớn Xiang Yang Hong (East is Red) có trọng tải rất khác nhau từ 15.000 tấn đến chỉ có 1.000 tấn. Ngoài ra cũng có khoảng mười hai tàu nghiên cứu hải dương học khác, mỗi chiếc khoảng 3000 tấn, và nhiều tàu nhỏ được trang bị hiện đại để khảo sát đại dương. Tất cả những con tàu này đều có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc phát triển hạm đội tàu ngầm Trung Quốc

Các tàu ngầm của Trung Quốc.

Các điểm dễ xảy ra xung đột ở biển Đông có thể cần đến tàu ngầm vì theo báo cáo trong trận hải chiến Trung-Việt ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974 có cả 2 tàu ngầm Trung Quốc tham gia. Trong suốt thập niên 1970, Ngọc Lâm trở thành căn cứ của Hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Cuối thập niên 1980, tàu ngầm tiếp nhiên liệu 10.000 tấn R-327 Yong Xing Dao đã hỗ trợ các tàu Yulin kiểu 033. Các hoạt động sửa chữa và bảo trì lớn cho các tàu ngầm ở Nam Hải được thực hiện tại xưởng đóng tàu ngầm ở Quảng Châu phía nam Trung Quốc. Ngoài 3 tàu ngầm loại Dajang dùng hỗ trợ các tàu mặt biển được đóng từ 1978 đến 1980, Trung Quốc còn có khoảng 10 tàu ngầm cứu hộ dùng hỗ trợ các tàu mặt biển khác được phân bổ rải rác ở các căn cứ.

Đầu thập niên 1990, các tàu ngầm Trung Quốc có thể đi đến bất cứ chỗ nào trong vùng biển Đông đang tranh chấp để chứng tỏ các tuyên bố chủ quyền của mình. Các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc có thể sẵn sàng hoạt động không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả đảo Phú Lâm, mà còn có thể vươn xa tới Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã từ lâu nghi ngờ căn cứ hải quân mà Trung Quốc xây dựng ở Myanmar vào năm 1992 có thể một ngày nào đó được sử dụng để hỗ trợ cho các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Được đặt ở đảo Hainggyi trên sông Irrawaddy, căn cứ này có thể mở rộng ra đến vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Căn cứ này có vị trí chiến lược rất quan trọng vì ngoài việc cung cấp thông tin tình báo cho các căn cứ và cho các tàu mặt biển hay tàu ngầm, nó còn được nối trực tiếp với tỉnh Côn Minh Trung Quốc chỉ qua một con sông và một hành lang đường bộ

Việc Trung Quốc mua các tàu ngầm loại Kilo của Nga và việc Trung Quốc tiếp tục tự sản xuất các tàu ngầm sơ khai chạy bằng diesel càng làm gia tăng mối đe doa đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ ở biển Đông. Các cở sở hạ tầng hỗ trợ cho tàu ngầm của Trung Quốc đang được gấp rút triền khai. Trong tháng 5, 2005, một tàu ngầm nguyên tử kiểu Hán đã bị phát hiện đang dừng lại ở đảo hải Nam. Đây là “lần đầu tiên một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử được chính thức triển khai ở biển Đông, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của vùng này đối với Trung Quốc.”[31]

Lực lượng tàu ngầm ngày càng đóng vài trò quan trọng hơn đối với hải quân Trung Quốc qua việc một số lớn tàu đang được chuyển về phía Nam để sẵn sàng cho các hoạt động trên biển Đông. Trước đây các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chỉ là để bảo vệ các cơ sở phương tiện của hạm đội phương Bắc nhưng từ thập niên 1990, Trung Quốc đã xây dựng các đường hầm bí mật cho các tàu ngầm ở phía Nam. Những đường hầm này, mỗi cái có vài cửa, được báo cáo là đặt ở Yalongwan.[32] Nếu các báo cáo này là đúng sự thật, thì các cơ sở này có thể chứa được các tàu lớn, ngay cả các tàu ngầm nguyên tử và thậm chí cả Luyang DDGs (các tàu khu trục có dàn phóng tên lửa).[33] Vào tháng 2 năm 2008, một tàu ngầm kiều Jin bị chụp ảnh tại căn cứ Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam.

Trong suốt thập niên vừa qua, việc Trung Quốc mua của Nga 4 khu trục hạm có trang bị tên lửa loại Sovremenny và thêm 8 tàu ngầm diesel loại Kilo đã tăng cường một cách cực kỳ nhanh chóng tiềm năng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Mối đe dọa của các tàu ngầm Trung Quốc thực nghiêm trọng vì trong khi tổng số tàu ngầm đang hoạt động của Trung Quốc là 30 chiếc, so với 50 chiếc của hải quân Mỹ, nhưng số tàu ngầm Trung Quốc đã đóng mới trong năm năm vừa qua nhiều hơn Mỹ gấp 8 lần! Một chuyên gia quân sự cho rằng, “Mặc dù tính tổng quát họ vẫn chưa bắt kịp Mỹ nhưng chỉ đến cuối thập niên này thôi, Trung Quốc sẽ có nhiều tàu ngầm hơn Mỹ.”[34] Cứ với đà này Trung Quốc sẽ đủ sức trong việc sử dụng sức mạnh tàu ngầm để cũng cố quyền kiểm soát phần lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp tại biển Đông.

Các đơn vị hải quân Trung Quốc.

Biết là có nhưng lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc ít được biết đến trước đây. Lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của Trung Quốc gồm khoảng 4000 lính và thiết giáp lội nước được thành lập ở Hải Nam vào thập niên 1980, trong khi một lữ đoàn thủy quân lục chiến thứ hai gồm 5000 lính được thành lập ở Trạm Giang năm 1991. Thay vì đặt căn cứ gần vùng tranh chấp Đài Loan, nơi đáng lẽ ra là địa điểm hợp lý nhất, lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên này lại được đặt căn cứ ở Hải Nam. Điều này cho thấy chủ ý của Trung Quốc là nhắm tới phía nam, và rõ ràng là họ đang lên kế hoạch sử dụng hải quân để hỗ trợ cho những hoạt động cả ở trên lục địa và lãnh hải ở biển Đông. Những sự kiện sau đó, chẳng hạn như là việc Trung Quốc chiếm nhiều đảo và đảo san hô trong suốt thập niên 1980 đã minh xác quan điểm này.

Hải quân Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong những xung đột ở biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa đã bị đánh chiếm từ tay Nam Việt Nam bằng vũ lực vào ngày hai ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974. Trong trận hải chiến này hải quân của Trung Quốc, với sự tham gia của 42 tàu chiến đủ kích cỡ và chủng loại, đã đánh bại hải quân Việt Nam. Trận chiến dành đảo Quang Hòa Đông (Duncan Island) được triển khai với một số tàu ngư lôi, 2 tàu đánh cá lưới rà có vũ trang, và một tàu biển đổ bộ, được hỗ trợ bởi các chiến đấu cơ Mig đồn trú ở đảo Hải Nam.

Vào thập niên 1980, có một vài báo cáo cho rằng quân đoàn hải quân Trung Quốc đã lớn mạnh và chia thành ba hạm đội, gồm tổng cộng 56000 quân. Đầu thập niên 1980, Trung Quốc cũng thành lập các hạm đội nhỏ phản ứng nhanh, hầu hết là để bảo vệ trong nước và biên giới, nhưng một hạm đội lớn hơn dành cho các hoạt động tấn công ven biển được thành lập ở Vùng Quân Sự Quảng Châu vào năm 1990. Vào tháng 11 năm 1995, một cuộc tập trận có đổ bộ lên đất liền lớn nhất đã diễn ra ở đây.

Để hỗ trợ cho hải quân, một loạt thuyền đổ bộ đất liền được đóng ở Trung Quốc. Từ năm 1962 đến năm 1972, Trung Quốc đã đóng tổng cộng 50 chiếc LCM lớp Yuqin (tàu đổ bộ hạng trung). Vào năm 1968, Trung Quốc lại bắt đầu cho đóng hơn 30 chiếc LCM lớp Yuchai và 235 chiếc LCM lớp Yunnan. Giữa năm 1972 và 1974 có đến 23 chiếc LCU hạng Yuling (hệ thống phụ trợ tàu đổ bộ) được đóng. Còn tàu đổ bộ lớn nhất đầu tiên được thiết kế và đóng tại Trung Quốc vào năm 1979 là chiếc LST (tàu đổ bộ với xe tăng lội nước) loại Yukan 4100 tấn. Tổng cộng bảy chiếc tàu thuộc loại này đã được hoàn thành từ năm 1980 đến năm 1995 bắt chước loại tàu American World War II LSTs mà Trung Quốc đã tiếp thu được vào năm 1949, loại LST lớp Yukan này có thể chở tới 5 xe tăng cùng với các loại xe cơ giới và binh lính.

Vào năm 1980, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các xe chuyển lính lớp Qiongsha 2150 tấn mà mỗi lần có thể chuyên chở 400 lính. Hai chiếc Qiongsha khác cũng được đóng để làm tàu bệnh viện để cứu thương cả trên đất liền và trên biển.[35] Năm 1980 cũng tiến hành đóng 4 chiếc LSM (landing ships medium – tàu đổ bộ cỡ trung- người dịch) lớp Yudao trọng tải 1460 tấn, và trong suốt năm 1991 đến năm 1996 tiến hành đóng 6 chiếc cỡ lớn LST lớp Yuting. Những chiếc này có trọng tải lên đến 4800 tấn gồm 10 xe tăng, 4 LCUs cho 250 lính , và 2 máy bay trục thăng cỡ trung. Chiếc LST lớp Yuting này có trọng tải này gấp 2 lần so với LST của Mỹ hoặc loại LST lớp Yukan của Trung Quốc được đóng trước đó. Vào năm 2000, Trung Quốc bắt đầu cho đóng các LST hạng Yuting, được biết đến với tên gọi Yuting – III . Ít nhất 4 chiếc loại này đã được hoàn thành.

Việc đóng quân của lực lượng hải quân Trung Quốc và các tàu hỗ trợ ở đảo Hải Nam cho thấy rằng họ đang chuẩn bị các cơ sở cần thiết để sử dụng những con tàu đổ bộ và hải quân cho những cuộc xung đột ở biển Đông. Vào tháng 3 năm 1992 , trước những báo cáo về tình hình khoan dầu tại biền Đông của Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đổ bộ lên dải đá ngầm Da Ba Dau, gần đảo Sinh Tồn do Việt Nam nắm giữ, và một cuộc chạm sung đã diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1992. Bốn tháng sau đó hải quân Trung Quốc lại đổ bộ lên dải Da Lac trên cồn Tizard. Một chuyên gia hải quân đã có giả thuyết rằng, những hành động của Trung Quốc “là một lời cảnh cáo đinh tai nhức óc tới những nước láng giềng để họ hiểu rằng họ không thể thoát khỏi tay Trung Quốc khi tính đến chuyện khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực”.[36]

Nhờ vào các thủy không quân, tàu ngầm, lực lượng hải quân của PLAN đóng tại đảo Hải Nam và một số đảo xa bờ, Trung Quốc có thể tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự ở biển Đông. Từ các căn cứ kể trên, quân đội Trung Quốc có thể:

dùng tàu để ngăn chặn đối phương đến từ rất xa - nếu tính từ Trung Hoa lục địa. Một lực lượng hải quân như vậy có thể làm khó dễ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu, đặc biệt là những con tàu chở dầu tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan trọng là hạm đội Nam Hải có một dải đất lớn nhất để tập trận, tổng cộng có 7 bãi tập trận.[37]

Hải lực hung hậu này một ngày nào đó sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn là nắm quyền kiểm soát hoàn toàn biển Đông.



Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông

Sau khi tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc liên tục lập luận rằng họ cần khai thác trữ lượngdầu khí để phát triển nền kinh tế. Trong suốt thập niên 1990, Việt Nam liên tục phản đối hoặc điều động tàu để can thiệp và gây trở ngại cho việc khảo sát dầu khí của Trung Quốc. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1992 , Đại Hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua luật của Trung Quốc về hải phận và những vùng tiếp giáp. Bất chấp những phản đối gay gắt từ phía Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Phillipines, Indonesia, và Brunei, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với tất cả đảo, rặng đá ngầm và những bãi đá ở quần đảo Trường Sa.

Ngoại giao có thể là con đường mà Bắc Kinh sẽ chọn để giải quyết cuộc tranh chấp này, nhưng sự lớn mạnh rất nhanh của hải quân Trung Quốc rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng. Theo Giang Trạch Đông (Yuan Jing-dong), chiến lược của Trung Quốc gồm hai bước: “Bước đầu là dùng ngoại giao là để duy trì tình hình hiện tại và phát triển hợp tác; đồng thời với việc tăng cường sức mạnh hải quân để trong trường hợp ngoại giao không được thì mới phải dùng đến vũ lực”.[38] Vào năm 1995, Phillipines và Trung Quốc đã thông qua 8 “nguyên tắc ứng xử”. Tuy nhiên , Bắc Kinh vẫn tiếp tục nâng cấp các công sự ở Trường Sa mặc dù đang có những tranh chấp với Phillipines về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal-Huangyan Dao), bãi đá lộ Luzon. Theo một bản báo cáo từ trung tâm nghiên cứu chiến lược RAND thì từ năm 1999, những việc như vậy chứng tỏ rằng “Trung Quốc có thể dùng vũ lực để thực hiện các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông”[39]

Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và những lợi ích kinh tế luôn đi đôi với nhau vì những hải lộ quan yếu, các vùng đánh bắt thủy sản trù phú, và hàng loạt tiềm năng dầu khí ở biền Đông. Đặc biệt là trữ lượng lớn dầu khí của Trung Quốc đều nằm ở ngoài khơi, và vì những khu vực này đều nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của quân đội Bắc Kinh, những mối đe doạ này chỉ có thể giải quyết bởi lực lượng hải quân và không quân. Rất nhiều nguồn năng lượng ngoài khơi vẫn chưa được khai thác và những ước tính của Trung Quốc về trữ lượng dầu và khí đốt ở biển Đông rất lớn, đạt đến 213 tỉ thùng dầu thô cho lần khai thác đầu tiên và 33 tỉ mét khối cho lần khai thác thứ hai.[40]

Khi nhìn vào bối cảnh lịch sử của Trung Quốc về việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, biến cố EP-3 vào tháng tư năm 2001 khiến người Mỹ thấy rõ ràng rằng đây là “dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm mọi cách để thâu tóm chủ quyền trên toàn bộ biển Đông”.[41] Vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, hai chiếc máy bay chiến đấu F-8 được chế tạo ở Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển Đông khoảng 150km về phía đông nam đảo Hải Nam, và một trong số 2 máy bay F-8 đã vô tình va chạm với máy bay trinh sát EP-3. Trong khi EP-3 hạ cánh an toàn xuống Hải Nam thì máy bay của Trung Quốc đã bị rơi. Chu Shulong, giám đốc khu vực Bắc Mỹ tại Học viện quan hệ Quốc tế đương đại tuyên bố rằng: “Đối với dân chúng, dường như máy bay Mỹ đã bay vào lãnh thổ của Trung Quốc và gây ra cái chết cho viên phi công của chúng ta”. Nhắc đến viên phi công máy bay F-8, Wang Wei, người đã tử thương trong vụ va chạm kể trên thì Chu Shulong cho rằng: “Có cảm giác rằng chúng ta đang bị xâm lăng.”[42]

Mặc dù rằng máy bay Mỹ đã ở bên ngoài giới hạn địa phận Trung Quốc 22km và đang bay trên vùng biển quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng vụ va chạm đã xảy ra cách đảo Hải Nam 150km, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền trên không phận những vùng biển này bởi vì có một số đảo nhỏ thuộc vùng biển Đông và chính những đảo này đã mở rộng lãnh hải của Trung Quốc. Một người dân Trung Quốc đã tức giận nói: “Biển Đông là lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta phải dạy cho người Mỹ một bài học và cho họ thấy Trung Quốc không phải là Iraq.”[43] Để tranh luận với những lý lẽ có vẻ hợp pháp của Trung Quốc, Lori F. Damrosch, giáo sư Công Pháp Quốc Tế tại trường Đại Học Columbia, đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đã đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận của riêng chúng.[44]

Trong suốt những cuộc đàm phán nhằm thả tự do cho phi hành đoàn của Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng lợi dụng vụ xung đột EP-3 để làm giảm tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ ở châu Á. Richard Solomon, Chủ Tịch Học viện Hoà Bình Hoa Kỳ (the US Institute of Peace) thậm chí đã cảnh cáo rằng:

Bối cảnh [cho cuộc xung đột máy bay này] đã khiến người ta nhớ lại hồi đầu thập niên 1990, khi mà người Trung Quốc đã tìm mọi cách để gạt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi vùng Châu Á Thái Bình Dương nếu như họ muốn lấy lại những gì mà họ cho là của họ: Đài Loan và biển Đông,

và nếu như Trung Quốc đã có thể ngăn chặn máy bay của Mỹ bay gần đảo Hải Nam thì điều này vô hình chung “làm giảm sự có mặt tổng quát của chúng ta [Hoa Kỳ] ở vùng này” [45]

Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách thâu tóm toàn bộ biển Đông. Gần đây nhất, vào ngày 4 tháng 12 năm 2007, Trung Quốc thông báo rằng tất cả lãnh thổ ở biển Đông sẽ được đặt dưới quyền quản lý như là một quận được chia trong phạm vi hành chánh của tỉnh Hải Nam. Thành phố mới khổng lồ được gọi là Nam Sa, quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa và Trung Sa. Ngay sau thông cáo này của Trung Quốc, “làn sóng phản đối nổi lên khắp nơi trong vùng: cả Việt Nam và Indonesia đều đã chính thức phản đối lại hành động đơn phương và phủ đầu của Trung Quốc.”[46] Để đáp trả cho hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc, đầu tháng hai năm 2008, chủ tịch Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) đã bay sang đảo Ba Đình, đảo lớn nhất ở Trường Sa đang nằm trong vòng kiểm soát của Đài Loan. Chuyến viếng thăm của Trần Thủy Biển không những chứng tỏ rằng việc kéo dài đường phi đạo trên đảo Ba Đình trong thời gian gần đây để có thể tiếp nhận máy bay vận tải khổng lồ C-130, mà còn khằng định các tuyên bố về chủ quyền của Đài Loan đối với các vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp. [47]



Kết luận

Sau khi xem xét những dẫn chứng lịch sử về việc tranh chấp hải phận của Trung Quốc, bao gồm cả đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc song song với việc bắt đầu từ năm 2002 mà theo đó Trung Quốc hứa sẽ làm việc cùng với các quốc gia ASEAN để hạn chế những xích mích và giải quyết những mối bất đồng về chủ quyền các đảo này một cách hoà bình, ở một chừng mực nào đó cần được theo dõi và xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt vì Đài Loan bị loại trừ ra khỏi hiệp định - mặc dù Đài Bắc vẫn là bên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với các lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp này và hiện đang chiếm hữu một số đảo lớn - thì lại càng không thể hy vọng đạt được một giải pháp lâu dài qua đường lối ngoại giao. Điều này rõ ràng đã mở rộng cửa để một ngày không xa Trung Quốc sẽ áp đặt và sử dụng vũ lực ở biển Đông.

Nhìn vào việc phát triển nhanh chóng tiềm năng liên lạc vô tuyến, vệ tinh thám báo, và các công trình hỗ trợ của hải quân trên các đảo ở biển Đông, Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành một chiến lược hải quân nhằm gia tăng việc kiểm soát hàng hải ở vùng này. Thay vì đầu tư vào việc xây dựng một hàng không mẫu hạm đắt tiền và phải mất thời gian khá lâu để có thể đưa vào sử dụng, Trung Quốc đã quyết định xây dựng các căn cứ đa năng, đa dụng trên các đảo nằm ở các vị trí chiến lược ngoài khơi và đã liên kết các căn cứ này bằng một mạng thông tin điện tử vô tuyến hiện đại. Hầu hết những căn cứ này đều có những bãi đáp trực thăng và những bến tàu từ nhỏ đến trung bình để có thể tiếp nhận thêm nhân sự cũng như tiếp tế hậu cần bằng đường biển.

Nếu xung đột quân sự nổ ra, hoặc nếu như Bắc Kinh có những chính sách hiếu chiến hơn, thì những con tàu trên mặt biển của Trung Quốc, hải lục không quân, tàu ngầm, và những lực lượng hải quân khác có thể sử dụng những căn cứ này một cách dễ dàng để hỗ trợ cho việc bành trướng xa hơn nữa. Từ những bài học trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ không do dự để có những hành động chống lại những gì mà họ cho là một “sự thách đố” đối với “thanh thế đang lên của Trung Quốc như là một siêu cường.” Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), nguyên sĩ quan chỉ huy của Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, đã phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân đề bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một inch trong tổng số ba triệu km đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển.”[48]

Tuy nhiên, để bảo đảm cho các tuyên bố mở rộng chủ quyền ở biển Đông, Bắc Kinh trước hết sẽ phải vượt qua rất nhiều những nhược điểm và thiếu sót nghiêm trọng trong lực lượng hải quân của họ. Không thể chỉ với một quan điểm quân sự đơn thuần, hải quân Trung Quốc lại có thể thách thức cùng một lúc với tất cả các nước láng giềng Đông Nam Á. Rất có thể Trung Quốc sẽ tìm cách triển khai những chiến lược về hàng hải dài hạn hơn để họ có đủ thời gian vượt qua các nhược điểm về học thuyết, về trang thiết bị, và về huấn luyện. Cũng như Michael McDevitt đã từng cảnh báo một cách khéo léo rằng:

Việc tranh giành diễn ra liên tục trong vùng ở biển Đông về chủ quyền của quần đảo Trường Sa….và hồi ức lịch sử còn đó về một “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc… gây ra bởi các nước phương Tây “đến từ biển” tất cả đã kết hợp lại thành vấn đề trọng tâm của việc cần thiết phải có một chiến lược đối với biên giới biển đảo của Trung Quốc. [49]



Chú thích


[1] Rafe de Crespigny, Generals of the South: The Foundation and Early History of the Three Kingdoms State of Wu, originally published in Asian Studies Monographs, New Series No. 16 (Canberra: The Australian National University, Faculty of Asian Studies, 1990), chapter 1.

[2] www. globalsecurity. org/military/world/war/Spratly. htm.

[3] Robert J. Antony, Like Froth Floating on the Sea; The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China (Berkeley, CA: China Research Monograph, 2003), p. 9.

[4] James Truslow Adams, Empire on the Seven Seas: The British Empire, 1784-1939 (New York: Charles Scribner's Sons, 1940), p. 264.

[5] Bruce Swanson, Eighth Voyage of the Dragon: A History of China's Quest for Seapower (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 1982), pp. 117-120.

[6] He Di, "The Last Campaign to Unify China: The CCP's Unrealized Plan to Liberate Taiwan, 1949-1950," in Mark A. Ryan, David M. Finkelstein, and Michael A. McDevitt (eds), Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949 (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2003), p. 83.

[7] John Blodgett, "Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?" in Rodney W. Jones and Steven A. Hildreth (eds), Emerging Powers: Defense and Security in the Third World (New York, Praeger Publishers, 1986), p. 98.

[8] Information for the following sections references James Bussert and Bruce Elleman, "People's Liberation Army Navy (PLAN) Combat Systems Technology: 1949-2007" (currently being reviewed for publication).

[9] "Anti-smuggling Drill in Haikou," People's Daily Online, July 28, 2006; http://english.peopledaily.com.cn/200607/28/eng20060728_287664. html.

[10] Le-wei Li, "High-frequency Over-the-horizon Radar and Ionospheric Backscatter Studies in China," Radio Science, 33, 5 (1998), pp. 1445-1458.

[11] http://geocarta.blogspot.com/2007/02/china-launches-4th-navigation-satellite.html.

[12] James Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," Signal (October 2003), p. 61.

[13] Bradley Hahn, "Maritime Dangers in the South China Sea," Pacific Defence Reporter 11,11 (May 1985), pp. 13-16 at p. 15.

[14] James Doman, Chinese War Machine (New York: Crescent Books, 1974), p. 158.

[15] Bill Gertz, "Woody Island Missiles," Washington Times, June 15, 2001.

[16] Keith Jacobs, "China's Military Modernization and the South China Sea," Jane's Intelligence Review 4, 6 (June 1992), pp. 278-281 at p. 280.

[17] “China Unlikely to Launch War in S. China Sea," Asian Political News, September 27, 1999.

[18] www.fas.org/irp/world/china/facilities/shi-tao. htm.

[19] Mark J. Valencia, "Tension Increasing in South China Sea," Honolulu Advertiser, April 5, 2001.

[20] Wolfgang Schippke, DC3MF, "Itu Aba Island," www.425dxn.org/dc3mf/ituaba. html.

[21] Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," p. 62.

[22] Jacobs, "China's Military Modernization," p. 280.

[23] Frederic Lasserre, "Once Forgotten Reefs . . . Historical Images in the Scramble for the South China Sea," www.cybergeo.presse.fr/ehgo/lasserre. htm.

[24] Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," p. 62.

[25] Ian Storey, "Manila Looks to USA for Help over Spratlys," Jane's Intelligence Review 11, 8 (August 1999), pp. 46-50 at pp. 46-47.

[26] Sujit Dutta, "Securing the Sea Frontier: China's Pursuit of Sovereignty Claims in the South China Sea," Strategic Analysis 29, 2 (April—June 2005), p. 288.

[27] A. B. Mahapatra, "Commanding the Ocean," Newslnsight, May 16, 2001.

[28] This term is not Chinese, but was coined in a study entitled "Energy Futures in Asia," commissioned from consulting firm Booz Allen Hamilton in 2005 by the US Department of Defense's Office of Net Assessment.

[29] Bill Gertz, "Beijing Readies China Sea Exercises," Washington Times, May 17, 2001.

[30] www.prio.no/files/file44432_01-07_paracels_isa_hong_kong_paper. pdf.

[31] http://cnair.top81.cn/han_xia_kilo_song. htm.

[32] "Underground Facilities of Chinese Nuclear Submarine," Kanwa Intelligence Review (Internet), March 30, 2006 at www. kanwa. com.

[33] Kanwa Defence Review, May 2006, p. 56, at www.kanwa.com.

[34] David Lague, "US Military Officials Wary of China's Expanding Fleet of Submarines," International Herald Tribune, February 7, 2008.

[35] www.denaljogja.mil.id/janes/jfs2001/jfs_0637. htm.

[36] Lieutenant Michael Studeman, US Navy, "Calculating China's Advances in the South China Sea: Identifying the Triggers of 'Expansionism,'" Naval War College Review (Spring 1998), pp. 68-90.

[37] "Was America Hunting for a New, Killer Submarine?" www.stratfor.com, April 4, 2001.

[38] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China's Conditional Multilateralism and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, 2000), pp. 18-19.

[39] Zalmay M. Khalilzad, Abram N. Shulsky, Daniel L. Byman, Roger Cliff, David T. Orletsky, David Shlapak, and Ashley J. Tellis, The United States and a Rising China: Strategic and Military Implications (Santa Monica, CA: Rand, 1999), p. 30.

[40] www.globalsecurity.org/military/world/war/Spratly-oil.htm.

[41] Bruce Elleman and S. C. M. Paine, "A Spy Plane Caught in a Chinese Web of Reviving Grandeur," International Herald Tribune, April 9, 2001.

[42] John Pomfret, "Chinese Driven by Anger, Pride," Washington Post, April 4, 2001.

[43] Calum MacLeod, "Beijing Blames US for Plane Collision," Washington Times, April 3, 2001.

[44] Christopher Drew, "Old Hijinks May Pull the Rug from the US Claim to Plane," New York Times, April 4, 2001.

[45] Jim Mann, "Crisis Forces Bush Team to Speed up Decisions on China Policy," Los Angeles Times, April 3, 2001

[46] Vu Duc Vuong, "Between a Sea and a Hard Rock," Asian Week, January 8, 2008.

[47] Brian McCartan, "Roiling the Waters in the Spratlys,"Asia Sentinel, February 4, 2008.

[48] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China's Conditional Multilateralisni and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, January 2000), pp. 18-19.

[49] Michael McDevitt, The PLA Navy: Past, Present and Future Prospects (Alexandria, VA: The CNA Corporation, May 2000), pp. 1-2.





© Thời Đại Mới ( 11/2009 )

HỒ BẠCH THẢO : Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)............

Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)
có được nói đến như là đất Trung Quốc
trong Thanh Sử Cảo
và Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ không?



Hồ Bạch Thảo



Ðọc những lời tranh cãi về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc thường đưa những chứng cớ vu vơ về lịch sử, qua những tài liệu không đáng tin cậy. Lý do là bởi trong thời gian dài gần cả ngàn năm, bờ biển Trung Quốc thường bị khống chế bởi Nhật Bản [Nụy] hoặc các nước Tây phương, triều đình nước này lo phòng thủ cũng đủ mệt rồi, không rảnh để nhòm ngó và thực hiện chủ quyền tại các hải đảo ngoài biển. Bởi vậy không có bằng cớ xác đáng trong chính sử Trung Quốc là nước này đã xác định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, và thời gian qua để biện minh cho thế đứng của mình trong tranh chấp, Trung Quốc bèn đem những lời đạo thính nhi đồ thuyết 道 聽 而 塗 説 [Khổng Tử, Luận Ngữ] (lời vu vơ thiếu căn cứ ngoài đường) để làm bằng chứng cho chủ quyền của mình ở phần đất họ chưa bao giờ làm chủ. Trung Quốc thường dùng các bản tường trình hoặc du ký của người Trung Quốc, và những bản đồ vẽ thế giới quanh họ thường có tên là thiên hạ toàn đồ, tất nhiên những bản đồ có vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh là hai vùng này thuộc Trung Quốc. Điều này chẳng khác gì nói Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan, v.v. cũng là đất Trung Quốc. Chống lại luận điệu này, cần lấy gậy ông đập lưng ông, tôi đã dựa vào chính sử Trung Quốc để xem xét bằng cứ. Theo cách làm việc này, qua bài Lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh,[1] tôi đã cố gắng tìm kiếm các địa danh Tây Sa, Nam Sa trong Minh Sử nhưng không thấy và nhận ra rằng ngay tại thời đó hải đảo lớn Ðài loan vẫn chưa nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Bài này tiếp tục dò xuống đời Thanh, là thời gần với thời hiện đại nhất, phản ánh rõ địa lý mà sử và bản đồ Trung Quốc coi là vùng đất thuộc cương vực Trung Quốc, tất nhiên là không bao gồm các quốc gia độc lập khác mà thường phải cống nộp lấy lệ Trung Quốc để tránh Trung Quốc mượn cớ gây chiến. Cần lưu ý là các bản đồ khác mang tên đại loại như “thiên hạ toàn đồ” hay các tên tương tự là bản đồ thế giới hoặc bản đồ bao gồm cả Trung Quốc và các nước chung quanh được Trung Quốc coi là chư hầu hay bản đồ ghi lại các chuyến du hành. Những bản đồ này không thể coi là bản đồ Trung Quốc (coi Richard J. Smith, “Mapping China's World: Cultural Cartography in Late Imperial Times”)[2] nhưng đã được một số học giả dùng để chứng minh là Tây Sa và Nam Sa đã được vẽ vào bản đồ Trung Quốc.[3]

Bài viết thực hiện qua việc đọc bộ chính sử viết về thời này nhan đề là Thanh Sử Cảo để tham khảo. Người xưa có truyền thống chờ đậy nắp hòm rồi mới định luận “cái quan định luận”, nên tại Trung Quốc Tống Sử được soạn vào đời Nguyên, Nguyên Sử soạn vào triều Minh, Minh Sử soạn vào triều Thanh, rồi đến Thanh Sử được soạn vào thời Dân Quốc. Vào thời đầu Dân quốc năm 1914 cho lập Quốc Sử Quán, cử Triệu Nhĩ Tốn làm Quán trưởng, bắt đầu biên soạn Thanh Sử. Trải qua hàng chục năm mới hoàn thành, đây là bộ sử đồ sộ gồm 536 quyển, tài liệu rất phong phú, nên các học giả mệnh danh là 1 trong 25 bộ sử của Trung Quốc (Nhị thập Ngũ Sử), riêng phần địa lý gồm 28 quyển. Phải nói địa lý hành chánh trong bộ sử này chép khá kỹ, mỗi tỉnh chia rõ ràng từng phủ, huyện; về khoảng cách và phương hướng tính từ huyện, châu đến phủ, hoặc từ phủ lỵ đến tỉnh lỵ. Qua sự tìm hiểu 28 quyển địa lý trong bộ sử, tịnh không thấy địa danh các quần đảo có tên là Tây Sa, Nam Sa.

Tham khảo thêm, chúng tôi đã sử dụng Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ của Thư Viện Quốc Gia Úc (National Library of Australia)[4] để minh xác thêm Thanh Sử Cảo.

I. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ

Trước tiên nói về Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, Toàn Ðồ gồm 21 phần, xin liệt kê như sau:

- Phần 1 (part 1): Ðại Thanh nhất thống toàn đồ (Bản đồ toàn thể nước Ðại Thanh).

- Phần 2 (part 2): Ðịa Cầu chính điện toàn đồ ( Bản đồ mặt chính của quả Ðịa Cầu)

- Phần 3 (part 3): Ðịa Cầu bối diện toàn đồ (Bản đồ mặt sau của quả Ðịa Cầu).

- Phần 4 (part 4): Thịnh kinh toàn đồ (Bản đồ kinh sư phồn thịnh).

- Phần 5 (part 5): Trực Lệ toàn đồ (Bản đồ tỉnh Trực Lệ)

- Phần 6 (part 6): Sơn Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Sơn Tây)

- Phần 7 (part 7): Sơn Ðông toàn đồ (Bản đồ tỉnh Sơn Ðông)

- Phần 8 (part 8): Giang Nam toàn đồ (Bản đồ vùng Giang Nam).

- Phần 9 (part 9): Chiết Giang toàn đồ (Bản đồ tỉnh Chiết Giang)

- Phần 10 (part 10): Giang Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Giang Tây).

- Phần 11 (part 11): Phúc Kiến toàn đồ (Bản đồ tỉnh Phúc Kiến).

- Phần 12 (part 12): Quảng Ðông toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quảng Ðông)

- Phần 13 (part 13): Quảng Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quảng Tây)

- Phần 14 (part 14): Hà Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hà Nam).

_Phần 15 (part 15): Hồ Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hồ Nam).

- Phần 16 (part 16): Hồ Bắc toàn đồ (Bản đồ tỉnh Hồ Bắc).

- Phần 17 (part 17): Tứ Xuyên toàn đồ (Bản đồ tỉnh Tứ Xuyên).

- Phần 18 (part 18): Vân Nam toàn đồ (Bản đồ tỉnh Vân Nam).

- Phần 19 (part 19): Quí Châu toàn đồ (Bản đồ tỉnh Quí Châu).

- Phần 20 (part 20): Thiểm Tây toàn đồ (Bản đồ tỉnh Thiểm Tây)

- Phần 21 (part 21): Cam Túc toàn đồ (Bản đồ tỉnh Cam Túc)

Bản đồ không ngày tháng biên soạn và được Thư việc Quốc gia Úc đánh giá là xuất bản vào khoảng 1800- 1899, nhưng qua phần 2 [part 2] và 3 [part 3] thể hiện trái đất là một khối cầu, có phân biệt hai địa cực Bắc, Nam; chứng tỏ nhà biên soạn từng tham khảo môn địa lý phương Tây. Ðiều này chỉ có thể xảy ra dưới thời Quang Tự [1875- 1908] hoặc sau đó, lúc này phong trào cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu nhiệt liệt cổ động nghiên cứu học thuật phương Tây, Trung Quốc mới được truyền bá kiến thức này.

Riêng với mục đích rà soát cái gọi là Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] trong bản đồ; hãy tìm hiểu kỹ phần 1 [part 1] Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ, và phần 12 [part 12] Quảng Ðông Toàn Ðồ; xét về vị trí địa lý các đảo nêu trên nếu có, chỉ có thể thấy trên 2 bản đồ này:



1. Phần 1 (part 1) Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ:

Ðây là bản đồ tổng quát nước Trung Hoa thời nhà Thanh, tính từ bắc chí nam ngoài biển có các đảo như sau:

- Phượng Mã đảo: phía nam nước Triều Tiên.

- Ðại Lưu Cầu, Tiểu Lưu Cầu: phía đông tỉnh Chiết Giang.

- Ðài Loan: phía đông tỉnh Phúc Kiến.

- Quỳnh Châu, Nhai Châu: tức phủ Quỳnh Châu và châu Nhai thuộc đảo Hải Nam nằm phía nam lục địa tỉnh Quảng Ðông.





2. Phần 12 (part 12) Quảng Ðông Toàn Ðồ:





Dò tiếp phía nam lục địa Quảng Ðông thấy đảo Hải Nam và vài đảo kế cận xung quanh, ngoài ra phía nam Hải Nam không còn đảo nào khác.



II. Thanh Sử Cảo



Ðiều thú vị là hầu hết địa danh nêu trên bản đồ đều được đề cập trong Thanh Sử Cảo.[5] Nội dung hai công trình gắn bó với nhau, nên có thể cho rằng công trình sau đã tham khảo với công trình trước. Ðể làm sáng tỏ điều này, xin lược dịch lại đoạn địa lý chí chép về đảo Hải Nam trong Thanh Sử Cảo, gặp địa danh có trên Quảng Ðông Toàn Ðồ thì đánh số để tiện bề tham khảo. Theo Thanh Sử Cảo tỉnh Quảng Ðông được chia thành 6 đạo, đảo Hải Nam nằm trong đạo Quỳnh Nhai, đạo này gồm phủ Quỳnh Châu và châu Nhai, mục địa lý chí chép như sau:[6]

A. Phủ Quỳnh Châu 瓊州 [1]: Trụ sở đạo Quỳnh Nhai nằm trong phủ, cách tỉnh lỵ Quảng Châu 1.810 lý [1lý khoảng 0.5 km] về phía đông bắc; lãnh 1 châu, 7 huyện. Phủ và châu Nhai nằm trong đảo Hải Nam, ở giửa có núi Ngũ Chỉ 五 指山[2] phân cách; phía nam núi thuộc châu Nhai, bắc núi thuộc phủ Quỳnh Châu. Trong núi có giống dân Sinh Lê, ngoài núi có dân Thục Lê cùng các châu huyện. Tại núi các động thâm hiểm, dân Lê thường ra vào gây loạn.

Năm Quang Tự thứ 15 [1889], Tổng đốc Trương Chi Ðồng bắt đầu cho cắt núi Ngũ Chỉ bằng 12 con đường, gồm: 3 đường phía đông, 3 đường phía tây, 1 đường phía nam, 1 đường phía bắc, 1 đường đông nam, 1 đường đông bắc, 1 đường tây nam, 1 đường tây bắc; nơi hoang dã âm u mở thành đất bằng, mọi người đều cho là tiện. Vào năm Hàm Phong thứ 8 [1858], nước Anh mở thương ước đặt thương cảng Quỳnh Châu. [Phủ Quỳnh Châu gồm]:

- Huyện Quỳnh Sơn 瓊山[3]: phủ thành đặt trong huyện, phía nam có núi Quỳnh Sơn nên lấy tên đặt. Phía bắc là bờ biển; sông Bạch Thạch còn gọi là Kiến Giang từ huyện Trừng Mại nơi bờ biển phía tây bắc vòng sang phía đông, chảy vào huyện Ðịnh An, đến đây gọi là sông Nam Ðộ, vòng phía bắc gọi là Bắc Sa Hà, chuyển sang phía tây bắc đến cửa Bạch Sa ra biển. Viên Huyện thừa đóng tại thành tại cửa biển, có Tuần ty tại Thủy Vỉ, công trường muối tại Cảm Ân.

- Huyện Trừng Mại 澄邁[4]: phía tây phủ 60 lý, phía nam có núi Mại, phía bắc giáp biển, sông Kiến Giang tại phía tây nam, lại có sông Tân An từ huyện Lâm Cao chảy vào theo phía đông nam qua Lê Mẫu 黎母 [5] hợp với khe Tân Ðiền rồi chảy vào huyện Quỳnh Sơn. Lại có sông Trừng phát nguyên từ núi Ðộc Chu tại phía đông nam huyện, chảy theo hướng tây bắc đến phía tây huyện lỵ, hợp với sông Cửu Khúc, rồi theo phía tây đến cảng Ðông Thủy thì ra biển. Sông Sảo Dương, phía trên nguồn gọi là khe Nam Cổn, chảy qua phía bắc huyện hợp với sông Sa Ðịa qua Cù Lãnh đến cảng Cù, rồi ra biển.

- Huyện Ðịnh An 定安[6]: [nay thuộc huyện Ðịnh An] nằm về phía nam phủ lỵ cách 80 lý; phía tây nam là núi Ngũ Chỉ còn có tên là núi Lê Mẫu chạy triền miên sang phía đông thành núi Quang Loa, lại tiếp sang đông thành núi Nam Lư, khe Viễn phát xuất tại phía nam núi. Phía bắc huyện, sông Kiến Giang tại Quỳnh Sơn đổ vào hướng đông hợp vói khe Viễn qua đông bắc huyện lỵ, các khe Ðàm Giám, Tiên Khách nhập vào theo hướng đông bắc vào huyện Quỳnh Sơn, được gọi là sông Nam Ðộ. Phía tây nam huyện có sông Vạn Toàn ra khỏi động Nam Bàng hướng phía đông vào huyện Lạc Hội. Huyện có tuần ty Thái Bình.

- Huyện Văn Xương 文昌[7]: [nay là Văn Xương thị] vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 60 lý. Phía bắc có núi Ngọc Dương, phía nam núi Tử Bối, đông bắc là biển. Trên biển có núi Phù Sơn, dưới núi là Phân Dương châu 分 洋 洲 [8]. Phía nam có khe Văn Xương phát nguyên từ núi Bạch Ngọc phía tây huyện, rồi hướng phía đông nhập các khe Bạch Thạch, Bạch Mang, lượn sang phía đông có khe Bình Xương từ phía tây bắc đổ vào, rồi chảy phía nam đến cảng Thanh Lan thì ra biển. Phía nam huyện, khe Bạch Diên chảy ra khỏi núi Bát Giác, hướng đông nam đến cảng Trường Kỳ rồi ra biển. Lại phía bắc Tam Giang tức khe La Hán phát nguyên từ núi Bảo Hổ hướng tây bắc đến cảng Phố Tiền rồi ra biển. Huyện có hai ty tuần kiểm Phố Tiền và Thanh Lam và công trường muối Lạc Hội.

- Huyện Hội Ðồng 會同[9]: vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 290 lý; phía đông huyện có nhiều núi kỳ dị và bờ bể. Phía tây có khe Long Giác phát nguyên từ núi Tây Nhai hướng đông nam tới chợ Tích Gia nên được gọi là khe Tích Gia, rồi khe Lê Bồn từ phía tây hợp vào, chảy xuống nam được gọi là khe Ngũ Loan, rồi vào huyện Lạc Hội.

- Huyện Lạc Hội 樂會[10]: vị trí phía đông nam phủ lỵ cách 330 lý; phía đông có núi Bạch Thạch, tây nam có núi Tung Hoành, phía đông giáp biển. Phía tây, sông Vạn Toàn từ huyện Ðịnh An chảy vào hướng đông rồi đổi hướng bắc hợp với sông Thái Bình tiếp tục chảy hướng đông nam hợp với sông Ngũ Loan qua núi Long Ma chia dòng bao quanh huyện lỵ, rồi hợp lại hướng đông qua núi Liên Hoa, lượn đông nam qua cảng Bác Long rồi ra biển. Sông Lưu Mã phát nguyên từ núi Long Nham tại phía tây nam huyện, chảy sang đông vào huyện Vạn, lại quẹo hướng đông bắc để trở về địa giới của huyện, được gọi là sông Gia Liêm, chảy về đông bắc gọi là sông Cửu Khúc, khe Liên Ðường nhập vào, rồi theo hướng đông bắc hợp với sông Vạn Toàn ra biển.

- Huyện Lâm Cao 臨高[11]: [nay tại huyện Lâm Cao] nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 180 lý; phía nam có núi Na Bồn, phía tây núi Tỷ Gia, phía bắc giáp biển. Sông lớn Kiến Giang do Ðam Châu chảy vào từ phía nam, hướng bắc đến núi Yêu Bối ra phía tây trước cửa huyện rồi uốn lượn theo hướng đông bắc đến thôn Văn Lan hợp với sông Thấu Than, lại còn được gọi là sông Nghênh Ân, hướng bắc đến cảng Bác Phố rồi ra biển; một nhánh ngòi thuộc sông này hướng đông bắc qua núi Bạch Lãnh vào huyện Trừng Mại. Huyện có tuần ty Hòa Xả, công trường muối Ðảo Mã.

- Ðam Châu 儋州[12]: [Hiện nay tại phía tây bắc Ðam Châu thị] nằm về phía tây nam phủ lỵ cách 300 lý; phía bắc có núi Ðam Nhĩ, còn gọi là núi Tùng Lâm, hoặc Ðằng Sơn; tây bắc giáp biển, ngoài biển có núi Sư Tử 獅子山 [13]. Trong châu có sông Kiến Giang, còn gọi là sông Lê Mẫu hướng tây nam qua núi Long Ðầu, chia làm hai: nhánh phía đông gọi là Ðại Giang, hướng đông bắc vào huyện Lâm Cao; nhánh phía tây gọi là sông Bắc Môn hoặc sông Luân hướng tây bắc, đến phía đông bắc châu uốn sang phía tây tạo thành cảng Tân Anh, rồi sôngXương Giang từ phía đông nam gộp vào để chảy ra biển. Phía đông bắc châu có sông Dung Kiều, phía tây nam có sông Sa Cấu đều hướng tây bắc ra biển. Châu có tuần ty Bạc Sa, tyTrấn Nam, công trường muối Lan Hinh.

B. Nhai Châu 崖州 [14] trước kia thuộc phủ Quỳnh Châu, đến năm Quang Tự 31 [1905] trực lệ vào đạo Quỳnh Nhai, cách tỉnh lỵ Quảng châu phía đông bắc 2680 lý; [trị sở Nhai Châu tại Tam Á thị hiện nay] chiều rộng 242 lý, dọc 175 lý, lãnh 4 huyện. Phía đông Nhai Châu có núi Hồi Phong, tây nam núi Trừng Ðảo, đông nam giáp biển. Phía đông bắc sông An Viễn từ huyện Lăng Thủy chảy vào, hướng tây nam đến núi Lang Dõng chia làm hai: một nhánh chảy phía tây, đến thôn Chí Ðại rồi ra biển, một nhánh hướng tây bắc gọi là sông Bảo Dạng qua phía bắc châu lỵ, uốn theo hướng bắc đến cảng Bảo Bình rồi ra biển. Phía bắc châu có sông Lạc An hướng tây nam qua núi Ða Cảng, chuyển theo hướng tây bắc vào huyện Cảm Ân. Phía đông có sông Ða Ngân còn gọi là sông Lâm Xuyên phát nguyên từ Lê Ðộng, hướng đông hợp với sông Tam Á, rồi hướng đông nam đến cảng Du Lâm để ra biển. Châu có 2 ty tuần kiểm: Lạc An và Vĩnh Ninh; công trường muối Lâm Xuyên. Châu cai quản 4 huyện gồm:

- Huyện Cảm Ân 感恩[15]: [nay thuộc phía nam Ðông Phương thị] nằm về phía tây bắc châu lỵ Nhai Châu cách 195 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía đông có núi Ðại Nhã, phía đông bắc núi Cửu Long, phía tây giáp biển; phía đông có Long Giang phát nguyên từ núi Lê Mẫu hướng tây nam còn gọi là sông Cảm Ân, chảy sang phía tây đến phía bắc huyện lỵ thành cảng Cảm Ân rồi ra biển, nhánh chính hướng tây bắc qua chợ Bắc Lê làm thành cảng Bắc Lê rồi hướng tây nam ra biển. Sông Lạc An hướng tây bắc ra khỏi châu, vào huyện Xương Hóa.

- Xương Hóa 昌化[16]: [nay thuộc huyện Xương Giang Lê tộc tự trị], nằm về phía tây bắc châu lỵ cách 360 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía đông bắc có núi Tuấn Linh, phía đông nam núi Cửu Phong, tây bắc giáp biển; phía nam Xương Giang tức sông Lạc An từ huyện Cảm Ân chảy vào qua phía đông nam huyện lỵ thì chia làm hai: hướng tây nam gọi là sông Nam Nhai, hướng bắc gọi là Bắc Giang, cả hai đều chảy ra biển. Lại có sông An Hài phát nguyên từ Ca Báng Lãnh phía đông bắc, hướng tây nam đến châu Ðam thì ra biển.

- Lăng Thủy 陵水[17]: [nay thuộc huyên Lăng Thủy Lê tộc tự trị], nằm về phía đông bắc châu lỵ cách 210 lý, xưa thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bắt đầu thuộc Nhai Châu. Phía tây có núi Ðộc Tú, phía nam núi Ða Vân, đông nam giáp biển, tại biển có đảo Gia Nhiếp, đảo Song Nữ; phía tây bắc có Ðại Hà phát nguyên từ núi Thất Chỉ chảy hướng đông qua núi Bác Cổ, lượn phía nam làm thành cảng Ðồng Khê rồi hướng đông ra biển. Lại phía nam có sông Thanh Thủy Ðường Thủy phát nguyên từ thôn Lang Nha phía tây bắc, chảy hướng nam đến phía tây huyện lỵ được gọi là sông Bút Giá Sơn hợp với Ðại Hà tạo thành cảng Táo Tử, lượn phía tây nam đến cảng Tân Thôn thì ra biển; huyện có Tuần ty Bảo Ðình.

- Huyện Vạn 萬縣[18]: [nay là Vạn Ninh thị] nằm về phía đông bắc châu lỵ cách 370 lý, xưa là châu Vạn thuộc phủ Quỳnh Châu, năm Quang Tự thứ 31 [1905] bị giáng thành huyện, lệ thuộc vào Nhai Châu. Phía đông huyện có núi Ðông Sơn, phía bắc núi Lục Liên, đông nam giáp biển, trên biển có núi Ðộc Châu, dưới là Ðộc Châu Dương; phía tây bắc có Long Cổn Hà phát nguyên từ động Tung Hoành, lượn xuống phía nam rồi ra phía đông hợp với Lưu Mã Hà, hướng đông bắc vào huyện Lạc Hội, lượn theo hướng đông nam trở lại phía bắc huyện, riêng phía đông có khe Liên Ðường, uốn sang phía bắc vào huyện Lạc Hội hợp với sông Vạn Toàn, nhánh chính hướng đông nam qua núi Liên Chi rồi ra biển. Lại có sông Ðô Phong phát nguyên từ động Tung Hoành, chảy theo hướng đông nam rồi chia làm 4 nhánh: cảng Hòa Lạc, Cảng Bắc, khe Thạch Cẩu, sông Kim Tiên, đến phía đông bắc huyện lỵ rồi ra biển. Phía nam Dương Dung Hà phát nguyên từ núi Giá Cô phía tây bắc, hướng đông nam đến thôn Sấu Ðiền thì chia dòng hợp với Thạch Qui Hà lại theo hướng đông nam ra biển. Huyện có Tuần ty Long Cổn, công trường muối Tân An.

Dưới đây xin lấy ra phần đảo Hải Nam trong Quảng Ðông Toàn Ðồ để chú thích, các địa danh được đánh số ở trên như sau:







Ðến thời Trung Hoa Dân Quốc, đảo Hải Nam được đặt tên là đạo Quỳnh Nhai, tức gộp tên cũ của phủ Quỳnh Châu và châu Nhai . Ðạo Quỳnh Nhai trực thuộc tỉnh Quảng Ðông, được chia làm 13 huyện, tên huyện tương tự như thời nhà Thanh trước kia, gồm: 1.Quỳnh Sơn, 2.Trừng Mại, 3.Ðịnh An, 4.Văn Xương, 5.Quỳnh Ðông (đời Thanh là Hội Ðồng), 6.Lạc Hội, 7.Ðam huyện (đời Thanh gọi là Ðam Châu), 8. Lâm Cao, 9. Vạn Ninh (đời Thanh là huyện Vạn), 10. Xương Giang (đời Thanh là Xương Hóa), 11. Lăng Thủy, 12. Cảm Ân, 13.Nhai huyện (năm 1920, Nhai Châu đổi thành Nhai huyện).

Trong giai đoạn đầu Dân Quốc, chính phủ Trung Hoa Quốc Gia chưa đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; mãi đến thập niên năm 1930 nhận thức được tiềm lực kinh tế tại biển đông, mới bắt đầu lên tíếng. Sau đại chiến lần thứ 2, nhân Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chính phủ này cho mang quân chiếm một vài đảo trong 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tiếp thu đảo Hải Nam vào tháng 5 năm 1950, thành lập Hải Nam Quân Dân Ủy Viên Hội. Tháng 3 năm 1955 cải xưng là Quảng Ðông Tỉnh Hải Nam Hành Chính Công Thự, sau cách mệnh văn hóa bạo phát vào năm 1966 đình chỉ chức quyền của Công Thự, năm 1968 thiết lập Hải Nam Ðịa Khu Cách Mệnh Ủy Viên Hội.

Tháng 10 năm 1984, thành lập Hải Nam Hành Chính Khu Nhân Dân Chính Phủ. Hải Nam Hành Chính Khu quản hạt Hải Nam Lê tộc, Miêu tộc tự Trị Châu, cùng 9 huyện: 1. Quỳnh Xương, 2.Văn Sơn, 3.Lâm Cao, 4.Trừng Mại, 5.Quỳnh Hải, 6.Ðồn Xương,7. Ðam huyện, 8.Vạn Ninh, 9.Ðịnh An; ngoài ra lại đặt các đảo Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa (1), Nam Sa [Trường Sa] vào cái gọi là biện lý sự. Như vậy sau khi chiếm được một vài hải đảo do Trung Hoa Dân Quốc bỏ lại sau cuộc rút lui ra Ðài Loan, năm 1974 lại xâm lăng một số đảo do Việt Nam Cộng Hòa làm chủ; đây là lần đầu tiên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chính thức bị đặt vào lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1988, thiết lập tỉnh Hải Nam. Ðến năm 2008, toàn tỉnh được chia như sau:

- 2 địa cấp thị: Hải Khẩu thị, Tam Á thị.

- 4 thị hạt khu: Quỳnh Sơn khu, Long Hoa khu, Tú Anh khu, Mỹ Lan khu.

- 6 huyện cấp thị: Văn Xương thị, Quỳnh Hải thị, Vạn Ninh thị, Ðam Châu thị, Ðông Phương thị, Ngũ Chỉ Sơn thị.

- 4 huyện: Ðịnh An huyện, Ðồn Xương huyện, Trừng Mại huyện, Lâm Cao huyện.

- 6 tự trị huyện: Quỳnh Trung Miêu tộc Lê tộc tự trị huyện, Bảo Ðình Miêu tộc Lê tộc tự trị huyện, Bạch Sa Lê tộc tự trị huyện, Xương Giang Lê tộc tự trị huyện, Lạc Ðông Lê tộc tự trị huyện, Lăng Thủy Lê tộc tự trị huyện.

- Khai phát khu: Dương Phố kinh tế khai phát khu.

- Biện sự xứ: Tây Sa [Hoàng Sa] quần đảo, Nam Sa [Trường Sa] quần đảo, Trung Sa quần đảo ( Cấp huyện, Biện công địa điểm tại đảo Vĩnh Hưng.)



III. Kết luận



Bài viết này cho thấy tài liệu chính thức của Trung Quốc về thời nhà Thanh (1644- 1911) như Thanh Sử Cảo và bản đồ soạn và in thời đó như Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ đã không coi Tây Sa [Hoàng Sa], Nam Sa [Trường Sa] là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ðại Thanh Nhất Thống Toàn Ðồ có thể không phải là bản đồ chính thức nhưng đã được thu thập, ghi chú và lưu giữ ở Hội Thừa Sai Luân Đôn và Thư Viện Quốc Gia Úc. Đây là tài liệu đáng tin cậy vì khi được soạn thảo dưới một triều đại mà vua chúa có quyền sinh sát với những người làm sai thì người soạn bản đồ đó không thể tự ý loại bỏ một phần đất trong lãnh thổ Trung Quốc. Thêm nữa, hai tài liệu này hoàn toàn không mâu thuẫn nhau. Nó cũng phù hợp với Minh Sử mà tác giả đã viết trong một bài khác. Ngoài ra kết luận ở đây cũng phù hợp với bản đồ nhà Thanh dưới đây mà Đại học Cambridge ở Anh đã in ra vào năm 1910.





Nguồn: Cambridge University press on http://www.drben.net/files/China/ChinaMaps- ALL/Historic_Maps/Qing_Dynasty- 1644- 1911/_Ancient_Maps__Asia_- _Chinese_Empire_1910- S_op_800x611.jpg



Chú thích


[1] http://www.diendan.org/phe- binh- nghien- cuu/lanh- hai- trung- quoc- duoi- thoi- nha- minh/?searchterm=h%E1%BB%93%20b%E1%BA%A1ch%20th%E1%BA%A3o

[2] Richard J. Smith, “Mapping China's World: Cultural Cartography in Late Imperial Times, http://www.kunstpedia.com/articles/532/1/Mapping- Chinas- World- - Cultural- Cartography- in- Late- Imperial- Times/Page1.html

[3] Coi Teh- Kuang Chang, China's claim of sovereignty over Spratly and Paracel Islands: A historical and legal perspective. Case Western Reserve Journal of International Law; Summer 91, Vol. 23 Issue 3

[4] http://www.nla.gov.au/apps/cdview?pi=nla.map- lms639- s1- v. Bản đồ này được ông Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu có uy tín, giới thiệu. Mạng Thư viện Quốc gia Úc ghi chú là xuất bản khoảng năm 1800- 1899, thuộc sưu tầm đặc biệt (special collection) của Hội Thừa Sai London (London Missionary). Nó có số ký hiệu call number: MAP LMS 639, và amicus number:15577982.

[5] Source: http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%B8%85%E5%8F%B2%E7%A8%BF or http://www.b111.net/lishi/kesm- qingsg/072.htm

[6]  http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%B8%85%E5%8F%B2%E7%A8%BF 瓊州府:繁,疲,難。瓊崖道治所。東北距省治千八百一十里。廣一百五十二里,袤二百一十里。北極高二十度一分。京師偏西六度五分。領州一,縣七。府及崖州在南海中,曰海南島,中有五指山,綿亙數邑。山南隸崖州,山北隸府。環山中生黎,其外熟黎,又外各州縣。山峒深阻,黎、岐出沒為患,光緒十五年,總督張之洞始開五指山道為大路十二:東路三,西路三,南路、北路、東南路、東北路、西南路、西北路各一。奧區荒徼,闢為坦途,人以為便。瓊州,商埠,咸豐八年英天津條約訂開。有瓊海關。瓊山繁。倚。南:瓊山,縣以是名。北濱海。海西南白石河即建江,自澄邁入,北屈而東,入定安。又北入縣東南,為南渡江,又北為北沙河,屈西北至白沙門入海。縣丞駐海口所城。有水尾巡司。感恩鹽場。澄邁簡。府西六十里。邁山在南。北濱海。西南:建江,一名新安江,自臨高入,東南過黎母嶺,右納新田溪,入於瓊山。又澄江出東南獨珠嶺,西北流,至縣治西,合九曲水,又西為東水港,入海。稍陽水上源為南滾泉,北合沙地水,過石矍嶺為石矍港,入海。有澄邁巡司。定安簡。府南八十里。西南有五指山,一名黎母山,綿亙而東,為光螺嶺。又東為南閭嶺,南遠溪出焉。北:建江自瓊山入,東合南遠溪,過縣治東北,潭覽溪、仙客溪北流入焉,東北入於瓊山為南渡江。西南有萬全河,出喃嘮峒,東南流,入樂會。有太平巡司。文昌難。府東南百六十里。北:玉陽。南:紫貝山。東北濱海。海中有浮山,其下曰分洲洋。南:文昌溪,出縣西白玉嶺,東南流,右納白石溪、白芒溪,屈東,平昌溪自西北來注之。又南為清瀾港,入海。又南,白延溪,出八角山,東南為長岐港,入海。又北,三江水,即羅漢溪,出抱虎嶺,西北流,為鋪前港,入海。有鋪前、青藍二巡司。有樂會鹽場。會同簡。府東南二百九十里。東:多異嶺,濱海。西:龍角溪,源出西崖嶺,東南至嘉積市為嘉積溪,黎盆溪西流合焉。又東南為五灣溪水,入樂會。樂會簡。府東南三百三十里。西:白石嶺。西南:縱橫嶺。東濱海。西:萬全河自定安入,迤東流,屈而北,會太平水。又東南,會五灣水,逕龍磨山,分流環縣治,復合,又東過蓮花峰,屈東南為博鼇港,入海。又流馬河,源出西南龍巖嶺,東南入萬縣,與龍滾河合。又東北復入縣境,為嘉濂河。又東北為九曲河,納蓮塘溪。又東北會萬全河入海。臨高疲。府西南百八十里。南:那盆嶺。西:毗耶山。北濱海。南:大江即建江,自儋州入,北至腰背嶺,西別出為縣前江,屈東北流,至文瀾村,為文瀾水。透灘水北流合焉,亦謂之迎恩水也。又北為博鋪港,入海。其正渠,東北過白石嶺入澄邁,有和捨巡司。馬裊鹽場。儋州要。府西南三百里。儋耳山在北,一名松林山,又名籐山。西北濱海。獅子山在海中。東南建江,亦曰黎母江,西北過龍頭嶺,歧為二:東出曰大江,東北入臨高;西出曰北門江,一名倫江,西北流,至州治東北,屈而西,為新英港,新昌江自東南來注之,又西南入海。東北有榕橋江,西南有沙溝江,皆西北流入海。有薄沙巡司。鎮南司,廢。鹽場曰蘭馨。

  崖州直隸州:沖,繁。隸瓊崖道。崖州舊隸瓊州府。光緒三十一年,升為直隸州。東北距省治二千六百八十里。廣二百四十二里,袤一百七十五里。北極高十八度二十七分。京師偏西七度三十六分。領縣四。東:回風嶺。西南:澄島山,一名澄崖山。東南濱海。東北:安遠水自陵水入,西南流,至郎勇嶺,歧為二:一西南至大村入海;一西北流為抱漾水,過州治北,屈南為保平港,入港。北:樂安河,西南過多港嶺,屈西北入感恩。東:多銀水,一名臨川水,出黎峒,東南與三亞水合,又東南為榆林港,入海。有樂安、永寧二巡司。鹽場曰臨川。感恩難。州西北百九十五里。舊隸瓊州府。光緒三十一年來屬。東:大雅山。東北:九龍山。西濱海。東南:龍江,出小黎母山,西南流,別出為感恩水,迤西至縣治北為縣門港,入海。其正渠西北過北黎市為北黎港,又西南入海。樂安河出州,西北流,入昌化。昌化簡。州西北三百六十里。舊隸瓊州府。光緒三十一年來屬。東北:峻靈山。東南:九峰山。西北濱海。南:昌江即樂安河,自感恩入,至縣治東南,歧為二,西南出曰南崖江,北出曰北江,皆入海。又安海江出東北歌謗嶺,西北至儋州入海。陵水難。州東北二百一十里。舊隸瓊州府。光緒三十一年來屬。西:獨秀山。南:多雲嶺。東南濱海。有加攝嶼、雙女嶼,在海中。西北:大河水,出七指嶺,東南過博吉嶺,屈南為桐棲港,又東入海。又南,青水塘水出西北狼牙村,東南流,至縣治西,別出為筆架山水,與大河水合,瀦為灶仔港。屈西南,至新村港口入海。有寶停巡司。萬沖,繁。州東北三百七十里。萬州舊隸瓊州府,光緒三十一年降為縣,來屬。東:東山。北:六連嶺。東南濱海。海中有獨洲山,其下曰獨洲洋。西北:龍滾河,出縱橫峒,南屈而東,與流馬河合,又東北入樂會,屈東南復入縣北。東別出為蓮塘溪,屈北至樂會,合萬全河。其正渠,東南過連岐嶺入海。又都封水亦出縱橫峒,東南流,歧為四派:曰和樂港,曰港北港,曰石狗澗,曰金仙河,至縣治東北入海。又南,踢容河,出西北鷓鴣山,東南至瘦田村分流,與石龜河合,又東南流入海。有龍滾巡司。鹽場一,曰新安。

Source : © Thời Đại Mới


20- 3- 2010

20/5/10

Phan Huy Đường : Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn

Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn
-----
Phan Huy Đường

Abstract



L'attitude scientifique dans la condition humaine

Les découvertes de la physique contemporaine nous aident à éliminer de notre pensée maints préjugés coriaces de la philosophie et de la culture. Néanmoins, le savoir des physiciens se limite aux relations quantitatives entre les êtres matériels à l'intérieur du monde matériel dont l'homme fait partie. Mais l'homme est aussi un être tri-dimensionnel, l'unité mouvante de la matière, de la vie et de la culture. Aussi, s'il faut faire confiance au savoir des physiciens dans leur domaine de compétence, il vaut mieux conserver un peu de philosophie, voire de poésie dans nos relations globales avec le monde, avec Autrui. Dans ces relations, il existe à travers le temps des "évidences" incontournables qui ne relèvent pas de la science. Elles s'expriment spontanément dans les langages que nous utilisons pour penser le monde. S'il convient de purger notre langage de tous ses concepts douteux, nous ne devons en aucun cas le réduire et l'enfermer intellectuellement dans les carcans de l'infiniment grand et de l'infiniment petit de la physique contemporaine. Car nous existons, vivons, pensons, agissons, voire nous aimons dans un monde aux échelles humaines, au-delà duquel il n'y a ni pensée ni science.



Tóm lược



Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn

Những phát minh của vật lý hiện đại giúp chúng ta loại bỏ khỏi tư duy nhiều thành kiến dai dẳng của triết học và văn hoá. Tuy vậy, kiến thức của các nhà vật lý giới hạn trong những quan hệ về lượng giữa những vật thể trong vật giới mà chúng ta là một bộ phận. Nhưng con người còn là một thực thể ba-chiều-kích, thể thống nhất động của vật giới, sinh giới và văn hoá. Vì thế, nếu ta nên tin những nhà vật lý trong lĩnh vực kiến thức của họ, ta vẫn nên duy trì chút triết lý, thậm chí chút thơ trong quan hệ tổng hợp của ta với thế giới, với Tha nhân. Trong những quan hệ ấy, qua thời gian, có những điều "hiển nhiên" không thể vòng tránh được nhưng không tuỳ thuộc khoa học. Những điều ấy được bày tỏ một cách hồn nhiên ngay trong những ngôn ngữ mà ta dùng để tư duy thế giới. Nếu ta nên tẩy sạch tất cả những khái niệm khả nghi ra khỏi ngôn ngữ của chúng ta, ta đừng bao giờ, vì bất cứ lý do nào, trong lý trí, dồn nén và nhốt ngôn ngữ ấy trong những gông cùm của thế giới vĩ mô và vi mô của vật lý đương đại. Vì ta tồn tại, sống, tư duy, thậm chí yêu, trong một thế giới ở tầm người. Ngoài nó, chẳng có cả tư duy lẫn khoa học.



(…) ý nghĩa và giá trị của vật lý ở chỗ nó giúp chúng ta khám phá ra những sai lầm của triết học bằng cách cho chúng ta thấy rằng "một số khẳng định có tham vọng có giá trị triết thực ra chẳng có giá trị gì cả".

(…) Vật lý phá tan một số thành kiến trong tư duy triết và trong tư duy thông thường, nhưng không tự khẳng định như một triết lý. Nó chỉ sáng tạo ra những cách nói chéo để tạm thời điều trị sự thiếu hụt và bất lực của những khái niệm truyền thống, nhưng nó không đặt ra những khái niệm đương nhiên[i]. Nó khiêu khích triết học, buộc triết học phải nghĩ ra những khái niệm có giá trị trong bối cảnh của chính nó.[ii]

Merleau-Ponty



Vì, đúng thế, trong nghĩa nào đó, "khoa học không suy nghĩ" – chính điều ấy là bí quyết giải thích sự hữu hiệu của nó. Khoa học cố gắng rất lớn để khỏi phải suy nghĩ, bằng cách tạo ra những máy biểu tượng hình thức lỗi lạc để chúng gánh vác những khó khăn và mệt nhọc của tư duy, y như máy móc trong nhà và trong công nghiệp thay thế và kéo dài khả năng giới hạn của thân xác chúng ta.[iii]

J-M Lévy-Leblond



Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết.

(Wir müssen wissen, wir werden wissen.)



David Hilbert



Tuyên ngôn bất hủ này của Hilbert đã được khắc trên bia mộ ông ở Göttingen.

Thú thực, do căn bệnh cố hữu của người dịch văn chương, bệnh suy diễn, tôi có khuynh hướng dịch thành : "Chúng ta phải hiểu, chúng ta sẽ hiểu." Tôi không dám. Nhất là trong kỷ yếu kỷ niệm ngày sinh nhật của Max Planck.



Với nhà toán học cỡ David Hilbert, biết chung chung qua ngôn từ thường ngày, qua những ý chung, chẳng thể coi là kiến thức khoa học. Với nhiều nhà khoa học, ta chỉ thực sự "biết" những gì ta đã "hiểu". Nghĩa là : chứng minh được rằng điều ấy đúng hay sai, thế thôi[iv]. Chí ít cũng phải khẳng định một cách không phủ nhận được, ở mức độ chính xác nào đó, rằng nó đúng trong một hoàn cảnh cụ thể, rõ ràng, kiểm soát được. Những thứ còn lại, ta biết vậy vậy, thế thôi, chẳng thể nhắm mắt tin càn được.



Trong tiếng Pháp, động từ "biết" có hai nghĩa : biết chung chung, đại khái rằng[v]… và hiểu biết khoa học. Người Pháp còn danh từ hoá quan hệ hiểu biết, biến nó thành khái niệm hình thức : le Savoir, "Kiến Thức" hay "Tri Thức". Đương nhiên, "Kiến Thức" hay "Tri Thức" vẫn mang trong mình hai bộ mặt trên của quan hệ hiểu biết. Nhưng dưới dạng danh từ, khái niệm, nó có vẻ nói đến một cái gì tự nó có thực. Viết chữ hoa khiến nó long trọng, trang nghiêm, đáng tin cậy như một Sự Thật… có tầm cỡ, "có giá trị triết".



Niềm tin nhập nhằng ấy đã từng và vẫn đang lan tràn vào triết học, văn học, thậm chí thơ văn. Nó đã khiến nhiều triết gia, nhà tư tưởng, nhà lý luận văn học đam mê đeo đuổi Sự Thật và thường nghĩ rằng tư tưởng, ý tưởng, kiến thức của chính mình biểu hiện Sự Thật. Đã từng có không ít nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, triết gia, tự khoác cho mình nhiệm vụ tìm kiếm và nói lên Sự Thật, nhất là Sự Thật Khách Quan, Sự Thật Khoa Học, Sự Thật Lịch Sử, Sự Thật Của Con Người, v.v. Khi họ có trong tay ít nhiều quyền lực, có người không chỉ nói thôi, còn thẳng thừng dạy dỗ, giáo dục, cải tạo, hướng dẫn, kể cả bằng cưỡng ép đủ kiểu, người đời đi theo Chân Lý. Điều ấy đã gây những tai hoạ kinh hoàng nào trong thế kỷ 20, ai cũng biết. Điều ấy đang gây những tai hoạ kinh hoàng nào hôm nay, cứ nhìn tình hình điên loạn đẫm máu của thế giới thì thấy.



Thí dụ niềm tin xưa vào Sự Thật của Lịch Sử dựa trên kiến thức Khoa Học về những Quy Luật Khách Quan của Lịch Sử.



Hay niềm tin "Hiện Đại" vào những Quy Luật của Kinh Tế Thị Trường Toàn Cầu Hoá, được chứng minh bằng vô vàn phương trình toán rất siêu[vi], nhưng chưa bao giờ tiên đoán được những khủng hoảng vừa qua và sắp tới của kinh tế thị trường, chẳng bao giờ đếm xỉa tới thân phận của hàng chục hay trăm triệu người đời cả… Và, quan trọng hơn, chưa bao giờ vạch được cho người đời một hướng đi hữu hiệu tới một thế giới nhân bản hơn ngay trong đời họ.[vii]

Trong lĩnh vực thơ văn, có thể tiếu lâm hơn, nhờ thế cũng ít tốn xương máu hơn, nghệ thuật thôi mà, ghê gớm đến mấy vẫn thua xa hai quả bom nguyên tử giội xuống Hiroshima và Nagasaki.



Cách đây không lâu đến nỗi, tôi đưa một nhà thơ Việt Nam tới Grenoble nói chuyện. Chàng nổi tiếng đã từng đổi mới thơ Việt Nam và đã phải trả giá nặng hàng chục năm. Chàng nổi tiếng có kiến thức sâu rộng về văn học, triết học Tây Âu. Chàng sử dụng sành tiếng Pháp tới mức đã tự dịch thơ của mình qua tiếng Pháp, nói chuyện với độc giả bằng tiếng Pháp, thao thao bất tuyệt về Nguyên lý bất định[viii] của Heisenberg trong thơ, quan điểm về thơ và triết lý của chàng. Tôi sững sờ. Có thể vì tôi zốt, không hiểu gì cả về nguyên lý rắc rối này. Lúc giải lao, tôi kéo chàng ra ban công, bỏ nhỏ : ông ơi, nói vừa vừa thôi, đây là thành phố đại học, nôi khoa học hạng nhì của Tây đó ; đám làm vật lý ở đây trình bày nguyên lý này bằng phương trình cho phép chúng nó tính toán và tiên đoán rất chính xác kết quả hành động của chúng nó vào vật chất, thế thì còn bất định gì nữa ! Nếu tự do của con người dựa vào sự bất định vật lý kiểu ông thì chúng nó chẳng có đứa nào tự do cả, nói chuyện với chúng nó làm gì : dù chưa được giải Nobel vật lý, điều gì chúng nó chưa tính toán được, chúng nó chưa tin là đúng, chưa tin là có thực. Chúng nó đã tính toán được, chẳng còn gì bất định cả. Tự do của chúng nó khác tự do của người đời ở đó. Chàng mỉm cười, nhìn tôi tội nghiệp. Và chàng tiếp tục thao thao bất tuyệt về tính bất định của đủ thứ linh tinh, nhất là của chữ nghĩa, nhất là chữ nghĩa của chàng, nhất là trong thơ và tư tưởng của chàng. Tôi vốn dị ứng với thơ. Hôm ấy, tôi càng dị ứng với thơ hơn bao giờ hết. Thế mà tôi vẫn, khi tội nghiệp chính mình, yêu… thơ, trong mọi hình thái. Khổ thật…



Điều tôi thích nhất khi tôi cặm cụi, âm u đọc các nhà khoa học bàn ngang tầm người về kiến thức và niềm tin của họ trong lĩnh vực sở trường của họ, là họ cũng có lúc khắc khoải như ai. Tôi dốt khoa học. Tôi chia sẻ nỗi khắc khoải làm người có ý thức khoa học của nhà khoa học cũng như tôi chia sẻ – hão tới mức nào, tôi không biết, người đời sẽ dạy tôi thêm, đều đều, than ôi – khắc khoải làm người của nhà văn. Bất cứ ai biết khắc khoải làm người kiểu này kiểu nọ, tôi đều yêu mến, dù chưa đồng ý tôi vẫn có thể đồng tình. Xin bạn đừng hỏi tôi : anh làm người như thế nào ? Tôi không trả lời được. Hiện nay, tôi chỉ biết hành văn thôi. Nếu đó cũng là một cách làm người mà người đời chấp nhận được, tôi mãn nguyện.



Trong Wikipedia, tất nhiên không thể coi như nguồn tham khảo có giá trị khoa học, tôi thấy một điều về Max Planck, không biết đúng sai thế nào, nhưng là đề tài đáng suy ngẫm.



Ban đầu, Planck khước từ mô hình nguyên tử về khí của Maxwell và Boltzmann. Đối với ông, thuyết nguyên tử sẽ có ngày sụp đổ trước giả thuyết cho rằng vật chất liên tục (continu). Ông thuận theo thuyết nguyên tử từ những năm 1890 khi nó đã trở thành hiển nhiên.



Năm 1899, ông tạo ra những hằng lượng của Planck (h) và của Boltzmann (k), đồng thời với khái niệm quanta [...] Planck khó chịu khi phải công nhận sự đúng đắn của giả thuyết của chính mình vì nó khiến cho vật chất trở thành "gián đoạn" (discontinu).[ix]



Ra thế. Nhà bác học được giải Nobel vật lý nhờ một khái niệm mình phát minh ra, khái niệm cho phép giải đáp một vấn đề nan giải trong thời đại của mình, mở đường cho cả một thời đại mới của vật lý, lại không hài lòng với kiến thức mình khẳng định được vì nó "phủ nhận" niềm tin cố hữu của mình, cũng là niềm tin phổ biến từ lâu của nhiều người đời. Và, rất lâu, chính ông chỉ tin nó là một « cái mẹo toán » thôi.



"Gián đoạn" – "Liên tục", cặp phạm trù tương phản kinh điển trong tư duy triết, như bao cặp phạm trù tương phản khác đã từng ám ảnh tôi biết bao năm trời ! Phải viết xong quyển Penser librement tôi mới tạm yên, cảm tưởng rằng mình đã tìm được một cách tiếp cận và suy luận tạm chấp nhận được về những "mâu thuẫn" kiểu ấy. Riêng về vấn đề này, "vật chất gián đoạn hay liên tục ?", tôi đại khái an ủi mình như sau. Điều ta gọi là "vật chất", "thế giới vật chất", "vũ trụ", "là" một tổng thể động, một hệ thống quan hệ năng động giữa tất cả những gì ta có thể tiếp cận được bằng giác quan của ta hay máy móc ta sáng tạo để quan sát và biểu hiện chúng dưới dạng giác quan của ta tiếp cận được, dù chỉ là một chuỗi… số ! Trong tổng thể động ấy, có chính chúng ta. Nhưng chính ta lại là một tổng thể hơi khác những vật thể khác trong vũ trụ ở điểm này : ta là thể thống nhất năng động của vật giới, sinh giới và văn hoá. Ở phẩm chất cuối cùng này, ta vừa là chính ta vừa là toàn bộ những người đã sáng tạo những ngôn ngữ ta dùng để tư duy, kể cả ngôn ngữ toán và… tiếng Việt, thậm chí tiếng Ziao Chỉ, vì lý do đơn giản này : ít nhất 99,99% ngôn từ và, qua đó, những ý tưởng, trong đầu ta đều do tha nhân mang lại cho ta. Phải thế ta mới có thể "hiểu" được vật chất[x]. Phải thế ta mới có thể suy diễn ra khả năng có thực của nhiều vật thể hay sự kiện ta chưa hề "thấy" bao giờ. Phải thế mới có thể có một điều gì gọi là sự thật khoa học vì ngoài quan hệ tổng hợp của chúng ta với thế-giới[xi], thế giới vật chất tự nó không có Sự thật, không có Khoa học[xii]. Điều có thực, liên tục, "vĩnh cửu" là những quan hệ – trong đó có ta – mà ta biết hay chưa biết : trong vũ trụ không có gì biệt lập, không có gì tự hiện thực từ hư vô – kể cả ta. Tất cả đều là hậu quả của một quá trình vận động. Trong vật giới chỉ có một loại quan hệ thôi : quan hệ về lượng, và quan hệ ấy có không-thời gian tính[xiii]. Tất cả những hình thái "cụ thể" của vật chất đều có thể quy về vài hình thái cơ bản chung. Chính vì thế ta có thể nêu chúng trong một phương trình toán[xiv] ! Trong vận động liên miên bất tận của những quan hệ ấy, có lúc có trạng thái tương đối "cân bằng" cho phép những vật thể "cụ thể" hình thành và tồn tại một cách tương đối "ổn định" đối với nhãn quan trực tiếp hay gián tiếp của ta. Có lúc những quan hệ ấy đột ngột tạo sự trao đổi năng lượng giữa hai vật thể khiến cả hai có thể biến dạng đối với nhãn quan trực tiếp hay gián tiếp của ta. Theo kiến thức của chúng ta hôm nay, nhờ Planck, lượng năng lượng có thể trao đổi được giữa những vật thể không thể nhỏ hơn h. Thế thôi. "Vật chất liên tục", "vật chất gián đoạn" chỉ là cách phát ngôn hàm hồ, thiếu chính xác của triết gia, người đời thường và, dường như, của nhiều nhà vật lý không phải loại xoàng ! "Sự liên tục", "Sự gián đoạn" còn hão hơn nữa.



Thế mà ta cứ cần đến chúng khi ta tư duy. Đâu phải vô cớ. Đôi khi ta nghiệm sinh một cách hiển nhiên, chắc chắn, không gì phủ nhận được[xv], kể cả vật lý hiện đại, rằng đời ta y như một chuỗi gián đoạn vô lý, vô tình, đau điếng.



Nhờ thế mà có… Thơ :

"Tình chỉ đẹp những khi còn [ô hô ai tai !!!] dang dở"…

Nó mà hết liên tục dang dở, nó biến quách đi cho ta đỡ khổ, chứ nó lại đột ngột gián đoạn, chỉ vì một "quantum" ngộ nhận, đau đứt người đó, người ơi. Ừ mà đứt được, còn đỡ đỡ, chứ nó cứ dai dẳng liên tục hành hạ mình thì chết người ta… Thật vậy. Vì sao ? Vì ta tồn tại, sống, suy nghĩ, hành-động, thậm chí yêu yêu, trong thế giới trung mô. Thế giới ấy mà không gián đoạn, không thể có thân xác của chính ta. Thế giới ấy mà không liên tục, không có gì có thể hiểu được, kể cả em yêu, kể cả chính ta. Nhưng bảo nó "là" cả hai, ta… điên đầu : zậy mà hổng phải zậy ! Ở đó, vật giới có sự liên tục – gián đoạn đặc thù (của) nó. Sinh giới và thế giới tinh thần cũng vậy, và cũng chẳng dễ hiểu tí nào. Trong khi chờ đợi có người tạo ra những khái niệm, phương pháp suy luận và ngôn ngữ thích ứng, giúp ta hiểu cả ba món liên tục – gián đoạn này và quan hệ giữa chúng ở ngay ta, đành sống sao để đừng gây đau khổ cho người khác và nếu không tránh được thì nên ít ít thôi. Vì thế, đời nay, tôn giáo (hiền từ), triết lý (tỉnh táo), thơ văn (đậm nhân tình) vẫn cần thiết cho cuộc nhân sinh.



Trong cõi nhân gian bé tí này, tu Tiên tu Phật mãi, hình như cũng có ngày đắc đạo. Nhưng dường như chưa ai đắc đạo nhờ tu Toán. Chẳng ai sống mãi với phương trình được. Còn phải ăn, phải yêu nữa chứ ! Không thì sống sao được, nói chi là suy nghĩ ? Lúc đó, bắt buộc phải trở lại đời thường, sống với ngôn ngữ thường ngày của người đời. Những nhà vật lý cũng thế thôi. Nhưng họ sử dụng ngôn ngữ thường ngày thận trọng biết bao !



Bohr đã từng nói với Heisenberg[xvi] : "thực ra tôi nghĩ rằng mấy bức hình nguyên tử [như một hạt nhân với một vài électrons giao động chung quanh] chỉ là một cách mô tả kinh điển thuận tiện nhất, thế thôi." [PHĐ nhấn mạnh]



Ôi, những gì ta tận mắt thấy trong kính hiển vi điện tử có thể không có thực hay sao ? Ừ, vậy đó ! Chính Bohr đã nói vậy mà.



Einstein lại nói với Heisenberg : « Về nguyên tắc thì thật là sai lầm nếu xây dựng một lý thuyết chỉ dựa trên những đại lượng quan sát được. Chính lý thuyết quyết định về cái mà người ta có thể quan sát được.[xvii] » "Chủ quan", "duy tâm" đến thế là cùng ! Và Einstein định nghĩa hành động quan sát như sau : « Quan sát nghĩa là thiết lập một quan hệ giữa một hiện tượng và sự thực hiện hiện tượng đó [qua hành động] của ta.[xviii] »



Heisenberg lại cho rằng tên "principe d'incertitude" không phù hợp với phát minh của ông.



J-M Lévy-Leblond thẳng thừng :

Dựa vào một phát biểu đúng trong khung cảnh đặc thù và giới hạn của một lý thuyết vật lý – lượng tử, trong trường hợp này – để ngoại suy trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác về bản chất, là chuyện nguy hiểm và thường thường có tính chất lạm dụng. Sự lạm dụng ấy gần như sự gian lận khi, như trong trường hợp này, bản thân sự phát biểu ban đầu[xix] đã quá đỗi nhập nhằng. Đúng vậy, chúng ta dứt khoát phải dẹp cách gọi thông thường "bất định" đối với những gì mà cho tới đây chúng tôi gọi là, bằng một từ cố ý mập mờ, sự "lờ mờ" của những đại lượng vật lý như vị trí và tốc độ.[xx]



Chính Einstein đã công nhận rằng từ "tương đối", do chính ông phổ biến, không chính xác tí nào[xxi]. Có thể còn ngược lại : nếu[xxii] những lượng ta đo đếm được đều "tương đối" đối với một hệ quy chiếu, có những hệ quy chiếu tương đương (classes d'équivalence) trong đó người ta vẫn có thể, từ lượng được đó đếm trong hệ quy chiếu này mà suy tính ra lượng sẽ đo đếm được trong hệ quy chiếu khác. Điều đó khả thi vì trong vũ trụ có một hằng lượng… tuyệt đối và bất biến trong mọi hệ quy chiếu ! Đó là tốc độ của ánh sáng. Nền tảng của lý thuyết "tương đối" là một niềm tin… tuyệt đối ! Dường như gần đây, niềm tin tuyệt đối ấy đã bắt đầu… tương đối !



Thế mà chúng ta cứ bừa bãi "tương đối" với nhau. Trong tranh luận thường ngày, chắc bạn đã từng nghiệm sinh điều này : khi người đối thoại với bạn tuyến bố "mọi chuyện cũng tương đối thôi" thì chẳng còn gì đáng nói với nhau nữa. Điều đó thể hiện niềm tin tuyệt đối này : con người không thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt. Thế thì nó có thể hiểu nhau bằng cái quái gì ? Cái tát, giọng ngọt, ve vuốt, hôn ? Thế thì nói chuyện với nhau, triết lý, hành văn, làm gì cho mệt xác ? Chán thật…



Hiện nay, chỉ trong khoa học người ta mới biết tranh luận với nhau cho tới lúc (tạm thời) ngã ngũ : có hai hằng lượng "đúng" là hằng lượng của Planck và tốc độ của ánh sáng. Chấm… chưa hết ! Nhưng tạm thời dùng được cho vô số việc bổ ích trong khoa học và đời thường. Ngã ngũ rồi, người "thắng" người "thua" đều hả dạ, quý trọng nhau : họ đã được cho không nhau những điều đáng cho, đáng nhận.



Than ôi, ở đời dường như chẳng có hằng lượng nào giúp người ta được cho không nhau chút tình, giúp người ta biết yêu nhau. Thôi thì tạm dùng một "hằng lượng" đặc thù, cũ kỹ, mơ hồ, kì dị, làm điểm tựa chung cho tất cả các nền văn minh, bất kể chúng khác nhau thế nào trong không gian và qua thời gian : tình người. Không có nó, chẳng thể có bất cứ nền văn minh nào. "Hằng lượng" đó tự nó bất biến, tuyệt đối không thua gì hằng lượng của Planck hay tốc độ của ánh sáng : nó không thuộc loại quan hệ về lượng, không đo đếm được với bất cứ đơn vị đo lường nào của vật lý kinh điển cũng như vật lý lượng tử và tương đối. Bạn mà lỡ được em yêu "tương đối" yêu, dĩ nhiên nhiều hơn một quantum, bạn hiểu liền, chẳng cần đến phương trình toán cao siêu nào cả. Bạn mà đột ngột bị em yêu "tuyệt đối" yêu, vì một quantum gì đó mà chính bạn cũng không ngờ tới, bạn cũng hiểu liền, sướng mê tơi, chẳng thèm biết tới gì khác.



Những nhà khoa học vật lý[xxiii] cẩn trọng như thế đối với ngôn ngữ thường ngày của chính họ. Vậy, chúng ta, những người sống nhờ chữ nghĩa[xxiv] hay/và vì chữ nghĩa[xxv], chúng ta nên ứng xử thế nào với chữ nghĩa của chính chúng ta ? Nhất là khi chúng ta thò bút viết những cụm từ như "Sự thật", "Khoa học", "Sự thật khoa học", "Sự thật khách quan", "Quy luật", "Tương đối", "Tuyệt đối", "Liên tục", "Gián đoạn", "Bất định", et tutti quanti, và, tiếu lâm hơn : "phải" ![xxvi]

Có lẽ, chí ít, ta nên học hai thái độ này của các nhà khoa học.



1/ Trong quan hệ của ta với vật giới, ta nên tin kiến thức khoa học của họ hơn tin ý chí của chính mình. Đào non và lấp biển (thứ thiệt) mà chỉ có quyết chí thôi, chẳng bao giờ làm nên cả. Nhưng có chút khoa học và có đủ phương tiện kỹ thuật thì làm được. Có thêm tí tiền nữa, càng đỡ mệt – nếu biết tiêu cho đáng, nhưng điều ấy đòi hỏi kiến thức khoa học ! Tuy vậy, trước khi làm, nên tham khảo ý kiến của những nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường. Vật chất là một và liên tục qua sự gián đoạn mà !



2/ Trong tất cả quan hệ khác của ta với người đời, nên biết sợ, biết khắc khoải trước khi khẳng định bất cứ điều gì, quyền gì. Cơn hả hê đắc chí kéo dài hôm nay (liên tục) có thể đột ngột (gián đoạn) biến thành cơn giãy giụa nhục nhằn của ngày mai. Triết lý duy vật biện chứng kinh điển gọi món này là : lượng biến thành chất. Lượng đó đã lớn hơn h của Planck thì điều ấy khả thi. Than ôi, trong thế giới trung mô, mọi hành động của ta, kể cả đọc diễn văn hay viết bài này thôi, đều huy động một lượng năng lượng lớn hơn h.



Dù sao, sợ đến mấy, cũng phải hành động. Không làm gì cũng là hành động rồi mà, người đời đâu tha cho ta điều ấy ! "Trong khi con tôi giãy chết, van lơn cầu cứu, anh chị nỡ lòng ngoảnh mặt đi à ?" Vậy, cứ hành động một cách có ý thức, nhất là ý thức khoa học khi nó cần thiết, nhưng nên hành động một cách thận trọng, nhất là khi… viết văn, trong bất cứ lĩnh vực nào, dưới bất cứ thể loại nào.



Đã hành động vào thế giới chung của loài người, ắt phải quan hệ với người khác.

Đối với nhà khoa học chân chính, ta nên quý trọng kiến thức và yêu mến sự trung thực của họ đối với ta và người đời. Họ sẽ không lừa ai, nói dóc với ai về quan hệ giữa vật thể với vật thể, giữa người với vật giới. Sự thật khoa học nghĩa là thế… thôi. Nó vô cùng quý báu vì đã có biết bao nhà khoa học đích thực, thậm chí đã được giải Nobel, đã từng lừa người đời, nói dóc với người đời vì đủ thứ lý do. Chưa kể những người rất thật thà khẳng định đủ thứ chuyện không tuỳ thuộc kiến thức khoa học hiện có của họ ngay trong lĩnh vực kiến thức của họ. Trong trường hợp ấy, đừng vội bốc đồng. Tinh thần khoa học cũng là vậy.



Đối với nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, triết gia, et tutti quanti, thì… ngược lại ! Yêu thơ văn, suy luận của họ vì nó đáp ứng nhu cầu làm người hiện nay của ta, cứ thoải mái… yêu. Và nên yêu… hết mình ! Khi tự mình thấy… đáng yêu. Chẳng chết đâu và, bình thường, chẳng hại ai cả. Có khi còn thích thú nữa. Nhưng đừng chờ đợi ở họ bất cứ sự thật khoa học nào cả. Do đó, yêu thì cứ yêu, nhưng đừng vội tin, nhất là khi phải hành động.



Đối với đa số chính khách đời nay, chẳng nên tin, yêu điều gì cả ngoài điều này : chính sách anh đang chủ trương và hành động thiết thực của anh để thực hiện nó phù hợp với nhân cách của tôi, đồng bào tôi, người đời lương thiện hay không ? Thế thôi. Nếu phù hợp, tôi sẽ cùng anh hết mình đấu tranh cho nó. Nếu không, you profit, I don't work for[xxvii].



Xin chấm dứt bài này bằng câu chuyện dịu dàng êm ả zui zui. Hiện tượng này hình như phổ biến : vợ chồng thích cãi nhau kịch liệt trong lúc… lái xe. Một người lái, một người "chỉ đạo". Sao lái nhanh thế, chậm thế ? Sao lại rẽ mà không đi thẳng ? Không thấy bảng chỉ đường ấy à ? Rẽ vào đây, đây này, đây này… Dĩ nhiên, người lái xe liền rẽ vào đường… khác. Nó mà nhìn ngón tay chỉ đường của người chỉ đạo, nó có thể gây tai nạn giao thông ngay, bỏ mạng hay giết người liền ! Hai người không chỉ có hệ quy chiếu "tương đương". Ngồi cạnh nhau và di chuyển trong không gian với cùng tốc độ mà người ta cảm nhận không gian và thời gian khác nhau đến thế ! Vì sao ? Vì hành động trong nhân giới, tuy phải có kích thước vật chất mới có thực, rất khác quan hệ giữa sự vật với sự vật trong khoa học vật lý. Vậy, trong khi chưa có kiến thức hoặc thời giờ để quy tất cả về một hệ quy chiếu tuyệt đối, ta nên chấp nhận rằng, khi hành động, mỗi người là một hệ quy chiếu cá biệt, không thể phủ nhận được và, bình thường, cũng đáng tin, có lúc còn đáng yêu yêu nữa, cứ để nó lái xe như nó thấy phải lái, miễn sao đừng đâm chết ai hay/và giết chính mình là được được rồi.



Trong hành động thường ngày, ta nên tập nhìn đời theo hệ quy chiếu của người khác. Sự gián đoạn ấy với chính mình cần thiết cho sự liên tục sống ôn hoà với nhau trong kiếp nhân sinh. Biết đâu ta sẽ nói chuyện được với nhau "tới cùng" và "hiểu nhau"… hơn, một tí ? Biết tạm quên mình một tí (nhưng đừng bao giờ quên luôn nhe, kinh hoàng lắm đấy), biết nhìn đời một khắc trong hoàn cảnh và theo thế nhìn của tha nhân, là một nền tảng cơ bản của tình người, của văn hoá. Đó là niềm tin tuyệt đối ngớ ngẩn, dại dột của tôi.



Trong kiếp nhân sinh, mỗi người là một hệ quy chiếu đặc thù, "biệt lập". Ngoài… ngôn ngữ vốn là chất người chung nhưng vẫn có âm hưởng thậm chí ý nghĩa dị biệt trong từng người ! Vì dù chúng ta nên người trong "cùng hoàn cảnh", chẳng ai nên người y hệt ai cả, nhất là ở thời loạn ly, chinh chiến, di cư, di tản, di dân, ở thời khủng hoảng xã hội, niềm tin, văn hoá. Thế mà ta vẫn có thể "hiểu nhau", tin nhau. Chí ít, lâu lâu, cũng có thể yêu nhau tí ti. Giải thích điều này thế nào đây ? Có thể sẽ không bao giờ giải thích được một cách khoa học. Nhưng vẫn có thể nói cho nhau… nghe được được. Tôi tin vậy nhưng không chứng minh được. Dù sao tôi đã biết : đam mê quá đà, dễ bị lợi dụng ; quá ham "có lý", có thể đánh mất tình người ở mình như chơi ; hiểu nhau, dù chỉ một tí, dù chỉ một khắc, dù tương đối thôi, mãi mãi là khát vọng của con của người.

Thôi thì đành triết lý và… hành-văn !



2008-08-31



[i] "concepts de droit" có nghĩa : tự nó có quyền được coi như là khái niệm. Ôi, từ khi có ai đó (Kant ? Rồi Deleuze) tuyên bố rằng : triết lý là lao động sáng tạo khái niệm, triết gia cứ tưởng "khái niệm" là cái gì ghê gớm lắm tuy xét cho cùng nó cũng chỉ là một ngôn từ thôi, và mọi ngôn từ đều là khái niệm : "cái bàn", chẳng khác gì "hạt nguyên tử", đương nhiên là một khái niệm, nó có thể là gì khác ? Khái niệm, xét cho cùng, là quan hệ giữa người với người được vật thể hoá bằng một âm thanh hay một ký hiệu. Ngoài quan hệ ấy, trong vũ trụ làm gì có gì gọi là khái niệm ?



Theo tôi : triết lý là suy luận để cải tạo những khái niệm sai, mơ hồ hoặc quá thô sơ, giảm bớt thành kiến cổ lỗ sĩ trong quan hệ giữa người với người, mở đường cho một nhân giới cởi mở, đúng đắn và, nếu có thể, trìu mến hơn. Thế thôi. Trong triết có những vấn đề mà hiện nay khoa học chưa thể với tới được, chưa kể tới những vấn đề mà khoa học không thể với tới được, nhưng vẫn là môi trường sống có nhân cách, môi trường làm người của ta hôm nay.

[ii] PHĐ dịch nghĩa, không dịch văn, những câu :



«( ...) le sens de la physique est de nous faire faire des "découvertes philosophiques négatives[*]" en montrant que "certaines affirmations qui prétendent à une validité philosophique n'en ont pas en vérité".

(...) La physique détruit certains préjugés de la pen­sée philosophique et de la pensée non philosophique, sans pour autant être une philosophie. Elle se borne à inventer des biais pour pallier la carence des concepts traditionnels, mais elle ne pose pas de concepts de droit. Elle provoque la philosophie, la pousse à penser des concepts valables dans la situa­tion qui est la sienne. » [MP]

[*] Merleau-Ponty emprunte cette expression (et la citation qui suit) aux physiciens London et Bauer [Ln&B].



Aux contraires, Jean-Marc Lévy-Leblond, NRF essais, Éditions Gallimard, 1996, trang 15-16.

Nói toạc móng heo thì thế này : triết gia truyền thống thường suy luận với nhiều khái niệm tưởng chừng là những sự thật vĩnh cửu rất siêu nhưng thực tế thì chẳng có giá trị gì cả. Thí dụ như khái niệm không gian và thời gian của Kant hay quan hệ giữa hai khái niệm ấy của Hegel. Bọn vật lý chúng em xin thưa với các đại gia : trong lĩnh vực hành động cụ thể của chúng em ngày nay, các khái niệm ấy sai bét ! Vậy các đại gia ráng tìm ra khái niệm mới phù hợp với hoàn cảnh hành động này vì nó có thực, chứng minh và thể nghiệm được, và nó thực sự đã tác động vào đời sống hàng ngày của người đời.



Điều này "đúng / sai" như thế nào, trong bối cảnh nào, với giới hạn nào, ta không bàn ở đây. Chỉ cần biết nó có thực và chính đáng, không thể làm ngơ được.

[iii] Car, il est vrai, en un certain sens, que "la science ne pense pas" – c'est même le secret de son efficacité. La science fait un effort considérable pour ne pas penser, en mettant au point de remarquables machines symboliques et formelles qui prennent en charge les difficultés et les fatigues de la pensée, tout comme nos machines domestiques et industrielles viennent relayer et prolonger nos capacités physiques limitées.



Aux contraires, J-C Lévy-Leblond, Gallimard, 1996, trang 16.

Lévy-Leblond là giáo sư vật lý và… triết lý khoa học (épistémologie). Đụng tới khoa học, tôi thích đọc tác phẩm của các nhà khoa học đích thực : họ không chỉ có kiến thức vững vàng và chính xác về khoa học, có người còn có văn hoá đầy mình, đặc biệt trong lĩnh vực triết lý khoa học từ cổ tới kim. Ý của Lévy-Leblond thế này. Những kiến thức khoa học đã được khẳng định rồi thì ta có thể thoải mái dùng – trong bối cảnh mà chúng có giá trị – những phương trình toán biểu hiện chúng, không cần kiểm soát lại, càng không cần tính toán lại từng bước từ đầu, mất công tốn sức một cách vô bổ, cứ việc đưa cho máy tính gánh vác hộ. Còn phát huy kiến thức khoa học lại là chuyện khác, chẳng dễ tí nào, có khi suy nghĩ nát óc vẫn không nhích lên được nửa bước.



Dường như đối với kiến thức triết học thì… ngược lại. Trong triết học, không có khái niệm nào có thể nhắm mắt tin được, luôn luôn phải đặt lại vấn đề ngay từ ban đầu. Phải chăng vì thế có những ý tưởng cổ lỗ sĩ hàng nghìn năm mà hôm nay vẫn chưa chịu chết ? Phải chăng vì thế, ở đời, triết gia thì hằng hà sa số, nhưng triết lý mở ra một thời đại tư duy mới thì cực hiếm.



[iv] Chứng minh rằng một điều gì đó… sai, quan trọng không thua gì chứng minh được rằng nó… đúng. Chứng minh rằng một điều gì đó nằm ngoài khả năng chứng minh đúng/sai của hệ lý luận mình đang vận dụng thì càng tuyệt !



[v] Mon père ne savait pas tout, mais il savait un peu de tout. Cha tôi không biết mọi chuyện nhưng cũng biết một tí về mọi chuyện. Một giá trị văn hoá phổ thông, culture générale, của Pháp hồi đầu thế kỷ 20, trước hai cuộc tàn sát khổng lồ mỹ mãn mà nền văn hoá ấy cho tới nay vẫn không hiểu nổi. Theo trí nhớ tồi tệ của tôi. Của nhà văn nào, tôi không nhớ nữa.



[vi] đối với kinh tế gia và người đời thường, nhưng đối với toán gia thực thụ thì…



[vii] Không hoàn toàn "đúng" – nếu ta chỉ muốn thấy kết quả cuối cùng của từng giai đoạn phát triển kinh tế ở một số nước như Trung Quốc hôm nay chẳng hạn. Nhưng nhìn toàn bộ quá trình phát triển ấy thì kinh hoàng : tàn nhẫn không thua gì thời tích lũy vốn tư bản ban đầu tại các nước tư bản ở Tây Âu và thuộc địa cũ và mới của họ. Cần gì toán học hiện đại để bắt chước tư bản Tây Âu ở thế kỷ 19 và thành công như họ đã từng thành công ? Ai không tin, cứ đi hỏi 350 triệu "lao công" Tàu hiện nay thì biết. Chẳng khác phu đồn điền cao xu ở Việt Nam thời thực dân bao nhiêu.



[viii] Principe d'incertitude hay Principe d'indétermination.



[ix] "Planck rejette, dans un premier temps, le modèle atomiste des gaz de Maxwell et Boltzmann. Pour lui, la théorie atomique s’effondrera à terme en faveur de l’hypothèse de la matière continue. Il se rallie devant l'évidence à l'atomisme à partir des années 1890."

En 1899, il introduit les constantes de Planck (h) et de Boltzmann (k) en même temps que la notion des quanta [...] Planck a du mal à accepter sa propre hypothèse, rendant la matière « discontinue ».



[x] Tất nhiên, "hiểu" là một quá trình bất tận. Marx và Engels đã vạch rõ từ lâu.

Xin "trích" theo trí nhớ tồi tệ của tôi, ý bất hủ này : La contradiction entre le caractère limité de nos connaissances et notre capacité infinie à connaître se résout dans le développement infini du Savoir. Mâu thuẫn giữa tính giới hạn của kiến thức của chúng ta và khả năng hiểu vô tận của chúng ta tự giải quyết qua sự phát triển vô tận của Kiến Thức. Với ngôn ngữ triết của thế kỷ 19 tại Châu Âu, hành văn biện chứng đến thế là cùng !

Dĩ nhiên, "bất tận" trong nhân giới. Bản thân nhân giới bất tận hay không, phải điên điên mới dám khẳng định (PHĐ).

[xi] Quan hệ chung của chúng ta với vật giới và với nhau trong tư cách người.



[xii] Xem lập luận chi tiết trong Penser librement hay Tư duy tự do.



[xiii] Đây là nguyên lý nền tảng của triết lý duy vật biện chứng của Marx và Engels : Thoạt tiên có vật chất năng động (matière en mouvement). Vật chất đã tự nó năng động thì tự nó cũng là không-thời gian. Khi ta đọc hai triết gia này xuyên qua những khái niệm "không gian", "thời gian", "hiện tượng" và "vận động" của Kant, ta hiểu ai khác, không hiểu họ vì họ không chỉ phủ định Kant thôi mà còn phủ định luôn cả Hegel nữa. Trên cơ sở ấy, họ cho rằng điều duy nhất đáng tìm hiểu là : những quy luật chung nhất của sự vận động, từ hình thái thô sơ nhất, hình thái vật thể, tới hình thái phức tạp nhất : tư duy. Và vay mượn, một cách khá gượng gạo, ba quy luật của phép biện chứng của Hegel. Tôi đã phân tích vài thí dụ cụ thể trong Tư Duy Tự Do.

[xiv] Một phương trình vật lý là một quan hệ về lượng giữa những vật thể, một sự bằng nhau, hơn kém nhau, một sự đồng nhất về bản chất mặc dù những hình thái cụ thể khác biệt qua đó ta cảm nhận chúng. E=Mc2 có nghĩa : không có sự khác biệt về bản chất giữa những cái ta gọi là khối lượng hay năng lượng "của" một "vật thể".



[xv] évidence kiểu Descartes.



[xvi] « A vrai dire, je pense que ces dessins d'atomes sont ce qu'il y a de mieux comme images classiques, mais rien de plus. »

Werner Heisenberg, La grande Unification, Seuil, 1991, tr. 85



[xvii] Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh – 2007, trang 260.

Tôi đã "giải thích" ý "quái gở" này trong hai quyển sách đã nêu.

[xviii] Il raisonnait ainsi : "Obser­ver signifie établir une relation entre un phénomène et notre réalisation du phénomène."



Werner Heisenberg, La grande Unification, Seuil, 1991, tr. 89.

[xix] tên do chính những nhà khoa học đã dùng để nêu danh lý thuyết ấy cho người đời thường. PHĐ.



[xx] Il est toujours risqué, et le plus souvent abusif, d'extrapoler un énoncé valide dans le cadre spécifique et restreint d'une théorie physique – quantique en l'occurence – à des situations d'une nature toute différente. L'abus confine à l'escroquerie quand, comme ici, l'énoncé initial est lui-même plus que douteux. C'est qu'en effet on doit absolument révoquer l'appellation commune d' "incertitude" appliquée à ce que nous avons jusqu'ici dénommé, d'un mot volontairement vague, le "flou" des grandeurs physiques de position et de vitesse.



Aux contraires, J-M Lévy Leblond, Gallimard, trang 190.

Cà khịa chữ nghĩa với ông này thì mệt lắm đấy. Ít ai sử dụng tiếng Pháp một cách rõ ràng, mạch lạc, chính xác và chặt chẽ như ông trong tác phẩm này. Nhưng đọc sách của ông thì mê tơi. Trong quyển sách này, những trang 184-188 duyệt sơ qua những lạm dụng "nguyên lý bất định" của các triết gia, lý thuyết gia trong khoa học nhân văn, nhà lý luận văn học, nghệ sĩ và… chính khách (Valéry Giscard d'Estaing, cựu tổng thống Pháp, cựu học sinh trường Polytechnique).



[xxi] Aux contraires, J-M Lévy Leblond, Gallimard, trang 130.

Những nhà vật lý đời nay thích gọi nó bằng "nguyên lý bất biến (không-thời-gian)", "principe d'invariance (spatio-temporel)" ! Thế thì còn "tương đối" nỗi gì ?



[xxii] Nói một cách khơi khơi, không chính xác theo chuẩn khoa học.



[xxiii] một lĩnh vực "nhỏ" thôi của con người trong kiếp nhân sinh, tuy nó đã chi phối hàng ngày toàn bộ cuộc sống của chính ta, cũng như điện nước và cơ giới cách đây không lâu. Quen dùng rồi thì chẳng còn thấy ghê gớm nữa. Không có nghĩa là những nhà lãnh đạo các quốc gia, nhất là còn đang chậm tiến, có quyền coi thường chuyện phát huy kiến thức khoa học và trí tuệ nói chung của dân chúng để, dựa vào nó, phát triển nhanh và lâu bền mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực này, chậm một ly, tụt hậu nghìn dặm. May thay, trong lĩnh vực này, có thể "đốt giai đoạn" được. Cứ coi Nam Hàn thì thấy. Lévy-Leblond cũng có lý : để tiếp thu và sử dụng kiến thức khoa học, chỉ cần học và tin thôi, không cần phải suy nghĩ hung cho lắm ; để phát minh khoa học thì… không đơn giản như thế !



[xxiv] trí thức đủ ngành nghề và chính khách.



[xxv] nhà thơ, nhà văn, triết gia et tutti quanti.



[xxvi] Ôi, chỉ trong bài này thôi, tôi đã dùng từ "phải" 31 lần ! Bốn lần đáng nghi ngờ nhất lại thể hiện niềm tin của chính tôi. Chán thật…



[xxvii] You come, you profit, we all prosper By Hu Xiao (China Daily) Updated: 2005-05-17 06:52

http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-05/17/content_442834.htm